Thursday, May 9, 2013

Một phân tích về giá cả đất đai dựa trên học thuyết giá trị thặng dư

Dưới đây là một thử nghiệm ứng dụng học thuyết giá trị thặng dư để phân tích bản chất giá cả đất đai trong nền kinh tế thị trường.

1. Mô hình lý thuyết:

Đất đai không có giá trị mà chỉ có giá cả, giá cả của đất đai là do địa tô quy định. Mô hình phân tích sử dụng học thuyết giá trị thặng dư áp dụng cho trường hợp một nền kinh tế chỉ có tư bản sản xuất và đất đai, không tính đến các lĩnh vực phi sản xuất và lợi tức cho vay vì điều đó sẽ làm mô hình phân tích trở nên quá phức tạp mà lại không thể hiện rõ được mối quan hệ giữa tư bản sản xuất và giá đất.

Một nền kinh tế chỉ bao gồm tư bản sản xuất sẽ có tư bản ứng trước là c+v, với c là tư bản bất biến và v là tư bản khả biến. Nền sản xuất này tạo ra khoản giá trị thặng dư là m, tổng giá trị sản phẩm xã hội khi đó sẽ là Y=c+v+m.

Tư bản sản xuất cần phải thuê đất để hoạt động, do đó phải trả cho chủ đất khoản địa tô là r và giữ lại lợi nhuận là i, tức là m=r+i.

Theo quy luật san bằng tỷ suất lợi nhuận thì tỷ suất lợi nhuận thu được từ việc cho thuê đất phải bằng với tỷ suất lợi nhuận của tư bản sản xuất. Gọi giá của toàn bộ đất đai là L thì: r/L = i/(c+v). (3). Từ đó suy ra giá đất L = (c+v).r/i, ở trên đã giả định là m = r+i tức là i = m-r. Như vậy, giá cả của toàn bộ đất đai: L = (c+v).r/(m-r)

Kết quả cho thấy giá của toàn bộ đất đai trong một nền kinh tế là một hàm số tỷ lệ thuận với quy mô tư bản ứng trước (c+v), tỷ lệ thuận với tiền thuê đất r và tỷ lệ nghịch với giá trị thặng dư m.

2. Ứng dụng mô hình để giải thích một số trường hợp thực tế:

Trường hợp thứ nhất là giá đất rất cao trong khi tiền thuê đất lại thấp. Sử dụng công thức L = (c+v).r/(m-r) thì có thể giải thích rằng giá đất ở rất cao trong khi địa tô và lợi nhuận tăng không nhiều là do nền kinh tế thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài đổ vào sản xuất, tức là tư bản ứng trước c+v tăng đột biến. Đây có lẽ là trường hợp điển hình của các quốc gia có mức phát triển thấp mở cửa nền kinh tế đón nhận đầu tư nước ngoài. Các nhà kinh tế thường bất lực trong việc phân tích trường hợp giá đất tăng do quy mô tư bản ứng trước tăng lên, thông thường họ đổ tại đó là do đầu cơ đất đai và nhìn nhận trường hợp này là một trường hợp tăng trưởng thiếu bền vững.

Trường hợp thứ hai giá đất thấp trong khi quy mô tư bản ứng trước lớn và tiền thuê đất cao. Dựa vào công thức đã nêu thì có thể thấy rằng sản xuất đồng thời cũng tạo ra một khối lượng giá trị thặng dư rất lớn để kéo tụt giá đất xuống. Đây là trường hợp điển hình của các nền kinh tế phát triển. Trường hợp này thường được tán dương như là sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Trường hợp thứ ba là ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất khiến giá đất cao. Vẫn sử dụng công thức L = (c+v).r/(m-r) nhưng chia cả tử số và mẫu số vế bên phải công thức cho v, kết quả sẽ là L = (1+c/v).r/(m/v - r/v). Phần c/v chính là kết quả của việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hay nói cụ thể hơn là công nghệ được phát triển để làm gia tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản. Giá đất tỷ lệ thuận với c/v, do vậy c/v càng cao thì giá đất càng cao.

Ngoài ra, hoàn toàn có thể sử dụng công thức này để phân tích các giai đoạn biến đổi lớn của giá cả đất đai trong một nền kinh tế. Các giai đoạn đó chắc chắn là kết quả của nhau, do những sự biến đổi nội tại của sản xuất.