Saturday, January 11, 2014

Bàn về việc nghỉ lễ

Trên thế giới nhiều nước đã thực hiện chính sách làm việc 35 giờ một tuần.

Trên thế giới ở nhiều nước người lao động được nghỉ phép 34 ngày một năm chưa kể nghỉ lễ.

Những chính sách tốt cho quyền lợi của người lao động ấy sao không thấy được kêu gọi áp dụng ở Việt Nam? 

Ngược lại kỳ Tết cổ truyền đang được kêu gọi nhập với kỳ nghỉ Tết dương lịch trong khi người lao động Việt Nam chỉ có 12 ngày nghỉ phép mỗi năm và một tuần phải làm việc 45-50 giờ, thậm chí công nhân ở nhiều nơi phải làm việc gấp rưỡi số thời gian đó để có thể kiếm đủ tiền sinh sống.

Bởi đó là tiếng nói của giới chủ doanh nghiệp, họ muốn cắt giảm số ngày nghỉ của người lao động nhờ đó mà tăng thêm lợi nhuận.

Tầm mắt hạn hẹp của giới chủ doanh nghiệp chỉ quanh quẩn với số ngày người lao động phải làm việc trong năm, chỉ loay hoay với bộ máy hành chính quan liêu mà bất cứ ngày nào cũng có thể là ngày nghỉ lễ.

Tầm mắt thiển cận của giới chủ không bao giờ có thể thấy được điều đơn giản là một người làm việc trong hai giờ luôn tạo ra giá trị thặng dư thấp hơn so với hai người làm việc trong một giờ.

Giới chủ doanh nghiệp chỉ luôn tìm mọi cách trút gánh nặng kinh tế của họ lên lưng người lao động.

Bởi vậy giải quyết các vấn đề xã hội không bao giờ là xóa bỏ sự cản trở nào mà là giai cấp nào sẽ xóa bỏ nó và xóa bỏ theo cách nào.

Thursday, January 9, 2014

Lý thuyết về năng suất biên của tư bản: Một thất bại của kinh tế học.

1. Samuelson viết trong cuốn sách giáo khoa được phổ biến khắp thế giới về kinh tế học: the extra product or output added by one extra unit of that factor, while other factors are being held constant. Mọi sinh viên khoa kinh tế đều được dạy rằng số lượng đầu ra tăng thêm nếu một đầu vào được tăng thêm một đơn vị trong khi các đầu vào khác không đổi được gọi là năng suất biên của đầu vào đó. Giả sử hàm sản xuất có dạng Q=F(K,L) với K là tư bản và L là lao động thì năng suất biên của tư bản MPK=dQ/dK. Samuelson khẳng định lý thuyết năng suất biên không nhằm giải thích lương, địa tô hay hay lãi suất mà chỉ giải thích doanh nghiệp thuê các yếu tố sản xuất ra sao, dựa trên những giá cả đã được biết (M. Linder and J. Sensat, 1977).  

2.Một nhà kinh tế học nổi tiếng khác Joan Robinson vào năm 1950 đã chỉ ra lý thuyết về năng suất biên của tư bản gặp vấn đề về tổng hợp. Khái niệm tư bản được khoa kinh tế học dùng để đề cập tới những giá trị sử dụng cụ thể như máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, bất động sản..). Nhưng bản thân những hàng hóa vốn này xét trên phương diện giá trị sử dụng là hoàn toàn khác nhau, không thể có bất cứ điểm chung nào để tổng hợp lại thành một dạng hàng hóa vốn chung, tức là không có cách nào để tổng hợp được năng suất biên của tư bản nói chung. (F. Moseley, 2012)

3.Quá trình sản xuất bao giờ cũng là quá trình tạo ra giá trị sử dụng, khoa kinh tế học cũng thừa nhận điều này, song để tạo ra giá trị sử dụng thì ngoài vốn và lao động còn có tác động của những lực lượng tự nhiên nữa (K. Marx). Ví dụ canh tác lúa thì ngoài hạt giống, đất đai, phân bón, nước và công nhân thì số lượng hạt lúa tăng thêm còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố tự nhiên nữa, hoặc công nghiệp hóa chất phụ thuộc rất nhiều vào các quá trình tác động của tự nhiên. Nếu không thừa nhận năng suất biên của các lực lượng tự nhiên thì năng suất biên của tư bản là một điều hoàn toàn phi lý. Ngược lại nếu thừa nhận năng suất biên của các lực lượng tự nhiên thì khoa kinh tế học chưa bao giờ giải thích được phần năng suất biên ấy đã biến đi đâu. 

4.Lý thuyết năng suất biên của tư bản không thể giải quyết vấn đề nguyên liệu trong hàm sản xuất. Sản lượng đầu ra không thể nào tăng thêm nếu không tăng nguyên liệu cho dù các yếu tố đầu vào khác có tăng thêm bao nhiêu đi nữa. Xét từ phía cầu về tư bản, giá của nguyên vật liệu sẽ được tính bằng giá trị sản phẩm biên của nguyên liệu, tức là không thể xác định được giá của nguyên liệu. Phái kinh tế học tân cổ điển giải quyết vấn đề này bằng cách loại bỏ yếu tố vật chất và giả định rằng quá trình sản xuất là chỉ là quá trình làm tăng thêm giá trị. Song điều đó cũng không đi đến đâu cả, nếu bỏ qua giá trị sử dụng thì cũng không thể xét tới giá trị vì hàng hóa mang cả giá trị và giá trị sử dụng nên quá trình sản xuất là quá trình tạo giá trị sử dụng đồng thời tạo giá trị. Nếu không biết số lượng giá trị sử dụng ở đầu vào và số đầu ra thì tính toán giá trị hoàn toàn không có cơ sở nào hết (F. Moseley). Một điểm nữa cần được xem xét là các lĩnh vực sản xuất thường liên quan tới nhau, sản phẩm đầu ra của ngành này lại là nguyên liệu của ngành khác, vì vậy khi khoa kinh tế học thất bại trong việc giải thích vấn đề nguyên liệu thì đồng thời cũng thất bại trong việc giải thích quá trình sản xuất. Ví dụ lúa là sản phẩm của nông nghiệp và là nguyên liệu cho công nghiệp xay xát, khi không xác định được giá lúa thì cũng không thể giải thích được quá trình sản xuất nông nghiệp

5.Nếu tư bản là hàng hóa vốn mà doanh nghiệp sản xuất đã có sẵn thì sẽ không đi đến đâu cả. Khoa kinh tế học giả định rằng có những doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng hóa vốn và doanh nghiệp sản xuất phải thuê hoặc mua lại hàng hóa vốn. Do đó, hàng hóa vốn phải được sản xuất ra ở một chu kỳ kinh tế khác, khoa kinh tế học không có cách nào xác định được hàm sản xuất của hàng hóa vốn. Giá của hàng hóa vốn được cung cấp xác định bằng chi phí của doanh nghiệp cho thuê vốn cộng với lãi suất (hay còn được gọi là chi phí cơ hội-không có cách nào xác định được nguồn gốc của nó)). Điều này chỉ lặp lại sai lầm của các nhà kinh tế chính trị học cổ điển: Lợi nhuận là khoản cộng thêm vào giá thành. Hàm cung cấp yếu tố sản xuất hoàn toàn không thể xác định được (F. Moseley, 2012). Lãi suất không thể xác định được dựa vào năng suất biên của tư bản (như khẳng định của Samuelson) và cũng cần nói thêm là không thể được xác định bằng bất cứ cách nào khác.

6.Mọi doanh nghiệp đều phải tính tới chi phí cơ hội. Nhưng nếu các hãng cho thuê vốn trừ đi chi phí cơ hội thì lợi nhuận kinh tế của họ là số không. Trong dài hạn theo nguyên tắc tự do cạnh tranh các hãng cho thuê vốn sẽ cạnh tranh nhau và hạ giá cho thuê vốn xuống bằng chi phí, dẫn đến một điều phi lý khác là cầu về vốn không có ảnh hưởng gì giá cho thuê vốn. Điều nực cười là nếu lợi nhuận kinh tế của các hãng cho thuê vốn là không thậm chí còn âm trong dài hạn thì tại sao các hãng đó vẫn tiếp tục tồn tại. (F. Moseley, 2012).

7.Lý thuyết năng suất biên của vốn hoàn toàn mâu thuẫn với lý thuyết về tối đa hóa độ thỏa dụng. Theo lý thuyết về tối đa hóa độ thỏa dụng thì người mua hàng hóa sẽ đặt giá của hàng hóa bằng với độ thỏa dụng biên mà hàng hóa đó đem lại. Nhà tư bản khi mua hàng hóa thì anh ta không phải là người tiêu dùng vì không tuân theo quy luật tối đa hóa độ thỏa dụng mà tuân theo tối đa hóa lợi nhuận, tức là giá của hàng hóa vốn bằng năng suất biên của nó (M. Linder and J. Sensat, 1977). Khoa kinh tế học không thể giải thích được tại sao cùng một hành vi mua hàng hóa nhưng có hai quy luật khác nhau để xác định giá cả.

8.Lý thuyết năng suất biên của vốn thất bại hoàn toàn trong việc giải thích lợi nhuận thương nghiệp. Hàng hóa được thương nhân mua sau đó bán lại với giá cao hơn mà không cần bất cứ hoạt động sản xuất nào, tức là không làm thay đổi giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa. Áp dụng lý thuyết năng suất biên sẽ không thể thấy được nguồn gốc phần giá trị chênh lệch giữa giá cả đầu vào và đầu ra.

9.Hàng hóa vốn khi tham gia vào quá trình sản xuất thì giá trị sử dụng của nó bị mất đi, và một giá trị sử dụng khác được tạo ra. Cùng với sự mất đi của giá trị sử dụng thì giá trị của nó cũng mất theo, vì giá trị không thể tồn tại độc lập với giá trị sử dụng. Khi rèn một thỏi sắt thành cái búa thì giá trị của sắt không thể nào tiếp tục tồn tại trong cái búa, khi đó giá trị của sắt tồn tại bên ngoài giá trị sử dụng của sắt và giá trị của cái búa lại bao gồm cả giá trị của sắt. Khoa kinh tế học loay hoay với cái điều nực cười là giá trị có thể tồn tại độc lập với giá trị sử dụng và ngược lại giá trị sử dụng lại có thể bao gồm nhiều giá trị khác nhau. Sự phi lý đó là nguồn gốc của những thất bại mà khoa kinh tế học gặp phải trong trường hợp lý thuyết năng suất biên của tư bản.

10. Để kết luận về chủ đề này có thể mượn lời của giáo sư F. Moseley: If the choice between Marx’s theory and marginal productivity theory were made strictly on the basis of the standard scientific criteria of logical consistency and empirical explanatory power, Marx’s theory would win hands down.

Tài liệu tham khảo:

1-K. Marx, "The Capital", Chater 7 "The labour process and the process of producing surplus-value". epub prepared by Eduardo Brissos (2011) at marxist.org

2-Fred Moseley (2012) "A Critique of the Marginal Productivity Theory of the Price of Capital". Real-world economics review, issue no. 59

3-Marc Linder and Julius Sensat (1977) "The Anti-Samuelson", Volume 2, Chapter 18 "Marginal Productivity Theory". New York : Urizen Books.




Thursday, January 2, 2014

Xử lý nạn gia đình trị

Hôm ấy họp chi bộ thôn, đồng chí bí thư chi bộ liền phát biểu:

- Hiện nay, đang có dư luận đang là chế độ gia đình trị phình ra, dẫn đến mất dân chủ, mất đoàn kết, dẫn đến nạn cát cứ quyền lực, nói chung là rất nghiêm trọng. Cụ thể là như đồng chí hội trưởng chi hội phụ nữ thì em gái đồng chí ấy là chi hội phó, em rể là kế toán chi hội, con gái là ủy viên ban chấp hành. Hay như đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã có em rể là phó chủ nhiệm, cháu gái là kế toán. Những trường hợp như thế có thể kể ra rất nhiều. Chúng ta cần phải nhanh chóng giải quyết triệt để tình trạng này.

Phó bí thư chi bộ thôn liền phát biểu:

- Vâng, tôi xin hoàn toàn nhất trí với ý kiến của đồng chí bí thư. Nạn gia đình trị là không thể chấp nhận được, cần phải chấm dứt ngay lập tức. Song cũng xin các đồng chí lưu ý cho, nhận con em vào làm là hệ quả của cơ chế ưu tiên con em trong ngành, chúng ta xóa bỏ nạn gia đình trị nhưng cũng không thể xóa bỏ ưu tiên cho con em trong ngành. Nếu cứng nhắc quá thì con cháu chúng ta thất nghiệp hết.

Trưởng thôn mỉm cười:

- Xin các đồng chí bình tĩnh, việc gì cũng có giải pháp cả. Theo ý tôi thì thế này, từ mai đồng chí này sẽ nhận con cháu đồng chí kia vào làm và ngược lại. Ví dụ như hội phụ nữ sẽ nhận cháu gái chủ nhiệm hợp tác xã làm phó chủ tịch chi hội, và chủ nhiệm hợp hợp tác xã sẽ nhận em gái chủ tịch chi hội phụ nữ làm kế toán. Thế là chấm dứt việc người cùng một nhà làm cùng một chỗ. 

Mọi người liền vỗ tay ủng hộ ào ào. 

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)


Phóng viên báo Bán Bắp Cải đưa tin về dân chủ và nhân quyền

Một phóng viên báo Bán Bắp Cải được giao viết bài về tình hình dân chủ nhân quyền xứ nọ. Anh ta liền đến đó để phỏng vấn một số người.

Đầu tiên anh ta gặp thanh niên ngoài phố và hỏi: Anh có quan tâm đến dân chủ và nhân quyền không?

Anh thanh niên trả lời: Không, tôi chỉ quan tâm tới các cô gái đẹp thôi.

Sau đó, anh ta gặp một nhà bất đồng chính kiến và hỏi: Ông đấu tranh cho dân chủ nhân quyền như thế nào?

Nhà bất đồng chính kiến trả lời: Tôi hoạt động trên mạng internet.

Cuối cùng phóng viên đến gặp một nông dân và hỏi: Bác có quan tâm tới dân chủ và nhân quyền không?

Nông dân trả lời: Tôi nuôi lợn nên chỉ quan tâm tới lợn thôi.

Phóng viên báo Bán Bắp Cải liền viết bài như sau: Tình hình dân chủ nhân quyền xứ này rất đáng quan ngại. Nông dân lên mạng suốt ngày. Thanh niên mải nuôi lợn. Giới bất đồng chính kiến thì chỉ quan tâm tới gái.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)

Thursday, December 26, 2013

Viện trợ cho phong trào dân chủ

Một nhóm dân chủ đến gặp đại sứ Mỹ, kêu gào về tình trạng mất dân chủ mất nhân quyền rất lâm li bi thiết, yêu cầu nước Mỹ khẩn trương kề vai sát cánh hỗ trợ phong trào dân chủ đang bị đàn áp khốc liệt. Đại sứ Mỹ nghe xuôi tai liền nói sẽ trình bày tình hình với tổng thống Mỹ để tìm kiếm biện pháp thích hợp.

Vài ngày sau đại sứ Mỹ viết thư cho cả nhóm, thông báo rằng tổng thống Mỹ bày tỏ sự cảm thông sâu sắc và sẵn sàng viện trợ một khoản cần thiết để hỗ trợ phong trào. Dân chủ liền viết thư trả lời: Vậy thì các ngài hãy gửi ngay cho chúng tôi 1 triệu viên Viagra. 

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)

Friday, December 6, 2013

Lý do Alan Phan ngừng nói về kinh tế Việt Nam

Một lần Alan Phan vô tình gặp bầu Đức, liền vồn vã: Này, tôi có lời khuyên cho mớ bất động sản của ông đấy.

Bầu Đức liền trả lời: Vâng, tôi xin nghe.

Alan Phan nói tiếp: Ông nên hạ giá thật mạnh, giá càng rẻ càng tốt, mọi thứ sẽ ổn ngay.

Bầu Đức nói: Chà chà, lời khuyên nghe cũng có lý đấy, tôi phải trả ông bao nhiêu đây?

Alan Phan cười tươi: Ồ, có đáng gì đâu, ông không phải trả gì cả.

Bầu Đức hỏi lại: Ông có muốn biết kinh nghiệm kinh doanh của tôi không?

Alan Phan trả lời: Có chứ, tôi nghe đây.

Bầu Đức nói: Những thứ rẻ mạt thường có chất lượng kém, đừng bao giờ xài chúng.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)

Wednesday, December 4, 2013

Tiến sĩ Giáp Văn Dương và câu chuyện thầy bói xem voi

Người Việt Nam vốn rất quen thuộc với câu chuyện về năm ông thầy bói mù xem voi bằng cách mỗi người sờ một bộ phận của con voi. Đỉnh điểm của câu chuyện là năm ông thầy bói mù chả ai chịu ai, ai cũng cho quan niệm của mình về con voi là đúng và lao vào choảng nhau sứt đầu mẻ trán. Kết thúc câu là người quản tượng phải can ngăn nói rõ là con voi có nhiều bộ phận, mỗi ông mới chỉ xem có một bộ phận.

Nếu như giờ có ai đó kể câu chuyện thầy bói xem voi ấy khác đi. Ngay cả khi người quản tượng đã can ngăn và nói rõ về con voi rồi mà mấy ông thầy bói vẫn cho là mình có lý hệt như người quản tượng có lý, vẫn tiếp tục choảng nhau thậm chí còn choảng luôn cả người quản tượng nữa. Hẳn bạn đọc sẽ không coi đó là chuyện ngụ ngôn phê phán cách nhìn sự việc phiến diện nữa mà chuyện thành một câu chuyện cố chấp tào lao dớ dẩn.

Liệu có ai ngạc nhiên không khi tiến sĩ Giáp Văn Dương kể một câu chuyện cố chấp tào lao như vậy và được báo Vietnamnet đăng để giới thiệu cách dạy môn lịch sử trong nhà trường?

Phần 1: Về phương pháp luận

Câu chuyện kiểu thầy bói mù xem voi trong bài báo đó đây:

Cùng là một vật thể: chiếc cốc, nhìn từ bên cạnh là hình nón cụt, nhìn thẳng vào lòng cốc là hình tròn. Từ hai góc nhìn khác nhau đã có hai hình dạng khác hẳn nhau. Ai đúng, ai sai? Câu trả lời tất nhiên là không có ai đúng, mà cũng chẳng ai sai. Cả hai đều đúng, và cả hai đều sai. Đúng, theo góc nhìn của mình, nhưng sai do diễn giải của mình về cái cốc là phiến diện...

Với trường hợp cái cốc, chúng ta chấp nhận việc thấy cái cốc là hình nón hay hình tròn tùy theo góc nhìn là điều hiển nhiên. Nhưng với các sự kiện lịch sử, chúng ta lại thường không chấp nhận điều đó, và có xu hướng cho rằng chỉ có một diễn giải đúng. Diễn giải đó thường được coi là chính thống, được sự hỗ trợ của hệ thống, đặc biệt là truyền thông và giáo dục, nên được cho là chân lý, lấn át mọi diễn giải khác.


Các sự thật này đều bình đẳng với nhau theo cách riêng của chúng. Nhưng sự thật đúng nhất là sự tổ hợp của các sự thật cá nhân này. Không có cách nào tránh khỏi điều này, vì nếu không, sẽ rơi vào phiến diện và tranh cãi triền miên, như câu chuyện về cái cốc hình nón hay hình tròn đã nói.


Thứ nhất, khi người ta đã xác định được cái cốc là gì rồi thì không còn ai gàn dở đến mức độ khăng khăng cái cốc là hình tròn hay hình nón nữa. Các phỏng đoán về hình dạng cái cốc chỉ bình đẳng với nhau khi người ta chưa biết cái cốc là gì. Còn sau đó thì sự bình đẳng chỉ dẫn đến một câu chuyện nực cười.

Thứ hai, nếu coi các sự thật bình đẳng với nhau tức là cái cốc hình nón hay hình tròn có giá trị như nhau và sự thật đúng nhất là tổ hợp các sự thật thành phần thì tiến sĩ Giáp Văn Dương đã phủ nhận khả năng nhận thức được sự thật của con người, bởi vì mỗi sự vật hay hiện tượng đều là có vô hạn các góc nhìn khác nhau, do đó con người sẽ luôn chỉ có thể biết được sự thật một cách gần đúng. Nếu không phủ nhận khả năng nhận thức được sự thật của con người thì tiến sĩ Giáp Văn Dương lại vừa mới tạo ra siêu nhân, vì khi đó con người có khả năng đếm được số vô hạn (tức là tổng hợp được vô hạn các sự thật khác nhau)!

Thứ ba, tiến sĩ Giáp Văn Dương đã không giải thích tại sao các sự thật thành phần lại hợp với nhau thành sự thật đúng nhất được. Liệu đặt con voi và chung với cái chén thì có thành sự thật là cái chén có bốn chân hay không? Câu trả lời là không. Sự thật cuối cùng là cái chung nhất, cái bản chất, nó sẽ biểu hiện ra ngoài thành các hiện tượng cụ thể. Hay nói cách khác là bản chất sẽ quyết định hiện tượng và ngược lại hiện tượng sẽ phản ánh bản chất. Trí tuệ của con người phải phát hiện ra yếu tố thống nhất ấy chứ không phải làm trò quỷ thuật là tập hợp những quan niệm hỗn độn lại rồi gán cho chúng cái tên sự thật. Câu chuyện dân gian về thầy bói xem voi cũng đã phản ánh điều đó một cách tinh tế. Người quản tượng trong câu chuyện giải thích con voi có chân, tai, vòi, ngà chứ không nói là những bộ phận đó hợp lại thành con voi. 

Phần 2:  Về đối lập và bổ trợ:

Sự phát triển của khoa học, đặc biệt là vật lý học, đã cho thấy sự vật có thể mang những đặc tính hoàn toàn trái ngược nhau, như lưỡng tính sóng-hạt của ánh sáng chẳng hạn. Chính vì thế, Niels Bohr, một trong những nhà vật lý học vĩ đại của thế kỷ 20, đã phải thốt lên rằng: Đối lập là bổ trợ. Điều này có nghĩa, những diễn giải đối lập nhau không phải là để triệt tiêu nhau, mà bổ trợ nhau trong việc hình thành một nhận thức đúng của chúng ta về sự vật, tức càng giúp chúng ta tiến gần sự thật. Các góc nhìn càng phong phú thì cơ hội tiếp cận sự thật càng nhiều.

Phát hiện của vật lý học chính là chứng minh quy luật mâu thuẫn trong triết học, tính sóng và tính hạt của ánh sáng là hai mặt của một mâu thuẫn, hai mặt ấy cùng tồn tại và đấu tranh với nhau nhưng chúng lại có sự thống nhất với nhau. Tính sóng không triệt tiêu tính hạt và ngược lại. Vì không nắm được quy luật về mâu thuẫn nên tiến sĩ Giáp Văn Dương đã mắc vào cái bẫy ngụy biện như sau: tính sóng không phải tính hạt, tức là tính sóng đối lập với tính hạt, vì vậy đối lập là bổ trợ. Các diễn giải đối lập không triệt tiêu nhau, bổ sung cho nhau chỉ tồn tại nếu chúng phản ánh sự thống nhất khách quan. Không tuân thủ sự thống nhất ấy thì các diễn giải sẽ triệt tiêu nhau, và làm cản trở quá trình nhận thức.

Về phương pháp nhận thức thì đã đề cập ở trên, gom các góc nhìn khác nhau đó lại không dẫn đến phát hiện ra sự thật được, bởi vì chúng là vô tận, không ai có thể đếm số vô tận cả. Trong khoa học cũng như tư duy khi đối mặt với hàng sa số hiện tượng như vậy thì con người phải tìm kiếm mối liên hệ giữa chúng, chọn lấy những cái cần thiết và gạt bỏ cái không cần thiết, chứ không thể gộp chúng lại với nhau một cách bừa bãi.


...với các hiện tượng lịch sử luôn gắn liền với con người, nặng tính chủ quan và không lặp lại, thì việc chấp nhận các diễn giải khác nhau, hoặc trái ngược nhau, cần phải được coi là bình thường và cần thiết để tiến gần sự thật.

Mặc dù sự kiện lịch sử gắn liền với con người, bao giờ cũng thể hiện ra là hành động của con người, nhưng phía sau hành động ấy bao giờ cũng có những quy luật khách quan chi phối. Đó chính là yếu tố thống nhất phía sau các sự kiện, nghiên cứu lịch sử là để phát hiện ra những quy luật ấy từ đó xây dựng lên những mô hình tổ chức xã hội thích hợp. Nghiên cứu lịch sử không phải là đi cóp nhặt những cách diễn giải khác nhau để rút ra những "bài học làm người văn minh".

Phần 3: Về bao dung

Với Việt Nam, một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến liên miên, và nhiều vết thương vẫn còn gỉ máu, thì sự bao dung trong việc diễn giải lịch sử còn trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Vì chỉ có cách đó, chúng ta mới có thể chấp nhận được các diễn giải khác nhau về cùng một sự kiện. Và cũng chỉ có cách đó, sự thật của lịch sử mới được làm sáng tỏ phần nào.

Từ sai lầm trong phương pháp luận, tiến sĩ Giáp Văn Dương đã đi đến sai lầm trong khái niệm bao dung. Việc diễn giải lịch sử vô tội vạ không những không làm sáng tỏ được lịch sử, mà ngược lại còn dẫn đến kích động hằn thù giữa các nhóm khác nhau trong xã hội. Chính tiến sĩ Giáp Văn Dương đã viết ở một đoạn khác là: 

Khi cuộc chiến kết thúc, di sản lớn nhất mà nó để lại không hẳn là những tổn thất vật chất, mà là các diễn giải, hoặc khổ đau hoặc tự mãn, được lồng ghép với nhiều ý đồ khác nhau của người diễn giải, tạo ra những vòng xoáy vô tận.

Kết quả của các diễn giải thiên kiến, dù mang trên mình những chiếc áo mỹ miều của lòng yêu nước hay bản sắc quốc gia, cũng làm những đổ vỡ trong lịch sử, máu và nước mắt, sẽ theo những vòng xoáy này tàn phá lòng người, tàn phá thế hệ hiện tại. Qua cách đó, cuộc chiến sẽ không bao giờ kết thúc. Cuộc chiến chỉ chuyển sang một dạng khác, duy trì dưới một mầm mống khác có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Tức là tiến sĩ Giáp Văn Dương cũng không cho rằng bao dung là chấp nhận những diễn giải mang tính thiên kiến mà chỉ là những diễn giải khách quan thôi. Vậy tiêu chuẩn nào phân biệt thiên kiến và khách quan? Dựa trên bằng chứng lịch sử vì Chính các bằng chứng này là yếu tố quyết định diễn giải nào có nghĩa, và diễn giải nào là ngụy biện. Nhưng bằng chứng lịch sử theo phương pháp của tiến sĩ Giáp Văn Dương lại là tập hợp của vô tận các diễn giải khác nhau, tức là diễn giải lịch sử sẽ làm bằng chứng cho diễn giải lịch sử, một vòng luẩn quẩn không đến đâu cả. Như vậy, việc phân biệt diễn giải thiên kiến và khách quan cũng chỉ là trò đùa. Thậm chí cứ cho là tiến sĩ Giáp Văn Dương có thể trở thành siêu nhân, tức là nắm bắt được sự vô hạn của sự vật, thì làm sao có thể coi bằng chứng cho sự tồn tại của một góc nhìn là bằng chứng cho thấy góc nhìn đó phù hợp với sự thật?

Sự bao dung chỉ có thể xây dựng dựa trên tiêu chí tôn trọng sự thật, chỉ có như vậy mới giúp các cá nhân không xung đột với nhau nữa. Những ông thầy bói mù không đánh nhau nữa thì bởi vì người quản tượng nói cho họ biết sự thật về con voi, chứ không phải vì con voi là cái đuôi cũng được hay là cái vòi cũng được.

Phần 4: Kết luận

Phương pháp luận của tiến sĩ Giáp Văn Dương là tập hợp đơn giản các góc nhìn khác nhau thành sự thật, chính vì vậy đòi hỏi các góc nhìn khác nhau phải được tôn trọng như nhau và coi sự đối lập là bổ sung. Từ đó xây dựng quan niệm bao dung, tức là chấp nhận sự tồn tại của mọi góc nhìn. Phương pháp này chả có gì mới, nó chính là phương pháp thực chứng của nhà xã hội học người Pháp A. Comte, có từ xưa lắc và ngày nay khoa học hiện đại đã quên nó từ lâu. Thế nhưng tiến sĩ Giáp Văn Dương lại trưng bày nó như là phương pháp mới về dạy môn lịch sử trong nhà trường, cái mới của ông chỉ kéo lùi nhận thức của dân Việt Nam có hơn trăm năm chứ mấy.

Cái phương pháp cũ kỹ này có một lợi thế rất tuyệt vời là dựa vào nó người ta có thể xét lại rất nhiều thứ, đặc biệt là đối với lịch sử. Ban đầu người ta sẽ nhân danh tìm kiếm sự thật để lén lút đưa những diễn giải không liên quan thậm chí phủ nhận sự thật vào và rồi cuối cùng từ những diễn giải ấy phủ định luôn sự thật. Cái ảo thuật biến con voi thành cái cốc dưới nhãn mác khoa học là như vậy đấy.

Bài của tiến sĩ Giáp Văn Dương trên Vietnamnet