Friday, April 18, 2014

Đời gái Mỹ

Tiêu đề là do người dịch đặt, đây là bản lược dịch bài báo "Recalled to life" của nhà báo nổi tiếng Chris Hedges đăng trên tạp chí Coldtype số 84. Bài báo cho thấy cuộc sống của những người ở dưới đáy xã hội Hoa Kỳ. Họ chỉ sống cách địa ngục một bước chân, nhưng đó là điều mà tầng lớp giàu có muốn. Muốn hiểu rõ hơn, xin mời bạn đọc tiếp tục theo dõi bản dịch.

Cô tên là Christine Pagano. Cô sống cùng với cha dượng và mẹ là giáo viên tại một làng nhỏ ở phía bắc bang New Jersey. Một ngày, bạn học cùng lớp thú nhận với người cố vấn hướng nghiệp của trường học là đã ngủ với cha dượng của Pagano. Vụ việc trở thành scandal trong cộng đồng. Gia đình tan vỡ, Pagano buồn chán và hít heroin. Lúc đó cô mới 16 tuổi. Cô bỏ học đi làm để kiếm tiền hít, rồi cô được đưa đi cai nghiện vào năm 2007.

Sau khi cai nghiện cô sống ở khu nhà ở Brick, N. J. và cô gặp một người đàn ông mới ra tù cũng từng nghiện. Họ quyết định chung sống với nhau. Cô làm việc trong một quán ăn tối và kiếm được chứng chỉ trang điểm sắc đẹp. Cô cùng với bạn trai thuê một căn nhà và mua một chiếc xe hơi. Rồi cô có bầu, sau khi sinh cô ở nhà với con trai.

Họ chung sống trong sạch được 4 năm. Sau đó bạn trai của cô bí mật sử dụng thuốc có chứa ma túy. Anh ta đề nghị họ đi "mua bác sĩ" [chú thích: tức là trả tiền cho bác sĩ để có đơn thuốc, sau đó dùng đơn thuốc để mua thuốc ở hiệu thuốc] để có thuốc đem bán. Gia đình bạn trai cô có lịch sử nghiện ngập. Cha anh ta chết trong tù trên đảo Riker ở New York. Chị anh ta nghiện heroin và làm gái dưới trướng tú ông nổi tiếng thường được gọi là “Hoàng tử” ở New Jesey, gã lái chiếc xe Rolls-Roys và Cadillac màu trắng với vành xe bóng loáng, thảm để chân trắng tinh.

Cô và bạn trai bắt đầu dùng thuốc cùng nhau. Một tháng sau họ chuyển qua heroin vì nó rẻ hơn. Cô hít trong một tuần, và sau đó bạn trai chích heroin cho cô. Đó là lần đầu tiên cô biết đến cây kim. Bạn trai cô gọi cho chị gái và chị gái nói cho họ biết có thể mua heroin ở đâu. Chị gái của bạn trai cô sống ở trung tâm thành phố Jersey. Họ tới đó và ban đầu bán thuốc để mua heroin. Sau đó lượng heroin cần dùng trở lên quá lớn. Bố của con trai cô nói cô nên ra đứng đường với chị gái anh ta.

Cô nhập hội với chị gái của bạn trai, được biết đến dưới cái tên “Baby” trên đại lộ Tonnelle của thành phố Jersey, tuyến số 1 và số 9, ở đó có một chuỗi các nhà nghỉ. Pagano, vốn da trắng, mặc một chiếc váy ngắn ánh vàng và lấy tên là “Gucci”. Gái bán hoa trên đại lộ Tonnelle, gần với đường hầm Holland nối giữa thành phố Jersey với Manhattan, lấy 50 USD cho việc quan hệ bằng miệng và 100 USD cho quan hệ bình thường, nếu kéo dài hơn 10 phút thì khách hàng sẽ phải trả thêm tiền. Một giờ có giá 250 USD và qua đêm là 1,500 USD. Đối với các thương nhân phố Wall, giám đốc doanh nghiệp, chủ ngân hàng là khách hàng chính của gái làng chơi thì dường như tiền không bao giờ là vấn đề. Ví của họ luôn nhét đầy tiền mặt.

Phần lớn khách hàng có rất nhiều tiền bởi vì họ đến từ thành phố nên bạn trai cô nảy ra ý tưởng là nếu cô không muốn làm thì có thể đưa khách vào phòng, giả vờ như sẽ làm - anh ta sẽ đạp cửa xông vào và cướp tiền. Họ làm vậy vài lần cho đến khi cô không chú ý tới những gã đã bị cướp. Lần cuối cùng cô gặp lại chính gã mà cô đã cướp trong một đêm gần đấy và gã đánh cô nhừ tử.

Cô mất hai tuần để học được các mánh khóe trong nghề bán thân. Dần dần cô có khách hàng thường xuyên và học được kỹ năng thoát thân khi ở trên phố. Một số khách hàng muốn được chiều theo kiểu kì cục. Vài người yêu cầu cô quấn tã. Một số khác muốn được trang điểm và mặc quần áo phụ nữ. Cô thường xuyên chích heroin hay hút ma túy ngay khi cùng với khách hàng vào phòng khách sạn, vì rất nhiều khách sẽ dùng ma túy cùng với cô. Một số người thậm chí còn trả tiền cho cô để mua ma túy cho họ. Cô mở ngăn để găng tay ngay khi vào xe để biết tên và địa chỉ của khách. Cô kiếm thêm tiền bằng cách đe dọa khách hàng là sẽ gọi cho vợ của họ. Cô cũng học được những thứ cần phải tránh xa. Ở Jersey có một con đường khi người ta đi xuôi đại lộ Tonnelle. Nó được gọi là Industrial Way [hay có lẽ là Industrial Drive]. Đó là khu công nghiệp. Gái điếm được đưa tới đó thường bị cưỡng hiếp. 

Một đêm thuận lợi Pagano kiếm được 600 -700 USD. Một đêm kém may mắn cô kiếm được 100 USD. Cô kiếm được nhiều tiền nhất khi trời mưa hoặc có tuyết rơi. Cô mua heroin sau đêm làm việc-cô và bạn trai tốn 500 USD một ngày cho heroin- cô mua của một gã có tên là “Kiss”. Kiss sẽ đến bất cứ khi nào khi cô gọi bởi vì anh ta biết sẽ kiếm được 500 USD”. Cô phải lái xe về nhà, thường là khoảng 4:30 sáng và chích cùng với bạn trai. 

Cảnh sát là khách hàng thường xuyên của gái điếm, phần lớn không chịu trả tiền. Một số đe dọa bắt giam cô nếu cô không phục vụ miễn phí. Cảnh sát sẽ tống gái điếm vào xe làm như là bắt giữ và sau đó sẽ nói với gái điếm: "Nếu mày muốn được thả thì hãy thổi kèn cho tao!". Rồi cô trở nên thông minh hơn, cô bảo cảnh sát đưa cô vào nhà giam bởi vì họ không thể làm vậy. Chả có gì trên băng ghi hình cả. Cảnh sát không thể nói gì hết. Lần đầu tiên cô bị cưỡng hiếp là bởi một cảnh sát ở Elizabeth. Cô và hắn ở ghế sau xe cảnh sát. Hắn trả tiền cho cô. Sau đó đấm vào mặt cô và giật lại tiền. Hắn rút súng ra và nói cô phải làm bất cứ điều gì hắn muốn. Hắn gí súng vào bộ phận sinh dục của cô. Hắn nói sẽ kéo cò súng nếu cô không làm điều hắn yêu cầu. Hắn gọi cô bằng đủ các loại tên. Hắn bắt cô tự gọi mình bằng đủ các loại tên-một con điếm bẩn thỉu. Thậm chí hắn bắt cô nói rằng cô bị bệnh AIDS”. 

Gã cảnh sát duy nhất mà cô nhớ tên kể từ hồi đó là một cảnh sát thành phố Jersey. Mọi người gọi hắn là Barney, cô không biết đó có phải là tên thật của hắn không. Hắn trông giống như Barney [Rubble, một nhân vật biếm họa]. Đó là đầu tiên cô bị bắt vì làm gái điếm. Lý do duy nhất mà hắn bắt cô là vì cô đứng cạnh Kristen. Cô ấy đã bị quen mặt. Khi cảnh sát đưa họ về đồn thì đó đã là lần thứ 39 Kristen bị bắt. Cảnh sát đã vỗ tay khi cô ấy được đưa vào. Tất cả mọi người đều biết cô ấy là ai.

Cô làm gái trong 9 tháng. Cô cầu xin bạn trai giúp cô thoát khỏi đường phố. Anh ta đi cướp ngân hàng. Anh ta vào một ngân hàng ở thành phố Jersey với ba lô và nói rằng anh ta có bom. Anh ta không che mặt. Anh ta lấy 570 USD ở quầy. Anh ta bị bắt một tháng sau đó khi FBI, cảnh sát bang và cảnh sát trưởng đạp cửa xông vào nhà lúc 5:30 sáng. Anh ta lãnh án 9 năm trong nhà tù liên bang có cấp độ an ninh tối đa ở Lewisburg, Pa.

Cô gửi con trai về sống với mẹ cô. Cô chuyển đến ở một thời gian với chị gái của bạn trai, Baby, ở thành phố Jersey. Cô trở thành vô gia cư, ngủ trong các cửa hàng hoa bị bỏ hoang. Nhu cầu về ma túy của cô tăng vọt. Cô thức liên tục 6-7 ngày mỗi lần. Cô tiếp khoảng 20 khách hàng mỗi ngày. Cuối cùng, cô được gửi đi cai nghiện. Cô lại hồi phục. Cô gặp một người đàn ông trong chương trình. Anh ta tái phạm hai tuần sau đó và phải vào tù. Cô bắt đầu uống rượu cùng với mẹ của bạn trai. Vài gã đưa cho cô ‘dog-food’. Và cô hỏi ‘dog-food là gì?’. Cô chưa bao giờ nghe thấy từ ấy. Đó là heroin. Cô say và đi theo kẻ bán heroin. Cô tái nghiện. 

Cô bắt đầu đi xe bus từ Williamstown, N.J., nơi cô sống, tới thành phố Atlantic để bán dâm và mua ma túy. Cô bị bắt. Sau khi được thả cô quyết định chuyển tới Camden. Camden là nơi những kẻ nghiện ngập ở thành phố Atlantic mua ma túy. Giá heroin ở Camden là 10 USD/túi và ở thành phố Jersey là 6 USD/túi, nhưng heroin ở Camden phê hơn. Camden là một trong những thành phố nghèo nhất và có tình trạng tội phạm cao nhất nước. Dân số giảm từ 120,000 vào năm 1950 xuống 80,000 hiện nay do các cơ sở chế tạo dời đi nơi khác. Nguyên cả khối nhà bị bỏ hoang. Có khoảng 1500 tòa nhà bị bỏ không. Mái nhiều dãy nhà, trạm xăng, cửa hiệu, kho hàng bỏ không đã bị sụp. Nền các tòa nhà bị ngập nước. Dây điện bằng đồng, cửa kim loại, lò sưởi và đường ống nước đã bị những kẻ hôi của tháo ra để bán cho các bãi vật phế liệu khổng lồ nằm dọc theo bờ sông Delaware. Có khoảng 175 chợ trời mua bán ma túy trong thành phố. Gái điếm, thường là người nghiện da trắng, tụ tập trên góc phố và gần lối ra chính của đường cao tốc đa làn xuyên qua trung tâm Camden.

Lần đầu tiên Pagano đi xe bus tới Camden, cô bước tới chỗ người đầu tiên cô thấy khi đến trung tâm vận chuyển Walter Rand và hỏi: “Cô bán cái lỗ trôn ở đâu quanh đây vậy?”. Cô được hướng dẫn đi tới Broadway. Cô không bao giờ trở về nhà. Camden, mặc dù vậy, không phải là thành phố Jersey hay Atlantic. Khách hàng của cô không phải là những doanh nhân giàu có hay quản lý ở phố Wall, mà là những kẻ nghiện ngập. Cô không thể kiếm được tiền như trước kia. Đám phụ nữ ở trên phố sẵn sàng quan hệ bằng miệng để lấy 5 USD. Sự nghèo khổ thật kinh khủng. Người ta rút súng chỉ để cướp 5 USD. Cô giảm giá, sẵn sàng quan hệ bằng miệng để lấy 20 USD. Và cô thấy khách hàng không chịu sử dụng bao cao su.

Cô gặp một người đàn ông có tên là E-frie, người mới mãn hạn 18 năm tù. Anh ta đưa ma túy cho cô để được làm tình. Anh ta nghiện rượu nặng và hút cần sa. Anh ta chế nhạo cô là con nghiện và thường đánh cô, đẩy cô ngã xuống cầu thang. Cô sống lang thang trên đường phố, ở bất cứ nơi nào, trong các tòa nhà bỏ hoang. Phần lớn đồ đạc cô giấu ở trung tâm Camden. Cô đào một cái hố ở sân sau và chôn đồ đạc xuống đó. Cô đưa thông tin cá nhân lên Internet để kiếm khách hàng. Sau đó cô bị cưỡng hiếp khoảng 20 lần. 

Lần cuối cùng cô bị cưỡng hiếp là ở phố Pine gần Off Broadway [Lounge]. Có vài bụi cây ở đó. Một gã trả 20 USD để được quan hệ bằng miệng. Nhưng khi họ đi vào bụi cây, hắn rút ra một con dao. Hắn nói nếu cô la lên thì sẽ giết cô. Khi cô chống cự thì gã đâm cô. Hắn định đâm vào bộ phận sinh dục của cô nhưng chệch sang bắp đùi. Cô nói với hắn là không cần phải làm vậy, hắn có thể làm tốt hơn. Cô được biết là hắn và bạn gái cãi nhau và cô ta không ngủ với hắn, và ai đó phải ngủ với hắn đêm nay. Hắn bắt cô xem phim khiêu dâm trên điện thoại. Cô bị chảy máu nhiều, nằm trên một tấm kính và bị vài mẩu kính nhỏ đâm vào lưng. Sau đó cô tìm cách thoát thân. Cô hỏi hắn có thể tạm ngừng một chút để hút thuốc lá được không. Hắn tạm ngừng. Cô bảo hắn bỏ dao xuống bởi vì cô sẽ nghe lời hắn. Hắn cắm dao xuống đất. Hắn nói, “Giờ thì mày biết tao có thể rút dao ra bất cứ lúc nào”. Hắn bắt cô liếm lỗ đít. Khi hắn quay người và nói cô làm điều đó thì cô đẩy ngã hắn. Cô bỏ chạy trần truồng trên phố. Không có cảnh sát nào quanh đó. Một người đi ngang qua đưa cho cô chiếc áo sơ mi để che thân. Bốn tuần tiếp theo cô lang thang ngoài phố, cho tới khi một thám tử tư được mẹ cô thuê tìm thấy cô vào tháng 12 năm 2012.

Panago có lệnh bắt giữ nên thám tử dẫn cô vào nhà giam, nhưng tình trạng sức khỏe của cô quá tệ nên nhà tù từ chối tiếp nhận. Cô nằm viện hai tuần. Cô được đưa tới chương trình điều trị bằng methadone, mẹ cô phải thanh toán 20,000 USD. 

Hiện giờ, cô sống trong một căn hộ nhỏ, ở tuổi 31, với bạn cùng phòng, người đã cắt cơn nghiện và là vũ công. Cô làm việc cả ngày trong cửa hàng bán bánh và đồ ăn. Cô có một chiếc xe cũ. Cô không bao giờ kiếm được việc làm tốt. Cô sẽ không bao giờ hạnh phúc hơn trong đời mình. Cô có bạn trai mới tên là Jose, và mùa hè này cô giành lại được quyền nuôi con.

Người nghèo khổ ở Hoa Kỳ thường nhận được một cơ hội duy nhất. Sau đó nó qua đi. Những người từng trên đường phố với Pagano ở Camden hầu như sẽ không bao giờ có một thám tử tư cứu họ, hay có một bà mẹ trả tiền cai nghiện cho họ. Phần lớn sẽ sống, chịu đựng và chết trong phạm vi vài khối nhà. Không công ăn việc làm. Không hy vọng. Không sự giúp đỡ. Không lối thoát. Họ lãng quên sự thất vọng trong rượu hoặc ma túy. Nếu họ thoát ra, như Pagano, xiềng xích của quá khứ vẫn bám lấy họ. Không ai muốn thuê họ làm việc. Chủ nhà không cho họ thuê nhà. Đại lý bất động sản không bán nhà cho họ. Ngân hàng và công ty về thẻ tín dụng sẽ không cấp tín dụng cho họ. Họ không bao giờ có đủ tiền. Họ sống cách địa ngục chỉ một bước chân. Và họ biết địa ngục là như thế nào. Đó là điều mà các chủ ngân hàng, nhà đầu cơ tài chính, những gã lái xe hơi sang trọng và sống trong căn hộ trị giá nhiều triệu USD ở ngoại ô Mendham, Chatham, và Short Hills của New Jersey muốn, những gã đó đã trả tiền để được ngủ với Christine Pagano trong chuyến đi đêm trước khi về nhà với vợ. Địa ngục của người nghèo là thiên đường của họ.

Thursday, April 17, 2014

Chương trình hỏi đáp trực tuyến của tổng thống Putin

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch tường thuật các câu trả lời của tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi đối thoại  định kỳ hàng năm được đưa tin trực tiếp ngày 17.4. Bản dịch này dựa trên bản tin tiếng Anh "President Putin annual broadcast Q&A session: Live updates" của đài Tiếng Nói Nước Nga.

16:10
Tường thuật đã kết thúc. Thời gian kéo dài gần bốn tiếng, ít hơn so với cuộc đối thoại kỷ lục kéo dài  gần 5 tiếng của năm trước. 

16:00
Trong bình luận kết thúc buổi ghi hình. Vladimir Putin khẳng định ông không đồng ý với việc giữ vị trí tổng thống suốt đời.

15:54
Trả lời bé gái sáu tuổi, lúc đầu Putin bị bối rối: Cô bé hỏi tổng thống Hoa Kỳ Obama có cứu Putin khỏi chết đuối không. Có lẽ không có vấn đề gì vì Putin vẫn nghĩ Obama là một người "rất can đảm", hoàn toàn có thể cứu người đồng nhiệm Nga.

15:46
Hiện giờ các câu hỏi nhanh và buổi trả lời diễn ra ở phòng thu. Putin trả lời các câu hỏi nhanh, đáng kể là về bộ phim yêu thích của ông (ông nói đó là bộ phim Nga "Chapaev"), vân vân.

15:36
Bình luận về chủ đề "bình thường hóa quan hệ với phương tây", Putin nói chúng ta là các phần của một nền văn minh. Chúng ta rất gần gũi. Chúng ta không cho phép ai đó lợi dụng quan hệ của chúng ta, và không nhượng bộ mãi, Putin nói. 

15:29
Lương của công nhân ngành dược đã tăng 40%, 80% so với các chuyên gia tầm trung. Các quy định về lao động theo ca đã được tính toán hợp lý. Mặc dù vậy, thu nhập có xu hướng thay đổi theo khu vực, cũng như thu nhập trung bình ở khu vực - Putin

15:24
Về việc quyền tiếp cận thể thao của trẻ em tàn tật đã từ lâu không được đề cập. Chúng ta cần phân chia trách nhiệm giữa những người cầm quyền địa phương, thành phố và liên bang. 34,5 tỷ rúp sẽ được chi cho chương trình "không rào cản" lồng ghép trong các chương trình khác để giải quyết vấn đề đó, Putin nói.

15:16
Ở Crimea và Sochi chúng ta cần có hai nhóm khách du lịch khác nhau. Crimea được thiết kế cho tầng lớp có thu nhập thấp. Họ có thể chi trả được ở Crimea. Câu hỏi về vận tải đang nổi lên, chúng ta sẽ xử lý nhanh chóng. Chúng ta đảm bảo rằng Sochi sẽ chiếm phân khúc giá khác, Putin trả lời câu hỏi về tương lai hậu Olympic của thành phố Sochi.

15:15
Hoạt động tình báo bị kiểm soát chặt chẽ bởi luật pháp ở Nga, chúng ta không sử dụng sức mạnh và công nghệ theo kiểu NSA-Putin.

15:13
Không có nghe lén trên quy mô lớn đối với trao đổi thông tin cá nhân ở Nga-Putin

15:05
Snowden hỏi Putin là Nga có tiến hành một chương trình theo giám sát mô lớn, như Hoa Kỳ không. Hoạt động tình báo chỉ được sử dụng có giới hạn các thiết bị đặc biệt trong việc ngăn chặn trao đổi thông tin, Putin trả lời câu hỏi.

15:02
Quá trình khởi động lại quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ bị ngừng không phải bởi Crimea, mà do các sự kiện ở Lybia. 

15:00
Putin: Nếu tổng thư ký NATO, tướng Rasmussen bí mật ghi âm lại cuộc đối thoại của chúng ta, thì chúng ta có thể nói như thế nào về sự tin tưởng?

14:59
Rất khó để đàm phán với các nhà lãnh đạo châu Âu, họ chọn cách nói thầm thì ngay cả khi ở nhà vì sợ bị Hoa Kỳ nghe trộm - Putin.

14:59
Người châu Âu nhận ra rằng các vấn đề cần được giải quyết ở phạm vi quốc gia hơn là thông qua Brussels - Putin nói về "sự phục hưng bảo thủ".

14:56
Trao đổi Nga-Hoa Kỳ: để cải thiện sự tin tưởng thì chúng ta phải cùng chung một tiếng nói, quan tâm hơn tới luật pháp quốc tế, Putin nói. Chính sách tiêu chuẩn kép mà Hoa Kỳ theo đuổi cần phải được loại bỏ trong tư duy, ông nói thêm.

14:53
Nga và châu Âu là các phần trong cùng một nền văn minh, Putin trả lời nhà phân tích người Đức Alexander Rahr.

14:47
Kiev không trả tiền ngay cả khi giá khí đốt đã hạ, không một đồng dollar nào, kể từ khi các thỏa thuận cuối cùng được ký kết. Chúng ta đồng ý chờ thêm một tháng nữa trước khi thảo luận về các biện pháp. Chúng ta có thể hành động ngay lập tức, Putin nói về vấn đề khi đốt chưa được giải quyết giữa Moscow và Kiev. 

14:44
"Chúng ta sẽ tiếp tục chờ thêm một tháng nữa", Putin nói về tình trạng nợ tiền khí đốt của Ukraina.

14:43
Chúng ta ký hợp đồng với Ukraina vào năm 2009, với một số khoản trả trước. Hàng năm Nga phải trả 90 triệu USD tiền thuê cảng Sevastopol. Chúng ta đã trả trước tiền thuê cảng cho đến tận năm 2017, tổng cộng là 11,4 tỷ USD, Putin bình luận về quan hệ tài chính giữa Moscow và Kiev.

14:38
Putin nói ông "không xấu hổ vì những người bạn bị trừng phạt". Khi nhà lãnh đạo Nga nói, họ thấy tình cảnh của người Crimea trên ti vi, khóc vì vui sướng.

14:32
Một trong những điểm yếu của chúng ta là thiếu các cơ sở vật chất cho người tàn tật. Một chương trình "không rào cản" cho những người tàn tật là ưu tiên của chúng ta. - Putin.

14:24
Câu hỏi và câu trả lời chuyển sang chủ để nhà ở.

14:19
Nước Nga thu được khoảng 191-194 tỷ USD từ dầu mỏ, 28 tỷ USD từ khí đốt vào năm 2013 - Putin.

14:15
Các quỹ được chính quyền phân bổ sẽ đảm bảo cho sự an toàn của người dân: những ngôi nhà mới sẽ được xây trên khu vực đồi cao để không bị lũ lụt bất thường tại một số khu vực ở Nga-Putin.

14:12
"Chúng ta đã bán Alaska, có quá đủ các khu vực lạnh giá - chúng ta không cần nó nữa", Putin trả lời câu đùa về việc lấy lại Alaska.

14:02
Putin nói về người Tatar ở Crimea, trích dẫn chiếu chỉ của nữ hoàng Catherine vĩ đại về nơi mà người Tatar được hứa hẹn đối xử như công dân Nga hợp pháp. "Chúng ta phải cố gắng hết sức đảm bảo sự miễn trừ hoàn toàn cho người Tatar ở Crimea, một sắc lệnh tổng thống đang được chuẩn bị", nhà lãnh đạo Nga nói. 

13:59
Nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm phá hủy nền kinh tế của chúng ta thật thảm hại. Châu Âu không thể ngừng mua khí đốt của Nga. Vấn đề duy nhất là phải vận chuyển khí đốt đi qua Ukraina. Điều đó cần được giải quyết - Putin.

13:56
Putin ca ngợi sự thông thái của vua Saudi, khi cho rằng tình thế ở Moscow, Riyadh ở Ai Cập là "gần gũi", bất chấp sự bất đồng về Syria.

13:56
Putin khẳng định rằng khí đốt đóng góp lớn vào ngân sách của Nga để trả lời câu hỏi về EU và khả năng từ chối xuất khẩu khí đốt của Nga. Mặc dù vậy, Nga thu được nhiều tiền nhất từ dầu mỏ. Bên cạnh đó, Putin lưu ý thính giả về các tối tác ở Trung Đông- Arab Saudi và các nước khác.

13:51
Không có chương trình xã hội nào dành cho người Nga bị cắt bỏ đối với người dân Crimea-Putin.

13:45
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ ở Châu Âu nhắm vào Nga, nhưng mọi người giả vờ như chúng không nhắm vào Nga - Putin. 

13:45
Hệ thống "phòng thủ tên lửa" của NATO là sự đe dọa của hệ thống tấn công mà Hoa Kỳ từ chối đàm phán

13:44

NATO lớn lên như khối u ung thư, nó đã nuốt chửng Đông Âu và sẵn sàng ăn nốt Grudia và Ukraina - Dmitry Kiselyov, lãnh đạo của cơ quan Rossiya Segodnya. Nga sẽ quan tâm tới sự mở rộng của NATO. Khi Nga yêu cầu NATO đảm bảo không mở rộng, chúng ta nhận được câu trả lời "đó không phải việc của ngài". Mặc dù vậy, "chúng ta sẽ lịch sự và làm mọi thứ để đảm bảo anh ninh của nước Nga".

13:34
Putin nói thục giục "bắn vào người Nga" của Timoshenko là "sự suy nhược tinh thần"

13:32
"Chúng tôi không từ chối trao đổi với bất cứ ai. Mặc dù vậy, để đối thoại ở cấp chính quyền thì các nhà cầm quyền phải có sự ủy thác của quốc gia", Putin nói.

13:24
Mục tiêu của chúng tôi là ngay lập lức xóa bỏ sự tắc nghẽn giữa Transdniestria và Ukraina-Putin nói.

13:23
"Sự cân bằng về sức mạnh dẫn đến sẵn sàng đàm phán" - Putin nói về thế giới đơn cực và vai trò của sức mạnh trong quan hệ quốc tế.

13:22
Tôi hy vọng không có yêu cầu nào dẫn tới sử dụng quân đội ở Ukraina. Putin nói.

13:14
"Một số trí thức muốn đất nước của họ bị thủ tiêu. Ví dụ người Bolshevik kêu gọi sự thủ tiêu. Điều đó dẫn đến cách mạng. Chúng ta không nên theo đuổi các hình thức đấu tranh cực đoan vì lý do đó." - Putin nói.

13:11
"Vấn đề chính trong cuộc đối thoại với Kiev là phải tìm ra sự đảm bảo: Nếu Nga công nhận các cuộc bầu cử vào ngày 25 tháng 5 thì ai có thể đảm bảo rằng không có các đầu sỏ chính trị khác được Kiev gửi tới, ví dụ Donetsk?" - Putin.

13:07
Chính khách Nga, Irina Khakamada, gọi Putin là "người chiến thắng", nói thêm là bà đã tới thăm Crimea nhiều lần và có thể xác nhận rằng người dân ở đó luôn tự nhận họ là "người Nga".

13:03
Các chương trình giáo dục đặc biệt phải được thiết lập, các nền tảng hợp pháp đã sẵn sàng ở Nga để bồi đắp chủ nghĩa yêu nước và lành mạnh hóa tư duy của giới trẻ, Vladimir Putin trả lời câu hỏi liên quan đến việc những người trẻ tuổi có cái nhìn méo mó về thế giới. 

12:58
"Khối dự trên các hệ thống toàn cầu dựa đã tự suy thoái. NATO là một ví dụ. NATO định mở rộng đến đâu, chống lại ai?"-Putin nói. 

12:54
"Trong trường hợp nhà nước Ukraina chấm dứt tồn tại, sẽ không có cơ sở nào để người dân Ukrain có quyền quyết định tương lai của họ", nhà đạo diễn nổi tiếng người Nga Karen Shakhnazarov nói với Putin.

12:52
Quan hệ với Trung Quốc đang ở cấp độ chưa từng có, cả về kinh tế lẫn chính trị, nhưng chúng ta không thiết lập khối quân sự.

12:52
Lực lượng an ninh Berkut bị Ukraina giải tán đã thi hành các bổn phận của họ "chuyên nghiệp và đáng kính trọng", Putin nói.

12:48
Yanukovich "đã suy nghĩ nhiều lần về việc sử dụng vũ lực. Ông ấy không thể ra lệnh chống lại đồng bào mình", Putin trả lời câu hỏi vể Viktor Yanukovich và hành động của ông ta. 

12:37
Phía sau các đơn vị tự vệ ở Crimea, lính Nga chỉ đứng gác và đảm bảo cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hợp lệ - Putin.

12:36
Những người đấu tranh cho liên bang hóa ở miền đông Ukraina không phải là điệp viên tình báo Nga, Putin nhắc lại.

12:33
Crimea được biết đến không chỉ là căn cứ của hạm đội, mà còn là nơi nghỉ dưỡng. Nguồn đầu tư bổ sung sẽ giúp tăng tốc sự phát triển của bán đảo, Putin nói.

12:30
Mọi trợ cấp bổ sung cho Crimea sẽ được giữ nguyên, người Crimea sẽ được nhận trợ cấp xã hội như những người Nga khác - Putin.

12:28
"Thu nhập của người Crimea sẽ ngang bằng với những người Nga khác, thu nhập của họ sẽ tăng 100%" - Putin.

12:26
Dân chúng ở Sevastopol hét lên "Cảm ơn ngài".

12:25
"Xin cảm ơn ngài Putin, giờ chúng tôi có thể coi mình là người Nga"-Người dân Crimea.

12:23
"Chúng ta đều được dẫn dắt bởi cảm xúc cụ thể, nhưng nếu chúng ta yêu người khác thì đôi khi chúng ta cần phải có sự hiểu biết thực tế", Putin nói và trả lời câu hỏi từ Sevastopol về mối quan hệ hữu nghị Nga-Ukraina. "Nga không đòi hỏi Crimea bằng vũ lực mà bằng cách tạo ra các điều kiện với lực lượng đặc biệt để người Crimea quyết định.

12:23
Không có bất cứ đơn vị quân đội hay chuyên gia quân sự Nga nào ở Ukraina - Putin.

12:22
Chúng ta khẳng định rằng mọi người có quyền lựa chọn, quyền của ngưởi Crimea phải được tôn trọng - Putin.

12:19
"Kiev nên đề cử những lãnh đạo được dân chúng tin tưởng ở miền đông Ukraina vào các vị trí điều hành trong chính phủ". Putin nói.

12:19
Các công dân Sevastopol tham gia vào cuộc đối thoại với tổng thống Putin.

12:17
Đối thoại là cách duy nhất để vãn hồi trật tự ở Ukraina. Cuộc khủng hoảng phải được giải quyết trong phạm vi quốc gia Ukraina và bởi chính quyền Ukraina, không phải bởi Nga hay Hoa Kỳ. Putin nói.

12:13
Putin nói ông đánh giá cuộc đối thoại 4 bên được bắt đầu hôm nay tại Geneva rất quan trọng.

12:12
Putin cam đoan rằng "không có chuyên gia quân sự Nga" ở Ukraina. Nga muốn xây dựng quan hệ hữu nghị với Ukraina và phương Tây, không có ý định đe dọa các đối tác

12:09
Chương trình được bắt đầu với câu hỏi về cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Putin khẳng định rằng giải pháp chỉ có thể thông qua các con đường ngoại giao và công nhận lợi ích của nhân dân Ukraina.

12:01
Các nhà tổ chức chương trình Hỏi &Đáp với tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được gần 2,5 triệu câu hỏi. Tổng đài của chương trình đã nhận được hơn 1,8 triệu cuộc gọi và 346,000 tin nhắn, trung tâm tổ chức Interfax cho biết.

11:05
"Cũng như những năm trước, cả khách mời của chương trình tại phòng thu và công dân sẽ đối thoại với tổng thống Putin trên chương trình được truyền hình trực tiếp tới mọi khu vực của nước Nga, mọi người có thể gọi điện thoại, gửi tin nhắn tới tổng đài tiếp nhận để chuyển câu hỏi tới tổng thống", tường thuật của trung tâm báo chí Kremlin.

Wednesday, April 16, 2014

Cuộc đàn áp do Hoa Kỳ hậu thuẫn dẫn đến nguy cơ nội chiến ở Ukraina

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "US-backed crackdown threatens civil war in Ukraine" của Johanes Stern đăng trên trang World Socialist. Bài viết đã tổng hợp những sự kiện mới nhất trong cuộc khủng hoảng Ukraina và đưa ra một cái nhìn sâu sắc về tình hình.

Được Washington và Liên Minh Châu Âu (EU) bật đèn xanh, chính phủ Kiev đã tiến hành đàn áp đẫm máu người biểu tình chống chính phủ ở miền đông Ukraina, có nguy cơ kích động một cuộc nội chiến với quy mô lan rộng, có thể biến thành cuộc chiến giữa quyền lực phương Tây và Nga.

Vào thứ ba, quân đội chính phủ đã tấn công và tái chiếm lại sân bay quân sự Kramatorsk, sân bay này vốn bị các nhà hoạt động thân Nga chiếm giữ. Các chiến đấu cơ và trực thăng hỗ trợ quân đội Ukraina đã bay ở tầm thấp để bắn vào người biểu tình. Truyền thông Nga đưa tin ít nhất có bốn người biểu tình đã bị giết trong chiến dịch.

Phía tấn công phải đối mặt với sự kháng cự của cư dân địa phương, phần lớn trong số họ căm phẫn cuộc đảo chính của chính quyền ở Kiev. Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin hàng trăm cư dân đã tiến đến sân bay ở Kramatorsk để bao vây binh lính Ukraina. Theo phóng viên, đa số thường dân mang theo cờ địa phương và cờ Nga. Một phóng viên của hãng Reuters ở Kramatorsk cho biết các cư dân địa phương tham gia dựng rào cản để ngăn không cho quân đội di chuyển đã hô to “Thật xấu hổ! Hãy cút về nhà!”.

Mặc dù vậy, Kiev vẫn gửi xe tăng, chiến xa bọc thép và pháo hạng nặng tới để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào các thành phố miền đông Ukraina vốn bị người biểu tình chống chính phủ chiếm giữ. Các thành phố ấy bao gồm Donetsk, thành phố công nghiệp với gần 1 triệu dân , Mariupol (460,000 dân), Lugansk, Makiyivka, Khartsyzk, Yevakiyeve, Horlivka, Druzhkivka, Kramatorsk và Slovyansk. 

Chính quyền cũng chuyển lực lượng phát xít, từng đóng vai trò mũi nhọn trong cuộc đảo chính ngày 22 tháng 2 lật đổ tổng thống dân cử Victor Yanukovich, tới để đàn áp ngưởi biểu tình chống chính phủ. Vào thứ ba, Andriy Parubiy, người đứng đầu Hội Đồng Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia Ukraina đã tuyên bố quân Vệ Binh Quốc Gia “bao gồm các tình nguyện viên từ lực lượng tự vệ ở Maidan” đã rời Kiev để đến khu vực Donetsk. “Lực lượng tự vệ ở Maidan”, mũi nhọn của cuộc biểu tình do cánh tả thân EU dẫn đầu ở Kiev, vốn do quân đội phát xít Right Sector chỉ huy.

Washington hoàn toàn ủng hộ chiến dịch quân sự dựa vào các gã phát xít, cho dù chiến dịch đó đe dọa mạng sống của hàng ngàn thường dân miền đông Ukraina.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đưa ra tín hiệu cho thấy sự hậu thuẫn của Washington đối với cuộc đàn áp. Sau khi tuyên bố Hoa Kỳ “đồng ý rằng việc sử dụng quân đội không phải là lựa chọn được ưu tiên”, ông ta tiếp tục xác nhận hành vi tấn công bạo lực vào người biểu tình. Ông ta tuyên bố “Cần phải nói rằng, chính phủ Ukraina có trách nhiệm thiết lập luật lệ cũng như trật tự và sự kích động ở miền đông Ukraina tạo ra tình trạng buộc chính phủ phải có phản ứng. Ukraina đã hành xử cẩn trọng, cho tới nay họ đã ân xá, đối thoại, cố gắng giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình”.

Carney cho thấy chiến dịch được lên kế hoạch và được triển khai dưới sự bảo hộ của chính quyền Obama và Cục Tình Báo Trung Ương (CIA), giám đốc CIA John Brennan đã tới Kiev cuối tuần trước.

Khi được hỏi về nội dung trao đổi giữa Brennan và các quan chức Hoa Kỳ với lực lượng an ninh ở Kiev, Carney trả lời thẳng thừng: “Chúng tôi thúc giục chính phủ Ukraina tiến lên, từng bước, có trách nhiệm và cẩn trọng, nếu họ phải xử lý tình huống gây ra bởi quân đội có vũ trang…Nói rõ ràng là: cách thức đảm bảo các nhóm bán quân sự có vũ trang, cũng như những nhóm vũ trang được gọi là những kẻ ly khai thân Nga, không gây ra bạo lực, để giải phóng các tòa nhà và tước vũ khí của họ”.

Lời khen ngợi của Carney về “trách nhiệm” và “sự cẩn trọng” của chính phủ Ukraina, trong khi súng máy từ trực thăng bắn vào dân chúng và xe tăng quần đảo quanh các thành phố chính, là sự dối trá trắn trợn

Tướng Vasily Krutov-Phó tư lệnh thứ nhất của Cơ Quan Tình Báo Ukraina (SBU), người chỉ huy chiến dịch-tổng kết chính sách mà Brennan và các quan chức Hoa Kỳ khác trao đổi với những gã ngốc ở Kiev. Krutov đe dọa sẽ “hủy diệt” những nhà hoạt động chống chính phủ, tuyên bố: “Họ phải bị cảnh báo; nếu họ không buông vũ khí, họ sẽ bị hủy diệt.”

Ông ta buộc tội những người biểu tình là “kẻ xâm lược ngoại quốc” và “do thám của Nga”, nói thêm là thời hạn đối với những người chiếm đóng các tòa nhà của chính quyền là “quá nhân đạo”

Krutov nhấn mạnh rằng chiến dịch có thể dẫn tới thiệt hại lớn về thường dân. Ông ta nói “Đáng tiếc, chúng tôi phải đối mặt với tình huống phức tạp bởi vì những kẻ đó ẩn nấp sau các tấm lá chắn sống. Một số trong số họ chiến đấu vì mục tiêu của họ, nhưng cũng có nhiều người bị ảnh hưởng của tuyên truyền.”

Krutov gợi nhớ tới các vụ thảm sát do tổ chức chính trị tiền thân của đồng minh Right Sector gây ra-Đó là tổ chức phát xít Ukraina đã hợp tác với quân đội phát xít chiếm đóng thời thế chiến thứ hai.

Những đe dọa về một cuộc thảm sát ở miền đông Ukraina cho thấy thói đạo đức giả của các nhà cầm quyền phương Tây. Washington và đồng minh châu Âu của họ đang hỗ trợ và tổ chức chính các hoạt động mà họ cáo buộc Yanukovych vài tuần trước đây-một cuộc đàn áp bằng bạo lực đối với những người biểu tình chống chính phủ.

Vào tháng hai, họ tuyên bố hành động đàn áp người biểu bình của Yanukovych đã đánh mất tính hợp hiến của chính phủ và xứng đáng bị lật đổ. (Họ cũng đánh giá tương tự đối với các cuộc chiến lật đổ chính phủ ở Lybia và cuộc nội chiến ở Syria mà họ nhấn mạnh là phản ứng về “nhân quyền” đối với các cuộc tấn công bạo lực của chính phủ vào người biểu tình.)

Nhưng trong khi Yanukovych giới hạn các phản ứng đối với các cuộc biểu tình chống chính phủ trong phạm vi hoạt động của cảnh sát, thì Hoa Kỳ gửi máy bay trực thăng và xe tăng tới trừng phạt người biểu tình ở miền đông Ukraina.

Hoa Kỳ và Châu Âu hỗ trợ chiến dịch đàn áp cho thấy rõ ràng là sự can thiệp của họ ở Ukraina không xuất phát từ những lo ngại về quyền dân chủ của người Ukraina. Ngay từ đầu mục tiêu của họ là kích động một cuộc nội chiến ở Ukraina và tạo ra sự đối đầu với Nga. Sau khi tổ chức cuộc đảo chính với lực lượng phát xít ở Kiev, thì giờ đây Washington, Berlin và Brussels tuyên bố sự đối đầu tất yếu của những người dân ở miền đông Ukraina là âm mưu của Nga, và sử dụng lời dối trá ấy để mở rộng quy mô bạo lực.

Kiểu khiêu khích đặc trưng của phương Tây được thể hiện qua yêu cầu của ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier về việc Nga phải giữ khoảng cách “với các hoạt động bạo lực và phi pháp của người biểu tình thân Nga.”

Trái ngược với sự thật, tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen kêu gọi đầy kích động rằng Nga phải “thu hẹp quy mô khủng hoảng, rút quân…chấm dứt gây bất ổn tình hình và không được hỗ trợ hoạt động bạo lực của những kẻ ly khai thân Nga.”

Quan chức Hoa Kỳ và Châu Âu đưa ra các cáo buộc mà không có bất cứ bằng chứng nào là Nga điều phối các cuộc biểu tình ở miền đông Ukraina. Khi một phóng viên hỏi về bằng chứng sự can dự của Nga vào miền đông Ukraina, Rasmussen tuyên bố: “Chúng tôi không bao giờ…bình luận về tình báo, nhưng tôi nghĩ rằng từ những gì thấy được, rất rõ ràng là bàn tay của Nga nhúng sâu các sự kiện.”

NATO đã triển khai nhiều tàu chiến cũng như máy bay gần biên giới Nga và các đại diện của NATO thảo luận về các biện pháp tiếp theo để “gia tăng khả năng phòng thủ của các đồng minh phương đông thông qua tập trận cũng như triển khai tạm thời các máy bay và tàu chiến được đồng minh khác gửi tới.”

Trong cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng EU, Rasmussen kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa NATO và EU. Để đối phó với Nga, ông ta đề xuất lực lượng phản ứng nhanh của hai tổ chức sẽ tập trận chung thường xuyên hơn.

Nga lên án chính phủ Ukraina được phương Tây hậu thuẫn và cảnh báo về nguy cơ nội chiến. “Đất nước ấy đang đứng bên bờ vực nội chiến. Điều đó rất đáng tiếc.”, Medevev viết trên trang facebook của mình như vậy. Ông ta cho rằng những người nắm quyền mới phải chịu trách nhiệm về làn sóng bạo lực mà từ lâu họ đã không thể kiểm soát. Ông ta viết “Những kẻ cai trị bất hợp pháp cố gắng vãn hồi trật tự mà họ đã phá vỡ khi tham gia vào vào cuộc nổi loạn có vũ trang.”

Quân đội Nga đang cố gắng cảnh báo quân đội Hoa Kỳ về việc gia tăng hoạt động trong khu vực. Vào thứ hai, Lầu Năm Góc cáo buộc máy bay chiến đấu Nga đã "quấy rối" khu trục hạm của hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đen.

Monday, April 14, 2014

Cảnh sát giết thường dân thì sao?

Chuyện cảnh sát lạm quyền giết người diễn ra không chỉ ở Việt Nam. Ngay cả ở Hoa Kỳ, xứ sở tự xưng là tự do dân chủ và công bằng nhất thế giới cũng vậy. Nếu như ở Việt Nam nạn nhân bị đánh bằng dùi cui thì ở Hoa Kỳ họ bị bắn bằng súng. Tất nhiên ở đâu thì nạn nhân cũng chết còn cảnh sát thì không sao cả, hoặc là chỉ nhận một mức án rất nhẹ.

Tháng trước, cảnh sát ở Albuquerque bang New Mexico đã bắn chết James Boyd, một người vô gia cư cắm trại dưới chân đồi bên ngoài thành phố. Vụ giết người của cảnh sát đã được quay video và đưa lên Youtube. Hơn một triệu người đã xem video đó. Nhiều cảnh sát mặc áo chiến đấu, đội mũ quân sự và mang súng trường tấn công có kính ngắm, bao vây một người vô gia cư đơn độc. Họ bắn lựu đạn gây lóa vào anh chàng khốn khổ đó, xua chó cắn anh ta, sau đó bắn tám phát đạn vào lưng anh ta, tiếp tục nã một phát đạn phá mảnh vào thân hình bất động của anh ta, rồi lại xua chó cắn.

Đó không phải là vụ duy nhất ở thành phố ấy. Từ năm 2010 tới nay chỉ riêng ở Albuquerque đã xảy ra 23 vụ cảnh sát bắn chết người.

Đó cũng không phải là vụ duy nhất ở Hoa Kỳ. Chỉ một ngày sau đó, cảnh sát Albuquerque bắn chết một người đàn ông khác. Alfre Lionel Redwine, 30 tuổi bị bắn chết bên ngoài một khu tổ hợp căn hộ. Ngay hôm sau ngày Redwine bị bắn chết, cảnh sát ở Spokane, Washington bắn chết một người đàn ông 30 tuổi khác tên là Steven C. Cordery khi anh ta rời khỏi nhà theo lệnh của cảnh sát. Ngày 14 tháng 1, cảnh sát bắn vào phía sau Manuel Orosco Longoria lúc anh ta giơ tay lên đầu khi bị chặn xe ở Phoenix, Arizona. Vào ngày 14 tháng 1, cảnh sát đánh chết Luis Rodriguez, 44 tuổi ở Moore, Oklahoma sau khi anh ta bị kêu gọi chịu trách nhiệm về việc đánh vợ và con gái.

Dường như cảnh sát Hoa Kỳ đang ngày càng trở lên bạo lực hơn. Năm 2011, cảnh sát địa phương Los Angeles bắn chết 54 người, nhiều hơn năm 2010 tới 70%. Từ năm 2008 đến 2013, số người bị cảnh sát Massachuset bắn tăng lên hàng năm. Năm 2012, cảnh sát New York bắn chết 16 người. Các đồng nghiệp ở Philadenphia vượt xa New York với việc hạ sát 52 mạng. 

Trong một thập kỷ qua, có tới 5000 người Mỹ bị cảnh sát giết hại, gấp 8 lần số người chết bởi khủng bố. Cảnh sát Hoa Kỳ giết hại nhiều thường dân hơn cả khủng bố, đó có lẽ không phải là chuyện đùa. Các cảnh sát giết người ở Hoa Kỳ hầu như không bị truy tố, những cảnh sát gây ra các vụ giết người hầu hết chỉ bị tạm nghỉ việc có lương để điều tra. Năm ngoái, cảnh sát Los Angeles khi truy đuổi can phạm đã nhầm một chiếc xe đưa báo của hai bà già là mục tiêu, họ đã không kiểm tra mục tiêu mà bắn vào đó hơn 100 viên đạn. Sở cảnh sát Los Angeles phải bồi thường 4,7 triệu USD, nhưng các nhân viên cảnh sát chỉ bị đưa đi đào tạo lại sau đó được tái bổ nhiệm. Vài tháng sau đó, viên cảnh sát Chicago tên là Gilardo Sierra, sau khi gặp vấn đề về nổ súng sáu tháng trước được tiếp tục tuần tra, đã bắn 16 phát đạn vào một người dân không có vũ trang. Cho đến nay Sierra vẫn được tự do. Viên cảnh sát bắn chết một thiếu niên13 tuổi cầm súng đồ chơi ở Santa Rosa chỉ bị tạm nghỉ điều tra hai tháng, sau đó đã quay trở lại làm việc.

Cảnh sát ở nhiều bang của Hoa Kỳ ưa chuộng trò giết người vô gia cư theo kiểu "bắn gà tây". Chính quyền các bang thường lờ chuyện đó đi vì giam giữ và tái hòa nhập cộng đồng những người vô gia cư rất tốn kém. 17,000 sở cảnh sát không hề công bố thông tin về việc sử dụng bạo lực và chính quyền liên bang cũng không quan tâm thu thập thông tin đó một cách nghiêm túc. Mặt khác, chính quyền lại rất sốt sắng thu thập thông tin về bạo lực của công dân, để lấy cớ gia tăng ngân sách cho an ninh.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, các phương pháp trấn áp bằng bạo lực vốn chỉ được sử dụng ở Afghanistan, Iraq, Lybia đã được áp dụng ở Hoa Kỳ. Cảnh sát đang được quân sự hóa, 500 xe bọc thép chiến đấu bị loại khỏi Trung Đông đã được chuyển giao cho cảnh sát. Xe bọc thép được gắn súng máy bắn đạn cỡ 50, súng phóng lựu tự động, đã được trang bị cho các đội SWAT ở các đô thị. Chắc chắn những vũ khí nguy hiểm đó không dùng để làm cảnh.

Cho đến nay nguyên nhân của tình trạng việc cảnh sát bắn chết thường dân ngày một phổ biến ở Hoa Kỳ vẫn chưa được nghiên cứu chi tiết. Song có một số ý kiến đề cập tới các nguyên nhân sau:

- Hàng ngũ cảnh sát thu hút những kẻ đầu gấu, những kẻ có vấn đề về xã hội và tâm lý.

- Cảnh sát không phải chịu trách nhiệm về việc mà họ làm.

- Cảnh sát được chính quyền liên bang quân sự hóa, được trang bị vũ khí quân sự, và được huấn luyện phải coi công chúng là kẻ thù.

- Chính sách chống khủng bố của chính quyền Bush/Cheney/Obama coi mọi người Mỹ là nghi phạm.

- Chính sách phân biệt chủng tộc, tôn giáo của Hoa Kỳ khiến cảnh sát có cơ hội lạm quyền.

- Sự bất lực của các chính quyền địa phương trước nạn nghèo khổ ngày càng gia tăng, dẫn đến bất ổn xã hội, do đó cảnh sát được trao quá nhiều quyền lực mà không bị kiểm soát.

Còn rất nhiều nguyên nhân nữa có thể đề cập, nhưng nói chung là chưa có nguyên nhân nào thật sự thuyết phục. 

Đó là ở Hoa Kỳ, còn ở Việt Nam thì nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng công an đánh chết thường dân? Khó có thể trả lời được. Có một điều chắc chắn là ngành công an hiện nay không phải thu thập và công bố thông tin về tình trạng bạo lực của công an, cũng như không phải đưa ra kế hoạch bất cứ kế hoạch nào để giảm thiểu tình trạng đó. Một số người tự xưng là dân chủ luôn dựa vào những trường hợp cụ thể để lên án ngành công an và đả kích chính quyền, đó không phải là đấu tranh, đó là phá hoại. Muốn thay đổi tình hình thì thay vì tập trung vào những vụ án cụ thể, người dân cần phải yêu cầu chính quyền thu thập, công bố thông tin và đấu tranh cho một chính sách bài trừ bạo lực của công an. Chỉ khi nào người dân biết phải yêu cầu chính sách thay cho một bản án, lúc đó mới có thể hy vọng về một tương lai tốt đẹp.

Saturday, April 12, 2014

Quốc Hội sai thì ai xử?

Mới đây ông chủ tịch Quốc Hội lại có một phát ngôn bất hủ: "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai". Có lẽ trong lúc vội vàng, ông chủ tịch Quốc Hội đã nhầm lẫn, Quốc Hội là cơ quan lập pháp tối cao của nhà nước vốn chỉ đại diện cho nhân dân chứ không phải là nhân dân. 

Đại diện của nhân dân sai thì nhân dân có thể xử lý, ít nhất là bằng lá phiếu bầu, cứ 5 năm một lần nhân dân sẽ phán xét mọi chuyện Quốc Hội làm là đúng sai hay hiệu quả thế nào, và phán xét từng đại biểu một.

Tại nhiều nước trên thế giới người ta có thể giải tán Quốc Hội ngay giữa nhiệm kỳ để bầu cử lại nếu xét thấy Quốc Hội đó không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Việt Nam chưa có cái lệ ấy, nhưng đã có tiền lệ là các đại biểu Quốc Hội có thể bị truất quyền đại biểu ngay trong nhiệm kỳ nếu vi phạm pháp luật, ví dụ như trường hợp của bà đại biểu Quốc Hội Đặng Thị Hoàng Yến. Vì vậy, minh bạch hóa quá quy trình làm luật và thông qua các chủ trương lớn của quốc gia, gắn với trách nhiệm cá nhân điều hoàn toàn có thể làm được.

Có lẽ Việt Nam có một đặc điểm khác với nhiều nước trên thế giới mà ít người để ý, đó là Đảng lãnh đạo. Đa số tuyệt đối đại biểu Quốc Hội là Đảng viên, thế nên nếu Quốc Hội làm sai thì Đảng có thể kỷ luật Đảng viên là đại biểu Quốc Hội và như vậy cũng là một cách kỷ luật Quốc Hội. 

Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đại biểu Quốc Hội hỏi về việc nếu Quốc Hội làm sai thì có kỷ luật ông chủ tịch Quốc Hội không. Câu hỏi ấy có lý của nó. Xét về mặt tổ chức, chủ tịch Quốc Hội không phải là người đứng đầu Quốc Hội, cũng chỉ là một đại biểu Quốc Hội như mọi đại biểu khác. Nhưng xét về mặt Đảng, chủ tịch Quốc Hội là có một ghế trong Bộ Chính Trị, cơ quan lãnh đạo cao cấp của Đảng, tức là có vị trí cao hơn các đại biểu khác rất nhiều. Trên bàn họp Quốc Hội tiếng nói của chủ tịch Quốc Hội với đại biểu cũng là tiếng nói của ủy viên bộ chính trị với các Đảng viên. Đó chính là vấn đề mà câu hỏi vô tình đề cập tới. 

Xét theo lẽ tự nhiên nếu Quốc Hội không làm tròn chức trách của mình thì bất cứ khi nào nhân dân dân cũng có thể giải tán Quốc Hội để bầu Quốc Hội khác. Cho dù có tiền lệ hay không có tiền lệ, thì đó là điều không thể tránh khỏi. Tốt hơn hết là Quốc Hội tự lựa chọn cách kỷ luật thay vì để nhân dân ra tay, bởi vì khi đó chỉ có một hình thức kỷ luật duy nhất.  


Thursday, April 3, 2014

Tham nhũng ở Nhật Bản

Thật buồn cười khi báo chí nước nhà đang nhẩy bổ lên vì chuyện mấy người Nhật hối lộ quan chức ngành đường sắt để trúng thầu dự án nhưng lại không bao giờ chịu tìm hiểu phần chìm của tảng băng trôi là gì. Mặc dù bề ngoài Nhật Bản là một trong những nước có tình trạng tham nhũng thấp nhất thế giới, nhưng những vụ tham nhũng ở Nhật Bản lại cho thấy cái tỷ lệ thấp đó dường như được truyền thống chính trị bóng tối tạo ra chứ không phải là sự thật. Trong chính trị Nhật Bản có một thứ "bộ ba sắt thép" điều khiển tất cả, không phải là tam quyền phân lập như sự tuyên truyền của truyền thông, mà là doanh nghiệp lớn, chính khách của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và tầng lớp tinh hoa chính trị. Có lẽ không thừa khi nhắc tới cánh tay nối dài của hệ thống chính trị ấy, tổ chức mafia yakuza, một ví dụ là doanh nghiệp Nhật Bản đã thông qua yakuza để thuê mướn nhân công giá thấp trong việc dọn dẹp nhà máy điện nguyên tử Fukushima (theo nguồn Reuters).

Các tập đoàn lớn của Nhật Bản có truyền thống kiếm tiền qua vốn ODA của chính phủ Nhật, họ muốn bán máy móc và thầu xây dựng các cơ sở hạ tầng nên chính phủ Nhật Bản cung cấp ODA cho lĩnh vực ấy. Chính sách ODA của Nhật không phản ánh lợi ích của đa số người dân Nhật Bản và lại càng không đáp ứng lợi ích của nhân dân nước nhận ODA. Vì ngày nay các nước đang phát triển nhận ra rằng họ không cần những cơ sở hạ tầng đồ sộ chỉ để cho một nhúm nhỏ dân cư có điều kiện sử dụng mà họ cần chuyển giao kỹ thuật để thoát đói nghèo, cần các hệ thống an sinh xã hội, giáo dục, y tế và văn hóa để nâng cao mức sống của đại đa số người dân. Chính phủ Nhật Bản càng tăng ngân sách OAD bao nhiêu thì chính sách ODA của Nhật Bản lại càng trở lên thừa bấy nhiêu. Trong bối cảnh ấy, hối lộ là phương pháp chủ yếu mà người Nhật dùng để tạo ra và giành lấy các dự án ODA.

Nếu ai đó còn nghi ngờ về truyền thống hối lộ trong các dự án ODA của Nhật Bản thì hãy so sánh mức án chung thân mà ông Huỳnh Ngọc Sỹ phải nhận trong vụ tham nhũng tại dự án đại lộ Đông Tây với mức án nhẹ nhàng đến kỳ lạ của những người đã hối lộ ông ta, có bốn người Nhật bị kết tội và nhận mức án lần lượt là 2,5 năm, 2 năm, 1,5 năm và 20 tháng tù giam.

Hiện nay, bất chấp các cải cách tư pháp của Nhật Bản, nạn gian lận trong các dự án đấu thầu công khai của chính phủ vẫn diễn ra, tiếng Nhật gọi là kanshei dango. Các quan chức chính phủ sẽ dàn xếp để doanh nghiệp được họ ưu ái trúng thầu và quan chức sẽ nhận được tiền mặt, quà tặng có giá trị hoặc kỳ nghỉ hưu ở thiên đường, tiếng Nhật gọi là amakudari, tức là quan chức sau khi về hưu sẽ nhận được vị trí béo bở trong lĩnh vực kinh doanh mà họ quản lý, cụ thể là từ năm 2008 đến 2009 có 68 quan chức nghỉ hưu của Bộ Kinh tế, Thương Mại và Công Nghiệp (METI) đã nhận được các vị trí hàng đầu tại 12 doanh nghiệp cung cấp điện của Nhật, trong năm 2008 có 1757 quan chức về hưu nhận được việc làm tại các doanh nghiệp được chính phủ trợ cấp hay nhận được các hợp đồng của chính phủ. Mọi nỗ lực của chính phủ Nhật chống lại amakudari hầu như không thành công.

Trong suốt 15 năm kể từ khi được ban hành, điều 18 trong luật cạnh tranh của Nhật nhằm trừng phạt việc hối lộ quan chức nước ngoài để được nhận các hợp đồng chỉ được thi hành duy nhất có hai lần. Lần thứ nhất vào năm 2007, hai người Nhật bị buộc tội hối lộ hai quan chức Philippine dưới dạng thẻ sân golf và các quà tặng đắt tiền khác trị giá khoảng 8000 USD để giành được hợp đồng. Lần thứ hai vào năm 2009, bốn người Nhật bị buộc tội hối lộ quan chức Việt Nam số tiền 2,434 triệu USD nhưng tòa án chỉ xét xử 820,000 USD. Với vụ hối lộ quan chức Việt Nam mới diễn ra, Nhật Bản sẽ có vụ thứ ba, người ta sẽ đặt câu hỏi là quan chức Việt Nam thích nhận hối lộ hơn quan chức Philippine và Malaysia? Hay quan chức Việt Nam đòi hỏi hối lộ nhiều hơn quan chức Philippine và Malaysia vì số tiền họ nhận được nhiều hơn? Không có lý do nào rõ ràng về việc đó, nhưng điều rõ ràng là lợi nhuận từ các dự án ODA của Nhật ở Việt Nam cao hơn các nước khác, khiến cho người Nhật sẵn sàng chi nhiều tiền hơn. Đấy chính là điểm cần quan tâm về mặt kinh tế.

Có lẽ cũng cần phải điểm qua danh sách các vụ tham nhũng diễn ra ở Nhật Bản, người ta sẽ ngạc nhiên vì quy mô và sự tinh vi của chúng cũng như mức án nhẹ nhàng mà tòa án đã tuyên:

1. Vụ scandal đóng tàu năm 1954: Vào năm 1954, vụ scandal hối lộ số tiền khổng lồ cho các chính khách và quan chức chính quyền để thông qua một điều luật của năm 1953 cho phép các doanh nghiệp đóng tàu được vay dưới lãi suất thị trường đã góp phần làm sụp đổ nội các Yoshida. Nhưng chỉ duy nhất có một người trong số 71 người bị bắt phải ngồi tù. Một người tham gia vào vụ này là Sato Eisaku sau đó trở thành thủ tướng (1964-1972) và nhận được giải Nobel Hòa Bình.

2. Vụ scandal Lockheed năm 1976: Tại hội nghị thượng đỉnh giữa tổng thống Hoa Kỳ Nixon và thủ tướng Nhật Tanaka năm 1972, một thỏa thuận về nhập khẩu số lượng lớn máy bay Lockheed đã được thông qua. Khi chính phủ Miki lên nắm quyền, cựu thủ tướng Tanaka đã bị bắt vì nhận khoảng 500 triệu Yên từ Lockheed. 460 người trong đó có 17 nghị sĩ đã bị thẩm vấn. Không có ai bị tuyên án nhưng tên của 17 nghị sĩ bị công khai. Tanaka bị tuyên án sau hai phiên xét xử năm 1983 và 1987. Ông ta kháng án, nhưng đã chết năm 1993 khi thủ tục tái xử chưa kết thúc.

3. Vụ scandal của công ty Recruit năm 1988-1989: Vụ này tập trung vào Recruit Cosmos, một chi nhánh của tập đoàn Recruit. Có rất nhiều người tham gia, từ chính khách hàng đầu, công chức, đại diện các hiệp hội và truyền thông. Họ đã mua cổ phiếu của công ty trước khi nó được lên sàn nhằm bán lại để kiếm lợi. Tiền được dùng trong các hoạt động mua bán đó được một công ty tài chính thuộc tập đoàn Recruit cho vay không lãi suất. Đổi lại các công ty con của tập đoàn Recruit nhận được nhiều ưu ái của chính khách và quan chức. Trong vụ scandal này rõ ràng là không có cá nhân quan chức nào nhận tiền, nhưng hầu hết các chính khách quan trọng đã tham gia. Vụ việc đã khiến thủ tướng Takeshita phải từ chức năm 1989, nhưng cựu thủ tướng Nakasone và thành viên trong nội các Fujinami cũng can dự.

4. Vụ Kyowa năm 1991: Vụ việc này liên quan đến Abe Fumio ở Kyowa, một nhà sản xuất dầm thép. Abe là tổng thư ký khu vực Miyazawa của LDP. Abe cũng là người đứng đầu Ủy Ban Phát Triển Hokkaido và Okinawa. Thông qua một chính khách khác, Abe đã sắp xếp cho công ty thương mại Marubeni được xây dựng một sân golf ở Kyowa để nhận tiền hối lộ, việc này diễn ra dưới thời thủ tướng Suzuki. Sau khi bị cáo buộc tham nhũng, Abe từ chức tháng 12 năm 1991, bị bắt tháng 1 năm 1992 và bị kết án 2 năm tù vào tháng 5 năm 1994.

5. Vụ scandal Sagawa Kyubin năm 1991-1993: Công ty chuyển phát bưu kiện Sagawa Kyubin quyên góp một số tiền lớn cho các chính khách của đảng LDP phụ trách về vận tải cũng như các chính khách có ảnh hưởng trong các đảng khác. Sagawa Kyubin tăng trưởng thần tốc và mong muốn nhận được giấy phép cho dịch vụ bưu kiện toàn quốc. Điều đặc biệt trong vụ này là không chỉ các chính khách mà cả tổ chức tội phạm yakuza cũng nhận được tiền. Kanemaru Shin, phó tổng thư ký của LDP dính dáng đến vụ này khi tham gia tranh cử Takeshita Nobu, đã gây thiệt hại lớn cho uy tín của LDP.

6. Scandal trốn thuế năm 1993 liên quan đến Kanemaru Shin: Sau khi can dự vào vụ bê bối tài chính nêu trên, Kanemaru Shin bị khám nhà. Người ta tìm thấy 3,6 triệu Yên mà Kanemaru Shin không giải trình được, nên đã bị kết tội trốn thuế thu nhập.

7. Scandal tham nhũng Genecon năm 1993: Thị trưởng thành phố Sendai bị bắt năm 1993 vì cáo buộc nhận tiền hối lộ của các tổng thầu (genecon), là các doanh nghiệp xây dựng lớn. Vụ bê bối được mở rộng và dẫn đến các quan chức trong hội đồng quận trưởng của Ibaraki và Miyagi. Tháng 11 năm 1997, cựu bộ trưởng bộ xây dựng, Nakamura Kishiro bị tuyên án tham nhũng.

8. Vụ scandal Sokaiya năm 1997: Có bốn hãng môi giới lớn tham gia vào vụ việc là Nomura Shoken, Yamaichi Shoken, Nikko Shoken và Daiwa Shoken. Bốn hãng này bị cáo buộc trả tiền cho kẻ tống tiền ban giám đốc liên quan đến đại hội cổ đông. Sokaiya là kẻ tống tiền tại đại hội cổ đông, các hãng tống tiền thường mua một lượng cổ phiếu nhỏ của các công ty khác để trở thành cổ đông, sau đó cho người gây rối tại đại hội cổ đông để ban giám đốc của công ty kia phải trả tiền cho họ. Kẻ gây rối tại các đại hội cổ đông thông thường không phải là ai xa lạ, chính là các yakuza.

9. Vụ scandal năm 1996-1998 của tầng lớp tinh hoa chính trị: Đó là vụ bộ trưởng bộ Y tế và Trợ cấp Xã hội nhận tiền để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà cho người già. Liên quan vào vụ việc có cả các quan chức cao cấp của Ngân hàng Nhật Bản và các thanh tra của bộ tài chính. Những người này đã tuồn ra ngoài thông tin mật về kế hoạch thanh tra của những điều phối viên được ủy quyền.

Tất nhiên ngoài những vụ bê bối đã nêu còn rất nhiều vụ khác diễn ra gần đây mà người ta có thể dễ dàng tìm ra trên báo chí và mạng internet. Nhưng lịch sử cho thấy Nhật Bản luôn rất nhẹ tay với tội tham nhũng. Vốn ODA của Nhật Bản suy cho cùng là quá đắt, nhưng nó tuyệt vời đối với quan chức và doanh nghiệp Nhật Bản và quan chức ở các nước nhận viện trợ vì họ tiêu tiền, còn đối với nhân dân hai nước chỉ là gánh nặng còng. Hối lộ và tham nhũng là điều tồi tệ, song đằng sau là chính sách ODA không phục vụ cho lợi ích của đại đa số nhân dân, điều đó còn tồi tệ hơn gấp nhiều lần.

Tài liệu tham khảo:

1. Global Legal Inside: "Bribery and Coruption"; First Edition; Daiske Yoshida, Junyeon Park, Latham, Watskin: "Japan".

2. Wener Pascha: "Corruption in Japan-An Economist's Perspective"


4. Henry Laurence: "The Big Bag and Sokaiya"

Tuesday, April 1, 2014

Công nghệ trong một xã hội tự do

Xin được giới thiệu với bạn đọc blog bài phỏng vấn học giả nổi tiếng chuyên về quan hệ quốc tế, được giải Nobel Hòa Bình, giáo sư ngôn ngữ học Noam Chomsky của nhà báo John Malkin với tiêu đề "Technology in a Free Society" về tác động của công nghệ đối với đời sống xã hội. Qua đó cung cấp một góc nhìn tổng quan hơn về sự thay đổi của công nghệ và tác động của chúng đối với xã hội con người. Noam Chomsky cũng cảnh báo về việc trẻ em bị đánh mất thời thơ ấu, nguy cơ các chính quyền sử dụng công nghệ để theo dõi người dân.

John Malkin: Mạng Internet, máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng và truyền thông xã hội đang thay đổi cách chúng ta sống và tạo ra ảnh hưởng tới tư duy, trao đổi thông tin và hợp tác của nhân loại, Mặt khác, Edward Snowden và Wikileaks đã tiết lộ cách thức công nghệ mới được sử dụng để theo dõi và kiểm soát. Công nghệ kỹ thuật số mới có đóng góp vào việc làm cho xã hội dân chủ hay tự do hơn không?

Noam Chomsky: Không. Đó là những ví dụ rất chính xác, nhưng hiệu quả tích cực của công nghệ như đã đề cập là có giới hạn. Ví dụ, khi mùa xuân Arab diễn ra ở Ai Cập năm 2011, chế độ độc tài Mubarak đã ngắt mạng Internet để ngăn cản cái đã được nhắc đến. Nhưng điều đó không có hiệu quả. Mọi người chuyển sang dạng trao đổi thông tin trực tiếp, thứ đó có lẽ là tốt hơn.

Bây giờ là mặt trái. Công nghệ tạo ra cơ hội cho hệ thống quyền lực-nhà nước và các doanh nghiệp-làm cái điều mà lẽ ra họ không nên làm, điều đó rất có hại, như một trong số các tiết lộ của Snowden cho thấy.

Công nghệ cũng có thể sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Tôi sử dụng Internet để nghiên cứu và nó rất đáng giá. Trong trường hợp Internet, đó là công cụ tốt nếu bạn biết bạn tìm kiếm cái gì. Nếu bạn không biết bạn đang tìm kiếm cái gì thì nó chỉ đem đến sự lẫn lộn. Ví dụ, ai đó nói với tôi rằng họ muốn trờ thành nhà sinh học và tôi nói “Hãy đến thư viện sinh học của trường đại học và mọi thứ bạn cần biết đều ở đó”. Điều đó là vô nghĩa, bạn chẳng thể làm bất cứ gì với thông tin bởi vì bạn không biết mình đang tìm kiếm gì.

Internet còn tệ hơn thế, bởi vì phần lớn những thứ trong thư viện sinh học là phù hợp và quan trọng. Khi bạn sử dụng Internet, bạn tìm thấy hàng đống những thứ vớ vẩn, sai lệch, vô giá trị và tuyền truyền. Mọi người giống như ở giữa đại dương mà không có vài hiểu biết cơ bản.

Và để hiểu biết thì cần phải có giáo dục, các hiệp hội và hợp tác với những người khác. Thiếu hiểu biết cần thiết thì Internet chỉ dẫn đến sự mất trí, sùng bái thông tin, tạo ra ảo tưởng rằng bạn biết mọi thứ trong khi thực tế là bạn bị lầm lẫn bởi những chuyện tầm phào hay tuyên truyền. Đó là những mặt tiêu cực. Công nghệ bản thân nó không quan tâm; nó có thể được sử dụng để cải thiện tự do, phẩm giá và hiểu biết. Nó cũng có thể được dùng để ép buộc, kiểm soát và làm sai lệch. 

John Malkin: Giờ đây tôi ngạc nhiên khi nghe thấy mọi người nói “Tôi chưa bao giờ cảm thấy được liên kết gần gũi hơn với những người khác,” và họ ngồi một mình trong phòng nhìn vào màn hình. Ông vừa nói là một người bạn thời thơ ấu giữ một cuốn sách có tên của 200 bạn bè. Ông không thể tin là người ta có tới 200 người bạn. Nó giống như facebook trước khi có facebook. Cảm giác kết nối con người qua máy tính có phải là hão huyền?

Noam Chomsky: Tôi chưa từng thực hiện nghiên cứu nào để có thể kết luận, song ấn tượng của tôi là có rất nhiều điều viển vông. Tệ hơn nữa, nó đẩy con người ra xa khỏi các mối quan hệ bạn bè thật sự vởi vì họ tin rằng họ có bạn, nếu giả dụ họ đăng lên trang facebook “Tôi có kỳ thi chiều nay” và họ nhận được 200 phản hồi, đại loại như “Này, tôi hy vọng bạn làm tốt”, của những người chưa từng biết họ kể từ thời Adam. Nếu đó là những gì mà lũ trẻ tin là tình bạn thì cuối cùng chúng sẽ gặp rắc rối trong cuộc sống. Đó không phải là tình bạn.

John Malkin: Phần lớn những thiết bị mà mọi người đang nhìn, nói và chơi ngày nay được quân đội phát triển và sau đó chuyển sang cho người tiêu dùng. Tôi ngạc nhiên nếu các nghiên cứu và phát triển ban đầu của công nghệ và thiết bị số có chứa đựng và ảnh hưởng nào đó?

Noam Chomsky: Có những công nghệ được phát triển cho các mục tiêu đặc biệt mà các bạn hay tôi có thấy là có hại. Nếu Viện Sức Khỏe Quốc Gia (INH) tài trợ cho nghiên cứu về vũ khí sinh học, có thể một ngày nào đó, một ai đó tìm ra cách sử dụng tốt đối với chúng. Song đó là chuyện hết sức ngẫu nhiên. Chúng vốn dĩ được thiết kế để gây hại và phá hủy. Tôi không nghĩ là INH làm vậy, đó hoàn toàn chỉ là giả thiết.

Nếu các bạn trở lại với trường hợp đã đề cập-máy tính và mạng Internet-chúng được phát triển trong những năm 1950 tại các phòng thí nghiệm và cơ sở được Lầu Năm Góc tài trợ, bao gồm cả nơi tôi làm việc, Phòng Thí Nghiệm Nghiên Cứu Điện Tử tại MIT. Đó là một trong những nơi chính diễn ra quá trình phát triển. Toàn bộ được quân đội tài trợ. Thật sự, lúc đó tôi được quân đội tài trợ 100 phần trăm. Mọi người làm việc trong phòng thí nghiệm đều hiểu rằng mọi thứ rất thuận lợi để phát triển những thứ đó. Rất nhiều động lực phía sau việc phát triển mạng Internet chỉ đơn giản là cải thiện khả năng trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học.

Tiền thân của mạng Internet là mạng ARPAnet của quân đội. Mạng này được thiết kế cho mục tiêu quân sự cũng như các máy tính vậy. Nhưng bạn có thể sử dụng máy tính và mạng Internet cho rất nhiều mục tiêu. Rất nhiều phát triển ban đầu chỉ là cho quân sự, bởi vì chỉ họ mới có thể sử dụng chúng. Ví dụ vào năm 1950, IBM làm cái mà ngày nay chúng ta được biết là thử nghiệm công nghệ quân sự trong việc chế tạo các máy tính số có tốc độ cao. Đó là mục đích của quân đội: họ cố gắng phát triển pha tiếp theo của nền kinh tế công nghệ cao. Vào đầu những năm 1960, IBM cuối cùng cũng tạo ra được chiếc máy tính nhanh nhất thế giới-siêu máy tính Stretch-nhưng nó quá đắt nên doanh nghiệp không thể mua được và người tiêu dùng thì lại càng không. Vậy nên chính quyền mua nó và sử dụng trong các vụ thử vũ khí hạt nhân ở Los Alamos.

Chính quyền có thể chi trả được cho những thứ đắt đỏ ấy. Nếu bạn nhìn vào kết quả, chính quyền đã dùng tiền của người đóng thuế để trợ cấp cho doanh nghiệp tư nhân. Rất nhiều dạng trợ cấp như mua lại các nhà băng, và các vụ mua lại tương tự. Nếu khu vực doanh nghiệp học được từ nghiên cứu của chính quyền cách sản xuất ra cái gì đó và những sản phẩm ban đầu quá đắt đối với thị trường, chính quyền có thể đứng ra mua chúng. Kiểu đặc trưng này là quân đội vì họ có nguồn lực không bị hạn chế và luôn tìm ra cách sử dụng.

Tôi biết nhiều người tham gia vào quá trình phát triển các công nghệ mới như-máy tính và Internet-họ không có động cơ phát triển những thứ đó cho ứng dụng quân sự.

John Malkin: Ông nói rằng tivi làm đần độn tinh thần và ông viết cũng như nghiên cứu rất nhiều về việc sử dụng truyền thông để tuyên truyền và kiểm soát. Ông cũng nói rằng sách dường như đã biến mất và niềm tin phổ biến rằng con người-đặc biệt là trẻ em-không bị ảnh hưởng bởi các chương trình và trò chơi video bạo lực.

Noam Chomsky: Tôi không thể đảm bảo về điều này nhưng tôi được đọc từ những nguồn tin cậy rằng phi công điều khiển máy bay không người lái-những người nhìn vào màn hình và điều khiển máy bay không người lái-được huấn luyện bằng các trò chơi video. Có một số nghiên cứu về tác động của các hình ảnh bạo lực đối với trẻ em mà tôi được đọc đã cho thấy họ không tìm được bất cứ tác động nào của việc xem các trò chơi bạo lực đối với trạng thái tiếp theo hay sử dụng bạo lực. Có thể có một số, nhưng dường như không phải là tất cả.

Tôi muốn lưu ý về trẻ em và máy tính và màn hình video một số điểm khác và diễn ra âm thầm, không cần viện dẫn đến các nghiên cứu. Tôi đã sống năm mươi năm qua ở khu vực ngoại ô. Vợ tôi và tôi chuyển đến đó vì đó là nơi tuyệt vời cho trẻ con. Năm mươi năm trước, con cái của chúng tôi còn bé và có thể chơi đùa trên đường phố; không có nhiều phương tiện giao thông qua lại và rừng thì ở ngay cạnh. Quanh hàng xóm luôn đầy trẻ con, chạy chơi khắp nơi, qua lại nhà nhau. Điều đó tạo lên bầu không khí làng xóm. Bạn cần phải biết người hàng xóm vì con của bạn sẽ ăn trưa ở đó. Điều ấy dẫn tới các mối quan tâm cộng đồng. Đó là năm mươi năm trước.

Giờ đây bạn đi quanh chính cái cộng đồng đó và không thấy bất cứ đứa trẻ nào. Bạn chỉ có thể thấy những người trưởng thành. Nếu là người trưởng thành, họ dường như chỉ dắt chó đi dạo. Trẻ con thì ở trong nhà và chơi các trò chơi video hay làm gì đó hoặc chúng tham gia vào các hoạt động do người trưởng thành tổ chức. Điều này đã được nghiên cứu. Trẻ em đánh mất thời thơ ấu. Chúng đánh mất khả năng chơi đùa, khả năng trở nên độc lập và khả năng sáng tạo.

Một đứa cháu nội của tôi thích thể thao khi nó còn bé. Có một sân thể thao ở gần nhà và tôi hỏi nó: “Sao cháu không ra ngoài đó và chơi với những đứa trẻ khác?” Đó là điều mà tôi làm khi tôi còn bé và là cách mà con cái tôi chơi đùa cho tới khi chúng lớn lên. Cháu nội tôi thậm chí còn không hiểu câu hỏi. Đối với nó thể thao là thứ được người trưởng thành tổ chức, trong cái giải đấu của người trưởng thành, và các giải đấu ấy diễn ra theo cách không dễ chịu. Có rất nhiều điều diễn ra, với cuộc sống của trẻ em và các hoạt động được tổ chức dựa trên ứng dụng máy tính. Điều đó làm giảm sự thích thú, kinh nghiệm và các hoạt đông học hỏi rất quan trọng đối với tương tác và các hoạt động độc lập thời thơ ấu. Tôi không nghĩ rằng chúng được đo lường, nhưng tôi cho rằng chúng sẽ rất nguy hiểm về lâu dài

Tác động đối với việc đọc là rất đáng chú ý. Tôi không biết các bạn thế nào, nhưng thỉnh thoảng tôi đọc báo trên mạng và trải nghiệm hời hợt hơn đọc báo giấy rất nhiều, với báo giấy bạn có thể lật trang hay gạch chân. Đôi khi bạn chỉ lướt qua báo mạng. Tôi ngờ là sự thay đổi này tạo ra những yếu tố hời hợt trong hoạt động trí óc, bất kể là đọc báo hay tiểu thuyết. Tôi đọc trên mạng để cập nhật các thông tin chuyên môn. Nhưng nếu tôi thực sự muốn nghĩ về chúng thì tôi sẽ in chúng ra và đọc lại. Với sách cũng tương tự như vậy. Có thể đó là văn hóa mà tôi đã lớn lên trong đó, nhưng tôi ngờ rằng nó còn sâu sắc hơn thế. 

John Malkin: Tôi chia sẻ cùng mối lo ngại. Tôi cảm thấy rằng sự kiểm soát của người trưởng thành đang tăng lên và trẻ em học được nhiều hơn cũng như vui vẻ hơn khi chúng xây dựng các trải nghiệm của chúng. 

Noam Chomsky: Chính xác, Đó là trò chơi. Các trò chơi đem lại trải nghiệm học hỏi tuyệt vời. Các trò chơi tạo ra tính sáng tạo và tính độc lập. Tôi muốn nói với các bạn một ví dụ: Căn nhà tôi ở suốt 50 năm có rừng ở ngay phía sau. Có một cái cây được mọi đứa trẻ gọi là cây leo trèo. Giờ chúng không biết. Nếu bạn quay lại 30 hay 40 năm trước, cái cây đó là hoạt động chung của mọi đứa trẻ trong xóm. Lũ trẻ trèo lên cây với một mảnh gỗ và cắm nó vào cái cây, những đứa khác lại trèo lên với mảnh gỗ khác. Chuyện đó bắt đầu vào mùa xuân và đến mùa thu thì hoàn tất, một căn nhà gỗ hoàn hảo trên cây cho lũ trẻ chơi đùa. Giờ cái cây trống không. Trẻ em không chơi ở đó. Có thể là bố mẹ chúng không cho phép, những lũ trẻ hiện giờ không muốn ra ngoài và sáng tạo hay hợp tác với những đứa khác trong công việc thiết kế một nơi hoàn hảo nơi chúng có thể chơi các trò chơi thú vị. Tôi nghĩ nhiều thứ đã mất đi như vậy.

John Malkin: Tiểu thuyết khoa học thường mô tả ý tưởng con người tạo ra các cỗ máy có cảm xúc hay trí tuệ. Trong thời đại chúng ta, con người dường như trở nên giống máy móc hơn. Ray Kurzweil đã tiên đoán rằng trong vòng 30 năm nữa máy móc sẽ tự tuyên bố chúng sống và không ai tranh luận về điều đó.

Noam Chomsky: Ngay lập tức các bạn có thể tạo ra một cỗ máy biết nói: “Tôi sống”. Bạn cũng có thể tạo ra một cơ sở dữ liệu đủ hoàn hảo để đánh lừa mọi người rằng nó sống. Nhưng điều đó là vô nghĩa. Phần lớn chúng được tạo ra từ bản thảo của Alan Turing, một nhà toán học vĩ đại và cha đẻ của khoa học máy tính và nền tảng của máy tính. Ông ấy viết trong nghiên cứu của mình năm 1950 về máy móc biết suy nghĩ [“Computing Machinery and Intelligence’]. Bản thảo đó đưa ra nhiều phỏng đoán đoán về công nghiệp. Ông ấy đề xuất một loại kiểm tra mà giờ được gọi là kiểm tra Turing-nếu một cỗ máy vượt qua kiểm tra thì chúng ta có thể nói là nó biết suy nghĩ.

Nhưng khi Turing nói về máy móc, ông ta đề cập tới những chương trình điều khiển máy móc. Các cỗ máy tự nó, ví dụ như máy tính xách tay, không làm gì cả. Nó có thể đóng vai trò như một tập giấy trắng. Nếu có điều gì đó diễn ra thì là do chương trình mà bạn cài vào đó. Nó giống như R2D2 nếu bạn mô tả theo cách ấy. Giờ là câu hỏi “Có thể tạo được một chương trình đánh lừa người quan sát trong thời kỳ kiểm tra rằng máy móc sống?” Theo cách đó, bạn có thể thiết kế chương trình vượt qua được kiểm tra Turing và nhận 100’000 USD.

IBM và những người khác nắm bắt được ý tưởng và IBM thiết kế một chương trình được gọi là Deep Blue, chương trình này có thể đánh bại cả đại kiện tướng cờ vua. Tất cả là vô nghĩa. Thực tế là Turing cũng đã chỉ ra điều đó trong tập bản thảo 8 trang. Ông ta nói rằng câu hỏi máy móc có biết suy nghĩ hay không là quá vô nghĩa để tranh luận. Dĩ nhiên, chúng ta không còn nghĩ rằng tàu ngầm có thể bơi. Nếu chúng ta muốn gọi đó là bơi thì cũng được thôi, nhưng đó chỉ là chuyện thuật ngữ. Bất cứ cái gì con người làm khi họ suy nghĩ thì không phải là cái mà một cơ sở dữ liệu lớn làm. Đó không phải là cái mà Deep Blue làm. Đó hoàn toàn là một hành động khác. Một chương trình máy tính nhanh chóng tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu khổng lồ. Không nghi ngờ gì cả, bạn có thể tạo ra một chương trình và một bộ nhớ cho phép tìm kiếm thần tốc khắp cơ sở dữ liệu khổng lồ và đưa ra kết quả trông bề ngoài giống như trí tuệ. Cũng như bạn tìm thứ gì đó bằng Google và bạn nhận được kết quả ngay lập tức. Bạn có thể đánh lừa bản thân rằng cỗ máy đó thông minh khi có thể tìm kiếm nhanh chóng trong một cơ sở dữ liệu khổng lồ. Nhưng điều đó không có gì liên quan đến con người hay động vật thông minh. Nó có thể rất hữu dụng song không phải là trí tuệ. Tôi dùng Google để tìm kiếm, nhưng chúng ta không bị nó đánh lừa. Tôi nghĩ rằng Kurzweil là một nhà khoa học tốt. Ông ấy có thể bị công nghệ đánh lừa, hay ít nhất, tôi nghĩ là ông ấy đánh lừa người khác.

John Malkin: Julian Assange đã mô tả Internet là công cụ để giám sát của chính quyền. Thông tin được tiết lộ của Chelsea (Bradley) Manning, Julian Assange, và Edward Snowden đã cho thấy việc sử dụng trên quy mô lớn các công nghệ mới vào việc giám sát và kiểm soát. Tất nhiên chính quyền Hoa Kỳ có một lịch sử dài về giám sát, nhưng đối với nhiều người trong chúng ta, quy mô của việc thu thập và lưu trữ rất nhiều dữ liệu số đã gây hoảng hốt.

Noam Chomsky: Về mặt cá nhân, tôi ngạc nhiên vì quy mô của chương trình hiện nay. Những người khác bị sốc. Bạn có thể thấy tổng thống của Brazil, Dilma Rousseff, hủy cuộc viếng thăm cấp quốc gia vì sự sỉ nhục khi biết rằng các cơ sở kinh doanh và chính quyền, thậm chí cả văn phòng của ông ta bị NSA theo dõi. Nếu chúng ta biết rằng Trung Quốc bí mật theo dõi Obama, ông ta sẽ nghĩ rằng đã đến lúc chiến tranh.

Quy mô của sự giám sát là rất đáng kinh ngạc. Nhưng không phải là hiện tượng mới. Lý do là một trong số đã được các bạn đề cập. Nếu các bạn quay lại quá khứ, hệ thống quyền lực-nhà nước và tư nhân-đã cố gắng thực hiện kiểm soát nhiều nhất có thể đối với mục tiêu của họ. Trong trường hợp chính quyền, mục tiêu là dân chúng và các xã hội khác. Họ muốn kiểm soát những thứ ấy. Kiểm soát cần có một số dạng thông tin và một số phương pháp giám sát. Sau khi giám sát là đến những công cụ khác như tuyên truyền, can thiệp, giết hại và tương tự. Tại Hoa Kỳ điều đó đã diễn ra từ lâu và đó là đặc trưng của hệ thống được sáng chế cho mục đích quân sự sau đó nhanh chóng ứng dụng để kiểm soát thường dân. Chính quyền coi thường dân là một dạng kẻ thù. Kẻ thù cần phải bị kiểm soát, chia rẽ, phá hủy, đẩy lùi và giữ trong bóng tối. Hệ thống thương mại cũng làm tương tự.

Có một cuốn sách hay của Alfred McCoy, một nhà sử học nổi tiếng (Policing America’s Empire: The United States, The Philippines, and the Rise of Surveilance State). McCoy nghiên cứu các kỹ thuật và phương pháp mà Hoa Kỳ sử dụng tại Philippine một thế kỷ trước đây, sau khi Hoa Kỳ xâm lược nước này, đó là giết người, cuộc xâm lược đẫm máu giết hại hàng chục nghìn người. Nhưng họ gặp khó khăn trong việc bình định hòn đảo ấy. Họ đã dùng các công nghệ hiện đại nhất để thiết lập các cơ sở dữ liệu phức tạp, tiến hành giám sát quy mô lớn, can thiệp và trấn áp các phong trào, chia rẽ mọi người, bôi nhọ và tương tự. Đó là những kỹ thuật giám sát, kiểm soát và chia rẽ rất hiệu quả, sau đó đã nhanh chóng được áp dụng để chống lại công dân Hòa Kỳ. Những kỹ thuật đó được sử dụng suốt thời kỳ sợ đỏ của Woodrow Wilson và vài năm sau đó nước Anh cũng sử dụng. Danh sách tiếp tục kéo được kéo dài.

Không có gì đáng ngạc nhiên là Washington và các tập đoàn lớn làm những gì mà họ làm được được để giám sát, thống trị và kiểm soát nhằm đảm bảo rằng dân chúng và các quốc gia khác không thể bẻ gẫy các hoạt động của họ. Trong những năm 1960, chương trình tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đã diễn ra. Đó là COINTERPRO, chương trình của lực lượng cảnh sát liên bang, FBI. Mục tiêu của chương trình không chỉ là giám sát, mà là bẻ gẫy, đàn áp và phá hủy trên quy mô lớn các tổ chức. Bắt đầu là Đảng Cộng sản và sau đó là phong trào độc lập Puerto Rico, phong trào người Da Đỏ Mỹ, toàn bộ cánh tả mới, phong trào phụ nữ, phong trào quốc gia của người da màu, và các phong trào khác. Điều đó rất nghiêm trọng và tiến tới các vụ ám sát có tính chính trị. Cuối cùng chương trình bị tòa án bãi bỏ vào giữa những năm 1970. Tôi đoán là nó đã bị bãi bỏ.

Nhưng những cơ chế khác vẫn được phát triển trừ khi chính quyền bị đặt trong vòng kiểm soát. Chính quyền chỉ có thể bị đặt trong vòng kiểm soát bởi những người dân được thông tin, tích cực và có tổ chức do đó những người mà các bạn đã đề cập-Assange, Manning, Snowden-đang làm việc cần thiết. Họ hành động như những công dân đáng kính. Họ cho công chúng biết những người được công chúng chọn làm đại diện đang làm gì với các bạn. Tất nhiên, những người có quyền lực không thích điều đó và chính quyền đưa ra đủ mọi cớ để giám sát, như an ninh hay tương tự. Nhưng chúng ta giữ trong lòng rằng thực chất của những gì đang diễn ra và những hành động đó của công dân là cần thiết cho một xã hội tự do.