Thursday, May 16, 2013

Hạ lãi suất cho vay không có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế

Thông thường lập luận được đưa ra như sau: Ngân hàng hạ lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp vay thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thêm GDP cho nền kinh tế. 

Lập luận này dựa trên giả định cho rằng doanh nghiệp họat động vì lợi nhuận nên khi có cơ vội vay vốn với chi phí thấp hơn thì doanh nghiệp sẽ vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm tăng thêm lợi nhuận. Nhưng vấn đề là doanh nghiệp quyết định về đầu tư dựa trên tỷ suất lợi nhuận chứ không phải dựa trên lợi nhuận. 

1. Phân tích: 

Cần phải xem xét lập luận đó trong hai trường hợp cụ thể hơn.

1. Toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế vay vốn để đầu tư:

Khi lãi suất cho vay giảm xuống thì doanh nghiệp phải trả lãi ít hơn, phần dôi ra trở thành lợi nhuận mà không cần thay đổi chi phí cũng như doanh thu, tỷ suất lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp đều tăng lên, có nghĩa là tỷ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế cũng tăng lên đúng như vậy. Không doanh nghiệp nào có tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân để có thể quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh. Hạ lãi suất cho vay làm tăng lợi nhuận  của doanh nghiệp nhưng sẽ không có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế.

2. Một phần doanh nghiệp vay vốn, phần còn lại sử dụng vốn tự có: 

Tỷ suất lợi nhuận của những doanh nghiệp vay vốn sẽ tăng lên trong khi tỷ suất lợi nhuận của những doanh nghiệp sử dụng vốn tự có giữ nguyên. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận bình quân tăng lên song các doanh nghiệp vay vốn sẽ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân trong khi các doanh nghiệp sử dụng vốn tự có thì lại có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân. Các doanh nghiệp vay vốn sẽ vay thêm vốn để mở rông sản xuất kinh doanh trong khi các doanh nghiệp sử dụng vốn tự có sẽ thu hẹp sản xuất kinh doanh để chuyển sang các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vay vốn đi cùng với sự thu hẹp sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp sử dụng vốn tự có. Như vậy, hạ lãi suất cho vay không mang lại kích thích tăng trưởng kinh tế.

2. Vai trò của ngân hàng: 

Hai trường hợp được phân tích ở trên đều không nhắc tới vai trò của ngân hàng. Nếu có đưa ngân hàng vào phân tích cũng không có gì thay đổi nhiều. Ở trường hợp thứ nhất hạ lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động của ngân hàng không thay đổi thì tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng sẽ thấp đi trong khi tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên. Điều này sẽ dẫn đến vốn bị rút ra khỏi các ngân hàng và đầu tư vào các doanh nghiệp, tức là lãi suất cho vay sẽ lại bị kéo lên. Ở trường hợp thứ hai thì các ngân hàng sẽ trở thành kênh dẫn vốn từ các doanh nghiệp sử dụng vốn tự có sang các doanh nghiệp vay vốn.

3. Tác động thực của việc hạ lãi suất cho vay:

Tất cả những phân tích ở trên đều dựa trên giả định rằng tất cả các doanh nghiệp đều có cùng một cấu tạo hữu cơ của tư bản (Giá trị vốn cố định và nguyên vật liệu/ tiền lương), song trên thực tế các nhóm doanh nghiệp thường có cấu tạo hữu cơ của tư bản khác nhau. 

Trong trường hợp thứ nhất thì không có gì thay đổi. Trong trường hợp thứ hai thì vốn được phân bổ từ các doanh nghiệp sử dụng vốn tự có về các doanh nghiệp vốn vay. Tùy thuộc sự khác biệt về cấu tạo hữu cơ của hai loại doanh nghiệp này mà phân bổ nguồn lực qua vốn vay sẽ dẫn đến sự phân bổ lại nhu cầu về máy móc và nguyên vật liệu hay lao động. Ví dụ: Giả sử doanh nghiệp vay vốn có cấu tạo hữu cơ là 6/4 trong khi doanh nghiệp kinh doanh bằng vốn tự có có cấu tạo hữu có là 4/6. Nếu rút ra 10 đồng vốn từ doanh nghiệp thứ hai để chuyển sang doanh nghiệp thứ nhất thì nhu cầu về lao động sẽ giảm đi trong khi nhu cầu về máy móc và nguyên vật liệu tăng lên. Ngược lại nếu doanh nghiệp vay vốn có cấu tạo hữu cơ là 4/6 và doanh nghiệp sử dụng vốn tự có có cấu tạo hữu cơ là 6/4 thì sự phân bổ lại nguồn vốn sẽ làm tăng nhu cầu về lao động trong khi nhu cầu về máy móc và nguyên liệu giảm đi.

 4. Ý nghĩa của phân tích:

Xét trên phương diện kinh tế vĩ mô, tác động đến lãi suất cho vay của ngân hàng không đem lại tăng trưởng kinh tế song có thể thay đổi nhu cầu của nền kinh tế về vốn vật chất và nhân lực. Tức là hoàn toàn có thể dựa vào đó để thúc đẩy tạo công ăn việc mới làm hoặc gia tăng tiêu thụ máy móc và nguyên vật liệu, song hai yếu tố này mang tính đánh đổi có nghĩa là giải quyết công ăn việc làm sẽ dẫn tới giảm nhu cầu về máy móc và nguyên vật liệu hay ngược lại.

Tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ sử dụng vốn tự có với cấu tạo hữu cơ rất thấp (có nghĩa là sử dụng nhiều lao động hơn vốn) trong khi chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn sử dụng vốn vay với cấu tạo hữu cơ cao hơn. Việc hạ lãi suất cho vay sẽ chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp lớn và dẫn đến gia tăng nhu cầu về máy móc và nguyên liệu, phần lớn những thứ này Việt Nam phải nhập khẩu, tức là sẽ thúc đẩy nhập khẩu máy móc và nguyên liệu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tìm cách thu hồi vốn và đầu tư vào những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, do đó tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng. Song phần lớn các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn lại có nhiều rào cản, không dễ dàng gì có thể ngay lập tức đầu tư vào đó vì vậy các chủ doanh nghiệp nhỏ sẽ phải chờ đợi thời cơ bằng cách tạm gửi tiền của mình vào ngân hàng hoặc mua các tài sản có giá như vàng hoặc ngoại tệ, hạ lãi suất cho vay chắc chắn sẽ làm tăng giá ngoại tệ và vàng.