Showing posts with label Quân sự. Show all posts
Showing posts with label Quân sự. Show all posts

Friday, December 5, 2014

Người dân đảo Jeju của Hàn Quốc: Không căn cứ hải quân

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "Jeju: “Island of Peace” in the Crosshairs of War" của nhà hoạt động hòa bình Mica Cloughley về phong trào của người dân đảo Jeju, Hàn Quốc phản đối việc xây dựng căn cứ hải quân trên đảo. Tiêu đề do người dịch đặt.

Jeju: “Hòn đảo Hòa Bình” trong tầm ngắm của chiến tranh

Một số người có thể ngạc nhiên, làm sao mà một tỉnh nhỏ của Hàn Quốc được gọi là “Hòn đảo Hòa Bình” lại có tỷ lệ tội phạm cao nhất Hàn Quốc? Dân số đảo Jeju vào khoảng 500.000 người, và cho tới nay thì cộng đồng trên đảo vẫn đặc trưng bởi sự bình yên. Seoul, trái lại, có dân số 10 triệu người, lớn hơn 20 lần. Câu trả lời nằm ở định nghĩa về tội phạm. Cuộc đấu tranh kéo dài 8 năm chống lại việc xây dựng căn cứ hải quân khổng lồ đã bị nhà cầm quyền Hàn Quốc đàn áp với sự xâm phạm nhân quyền trắng trợn, trong đó có việc áp dụng bất thường luật lệ dẫn đến hơn 600 người bị bắt giam và hơn 400 người bị buộc tội liên quan đến các hoạt động phi bạo lực ở cửa ngõ đảo Jeju, địa điểm xây dựng căn cứ hải quân Hàn Quốc. Do đó “tội phạm” lên đến mức ấy. Các vi phạm từ đi bộ ẩu tới “cản trở công việc”, loại thứ hai mới đây được áp dụng cho một nữ tu già, Sơ Stella Soh, về việc ngồi trước cửa của căn cứ hải quân, chặn lối vào của xe tải. Điều này có nghĩa là lần đầu tiên trong 200 năm lịch sử Thiên Chúa Giáo Hàn Quốc, một nữ tu bị truy tố về tội hình sự.

Nhưng những cư dân đảo chống chủ nghĩa đế quốc cản trở công việc của ai khi họ từ chối căn cứ hải quân? Căn cứ hải quân trên đảo Jeju có vẻ là dành cho quân đội Hàn Quốc, nhưng có thể hiểu rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ sử dụng căn cứ. Đó là viên ngọc trên vương miện “xoay trục sang Châu Á” của tổng thống Obama, thứ thực sự tạo thành một vòng cung các căn cứ hải quân và quân sự bao quanh Trung Quốc. Căn cứ hải quân trên đảo Jeju cũng là công việc kinh doanh mạo hiểm đầy lợi nhuận đối với Samsung. Quả thực vậy, cũng chính là Samsung sản xuất điện thoại di động, chính họ đang xây dựng căn cứ quân sự lớn nhất khu vực lòng chảo Thái Bình Dương. Trong quá trình xây dựng, Samsung trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế và gây tổn hại cho môi trường dễ tổn thương của hòn đảo, cũng như địa điểm Di Sản Thế Giới của UNESCO. Công ty này đã đánh mìn, đúng theo nghĩa đen, một phần đảo mà người dân bản địa đã tôn kính nhiều thế kỷ. Đó là nơi linh thiêng nhất trên hòn đảo của họ.

Hải quân Hàn Quốc dự tính căn cứ sẽ được hoàn thành vào tháng 12 năm 2015. Bản thiết kế mô tả một căn cứ hải quân rộng 50 ha sẽ chứa 7.000 lính, tối đa 24 tàu chiến, trong đó có hai tàu khu trục hộ vệ, 6 tàu ngầm hạt nhân. Cần biết rằng mỗi tàu khu trục có một động cơ lên đến 100.000 mã lực, khó có thể tưởng tượng rằng căn cứ sẽ an toàn đối với một môi trường nhạy cảm về sinh thái. 7.000 lính thủy sẽ cập bến ở Gangjeong, một ngôi làng với dân số khoảng 2.000 người. Dân làng biết rằng dự án này có nguy cơ xóa sổ toàn bộ cộng đồng của họ.

Nếu họ xây nó, căn cứ hải quân sẽ phá hủy nhiều phần sinh quyển độc đáo của đảo Jeju. Vùng biển quanh đảo được luật pháp quốc tế bảo vệ bởi vì chúng nằm trong phạm vi Bảo Tồn Sinh Quyển của UNESCO. Chỉ còn ít hơn 120 cá heo mũi chai sống trong vùng biển quanh đảo. Rừng san hô mềm lớn nhất thế giới, ngoài khơi của làng Gangejong, đã bắt đầu chết từ khi việc xây dựng được khởi công vào năm 2011. Samsung đã phá vỡ hàng sa số các luật môi trường để cấp tốc xây dựng căn cứ quân sự. 

Do đó, các nhà hoạt động hòa bình của đảo Jeju đã công khai kêu gọi mọi người trên thế giới tự nguyện tới và sống trong làng của họ, trực tiếp chứng kiến cuộc đấu tranh. Tôi đáp ứng lời kêu gọi ấy, đi tới làng Gangjeong, đảo Jeju. Tôi biết rằng mình tới đó để giương cao lá cờ màu vàng trên vỉa hè, kêu lên: “Không căn cứ hải quân!” Do các nhà hoạt động bị chính quyền giám sát thường xuyên và nhiều người ủng hộ quốc tế của cuộc đấu tranh chống căn cứ hải quân đã bị từ chối nhập cảnh vào Hàn Quốc, tôi được dặn là không thông báo với bất cứ ai trong làng khi tôi tới nơi. Lúc tôi ngó vào Trung Tâm Hòa Bình, hy vọng có ai đó sẽ giúp đỡ khi tôi nói mình là tình nguyện viên đến từ tổ chức bất bạo động phi chính phủ Peaceworkers ở San Francisco và dự định sẽ ở lại 6 tuần. 

Một người phụ nữ tên là Silver chỉ cho tôi thấy quanh làng trong buổi tối đầu tiên. Lúc chúng tôi ngồi trong nhà hàng miễn phí cho các nhà hoạt động, một cơn gió mạnh thổi vào phòng, làm cốc chén xoong chảo trên quầy va vào nhau

“Tôi nghe nói đảo Jeju nổi tiếng về gió.” Tôi nói với Silver

“Phải,” Silver cười, “Đảo Jeju nổi tiếng về ba thứ: gió, đá và phụ nữ.”

“Sau khi gió thổi, mọi người nghĩ đó là bão to. Chúng tôi thường có bão hàng năm vào giữa tháng 7 và tháng 10, nhưng năm nay chúng tôi vẫn chưa có bão, nên mọi người đang cầu nguyện nó đến ngay.”

Bối rối, tôi hỏi, “bão không phải nguy hiểm sao? Chị có phải sơ tán không?”

“Có, bão rất tệ đối với nông dân trồng quýt,” Silver trả lời, “Chúng phá hủy hết mùa màng và gây ra rất nhiều thiệt hại. Nhưng cơn bão năm ngoái cũng gây thiệt hại tồi tệ cho căn cứ hải quân, thế nên giờ ngay cả nông dân cũng cầu bão.”

Tôi sẽ sớm được biết những người cầu bão trở thành biểu tượng của phong trào phi quân sự hóa đảo Jeju ra sao. Với cuộc đấu tranh kéo dài hơn 8 năm chống lại việc xây dựng căn cứ hải quân tại vùng biển nguyên thủy của làng Gangjeong, các nhà hoạt động đồng hành cùng với một lực lượng đủ sức mạnh để ngăn chặn sự phá hủy đó. 

Dù cho 94% cử tri làng Gangjeong bỏ phiếu chống lại căn cứ quân sự, chính quyền Hàn Quốc không công nhận cuộc trưng cầu dân ý đó. Khi thảo luận về việc xây dựng một căn cứ hải quân trên đảo Jeju khởi công 12 năm trước đây, hải quân Hàn Quốc đầu tiên đã tiếp cận làng Hwansun, phía đông của Gangjeong. Nhưng khi tuân thủ mọi quy tắc và luật lệ để tổ chức một cuộc bầu chọn hợp pháp, kết quả chống lại dự án. Nhiều sự đóng góp thuộc về Haenyeo, những nữ thợ lặn của đảo Jeju. Những phụ nữ Haenyeo đã lặn nhiều thế kỷ ở vùng biển Đông Trung Hoa quanh đảo, thu gom cá nhỏ và sò. Buôn bán các sản vật của họ tiếp sức cho kinh tế của đảo Jeju. Jeju là đảo mẫu quyền, với Haenyeo là các lãnh đạo cộng đồng nhiệt huyết. Haenyeo là một lực lượng mạnh mẽ được ghi vào luật lệ trong sách của đảo Jeju rằng đàn ông bị cấm nhìn họ khi họ làm việc trên biển.

Thế nên khi Hải Quân Hàn Quốc tiếp cận làng Hwansun vào năm 2002, Haenyeo ngay lập tức thấy thật điên rồ nếu chấp nhận dự án. Điều đó làm ô nhiễm “cánh đồng biển” của họ, nơi họ “thu hoạch mùa màng” là bào ngư và tảo bẹ. Haenyeo thống nhất với những người khác trong làng để phủ quyết dự án của hải quân. Khi tiếp cận làng thứ hai vào năm 2005, Wimi, ở phía tây của Gangjeong, kết quả cũng tương tự: không căn cứ hải quân.

Sau đó hải quân đến Gangjeong, họ tiếp cận theo cách khác, phá vỡ quy định của tất cả các làng để thúc đẩy bằng một cuộc bỏ phiếu phi pháp. Thay vì tổ chức một diễn đàn cho toàn bộ làng, hải quân phỉnh phờ riêng rẽ một nhóm nhỏ các dân làng chủ chốt, trong đó có trưởng làng, chủ tịch Hiệp Hội Ngư Nghiệp Gangjeon, và những nữ thợ lăn Haenyeo có ảnh hưởng nhất. Những người này được cung cấp chuyến đi miễn phí đến Hawaii để thấy căn cứ của Hải Quân Hoa Kỳ đã bất ngờ gia tăng du lịch và tạo ra bùng nổ kinh tế. Thượng lưu Gangjeong được nghe rằng hải quân muốn biến đảo Jeju thành “Hawaii của Hàn Quốc”.

Trong thời gian đó hải quân đã gửi cho Hiệp Hội Ngư Nghiệp Gangjeong 7,8 triệu dollar để “bù đắp thiệt hại”, những Haenyeo được lựa chọn đã chia nhau khoản tiền đó. Tới lúc tổ chức bỏ phiếu, chỉ có 87 người dân tham gia, chiến thuật của chính quyền Hàn Quốc đã có hiệu quả, kết quả bỏ phiếu chấp nhận căn cứ. 1.800 người dân còn lại của làng Gangjeong hoàn toàn không biết gì về điều này cho tới khi bản tin tối thông báo rằng họ nhất trí ủng hộ căn cứ quân sự. Sau khi cú sốc qua đi, một cuộc bỏ phiếu toàn làng hợp pháp được tổ chức, trong đó 94% người dân chống lại căn cứ quân sự, Hải Quân Hàn Quốc đã chuyển giao dự án trị giá 1 tỷ dollar cho Samsung.

Lập luận phổ biến về ưu thế hải quân là căn cứ sẽ cung cấp an ninh sống còn cho Jeju. Nhưng lịch sử lại cho thấy điều khác. Bất cứ khi nào lực lượng quân sự chủ chốt hiện diện trên đảo, chúng dẫn đến chết chóc, di cư, và phá hủy dân cư địa phương. Còn sự thật nào hơn cuộc thảm sát diễn ra sau cuộc nổi dậy nhỏ của nông dân vào ngày 13 tháng 4 năm 1948 chống lại lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ? Ngay sau khi đánh bại lực lượng xâm lược Nhật Bản trên đảo Jeju, Hoa Kỳ khởi động một cuộc bầu cử trên đảo Jeju để chia Triều Tiên thành hai miền Nam và Bắc. Khi các địa phương phản đối một Triều Tiên bị phân chia, họ đã tổ chức một cuộc nổi dậy nhỏ chống lại cuộc bầu cử đó. Hoa Kỳ và chính quyền Hàn Quốc đã nhanh chóng gọi các cư dân đảo Jeju là cộng sản, điều này biện minh cho chiến dịch tàn phá sau đó của họ.

Dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ, chính quyền địa phương trên đảo Jeju tiến hành một cuộc tấn công tàn bạo khiến khoảng từ 30.000 đến 80.000 người chết. (Ước lượng khác nhau do xác chết được chôn trong các ngôi mộ tập thể khắp trên đảo.) Đại đa số người dân bị thảm sát trong thời kỳ 1945-1954 là thường dân trên đảo, không phải cộng sản. Dư chấn của sự kiện đó giải thích tại sao có nhiều hơn những người dân đảo không nổi dậy công khai giờ đây cũng chống lại việc xây dựng căn cứ quân sự. Đại đa số người dân đảo Jeju biết rằng căn cứ này được xây dựng không phải để bảo vệ họ mà là để leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Dĩ nhiên là căn cứ sẽ đảm bảo an ninh đường biển cho các tập đoàn nhiều tài nguyên của Hàn Quốc, trong đó Samsung.

Nhiều tổ chức tôn giáo trên đảo Jeju đã phản đối xây dựng căn cứ hải quân bằng cách tổ chức các buổi lễ trước cửa, chặn đường vào căn cứ của xe tải chở xi măng, thép và các vật liệu khác. Hàng ngày trong hơn 3 năm, các mục sư Thiên Chúa Giáo đã tổ chức đám đông trước cửa căn cứ, theo mệnh lệnh của giám mục đảo Jeju, giám mục Peter Kang U-Il. Tất cả các cuộc biểu tình của Thiên Chúa Giáo diễn ra dưới sự cầu nguyện của ông. Hàng ngày, trừ chủ nhật, các nhà hoạt động khác cúi mình 100 lần đối mặt với cánh cửa, cầu nguyện chấm dứt xây dựng, và thức tỉnh rằng tất cả cuộc sống là phụ thuộc lẫn nhau.

Căn cứ hải quân đã chặn hoàn toàn lối đi chung tới Đá Gureombi, nơi các buổi lễ tôn giáo được tổ chức hàng trăm năm nay. Đá Gureombi là nơi linh thiêng nhất trong làng và người dân Gangjeong tin rằng đá đang sống. Như nhà hoạt động, cựu phê bình điện ảnh, Yang Yoon Mo giải thích điều này: “Đó là nơi duy nhất trên đảo mà đá thân thiện với người dân.”

Yang Yoon Mo đấu tranh cho khu bảo tồn với thân thể của ông, bám vào dưới các xe tải xây dựng và nằm trên đường đi của chúng. Nhà cầm quyền Hàn Quốc đã bỏ tù ông 4 lần, vào năm 2010, 2011, 2012 và mới đây nhất là năm 2013 khi ông phải ngồi tù 18 tháng vì các hành động bất tuân dân sự. Trong ba lần ngồi tù ông đã thực hiện các cuộc tuyệt thực dài. Cuộc tuyệt thực dài nhất vào năm 2011 khi ông gần như đã chết sau cuộc tuyệt thực tổng cộng 74 ngày.

Người dân Gangjeong có nhận thức sâu sắc rằng cuộc sống trên trái đất không được cấu tạo từ các số phận cá biệt, mà tất cả chúng có liên hệ qua lại với nhau. Tình trạng của người này được ràng buộc chặt chẽ với tình trạng của người khác. 

Trong tuần thứ ba ở làng, tôi chứng kiến một mục sư già, Cha Mun, đứng lại sau khi kết thúc buổi lễ hàng ngày và tiếp tục một mình chặn cửa. Viên chức cảnh sát vẫn ra tín hiệu hướng dẫn giao thông cho xe tải đi vào cửa. Một chiếc xe tải kềnh càng với bánh xe cao đến vai tôi tăng tốc đến cửa và Cha Mun, phanh rít lên chỉ một đoạn ngắn trước khi đâm vào ông. Một lúc sau, tôi hỏi Cha Mun rằng ông có cảm thấy sợ khi đứng chặn đường xe tải không. Ông cho tôi thấy một nụ cười vui sướng và nói đơn giản, “không, tôi là Đá Gureombi. Bạn là Đá Gureombi. Nếu tôi để cho hải quân giết Đá Gureombi, họ cũng giết tôi. Họ cũng giết cả bạn.”

Những gì tôi có thể nói là ông ấy không định làm thơ hay diễn ngôn bi kịch. Ông ấy tin một cách chân thành rằng đá linh thiêng là một phần trong thân thể ông ấy, và ông ấy sẽ tiếp tục mạo hiểm cuộc sống để phản đối việc xây dựng trên hòn đảo và văn hóa của ông ấy.

Trong tuần thứ tư ở làng, Jung Sun-Nyeo, người phụ nữ dẫn đầu đoàn cúi mình 100 lần hàng ngày, báo tin cho tôi: “cơn bão đến vào ngày mai.” Bà ngừng lại, tìm kiếm từ tiếng Anh để giải thích thêm. Tôi đoán bà muốn tiếp tục với điều gì đó giống như, “sẽ không có các hoạt động trước cửa ngày mai, hãy ở nhà,” nhưng trái lại bà nói với một nụ cười phấn khởi, “chúng tôi sẽ chào đón cơn bão tối nay với đồ uống. Bạn được chào đón!”

Các nhà hoạt động của đảo Gangjeong hiểu rằng cuộc chiến đấu chống lại dự án căn cứ hải quân lớn nhất ở Đông Á không chỉ là bảo vệ đảo của họ khỏi bị nhấn vào các cuộc xung đột tương lai ở Thái Bình Dương. Như họ hát vào lúc kết thúc buổi lễ hàng ngày: “Gangjeong, bạn là ngôi làng nhỏ nhất/ nhưng hòa bình cho cả thế giới sẽ đến từ bạn.”

Khi chúng ta công nhận mọi nỗ lực chống lại việc xây dựng của họ, chúng ta cũng phải công nhận mọi nỗ lực có tính xây dựng để thúc đẩy hòa bình của họ. Bên cạnh sự nổi tiếng về gió, đá và phụ nữ, đảo Jeju cũng nổi tiếng về ba thứ không: không cánh cửa, không ăn xin, không trộm cắp. Cả ba thứ đó là biểu tượng của truyền thống và di sản cộng đồng của Jeju, nơi mọi người luôn chăm lo cho người khác. Cư dân đảo chia sẻ những gì họ có với người khác nên không có người ăn xin, không cần phải ăn trộm, và không cần cánh cửa. Nhà của họ luôn mở với bất cứ ai cần mái che, và do không có kẻ trộm nên cũng cũng chẳng cần ngăn chặn ai với cánh cửa.

Trong 6 tuần ở Gangjeong, tôi thực sự kinh ngạc về văn hóa hòa bình đang lớn mạnh trong 1.900 người dân làng. Nếu chúng ta cho phép căn cứ hải quân vượt qua làng Gangjeong, nó sẽ không chỉ là 1.900 cuộc sống di cư và một đá núi lửa trên đảo bị nghiền nát để mở đường cho chủ nghĩa quân phiệt Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Mọi người trên trái đất sẽ đánh mất hòn đảo nhỏ của hòa bình, chúng ta không thể để những gì Gangjeong đã dạy chúng ta bị phá hủy. Khi chúng ta cầu bão, hãy để chúng ta chìm trong những con sóng từ khắp nơi của thế giới cùng với nhận thức và hành động của chúng ta. Hãy để hòa bình sống ở Gangjeon và thế giới.

Bạn có thể xem thêm các thông tin về cuộc đấu tranh và các thức tham gia tại SaveJejuNow.org.

Mica Cloughley is the co-founder of Emergency Peace Teams (.org) and Empathy App (.org). She lives in Oakland, CA. Those interested in going to Jeju Island can contact her through the website emergencypeaceteams.org.

Friday, November 21, 2014

Tám lý do phản đối cuộc chiến mới của Obama

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "Eight reasons to oppose Obama's (new) war" của hai tác giả Alan Maass and Eric Ruder, nêu ra các lý do phản đối cuộc chiến mới của tổng thống Barack Obama.

Tám lý do phản đối cuộc chiến mới của Obama

Barack Obama tuyên bố cuộc chiến chống lại Nhà Nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria (ISIS) là cần thiết để chấm dứt nguy cơ khủng bố và áp bức. Nhưng ẩn khuất phía sau ngôn từ biện minh cho cuộc can thiệp quân sự mới nhất của Hoa Kỳ là động cơ đế quốc cũ kỹ - kiểm soát dầu mỏ, thống trị địa chính trị ở Trung Đông, đua tranh quốc tế - điều chúng ta đã biết từ những cuộc chiến trước đây của Hoa Kỳ.

Cũng giống như các cuộc xung đột đó, cuộc chiến chống ISIS làm cho thế giới bạo lực hơn, áp bức hơn và kém an toàn hơn. Đây, chúng tôi đưa ra một số lý do để chống cuộc chiến mới này – để bạn có thể nói ra và tự mình đánh giá.

Thứ nhất: Obama tuyên chiến với ISIS để thúc đẩy các lợi ích của đế quốc Hoa Kỳ, không phải để chống lại các chế độ bạo ngược và áp bức.

Cuộc chiến mới của chính quyền Hoa Kỳ ở Trung Đông, khởi sự vào mùa hè vừa qua, phản án sự leo thang bạo lực khủng khiếp của cỗ máy quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Trong tuyên bố quan trọng sau khi đảng Dân Chủ của ông ta gánh chịu thất bại tơi tả trong bầu cử giữa nhiệm kỳ, Barack Obama công bố “giai đoạn mới” trong chiến tranh, bắt đầu với việc triển khai thêm 1.500 “cố vấn” tới Iraq.

Obama cam kết “các cố vấn” sẽ không tham gia chiến trận, nhưng chúng ta đã từng nghe lời hứa đó trước đây, hãy nhớ về Chiến Tranh Việt Nam. Một trang web dẫn chứng tài liệu “sứ mệnh khủng khiếp” của cuộc chiến chống ISIS cho thấy sự triển khai mới sẽ gia tăng gần gấp đôi số nhân viên quân sự Hoa Kỳ chính thức ở Iraq.

Hoa Kỳ cũng thực hiện các vụ không kích mở rộng ở Iraq, tiếp tục cuộc chiến kéo dài một phần tư thế kỷ đã biến một quốc gia phát triển thành một quốc gia nghèo nhất trái đất, và ở Syria, một quốc gia chưa từng bị ném bom trước đó. Vào giữa tháng 12, chỉ sau một tháng không kích, chiến đấu cơ Hoa Kỳ đã xuất kích 2.750 lần – trung bình gần 100 lần mỗi ngày.

Kẻ thù trong cuộc chiến mới là Nhà Nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria (ISIS), một lực lượng quân sự phản động và đạt tới trạng thái quyền lực hiện tại nhờ vào cuộc xâm lược và chiếm đóng tàn khốc ở Iraq của Hoa Kỳ. Hiện nay, ISIS đang đe dọa xóa sổ các đường biên giới ở Trung Đông, nơi mà Hoa Kỳ là quyền lực đế quốc thống trị trong nửa thế kỷ.

Đó là lý do khiến Obama ra lệnh ném bom vào mùa hè năm nay. Nguyên tắc của Hoa Kỳ là kiểm soát dầu mỏ ở Trung Đông – không phải bởi vì người Mỹ cần nhập khẩu, mà bởi vì sự kiểm soát này tạo ra đòn bẩy chống lại các đối thủ quốc tế như Trung Quốc và Nga, chưa kể là các đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Âu. Điều này được rút ra từ một báo cáo của Bộ Ngoại Giao vào năm 1945 tuyên bố các nguồn dầu mỏ ở khu vực là “nguồn vô cùng to lớn của sức mạnh chiến lược và một trong các phần thưởng vật chất vĩ đại nhất lịch sử thế giới”.

Hoa Kỳ cũng muốn phục hồi cỗ máy quân sự sau thảm họa của thập kỷ “cuộc chiến chống khủng bố” – và ISIS cung cấp cho họ “kẻ thù hoàn hảo” để giành được sự ủng hộ. Phần cược rất đáng giá cho tất cả chúng ta: Nếu chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ trỗi dậy mạnh hơn nhờ đánh bại ISIS, những kẻ hiếu chiến ở Washington sẽ có vị thế tốt hơn để đánh bại sự phản kháng tại bất cứ đâu trên thế giới, trong đó có cả Hoa Kỳ.

Thứ hai: Cuộc chiến của Hoa Kỳ sẽ không bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc đang bị ISIS khủng bố.

Cuộc không kích đầu tiên đi cùng với tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ “không nhắm mắt làm ngơ” trước sự tuyệt vọng của người Yazidis, một nhóm thiểu số tôn giáo đang bị các chiến binh ISIS bao vây. Obama đã trơ tráo nói về “người dân vô tội” đang đối mặt với “bạo lực ở quy mô khủng khiếp” sau khi đồng minh chủ chốt của chính quyền Hoa Kỳ ở Trung Đông, Israel, đã khủng bố người dân ở dải Gaza trong một tháng trước đó với “bạo lực ở quy mô khủng khiếp”.

Phải nói thêm là, hầu hết các đợt ném bom đầu tiên diễn ra cách nơi người Yazidis bị bao vây vài trăm dặm. Không lực được tập trung quanh thành phố Erbil, nơi ISIS đang đe dọa xâm chiếm thủ đô của người Kurd Iraq, đồng minh kiên định nhất của Hoa Kỳ trong suốt 25 năm chiến tranh. Erbil cũng là – đáng ngạc nhiên, đáng ngạc nhiên – một thành phố chủ chốt trong sản xuất dầu mỏ ở miền bắc Iraq. 

Sự nhạo báng của chính quyền Hoa Kỳ đã được bộc lộ khi các chiến binh ISIS tiến hành tấn công dữ dội vào Kobanê, một thành phố ở khu vực miền bắc Syria có đại đa số người Kurd thiểu số của quốc gia sinh sống. 

Ban đầu, khi thành phố sắp thất thủ, các quan chức Hoa Kỳ như Ngoại Trưởng John Kerry tuy vậy đã giảng giải cho các phóng viên là bảo vệ người Kurd ở Kobanê không nằm trong kế hoạch can thiệp “nhân đạo”. Cùng lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh tin cậy của Hoa Kỳ đã đàn áp cộng đồng người Kurd thiểu số của họ một cách khủng khiếp – từ chối hỗ trợ phòng thủ Kobanê, nằm ngay biên giới phía nam của họ, trừ khi người Kurd đồng ý với những điều kiện cụ thể.

Bất chấp sự kỳ quặc đó, ISIS bị đẩy lùi trong cuộc xâm lược Kobanê – một phần là nhờ các vụ không kích chiến thuật của Hoa Kỳ, nhưng chủ yếu là nhờ vào sự phòng thủ can trường của thành phố với các chiến binh người Kurd thua kém về hỏa lực nhưng chiến đấu cho nhân dân và quyền lợi của họ.

Trong biến loạn, người Kurd phải chú ý tới tới việc chính quyền Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ “giúp” người Kurd trong cuộc chiến – bởi vì có một sự ràng buộc. Như nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa John Reed đã nói, “Bất cứ ai nhận lời hứa hẹn danh nghĩa của Chú Sam sẽ có nghĩa vụ phải trả lại bằng máu và mồ hôi”. 

Thứ ba: Chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ chịu trách nhiệm rất nhiều về sự trỗi dậy của ISIS. Mở rộng cuộc chiến của Hoa Kỳ dường như sẽ gia tăng sức mạnh của những kẻ phản động hơn là làm suy yếu chúng.

Hãy nghe Barack Obam nói về “bệnh ung thư chủ nghĩa cực đoan bạo lực”, bạn sẽ nghĩ chính quyền Hoa Kỳ không khoan nhượng trong việc đối đầu với những thế lực phản động như ISIS.

Trừ khi họ phục vụ cho các mục tiêu của chủ nghĩa đế quốc. Vào những năm 1980, chính quyền Hoa Kỳ đã tài trợ và cung cấp cho chủ nghĩa Hồi Giáo chính thống chống lại cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Bang Soviet cũ. Những người đàn ông mà Ronald Reagan gọi là “các chiến binh của tự do” sau này đã cùng nhau trở thành al-Qaeda.

Trong cuộc chiếm đóng Iraq, các quan chức Hoa Kỳ đã kích động sự chia rẽ bè phái giữa Hồi Giáo dòng Sunni và dòng Shia – một chiến lược chia để trị, nhằm chống lại nguy cơ có một sự phản kháng thống nhất nhằm vào quân đội Hoa Kỳ. Khi sự chia rẽ này biến thành nội chiến đẫm máu, al-Qaeda ở Iraq – tổ chức tiền thân của ISIS – lần đầu tiên giành được địa bàn.

Cũng chỉ mới đây thôi, Hoa Kỳ đã làm ngơ khi đồng minh của họ trong số các chế độ độc tài của khu vực, nhất là Ả-rập Saudi, ủng hộ các tổ chức vũ trang Hồi Giáo giống như ISIS – để đối phó với sức mạnh gia tăng của các chính quyền Shia trong khu vực. Do vậy, xung đột chia rẽ độc hại mà Hoa Kỳ nuôi dưỡng trong cuộc chiếm đóng Iraq đã lan rộng khắp khu vực – do đế quốc Hoa Kỳ kích động.

ISIS hiện đang tuyên bố cai trị một khu vực lớn ở Iraq và Syria – hàng triệu người, trong đó có nhiều người Sunni, những người coi nghị trình phản động và khủng bố đối lập của ISIS là ghê tởm. Nhưng cho đến nay, ISIS vẫn nhận được sự ủng hộ thụ động của nhiều người Sunni do họ bảo vệ các cộng đồng Sunni trước sự đàn áp của chính quyền Shia ở Iraq. Mỗi khi Hoa Kỳ bắn thêm một quả tên lửa thì nó sẽ lại đẩy người Sunni sang gần ISIS hơn – lực lượng duy nhất thành công trong việc bảo vệ họ chống lại bạo lực và áp bức. 

Thứ tư: Nếu Hoa Kỳ có thể làm suy yếu hay phá hủy ISIS, điều đó sẽ củng cố mạng lưới độc tài và vương triều phản động đang cai trị ở Trung Đông.

Hình ảnh từ băng ghi hình ISIS chặt đầu các nhà báo phương Tây đã thực sự làm mọi người ở khắp nơi kinh hãi. Họ là biểu tượng dã man của sự bạo ngược. Nhưng cùng với Hoa Kỳ không kích ISIS còn có Ả-rập Saudi, một trong những chế độ độc tài, thường xử tử hàng tá người bằng cách chặt đầu tại quảng trường công cộng tai tiếng ở Riyadh, được gọi là “Quảng Trường Chặt Đầu”. Trong số các “tội ác” bị chặt đầu có ngoại tình, nổi loạn, phù thủy và ma thuật

Những nhà cầm quyền cũ quanh Trung Đông đã phản ứng cuộc nổi dậy mùa xuân Ả-rập năm 2011 bằng các biện pháp bạo lực nhất đối với người bất đồng chính kiến. Khi quốc đảo Bahrain – căn cứ của Sở Chỉ Huy Trung Tâm Hải Quân Hoa Kỳ - đối mặt với cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ, quân đội Ả-rập Saudi đã xâm lược để đẩy đập tan người nổi loạn. Vào năm 2013, khi người Iraq Sunni tổ chức phong trào biểu tình hòa bình quy mô lớn, chính quyền trung ương Shia đã sử dụng mọi vũ khí mà Hoa Kỳ cung cấp để đàn áp những người đối lập. 

Cùng lúc ở Syria, chế độc độc tài Bashar al-Assad* đã thu lợi lớn nhất từ cuộc chiến chống ISIS của Hoa Kỳ, thế nên không có phe nào kêu la ầm ĩ. Chính quyền Syria và ISIS đã tuân thủ một thỏa thuận ngừng bắn không chính thức trong hai năm qua, đồng thời cả hai bên huấn luyện các tay súng của họ tại các khu vực nổi dậy khác nhau chống lại chế độ độc tài. Hiện nay, chính quyền có thể tiếp tục cuộc chiến chết chóc của họ chống lại cách mạng, khi hiểu rẳng quân đội của họ sẽ chiếm vị trí thượng phong nếu không kích của Hoa Kỳ làm suy yếu ISIS.

Chúng ta muốn nhìn thấy ISIS bị lật đổ. Nhưng nếu điều đó được Hoa Kỳ và các đồng minh độc tài của họ thực hiện, lực lượng phản động ở Trung Đông sẽ được củng cố.

Thứ năm: Bạo lực của ISIS, dù có kinh hoàng đến đâu, cũng chỉ là chuyện nhỏ so với bạo lực của chính quyền Hoa Kỳ.

Trong suốt 25 năm, Hoa Kỳ đã tiến hành một chiến dịch quân sự chết chóc nhất chống lại người dân Iraq. Trong Chiến Tranh Vùng Vịnh năm 1991, họ đã bắn 320 tấn đầu đạn có chứa Uranium nghèo, gây tổn thương cho quốc gia này với bụi phóng xạ, khiến cho tỷ lệ bệnh ung thư và dị tật bẩm sinh tăng lên kinh hoàng. Vào năm 1996, Ngoại Trưởng Madaleine Albrigh của chính quyền Bill Clinton đã nói với chương trình 60 Phút rằng cái chết của nửa triệu trẻ em Iraq do Mỹ trừng phạt Iraq là “một cái giá xứng đáng” để cô lập chính quyền Saddam. Sau cuộc xâm lược năm 2003 của Bush Jr., tạp chí y khoa đáng kính Lancet ước lượng giai đoạn mới nhất trong cuộc chiến của Hoa Kỳ đã dẫn đến cái chết của 600.000 người Iraq khác vào năm 2006. 

Cuộc chiến tranh và xâm lược của Hoa Kỳ cũng tạo ra một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế giới, với khoảng 4 triệu người Iraq – hơn 10% dân số - sống lưu vong ở nước ngoài hoặc phải tản cư trong nước. Trong khi quan chức Hoa Kỳ và truyền thông theo đuôi lên án sự dã man trong các cuộc bắt giữ con tin của ISIS, thì quân đội Hoa Kỳ tra tấn các tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib tại Iraq và Căn Cứ Không Quân Bagram tại Afghanistan cũng không kém kinh khủng.

Như đã nói, Hoa Kỳ đã giết hại hơn một triệu người Iraq, xung đột bè phái bị khoét sâu sẽ tước đoạt nhiều mạng sống hơn trong những năm tới, và buộc hàng triệu người khác phải chịu đựng một cái chết từ từ bởi nghèo khổ, suy dinh dưỡng và ốm đau.

Tại sao chúng ta tin rằng kết quả của cuộc chiến mới sẽ ít tàn phá hơn đối với Iraq?

Thứ sáu: Hoa Kỳ không gây chiến vì lý do nhân đạo và chưa từng làm điều đó.

Hoa Kỳ không chi hàng nghìn tỷ dollar và đổ hàng bể máu vào Trung Đông để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, mà là để phục vụ các lợi ích kinh tế và chiến lược của họ, từ kiểm soát dầu mỏ Trung Đông tới thống trị quân sự đối với các đối thủ cạnh tranh.

Mặc dù vậy, để tiến hành cuộc chiến, các chính khách Hoa Kỳ ít nhất cũng phải tính đến sự ủng hộ thụ động của người dân Mỹ, khó bị thuyết phục bằng lời kêu gọi đảm bảo lợi nhuận của các công ty dầu mỏ đa quốc gia hay củng cố ảnh hưởng chiến lược của Hoa Kỳ. Đó là lý do những kẻ gây chiến của Hoa Kỳ che đậy mục tiêu thật sự của họ với sự biện minh nghe có vẻ cao quý về “can thiệp nhân đạo”.

Nếu Hoa Kỳ thật sự có động cơ nhân đạo, họ sẽ không coi Ả-rập Saudi, một trong những quốc gia vi phạm quyền của phụ nữ tồi tệ nhất khu vực, là đồng minh. “Mặc dù vậy, không có cơ hội nào để Hoa Kỳ ném bom Riyadh chấm dứt sự độc ác này”, nhà báo xã hội chủ nghĩa Eamonn McCann viết. “Chế độ độc tài Saudi đứng đầu danh sách các đồng minh khu vực mà Hoa Kỳ cần có để oanh tạc ISIS. Mới đây, chính quyền Obama phân phát các bức ảnh Ngoại Trường John Kerry trong một cuộc đàm thoại dễ chịu với lãnh đạo của những kẻ chặt đầu Saudi, vua Abdullah.”

Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ chế độ phân biệt chủng tộc của Israel khi họ tiến hành thanh lọc người Palestine bản địa, nếu Hoa Kỳ thật sự phản đối “những kẻ gây ra chủ nghĩa cực đoan bạo lực”. Trái lại, Israel là đồng minh đáng giá nhất của chính quyền Hoa Kỳ - dưới thời đảng Dân Chủ cũng như đảng Cộng Hòa – bởi vì họ giúp Hoa Kỳ duy trì sự kiểm soát của đế quốc đối với Trung Đông.

Đế quốc Hoa Kỳ đã luôn tìm các sử dụng vỏ bọc nhân đạo cho các cuộc phiêu lưu quân sự của họ. Như trang SocialistWorker.org đã viết trong một xã luận, vào những ngày đầu của chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ ở cuối thế kỷ 20: 

“Chính khách và truyền thông bịa đặt ra các khiêu khích sống sượng để biện minh cho sự can thiệp vào Philippine, Cuba, Puerto Rico, nơi mà quân đội Hoa Kỳ tiến hành các trận tấn công tổng lực vào cư dân bản địa. Tất cả những điều đó được hoàn thành, theo tổng thống William McKinley, “không phải giống như kẻ xâm lược hay kẻ xâm chiếm, mà như những người bạn, bảo vệ người bản địa tại quê hương của họ, theo sự yêu cầu của họ và với quyền cá nhân và tôn giáo của họ”.

Hơn một thế kỷ sau, các lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ giả bộ làm bạn với người dân Trung Đông – nhưng những người dân đó phải trả giá cho cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ.

Thứ bảy: Cuộc chiến mới chống lại ISIS của Obama sẽ không làm cho người dân ở Hoa Kỳ hay bất cứ đâu an toàn hơn. Trái lại, nó sẽ làm thế giới nguy hiểm hơn.

Một trong những câu hỏi cấm kị nhất trong văn hóa chính trị Hoa Kỳ là tại sao Hoa Kỳ trở thành mục tiêu của vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Sự thật là Hoa Kỳ đã thực hiện hàng ngàn cuộc tấn công tương đương với vụ 11 tháng 9 trên khắp thế giới, đó là lý do tại sao họ bị ghê sợ và khinh miệt ở khắp mọi ngóc ngách của thế giới. Đôi khi, sự tức giận đó trực tiếp chống lại mục tiêu Hoa Kỳ - thường là người dân không có gì liên quan tới cỗ máy chiến tranh Hoa Kỳ, nhưng là nạn nhân của cái mà quan chức chính quyền Hoa Kỳ công khai gọi là “nạp đạn tự động”.

Osama bin Laden đã sử dụng hình ảnh gầy gò và suy dinh dưỡng của trẻ em Iraq do các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ gây ra để tuyển mộ chiến binh cho al-Qaeda. Theo cách tương tự, các chính quyền khắp thế giới đã viện dẫn việc giam giữ không giới hạn các tù nhân Arab và Hồi Giáo ở nhà tù Hoa Kỳ trên Vịnh Guantanamo – chưa nói tới sự biện minh của các quan chức Hoa Kỳ về việc sử dụng tra tấn đối với họ - để hợp pháp hóa sự lạm dụng của họ. Vì lý do này, một tá những người được giải Nobel đã kêu gọi Obama “công khai hoàn toàn cho người dân Mỹ về sự mở rộng và sử dụng tra tấn” của Hoa Kỳ, một lời kêu gọi mà Obama phản đối.

“Cuộc chiến chống khủng bố” cũng đã được sử dụng để biện minh cho việc NSA và các cơ quan chính quyền khác xâm phạm quyền riêng tư và tự do dân sự khác.

Thứ tám: Một cuộc chiến khác sẽ lãng phí tiền bạc và tài nguyên cần thiết cho mọi nơi trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ.

Đầu năm nay, Quốc Hội thông qua việc cắt giảm 8,7 tỷ dollar trong chương trình phiếu thực phẩm cho người nghèo. Cùng lúc, cuộc chiến mới chống ISIS của Obama tiêu tốn từ 18 đến 22 tỷ dollar mỗi năm. Vào tháng trước, Obama hỏi xin Quốc Hội mới do Đảng Cộng Hòa chiếm đa số về 5,6 tỷ dollar tài trợ bổ sung – không phải để sửa chữa mạng lưới an sinh xã hội, mà là cho Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại Giao tham gia cuộc chiến chống ISIS.

Như nhà bình luận Trung Đông Juan Cole đã viết: 

“Cũng những người có rắc rối khi biện minh một mạng lưới an sinh cho người lao động nghèo và cảm thấy cần khẩn cấp cắt bỏ hàng tỷ dollar khỏi chương trình vốn giúp cho xã hội văn minh hơn rừng rậm săn mồi sống – cùng những người đó đã không khó khăn chấp thuận hàng tỷ dollar cho các chiến dịch ném bom mơ hồ khó có thể đo lường bằng hệ mét”.

Sự thống trị của Hoa Kỳ ở Trung Đông cũng là sự gia tốc khai thác và đốt cháy nhiên liệu hóa thạch – ngay cả khi các nhà khoa học về khí hậu đã thống nhất kêu gọi để nguyên nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất để trái đất có cơ hội chiến đấu duy trì hệ sinh thái. 

Từ Iraq đến Syria cho tới Hoa Kỳ, người dân thường không thu được lợi ích gì từ cuộc phiêu lưu của để quốc để giữ cho tiền tiếp tục chảy vào két của những doanh nghiệp giàu có và quyền lực nhất thế giới.

Trên hết, hệ thống chủ nghĩa tư bản đã đẩy các quốc gia dân tộc và các doanh nghiệp vào một xung đột toàn diện để đánh bại các đối thủ cạnh tranh và thống trị hành tinh. Chỉ bằng cách nhổ rễ hệ thống này và thay thế nó bằng xã hội xã hội chủ nghĩa thì nhu cầu của người dân và môi trường mới được đáp ứng, nếu không hệ thống sẽ tiếp tục mù quáng lao theo lợi nhuận.

Alan Maas là biên tập viên của Socialist Worker. Eric Ruder là một nhà văn ở Chicago.

*Chú thích của người dịch: Khi Mỹ tấn công bất cứ quốc gia nào thì chính quyền quốc gia đó đều bị coi là độc tài, ngay cả khi họ có được bầu cử dân chủ và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng, rất nhiều tác giả tiến bộ cũng hay mắc cái lỗi là dễ dàng sử dụng lập luận của Mỹ trong bài viết. Trường hợp của chế độ Assad ở Syria cũng vậy, họ chưa từng bị coi là độc tài cho đến khi Mỹ muốn lật đổ họ. 

Thursday, November 20, 2014

Nga xâm lược Ukraina: Một lần nữa. Một lần nữa. Lại một lần nữa.

Xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài viết "Russia Invades Ukraine: Again. And Again. And Yet Again" của tác giả William Blum bàn luận về bằng chứng của cái gọi là Nga xâm lược Ukraina.

Nga xâm lược Ukraina: Một lần nữa. Một lần nữa. Lại một lần nữa

“Nga tăng cường hành động mà các quan chức Phương Tây và Ukraina mô tả là cuộc xâm lược bí mật vào ngày thứ tư [27 tháng 8], đưa các đội quân thiết giáp vượt qua biên giới để mở rộng xung đột sang một khu vực mới trên lãnh thổ Ukraina. Trong cuộc xâm nhập mới nhất, mà quân đội Ukraina cho biết là có 5 xe thiết giáp chở lính, ít nhất là lần thứ ba quân lính và vũ khí từ Nga đã vượt qua biên giới phía đông nam trong tuần.” 

Không có bất kỳ bức ảnh nào trong câu chuyện của tờ New York Times cho thấy quân đội Nga hay xe thiết giáp.

Câu chuyện tiếp tục, “Chính quyền Obama khẳng định trong suốt các tuần qua rằng Nga đã di chuyển pháo binh, hệ thống phòng không và thiết giáp để hỗ trờ quân nổi dậy ở Donetsk và Luhansk. ‘Những cuộc xâm nhập cho thấy một cuộc phản công do Nga chỉ huy đang được chuẩn bị’, Jen Psaki, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, nói. Trong bản tin vắn hàng ngày ở Washington, bà Psaki cũng chỉ trích ‘thái độ không sẵn sàng nói sự thật’ của chính quyền Nga về việc quân đội của họ đã đưa binh lính vào sâu trong lãnh thổ Ukraina 30 dặm.” 

Ba mươi dặm sâu trong lãnh thổ Ukraina và không hề có một bức ảnh vệ tinh, hay một máy quay phim ở bất cứ đâu gần đó, thậm chí không có một phút video nào cho thấy điều đó. “Bà Psaki dường như [sic] đề cập tới những đoạn phim ghi hình binh lính Nga, do chính quyền Ukraina đưa ra.” Tờ Times có vẻ cũng quên cho độc giả biết họ có thể xem những đoạn phim đó ở đâu.

“Mục tiêu của Nga, một quan chức Phương Tây nói, có thể là chiếm đóng một hành lang thoát ra biển để gia cố cho khu vực bị bao vây của phe nổi dậy ở miền đông Ukraina.” 

Điều đó dĩ nhiên là không xảy ra. Điều gì diễn ra khi tất cả những binh lính Nga đó đi sâu vào lãnh thổ Ukraina 30 dặm?

“Hoa Kỳ có những bức ảnh cho thấy pháo binh Nga di chuyển vào Ukraina, quan chức Hoa Kỳ nói. Một bức hình được chụp vào thứ năm vừa qua, đã cho một phóng viên tờ New York Times xem, cho thấy các đơn vị quân đội Nga đang di chuyển các pháo tự hành vào Ukraina. Một bức ảnh khác vào ngày thứ bảy cho thấy đơn vị pháo binh đó trong vị trí chiến đấu ở Ukraina.”

Những bức ảnh đó đâu? Làm sao chúng ta biết đó là binh lính Nga? Làm sao chúng ta biết là những bức ảnh đó được chụp ở Ukraina? Nhưng quan trọng nhất là những bức ảnh khốn kiếp đó đâu?

Tại sao tôi hoài nghi? Bởi vì chính quyền Ukraina và Mỹ đã cung cấp cho chúng ta những câu chuyện kinh hãi suốt 8 tháng qua, mà không hề có bằng chứng hình ảnh rõ ràng hay bất kỳ bằng chứng nào khác, thường xuyên trái ngược với nhận thức thông thường. Đây là một số trong rất nhiều ví dụ khác, trước và sau điều này: 

* Tờ Wall Street Journal (March 28) đưa tin: “Binh lính Nga tập trung ở gần Ukraina đang tích cực che dấu vị trí và củng cố đường tiếp vận để có thể sử dụng trong một chiến dịch lâu dài, làm dấy lên quan ngại rằng Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc xâm nhập quan trọng [sic] khác và không phải là tập trận như họ khẳng định, quan chức Hoa Kỳ tuyên bố.”

* “Chính quyền Ukraina cáo buộc rằng quân đội Nga không chỉ áp sát mà thực tế đã vượt qua biên giới vào khu vực do quân nổi dậy kiểm soát. (Washington Post, ngày 7 tháng 11)

* “Tướng Không Lực Hoa Kỳ Philip M. Breedlove nói với các phóng viên ở Bulgaria rằng NATO đã chứng kiến các xe tăng, pháo binh, hệ thống phòng không và lính chiến đấu Nga tiến vào Ukraina qua một biên giới hoàn toàn mở với Nga hai ngày trước đây.” (Washington Post, ngày 13 tháng 11)

* “Ukraina cáo buộc Nga gửi nhiều binh lính và vũ khí hơn tới hỗ trợ quân nổi dậy chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới. Kremlin đã liên tục phủ nhận việc hỗ trợ quân nổi dậy. (Reuters, ngày 16 tháng 11)

Kể từ cuộc đảo chính vào tháng hai do Hoa Kỳ hậu thuẫn ở Ukraina, Bộ Ngoại Giao đã đưa ra lời cáo buộc tiếp đó về các hoạt động của quân đội Nga ở Đông Ukraina mà không có bằng chứng hình ảnh vệ tinh hay các bằng chứng hình ảnh và tài liệu khác; hoặc họ đưa ra một số thứ rất không rõ ràng và không thể kết luận, như xe vận tải không có tên hiệu, các bản tin không có nguồn gốc, hay trích dẫn “truyền thông xã hội”, những gì mà chúng ta thấy thường không gì hơn chỉ là lời cáo buộc. Chính quyền Ukraina rất xứng đôi vừa lứa với họ.

Sau tất cả những điều này chúng ta phải lưu ý rằng nếu Moscow quyết định xâm lược Ukraina thì chắc chắn họ sẽ dùng không lực để yểm hộ cho bộ binh. Không hề có bất cứ đề cập nào về yểm hộ bằng không lực.

Điều này gợi nhớ tới hàng sa số các câu chuyện trong ba năm qua về “máy bay Syria ném bom các thường dân không có phòng vệ”. Bạn có từng thấy một bức ảnh hay một đoạn phim về máy bay của chính quyền Syria ném bom? Hay bom đang nổ? Khi nguồn của những câu chuyện đó được đề cập, hầu hết là từ các nhóm nổi loạn đang đánh lại chính quyền Syria. Tiếp đó là tấn công bằng “vũ khí hóa học” của chính quyền Assad độc ác. Nếu một bức ảnh hay đoạn phim xác nhận câu chuyện đó thì tôi chưa bao giờ thấy ai đó buồn đau hay truyền thông đăng tải; không có ai đeo mặt nạ hơi độc. Chỉ có trẻ em bị giết hay đau đớn? Không có kẻ nổi loạn?

Tiếp theo là vụ bắn hạ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia vào ngày 17 tháng 6, trên bầu trời miền đông Ukraina, làm 298 người thiệt mạng, mà Washington thích thú gán cho Nga hay quân nổi dậy thân Nga. Chính quyền Hoa Kỳ - và do đó truyền thông Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu và NATO – muốn chúng ta tin rằng đó là do quân nổi dậy và/hay Nga. Thế giới vẫn đang chờ đợi các bằng chứng. Hay thậm chí là là động cơ. Bất cứ thứ gì. Tổng thống Obama không chờ đợi. Trong phát biểu ngày 15 tháng 11 ở Australia, ông ta nói “phản đối cuộc xâm lược Ukraina của Nga – đó là một mối đe dọa thế giới, như chúng ta đã thấy qua vụ bắn hạ máy bay MH17 kinh hoàng”. Dựa trên những gì tôi đã đọc, tôi đoán là chính quyền Ukraina đứng đằng sau vụ bắn hạ, do nhầm lẫn nó với chiếc máy bay của Putin, vốn được đưa tin là có mặt tại khu vực.

Có thể nói rằng mọi lời cáo buộc trên là dối trá? Không, nhưng gánh nặng bằng chứng nằm trên vai người cáo buộc, và thế giới vẫn đang chờ đợi. Những người cáo buộc sẽ cố gắng tạo ra ấn tượng rằng có hai mặt trong mỗi câu hỏi mà không thực sự đưa ra một trong số chúng.

William Blum là tác giả cuốn sách Killing Hope: U.S. Military and CIA Interventions Since World War II, Rogue State: a guide to the World’s Only Super Power . Sách mới nhất của ông là: America’s Deadliest Export: Democracy. Có thể liên lạc với ông qua hòm thư điện tử: BBlum6@aol.com

Wednesday, November 19, 2014

Trung Quốc có thể bao vây Mỹ không?

Xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch bài viết "Can China Contain America?" của tác giả John V. Walsh với một góc nhìn khác về sự thay đổi của trật tự thế giới.

Trung Quốc có thể bao vây Mỹ không?

“Mỹ có thể bao vây Trung Quốc không?”, đó là điều thường xuyên được hỏi ở phương tây. Nhưng đối với chiến tranh và những cuộc tấn công bất tận của Mỹ vào các quốc gia đang phát triển trên thế giới, câu hỏi nên được đổi lại thành “Trung Quốc có thể bao vây Mỹ không?”. Hay ít nhất thì Trung Quốc có thể kiềm chế Mỹ để không gây tổn hại nhiều hơn cho khu vực Đông Á và dĩ nhiên là cả các nước khác trong thế giới đang phát triển. 

Tuần trước Obama tới Bắc Kinh dự hội nghị thượng đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) trong vai trò đại diện của phương tây và đại dự án có tuổi đời hàng thế kỷ ở Đông Á. Đó là dự án gì? Lịch sử cho chúng ta biết rằng phương tây cùng với các sứ giả và binh lính của họ, những người tiền nhiệm của Obama, đã dìm khu vực này trong đau khổ và bể máu. Một danh sách ngắn và chưa đầy đủ gồm có: Chiến Tranh Thuốc Phiện ở Trung Quốc, chiến tranh ở Philippine, ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên, ném bom tàn phá Lào và Campuchia, đảo chính đẫm máu của CIA ở Indonesia, tấn công quân sự vào phong trào lật đổ chế độ độc tài Park của Hàn Quốc. 

Một phác thảo lịch sử ngắn chỉ đơn thuần kể lại chi tiết các đóng góp của Anh-Mỹ vào vụ cưỡng bức Đông Á của Châu Âu. Hàng thế kỷ qua, hai mẩu nhỏ quyền lực Tây Âu với một nhúm kỹ thuật quân sự vượt trội đã cướp bóc Tây Thái Bình Dương.

Obama tới Đông Á để nói: Chúng tôi vẫn chưa xong việc. Quốc Gia Không Thể Thiếu phải thống trị ở mọi nơi. Chúng tôi rời khỏi khi người Việt Nam hạ nhục chúng tôi và đuổi chúng tôi ra khỏi cộng đồng. Nhưng chúng tôi đang quay trở lại. Chúng tôi đang xoay trục.

Thậm chí trước khi Obama rời Hoa Kỳ, “sự xoay trục” của ông ta sang Tây Thái Bình Dương đã thất bại nặng nề, do Hoa Kỳ sa lầy nghiêm trọng ở Trung Đông, nhờ vào sự vận động hành lang của Israel, và bởi vì Hoa Kỳ đã đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc với việc dàn xếp cuộc đảo chính của phát xít ở Ukraina. Theo đúng bản chất, trước khi trèo lên khoang chiếc máy bay 747 để tới Bắc Kinh, Obama không thể cưỡng lại việc dấn thân sâu hơn một chút nữa vào vũng lầy ở Trung Đông và gửi thêm 1500 lính bộ binh tới chiến trường ở Iraq.

Tại đỉnh điểm của hội nghị APEC, liên kết Nga-Trung trở nên sống động khi tổng thống Putin và Tập thông qua môt thỏa thuận về đường ống dẫn dầu chủ chốt, thứ sẽ đưa nguồn cung khí đốt tự nhiên, mà Hoa Kỳ buộc Châu Âu phải từ chối bằng cuộc đảo chính ở Kiev, đến với Trung Quốc. Đường ống này được gọi là đường ống Phương Tây hay Altai, là đường ống thứ hai từ Nga tới Trung Quốc, thỏa thuận về đường ống đầu tiên đã được thông qua vào tháng năm mới đây, với rất nhiều phô trương. Tuyến đường bộ cung cấp cho Trung Quốc một nguồn dầu dồi dào, tránh bị hải quân Hoa Kỳ ngăn chặn trên biển. Điều đó gia tăng an ninh của Vương Quốc Trung Cổ, giúp họ đối mặt với sự xoay trục. Do đó, thỏa thuận này vượt xa tính biểu tượng. Con quái vật biển của Hoa Kỳ trở thành một công cụ kém phù hợp với mục tiêu thống trị của Hoa Kỳ, mặc dù điều đó không làm giảm gánh nặng phiền toái cho những người đóng thuế Hoa Kỳ.

Hội đàm ở APEC tập trung vào kinh tế, thứ sẽ quyết định hình dáng của thế giới sắp tới. Kinh tế Trung Quốc giờ đã lớn hơn Trung Quốc trên chỉ tiêu so sánh sức mua và đang trên đà tiến tới ngang bằng với Hoa Kỳ trên chỉ tiêu tuyệt đối trong vòng một thập kỷ. Trung Quốc không ngừng theo đuổi tăng trưởng kinh tế và sự ổn định tổng thể mà họ cần. Obama đã đề xuất gì? Ông ta đang bán rong thỏa thuận thương mại Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận bao gồm Nhật Bản và 10 nước khác nhưng không có Trung Quốc. Ông ta nói thản nhiên rằng mục đích của hiệp định không phải là bao vây hay cô lập Trung Quốc mặc dù hiệp định thực tế được thiết kế để làm điều đó. Mặc dù vậy, TPP không có nhiều tiến bộ, bởi vì nó được soạn thảo bí mật bởi và phục vụ cho các nhà độc quyền doanh nghiệp và tài chính Hoa Kỳ. Các quốc gia khác sẽ không cắn miếng mồi TPP nếu chỉ có ít hoặc chả có lợi lộc gì cho họ. 

Một số nhà bình luận phương Tây coi Khu Vực Tự Do Thương Mại Châu Á Thái Bình Dương (FAATP) như một cú trả đòn của Trung Quốc đối với TPP. Tuy Trung Quốc đã rất nỗ lực thúc đẩy FAATP tại hội nghị APEC và nhận được sự chấp thuận của tất cả 21 nước tham dự, nhưng đó không phải là ý tưởng mới hay là ý tưởng của Trung Quốc. Đó là ý tưởng được khởi đầu khi APEC thành lập vào năm 1989, theo thủ tướng Singapore Lý Hiển, người đã tán dương nỗ lực thúc đẩy việc hiện thực hóa hiệp định này của Trung Quốc, mà việc nghiên cứu hiệp định đã kéo dài hai năm. Lý nói rằng khi FAATP được thiết lập, nó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia trong khu vực và sẽ là một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới.

Tương tự, Trung Quốc đã đi đầu trong việc thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á (AIIB), ngân hàng này sẽ cấp vốn cho các đầu tư cần vốn gấp của khu vực. Nhu cầu đầu tư là vào khoảng 8 nghìn tỷ dollar; Trung Quốc sẽ cung cấp trước hết 100 tỷ dollar và tổ chức trụ sở ở Bắc Kinh. Ngân hàng được khánh thành chính thức vào tháng 10, chỉ vài tuần trước hội nghị APEC và bao gồm 21 quốc gia: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippine, Pakistan, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Myanmar, Mông Cổ, Nepal, Oman, Qatar, Sri Lanka, Uzbekistan, và Việt Nam. Australia, Indonesia, Hàn Quốc không tham gia, bất chấp những lợi ích mà họ bày tỏ một năm trước – một sự thay đổi do sức ép của Hoa Kỳ. Khó có thể tin rằng Hoa Kỳ không tìm cách cô lập và làm suy yếu Trung Quốc, đây là “bao vây” Trung Quốc bằng cách kéo các quốc gia khác ra khỏi một sự dàn xếp sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc. 

Nhưng bất kể là Hoa Kỳ có cố gắng gì vào lúc này, Trung Quốc đã đủ sức mạnh quân sự để đáp trả tấn công của phương Tây – mặc dù vẫn chưa có cuộc tấn công nào được khởi sự. Với sức mạnh quân sự và kinh tế, Trung Quốc có thể đưa ra các lựa chọn thay thế cho mệnh lệnh của phương Tây. BRICS có thể là dấu hiệu đầu tiên của điều đó. Kinh tế Trung Quốc và các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á đang mở rộng tất cả mọi con đường tới châu Âu báo hiệu một thế giới mới đa cực như đã được phác thảo ở đây.

Hoa Kỳ đang bận rộn bị ném bom, trừng phạt và nói chung gieo rắc nghèo khổ cũng như bất hòa ở nhiều nơi trên khắp thế giới – nhất là ở Trung Đông. Ở Đông Á họ đang theo đuổi chính sách cô lập Trung Quốc cũng như xây dựng liên minh quân sự chống lại Trung Quốc. Trái lại, Trung Quốc đang mê mải làm giàu và động viên các nước khác làm điều tương tự. Hoa Kỳ đang phe súng; Trung Quốc đang buôn bơ. Điều gì tốt hơn cho nhân loại?

John V. Walsh can be reached at John.Endwar@gmail.com

Thursday, November 13, 2014

Obama và Tập cam kết những gì ở APEC?

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "Obama-Xi talks underscore US war threat in Asia" của tác giả Patrick Kelly, để theo dõi các bình luận về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương. Tiêu đề do người dịch đặt.

Hội đàm Tập-Obama nhấn mạnh nguy cơ chiến tranh của Hoa Kỳ ở Châu Á

Ngày hôm qua ở Bắc Kinh sau cuộc đối thoại với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Barack Obama khoe khoang rằng quân sự Hoa Kỳ-Trung Quốc, biến đổi khí hậu và hiệp định thương mại đã đưa sự hợp tác “song phương, khu vực và toàn cầu của hai quốc gia lên một tầm cao mới”. Trên thực tế, hai ngày hội đàm giữa Obama và Tập cho thấy những nguy cơ chiến tranh đang lớn dần sau những căng thẳng địa chính trị được tạo ra từ sự “xoay trục” hùng hổ sang Châu Á của Hoa Kỳ. 

Kể từ khi nhậm chức, Obama đã tập trung vào nỗ lực kết hợp để duy trì sự thống trị của Đế quốc Hoa Kỳ đối với toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thông qua việc bao vây Trung Quốc cả về ngoại giao lẫn quân sự. Sự “xoay trục” chính thức được công bố vào tháng 11 năm 2011, cũng đã được Hoa Kỳ tiếp sức trước đó bằng các tranh chấp lãnh thổ cấp độ thấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản với quần đảo Sensaku/Điếu Ngư và một số quốc gia Đông Nam Á về biển Nam Trung Hoa.

Trong 18 tháng kể từ khi Obama đón tiếp Tập Cận Bình lần đầu tiên ở miền bắc California, có hàng loạt các biến cố tại các khu vực tranh chấp đã đe dọa châm ngòi cho một cuộc xung đột quân sự khu vực, với khuynh hướng leo thang thành một cuộc chiến toàn diện giữ Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Đế quốc Hoa Kỳ đang tích cực chuẩn bị quân đội cho một cuộc chiến tranh chống lại quyền lực Châu Á đang trỗi dậy, di chuyển 60% năng lực không quân và hải quân tới khu vực và phát triển chiến lược “Hải-Không Chiến”, dựa trên việc bắn phá bằng tên lửa và ném bom cùng với phong tỏa đường biển của Trung Quốc. 

Mặc dù vậy, chính quyền Obama không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột với Trung Quốc vào lúc này và về những vấn đề không nằm trong sự lựa chọn của họ. Đó là lý do Washingtown thúc giục thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người mới gặp Tập lần đầu tiên vào thứ hai vừa qua, giảm căn thẳng với Trung Quốc về những quần đảo nhỏ bé và không có người ở trên biển Đông Trung Hoa mà cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền.

Những toan tính này nhấn mạnh các nghị định thư quân đội với quân đội mà Obama và Tập đã nhất trí trong tuần. Ben Rhodes, một phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, nói với các phóng viên trước hội nghị thượng đỉnh: “Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta tránh leo thang thiếu thận trọng và chúng ta không lao vào các tình huống bất ngờ dẫn đến những thứ có thể gây ra một cuộc xung đột”.

Bình luận này tự bản thân đã lên án các khiêu khích đầy khinh suất ở Đông Á suốt hai năm qua của chính quyền Obama, giờ đây chúng đang có nguy cơ dẫn cuộc chiến toàn diện giữa hai thế lực có vũ khí hạt nhân.

Tờ Wall Street Journal đưa tin lãnh đạo Trung Quốc từ trước đây rất lâu “phản đối một hiệp định đối đầu quân sự với Hoa Kỳ vì lý do điều đó tạo một quan hệ đối đầu kiểu như giữa Hoa Kỳ và Soviet trước kia”. Mặc dù vậy, bài báo bình luận, điều đó “đã thay đổi vào nào ngoái khi cả hai phía thừa nhận rằng họ không thể nhất trí trong việc giải thích luật pháp quốc tế về vấn đề biển, nhưng cũng không cho phép các đối đầu quân sự vô tình làm chệch hướng mối quan hệ tổng thể của họ”.

“Cơ chế tạo dựng tin cậy” quân sự mới không giải quyết được các vấn đề nằm sau sự đối đầu hung hăng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Một biện pháp được áp dụng là thông báo thiện chí về “các hoạt động quân sự chủ chốt”, trong đó có sự phát triển chính sách và chiến lược, trong khi biện pháp khác đề cập tới “các quy tắc ứng xử an toàn trong các đối đầu không gian và biển”. Một tuyên bố của Nhà Trắng bổ sung thêm là cả hai phía đã cùng góp sức phát triển thêm “các cơ chế tạo dựng tin cậy”, biện pháp được Washington ưu tiên là trao đổi thông tin về các vụ phóng tên lửa đạn đạo.

Các thoản thuận cho thấy sự nhượng bộ rõ ràng của Bắc Kinh đối với lời kêu gọi thường xuyên được Washington lặp lại về “sự minh bạch hơn” trong các hoạt động quân sự của Bắc Kinh. Yêu cầu này không chỉ là một phần trong tuyên truyền của Hoa Kỳ để vẽ ra “nguy cơ Trung Quốc”, mà còn giúp Lầu Năm Góc có cái nhìn sâu hơn vào năng lực quân sự của đối thủ tiềm tàng.

Ở Bắc Kinh, phó cố vấn an ninh quốc gia Rhodes lặp lại khẳng định từ lâu của chính quyền Obama là Bắc Kinh hoàn toàn phụ thuộc vào khuôn khổ địa chiến lược và quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ thống trị từ sau Thế Chiến II. “Chúng ta thể hiện rất rõ ràng khi chúng ta thấy rằng các hành động của Trung Quốc đang được đẩy ra ngoài những ràng buộc mà chúng ta tin là những quy định quốc tế cần thiết để điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia cũng như cách thức mà chúng ta giải quyết xung đột”, ông ta tuyên bố

Trong cuộc họp báo chung với Tập, Obama tìm cách che đậy căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ông ta tuyên bố rằng “ngay cả khi chúng ta ganh đua và bất đồng về một số điểm, tôi tin rằng chúng ta có thể tiếp tục thúc đẩy an ninh và thịnh vượng của nhân dân trong nước cũng như thế giới”.

Tổng thống Hoa Kỳ khuyến khích những thỏa thuận mới về nhiều vấn đề khác. Một thỏa thuận thương mại sẽ hủy bỏ thuế quan khoảng 1 nghìn tỷ dollar doanh số hàng năm của chất bán dẫn cũng như các công nghệ thông tin và truyền thông khác. Tờ Washington Post đưa tin là thỏa thuận này sẽ “mang lại cơ hội lớn hơn cho các công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc cũng như các công ty Hoa Kỳ và Trung Quốc có nhà máy ở Trung Quốc trong việc cung cấp sản phẩm cho thị trường Hoa Kỳ.”

Xúc tiến nổi bật nhất của Nhà Trắng và truyền thông Hoa Kỳ là cam kết mới về khí thải nhà kính. Obama tuyên bố một “thỏa thuận lịch sử” sẽ cho thấy Hoa Kỳ giảm khí thải các bon khoảng 26-28% so với năm 2005 vào năm 2025. Trung quốc cam kết sẽ ngừng tăng khí thải nhà kính vào “khoảng năm 2030” và chuyển 20% nguồn năng lượng quốc gia sang loại không phát thải.

Các khẳng định về việc những mục tiêu mới sẽ giảm nhẹ khủng hoảng biến đổi khí hậu hoàn toàn là lừa dối. Tổ Chức Liên Chính Phủ Của Liên Hiệp Quốc Về Biến Đổi Khí Hậu (IPCC) trước đó đã kết luận rằng các nền kinh tế phát thải hàng đầu phải giảm 25-40% phát thải so với năm 1990 vào năm 2020 và 80-95% vào năm 2050. Hơn nữa, những con số đó bị nhiều nhà khoa học về khí hậu phản đối do đánh giá thấp những điều cần thiết để ngăn chặn mức độ không thể đảo ngược nguy hiểm và tiềm tàng của sự nóng lên toàn cầu.

Lãnh đạo Trung Quốc xứng đáng với sự ít ỏi trong lời hứa che đậy của Obama về việc giảm khí thải 26-28% so với năm 2005 vào năm 2025. Một số bản tin cho thấy lượng khí thải các bon của Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2030, sự đóng góp của Tập kéo theo rất ít hay không có hoạt động bổ sung đối với việc giảm khí thải nhà kính.

Tiếp theo hàng loạt thất bại ở các cuộc họp thượng đỉnh quốc tế cấp cao để thúc đẩy một hiệp ước khí hậu sau nghị định thư Kyoto, trong đó có Copenhagen vào năm 2009, vòng đối thoại khác sẽ được tổ chức ở Paris vào năm tới. Không mở đường cho một cam kết tích cực tại hội nghị thượng đỉnh, cam kết của Obama-Tập về khí thải các bon chỉ nhấn mạnh sự bất khả thi trong việc giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu với khuôn khổ của hệ thống quốc gia-nhà nước tư bản chủ nghĩa.

Kiev leo thang chiến tranh ở miền đông Ukraina

Xin mời bạn đọc blog theo dõi bản dịch bài viết "Kiev escalates war in eastern Ukraine" của tác giả Christoph Dreier với các bình luận mới về tình hình chiến sự tại Ukraina.

Kiev leo thang chiến tranh ở miền đông Ukraina

Cuối tuần qua nổ ra trận chiến khốc liệt nhất tại các thành phố Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraina kể từ khi hiệp định ngừng bắn được ký kết vào đầu tháng 9. Cuộc tấn công quân sự của chính quyền Kiev cho thấy NATO đang tăng cường đe dọa Nga. 

Nhân chứng cho biết đạn pháo hạng nặng đã được bắn đi từ các khu vực do quân đội Kiev kiểm soát cũng khu vực của quân nổi dậy. Sân bay Donetsk là một chiến trường đẫm máu. Hiệp định Minsk yêu cầu giao sân bay cho phe nổi dậy. Mặc dù vậy, các binh lính trung thành với Kiev đã từ chối rút quân và đụng độ dữ dội hàng ngày với quân nổi dậy.

Theo quân nổi dậy cho biết, các xe tăng quân đội Ukraina đã tiến về phía Donetsk. Hai xe tăng được cho biết là bị quân nổi dậy phá hủy trong cuộc tấn công vào làng Nikichino.

Quân nổi dậy cáo buộc quân đội Ukraina đã ném bom các khu vực dân cư và sử dụng các loại bom cháy. Trong bản tin ngày thứ ba, tổ chức Human Rights Watch xác nhận bom cháy được sử dụng trong trận chiến trước đó ở khu vực Donetsk.

Nhiều dân thường đã trở thành nạn nhân của các vụ tấn công. Vào cuối tuần, hai thiếu niên đã thiệt mạng trong một vụ nã pháo vào trường học. Theo phe nổi dậy cho biết, ít nhất có 12 thường dân đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào làng Frunze gần Luhansk. 

Chính quyền Kiev và đồng minh của họ ở Washington cáo buộc Nga gửi xe tăng và các trang thiết bị quân sự khác qua biên giới để gia tăng sức mạnh cho các tổ chức nổi dậy. Nhiều phóng viên đã đưa tin về sự di chuyển của quân đội tại khu vực Donetsk.

Tổ Chức An Ninh Và Hợp Tác Châu Âu (OSCE), có một đội quan sát viên ở khu vực, đưa tin về hai đoàn xe với 40 chiếc xe tải 9 xe tăng di chuyển theo hướng đông ở khu vực Donbass. Nguồn gốc của những chiếc xe này và loại hàng hóa được chuyên chở vẫn chưa rõ. Chỉ huy phó của quân nổi dậy, Eduard Basurin, nói trong đoàn xe có các đơn vị dân quân được thành lập để bảo vệ Donetsk trước các cuộc tấn công của chính quyền Ukraina.

Người phát ngôn chính thức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Jen Psaki, nói vào thứ hai là “Nga và dân quân mà họ ủng hộ” đã “thường xuyên” phá vỡ Hiệp định Minsk. Ngoại trưởng John Kerry đe dọa Nga bằng những biện pháp trừng phạt mới vào ngày thứ bảy sau cuộc hội đàm với người đồng sự phía Nga Sergei Lavrov.

Giám đốc chính sách đối ngoại Liên Minh Châu Âu, Federica Mogherini, gọi sự di chuyển của quân đội là “một sự tiến triển rất đang lo ngại”. Bà ta thúc giục Nga thể hiện sự kiềm chế và giảm leo thang xung đột. Bà ta cũng yêu cầu Moscow ngăn chặn binh lính, vũ khí và chiến binh tiến vào Ukraina từ lãnh thổ Nga.

Cuối tuần tới, ngoại trưởng của 28 nước Liên Minh Châu Âu sẽ họp để quyết định về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. “Cuộc tranh luận sẽ không chỉ xoay quanh các biện pháp trừng phạt chặt chẽ, mà còn chú trọng tới việc chúng ta có thể hỗ trợ Ukraina ra sao trong thời gian khó khăn này”, Mogherini nói. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo về một sự mở rộng có thể danh sách những người sẽ bị trừng phạt.

Thủ tướng Anh David Cameron cáo buộc Nga không tuân thủ luật pháp quốc tế. Nếu Nga “tiếp tục theo con đường hiện tại, chúng tôi sẽ gia tăng sức ép và quan hệ của Nga với phần còn lại thế giới sẽ rất khác trong tương lai”, Cameron nói.

Vào thứ ba, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obam và người đồng sự Nga, Vladimir Putin, đã họp ngắn bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh. Bên cạnh vấn đề Ukraina, họ cũng thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran. Không có bản tin chính thức nào về cuộc họp của họ được công bố. Có thể kỳ vọng rằng hai nhà lãnh đạo sẽ lại gặp nhau vào tuần tới ở hội nghị thượng đỉnh G20 ở Australia.

Vào thứ hai, một bản tin được công bố liệt kê 40 tình huống đối đầu quân sự giữa Nga và NATO có thể biến thành chiến tranh. Tuần trước, tướng Đức của NATO Hans-Lothar Domröse đã thống báo rằng đồng minh sẽ tiếp tục mạnh tay hơn với Nga. 

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko ký hiệp định ngừng bắn Minsk sau khi chính quyền Ukraina đánh nhau với quân nổi dậy ở miền đông và phải gánh chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Chính quyền Kiev hy vọng câu giờ bằng ngừng bắn để ổn định sự cai trị của họ và tái tổ chức quân đội.

Nhưng chính phủ đã vi phạm hiệp định ít nhất cũng thường xuyên như phe nổi dậy. Quân đội của họ từ chối rút khỏi các khu vực bên cạnh sân bay Donetsk theo như quy định trong hiệp định Minsk. Hơn nữa, họ lại liên tục nã pháo Donetsk và Luhansk.

Quyền tự trị của miền đông Ukraina đã bị tước đoạt. Mặc dù nghị viện Ukraina đã thông qua luật liên quan, người phát ngôn nghị viện Alexander Turchinov từ chối ký tên hay chuyển đạo luật đó tới tổng thống. Sau khi quân nổi dậy tổ chức bầu cử một tuần trước ở miền đông Ukraina, Turchinov tuyên bố là luật tự trị không có giá trị.

Một đạo luật thanh thanh lọc cơ quan và dịch vụ công cộng đã được thông qua trước cuộc bầu cử nghị viện do chính quyền Kiev tổ chức vào tháng 10, đạo luật đó được dùng để đưa các cơ quan nhà nước vào khuôn khổ. Nhiều vị trí trước đó thuộc về những người phê phán chính quyền đã được chuyển giao cho lực lượng cực đoan cánh hữu, lực lượng đóng vai trò trọng yếu trong cuộc đảo chính lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych vào tháng 2 vừa qua.

Juri Michaltschisin, người sáng lập viện Joseph Goebbels vào năm 2005, được đưa tin là trở thành lãnh đạo mới của cục “tuyên truyền và phân tích” thuộc cơ quan mật vụ Ukraina, SBU. Tân phát xít Vadim Troyan được Bộ Nội Vụ phong chức cảnh sát trưởng Kiev.

Các tiểu đoàn cánh hữu của Vệ Binh Quốc Gia, được nhiều nhà tài phiệt tài trợ và đóng vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến, tìm cách can thiệp trực tiếp hơn vào chính trị thông qua các ứng cử viên tham gia vào tranh cử nghị viện. Mặc dù các đảng phát xít công khai nhận được rất ít phiếu bầu, nhưng các chính đảng lớn đã đưa nhiều thành viên cực hữu vào danh sách đề cử của họ. Một đại diện nổi bật là Yuri Bereza, thủ lĩnh của tiểu đoàn Dnepr khét tiếng, vốn phải chịu trách nhiệm về hàng loạt các vi phạm nhân quyền. 

Bereza được bầu vào nghị viện theo danh sách đề cử của đương kim thủ tướng Arseniy Yatsenyuk. Với vai trò là thành viên mới của nhóm lớn nhất trong nghị viện, ông ta tuyên bố ngay sau cuộc bầu cử là tiểu đoàn của ông ta sẽ chuẩn bị các cuộc tấn công khủng bố vào Nga. Dựa vào những lực lượng như vậy, và sự hậu thuẫn của Washington, Berlin và NATO, Kiev đang chuẩn bị tái diễn các tấn công quân sự ở miền đông.

Monday, November 10, 2014

Một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam phản đối chủ nghĩa quân phiệt Hoa Kỳ

Vào ngày 11 tháng 11 hàng năm, Hoa Kỳ sẽ vinh danh những anh hùng chiến tranh của họ. Nhưng nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ lại nghĩ khác, xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch "Reclaim Armistice Day and Honor the Real Heroes" của tác giả Arnold Olivier để biết tâm sự của họ. Tiêu đề bài viết do người dịch đặt.

Khôi phục Ngày Đình Chiến và vinh danh những người hùng chân chính

Không ít những cựu binh, tổ chức Cựu Chiến Binh Vì Hòa Bình cũng trong số họ, đang bối rối vì cái cách mà người Mỹ kỷ niệm lễ Cựu Chiến Binh vào ngày 11 tháng 11. Nguyên gốc của ngày lễ đó là Ngày Đình Chiến*, được Quốc Hội thông qua vào năm 1926 để “duy trì hòa bình bằng ý nguyện tốt lành và sự thấu hiểu đầy thiện cảm giữa các quốc gia, (và sau đó) là một ngày đặc biệt dẫn đến hòa bình thế giới”. Trong nhiều năm, rất nhiều nhà thờ đã rung chuông vào giờ thứ 11 của ngày 11 tháng 11 – giờ khắc mà súng ngừng bắn tại Mặt Trận Phía Tây, cho tới lúc đó 16 triệu người đã chết.

Cần phải nói thẳng ra là vào năm 1954, Ngày Đình Chiến đã bị một quốc hội quân phiệt chiếm đoạt, và ngày nay rất ít người Mỹ còn hiểu mục đích ban đầu của sự kiện đó, hay là nhớ tới nó. Thông điệp tìm kiếm hòa bình đã biến mất. Hiện giờ ngày đó được coi là Ngày Cựu Chiến Binh, nó đã tiến triển thành một dạng lễ tưởng niệm tôn kính theo kiểu chủ nghĩa quốc gia quá khích đối với chiến tranh và các chiến binh được cho là dũng cảm tham chiến. 

Đây là tin tức mới. Hầu hết những gì xảy ra trong thời chiến thật ra là phi anh hùng, và những người hùng trong chiến tranh rất ít cũng như rất thưa thớt.

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về thời gian tôi ở Việt Nam, tôi không phải là người hùng, và tôi không chứng kiến bất cứ chủ nghĩa anh hùng nào trong những năm tôi ở đó, đầu tiên là binh nhì và sau đó là trung sĩ quân đội Hoa Kỳ.

Đúng như vậy, có chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh Việt Nam. Ở cả hai phía tham gia xung đột đều có những hành động cao quý như hy sinh bản thân và dũng cảm. Quân lính trong đơn vị của tôi ngạc nhiên về việc quân lính Bắc Việt có thể kiên trì đối mặt suốt nhiều năm với hỏa lực dữ dội của Hoa Kỳ. Các y tá của quân đội Hoa Kỳ đã có những hành động dũng cảm khó tin để giải cứu thương binh dưới làn đạn.

Nhưng tôi cũng chứng kiến một số lượng đáng kể những hành vi xấu, một số là của bản thân tôi. Việc thiếu tôn trọng và lạm dụng thường dân Việt Nam, trong đó có rất nhiều tội ác chiến tranh, là phổ biến. Hơn nữa, mọi đơn vị đều có, và vẫn có các thành phần tội phạm, lừa đảo và côn đồ. Thiếu anh hùng nhất là các lãnh đạo quân sự và dân sự của Hoa Kỳ, những người này lập kế hoạch, dàn dựng và kiếm lợi lớn từ cuộc chiến hoàn toàn có thể tránh khỏi đó.

Sự thật rùng mình là cuộc xâm lược và chiếm đóng Việt Nam của Hoa Kỳ không liên quan gì đến việc bảo vệ hòa bình và tự do của Hoa Kỳ. Trái lại, chiến tranh Việt Nam đã chia rẽ Hoa Kỳ một cách cay đắng, và chiến tranh là để ngăn chặn chứ không phải bảo vệ sự độc lập của Việt Nam.

Không may mắn, Việt Nam không phải là ví dụ duy nhất. Nhiều cuộc chiến của Hoa Kỳ - trong đó có cuộc chiến tranh Mexico-Hoa Kỳ năm 1846, cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Hoa Kỳ năm 1898, và cuộc chiến tranh Iraq (danh sách không phải là đầy đủ) – được tiến hành với cái cớ ngụy tạo để chống lại các quốc gia không hề đe dọa Hoa Kỳ. Khó có thể hiểu được anh hùng ra sao khi lao vào những cuộc chiến tranh phi nghĩa. 

Nhưng nếu đại đa số các cuộc chiến không diễn ra bởi các lý do cao quý, và chỉ có một ít binh lính là anh hùng, thì có anh hùng thực sự nào đã bảo vệ cho hòa bình và tự do không? Nếu có thì họ là ai?

Tốt thôi, có rất nhiều, từ thời Chúa Jesus cho đến hiện giờ. Tôi liệt kê Gandhi, Tolstoy, tiến sĩ Martin Luther King, Jr. trong cùng một danh sách với nhiều người dòng Quaker và Mennonite. Cũng không nên quên tướng Smedley Buttler, người đã viết rằng “Chiến tranh là một thủ đoạn làm tiền”, và thậm chí là những loại như Robert McNamara, người đã đến vào phút chót.

Ở Việt Nam, chuẩn úy Hugh Thompson đã ngăn chặn không cho vụ thảm sát Mỹ Lai trở nên tồi tệ hơn.

Một ứng cử viên khác là cựu chuyên gia quân đội Hoa Kỳ Josh Stieber, người đã gửi thông điệp này tới người dân Iraq: “Trái tim nặng nề của chúng tôi vẫn nuôi hy vọng rằng chúng tôi có thể khôi phục sự thừa nhận trong nội bộ quốc gia của chúng tôi đối với bản chất con người của các bạn, thứ mà các bạn đã được dạy phải phủ nhận”. Hãy cân nhắc về một triệu người Iraq đã chết. Chelsea Manning ngồi sau chấn song sắt để trưng bày điều đó và những sự thật khác.

Những người hùng thật sự là những người chống lại chiến tranh và chủ nghĩa quân phiệt, thường là với thiệt hại cá nhân rất lớn.

Bởi vì chủ nghĩa quân phiệt đã tồn tại từ rất lâu, ít nhất từ khi Gilgamesh cùng với chiếc khiên lưới đi tới Sumeria vào khoảng 5000 năm trước đây, người ta cho rằng điều đó luôn luôn ở bên chúng ta. Nhưng nhiều người cũng nghĩ rằng bắt phụ nữ làm nô lệ và nô dịch sẽ tồn tại mãi mãi, và họ đã được chứng minh là sai. Chúng ta hiểu rằng chủ nghĩa quân phiệt sẽ không biến mất sau một đêm, loại bỏ nó là điều bắt buộc nếu chúng ta muốn tránh phá sản về mặt kinh tế cũng như đạo đức.

Như vị tướng nội chiến W. T. Sherman đã nói ở West Point, “Tôi thú nhận không hề xấu hổ rằng tôi mệt mỏi và phát ốm vì chiến tranh”. Chúng tôi sát cánh với bạn, người anh em.

Ngày 11 tháng 11 năm nay, Cựu Chiến Binh Vì Hòa Bình sẽ khôi phục lại truyền thống ban đầu của Ngày Đình Chiến. Hãy tham gia với chúng tôi và để cho những cái chuông được rung lên.

Arnold “Skip” Oliver writes for Peace Voice and is Professor Emeritus of Political Science at Heidelberg University in Tiffin, Ohio. A Vietnam veteran, he belongs to Veterans For Peace, and can be reached at soliver@heidelberg.edu.

*Chú thích của người dịch: Ngày Đình Chiến là ngày lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ I

Sunday, November 9, 2014

Cách mạng ở Hoa Kỳ

Tại sao cần có một cuộc cách mạng ở Hoa Kỳ? Đế quốc Hoa Kỳ phi dân chủ ra sao? Họ tấn công thế giới Hồi Giáo để làm gì? Xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch bài viết "Revolution in the United States" của tác giả Garry Leech để có câu trả lời.

Cách mạng ở Hoa Kỳ

Tại sao một số ít người lại có thể áp đặt cuộc sống của rất nhiều người? Tôi không đề cập tới vấn đề 1% và 99%. Tôi đang nói về số cử tri ở Hoa Kỳ và những tay chân Canada và Anh của họ. Trong khi đó, hàng tỷ người trên thế giới có cuộc sống chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những quyết định của các quan chức dân cử ở những quốc gia thịnh vượng dường như không có tiếng nói. Đế quốc Hoa Kỳ hoàn toàn không dân chủ. Nó là toàn trị! Nó là đế quốc! Nó bất công! Cần có một cuộc cách mạng.

Vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, 121 triệu người Mỹ bỏ phiếu, chiếm 57% số người trong độ tuổi bầu cử. Tuy tổng số phiếu bầu không đạt đa số tuyệt đối nhưng cũng đủ đảm bảo sự hợp hiến cho hệ thống chính trị Hoa Kỳ, nhất là trong con mắt của nhiều người Mỹ.

Nhưng quyết định chính trị do các quan chức dân cử Hoa Kỳ đưa ra vượt ra ngoài biên giới quốc gia rất xa. Thông qua chính sách đối ngoại và vai trò thống trị trong các thiết chế quốc tế như Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, NATO, Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới, Hoa Kỳ tác động đến cuộc sống của hầu hết mọi người trên trái đất. Hay nói cách khác, sự lựa chọn của 121 triệu người Mỹ tác động trực tiếp đến cuộc sống của hàng tỷ người trên trái đất. Dân chủ ở đâu?

Các biên giới quốc gia liên tục bị bào mòn dưới danh nghĩa của chủ nghĩa tư bản “thị trường tự do”, để doanh nghiệp có thể di chuyển tư bản và lợi nhuận quanh trái đất, nhằm khai thác lợi thế về lao động và tài nguyên thiên nhiên giá rẻ, đặc biệt là ở bán cầu phía Nam. Nhưng khi kinh tế ngày càng bị toàn cầu hóa thì dân chủ lại vẫn cắm rễ vào quốc gia-nhà nước. 

Song mọi quốc gia không bình đẳng. Hoa Kỳ được thừa hưởng vai trò mà những kẻ thực dân Châu Âu đã nắm giữ từ hàng trăm năm nay. Giống như tầng lớp cai trị ở các hệ thống thuộc địa cũ, Hoa Kỳ nắm giữ một khối lượng bất cân xứng về quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự trong chủ nghĩa đế quốc hiện thời. Kết quả của sự thống trị đó là 121 triệu cử tri người Mỹ quyết định số phận của hàng tỷ người trên trái đất bốn năm một lần. 

Nhưng số phận của dân cư trên thế giới là một điều cực kỳ xa lạ với suy nghĩ của đại đa số cử tri trong thời gian bầu cử. Họ chủ yếu tập trung vào các lợi ích nhất thời như việc làm, thuế khóa, an ninh và các vấn đề khác, những vấn đề mà họ thấy là quan trọng đối với đời sống hàng ngày của họ. Họ không quan tâm – hay không nhìn thấy – các chính sách chính trị, kinh tế và quân sự được chính quyền mà họ lựa chọn triển khai trên toàn cầu có tác động tiêu cực đến đời sống của rất nhiều người trên thế giới ra sao. Hệ quả là có rất ít người Mỹ bỏ phiếu chống lại những gì họ cho là lợi ích của bản thân để ủng hộ lợi ích của đa số nhân dân trên thế giới. 

Điều gì sẽ xảy ra khi những người chịu tác động tiêu cực từ chính sách của Hoa Kỳ tìm cách tự mình đối đầu với mô hình đế quốc Hoa Kỳ phi dân chủ? Washington không thể tránh khỏi phải trả lời bằng bạo lực để bảo vệ hiện trạng. Đó là lý do tại sao có rất nhiều người trên thế giới không tin rằng Hoa Kỳ là lực lượng của điều tốt. Trên thực tế, theo kết quả một khảo sát tại 68 quốc gia vào năm 2013 của WIN/Gallup, Hoa Kỳ được coi là mối nguy hiểm lớn nhất đối với hòa bình thế giới – như mỗi năm khảo sát được thực hiện. 

Đế quốc Hoa Kỳ

Sự thống trị chính trị toàn cầu của Hoa Kỳ tự khẳng định bản thân thông qua hỗ trợ quân sự và kinh tế cho các chính quyền đồng minh, bất kể là các chính quyền đó có tham nhũng, phi dân chủ và bạo lực đến đâu khi bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ. Những lợi ích đó chủ yếu dựa trên việc cho phép các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận của các công ty đa quốc gia và đảm bảo sự tiếp diễn của phong cách sống tiêu dùng mà nhiều người Mỹ đang tận hưởng. 

Hậu quả của việc ưu tiên lợi nhuận doanh nghiệp và phong cách sống tiêu dùng ở các quốc gia giàu có là sự tàn phá đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo như Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hơn 10 triệu người chết hàng năm ở Châu Mỹ Latin, Châu Phi và Châu Á do thiếu chăm sóc y tế và thuốc men thích hợp.

Ví dụ, các công ty dược phẩm sản xuất các thuốc men kiểu “phong cách sống” để xử lý các vấn đề khó chịu hay các nguy cơ không tổn hại tính mạng cho người dân ở các nước giàu, những người có thể mua chúng, thì có lợi nhuận hơn là chế tạo các dược phẩm thiết yếu cho người nghèo, những người không tạo ra thị trường khả thi. Hệ quả không thể tránh khỏi là diệt chủng cơ cấu; một thảm kịch đang mà bệnh dịch Ebola ở Tây Phi đang cho thấy rõ.

Khi các chính quyền trở nên can đảm và thách thức các lợi ích của Hoa Kỳ thì Washington sẽ không thể không trả lời bằng trừng phạt kinh tế, ủng hộ các cuộc đảo chính quân sự và nếu cần thiết là can thiệp quân sự trực tiếp. Mục tiêu là đảm bảo rằng mô hình tư bản chủ nghĩa sẽ thống trị khắp thế giới. Để đảm bảo mô hình đó được chấp nhận là hợp pháp thì điều cốt yếu là nhân dân khắp thế giới phải thấm nhuần các giá trị tự do phương Tây. Đó chính là lý do tại sao Hoa Kỳ can thiệp quân sự vào thế giới Hồi Giáo, trái ngược với những hùng biện phát ra từ Nhà Trắng, là một cuộc chiến tranh chống lại Hồi Giáo. Sự chấp nhận các giá trị tự do phương Tây là cần thiết để duy trì chủ nghĩa tư bản và rất nhiều các giá trị của chủ nghĩa cá nhân mâu thuẫn với một số giá trị tập thể của Hồi Giáo.

Các cuộc can thiệp quân sự tiếp diễn ở Trung Đông và Trung Á là một sự tiếp tục xây dựng đế quốc được bắt đầu từ năm 1492, sau khi Christopher Columbus “khám phá” ra Châu Mỹ. Các giá trị và hoạt động văn hóa của người bản địa Châu Mỹ không phù hợp với các giá trị tự do và Thiên Chúa Giáo nổi bật ở Châu Âu, nhất là là tư tưởng Khai Sáng, thứ đã cung cấp nền tảng triết học cho chủ nghĩa tư bản. Hệ quả là những thổ dân phản kháng – và cả những người không phản kháng – sự áp đặt của những giá trị Châu Âu đối với văn hóa của họ đã bị tàn sát.

Đa số những người sống sót đã bị nhốt trong các khu bảo tồn và từ thế hệ này sang thế hệ khác là đối tượng của sự đồng hóa thông qua hệ thống giáo dục lấy Châu Âu làm trung tâm. Tương tự ở Châu Phi và Châu Á, chủ nghĩa thực dân Châu Âu đã áp đặt các ý tưởng tự do và Thiên Chúa Giáo cho người dân, buộc họ ghi nhớ các giá trị Châu Âu thiết yếu để chấp nhận hệ thống chủ nghĩa tư bản đang điều khiển các dự án thuộc địa.

Nhiều nỗ lực gần đây thách thức quá trình đó của chủ nghĩa đế quốc đều bị đáp lại bằng bạo lực. Hoa Kỳ đã lật đổ hầu như mọi chính quyền đối đầu với sự thống trị của họ. Đây là chỉ là danh sách một phần các quốc gia có chính quyền bị lật đổ trong các cuộc đảo chính do Hoa Kỳ hậu thuẫn hay can thiệp quân sự trong những thập kỷ gần đây: Iran (1953), Guatemala (1954), Nam Việt Nam (1963)*, Brazil (1964), Indonesia (1965), Chile (1973), Argentina (1976), Haiti (1991 and 2004), Afghanistan (2001), Iraq (2003), Honduras (2009) và Libya (2011). Một số chính quyền đó được lựa chọn dân chủ trong tự do và bầu cử công bằng. 

Những chính quyền khác đủ can đảm đối đầu với sự thống trị của Hoa Kỳ phải rất nỗ lực trong đơn độc để tồn tại trước những âm mưu lật đổ. Cuba đẩy lùi cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn năm 1961 và phải cam chịu lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ hơn nửa thế kỷ. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mới đây bỏ phiếu với đa số tuyệt đối lên án lệnh cấm vận lần thứ 23, 188 quốc gia đã kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận và chỉ có hai nước – Hoa Kỳ và Israel – bỏ phiếu chống lại nghị quyết đó. Tương tự, Venezuela đã trụ được qua cuộc đảo chính do Hoa Kỳ hậu thuẫn vào năm 2002 nhằm lật đổ tổng thống Chavez và tiếp đó thường xuyên bị các chính khách Hoa Kỳ bôi nhọ.

Cực đoan hóa Hồi Giáo 

Chủ nghĩa quân phiệt Hoa Kỳ trong thế giới Hồi Giáo cũng tìm cách đối đầu với những ai phản đối việc phổ biến các giá trị tự do phương Tây thiết yếu đối với toàn cầu hóa chủ nghĩa tư bản. Năm mươi năm trước đây không hề có các nhóm Hồi Giáo cực đoan nổi bật nào. Sự tiến hóa hiện thời của chủ nghĩa cực đoan có thể bắt đầu từ khi Hoa Kỳ hậu thuẫn cho việc lật đổ thủ tướng thế tục và được tín nhiệm Mohamad Mossadegh của Iran vào năm 1953 sau khi ông ta quốc hữu hóa công nghiệp dầu mỏ. Shah đã được tái lập làm người cai trị Iran và ông ta lập tức lại mở cửa quốc gia cho các công ty dầu mỏ phương Tây, đồng thời cảnh sát mật được Hoa Kỳ huấn luyện của ông ta đàn áp tàn bạo những người bất đồng chính kiến.

Dưới sự cai trị độc đoán của chính quyền Shah do Hoa Kỳ hậu thuẫn thì hoạt động văn hóa phương Tây trở thành phổ biến ở Iran cùng với sự hiện diện của rất nhiều công nhân dầu mỏ Hoa Kỳ và Anh. Đồng thời, một số lượng ngày càng lớn người Iran phải gánh chịu sự nghèo khổ khi Shah và công nhân dầu mỏ phương Tây đánh cắp tài nguyên giàu có của quốc gia ngay trước mắt họ. Sự oán giận lớn dần bắt nguồn từ tình trạng ấy đã tạo ra môi trường lý tưởng để chủ nghĩa Hồi Giáo chính thống xây dựng lực lượng trong lòng nhân dân Iran. Vào năm 1979, đa số người Iran đã ủng hộ cuộc cách mạng của những người chính thống, lật đổ chế độ tha hóa và tàn bạo của Shah. 

Trong những thập kỷ tiếp theo, sự ủng hộ của Washington đối với các chính phủ tha hóa nhưng phục vụ cho lợi ích của phương Tây trong khu vực, đặc biệt là liên quan đến việc đảm bảo cho dầu chảy liên tục, đã cực đoan hóa nhiều thành phần của thế giới Hồi giáo. Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự và kinh tế hơn 4 tỷ dollar cho những kẻ nổi loạn Mujahideen, để họ chống lại Liên Bang Soviet ở Afghanistan trong những năm 1980. Một trong những kẻ nổi loạn Mujahideen được Hoa Kỳ hậu thuẫn là Osama bin Laden, sau khi loại bỏ những kẻ xâm lược Soviet của phương Tây khỏi thế giới Hồi giáo, ông ta đã thành lập Al-Qaeda và chuyển hướng sang kẻ xâm lược phương Tây cuối cùng, khi quân đội Hoa Kỳ lập căn cứ ở Arab Saudi vào năm 1991. Rất nhiều cuộc can thiệp quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực kể từ năm 1991 và sự hỗ trợ vô điều kiện của Washington cho Israel đã chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa của chủ nghĩa cực đoan.

Rõ ràng là can thiệp quân sự của Hoa Kỳ ở Trung Đông không xuất phát từ động cơ khuyến khích dân chủ và nhân quyền. Trên hết, nếu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ bắt nguồn từ những động cơ cao quý đó thì Washington đã lật đổ từ lâu chế độ độc tài tàn nhẫn tại nước đồng minh thân cận Arab Saudi của họ cũng như giải thoát khu vực khỏi những người bạn toàn trị của họ. Cần biết là chính quyền Arab Saudi thường xuyên chặt đầu công khai người dân của họ - 19 người vào tháng 7 và 8 – quyết định của Obama cho phép quân đội Hoa Kỳ với những kẻ chặt đầu Saudi chiến đấu chống lại những kẻ chặt đầu của Quốc Gia Hồi Giáo đã chứng minh hùng hồn về nhân quyền. Hiển nhiên là việc chặt đầu tự bản thân nó không làm ai đó trở thành “độc ác”, giống như việc chặt đầu người phương Tây để chống lại các lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ.

Sự thất bại của những nhóm quốc gia thế tục và ôn hòa hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của chủ nghĩa Hồi giáo đã dẫn đến sự trỗi dậy của các tổ chức chính thống cực đoan hơn như Hezbollah, Hamas, Taliaban, al-Qaeda và giờ là Nhà Nước Hồi Giáo. Nói ngắn gọn, chúng ta chứng kiến sự cực đoan hóa trên quy mô khu vực tương tự như những gì đã diễn ra trên quy mô quốc gia ở Iran sau khi Hoa Kỳ can thiệp và ủng hộ chế độ Shah tàn bạo.

Chính sách đế quốc của Washington ưu tiên cho các lợi ích của công ty dầu mỏ và kinh tế phương Tây hơn nhân dân Hồi Giáo. Không có gì đáng ngạc nhiên khi điều đó dẫn đến sự cực đoan hóa của phe đối đầu với can thiệp quân sự, chính trị và kinh tế của Hoa Kỳ vào thế giới Hồi Giáo. Hoa Kỳ phản ứng trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan không phải bằng cách xem xét lại phương thức tiếp cận kiểu đế quốc của họ, mà theo cách ngược lại là gia tăng chúng. Các cuộc xâm lược và chiếm đóng quân sự do Hoa Kỳ cầm đầu ở Afghamistan và Iraq còn có thể giải thích theo cách nào khác? Ở cả hai quốc gia đó, mục tiêu là áp đặt bằng quân sự nền dân chủ tự do kiểu phương Tây đối với người dân Hồi Giáo và sáp nhập tài nguyên cũng như kinh tế của những quốc gia đó vào hệ thống tư bản toàn cầu.

Bất chấp những hùng biện được lặp đi lặp lại của các lãnh đạo phương Tây rằng can thiệp quân sự vào khu vực không tạo thành cuộc chiến tranh chống Hồi Giáo, đó chính là chiến tranh chống Hồi Giáo. Đó là cuộc chiến tranh chống lại các giá trị Hồi Giáo vốn xung đột với hoạt động tìm kiếm lợi nhuận thô bạo và bất nhân của các công ty đa quốc gia cũng như các ngân hàng đầu tư. Đó là cuộc chiến tranh chống lại các giá trị tập thể và niềm tin, những thứ vốn xung đột với chủ nghĩa cá nhân và văn hóa tiêu dùng buông thả trong cốt lõi của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Đó là cuộc chiến tranh chống lại những người Hồi Giáo đã hết ảo tưởng với mô hình dân chủ và hệ thống kinh tế chỉ mang lại cho họ sự bất lực và bần cùng.

Toàn cầu hóa theo kiểu tân tự do không chỉ khiến cho thế giới Hồi Giáo nghèo khổ, mà nó cũng thất bại trong việc đem lại tiếng nói chính trị của họ thông qua hòm phiếu. Khi người Hồi Giáo lựa chọn một đảng Hồi Giáo trong các cuộc bầu cử kiểu phương Tây, chính phủ mới sẽ lập tức trở thành mục tiêu của Hoa Kỳ và đồng minh của họ. Người Ai Cập nổi dậy trên đường phố vào năm 2011 trong Mùa Xuân Arab đòi lật đổ nhà độc tài Hosni Mubarak được Hoa Kỳ hậu thuẫn và bầu cử được tổ chức. Năm tiếp theo, đa số người dân Ai Cập lựa chọn ứng cử viên tổng thống đại diện cho tổ chức Hồi Giáo của quốc gia, Huynh Đệ Hồi Giáo. Một năm sau, Washington và đồng minh của họ quay mặt làm ngơ khi quân đội Ai Cập do Hoa Kỳ hậu thuẫn đã đảo chính lật đổ chính quyền được bầu chọn dân chủ. 

Đây không phải là lần đầu tiên các quyền lực phương Tây phá hoại dân chủ trong thế giới Hồi Giáo. Vào năm 1991, khi kết quả bầu cử nghị viện ở Algeria cho thấy có vẻ Mặt Trận Cứu Nguy Hồi Giáo sẽ thắng với đa số 2/3, quân đội đã can thiệp và hủy bỏ cuộc bầu cử, không cho phép đảng Hồi Giáo thắng cử. Hoa Kỳ và Pháp hỗ trợ cuộc đảo chính đó bởi vì họ phản đối việc thiết lập một chính quyền Hồi Giáo ở Algeria, ngay cả khi chính quyền được bầu cử dân chủ đó đại diện cho nguyện vọng của đa số người dân Algeria. Cái giá của việc phá hoại tiến trình dân chủ đó là một cuộc nội chiến cướp đi sinh mạng của hơn 150.000 người trong thập kỷ tiếp theo. 

Tương tự vào năm 2006, người dân Palestin bỏ phiếu cho đảng Hồi Giáo Hamas nhiều hơn là đảng Fatah, kết quả là Hamas được 76 ghế còn Fatah được 45 ghế, do đó Hamas có quyền thành lập chính phủ. Hoa Kỳ, Canada và Liên Minh Châu Âu đáp lại kết quả bầu cử bằng cách ngay lập tức cắt viện trợ cho chính phủ Hamas và cho phép Israel phong tỏa một cách vô nhân đạo căn cứ của Hamas ở dải Gaza. Những trường hợp đó đã gửi một thông điệp rõ ràng đến cho người Hồi Giáo: Chấp nhận dân chủ theo kiểu phương Tây nhưng không được bầu cho đảng Hồi Giáo. Có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều người Hồi Giáo vỡ mộng với dân chủ kiểu phương Tây và hệ thống kinh tế toàn cầu chủ yếu phục vụ cho lợi ích phương Tây?

Sự vỡ mộng đó đã thể hiện bản thân trong một “nguy cơ” bắt nguồn tự cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq của Hoa Kỳ. Nhà Nước Hồi Giáo còn cực đoan hơn cả al-Qaeda trong những nỗ lực chống đế quốc phương Tây. Bất chấp thực tế, phương Tây đáp lại Nhà Nước Hồi Giáo bằng bản sao của cuộc can thiệp quân sự trước đó ở Trung Đông, thứ đã khai sinh ra al-Qaeda và Nhà Nước Hồi Giáo. 

Washington đang gia tăng can thiệp quân sự vào thế giới Hồi Giáo, họ đã giết hại hàng ngàn thường dân vô tội. Trong thực tế, số lượng người Hồi Giáo vô tội bị bom Mỹ giết hại đã vượt xa số người phương Tây bị các nhóm Hồi Giáo cực đoan giết hại. Lịch sử cho thấy rằng ngay cả khi quân đội Hoa Kỳ và đồng minh đánh bại Nhà Nước Hồi Giáo, số lượng thường dân bị quân đội phương Tây giết hại sẽ lại dẫn đến việc một nhóm cực đoan hơn nữa xuất hiện để thay thế Nhà Nước Hồi Giáo.

Nguyên nhân thực sự khiến Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây nhắm vào Nhà Nước Hồi Giáo dường như sẽ rõ ràng hơn khi so sánh nhóm cực đoan đó với các cartel ma túy Mexico. Cartel ma túy Mexico là mối đe dọa bạo lực lớn hơn đối với thường dân, bao gồm cả người Mỹ, hơn là Nhà Nước Hồi Giáo. Họ đã giết hại hơn 13.000 người trong năm 2013, gần gấp đôi số người chết ở Iraq. Quan trọng hơn theo quan điểm của Hoa Kỳ, hơn 300 công dân Hoa Kỳ đã bị cartel ma túy Mexico sát hại trong 6 năm qua, vượt xa số người Mỹ bị Nhà Nước Hồi Giáo giết hại.

Hơn nữa, các cartel không chỉ chặt đầu các nạn nhân, họ còn chặt xác ra nhiều mảnh. Họ thường xuyên tuyển mộ các thiếu niên tầm 11 tuổi và thường xuyên tấn công phụ nữ và trẻ em. Các cartel kiểm soát các khu vực lãnh thổ rộng lớn ở miền Bắc Mexico và chính quyền không thể đánh bại họ. Mặc dù vậy, chúng ta không ném bom miền Bắc Mexico để tiêu diệt nhóm bạo lực đó. Tại sao không? Bởi vì đó không phải là loại khuyến khích nhân quyền hay dân chủ mà chính quyền Hoa Kỳ muốn làm; Washington chỉ phản ứng trước các nguy cơ rõ ràng đối với hệ thống tư bản.

Ở Mexico, các hoạt động bạo lực của cartel ma túy không xâm hại đến năng lực tạo lợi nhuận dựa trên bóc lột lao động và tài nguyên tự nhiên giá rẻ của các công ty đa quốc gia. Các cartel ma túy không gây phiền toái cho mô hình kinh tế tự do thương mại, vốn hiện diện công khai ở Mexico với Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ (NAFTA). Mặt trái là những kẻ buôn ma túy dựa trên dòng thương mại thường xuyên và liên tục qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico để vận chuyển ma túy. Nói ngắn gọn, không giống như Nhà Nước Hồi Giáo, các cartel ma túy Mexico không thách thức các giá trị tự do phương Tây cũng như mô hình kinh tế tư bản mà Hoa Kỳ khuếch trương.

Kết luận

Chủ nghĩa đế quốc phương Tây đã tiêu tốn hơn 500 năm để áp đặt các giá trị phương Tây cho người dân khắp thế giới. Những người dân đó không bao giờ có tiếng nói trong các chính sách chính trị, xã hội và kinh tế được áp đặt cho họ. Chủ nghĩa đế quốc, theo định nghĩa, là phi dân chủ. Trong khi chính sách của Hoa Kỳ ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên thế giới, chỉ có một ít phần trăm dân số toàn cầu có tiếng nói trong việc lựa chọn chính quyền đó. Đại đa số trong 121 triệu cử tri người Mỹ không mấy quan tâm đến vệc lá phiếu của họ sẽ có ảnh hưởng ra sao tới người Hồi Giáo ở Trung Đông, thổ dân ở Châu Mỹ Latin, và hàng triệu người khác khắp Châu Phi, Châu Á. Quyết định bầu cử của họ chủ yếu được xác định dựa vào nhận thức về các nhu cầu tức thời, thứ đó là cái vỏ hợp hiến không chỉ cho dân chủ Hoa Kỳ mà còn cho cả chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ.

Hệ quả là dường như trong một tương lai có thể thấy trước, một cuộc cách mạng sẽ nổ ra ở trái tim của đế quốc. Có vẻ là sẽ nổ ra ở các khu vực hẻo lánh của Đế quốc Hoa Kỳ. Trong thực tế, đã có nhiều dạng cách mạng diễn ra, từ phong trào thổ dân đòi chủ quyền ở Châu Mỹ Latin tới các nhóm Hồi Giáo chính thống cực đoan như al-Qaeda và Nhà Nước Hồi Giáo ở Trung Đông. Vào lúc này, đại đa số dân chúng thế giới đang đối đầu với chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ một cách ôn hòa, họ tìm kiếm chủ quyền và tiếng nói trong các quyết định chủ chốt có ảnh hưởng đến đời sống của họ theo cách bất bạo động. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục tiêu diệt mọi sự đối đầu ôn hòa với chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ, chúng ta sẽ phổ cập những dạng chủ nghĩa cực đoan như đang trỗi dậy ở Trung Đông.

Vì lợi ích của thế giới, điều quan trọng là một cuộc cách mạng diễn ra để lật đổ hệ thống đế quốc Hoa Kỳ trước khi các thế lực bạo lực cực đoan châm ngòi cho hỗn loạn toàn cầu. Nếu đế quốc Hoa Kỳ không bị lật đổ bởi những người đang sống tại trung tâm của nó thì cũng sẽ bị lật đổ bởi những “đối tượng” của nó ở những khu vực hẻo lánh, những người đang phải gánh chịu thuế khóa – thông qua việc bóc lột lao động và tài nguyên giá rẻ của họ - mà không có ai đại diện. Trên hết, chúng ta không có gì để mất ngoài xiềng xích của mình.


Garry Leech is an independent journalist and author of numerous books including Capitalism: A Structural Genocide (Zed Books, 2012); Beyond Bogota: Diary of a Drug War Journalist in Colombia (Beacon Press, 2009); and Crude Interventions: The United States Oil and the New World Disorder (Zed Books, 2006). ). He is also a lecturer in the Department of Political Science at Cape Breton University in Canada.

*Chú thích của người dịch: Tác giả đã nhầm lẫn về vụ đảo chính lật đổ nhà độc tài Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam năm 1963. Ngô Đình Diệm chưa bao giờ chống lại Mỹ để bảo vệ lợi ích quốc gia. Ông ta rất trung thành với Mỹ nhưng thất bại trong việc thực thi các chính sách của Mỹ và ngoan cố không chịu rời bỏ quyền lực khi đã hết giá trị lợi dụng. Do đó, Mỹ buộc phải cho tay chân lật đổ Ngô Đình Diệm.