Monday, April 28, 2014

Kẻ khờ, kẻ mị dân và cựu đại tá KGB

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "The fool, the demagogue and the former KGB colonel" đăng trên tạp chí Z của giáo sư kinh tế, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế danh tiếng người Mỹ Edward S. Herman. Bài viết đã phân tích sâu sắc các lập luận so sánh trường hợp Kosovo với Crimea của tổng thống Hoa Kỳ Obama và tổng thống Nga Putin. 

Kẻ khờ là John Kerry, người tỏ ra tệ hại khi cấp tốc chạy qua lại giữa Washington và Tel Aviv để cố thu xếp một thỏa thuận “khung” giữa Israel và người Palestine nhằm cho thấy bước tiến trong những nỗ lực của người trung gian đáng mến, tấn công Nicolas Maduro của Venezuela về “chiến dịch khủng bố chống lại dân chúng”, và tất nhiên lên án Nga về “việc xâm lược” đối với chính phủ-đảo chính của Ukraina. Luận điểm của ông ta rằng “Trong thế kỷ 21 thì anh không thể hành xử theo kiểu thế kỷ 19, như việc xâm lược quốc gia khác với cái cớ hoàn toàn bịa đặt”, gợi nhớ đến chủ nghĩa Orwell cổ điển và có thể là điểm nhấn trong cuốn sách tương lai của ông ta. Điểm nhấn của ông ta đã trở thành đối tượng của nhiều câu chuyện chế giễu và trò cười trong truyền thông đối lập, nhưng truyền thông chính thống đã đưa tin một cách nghiêm chỉnh và không biến nó thành trò đùa hay dựa vào đó để làm mất mặt ông ta (cũng giống như đã không làm mất mặt Madeleine Albright về tuyên bố của bà ta trên truyền hình quốc gia rằng giết hại 500,000 trẻ em Iraq thông qua việc cấm vận trong những năm 1990 – bà ta trợ giúp cho kiến trúc sư trưởng của cuộc cấm vận – “là đáng”).

Dĩ nhiên, có thể Kerry thực sự tin rằng ông ta nói sự thật, khi tiếp thu định đề xuất phát từ “chủ nghĩa ngoại lệ” Hoa Kỳ, những từ ngữ như “xâm lấn”, “xâm lược” và “luật pháp quốc tế” không thể áp dụng cho cảnh sát thế giới như chúng ta; và “cái cớ hoàn toàn bịa đặt”, như khi được Nga đưa ra, sẽ chỉ là sơ suất hay sai lầm có thể tha thứ hay đánh giá nhầm trong trường hợp chúng ta phạm phải. Sau cùng, tờ New York Times nhanh chóng sử dụng từ “xâm lược” trong xã luận về sự kiện Crimea (“Cuộc xâm lược của Nga”, March 2, 2004), trong khi không bao giờ sử dụng từ đó để mô tả cuộc xâm lược - chiếm đóng ở Iraq, cũng như không bao giờ sử dụng các từ ngữ như “Hiến Chương Liên Hiệp Quốc” hay “luật pháp quốc tế” trong 70 bài xã luận về Iraq từ 11 tháng 12 năm 2011 đến 21 tháng 3 năm 2003 (Howard Friel and Richard Falk, The Record of the Paper)

Một chút tinh vi hơn, nhưng có tính toán, không trung thực, đạo đức giả, thường xuyên lố bịch, và mị dân hơn là ngôn từ của Tổng thống Barack Obama, phát biểu ở Bỉ, khi ông ta cố gắng chứng minh lời buộc tội đầy đạo đức giả rằng Tổng thống Nga Putin đã sai lầm khi đả kích sự lên án của phương Tây về việc bỏ phiếu độc lập của người Crimea và sau đó là Crimea sáp nhập vào Nga (“Remark by the Presiden in Address to European Youth”, Brussels, March 23, 2014). Thật thú vị khi xem cái cách kỳ quặc mà ông ta xuyên tạc lịch sử với các nhận định cá nhân. Theo Obama thì các cha lập quốc của chúng ta đã đưa ra trong “văn bản lập quốc” công thức tuyệt đẹp là “tất cả đàn ông – và – đàn bà đều được bình đẳng”. Dường như ông ta đã quên mất chế độ nô lệ cũng như 3/5 giá trị của mỗi nô lệ có thể đem thế chấp ở miền Nam và phụ nữ không có quyền bầu cử cho đến tận thế kỷ 20. Ông ta nói về lý tưởng “thông tin không bị kiểm duyệt” sẽ cho phép “các cá nhân tự đưa ra quyết định”, nhưng đây cũng là người đàn ông đã làm mọi cách để kiểm soát dòng chảy thông tin và bắt những người tiết lộ thông tin phải trả giá đắt khi phá vỡ bức tường bảo vệ sự bí mật của chính quyền.

Obama kinh ngạc với “niềm tin của một số người rằng các quốc gia lớn hơn có thể bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn để đạt được điều họ muốn - câu châm ngôn bị phủ định đôi khi lại đúng”. Hoa Kỳ có ngân sách quân sự khổng lồ và hơn 800 căn cứ quân sự không phải để bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn mà là bảo vệ an ninh quốc gia. Ông ta cũng nhấn mạnh rằng “những sự thật mâu thuẫn [của Nga] chỉ trong một vài tuần sau đó tự nó là bằng chứng cho… [bao gồm] các vấn đề luật pháp quốc tế”. Tuyên bố này thật trơ tráo khi các quan chức Hoa Kỳ (như Dean Acheson, Madeleine Albright) đã tuyên bố rằng họ không áp dụng luật pháp quốc tế một cách nghiêm chỉnh để sửa chữa chính sách của Hoa Kỳ; người tiền nhiệm của Obama là Gerge W. Bush đã lảng tránh bằng một câu đùa cợt: “Luật pháp quốc tế? Để tôi gọi luật sư đã; ông ta chưa cho tôi biết chuyện đó” – và chúng ta có thể quan sát hàng loạt các hoạt động thường xuyên, thậm chí gia tăng, vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm cả nhiều hoạt động được Obama tổ chức. Vi phạm luật pháp quốc tế là một chuyện hiển nhiên kiểu Hoa Kỳ.

Putin tất nhiên là liên hệ chuyện này tới Iraq, nhưng Obam trả lời Putin: “Hiện giờ, sự thật là cuộc chiến Iraq đã trở thành đối tượng tranh luận kịch liệt khắp thế giới, cũng như ở Hoa Kỳ. Tôi đã tham gia vào cuộc tranh luận và phản đối can thiệp quân sự. Nhưng ngay cả ở Iraq, Hoa Kỳ cũng phải hành động trong phạm vi hệ thống quốc tế. Chúng tôi không đòi hỏi hay sáp nhập lãnh thổ Iraq. Chúng tôi không khai thác tài nguyên của họ cho bản thân. Thay vào đó chúng tôi kết thúc cuộc chiến cũng như rút quân khỏi Iraq và nhà nước Iraq đầy đủ chủ quyền có thể đưa ra quyết định về tương lai của họ”.

Chúng ta có thể lưu ý tới cách lảng tránh nực cười về vấn đề “luật pháp quốc tế”, điều mà ông ta nói thực sự “vấn đề” trong hoạt động của Nga, nhưng lại lảng tránh trong trường hợp của Hoa Kỳ. Khái niệm “tranh luận kịch liệt” mà ông ta đề cập không chỉ không liên quan tới câu hỏi về vi phạm luật pháp, mà còn là dối trá, cũng như cần phải khẳng định rằng Bush và nhóm cố vấn nhỏ của ông ta đã quyết định tấn công Iraq từ rất lâu trước khi có bất cứ cuộc tranh luận công khai nào về chủ đề đó và họ dựa vào “vũ khí hủy diệt hàng loạt” để biện minh cho cuộc chiến. Đó là cuộc xâm lược dựa trên một lời dối trá và hoàn toàn là “cái cớ bịa đặt”. Về việc “hành động trong phạm vi hệ thống quốc tế”, Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là nền tảng của hệ thống quốc tế và cuộc xâm lược là sự vi phạm trắng trợn những điều khoản chủ chốt của Hiến Chương. Ông ta lập luận rằng chúng ta không ăn cắp tài nguyên của họ và hiện tại đã rút quân. Ông ta không chỉ ra rằng chúng ta rút quân sau nhiều năm giết chóc và phá hủy, chính hành động của chúng ta đã tạo ra sự phản kháng, sự phản kháng ấy đã đủ mạnh để đẩy lùi chúng ta. Ông ta đã quên lưu ý rằng vi phạm luật pháp quốc tế chính yếu nhất của chúng ta ở Iraq là trách nhiệm về cái chết của một triệu người, về bốn triệu người tị nạn, về sự phá hoại khổng lồ đối với cơ sở vật chất. Trái lại, hành động khủng khiếp của Nga ở Crimea dường chỉ dẫn đến nửa tá xác chết.

Obam cũng không chỉ ra rằng Iraq ở rất xa Hoa Kỳ và việc Hoa Kỳ tấn công vào đó được coi là “cuộc chiến của sự lựa chọn”, hoàn toàn không có liên quan gì tới bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ. Crimea, trái lại, rất gần gũi với Nga, dân chúng có ngôn ngữ và văn hóa gần với Nga, vùng đất của họ là căn cứ hải quân chủ chốt của Nga, và cuộc đảo chính ở Kiev, được tổ chức với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và các quyền lực NATO khác, tạo ra sự đe dọa đối với an ninh của Nga. Lãnh đạo của họ buộc phải hành động bởi cuộc đảo chính và mối nguy hiểm đối với căn cứ hải quân, hành động của họ có thể coi là phòng vệ và là “cuộc chiến của sự cấp thiết”.

Cuộc trưng cầu dân ý của Crimea, đã thu được đa số phiếu tuyệt đối cho phép Crimea tách khỏi Ukraina và sáp nhập vào Nga, là một thủ tục dân chủ và phù hợp với nguyên tắc tự quyết. Obama và những người cùng phe lại coi điều đó là xâm phạm chủ quyền của Ukraina và vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng ta thấy ở đây có hai nguyên tắc không phù hợp với nhau, Hoa Kỳ và liên minh chọn nguyên tắc phục vụ cho lợi ích của họ, và Nga lại chọn nguyên tắc khác. Nhưng Putin chỉ ra rằng trong trường hợp Kosovo, một phần lãnh thổ của Serbia, liên quân NATO đã hỗ trợ cho sự ly khai dựa trên nguyên tắc tự quyết. Obama cố gắng phản bác Putin về trường hợp Kosovo bằng cách lập luận “Nhưng NATO chỉ can thiệp sau khi người dân Kosovo bị khủng bố và giết hại có hệ thống trong nhiều năm. Và Kosovo chỉ tách khỏi Serbia sau một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cũng như hợp tác chặt chẽ với Liên Hiệp Quốc và các quốc gia láng giềng. Không hề có những điều tương tự diễn ra ở Crimea”. Nhưng NATO không chỉ “can thiệp”, họ tổ chức ném bom với quy mô lớn, đó là hành động vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và cả “luật pháp quốc tế” mà Obama viện dẫn. Obama lảng tránh sự thật là CIA đã huấn luyện lực lượng khủng bố KLA ở Kosovo một thời gian (và họ bị các quan chức Hoa Kỳ coi là “khủng bố”). Lực lượng KLA biết rằng những hành động khiêu khích sự trả thù của người Serbia sẽ đem tới cái cớ cho cuộc tấn công của NATO. Một ngày trước khi NATO ném bom, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Anh quốc tuyên bố trước nghị viện rằng KLA đã giết hại nhiều thường dân ở Kosovo hơn quân đội Serbia.

Obam cũng nói dối về cuộc trưng cầu dân ý ở Kosovo. Không có cuộc trưng cầu dân ý nào hết. Vào ngày 17 tháng 2 năm 2008, nghị viện Kosovo với đa số là người Albania công bố Tuyên Ngôn Độc Lập, và điều đó là đủ đối với Hoa Kỳ và các đồng minh thân cận, giờ thì thật đáng căm phẫn về cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea. Cuộc bỏ phiếu ở Kosovo diễn ra sau cuộc chiến của NATO và các hoạt động của người Albania ở Kosovo đã loại bỏ một số lượng lớn người Serbia và Rumania khỏi Kosovo.

Hoa Kỳ xây dựng một căn cứ quân sự khổng lồ ở Kosovo trong cuộc chiến và chiếm đóng Kosovo, mà không có sự đồng thuận của Serbia hay nhận được bất cứ phiếu bầu nào của người dân Kosovo cũng như Serbia. Nga có căn cứ hải quân ở Crimea theo một thỏa thuận dài hạn với chính phủ Ukraina. Họ không ném bom Ukraina để khai mạc trưng cầu dân ý và các lá phiếu cũng không bị các bất cứ cử tri địa phương nào bác bỏ hay không thừa nhận. Vậy nên, như Obama nói, không thể so sánh hai trường hợp đã nêu. Obama vẽ lên bức tranh tự do mà phương Tây yêu thích, với NATO là người lính canh nghiêm cẩn, với bóng tối và lực lượng của cái ác phía sau Bức Màn Thép bị đẩy lùi xuống các chiến hào.

“Hoa Kỳ và NATO không định tạo ra bất cứ xung đột nào với Nga… Kể từ khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh, chúng ta đã hợp tác với Nga với nhiều nhiệm kỳ thành công trong việc tạo dựng quan hệ chặt chẽ về văn hóa, thương mại và cộng đồng quốc tế”. Nhưng ông ta nhắc nhở rằng Nga phải là một quyền lực “có trách nhiệm”. “Nga có một lịch sử lâu dài với Ukraina nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể quyết định tương lai của Ukraina. Theo những nguyên tắc nền tảng hiện đang bị đe dọa – các quốc gia và dân tộc có thể tự lựa chọn – không có gì có thể đi ngược lại. Hoa Kỳ không đưa người biểu tình tới Maidan – đó là người Ukraina. Không có lực lượng nước ngoài nào kêu gọi công dân ở Tunis và Tripoli nổi dậy - họ tự mình làm việc họ muốn”. Obama quên không kể rằng từ khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh, NATO đã liên tục vi phạm cam kết của quan chức Hoa Kỳ là không tiến thêm “một inch” nào tới gần biên giới Nga, để bao vây Nga, gây sức ép lên biên giới của Nga, và hỗ trợ các lãnh đạo chính phủ vùng biên giới công khai thù địch với Nga. Việc phương Tây hỗ trợ chính phủ thù địch với Nga ở Ukraina được các quan chức Nga coi là các hành động thiếu thân thiện và đe dọa. Obama tuyên bố rằng chỉ có những người Ukraina biểu tình ở Maidan cho thấy bằng chứng, ngay cả khi một số trong đó bao gồm cả những thành phần bạo lực nhất nhận sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, và do đó tự mình “quyết định tương lai của Ukraina”. Điều hiển nhiên là thỏa hiệp về chính phủ lâm thời được đàm phán giữa các phe phái ở Ukraina, với sự hỗ trợ của Liên Minh Châu Âu, đã nhanh chóng bị người biểu tình bạo lực xé bỏ, trực tiếp dựng lên nội các đảo chính như sự lựa chọn số một của Victoria Nuland, và “Đ.m. EU” tiếp tục cố gắng dàn xếp cuộc xung đột một cách hòa bình. Chính phủ không được bầu cử sau đó đã bổ nhiệm các thành viên cánh hữu vào các vị trí chiến lược, thể hiện một chính quyền Ukraina không phải là “độc tài” Nga và đe dọa người Nga trong phạm vi Ukraina cũng như quốc gia Nga. Trong bối cảnh ấy, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea cho thấy một trường hợp quan trọng và công bằng khi nguyên tắc “người dân được tự lựa chọn” (Obama) được áp dụng.

Lập luận của phương Tây, và chủ yếu là của Hoa Kỳ rằng sự can thiệp và vai trò trong việc lật đổ chính quyền dân cử ở Ukraina là một dạng xâm lược được dùng để chống lại Nga, có thể cho thấy hành động của Nga chỉ là phản ứng lại sự xâm lược. Một phương thức hiện đại quan trọng trong các cuộc đảo chính được phương Tây tài trợ là thông qua sự khuyến khích, huấn luyện, cũng như hỗ trợ vật chất và tuyên truyền cho các nhóm đối lập để phá hoại và làm mất uy tín của chính phủ mục tiêu và đánh bật họ ra khỏi quyền lực. Chuyện đó được trưng ra dưới nhãn hiệu quan hệ công chúng “khuyến khích dân chủ”, nhưng thực tế là “phá hoại dân chủ”. Chuyện đó không chỉ diễn ra ở Bahrain hay Arab Saudi, mà còn cả ở Serbia, Ukraina và Venezuela. Chính phủ dân cử ở Ukraina đã bị lật đổ; chính phủ đảo chính thay thế họ không có bất cứ phiếu bầu nào. Trong phát biểu tại Brussels, Obama cho rằng “Các quốc gia Mỹ Latin từ bỏ chế độ độc tài và xây dựng các nền dân chủ mới”, nhưng ông ta quên không nói rằng những chế độ độc tài đó vốn được Hoa Kỳ tài trợ và trong khi ủng hộ chế độ chuyên chế ở Venezuela rất nhiều năm, Hoa Kỳ đã thù địch với nền dân chủ cánh tả Bolivia suốt hơn một thập kỷ; và trong khi Obama đang phát biểu ở Brussels thì chính phủ của ông ta đang thúc đẩy những người biểu tình bạo lực ở Caracas, lăng mạ Maduro, đe dọa trừng phạt, và hơn thế nữa theo mô hình “phá hoại dân chủ” truyền thống của Hoa Kỳ (See Kerry’s pugnacious statement of March 13, 2014 before the House Foreign Affairs Committee on “Advancing U.S. Interests Abroad: The FY 2015 Foreign Affairs Bud get.”)

So sánh phát biểu của Vladimir Putin trước toàn Liên Bang Nga vào ngày 18 tháng 3 năm 2014 về cuộc trưng cầu dân ý của Crimea với phát biểu về khủng hoảng của Obama vào ngày 23 tháng 3 tại Brussel là vô nghĩa – Putin đã thắng nốc ao. Điều này, tôi tin rằng, là kết quả của sự thật, Nga đang phải hứng chịu sự tấn công và sự đe dọa nghiêm trọng của Hoa Kỳ, họ bị buộc phải trở thành kẻ thù và chống cự khi Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng đế chế và không dung thứ cho các đối thủ. Chủ yếu là Nga và Trung Quốc, và các hoạt động của Hoa Kỳ - NATO đã biến Nga từ vị thế khách hàng dưới thời Yeltsin thành kẻ thù và “kẻ xâm lược” hiện nay. Thật đáng ngạc nhiên khi chứng kiến truyền thông chính thống và giới trí thức tảng lờ nguy cơ an ninh mà cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev gây ra đối với Nga, cũng như sự gia tăng của nguy cơ đó khi NATO mở rộng tới biên giới Nga. Tiêu chuẩn kép về xâm lược và luật pháp quốc tế thật kinh khủng. Putin nói một cách mỉa mai, “Trước hết, ít nhất là họ cũng nhớ ra rằng có luật pháp quốc tế - muộn còn hơn không bao giờ”. Putin diễn đạt ý của mình rất thông minh. Obama không bao giờ vui vẻ ở Brussels, bản thuyết trình đầy sáo ngữ và lầm lẫn của ông ta chỉ mang lại đau khổ. Ông ta bảo vệ những thứ không thể bảo vệ được và đối thủ của ông ta hoàn toàn vượt trội, cả về trí tuệ lẫn đạo đức.

Nhưng Putin là kẻ thua cuộc đối với truyền thông chính thống Hoa Kỳ. Tổng thống Nga là nạn nhân của quá trình hủy hoại tiêu chuẩn mà truyền thông chính thống áp dụng cho các đối thủ hay mục tiêu của nhà nước đế quốc. Putin thường xuyên được giới thiệu là “cựu đại tá KGB” – bạn có thể hình dung truyền thông Hoa Kỳ giới thiệu George Bush 1 là “cựu giám đốc CIA”. Tất nhiên mọi vết nhơ trong sự nghiệp của ông ta đều là thật – Chechnya, quyền của người đồng tính, sự yếu kém của nền dân chủ Nga và quyền lực của đám tài phiệt (mà ông ta thừa kế từ tổng thống được Hoa Kỳ ủng hộ, Yeltsin) – những điều đó được đưa tin thường xuyên. Nhưng cũng cần phải nhắc tới sự thật là Putin đại diện cho quyền lợi quốc gia Nga, xung đột với thế giới bên ngoài và lợi ích của tầng lớp tinh hoa đế quốc Hoa Kỳ.

Một minh họa nhỏ cho sai lệch này, chúng ta có thể xem xét truyền thông đưa tin về nhóm Pussy Riot, bị bắt giam sau khi hành động trong một nhà thờ lớn ở Moscow và được biến thành các vị thánh trên truyền thông Hoa Kỳ. Họ cho thấy sự tồi tệ của Putin và nước Nga. Tờ New York Times có 23 bài báo về nhóm Pussy Riot trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 năm 2014 đến 31 tháng 3, nhiều bài có ảnh nhóm này đi thăm quan các địa danh tại New York. Họ được gặp gỡ ban biên tập tờ New York Times, được tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Human Rights Watch và các tổ chức quốc tế khác vinh danh. Mặc dù họ không phải là ban nhạc hay và thường xuyên làm những việc khiến họ có thể bị tống vào tù ở Hoa Kỳ.

Một trong số họ, Maria Alyokhina, viết bài phản xã luận cho báo giấy (“Sochi Under Siege,” February 21). Hai sự tương phản đáng chú ý: John Mearsheimer, một nhà khoa học chính trị tại trường đại học Chicago và tác giả vài cuốn sách quan trọng về quan hệ quốc tế, viết trong mục phản xã luận “Getting Ukraine Wrong”, xuất bản vào ngày 14 tháng 3 trên tờ International New York Time, nhưng không phải là báo giấy. Thông điệp của ông ta quá sức chịu đựng NYT vì ông ta nói “Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng hiện nay là sự mở rộng của NATO… và được thúc đẩy bởi những khẳng định về địa chính trị có ảnh hưởng tới mọi quyền lực lớn, bao gồm cả Hoa Kỳ”. Đó không phải là ý kiến và phân tích phù hợp với báo giấy.

Một sự so sánh đáng chú ý khác: Vào tháng hai năm 2014, trong khi phiên toà và quan điểm của Pussy Riot đang nóng bỏng, nữ tu sĩ 84 tuổi, Megan Rice, bị tuyên án 4 năm tù vì tham gia vào phong trào chống vũ khí hạt nhân và có các hoạt động mang tính biểu tượng. Tờ New York Times đưa tin này cực ngắn trong mục tin vắn quốc gia với tiêu đề “Tennessee. Nữ tu sĩ bị kết án vì biểu tình hòa bình”. Rice không được mời tới thăm ban biên tập tờ NYT hay viết bài phản xã luận. Bản án của bà chỉ là tin tức không quan trọng.

No comments:

Post a Comment