Sunday, May 24, 2015

Hạt giống tự tử ở Ấn Độ và bài học cho Việt Nam

Monsanto đã quay trở lại Việt Nam, cùng lúc đó TPP với các điều khoản bí mật về thương mại và bản quyền đang được đàm phán. Qua trường hợp của Ấn Độ thì có thể thấy rõ rằng các sản phẩm của những công ty như Monsanton chỉ phù hợp với các nhà sản lớn và họ cần có luật bảo vệ bản quyền chặt chẽ để có thể kinh doanh. Rõ ràng TPP là một hiệp định nhằm bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp lớn, nếu không tính đến các ý đồ chính trị của Hoa Kỳ. Ấn Độ đã phải chứng kiến nạn dịch tự tử của nông dân trồng bông biến đổi gien Bt của Monsanto và những quả bom sinh thái đang chờ nổ, sau những hoạt động theo đuổi lợi nhuận bất chấp luật pháp, khoa học, từ hối lộ đến mua chuộc và lừa dối của Monsanto. Kinh nghiệm của Ấn Độ cũng có thể rất hữu ích đối với Việt Nam trong việc xử lý vấn đề sản phẩm biến đổi gen và bản quyền.


Dưới đây là bản dịch chương 15 "India: The Seeds of Sucide" trong cuốn sách "The World According to Monsanto" của tác giả Marie-Monique Robin, bản tiếng Anh của George Holoch, nhà xuất bản New Press, New York, Hoa Kỳ, phát hành năm 2010.

Ấn Độ: Hạt giống của tự tử


Sản phẩm của chúng tôi đem lại lợi ích ổn định và rõ ràng cho cả các nông trại lớn và nhỏ. Nông dân luôn có thể tạo ra các vụ thu hoạch chất lượng cao hơn và thu nhập tốt hơn.
—Monsanto, Báo cáo cam kết, 2006

Đó là tháng 12 năm 2006, chúng tôi vừa mới tới nơi khi đoàn đưa đám đi vòng qua góc hẻm nằm giữa những bức tường sơn trắng, phá vỡ sự uể oải của một ngôi làng Ấn Độ nhỏ dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Mặc trang phục truyền thống – áo dài trắng bằng vải bông và quần dài – những người đánh trống dẫn đoàn về phía bờ sông, nơi giàn hỏa thiêu đã được sắp sẵn. Ở giữa đoàn đưa tang, một người phụ nữ đang khóc tuyệt vọng, bám vào một thanh niên cường tráng với khuôn mặt  u sầu đang mang chiếc cáng được phủ đầy những bông hoa sặc sỡ. Xúc động, tôi nhìn lướt qua khuôn mặt của người chết: đôi mắt nhắm nghiền, mũi khoằm, ria mép màu nâu. Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng thoáng qua ấy, thứ đã biến những hứa hẹn hào nhoáng của Monsanto thành sự ô nhục.

Ba vụ tự tử một ngày

“Chúng ta có thể quay phim không?” Tôi hỏi, đột nhiên bối rối khi người quay phim hỏi tôi với cái hất đầu. “Dĩ nhiên,” Tarak Kate nói, nhà nông học lãnh đạo của tổ chức phi chính phủ (NGO) chuyên về canh tác hữu cơ này đã đi với tôi xuyên qua khu vực trồng bông ở Vidarbha, tây nam bang Maharashtra của Ấn Độ. “Đó là lý do Kishoir Tiwari đưa chúng ta tới làng này. Ông ấy biết ở đây có lễ tang của một nông dân đã tự tử.”

Kishoi Tiwari là lãnh đạo của tổ chức Vidarbha Jan Andolan Samiti (VJAS), một phong trào nông dân có thành viên là những người bị cảnh sát quấy nhiễu vì họ đã quyết liệt lên án “thảm họa” mà giống bông Bt gây ra cho khu vực nông nghiệp này, chất lượng “vàng trắng” của nó trước đây từng được ca ngợi. Tiwwari gật đầu khi ông nghe thấy câu trả lời của Kate. “Tôi không nói bất cứ điều gì với anh vì lý do an toàn. Người làng thông báo cho chúng tôi bất cứ khi nào nông dân tự tử và tất cả chúng tôi đều tới lễ tang. Hiện giờ có ba vụ tự tử trong một ngày ở khu vực này. Người thanh niên này đã uống một lít thuốc trừ sâu. Đó là cách nông dân tự tử: họ dùng thứ hóa chất mà bông biến đổi gien được cho là sẽ giúp họ tránh phải dùng.” 

Khi đoàn đưa tang đi thẳng đến bờ sông, nơi thi hài nạn nhân trẻ sẽ sớm được hỏa thiêu, một nhóm đàn ông tiến lại gần người quay phim của tôi. Họ tỏ ra nghi ngờ nhưng sự có mặt của Tiwari đã trấn an họ: “Hãy nói với thế giới rằng bông Bt là một điều bất hạnh,” một ông già nói đầy giận dữ. “Đây là vụ tự tử thứ hai trong làng của chúng tôi kể từ đầu vụ thu hoạch. Nó chỉ có thể tệ hơn bởi vì hạt giống biến đổi gien không đem lại gì cả.”

“Họ đã nói dối chúng tôi,” người trưởng làng nói thêm. “Họ nói rằng những hạt giống thần kỳ này sẽ giúp chúng tôi kiếm được tiền, nhưng tất cả chúng tôi đều nợ nần và vụ thu hoạch biến mất. Chúng tôi sẽ ra sao đây?”

Sau đó, chúng tôi thẳng tiến đến làng Bhadumari kế bên, ở đó Tiwari muốn giới thiệu tôi với góa phụ trẻ 25 tuổi có chồng tự tử ba tháng trước đây. “Cô ấy đã trả lời một phóng viên của tờ New York Times,” ông nói với tôi, “và cô ấy sẵn sàng làm lại điều đó. Điều này rất hiếm hoi bởi vì thông thường các gia đình sẽ xấu hổ.”1 Rất trang nghiêm trong chiếc sari màu xanh, người phụ nữ trẻ gặp chúng tôi trong khoảng sân trước căn nhà đất giản dị của cô. Đứa bé nhất trong số hai con trai của cô, một đứa ba tuổi và đứa kia mới mười tháng, đang ngủ trên chiếc võng mà cô dùng tay đu đưa trong khi nói chuyện, cùng lúc bà mẹ chồng đứng cạnh cô lặng lẽ chìa bức ảnh con trai đã chết của bà. Góa phụ nói, “Anh ấy tự tử ở ngay đây. Anh ấy lợi dụng lúc tôi vắng mặt để uống can thuốc trừ sâu. Khi tôi trở về thì anh ấy đã hấp hối. Chúng tôi không thể làm gì cả.”

Khi tôi lắng nghe cô, tôi nhớ đến một bài báo được xuất bản trên tờ International Herald Tribune vào tháng 5 năm 2006, một bác sĩ mô tả sự kinh hoàng của những nạn nhân bị hiến tế cho trường thiên tiểu thuyết biến đổi gien. “Thuốc trừ sâu tác động lên hệ thần kinh – đầu tiên họ bị co giật, sau đó hóa chất làm thủng dạ dày và dạ dày bắt đầu chảy máu, sau đó là suy hô hấp ở phổi – họ đều khó thở - sau đó tim của họ ngừng đập.”2
Anil Kondba Shend, chồng của góa phụ trẻ, mới 35 tuổi và canh tác khoảng 1,4 ha. Vào năm 2006, anh ấy quyết định thử trồng bông Bt của Monsanto, còn được gọi là “Bollgard”, được quảng bá bằng quảng cáo truyền hình của công ty. Trong những quảng cáo đó, cây bông biến đổi gien đã thoát khỏi những con sâu bướm béo mập: “Bollgard bảo vệ bạn! Phun thuốc ít hơn, lợi nhuận cao hơn! Hạt giống bông Bollgard: sức mạnh chế ngự côn trùng!” Người nông dân đã vay tiền để mua hạt giống quý giá, đắt hơn  hạt giống truyền thống bốn lần. Anh ấy phải gieo ba lần, góa phụ nhớ lại, “bởi vì mỗi lần anh ấy gieo hạt thì chúng không chịu được mưa. Tôi nghĩ rằng anh ấy nợ đại lý 60.000 rupees.* Tôi sẽ không bao giờ biết rõ bởi vì vào những tuần trước khi chết thì anh ấy đã không nói gì hết. Anh ấy bị ám ảnh bởi nợ nần.”

“Đại lý là ai?” Tôi hỏi.

“Đó là người bán hạt giống biến đổi gien,” Tiwari trả lời. “Họ cũng cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu và cho vay tiền với lãi suất cắt cổ. Nông dân bị nợ nần trói buộc vào các đại lý của Monsanto.”

“Đó là một vòng tròn xấu xa,” Kate nói thêm, “một thảm họa nhân đạo. Vấn đề là cây trồng biến đổi gen (GMO) không hoàn toàn thích ứng với đất canh tác của chúng tôi, vốn ngập nước ngay khi gió mùa về. Thêm vào đó, hạt giống khiến nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào các lực lượng thị trường: không chỉ khiến họ phải trả nhiều tiền hơn cho hạt giống mà cũng phải mua phân bón và thuốc trừ sâu nếu không mùa màng sẽ thất bát, bởi vì Bollgard có thể chống lại sự phá hoại của sâu nang bông nhưng không chống lại được các loại sâu hút nhựa cây. Trái ngược với những gì quảng cáo khẳng định, nếu anh tính thêm rằng Bollgard không đủ sức đánh bại sâu nang thì anh sẽ có thảm họa, bởi vì anh cũng vẫn phải sử dụng thuốc trừ sâu.”

“Monsanto nói rằng GMO phù hợp với tiểu nông: anh nghĩ thế nào?” Tôi hỏi, nghĩ đến tuyên bố của hãng trong Báo cáo Cam kết năm 2006 của họ. “Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy điều đó là dối trá.” Nhà nông học nói, “Trong trường hợp tốt nhất, chúng có thể phù hợp với những nông dân lớn có đất tốt nhất và có phương tiện để tưới tiêu theo nhu cầu, nhưng không phải là đối với những tiểu nông chiếm 70% dân số của quốc gia này.”

“Hãy nhìn xem,” Tiwari chen ngang, trải ra một bản đồ rất lớn mà ông ấy lấy từ thùng xe.

Cảnh tượng thật sửng sốt: tất cả những điểm thuộc về vành đai bông ở Vidarbha đều được đánh dấu bằng một hình đầu lâu. “Đây là tất cả những vụ tự tử mà chúng tôi thống kê lại từ giữa tháng 6 năm 2005, khi bông Bt được nhập vào bang Maharashtra, đến tháng 12 năm 2006,” nhà lãnh đạo nông dân nói. “Có tất cả 1.280 cái chết. Cứ tám giờ có một người chết. Đó lá lý do khiến chúng tôi nói rằng bông Bt đang trong quá trình gây ra một nạn diệt chủng thực sự.”**

Kate chỉ cho tôi thấy một khoảng trống nhỏ không có hình đầu lâu. “Đây là khu vực Ghatanji ở huyện Yavatamal,” ông mỉm cười. “Đây là nơi hiệp hội của tôi thúc đẩy canh tác hữu cơ với 500 hộ gia đình trong 20 làng. Anh thấy đấy, chúng tôi không có vụ tự tử nào cả.”

“Đúng vậy, nhưng nạn tự tử của nông dân trồng bông chẳng có gì mới. Chúng tồn tại trước khi GMO xuất hiện.”

“Điều đó đúng. Nhưng với bông Bt, chúng đã tăng nhanh. Anh có thể quan sát thấy điều tương tự ở bang Andhra Pradesh, là bang đầu tiên cho phép canh tác hạt giống biến đổi gien, trước khi họ lao vào cuộc chiến với Monsanto.”

Theo chính quyền bang Maharashtra, trong toàn bang có 1.920 nông dân đã tự tử trong khoảng từ 1 tháng 1 năm 2001 đến 19 tháng 8 năm 2006. Hiện tượng này đã tăng tốc sau khi hạt giống Bt xuất hiện trên thị trường vào tháng 6 năm 2005.3
  
Bắt cóc ngành bông Ấn Độ

Trước khi tôi bay sang bang lớn Andhra Prahdesh ở đông nam Ấn Độ, Kishor Tiwari tha thiết chỉ cho tôi chợ bông của Pandharkawada, chợ lớn nhất ở Maharashtra. Trên đường đi tới đó, chúng tôi cắt ngang qua một đoàn xe trâu chở đầy những bao bông. “Tôi cảnh báo anh,” Tiwari nói, “chợ đang bên bờ sụp đổ. Nông dân dân đang mệt mỏi, vụ thu hoạch thất bại và giá bông thấp chưa từng thấy. Đây là kết quả của việc chính quyền Hoa Kỳ trợ giá cho nông dân của họ, có tác động phá giá đối với giá cả thế giới.”***

Chúng tôi chỉ vừa đi qua vòm cổng uy nghi để vào chợ thì đã bị bao vây bởi hàng trăm nông dân trồng bông giận dữ khiến chúng tôi không thể đi tiếp. “Chúng tôi ở đây đã nhiều ngày với hàng hóa của mình,” một trong số họ nói, hai tay giơ hai nắm bông. “Thương lái đưa ra giá thấp đến mức không thể chấp nhận được. Chúng tôi còn có nợ phải trả.”

“Anh nợ bao nhiêu?” Tarak Kate hỏi.

“52.000 rupee,” người nông dân trả lời.

Sau đó là một khung cảnh hiếm thấy khi hàng tá nông dân ngẫu nhiên lên tiếng, hết người này đến người khác, số nợ của họ: 50.000 rupee, 20.000 rupee, 15.000 rupee, 32.000 rupee, 36.000 rupee.

Dường như không gì có thể ngăn lời cầu nguyện này lan truyền trong đám đông giống như một làn sóng thủy triều không thể cưỡng lại được.

“Chúng tôi không muốn bông Bt nữa!” một người đàn ông hét lên, tôi không thể xác định vị trí của người đó trong đám đông.

“Không!” hàng tá giọng nói hùa theo.

Kate tiến lại gần và hỏi: “Bao nhiêu người trong số các anh sẽ không trồng bông Bt vào năm tới?”

Một rừng cánh tay giơ lên, thật thần kỳ là người quay phim, Guillaume Martin, đã quay được phim, ngay cả khi chúng tôi bị chen giữa đám đông, khiến cho việc quay phim cực kỳ khó khăn. Kate nói, “Vấn đề là các nông dân này sẽ khó mà tìm được hạt giống bông không biến đổi gien bởi vì Monsanto thực sự kiểm soát toàn bộ thị trường.” 

Bắt đầu vào đầu những năm 1990 – trên thực tế là cùng lúc với việc thiết lập cơ sở ở Brazil, nhà sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới – Monsanto đã chuẩn bị cẩn thận cho việc nhập GMO của họ vào Ấn Độ, nhà sản xuất bông lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Loại cây mang tính biểu tượng ở quê hương của Mahatma Gandhi, người biến việc trồng bông thành mũi nhọn trong phong trào đấu tranh bất bạo động chống lại sự chiếm đóng của người Anh, bông đã được trồng hơn năm ngàn năm trên tiểu lục địa Ấn Độ. Hiện giờ là sinh kế của 17 triệu gia đình, chủ yếu ở các bang phía nam như (Maharashtra, Gujarat, Tamil Nadu, và Andhra Pradesh).

Được thành lập ở Ấn Độ từ năm 1949, Monsanto là một trong những nhà cung cấp sản phẩm bảo vệ thực vật chủ yếu của quốc gia. Đây là thị trường lớn của thuốc diệt cỏ và đặc biệt là thuốc trừ sâu, bởi vì bông rất dễ bị tổn thương bởi nhiều loại sâu bọ khác nhau, như sâu nang, sâu đục thân, mọt bông, sâu ăn bột, ve nhện và rệp vừng. Trước cuộc “cách mạng xanh”, cuộc cách mạng đã mở rộng việc độc canh bông với các giống lai ghép có năng suất cao, nông dân Ấn Độ kiểm soát sự phá hoại của các loại sâu bọ bằng một hệ thống đảo vụ và sử dụng thuốc trừ sâu hữu cơ chiết xuất từ lá cây neem. Đặc tính hữu ích của loại cây này, được tôn kính như là “cây tự do” ở tất cả các làng của tiểu lục địa, nổi tiếng đến mức các công ty quốc tế đã đăng ký hàng tá bản quyền, các trường hợp sao chép sinh học rõ ràng đã dẫn đến các tranh chấp bất tận ở cục bản quyền. Ví dụ vào tháng 9 năm 1994, công ty hóa chất Hoa Kỳ W.R. Grace, một đối thủ cạnh tranh của Monsanto, đăng ký bản quyền ở Châu Âu cho việc sử dụng dầu cây neem làm thuốc trừ sâu, ngăn chặn các công ty Ấn Độ đưa sản phẩm của họ ra nước ngoài, trừ khi họ trả tiền bản quyền cho các công ty đa quốc gia, đang bán đầy rẫy thuốc trừ sâu hóa học ở đất nước này.4

Thuốc trừ sâu hóa học đã dẫn đến làn sóng tự tử đầu tiên của những nông dân trồng bông bị nợ nần vào cuối những năm 1990. Việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu vô cơ dẫn đến hiện tượng mà các nhà côn trùng học quen thuộc: sự phát triển sức đề kháng của côn trùng đối với các sản phẩm được tạo ra để tiêu diệt chúng. Kết quả là để chống lại sâu bọ, nông dân phải tăng liều lượng và sử dụng ngày càng nhiều các hóa chất độc, đến mức mà ở Ấn Độ bông chỉ chiếm 5% diện tích đất canh tác nhưng tiêu thụ tới 55% thuốc trừ sâu.

Sự mỉa mai của câu chuyện này là khả năng kiếm lợi hoàn hảo của Monsanto từ vòng xoáy chết chóc do sản phẩm của họ tạo ra, cùng với sự sụt giảm của giá bông (từ 98,20 dollar/1 tấn vào năm 1995 xuống 49,10 dollar/tấn vào năm 2001), đã dẫn đến cái chết của hàng ngàn nông dân nhỏ. Công ty ca ngợi các đặc tính tốt của bông Bt là phương thuốc bách bệnh tối cao sẽ làm giảm hoặc thủ tiêu nhu cầu phun thuốc chống sâu nang, như website công ty con của họ ở Ấn Độ tuyên bố.

Vào năm 1993, Monsanto đàm phán hợp đồng giấy phép công nghệ Bt với công ty hạt giống lai ghép Maharashtra (Mahyco), công ty hạt giống lớn nhất Ấn Độ. Hai năm sau, chính quyền Ấn Độ cấp phép nhập khẩu cho loại bông Bt sinh trưởng ở Hoa Kỳ (Cocker 312, chứa gien Cry1Ac) để các kỹ thuật viên của Mahyco có thể lai chéo chúng với các giống lai ghép địa phương. Vào tháng 4 năm 1998, Monsanto thông báo rằng họ đã có 26% cổ phần của Mahyco và họ thành lập một công ty liên doanh 50-50 với đối tác Ấn Độ, Mahyco Monsanto Biotech (MMB), cho mục tiêu thương mại hóa các hạt giống bông biến đổi gien của tương lai. Cùng lúc, chính quyền Ấn Độ cấp phép cho công ty trồng thử nghiệm thực địa bông Bt lần đầu tiên.

“Quyết định này là trái pháp luật”, Vandana Shiva nói, tôi gặp bà ở văn phòng tại Quỹ Nghiên Cứu Khoa Học, Công Nghệ và Sinh Thái ở New Delhi vào tháng 12 năm 2006. Bà có bằng tiến sĩ vật lý, là một người nổi tiếng quốc tế trong phong trào phản đối toàn cầu hóa, được nhận “Giải Nobel tương đương” vào năm 1993 cho những đóng góp của bà về sinh thái và những nỗ lực chống lại việc các công ty hóa chất nông nghiệp đa quốc gia kiểm soát nông nghiệp Ấn Độ. “Vào năm 1999”, bà nói với tôi, “tổ chức của tôi kêu gọi Tòa Án Tối Cao phán quyết việc thử nghiệm của Mahyco Monsanto là bất hợp pháp. Vào tháng 7 năm 200, mặc dù kiến nghị của chúng tôi vẫn chưa được xem xét, việc thử nghiệm đã được cấp phép cho quy mô lớn hơn, trên bốn mươi địa điểm ở sáu bang, mặc dù kết quả không bao giờ được công bố, bởi vì chúng tôi được nghe rằng chúng là bí mật. Ủy Ban Chấp Thuận Biến Đổi Gien đã yêu cầu kiểm tra an toàn thực phẩm đối với bông Bt, sử dụng như là cỏ khô cho bò và trâu, chúng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa, cũng như dầu hạt giống được con người tiêu thụ, nhưng điều đó không bao giờ được thực hiện. Trong vài năm, Monsanto đã bắt cóc ngành bông Ấn Độ với sự đồng lõa của quan chức chính quyền, những người mở cửa cho GMO bằng cách bỏ qua các nguyên tắc đề phòng mà Ấn Độ đã luôn theo đuổi.”

“Điều đó diễn ra như thế nào?” Tôi hỏi.

“Phải, Monsanto đã vận động hành lang một cách đáng kể. Ví dụ vào tháng 1 năm 2001, một đoàn đại biểu pháp lý và khoa học Hoa Kỳ đã gặp Chánh Án A.S. Anand của Tòa Án Tối Cao rất đúng lúc và ca ngợi lợi ích của công nghệ sinh học vào ngay thời điểm mà tòa án phải đưa ra quyết định về kiến nghị của chúng tôi. Đoàn đại biểu do Viện Khoa Học, Sức Khỏe Einstein và tòa án dẫn đầu đã đề nghị thiết lập một hội thảo để đào tạo cho các quan tòa về các vấn đề liên quan đến GMO.5 Monsanto cũng tổ chức một số chuyến viếng thăm trụ sở của họ ở St. Louis cho các nhà báo, nhà khoa học và quan tòa Ấn Độ. Báo chí đã nhanh chóng được sử dụng để tuyên truyền các tin tức tốt. Thật không khó để biết xem có bao nhiêu người có khả năng chống chọi một cách kiên cường đối với công nghệ sinh học khi họ thực sự không biết gì về nó.”

Cũng cần phải ghi nhận rằng không chỉ có người Ấn Độ quy phục Monsanto. Một thông cáo báo chí của công ty được phát hành vào ngày 3 tháng 7 năm 2002 đưa tin với sự hài lòng rõ ràng rằng một đoàn đại biểu Châu Âu đã viếng thăm Chesterfied Village, trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học ở St. Louis. “Đoàn khách đại diện cho các cơ quan chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, các viện khoa học, nông dân, người tiêu dùng và báo chí từ 12 nước, có liên quan đến công nghệ sinh học và an toàn thực phẩm,” theo thông cáo báo chí công bố.6

“Bà có cho rằng đó cũng là một dạng tham nhũng?” Tôi hỏi.

“Tốt thôi,” Shiva trả lời tôi với nụ cười, tìm từ ngữ, “Tôi không có bằng chứng nào, nhưng tôi cũng không thể loại trừ điều đó. Hãy xem những gì xảy ra ở Indonesia.”

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2005, Ủy Ban Giao Dịch Chứng Khoán Hoa Kỳ (SEC) tiến hành một thủ tục hai gọng kìm chống lại Monsanto, cáo buộc về tham nhũng ở Indonesia. Theo SEC, những phát hiện của họ được đăng tải trên web, đại diện của Monsanto ở Jakarta hối lộ khoảng 700.000 dollar cho 140 quan chức chính quyền Indonesia từ năm 1997 đến 2002 để được triển khai bông Bt tại nước này.7 Ví dụ họ đã cung cấp 374.000 dollar cho vợ của một quan chức cao cấp ở Bộ Nông Nghiệp để xây một căn nhà xa hoa. Những món quà hào phóng đó đã được che dấu bằng các hóa đơn thuốc trừ sâu giả, SEC khẳng định như vậy. Thêm vào đó, vào năm 2002, công ty con Châu Á của Monsanto được cho là đã hối lộ một quan chức cấp cao ở Bộ Môi Trường 50.000 dollar để nhận được đánh giá tác động môi trường cho bông Bt trước khi nó được tung ra thị trường. Không chống lại các cáo buộc, Monsanto ký một thỏa thuận với SEC vào tháng 4 năm 2005 về khoản tiền phạt 1,5 triệu dollar. “Monsanton thừa nhận toàn bộ trách nhiệm về các hành động trái phép này và chúng tôi thành thực xin lỗi về việc những người thừa hành lệnh của Monsanto đã tham gia vào cách hành động đó.”8 

Thất bại thảm hại của bông biến đổi gien của Monsanto

Sự thật là vào ngày 20 tháng 2 năm 2002, ngày rất thất vọng của các tổ chức nông dân và sinh thái, Ủy Ban Chấp Nhận Biến Đổi Gien Ấn Độ đã bật đèn xanh cho việc canh tác bông Bt. Mahyco Monsanto Biotech đã vượt qua mọi rào cản: họ thuê một ngôi sao Bollywood để quảng bá GMO trên truyền hình (có lượng khán giả lớn ở Ấn Độ), đồng thời hàng chục ngàn tranh cổ động được dán khắp đất nước thể hiện các nông dân cười tươi đứng cạnh những máy kéo mới tinh, như thể được mua bằng lợi nhuận của bông Bt.

Năm đầu tiên, 55.000 nông dân, 2% số người trồng bông Ấn Độ, đã đồng ý tham gia vào cuộc phiêu lưu biến đổi gien. “Tôi được nghe là hạt giống thần kỳ này sẽ giải phóng tôi khỏi việc phun thuốc trừ sâu,” một nông dân 26 tuổi từ bang Andhra Pradesh, một trong số những bang đầu tiên cấp phép cho việc thương mại hóa GMO (vào tháng 3 năm 2002), nói với tờ Washington Post vào năm 2003. “Vụ mùa trước, mỗi khi tôi nhìn thấy sâu bọ, tôi phát hoảng, tôi phun thuốc trừ sâu lên bông khoảng 20 lần. Vụ mùa này, với hạt giống mới, tôi chỉ phải phun thuốc 3 lần.”9

Bất chấp lợi thế rõ ràng này (sớm biến mất do côn trùng phát triển sức đề kháng với cây bông Bt), phần còn lại của bức tranh cũng kém sáng sủa, khi tờ Washington phỏng vấn nông dân vào cuối vụ thu hoạch GMO đầu tiên. “Tôi nhận được ít tiền hơn từ bông Bt bởi vì người mua trên thị trường nói rằng chiều dài của sợi bông ngắn hơn,” một người nói. Thu nhập cũng không được cải thiện. “Giá hạt giống rất cao, giờ tôi tự hỏi là nó có thực sự đáng giá vậy không.”10

Trên thực tế, do bản quyền hạt giống (cho đến hiện giờ) vẫn bị cấm ở Ấn Độ, Monsanto không thể áp dụng hệ thống tương tự như ở Bắc Mỹ, có nghĩa là bắt buộc nông dân mua hạt giống của họ hàng năm bằng cách đe dọa về mặt pháp lý. Để bù đắp cho “tổn thất”, họ quyết định tăng giá hạt giống lên bốn lần: trong khi một gói 450g hạt giống truyền thống được bán với giá 450 rupee thì khối lượng tương đương hạt giống Bt có giá 1.850 rupee.

Cuối cùng, tờ Washington Post đưa tin, “mọt hại nang cũng không biến mất.” Thành quả hiếm hoi không ngăn cản Ranjana Smetacek, giám đốc quan hệ công chúng của Monsanto Ấn Độ**** tuyên bố một cách hài lòng: “Bông Bt đã có kết quả rất tốt ở cả năm bang được trồng.”11 Mặc dù vậy, câu chuyện do tờ Washington Post trình bày đã được một số nghiên cứu xác nhận. Đầu tiên là cáo buộc của Liên Minh Bảo Vệ Đa Dạng (CDD) Andhra Pradesh, tập hợp của 140 tổ chức dân sự, trong đó có Hiệp Hội Phát Triển Deccan (DDS), một NGO rất có uy tín, chuyên sâu về canh tác an toàn và phát triển bền vững. CDD đã yêu cầu hai nhà nông học, tiến sĩ Abdul Qayum, cựu quan chức Bộ Nông Nghiệp bang và Kiran Sakkhari, so sánh các kết quả nông nghiệp và kinh tế của Bollgard với các giống bông không biến đổi gien ở huyện Warangal, nơi có 12.300 nông dân nghe theo những lời hứa hẹn của Monsanto.

Hai nhà khoa học tuân theo một phương pháp chặt chẽ dựa trên quan sát hàng tháng các vụ mùa biến đổi gien, được trồng vào khoảng từ tháng 8 năm 2002 tới cuối vụ vào tháng 4 năm 2003, trong 3 nhóm thí nghiệm. Ở hai làng, nơi có 24 nông dân trồng GMO, bốn nông dân được chọn ngẫu nhiên. Vào giữa vụ (tháng 11 năm 2002), 22 nông dân ở 11 làng được hỏi về tình hình vụ canh tác biến đổi gien, sau đó là viếng thăm cánh đồng của họ. Cuối cùng, vào cuối mùa, tháng 4 năm 2003, một khảo sát được thực hiện với 225 nông dân nhỏ, chọn ngẫu nhiễn trong số 1.200  nhà cung cấp bông trong huyện, 38,2%  trong số đó sở hữu ít hơn 2 ha, 37,4% sở hữu từ 5 đến 10 ha, 22,4% có hơn 10ha (nhóm cuối cùng được coi là nông dân lớn ở Ấn Độ). Trong cùng một thời kỳ đó, họ cũng ghi lại năng suất của các nhà cung cấp bông truyền thống (nhóm kiểm soát). Tôi đưa ra tất cả những chi tiết này để khẳng định rằng nghiên cứu khoa học đáng để nêu ra cho những nỗ lực kiểu này, nếu không sẽ chả có gì ngoài gió và mây. Kết quả nghiên cứu quy mô lớn này được tổng kết: “Chi phí canh tác bông Bt nhiều hơn bông không phải là Bt là 1092 rupee bởi vì chỉ có một sự giảm bớt không đáng kể trong việc tiêu thụ thuốc trừ sâu cho canh tác bông Bt. Tính trung bình thì có một sự giảm bớt đáng kể (35%) trong tổng thu nhập của bông Bt, trong khi tổn thất ròng là 1295 rupee/ trong canh tác bông Bt so với bông không phải Bt, lợi nhuận ròng là 5368 rupee/-. Khoảng 78% nông dân canh tác Bollgard trong năm nay nói rằng họ sẽ không canh tác Bt vào năm tới.”12

Để làm cho nghiên cứu khoa học không thể chê trách được này thêm sinh động, DDS bổ sung vào sáng kiến một nhóm “phụ nữ quay phim chân đất”, theo cách nói của P. V. Satheesh, người sáng lập và giám đốc của tổ chức sinh thái. Sáu phụ nữ, tất cả đều là nông dân mù chữ và là dalits (tiện dân, lớp dưới cùng của hệ thống đẳng cấp xã hội truyền thống), được hướng dẫn các kỹ thuật quay phim trong một hội thảo do DDS tổ chức vào tháng 10 năm 2001 ở làng nhỏ Patapur với cái tên Community Media Trust. Từ tháng 8 năm 2002 tới tháng 4 năm 2003, họ đã quay phim hàng tháng 6 nhà cung cấp bông Bt nhỏ ở huyện Warangal tham gia vào nghiên cứu nông học. Kết quả là một bộ phim tư liệu phi thường về sự thất bại của hạt giống biến đổi gien.

Nó cho thấy trước hết mọi hy vọng mà nông dân đã đặt vào hạt giống Bt. Mọi thứ đều tốt trong hai tháng đầu: cây bông khỏe mạnh và không có sâu bọ. Sau đó là sự thất vọng. Cây bông rất nhỏ và quả bông ít hơn so với các cánh đồng bông truyền thống ngay bên cạnh. Vào mùa khô tháng 10, khi sâu bọ tàn phá bông truyền thống, các cây bông biến đổi gien bị rầy và ruồi trắng bao vây. Vào tháng 11, khi vụ thu hoạch bắt đầu, có thể thấy sự thất vọng trên khuôn mặt của nông dân: sản lượng rất thấp, quả nang khó nhặt, đuôi sợi bông ngắn hơn, điều đó có nghĩa là giá giảm mất 20%.

Tôi gặp những người làm phim vào tháng 12 năm 2006 ở cánh đồng bông Warangal, nơi họ tới để quay phim cùng với hai nhà nông học. Tôi rất ấn tượng bởi sự chuyên nghiệp của những phụ nữ phi thường này, họ mang theo những đứa trẻ đang ngủ trên lưng, sắp đặt máy quay, chân đế, mic và gương phản xạ để phóng vấn một nhóm nông dân đang thất vọng vì sự thất bát của vụ canh tác bông Bt.

Kể từ khi báo cáo đầu tiên được hai nhà nông học công bố, tình hình đã tệ hơn, châm ngòi cho làn sóng tự tử thứ hai, sớm tiến đến bang Maharashtra. Lo lắng vì tình trạng bi kịch này, chính quyền bang Andhra Pradesh đã triển khai một nghiên cứu, xác nhận các kết luận của Qayum và Sakkhari.13 Nhận thức được tác động đến kết quả bầu cử của thảm họa này, lãnh đạo của Bộ Nông Nghiệp, Raghuveera sau đó đã yêu cầu Mahyco hoàn tiền cho các nông dân bị mất mùa, nhưng công ty đã từ chối yêu cầu đó.

Tuyên truyền và độc quyền

Để tự bảo vệ, Monsanto tung ra một nghiên cứu được công bố rất đúng lúc trên tờ Science vào ngày 7 tháng 2 năm 2003. 14 Ảnh hưởng của nghiên cứu khoa học rất lạ lùng khi chúng dựa trên các bài báo uy tín, hiếm khi hoặc không bao giờ xác thực nguồn của các dữ liệu được trình bày. Matin Qaim, ở trường đại học Bonn, và David Zilberman ở trường đại học California, Berkeley, cả hai đều “chưa từng đặt chân đến Ấn Độ,” như Vandana Shiva cho biết, đã chỉ ra rằng theo các thử nghiệm thực địa diễn ra tại “các bang khác nhau của Ấn Độ,” bông Bt “giảm thiểu một cách chắc chắn thiệt hại của sâu bọ và gia tăng sản lượng … tới 88%.” “Điều đáng phiền là bài báo mô tả hiệu quả phi thường của bông Bt lại dựa hoàn toàn trên dữ liệu do công ty sở hữu bông Bt, Mahyco-Monsanto, cung cấp,” tờ Times of India bình luận. “Dữ liệu được các tác giả trình bày  … không dựa trên vụ thu hoạch bông Bt đầu tiên -  như được kỳ vọng – mà dựa trên thu hoạch của một số thửa ruộng được lựa chọn thuộc về công ty, cũng không có dữ liệu từ các cánh đồng của nông dân kèm theo trong bài báo.”15 Mặc dù vậy, tờ tạp chí ghi nhận rằng “bài báo đó đã được nhiều cơ quan trích dẫn rộng rãi làm bằng chứng cho hiệu quả đặc biệt của hạt giống GMO” – vốn là mục đích của việc công bố trên tờ Science.

Bài báo cũng được bình luận dài trong báo cáo năm 2004 của FAO có tiêu đề “Công nghệ sinh học nông nghiệp có đáp ứng được nhu cầu của người nghèo?”16 Tài liệu này đã khiến người ta tốn rất nhiều giấy và mực vì đó là một lập luận bảo vệ GMO. Nó khẳng định rằng chúng có khả năng “gia tăng tổng thể năng suất nông nghiệp” và chúng “có thể giúp giảm bớt các thiệt hại môi trường do hóa chất độc hại gây ra,” theo lời giới thiệu của Jacques Diouf, tổng giám đốc của tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Bản báo cáo đã làm Monsanto rất hài lòng, họ đã nhanh chóng đưa nó lên mạng.17

Tương tự ở Pháp, ngay trước khi bài báo trên tờ Science được công bố, hãng AFP đã phân phát một bản thuyết trình tán dương nó. Tôi trích dẫn một đoạn, bởi vì nó minh họa hoàn hảo cho cái cách mà sự đánh lạc hướng được lặng lẽ triển khai thông qua truyền thông, cho dù điều này khó có thể lên án hãng thông tấn, bởi vì trên hết là họ chỉ ngoại suy từ các đề xuất ngầm được tính toán cẩn trọng trong bài báo gốc: “Bông được biến đổi gien để kháng lại các côn trùng có hại có thể tăng sản lượng thu hoạch lên 80%, theo các nhà nghiên cứu thực hiện thử nghiệm ở Ấn Độ cho biết,” bài dẫn khẳng định. “Kết quả công việc của họ rất đáng kinh ngạc: trước đây chỉ có một sự gia tăng nhỏ trong sản lượng được quan sát thấy trong các thử nghiệm tương tự ở Trung Quốc và Hoa Kỳ.”18 Người ta có thể tưởng tượng ra tác động của thông tin này – được truyền thông đón nhận rộng rãi, ví dụ như tờ Le Bullentin des Agriculteurs ở Quebec – đối với những nông dân cỡ nhỏ và vừa thường xuyên phải đấu tranh để sinh tồn. Đặc biệt là trường hợp này bởi vì, bỏ qua mọi dữ liệu được thu thập trên cánh đồng, Qaim nhấn mạnh vào khẳng định rằng “ngay cả khi chi phí cho hạt giống cao, nông dân đã tăng thu nhập lên 5 lần với bông biến đổi gien.” Đồng nghiệp David Zilberman đã vô tình tiết lộ mục tiêu thực sự của nghiên cứu này trong bài phỏng vấn của tờ Washington Post vào tháng 5 năm 2003: “Thật là xấu hổ khi nỗi sợ hãi về GMO tiếp tục ngăn cản công nghệ quan trọng này đến với những người được hưởng lợi nhiều nhất từ nó.”19

Tờ Times of India thậm chí còn sáng tạo hơn. “Ai sẽ trả tiền cho thất bại của bông Bt?”, tờ báo hỏi, chỉ ra rằng một đạo luật được thông qua vào năm 2001, Luật Bảo Vệ Đa Dạng Thực Vật và Quyền của Nông Dân, yêu cầu nhà cung cấp hạt giống phải bồi thường cho những nông dân bị mất mùa do hạt giống mà họ bán để đảm bảo “sản lượng, chất lượng, kháng sâu bọ,” và vân vân.20

Đó chính là đạo luật mà bộ trưởng Nông Nghiệp của Andhra Pradesh định áp dụng. Khi không thể làm như vậy, ông ấy đã quyết định cấm ba loại bông Bt do Mahyco Monsanto cung cấp trong phạm vi bang vào tháng 5 năm 2005 (các giống bông này được được bán không lâu sau đó ở bang Maharashtra.)21 Vào tháng 1 năm 2006, xung đột với Monsanto đã tiến đến một mức mới: Bộ trưởng Nông Nghiệp Raghuveera Reddy đưa đơn kiện Mahyco Monsanto tại Ủy Ban Hạn Chế Thương Mại và Độc Quyền (MRTPC), cơ quan Ấn Độ chịu trách nhiệm về quản lý thương mại và luật chống liên kết, phản đối giá cắt cổ của hạt giống biến đổi gien cũng như sự độc quyền của Monsanto ở tiểu lục địa Ấn Độ. Vào ngày 11 tháng 5 năm 2006, MRTPC đã đáp ứng đòi hỏi của bộ trưởng và yêu cầu giá một gói hạt giống 450 g phải được giảm xuống bằng giá mà Monsanto bán ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, tối đa là 750 rupee (thay vì 1.850 rupee). Năm ngày sau đó, công ty phản đối quyết định đó tại Tòa Án Tối Cao, nhưng sự kháng cáo bị phủ quyết với lý do quyết định đó hoàn toàn thuộc thẩm quyền của bang.22 Đó là tình hình khi tôi tới Andhra Pradesh vào tháng 12 năm 2006. Mahyco Monsanto cuối cùng cũng phải giảm giá hạt giống theo yêu cầu của chính quyền bang, nhưng xung đột vẫn chưa kết thúc, bởi vì vấn đề bồi thường tài chính gai góc vẫn tồn tại. “Vào tháng 1 năm 2006,” Kiran Sakkharin nói với tôi, “bộ Nông Nghiệp đe dọa sẽ thu hồi giấy phép thương mại hóa của công ty nếu họ không chịu bồi thường cho nông dân ba vụ thu hoạch mới đây.”

“Nhưng tôi nghĩ là Andhra Pradesh đã cấm ba loại bông Bt vào năm 2005.”

“Đúng vậy. Nhưng Mahyco Monsanto đã ngay lập tức thay thế chúng với các loại biến đổi gien mới. Chính quyền không thể ngăn chặn chúng, họ đã từng yêu cầu New Delhi cấm hoàn toàn GMO. Kết quả chỉ là tại họa như chúng ta đã thấy trong nghiên cứu thứ hai.23 Vụ thu hoạch năm nay còn tệ hơn bởi vì như anh thấy, trên các cánh đồng bông Bollgard, bệnh rhizoctonia khiến cây bông bị thối ở phần giữa rễ và thân. Cây bông khô đi và chết. “Nông dân nói họ chưa bao giờ thấy chuyện này,” Addul Qayum nói. “Trong nghiên cứu đầu tiên, chúng tôi thấy bệnh chỉ xuất hiện ở một số ít cây bông Bt. Nhưng nó lan nhanh và giờ tôi có thể quan sát thấy ở nhiều cánh đồng bông Bt đã bắt đầu làm nhiễm bệnh sang các cánh đồng bông không biến đổi gien. Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đây là sự tác động qua lại giữa cây chủ và gien được cấy vào. Nó khiến cây bông suy yếu và không kháng được bệnh rhizoctonia.”

“Nói chung,” Sakkhari nói tiếp, “bông Bt không đề kháng được các điều kiện khắc nghiệt như khô hạn hay mưa nhiều.”

“Nhưng,” tôi nói, “theo Monsanto, doanh số của hạt giống biến đổi gien tăng đều đặn ở Ấn Độ.”24

“Đó là khẳng định của công ty và nói chung là đúng, ngay cả khi số liệu mà họ trình bày khó có thể xác thực. Nhưng tình hình nhìn chung có thể giải thích bằng sự độc quyền mà họ có thể tạo ra ở Ấn Độ, rất khó có thể tìm thấy các hạt giống không biến đổi gien. Điều này rất đang lo ngại bởi vì, như chúng tôi đã phát hiện trong nghiên cứu thứ hai, những hứa hẹn về việc bông Bt sẽ làm giảm mức độ sử dụng thuốc trừ sâu đã thất bại; nếu không nói là ngược lại.”

Sâu bọ kháng cây bông Bt: Một quả bom hẹn giờ

Các nhà nông học cho tôi xem kết quả của nghiên cứu thứ hai, bao quát vụ mùa 2005-2006. Trong khi ở vụ mùa 2002-2003, năm sau khi triển khai hạt giống Bt, việc sử dụng thuốc trừ sâu thấp hơn ở cây bông biến đổi gen thấp hơn một chút so với cây bông truyền thống, ba năm sau “lời hứa vĩ đại” đã hoàn toàn bị chôn vùi: chi tiêu cho thuốc trừ sâu trung bình đối với cây bông truyền thống là 1.311 rupee cho 0,4 ha và 1.351 rupee đối với cây bông Bt. “Kết quả không khiến chúng tôi ngạc nhiên, nó chỉ có thể tệ hơn,” Qayum giải thích, “bởi vì bất cứ nhà nông học hay côn trùng học nghiêm túc nào cũng biết rõ rằng côn trùng phát triển sự đề kháng đối với các sản phẩm hóa học dùng để chống lại chúng. Việc cây bông Bt thường xuyên tạo ra chất độc kháng côn trùng là một quả bom hẹn giờ mà chúng tôi sẽ phải trả giá vào một ngày nào đó, cái giá có thể rất cao, cả từ quan điểm kinh tế lẫn sinh thái.”

Quan điểm côn trùng gây hại cho bông (hoặc ngũ cốc) sẽ biến đổi bằng cách phát triển sức đề kháng với chất độc của cây bông Bt đã được xới lên trước cả khi Monsanton đưa GMO của họ ra thị trường. Vào giữa những năm 1990, chiến lược mà công ty áp dụng, theo thỏa thuận với EPA, thuyết phục các nông dân trồng bông Bt bằng hợp đồng duy trì các thửa ruộng bông không Bt, được gọi là “nơi trú ẩn,” nơi các côn trùng bình thường được sinh sôi để lai chéo với các anh em họ đã kháng lại Bacilus thuringiensis, gây ra sự pha loãng gen. Khi côn trùng thường xuyên đối mặt với một hàm lượng thuốc độc chết chóc theo lý thuyết, chúng đều bị loại bỏ, ngoại trừ một số nhóm nhỏ được sự hỗ trợ của các gien kháng chất độc. Các côn trùng sống sót sẽ kết hợp với đồng loại, có thể chuyển các gien đó cho thế hệ kế tiếp, tiếp tục trong vài thế hệ. Đây là sự “đồng tiến hóa,” suốt chiều dài lịch sử của sự sống, đã cho phép các giống loài bên bờ vực tuyệt chủng thích nghi để sống sót sau các dịch bệnh chết chóc. Để giữ cho hiện tượng này không phát triển ở các côn trùng gây hại cho bông Bt, các học trò của phù thủy cho rằng họ chỉ cần duy trì một số lượng côn trùng khỏe mạnh ở các thửa ruộng bông không biến đổi gien – nơi trú ẩn – để chúng có thể kết hợp với anh em họ kháng Bt, qua đó ngăn chặn các côn trùng kháng Bt sinh sôi.

Khi điều đó được thực hiện thì vấn đề chỉ là quyết định quy mô của nơi trú ẩn để kế hoạch thành công. Chủ đề này dẫn đến các thương lượng gay go giữa Monsanto và các nhà khoa học, với sự ghi nhận kết quả của EPA. Đầu tiên, một số nhà côn trùng học lập luận rằng khu vực bề mặt của nơi trú ẩn ít nhất cũng phải tương đương với khu vực biến đổi gen. Dĩ nhiên là Monsanton phản đối, cho rằng bề mặt khu vực trú ẩn chỉ nên chiếm 3% diện tích trồng GMO. Vào năm 1997, một nhóm nghiên cứu đại học làm việc ở vành đai ngũ cốc trung tây đã can đảm tham gia vào trận chiến với khuyến nghị rằng nơi trú ẩn nên chiếm 20% diện tích các thửa trồng biến đổi gen , thứ hai là các thửa đó nên được phun loại thuốc sâu khác với thuốc sâu dùng ở các thửa trồng bông Bt.

Điều này là quá nhiều đối với Monsanto, như Daniel Charles tường thuật trong Lords of the Harvest. ““Monsanto xem xét khuyến nghị và nói, “chúng ta không thể sống được với điều này,”” Scott McFarland nói, ông là một luật sư trẻ đang làm việc cho tổ chức Pioneer.” Công ty liên hệ với “Hiệp Hội Canh Tác Ngũ Cốc Quốc Gia (NCGA), cũng có trụ sở ở St. Louis. Đại diện của Monsanto thuyết phục lãnh đạo của NCGA rằng khu vực trú ẩn lớn sẽ ảnh hưởng đến việc tự do canh tác bông Bt của nông dân.”25 Điều này diễn ra cho đến tháng 9 năm 1998, khi các bên gặp nhau ở thành phố Kansas để thỏa hiệp. Khi các cuộc thảo luận được quy thành tranh luận về tỷ lệ tùy ý, một nhà kinh tế nông nghiệp của đại học Minnesota đã khẳng định rằng theo các nghiên cứu của ông thì khu vực trú ẩn chiếm 10% diện tích canh tác biến đổi gien, sau đó sâu ngũ cốc bore – côn trùng gây hại mục tiêu của ngũ cốc Bt – sẽ có 50% cơ hội phát triển sức đề kháng trong ngắn hạn và khiến nông dân khá tốn kém. Do trực tiếp bị ảnh hưởng đến túi tiền nên nông dân đã đứng về phía các nhà côn trùng học.

Đó là lý do trên khắp thế giới, các hướng dẫn trồng Bt đều yêu cầu rằng khu vực trú ẩn phải tương đương tối thiểu là 20% diện tích canh tác GMO. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng con số đó cũng chắp và và tùy hứng, bởi vì không có nghiên cứu nghiêm túc nào được thực hiện để xác nhận rằng tỷ lệ đó – được thảo ra ở một góc của Missouri – có giá trị khoa học. Khi Michael Pollan hỏi các đại diện của Monsanto về chủ đề này cho tờ New York Time vào năm 1998, họ trả lời: “Nếu mọi thứ đều tốt, sự đề kháng có thể bị trì hoãn trong hơn 30 năm,” chỉ có thể gọi là chính sách ngắn hạn.26 Khi Pollan tiếp tục với Jerry Hjelle, phó chủ tịch quan hệ đối ngoại của Monsanto, cố gắng tìm hiểu điều gì xảy ra sau thời kỳ đó, “câu trả lời [còn] đáng ngại hơn … “Có một ngàn loại Bt khác … Chúng tôi có thể xử lý vấn đề với những sản phẩm mới … Những người chỉ trích không biết chúng tôi có những gì … Hãy tin ở chúng tôi.””

Trong thời gian đó, mười năm sau khi bắt đầu canh tác Bt, có thể phác thảo một đánh giá ban đầu về bộ máy quan liêu. Đầu tiên, bản tin của AP đã cho thấy vào tháng 1 năm 2001, theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2000, “30% số nhà cung cấp ngũ cốc Bt [Mỹ] không tuân thủ theo các khuyến nghị về quản lý sự đề kháng,” bởi vì họ cho rằng chúng quá nghiêm khắc.27 Phải nói thật là tôi hiểu họ. Nhưng dĩ nhiên là họ nên ngừng ủng hộ hệ thống nực cười này, thứ sớm hay muộn cũng sẽ sụp đổ như ngôi nhà bằng quân bài, theo như nghiên cứu vào năm 2006 của các chuyên gia nghiên cứu đại học Cornell hợp tác với Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc cho thấy.28 Họ đã chỉ ra rằng “lợi nhuận đáng kể mà họ thu được trong nhiều năm nhờ tiết kiệm thuốc trừ sâu đã bị ngốn sạch.” Theo các tác giả này, trong 3 năm đầu sau khi gieo trồng Bt, nông dân “đã giảm thuốc trừ sâu đi hơn 70% và kiếm được nhiều hơn 36% so với các nông dân gieo trồng bông truyền thống,” vào năm 2004 “họ đã phun thuốc sâu nhiều như các nông dân truyền thống, khiến cho thu nhập ròng thấp hơn 8% so với các nông dân truyền thống, do hạt giống Bt đắt gấp ba lần hạt giống truyền thống.” Cuối cùng, sau 7 năm, “côn trùng đã tăng lên nhiều đến mức nông dân phải phun thuốc tới 20 lần trong một vụ.” Kết luận của các nhà nghiên cứu, bất chấp sự ủng hộ của họ đối với GMO, rất tai hại:

“Kết quả này cảnh báo các nhà nghiên cứu và chính phủ rằng họ cần phải có các hành động cứu trọ nông dân trồng bông Bt. Nếu không, các nông dân này sẽ ngừng sử dụng bông Bt và điều đó sẽ rất bất hạnh.”

Khẳng định này khiến Abdul Qayum và Kiran Sakkhari mỉm cười. “Ở Ấn Độ, nơi có đa số nông dân canh tác từ 0,8 đến 2 ha, chiến lược trú ẩn thật là nực cười. Nó cho thấy rằng GMO, phiên bản mới nhất của cách mạng xanh, được phát minh ra cho các nông dân lớn ở bán cầu Bắc.”

Chú thích:

*Khoảng 1.200 dollar (1 dollar tương đương với 50 rupee). Không có mức lương tối thiểu ở Ấn Độ nhưng đa phần công nhân kiếm được ít hơn 6.000 rupee một tháng vào năm 2006.

**Từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2007, VJAS ghi nhận có 1.168 vụ tự tử.

***Trợ cấp cho nông dân Hoa Kỳ là 18 tỷ dollar vào năm 2006. Xem Somini Sengupta, “Về nông nghiệp Ấn Độ, một nạn dịch tự tử,” New York Times, 19 tháng 12 năm 2006. Ba ngày sau khi chúng tôi quay phim, một vụ bạo loạn nổ ra ở chợ và cảnh sát đã bắt giam một số người, trong đó có Kishor Tiwari.

****Bạn đọc sẽ nhớ tới tên của những nhà khoa học giả mạo đã tiến hành chiến dịch bôi nhọ Ignacio Chapela về ngũ cốc Mexico; một người trong số họ có tên là “Andura Smetacek,” Jonathan Matthews, nhà nghiên cứu người Anh đã khám phá ra sự thật, đã bình luận về những cái tên bất thường này. Dĩ nhiên là những kẻ chủ mưu ở St. Louis đã đơn giản là lấy chúng từ các nhân viên Ấn Độ.


1. Somini Sengupta, “On India’s Farms, a Plague of Suicide,” New York Times, September 19, 2006.
2. Amelia Gentleman, “Despair Takes Toll on Indian Farmers,” International Herald Tribune, May 31, 2006.

3. Jaideep Hardikar, “One Suicide Every 8 Hours,” DNA India. In this article, the Mumbai newspaper specifies that, according to government sources, 2.8 million cotton farmers in the state (out of a total of 3.2 million) are in debt.

4. This was patent no. 0436257 B1 (see my film Les Pirates du vivant).

5. Gargi Parsai, “Transgenics: US Team Meets CJI,” The Hindu, January 5, 2001.

6. “Food, Feed Safety Promote Dialogue with European Delegation,” Monsanto news release, July 3, 2002.

7. www.sec.gov/litigation/litreleases/lr19023.htm. See also Peter Fritsch and 354 notes to pages 253–297
Timothy Mapes, “Seed Money: In Indonesia, Tangle of Bribes Creates Trouble for Monsanto,” Wall Street Journal, April 5, 2005; Agence France-Presse, January 7, 2005.

8. Quoted by Fritsch and Mapes, “Seed Money”; Agence France-Presse, January 7, 2005.

9. Rama Lakshmi, “India Harvests First Biotech Cotton Crop; Controversy Surrounds Policy Change,” Washington Post, May 4, 2003.

10. Ibid.

11. Ibid.

12. Abdul Qayum and Kiran Sakkhari, “Did Bt Cotton Save Farmers in Warangal? A Season Long Impact Study of Bt Cotton—Kharif 2002 in Warangal District of Andhra Pradesh,” AP Coalition in Defense of Diversity and Deccan Development Society, Hyderabad, June 2003, www.ddsindia.com/www/pdf/English%20Report.pdf.

13. “Performance Report of Bt Cotton in Andhra Pradesh: Report of State Department of Agriculture,” 2003, www.grain.org/research_files/AP_state.pdf.

14. Matin Qaim and David Zilberman, “Yield Effects of Genetically Modified Crops in Developing Countries,” Science 299 (February 7, 2003): 900–2.

15. Times of India, March 15, 2003.

16. The State of Food and Agriculture 2003–2004; Agricultural Technology Meeting the Needs of the Poor? FAO, Rome, 2004, www.fao.org/docrep/006/Y5160E/Y5160E00.HTM.


18. “Le Coton génétiquement modifié augmente sensiblement les rendements,” Agence France-Presse, February 6, 2003.

19. Washington Post, May 4, 2003.

20. Times of India, March 15, 2003.

21. Hindu Business Line, January 23, 2006. These were Mech-12 Bt, Mech-162 Bt, and Mech-184 Bt.

22. “Court Rejects Monsanto Plea for Bt Cotton Seed Price Hike,” The Hindu, June 6, 2006.

23. Abdul Qayum and Kiran Sakkhari, “False Hope, Festering Failures: Bt Cotton in Andhra Pradesh 2005–2006. Fourth Successive Year of the Study Reconfirms the Failure of Bt Cotton,” AP Coalition in Defense of Diversity and Deccan Development Society, November 2006, www.grain.org/research_files/APCIDD%20report-bt%20cotton%20in%20AP-2005-06.pdf.

24. “Monsanto Boosts GM Cotton Seed Sales to India Five-Fold,” Dow Jones Newswires, September 7, 2004. According to this article, the company sold 1.3 million packets of Bt seeds in 2004, compared to 230,000 in 2003.

25. Daniel Charles, Lords of the Harvest: Biotech, Big Money, and the Future of Food (Cambridge, MA: Perseus, 2002), 182. notes to pages 297–304 355

26. Michael Pollan, “Playing God in the Garden,” New York Times Magazine, October 25, 1998.

27. “Farmers Violating Biotech Corn Rules,” Associated Press, January 31, 2001.

28. Susan Lang, “Seven-Year Glitch: Cornell Warns that Chinese GM Cotton Farmers Are Losing Money Due to ‘Secondary’ Pests,” Cornell Chronicle Online, July 25, 2006, www.news.cornell.edu/stories/July06/Bt.cotton.China.ssl.html.

Friday, May 22, 2015

Tại sao người Mỹ da màu chống lại TPP?

Trong khi tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ đang tìm mọi cách để thúc đẩy TPP thì các đồng bào cùng màu da của ông lại kịch liệt phản đối hiệp định đó. Mời bạn đọc theo dõi bản dịch bài viết "Black America and the Political Economy of Neoliberal Trade Deals" của tác giả Ajamu Baraka để biết chi tiết.

Người Mỹ da màu và kinh tế chính trị của hiệp định thương mại tân tự do

Tổng thống Obama và phe dân chủ doanh nghiệp vẫn tiếp tục thúc ép quốc hội giao cho Obama quyền thúc đẩy thương mại (TPA), hay còn được gọi là ủy quyền theo dõi nhanh, để hoàn tất hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn đứng đầu bảng của thứ độc hại được gọi là hiệp định thương mại tự do. 

Trang web Xả nước TPP (1), một nguồn chủ chốt của phong trào chống TPP mô tả TPP là: “Một hiệp định thương mại bí mật … đe dọa phá hủy nền dân chủ bằng cách đưa cánh tay quyền lực của doanh nghiệp vào mọi lĩnh vực của đời sống, từ an toàn thực phẩm và môi trường, tới quyền của người lao động và tiếp cận bảo hiểm y tế, TPP còn hơn cả thương mại. Đó là một vụ đảo chính toàn cầu của doanh nghiệp.”

Trong quá trình tổ chức phản công để ngăn cản ủy quyền theo dõi nhanh cho tổng thống Obama nhằm hoàn tất TPP và tuồn nó vào quốc hội ở phía sau lưng người dân, tôi viết về sự thật cho thấy trong một số nhóm da màu có sự lưỡng lự khi phải đưa ra sự ưu tiên cho TPP, đó là một vấn đề quan trọng của người Mỹ gốc Phi.

Mặc dù vậy, suốt tuần qua các tổ chức của người Mỹ gốc Phi đã tập hợp vào phía phản đối TPP và quyết định rằng đánh bại nó là sư ưu tiên trước mắt của người da màu, ngay cả khi một số thành viên của Khối Nghị Sĩ Da Màu đang dao động trong sự đối lập ban đầu của họ dưới sức ép của chính quyền Obama. 

Saladin Muhammad, nhà tổ chức công đoàn lâu năm, cựu thành viên của Phong Trào Giải Phóng Người Da Màu và người phát ngôn của tổ chức Công Nhân Da Màu vì Công Lý, tóm tắt quan điểm của một số nhà hoạt động da màu, những người coi chủ nghĩa tư bản tân tự do là kẻ thù: “các chính sách cơ bản của chủ nghĩa tư bản toàn cầu như TPP, phải bị giai cấp lao động da màu phản đối và đấu tranh như là một phần của nỗ lực giải phóng người da màu và thay đổi xã hội.”

Logic trong bình luận của Saladin dựa trên phân tích phê phán về quan hệ giữa người Mỹ gốc Phi và kinh tế chính trị tư bản chủ nghĩa, cho rằng việc hạ thấp các điều kiện tồn tại của giai cấp lao động da màu ở Hoa Kỳ được sản xuất và tái sản xuất ra như là kết quả của logic nội tại của hệ thống này.

Do sự hạ thấp và phi nhân hóa các điều kiện đặc trưng cho sự tồn tại của giai cấp lao động da màu đã được hệ thống này thừa hưởng và không thể thay đổi bằng các cải cách của chủ nghĩa tư bản tự do, vị trí chống tư bản là vị trí chính trị hợp lý duy nhất mà người Mỹ gốc Phi có thể đặt mình vào.

Chủ nghĩa tư bản chứ không phải văn hóa 

“Sự hình thành hiện nay của cái được gọi là hiệp định “thương mại tự do” là phiên bản tân tự do đẹp đẽ và lịch thiệp nhất của những thứ tương tự. Đối với đại đa số người lao động da màu, những người đang héo mòn mà không có trợ cấp ở dưới đáy của nền kinh tế, những thỏa thuận như vậy chỉ thúc đẩy sự bóc lột kéo dài, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thú vật, phá hủy các công việc tốt và các cơ hội bình đẳng.”

— Jaribu Hill, Giám đốc điều hành Trung Tâm Nhân Quyền của Công Nhân

Trái với thứ văn hóa của sự nghèo khổ vô nghĩa mà Obama và đám tân bảo thủ của ông ta đưa ra để giải thích tại sao người Mỹ gốc Phi tham gia vào sự phản kháng “không được chấp nhận” ở những nơi như Baltimore, nguồn gốc thật sự của các điều kiện sản sinh ra sự phản kháng nằm trong phạm vi bối cảnh của các chính sách tân tự do tương tự mà Obama và TPP đã áp đặt. 

Một số các học giả đã khẳng định rằng toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa có tác động rất tiêu cực đến người Mỹ gốc Phi trong bốn thập kỷ qua.

Tái cơ cấu tân tự do kinh tế quốc gia bắt đầu vào những năm 1970 và được tăng tốc dưới thời Reagan vào những năm 1980 đưa đến một thời kỳ kinh tế đình trệ và suy thoái ở Hoa Kỳ, mà từ đó chúng ta chưa bao giờ hồi phục. Không phải là cuộc đời trải đầy hoa hồng cho những người Mỹ gốc Phi di cư bỏ trốn các điều kiện tồi tệ của phương Nam trong Thế Chiến thứ II và những năm sau đó. Mặc dù vậy, cũng có một số tiến bộ tương đối về kinh tế tuy không đồng đều, vào thời kỳ ngay sau chiến tranh thì người Mỹ gốc Phi còn có thể kiếm được công việc ở vùng trung tâm công nghiệp của đất nước.

Tuy vậy, hoàn cảnh luôn bấp bênh của công nhân da màu và sự tương đối yếu của tầng lớp trung lưu da màu đã biến thành sự khủng hoảng nghiêm trọng sau khi chủ nghĩa tư bản sụp đổ vào năm 2008.

Nhiều gia đình và cá nhân trong mọi lĩnh vực của xã hội phải trải qua các tác động tàn phá của khủng hoảng kinh tế - ngoại trừ giới siêu giàu – cuộc khủng hoảng đối với Mỹ gốc Phi thực sự là một thảm họa. 

Tổn thất về của cải, thu nhập và sự tham gia lực lượng lao động đã tước đi một phần lớn quân số của tầng lớp trung lưu da màu nhỏ bé và dễ tổn thương, đẩy công nhân da màu vào sự nghèo khổ vô vọng. Tuy vậy, cuộc khủng hoảng mới nhất của chủ nghĩa tư bản đã tiết lộ một số điều đáng sợ hơn về công nhân da màu.

Khủng hoảng kinh tế không chỉ tước đi sự giàu có ảo tưởng được tạo ra bằng tín dụng dễ dãi cho đa số công nhân, những người chưa từng thấy lương thực tế tăng lên trong nhiều thập kỷ và phải nhặt nhạnh từng đồng, mà nó cũng vô tình tiết lộ sự thật câm lặng đối với đại đa số người lao động thất nghiệp da màu: họ bị loại khỏi danh sách “đạo quân thất nghiệp dự trữ” – lao động sẵn sàng được thuê khi nền kinh tế hồi phục – và đưa sang danh sách lao động dư thừa. Điều cay đắng đó có nghĩa là người da màu trở thành lực lượng lao động và dân cư không còn được cần đến trong nền kinh tế của Hoa Kỳ.

Hiện nay tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam giới da màu đang ở mức thấp kỷ lục. Tình cảnh của phụ nữ da màu còn bấp bênh hơn, mặc dù tỷ lệ lao động của họ có chút cao hơn. Tuy vậy, tỷ lệ tham gia vào nền kinh tế tăng lên của phụ nữ da màu cũng cho thấy sự thật là họ đang phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn khi không chỉ chăm sóc cho bản thân mà còn phải chăm sóc cho con cái. Linda Burnham đã chỉ ra một hiện tượng kinh tế bổ sung mà phụ nữ da màu phải đối mặt và điều đó là bởi vì phụ nữ da màu tập trung quá đông trong các khu vực lương thấp, họ phải chịu đựng cả sự phân biệt về giới tính lẫn chủng tộc trong tiền lương.

Bị hạn chế trong khu vực dịch vụ lương quá thấp và bất ổn nên không có gì ngạc nhiên khi sự nhóm vô gia cư tăng trưởng nhanh nhất ở Hoa Kỳ là phụ nữ và trẻ em da màu.

Toàn cầu hóa tân tự do cũng có tác động tàn phá đối với người lao động ở những thành phố như Baltimore. Các cộng đồng bị chia rẽ và nghèo đói tồn tại ở thanh phố này không chỉ dẫn đến việc các ông bố không ở nhà hay người da màu không nắm bắt được cơ hội mà còn trực tiếp tạo ra sự tổn thất 100.000 việc làm chế tạo và liên quan đến cảng biển không thuộc công đoàn ở Baltimore, khi những công việc này được doanh nghiệp và tư bản tài chính chuyển ra khỏi Hoa Kỳ. Việc đóng của xưởng Sparrows của hãng thép Bethlehem với 35.000 lao động và sự cắt giảm quy mô lớn các công việc ở cảng là những đòn khiến cộng đồng người lao động ở Baltimore không bao giờ hồi phục. 

Hiện thực kinh khủng mà ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Phi phải đối mặt là Hoa Kỳ tiếp tục chuyển sang nền kinh tế lao động ít kỹ năng, lương thấp, lực lượng lao động cũng bị thu hẹp, kết quả là phần lớn công nhân da màu và người nghèo không thể kiếm được một công việc toàn thời gian trong suốt cuộc đời của họ!

Những ai đủ may mắn để kiếm được một công việc, những công việc mới được dự tính ở Hoa Kỳ sẽ là những việc lương thấp như đồ ăn nhanh, sơ chế thực phẩm, bán lẻ và trợ giúp chăm sóc sức khỏe.

Sự đoàn kết Bắc-Nam trong nỗ lực chấm dứt áp bức toàn cầu

Khủng hoảng hệ thống của chủ nghĩa tư bản dẫn đến các ông trùm tài chính và chủ nghĩa tư bản tự do xếp hàng để được nhà nước giải cứu trong năm 2008 đã cho thấy sự thất bại rõ ràng của chủ nghĩa tư bản tân tự do trong vai trò là chiến lược dài hạn, thiết yếu cho sự tiến bộ của chủ nghĩa tư bản.

Điều này đúng ở trung tâm chủ nghĩa tư bản cũng như các thành phần của hệ thống toàn cầu. Đó là lý do người da màu phản đối các hiệp định thương mại tân tự do không chỉ dựa vào vào các tác động tiêu cực của chúng đối với người da màu ở Hoa Kỳ mà còn dựa vào sự thừa nhận về một chương trình chung với những người dân bị bóc lột và bị đô hộ trên thế giới trong việc chấm dứt sự áp bức toàn cầu của chủ nghĩa tư bản.

Việc chống lại TPP và thương mại tự do phải được nhìn từ quan điểm đấu tranh thống nhất đối với sự củng cố tiếp theo của đế quốc Hoa Kỳ. Jaribu Hill nhắc nhở chúng ta rằng “tự do là tên gọi nhầm của kiểm soát và duy trì status quo, luôn đòi hỏi những người bị áp bức phải chịu đựng hơn nữa đồng thời tối đa hóa lợi nhuận được tạo ra trên lưng của họ và tổn thất an sinh của họ, đúng vậy đấy, cuộc sống của họ.” 

Người da màu phản đối TPP bởi vì chúng ta hiểu rằng công nhân ở Việt Nam, trước hết là phụ nữ, đã được sắp đặt cho siêu bóc lột trong các điều khoản của hiệp định đó. Chúng ta hiểu rằng với hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) thì hàng triệu nông dân đã bị đẩy khỏi đất đai của họ ở những nơi như Oaxaca, Mexico và trở thành những người nghèo đô thị không đất đai ở Mexico hoặc làm việc bất hợp pháp ở Hoa Kỳ với đồng lương nô lệ. 

Chúng ta chống lại TPP bởi vì thương mại tự do tân tự do giữa Hoa Kỳ và Colombia đã dẫn đến sự gia tăng mất đất của người Colombia gốc Phi cũng như đất đai của họ bị đánh cắp cho các hầm mỏ bất hợp pháp và sự mở rộng chế biến dầu cọ và mía đường cho nhiên liệu sinh học để cung cấp cho thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ.

Ngay cả khi tầng lớp thống trị của những đất nước tham gia hiệp định quy phục Chú Sam thì chúng ta vẫn chống lại TPP với danh nghĩa của nhân dân ở Nam bán cầu.

Đối với những người hỏi tại sao người da màu hoài nghi và chống lại các hiệp định thương mại tự do, chúng ta chỉ vào lịch sử và nói rằng nếu có bất cứ ai trên hành tinh cần hoài nghi cái được gọi là thương mại tự do thì đó phải là hậu duệ của những người đã bị chế độ thương mại dã man nhất trong lịch sử trái đất làm tổn hại. (2) 

Ajamu Baraka is interviewed in Episode 3 of CounterPunch Radio, available for free here.

Ajamu Baraka is a human rights activist, organizer and geo-political analyst. Baraka is an Associate Fellow at the Institute for Policy Studies (IPS) in Washington, D.C. and editor and contributing columnist for the Black Agenda Report. He is a contributor to “Killing Trayvons: An Anthology of American Violence” (Counterpunch Books, 2014). He can be reached at www.AjamuBaraka.com

Chú thích của người dịch:

(1): Tên của tổ chức này có nghĩa là xả nước bồn cầu, ý muốn nói TPP là một thứ rác rưởi cần được được xả nước cho trôi đi.
(2): Tác giả muốn ám chỉ chế độ buôn bán nô lệ da màu trước kia.

Wednesday, May 20, 2015

Việt Nam: Chiến tranh vẫn chưa qua đi

Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa kết thúc ở nước Mỹ, ít nhất là với chính quyền và truyền thông của họ, cuộc chiến dai dẳng của những người Mỹ tiến bộ chống lại âm mưu xét lại cuộc chiến về mặt lịch sử để biện minh cho sự sai trái của chính quyền vẫn tiếp tục. Đó là nội dung bài viết "Vietnam: The war that won’t go away" của tác giả Don North đăng trên tạp chí Coldtype số 98 tháng 5 năm 2015.

Việt Nam: Chiến tranh vẫn chưa qua đi

Chiến tranh diễn ra hai lần, lần thứ nhất trên chiến trường và lần thứ hai trong hồi tưởng. Theo cách đó, chiến tranh Việt Nam – mặc dù nó đã kết thúc trên chiến trường 40 năm trước đây – vẫn tiếp tục là cuộc chiến của hồi ức, lịch sử và sự thật. Phần đặt cược vẫn cao. Những tường thuật trung thực nhất về các sự kiện quan trọng của quá khứ có thể phác thảo định mệnh của chúng ta, giúp ích cho việc quyết định xem có nên có thêm chiến tranh hay hòa bình. Vài năm trước đây, tôi vui mừng khi được biết Lầu Năm Góc tài trợ cho một ủy ban kỷ niệm chiến tranh Việt Nam. Tôi cho rằng cuối cùng chúng ta cũng có thể ghi nhận một cách thẳng thắn. Nhưng tôi không cần phải đọc thêm gì ngoài các trích dẫn chủ chốt trên đầu website mới để biết điều đó không xảy ra.

Trích dẫn tổng thống Richard Nixon, đó là: “Không có sự kiện nào trong lịch sử bị hiểu nhầm nhiều hơn chiến tranh Việt Nam. Nó đã bị tường thuật sai lệch vào lúc đó và giờ thì bị hiểu nhầm.”

Tôi thuộc về nhóm nhỏ các nhà báo đưa tin về cuộc chiến. Chúng tôi tự gọi bản thân là “Những gã bồi bút già của Việt Nam” và chúng tôi đã thực hành kha khá công việc mà đoạn trích dẫn đề cập kể từ khi nó bất tử hóa điều hoang đường rằng cuộc chiến tranh sẽ không thất bại nếu không có những từ ngữ làm nản lòng của một số phóng viên. Tôi viết một lá thư cho chủ tịch ủy ban kỷ niệm, trung tướng nghỉ hưu Claude Kicklighter, phản đối sự vu khống đối với hàng ngàn nhà báo, những người đã cố gắng đưa tin trung thực về cuộc chiến, một lời vu khống của tổng thống Hoa Kỳ, người đầu tiên phải chịu trách nhiệm cho việc đánh lừa công chúng về chiến tranh.

Tôi đã quấy nhiễu ủy ban nhiều tháng nhưng họ chỉ miễn cưỡng rút lại đoạn trích dẫn. Tôi tranh thủ tình cảm của những người bạn ở Trung Tâm Lịch Sử của Quân Đội Hoa Kỳ, những người đề xuất với ủy ban là đoạn trích dẫn không thể chấp nhận được. Sau sáu tháng với những lý lẽ sắc bén, cuối cùng họ cũng rút lại đoạn trích dẫn. Nhưng nhiều điều hoang đường và lừa dối về chiến tranh Việt Nam vẫn còn ở trên website. 
————————
Bốn thập kỷ trước đây Hoa Kỳ gánh chịu thất bại trong một cuộc chiến không thể thắng, chống lại một quốc gia mà họ thực sự chẳng biết gì và ở đó họ không có các lợi ích sống còn. Sau những vô vọng ở Việt Nam thì việc lặp lại một cách kiêu ngạo những năm tháng điên rồ sau đó ở Afghanistan và Iraq là không thể tha thứ. Một bài học mà quân đội Hoa Kỳ đã học được ở Việt Nam là hình ảnh và bài viết có thể mang tới tác động tàn phá và dẫn đến yêu cầu trách nhiệm giải trình. Dường như các phóng viên chiến tranh sẽ không bao giờ còn được tiếp cận chiến tranh tự do như chúng tôi từng có ở Việt Nam.

Điều gì sai? Một trong những điều hoang đường phổ biến và dai dẳng là Hoa Kỳ đã bị các phóng viên không trung thành lừa dối. Ngay cả tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam, tướng William Westmoreland, cũng bám lấy câu chuyện cũ rích đó.

Có vẻ như cho dù các nhà sử học – thậm chí là sử học quân sự - phản đối điều hoang đường đó bao nhiêu lần đi nữa, họ ghi nhận rằng báo chí Hoa Kỳ đã thực hiện tương đối tốt việc đưa tin về một cuộc chiến tranh phức tạp và nguy hiểm, thì cũng chả hề hấn gì. Điều hoang đường về các nhà báo không trung thành, họ phải bị trừng phạt, là thứ cần thay đổi để chiến thắng của Hoa Kỳ quay trở lại.

Cuộc sống của tôi ở Việt Nam

Tôi đến Việt Nam vào tháng 5 năm 1965, là một phóng viên trẻ và háo hức từ Canada. Tôi cũng giống như hàng trăm người sẽ trở thành nhà báo khác, đi tới chiến trường để đưa tin về chiến tranh như những người hành nghề tự do, chuyển đến khi cuộc chiến tranh đàn áp nổi dậy biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện ở Châu Á. Giống như nhiều người trong số chúng tôi, đầu tiên tôi cũng tin vào lý lẽ của Washington – bảo vệ nền dân chủ nhỏ bé khỏi sự chiếm đoạt của những người Cộng Sản và khởi đầu chuỗi domino đổ ở Châu Á.

Mặc dù vậy, sự thật không cần lâu để học. Vào lúc đó, Hoa Kỳ đã hưởng lợi từ một số nhà báo nổi bật, những người thực hiện công việc của họ nghiêm túc – và nhiều người ở mặt trận, đưa tin về khoảng cách giữa màn PR sặc sỡ và thực tế khắc nghiệt.

Ví dụ người bạn của tôi, David Halberstam của tờ New York Times, nói với tôi về trận chiến lịch sử ở châu thổ sông Mekong vào cuối năm 1962 khi thực tế trận chiến đã trở thành bằng chứng. Hàng trăm máy bay trực thăng Hoa Kỳ đã đến Việt Nam, hứa hẹn một sự vượt trội về công nghệ mới để đánh bại Việt Cộng. Vào ngày đầu tiên của trận chiến, một số Việt Cộng bị giết. Vào ngày thứ hai, một cuộc tấn công khổng lồ bằng máy bay trực thăng được tiến hành nhưng không có gì xảy ra. Vào ngày thứ ba, điều tương tự diễn ra, không kẻ thù, không chiến trận. Trên đường trở về Sài Gòn, Neil Sheehan, sau đó với UPI, càu nhàu về sự lãng phí thời gian. Homer Bigart, một phóng viên của tờ New York Times có kinh nghiệm từ Thế Chiến thứ II nói, “Có vấn đề gì vậy, ngài Sheehan?” Sheehan cằn nhằn về việc mất ba ngày bay trên các cánh đồng lúa và không có câu chuyện nào để viết. “Không có chuyện gì”, Bigart bình luận hơi có chút ngạc nhiên. “Nhưng có chuyện đấy. Chiến dịch không thành công. Đó là câu chuyện, thưa ngài Sheehan.”

Chiến lược của Hoa Kỳ ở Việt Nam không thành công, chưa từng thành công bất cứ khi nào. Nhưng cái giá của sự điên rồ rất cao. Người Việt Nam phải gánh chịu 2 triệu cái chết của thường dân, nhiều người chết trong các trận bom lớn nhất trong lịch sử. Theo nhiều cách, những lính trẻ Hoa Kỳ, những người bị ném vào Việt Nam, cũng là nạn nhân khi họ thấy bản thân chỉ được chuẩn bị một cách tồi tàn cho trận chiến đàn áp khắc nghiệt và tàn bạo, thường diễn ra trong các ngôi làng với phụ nữ và trẻ em. 58.000 binh lính Hoa Kỳ đã chết trong cuộc chiến và nhiều người bị tổn thương thể chất hoặc tâm lý.

Việt Nam không phải hoàn toàn là câu chuyện cũ. Bom mìn chưa nổ, ung thư do hóa chất gây ra và di chứng của chất độc màu da cam tiếp tục giết hại, làm bị thương và gây dị dạng. Nick Turse, người viết cuốn sách “Giết hết mọi thứ động đậy,” đã khẳng định: “Việc Hoa Kỳ sử dụng một cách nhẫn tâm sức mạnh gây ra tổn thất dân sự ở Việt Nam là yếu tố cốt lõi của cuộc chiến tranh. Tôi hỏi xem Henry Kissinger của ngày hôm nay, nhóm quản lý chiến tranh mới nhất của Washington, có sẵn sàng thừa nhận điều đó hơn Kissinger của ngày hôm qua không.”
————————
Tôi vừa trở về sau chuyến đi Việt Nam và Campuchia kéo dài 3 tuần và thấy rằng có nhiều người ở Việt Nam cũng như ở Hoa Kỳ vẫn chưa sẵn sàng nghe những tiếng nói trung thực về cuộc chiến tranh.

Trong một cuộc chiến đầy những điều bất ngờ, không có bất ngờ nào lớn hơn cuộc tấn công đại sứ quán Hoa Kỳ trong dịp Tết vào ngày 31 tháng 1 năm 1968. Các chuyên gia phân tích quân sự nói rằng cách duy nhất để tạo ra một bất ngờ quyết định trong chiến tranh là làm điều gì đó thật sự ngớ ngẩn, 15 đặc công Việt Cộng thực hiện cuộc tấn công vào đại sứ quán được huấn luyện tồi và thiếu chuẩn bị, nhưng tác động của nó đã tạo ra một bước ngoặt của chiến tranh và trở thành một đoạn đáng chú ý trong lịch sử quân sự.

Ngày nay tòa đại sứ Hoa Kỳ từng đứng vững trong cuộc tấn công đã bị phá bỏ và thay thế bằng một lãnh sự Hoa Kỳ hiện đại. Một phiến đá nhỏ trong vườn, xa cách công chúng, ghi tên của bảy lính thủy và một cảnh sát quân sự đã chết ở đây. Trên vỉa hè bên ngoài cửa lãnh sự là một đài tưởng niệm bằng gạch khắc tên những đặc công việt cộng và các điệp viên đã chết. 

Tôi không thể hình dung được khung cảnh mà PFC quân đội Hoa Kỳ Bill Sebast và đặc công Việt Cộng Nguyễn Văn Sáu, hai người lính đã chết ở hai phía tường của đại sứ quán, có thể quay trở lại để ngạc nhiên về sự tiến bộ kinh tế của Sài Gòn, với việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã bỏ qua sự thù hằn cũ để trở thành các đối tác thương mại đáng giá.

Lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam đối xử với những gã bồi bút già chúng tôi như những người đáng để biết, quan tâm tới kiến thức của chúng tôi về cuộc chiến đẫm máu mà chúng tôi từng đưa tin. Sự thật là Việt Nam hiện nay quan ngại hơn về người hàng xóm khổng lồ Trung Quốc ở phía bắc, thậm chí tìm kiếm ở Hoa Kỳ một sự đối trọng với khuynh hướng gia tăng sự ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Phán xét nhà báo 

Thế còn đề xuất mới đây của Lầu Năm Góc về việc cánh nhà báo chúng ta “đưa tin sai về chiến tranh”? Tôi có hài lòng với việc đưa tin của mình về chiến tranh Việt Nam không? Không. Tôi cho rằng đầu tiên là sự ngu dốt về lịch sử và văn hóa Việt Nam và sau đó là sự giới hạn của tin tức truyền hình đôi khi che dấu sự thật. Một phút rưỡi là tối đa cho một tin tức buổi tối. Gần như không đủ thời gian để mô tả các sự kiện phức tạp của chiến tranh Việt Nam. 

Tôi cũng biết các biên tập viên của ABC News ở New York miễn cưỡng đưa tin tiêu cực về chiến tranh. Các tường thuật phê phán đã bị loại bỏ thẳng thừng hoặc biến mất một cách bí ẩn trước giờ lên sóng. Chỉ có một sự kiểm duyệt duy nhất mà tôi từng thấy ở hãng thông tấn của mình. Tại đại sứ quán Hoa Kỳ, khi đặc công Việt Cộng cuối cùng bị giết hay bị bắt, tôi nhanh chóng quay phim một “đoạn độc thoại”. Để kết thúc bản tin, tôi nói, “Kể từ Tết âm lịch, Việt Cộng và người Bắc Việt đã chứng tỏ rằng họ có thể đạt được những hoạt động quân sự mạnh mẽ và ấn tượng mà người Mỹ không bao giờ có thể tưởng tượng được. Họ cũng cho thấy có thể theo đuổi cuộc chiến tranh này một cách lâu dài.

“Điều thay đổi cuộc chiến đã diễn ra, việc chiếm giữ tòa đại sứ Hoa Kỳ trong bảy giờ đồng hồ là một thắng lợi tinh thần sẽ thu hút và khích lệ Việt Cộng. Don North của ABC News Sài Gòn.”

Phân tích tức thời của tôi không bao giờ được lên sóng ở ABC News. Tôi bị cáo buộc là “biên tập” và đoạn độc thoại bị một số nhà sản xuất loại bỏ khỏi chương trình tin tức buổi tối. Mặc dù vậy, nực cười là đoạn độc thoại cùng với những trích đoạn khác nằm trong “Thư viện Simon Grinberg của ABC” sau đó đã được nhà sản xuất Peter David tìm thấy và sử dụng cho bộ phim được giải của Viện Hàn Lâm “Những trái tim và tâm hồn”

Rõ ràng là sự thật về chiến tranh Việt Nam thường xuyên bị che giấu nhưng không phải theo kiểu trong trích dẫn của Nixon. Hầu hết tin tức của truyền thông Hoa Kỳ về cuộc chiến tranh đều quá lạc quan – không phải là quá khắc nghiệt. Báo chí chính xác hơn đã thường xuyên phản đối điều mà Neil Sheehan sau đó gọi là “Lời nói dối tỏa sáng,” một khúc PR lạc quan cho cuộc chiến tranh sai lầm.

Không có gì được học 

Những bài học về Việt Nam - được thảo luận vô vọng suốt nửa thế kỷ - đã dạy Washington rất ít nên những kẻ diều hâu hiếu chiến ngày nay lặp lại những sai lầm tương tự như Việt Nam ở Afghanistan và Iraq – sự ngạo mạn tương tự, sự lệ thuộc tương tự vào công nghệ và tuyên truyền, sự ngu dốt tương tự về văn hóa nước ngoài phức tạp.

Đâu là bài học thật sự đã được học về báo chí trong chiến tranh Việt Nam? Bất chấp sự khó khăn, kiểm duyệt và sự hoang mang của chiến tranh, tôi tin rằng nhiều bản tin của chúng tôi về Việt Nam là chính xác và đã đứng vững với sự thử thách của thời gian. Mặc dù vậy, các bản tin chiến tranh của Hoa Kỳ ngày nay có cải thiện chính sách đối ngoại Hoa Kỳ chút nào không?

Mark Twain đã có lần viết về thứ mà tôi cho là nghịch lý chủ chốt của thời đại chúng ta. Ông nói, “Nếu bạn không đọc báo thì bạn thiếu thông tin. Nếu bạn đọc báo thì bạn bị thông tin sai.”

Phóng viên vĩ đại A. J. Liebling của tờ Baltimore Sun đã có lần nói, “Báo chí là cái giát giường yếu của chiếc giường dân chủ.” Bill Moyes, khi còn ở PBS, đã mượn ý tưởng của Liebling, khi ông viết: “Sau cuộc xâm lược Iraq, chiếc giát gường đã gẫy và một số người mới nằm trên giường ngã ra sàn … các nhà báo chính quyền, những kẻ luận chiến tân bảo thủ, các học giả bâu xâu, những kẻ khiêu chiến cánh hữu phất lá cờ đầu lâu xương chéo của “sư đoàn cân bằng và công bằng.” Những khẩu súng phòng không của chính quyền có những lỗ hổng bị che dấu chế tạo ra những lời dối trá … tất cả nô đùa trên tấm nệm trong màn dạo đầu của dịch bệnh. 

Hàng ngàn người thiệt mạng và hàng tỷ dollar sau đó, đa số những người đồng mưu truyền thông dính líu vào “hành động tàn bạo” vẫn tỏa sáng, vẫn được chào đón, vẫn được giữ lại mà lời xin lỗi không khác gì một người dự báo thời tiết sai lầm về nhiệt độ trong ngày tiếp theo. 

Dạng tương tự của “tư tưởng nhóm” và thù địch với người có ý kiến đối lập đã cho thấy sự tai hại ở Việt Nam nửa thế kỷ trước đây và ở Iraq một thập kỷ trước đây lại một lần nữa là lá số tử vi của Washington ngày nay. Tờ New York Times và Washington Post nằm trên bậc cửa nhà tôi mỗi ngày và tôi bị thôi thúc đọc xem hệ tư tưởng tân bảo thủ đã nắm quyền kiểm soát trang xã luận ra sao, một sự phát triển khiến mọi người Mỹ lo ngại. Sức mạnh quân sự không thể tránh khỏi được khuyến nghị trước hết, thay vì là giải pháp cuối cùng. Đề xuất về việc xem xét cuộc xung đột từ các quan điểm khác bị coi như là đầu đất và không phải người Mỹ. Trái lại, rất đơn giản để nói hung hăng và phất cờ, trong khi phung phí tiền thuế quốc gia vào các trang thiết bị quân sự và phiêu lưu quân sự, ngay cả khi hàng triệu gia đình Hoa Kỳ tuột xuống bờ vực nghèo đói. 

Ở West Point và tháng 5 vừa qua, tổng thống Obama thừa nhận, “Một trong những sai lầm đắt giá nhất của chúng ta là từ sự sẵn sàng lao vào các cuộc phiêu lưu quân sự mà không hề nghĩ tới hậu quả, chứ không phải từ sự kiềm chế. Cho dù chúng ta là cái búa tốt nhất thì điều đó không có nghĩa là mọi vấn đề đều là chiếc đinh.”

Don North is a veteran war correspondent who covered the Vietnam War and many other conflicts around the world. He is the author of a new book, “Inappropriate Conduct,” the story of a Canadian World War II correspondent whose career was crushed by the intrigue he uncovered.

Chính quyền Hoa Kỳ đã diễn bài "mượn gió bẻ măng" ra sao?

Những vụ đột nhập được coi là của Nga đang trở thành cái cớ để chính quyền biện minh cho việc kiểm soát gắt gao hơn nữa người dân Mỹ. Đó là nội dung bài viết "Who hacked White House" của Justin Raimondo đăng trên tạp chí ColdType số 98 tháng 5 năm 2015. Tiêu đề do người dịch đặt

Khi vụ đột nhập hệ thống máy tính của hãng Sony tạo ra một mớ hỗn độn nực cười, một số “chuyên gia” con cưng của chính quyền đã nhanh chóng lên án Bắc Triều Tiên. Lý do: Do Sony phát hành một bộ phim tuyên truyền chống Triều Tiên, rõ ràng là Vua Jong-un phải chịu trách nhiệm cá nhân. Bên cạnh đó, vụ tấn công có vẻ như xuất phát từ khu vực không gian ảo mà siêu cấu trúc Internet đáng khinh của Triều Tiên tọa lạc. 

Chỉ có một vấn đề với kịch bản thật là dễ chịu này: nó chả có gì ngoài giả định. Một số chuyên gia máy tính – không có liên hệ với chính quyền – đã kịch liệt phản đối giải thích này, ngược lại đã chỉ ra sự thoải mái mà kẻ đột nhập xâm nhập vào hệ thống cho thấy đó chắc chắn là một công việc ở bên trong, công việc của một nhân viên với kiến thức chuyên sâu về hệ thống và là một sự trả thù đối với Sony. Thực tế là cá nhân đó đã nhanh chóng được xác định: một cựu nhân viên mới bị sa thải và thề sẽ trả thù. Mặc dù vậy, Washington với lý do riêng đã phớt lờ bằng chứng hiếm hoi đó và bám lấy câu chuyện của họ: các “chuyên gia” con cưng, những người có lợi ích kinh tế riêng trong việc thổi phồng “mối đe dọa” giả định do những kẻ đột nhật phục vụ cho kẻ thù nước ngoài gây ra – tất cả đều để đảm bảo rằng từng đồng tiền thuế nhỏ sẽ tiếp tục đổ đầy túi của họ.

Giờ chúng ta có một vụ đột nhập khác, được cho là đến từ Nga. Tờ New York Time đưa tin:

“Việc một số thư điện tử của tổng thống Obama đã bị các hacker Nga thu gom thông qua một lỗ hổng của hệ thống máy tính bí mật của Nhà Trắng không chỉ là đột nhập và phiền nhiễu như đã được thừa nhận công khai, theo một kết luận ngắn của quan chức cấp cao Hoa Kỳ trong cuộc điều tra.” 

Không hề có một mẩu bằng chứng nào như danh tính hay quốc tịch của hacker được đưa ra ngoại trừ sự khẳng định của các quan chức chính quyền nặc danh. Chúng ta phải chờ cho đến 7 đoạn sau để đọc được rằng họ “phỏng đoán là có liên hệ với chính quyền Nga, nếu không phải là làm việc cho chính quyền Nga.”

Một vài đoạn sau đó, ở gần cuối cùng, chúng ta thấy:

“Đây là một trong những kẻ đột nhập tinh vi nhất mà chúng ta từng gặp,” một quan chức Hoa Kỳ cấp cao kết luận ngắn về cuộc điều tra.

“Những người khác xác nhận rằng vụ đột nhập Nhà Trắng được coi là nghiêm trọng khiến các quan chức họp hầu như hàng ngày vài tuần sau khi nó bị phát hiện. “Đó là âm mưu của Nga trong vụ quấy rối đặc biệt này”, một quan chức cấp cao khác nói.

“Trong khi các nhóm đột nhập Trung Quốc được biết thường thu gom một khối lượng lớn thông tin thương mại và thiết kế, các hacker giỏi nhất của Nga có khuynh hướng che dấu giấu vết tốt hơn và tập trung vào các các mục tiêu đặc biệt, thường là mục tiêu chính trị. Vụ đột nhập diễn ra vào thời điểm tái diễn sự căng thẳng với Nga – về sự sáp nhập Crimea, sự có mặt của quân đội Nga ở Ukraina và sự tái diễn tuần tra quân sự của Nga ở Châu Âu, gợi nhớ lại chiến tranh lạnh.”

Được thôi, hãy tóm tắt các bằng chứng được đưa ra trong đoạn này để chỉ vào Nga:

1) Thủ phạm là “những kẻ đột nhập tinh vi.”

2) Đó không thể là người Trung Quốc bởi vì họ chỉ quan tâm tới tiền – thế nên phải là người Nga, bởi vì mục tiêu là chính trị. Bên cạnh đó người Nga “giỏi che dấu dấu vết hơn.” 

3) Thời điểm: “Nó diễn ra vào thời điểm tái diễn căng thẳng với Nga.”

Có thật sự cần phải phơi bày bóng ma ốm yếu của lập luận này? Để bắt đầu, có hàng sa số các “kẻ đột nhập tinh vi” trong thế giới hacker, không phải tất cả trong số họ đều hành động theo lệnh của nhà nước. Thứ hai, nếu thủ phạm trong vụ này đã che dấu tốt các dấu vết của họ thì chúng ta lần theo dấu vết của họ ra sao – và chúng ta chắc chắn đó là người Nga đến mức độ nào? Cũng về câu hỏi thời điểm: chúng ta có thời điểm “căng thẳng” một số lượng lớn kẻ thù quốc tế trong năm qua, bất cứ ai cũng có thể phải chịu trách nhiệm.

Một bài bào khác về sự kiện trên tờ Motherboard còn nực cười hơn nữa.

“Các nhà nghiên cứu an ninh nói rằng học đã tìm được bằng chứng xác thực kết nối vụ tấn công với chính quyền Nga, hay ít nhất là với hacker Nga.

“Chiến dịch nhằm vào Nhà Trắng, có biệt danh CozyDuke, có code, cơ sở hạ tầng và lợi ích chính trị tương tự như các cuộc tấn công trong quá khứ có liên hệ với hacker Nga, có thể làm việc cho chính quyền, các nhà nghiên cứu nói.”

“Các cuộc tấn công trong quá khứ có liên hệ với hacker Nga” – với bằng chứng nào? Nếu có ví dụ về sự thiên kiến thì đây chính là nó. “Code tương tự” và “cơ sở hạ tầng”? Đừng làm tôi buồn cười: code của virus được phán tán miễn phí và phổ biến rộng rãi. Bất cứ ai cũng có thể phát triển loại virus đánh cắp thông tin đã được đưa vào hệ thống máy tính của Nhà Trắng và Bộ Ngoại Giao. Còn về “lợi ích chính trị” thì hoàn toàn là vô nghĩa: Kremlin là chính quyền duy nhất trên trái đất có động cơ để đột nhập vào hệ thống máy tính của chính quyền Hoa Kỳ? Và điều này trở nên tệ hơn: 

“CozyDuke được thực hiện bởi cùng một nhóm đứng đằng sau các chiến dịch do thám mạng tinh vi như MiniDuke và Cosmic Duke, theo hãng an ninh Kaspersky Lab, có liên hệ với chính quyền Nga trong quá khứ. “MiniDuke và CosmicDuke được “một cơ quan của chính quyền Nga” thực hiện, nhân viên nghiên cứu của F-Secure, một hãng an ninh khác xác nhận vào tháng giêng. Đó là kết luận hầu như dựa trên các mục tiêu của chiến dịch: Những gã buôn ma túy Nga và chính quyền có lợi ích trái ngược với những người ở Nga.”

Hay nói cách khác, đó hoàn toàn là những phân tích phi kỹ thuật, không có bất cứ bằng chứng thực tế nào ngoại trừ các giả định chính trị và “phân tích” nghiệp dư của các “chuyên gia” máy tính hăm hở nói với chính quyền Hoa Kỳ điều mà họ muốn nghe. Đây là cách mà các thiên tài ở F-Secure đi đến kết luận sáng lạng của họ:

“Theo tình huống tham chiếu về các nạn nhân của hành pháp có vẻ như từ Nga và không có nạn nhân đáng giá nào thực sự thân Nga, chúng tôi tin rằng một cơ quan chính quyền Nga đứng đằng sau những chiến dịch này.”

Trái với sự dự đoán chắc chắn ngay từ đầu của đoạn này, đi đến kết thúc thì Mikko Hypponen, lãnh đạo nghiên cứu của F-Secure nói rằng “có thể” là Nga. Ồ, nhưng cũng có thể không…

Mặc dù vậy, Washington không có bất cứ sự nhập nhằng nào. Theo các bản tin, trong bài phát biểu mới đây ở đại học Stanford, bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter khẳng định rằng “các cảm biến trong hệ thống bảo vệ bí mật của Lầu Năm Góc đã phát hiện ra vụ đột nhập của hacker Nga, những người đã khám phá ra một lỗ hổng cũ để tiếp cận. Sau khi nghiên cứu thông tin quý giá về chiến thuật của họ, chúng ta đã phân tích hoạt động mạng lưới của họ, sự liên kết của họ với Nga và sau đó nhanh chóng hất họ ra khỏi hệ thống, theo cách giảm thiểu cơ hội quay trở lại của họ.”

Phải vậy, chắc chắn rồi. Chỉ là sự trùng hợp khi Lầu Năm Góc phát hành một báo cáo “chiến lược mạng” mới, trong đó xác định Nga cùng với Trung Quốc là các thủ phạm lớn cần phải giám sát – dấy lên những mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng mạng, đòi hỏi một số lượng tiền lớn và “chuyên gia” để ngăn chặn. 

Một “sự trùng hợp” khác: Không có ít hơn ba đạo luật “an ninh mạng” quan trọng trong ngăn bàn quốc hội được thiết kế để chuyển giao nhiều hơn các thông tin cá nhân vào bàn tay chờ sẵn của cơ quan an ninh quốc gia và các cơ quan hành pháp, tất cả đều dưới danh nghĩa “bảo vệ” chúng ta khỏi các hacker-ông ba bị-Nga và Trung Quốc. Một lá thư ngỏ mới đây từ hơn 65 chuyên gia và học giả an ninh mạng đáng kính lên án những đạo luật đó là sự xâm nhập không cần thiết vào quyền riêng tư cũng như tạo ra một cảm giác sai lệch về an ninh – và họ kết luận rằng những đạo luật đó cũng khiến chúng ta dễ bị đột nhập hơn. 

Như Trevor Timm khẳng định:

“Các nghị sĩ quốc hội – hầu hết họ không thể đảm bảo an ninh cho website của bản thân và một số trong họ thậm chí không sử dụng thư điện tử - đang cố gắng nhồi nhét đạo luật “an ninh mạng” nguy hiểm vào cổ họng công chúng. Sự riêng tư của mọi người nằm trong tay của những người, với tất cả các chỉ báo, không hiểu gì về những điều mà họ nói. Cuộc chiến tranh lạnh mới với Nga đang lơ lửng trên đầu chúng ta, và luật lệ là: khi có rắc rối thì hãy đổ tội cho Putin. Sự ngờ nghệch về công nghệ của chúng ta – và truyền thông theo đuôi chính quyền sẵn sàng ngả về điều vô nghĩa này. Trong khi tôi không loại trừ bất cứ ai – trong đó có cả những “đồng minh” được tán tụng của chúng ta – khỏi trách nhiệm thì trong trường hợp này tôi nhìn những cáo buộc mang tính phản xạ nhằm vào Kremlin với ánh mắt tức giận.

Justin Raimondo is the editorial director of Antiwar.com, and a senior fellow at the Randolph Bourne Institute. He is a contributing editor at The American Conservative, and writes a monthly column for Chronicles. He is the author of “Reclaiming the American Right: The Lost Legacy of the Conservative Movement” [Center for Libertarian Studies, 1993; Intercollegiate Studies Institute, 2000], and “An Enemy of the State: The Life of Murray N. Rothbard” [Prometheus Books, 2000].

Mười sự thật đáng phiền lòng về Baltimore

Sự nghèo khổ sinh ra từ sự giàu có, đó là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Nước Mỹ giàu có thì cũng luôn có những nơi như Baltimore. Những ngày này người ta được biết đến bạo loạn ở Baltimore được đưa tin trên truyền thông nhưng theo dõi bản dịch "Ten disturbing facts about Baltimore" của tác giả Bill Quigley thì có lẽ bạn sẽ hình dung được những đau khổ thường nhật mà người dân ở Baltimore phải đối mặt. Bài viết được đăng trên tạp chí ColdType số 98 tháng 5 năm 2015.

Mười sự thật đáng phiền lòng về Baltimore

Bạn bị sốc về rối loạn ở Baltimore? Điều gì gây sốc hơn trong đời sống thường ngày ở Baltimore, một thành phố 622.000 dân có 63% là người Mỹ gốc Phi? Đây là 10 con số cho thấy một vài câu chuyện. 

5: Người da màu ở Baltimore có nguy cơ bị bắt vì tàng trữ ma túy cao gấp 5,6 lần người da trắng ngay cả khi việc sử dụng ma túy ở cả hai chủng tộc là tương đương nhau. Hạt Baltimore có tỷ lệ bắt giữ vì tàng trữ ma túy cao thứ năm ở Hoa Kỳ.

5.7: Hơn 5,7 triệu dollar đã được Baltimore thanh toán kể từ năm 2011 trong hơn 100 vụ kiện cảnh sát bạo lực. Nạn nhân của các vụ bạo lực của cảnh sát hầu hết là người da màu và có cả phụ nữ mang thai, một người trợ tế nhà thờ 65 tuổi và một bà lão 87 tuổi.

6: Trẻ sơ sinh da trắng ở Baltimore có triển vọng sống lâu hơn trẻ sơ sinh Mỹ gốc phi ở thành phố 6 năm.

8: Người Mỹ gốc phi ở Baltimore chết vì biến chứng của bệnh HIV/AIDS cao hơn 8 lần so với người da trắng và chết vì các nguyên nhân liên quan đến bệnh tiểu đường cao gấp hai lần so với người da trắng.

8.4: Tỷ lệ thất nghiệp của thành phố là 8,4%. Đa số các ước lượng đều cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở người Mỹ gốc phi cao gấp hai lần người da trắng. Tỷ lệ thất nghiệp quốc gia đối với người da trắng là 4,7%, còn đối với người da màu là 10,1%.

9: Trẻ sơ sinh Mỹ gốc Phi ở Baltimore chết trước khi tròn một tuổi cao gấp 9 lần trẻ sơ sinh da trắng.

20: Là 20 năm chênh lệch trong tuổi thọ trung bình giữa những người sống trong các khu dân cư giàu có nhất ở Baltimore so với những người sống cách đó 6 dặm trong khu nghèo khổ nhất.

23.8: 148.000 người, hay 23,8% số người ở Baltimore, sống dưới mức nghèo khổ chính thống.

56: 56,4% số học sinh tốt nghiệp trung học ở Baltimore. Tỷ lệ quốc gia là khoảng 80%.

92: 92% các vụ bắt giữ vì tàng trữ ma túy ở Baltimore là người Mỹ gốc Phi, một trong những tỷ lệ chênh lệch về chủng tộc cao nhất ở Hoa Kỳ.

Bill Quigley is a human rights lawyer and professor at Loyola University New Orleans College of Law. He is also a member of the legal collective of School of Americas Watch, and can be reached at quigley77@gmail.com

Monday, May 11, 2015

Chiến tranh thương mại: Monsanto quay trở lại Việt Nam

Người Việt Nam nói: "Chúng ta lật sang trang mới nhưng không xé bỏ nó". Song có lẽ người Mỹ vẫn chưa thực sự hiểu điều này, bản thân người Mỹ vẫn luôn bị chia rẽ bởi cuộc chiến mà cho đến giờ họ vẫn không hiểu được tại sao họ đã thua nhục nhã ngay cả khi vượt trội về mọi mặt từ quân sự, công nghệ đến kinh tế. Nhưng giờ người Việt Nam đang chuẩn bị một cuộc chiến mới, thầm lặng nhưng cũng rất cam go, để xây dựng đất nước và bảo vệ độc lập dân tộc. Cũng như trước kia, người Việt Nam không đơn độc khi nhận được sự ủng hộ của một số người Mỹ tiến bộ. Xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch bài viết "Trade Wars: Monsanto’s Return to Vietnam" của nữ giáo sư Desiree Hellegers.

Chiến tranh thương mại: Monsanto quay trở lại Việt Nam

Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong tuần qua, khi các nhà hoạt động tập trung ở Washington, D.C để tham gia hội thảo về “Việt Nam: Sức mạnh phản kháng,” ở thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, một đoàn đại biểu do nhóm Hiến Chương 160 Cựu Chiến Binh vì Hòa Bình (VFP) đã lặng lẽ kết thúc chuyến đi kéo dài hai tuần. Chuyến đi được sắp xếp thời gian trùng với “Chiến Dịch Vạch Trần Hoàn Toàn” trên quy mô quốc gia của VFP. Sáng kiến của VFP, cũng giống như hội thảo ở D.C. vào cuối tuần, được tổ chức để chống lại chiến dịch của Bộ Quốc Phòng (DoD), được Luật Ủy Quyền Phòng Thủ Quốc Gia năm 2008 tài trợ, đưa ra các sự kiện tưởng niệm và mô tả lịch sử, trong đó có tài liệu trường học, để ghi nhớ kỷ niệm lần thứ 50 cuộc chiến tranh Việt Nam.

Nhằm chống lại âm mưu thúc ép ủy quyền theo dõi nhanh của chính quyền Obama để hoàn thành Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chuyến đi của VPF 160 năm nay không chỉ đưa ra câu hỏi về các tác động tiếp diễn của chiến tranh đối với Việt Nam mà còn cả câu hỏi về việc triển khai hạt giống biến đổi gen (GMO) của Monsanto trên thị trường Việt Nam. Nội dung của TPP, sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất trong lịch sử, tác động đến 40% kinh tế thế giới, vẫn nằm trong bí mật. Nhưng các đoạn bị tiết lộ cho thấy TPP sẽ gia tăng bất bình đẳng thu nhập ở cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ và lấn át luật pháp và chính sách bảo vệ môi trường và sức khỏe công cộng của địa phương cũng như quốc gia. Monsanto, một trong những nhà sản xuất lớn nhất của khoảng 20 triệu tấn chất độc màu da cam được rải xuống Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971, là một trong số những doanh nghiệp chờ sẵn để thu hoạch những lợi nhuận dễ kiếm khi TPP được thông qua.

Sự nhiễm độc phổ biến do chất dioxin trong chất độc khai quang màu da cam, đất đai đầy rẫy bom mìn chưa nổ (UXO) – trong đó có mìn bộ binh và bom chùm – là những di sản của cái mà ở Việt Nam được coi là “Chiến tranh chống Mỹ.” Một trong những rắc rối bề ngoài của chiến dịch kỷ niệm 50 năm của Lầu Năm Góc là sự đeo bám kiểu Orwell vào cuộc chiến tranh công nghệ cao đã dìm rừng rậm và sông ngòi của Việt Nam vào chất độc khai quang trong thí nghiệm khoa học lạnh lùng lớn nhất lịch sử nhân loại. Trong số năm mục tiêu của NDAA có yêu cầu DoD tôn vinh lịch sử “sự tiến bộ về công nghệ, khoa học và y tế liên quan tới các nghiên cứu quân sự được thực hiện trong chiến tranh Việt Nam”.

Các lãnh đạo chuyến đi của VPF, trong đó có chủ tịch Suel Jones, phó chủ tịch Chuck Searcy, Don Blackburn, Chuck Palazzo và David Clark của Hiến Chương 160, đều đã từng tham gia chiến tranh Hoa Kỳ ở Việt Nam và mỗi lần quay lại, bị thôi thúc bởi hồi ức của họ về chiến tranh và khát vọng giúp đỡ các NGO Việt Nam mô tả những đau khổ mà chiến tranh gây ra. Với sự lãnh đạo của Hiến Chương 160 VFP từ cuối những năm 1960 đến đầu những năm 1970, các cựu chiến binh dự tính trước rằng trong điều kiện tốt nhất họ sẽ có 5 năm nữa để tổ chức các chuyến đi, cỗ máy gây quỹ ban đầu của họ đáp ứng được các chi phí quản lý giới hạn và hỗ trợ cho các tổ chức thành viên. 

Sau ngày chúng tôi tới Việt Nam, ngày 17 tháng 4, một vụ kiện tập thể đã được khởi sự ở Pháp theo yêu cầu của hàng triệu người Việt Nam chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Vụ kiện được đưa ra để chống lại Monsanto và 25 nhà chế tạo chất độc màu da cam chứa dioxin của Hoa Kỳ. Sau nhiều năm tranh cãi về luật pháp, kết luận 1984 đưa ra một khoản cứu trợ giới hạn cho các binh lính Hoa Kỳ bị ảnh hưởng sức khỏe do tác động liên quan tới chất độc màu da cam, từ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, tới rối loạn sinh tủy, tiểu đường, Parkinson và đau tim. Nhưng những nỗ lực đòi bồi thường pháp lý và hỗ trợ tài chính cho khoảng 3 triệu người Việt Nam đang gánh chịu tác động của chất độc màu da cam đã thường xuyên thất bại. Hoa Kỳ không bao giờ thực hiện lời hứa của Nixon tại hội nghị Hòa Bình Paris 1973 về việc cung cấp cho Việt Nam 3 tỷ dollar để khôi phục, tương đương với hơn 16 tỷ dollar hiện nay. Viện trợ tương đối nhỏ nhoi của Hoa Kỳ cho đất nước vẫn chịu hậu quả chiến tranh này đến cùng với một ràng buộc: sức ép liên tục để kích hoạt nhiều dạng “điều chỉnh cơ cấu” mà TPP có vẻ như được thiết kế để gia tốc chúng.

Vào cùng ngày mà vụ kiện được khởi sự ở Pháp, chúng tôi gặp đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius, đại sứ đầu tiên kể từ khi “bình thường hóa” quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam vào năm 1995 thừa nhận công khai các tác động kéo dài của chất độc màu da cam đối với người Việt Nam. Theo một số mô tả, hai thập kỷ cấm vận mà Hoa Kỳ áp đặt đối với Việt Nam sau chiến tranh cũng gây ra đau khổ tương đương với chiến tranh.

Osius nói với các đại biểu và các nhà báo rằng quan hệ chính trị đầy ý nghĩa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cần phải “đối mặt với quá khứ”. “Nếu chúng ta không đặt vấn đề chất độc màu da cam thì tôi không cho là chúng ta có tin cậy để đặt ra” các mối quan tâm chung khác, các vấn đề chủ chốt được ông kể tới là biến đổi khí hậu, sức khỏe toàn cầu, giáo dục và thương mại. Osius tán dương tinh thần của TPP và “lợi ích khổng lồ” mà nó sẽ mang lại cho công nhân Việt Nam, đồng thời gia tăng bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm. Mặc dù vậy, ông thừa nhận rằng bên cạnh những lợi ích mà Việt Nam gặt hái được từ tự do hóa thương mại trong những năm gần đây thì quốc gia này cũng phải chứng kiến sự nổi lên của tầng lớp tài phiệt mới. Ông cũng thừa nhận vai trò của TPP trong việc tư nhân hóa các cơ sở của nhà nước, trong các quy định của NAFTA và WTO thường được coi là các rào cản thương mại bất bình đẳng. Ông nói với chúng tôi, với TPP thì dĩ nhiên là “các cơ sở nhà nước không có hiệu quả” sẽ là đối tượng bị phá hủy. Khi tôi phản đối khẳng định của đại sứ Osius về lợi ích của TPP, được che dấu trong các văn bản bí mật, yêu cầu ông in ra và chia sẻ các bản sao của hiệp định thương mại với các đại biểu để chứng minh khẳng định của ông, thì ông từ chối một cách ngoại giao. Trên đường tới thăm Làng Hữu Nghị, một chương trình nằm ở ngoại ô Hà Nội, nuôi dưỡng các trẻ em và cựu chiến binh chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam, chúng tôi thấy một hình ảnh tương tự như ở Hoa Kỳ, các thành phố có khuynh hướng thu hút đầu tư toàn cầu bằng mọi giá. “Sự phát triển” ở Việt Nam, cũng như ở Hoa Kỳ, là quy mô phá hủy nhà cửa và di cư ngày càng lớn. Khắp các ngóc ngách của Hà Nội, giờ là nhà của một đại lý Rolls Royce và bốn đại lý Mercedes Benz, hàng hóa xa xỉ tràn ngập, cùng với các cuộc biểu tình lẻ tẻ. Sự căng thẳng giữa “phát triển” với quan điểm cách mạng và những hứa hẹn của Đảng Cộng Sản của Hồ Chí Minh, được thể hiện mạnh mẽ trong bộ phim của Doan Hong Le Ai sở hữu đất đai vào năm 2010. Bộ phim được giải thưởng đã mô tả cuộc đấu tranh giữa các nông dân nghèo phải di cư để nhường chỗ cho một sân golf xa xỉ, cùng với sự hợp lý hóa của lãnh đạo Đảng Cộng Sản địa phương (1). 

Ở mỗi thành phố dọc theo đường hành trình – từ Hà Nội tới Huế, tới A Lưới, Đà Nẵng, Nha Trang và thành phố Hồ Chí Minh – chúng tôi thấy bằng chứng của đau khổ tiếp diễn do chiến tranh gây ra. Ở mỗi thành phố, chúng tôi gặp gỡ các thành viên của Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam (VANN) cùng với các đại diện địa phương của Hội Nạn Nhân Chất Độc Màu Da Cam Việt Nam (VAVA), từ lâu đã đứng đầu các cuộc đấu tranh đòi bồi thường pháp lý và tài chính cho những người Việt Nam tàn tật do chất độc màu da cam gây ra. Một cuộc mít tinh với VAVN ở Hà Nội, chủ nhà của chúng tôi là tướng Phùng Khắc Đăng, đề cập vai trò của các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc sản xuất chất độc màu da cam, thừa nhận một cách thận trọng rằng chất độc màu da cam có “những tác hại khủng khiếp không chỉ đối với người Việt Nam mà còn cả đối với binh lính và công dân Hoa Kỳ.” Trong buổi gặp mặt ở Đà Nẵng, đứng trước tượng bán thân của Hồ Chí Minh, một đại biểu của VAVA hồi tưởng “thấy máy bay tới và cây cỏ chết.”. Một đại biểu khác bổ sung thêm: “Nó phá hủy mọi thứ cùng với lá cây. Nó giết chúng tôi. Nó giết mọi người. Nó giết tất cả cây cối và động vật.” Nhưng sự tập trung, ông nhắc nhở chúng tôi – và bản thân – phải được đặt vào việc “làm sao tái thiết đất nước, làm sao phát triển đất nước.” Đề cập tới chiến tranh và việc Hoa Kỳ sử dụng chất độc màu da cam, ông nói, “Chúng ta lật sang trang, [nhưng] chúng ta không xé bỏ nó.”

“Chúng tôi cảm kích sự độ lượng của nhân dân Việt Nam,” phó chủ tịch Chuck Seary của VFP 160 đáp lại, “Nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng chúng tôi phải học những bài học của quá khứ.” Searcy muốn biết tại sao, sau những hậu quả bi thảm của chất độc màu da cam, chính quyền Việt Nam lại cho phép Monsanto quay trở lại, mở văn phòng và buôn bán ở Việt Nam, nơi mà công ty đang cung cấp hạt giống GMO, trong đó có ngũ cốc. Đáp lại, đại biểu của VAVA đề cập tới việc Việt Nam gia nhập WTO. “Khi chúng tôi đã ký kết WTO thì chúng tôi phải chấp nhận họ - họ phải có mặt ở đây,” ông nói.

Nếu WTO coi luật pháp địa phương và quốc gia về môi trường và sức khỏe là các rào cản thương mại không bình đẳng,” kinh nghiệm của Mexico sau khi thông qua Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ (NAFTA) có thể đóng vai trò như là một dấu hiệu cảnh báo về các tác động tương tự đối với Việt Nam. Sau khi thông qua NAFTA, ngũ cốc Hoa Kỳ giá rẻ tràn ngập Mexico, trong đó có các giống GMO của Monsanto. Sự thay đổi không chỉ rút ruột thị trường ngũ cốc của Mexico mà còn phát tán sự lây nhiễm của GMO vào các giống ngũ cốc bản địa. Ở Canada, như Naomi Klein đã ghi nhận, WTO và NAFTA đã được sử dụng để chống lại sự phát triển năng lượng tái tạo địa phương ở Ontario, trì hoãn fracking ở Quebec. Các phần được tiết lộ của TPP cho thấy hiệp định tự do thương mại chỉ gia tăng lợi nhuận và sự miễn trừng phạt của doanh nghiệp mà Monsanto cũng như các doanh nghiệp khác đã tận hưởng từ lâu.

Tác động tới sức khỏe của con người do việc sử dụng chất độc màu da cam có chứa dioxin gây ra trong chiến tranh Hoa Kỳ được thấy rất rõ ở tỉnh Quảng Trị, tại khu vực mà Hoa Kỳ coi là khu vực phi quân sự hay DMZ. Một trong số 28 “điểm nóng” trải khắp Việt Nam, nhiều trong số chúng là căn cứ của Hoa Kỳ, nơi mà chất độc màu da cam được vận chuyển và lưu giữ, Quảng Trị là tỉnh bị rải chất độc nghiêm trọng nhất. Khoảng 15.000 người ở Quảng Trị chịu tác động của chất độc màu da cam. Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến sự tàn phá gần như không tưởng mà chất độc màu da cam gây ra ở Việt Nam trong chuyến thăm một gia đình nhận hỗ trợ của VFP 160 và các tổ chức thành viên của dự án RENEW. Bốn trong số năm người con trưởng thành trong gia đình bị tàn tật nhiều loại. Chỉ có người thứ hai trong cặp trẻ được sinh giữa năm 1972 và năm 1985 có vẻ như thoát khỏi tác động của chất độc màu da cam cùng với con cái của họ. Mặc dù vậy, như người Việt Nam đang khám phá ra, tác động của chất độc màu da cam có thể tạm ngưng trong một thế hệ và chỉ xuất hiện ở thế hệ kế tiếp. Bốn người trưởng thành tàn tật không có khả năng đứng thẳng do hậu quả của một vấn đề sức khỏe bẩm sinh. Họ lo âu về cả bốn người, với những lời kể ngắt quãng là các dấu hiệu của dị tật gia tăng thường do chất độc màu da cam gây ra. Ở tỉnh Quảng Trị, chúng tôi thấy 1.300 gia đình có từ 3 đến 5 trẻ em gánh chịu các tác động gây suy yếu do nhiễm chất độc màu da cam. 

Nhưng chất độc màu da cam không phải là nguồn đau khổ duy nhất ở tỉnh Quảng Trị. Nếu Hoa Kỳ ném bom xuống Việt Nam nhiều hơn số đã ném trong Thế Chiến thứ II ở cả mặt trận Châu Âu và Thái Bình Dương cộng lại thì Quảng Trị là khu vực bị ném bom dữ dội nhất ở Việt Nam. Thống kê quy mô lắp chân tay giả trên tường Trung Tâm Nạn Nhân Bom Mìn tại Quảng Trị trong cho thấy mức độ công việc của dự án RENEW, đáp ứng nhu cầu của hơn 900 cá nhân được lắp chân tay giả sau khi bị thương bởi UXO, thứ trải rộng khoảng 80% diện tích của tỉnh. Hơn 1.100 nạn nhân khác đang chờ được lắp chân tay giả. Cũng ở trên tường của Trung Tâm là các bức tranh của trẻ em Quảng Trị học trong các chương trình ở trường học về nhận dạng bom mìn chưa nổ và báo với chính quyền địa phương. Hơn hai triệu chiến binh Việt Nam và thường dân bị giết hại trong chiến tranh Hoa Kỳ, nhưng hơn 60.000 người Việt Nam bị mìn bộ binh, bom chùm giết hại kể từ khi kết thúc chiến tranh đã vượt qua con số 58.000 lính Mỹ bị giết trong cuộc chiến. Hoa Kỳ vẫn là một trong số ít những quốc gia trên thế giới từ chối ký vào hiệp ước cấm mìn bộ binh và bom chùm của Liên Hiệp Quốc.

Ở Nha Trang, chúng tôi tới thăm một phụ nữ và em gái đang chăm sóc hai đứa con trưởng thành, không đứa nào có dấu hiệu nhiễm chất độc màu da cam cho đến khi tuổi thiếu niên. Người lớn nhất, giờ đã 40 tuổi, nằm rên rỉ trên một chiếc giường ngủ ở đằng sau nhà. Em gái 36 tuổi vãn đủ tính táo để nhận thức được tương lai của cô khi cô nhìn thấy những chi bị teo nhỏ và vặn vẹo của cô.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình, chúng tôi viếng thăm Bệnh Viện Từ Dũ/Làng Hòa Bình, là nơi trú ngụ của khoảng 60 trẻ em bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, cùng với một số ít người trưởng thành đã lớn lên tại cơ sở. Trên đường đi, một số trẻ hăng hái yêu cầu được ôm, trong khi những đứa khác, một số được ăn bằng ống thông qua mũi, nhìn chúng tôi như với những cái nhìn hoàn toàn vô hồn. Một đứa trẻ ở cuối phòng bắt đầu mò mẫm trước mặt. Giống như nhiều trẻ bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam khác, cậu bị thiếu hẳn một mắt, một khoảng trống nằm ở chỗ con mắt. Ở một phòng khác, một đứa trẻ bị tràn dịch màng não không xác định về giới tính với đầu to như quả dưa hấu đang nằm bất động trong một cái cũi. Một bé gái khoảng 6-7 tuổi ngồi trên một cái ghế bên cạnh chiếc cũi, đang nâng niu bàn tay đứa trẻ. Cô bé liếc qua, dĩ nhiên là có một chút khó chịu bởi đám đông người quan sát Hoa Kỳ bao quanh, sau đó quay trở lại công việc vỗ về bạn của cô. 

Ngày tiếp theo, ngày 30 tháng 4, kỷ niệm ở Hoa Kỳ về “sự sụp đổ của Sài Gon,” chúng tôi sớm có mặt ở lễ hội “Ngày Giải Phóng” ở thành phố Hồ Chí Minh. Một dàn múa đông đảo của đoàn cựu chiến binh nam và nữ với đồng phục; các học sinh nữ xoay hoa hướng dương; một bức ảnh Hồ Chí Minh lớn cỡ chiếc bảng trên một chiếc xe diễu hành mầu hồng rực tỏa sáng như một vị thánh văn hóa đại chúng hiện đại thay vì nền màu xanh da trời. Hoàn toàn vắng mặt trong khung cảnh là gợi ý hay sự quan tâm hoặc sự tham gia từ các người dân bình thường của thành phố được đặt theo tên hình tượng cách mạng.

Buổi tiếp tân sau đó ở “Dinh Thống Nhất” được phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, có sự tham dự của khoảng 100 người đại diện cho các tổ chức từ 40 nước và lãnh thổ trên thế giới. Người đầu tiên trong số các diễn giả là Hélène Luc. Như ông Phúc cho biết, Luc “đã giúp đỡ và hỗ trợ đoàn đại biểu Việt Nam” tại Hội Nghị Hòa Bình, khi là ủy viên của Hội Đồng Thành Phố Paris. Trong bình luận của bà, Luc đề cập tới Tuyên Ngôn Độc Lập mang tính lịch sử năm 1945 của Hồ Chí Minh, mô phỏng theo văn bản lập quốc của Hoa Kỳ. Bà ca ngợi sự can đảm và dũng cảm của đấu tranh cách mạng và của các nhà hoạt động đã chiếm giữ các đường phố khắp thế giới để kết thúc cuộc chiến. 

Phát biểu cuối cùng khi sân đã vãn người là Virginia Foote, chủ tịch của Hội Đồng Thương Mại Hoa Kỳ-Việt Nam và chủ tịch ban điều hành Trung Tâm Quốc Tế ở Washington D.C. “Là một người Mỹ - và tôi nghĩ tôi có thể nói với mọi người Mỹ trong phòng,” Foote nhấn mạnh, “chúng ta hứa tiếp tục công việc phát triển kinh tế của đất nước này” cũng như “về các vấn đề hậu quả của chiến tranh.”

Bà kể về việc tham gia khai lễ động thổ tại Trung Tâm Hành Động Mìn Bộ Binh ở Hà Nội chỉ vài ngày trước và về “khoản tiền mới đang đổ vào,” để “giúp đỡ và hỗ trợ Việt Nam.” “Đồng thời,” bà nói, “chúng ta vẫn tiếp tục với việc đàm phán khó khăn và hy vọng rằng chúng ta có thể hoàn thành trong năm nay … Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực về TPP,” bà nói, trước khi phó thủ tương đưa ra một số bình luận mang tính nghi lễ để kết thúc buổi gặp mặt.

Vào ngày 30 tháng 4 ở Hoa Kỳ, với một là gió nhẹ, đại biểu Barbara Lee của California đưa ra Luật Cứu Trợ Các Nạn Nhân Chất Độc Màu Da Cam 2015. Đạo luật, được sự ủng hộ của Chiến dịch Trách Nhiệm và Cứu Trợ Nạn Nhân Chất Độc Màu Da Cam Việt Nam của Hoa Kỳ (http://www.vn-agentorange.org/), sẽ tài trợ cho việc làm giảm sự ô nhiễm của chất độc màu da cam trên khắp Việt Nam, tài trợ cho chăm sóc y tế và phục vụ trực tiếp cho các nạn nhân chất độc màu da cam của Việt Nam. Nó cũng mở rộng cứu trợ cho các cựu chiến binh Hoa Kỳ và cung cấp các hỗ trợ mới cho con cái của họ, vốn phải chịu đựng các vấn đề suy yếu sức khỏe liên quan đến chất độc màu da cam.

Giữa các sáng kiến mới để tìm kiếm công lý cho các nạn nhân của chất độc màu da cam và tiếp tục đàm phán về một hiệp định thương mại có tác động đáng kể tới tương lai của cả hai quốc gia, truyền thông do doanh nghiệp kiểm soát ở Hoa Kỳ chỉ sẵn lòng cung cấp các bữa ăn điện ảnh nghèo nàn với những thước phim mô tả dòng người miền Nam Việt Nam bất tận đổ xô về phía máy bay trực thăng và bám vào chúng từ mái nhà. Các đoạn được tiết lộ cho thấy, nếu được thông qua, TPP sẽ mở rộng sự miễn tố và lợi nhuận của các doanh nghiệp như Monsanto mà dường như từng mẩu nhỏ của ngày nay cũng giống như họ đã từng kiếm lợi từ sự khốn khổ của nông dân và người lao động nghèo ở cả hai nước trước kia. Trong khi đó, ở Việt Nam, công việc của VFP 160 và đối tác của họ đang tiếp tục, ở Làng Hòa Bình của thành phố Hồ Chí Minh có một bé gái phủ nhận là bị mất trí, mất khả năng hiểu biết hoặc quay lưng lại với những đau khổ bao quanh cô.

Desiree Hellegers is a board member of Portland Peace and Justice Works/Copwatch, an associate professor of English at Washington State University Vancouver, and the author of No Room of Her Own: Women’s Stories of Homelessness, Life Death and Resistance (Palgrave MacMillan).

Chú thích của người dịch:

(1) Có lẽ chỗ này tác giả nhầm lẫn do không hiểu rõ về hệ thống chính trị ở Việt Nam. Việc thu hồi đất đai và xây dựng thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương chứ không thuộc trách nhiệm của Đảng Cộng Sản.