Thursday, April 3, 2014

Tham nhũng ở Nhật Bản

Thật buồn cười khi báo chí nước nhà đang nhẩy bổ lên vì chuyện mấy người Nhật hối lộ quan chức ngành đường sắt để trúng thầu dự án nhưng lại không bao giờ chịu tìm hiểu phần chìm của tảng băng trôi là gì. Mặc dù bề ngoài Nhật Bản là một trong những nước có tình trạng tham nhũng thấp nhất thế giới, nhưng những vụ tham nhũng ở Nhật Bản lại cho thấy cái tỷ lệ thấp đó dường như được truyền thống chính trị bóng tối tạo ra chứ không phải là sự thật. Trong chính trị Nhật Bản có một thứ "bộ ba sắt thép" điều khiển tất cả, không phải là tam quyền phân lập như sự tuyên truyền của truyền thông, mà là doanh nghiệp lớn, chính khách của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và tầng lớp tinh hoa chính trị. Có lẽ không thừa khi nhắc tới cánh tay nối dài của hệ thống chính trị ấy, tổ chức mafia yakuza, một ví dụ là doanh nghiệp Nhật Bản đã thông qua yakuza để thuê mướn nhân công giá thấp trong việc dọn dẹp nhà máy điện nguyên tử Fukushima (theo nguồn Reuters).

Các tập đoàn lớn của Nhật Bản có truyền thống kiếm tiền qua vốn ODA của chính phủ Nhật, họ muốn bán máy móc và thầu xây dựng các cơ sở hạ tầng nên chính phủ Nhật Bản cung cấp ODA cho lĩnh vực ấy. Chính sách ODA của Nhật không phản ánh lợi ích của đa số người dân Nhật Bản và lại càng không đáp ứng lợi ích của nhân dân nước nhận ODA. Vì ngày nay các nước đang phát triển nhận ra rằng họ không cần những cơ sở hạ tầng đồ sộ chỉ để cho một nhúm nhỏ dân cư có điều kiện sử dụng mà họ cần chuyển giao kỹ thuật để thoát đói nghèo, cần các hệ thống an sinh xã hội, giáo dục, y tế và văn hóa để nâng cao mức sống của đại đa số người dân. Chính phủ Nhật Bản càng tăng ngân sách OAD bao nhiêu thì chính sách ODA của Nhật Bản lại càng trở lên thừa bấy nhiêu. Trong bối cảnh ấy, hối lộ là phương pháp chủ yếu mà người Nhật dùng để tạo ra và giành lấy các dự án ODA.

Nếu ai đó còn nghi ngờ về truyền thống hối lộ trong các dự án ODA của Nhật Bản thì hãy so sánh mức án chung thân mà ông Huỳnh Ngọc Sỹ phải nhận trong vụ tham nhũng tại dự án đại lộ Đông Tây với mức án nhẹ nhàng đến kỳ lạ của những người đã hối lộ ông ta, có bốn người Nhật bị kết tội và nhận mức án lần lượt là 2,5 năm, 2 năm, 1,5 năm và 20 tháng tù giam.

Hiện nay, bất chấp các cải cách tư pháp của Nhật Bản, nạn gian lận trong các dự án đấu thầu công khai của chính phủ vẫn diễn ra, tiếng Nhật gọi là kanshei dango. Các quan chức chính phủ sẽ dàn xếp để doanh nghiệp được họ ưu ái trúng thầu và quan chức sẽ nhận được tiền mặt, quà tặng có giá trị hoặc kỳ nghỉ hưu ở thiên đường, tiếng Nhật gọi là amakudari, tức là quan chức sau khi về hưu sẽ nhận được vị trí béo bở trong lĩnh vực kinh doanh mà họ quản lý, cụ thể là từ năm 2008 đến 2009 có 68 quan chức nghỉ hưu của Bộ Kinh tế, Thương Mại và Công Nghiệp (METI) đã nhận được các vị trí hàng đầu tại 12 doanh nghiệp cung cấp điện của Nhật, trong năm 2008 có 1757 quan chức về hưu nhận được việc làm tại các doanh nghiệp được chính phủ trợ cấp hay nhận được các hợp đồng của chính phủ. Mọi nỗ lực của chính phủ Nhật chống lại amakudari hầu như không thành công.

Trong suốt 15 năm kể từ khi được ban hành, điều 18 trong luật cạnh tranh của Nhật nhằm trừng phạt việc hối lộ quan chức nước ngoài để được nhận các hợp đồng chỉ được thi hành duy nhất có hai lần. Lần thứ nhất vào năm 2007, hai người Nhật bị buộc tội hối lộ hai quan chức Philippine dưới dạng thẻ sân golf và các quà tặng đắt tiền khác trị giá khoảng 8000 USD để giành được hợp đồng. Lần thứ hai vào năm 2009, bốn người Nhật bị buộc tội hối lộ quan chức Việt Nam số tiền 2,434 triệu USD nhưng tòa án chỉ xét xử 820,000 USD. Với vụ hối lộ quan chức Việt Nam mới diễn ra, Nhật Bản sẽ có vụ thứ ba, người ta sẽ đặt câu hỏi là quan chức Việt Nam thích nhận hối lộ hơn quan chức Philippine và Malaysia? Hay quan chức Việt Nam đòi hỏi hối lộ nhiều hơn quan chức Philippine và Malaysia vì số tiền họ nhận được nhiều hơn? Không có lý do nào rõ ràng về việc đó, nhưng điều rõ ràng là lợi nhuận từ các dự án ODA của Nhật ở Việt Nam cao hơn các nước khác, khiến cho người Nhật sẵn sàng chi nhiều tiền hơn. Đấy chính là điểm cần quan tâm về mặt kinh tế.

Có lẽ cũng cần phải điểm qua danh sách các vụ tham nhũng diễn ra ở Nhật Bản, người ta sẽ ngạc nhiên vì quy mô và sự tinh vi của chúng cũng như mức án nhẹ nhàng mà tòa án đã tuyên:

1. Vụ scandal đóng tàu năm 1954: Vào năm 1954, vụ scandal hối lộ số tiền khổng lồ cho các chính khách và quan chức chính quyền để thông qua một điều luật của năm 1953 cho phép các doanh nghiệp đóng tàu được vay dưới lãi suất thị trường đã góp phần làm sụp đổ nội các Yoshida. Nhưng chỉ duy nhất có một người trong số 71 người bị bắt phải ngồi tù. Một người tham gia vào vụ này là Sato Eisaku sau đó trở thành thủ tướng (1964-1972) và nhận được giải Nobel Hòa Bình.

2. Vụ scandal Lockheed năm 1976: Tại hội nghị thượng đỉnh giữa tổng thống Hoa Kỳ Nixon và thủ tướng Nhật Tanaka năm 1972, một thỏa thuận về nhập khẩu số lượng lớn máy bay Lockheed đã được thông qua. Khi chính phủ Miki lên nắm quyền, cựu thủ tướng Tanaka đã bị bắt vì nhận khoảng 500 triệu Yên từ Lockheed. 460 người trong đó có 17 nghị sĩ đã bị thẩm vấn. Không có ai bị tuyên án nhưng tên của 17 nghị sĩ bị công khai. Tanaka bị tuyên án sau hai phiên xét xử năm 1983 và 1987. Ông ta kháng án, nhưng đã chết năm 1993 khi thủ tục tái xử chưa kết thúc.

3. Vụ scandal của công ty Recruit năm 1988-1989: Vụ này tập trung vào Recruit Cosmos, một chi nhánh của tập đoàn Recruit. Có rất nhiều người tham gia, từ chính khách hàng đầu, công chức, đại diện các hiệp hội và truyền thông. Họ đã mua cổ phiếu của công ty trước khi nó được lên sàn nhằm bán lại để kiếm lợi. Tiền được dùng trong các hoạt động mua bán đó được một công ty tài chính thuộc tập đoàn Recruit cho vay không lãi suất. Đổi lại các công ty con của tập đoàn Recruit nhận được nhiều ưu ái của chính khách và quan chức. Trong vụ scandal này rõ ràng là không có cá nhân quan chức nào nhận tiền, nhưng hầu hết các chính khách quan trọng đã tham gia. Vụ việc đã khiến thủ tướng Takeshita phải từ chức năm 1989, nhưng cựu thủ tướng Nakasone và thành viên trong nội các Fujinami cũng can dự.

4. Vụ Kyowa năm 1991: Vụ việc này liên quan đến Abe Fumio ở Kyowa, một nhà sản xuất dầm thép. Abe là tổng thư ký khu vực Miyazawa của LDP. Abe cũng là người đứng đầu Ủy Ban Phát Triển Hokkaido và Okinawa. Thông qua một chính khách khác, Abe đã sắp xếp cho công ty thương mại Marubeni được xây dựng một sân golf ở Kyowa để nhận tiền hối lộ, việc này diễn ra dưới thời thủ tướng Suzuki. Sau khi bị cáo buộc tham nhũng, Abe từ chức tháng 12 năm 1991, bị bắt tháng 1 năm 1992 và bị kết án 2 năm tù vào tháng 5 năm 1994.

5. Vụ scandal Sagawa Kyubin năm 1991-1993: Công ty chuyển phát bưu kiện Sagawa Kyubin quyên góp một số tiền lớn cho các chính khách của đảng LDP phụ trách về vận tải cũng như các chính khách có ảnh hưởng trong các đảng khác. Sagawa Kyubin tăng trưởng thần tốc và mong muốn nhận được giấy phép cho dịch vụ bưu kiện toàn quốc. Điều đặc biệt trong vụ này là không chỉ các chính khách mà cả tổ chức tội phạm yakuza cũng nhận được tiền. Kanemaru Shin, phó tổng thư ký của LDP dính dáng đến vụ này khi tham gia tranh cử Takeshita Nobu, đã gây thiệt hại lớn cho uy tín của LDP.

6. Scandal trốn thuế năm 1993 liên quan đến Kanemaru Shin: Sau khi can dự vào vụ bê bối tài chính nêu trên, Kanemaru Shin bị khám nhà. Người ta tìm thấy 3,6 triệu Yên mà Kanemaru Shin không giải trình được, nên đã bị kết tội trốn thuế thu nhập.

7. Scandal tham nhũng Genecon năm 1993: Thị trưởng thành phố Sendai bị bắt năm 1993 vì cáo buộc nhận tiền hối lộ của các tổng thầu (genecon), là các doanh nghiệp xây dựng lớn. Vụ bê bối được mở rộng và dẫn đến các quan chức trong hội đồng quận trưởng của Ibaraki và Miyagi. Tháng 11 năm 1997, cựu bộ trưởng bộ xây dựng, Nakamura Kishiro bị tuyên án tham nhũng.

8. Vụ scandal Sokaiya năm 1997: Có bốn hãng môi giới lớn tham gia vào vụ việc là Nomura Shoken, Yamaichi Shoken, Nikko Shoken và Daiwa Shoken. Bốn hãng này bị cáo buộc trả tiền cho kẻ tống tiền ban giám đốc liên quan đến đại hội cổ đông. Sokaiya là kẻ tống tiền tại đại hội cổ đông, các hãng tống tiền thường mua một lượng cổ phiếu nhỏ của các công ty khác để trở thành cổ đông, sau đó cho người gây rối tại đại hội cổ đông để ban giám đốc của công ty kia phải trả tiền cho họ. Kẻ gây rối tại các đại hội cổ đông thông thường không phải là ai xa lạ, chính là các yakuza.

9. Vụ scandal năm 1996-1998 của tầng lớp tinh hoa chính trị: Đó là vụ bộ trưởng bộ Y tế và Trợ cấp Xã hội nhận tiền để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà cho người già. Liên quan vào vụ việc có cả các quan chức cao cấp của Ngân hàng Nhật Bản và các thanh tra của bộ tài chính. Những người này đã tuồn ra ngoài thông tin mật về kế hoạch thanh tra của những điều phối viên được ủy quyền.

Tất nhiên ngoài những vụ bê bối đã nêu còn rất nhiều vụ khác diễn ra gần đây mà người ta có thể dễ dàng tìm ra trên báo chí và mạng internet. Nhưng lịch sử cho thấy Nhật Bản luôn rất nhẹ tay với tội tham nhũng. Vốn ODA của Nhật Bản suy cho cùng là quá đắt, nhưng nó tuyệt vời đối với quan chức và doanh nghiệp Nhật Bản và quan chức ở các nước nhận viện trợ vì họ tiêu tiền, còn đối với nhân dân hai nước chỉ là gánh nặng còng. Hối lộ và tham nhũng là điều tồi tệ, song đằng sau là chính sách ODA không phục vụ cho lợi ích của đại đa số nhân dân, điều đó còn tồi tệ hơn gấp nhiều lần.

Tài liệu tham khảo:

1. Global Legal Inside: "Bribery and Coruption"; First Edition; Daiske Yoshida, Junyeon Park, Latham, Watskin: "Japan".

2. Wener Pascha: "Corruption in Japan-An Economist's Perspective"


4. Henry Laurence: "The Big Bag and Sokaiya"

1 comment:

  1. Nhật bạn là 1 đất nước hiện đại phát triển , và công bằng mà vẫn có tham nhũng thế này thì đúng là chẳng có nước nào ko có tham nhũng cả.
    ..............................................................................
    thép hòa phát | thép hộp mạ kẽm

    ReplyDelete