Saturday, April 13, 2013

Bàn về chính sách hỗ trợ cho vay nhà ở của Ngân Hàng Nhà Nước

Ngân hàng Nhà nước mới công bố dự thảo Thông tư Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02. Các đối tượng vay vốn bao gồm người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng thu nhập thấp mua nhà thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2. Doanh nghiệp xây nhà xã hội hoặc từ nhà thương mại chuyển sang nhà xã hội cũng thuộc đối tượng được ưu đãi.

Chính sách của Ngân Hàng Nhà Nước sẽ phải đối mặt với ba vấn đề thực tế sau đây.

1) Khó xác định chính xác đối tượng được hưởng hỗ trợ: 

Hệ thống kê thu nhập của Việt Nam chưa được hoàn chỉnh nên sẽ rất khó xác định được chính xác thu nhập của các đối tượng thuộc nhóm được hỗ trợ. Một nghiên cứu xã hội học năm 2012 của Thanh Tra Chính Phủ cho thấy 79% công chức và cán bộ được hỏi có thu nhập ngoài lương, có tới 11,5% số đó có thu nhập ngoài lớn hơn hoặc bằng 50% mức lương. Như vậy, việc hỗ trợ cho cán bộ công chức mua nhà hoàn toàn có thể rơi vào những đối tượng không cần được ưu đãi. 

2) Mục tiêu của chính sách khó có duy trì trong dài hạn:

Nhóm người có thu nhập thấp là nhóm dễ bị tổn thương trong dài hạn do thu nhập của họ chỉ đủ chi tiêu nên không có tích lũy. Tài sản có giá trị như nhà có thể bị bán đi  hoặc cầm cố lấy tiền chi tiêu cho những nhu cầu phát sinh bất thường như chữa bệnh, cho con cái đi học hoặc để sinh sống khi bị mất việc làm. Rõ ràng là nếu không có một hệ thống an sinh xã hội thích hợp thì việc duy trì một tài sản có giá trị đối với hộ gia đình có thu nhập thấp trong dài hạn là một việc không khả thi. Khoản cho vay hỗ trợ nhà ở có thể bị biến tướng thành trợ cấp y tế, trợ cấp thất nghiệp hoặc trợ cấp giáo dục trong trường hợp người dân bán nhà để chi tiêu.

3) Chính sách không hấp dẫn đối với ngân hàng:

Doanh nghiệp phải thu hồi vốn ngay để tiếp tục đầu tư do vậy sẽ cần tới trung gian của ngân hàng. Người có thu nhập thấp sẽ vay tiền của ngân hàng để mua nhà, nhưng người thu nhập thấp sẽ không có tài sản nào có giá trị để thế chấp mà cho vay tín chấp thì lại rất rủi ro đối với ngân hàng, giải pháp duy nhất là dùng chính căn nhà mua được đó để thế chấp cho ngân hàng. Hiện nay, thị trường bất động sản đang đi xuống, số lượng các khoản thế chấp bằng bất động sản nằm tại ngân hàng rất lớn vì vậy các ngân hàng có xu hướng hạn chế cung cấp tín dụng thế chấp bằng bất động sản. Chính sách hỗ trợ mua nhà cho người thu nhập thấp sẽ khó kiếm được ngân hàng chịu đứng ra cấp tín dụng. Mặt khác nhà ở xã hội thường có điều kiện mua bán rất chặt chẽ, khi đứng ra cấp tín dụng có thế chấp bằng nhà ở xã hội thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý rủi ro, ví dụ nếu người mua nhà không trả được nợ thì ngân hàng cũng không thể xiết nhà để thu hồi nợ.

Như vậy, nếu cho hỗ trợ các khoản vay của cá nhân thì chính sách của Ngân Hàng Nhà Nước sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà xã hội thì những vấn đề sẽ đơn giản hơn nhiều, có thể chính sách sẽ được điều chỉnh theo hướng ưu tiên cho doanh nghiệp hơn là các cá nhân. 

Wednesday, April 10, 2013

Đội mũ "Ngu như lừa"

Ở phố nọ có một bà nhà giàu thuê người giúp việc ở quê ra. Bà này mồm miệng rất đáo để còn cô giúp việc lại cứng đầu cứng cổ hay cãi. Chủ tớ thường hay cãi vã nhau ầm xóm từ chuyện nhỏ xọ đến chuyện lớn, không ngày nào được yên. 

Một hôm bà chủ nghe thiên hạ kháo nhau giá đất đang xuống liền đi buôn khắp xóm, gặp ai cũng xui có đất thì bán mau kẻo nó xuống giá nữa thì mất tiền oan. 

Cô người làm đi đâu về nghe bà chủ buôn chuyện thì bâng quơ: "Ôi giời, người ta có mảnh đất đang mong đất đai sốt lên bán lấy cái vốn cho con cái lấy vợ gả chồng, giờ lại có kẻ đi xui người ta bán rẻ". 

Bà chủ mới nhảy chồm lên: "Cái con này, mày ăn gì mà nói ngu thế, đất đai có rẻ thì mày mới mua được mảnh cắm dùi mà làm người thành phố chứ, lại mong đất giá cao để về cắm mặt vào ruộng hả?"

Cô người làm cười khằng khặc: "Ôi giời ơi, đi ở cho bà ăn ba bữa còn chả no mà mơ đến chuyện mua đất thành phố à?"

Bà chủ tức lộn ruột không nói lại được câu nào, nghĩ bụng: "Rồi mày biết tay bà!". Bà chủ liền may một cái mũ có gắn ba chữ "Ngu như lừa", rồi bắt cô người làm cứ đi đâu là phải đội cái mũ ấy. Cô giúp việc cũng trơ mặt, đội cái mũ "Ngu như lừa" đi diễu khắp phố phường.

Hàng xóm thấy lạ mới hỏi bà chủ sao làm vậy thì bà chủ trả lời: "Bởi nó ngu như lừa nên mới phải đội cái mũ đó". Mọi người đều cười ồ: "Đúng rồi, phải cho nó đội cái mũ ấy để người ta thấy bà khác với nó chớ!"

Saturday, April 6, 2013

Chuyện ngụ ngôn mới: Cừu, dê và chó sói

Cừu vốn là loài ăn cỏ, thường sống theo đàn lớn. Khi có chó sói xuất hiện thì cừu luôn có thói quen chạy tán loạn mỗi con một nơi, chó sói đuổi bắt cừu rất dễ dàng. Dê là loài ăn cả cỏ và lá cây thường sống theo nhóm nhỏ nhưng phàm ăn lại khéo leo trèo nên ở đâu có đàn dê xuất hiện thì chỉ một thời gian sau là cây cối bị ăn trụi sạch. Khác với cừu, khi chó sói xuất hiện thì đàn dê luôn đứng sát lại với nhau và chĩa sừng ra phía ngoài khiến chó sói thường không bắt được dê. 

Người chăn cừu có kinh nghiệm thường thả vào đàn cừu một bầy dê. Khi sống cùng với dê, cừu cũng thay đổi thói quen. Nếu chó sói có xuất hiện thì cừu không chạy tứ tung nữa mà chúng tập trung lại quanh bầy dê, do vậy chó sói khó có thể lùa bắt được cừu.

Một lần, có một con cừu lạc đàn lang thang trên đồng cỏ bị chó sói bắt gặp. Chó sói liền nói với cừu rằng loài sói vốn rất kính trọng loài cừu vì cừu không làm tổn hại tới cây cối, nhưng đối với loài dê tham lam chuyên phá hoại cây cối thì khác. Chó sói đề nghị cừu tránh xa bầy dê ra để chúng có thể tấn công dê nhằm bảo vệ cây cối cũng như đồng cỏ của loài cừu. Con cừu trở về nói với đàn của nó, tất cả lũ cừu đều thấy có lý và chúng quyết định tránh xa bầy dê.

Chó sói xuất hiện, đàn cừu không còn ở gần bầy dê nữa nên mạnh con nào con ấy bỏ chạy theo bản năng, thế là chó sói thoải mái vồ lấy cừu ăn thịt.

Tuesday, April 2, 2013

Thị trường bất động sản và nhóm lợi ích

Khi tìm hiểu trường bất động sản thì cần phải thấy có hai loại hàng hóa khác nhau là đất đai và bất động sản (ví dụ như nhà ở, chung cư, khu thương mại, tòa nhà văn phòng cho thuê). Đất đai không có giá trị mà chỉ có giá cả, giá cả của đất đai là do địa tô (tiền thuê đất) quyết định. Giá cả của bất động sản được tính bằng giá đất cộng với chi phí xây dựng và lợi nhuận được tạo ra. Như vậy, giá cả của đất đai sẽ biến động theo mức độ tăng trưởng của khu vực sản xuất, tức là tùy thuộc vào khối lượng tiền thuê đất mà khu vực sản xuất có thể trả cho cho chủ đất, còn giá cả của bất động sản thì phụ thuộc vào sự phát triển của chính ngành xây dựng hơn là giá cả đất đai.

1.  Những nét chính về thị trường bất động sản:

Kinh tế Việt Nam trải qua một thời kỳ tăng trưởng nhanh kéo dài, việc kinh doanh bất động sản cũng rất phát đạt, nhưng nguồn cung đất đai tăng trưởng chậm hơn dẫn đến giá cả của đất đai tăng vọt. Đây là lý do chủ yếu khiến giá cả đất đai ở Việt Nam rất cao, đặc biệt là ở các đô thị lớn, nơi tập trung phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh. Giá đất cao tất nhiên cũng ảnh hưởng tới giá bất động sản, tuy nhiên trong thời kỳ giá đất cao đi liền với kinh tế tăng trưởng nhanh thì vẫn có nhiều người dân mua được nhà. Có hai lý do chủ yếu khiến điều đó diễn ra, thứ nhất là kinh tế tăng trưởng nhanh dẫn đến thu nhập của người dân tương đối cao và nguồn tín dụng dồi dào cho phép họ mua nhà, thứ hai là một bộ phận người dân vốn có nhà hoặc đất đai ở khu vực giá cao có thể dễ dàng bán đi và mua nhà hoặc đất ở khu vực có giá thấp hơn để cải thiện mức sống.

Hiện nay, khu vực sản xuất tăng trưởng chậm lại, tiền thuê đất giảm xuống khiến cho giá cả của đất đai sụt giảm mạnh nhưng giá cả bất động sản lại giảm chậm hơn, do giá đất đai chỉ chiếm một phần trong giá trị của bất động sản trong khi chi phí xây dựng chưa có sự thay đổi đột biến. Kinh tế tăng trưởng chậm lại nên số lượng người có khả năng mua nhà cũng giảm xuống, ngay cả khi giá nhà thấp hơn. Thị trường bất động sản cho thấy một nghịch lý là khi giá bất động sản cao thì có nhiều người mua được nhà còn khi giá thấp thì lại có nhiều người không mua được nhà, lý do đằng sau đó chính là sự tăng trưởng của nền kinh tế.

2. Các nhóm lợi ích:

Trên thị trường bất động sản có hai nhóm chính, nhóm thứ nhất là các chủ đất bao gồm các tổ chức hay cá nhân có quyền sử dụng đối với các diện tích đất đai thích hợp cho xây dựng, nhóm thứ hai là các chủ đầu tư xây dựng bất động sản. Nhóm thứ hai thường mua hoặc thuê đất của nhóm thứ nhất để xây dựng rồi bán hoặc cho thuê trên thị trường.

Giá đất giảm xuống khiến thu nhập của chủ đất giảm nhưng lại có tác động tích cực đối với những nhà đầu tư xây dựng bất động sản. Giá đất giảm dẫn đến chi phí đầu tư ban đầu giảm đồng thời tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư xây dựng bất động sản do đó sẽ tăng lên. Rõ ràng là lợi ích của hai nhóm này không thống thất trên phương diện giá cả đất đai. Chủ đất muốn đất đai phải giữ giá để bảo vệ nguồn thu nhập và tài sản. Đối với nhóm thứ hai thì bảo vệ giá đất đai không phải là ưu tiên lớn nhất, cái họ cần là có thể tự điều chỉnh linh hoạt giá bất động sản để nhanh chóng bán hết hàng nhằm thu hồi vốn và tiếp tục đầu tư mới, tỷ suất lợi nhuận từ xây dựng sẽ giúp họ bù đắp các khoản thua lỗ trước đó.

Do sự khác biệt về lợi ích nên hai nhóm này mong muốn sự trợ giúp của nhà nước trong thời kỳ thị trường bất động sản suy thoái cũng rất khác nhau. Chủ đất thường vận động nhà nước thực hiện các biện pháp giữ cho giá cả đất đai không giảm quá mạnh, ví dụ như hạn chế cấp phép các dự án bất động sản mới, điều này cũng khiến cho giá bất động sản kém linh hoạt do các chủ đầu tư bắt buộc phải trả giá cao cho đất. Trong khi các chủ đầu tư xây dựng bất động sản thì lại muốn nhà nước hỗ trợ việc kinh doanh của họ ví dụ hỗ trợ để người dân vay tiền mua nhà, hơn là can thiệp vào giá cả đất đai hay bất động sản.


Friday, March 29, 2013

Tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu?

Một trong những lập quen thuộc thường được đưa ra là tăng giá xăng để chống buôn lậu nhằm giảm thiệt hại ngoại tệ cho nhà nước. Nhiều chuyên gia trong nước đã đưa ra phản biện lập luận này, song phần lớn các phản biện cũng không dựa trên một cơ sở rõ ràng. Vậy xem xét lập luận này cần những cơ sở nào? 

1) Có nên vì bắt một con chuột mà đốt cả căn nhà?

Thứ nhất, hiện nay không có thống kê nào về khối lượng xăng dầu buôn luậu qua biên giới được đưa ra. Lượng xăng dầu qua được buôn lậu qua biên giới được phỏng đoán là rất nhỏ, không đánh kể so với lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước. Lý do là là cách thức buôn lậu cho thấy điều đó. Người buôn lậu thường mua xăng tại các cây xăng sát biên giới sau đó đóng vào can rồi chở sang bên kia biên giới bán. Việc quản lý thị trường được làm rất chặt, các cây xăng thường phải đăng ký số lượng tiệu thụ với đầu mối sau đó các đầu mối mới giao cho các cây xăng theo số lượng đã đăng ký chứ không giao vô tư. Lượng xăng dầu buôn lậu do vậy không thể lớn. Việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến việc buôn lậu xăng dầu nhỏ lẻ phải chấm dứt song tăng giá xăng dầu cũng gây ra chi phí rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Chi phí ấy tính bằng tiền lớn hơn rất nhiều so với phần ngoại tệ tiết kiệm được do chống buôn lậu thành công.

Thứ hai, nếu số liệu cho thấy lượng xăng dầu buôn lậu qua biên giới lớn tới mức cần phải tăng giá thì vấn đề vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Nước bạn muốn nhập xăng dầu lậu từ Việt Nam thì cần có Việt Nam Đồng (VNĐ), khi lượng xăng dầu nhập lậu càng lớn thì càng cần phải có nhiều VNĐ. Vậy nước bạn sẽ lấy đâu ra VNĐ? Tất nhiên là nước bạn phải bán hàng hóa cho Việt Nam để lấy VNĐ, càng cần nhiều VNĐ thì càng phải bán nhiều, hàng hóa nhập khẩu từ nước bạn về do vậy sẽ giảm giá, tức là người Việt Nam được lợi và tiết kiệm được ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa. Muốn chứng minh rằng chống buôn lậu xăng dầu là cần thiết thì phải có những tính toán chỉ ra rằng thiệt hại do buôn lậu xăng dầu gây ra lớn hơn cái lợi thương mại thu được, song rõ ràng là điều đó chưa bao giờ được quan tâm đến.

2) Nếu tăng giá xăng dầu chống được buôn lậu thì cũng cần hạ giá xăng dầu để chống buôn lậu.

Cứ coi lập luận tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu là hợp lý thì cần xem xét trường hợp sau đây. Khi giá xăng trong nước cao hơn giá xăng nước bạn thì sẽ dẫn đến việc nhập lậu xăng dầu từ nước bạn vào Việt Nam. Việc nhập lậu xăng dầu như vậy dẫn đến một số lượng nhất định xăng dầu trong nước bị ế không tiêu thụ được, tức là một khoản ngoại tệ mà nhà nước chi ra để nhập xăng dầu coi như mất không. Muốn chống việc nhập lậu xăng dầu để giảm thiểu thiệt hại ngoại tệ cho nhà nước thì phải hạ giá xăng dầu trong nước xuống bằng nước bạn. 

Một điều thú vị là người ta luôn cho rằng cần tăng giá xăng để chống buôn lậu mà không bao giờ đề cập đến việc hạ giá xăng để chống buôn lậu, mặc dù cả hai việc đó có cùng bản chất.

Cập nhật:

Chuyện giá xăng dầu ở Việt Nam tốn không biết bao giấy mực nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy ai có thể trình bày nó một cách rõ ràng. Thực ra câu chuyện về giá xăng dầu rất dễ hiểu nếu người ta tư duy một cách đơn giản và rành mạch. Các nhà nhập khẩu xăng dầu đều được nhà nước thu xếp ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu nhưng ngoại tệ ấy không theo giá thị trường mà theo giá nhà nước quy định, có nghĩa là nhà nước phải dùng dự trữ ngoại tệ để đảm bảo. Rõ ràng là nhập khẩu xăng dầu phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ mà nhà nước có khả năng thu xếp, vì vậy giá xăng dầu không lên xuống theo giá xăng dầu thế giới. Nó sẽ lên xuống phù hợp với nguồn ngoại tệ mà nhà nước có khả năng phân bổ. Một điều cần lưu ý là dự trữ ngoại hối của nhà nước không được công khai do vậy giá xăng cũng luôn nằm sau một lớp màn bí ẩn.

Saturday, March 23, 2013

"Animal Farm" của G. Orwell và hệ thống truyền thông bị kiểm duyệt

Truyện "Animal Farm" của G. Orwell vốn rất được giới truyền thông ưa chuộng khi sử dụng để châm biếm các nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô trước đây. Sách đã được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng và ở nhiều nước khác nhau, rất nhiều người đã đọc nó song có lẽ ít người tự hỏi tại sao sách không có lời mở đầu. Câu trả lời đơn giản là phần lời mở đầu của G. Orwell đã bị cắt bỏ, ban đầu thì bởi người Anh và sau đó là ở hầu hết các quốc gia đã xuất bản cuốn sách.

Phần lời mở đầu của G. Orwell được Ian August tìm thấy và được Bernard Crick công bố vào năm 1972, sau đó phần lời mở đầu đã được xuất hiện cùng với tác phẩm khi được xuất bản ở Italia vào năm 1976 (1). Kể từ đó tới nay, tác phẩm của G. Orwell hầu hết vẫn xuất hiện mà không có lời mở đầu, bản bằng tiếng Việt mới đây nhất cũng không có ngoại lệ.

Đoạn quan trọng nhất trong lời mở đầu như sau:

"The sinister fact about literary censorship in England is that it is largely voluntary. Unpopular ideas can be silenced, and inconvenient facts kept dark, without the need for any official ban.

Anyone who has lived long in a foreign country will know of instances of sensational items of news -- things which on their own merits would get the big headlines -- being kept right out of the British press, not because the government intervened but because of a general tacit agreement that "it wouldn't do" to mention that particular fact. So far as the daily newspapers go, this is easy to understand. The British press is extremely centralized, and most of it is owned by wealthy men who have every motive to be dishonest on certain important topics. But the same kind of veiled censorship also operates in books and periodicals, as well as in plays,films and radio. At any given moment there is an orthodoxy, a body of ideas which it is assumed that all right-thinking people will accept without question. It is not exactly forbidden to say this, that or the other, but it is "not done" to say it, just as in mid-Victorian times it was "not done" to mention trousers in the presence of a lady. Anyone who challenges the prevailing orthodoxy finds himself silenced with surprising effectiveness. A genuinely unfashionable opinion is almost never given a fair hearing, either in the popular press or in the highbrow periodicals." (2)


G. Orwell nói rằng chế độ kiểm duyệt báo chí ở Anh cũng tương tự như ở Liên Xô, nhưng sự khác biệt là mọi ý kiến khác biệt đều bị dập tắt mà không cần bất cứ sự cấm đoán công khai nào. Kiểm duyệt được thực hiện không phải bằng sự can thiệp của chính quyền mà bằng những nguyên tắc ngầm định. G. Orwell mô tả cách thức mà hệ thống truyền thông hoạt động là rất đáng chú ý. Thứ nhất, hệ thống truyền thông ở nước Anh là rất tập trung, nó thuộc sở hữu của những người giàu có, những người này có động cơ để làm cho một số chủ đề không nên được đề cập tới. Thứ hai là dựa vào những tín điều mà những con người chấp nhận không cần bàn cãi, những ai nỗ lực chống lại tín điều đó sẽ không được lắng nghe và bị cô lập. Điều thứ nhất có nghĩa là truyền thông phải phục vụ lợi ích của những người sở hữu nó và điều thứ hai có nghĩa là truyền thông không tách rời với giáo dục, thực ra nó chỉ tiếp tục cái công việc mà giáo dục đã hoàn thành một nửa, giáo dục nhồi vào đầu con người những định kiến còn truyền thông sẽ lặp đi lặp lại những định kiến đó để loại bỏ mọi sự hoài nghi. Một câu hỏi tiếp theo được đặt ra là hệ thống giáo dục sẽ do ai kiểm soát, tất nhiên là những người trả tiền cho hệ thống ấy, không phải người học mà là doanh nghiệp hoặc chính quyền, tức là những người cùng nhóm với những người sở hữu hệ thống truyền thông. Như vậy, có thể thấy hệ thống truyền thông kiểu Anh được ưa chuộng không phải bởi vì nó đảm bảo tự do ngôn luận mà ngược lại vì nó rất hiệu quả trong việc kiểm soát tự do ngôn luận.

Nếu dõi theo quan điểm của G. Orwell, có thể thấy hệ thống truyền thông được cấu trúc theo kiểu Anh ngày nay đã phổ biển khắp thế giới. Khi G. Orwell nói ra sự thật thì hệ thống đó đã sử dụng thứ vũ khí mà nó hay đả kích nhất để chống lại ông.

Tài liệu tham khảo:
(2): N. Chomsky-Footnote of Understanding Power: Footnote 14 Page 121

Friday, March 22, 2013

Bác sĩ Hồ Hải và lý luận về mâu thuẫn

Cây keo châu Phi là một loài thực vật có cách tự bảo vệ kỳ lạ nhất hành tinh. Bình thường thì chúng không độc nhưng khi bị những con dê đến ăn lá thì chỉ một lúc sau chúng sẽ tiết ra nhựa độc khiến dê không thể tiếp tục ăn được nữa. Nếu lũ dê cứ cố ăn thì sẽ chết sạch.

Lũ dê nhanh chóng thích nghi với điều đó, chúng chỉ ăn lá cây keo trong một thời gian ngắn, khi cây keo tiết ra chất độc thì chúng lập tức di chuyển sang ăn lá cây keo khác. Cứ như vậy, dê có thể ăn no lá keo mà không sợ ngộ độc.

Sau một thời gian, những cây keo phát minh ra một chiến thuật đặc biệt, chúng không chỉ tiết ra nhựa độc để bảo vệ mình mà còn tiết ra một mùi hương để báo động cho các cây khác. Khi các cây keo khác nhận được mùi hương đó thì ngay lập tức sẽ tiết nhựa độc. Do đó, lũ dê không thể ăn lá lần lượt các cây keo được nữa. 

Loài dê nhanh chóng tìm ra cách đối phó với cây keo, chúng nhận thấy rằng các cây keo báo hiệu cho nhau bằng mùi hương mà mùi hương thì lan tỏa nhờ gió. Thế là lũ dê liền tập hợp nhau ở cuối gió và ăn lá lần lượt những cây keo theo hướng ngược lên đầu gió. Chiến thuật đó rất đơn giản nhưng đã phá vỡ khả năng báo động cho nhau của các cây keo. 

Đến đây có ông bác sĩ Hồ Hải nhìn thấy, ông ấy liền nhào vô phán rằng: "...không chấp nhận đa nguyên, đa đảng tức là triệt tiêu mâu thuẩn, triệt tiêu đối lập. Nó đồng nghĩa với đi ngược lại các quy luật mâu thuẩn và đối lập.". Lũ  dê chả hiểu gì sất, nhìn nhau be be. Ông bác sĩ mới bảo rằng: Cả đàn dê cùng ăn theo một hướng thế là vi phạm quy luật mâu thuẫn, triệt tiêu đối lập nên dê không thể phát triển được. Giờ phải thay đổi như vầy, con dê nào muốn ăn ở đâu theo chiều nào cũng được. Có con xuôi chiều gió thì cũng phải có con ngược chiều gió thì mới là đa nguyên, mới đúng quy luật mâu thuẫn chớ.

Đàn dê gõ móng be be ầm ĩ rồi tiếp tục ăn lá keo từ cuối gió lên đầu gió. Ông bác sĩ bực mình, tóm cổ một con dê lên đầu gió rồi bắt ăn lá keo. Con dê ấy cũng ăn, nhưng chỉ một lúc sau, cả đàn dê xông đến đến húc cả cho con dê kia lẫn bác sĩ Hồ Hải một trận nhừ tử. 

Ông bác sĩ thương tích đầy mình thất thểu ra về, dọc đường gặp một gã chăn dê liền kể chuyện xảy ra. Gã chăn dê mới bảo rằng: Ông ơi, chỉ khi nào cây keo không tiết nhựa độc hoặc dê không sợ nhựa độc của cây keo thì lũ dê mới có thể ăn cây nào cũng được. Chứ giờ mà bắt chúng ăn kiểu ấy thì chỉ có chết cả đàn thôi.

Bác sĩ Hồ Hải nghĩ đi nghĩ lại mãi chả hiểu gã chăn dê nói gì liền viết bài (hình như) có tiêu đề là "Đàn dê tự đào hố chôn mình vì vi phạm quy luật mâu thuẫn" rồi đăng lên blog. Người hâm mộ vô coi, khen hay ào ào.