Friday, May 10, 2013

Tham nhũng có làm tăng giá bất động sản?

Bất động sản là một loại hàng hóa, vì vậy câu hỏi đúng sẽ là: Tham nhũng có làm tăng giá hàng hóa? Trước hết cần phải hiểu tăng giá là gì, ví dụ m2 đất có giá 10 triệu đồng sau đó tăng lên gấp 3 lần là 30 triệu đồng nhưng tiền vẫn phải giữ nguyên giá thì mới có thể coi là đất tăng giá, nếu đất tăng giá gấp 3 lần mà tiền mất giá 3 lần thì chả có nghĩa lý gì,tức là 30 triệu cũng chỉ có giá trị như 10 triệu trước kia. 

Thông thường người ta suy diễn như sau: Doanh nghiệp hối lộ quan chức một khoản tiền để được quyền lợi nhất định, sau đó mua các yếu tố đầu vào đem sản xuất rồi bán hàng hóa ra với giá thị trường cộng thêm khoản hối lộ. Do vậy, giá hàng hóa bán ra trong trường hợp có tham nhũng cao hơn trong trường hợp không có tham nhũng.

Nếu như doanh nghiệp có quyền tăng giá như vậy thì chủ doanh nghiệp có thể cộng vào giá bán hàng hóa không chỉ khoản hối lộ quan chức mà còn có thể cộng vào đó tiền đi du lịch, tiền mua xe siêu sang, tiền nuôi bồ nhí, tiền nuôi người giúp việc, tiền nuôi thú cảnh, tiền mua sắm đồ trang sức của vợ nữa. Không có bất cứ lý do nào để chủ doanh nghiệp không làm vậy cả, ngược lại chủ doanh nghiệp sẽ rất thích thú làm điều đó. Khi chủ doanh nghiệp làm vậy thì giá cả hàng hóa có thể tăng vô tội vạ, không có bất cứ giới hạn nào hết. 

Doanh nghiệp khi là người bán thì có quyền tăng giá vô tội vạ, nhưng doanh nghiệp không thể bán mà không mua. Doanh nghiệp buộc phải mua các yếu tố đầu vào như đất đai, máy móc và lao động trên thị trường. Khi doanh nghiệp đóng vai trò là người mua thì những người bán khác lại có cái quyền tăng giá. Người bán đất, bán máy móc hay bán sức lao động đều có thể cộng thêm vào giá bán không giới hạn những gì họ muốn. Suy luận theo kiểu tăng giá như vậy sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu hết.

Mỗi nền kinh tế là một vòng tuần hoàn khép kín. Doanh nghiệp mua hàng hóa đầu vào đem sản xuất rồi bán ra thị trường, những người khác trên thị trường bán cho doanh nghiệp hàng hóa đầu vào rồi lại mua hàng hóa đầu ra của doanh nghiệp. Tức là mỗi người bán đều là người mua, nếu khi bán họ tăng giá lên thì khi mua họ phải trả lại cái phần tăng thêm đó. Nếu giả định rằng doanh nghiệp nhờ vào quan chức tham nhũng mà có đặc quyền bán hàng hóa cao hơn hoặc mua hàng hóa thấp hơn giá thị trường thì cái mà doanh nghiệp được chính là cái mà những người khác trên thị trường mất, tức là giá trị hàng hóa thực tế cũng không tăng lên chút nào mà chỉ là phân bổ lại thu nhập giữa doanh nghiệp và những người khác, điều đó kéo dài sẽ dẫn việc những người khác phá sản hoàn toàn và doanh nghiệp chẳng thể bán được hàng hóa cho ai nữa. Nếu chỉ cần phân phối lại thu nhập thì doanh nghiệp và quan chức nhà nước cứ việc đè người khác ra mà thu thuế chứ chả cần phải nhọc công sản xuất rồi buôn bán làm gì.

Tham nhũng do vậy chỉ chia phần thu nhập với doanh nghiệp chứ không thể làm tăng giá hàng hóa được. Điều đó có nghĩa là tham nhũng chỉ chia phần lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chứ không làm tăng giá bất động sản. 

Tại sao cái điều nhầm lẫn đó không ngừng được lặp đi lặp lại trong giới chuyên gia kinh tế? Nếu tư duy một cách hợp lý thì người ta có thể thấy ngay rằng cái mưu toan đó chỉ để bảo vệ lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chứ chẳng liên quan gì đến giá bất động sản cả. Nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ! Các dự án bất động sản ở Việt Nam thường phải trải qua các thủ tục hành chính rất phức tạp và tốn thời gian, dựa vào các quan chức tham nhũng là cách duy nhất để có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án. Khi nạn tham nhũng bị xử lý thì cũng có nghĩa là các thủ tục hành chính sẽ diễn ra đúng theo trật tự của nó, như vậy sẽ hạn chế các số lượng các dự án bất động sản được cấp phép mới. Đây mới là điểm mấu chốt của vấn đề, hạn chế sự gia tăng nguồn cung dự án bất động sản sẽ giúp các dự án bất động sản hiện tại dễ bán hơn.