Wednesday, May 20, 2015

Việt Nam: Chiến tranh vẫn chưa qua đi

Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa kết thúc ở nước Mỹ, ít nhất là với chính quyền và truyền thông của họ, cuộc chiến dai dẳng của những người Mỹ tiến bộ chống lại âm mưu xét lại cuộc chiến về mặt lịch sử để biện minh cho sự sai trái của chính quyền vẫn tiếp tục. Đó là nội dung bài viết "Vietnam: The war that won’t go away" của tác giả Don North đăng trên tạp chí Coldtype số 98 tháng 5 năm 2015.

Việt Nam: Chiến tranh vẫn chưa qua đi

Chiến tranh diễn ra hai lần, lần thứ nhất trên chiến trường và lần thứ hai trong hồi tưởng. Theo cách đó, chiến tranh Việt Nam – mặc dù nó đã kết thúc trên chiến trường 40 năm trước đây – vẫn tiếp tục là cuộc chiến của hồi ức, lịch sử và sự thật. Phần đặt cược vẫn cao. Những tường thuật trung thực nhất về các sự kiện quan trọng của quá khứ có thể phác thảo định mệnh của chúng ta, giúp ích cho việc quyết định xem có nên có thêm chiến tranh hay hòa bình. Vài năm trước đây, tôi vui mừng khi được biết Lầu Năm Góc tài trợ cho một ủy ban kỷ niệm chiến tranh Việt Nam. Tôi cho rằng cuối cùng chúng ta cũng có thể ghi nhận một cách thẳng thắn. Nhưng tôi không cần phải đọc thêm gì ngoài các trích dẫn chủ chốt trên đầu website mới để biết điều đó không xảy ra.

Trích dẫn tổng thống Richard Nixon, đó là: “Không có sự kiện nào trong lịch sử bị hiểu nhầm nhiều hơn chiến tranh Việt Nam. Nó đã bị tường thuật sai lệch vào lúc đó và giờ thì bị hiểu nhầm.”

Tôi thuộc về nhóm nhỏ các nhà báo đưa tin về cuộc chiến. Chúng tôi tự gọi bản thân là “Những gã bồi bút già của Việt Nam” và chúng tôi đã thực hành kha khá công việc mà đoạn trích dẫn đề cập kể từ khi nó bất tử hóa điều hoang đường rằng cuộc chiến tranh sẽ không thất bại nếu không có những từ ngữ làm nản lòng của một số phóng viên. Tôi viết một lá thư cho chủ tịch ủy ban kỷ niệm, trung tướng nghỉ hưu Claude Kicklighter, phản đối sự vu khống đối với hàng ngàn nhà báo, những người đã cố gắng đưa tin trung thực về cuộc chiến, một lời vu khống của tổng thống Hoa Kỳ, người đầu tiên phải chịu trách nhiệm cho việc đánh lừa công chúng về chiến tranh.

Tôi đã quấy nhiễu ủy ban nhiều tháng nhưng họ chỉ miễn cưỡng rút lại đoạn trích dẫn. Tôi tranh thủ tình cảm của những người bạn ở Trung Tâm Lịch Sử của Quân Đội Hoa Kỳ, những người đề xuất với ủy ban là đoạn trích dẫn không thể chấp nhận được. Sau sáu tháng với những lý lẽ sắc bén, cuối cùng họ cũng rút lại đoạn trích dẫn. Nhưng nhiều điều hoang đường và lừa dối về chiến tranh Việt Nam vẫn còn ở trên website. 
————————
Bốn thập kỷ trước đây Hoa Kỳ gánh chịu thất bại trong một cuộc chiến không thể thắng, chống lại một quốc gia mà họ thực sự chẳng biết gì và ở đó họ không có các lợi ích sống còn. Sau những vô vọng ở Việt Nam thì việc lặp lại một cách kiêu ngạo những năm tháng điên rồ sau đó ở Afghanistan và Iraq là không thể tha thứ. Một bài học mà quân đội Hoa Kỳ đã học được ở Việt Nam là hình ảnh và bài viết có thể mang tới tác động tàn phá và dẫn đến yêu cầu trách nhiệm giải trình. Dường như các phóng viên chiến tranh sẽ không bao giờ còn được tiếp cận chiến tranh tự do như chúng tôi từng có ở Việt Nam.

Điều gì sai? Một trong những điều hoang đường phổ biến và dai dẳng là Hoa Kỳ đã bị các phóng viên không trung thành lừa dối. Ngay cả tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam, tướng William Westmoreland, cũng bám lấy câu chuyện cũ rích đó.

Có vẻ như cho dù các nhà sử học – thậm chí là sử học quân sự - phản đối điều hoang đường đó bao nhiêu lần đi nữa, họ ghi nhận rằng báo chí Hoa Kỳ đã thực hiện tương đối tốt việc đưa tin về một cuộc chiến tranh phức tạp và nguy hiểm, thì cũng chả hề hấn gì. Điều hoang đường về các nhà báo không trung thành, họ phải bị trừng phạt, là thứ cần thay đổi để chiến thắng của Hoa Kỳ quay trở lại.

Cuộc sống của tôi ở Việt Nam

Tôi đến Việt Nam vào tháng 5 năm 1965, là một phóng viên trẻ và háo hức từ Canada. Tôi cũng giống như hàng trăm người sẽ trở thành nhà báo khác, đi tới chiến trường để đưa tin về chiến tranh như những người hành nghề tự do, chuyển đến khi cuộc chiến tranh đàn áp nổi dậy biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện ở Châu Á. Giống như nhiều người trong số chúng tôi, đầu tiên tôi cũng tin vào lý lẽ của Washington – bảo vệ nền dân chủ nhỏ bé khỏi sự chiếm đoạt của những người Cộng Sản và khởi đầu chuỗi domino đổ ở Châu Á.

Mặc dù vậy, sự thật không cần lâu để học. Vào lúc đó, Hoa Kỳ đã hưởng lợi từ một số nhà báo nổi bật, những người thực hiện công việc của họ nghiêm túc – và nhiều người ở mặt trận, đưa tin về khoảng cách giữa màn PR sặc sỡ và thực tế khắc nghiệt.

Ví dụ người bạn của tôi, David Halberstam của tờ New York Times, nói với tôi về trận chiến lịch sử ở châu thổ sông Mekong vào cuối năm 1962 khi thực tế trận chiến đã trở thành bằng chứng. Hàng trăm máy bay trực thăng Hoa Kỳ đã đến Việt Nam, hứa hẹn một sự vượt trội về công nghệ mới để đánh bại Việt Cộng. Vào ngày đầu tiên của trận chiến, một số Việt Cộng bị giết. Vào ngày thứ hai, một cuộc tấn công khổng lồ bằng máy bay trực thăng được tiến hành nhưng không có gì xảy ra. Vào ngày thứ ba, điều tương tự diễn ra, không kẻ thù, không chiến trận. Trên đường trở về Sài Gòn, Neil Sheehan, sau đó với UPI, càu nhàu về sự lãng phí thời gian. Homer Bigart, một phóng viên của tờ New York Times có kinh nghiệm từ Thế Chiến thứ II nói, “Có vấn đề gì vậy, ngài Sheehan?” Sheehan cằn nhằn về việc mất ba ngày bay trên các cánh đồng lúa và không có câu chuyện nào để viết. “Không có chuyện gì”, Bigart bình luận hơi có chút ngạc nhiên. “Nhưng có chuyện đấy. Chiến dịch không thành công. Đó là câu chuyện, thưa ngài Sheehan.”

Chiến lược của Hoa Kỳ ở Việt Nam không thành công, chưa từng thành công bất cứ khi nào. Nhưng cái giá của sự điên rồ rất cao. Người Việt Nam phải gánh chịu 2 triệu cái chết của thường dân, nhiều người chết trong các trận bom lớn nhất trong lịch sử. Theo nhiều cách, những lính trẻ Hoa Kỳ, những người bị ném vào Việt Nam, cũng là nạn nhân khi họ thấy bản thân chỉ được chuẩn bị một cách tồi tàn cho trận chiến đàn áp khắc nghiệt và tàn bạo, thường diễn ra trong các ngôi làng với phụ nữ và trẻ em. 58.000 binh lính Hoa Kỳ đã chết trong cuộc chiến và nhiều người bị tổn thương thể chất hoặc tâm lý.

Việt Nam không phải hoàn toàn là câu chuyện cũ. Bom mìn chưa nổ, ung thư do hóa chất gây ra và di chứng của chất độc màu da cam tiếp tục giết hại, làm bị thương và gây dị dạng. Nick Turse, người viết cuốn sách “Giết hết mọi thứ động đậy,” đã khẳng định: “Việc Hoa Kỳ sử dụng một cách nhẫn tâm sức mạnh gây ra tổn thất dân sự ở Việt Nam là yếu tố cốt lõi của cuộc chiến tranh. Tôi hỏi xem Henry Kissinger của ngày hôm nay, nhóm quản lý chiến tranh mới nhất của Washington, có sẵn sàng thừa nhận điều đó hơn Kissinger của ngày hôm qua không.”
————————
Tôi vừa trở về sau chuyến đi Việt Nam và Campuchia kéo dài 3 tuần và thấy rằng có nhiều người ở Việt Nam cũng như ở Hoa Kỳ vẫn chưa sẵn sàng nghe những tiếng nói trung thực về cuộc chiến tranh.

Trong một cuộc chiến đầy những điều bất ngờ, không có bất ngờ nào lớn hơn cuộc tấn công đại sứ quán Hoa Kỳ trong dịp Tết vào ngày 31 tháng 1 năm 1968. Các chuyên gia phân tích quân sự nói rằng cách duy nhất để tạo ra một bất ngờ quyết định trong chiến tranh là làm điều gì đó thật sự ngớ ngẩn, 15 đặc công Việt Cộng thực hiện cuộc tấn công vào đại sứ quán được huấn luyện tồi và thiếu chuẩn bị, nhưng tác động của nó đã tạo ra một bước ngoặt của chiến tranh và trở thành một đoạn đáng chú ý trong lịch sử quân sự.

Ngày nay tòa đại sứ Hoa Kỳ từng đứng vững trong cuộc tấn công đã bị phá bỏ và thay thế bằng một lãnh sự Hoa Kỳ hiện đại. Một phiến đá nhỏ trong vườn, xa cách công chúng, ghi tên của bảy lính thủy và một cảnh sát quân sự đã chết ở đây. Trên vỉa hè bên ngoài cửa lãnh sự là một đài tưởng niệm bằng gạch khắc tên những đặc công việt cộng và các điệp viên đã chết. 

Tôi không thể hình dung được khung cảnh mà PFC quân đội Hoa Kỳ Bill Sebast và đặc công Việt Cộng Nguyễn Văn Sáu, hai người lính đã chết ở hai phía tường của đại sứ quán, có thể quay trở lại để ngạc nhiên về sự tiến bộ kinh tế của Sài Gòn, với việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã bỏ qua sự thù hằn cũ để trở thành các đối tác thương mại đáng giá.

Lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam đối xử với những gã bồi bút già chúng tôi như những người đáng để biết, quan tâm tới kiến thức của chúng tôi về cuộc chiến đẫm máu mà chúng tôi từng đưa tin. Sự thật là Việt Nam hiện nay quan ngại hơn về người hàng xóm khổng lồ Trung Quốc ở phía bắc, thậm chí tìm kiếm ở Hoa Kỳ một sự đối trọng với khuynh hướng gia tăng sự ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Phán xét nhà báo 

Thế còn đề xuất mới đây của Lầu Năm Góc về việc cánh nhà báo chúng ta “đưa tin sai về chiến tranh”? Tôi có hài lòng với việc đưa tin của mình về chiến tranh Việt Nam không? Không. Tôi cho rằng đầu tiên là sự ngu dốt về lịch sử và văn hóa Việt Nam và sau đó là sự giới hạn của tin tức truyền hình đôi khi che dấu sự thật. Một phút rưỡi là tối đa cho một tin tức buổi tối. Gần như không đủ thời gian để mô tả các sự kiện phức tạp của chiến tranh Việt Nam. 

Tôi cũng biết các biên tập viên của ABC News ở New York miễn cưỡng đưa tin tiêu cực về chiến tranh. Các tường thuật phê phán đã bị loại bỏ thẳng thừng hoặc biến mất một cách bí ẩn trước giờ lên sóng. Chỉ có một sự kiểm duyệt duy nhất mà tôi từng thấy ở hãng thông tấn của mình. Tại đại sứ quán Hoa Kỳ, khi đặc công Việt Cộng cuối cùng bị giết hay bị bắt, tôi nhanh chóng quay phim một “đoạn độc thoại”. Để kết thúc bản tin, tôi nói, “Kể từ Tết âm lịch, Việt Cộng và người Bắc Việt đã chứng tỏ rằng họ có thể đạt được những hoạt động quân sự mạnh mẽ và ấn tượng mà người Mỹ không bao giờ có thể tưởng tượng được. Họ cũng cho thấy có thể theo đuổi cuộc chiến tranh này một cách lâu dài.

“Điều thay đổi cuộc chiến đã diễn ra, việc chiếm giữ tòa đại sứ Hoa Kỳ trong bảy giờ đồng hồ là một thắng lợi tinh thần sẽ thu hút và khích lệ Việt Cộng. Don North của ABC News Sài Gòn.”

Phân tích tức thời của tôi không bao giờ được lên sóng ở ABC News. Tôi bị cáo buộc là “biên tập” và đoạn độc thoại bị một số nhà sản xuất loại bỏ khỏi chương trình tin tức buổi tối. Mặc dù vậy, nực cười là đoạn độc thoại cùng với những trích đoạn khác nằm trong “Thư viện Simon Grinberg của ABC” sau đó đã được nhà sản xuất Peter David tìm thấy và sử dụng cho bộ phim được giải của Viện Hàn Lâm “Những trái tim và tâm hồn”

Rõ ràng là sự thật về chiến tranh Việt Nam thường xuyên bị che giấu nhưng không phải theo kiểu trong trích dẫn của Nixon. Hầu hết tin tức của truyền thông Hoa Kỳ về cuộc chiến tranh đều quá lạc quan – không phải là quá khắc nghiệt. Báo chí chính xác hơn đã thường xuyên phản đối điều mà Neil Sheehan sau đó gọi là “Lời nói dối tỏa sáng,” một khúc PR lạc quan cho cuộc chiến tranh sai lầm.

Không có gì được học 

Những bài học về Việt Nam - được thảo luận vô vọng suốt nửa thế kỷ - đã dạy Washington rất ít nên những kẻ diều hâu hiếu chiến ngày nay lặp lại những sai lầm tương tự như Việt Nam ở Afghanistan và Iraq – sự ngạo mạn tương tự, sự lệ thuộc tương tự vào công nghệ và tuyên truyền, sự ngu dốt tương tự về văn hóa nước ngoài phức tạp.

Đâu là bài học thật sự đã được học về báo chí trong chiến tranh Việt Nam? Bất chấp sự khó khăn, kiểm duyệt và sự hoang mang của chiến tranh, tôi tin rằng nhiều bản tin của chúng tôi về Việt Nam là chính xác và đã đứng vững với sự thử thách của thời gian. Mặc dù vậy, các bản tin chiến tranh của Hoa Kỳ ngày nay có cải thiện chính sách đối ngoại Hoa Kỳ chút nào không?

Mark Twain đã có lần viết về thứ mà tôi cho là nghịch lý chủ chốt của thời đại chúng ta. Ông nói, “Nếu bạn không đọc báo thì bạn thiếu thông tin. Nếu bạn đọc báo thì bạn bị thông tin sai.”

Phóng viên vĩ đại A. J. Liebling của tờ Baltimore Sun đã có lần nói, “Báo chí là cái giát giường yếu của chiếc giường dân chủ.” Bill Moyes, khi còn ở PBS, đã mượn ý tưởng của Liebling, khi ông viết: “Sau cuộc xâm lược Iraq, chiếc giát gường đã gẫy và một số người mới nằm trên giường ngã ra sàn … các nhà báo chính quyền, những kẻ luận chiến tân bảo thủ, các học giả bâu xâu, những kẻ khiêu chiến cánh hữu phất lá cờ đầu lâu xương chéo của “sư đoàn cân bằng và công bằng.” Những khẩu súng phòng không của chính quyền có những lỗ hổng bị che dấu chế tạo ra những lời dối trá … tất cả nô đùa trên tấm nệm trong màn dạo đầu của dịch bệnh. 

Hàng ngàn người thiệt mạng và hàng tỷ dollar sau đó, đa số những người đồng mưu truyền thông dính líu vào “hành động tàn bạo” vẫn tỏa sáng, vẫn được chào đón, vẫn được giữ lại mà lời xin lỗi không khác gì một người dự báo thời tiết sai lầm về nhiệt độ trong ngày tiếp theo. 

Dạng tương tự của “tư tưởng nhóm” và thù địch với người có ý kiến đối lập đã cho thấy sự tai hại ở Việt Nam nửa thế kỷ trước đây và ở Iraq một thập kỷ trước đây lại một lần nữa là lá số tử vi của Washington ngày nay. Tờ New York Times và Washington Post nằm trên bậc cửa nhà tôi mỗi ngày và tôi bị thôi thúc đọc xem hệ tư tưởng tân bảo thủ đã nắm quyền kiểm soát trang xã luận ra sao, một sự phát triển khiến mọi người Mỹ lo ngại. Sức mạnh quân sự không thể tránh khỏi được khuyến nghị trước hết, thay vì là giải pháp cuối cùng. Đề xuất về việc xem xét cuộc xung đột từ các quan điểm khác bị coi như là đầu đất và không phải người Mỹ. Trái lại, rất đơn giản để nói hung hăng và phất cờ, trong khi phung phí tiền thuế quốc gia vào các trang thiết bị quân sự và phiêu lưu quân sự, ngay cả khi hàng triệu gia đình Hoa Kỳ tuột xuống bờ vực nghèo đói. 

Ở West Point và tháng 5 vừa qua, tổng thống Obama thừa nhận, “Một trong những sai lầm đắt giá nhất của chúng ta là từ sự sẵn sàng lao vào các cuộc phiêu lưu quân sự mà không hề nghĩ tới hậu quả, chứ không phải từ sự kiềm chế. Cho dù chúng ta là cái búa tốt nhất thì điều đó không có nghĩa là mọi vấn đề đều là chiếc đinh.”

Don North is a veteran war correspondent who covered the Vietnam War and many other conflicts around the world. He is the author of a new book, “Inappropriate Conduct,” the story of a Canadian World War II correspondent whose career was crushed by the intrigue he uncovered.

5 comments:

  1. Bài viết rất hay. Bác Hiệp sĩ tự dịch à?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, tôi tự dịch, có chỗ nào cần sửa cho hay hơn thì bác cứ góp ý cho tôi nhé.

      Delete
  2. Việt Nam bước ra khỏi chiến tranh theo tôi thấy cũng cũng chưa phải quá lâu, và vết thương để lại vẫn còn đó. Dù cho đất nước ngày càng phát triển, đời sống văn minh nhưng những nỗi đau vẫn còn trong những con người phải chịu sự mất mát

    ReplyDelete
  3. Không, tôi khen bác dịch tốt. Vì tôi có đọc bài này trên Việt Nam thời báo. Tên bài nhớ mài mại là Cuộc chiến trên chiến tranh Việt Nam. Đọc không vào, câu cú lủng củng.
    Tôi xin bài này nhé.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng mời bác, tôi vẫn chưa xem bản dịch của Việt Nam Thời Báo.

      Delete