Saturday, April 12, 2014

Quốc Hội sai thì ai xử?

Mới đây ông chủ tịch Quốc Hội lại có một phát ngôn bất hủ: "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai". Có lẽ trong lúc vội vàng, ông chủ tịch Quốc Hội đã nhầm lẫn, Quốc Hội là cơ quan lập pháp tối cao của nhà nước vốn chỉ đại diện cho nhân dân chứ không phải là nhân dân. 

Đại diện của nhân dân sai thì nhân dân có thể xử lý, ít nhất là bằng lá phiếu bầu, cứ 5 năm một lần nhân dân sẽ phán xét mọi chuyện Quốc Hội làm là đúng sai hay hiệu quả thế nào, và phán xét từng đại biểu một.

Tại nhiều nước trên thế giới người ta có thể giải tán Quốc Hội ngay giữa nhiệm kỳ để bầu cử lại nếu xét thấy Quốc Hội đó không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Việt Nam chưa có cái lệ ấy, nhưng đã có tiền lệ là các đại biểu Quốc Hội có thể bị truất quyền đại biểu ngay trong nhiệm kỳ nếu vi phạm pháp luật, ví dụ như trường hợp của bà đại biểu Quốc Hội Đặng Thị Hoàng Yến. Vì vậy, minh bạch hóa quá quy trình làm luật và thông qua các chủ trương lớn của quốc gia, gắn với trách nhiệm cá nhân điều hoàn toàn có thể làm được.

Có lẽ Việt Nam có một đặc điểm khác với nhiều nước trên thế giới mà ít người để ý, đó là Đảng lãnh đạo. Đa số tuyệt đối đại biểu Quốc Hội là Đảng viên, thế nên nếu Quốc Hội làm sai thì Đảng có thể kỷ luật Đảng viên là đại biểu Quốc Hội và như vậy cũng là một cách kỷ luật Quốc Hội. 

Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đại biểu Quốc Hội hỏi về việc nếu Quốc Hội làm sai thì có kỷ luật ông chủ tịch Quốc Hội không. Câu hỏi ấy có lý của nó. Xét về mặt tổ chức, chủ tịch Quốc Hội không phải là người đứng đầu Quốc Hội, cũng chỉ là một đại biểu Quốc Hội như mọi đại biểu khác. Nhưng xét về mặt Đảng, chủ tịch Quốc Hội là có một ghế trong Bộ Chính Trị, cơ quan lãnh đạo cao cấp của Đảng, tức là có vị trí cao hơn các đại biểu khác rất nhiều. Trên bàn họp Quốc Hội tiếng nói của chủ tịch Quốc Hội với đại biểu cũng là tiếng nói của ủy viên bộ chính trị với các Đảng viên. Đó chính là vấn đề mà câu hỏi vô tình đề cập tới. 

Xét theo lẽ tự nhiên nếu Quốc Hội không làm tròn chức trách của mình thì bất cứ khi nào nhân dân dân cũng có thể giải tán Quốc Hội để bầu Quốc Hội khác. Cho dù có tiền lệ hay không có tiền lệ, thì đó là điều không thể tránh khỏi. Tốt hơn hết là Quốc Hội tự lựa chọn cách kỷ luật thay vì để nhân dân ra tay, bởi vì khi đó chỉ có một hình thức kỷ luật duy nhất.  


No comments:

Post a Comment