Friday, September 22, 2017

Đấu tranh giai cấp là mấu chốt của chiến tranh ở Việt Nam: Một bình luận phê phán về bộ phim tài liệu của Burns và Novick

Vẫn luôn có những người Mỹ nhìn nhận khác về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và họ nhìn nhận thấy bản chất của vấn đề: đấu tranh giai cấp gắn liền với độc lập dân tộc. Điều căn bản này đã bị lảng tránh, sự lảng tránh mang tính ý thức hệ nhưng luôn núp dưới bình phong khách quan và phi ý thức hệ.

Dưới đây là bản dịch bài viết " Ideology as History: a Critical Commentary on Burns and Novick’s “The Vietnam War”của CHUCK O’CONNELL được đăng trên tạp chí Counterpunch.

Hệ tư tưởng đóng vai trò lịch sử: một bình luận phê phán về bộ phim "Chiến Tranh Việt Nam" của Burns và Novick

Sau khi xem tập 1 và 2 trong bộ phim nhiều tập của Burns và Novick về Chiến Tranh Việt Nam, tôi nhớ đến một câu cách ngôn cũ kỹ nói về một điều đáng giá cho sinh viên khoa lịch sử: giai cấp nào kiểm soát tư liệu sản xuất vật chất thì cũng kiểm soát tư liệu sản xuất tinh thần. Kỳ vọng của tôi hạ dần khi nghe người thuyết minh trong khi cuộn xuống danh sách các nhà tài trợ, khó có thể trông đợi bộ phim nhiều tập này thoát khỏi lối tường thuật kiểu chủ nghĩa tự do đã thống trị cuộc tranh luận về Chiến Tranh Việt Nam.

Tường thuật kiểu chủ nghĩa tự do là gì? Đó là một tập hợp các khẳng định gắn chặt với nhau: Việt Nam chống lại Pháp và sau đó Hoa Kỳ bị khát vọng độc lập quốc gia lôi kéo, ngụy quyền Sài Gòn ở miền Nam là một chính phủ hợp pháp, sự nổi loạn của Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc chống lại chính quyền được Hoa Kỳ ủng hộ là do chính quyền cộng sản Hà Nội ở miền Bắc chỉ đạo, xung đột quân sự ở Việt Nam là một cuộc nội chiến, một loạt sai lầm của các lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ đã dẫn đến việc quân đội Hoa Kỳ tham gia để hỗ trợ miền Nam. Đó là lối tường thuật nghe có vẻ có lý vì nó đã được lặp đi lặp lại suốt hơn năm mươi năm.

Khi nghiên cứu lịch sử một cách khoa học hơn thì một tường thuật chính xác hơn đã được đưa ra: Thứ nhất, bên cạnh sự quan trọng của chủ nghĩa quốc gia đối với xã hội Việt Nam, một yếu tố quan trọng của cuộc chiến tranh là mục tiêu của cuộc cải cách ruộng đất mà những người cộng sản hứa hẹn với nông dân, chiếm đại đa số dân chúng. Xung đột quân sự là một phần của cuộc cách mạng xã hội chống lại giai cấp địa chủ và những kẻ hỗ trợ ngoại bang của họ. Thứ hai, ngụy quyền Sài Gòn, xuất hiện sau khi Pháp thất bại trong việc tái chiếm Việt Nam, là sản phẩm của Hoa Kỳ, được Hoa Kỳ tài trợ và tổ chức quân đội để ném vào cuộc chiến chống lại lực lượng cách mạng Việt Nam. Khi quân đội Nam Việt Nam được thế lục ngoại quốc tài trợ và huấn luyện để phục vụ cho sự thống trị ở quốc gia này thì quân đội đó không chiến đấu trong một cuộc nội chiến – đó là chiến tranh phản cách mạng và là quân đội tay sai. Thứ ba, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam là một lực lượng chính trị độc lập xuất hiện sau khi chính quyền Hà Nội không tiến hành cuộc chiến chống lại chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Lực lượng chủ chốt trong Mặt Trận là những người cộng sản, do vậy có mối liên hệ với Hà Nội và được miền Bắc hỗ trợ trong nỗ lực nổi dậy. Thứ tư, sự tham chiến của Hoa Kỳ không phải là kết quả của những sai lầm nối tiếp nhau, trái lại là kết quả của sự lừa dối và khiêu khích có hệ thống mà chính quyền Hoa Kỳ từ thời Harry Truman cho đến Richard Nixon đã thực hiện để phục vụ cho tham vọng kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản hiện đại ở Đông Nam Á. Tôi sẽ làm rõ những luận điểm này.

Vấn đề đất đai – Đấu tranh giai cấp ở Việt Nam


Trong tác phẩm phân tích về thảm kịch chiến tranh Việt Nam, Anatomy of a War, Gabriel Kolko khẳng định rằng yếu tố cốt yếu trong sự ủng hộ của nông dân đối với phong trào cộng sản là vấn đề ruộng đất. Câu hỏi đơn giản là ai sẽ kiểm soát đất đai – địa chủ hay nông dân, kẻ bóc lột hay người bị bóc lột? Người cộng sản nói nông dân bị bóc lột sẽ kiểm soát đất đai bởi vì đó là cách duy nhất giải phóng họ khỏi những kẻ bóc lột. “Ruộng đất cho người cày” là khẩu hiệu cách mạng của họ. Kolko khẳng định rằng không thể hiểu được chiến tranh nếu không hiểu rõ động lực này, động lực của đấu tranh giai cấp, điều này đã bị bỏ qua trong hai tập đầu của bộ phim và có vẻ như sẽ tiếp tục như vậy trong cả bộ phim. Đây là lối tường thuật lịch sử điển hình kiểu chủ nghĩa tự do; ưu ái các phân tích dựa trên chủ nghĩa quốc gia để loại bỏ các phân tích dựa trên đấu tranh giai cấp. Mặc dù vậy, do kẻ thù là cộng sản nên quan điểm của họ cần phải được xem xét nếu bạn muốn thấu hiểu chiến lược và chiến thuật cũng như khả năng thu hút sự ủng hộ sâu rộng của đại đa số dân chúng – nông dân. Hãy để tôi nói vấn đề theo cách khác, hãy suy nghĩ về điều này: làm sao mà một đất nước kém phát triển với đại đa số là nông dân đã đánh bại cường quốc kinh tế và quân sự hùng mạnh nhất thế giới với dân số đông gấp năm lần, cường quốc này đã triển khai hơn 500.000 bính lính của họ cùng một triệu quân đồng minh (chủ yếu là quân đội miền Nam Việt Nam), kiểm soát hoàn toàn không phận và hải phận, rải 19 triệu gallon chất khai quang ở miền Nam Việt Nam và sử dụng 7,5 triệu tấn bom trong đó có 400.000 tấn bom cháy? Như James William Gibson đã chỉ ra trong cuốn sách The Perfect War: Technowar in Vietnam (1988, p. 9), đỉnh điểm của việc triển khai quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam vào năm 1969, “40% các sư đoàn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu của Hoa Kỳ, hơn một nửa các sư đoàn hải quân, 1/3 lực lượng thủy quân, một nửa máy bay chiến đấu và khoảng từ ¼ đến ½ tổng số máy bay B52 của Bộ Tư Lệnh Không Quân Chiến Lược USAF” đã tham chiến. Hoa Kỳ kiểm soát không phận và hải phận, sử dụng hết các khu vực an toàn và tập kết (Thái Lan, Philippine, Guam), ném bom bốn nước (Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam, Lào và Campuchia), xâm lược hai nước (Nam Việt Nam, Campuchia). Trái lại, phe đối lập cộng sản chiến đấu ở miền Nam không có cả không quân lẫn hải quân hay các khu vực an toàn và tập kết. Họ sống trong rừng rậm và dưới hệ thống hầm ngầm, mạng lưới cung cấp chính của họ (“Đường mòn Hồ Chí Minh”) thường xuyên bị Hoa Kỳ ném bom. Nếu có quân đội nào phải chiến đấu với “một cánh tay bị trói phía sau lưng” thì đó chính là quân đội cộng sản Việt Nam.

Để hiểu được chiến thắng của cộng sản Việt Nam, chúng ta cần phải nhớ tới câu cách ngôn rằng chiến tranh là chính trị với phương tiện khác và đối với những người cộng sản bị áp đảo về vũ khí thì chiến lược quân sự duy nhất là chiến tranh nhân dân mà “chính trị là tiên quyết”.

Sự thể hiện về đạo đức của lực lượng chiến đấu đã chứng minh điều cốt yếu của đấu tranh quân sự. Người cộng sản giành được sự ủng hộ của đại đa số nông dân với học thuyết hai cuộc cách mạng song song. Lý tưởng của họ là: Việt Nam có hai vấn đề gắn chặt với nhau: Thứ nhất là người dân bị ngoại quốc bóc lột, thứ hai là cấu trúc giai cấp đã giúp cho các địa chủ bản địa bóc lột nông dân. Địa chủ không thể bị lật đổ nếu đế quốc ủng hộ họ không bị đánh bại. Mặc dù vậy, đánh bại đế quốc thực dân mà không lật đổ quyền lực của địa chủ Việt Nam thì chỉ là thay đổi khuôn mặt của kẻ áp bức nắm giữ quyền lực nhà nước. Do đó, hai cuộc cách mạng đồng thời phải diễn ra – một cuộc nổi dậy chống lại sự thống trị của đế quốc và một cuộc đấu tranh giai cấp chống lại giai cấp địa chủ. Cuộc đấu tranh giai cấp hứa hẹn sự giải phóng (“ruộng đất cho người cày”) đã thúc đẩy nông dân tham gia vào cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân.

Chế độ thực dân Pháp và đấu tranh giai cấp


Khi xem phim của Burns và Novick, bạn sẽ không thực sự hiểu được hiện thực của chế độ thực dân Pháp. Bằng các luật lệ thực dân, Pháp chuyển kinh tế từ tự cấp tự túc sang xuất khẩu vào thị trường thế giới, chuyển của cải của nông dân vào túi giai cấp địa chủ-đầu tư thông qua địa tô, rất cao đối với tá điền, khoảng 40-60% thu hoạch kỳ vọng, cho nông dân nghèo vay với lãi suất 50-70% và đánh thuế người Việt Nam để chi trả cho việc khai thác thuộc địa. Sau nhiều thập kỷ, người Pháp sở hữu hầu hết của cải ở Việt Nam. Nhà báo Hoa Kỳ Robert Shaplen đã viết trong cuốn sách The Lost Revolution: The U.S. in Vietnam, 1946-1966 (1966, p.80): Trên thực tế, người Pháp sở hữu mọi của cải thực của Đông Dương và khoản đầu tư của họ là gần hai tỷ dollar; họ sở hữu mọi đồn điền cao su, vốn vẫn hoạt động ngay cả trong chiến tranh – như chúng vẫn hoạt động hiện nay, vào năm 1965 – và họ sở hữu 2/3 sản lượng gạo, tất cả các mỏ, tất cả tàu thuyền, gần như toàn bộ công nghiệp và ngân hàng.”

Chế độ thực dân Pháp có nghĩa gì đối với người Việt Nam? Điều đó có nghĩa là nông dân không ruộng đất, một giai cấp công nhân nhỏ bị bóc lột tàn tệ và một giai cấp tay sai bản địa. Thông qua việc cấp đất và nhượng quyền, người Pháp đã phân bổ lại ruộng lúa, vào cuối những năm 1930, dưới 2% dân số miền Nam sở hữu hơn 80% đất đai và 60% cư dân nông thôn ở miền Nam không có ruộng đất. Khi Thế Chiến Thứ Hai bắt đầu (1939), đa số nông dân rất nghèo. Công nhân Việt Nam được tuyển mộ từ nông dân vào khoảng 221.000 vào năm 1931. Điều kiện làm việc của các công nhân này tại các công ty Pháp rất tồi tệ: khoảng 30% công nhân xây dựng đường sắt từ Hà Nội đến biên giới Trung Quốc đã chết khi làm việc và rất nhiều công nhân Việt Nam làm việc trong các đồn điền của hãng Michelin chết vì làm việc quá sức hay sốt rét, công nhân Việt Nam gọi mình là “phân bón cho cây cao su”. Những người Việt Nam hợp tác với Pháp và được hưởng lợi từ sự hợp tác đó là doanh nhân thành thị, địa chủ ở nông thôn, trí thức và các viên chức hành chính trong chính quyền thuộc địa. Họ tạo thành cơ sở xã hội cho lực lượng chống cộng sản trong các cuộc chiến tranh với Pháp và Hoa Kỳ.

Việc bỏ qua đấu tranh giai cấp và sự đóng góp đạo đức tập thể mà những người nông dân đòi hỏi dĩ nhiên là sai lầm nghiêm trọng của bộ phim về Chiến Tranh Việt Nam.

Điều đó đã bị bỏ qua trong tập 1 về chế độ thực dân Pháp và tiếp tục bị bỏ qua trong phần tường thuật về chế độ chống cộng sản Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Do không hiểu rõ cuộc đấu tranh cách mạng dựa trên giai cấp nên lối tường thuật mặc định là nói về chủ nghĩa quốc gia và nhiệm vụ giải phóng người Việt Nam khỏi đế quốc nước ngoài.

Ngụy quyền Sài Gòn – một sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc


Một sự lảng tránh nghiêm trọng khác cũng xuất hiện trong tập 1 và tập 2 – đã che dấu hiện tượng không được nhìn nhận trong bộ phim của Burns và Novicks: chủ nghĩa đế quốc. Chính Chiến Tranh Việt Nam đã khơi lại cuộc tranh luận chính trị về khái niệm chủ nghĩa đế quốc, với vai trò là yếu tố chủ chốt giải thích cho chính sách đối ngoại của các quốc gia tư bản phát triển. Quan điểm nhìn nhận việc Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam là để duy trì nguồn tài nguyên và lao động giá rẻ của Đông Nam Á cho tái thiết công nghiệp hậu chiến ở nước Nhật Bản tư bản và duy trì trật tự quốc tế: không quốc gia nhỏ nào được phép thoát khỏi sự kiểm soát của các nước tư bản phát triển hùng mạnh. Nếu họ thử thì họ phải trả giá rất đắt.

Burns và Novick làm cho tham nhũng, bất lương, ngu dốt và ngạo mạn dễ thấy nhưng chủ nghĩa đế quốc thì khó thấy. Một điểm thất bại nữa là họ đã không tường thuật về nguồn gốc của Diệm, vốn được Hoa Kỳ dựng lên ở miền Nam để đồng thời chống lại cả cộng sản lẫn Pháp. Chính Hoa Kỳ đã buộc vua Bảo Đại chỉ định Diệm làm thủ tướng ở miền Nam vào năm 1954, sau khi Hiệp Định Geneva kết thúc cuộc chiến của Pháp được ký kết. Chính là Hoa Kỳ đã thúc đẩy Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý gian lận vào năm 1955 để ông ta thay thế Bảo Đại nắm chính quyền. Cả Burns cũng như Novick đều không chỉ ra rằng trước khi Ngô Đình Diệm từ Hoa Kỳ đến Sài Gòn vào ngày 25/6/1954 thì CIA đã dọn đường, đại tá Edward Lansdale, đã đến Sài Gòn trước đó ba tuần vào ngày 1/6/1954. Lansdale được bổ nhiệm vào Ủy Ban Quân Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn với hai mục tiêu. Thứ nhất, thiết lập một chính quyền thân Hoa Kỳ ở miền Nam với Diệm là người nắm quyền, thứ hai, ông ta tiến hành các chiến dịch bí mật gây ra sự bất ổn và rối loạn để chống lại chính quyền miền Bắc. Hãy lưu ý rằng Lansdale đến Sài Gòn không chỉ trước Diệm mà còn trước cả khi Hiệp Định Geneva được ký kết. Hãy lưu ý rằng Burns và Novick đã không đề cập đến việc Hoa Kỳ từ chối ký vào hiệp định quốc tế kết thúc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất để không bị ràng buộc. Hay nói cách khác, Hoa Kỳ đã bắt đầu quá trình phá vỡ Hiệp Định Geneva ngay khi nó đang được đàm phán.

Burns và Novick đã không chỉ không truyền tải nguồn gốc của chế độ Diệm, một bộ máy của Hoa Kỳ để củng cố quyền lực của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam, mà họ còn không truyền tải sự tàn bạo và tính chất độc tài cũng như cơ sở giai cấp của chế độ đó – tính chất và cơ sở đã tạo ra một cuộc nổi dậy, một cuộc nổi dậy đã khiến Hoa Kỳ phải đổ một lực lượng quân sự khổng lồ vào để bảo vệ chế độ Sài Gòn. Ngô Đình Diệm và em trai ông ta, cố vấn chủ chốt, Ngô Đình Nhu, đã thành lập và kiểm soát đảng chính trị hợp pháp duy nhất ở miền Nam: Đảng Cần Lao. Thông qua đó, hai anh em họ kiểm soát cảnh sát, sĩ quan quân đội và viên chức hành chính. Hoa Kỳ huấn luyện cảnh sát và quân đội Nam Việt Nam theo các phương pháp đàn áp được sử dụng với những ai chống lại chế độ tay sai của Hoa Kỳ. Việc huấn luyện cảnh sát Nam Việt Nam được thực hiện ở Đại Học Bang Michigan để che dấu sự tài trợ của CIA.

Một sự bỏ sót khác của Burns và Novick là không đề cập đến việc di cư khoảng 1 triệu người từ Bắc vào Nam từ năm 1954 đến 1955, nguyên nhân của sự kiện này không chỉ là nỗi sợ hãi cộng sản mà còn là chiến tranh tâm lý của CIA thực hiện, Chiến Dịch Hành Trình Tới Tự Do được thực hiện để đe dọa những người Thiên Chúa Giáo chống cộng sản và khiến họ di cư vào Nam để tạo ra cơ sở xã hội cho chế độ Ngô Đình Diệm, tay sai của Hoa Kỳ.

Ngô Đình Diệm, nhà cầm quyền tay sai của Hoa Kỳ ở miền Nam, mắc phải 3 sai lầm khiến chế độ của ông ta bị căm ghét. Thứ nhất, ông ta từ chối tuân thủ yêu cầu tổng tuyển cử thống nhất vào năm 1956 của Hiệp Định Geneva với lý do ông ta không ký Hiệp Định nên ông ta không buộc phải tuân thủ. Hoa Kỳ đã khuyến khích ông ta từ chối. Thứ hai, Diệm khởi sự một chương trình cải cách ruộng đất nhằm tước ruộng đất của những nông dân đã chiếm đất dưới sự hỗ trợ của Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. Quân đội của Diệm trục xuất nông dân ra khỏi đất đai và trả chúng cho các địa chủ, địa chủ đòi nông dân phải nộp tô cho cả những năm đất đai bị chiếm. Cuối cùng, khi biết rằng nhiều cựu Việt Minh sống ở miền Nam Việt Nam, vào năm 1955, Diệm bắt đầu làn sóng đàn áp họ. Khoảng 12.000 người bị bắt giữ và xử tử, khoảng 50.000 người bị tống giam. Diệm theo đuổi chiến dịch thanh trừng chính trị bằng cách cố gắng kiểm soát khu vực nông thôn. Ông ta giải tán các hội đồng làng (phá hủy nền dân chủ truyền thống của làng xã) và bổ nhiệm những người trung thành với ông ta làm “trưởng làng”; cảnh sát tiến hành các chiến dịch lục soát, đột kích, bắt giam, thẩm vấn, tra tấn, trục xuất, di cư cưỡng bức, bỏ tù và xử tử. Vào tháng 5 năm 1959, Diệm thông qua Luật 10/59 cho phép bắt giữ, xét xử và xử tử bất cứ ai bị cáo buộc (tình nghi) phá hoại an ninh quốc gia trong vòng 3 ngày. Các chính sách đàn áp đã khiến cho cựu Việt Minh (cùng với một số dư đảng của đạo Cao Đài và Hòa Hảo cũng như băng nhóm Bình Xuyên) trốn vào khu vực đồng bằng Châu Thổ Sông Mekong và tự tổ chức thành lực lượng tự vệ vào năm 1958.

Vào tháng 12 năm 1960, họ thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, hay còn được gọi là NLF. Diệm và Hoa Kỳ gọi nhóm hỗn hợp này là “Việt Cộng”.

Trong tập 2, khi Burns và Novick sự bất mãn đối với Diệm bằng cuộc khủng hoảng đạo Phật, họ đã bỏ qua việc Diệm đàn áp nông dân và cựu binh Việt Minh vào những năm 1950 cũng như việc ông ta ủng hộ giai cấp địa chủ. Một lần nữa, xung đột giai cấp biến mất trong câu chuyện của họ.

Những lãng quên khác – Sự xâm lược được Hoa Kỳ hậu thuẫn để chống lại chính quyền Hà Nội


Ngay từ năm 1954, Hoa Kỳ đã vi phạm các điều khoản của Hiệp Định Geneva về việc cấm sự can thiệp quân sự của nước ngoài ở Việt Nam, bằng cách thực hiện các hoạt động xâm lược chống lại chính quyền Hà Nội. Hoa Kỳ tổ chức một nhóm bán quân sự (được gọi là “Binh”) trực thuộc Ủy Ban Quân Sự Sài Gòn dưới quyền đại tá Edward Lansdale và trợ lý Lucien Conein, để làm bẩn nguồn cung cấp dầu của công ty xe bus Hà Nội, nhằm mục đích phá hỏng động cơ của xe bus, phá hoại đường sắt ở Bắc Việt Nam và đánh dấu mục tiêu cho hoạt động phá hoại tương lai. Các hoạt động này được thực hiện vào tháng 9 và tháng 10 năm 1954.

Vào tháng 2 năm 1956, CIA thành lập và tài trợ cho “Nhóm Quan Sát Thứ Nhất”. Do quân đội Hoa Kỳ trang bị song được CIA điều hành, người miền Nam Việt Nam và 9 chuyên gia bán quân sự được CIA bổ nhiệm vào Sở Chỉ Huy của Nhóm Quan Sát, mục đích của nhóm là tham gia vào các chiến dịch bí mật chống lại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Được Cố Vấn Đặc Nhiệm Quân Sự Hoa Kỳ huấn luyện ở Nha Trang trong 7 năm (1956-1962), nhóm “Quan Sát” bao gồm khoảng 20 nhóm 15 người. Các nhóm này thực hiện các hoạt động bắt cóc, ám sát, phá hoại và thu thập thông tin tình báo ở Bắc Việt Nam (cả Lào và Campuchia), thường xuyên được nhân sự Hoa Kỳ hộ tống. Sau năm 1960, với sự lớn mạnh của lực lượng nổi dậy cộng sản ở miền Nam, Nhóm Quan Sát Thứ Nhất được chuyển sang các hoạt động bí mật chống lại NFL. Vào năm 1963, nhóm được chuyển thành Lực Lượng Biệt Kích Nam Việt Nam.

Để bày tỏ sự tôn kính đối với hành động của tổng thống Kennedy trong Chiến Tranh Việt Nam, Burns và Novick cũng nên chỉ ra rằng vào mùa xuân năm 1961 Kennedy đã phê chuẩn các chiến dịch bí mật chống lại Bắc Việt Nam bằng cách gửi các đội Nam Việt Nam vượt qua vĩ tuyến 17 để tấn công đồng thới các mục tiêu quân sự và dân sự. Ông ta cũng cho phép CIA tiến hành một cuộc chiến tranh bí mật ở Lào bằng cách vũ trang cho khoảng 9.000 người Hmong để tấn công đường mòn Hồ Chí Minh. Cuối cùng, chính là dưới thời Kennedy, vào năm 1961, Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc chiến sinh hóa kéo dài một thập kỷ, rải 19 triệu gallon chất độc (chủ yếu là chất độc màu da cam với dioxin) xuống miền Nam Việt Nam. Ban đầu chiến dịch này có tên là “Chiến Dịch Diêm Vương” sau đó được đổi tên thành “Chiến Dịch Bàn Tay Mục Phu”. Dị tật bẩm sinh vẫn tiếp tục cho đến ngày nay ở Việt Nam và là một trong những di sản chiến tranh của Hoa Kỳ.

Bằng cách xóa bỏ các sự kiện đó khỏi câu chuyện, Burns và Novick tránh phải đối mặt với vấn đề chủ nghĩa đế quốc – khái niệm mà chính sách đối ngoại Hoa Kỳ đã đóng góp vào việc bóc lột nông dân và công nhân khắp thế giới, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đã ở phía sai trái của đấu tranh giai cấp. Không có khái niệm về xung đột giai cấp và chủ nghĩa đế quốc, Burns và Novick không thể hiểu được cội nguồn của sự chia rẽ chính trị ở Việt Nam. Rất nhiều điểm đáng chú ý có thể nêu ra nhưng bất kể là điều gì, họ cũng sẽ lẩn tránh trong lối tường thuật kiểu chủ nghĩa tự do về thảm kịch xung đột trong một thế giới ngạo mạn và thù địch giữa các quốc gia – một câu chuyện cần thiết để che dấu hiện thực của Chiến Tranh Việt Nam.

Chuck O’Connell là giảng viên xã hội học tại at UCI.


Sources


William J. Duiker, The Communist Road to Power in Vietnam (2ndedition)



John G. Gurley, Challengers to Capitalism (3rd edition)




Gabriel Kolko, Anatomy of a Wa

Mark Atwood Lawrence and Frederik Logevall (editors), The First Vietnam War: Colonial Conflict and Cold War Crisis




More articles by:CHUCK O’CONNELL

4 comments:

  1. Cám ơn HSCL đã dịch bài này. Tra qua trên google thì tác giả bài báo này là một giáo sư xã hội học và được sinh viên đánh giá cao, và trong đó họ cũng nói là ông giáo sư này không khẳng định điều gì về quan điểm chính trị của ông. Đúng là thú vị.

    ReplyDelete
  2. Chi tiết năm 1965 Diệm đàn áp cần sửa lại là 1956

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng là bác HSCL gõ nhầm chút, trong bài báo họ ghi là 1955:

      "Finally, knowing that many former Viet Minh were living in South Vietnam, Diem in 1955 began his first wave of repression against them."

      Delete
  3. Cảm ơn các bạn đã góp ý, tôi đã sửa lại, trong bản gốc là năm 1955.

    ReplyDelete