Saturday, October 27, 2012

Ngân hàng có lợi gì khi huy động vàng?

Thị trường vàng đang rung chuyển sau khi nhà nước nắm độc quyền kinh doanh vàng miếng và buộc các ngân hàng chấm dứt huy động vàng. Tại sao ngân hàng huy động vàng? Tại sao Ngân Hàng Nhà Nước lại muốn chấm dứt điều đó? Tất cả những câu hỏi đó đều sẽ không thể trả lời được nếu không hiểu ngân hàng kinh doanh như thế nào với vàng.

Trong thời kỳ lạm phát cao và giá vàng gia tăng ổn định thì người dân thường chuyển các khoản tiền tiết kiệm của mình sang vàng, đó hoàn toàn là một việc bình thường và thiết thực để bảo vệ lợi ích của bản thân. Khi nhận thấy một khối lượng vàng lớn được tích tụ lại trong dân cư thì ngân hàng sẽ tìm cách khai thác khối giá trị đó để kinh doanh, việc huy động vàng ra đời trong bối cảnh như vậy.

Ngân hàng sẽ nhận vàng gửi của người dân và sử dụng số vàng đó vào việc kinh doanh khi hết hạn gửi thì người dân sẽ nhận lại số vàng đã gửi vào ngân hàng kèm theo một khoản tiền lãi nhất định tính theo giá trị bằng tiền của số vàng đã gửi tại thời điểm gửi vào. Nếu nhìn một cách hời hợt theo bề ngoài của quan hệ này thì ngân hàng hoàn toàn không có lợi gì khi huy động vàng mà thậm chí còn thiệt vì phải trả lãi suất. Khi vàng ở trong tay người dân chỉ là phương tiện tiết kiệm, còn ở trong tay ngân hàng thì là phương tiện kinh doanh, sẽ không thể hiểu được lợi ích của ngân hàng khi không dõi theo cách thức họ kinh doanh. 

1) Các mô hình kinh doanh của ngân hàng

Giả sử một ngân hàng huy động được 10 lượng vàng của người gửi với lãi suất 1,6%/năm, giá vàng tại thời điểm huy động là 47 triệu, lãi suất huy động tiền mặt là 9%, lãi suất cho vay là 14%. Ngân hàng sẽ kinh doanh như sau:

Cách thứ nhất: 

Ngân hàng có thể bán đi 9 lượng vàng để thu được: 9x47= 423 triệu, chỉ cần giữ lại 1 lượng để thanh toán cho người gửi đến hạn. 

Khi huy động 10 lượng vàng trị giá 10x47= 470 triệu với lãi suất 1,6% thì số tiền lãi ngân hàng phải trả cho người gửi là: 470x1,6%= 7,52 triệu. 

Ngân hàng thu được 423 triệu tiền mặt, số tiền này khi phải huy động tiền gửi là tiền mặt với lãi suất 9% thì khoản tiền lãi mà ngân hàng phải trả cho người gửi là: 470x9%= 42,3 triệu. Sở dĩ có con số 470 ở đây vì muốn có 423 triệu khả dụng thì ngân hàng phải huy động 470 triệu, tức là giữ lại 47 triệu để trả cho người rút tiền đến hạn.

Chênh lệch tiền lãi phải trả giữa huy động tiền mặt và huy động vàng là 42,3-7,52= 34.78 triệu.

Việc huy động vàng giúp ngân hàng có được nguồn tiền mặt với chi phí  thấp hơn huy động tiền mặt rất nhiều, tiết kiệm tới: 34,78/42,3 = 82,22%. 

Ngân hàng có thể đem số tiền 423 triệu cho vay với lãi suất 14% tức là sẽ thu được khoảng tiền lãi là: 423x14%= 59.22 triệu. Lợi nhuận khi huy động vốn bằng vàng sẽ là: 59,22 - 7,52= 51,7 triệu, trong khi đó lợi nhuận khi huy động vốn bằng tiền mặt là: 59,22 - 42,3 = 16,92 triệu, có thể dễ dang nhận thấy lợi nhuận khi huy động vốn bằng vàng cao gấp 3 lần lợi nhuận khi huy động vốn bằng tiền mặt.

Điều này giải thích tại sao các ngân hàng ưa thích huy động vốn bằng vàng. Tuy nhiên, cách kinh doanh này cũng có một khía cạnh bất lợi nhất định, đó là rủi ro về giá vàng. Khi giá vàng giảm thì ngân hàng đương nhiên có lợi nhưng khi giá vàng tăng thì ngân hàng sẽ bị giảm lợi nhuận vì phải mua vàng giá cao hơn để trả lại cho người gửi, có thể dễ dàng tính được mức giá vàng khiến các ngân hàng mất hết lợi nhuận: (423+ 51,7)/9 = 52,74 triệu. Giá vàng phải tăng từ 47 triệu lên 52,74 triệu, tức là tăng 12,2% thì mới làm cho lợi nhuận của ngân hàng bằng 0.

Cách thứ 2: 

Ngân hàng sẽ phát hành tín phiếu được đảm bảo bằng vàng, chứ không bán số vàng huy động được để lấy tiền mặt. Ngân hàng sẽ bán những tín phiếu ghi 1 lượng vàng cho người mua với giá 47 triệu và mua lại những tín phiếu này khi người đó muốn bán với giá vàng tại thời điểm thanh toán.

Với 10 lượng vàng trị giá 470 triệu huy động được thì ngân hàng có thể phát hành 100 tín phiếu với giá trị mỗi tín phiếu là 47 triệu, theo nguyên tắc đảm bảo 10% dự trữ như ở cách thứ nhất, số tiền ngân hàng thu được sẽ là 47x100= 4700 triệu.

Muốn huy động số tiền 4700 triệu này bằng tiền mặt thì ngân hàng sẽ phải trả khoản lãi là: 4700x9%= 423 triệu. Ở cách thứ nhất đã tính được chi phí huy động vàng là: 7,52 triệu, ngân hàng thông qua cách này đã tiết kiệm được: 423-7,52= 415,48 triệu. Khoản tiết kiệm được lên tới 98,22% tổng chi phí, cao hơn con số 82,22% ở cách thứ nhất rất nhiều.

Nếu ngân hàng cho vay khoản tiền 4700 triệu với lãi suất 14% thì tiền lãi thu được là 4700x14%= 658 triệu. Lợi nhuận sẽ là; 658 - 7,52 = 650,48 triệu.

Trong khi đó nếu huy động 4700 triệu với lãi suất 9% và cho vay 4230 triệu với lãi suất 14% thì ngân hàng chỉ thu được lợi nhuận là: 4230x14% - 423 = 169,2 triệu.

Có thể thấy lợi nhuận từ phát hành tín phiếu đảm bảo bằng vàng cao gấp 3,84 lần so với huy động tiền mặt. Trong cách kinh doanh thứ hai này ngân hàng cũng có thể gặp rủi ro khi giá vàng tăng lên, trường hợp khiến cho lợi nhuận của ngân hàng bằng 0 là khi, giá vàng tăng lên mức: 47 + (50,48/10) = 52,048 triệu, tức là giá vàng phải tăng lên 11,66 %.

Tổng kết lại các trường hợp:

- Lợi nhuận của ngân hàng khi huy động vốn bằng tiền mặt: 16,92 triệu

- Lợi nhuận của ngân hàng khi huy động vàng, bán lấy tiền và cho vay: 51,7 triệu, mức độ rủi ro liên quan đến giá vàng tăng 12,2%

- Lợi nhuận của ngân hàng khi huy động vàng và phát hành tín phiếu: 650,48 triệu, mức độ rủi ro liên quan đến giá vàng tăng 11,66%.

2) Tại sao Ngân Hàng Nhà Nước buộc các ngân hàng ngừng huy động vàng?

Việc huy động vốn vay bằng vàng đem lại cho ngân hàng lợi nhuận rất lớn so với việc huy động tiền mặt. Điều này hoàn toàn trái ngược với những quan điểm nông cạn cho rằng việc huy động vàng làm thiệt hại cho ngân hàng. Với phương pháp phát hành tín phiếu thì ngân hàng có thể tiền tệ hóa vàng miếng và cung cấp một lượng vốn rất lớn để đáp ứng cho nhu cầu của nền kinh tế. Ngân Hàng Nhà Nước hoàn toàn nắm rất rõ điều này.  

Rủi ro duy nhất mà ngân hàng khi huy động vàng đó chính là vấn đề giá vàng, trong trường hợp giá vàng đột ngột tăng hoặc giảm mạnh. Song với việc các ngân hàng tính toán các thời hạn huy động vàng một cách hợp lý thì rủi ro từ việc tăng giá vàng không phải là quá lớn. Mặt khác các ngân hàng còn có tài khoản vàng tại thị trường quốc tế để tiến hành các nghiệp vụ tự bảo hiểm về giá vàng, nên rủi ro là có thể kiểm soát được. Có thể thấy rủi ro về giá vàng không phải là nguyên nhân lớn nhất của việc nhà nước cấm ngân hàng huy động vàng.

Một khả năng rất lớn có thể xảy ra là sau khi nắm độc quyền kinh doanh vàng miếng, đưa vàng miếng vào dự trữ ngoại hối quốc gia theo như khoản 2 điều 16 của nghị định 24/2012/NĐ-CP, thì nhà nước sẽ nắm lấy các quỹ dự trữ vàng và độc quyền phát hành các tín phiếu đảm bảo bằng vàng. Quyền huy động vàng của các ngân hàng cần phải được chấm dứt sẽ hoàn toàn là dễ hiểu. Các ngân hàng có thể không vay vàng của dân cư để kinh doanh nữa, song không có gì ngăn cản họ mua vàng rồi phát hành tín phiếu cho số vàng đó, tất nhiên phương án đó tốn kém hơn nhiều so với việc vay vàng, nhưng vẫn còn tốt hơn là không có vàng để phát hành tín phiếu. Do vậy, bước tiếp theo có thể thấy được trong lộ trình nắm quyền tiền tệ hóa vàng miếng của nhà nước là đánh thuế thật cao với việc mua bán vàng để ngăn chặn việc các ngân hàng mua vàng và giữ vàng.

Vấn đề cần làm rõ là tại sao nhà nước lại muốn độc quyền tiền tệ hóa vàng miếng, việc đó giúp nhà nước thu được một nguồn tiền lớn từ tay các ngân hàng nhưng mục tiêu của nhà nước không phải là kinh doanh. Điều này không thể giải thích bằng chính quan hệ vay mượn vàng mà cần được nhìn nhận trên một góc độ rộng hơn. Nhà nước đã áp trần lãi suất huy động tiền gửi trong một thời gian dài nhằm bảo vệ hệ thống ngân hàng, để duy trì được trần lãi suất đó thì nhà nước cần có một nguồn tiền rất lớn bơm vào hệ thống ngân hàng. Kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, các nguồn thu của nhà nước bị co hẹp, trái phiếu chính phủ khó phát hành thậm chí còn bị ế, dự trữ ngoại tệ cũng giảm nhanh do xuất khẩu giảm sút, tất cả những điều đó cho thấy phương án nắm lấy quyền tạo tiền từ vàng là khả thi hơn cả để tiếp tục bảo trợ cho hệ thống ngân hàng.

Trong hệ thống ngân hàng hiện nay có sự phân chia thành hai nhóm: Các ngân hàng yếu về thanh khoản cần sự bảo trợ của nhà nước để tiếp tục tồn tại,  nhóm kia là các ngân hàng mạnh có khả năng tự huy động vốn tiền mặt hay vàng thậm chí đủ uy tín để phát hành tín phiếu trên số vàng huy động được, nhóm thứ nhất không thể cạnh tranh được với nhóm thứ hai trong việc huy động vốn dù là tiền mặt hay vàng. Nhà nước muốn nắm lấy quyền tiền tệ hóa vàng miếng thì sẽ phải tước cái quyền đó từ tay các ngân hàng mạnh. Những vụ án bất ngờ gần đây liên quan đến các ngân hàng lớn, tin tức dồn dập trên phương tiện truyền thông đại chúng về nợ xấu, sự lũng đoạn của các chủ ngân hàng, sở hữu chéo, gian lận tài chính, thua lỗ do vay và kinh doanh vàng, sự yếu kém của hệ thống ngân hàng.. tình cờ đã giúp cho nhà nước có cơ hội rất lớn để thực hiện việc nắm lấy quyền kinh doanh vàng.

Việc nhà nước hạn chế người dân sở hữu vàng miếng và đánh thuế cao trên giao dịch vàng miếng sẽ giúp nhà nước nắm độc quyền kinh doanh vàng, độc quyền tạo tiền từ vàng và ngăn chặn các ngân hàng tự do tạo tiền từ vàng, nhưng hoàn toàn không ngăn chặn được người dân giao dịch vàng miếng tự do khi nhu cầu tích trữ vẫn còn. Một thị trường chợ đen về vàng miếng chắc chắn sẽ hình thành, người dân giao dịch trên thị trường chợ đen sẽ không nhận được sự bảo vệ thích hợp của pháp luật và sẽ phải chịu tất cả mọi nguy cơ rủi ro từ các giao dịch đó.