Showing posts with label Nông nghiệp. Show all posts
Showing posts with label Nông nghiệp. Show all posts

Monday, March 30, 2015

Giải mã huyền thoại nông dân bị thương lái ép giá nông sản

Muốn giải mã huyền thoại nông dân bị thương lái ép giá nông sản thì điều trước hết phải được làm rõ là cách thức mà nông dân sản xuất ra nông sản. Phổ biến nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay là các hộ nông dân cá thể sản xuất hàng hóa dựa trên mảnh ruộng được chia và sức lao động của gia đình họ.

Giả sử một hộ nông dân có vốn ban đầu là 100 đồng và sức lao động bỏ ra là 50 đồng, do vậy giá trị hàng hóa mà hộ này sản xuất ra là 150 đồng. Người ta sẽ đặt ra câu hỏi nếu thu nhập thực chỉ có 50 đồng ngang với sức lao động bỏ ra thì nông dân sẽ giàu lên bằng cách nào? Câu trả lời là nhờ vào năng suất lao động. Giả sử với chi phí sản xuất đã nêu một hộ nông dân trung bình sản xuất được 50kg thóc, tức là giá thóc là 3 đồng/kg, khi đó hộ nông dân nào khéo léo và tiết kiệm hơn thu được sản lượng gấp đôi là 100 kg, với giá thóc 3 đồng/kg họ sẽ thu được 300 đồng, trừ đi chi phí sẽ lãi 200 đồng. Đó là quá trình diễn ra trong nền kinh tế tự nhiên hoặc nền sản xuất hàng hóa nhỏ.

Khi chuyển dịch sang nền sản xuất hàng hóa lớn, tức là sản lượng của hộ nông dân đã tăng lên rất cao, hộ nông dân không còn có thể tự tiêu thụ nông sản của mình nữa, thương nhân xuất hiện để thực hiện việc tiêu thụ nông sản cho nông dân. Để tiêu thụ số nông sản của hộ nông dân thì thương nhân sẽ phải bỏ ra một số vốn nhất định. Khoản vốn này chia làm hai phần, thứ nhất là vốn đầu tư cho cơ sở vật chất như kho bãi và phương tiện vận chuyển, thứ hai là tiền để thu mua nông sản. Trường hợp được dùng để minh họa sẽ là hộ nông dân sản xuất được 100 kg gạo với giá trị 150 đồng.

Giả sử ban đầu vốn đầu tư cho cơ sở vật chất là 0, chỉ có vốn để mua nông sản. Để thương nhân tồn tại thì nông dân phải chia một phần thu nhập cho thương nhân, và phương thức sản xuất tư bản đòi hỏi tỷ suất lợi nhuận của nông dân phải ngang bằng với tỷ suất lợi nhuận của thương nhân. Từ hai yếu tố đã nêu thì có thể tính được kết quả như sau.

Nông dân: 100c + 22,47v = 122,47 đồng
Thương nhân: 122,47c + 27,53v=150 đồng
Tỷ suất lợi nhuận của nông dân và thương nhân đều là 22,47%

Nếu như trước kia nông dân bán 100kg thóc với giá 1,5 đồng/kg thì khi thương nhân xuất hiện họ sẽ bán cho thương nhân với giá 1,2247 đồng/kg, sau đó thương nhân sẽ bán ra thị trường với giá 1,5 đồng/kg. Điều này là cần thiết vì thương nhân giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí cho việc bán hàng và không có thương nhân thì nông dân cũng không thể tự mình tiêu thụ nông sản được. Giá nông sản mà nông dân bán được và giá thị trường tách biệt nhau là điều tất yếu của nền sản xuất hàng hóa.

Song vấn đề là khi năng suất lao động của hộ nông dân càng cao, sản lượng nông sản càng lớn thì tình hình đó đòi hỏi thương nhân không chỉ có vốn để mua nông sản mà còn phải có kho bãi và phương tiện vận chuyển, tức là họ phải đầu tư cho cơ sở vật chất. Giả sử thương nhân cần phải đầu tư cho cơ sở vật chất là 30 đồng thì tình hình sẽ như sau.

Nông dân: 100c + 8,83v=108,83 đồng
Thương nhân: [30+108,83]c + 11,17v = 150 đồng
Tỷ suất lợi nhuận của nông dân và thương nhân đều là 8,83%

Khi xuất hiện phần tư bản cố định cần thiết của thương nhân thì phần thu nhập của nông dân sẽ giảm mạnh, giá bán nông sản của họ do vậy cũng sụt giảm từ 1,2247 đồng/kg xuống 1,0883 đồng/ kg.

Thực tế cho thấy số vốn đầu tư cho cơ sở vật chất phụ thuộc vào sản lượng nông sản của nông dân hơn là giá trị của nông sản đó. 100kg thóc cho dù có giá trị bao nhiêu thì cũng chỉ cần đến một diện tích kho bãi và số lượng phương tiện vận chuyển ít hơn nhiều so với 1000kg thóc có tổng giá trị tương ứng. Mặt khác xu hướng phát triển của nền kinh tế tư bản là tăng tích lũy tư bản khiến cho tư bản cố định của thương nhân sẽ càng ngày càng lớn, trong khi hộ nông dân không thể tăng quy mô vốn vượt quá mức độ sử dụng của hộ gia đình. Tức là giá trị thu nhập mà họ phải nhường cho thương nhân ngày càng lớn, bất kể năng suất lao động của họ tăng ra sao.

Quá trình này biểu hiện ra trên thị trường thành sự sụt giá ngày càng tăng của nông sản, nông dân chỉ nhìn thấy hiện tượng bề ngoài và gọi đó là hiện tượng thương lái ép giá. Khi được mùa, sản lượng tăng lên đột ngột thì rõ ràng là nhu cầu về kho bãi và phương tiện vận chuyển để thu mua hết sản lượng đó tăng lên. Nếu thương nhân không có vốn để đầu tư vào đó thì sẽ xảy ra tình hình nông sản bị ùn ứ và hư hỏng đi, nông dân sẽ mất một phần thu nhập của mình do nông sản không được chuyển hóa thành tiền. Hệ quả là nông dân phải giảm giá hơn nữa để thu hút tư bản đầu tư vào thương mại. Ngược lại khi mất mùa thì sản lượng nông sản thấp khiến cho một phần tư bản cố định của thương nhân trở thành thừa, thương nhân sẽ bị thua lỗ, họ phải buộc phải rút bớt vốn khỏi việc buôn bán nông sản. 

Tình hình kinh tế của nông dân trở nên bi kịch ở chỗ năng suất lao động của họ càng tăng thì họ càng phụ thuộc vào thương nhân và thu nhập càng thấp đi. Người ta có thể phản đối bằng cách lên án thương nhân gian lận, nhưng thương nhân sinh ra từ nhu cầu của nền sản xuất hàng hóa mà nông dân tham gia, sự gian lận chỉ là biểu hiện bề ngoài của những quy luật chi phối nền sản xuất đó. Trong phân tích trên đã chỉ ra ngay trong những điều kiện bình đẳng nhất với thương nhân thì nông dân cũng không thể tránh khỏi sự sụt giá của nông sản.

Dần dần quá trình tích tũy tư bản sẽ khiến nông dân phụ thuộc vào thương nhân, phụ thuộc vào vốn ứng trước của thương nhân và cuối cùng là trở thành người làm thuê cho thương nhân. Muốn thoát khỏi tình trạng đó trong điều kiện của nền sản xuất hàng hóa thì họ chỉ có một cách duy nhất là tư bản hóa phương thức sản xuất, tự biến bản thân thành nhà tư bản nông nghiệp, sử dụng lao động làm thuê, nhưng ở đâu ra lao động tự do trong một xã hội toàn những hộ nông dân nhỏ? Sự tích lũy trong xã hội đó vốn rất chậm chạp, chính tư bản thương nghiệp đã thúc đẩy nhanh quá trình phá sản của một số hộ nông dân, biến họ thành lao động tự do.

Không có cách nào bảo vệ nền sản xuất nhỏ của nông dân trước chính thứ mà nền sản xuất đó tạo ra, hay nói cách khác nông dân không thể mãi phồn vinh trên mảnh ruộng được chia của họ, nền sản xuất nhỏ bé phân tán ấy tất yếu đi đến phương thức sản xuất tư bản với sự phá sản của đa số nông dân và một số ít trở thành nhà tư bản nông nghiệp. Việc nông dân bị thương lái ép giá nông sản chỉ là hiện tượng bề ngoài, vốn xuất phát từ quan điểm của người nông dân sản xuất nhỏ, không hiểu được những quy luật chi phối bên trong của nền sản xuất nên họ chỉ có thể bám lấy hiện tượng bề mặt. Sự phát triển thể hiện ra đối với họ bao giờ cũng là những trò lừa gạt, vô đạo đức. Để chống lại sự tan rã không cách nào tránh khỏi ấy thì họ tìm cách lên án sự vô đạo đức của tầng lớp tư bản giàu có, hay đòi hỏi những chính sách vô vọng để cứu vãn nền sản xuất của họ.

Friday, March 13, 2015

Địa chính trị của các sản phẩm biến đổi gen

Sản phẩm biến đổi gen không chỉ là vấn đề khoa học mà còn là vấn đề địa chính trị. Đó là một luận điểm chủ chốt trong bài viết "The Geopolitics of GMOs" của tác giả Colin Todhunter. Xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch để biết thêm chi tiết.

Địa chính trị của các sản phẩm biến đổi gen

Sản phẩm biến đổi gen (GMOs) không cần thiết cho việc nuôi sống thế giới (xem ở đâyđây), nhưng hình ảnh được phổ biến rộng rãi là chúng dẫn đến gia tăng năng suất, không ảnh hưởng đến môi trường và không có tác động tiêu cực đối với sức khỏe của con người, liệu chúng ta có thông minh khi nắm chặt lấy chúng?
Ảnh minh họa: Sự độc hại của Monsanto
Nguồn: Internet
Sự thật là công nghệ GMO vẫn thuộc sở hữu và kiểm soát của một số nhất định các lợi ích đầy quyền lực. Trong tay họ, công nghệ này trước hết và cuối cùng phải là một công cụ cho quyền lực của doanh nghiệp, một công cụ để đảm bảo lợi nhuận. Sau nữa, chúng sẽ phục vụ cho các lợi ích địa chính trị toàn cầu của Hoa Kỳ. Từ lâu, nông nghiệp đã thực sự là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. 
“Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ hầu như dựa trên xuất khẩu nông nghiệp, không phải là xuất khẩu công nghiệp như mọi người vẫn nghĩ. Thông qua nông nghiệp và kiểm soát nguồn cung thực phẩm mà ngoại giao Hoa Kỳ có khả năng kiểm soát đa số các nước thuộc Thế Giới Thứ 3. Chiến lược cho vay địa chính trị của Ngân Hàng Thế Giới có khả năng biến một quốc gia thành khu vực thiếu lương thực thông qua việc thuyết phục quốc gia đó tăng nông sản hàng hóa – canh tác để xuất khẩu – thay vì nuôi sống bản thân với mùa màng thu hoạch được.” Giáo sư Michael Hudson.
Dự án cho Thế Kỷ Hoa Kỳ MớiHọc thuyết Wolfowitz cho thấy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là về quyền lực, kiểm soát và đảm bảo uy quyền tối cao toàn cầu bằng cứ giá nào. Một phần của kế hoạch là giành lấy sự thống trị toàn cầu dựa trên việc Hoa Kỳ kiểm soát nông nghiệp và chiếm đoạt chủ quyền lương thực cũng như an ninh lương thực của các quốc gia khác. 

Trong cuốn sách ‘Những hạt giống của sự phá hủy’, William Engdahl đã lần theo cách mà gia đình tỷ phú dầu lửa Rockefeller biến sự giàu có khổng lồ của họ thành sức mạnh chính trị, tìm cách bắt giữ nông nghiệp ở Hoa Kỳ và sau đó là toàn cầu thông qua “cách mạng xanh”. Cùng với các đập nước lớn, các yêu cầu về cơ sở hạ tầng tốn nước, kiểu hình nông nghiệp đó khiến nông dân phụ thuộc vào các sản phẩm dầu lửa do doanh nghiệp kiểm soát và khiến nông dân cũng như quốc gia mắc bẫy, phải phụ thuộc vào đồng dollar và nợ nần. GMOs phản ánh điều tương tự thông qua kịch bản và sự độc quyền gia tăng về hạt giống trong tay một nhóm nhỏ các doanh nghiệp chủ chốt Hoa Kỳ, như Monsanto, DuPont và Bayer.

Ở Ấn Độ, Monsanto đã kiếm được hàng triệu dollar từ nông nghiệp trong những năm gần đây thông qua các thành viên hoàng gia, nông dân bị ép buộc phải chi tiêu vượt quá khả năng của họ để mua hạt giống và các đầu vào hóa học. Một sự kết hợp nợ nần, tự do hóa kinh tế và dịch chuyển sang các nông sản hàng hóa GMO (bông) đã khiến cho hàng trăm nghìn nông dân bị túng quẫn, trong khi các doanh nghiệp thu được lợi nhuận khổng lồ. 

Hơn 270,000 nông dân ở Ấn Độ đã tự sát trong khoảng thời gian từ giữa đến cuối những năm 1990.

Ở Bắc Mỹ, câu chuyện cũng tương tự, nhiều nông dân và người dân bản địa bị buộc phải rời khỏi đất đai và bị đàn áp bằng bạo lực khi GMOs và canh tác trên quy mô công nghiệp chiếm chỗ. Chuyện đó cũng tương tự ở Châu Phi, nơi Monsanto và Quỹ Gates đang tìm cách chuyển đổi canh tác quy mô nhỏ sang mô hình do doanh nghiệp kiểm soát. Họ gọi đó là “đầu tư” vào nông nghiệp như thể đó là một hoạt động mang tính đạo đức.

Nông nghiệp là nền tảng của nhiều xã hội, mặc dù nó đang được cấu trúc lại theo lợi ích của các tập đoàn công nghệ nông nghiệp, bán lẻ và chế biến thực phẩm giàu có. Các nông trại nhỏ phải chịu sức ép khổng lồ và an ninh lương thực bị phá vỡ, chưa phải là hết bởi vì các nông trại nhỏ sản xuất hầu hết thực phẩm của thế giới. Bất kể là thông qua việc tước đoạt đất đai hay chuyển giao, sản xuất cho xuất khẩu (phi thực phẩm), đầu vào hóa học lớn hơn hay bản quyền hạt giống và việc chia sẻ hạt giống giữa những nông dân bị xóa bỏ, lợi nhuận được đảm bảo cho các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp và các nhà đầu tư có tổ chức vào đất đai. 

Sự tái cấu trúc nông nghiệp theo hình ảnh của kinh doanh nông nghiệp lớn tiếp diễn khắp toàn cầu bất chấp việc các nhà nghiên cứu cho rằng thâm dụng hóa chất, các mô hình tiêu tốn năng lượng khiến cho Anh Quốc chỉ còn lại 100 lần thu hoạch do sự suy thoái đất canh tác. Ở Punjab, mô hình ‘cách mạng xanh’ theo quy mô công nghiệp, nông nghiệp dưới sự kiểm soát của doanh nghiệp đã dẫn đến khủng hoảng dưới hình thức thiếu nước trầm trọng, gia tăng bệnh ung thư ở người và suy giảm năng suất. Đây là một cuộc khủng hoảng nông nghiệp toàn cầu. Sự thống trị gia tăng của mô hình do doanh nghiệp kiểm soát là không thể chịu đựng được.

Nhiều dạng nông nghiệp sinh thái hơn đã được nhắc đến, thông qua quản lý mùa màng thông minh và giảm sử dụng đầu vào hóa học, sẽ có khả năng không chỉ nuôi sống thế giới mà còn giảm tải cho môi trường tự nhiên. Rất nhiều báo cáo chính thống và các nghiên cứu khoa học đã cho rằng những chính sách đó sẽ thích hợp hơn, đặc biệt là đối với các quốc gia nghèo (xem ở đây, đâyđây).

Đôi khi mô hình hóa học công nghiệp cho thấy chúng đem lại vụ thu hoạch tốt hơn nhiều phương pháp truyền thống (một sự khái quát hóa và thường bị thổi phồng), song điều đó chỉ là lừa bịp. Vụ thu hoạch tốt hơn nhưng chỉ khi có đầu vào hóa học quy mô lớn từ các doanh nghiệp, thiệt hại khổng lồ đối với sức khỏe và môi trường, cũng như nhiều hơn các xung đột phát sinh từ vấn đề tài nguyên để chiếm đoạt dầu mỏ nhằm cung cấp cho mô hình đó. Giống như niềm tin sai lầm rằng ‘tăng trưởng’ kinh tế (GDP) được kích thích chỉ bởi vì có một mức dòng tiền mặt lớn hơn chảy vào nền kinh tế (và lợi nhuận doanh nghiệp được thúc đẩy), ý niệm về ‘năng suất’ nông nghiệp được cải thiện cũng bắt nguồn từ một nhóm các tiêu chí gần như vậy. 

Những khái niệm thống trị chống đỡ cho ‘tăng trưởng’ kinh tế, nông nghiệp hiện đại và ‘phát triển’ được dựa trên hàng loạt các giả định đánh lừa tư duy với sự ngạo mạn và khinh thường: hành tinh phải được cấu trúc theo cách tập trung vào đô thị, theo mô hình vị chủng tộc mà ở đó nông thôn bị nhìn từ trên xuống, tự nhiên phải bị thống trị, nông dân là vấn đề cần phải xóa bỏ khỏi đất đai, các phương thức truyền thống đang lùi bước và cần phải loại bỏ.
“Người dân bị coi là ‘nghèo’ khi họ ăn thực phẩm tự trồng thay vì thứ thực phẩm rác rưởi được các hãng nông nghiệp toàn cầu phân phối thương mại. Họ bị coi là nghèo khi họ sống trong các căn nhà tự xây dựng bằng các vật liệu thân thiện môi trường như tre và bùn hơn thay vì sống trong các căn nhà xây bằng than xỉ hoặc xi măng. Họ bị coi là nghèo khi họ mặc quần áo tự may từ sợi tự nhiên thay vì sợi nhân tạo.” Vandana Shiva
Các doanh nghiệp phương Tây đang triển khai việc loại bỏ thông qua các chính sách quyết định tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, IMF và Ngân Hàng Thế Giới (với sự trợ giúp của các quan chức và chính khách phục tùng) nhằm giảm dân số khu vực nông thôn và đưa dân cư tới sống ở thành phố, sau đó đấu tranh cho một phiên bản tiêu dùng kiểu ‘Giấc Mơ Mỹ’ hoàn toàn không thể chịu đựng được, không thể đáp ứng được, phá hủy môi trường, phát sinh xung đột. 

Cũng đáng chú ý (và đáng phiền) phải ghi nhận rằng các quốc gia ‘đang phát triển’ chiếm hơn 80% dân số thế giới nhưng chỉ tiêu thụ khoảng 1/3 năng lượng thế giới. Công dân Hoa Kỳ chiếm 5% dân số thế giới nhưng tiêu thụ 24% năng lượng của thế giới. Tính trung bình mỗi người Mỹ tiêu thụ năng lượng bằng hai người Nhật, 6 người Mexico, 13 người Trung Quốc, 31 người Ấn Độ, 128 người Bangladesh, 307 người Tanzania và 370 người Ethiopia.

Bất chấp sự phá hủy môi trường và xã hội gây ra, kết quả được coi là thành công chỉ bởi vì các lợi ích kinh doanh hưởng lợi cho thấy một sự tăng trưởng trong GDP. Chặt bỏ toàn bộ một khu rừng mà người dân sống hài hòa trong đó nhiều thế kỷ, bán gỗ xây dựng, bán thêm nhiều thuốc độc để phun cho đất canh tác hay bán dược phẩm để chữa lành những bệnh phát sinh từ mô hình sản xuất thực phẩm dựa vào hóa phẩm dầu mỏ sẽ thực sự gia tăng GDP, có phải không? Tất cả đều tốt cho kinh doanh. Điều gì tốt cho kinh doanh cũng tốt cho mọi người khác, đó là cách lời nói dối tiếp tục.

“Doanh nghiệp là thể chế thống trị được chế độ gia trưởng tư bản chủ nghĩa tạo ra dựa trên chủ nghĩa apartheid sinh thái. Họ phát triển dựa trên di sản thuyết nhị nguyên của Carte, đặt tự nhiên chống lại con người. Thuyết đó định nghĩa tự nhiên như một phụ nữ và thụ động chấp nhận sự chinh phục. Chủ nghĩa vị doanh nghiệp do vậy cũng là chủ nghĩa vị nam giới – một cấu trúc gia trưởng. Thuyết phổ biến sai lầm về việc con người chinh phục và sở hữu trái đất đã dẫn đến sự ngạo mạn kỹ thuật của địa lý ứng dụng, gen ứng dụng và năng lượng hạt nhân. Điều đó dẫn đến sự phẫn nộ mang tính đạo đức đối với việc sở hữu các dạng sống thông qua bản quyền, sở hữu nước thông quan tư hữu hóa, sở hữu không khí thông qua trao đổi khí các-bon. Điều đó dẫn đến việc tước đoạt đa dạng sinh thái phục vụ cho người nghèo.” Vandana Shiva
‘Cách mạng xanh’ và GMOs hiện giờ hoàn toàn không quan tâm đến việc nuôi sống thế giới, đảm bảo dinh dưỡng cần thiết trong bữa ăn thường ngày hay bảo vệ sức khỏe và an toàn môi trường. (Trên thực tế, Ấn Độ hiện giờ đang nhập khẩu thực phẩm mà họ đã từng sản xuất nhưng đã từ lâu không còn sản xuất; ở Châu Phi cũng vậy, các bữa ăn hàng ngày của địa phương đang trở nên kém đa dạng và kém lành mạnh hơn). Những khái niệm dựa trên tuyên truyền hay xuất phát từ tình cảm tốt đẹp đã được đưa ra để phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp.

Những đột phá về công nghệ sinh học đã luôn đóng vai trò hàng đầu trong việc cải tiến nông nghiệp, nhưng từ sau năm 1945 thì mô hình nông nghiệp do các doanh nghiệp quyền lực như Monsanto dẫn dắt, liên hệ chặt chẽ với lợi ích của Lầu Năm Góc và Phố Wall. Được thúc đẩy bởi lợi ích của bản thân đóng gói trong các PR mốt nhất về ‘nuôi dưỡng thế giới’ hay áp đặt thắt lưng buộc bụng để bảo vệ thịnh vượng, bản chất các ý đồ của phe đảng nhà nước-doanh nghiệp Hoa Kỳ không bao giờ là những điều mà họ tuyên bố trên truyền thông.

Ở Ấn Độ, Monsanto và Walmart đóng vai trò chủ chốt trong việc dựng lên Sáng Kiến Kiến Thức Nông Nghiệp. Monsanto hiện nay đang tài trợ cho nghiên cứu tại các thiết chế công, sự hiện diện và ảnh hưởng thỏa hiệp của họ trở nên rõ ràng trong các cơ quan quyết định độc lập và xây dựng chính sách. Monsanto là lực lượng dẫn dắt phía sau những gì có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ tái cấu trúc và chinh phục Ấn Độ. IMF và Monsanto cũng hợp tác trong việc đảm bảo Ukraina phụ thuộc vào các mục tiêu địa chính trị của Hoa Kỳ thông qua việc chiếm đoạt đất đai và nông nghiệp. Các lợi ích giàu có chiếm giữ nông ngiệp (và các xã hội) là một hiện tượng toàn cầu.

Chỉ có những người hoàn toàn khờ khạo mới tin rằng trong tim các nhà đầu tư có tổ chức vào đất đai, các doanh nghiệp nông nghiệp lớn và những người hậu thuẫn cho họ ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có lợi ích nhân bản. Ít nhất thì mục tiêu chung của họ là lợi nhuận. Sau nữa và tạo thuận lợi cho điều đó, nhu cầu đảm bảo sự thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ là tối cao.

Khoa học về GMOs đang ngày càng trở nên bị chính trị hóa, sa lầy vào những lập luận chi tiết về phương pháp của họ, kết quả, kết luận, khoa học cho thấy cái gì và như tại sao. Mặc dù vậy, bức tranh lớn hơn thường xuyên có nguy cơ bị lướt qua. GMO không chỉ là về ‘khoa học’. Như trong chủ đề này, GMO và mô hình công nghiệp-hóa học được kết nối với chúng hoàn toàn là một thế lực địa chính trị được dẫn dắt bởi sức mạnh và lợi nhuận. 

Colin Todhunter is an extensively published independent writer and former social policy researcher based in the UK and India.

Friday, October 31, 2014

Trung Mỹ đói khát

Nạn đói do hạn hán đang hoành hành ở Trung Mỹ, bạn đọc hẳn đã biết, nhưng con người tạo ra nó như thế nào? Xin mời hãy tham khảo bản dịch bài viết "Starving Central America" của tác giả người Mỹ Nick Alexandrov.

Trung Mỹ đói khát

“Hạn hán đã giết chúng tôi”, một người Honduras trẻ, Olman Funez nói về mùa hè năm ngoái. Anh ta đề cập tới cái mà Ngân Hàng thế giới gọi là “một trong những đợt hạn hán dài nhất suốt nửa thế kỷ qua”. Một nông dân Guatemala 60 tuổi khẳng định rằng ông chưa từng thấy “thảm họa nào như vậy”. Carlos Rosman, một nông dân Guatemala nói với phóng viên rằng “Chả có gì ở đây hết. Chúng tôi ăn những gì có thể tìm thấy.”

Đó là những người trong só 2,8 triệu Trung Mỹ “đang đấu tranh để nuôi sống bản thân” trong khu vực “hàng lang khô hạn” – “một khu vực khô hạn nằm giữa Guatemala, El Salvador, Honduras và Nicaragua”, theo thông tin từ tổ chức Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Nicaragua mô tả đợt hạn hán là tồi tệ nhất trong 32 năm qua. Vào tuần trước tổ chức Chữ Thập Đỏ Quốc Tế và Trăng Lưỡi Liềm Quốc Tế “nói khoảng 571,710 người bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Honduras”, và “các hộ gia đình buộc phải bán tài sản và gia súc để mua thực phẩm cần thiết cho sống sót, trong khi những người khác đi tị nạn để tránh tác động của hạn hán”. Nhưng khủng hoảng lương thực ở Honduras và Nicaragua không phải là hiện tượng mới. Ở cả hai quốc gia này, chính sách của Hoa Kỳ đã gây ra nạn đói Trung Mỹ.

Những người Honduras khẳng định rằng khu vực Choluteca là một phần của “hành lang khô hạn”. Lãnh sự Hoa Kỳ ở Tegucigalpa đã viết vào năm 1904 về “sự đa dạng thực vật” của Choluteca, “từ các loại thông và sồi của thượng du cho đến cọ và dừa dọc theo bờ biển”. Vùng rừng giàu có đã bị tàn phá trong 70 năm sau đó, giảm từ 29% xuống 11% trong khu vực được thống kê vào những năm 1960 và 1970. Bãi chăn thả tăng diện tích bao phủ từ 47% lên 64% trong cùng kỳ. “Gia súc đang ăn hết rừng”, Billie R. DeWalt tường thuật trên Bản Tin Các Nhà Khoa Học Nguyên Tử ba thập kỷ trước đây. Nhà nhân loại học Jefferson Boyer đồng tình, cho biết là các trại chăn nuôi Choluteca “đơn giản chỉ thuê lao động để đốn và đốt cây cũng như bụi rậm, phát quang đất cho cỏ mọc”. 

Honduras “bị biến thành bãi chăn thả gia súc khổng lồ nhằm mục đích xuất khẩu”, DeWalt nói thêm – một sự phát triển phục vụ các mục đích của Washington. Robert G. Williams cho biết một ví dụ, “Liên Minh Tiến Bộ thúc đẩy xuất khẩu thịt bò Trung Mỹ” của Kennedy, và “Ngân Hàng Thế Giới, AID, và IADB” đều coi thịt bò “là con đường thực dụng và nhanh chóng dẫn đến tăng trưởng nhờ xuất khẩu”. DeWalt tiếp tục, thịt bò “không quan tâm tới khoảng 58% trẻ em Honduras dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng bởi suy dinh dưỡng dễ thấy”, nhưng không khi nào không quan tâm hơn đến Hoa Kỳ - nguồn “nhu cầu nhập khẩu vô tận các sản phẩm từ gia súc” và “nhà nhập khẩu lớn nhất” “của xuất khẩu thịt bò Trung Mỹ”. Khi các công dân Mỹ nhồi nhét steaks và hamburger, “nguồn cung cấp thực phẩm ở các nước nghèo trở nên thiếu hụt, thất nghiệp gia tăng, và đất đai cũng như các tài nguyên khác bị suy giảm mạnh”. Người Honduras nghèo khổ do đó buộc “phải cạnh tranh với động vật để giành các tài nguyên có sẵn ở địa phương”.

Nhưng nhiều nông dân, vì lý do nào đó, không thể chấp nhận rằng họ bị đối xử như con vật nuôi để giết thịt. Họ đã phản ứng lại sự phá hủy có hệ thống đối với sinh kế của họ bằng cách thành lập các tổ chức tự bảo vệ. Các chủ đất đáp trả theo cách có thể tiên lượng. “Bị chủ bãi chăn thả giết hại là chuyện phổ biến trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, và một số vụ thảm sát đã được công khai”, David Nibert kể. “Ví dụ, vào năm 1975, tại một bãi chăn thả lớn có tên là Los Horcones” - ở khu vực Olancho, một địa điểm mở rộng bãi chăn thả khác – “5 người đã bị thiêu chết trong một lò bánh mỳ, hai tu sĩ bị thiến và băm vằm, và hai phụ nữ bị ném xuống giếng rồi cái giếng bị cho nổ sập. Tất cả các nạn nhân đều có liên hệ với phong trào do nông dân tổ chức.

Lịch sử nông nghiệp Nicaragua cũng tương tự, theo nghĩa rộng. Khu vực León, giờ là một phần của “hành lang khô hạn” rất ấn tượng với thương nhân Anh Orlando W. Roberts, ông mô tả vào năm 1827 là “miền đất rừng đẹp như trong tranh”. Phó lãnh sự Hoa Kỳ Peter F. Stout viết vào băm 1859 rằng “khu vực màu mỡ của Leon” được “bao phủ bởi rừng rậm”, các chợ tràn ngập “dưa, cam, chanh cam, chanh, đu đủ”, nhiều “loại ăn được” đều sẵn có. Nhưng sau thế chiến thứ II “khu vực bao quanh León bị biến thành đám bụi khủng khiếp khi những chủ nông trại đốn hạ rừng và trục xuất các gia đình tá điền cũng như các cộng đồng thổ dân ra khỏi đất đai của họ”, Matilde Zimmerman kể lại, đánh dấu bước phát triển của cây bông. “Trong kỳ khô hạn mùa xuân, gió nóng thổi bụi đi khắp các ngóc ngách thành phố, và không khí ở León bốc mùi thuốc trừ sâu”.

Thuốc trừ sâu đã phá hủy nông nghiệp truyền thống ở Nicaragua, giỏ bánh mỳ của khu vực. “Sản lượng lương thực cho nhu cầu nội địa giảm xuống liên tục ở Nicaragua từ năm 1948 tới năm 1978 khi ngày càng nhiều đất hơn được chuyển sang canh tác để xuất khẩu các loại sản phẩm như bong, gia súc hay thịt bò”, Clifford L. Staten viết về thời kỳ Somoza. “Vào cuối những năm 1970, chỉ có 13% dân số làm nông nghiệp có mảnh đất đủ đáp ứng các nhu cầu căn bản hay tối thiểu về lương thực.” ông ta tiếp tục. Joseph Collins chỉ ra rằng các nhà sản xuất bong Nicaragua, biến đổi đất để phục vụ cho lợi ích của họ, “đã thành công trong việc biến đất nước của họ thành thủ đô thuốc trừ sâu của thế giới. Sữa mẹ ở Nicaragua chứa lượng DDT cao hơn 45 lần so với mức cho phép của bộ y tế”.

Douglas L. Murray cho biết rằng phần lớn viện trợ nông nghiệp của Washington được dùng để mua thuốc trừ sâu. “Ví dụ vào giữa những năm 1960, Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) cho Nicaragua vay 9 tỷ dollar thông qua Chương Trình Lương Thực Cơ Bản để mua thuốc trừ sâu cho các nhà sản xuất ngũ cốc cơ bản”, kể từ khi tiền phục vụ cho “sản xuất bông Nicaragua thuần túy, cũng như tạo ra doanh thu bổ sung cho các công ty hóa chất Hoa Kỳ”. Vận may doanh nghiệp đó là một phần của sự bùng nổ về bông. Những thứ khác là “sự khó khăn và đau khổ của hàng trăm ngàn người” cũng như “sự suy giảm mức độ tiêu thụ caloric của trẻ em”, khi sự bành trướng của bông “thay thế không chỉ sản xuất các ngũ cốc cơ bản và sản phẩm nông nghiệp cần thiết mà còn trục xuất nhiều người đã có đời sống lịch sử trên vùng đất này”, Murray kết luận.

Sự chuyển đổi nông nghiệp mà Honduras và Nicaragua đã trải qua – và đặc biệt là sự tàn phá rừng mà họ kế thừa – có thể liên quan đến sự thiếu nước hiện nay tại khu vực. Nick Nuttall, môt quan chức tham gia Hiệp Ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu, cho biết “mối liên hệ giữa nạn phá rừng và hạn hán là rất rõ ràng”, trong khi các nhà nghiên cứu khác tin rằng “hạn hán, được khuyếch đại bởi nạn phá rừng, là yếu tố chủ yếu trong sự sụp đổ nhanh chóng của đế chế Maya vào khoảng năm 950 trước Công Nguyên”.

“Con người và hệ thống sinh thái” khắp thế giới hiện nay có thể chung số phận với người Maya, Tổ Chức Liên Chính Phủ của Liên Hiệp Quốc (IPCC) về biến đổi khí hậu đã lo sợ. Trong một bản dự thảo báo cáo bị lộ sẽ được công bố vào chủ nhật này, ngày 2 tháng 11, IPCC lập luận rằng “ngay cả khi thích nghi, sự ấm lên vào cuối thế kỷ 21 sẽ dẫn đến nguy cơ cao đến rất cao các tác động khốc liệt, rộng rãi, và không thể đảo ngược toàn cầu”. Do đó chúng ta phải quyết định: Hoặc là mùa hè khốc liệt ở Trung Mỹ cho chúng ta thấy trước tương lai hành tinh của chúng ta, hoặc là nó cho thấy một ác mộng mà chúng ta sẽ thoát khỏi trong tích tắc.