Wednesday, October 24, 2012

Trần lãi suất tiền gửi có lợi cho ai?

Hiện nay trên phương tiện thông tin đại chúng đều phổ biến quan điểm cho rằng nếu không áp trần lãi suất tiền gửi thì các ngân hàng sẽ đua nhau nâng lãi suất tiền gửi dẫn đến nâng lãi suất cho vay và gây khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn. Điều này hoàn toàn là phi lý và không có bất cứ cơ sở thực tế nào. Thứ nhất, các ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi thông thường là các ngân hàng gặp khó khăn trong thanh khoản nên phải nâng lãi suất để thu hút tiền gửi nhằm có tiền trả cho những người rút. Như vậy, lãi suất tiền gửi được nâng lên thì cũng không làm gia tăng lượng vốn khả dụng, tức là lượng tiền có thể cho vay của ngân hàng đó. Khi lãi suất tiền gửi không thể gia tăng vốn khả dụng thì cũng không ảnh hưởng đến cung tiền cho vay do đó không ảnh hưởng được đến lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Thứ hai, trong trường hợp một số ngân hàng nâng lãi suất huy động tiền gửi thì các ngân hàng khác dồi dào thanh khoản cũng nâng lãi suất theo, nhưng chính các ngân hàng này cũng thừa nhận là việc nâng lãi suất chỉ để giữ chân khách hàng, tức là không làm gia tăng vốn khả dụng. Ngay cả trong trường hợp các ngân hàng lớn thu hút được nhiều tiền gửi hơn làm tăng thêm vốn khả dụng thì họ cũng không thể nâng lãi suất cho vay nếu như doanh nghiệp không gia tăng nhu cầu vay vốn, thậm chí trong trường hợp đó họ có thể còn phải giảm lãi suất cho vay để tìm kiếm khách hàng mới cho số tiền mới huy động được. Người ta cũng có thể phản bác điều này bằng cách đưa giả định có doanh nghiệp sẵn sàng vay vốn nên ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất cao tương ứng để cho vay, nhưng điều đó có nghĩa là lãi suất cho vay tạo ra lãi suất huy động tiền gửi cao, chứ không phải là ngược lại. Tóm lại, lãi suất huy động tiền gửi hoàn toàn không thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay.

Các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản thường xuyên khi phải huy động tiền gửi với lãi suất cao sẽ gặp rủi ro lớn. Họ phải vay lãi suất cao nhưng không thể cho vay thêm, chi phí cao dẫn đến lợi nhuận sút giảm, điều này nếu kéo dài sẽ làm họ thua lỗ và thậm chí phá sản. Ngân hàng nhà nước áp dụng trần lãi suất huy động tiền gửi, lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường tự do và cố định, chính là để bảo vệ các ngân hàng thiếu thanh khoản khỏi rủi ro. Việc áp trần lãi suất khiến các ngân hàng thiếu thanh khoản sẽ không huy động được đủ vốn từ thị trường nên bắt buộc phải vay trên thị trường liên ngân hàng hoặc vay Ngân Hàng Nhà Nước. Vay trên thị trường liên ngân hàng thì sẽ không thể kéo dài được vì vốn khả dụng tạm thời nhàn rỗi của hệ thống ngân hàng không thể dồi dào như nguồn tiền gửi và thời hạn cho vay thường là rất ngắn, do vậy các ngân hàng thiếu thanh khoản thường xuyên sẽ phụ thuộc vào nguồn vay từ Ngân Hàng Nhà Nước, chính điều đó làm gia tăng quyền lực của Ngân Hàng Nhà Nước đối với hệ thống ngân hàng.

Ngân Hàng Nhà Nước bảo vệ các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản thường xuyên bằng trần lãi suất tiền gửi cũng tạo ra một hiệu ứng phụ đối với các ngân hàng trong hệ thống. Các ngân hàng có thanh khoản tốt có thể cho vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, mặt khác lại được huy động vốn với lãi suất trần thấp hơn lãi suất thị trường tự do, tức là sẽ có lãi lớn hơn. Điều này được thể hiện qua các báo cáo lãi khủng của nhiều ngân hàng trong thời gian trần lãi suất được duy trì.

Trần lãi suất tiền gửi cũng có mặt tiêu cực, người gửi tiền khi thấy lãi suất thấp hơn mức kỳ vọng thì họ sẽ rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng. Vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng sẽ bị suy giảm, do đó ngay cả khi lãi suất cho vay không thay đổi thì một số doanh nghiệp sẽ không thể vay được vốn. Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn vay để sản xuất kinh doanh, không phải vì lãi suất vay cao hay thấp mà vì ngân hàng không có đủ vốn để đáp ứng. Người gửi rút tiền ra khỏi ngân hàng thì sẽ mua sắm hàng tiêu dùng hoặc các tài sản có giá khác như vàng hay ngoại tệ mạnh. Ngân Hàng Nhà Nước muốn duy trì trần lãi suất huy động tiền gửi thì sẽ phải tìm cách ngăn chặn việc người gửi tiền rút tiền ra khỏi ngân hàng và mua sắm. Thị trường vàng và ngoại tệ hiển nhiên được Ngân Hàng Nhà Nước can thiệp để hạn chế sự gia tăng giao dịch, nhưng Ngân Hàng Nhà Nước lại không thể can thiệp vào thị trường hàng tiêu dùng, do đó nhu cầu hàng tiêu dùng sẽ gia tăng.

Tóm lại, duy trì trần lãi suất huy động tiền gửi trong một thời gian dài thì có lợi cho hệ thống ngân hàng, có lợi cho ngân hàng nhà nước trong việc kiểm soát hệ thống ngân hàng nhưng sẽ dẫn đến việc làm giảm nhu cầu tiết kiệm của dân cư và gia tăng tình trạng thiếu vốn của nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1) 8 năm thăng trầm lãi suất
2) Thống đốc NHNN: Chưa thể bỏ trần lãi suất huy động
3) Ngân hàng lại chạy đua vượt rào lãi suất