Friday, December 5, 2014

Người dân đảo Jeju của Hàn Quốc: Không căn cứ hải quân

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "Jeju: “Island of Peace” in the Crosshairs of War" của nhà hoạt động hòa bình Mica Cloughley về phong trào của người dân đảo Jeju, Hàn Quốc phản đối việc xây dựng căn cứ hải quân trên đảo. Tiêu đề do người dịch đặt.

Jeju: “Hòn đảo Hòa Bình” trong tầm ngắm của chiến tranh

Một số người có thể ngạc nhiên, làm sao mà một tỉnh nhỏ của Hàn Quốc được gọi là “Hòn đảo Hòa Bình” lại có tỷ lệ tội phạm cao nhất Hàn Quốc? Dân số đảo Jeju vào khoảng 500.000 người, và cho tới nay thì cộng đồng trên đảo vẫn đặc trưng bởi sự bình yên. Seoul, trái lại, có dân số 10 triệu người, lớn hơn 20 lần. Câu trả lời nằm ở định nghĩa về tội phạm. Cuộc đấu tranh kéo dài 8 năm chống lại việc xây dựng căn cứ hải quân khổng lồ đã bị nhà cầm quyền Hàn Quốc đàn áp với sự xâm phạm nhân quyền trắng trợn, trong đó có việc áp dụng bất thường luật lệ dẫn đến hơn 600 người bị bắt giam và hơn 400 người bị buộc tội liên quan đến các hoạt động phi bạo lực ở cửa ngõ đảo Jeju, địa điểm xây dựng căn cứ hải quân Hàn Quốc. Do đó “tội phạm” lên đến mức ấy. Các vi phạm từ đi bộ ẩu tới “cản trở công việc”, loại thứ hai mới đây được áp dụng cho một nữ tu già, Sơ Stella Soh, về việc ngồi trước cửa của căn cứ hải quân, chặn lối vào của xe tải. Điều này có nghĩa là lần đầu tiên trong 200 năm lịch sử Thiên Chúa Giáo Hàn Quốc, một nữ tu bị truy tố về tội hình sự.

Nhưng những cư dân đảo chống chủ nghĩa đế quốc cản trở công việc của ai khi họ từ chối căn cứ hải quân? Căn cứ hải quân trên đảo Jeju có vẻ là dành cho quân đội Hàn Quốc, nhưng có thể hiểu rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ sử dụng căn cứ. Đó là viên ngọc trên vương miện “xoay trục sang Châu Á” của tổng thống Obama, thứ thực sự tạo thành một vòng cung các căn cứ hải quân và quân sự bao quanh Trung Quốc. Căn cứ hải quân trên đảo Jeju cũng là công việc kinh doanh mạo hiểm đầy lợi nhuận đối với Samsung. Quả thực vậy, cũng chính là Samsung sản xuất điện thoại di động, chính họ đang xây dựng căn cứ quân sự lớn nhất khu vực lòng chảo Thái Bình Dương. Trong quá trình xây dựng, Samsung trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế và gây tổn hại cho môi trường dễ tổn thương của hòn đảo, cũng như địa điểm Di Sản Thế Giới của UNESCO. Công ty này đã đánh mìn, đúng theo nghĩa đen, một phần đảo mà người dân bản địa đã tôn kính nhiều thế kỷ. Đó là nơi linh thiêng nhất trên hòn đảo của họ.

Hải quân Hàn Quốc dự tính căn cứ sẽ được hoàn thành vào tháng 12 năm 2015. Bản thiết kế mô tả một căn cứ hải quân rộng 50 ha sẽ chứa 7.000 lính, tối đa 24 tàu chiến, trong đó có hai tàu khu trục hộ vệ, 6 tàu ngầm hạt nhân. Cần biết rằng mỗi tàu khu trục có một động cơ lên đến 100.000 mã lực, khó có thể tưởng tượng rằng căn cứ sẽ an toàn đối với một môi trường nhạy cảm về sinh thái. 7.000 lính thủy sẽ cập bến ở Gangjeong, một ngôi làng với dân số khoảng 2.000 người. Dân làng biết rằng dự án này có nguy cơ xóa sổ toàn bộ cộng đồng của họ.

Nếu họ xây nó, căn cứ hải quân sẽ phá hủy nhiều phần sinh quyển độc đáo của đảo Jeju. Vùng biển quanh đảo được luật pháp quốc tế bảo vệ bởi vì chúng nằm trong phạm vi Bảo Tồn Sinh Quyển của UNESCO. Chỉ còn ít hơn 120 cá heo mũi chai sống trong vùng biển quanh đảo. Rừng san hô mềm lớn nhất thế giới, ngoài khơi của làng Gangejong, đã bắt đầu chết từ khi việc xây dựng được khởi công vào năm 2011. Samsung đã phá vỡ hàng sa số các luật môi trường để cấp tốc xây dựng căn cứ quân sự. 

Do đó, các nhà hoạt động hòa bình của đảo Jeju đã công khai kêu gọi mọi người trên thế giới tự nguyện tới và sống trong làng của họ, trực tiếp chứng kiến cuộc đấu tranh. Tôi đáp ứng lời kêu gọi ấy, đi tới làng Gangjeong, đảo Jeju. Tôi biết rằng mình tới đó để giương cao lá cờ màu vàng trên vỉa hè, kêu lên: “Không căn cứ hải quân!” Do các nhà hoạt động bị chính quyền giám sát thường xuyên và nhiều người ủng hộ quốc tế của cuộc đấu tranh chống căn cứ hải quân đã bị từ chối nhập cảnh vào Hàn Quốc, tôi được dặn là không thông báo với bất cứ ai trong làng khi tôi tới nơi. Lúc tôi ngó vào Trung Tâm Hòa Bình, hy vọng có ai đó sẽ giúp đỡ khi tôi nói mình là tình nguyện viên đến từ tổ chức bất bạo động phi chính phủ Peaceworkers ở San Francisco và dự định sẽ ở lại 6 tuần. 

Một người phụ nữ tên là Silver chỉ cho tôi thấy quanh làng trong buổi tối đầu tiên. Lúc chúng tôi ngồi trong nhà hàng miễn phí cho các nhà hoạt động, một cơn gió mạnh thổi vào phòng, làm cốc chén xoong chảo trên quầy va vào nhau

“Tôi nghe nói đảo Jeju nổi tiếng về gió.” Tôi nói với Silver

“Phải,” Silver cười, “Đảo Jeju nổi tiếng về ba thứ: gió, đá và phụ nữ.”

“Sau khi gió thổi, mọi người nghĩ đó là bão to. Chúng tôi thường có bão hàng năm vào giữa tháng 7 và tháng 10, nhưng năm nay chúng tôi vẫn chưa có bão, nên mọi người đang cầu nguyện nó đến ngay.”

Bối rối, tôi hỏi, “bão không phải nguy hiểm sao? Chị có phải sơ tán không?”

“Có, bão rất tệ đối với nông dân trồng quýt,” Silver trả lời, “Chúng phá hủy hết mùa màng và gây ra rất nhiều thiệt hại. Nhưng cơn bão năm ngoái cũng gây thiệt hại tồi tệ cho căn cứ hải quân, thế nên giờ ngay cả nông dân cũng cầu bão.”

Tôi sẽ sớm được biết những người cầu bão trở thành biểu tượng của phong trào phi quân sự hóa đảo Jeju ra sao. Với cuộc đấu tranh kéo dài hơn 8 năm chống lại việc xây dựng căn cứ hải quân tại vùng biển nguyên thủy của làng Gangjeong, các nhà hoạt động đồng hành cùng với một lực lượng đủ sức mạnh để ngăn chặn sự phá hủy đó. 

Dù cho 94% cử tri làng Gangjeong bỏ phiếu chống lại căn cứ quân sự, chính quyền Hàn Quốc không công nhận cuộc trưng cầu dân ý đó. Khi thảo luận về việc xây dựng một căn cứ hải quân trên đảo Jeju khởi công 12 năm trước đây, hải quân Hàn Quốc đầu tiên đã tiếp cận làng Hwansun, phía đông của Gangjeong. Nhưng khi tuân thủ mọi quy tắc và luật lệ để tổ chức một cuộc bầu chọn hợp pháp, kết quả chống lại dự án. Nhiều sự đóng góp thuộc về Haenyeo, những nữ thợ lặn của đảo Jeju. Những phụ nữ Haenyeo đã lặn nhiều thế kỷ ở vùng biển Đông Trung Hoa quanh đảo, thu gom cá nhỏ và sò. Buôn bán các sản vật của họ tiếp sức cho kinh tế của đảo Jeju. Jeju là đảo mẫu quyền, với Haenyeo là các lãnh đạo cộng đồng nhiệt huyết. Haenyeo là một lực lượng mạnh mẽ được ghi vào luật lệ trong sách của đảo Jeju rằng đàn ông bị cấm nhìn họ khi họ làm việc trên biển.

Thế nên khi Hải Quân Hàn Quốc tiếp cận làng Hwansun vào năm 2002, Haenyeo ngay lập tức thấy thật điên rồ nếu chấp nhận dự án. Điều đó làm ô nhiễm “cánh đồng biển” của họ, nơi họ “thu hoạch mùa màng” là bào ngư và tảo bẹ. Haenyeo thống nhất với những người khác trong làng để phủ quyết dự án của hải quân. Khi tiếp cận làng thứ hai vào năm 2005, Wimi, ở phía tây của Gangjeong, kết quả cũng tương tự: không căn cứ hải quân.

Sau đó hải quân đến Gangjeong, họ tiếp cận theo cách khác, phá vỡ quy định của tất cả các làng để thúc đẩy bằng một cuộc bỏ phiếu phi pháp. Thay vì tổ chức một diễn đàn cho toàn bộ làng, hải quân phỉnh phờ riêng rẽ một nhóm nhỏ các dân làng chủ chốt, trong đó có trưởng làng, chủ tịch Hiệp Hội Ngư Nghiệp Gangjeon, và những nữ thợ lăn Haenyeo có ảnh hưởng nhất. Những người này được cung cấp chuyến đi miễn phí đến Hawaii để thấy căn cứ của Hải Quân Hoa Kỳ đã bất ngờ gia tăng du lịch và tạo ra bùng nổ kinh tế. Thượng lưu Gangjeong được nghe rằng hải quân muốn biến đảo Jeju thành “Hawaii của Hàn Quốc”.

Trong thời gian đó hải quân đã gửi cho Hiệp Hội Ngư Nghiệp Gangjeong 7,8 triệu dollar để “bù đắp thiệt hại”, những Haenyeo được lựa chọn đã chia nhau khoản tiền đó. Tới lúc tổ chức bỏ phiếu, chỉ có 87 người dân tham gia, chiến thuật của chính quyền Hàn Quốc đã có hiệu quả, kết quả bỏ phiếu chấp nhận căn cứ. 1.800 người dân còn lại của làng Gangjeong hoàn toàn không biết gì về điều này cho tới khi bản tin tối thông báo rằng họ nhất trí ủng hộ căn cứ quân sự. Sau khi cú sốc qua đi, một cuộc bỏ phiếu toàn làng hợp pháp được tổ chức, trong đó 94% người dân chống lại căn cứ quân sự, Hải Quân Hàn Quốc đã chuyển giao dự án trị giá 1 tỷ dollar cho Samsung.

Lập luận phổ biến về ưu thế hải quân là căn cứ sẽ cung cấp an ninh sống còn cho Jeju. Nhưng lịch sử lại cho thấy điều khác. Bất cứ khi nào lực lượng quân sự chủ chốt hiện diện trên đảo, chúng dẫn đến chết chóc, di cư, và phá hủy dân cư địa phương. Còn sự thật nào hơn cuộc thảm sát diễn ra sau cuộc nổi dậy nhỏ của nông dân vào ngày 13 tháng 4 năm 1948 chống lại lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ? Ngay sau khi đánh bại lực lượng xâm lược Nhật Bản trên đảo Jeju, Hoa Kỳ khởi động một cuộc bầu cử trên đảo Jeju để chia Triều Tiên thành hai miền Nam và Bắc. Khi các địa phương phản đối một Triều Tiên bị phân chia, họ đã tổ chức một cuộc nổi dậy nhỏ chống lại cuộc bầu cử đó. Hoa Kỳ và chính quyền Hàn Quốc đã nhanh chóng gọi các cư dân đảo Jeju là cộng sản, điều này biện minh cho chiến dịch tàn phá sau đó của họ.

Dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ, chính quyền địa phương trên đảo Jeju tiến hành một cuộc tấn công tàn bạo khiến khoảng từ 30.000 đến 80.000 người chết. (Ước lượng khác nhau do xác chết được chôn trong các ngôi mộ tập thể khắp trên đảo.) Đại đa số người dân bị thảm sát trong thời kỳ 1945-1954 là thường dân trên đảo, không phải cộng sản. Dư chấn của sự kiện đó giải thích tại sao có nhiều hơn những người dân đảo không nổi dậy công khai giờ đây cũng chống lại việc xây dựng căn cứ quân sự. Đại đa số người dân đảo Jeju biết rằng căn cứ này được xây dựng không phải để bảo vệ họ mà là để leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Dĩ nhiên là căn cứ sẽ đảm bảo an ninh đường biển cho các tập đoàn nhiều tài nguyên của Hàn Quốc, trong đó Samsung.

Nhiều tổ chức tôn giáo trên đảo Jeju đã phản đối xây dựng căn cứ hải quân bằng cách tổ chức các buổi lễ trước cửa, chặn đường vào căn cứ của xe tải chở xi măng, thép và các vật liệu khác. Hàng ngày trong hơn 3 năm, các mục sư Thiên Chúa Giáo đã tổ chức đám đông trước cửa căn cứ, theo mệnh lệnh của giám mục đảo Jeju, giám mục Peter Kang U-Il. Tất cả các cuộc biểu tình của Thiên Chúa Giáo diễn ra dưới sự cầu nguyện của ông. Hàng ngày, trừ chủ nhật, các nhà hoạt động khác cúi mình 100 lần đối mặt với cánh cửa, cầu nguyện chấm dứt xây dựng, và thức tỉnh rằng tất cả cuộc sống là phụ thuộc lẫn nhau.

Căn cứ hải quân đã chặn hoàn toàn lối đi chung tới Đá Gureombi, nơi các buổi lễ tôn giáo được tổ chức hàng trăm năm nay. Đá Gureombi là nơi linh thiêng nhất trong làng và người dân Gangjeong tin rằng đá đang sống. Như nhà hoạt động, cựu phê bình điện ảnh, Yang Yoon Mo giải thích điều này: “Đó là nơi duy nhất trên đảo mà đá thân thiện với người dân.”

Yang Yoon Mo đấu tranh cho khu bảo tồn với thân thể của ông, bám vào dưới các xe tải xây dựng và nằm trên đường đi của chúng. Nhà cầm quyền Hàn Quốc đã bỏ tù ông 4 lần, vào năm 2010, 2011, 2012 và mới đây nhất là năm 2013 khi ông phải ngồi tù 18 tháng vì các hành động bất tuân dân sự. Trong ba lần ngồi tù ông đã thực hiện các cuộc tuyệt thực dài. Cuộc tuyệt thực dài nhất vào năm 2011 khi ông gần như đã chết sau cuộc tuyệt thực tổng cộng 74 ngày.

Người dân Gangjeong có nhận thức sâu sắc rằng cuộc sống trên trái đất không được cấu tạo từ các số phận cá biệt, mà tất cả chúng có liên hệ qua lại với nhau. Tình trạng của người này được ràng buộc chặt chẽ với tình trạng của người khác. 

Trong tuần thứ ba ở làng, tôi chứng kiến một mục sư già, Cha Mun, đứng lại sau khi kết thúc buổi lễ hàng ngày và tiếp tục một mình chặn cửa. Viên chức cảnh sát vẫn ra tín hiệu hướng dẫn giao thông cho xe tải đi vào cửa. Một chiếc xe tải kềnh càng với bánh xe cao đến vai tôi tăng tốc đến cửa và Cha Mun, phanh rít lên chỉ một đoạn ngắn trước khi đâm vào ông. Một lúc sau, tôi hỏi Cha Mun rằng ông có cảm thấy sợ khi đứng chặn đường xe tải không. Ông cho tôi thấy một nụ cười vui sướng và nói đơn giản, “không, tôi là Đá Gureombi. Bạn là Đá Gureombi. Nếu tôi để cho hải quân giết Đá Gureombi, họ cũng giết tôi. Họ cũng giết cả bạn.”

Những gì tôi có thể nói là ông ấy không định làm thơ hay diễn ngôn bi kịch. Ông ấy tin một cách chân thành rằng đá linh thiêng là một phần trong thân thể ông ấy, và ông ấy sẽ tiếp tục mạo hiểm cuộc sống để phản đối việc xây dựng trên hòn đảo và văn hóa của ông ấy.

Trong tuần thứ tư ở làng, Jung Sun-Nyeo, người phụ nữ dẫn đầu đoàn cúi mình 100 lần hàng ngày, báo tin cho tôi: “cơn bão đến vào ngày mai.” Bà ngừng lại, tìm kiếm từ tiếng Anh để giải thích thêm. Tôi đoán bà muốn tiếp tục với điều gì đó giống như, “sẽ không có các hoạt động trước cửa ngày mai, hãy ở nhà,” nhưng trái lại bà nói với một nụ cười phấn khởi, “chúng tôi sẽ chào đón cơn bão tối nay với đồ uống. Bạn được chào đón!”

Các nhà hoạt động của đảo Gangjeong hiểu rằng cuộc chiến đấu chống lại dự án căn cứ hải quân lớn nhất ở Đông Á không chỉ là bảo vệ đảo của họ khỏi bị nhấn vào các cuộc xung đột tương lai ở Thái Bình Dương. Như họ hát vào lúc kết thúc buổi lễ hàng ngày: “Gangjeong, bạn là ngôi làng nhỏ nhất/ nhưng hòa bình cho cả thế giới sẽ đến từ bạn.”

Khi chúng ta công nhận mọi nỗ lực chống lại việc xây dựng của họ, chúng ta cũng phải công nhận mọi nỗ lực có tính xây dựng để thúc đẩy hòa bình của họ. Bên cạnh sự nổi tiếng về gió, đá và phụ nữ, đảo Jeju cũng nổi tiếng về ba thứ không: không cánh cửa, không ăn xin, không trộm cắp. Cả ba thứ đó là biểu tượng của truyền thống và di sản cộng đồng của Jeju, nơi mọi người luôn chăm lo cho người khác. Cư dân đảo chia sẻ những gì họ có với người khác nên không có người ăn xin, không cần phải ăn trộm, và không cần cánh cửa. Nhà của họ luôn mở với bất cứ ai cần mái che, và do không có kẻ trộm nên cũng cũng chẳng cần ngăn chặn ai với cánh cửa.

Trong 6 tuần ở Gangjeong, tôi thực sự kinh ngạc về văn hóa hòa bình đang lớn mạnh trong 1.900 người dân làng. Nếu chúng ta cho phép căn cứ hải quân vượt qua làng Gangjeong, nó sẽ không chỉ là 1.900 cuộc sống di cư và một đá núi lửa trên đảo bị nghiền nát để mở đường cho chủ nghĩa quân phiệt Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Mọi người trên trái đất sẽ đánh mất hòn đảo nhỏ của hòa bình, chúng ta không thể để những gì Gangjeong đã dạy chúng ta bị phá hủy. Khi chúng ta cầu bão, hãy để chúng ta chìm trong những con sóng từ khắp nơi của thế giới cùng với nhận thức và hành động của chúng ta. Hãy để hòa bình sống ở Gangjeon và thế giới.

Bạn có thể xem thêm các thông tin về cuộc đấu tranh và các thức tham gia tại SaveJejuNow.org.

Mica Cloughley is the co-founder of Emergency Peace Teams (.org) and Empathy App (.org). She lives in Oakland, CA. Those interested in going to Jeju Island can contact her through the website emergencypeaceteams.org.

No comments:

Post a Comment