Showing posts with label Kinh tế chính trị học. Show all posts
Showing posts with label Kinh tế chính trị học. Show all posts

Sunday, December 20, 2015

Vi tín dụng: Củng cố sự nghèo khổ

Hai tác giả Alison Higgins và Clare Heath trong bài viết "Microcredit: Making poverty sustainable" đăng trên tạp chí Permanent Revolution số mùa xuân năm 2007, đã bóc trần sự thật về vi tín dụng. Mô hình được các tổ chức quốc tế ca ngợi như phương thuốc thần diệu để xóa đói giảm nghèo trên thực tế chỉ là bánh vẽ. Mục tiêu chủ yếu của nó là giúp các tổ chức tài chính kiếm tiền từ những người nghèo và giúp nhà nước rũ bỏ trách nhiệm xã hội đối với người nghèo khổ.

Vi tín dụng: Củng cố sự nghèo khổ

Vào tháng 10 năm ngoái, Muhammad Yunus đã được trao giải Nobel Hòa Bình cho công việc thiết lập ngân hàng Grameen, đi tiên phong trong lĩnh vực tín dụng vi mô được cho là đã thay đổi cuộc sống của phụ nữ nghèo khắp Bangladesh. Một tháng sau, cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã tung ra sự chứng nhận của mình: “Không có công cụ phát triển nào hiệu quả hơn việc trao quyền cho phụ nữ và các cô gái.” 

Tín dụng vi mô, hay vi tín dụng là việc cung cấp một khoản nhỏ tư bản ứng trước, thông thường là cho phụ nữ ở bán cầu nam, để khởi động con đường thoát khỏi nghèo khổ và tiến tới độc lập kinh tế của họ. Khoản tín dụng này được cấp cho những người không đủ điều kiện để vay tiền từ ngân hàng bình thường. Các các nhân đệ trình một kế hoạch kinh doanh và hứa hẹn sẽ trả lại khoản vay. Khoản vay được sử dụng để tài trợ cho việc tự kinh doanh – ví dụ mua một máy khâu để khởi sự công việc sửa chữa quần áo, hoặc mua hàng hóa để khởi sự việc buôn bán nhỏ. 

Mô hình có một sự thuận tiện đặc biệt ở chỗ chúng cho phép những người nghèo được vay tiền mà không cần cầu cạnh tới những kẻ cho vay nặng lại và chỉ riêng ngân hàng Grameen đã cung cấp hơn 3 tỷ bảng cho 6,6 triệu người. Trên thế giới, Báo Cáo Thượng Đỉnh Vi Tín Dụng khẳng định rằng 3.133 tổ chức Vi Tín Dụng (MFI) có 113 triệu khách hàng và thông qua họ tiếp cận được với 410 triệu thành viên khác trong gia đình. 

Ý tưởng này đã được các tổ chức phát triển, các tổ chức quốc tế và những người hoạt động chống đói nghèo đón nhận nồng nhiệt. Theo Dự Án Phát Triển Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc, “vi tín dụng là một trong những chiến thuật phát triển và cách tiếp cận thực tiễn nên được triển khai và hỗ trợ để theo đuổi khát vọng lớn lao về việc giảm một nửa tỷ lệ nghèo đói của thế giới.” 

Thậm chí còn tốt hơn: “Hòa bình lâu dài không thể đạt được trừ khi một phần lớn các nhóm dân chúng tìm ra cách thoát khỏi nghèo đói. Vi tín dụng là một trong những phương tiện đó. Sự phát triển từ bên dưới cũng phục vụ cho sự tiến bộ của dân chủ và nhân quyền,” nhà tổ chức trao giải Nobel Hòa Bình khẳng định. 

Một ý tưởng cũ 

Ý tưởng về việc cho mọi người vay tiền sẽ giúp họ thoát khỏi nghèo đói không phải là mới. Vào thế kỷ 19, Adam Smith đã viết trong cuốn Sự Giàu Có của Các Quốc Gia: 
“Tiền đẻ ra tiền, một câu ngạn ngữ cổ đã nói vậy. Khi anh đã có một ít thì thường dễ kiếm được thêm. Sự khó khăn lớn nhất là kiếm được một ít đó.” 
Smith tin rằng nếu có cơ hội thì người dân sẽ sử dụng tiền một cách khôn ngoan để hỗ trợ gia đình và cộng đồng của họ. Phong trào vi tín dụng mang thêm một niềm tin nữa: đặc biệt là phụ nữ sẽ sử dụng tiền một cách khôn ngoan. Nhiều mô hình chủ yếu hướng tới phụ nữ vì lý do sau: phụ nữ giống cũng sống trong cảnh cực kỳ nghèo khổ như đàn ông; phụ nữ ít được tiếp cận các dạng khác của tư bản và thu nhập; phụ nữ đầu tư vào gia đình, điều đó trở thành sự cải thiện sức khỏe, giáo dục và cộng đồng; phụ nữ trả nợ đúng hạn. 

Các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới rất háo hức thúc đẩy quyền của phụ nữ như là một phần thiết yếu của sự phát triển kinh tế. Dĩ nhiên, thúc đẩy sự độc lập kinh tế của phụ nữ là một bước tiến tích cực khi mà nó có nghĩa rằng phụ nữ có thể thoát khỏi một số sự áp bức tàn bạo nhất trong gia đình và cộng đồng. Vi tín dụng được coi là một cách đạt tới điều này và do đó nó đóng vai trò trung tâm trong nhiều chương trình phát triển và sáng kiến nữ quyền. Nó cũng được đón nhận nồng nhiệt ở Venezuela dưới chính quyền cánh tả của Chavez, trong một nỗ lực có tính toán nhằm thúc đẩy sự độc lập kinh tế của phụ nữ. 

Nhưng nó có hiệu quả không? Nói chung là không. Trong khi nó có thể đưa một số phụ nữ và gia đình ra khỏi sự nghèo đói tồi tệ thì nó không giải quyết được các nguyên nhân căn bản của sự nghèo đói, cũng như sự bất bình đẳng mang tính hệ thống mà phụ nữ phải gánh chịu. 

Một đánh giá chi tiết của ngân hàng Grameen ở Bangladesh cho thấy hệ thống tín dụng không làm gì để chống lại cấu trúc gia trưởng đang tồn tại, trong đó có mức độ áp bức rất cao đối với phụ nữ trong gia đình. Trái lại, khả năng vay nợ của phụ nữ trong một số trường hợp lại gia tăng căng thẳng và bạo lực trong gia đình, khi phụ nữ được coi là sẽ có vai trò lớn hơn. 

Trong nhiều trường hợp khác, phụ nữ, mặc dù là người vay tiền trên giấy tờ, vẫn không được kiểm soát chúng hay thu nhập từ chúng (chồng hoặc cha của họ sẽ làm). Bên cạnh đó, phụ nữ vay tới 97% các khoản nợ được coi là phải tuân thủ 16 “quyết định” – các quy định xã hội nhằm thúc đẩy tinh thần công dân tốt. Những điều này cũng tạo ra căng thẳng khi phụ nữ không có khả năng thực hiện chúng; ví dụ “Chúng tôi phải kế hoạch hóa gia đình. Chúng tôi phải chăm lo cho sức khỏe.” Tất cả những điều này đều rất tốt, nhưng khi thiếu vắng sự chăm sóc y tế tốt, tránh thai và sự kiểm soát của phụ nữ đối với sinh đẻ thì tất cả đều là ảo tưởng. Làm sao phụ nữ có thể kiểm soát sinh đẻ khi nam giới tiếp tục thống trị - một nghiên cứu mới đây ở Bangladesh cho thấy 37% đàn ông đã kết hôn lạm dụng tình dục hoặc thân thể vợ trong vòng một năm trước. Phụ nữ vay nợ cũng đồng ý phải “tối thiểu hóa chi tiêu”, một trò đùa kệch cỡm khi họ đã thực sự ở mức tận cùng của nghèo khổ. 

Trên thực tế, cách thức mà ngân hàng Grameen được thiết lập đã gây tranh cãi, như đã được giải thích trên tờ Economist: “Theo đồn thổi, Grameen bắt đầu từ khoản tiền 27 dollar mà Ngài Yunus cho một phụ nữ sản xuất đồ gỗ vay, người này có tín dụng nhưng với lãi suất rất cao. Sau đó, Grameen nhanh chóng phát triển, dựa trên một số kỹ thuật vận hành chủ chốt: các khoản vay là cho cá nhân nhưng thông quan một nhóm nhỏ chịu trách nhiệm chung về khoản nợ; khoản vạy là cho kinh doanh, không cho tiêu dùng; thu nợ thường xuyên, thông thường là hàng tuần. Lãi suất được tính đáng kể - tiền không phải là khoản viện trợ và nguyên lý căn bản của Grameen là người nghèo đáng tin về tín dụng – nhưng lãi suất tương đối thấp (hiện nay chỉ dưới 20%).[1] 

Lãi suất tương đương với thẻ mua hàng chịu ở phương Tây – không mặc cả ở đây! Sau khoản vay ban đầu từ túi của Yunus, vốn của ngân hàng đến từ các nhà tài trợ công và tư trong khi cách hàng được vay tiền với lãi suất tương đối thấp và có mức tiết kiệm thấp. Mô hình trách nhiệm theo nhóm bắt đầu suy sụp khi một số thành viên nhóm làm tương đối tốt còn những người khác thì không, xung đột nổ ra và một số thành viên muốn rời khỏi nhóm. 

Nhiều khoản vay được sử dụng để bổ sung cho thu nhập hàng ngày hoặc cho các sự việc khẩn cấp thay vì đầu tư cho kinh doanh. Bangladesh, bất chấp thành tích bất ngờ suốt ba mươi năm của ngân hàng Grameen (cũng như hàng loạt các MFI tương tự hoạt động ở đó), vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới – một nửa trong số 130 triệu người dân vẫn sống ở dưới mức nghèo khổ. 

Không chỉ không xóa bỏ nghèo khổ mà vi tín dụng còn tạo ra nhiều tác động đến sự nghèo khổ nói chung. Ngay cả tờ Economist cũng hoài nghi: “Một câu hỏi sâu hơn là các khoản tín dụng nhỏ này thực sự hữu ích ra sao. Các nghiên cứu điển hình thân thiện đã có nhưng các phân tích chặt chẽ thì hiếm thấy. Một ít nghiên cứu đã hoàn thành cho rằng các khoản tín dụng nhỏ là hữu ích nhưng không thực sự quá nhiều.” 

Một đánh giá ở Pakistan đã phát hiện ra rằng vi tín dụng không giúp được cho các gia đình nghèo thoát khỏi bẫy nghèo đói, mà phục vụ cho những người đã có vị thế tốt hơn, trong đó có những người có gia đình nhỏ hơn và thu nhập cao hơn, cũng như hoàn toàn không giúp đỡ những người cực nghèo, thanh niên cùng khổ. Người cho vay vi mô muốn người vay phải tự chủ kinh tế được ngay trong một khoảng thời gian ngắn – do vậy họ dường như không tập trung vào những người nghèo nhất, đặc biệt là những người ở những cộng đồng nông thôn khó tiếp cận. 

MFI không phải là tổ chức từ thiện và có thể tính lãi suất cao để bù đắp chi phí dài hạn hơn hoặc các rủi ro tín dụng – theo cách này mô hình vi tín dụng thậm chí cũng có thể tạo ra gánh nặng nợ nần. Kinh nghiệm về khách hàng của MFI chung sống với HIV/AIDS rất đáng để trình vày để thấy được bản chất của vi tín dụng trong vai trò là công cụ phát triển; ở Châu Phi cận Sahara, 40% khách hàng thể dự đoán một cái chết trong gia đình trong vòng một năm. Do chi phí mai tang có thể tương đương với thu nhập một năm của người cung cấp vi tín dụng nên MFI cũng bán các mô hình tiết kiệm và bảo hiểm (cụ thể là bảo hiểm y tế với giá 60 dollar) bởi vì, sau Chương Trình Điều Chỉnh Cấu Trúc do Ngân Hàng Thế Giới và IMF đưa ra vào những năm 1990, nhà nước không còn cung cấp bảo hiểm xã hội. Ở nhiều nước Châu Phi, sự lây nhiễm bệnh HIV/AIDS là rất khủng khiếp, MFI vượt qua vấn đề do sức khỏe tồi tệ gây ra, sự gia tăng số lượng người phụ thuộc trong gia đình và tuổi thọ thấp, bằng cách bán dịch vụ bảo lãnh nợ cũng như bảo hiểm y tế cho khách hàng của họ. Kế hoạch kinh doanh mang các chiến lược “kiểm soát tác động của HIV/AIDS và tạo ra sự an toàn lớn hơn cho tổ chức trước các khách hàng bị lây nhiễm.”[2] 

Đối những người đang chung sống với HIV/AIDS, trở thành khách hàng của vi tín dụng là rất cần thiết để có thể trang trải được viện phí, thuốc men và tang lễ. Sự thật là phụ nữ ở các nước đang phát triển phải chịu đau khổ nhiều nhất từ các chính sách tân tự do và tư nhân hóa; các cô gái bị đẩy ra khỏi trường học khi giáo dục bị thu phí, gánh nặng chăm sóc người già, người ốm đau và người chết đổ lên vai phụ nữ khi sự hỗ trợ của nhà nước bị xóa bỏ. 

Vi tín dụng xuất hiện cùng với sự phản cách mạng tân tự do chống lại phúc lợi xã hội do nhà nước cung cấp. Logic của vi tín dụng là tự cấp tự túc – không dựa vào sự cung cấp của nhà nước để, thậm chí ngay cả những tình huống tuyệt vọng nhất. Khi một nhà bình luận đã chỉ ra, “Nhà nước thích vi tín dụng bởi vì chúng cho phép họ rũ bỏ những trách nhiệm cơ bản nhất đối với công dân nghèo. Vi tín dụng biến thị trường thành thượng đế.”[3] 

Vượt qua áp bức xã hội? 

Các tổ chức phi chính phủ của phụ nữ đã thành công trong việc thúc đẩy các chương trình vi tín dụng như là phương tiện để cải thiện địa vị của phụ nữ và giờ đây một dòng thác quỹ phát triển của các tổ chức quốc tế như USAID và WB đang đổ vào vi tín dụng. Nhưng khi họ cố tạo ra cho phụ nữ một mức độ độc lập về kinh tế thì hầu như họ đã thất bại. Một số đánh giá chi tiết về mô hình đã cho thấy họ gia tăng mức độ phụ thuộc của phụ nữ vào kinh tế phi chính thống, vốn không ổn định và thường là tạm thời. 

Bản chất của vi tín dụng đối với phụ nữ, bất kể là cá nhân hay theo nhóm, là tạo dựng công việc kinh doanh nhỏ trong lĩnh vực buôn bán hay chế tạo. Khoản vay cung cấp chi phí ban đầu và sau đó phải trả lại nhanh chóng và theo định kỳ. Mọi sinh viên kinh tế đều hiểu rằng để khoản tiền ban đầu đó muốn lớn lên thì số vốn phải lớn lên và để làm điều đó thì việc kinh doanh phải tăng trưởng. Điều này chỉ có thể diễn ra nếu như thuê mướn và bóc lột người khác, sau đó việc mua bán có thể thực hiện giá trị thặng dư để tái đầu tư hoặc lợi nhuận được dùng để gia tăng thu nhập của chủ sở hữu. Trong công việc kinh doanh nhỏ mà MFI thúc đẩy, những người lao động ban đầu là những thành viên khác trong gia đình, thường là con gái, do đó cũng là người bị bóc lột. Ngay cả khi người buôn bán hay sản xuất nhỏ bắt đầu thành công thì họ sẽ phải cạnh tranh với những doanh nghiệp khác và bị buộc phải giảm chi trí để cạnh tranh. Sự không tưởng của toàn bộ ý tưởng này là giả định các gia đình và cộng đồng có thể thoát khỏi nghèo khổ bằng cách tái đầu tư khoản tư bản nhỏ. Nếu có bất cứ ai thành công thì họ sẽ sớm phải đối mặt hoặc bị các doanh nghiệp tư bản lớn loại khỏi công việc kinh doanh. Dĩ nhiên môt số rất nhỏ công việc kinh doanh sẽ thành công, nhưng đa số khoản nợ chỉ giúp cho một số gia đình sống sót dưới sự dã man của chủ nghĩa tư bản mà không khiến nhà nước tốn một xu nào. 

Cần phải lưu ý rằng một trong những lý do khiến nhiều phụ nữ sống trong cảnh cực kỳ nghèo khổ là chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã tước đoạt đất đai của họ, phá hủy sự tự chủ của họ. Điều mà phụ nữ cần là một công việc tử tế với tiền lương đủ sống, cùng với các cơ sở hạ tầng phúc lợi và xã hội để giúp họ làm việc. Khuyến khích tinh thần kinh doanh để trả lời sự nghèo khổ toàn cầu là một trò đùa quái đản, khi mà tất cả công việc kinh doanh “sinh lợi nhuận” có thể mang lại mức sống tử tế cho chủ của nó đều phụ thuộc vào một thị trường lớn (của những người có tiền), quy mô kinh tế và sự bóc lột hàng loạt. 

Các chương trình vi tín dụng cũng củng cố quan điểm phản động về việc sự đáng kính vốn có của phụ nữ nghèo trái ngược với sự vô trách nhiệm của đàn ông. MFI và NGO đã ca ngợi phụ nữ là khoản đầu tư tốt đối với những món tiền đó. Một nhà văn nữ quyền đã bình luận về sự tấn công mang tính ý thức hệ, ca ngợi phụ nữ là cứu tinh sẽ giúp nhà nhước thoát khỏi trách nhiệm đối với sự nghèo khổ, như sau: 
“Khi mà đàn ông ít khi trả nợ hơn phụ nữ, lại hay chi tiêu thu nhập cho bản thân hơn là cho gia đình, cũng như tham gia vào các tham nhũng vặt như là một cách gây ảnh hưởng chính trị địa phương, những khẳng định này có giá trị thực sự. Mặt khác, cũng giống như những tất cả lý tưởng mạnh mẽ khác, chúng cũng dựa trên bức tranh mang tính một chiều và có những hậu quả không lường trước được trong việc củng cố chương trình tân tự do. Phụ nữ thuộc Thế Giới Thứ Ba được coi là nỗi xấu hổ, không phải là thành phần của sự thống trị tư bản chủ nghĩa, mà là những người bị coi là thiếu can đảm và quyết đoán để đàm phán với thị trường – có nghĩa là người “phụ thuộc” ở các nước nghèo phải dựa vào sự bảo vệ của nhà nước để chống lại sự cạnh tranh trên thị trường.”[4] 
Mặc dù vậy, điều quan trong là phân biệt giữa lý tưởng và thực tiễn. Một bài báo được trình bày tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Vi Tín Dụng vào năm 2006 đã chỉ ra rằng phụ nữ thường không phải là người kinh doanh tốt. [5] Tác giả, Irene Mutalia, lãnh đạo của một MFI ở Zambia, cho rằng phụ nữ thường xuyên mạo hiểm lao vào các thị trường cạnh tranh mà “ít chuẩn bị”, có nghĩa là không được đào tạo về kinh doanh hay có sự nhạy cảm để hỗ trợ cho khát vọng “sẵn sàng làm bất cứ thứ gì hỗ trợ gia đình” vào lúc cần thiết. Chồng của họ có thể ốm đau hoặc mất việc làm và công việc kinh doanh của phụ nữ thường được coi là một việc tạm thời lấp chỗ trống trong trường hợp này. Mutalima đã chỉ ra sự “thiếu khát vọng”, công việc kinh doanh thường được thực hiện kém chu đáo và do vậy các công việc kinh doanh do phụ nữ điều hành có vòng đời ngắn nhất ở Zambia – bốn năm. 

Kinh doanh nhỏ mà lớn 

Nếu có ai nghĩ phong trào này là cách vượt qua chủ nghĩa tư bản và thúc đẩy những giấc mơ không tưởng dựa trên thương nhân nhỏ thì hay nghĩ lại. Vi tín dụng đã trở thành chính thống mà người phát ngôn của phố Wal nhận định rằng là “một tài sản mới rất hấp dẫn đáng để xem xét trong một chiến lược danh mục đầu tư đa dạng.”[6] 

Bài báo vào năm ngoái tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Vi Tín Dụng đã cho thấy cách thức vi tín dụng đang trở thành một lĩnh vực ngân hàng thương mại thông thường, sự trao quyền cho phụ nữ và thậm chí là sự tham gia, được gạt sang một bên. Mutalima cho thấy MFI bắt đầu không còn coi bản thân là “tổ chức tài chính phục vụ cho giới tính” nữa, họ ngày càng xa rời lợi ích của những khách hàng nữ mà họ tuyên bố rằng sẽ thành công.[7] 

Vào lúc đầu, MFI có khuynh hướng “do người quyên góp định hướng”, nếu người quyên góp đó, một NGO nói, quan tâm đến vấn đề phát triển phụ nữ thì điều đó sẽ là ưu tiên hàng đầu của tổ chức. Mặc dù vậy, khi MFI đã vững chắc, những người quyên góp bắt đầu đòi hỏi “sự bền vững”; nói ngắn gọn là không dựa vào các quỹ quyên góp nữa. Tức là MFI phải có lợi nhuận. Họ sẽ phải cắt giảm chi phí, bắt đầu hướng tới các điều tiết và thương mại hóa, ưu tiên cho “các sản phẩm sinh lợi”, vào lúc đó sự chú trọng về giới tính dựa trên cơ sở là các khoản nợ nhỏ mà phụ nữ có thể trả được đã bị loại bỏ. 

Susy Cheston, giống như Mutalima, là thành viên của nhóm MFI Cơ Hội Quốc Tế, cũng đang vật lộn với vấn đề ưu tiên cho phụ nữ và sự phát triển trong MFI. Bà ghi nhận rằng một nghiên cứu của Bản Tin Ngân Hàng Vi Mô đã cho biết rằng tỷ lệ cao nhất của khách hàng nữ tại các MFI “non trẻ” do các NGO hoặc liên minh tín dụng điều hành – có quy mô nhỏ, không vì lợi nhuận và không tự chủ về tài chính, cũng như “khuynh hướng thương mại hóa và vươn ra quy mô lớn có nghĩa là giảm sự ưu tiên cho phụ nữ.”[8] Về các khách hàng của Cơ Hội Quốc Tế, Cheston phát hiện ră rằng quy mô tín dụng trung bình của nam giới lớn hơn của nữ giới, đây là trường hợp của một MFI đặc biệt chú trọng vào phụ nữ và các dự án của phụ nữ. 

Bản thân Cheston cũng là hình ảnh thu nhỏ của khuynh hướng chủ nghĩa nữ quyền tự do, bám chặt lấy ảo tưởng phát triển kinh doanh nhỏ để giúp phụ nữ của thế giới bán thuộc địa thoát khỏi đói nghèo. Bà thừa nhận rằng nếu như không có sự tập trung vào bình đẳng giới tính thì MFI cũng bỏ qua vấn đề phụ nữ thiếu quyền sở hữu khiến họ không thể thể hiện sự sở hữu tài sản bình đẳng trong nhiều trường hợp và do vậy họ sẽ sẽ càng gặp khó khăn khi tiếp cận vi tín dụng. 

Ở Malawi, bà nhắc tới một dự án với tỷ lệ phụ nữ rời bỏ lên đến 58% khi mà phụ nữ tham gia mô hình vi tín dụng vì họ muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình nhưng không đủ lớn để nam giới lấy đi phần đóng góp của họ. Họ muốn kiếm tiền để mua thực phẩm và chi tiêu cá nhân nhưng không làm đảo lộn trật tự tài chính của gia đình. 

Câu trả lời của Cheston đối với sự bất bình đẳng mang tính cấu trúc này là “sự chính thống về giới tính”, thông qua đó bà muốn nói rằng cần có thêm chủ kinh doanh và những người ra quyết định là nữ - một phản ứng kiểu nữ quyền tự do truyền thống, tìm cách biến một ít phụ nữ dưới đáy xã hội thành các lao động chuyên môn trung lưu. Ngay cả khi đó, bà cũng biết rằng giải pháp là không khả thi khi mà “sự chuyên môn hóa” trong các MFI đang hạn chế nó, phụ nữ sẽ không trở thành nhân viên của MFI; trong số 50 sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán ở đại học Kenya vào năm ngoái chỉ có hai người là nữ. Mô hình cũ của MFI với nhân viên tận tụy làm việc nhiều giờ, đi tới các cộng đồng dân cư để phục vụ khách hàng đang trở thành chuyện quá khứ dưới động lực cắt giảm chi phí. 

Ngay cả ngân hàng Grameen được giải thưởng cũng không chống lại được quy luật của tư bản tài chính: 
“Mô hình Grameen truyền thống bắt đầu suy thoái vào những năm 1990 và khủng hoảng năm 1998, khi mà lũ lụt gây ra thiệt hại lớn và người dân bắt đầu vắng mặt tại các buổi họp thanh toán tiền hàng tuần. Ngài Yunus rõ ràng quen thuộc với những sáng kiến vi tài chính ở các quốc gia khác: BRI ở Indonesia đã đi từ đống đổ nát đến thành công to lớn bằng cách khuyến khích tiết kiệm, không vay nợ và các tổ chức khác đã bắt đầu bãi bỏ việc vay nợ theo nhóm. Grameen tái cấu trúc vào năm 2001, khuyến khích tiết kiệm (tiền gửi hiện giờ nhiều hơn tiền vay nợ) và ít dựa vào trách nhiệm nhóm.”[9] 
Mohammed Yunus đã được vinh danh khi mà vi tín dụng trở tham gia vào vào dòng chính thống của cả các chương trình giảm đói nghèo tân tự do cũng như bản tài chính. MFI ngày càng được tổ chức như là các doanh nghiệp thương mại ngay từ đầu, ví dụ ACCIONin của Brazil đã tách dịch vụ tài chính ra khỏi các dịch vụ xã hội ngay từ đầu. Hiệu quả trong 30 năm của phương thức tiếp cận sáng tạo tại ngân hàng Grameen là vi tín dụng được khu vực ngân hàng bình thường cung cấp, đồng thời các nhà lập chính sách theo phái tự do phải chấp nhận để hệ thống mở rộng, để người nghèo tiếp cận được tín dụng, tổ chức phải sinh lợi nhuận và hiệu quả - điều này có nghĩa là “cộng đồng phát triển” đã đồng ý với các tổ chức đa quốc gia rằng kiếm tiền từ những người nghèo nhất trong số những người nghèo của thế giới là bình thường. 

Như MFI mới, không có quỹ quyên góp, khởi đầu với lãi suất lên đến 65%. Không mấy khó khăn để thấy tiềm năng kiếm lợi – như MFI đang sử dụng công nghệ mới (cụ thể là dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động) để mở ra một thị trường mới khổng lồ, ví dụ Pro Credit ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo, nước này có 69 triệu người và chỉ có 50 chi nhánh ngân hàng. Đây có vẻ là một con đường dài để xuất phát từ Ngài Yunus và giải Nobel Hòa Bình, thứ khởi đầu một công cụ phát triển đã trở thành một công việc việc kinh doanh lớn. Như tở Economist viết, “cơ hội sẽ sớm không còn là vi mô nữa”. 

Các chương trình trao quyền vi tín dụng hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề của phụ nữ bằng cách giúp họ đầu tư vào chủ nghĩa tư bản. Nó cho phép một số nhỏ đặc quyền thoát ra khỏi hố sâu của nghèo đói, biến một số ít người này thành các nhà tư bản nhỏ có thể bóc lột người khác. Đại đa số vẫn tiếp tục nghèo khổ, ngày càng phụ thuộc hơn vào bản thân và tư bản tài chính khi nhà nước thoái thác bất kỳ và mọi nghĩa vụ cung cấp dịch vụ cũng như cơ sở hạ tầng giúp cộng đồng tồn tại. 

Sự áp bức phụ nữ không bị phong trào vi tín dụng ngăn chặn một cách đáng kể, theo một nghĩa nào đó còn được củng cố thêm. Vi tín dụng thường được dùng để buộc người nghèo phải thanh toán cho chăm sóc y tế và xã hội, cũng như hoàn toàn được các tổ chức bám víu lấy để thâm nhập vào thị trường mới và buộc ngay cả những những nghèo nhất trong số những người nghèo trở thành khách hàng của họ. 

Ảo tưởng vi tín dụng cho thấy cách thức lý tưởng tự do đã thay đổi trên bề mặt của chủ nghĩa tân tự do: Người nghèo không còn những quyền xã hội (phúc lợi hay trợ cấp) nữa mà có trách nhiệm xã hội về việc tự lo cho bản thân và gia đình bất chấp mọi trở ngại khách quan – đặc biệt là phụ nữ nghèo. Mặc dù vậy, sự cản trở thật sự đối với việc chống lại đói nghèo, như sự thiếu đất mà Kofi Annan đã khẳng định là “nguyên nhân nghiêm trọng duy nhất gây ra sự nghèo khổ ở nông thôn”, hoàn toàn không được phép màu – hay ảo vọng vi tín dụng nhắc đến. 

Endnotes

1. “Macro credit”, The Economist, 19 October 2006 

2. Quoted in a paper by Pauline Achola to the 2006 Microcredit Summit 

3. Alexander Cockburn, “A Nobel Peace Prize for Neoliberalism – the myth of microloans”, Counterpunch, www.counterpunch.org 

4. Johanna Brenner, “Transnational feminism and the Struggle for global justice”, New Politics, vol. 9 no. 2 (new series), Winter 2003 

5. See www.microcreditsummit.org/summit/previous.htm 

6. “From charity to business”, The Economist, 5 March 2005 

7. Irene KBMutalima, “Microfinance and gender equality: are we getting there?”, www.microcreditsummit.org/papers/ Workshops/28_Mutalima.pdf 

8. Suzy Cheston, “Just the facts ma’am: gender stories” from “Unex­pected sources with morals for microfinance”, www.microcredit­summit.org/summit/previous.htm 

9. “Macro credit”, The Economist, 19 October 2006

Wednesday, December 16, 2015

Chủ nghĩa Marx đối đầu với chủ nghĩa đạo đức về nạn mại dâm

Khi cuộc tranh luận về việc hợp pháp hóa mại dâm diễn ra ở Việt Nam mới đây, thật kỳ lạ là hoàn toàn không có ai sử dụng chủ nghĩa Marx để phân tích vấn đề đó. Dường như chủ nghĩa Marx đang bị hắt hủi trong thực tiễn ở Việt Nam (một nước công khai theo chủ nghĩa Marx-Lenin), có lẽ điều đó khiến cánh cực hữu và những kẻ thờ phụng chủ nghĩa đế quốc phương Tây vui mừng hơn nhiều so với sự bôi nhọ chủ nghĩa Marx một cách bỉ ổi hàng này của họ.

Việc sử dụng chủ nghĩa Marx để phân tích các vấn đề thực tế không phải là hiếm hoi trên thế giới ngược lại nó đang ngày càng trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén hơn của người lao động trên khắp thế giới.

Cũng về vấn đề mại dâm, Helen Ward trong bài "Marxism versus Moralism on Prostitution", đăng trên Permanent Revolution Winter 2007, đã dựa trên luận điểm Marxist cho rằng mại dâm là mặt trái của chế độ hôn nhân một vợ một chồng (chỉ đối với phụ nữ), phân tích việc biến mại dâm thành hàng hóa trong xã hội tư bản và cấu trúc giai cấp của mại dâm. Mỗi bộ phận trong lĩnh vực mại dâm thuộc về một giai cấp khác nhau, tương ứng với cấu trúc giai cấp của xã hội tư sản, do vậy khi đấu tranh chống lại nạn mại dâm thì cũng cần có phương thức liên kết và đấu tranh thích hợp với cấu trúc giai cấp đó. 

Nếu như ở nước Anh mại dâm là hợp pháp thì công việc của người vô sản anh là đoàn kết với công nhân tình dục để chống lại sự áp bức của giai cấp tư sản thì ở Việt Nam, nơi mà mại dâm là bất hợp pháp, thì công việc của người vô sản không phải là đấu tranh để hợp pháp hóa nó mà ngược lại phải tìm cách xóa bỏ nó. Do ở những nước như Anh, khi mà mại dâm được hợp pháp hóa thì trong những điều kiện của chủ nghĩa tư bản điều đó có nghĩa là nạn mại dâm đã trở lên phổ biến và biến thành chế độ làm thuê phổ biến, cách thức đấu tranh hợp lý là đoàn kết với những người bị áp bức. Còn ở Việt Nam, nạn mại dâm vẫn chưa đạt đến quy mô công nghiệp, vẫn chỉ hạn chế chủ yếu ở giai cấp tiểu tư sản và tầng lớp vô sản lưu manh, thì điều tiên quyết là chống lại mọi mưu toan công nghiệp hóa nó, phát triển nó thành một dịch vụ phổ biến, bởi vì sự hủy hoại ấy trước hết sẽ nhằm vào những người lao động.

Chủ nghĩa Marx đối đầu với chủ nghĩa đạo đức về mại dâm

“Mại dâm chỉ là một biểu hiện cụ thể của nạn mại dâm phổ biến của người lao động.”[1] Câu trích dẫn này của Marx có thể cho thấy rằng đối với những người xã hội chủ nghĩa thì mại dâm là một vấn đề rất rõ ràng, nhưng thay vì được chứng minh trong các cuộc đấu tranh thực tế, cánh tả thường dao động giữa việc biện minh cho sự áp bức và xóa bỏ, hay hình sự hóa và công đoàn hóa.

Phần lớn các tranh luận mới đây tập trung xem xét về việc mại dâm có thể được coi là công việc hay là một dạng áp bức đối với phụ nữ.[2] Hai phe đối lập đã dẫn đến hai chiến lược đối lập hoàn toàn. Nếu như mại dâm là công việc thì đấu tranh cho việc tự tổ chức và các quyền là vấn đề chủ chốt của những người xã hội chủ nghĩa. Nhưng nếu như mại dâm là sự áp bức và nô lệ hóa thì những người tham gia là nạn nhân cần phải được giải thoát. Kathleen Barry, nhà tổ chức của hội nghị nữ quyền quốc tế về buôn bán phụ nữ vào năm 1983, đã theo đuổi quan điểm thứ hai khi bà từ chối tranh luận với nhà hoạt động của lao động tình dục Margo St. James, lập luận rằng “hội nghị là về nữ quyền và không ủng hộ thiết chế mại dâm…(sẽ là)…không thích hợp để thảo luận về nô lệ tình dục với phụ nữ bán dâm.”[3] Gần đây hơn, nhà văn Julie Bindell đã ủng hộ quan điểm này, viết về quyết định mở một chi nhánh cho lao động tình dục của GMB, bà lập luận, “làm sao một công đoàn có thể vừa chống lại việc áp bức phụ nữ lại vừa dung nạp điều đó? Thay vì để xã hội coi đó là một sự lựa chọn nghề nghiệp, mại dâm cần phải được thể hiện đúng bản chất – sự áp bức đối với phụ nữ. Công đoàn hóa không thể bảo vệ phụ nữ trong ngành công nghiệp đồi bại này.”[4] Mới đây nhất Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Scottland (SSP) đã gia nhập chiến tuyến và tuyên bố rằng mại dâm là sự áp bức đối với phụ nữ [xem trang 17].

Một quan điểm Marxist về mại dâm 

Mại dâm là trao đổi tình dục lấy tiền. Mặc dù vậy, khi mà có sự trao đổi này diễn ra trong những bối cảnh khác nhau – ví dụ như trong một số dạng hôn nhân – hầu hết các định nghĩa của từ điển đều rộng hơn một chút. Trong Từ Điển Tiếng Anh Oxford, một gái bán dâm là “một phụ nữ cho thuê cơ thể để phục vụ cho bất kỳ quan hệ tình dục nào.” 

Từ điển Encyclopaedia Britannica có định nghĩa rộng hơn, mại dâm là “sự tham gia vào hoạt động tình dục, thường xuyên là với các cá nhân khác không phải là vợ chồng hay bạn tình, để đổi lấy khoản thanh toán tức thời dưới dạng tiền hay các vật đáng giá khác.” Những định nghĩa này bổ sung thêm từ “bất kỳ” hay “không phải vợ chồng” để cố gắng tóm lược điều mà chúng ta đều ngầm hiểu – mại dâm là tình dục nằm bên ngoài những mối quan hệ mà trong đó tình dục thường được chấp nhận. 

Khái niệm mại dâm có lẽ hàm chứa nhiều người khác nhau cũng nhiều mối quan hệ khác nhau theo thời gian. Những nữ tu của Hy Lạp cổ đại, geisha của Nhật Bản, kỹ nữ của Châu Âu, gái đứng đường khu Soho và công nhân nhà thổ ở Mumbai, tất cả đều mang tên gái mại dâm. Vẻ bề ngoài tồn tại phi thời gian, nằm trong câu sáo ngữ về “nghề cổ xưa nhất”, che giấu nhiều quan hệ xã hội khác nhau. Những phụ nữ đó đều có một thứ chung đó là họ thực hành quan hệ tình dục bên ngoài khuôn khổ gia đình, tức là tình dục không gắn kết với sự tái sản xuất và duy trì một hộ gia đình.

Đây chính là thứ quan trọng để tiến đến cốt lõi của vấn đề - mại dâm chỉ có thể được khám phá trong mối quan hệ với chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Như Engels đã viết, “Chế độ một vợ một chồng và mại dâm thực sự mâu thuẫn nhau nhưng là sự mâu thuẫn không thể tách rời, là hai cực của cùng một trạng thái xã hội.”[5] Bebel, viết về phụ nữ và chủ nghĩa xã hội vào những năm 1880, đã giải thích, “Mại dâm trở thành một thiết chế xã hội cần thiết của xã hội tư sản, cũng giống như cảnh sát, quân đội thường trực, nhà thờ và giai cấp tư sản.”[6] Để hiểu được sự biện chứng này, tức là “sự tác động qua lại giữa các mặt đối lập”, trước hết chúng ta cần phải xem xét bản chất của mại dâm trong chủ nghĩa tư bản, xem xét sự biến đổi của nó theo phương thức sản xuất và sau đó quay trở lại khám phá quan hệ giữa tình dục riêng tư và công cộng cũng như sự áp bức phụ nữ.

Mại dâm: hàng hóa 

Giống như hầu hết các giao dịch thương mại của chủ nghĩa tư bản, mại dâm dựa trên việc bán và mua một hàng hóa. Theo nhận thức thông thường, gái bán dâm bán “cơ thể của cô ta”. Nhưng đây là một sự hiểu lầm, do khi kết thúc giao dịch thì khách hàng không “sở hữu” cơ thể của gái mại dâm. Thứ mà khách hàng mua là là dịch vụ tình dục. Một số nhà nữ quyền và người xã hội chủ nghĩa phản đối ý tưởng cho rằng phụ nữ bán dịch vụ chứ không phải bán cơ thể, nhưng cũng thừa nhận rằng việc bán đó chỉ là tạm thời, mô tả việc bán là để sử dụng cơ thể gái bán dâm để đem lại sự thỏa mãn tình dục cho khách hàng.

Nhưng ngay cả trong trường hợp đó thì vẫn là sự nhầm lẫn. Nếu anh đến bất cứ nơi nào có mại dâm, bất kể là trên đường phố, trong một nhà thổ hay thông qua một kẻ môi giới, anh sẽ thấy có bảng giá cụ thể. Thông thường chúng không được liệt kê vì lý do pháp luật nhưng rõ ràng là có giá cả cho việc phục vụ bằng tay, giá sẽ cao hơn khi phục vụ bằng miệng, giao hợp bình thường và giao hợp đường hậu môn. Một dịch vụ hộ tống sẽ tính tiền theo giờ, nhưng cũng nói rõ rằng dịch vụ tình dục bao gồm những gì và không bao gồm những gì, tất nhiên là kèm theo mức phí đã được tính. Hàng hóa là tình dục – hay chính xác hơn là một dịch vụ tình dục cụ thể.

Việc tình dục bị biến thành hàng hóa được nhiều người coi là “tội” tổ tông của mại dâm. Mhairi McAlpine của SSP viết, “mại dâm là việc thương phẩm hóa quan hệ tình dục, tách ra khỏi phạm vi thỏa mãn lẫn nhau và đưa vào phạm vi của thị trường.”[7] Tôi cũng có những cuộc thảo luận tương tự về chủ đề này với nhiều đồng chí trong nhiều năm – liệu có chắc chắn là hành vi thân mật đó không bao giờ nên bị biến thành thứ xa lạ có thể bị đem mua bán? Quan điểm lãng mạn cho rằng tình dục là sự thỏa mãn lẫn nhau đã cho thấy sự trừu tượng hóa từ các mối quan hệ xã hội. Dưới chủ nghĩa tư bản và các xã hội phân chia giai cấp trước đó, tình dục được điều tiết chặt chẽ và có khuynh hướng kinh tế. Sự điều tiết dựa trên nhu cầu bảo vệ sở hữu tư nhân thông qua thừa kế.

Trong cuốn sách “Nguồn Gốc Gia Đình, Chế Độ Tư Hữu Và Nhà Nước”, Engel đã phác họa cách thức chế độ một vợ một chồng (đối với phụ nữ) phát triển cùng với sở hữu tư nhân. Gia đình một vợ một chồng “thoát ra từ gia đình đối ngẫu…Nó dựa trên sự thống trị của đàn ông, thể hiện mục đích tạo ra con cái mà không có sự tranh chấp về quan hệ cha con; quan hệ cha con này là cần thiết bởi vì con cái sau này sẽ trở thành người thừa kế tài sản tự nhiên của người cha.”[8]

Hình thức gia đình đã thay đổi qua các dạng xã hội phân chia giai cấp khác nhau nhưng không phải là tôn giáo và phong tục đã đảm bảo cho sự tập trung của chế độ một vợ một chồng đối với phụ nữ, khi chế độ đó giải thích về phạm vi và các luật lệ ổn định. Không phải mại dâm thực hành tình dục “bên ngoài phạm vi của sự thỏa mãn lẫn nhau” mà chính gia đình một vợ một chồng được dùng để bảo vệ sở hữu tư nhân. Những cô con gái trở thành tài sản để được mua cũng như đem bán cái khả năng tạo ra người thừa kế của họ nhằm đổi lấy đất đai, gia súc hay tiền bạc.[9]

Mại dâm cũng phát sinh từ quá trình đó, do không có bất cứ xã hội nào có thể áp đặt chế độ một vợ một chồng cho nam giới cũng như nữ giới. Demosthenes, một nhà hùng biện Hy Lạp, đã tóm tắt vị thế của phụ nữ trong xã hội chiếm hữu nô lệ của Athen, “Chúng ta thỏa mãn bằng kỹ nữ, có những nàng hầu đáp ứng nhu cầu hàng ngày và cưới nhiều vợ để sinh cho chúng ta những đứa con hợp pháp cũng như làm người bảo vệ đáng tin cậy cho sức khỏe của chúng ta.”[10] 

Liệu quan điểm này đã lỗi thời chưa? Liệu có chắc chắn là vào thế kỷ 21 thì tình dục chủ yếu là để thỏa mãn lẫn nhau thay vì tạo ra người thừa kế hay đổi lấy tiền mặt? Trước đây hơn bốn mươi năm đã có một sự giải phóng tình dục, do sự thay đổi trong địa vị xã hội của phụ nữ và sự phát triển của các biện pháp tránh thai hiệu quả, mại dâm không phải là dạng tình dục ngoài hôn nhân duy nhất. Mặc dù vậy, các cấu trúc xã hội vẫn tiếp tục ủng hộ quan hệ tình dục một vợ một chồng liên quan tới sở hữu, phụ nữ khắp thế giới vẫn bị coi là đĩ điếm khi họ công khai tìm kiếm quan hệ tình dục không mang tính chất một vợ một chồng.

Cấu trúc giai cấp của mại dâm 

Bề ngoài của mại dâm không phù hợp với các phân loại kinh tế tiêu chuẩn. Một nhà sử học đã viết: 

“…gái mại dâm không hành xử giống như bất kỳ hàng hóa nào khác; cô ta chiếm một vị trí độc nhất, tại trung tâm của một hệ thống kinh tế phi thường và đồi bại. Cô ta có thể đại diện cho mọi khái niệm trong phạm vi sản xuất tư bản chủ nghĩa; cô ta đồng thời là người lao động, đối tượng trao đổi và người bán. Cô ta đóng vai trò như công nhân, hàng hóa và nhà tư bản, cô ta xóa mờ các phân loại kinh tế tư sản theo cùng cách thức mà cô ta thách thức những ràng buộc của đạo đức tư sản…Do vậy, khi là hàng hóa, gái mại dâm vừa củng cố vừa xuyên tác mọi đặc trưng truyền thống của kinh tế học tư sản.”[11]

Không chỉ sai lầm về việc một gái mại dâm có thể đại diện cho mọi yếu tố của sản xuất tư bản chủ nghĩa mà nhà sử học cũng không chỉ ra được những vai trò khác nhau của gái mại dâm. Họ thực sự có thể xuất hiện như là công nhân, hàng hóa, người bán và thậm chí là nhà tư bản, nhưng những gái mại dâm khác nhau có thể có những quan hệ khác nhau với hàng hóa mà họ bán.

Hàng hóa có giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị sử dụng trong mại dâm là thỏa mãn sự ham muốn của khách hàng, cung cấp sự thỏa mãn tình dục. Giá trị trao đổi là lao động xã hội kết tinh trong hàng hóa, có nghĩa là lao động thể chất và tinh thần liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tình dục. Giá trị này tương đương với thứ mà công nhân tình dục cần để tái sản xuất bản thân dưới các điều kiện xã hội trung bình đối của ngành này.

Giống như nhiều dịch vụ và một số lĩnh vực sản xuất khác của chủ nghĩa tư bản, mại dâm diễn ra theo nhiều cách khác nhau, gái mại dâm cũng có mối quan hệ khác đối với tư liệu sản xuất và mua bán mỗi loại tư liệu sản xuất. Nhiều gái mại dâm là lao động làm thuê: họ được một cá nhân, doanh nghiệp thuê và buộc phải làm việc trong một số giờ nhất định. Đây là tình cảnh của hàng triệu phụ nữ đang làm việc trong các nhà thổ, quán xông hơi và quán bar khắp thế giới. Họ được trả lương theo số giờ làm việc hoặc số khách hàng phải tiếp.

Trong trường hợp này họ không trực tiếp bán dịch vụ tình dục cho khách hàng – họ bán sức lao động cho chủ. Chủ của họ (tú ông, tú bà, chủ nhà thổ hoặc quán bar) nhận tiền từ khách hàng và chia một phần cho công nhân tình dục (hoặc đòi một phần phí mà công nhân tình dục nhận được). Theo nghĩa này thì công nhân tình dục cũng giống như các lao động làm thuê khác, có thể nói rằng họ “bán thân thể”, tức là họ bán khả năng lao động. Tuy vậy, như Marx đã giải thích trong Quyển I của bộ Tư Bản, đây không phải là bán thân: 

“…chủ sở hữu của sức lao động [công nhân – HW] chỉ bán nó trong một khoảng thời gian xác định, nếu như anh ta bán nó vĩnh viễn thì anh ta cũng bán luôn bản thân mình, biến anh ta từ một người tự do thành một nô lệ, từ chủ sở hữu một hàng hóa thành một hàng hóa.”[12]

Thực sự là hiện nay có những lao động tình dục sống trong các điều kiện nô lệ - khi mà bản thân họ bị bán và mua như hàng hóa và sau đó làm việc cho các chủ sở hữu nô lệ. Sự hồi sinh của chế độ nô lệ hiện đại, hầu hết được tường thuật trong hoạt động mua bán người, không phải là chỉ riêng đối với mại dâm mà còn diễn ra trong công việc nội trợ và hầu hạ. Thực tế về chế độ nô lệ tồn tại trong một số bộ phận của công nghiệp tình dục không bác bỏ thực tế là đa số hoạt động mại dâm diễn ra trong điều kiện thông thường của chế độ nô lệ làm thuê.

Hầu hết công nhân tình dục không phải là nô lệ hay công nhân làm thuê – phần lớn bởi vì sự cấm đoán của luật pháp nhằm hạn chế sự bành trướng của ngành công nghiệp “chính đáng” và đặt nó dưới bóng tối của thị trường bất hợp pháp và kinh tế tội phạm. Nhiều công nhân tình dục là người bán hàng trực tiếp; họ không làm việc cho ai mà trực tiếp giao dịch với khách hàng. Trong trường hợp này thì họ vẫn bán hàng hóa nhưng không phải là sức lao động mà là hàng hóa chứa đựng lao động kết tinh của họ, tức là dịch vụ tình dục, họ cũng bán dịch vụ này trực tiếp cho khách hàng. Trên thực tế, họ là người tự kinh doanh, mặc dù tại hầu hết các quốc gia họ không thể đăng ký một cách hợp pháp. Một số người có của cải và sở hữu hoặc thuê các tư liệu sản xuất – như nhà ở, điện thoại và các công cụ thương mại khác. Họ thuộc giai cấp tiểu tư sản.

Nhưng đa số các phụ nữ trong trường hợp đã nêu khó có thể mang hình ảnh của tầng lớp trung lưu, người tự kinh doanh. Hầu hết họ đều nghèo với một ít của cải và đối với một số người thì sự trao đổi có dạng rất sơ khai. Ví dụ khi dịch vụ tình dục được trực tiếp trao đổi lấy hiện vật, như thực phẩm và nơi ở, hay ma túy. Những người này chỉ tham gia một cách hời hợt vào nền kinh tế tư bản – họ là một phần của thứ mà Marx gọi là tầng lớp vô sản lưu manh.

Cũng có những gái mại dâm thuê người khác làm việc cho họ. Một số công nhân tình dục tự tổ chức công việc kinh doanh của họ, đóng vai trò như là tú bà và chủ nhà thổ. Khi làm chủ thì họ sở hữu các tư liệu sản xuất và bóc lột lao động của người khác, trong khi vẫn thường xuyên tiếp tục, mặc dù không liên tục, bán dâm. Như vậy, một số gái mại dâm là công nhân, một số là nô lệ, đa số là tiểu tư sản và một số ít là tư sản.[13]

Bóc lột hay áp bức?

Ở mức độ trừu tượng hóa rất cao – của hàng hóa, giá trị sử dụng và giá trị trao đổi – mà Marx coi là bản chất của sự bóc lột. Công nhân bị nhà tư bản bóc lột không phải bằng lừa dối hay gian lận mà dựa vào bản chất của chế độ làm thuê: công nhân đổi một hàng hóa lấy tiền lương. Hàng hóa không phải là sản phẩm của lao động của họ mà là năng lực lao động, tức là sức lao động của họ.

Sự bóc lột tồn tại trong sự khác biệt giữa giá trị của sức lao động và giá trị của hàng hóa mà họ sản xuất ra trong thời gian sức lao động của họ được nhà tư bản sử dụng. Sự bóc lột là kết quả của thực tế là công nhân không sở hữu sản phẩm của lao động của họ mà chỉ sở hữu năng lực lao động của họ. Ngay cả khi tiền lương được trả đúng bằng giá trị của sức lao động, một sự trao đổi công bằng theo khái niệm tư bản chủ nghĩa, người công nhân vẫn bị bóc lột.

Roberta Perkins, viết về công nghiệp tình dục ở Australia, cung cấp một định nghĩa hữu ích về cách thức điều này vận hành trong lĩnh vực kinh doanh tình dục:

“Nhà thổ, hay nhà chứa (bordellos, bagnios, stews, seraglios) cũng tương tự như các nhà xưởng cỡ nhỏ và vừa, một khách sạn hoặc một tòa nhà khác được sử dụng làm nơi làm việc, đòi hỏi một khoản tư bản ứng trước lớn, chi phí cao và một khoản lợi nhuận định kỳ lớn. “Chủ sở hữu tư liệu sản xuất” có thể là cá nhân, liên doanh hoặc một doanh nghiệp cổ phần, thuê mướn nhân công hỗ trợ như quản lý, lễ tân, người đứng quầy bar, hoặc người dọn vệ sinh và nhân viên bán hàng hoặc gái mại dâm. Gái mại dâm làm việc theo kiểu vô sản truyền thống, tức là lao động của họ được thuê và được trả tiền. Giá trị trao đổi của gái mại dâm thường là bằng nửa giá trị trao đổi của hàng hóa (tình dục) được khách mua (khách hàng hay người tiêu dùng). Tiền hoa hồng [hay tiền lương – HW] của cô ta theo thỏa thuận phân chia với chủ, người có sở hữu phần giá trị thặng dư, từ phần giá trị thặng dư đó chủ sẽ trả lương cho người lao động hỗ trợ, thanh toán tiền thuê nhà, tiền điện, tiền điện thoại, quảng cáo và các chi phí khác, cũng như tích lũy tư bản để tái đầu tư cho công việc kinh doanh (ví dụ, cải tiến hoặc mở rộng). Phần còn lại của giá trị thặng dư là lợi nhuận của chủ.”1[14]

Cũng như đối với các lao động làm thuê khác, sự bóc lột và lợi nhuận nằm trong sự chênh lệch giữa chi phí thuê công nhân tình dục và thu nhập mà cô ta có thể tạo ra bằng cách cung cấp hàng hóa. Đối với những người tiểu tư sản thì không có sự bóc lột theo nghĩa này và lợi nhuận được tạo ra bằng cách nâng giá bán cao hơn chi phí kinh doanh. 

Phân tích này bị các nhà nữ quyền phản đối, họ cho rằng khách hàng trực tiếp bóc lột công nhân tình dục. Dĩ nhiên trong mối quan hệ gái mại dâm-khách hàng thì khách hàng luôn có vị thế đặc quyền về kinh tế nhưng anh ta không bóc lột gái mại dâm. Vai trò của anh ta trong mối quan hệ này là người tiêu dùng. Có nhiều người khác bóc lột cô ta – chủ của cô ta có thể là tú ông, doanh nghiệp hay tú bà – nhưng theo nghĩa kinh tế thì chắc chắn không phải là khách hàng.[15] 

Sự liên hệ của Engel giữa mại dâm với chế độ một vợ một chồng là chính xác. Trong gia đình thì người chồng có nhiều lợi thế về quyền lực trong phạm vi gia đình đối với người vợ, thu nhập sẵn có và thoát khỏi nhiều công việc tầm thường. Nhưng nhìn chung anh ta không đạt được điều này bằng cách bóc lột kinh tế vợ của mình – anh ta “được thừa hưởng” điều đó từ địa vị chung của nam và nữ giới trong phạm vi chủ nghĩa tư bản.

Khi cho rằng gái mại dâm không bị khách hàng bóc lột thì không có nghĩa là họ không bị khách hàng áp bức. Nhiều công nhân tình dục bị khách hàng áp bức tàn bạo, họ thường làm nhục hoặc dùng bạo lực với gái mại dâm. Nhà nước cũng đối xử với công nhân tình dục theo cách đó, thường xuyên phủ nhận các quyền con người và pháp lý cơ bản của họ. Ví dụ, cho đến gần đây ở Anh, một phụ nữ có tiền án mời chào mua dâm vẫn được coi là “gái mại dâm công khai”. Một khi điều đó đã được ghi vào hồ sơ thì cô ta có ít quyền hơn bất cứ người nào khác. Các truy tố khác sẽ không cần đến hai nhân chứng mà chỉ cần sự khẳng định của một viên cảnh sát và tiền án của cô ta sẽ được trưng tại tòa án.

Ở nhiều nước, phụ nữ với tiền án mại dâm bị cấm đi lại, họ không được quyền nuôi con và hiện nay thì gái mại dâm đứng đường ở Anh sẽ bị kết án có hành vi phản xã hội, tức là có thể bị quản thúc về một tội thực sự không mang tính chất hình sự. Ví dụ khắc nghiệt nhất về sự áp bức đối với gái mại dâm là tỷ lệ sát nhân và tấn công bạo lực cao, cũng như cách thức hằn học mà truyền thông đưa tin về gái mại dâm. Phụ nữ “bị coi” là gái mại dâm có thể bị gia đình và bạn bè xa lánh, mất quyền nuôi con và không bao giờ kiếm được công việc “bình thường”. Họ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Những sự trừng phạt về pháp lý và xã hội không chỉ tác động đến phụ nữ đứng đường; chúng vươn sang cả những phụ nữ bị coi là “đĩ”. Nhưng rõ ràng những phụ nữ dễ tổn thương nhất – những người không có tiền bạc, ít học và ít được hỗ trợ về mặt xã hội – là những người phải gánh chịu đau khổ nhiều nhất. Họ bị xô đẩy từ mọi phía. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người trong số họ nghiện ma túy hoặc rượu và có các vấn đề về tâm thần khác. Nhưng kiểu phụ nữ rập khuôn phổ biến như bị lạm dụng khi còn bé rồi trở thành gái mại dâm để “thỏa mãn” sự nghiện ngập không phải là tình huống phổ biến nhất.

Thông thường là sự kết hợp giữa các tình thế đưa đẩy phụ nữ đến với mại dâm và nguyên nhân phổ biến không phải là nghiện ma túy hay sự lạm dụng, mặc chúng là động cơ, mà là thiếu tiền. Sự thiếu tiền có thể là tuyệt đối hoặc tương đối – nhiều phụ nữ tìm thấy ở ngành công nghiệp tình dục một sự lựa chọn tốt hơn so với những công việc lương thấp và bị bóc lột dữ dội ở các lĩnh vực thông thường.

Tình hình này cũng phổ biến ở các quốc gia khác. Công nhân tình dục ở Ấn Độ đưa ra tuyên ngôn vào năm 1997, trong đó có giải thích về lý do phụ nữ bán dâm:

“Phụ nữ bán dâm vì lý do tương tự như khi họ lựa chọn bất cứ sinh kế có sẵn nào. Trường hợp của chúng tôi không khác biệt gì so với công nhân từ Bihar đến kéo xe tay ở Calcutta, hay công nhân từ Calcutta làm việc bán thời gian tại một nhà máy ở Bombay. Một số người trong chúng tôi bị bán vào ngành này. Sau khi bị ràng buộc với tú bà đã mua chúng tôi trong một số năm thì chúng tôi có được mức độ độc lập nhất định trong ngành công nghiệp tình dục. [Chúng tôi] đi đến bán dâm sau khi trải qua nhiều kinh nghiệm trong đời, thường là miễn cưỡng, không hoàn toàn hiểu biết về mọi tác động của việc trở thành gái mại dâm. Nhưng từ khi nào đa số phụ nữ chúng tôi có sự lựa chọn trong và ngoài phạm vi gia đình? Liệu chúng tôi có tình cờ tự nguyện trở thành lao động nội trợ? Liệu chúng tôi có thể lựa chọn người mình muốn kết hôn và khi nào kết hôn? “Sự lựa chọn” hiếm khi là hiện thực đối với hầu hết phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo.”[17]

Công và tư 

Phân tích mang tính Marxist này thể hiện rằng mại dâm xuất hiện như là mặt trái của chế độ một vợ một chồng, một chế độ sinh ra để bảo vệ sở hữu tư nhân và quan hệ tình dục không thể hoàn toàn tách khỏi quan hệ kinh tế trong xã hội phân chia giai cấp. Sự áp bức đối với phụ nữ bắt nguồn từ sự tác biệt công việc nội trợ và tái sản xuất tư nhân khỏi sản xuất xã hội và đời sống xã hội.

Mại dâm tạo thành sự đe dọa đối với xã hội bởi vì nó đe dọa xóa mờ sự phân chia rõ ràng – tách tình dục ra khỏi gia đình và ném vào thị trường. Sau đó nó cho thấy rằng dưới chủ nghĩa tư bản thì gái mại dâm không phải là một tầng lớp đơn lẻ. Chương trình của chúng ta về mại dâm phải phản ánh sự hiểu biết này và không nên dựa trên ý tưởng lãng mạn về tình dục cũng như sự kinh hoàng của chúng ta về sự bóc lột thậm tệ nhất đối với công nhân tình dục.

Công nhân tình dục tự tổ chức 

Trong những năm gần đây có một sự phát triển lớn lao trong các tổ chức của công nhân tình dục. Ở Bắc Mỹ và Châu Âu có nhiều tổ chức đã phát triển từ các nhóm phụ nữ và các phong trào xã hội khác, nhưng phải đoạn tuyệt với lập trường nữ quyền về công việc tình dục để bảo vệ quyền của họ. Nhiều nhà nữ quyền muốn xóa bỏ mại dâm, coi đó chỉ đơn giản là sự áp bức đối với phụ nữ. Họ cho rằng điều đó phải được xóa bỏ bằng cách trừng phạt những người quản lý và khách hàng cũng như tiến hành cách cuộc giải cứu gái mại dâm. Nhiều tổ chức sẽ không nói về gái mại dâm, hay nói về công nhân tình dục, mà sử dụng khái niệm “phụ nữ bán thân”. Thứ ngôn ngữ kẻ cả của họ đã cho thấy thái độ của họ - họ coi công nhân tình dục là người bị lừa bịp và theo họ thì không có vai trò gì trong việc giải phóng bản thân khỏi sự áp bức hay sự bóc lột đang phải chịu đựng.

Sự xung đột giữa những cứu tinh nữ quyền và các nhóm đấu tranh cho quyền của lao động tình dục rất sâu sắc nên hiếm khi họ có chung một cương lĩnh. Thư Viện Phụ Nữ ở London gần đây đã tổ chức trưng bày về mại dâm và không cho phép bất cứ sự xuất hiện nào của các tổ chức công nhân tình dục, dẫn tới biểu tình của Công Đoàn Công Nhân Tình Dục Quốc Tế (IUSW) ở bên ngoài.18 Lập trường cực đoan nhất là của nhà văn Julie Burchill, người đã viết, “Mại dâm là chiến thắng tối thượng của chủ nghĩa tư bản. Khi cuộc chiến tranh tình dục kết thúc, gái mại dâm sẽ bị xử tử vì sự phản bội khủng khiếp của họ đối với tất cả phụ nữ, vì đám hắc ín và lông gà đạo đức mà họ đã mang đến cho phụ nữ bản địa, những người kém may mắn phải sống trong cái mớ hỗn độn mà họ đã tạo ra.”[19] 

Các tổ chức của công nhân tình dục bị phê phán về việc lãng mạn hóa mại dâm và chỉ đại diện “nghề nghiệp” của tầng lớp trung lưu. Nhưng ở Ấn Độ có một tổ chức quần chúng của công nhân tình dục tồn tại và mang quan điểm tương tự. Ủy Ban Durbar Mahila Samanwaya (hay “Durbar”, theo tiếng Bengali có nghĩa là không lùi bước hoặc không thể khuất phục) được thiết lập ở Tây Begal, Ấn Độ và phát triển từ sáng kiến Sonagachi nhằm ngăn chặn bệnh AIDS. Durbar có 65.000 thành viên, làm việc tại những khu vực nghèo khổ nhất của quốc gia: 

“Durbar bày tỏ rõ ràng mục tiêu chính trị, đấu tranh đòi công nhận lao động tình dục là một công việc và công nhân tình dục được coi là công nhân, cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân tình dục và con cái của họ. Durbar yêu cầu phi hình sự hóa dịch vụ tình dục và vận động thay đổi các luật hạn chế nhân quyền của công nhân tình dục, vốn có khuynh hướng hình sự hóa và hạn chế các quyền công dân của họ.”[20] 

Tuyên ngôn năm 1997 của họ, đã được trích dẫn trước đây, thể hiện một sự hiểu biết về áp bức tình dục có thể khiến nhiều người xã hội chủ nghĩa phải xấu hổ: 

“Sở hữu tài sản tư nhân và duy trì chế độ gia trưởng đòi hỏi phải có sự kiểm soát đối với sự tái sản xuất của phụ nữ. Từ khi tài sản được duy trì bằng những người thừa kế hợp pháp và chỉ có quan hệ tình dục giữa đàn ông và đàn bà là tạo ra sự sinh sôi, những sự trừng phạt của chế độ gia trưởng tư sản chỉ áp dụng cho sự kết nối này. Tình dục được coi là phương tiện căn bản và hầu như là duy nhất để tái sản xuất, phủ nhận mọi phương diện khoái lạc và khát khao bản năng đối với nó…Những thanh niên tìm kiếm sự gần gũi thể xác, những người đàn ông đã kết hôn tìm kiếm sự tương tác với phụ nữ “khác”, những công nhân nhập cư bị tách ra khỏi vợ, đang cố tìm kiếm sự ấm áp và sự chiều chuộng ở khu phố đèn đỏ, đều không thể bị coi là đáng nguyền rủa hay hư hỏng, để làm điều đó thì sẽ phải xóa bỏ toàn bộ lịch sử tìm kiếm khoái lạc, sự âu yếm và nhu cầu của loài người.” 

Các tổ chức của công nhân tình dục là chìa khóa để chống lại sự bóc lột cũng như áp bức. Khi có sự phân chia giai cấp trong mại dâm, những tổ chức này cần được công nhân tình dục vận hành để phục vụ cho công nhân tình dục, những người được thuê mướn hoặc tự kinh doanh, cũng như tạo ra khuôn khổ tuyển dụng cho những người muốn thuê mướn và bóc lột người khác. Công đoàn và các tổ chức cộng đồng của công nhân tình dục cần phải có mối liên hệ mạnh mẽ với các tổ chức công nhân khác – khi là một phần của phong trào công nhân thống nhất và hùng mạnh, họ sẽ có thể chiến đấu tốt hơn chống lại các định kiến phổ biến.

Trong suốt thập kỷ qua, một số công đoàn đã đồng ý tổ chức và đại diện cho công nhân tình dục. Ở Anh, IUSW đã thuyết phục tổng liên đoàn GMB thành lập chi nhánh công nghiệp tình dục ở Soho và họ đã công đoàn hóa thành công một nhà thổ cũng như đàm phán được thỏa thuận công nhận ở các câu lạc bộ thoát y vũ. Công nhân tình dục cũng được gộp chung vào tổng liên đoàn ở Đức (Verdi) và Hà Lan (FNV).[21]

Mại dâm và chủ nghĩa xã hội 

Cuộc sống của công nhân tình dục thường khó khăn và nguy hiểm, ít nhất là bởi vì những công nhân tình dục tố cáo sự lạm dụng của tú bà và khách hàng bị truy tố và đàn áp. Nhiều công nhân tình dục không hạnh phúc với công việc của họ và sẽ rời bỏ nếu như có một cơ hội thực tế nào khác. Nhưng đó cũng sẽ là một dạng lao động bị tha hóa như mọi loại lao động khác trong chủ nghĩa tư bản.

Mại dâm dưới dạng này sẽ không tồn tại trong một xã hội xã hội chủ nghĩa, cũng như cả gia đình và công việc dưới dạng hiện thời của chúng. Những chuyên gia hoặc diễn viên tình dục chuyên biệt có thể tồn tại, nhưng được giải phóng khỏi mối quan hệ với sở hữu tư nhân và tình trạng một vợ một chồng được thần thánh hóa hay áp đặt, quan hệ tình dục sẽ tiến hóa theo những cách thức mà chúng ta chỉ có thể dự báo. Vấn đề chủ chốt là sự tách biệt giữa công và tư, theo nghĩa là công việc xã hội công cộng và tái sản xuất tư nhân, sẽ bị xóa bỏ và trong quá trình đó phụ nữ sẽ thực sự được giải phóng.

Về tác giả 

Helen Ward, là một người ủng hộ PRN, một bác sĩ sức khỏe cộng đồng và nhà nghiên cứu đã làm việc với nhiều công nhân tình dục ở London và Châu Âu trong hơn 20 năm. Cùng với nhà nhân học Sophie Day, bà đã nghiên cứu HIV và các bệnh khác, sự biến đổi mang tính nghề nghiệp và vòng đời trong công việc tình dục, thiết lập một trong những dự án lớn nhất cho công nhân tình dục ở Anh. Bà là người ủng hộ Công Đoàn Công Nhân Tình Dục Quốc Tế.

Chú thích của tác giả

1. Marx K. Bản thảo kinh tế triết học, 1844. Đoạn trích này và các đoạn trích kinh điển khác có đăng tại : www.marxists.org

2. Trong bài báo này, tôi sử dụng khái niệm mại dâm và công việc tình dục. Một cuộc tranh luận nghiêm túc về vấn đề này rất được hoan nghênh, công việc tình dục nói chung được các nhà hoạt động sử dụng và đề cập tới một nhóm lớn người rộng hơn tham gia vào công nghiệp tình dục. Mặc dù vậy, các cuộc tranh luận trong lịch sử và gần đây về vai trò của tình dục thương mại trong xã hội có khuynh hướng đề cập tới mại dâm (ví dụ trao đổi tình dục hơn là khiêu dâm) và do vậy tôi cho rằng cần phải tiếp tục sử dụng nó. Tôi cũng chỉ đề cập tới công nhân tình dục nữ và khách hàng nam khi trình bày về những đặc tính chung của mại dâm, bởi vì đây là dạng thống trị và có liên hệ gần gũi nhất với sự áp bức tình dục nói chung. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là phủ nhận một số lượng lớn nam giới cũng bán dâm. Chính phủ Anh ước tính hiện nay có khoảng 70.000 công nhân tình dục ở Anh. 

3. R. S. Rajan, “Những câu hỏi về mại dâm. Nhân viên (nữ), tình dục và công việc" trong Buôn bán, công việc tình dục, mại dâm , Tái bản 2, 1999

4. J. Bindell, The Guardian, 7 July 2003

5. F. Engels, Nguồn gốc gia đình chế độ tư hữu và nhà nước Chương II phần 4, Lawrence and Wishart, 1972

6. A. Bebel, Phụ nữ dưới chủ nghĩa xã hội, Schocken Books, 1971

7. Mạng Lưới Phụ Nữ Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Scottland (SSPWN) “Mại dâm: một đóng góp tranh luận”, 2006, tại www.scottishsocialistparty.org/pages/prostitution.html

8. F. Engels, op cit

9. Phong Trào Cộng Sản Cách Mạng Quốc Tế 1986, “Nguồn gốc và bản chất sự thay đổi sự áp bức đối với phụ nữ”, Trong Luận Đề về Sự Áp Bức đối với Phụ Nữ, tại www.permanentrevolution.net/?view=entry&entry=375

10. J. A. Symonds, “Một vấn đề trong đạo đức Hy Lạp”, 1901, tại: www.sacredtexts.com/lgbt/pge/pge00.htm

11. S. Bell S., Đọc, viết và viết lại về phụ nữ mại dâm, Indiana University Press, 1994

12. K Marx, Capital, Volume 1, Penguin, 1976 (emphasis added).

13. Tính không đồng nhất giai cấp này không phải độc nhất đối với mại dâm. Điều này có thể liên hệ với nông dân, bao gồm từ nông nô bị gắn chặt vào đất đai, tiểu nông chỉ dựa vào sức lao động của bản thân (cộng với gia đình) để bán các sản phẩm, hay các nông dân giàu có thuê người khác làm việc. 

14. R. Perkins, Lao động nữ: gái mại dâm, cuộc sống và sự kiểm soát xã hội, Australian Institute of Criminology, 1991

15. Dĩ nhiên khách hàng có thể và thường áp bức gái mại dâm bằng cách không trả tiền cho dịch vụ tình dục mà họ nhận được nhưng đây là trộm cắp chứ không phải là bóc lột.

16. Trường hợp ngoại lệ là khi gia đình đóng vai trò của một đơn vị sản xuất, rất phổ biến trong các xã hội nông nghiệp và tiền công nghiệp, người chồng vừa là chủ của gia đình vừa là chủ của công việc kinh doanh, làm việc cùng với vợ và con cái. 

17. Dự án Sonagachi, Tuyên ngôn của công nhân tình dục, Calcutta, 1997, at www.bayswan.org/manifest.html

18. Chi tiết hơn về cuộc triển lãm này, được kéo dài tới cuối tháng 3 năm 2006, xem tại: 

19. http://en.wikiquote.org/wiki/Julie_Burchill

20. Durbar Mahila Samanwaya Committee www.durbar.org

21. G Gall, Tổ chức công đoàn của công nhân tình dục, Palgrave Macmillan, 2006

Tuesday, November 3, 2015

Thị trường tồn tại mãi mãi?

Một trong những lập luận chủ yếu của phái xét lại và phái chủ nghĩa xã hội thị trường trước đây là thị trường là tốt, có thể xóa bỏ chủ nghĩa tư bản mà không cần xóa bỏ thị trường vì thị trường tự do cạnh tranh phân bổ nguồn lực có hiệu quả nhất, cũng như xét về mặt lịch sử thì thị trường có trước chủ nghĩa tư bản rất lâu nên nó có vẻ như độc lập với chủ nghĩa tư bản.

Trước khi chủ nghĩa tư bản thì thị trường đóng vai trò là nơi trao đổi sản phẩm chỉ xuất hiện bên rìa các nền kinh tế tự nhiên lớn, chúng không đóng vai trò chi phối nền kinh tế như dưới chế độ tư bản mà ngược lại chỉ đóng vai trò phụ trợ cho nền kinh tế tự nhiên ấy. Thị trường do vậy bị giới hạn cả về mặt không gian và thời gian.

Mỗi người bán tham gia vào thị trường ấy đều với tư cách là thành viên của một phường hội nhất định. Họ sản xuất độc lập với nhau nhưng phường hội của họ sẽ ấn định số lượng hàng hóa cho cả phường hội và phân bổ đều cho các thành viên, quy định cả cách thức sản xuất để đảm bảo các thành viên của phường hội không loại bỏ lẫn nhau, quy định giá cả chung cho sản phẩm của phường hội. Có nghĩa là mỗi thành viên của phường hội đều sẽ sản xuất một số lượng hàng hóa như nhau với một cách thức giống nhau và bán với giá như nhau. Thị trường trước khi có chủ nghĩa tư bản hoàn toàn không có nhà kinh doanh độc lập và không có tự do cạnh tranh. Tư liệu sản xuất và tư cách thành viên của mỗi thành viên phường hội đều không chuyển nhượng được, nó gắn chặt với thành viên đó và chỉ được chuyển giao qua thừa kế, song phường hội cũng có thể xét kết nạp thêm thành viên mới khi dân số của cộng đồng tăng lên một mức nào đó. Các thành viên của phường hội không sử dụng lao động làm thuê, họ có sử dụng thợ học việc và thợ bạn, nhưng số lượng thợ học việc và thợ bạn cũng như thời gian sử dụng họ đều bị phường hội giới hạn và kiểm soát chặt chẽ. Mục đích của việc sử dụng thợ bạn và thợ học nghề không phải là để bóc lột lao động của những người đó mà chủ yếu là để đào tạo họ thành những thợ cả tương lai. Như vậy, về mặt cấu trúc thì thị trường vốn và lao động đều không tồn tại, chỉ có thị trường hàng hóa là tồn tại. 

Chế độ phường hội khép kín ấy đã tồn tại hàng nghìn năm. Sở dĩ phường hội tồn tại và làm được mọi việc cần thiết đó là bởi vì mỗi phường hội đều là một thành phần trong cộng đồng địa phương nhỏ hẹp nên họ nắm rõ nhu cầu của cộng đồng đó. Cuối thời trung cổ thì đã có các hội buôn hùng mạnh của Venice và Genoa với chiến hạm và lính đánh thuê, để vươn ra thị trường thế giới và bảo vệ những đặc quyền của hội buôn. Nhưng khi vươn ra thị trường thế giới, người bán bắt đầu tách biệt hoàn toàn khỏi người mua, thì chiến hạm và đội quân đánh thuê cũng không đủ sức bảo vệ cho các hội buôn đó nữa. Từ bên trong quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã xé nát các hội buôn và tạo ra các thương nhân độc lập. 

Sau này dưới chế độ tư bản thì tất cả những thiết chế cũ mất đi, thay vào đó là sự hỗn loạn của tự do kinh doanh, sự cạnh tranh bằng chế độ nô lệ làm thuê. Chế độ tư bản chính là nấc thang phát triển cao nhất của thị trường và nó khiến cho thị trường trước kia không thể tiếp tục tồn tại nữa. Mỗi phường hội giờ đây được thay thế bằng một nhà tư bản kinh doanh độc lập với đội quân lao động làm thuê và sự thèm khát lợi nhuận điên cuồng.

Trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời thì không có thị trường tự do cạnh tranh và thị trường cũng không phải là cơ chế phân bổ nguồn lực, ngược lại nguồn lực được các phường hội phân bổ thông qua một cơ chế kế hoạch đơn giản. Thị trường tự do cạnh tranh và phân bổ nguồn lực theo cơ chế trị trường là một sản phẩm của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và nó sẽ mất đi cùng với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. 

Thursday, October 15, 2015

Stephen Hawking và chủ nghĩa tư bản

Mới đây trên trang reddit của mình nhà vật lý học và thiên văn học nổi tiếng thế giới Stephen Hawking đã viết về chủ nghĩa tư bản như sau:
If machines produce everything we need, the outcome will depend on how things are distributed. Everyone can enjoy a life of luxurious leisure if the machine-produced wealth is shared, or most people can end up miserably poor if the machine-owners successfully lobby against wealth redistribution. So far, the trend seems to be toward the second option, with technology driving ever-increasing inequality.
Luận điểm của Stephen Hawking đã được truyền thông Hoa Kỳ và thế giới bàn tán ồn ào và được giới chính khách Hoa Kỳ đang chạy đua cho chiếc ghế tổng thống năm 2016 khai thác triệt để vì ông là một nhà khoa học tự nhiên rất nổi tiếng và có uy tín.

Đoạn văn của ông có thể hiểu theo tiếng Việt như sau:

Nếu như máy móc có thể sản xuất ra mọi thứ mà chúng ta cần, kết quả sẽ phụ thuộc vào việc mọi thứ được phân phối ra sao. Mọi người đều có thể được hưởng đời sống thư thái xa hoa nếu như của cải do máy móc tạo ra được chia sẻ, hoặc đại đa số người dân sẽ nghèo nàn cùng cực nếu như chủ sở hữu máy móc có thể vận động hành lang chống lại sự tái phân phối thành công. Hơn nữa, có vẻ như khuynh hướng đang ngả về phía lựa chọn thứ hai, công nghệ dẫn đến sự bất bình đẳng gia tăng. 

Theo quan điểm Marxist thì luận điểm của Stephen Hawking không có gì mới, vẫn là quan điểm duy tâm về mặt kinh tế chính trị học vay mượn từ các học giả kinh tế chính trị theo quan điểm sản xuất và phân phối có thể tách rời nhau, quan điểm này đã có từ rất lâu đời và sau này đặc biệt được các nhà kinh tế chính trị hợp pháp hay chủ nghĩa xã hội thị trường cổ vũ. F. Engels trong cuốn "Chống Duerinh" đã phê phán quan điểm này rất rõ ràng từ góc độ chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Ngay từ câu đầu tiên Stephen Hawking đã lặp lại sai lầm đó khi giả định rằng máy móc thay thế hoàn toàn người lao động để sản xuất ra hàng hóa. Mặc dù đó là khát vọng của mọi nhà tư bản cá nhân, điều đó giúp họ thu được lợi nhuận siêu ngạch, nhưng phương thức chủ nghĩa tư bản không bao giờ đạt được cái mức đó trên phương diện tổng thể. Khi thay thế hoàn toàn người lao động bằng máy móc thì người lao động không còn tiền để mua hàng hóa, còn chính nhà tư bản thì cũng không còn lợi nhuận nữa do máy móc không tạo ra giá trị và do đó là lợi nhuận. Khi mọi nhà tư bản đều dùng máy móc để sản xuất mà không dùng công nhân thì cũng không còn lợi nhuận siêu ngạch nữa. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sẽ sụp đổ, không còn gì để phân phối nữa. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện thời đã cho thấy cái quy luật tất yếu đó, nó không ngừng tích lũy, sử dụng công nghệ cao để gia tăng lợi nhuận, nhưng khi đạt đến một mức độ nhất định thì tỷ suất lợi nhuận bình quân sụt giảm đột ngột khiến nền kinh tế suy thoái, tư bản bị phá hủy đi để khôi phục những tiền đề ban đầu của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. 

Vế tiếp theo thì Stephen Hawking giả định rằng vẫn còn sự phân phối có nghĩa là sự phân phối ấy độc lập với phương thức sản xuất. Hơn nữa, Stephen Hawking còn cho rằng sự phân phối ấy phụ thuộc vào vận động hành lang, tức là dựa vào khả năng tác động tới quyền lực nhà nước, hay nói ngắn gọn hơn là quyền lực nhà nước. Nhưng quyền lực nhà nước thì trước hết là quyền lực về kinh tế, nếu như phương thức sản xuất chủ nghĩa tư bản sụp đổ thì quyền lực kinh tế của nó cũng chấm dứt. Có thể thấy là Stephen Hawking ngầm giả định rằng quyền lực nhà nước độc lập với xã hội, vẫn có thể tiếp tục tồn tại và can thiệp vào xã hội dựa trên lý tưởng về đạo đức (sự bình đẳng) bất chấp cơ sở xã hội của nó đã sụp đổ.

Cuối cùng khi mà Stephen Hawking nói rằng công nghệ đang gia tăng sự bất bình đẳng xã hội thì cũng có nghĩa là ông ấy tiết lộ phương thuốc điều trị bệnh tật ấy. Nhà nước có can thiệp để phân phối thu nhập bình đẳng hơn. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sẽ không tạo ra sự bất bình đẳng ghê ghớm nếu như nhà nước có thể phân phối lại thu nhập để hạn chế tác động tiêu cực của công nghệ. Ở đây cũng cần phải nói thêm rằng công nghệ không phải là yếu tố khách quan, chủ nghĩa tư bản tạo ra công nghệ kiểu tư bản chủ nghĩa, hướng tới việc thay thế lao động sống bằng máy móc thay vì dùng máy móc để hỗ trợ lao động sống. Khi Stephen Hawking chỉ nhấn mạnh vào vấn đề phân phối mà không đả động đến bản chất của công nghệ thì ông ấy ngầm công nhận nền tảng của chủ nghĩa tư bản là không thể thay đổi.

Stephen Hawking là một trường hợp điển hình của việc bảo vệ chủ nghĩa tư bản bằng cách phê phán nó, thế nên không phải ai phê phán chủ nghĩa tư bản cũng là chống lại nó. Stephen Hawking sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt cả từ phe bảo thủ cũng như phe tự do trong kinh tế học phương Tây.  

Monday, August 31, 2015

Nghĩa vụ phạm tội của doanh nghiệp

Người ta thường được nghe thấy rằng ở nước văn minh như Mỹ thì pháp luật là thượng tôn, song giáo sư kinh tế học người Mỹ M. Perelman đã chỉ ra sự thật trái ngược, ông cho thấy rằng trong thực tế pháp luật luôn đứng dưới lợi nhuận, hay nói cách khác lợi nhuận mới là pháp luật tối cao của xã hội tư bản. Doanh nghiệp đã trở thành tổ chức tội phạm chuyên nghiệp mà không phải lo sợ về sự trừng phạt. 

Hình minh họa: Tội ác doanh nghiệp
Nguồn: Internet
Dưới đây là bản dịch phần "Corporate Obligation to Commit Crime" trong chương 4 "Corporate Accountability" của cuốn sách "Manufacturing Discontent" do nhà xuất bản Pluto phát hành năm 2005.

Nghĩa vụ phạm tội của doanh nghiệp

Không chỉ không phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng như con người, mà nhiều người nắm quyền còn đang khuyến khích doanh nghiệp phớt lờ luật pháp. Trái lại, nhà nước thường xuyên bỏ tù con người vì những tội tương đối nhỏ. Những người tái phạm sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, vào năm 2003 tòa án tối cao hủy bỏ luật cho phép kết án chung thân những người phạm tội nhẹ như ăn trộm vặt ở cửa hàng của bang California.

Ngày nay, không có bất cứ doanh nghiệp nào - thậm chí cả những doanh nghiệp đã đánh cắp của công chúng hàng tỷ dollar phải đối mặt với bất cứ hình phạt ngồi tù tương đương nào - thậm chí ngay cả khi tái phạm. Tử hình đối với doanh nghiệp là ngoài sức tưởng tượng, bất kể là doanh nghiệp có gây ra bao nhiêu cái chết. Trái lại, những người bảo vệ doanh nghiệp khẳng định rằng xã hội không có quyền xét xử doanh nghiệp về các hành động tội phạm.

Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng liên quan đến vụ lừa đảo nhiều tỷ dollar của hãng Enron, một bài xã luận có tiêu đề "Doanh nghiệp không phải là tội phạm" của tờ Wall Street Journal viết "Theo luật pháp thông thường thì doanh nghiệp không thể phạm tội bởi vì nó không có chủ ý vi phạm, ý thức phạm tội" (Baker 2002). Đáng buồn là tác giả bài báo hoàn toàn đúng - ít nhất là trong trường hợp của các phiên tòa mới đây.

Trong mắt một số quan tòa, luật pháp còn đi xa hơn việc quy định rằng doanh nghiệp vi phạm pháp luật thiếu ý thức phạm tội. Họ khẳng định rằng các nhà quản lý doanh nghiệp, những người có chủ ý vi phạm, có nghĩa vụ đạo đức phải vi phạm pháp luật khi mà điều đó sẽ làm tăng lợi nhuận cho cổ đông. Giám đốc điều hành doanh nghiệp có thể đối mặt với sự trừng phạt nếu họ gây tổn hại bất hợp pháp cho chủ sở hữu doanh nghiệp, nhưng nếu hành động của họ gây tổn hại cho những đối tượng khác thì họ có thể yên tâm nghỉ ngơi. Các học giả pháp lý bảo thủ hoan nghênh sự khoan dung này.

Ví dụ, Frank H. Easterbrook và Daniel R. Fischel, cựu quan tòa liên bang và giảng viên cao cấp của trường Luật của đại học Chicago đã viết:

Mặc dù vậy, việc cho rằng có nghĩa vụ pháp lý phải thi hành mọi quyền pháp lý là không thực tế... Các nhà quản lý không có nghĩa vụ đạo đức phải tuân thủ theo các quy định pháp luật chỉ bởi vì những luật đó tồn tại. Họ phải quyết định sự quan trọng của những luật này. Những chế tài mà Quốc Hội đặt ra cho việc bất tuân là thể hiện mức độ họ muốn doanh nghiệp hy sinh để bày tỏ sự trung thành với luật lệ: ý tưởng trừng phạt tối ưu này dựa trên tiền đề là nhà quản lý không chỉ có thể mà còn phải vi phạm luật lệ khi việc đó có lợi nhuận. (Easterbrook và Fischel 1982: 1171 và 1177n).

Richard Posner, một quan tòa liên bang có ảnh hưởng khác, một tác giả viết nhiều và giảng viên cấp cao của trường Luật thuộc đại học Chicago giống như Fischel, cũng khẳng định tương tự (Posner 1986). Khi Milton Friedman, đồng nghiệp ở đại học Chicago của những học giả pháp lý nói trên, đề xuất rằng trách nhiệm duy nhất của doanh nghiệp là nghĩa vụ tối đa hóa lợi nhuận mà không cần quan tâm tới bất kỳ vấn đề xã hội nào, trong phạm vi ràng buộc của pháp luật, quan điểm của ông gây tranh cãi. Một vài thập kỷ sau, các quan tòa liên bang giờ đã đề xuất nghĩa vụ về lợi nhuận cao hơn luật pháp, quan điểm của họ không gây tranh cãi. Do vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy các nhà kinh tế học đáng kính ca ngợi báo của Posner. Một bài báo trên tờ Journal of Law and Economic danh giá của trường luật Chicago đề xuất:

Ngay cả khi các nhà quản lý cấp cao trực tiếp biết về các hoạt động lừa dối, họ có thể vẫn theo đuổi những dự án ít nhất cũng đem lại tài sản ròng hiện tại dương. Có nghĩa là các nhà quản lý có thể sử dụng lừa dối để làm gia tăng giá trị. Như Richard Posner đề xuất, lợi thế so sánh của các nhà quản lý đương nhiệm có thể xuất phát từ sự sẵn sàng thực hiện hoặc dung thứ cho các hành động lừa dối. (Agrwal, Jaffe và Karpoff 1999:315)

Đại học Chicago có truyền thống lâu đời trong việc khuyến khích tội phạm kinh tế. Vào năm 1968, Gary Becker, người gắn bó lâu dài với Chicago và Friedman, chủ nhân của giải Nobel, viết bài báo nổi tiếng "Tội phạm và Trừng phạt: Một tiếp cận kinh tế" (Becker 1968). Ông đề xuất rằng phương pháp phù hợp để ngăn chặn tội phạm là gia tăng trừng phạt. Theo tôi biết thì không có ai thuộc trường Chicago đã từng đề xuất chế tài nghiêm khắc hơn.

Những quản lý hãng bị bắt gần đây trong các vụ bê bối doanh nghiệp như Enron, WorldCom, Tyco, vv - có thể tự lừa dối mình bằng cách tin rằng họ đang làm tăng giá trị của doanh nghiệp ngay cả khi làm giàu cho bản thân. Họ có thể không tin rằng họ đang tham gia hoạt động tội phạm. Loại tính toán mà Easterbrook và Posner nghĩ trong đầu là tình huống mà giới quản lý biết rằng họ gây ra thiệt hại nghiêm trọng, nhưng bỏ qua bởi vì lợi nhuận mang lại lớn hơn chế tài.

Easterbrook và Posner phản ánh quan điểm phổ biến rằng kinh doanh theo định nghĩa là hành động cho phép con người hoạt động không bị cả giới thẩm quyền lẫn lương tâm của họ kiềm chế. Theo lời của một người bình luận:

Đèn đỏ hoặc bàn tay giơ lên của cảnh sát giao thông khiến mọi người dừng lại (ít nhất là ở nơi mà mọi người có khuynh hướng tuân thủ chúng) không phải là sự thể hiện của quyền lực - cả đèn đỏ cũng như bàn tay đều không chặn được chiếc xe hơi đang chạy, mà là sự thể hiện của thẩm quyền... Nhiều công dân dừng xe không lưỡng lự, ngay cả ở đường liên vùng hoang vắng vào lúc 2 giờ sáng, sẽ tính toán cẩn thận chi phí và lợi ích của việc vi phạm luật ô nhiễm môi trường, mua bán chứng khoán nội gián, không báo cáo doanh thu cho Sở Thuế, và sau đó tuân thủ hay vi phạm pháp luật phụ thuộc vào kết quả tính toán. (Fields 1990:113)

Trường hợp cổ điển của việc doanh nghiệp tính toán các chế tài kinh tế sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận tiềm năng là xe Pinto của hãng Ford. Từ năm 1971 đến năm 1976, hãng Ford đặt bình xăng của xe chỉ cách khung chống va chạm phía sau 15 cm. Một va chạm nhỏ ở đuôi xe cũng khiến bình xăng bị bu lông nhô ra từ các bộ phận khác chọc thủng. Chỉ cần một tàn lửa nhỏ từ thuốc lá, bộ đánh lửa hay kim loại cọ xát cũng sẽ khiến xe bùng cháy (Estes 1995:196-7; xem thêm Dowie 1977). Theo ước tính thoáng nhất, các vụ va chạm của xe Pinto gây ra 500 vụ chết cháy cho những người đáng ra sẽ không phải chết nếu xe không bị bốc cháy. Bài báo cổ điển của Mark Dowie về xe Pinto ước tính rằng số người chết có thể lên tới 900 (Dowie 1977).

Ford đã nhận thấy sự nguy hiểm. Các thử nghiệm va chạm cho thấy một quả bóng cao su đơn giản trong bình xăng sẽ ngăn xăng không chảy ra khỏi bình xăng bị thủng. Chi phí để xử lý vấn đề này là 5,08 dollar. Một cách thay thế khác có giá 11dollar. Mặc dù vậy, phân tích chi phí lợi ích của Ford cho thấy rằng tổn thất nhân mạng và bị thương tránh được không đủ để bù đắp cho chi phí thay thế là 11 dollar cho mỗi xe (Estes 1995:196-7).

Ford không phải là đơn vị duy nhất tính toán chi phí và lợi ích của sai lầm thiết kế chết người này. Vào năm 1973, hãng General Motor đã có tính toán tương tự, cho thấy công ty có thể tiết kiệm được tiền bằng cách bồi thường cho 500 người chết thay vì sửa chữa bình xăng lỗi với giá 8,59 dollar cho mỗi xe (Court 2003:16; Bakan 2004:61-3).

Bạn có thể cảm thấy những tính toán này thật đê tiện. Tôi cũng vậy, nhưng dường như không phải tất cả mọi người đều vậy, nhất là các quan tòa liên bang. Hãy hình dung sự giận dữ khi có vài kẻ khủng bố nước ngoài âm mưu ám sát hơn một ngàn người. Nhưng trong thế giới kinh doanh, sự trừng phạt tương tự là rất ít, chế tài nghiêm khắc lại càng ít hơn, doanh nghiệp có rất ít lý do để lo sợ về hậu quả hành động của họ.

Kết luận, mặc dù những người bảo vệ cho quyền của doanh nghiệp thường nhanh chóng kêu gọi trách nhiệm cá nhân, nhưng họ rất ít khi yêu cầu một mức độ tương đương về trách nhiệm của doanh nghiệp. Trái lại, họ bỏ qua tội ác của doanh nghiệp hoặc tìm ra sự biện hộ pháp lý cho sự vi phạm của doanh nghiệp. Nếu như pháp luật nhìn nhận doanh nghiệp là cá nhân thì đó là những cá nhân có đặc quyền phổ biến được đứng trên pháp luật.

Sunday, August 9, 2015

Tâm thần học về chủ nghĩa Marx kiểu Walras

Cách đây đã nhiều năm, khi còn học đại học ở Việt Nam, có lần thầy dạy môn kinh tế học của tôi đã nói rằng phương pháp của kinh tế chính trị học Marxist và phương pháp của kinh tế học là gần giống nhau. Marx thì đi từ cái trừu tượng đến những cái cụ thể, còn kinh tế học là cho một yếu tố biến đổi trong khi giả định những yếu tố khác không thay đổi để xem xét tác động của yếu tố ấy, tức là đều đi từ cái đơn nhất đến tổng thể. Tất nhiên khi đó tôi chỉ là một sinh viên năm thứ nhất, hoàn toàn không đủ khả năng hiểu điều đó có nghĩa là gì. Mặt khác lúc đó Việt Nam còn rất thiếu sách vở và tài liệu, không cho phép sinh viên tìm tòi hay tham khảo các nhà nghiên cứu kinh tế khắp thế giới như bây giờ.  

Nhiều năm sau, tôi mới có thể nhận ra sự nguy hiểm trong lập luận mập mờ về phương pháp luận đã nêu. Sự khác biệt về phương pháp luận thực sự là yếu tố quyết định sự khác biệt giữa kinh tế chính trị học Marxist và kinh tế học cũng như kinh tế học giả Marxist. Lịch sử tư tưởng kinh tế chính trị phương Tây, tức là nghiên cứu kinh tế chính trị Marxist ở những nước tư bản, đã cho thấy gần 100 năm đấu tranh dữ dội với sự thụt lùi về phương pháp luận đó. Vào năm 1996, khi Alan Freeman và Guglielmo Carchedi xuất bản cuốn "Marx and Non-Equilibrium Economics" với nhà xuất bản Edward Elgar, họ không chỉ thanh toán một thế kỷ nhầm lẫn điên loạn của kinh tế chính trị học Marxist phương tây mà còn mở đường cho một trường phái mới có những bước tiến đáng kinh ngạc trong thời gian gần đây về nghiên cứu kinh tế chính trị học mang hơi thở của thời đại mới. 

Ở Việt Nam giới học thuật hoàn toàn bỏ qua Western Marxism, tức là chủ nghĩa Marx của phương tây, nên những tác giả và tác phẩm như thế này có thể xa lạ độc giả. Song việc tham khảo những thành tựu của Western Marxism có thể sẽ rất có ích, nhất là để phê phán kinh tế học tân tự do, thứ đang bắt đầu nổi lên ở Việt Nam và đang tìm cách thay thế kinh tế chính trị Marxist.

Dưới đây là bản dịch chương 1 của cuốn sách. 


Tâm thần học của chủ nghĩa Marx kiểu Walras
Alan Freeman

Dĩ nhiên là một số nhà kinh tế học Marxist sẽ miễn cưỡng thừa nhận sự phi lý của “lý thuyết giá trị lao động” nhưng hiện giờ nói chung đều thừa nhận rằng việc trình bày sự phi lý đó là hoàn hảo về mặt logic.
Ian Steedman (1981:11)


Khi năng suất tăng lên, khối lượng hàng hóa của nhà sản xuất tính trên giờ lao động cũng tăng lên; do vậy bà [Luxemburg] nói rằng tỷ lệ c so với v cũng phải tăng. Đây là một sai lầm.
Joan Robinson (1951:22)


Điều này dĩ nhiễn đã được biết đến trong nghiên cứu Marxist như là vấn đề chuyển hóa. Như đã được biết rõ, phương thức mà Marx đề xuất là sai lầm.
Paul Sweezy, trong Steedman (1981:25)
1.1 Giới thiệu

Có những người đủ ngây thơ để đọc Marx như một nguồn kiến thức. Đối với một độc giả - dĩ nhiên là lý tưởng, bất mãn với áp bức hay bất công, muốn thay đổi thế giới và vì lý do này khát khao thấu hiểu cách thế giới vận hành – Marx nói, một cách tổng quát: có những người sở hữu tài sản vì lợi ích của bản thân và những người không. Những người sau tạo ra của cải, mà không có chúng thì những người trước sẽ không tồn tại. Người giàu có duy trì sự bất công này với áp bức, lừa dối, tham nhũng và bạo lực. Họ chiến đấu vì bổng lộc, để lại cho thế giới bệnh hoạn và đau khổ. Mục tiêu đầy tham vọng của họ thường xuyên thoát khỏi tầm kiểm soát, phá hủy không phân biệt những người có lỗi cũng như vô tội với hài kịch hay bi kịch. Mặc dù vậy, quá trình đó đưa đến cho những người tạo ra của cải, nếu họ tổ chức một cách có ý thức để làm như vậy, cơ hội để lật đổ trật tự này và xây dựng một trật tự khác tốt hơn.

Những phương trình chết cứng khác tóm lược các phân tích của Marx về nền kinh tế tư bản chủ nghĩa xoay quanh tất cả những tuyên bố đó, dĩ nhiên ngoại trừ loại thứ hai. Điều này thể hiện qua tuyên bố của McLellan (1980:77) rằng “Đọc Marx chỉ như đọc một nhà kinh tế học sẽ gắn liền với việc làm sai lệch một số phần trong tư tưởng của ông. Đối với Marx, như ông đã tự tuyên bố vào đầu năm 1844, kinh tế học và đạo đức gắn bó chặt chẽ với nhau.” Kinh tế học của Marx đưa ra một hiểu biết mang tính xã hội, chính trị và đạo đức thống nhất.

Các phạm trù “kinh tế học”, xuất hiện như một thứ phi nhân có linh hồn riêng – giá cả, tiền bạc, lãi suất – đối với Marx là những dạng khác nhau của quan hệ giữa người với người. Ông không chỉ giải thích tại sao chúng tăng lên hay giảm xuống mà còn giải thích ý nghĩa xã hội của chúng: ai được, ai thua, ai thống trị. Đó là mấu chốt khiến con người tác động và bị tác động; lý do công nhân bị đưa ra đọ sức với chủ doanh nghiệp, nước nghèo chống lại nước giàu và lý do có bất công, áp bức, chiến tranh, xả thải, nói ngắn gọn là các vấn đề sống còn của sự sống trên hành tinh.

Đây là nguồn gốc sự ảnh hưởng lớn lao của ông đối với thế giới. Kết quả là phân tích kinh tế học của ông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống tư tưởng của ông. Nếu nó được chứng minh là sai lầm thì đó là thành công của tất cả những người có lợi ích gắn liền với việc kêu gọi thị trường phi nhân tính làm trọng tài cho tranh chấp cá nhân – trong việc lý tính hóa thế giới như bề ngoài, thay vì bản chất.

Lịch sử kinh tế học cũng như lý thuyết của nó cho thấy ở đâu cần dịch vụ thì người cung cấp xuất hiện. Các học giả chuyên nghiệp hiện đại trình bày sự mô tả “ngây thơ” của Marx theo nhu cầu nhưng lại sai lệch. Trong đó, các nhà kinh tế học có một vai trò đặc biệt. Ngay cả khi quan điểm chính trị và xã hội của Marx được miễn cưỡng thừa nhận thì lý thuyết kinh tế của ông vẫn bị coi là sai về mặt logic. Rõ ràng do công trình của ông dựa trên kinh tế chính trị nên điều đó cáo buộc lý thuyết của ông đơn giản là đã sai toàn bộ, bất chấp sự thấu hiểu sâu sắc của ông.

Có một điểm chung giữa những người đối lập và các nhà kinh tế cực đoan là kinh tế học tân cổ điển – và các nhà kinh tế học – có chung lợi ích trong việc hạ uy tín Marx. Song một số lượng lớn các nhà Marxist cũng chấp nhận cáo buộc đó và nhiều người đã đi đầu trong việc lôi kéo những người khác. Do những người quan sát ngây thơ sẽ không thể ngờ được rằng các nhà Marxist lại có lợi ích trong việc hạ uy tín Marx, điều này tạo ra một sức ép khủng khiếp đối với quan điểm về việc có sai lầm thật sự và không thể cứu vãn trong lập luận kinh tế của Marx.

Chương này có hai chức năng. Thứ nhất, nó chứng minh về mặt lý thuyết và bằng các tác phẩm của Marx rằng ông không sai lầm như bị cáo buộc. Là một con người thì ông có thể sai lầm, nhưng không sai về mối quan hệ giữa giá trị với giá cả, về nguồn gốc của lợi nhuận, hay về khuynh hướng suy giảm của lợi nhuận. Do vậy, những độc giả ngây thơ, đang đọc Marx như được đề cập ở phía trên, hiểu về kinh tế học tốt hơn là các chuyên gia. Sự mô tả hợp lý, có logic về kinh tế thị trường của ông tốt hơn bất cứ lý thuyết nào khác, kinh tế thị trường đã chứng tỏ điều mà Marx nói và giải thích về những vận động đã được quan sát của nền kinh tế.

Nhiều người khác đã trình bày nghiên cứu này, ít nhất là từng phần1, mục đích của chương này hoàn toàn không mới. Mặc dù vậy, chức năng thứ hai là giải thích lý do khiến việc bảo vệ nó bị lãng quên. Chúng ta giải quyết câu hỏi rõ ràng trong bình luận của Steedman (1977:49n):

Dạng lập luận hiện thời đã được nghiên cứu dưới nhiều hình thức khác nhau, bởi nhiều tác giả khác nhau trong suốt 80 năm qua. Tất cả đều đi đến một kết luận tương tư và không phát hiện được sai lầm logic trong các lập luận đó.

Nếu có sai lầm logic trong các lập luận phản bác Marx, tại sao không ai, ngay cả các nhà Marxist, nhận ra chúng trong suốt 80 năm qua?

Chúng tôi sẽ chứng minh rằng cáo buộc về sai lầm đã bị đưa nhầm địa chỉ. Nó chống lại một lý thuyết không phải là của Marx. Bên có lỗi là thứ mà chúng tôi gọi là Chủ nghĩa Marx kiểu Walras, theo tên của Leon Walras (1834-1910), người sáng lập ra lý thuyết cân bằng. Đây là thứ mà chúng tôi khẳng định là sự cân bằng đội lốt Marx, một sự chỉnh sửa đáng trách tư tưởng của Marx theo lý thuyết tân cổ điển. Hệ quả là kinh tế chính trị học có tính chất khoa học của Marx bị chôn vùi trong sự dối trá trong khi kinh tế học nói chung, bao gồm hầu hết các cấu thành “Marxist” của nó, ngày càng có ít hơn khả năng đóng góp vào sự phát triển chủ chốt của kinh tế thế giới.

Kinh tế chính trị học khoa học – đặc trưng Marx đã tạo dựng cho công trình của ông – phải được tính không chỉ cho lý thuyết của nó mà cả các lý thuyết khác. Chủ nghĩa Marx kiểu Walras là một hệ thống khép kín, hợp lý và mạch lạc với các kết luận rõ ràng. Tại sao ba thế hệ tác giả gán những kết luận đó cho Marx? Tôi khẳng định rằng việc sử dụng các phương trình đồng thời, chủ nghĩa hình thức thuộc về lý thuyết Cân Bằng Tổng Quát, đã xuyên tạc không chỉ tính toán về giá cả và giá trị mà xuyên tạc cả bản thân khái niệm. Nó hàm chứa sự tiến triển từ các khái niệm tới hệ thống được coi là bình thường trong tư duy khoa học và công cụ hóa một sự suy đồi từ hệ thống đến khái niệm.

Sự suy đồi này là lý do cho chủ đề của chương này. Nếu chúng ta có thể kỳ vọng chuyên ngành kinh tế học đáp ứng các sự thật hiển nhiên thì lý thuyết có thể chỉ tuyên bố những gì tồn tại và tiếp diễn. Lịch sử cuộc tranh luận cho thấy chuyên ngành kinh tế học thúc đẩy sự tiến hóa của các cơ chế hữu hiệu và ngụy biện để tự chống lại sự thật. Marx áp dụng hai tiên đề. Thứ nhất, ông thừa nhận giới hạn của lý thuyết thuần túy. Nếu ông và Engels không tham gia trong Quốc Tế I và II thì các công trình của họ sẽ chỉ thích hợp là các chú thích ở cuối trang sách trong lịch sử tư tưởng kinh tế. Thứ hai, mặc dù vậy, nghiên cứu lý thuyết có thể “rút ngắn sự đau đẻ” của các giải pháp thực tiễn thông qua phê phán các lý thuyết đang tồn tại, do sự thiếu vắng các sự thay thế lý thuyết, hành động thực tiễn sử dụng bất cứ thứ gì mà nó có trong tay. Mục tiêu của chúng tôi là bóc tách những tiên đề được áp dụng ngầm của lý thuyết cân bằng, dạng thuần túy của phương pháp đồng thời, khỏi những kết luận rõ ràng của nó.

Mục tiêu của một phê phán hiện đại khác với thời Marx còn trẻ, lý thuyết cổ điển vẫn được trình bày như là một người theo chủ nghĩa duy lý sơ khai tôn trọng sự thật, mặc dù vẫn chưa đạt được tới điều đó. Không phải là không có lý do để xử lý nó, như Marx đã làm, như là một khối kiến thức tiến tới phía trước với những lùi bước tạm thời không thường xuyên. Hiện giờ, điều ngược lại mới là đúng. Sự thừa nhận cưỡng bức không thường xuyên về giá trị thực tiễn của Keynes hay Kalecki đã bao trùm và kết hợp chặt chẽ thành một trong những thứ đáng hoài nghi nhất trong tất cả các sự kiện.

Phê phán lý trí thuần túy phải nhường đường cho phê phán phi lí trí thuần túy. Qua đó chúng tôi không chỉ nói tới sự phê phán, như từ ngữ phải thể hiện, mà là một sự khám phá logic mang tính hệ thống về những tiên đề về nền tảng của nó. Chúng tôi muốn hiểu rõ thứ đã khiến hình thức đồng thời trở thành nhu cầu cần thiết – theo con đường cân bằng, nhà tư tưởng bị buộc phải quan niệm thế giới để áp dụng hệ thống của ông ta hay bà ta vào đó.

Chúng tôi cho rằng có thể trình bày rằng hình thức phương trình đồng thời do Bortkiewicz thể hiện, và được tất cả các tác giả sau đó áp dụng, chắc chắn che dấu sự biến động của giá cả cũng như sự mâu thuẫn của cung với cầu và áp đặt thị trường ăn khớp tại giá cả cố định trong vai trò là giả định ban đầu. Nó chứa đựng trong các dạng thuần túy toán học sự giáo điều và sự thừa nhận của Jean-Baptiste Say về việc cung tạo ra cầu của nó. Cạnh tranh, sự vận động của giá trị thặng dư trong việc tìm kiếm lợi nhuận cao hơn cần phải vắng mặt trong các hệ thống phương trình đồng thời. Khái niệm khoa học thông thường về nhân quả, như quan hệ giữa các sự kiện kế tiếp nhau theo thời gian, được thay thế với khái niệm phi thời gian về sự quy định bởi định đề toán học.

Chủ nghĩa hình thức nhất thiết phải thay thế giá cả như nó tồn tại thực tế - tỷ lệ mà tại đó hàng hóa được trao đổi lấy tiền, một hàng hóa đặc biệt – với các tỷ lệ trao đổi được quy định trước đó và độc lập với tiền, do vậy khiến cho việc lý thuyết hóa tiền trở thành bất khả thi. Giá trị như là quan hệ xã hội, dạng mà lao động của con người thể hiện bản thân trong trao đổi, được thay thế bằng khái niệm bái vật giáo về giá trị như là thuộc tính của sự vật được quy định bởi công nghệ sản xuất ra chúng. Cuối cùng chúng tôi muốn trình bày rằng các khái niệm kết quả không thể thể hiện hay giải thích tư bản như là giá trị tự lớn lên, hay trên hệ quả là sự tích lũy, sự phụ thuộc của những nỗ lực của con người vào sản xuất giá trị thặng dư tương đối.

Dựa trên những khái niệm phi Marxist về giá trị, giá cả và quy định, sự đơn giản hóa Marx, sự diễn giải minh bạch đã bị ba thế hệ các nhà Marxist phủ nhận, bởi vì họ đã tự tước bỏ những phương tiện để làm cho chúng có ý nghĩa.

1.2 Các phương trình của quá trình lao động

Chúng tôi bắt đầu bằng những phương trình của quan niệm ngây thơ về chủ nghĩa Marx. Các độc giả thượng lưu được khuyến nghị tạm ngừng biểu lộ sự khinh bỉ và hoài nghi. Nỗi đau có thể xoa dịu bằng việc ghi nhận rằng những phương trình và các giải thích bổ sung được trích dẫn trực tiếp từ Marx, không có suy diễn. Đọc một cách ngây thơ là chữ nghĩa nhưng không suy nghĩ. Bốn phương trình mô tả sản xuất hàng hóa cho thị trường – quá trình lao động.

M=C+V (1)

C’=C+L (2)

S=L-V (3)

Rút ra

C’=C+V+S (4)

Bằng tiếng Anh: một nhà tư bản bắt đầu với tiền, phương tiện ngoại lai và dạng thuần túy của giá trị. Đây là sự phân chia thành tư bản bất biến C và tư bản khả biến V. Do vậy có phương trình (1). C mua hàng hóa, thứ được biến thành hàng hóa khác nhờ hàng hóa sức lao động, thứ thuộc sở hữu của công nhân, gắn bó không thể đơn giản hơn với cá nhân họ và tốn một khoản V. Trong sản xuất, sức lao động tạo ra giá trị mới L, thêm vào giá trị ban đầu C, do đó sản phẩm mới có giá trị C’. Do vậy có phương trình (2). Công việc càng dài hơn, khó khăn hơn, tốt hơn thì L càng lớn hơn2.

Quá trình lao động tạo ra của cải thô C’, lớn hơn số tiền C+V được đầu tư vào sản xuất ra nó, trừ khi nhà tư bản nhầm lẫn nghiêm trọng trong việc tính toán, trong trường hợp đó thì anh ta sẽ tự xóa sổ mình ngay. Phần chênh lệch S được gọi là giá trị thặng dư và được thể hiện trong phương trình (3), thông thường là dương. C’ do vậy được thể hiện bằng phương trình (4).

Những gì công nhân có thể làm trong phạm vi quy luật của đất đai và kinh tế học là những thứ được xác định bằng những phương trình này. Họ có thể tăng V. S giảm xuống nhưng không có thay đổi nào khác. Họ có thể giảm L, khi đó C’ và S cùng giảm. Trong cả hai trường hợp thì nhà tư bản vẫn sở hữu toàn bộ sản phẩm cuối cùng C’, nhưng sẽ thu được ít thành quả S hơn.

Nhà tư bản cũng được quy định một cách bình đẳng. Họ có thể tăng L bằng các buộc công nhân lao động lâu hơn, mệt nhọc hơn hay tốt hơn, trong phạm vị giới hạn sinh học và các quy luật về không gian và thời gian. Họ có thể giảm V. Giảm V không mang lại gì cho toàn thể giai cấp, mặc dù vậy một cá nhân có thể thu được giá trị từ nhà tư bản khác bằng cách giảm chi phí của họ mà không giảm giá, như được thảo luận ở phần 2 phía trên. Điều này vẫn đúng bất kể sự giàu có hiện thời, có nghĩa là giàu có về vật chất hay giá trị sử dụng, mà giá trị là đại diện.

1.3 Phương trình về lưu thông

Trong lưu thông, hàng hóa được mua và bán với những số tiền như sau:

M’=M+m (5)

M’=C+V+m (6)

Mỗi nhà tư bản bán đầu ra (giá trị C’) lấy một tổng số tiền M’, giá thị trường của sản phẩm tại thời điểm trao đổi. Sự chênh lệch là tổng số tiền m, lợi nhuận. Giờ M’ có thể khác C’: một cá nhân có thể bán thứ gì đó trị giá 60 bảng để lấy 70 bảng, kiếm được 10 bảng. Nhưng 10 bảng ấy là sự tổn thất ở đâu đó, thế nên thu được và mất đi bù trừ lẫn nhau trong một phạm vị trao đổi khép kín. Tổng giá trị thay đổi do trao đổi:
ΣM’=ΣC’ (7)

Do đối với toàn bộ xã hội thì tổng M’ bằng tổng C’, mặc dù các nhà tư bản cá biệt có thể nhận được ít hơn hay nhiều hơn C’ cá biệt của họ. Từ (6) và (4) suy ra là nếu hàng hóa được bán tại giá trị của nó (M’=C’) thì m=S, có nghĩa là lợi nhuận bằng giá trị thặng dư. Nhưng bất kể M’=C’ hay m=S hay không đối với bất cứ nhà từ bản cá biệt nào, lấy (4) trừ đi (6) và tính tổng của tất cả các nhà tư bản dẫn đến:
ΣS=Σm (8)

Có nghĩa là tổng lợi nhuận được thực hiện trong bất cứ chu kỳ nào cũng bằng tổng giá trị thặng dư được tạo ra. Do trao đổi không thể chuyển bất cứ giá trị nào từ công nhân sang nhà tư bản và ngược lại; hơn nữa mọi tập hợp giá cả đều chuyển giá trị từ một nhà tư bản này sang một nhà tư bản khác. Nếu đối với một người bán M’ cao hơn C’ thì khoản chênh lệch phải được bù đắp bằng việc bán dưới giá trị ở đâu đó. Cạnh tranh giữa các nhà tư bản do vậy là xung đột giữa “những người anh em thù địch” về phần chia trong ΣS, thể hiện trong cuộc chiến tăng thu nhập và giảm chi tiêu bằng bất cứ phương tiện nào có sẵn. Hình thức cực đoan nhất được biết tới là chiến tranh và chủ nghĩa phát xít.

Điều mà chúng tôi vừa nói giả định rằng trong một chu kỳ nhất định thì tổng số tiền đại diện cho cùng một tổng giá trị về mặt lượng. Trên cơ sở này thì phương trình (7) là thật bởi định nghĩa và phương trình (8) được rút ra từ nó. Do vậy sự chênh lệch giữa tổng giá trị và tổng giá cả chỉ xuất hiện nếu trao đổi điều chỉnh số lượng giá trị được biểu hiện trong một tổng số tiền. Trong trường hợp này, sự ngang bằng giữa tổng giá trị và tổng giá cả trong trao đổi phức tạp hơn nhưng vẫn đúng. Cụ thể là tiền phải tồn tại trong một tổng số3.

1.4 Các phương trình tích lũy

Trong mỗi chu kỳ, nhà tư bản có thể sử dụng S, giá trị thặng dư, theo hai cách. Họ có thể tiêu dùng hay bổ sung thêm vào tư bản ứng trước C. Hai nguồn nhu cầu này bằng tổng của S – hay tổng của m, lợi nhuận, cũng tương tự như vậy. Bổ sung vào vốn đầu tư – đầu tư – thông thường cho phép nhà tư bản sản xuất thêm hàng hóa. Nếu điều đó làm tăng năng suất, các hàng hóa này có thể được sản xuất ra với ít tiền hơn. Điều bí ẩn lớn nhất của thị trường, không thể giải thích được bằng kinh tế học tân cổ điển, là tại sao tiến bộ kỹ thuật sinh ra thụt lùi của xã hội: tại sao nhiều hàng hóa với ít tiền hơn sinh ra ít lợi nhuận hơn và nhiều nghèo khổ hơn; tại sao giải phóng khỏi tự nhiên lại dẫn đến sự nô lệ cho máy móc; tại sao tài sản cá nhân sinh ra thảm họa xã hội và tại sao sự xâm lược của thị trường ném toàn bộ nhân dân vào hỗn loạn, chiến tranh và chết đói. Quá trình này, sự tích lũy, thống trị cuộc đời của mỗi người trên hành tinh. Đó là nguồn tối cao của sự phi lý nhưng chưa được biết, nơi khai sinh và nấm mồ của lý tưởng tiến bộ.

Tích lũy thay đổi cấu tạo hữu cơ của tư bản. Đó là do sức mạnh dẫn dắt của nó là sản xuất ra giá trị thặng dự tương đối – gia tăng năng suất của lao động bằng cách biến giá trị thặng dư thành tư bản. Không nhà tư bản cá biệt nào có thể vượt qua kết quả của sự cạnh tranh này. Do đó sáng tạo và tích lũy không thể tách rời4. Người sản xuất có đầu tư sẽ trở nên hiệu quả hơn những người khác. Với một khoản đầu tư bằng tiền nhỏ hay nhỏ hơn thu hút được cùng một số lượng hay một lượng lao động nhỏ hơn, họ có thể sản xuất một số lượng đầu ra tương tự lớn hơn. Do đó, giá trị tính trên mỗi đơn vị của chúng thấp hơn. Nếu họ có thể bán sản phẩm này theo giá trị mới – giá trị cá biệt của chúng – thì họ sẽ loại bỏ các đối thủ cạnh tranh. Nhưng hệ thống giá cả đưa đến giá cả cá biệt và giá trị cá biệt cho mỗi sản phẩm, điều đó tạo thành một sự bình quân đối với mọi nhà sản xuất ra sản phẩm này. Nhà sản xuất hiệu quả hơn sẽ nhận được cao hơn bình quân hay lợi nhuận siêu ngạch. Sự san bằng này không phải là nhất thời hay lý tưởng mà là thường xuyên và thực tế, do một công nghệ thống nhất là không bao giờ đạt được. Sự theo đuổi lợi nhuận siêu ngạch là động cơ thực tế của phát triển kinh tế.

Ngay cả khi cấu tạo hữu cơ của tư bản thay đổi, giá trị tăng lên cùng với khoản đầu tư của nhà tư bản. Coi K là giá cả của nó. Giả định rằng nhà tư bản ứng trước K=£1000 và chuyển hóa C= £100, V=£100 vào sản xuất. 

Nếu L là £200 thì họ có kết quả như sau:

- tư bản ứng trước K, giảm xuống do C và V còn lại £800;

- sản phẩm mới C’=£300=C+L.

Do vậy, tổng tư bản của họ hiện giờ là £800+£300=£1100. Trong đó, £100 là giá trị thặng dư của chu kỳ đã qua. Vốn tư bản của họ sẽ lớn lên nếu họ tiêu dùng ít hơn £100 cho các mục đích cá nhân, bất kể là vốn tư bản đó có cấu tạo ra sao.

Họ càng tiêu dùng ít thì tư bản càng tăng nhiều. Coi B đại diện cho số tiền mà nhà tư bản chi tiêu và I là đầu tư. Rút ra

S=B+I (9)

Nhìn chung nếu nhà tư bản biến giá trị thặng dư thành tư bản, I sẽ dương. K tăng thêm trong bất cứ chu kỳ nào cũng bằng I. Để mô tả điều này, chúng ta thêm vào dấu hiệu thời gian trong các phương trình về quá trình lao động, rút ra:

C’t+1=Ct+Vt+St (10)

Sau đó

Kt+1=Kt-(Ct+Vt)+It (11)

Do vậy

Kt+1= Kt+St-Bt (12)

Phương trình (12) thể hiện quy luật nền tảng của tích lũy. Tư bản K tăng lên bởi sự chênh lệch giữa giá trị thặng dư và tiêu dùng của nhà tư bản. Do đó, nó tăng lên ngoại trừ và trừ khi nhà tư bản tiêu dùng nhiều hơn lợi nhuận của họ; có nghĩa là, vốn tư bản chỉ có thể giảm xuống bởi sự chuyển giao giá trị từ nó sang tiêu dùng.

1.5 Tỷ suất lợi nhuận

Tỷ suất lợi nhuận bình quân hay nói chung r là tỷ số giữa tổng lợi nhuận Σm (=ΣS) và vốn tư bản K.
R= ΣS/K (13)

Chừng nào mà nhà tư bản chưa ngừng đầu tư – tiêu thụ giá trị của vốn – r sẽ giảm trừ khi ΣS tăng lên, nhưng ΣS không thể vượt qua giá trị được thêm vào ở mỗi chu kỳ, cụ thể là L. L bị giới hạn của các quy luật sinh học và thời gian. Do đó, trong trường hợp có một khoản tiền cố định thì sự suy giảm của tỷ suất lợi nhuận có thể bù đắp bằng nỗ lực lớn hơn của con người nhưng cũng có thể chỉ chặn đứng được bằng cách tàn phá hoặc phá hủy vốn của tư bản – điều tương tự trong thực tế.

1.6 Cạnh tranh

Trong cạnh tranh, các nhà tư bản cá biệt tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận cao nhất. Hệ thống tín dụng càng phát triển và càng ít cản trở đối với việc chuyển giao tư bản thì quá trình này càng nhanh chóng và có thể dự đoán trước. Sự điều chỉnh mang tính hệ thống về giá cả, dẫn đến C’ khác với M’ (đối nhà tư bản cá biệt) ngay cả khi sự san bằng theo thời gian loại bỏ những thay đổi lên xuống bất thường.

Sự chênh lệch về mặt lượng có nguồn gốc kép. Thứ nhất là sản xuất giá trị thặng dư tương đối, đã được mô tả ở phía trên, được áp dụng cho một nhánh cụ thể của sản xuất. Những một tác động thứ hai của cạnh tranh chỉ tồn tại như là một khuynh hướng, hướng tới một lợi nhuận bình quân lý tưởng hay giả định mà nhà tư bản có thể tính tới trong việc xác định ví dụ như lãi suất. Một giá lý tưởng cho mọi hàng hóa hiện ra; giá cả sản xuất, mà hàng hóa sẽ được bán như thể khu vực sản xuất ra nó nhận được lợi nhuận bình quân. Lợi nhuận bình quân này là tỷ suất lợi nhuận r trong phương trình (13); áp dụng đối với mọi phần của tổng tư bản ứng trước, nó thu được một khoản tiền thêm vào chi phí, tạo thành một giá cả giả định.

P=C+V+K.r (14)

Khi P là (tổng) giá cả sản xuất được bán, r là tỷ suất lợi nhuận trong phương trình (13), và khi C, V và K hiện giờ đề cập tới một khu vực, không phải toàn bộ xã hội. Phương trình (7) và (8), hai “đẳng thức” của Marx, vẫn đúng trong trường hợp bất kỳ giá cả thị trường nào.

Lợi nhuận như trong phương trình (14) trở thành nhận thức chung về tỷ suất lợi nhuận “bình thường”. Mục tiêu của cạnh tranh là giành lấy tỷ suất lợi nhuận cao hơn thông thường. Nhưng chừng nào mà một số nhà tư bản đạt được tỷ suất lợi nhuận cao hơn thì những người khác bị đẩy xuống thấp hơn. Sự chênh lệch trong tỷ suất lợi nhuận là dạng hiển hiện của những nỗ lực cạnh tranh.

1.7 Sự phủ nhận của chuyên gia

Sự phủ nhận của quan điểm ngây thơ, đơn thuần lặp lại suốt 98 năm nay, dựa trên hai khẳng định:

Khẳng định 1: Marx đã không “chuyển hóa đầu vào”. Trong phương trình

C’=C+V+S (4)

Số lượng C và V không thể tương tự như trong

C’=C+V+m (6)

Bởi vì đầu vào phải được mua ở mức giá cả mà đầu ra được bán. Marx biết điều đó nhưng đã che đậy hoặc không giải quyết nó. Khẳng định này được J. V. Komorzynsky, một người ủng hộ Boehm-Bawerk, đưa ra lần đầu tiên vào năm 1897. Tugan Baranowsky, một nhà Marxist hợp pháp người Nga, đã đi xa hơn, “sửa chữa” “sai lầm” của Marx. Sự sửa chữa của ông ta được Landislaw von Bortkiewicz phổ biến rộng rãi và thu hút sự chú ý của thế giới nói tiếng Anh thông qua Paul Sweezy. Điều này bao gồm một cách tính giá cả khác dựa trên ba định đề:

·        Mọi hàng hóa được mua tại mức giá mà chúng được bán
·        Tỷ suất lợi nhuận là bằng nhau ở mọi nơi
·        Giá trị của tiền được quy định đồng thời với giá cả.

Sự điều chỉnh bao gồm cả một định nghĩa mới về giá trị và giá cả. Mặc dù nó được chấp nhận như là diễn giải chuẩn mực về lý thuyết giá trị của Marx và là cơ sở cho sự phê phán lý thuyết này như được trình bày trong cuốn “Marx sau Sraffa” của Ian Steedman. Nó ủng hộ ba kết luận liên quan đến việc chôn vùi kinh tế học của Marx:

·        Hai “đẳng thức” (7) và (8) không thể đồng thời đúng.
·      Giá trị và giá cả được tạo ra bởi hai nhóm phương trình khác nhau mà không có quan hệ rõ ràng giữa chúng.
·     Tỷ suất lợi nhuận của Marx khác với tỷ suất lợi nhuận “thực”. Tử số của ông, K, là giá trị của hàng hóa trong K; nhưng tử số của tỷ suất lợi nhuận thực là giá cả của chúng.

Kết luận đầu tiên được dùng để cho thấy phương pháp tiếp cận của Marx là không nhất quán về mặt logic. Kết luận thứ hai được dùng để cho thấy tỷ suất lợi nhuận của ông không phải là thực. Kết luận thứ ba được dùng để cho thấy giá trị là thừa về mặt logic do chúng không tham gia vào “việc quy định” giá cả, nơi mà từ “quy định” được ngầm hiểu là “tính toán”.

Khẳng định 2: Tính toán về tỷ suất lợi nhuận suy giảm không áp dụng được cho trường hợp vốn tư bản rẻ đi. Giá trị (và giá cả) của hàng hóa trong vốn có thể giảm xuống do tiến bộ kỹ thuật và do đó thường xuyên cân đối lại sự gia tăng về mặt lượng của chúng5. Cùng với khẳng định 1 và 2 ở phía trên, điều này được dùng để củng cố khẳng định rằng lý thuyết giá trị của Marx không cung cấp được các mô tả chính xác về những gì đang diễn ra trong thế giới thực.

1.8 Sự chuyển hóa đầu vào của Marx

Phương pháp chuyển hóa của Marx được đưa ra tại trang 167 của Các học thuyết về giá trị thặng dư, Quyển III:

Sự chuyển hóa của giá trị vào giá thành6 diễn ra theo hai cách. Thứ nhất, lợi nhuận được bổ sung vào tư bản ứng trước có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thặng dư chứa đựng trong bản thân hàng hóa, có nghĩa là nó có thể đại diện cho nhiều hơn hoặc ít hơn lao động không được trả công mà hàng hóa chứa đựng. Điều này được áp dụng cho phần khả biến của tư bản và sự tái sản xuất của nó trong hàng hóa. Nhưng tác biệt khỏi nó, giá thành của tư bản bất biến – hay của hàng hóa tham gia vào giá trị của hàng hóa mới được sản xuất như là nguyên liệu và máy móc [hay] các điều kiện lao động – có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị của nó. Do hàng hóa bao gồm một phần của giá cả mà khác với giá trị của nó, và phần này là độc lập với khối lượng lao động mới thêm vào, hay lao động mà những điều kiện của sản xuất với giá thành cho trước được chuyển hóa vào sản phẩm mới. Điều đó rõ ràng rằng cái gì áp dụng đối với sự khác nhau giữa giá thành và giá trị của hàng hóa hiểu theo nghĩa thông thường – như kết quả của quá trình sản xuất – cũng được áp dụng cho hàng hóa trong chừng mực, dưới dạng tư bản cố định, nó trở thành một thành phần, một tiền đề, của quá trình sản xuất … Mặt khác, sự khác biệt giữa giá thành và giá trị, trong chừng mực mà nó tham gia vào giá cả của hàng hóa mới độc lập với quá trình sản xuất của bản thân nó, được đưa vào giá trị của hàng hóa mới như là một yếu tố có trước (in nghiêng và thêm vào trong nguyên bản).7

Điều này hoàn toàn rõ ràng. Nó tuyên bố rằng nếu một đầu vào của sản xuất được định giá cao hơn hay thấp hơn giá trị của nó thì nó sẽ chuyển hóa tương ứng nhiều hơn hay ít hơn giá trị vào đầu ra của sản xuất. Tương tự, nếu hàng hóa tiêu dùng được định giá cao hơn hay thấp hơn giá trị của chúng, giá trị của tư bản khả biến theo đó sẽ cao hơn hoặc thấp hơn. Do

·      giá trị được chuyển hóa vào C’ bởi tư bản cố định C là bằng với giá cả của nó, có nghĩa là giá trị của khoản tiền mua nó.
·     giá trị của tư bản khả biến V, phù hợp với khẳng định trước, bằng với giá cả của nó, có nghĩa là giá trị của khoản tiền trả lương.

Điều này phù hợp với đoạn mâu thuẫn trong Quyển III của bộ Tư Bản ở trang 308-309, thường xuyên được trích dẫn làm bằng chứng cho thấy Marx nhận ra vấn đề nhưng không đưa ra câu trả lời.

Chúng ta thấy rằng sự tách biệt của giá cả sản xuất và giá trị xuất phát từ những lý do sau đây: (1) do lợi nhuận bình quân được bổ sung vào giá thành của hàng hóa, hơn là giá trị thặng dư hàm chứa trong nó; (2) do giá cả sản xuất của một hàng hóa tách biệt theo cách này với giá trị nhập vào giá thành của hàng hóa khác với tư cách một thành phần, có nghĩa là sự tách biệt khỏi giá trị  của tư liệu sản xuất đã được tiêu dùng có thể đã bao hàm trong giá thành, bên cạnh sự tác biệt có thể là một sự gia tăng của thân hàng hóa từ sự chênh lệch giữa lợi nhuận bình quân và giá trị thặng dư … Chúng ta hãy giả định rằng cấu tạo trung bình là 80c+20v. Có thể là đối với nhà tư bản cá  biệt hiện thời mà có cấu tạo theo cách này, 80c có thể nhiều hơn hay ít hơn giá trị của c, tư bản cố định được tạo thành bởi hàng hóa có giá cả sản xuất khác với giá trị của chúng. 20v có thể tương tự cũng khác với giá trị của nó, nếu chi tiêu cho lương vào tiêu dùng các hàng hóa liên quan có giá cả sản xuất khác với giá trị của chúng. Công nhân phải làm việc nhiều hay ít thời gian hơn để mua lại những hàng hóa đó (để thay thế chúng) và do đó phải thực hiện nhiều hơn hay ít hơn lao động cần thiết nếu giá cả sản xuất những hàng hóa thiết yếu cho sự tồn tại của họ không ăn khớp với giá trị của chúng.  

Dĩ nhiên, bất cứ nhà lý thuyết kinh tế nào cũng có thể lập luận rằng quy trình này không chính xác và cả tư bản bất biến cũng như khả biến đều chuyển hóa giá trị, chứ không phải giá cả của chúng, sang đầu vào. Những lý thuyết kiểu này mở đường cho sự phê phán Marx trong suốt 90 năm về vấn đề chuyển hóa. Mặc dù vậy, chúng không phải là lý thuyết của Marx.

Giá cả thị trường và sự chuyển hóa của đầu vào

Quy trình này không bị hạn chế trong việc mua hàng hóa với mức giá sản xuất của chúng. Nó áp dụng bất cứ khi nào đầu vào hay lương thực tế được mua với mức giá khác với giá trị của chúng; nói chung là cho trao đổi tại mức giá thị trường tùy ý. Rút ra từ phân tích của Marx về trao đổi và không được tìm thấy trong Quyển III mà là Chương I, Quyển I của bộ Tư Bản, cơ sở của toàn bộ tác phẩm này, như Suzanne de Brunhoff (1976:27) đã chỉ ra. Một hệ quả rõ ràng của sự tồn tại của tiền. Marx không cần phải chuyển hóa đầu vào trong Quyển III bởi vì sự chuyển hóa đã được đưa ra trong Quyển I.

Đại lượng giá trị của một hàng hóa do đó thể hiện một quan hệ cần thiết với thời gian lao động xã hội vốn có trong quá trình bởi giá trị của nó được tạo ra. Với sự chuyển hóa của đại lượng giá trị vào giá cả, quan hệ cần thiết này xuất hiện như là tỷ lệ trao đổi giữa một hàng hóa đơn lẻ với hàng hóa tiền tồn tại bên ngoài nó … Do đó, khả năng không ăn khớp nhau giữa giá cả và đại lượng giá trị, cụ thể là khả năng mà giá cả có thể khác với đại lượng giá trị, là chứa đựng sẵn trong bản thân dạng giá cả. (Marx 1976a: 196, nhấn mạnh của chúng tôi)

Giả định rằng hàng hóa được bán tại mức giá cả bằng với giá trị của chúng trong Quyển I là một mức độ thần bí hóa nhất định. Thực tế là nó quan trong hơn trong Quyển II, đã trừu tượng (không giống Quyển III) không chỉ sự tách biệt giữa giá cả và giá trị mà còn cả sự thay đổi trong giá trị. Trong Quyển I, sự tách biệt của giá cả khỏi giá trị luôn được trình bày trên cơ sở và đại đa số các công thức vẫn đúng khi các giả định được bỏ đi. Đặc biệt là phân chia giá trị và giá cả không dựa trên giả định này. Do đó, nếu nó được bỏ đi, sự chuyển hóa của đầu vào chỉ đơn giản là giữ nguyên, như nó vẫn vậy, từ lý thuyết của phần I. Người ta chỉ cần giả định rằng giá trị ứng trước của nhà tư bản được đại diện bởi số tiền họ trả thay vì giá trị mà họ mua, lý thuyết sẽ trở thành hoàn toàn chặt chẽ.

Khi giả định không quan trọng là trong tranh luận của Marx với những nhà kinh tế học cùng thời, những người tìm kiếm nguồn gốc của lợi nhuận trong trao đổi, trong “lợi nhuận nhờ chuyển nhượng”. Lập luận của ông là trao đổi chỉ phân phối lại các giá trị đã có giữa những bên tham gia lưu thông:

Những người ủng hộ trung thành của lý thuyết sai lầm cho rằng giá trị thặng dư có nguồn gốc từ sự gia tăng danh nghĩa của giá cả hay trong đặc quyền mà người bán có thể bán quá đắt do dó giả định rằng có sự tồn tại của một giai cấp những người chỉ mua những không bán … Hãy xem xét trong phạm vi của trao đổi hàng hóa, khi mà người bán là người mua và người mua là người bán … A có thể đủ khôn ngoan để lợi dụng B và C mà không sợ bị trả đũa. A bán rượu vang trị giá £40 cho B và nhận được ngũ cốc trị giá £50 từ B.8 A chuyển hóa £40 thành £40, kiếm được thêm một khoản và đã biến hàng hóa của anh ta thành tư bản. Hãy xem xét điều này cụ thể hơn chút nữa. Trước khi trao đổi chúng ta có £40 rượu vang của A và £50 ngũ cốc của B, một tổng giá trị là £90. Sau khi trao đổi chúng ta vẫn có tổng giá trị tương tự là £90. Giá trị trong lưu thông không tăng lên một mảy may; tất cả chỉ là sự phân phối giữa A và B … Mặc dù vậy, cho dù chúng ta có xoay vòng và xoay sở đến đâu thì kết luận vẫn tương tự. Nếu các vật ngang giá đều được trao đổi, chúng ta vẫn không có giá trị thặng dư. Lưu thông, hay trao đổi các vật ngang giá, không tạo ra giá trị … Chúng ta đã cho thấy rằng giá trị thặng dư không thể bắt nguồn tư lưu thông và do đó để nó được tạo thành, điều gì đó phải diễn ra trên cơ sở mà không thấy được trong bản thân lưu thông. (1976a:267-8)

Trong đoạn này, chúng ta tìm thấy mầm mống khái niệm tổng thể của Marx về sự chuyển hóa, như chúng ta sẽ trình bày trong chương kết thúc của cuốn sách này. Tổng giá cả bằng với tổng giá trị là kết quả của quan niệm rằng giá trị không thể tạo ra trong trao đổi và không phải là một điều kiện bình thường hóa bổ sung. Đó là một tác động của lưu thông, nó không thể tạo ra giá trị. Sản xuất, mà từ đó giá trị phát sinh, phải được cô lập khỏi lưu thông, thứ phân phối giá trị. Do vậy trong Quyển I,

Sự hình thành của tư bản phải diễn ra ngay cả khi giá cả và giá trị của một hàng hóa trùng khớp, điều đó không thể giải thích bằng cách viện dẫn bất cứ sự tách biệt nào giữa giá cả và giá trị. Nếu giá cả thực sự khác với giá trị, trước hết chúng ta phải giảm cái đầu tiên xuống bằng cái thứ hai, cụ thể là mọi tình hình cũng như sự bất thường, để quan sát sự hình thành của tư bản trên cơ sở trao đổi hàng hóa dưới dạng thuần túy của nó, cũng như ngăn những quan sát của chúng ta khỏi sự tác động của những tình huống nhiễu loạn bất thường, điều không phù hợp với diễn biến thực tế của quá trình. (Marx 1976a:269n)

Không đề cập đến điều gì không có nghĩa là phủ nhận sự tồn tại của nó. Câu hỏi mà Marx đặt ra cho các đối thủ là: anh nói rằng giá trị thặng dư có nguồn gốc từ lưu thông. Tốt thôi, hãy loại bỏ mọi tác động của lưu thông và xem điều gì diễn ra. Nếu anh đúng thì phải không có lợi nhuận và giá trị thặng dư. Nhưng ngay cả với giả định đã nêu thì vẫn có lợi nhuận và giá trị thặng dư.

Mặc dù vậy, Quyển I không trình bày một xã hội giả định mà hàng hóa không thể trao đổi với giá cả bằng giá trị: nó tách biệt các tác động của lưu thông khỏi tác động của sản xuất. Mặt còn lại của đồng xu là sự lưu thông và sự chênh lệch của giá cả so với giá trị, không bị bỏ quên mà tạm gạt sang một bên.Tác động của chúng được giải thích để chúng ta có thể biết chính xác điều gì đã bị bỏ qua. Tác động sự chuyển hóa giá cả-giá trị được trình bày ở Phần I của Quyển I như là quá trình mà hàng hóa có thể trao đổi tại bất cứ mức giá thị trường tùy ý nào và trên hết không phải là một mức giá sản xuất giả định. Đó chỉ là khi giải quyết quá trình sản xuất tức thời mà Marx đặt ra các giới hạn rằng hàng hóa phải được bán tại mức giá bằng giá trị của chúng. Không nên quên rằng ở Quyển I, Marx giả định rằng nhà tư bản “tìm thấy những gì họ cần trên thị trường” do đó sự thật là họ bán các đầu ra với giá trị của chúng không có nghĩa là coi rằng họ mua các đầu vào với giá trị của chúng.

Khi đã hiểu rằng quá trình chuyển hóa đầu vào là đúng đối với giá cả thị trường nói chung, phương pháp dường như được ủng hộ bởi nhiều lưu ý khác trong công trình của Marx, liên hệ tới giá cả hơn là giá cả sản xuất. Một ví dụ

Nếu giá cả bông giảm, cụ thể là do kết quả của một vụ thu hoạch đặc biệt thuận lợi, thì trong đa số trường hợp giá cả giảm xuống dưới giá trị của nó, thông qua quy luật cung cầu. Tỷ suất lợi nhuận – và, có khả năng, như chúng ta thấy phía trên, tổng số lợi nhuận – tăng lên, theo đó, không chỉ là trong tỷ lệ, mà trong đó nó sẽ tăng lên, mà bông sẽ trở nên rẻ hơn trong tỷ tệ tổng thể mà nhà sản xuất bông bán bông thô của anh ta dưới giá trị, có nghĩa là, do nhà chế tạo bỏ túi một phần giá trị thặng dư nhờ vào người trồng bông. (Marx 1972:223)

Giá cả độc quyền của một hàng hóa cụ thể đơn giản chuyển hóa một phần lợi nhuận do những nhà sản xuất hàng hóa khác tạo ra sang hàng hóa có giá cả độc quyền … Nếu hàng hóa với giá cả độc quyền tham gia vào sự tiêu dùng cần thiết của người lao động, nó làm giảm lương và do đó giảm giá trị thặng dư. (Marx 1981:1001)

Thực sự bất cứ sản phẩm nào của đất đai, thứ tạo ra địa tô, phải bán tại mức giá mà nói chung thường xuyên chênh lệch với giá cả sản xuất của nó; điều này, đối với Marx, điều chỉnh giá trị được chuyển giao bởi các sản phẩm đã nêu sang người tiêu dùng những sản phẩm này.

Đoạn văn “mâu thuẫn” trong Tư Bản Quyển III (p. 261) cũng thể hiện ý tưởng này:

Cũng như tư bản khả biến, lương bình quân thường nhật luôn bằng với giá trị sản phẩm của một số giờ mà người công nhân phải làm việc để sản xuất ra phương tiện thiết yếu cho sự tồn tại của anh ta; nhưng bản thân số giờ này bị xuyên tạc bởi sự thật rằng giá cả sản xuất các phương tiện thiết yếu cho sự tồn tại khác với giá trị của chúng.

Phân tích này cho kết quả tương tự cho dù được trình bày với khái niệm lao động trừu tượng hay bằng đồng Bảng Anh. Sự khác biệt là điều này: nếu được trình bày theo giờ thì nó không bị tác động bởi sự thay đổi trong giá trị của tiền, trong khi nếu trình bày theo Bảng Anh thì cần có một sự chỉnh sửa tiếp theo hay có vẻ như giá trị đã được tạo ra trong trao đổi khi chỉ có đo lường bằng tiền tệ của nó thay đổi. Chúng ta giải quyết điều này trong chương cuối. Đó là lý do tại sao đo lường giá trị bằng tiền, nếu không được cô lập khỏi nguồn gốc từ lao động, sẽ không hoàn chỉnh và không thực tế. Nhưng đây là một sự nhầm lẫn khủng khiếp khi kết luận, như nhiều người đã làm, rằng khi giá trị được chuyển hóa vào giá cả thì có một sự thay đổi trong đơn vị; rằng giá trị bao hàm giờ lao động và giá cả bao hàm tiền.

Bằng các công trình của Marx, như Ramos và Rodriguez đã chỉ ra trong quyển này, giá trị được đưa ra với dạng tiền. Sự tái hiện này không phải là nhầm lẫn về đơn vị hay sự áp dụng thiếu thận trọng các mục của Quyển III vào phân tích của Quyển I. Đây là một sai lầm nực cười để gán tội cho tác giả về sự thiếu chặt chẽ trí tuệ của Marx. Đối với Marx, tiền là đo lường của giá trị, dạng biểu hiện của nó:

Lao động chứa đựng trong tư liệu sản xuất là một khối lượng lao động xã hội cụ thể và nó có thể được thể hiện, do đó, như là một số lượng giá trị nhất định hay một số tiền, giá cả trên thực tế của những tư liệu sản xuất này. (Marx 1976a:994-5, nhấn mạnh trong nguyên bản)

Một số lượng tiền xác định đại diện cho một số lượng thời gian lao động xác định tại bất cứ thời điểm nào. Việc bán hàng hóa lấy tiền không đại diện gì khác ngoài một sự phân phối những giờ lao động này giữa người bán và người mua, sự khác nhau giữa tiền được trả cho hàng hóa và biểu hiện bằng tiền giá trị của chúng. Nếu tôi trả £11 cho hàng hóa có giá trị £10 thì £1 giá trị được phân bổ từ tôi sang nhà sản xuất. Trước khi trao đổi anh/cô ta có £10 giá trị và tôi có £11; sau đó tôi có £10 và anh/cô ta có £11. Nếu £1 đại diện cho 1 giờ thì 1 giờ lao động xã hội trừu tượng cần thiết đã được chuyển từ tôi sang nhà sản xuất như là kết quả của sự vận hành của thị trường. Hai khẳng định là hai quan niệm khác nhau của cùng một sự vật.

Cuối cùng, sự chuyển hóa của đầu vào không mâu thuẫn với nội dung phần 1 của chương này. Đoạn từ việc bán với giá trị tới việc bán với giá cả nhắc tới sự gỡ bỏ một giả định được tạo ra trong Quyển I bộ Tư Bản: C và V là hai đại lượng bằng với giá trị của hàng hóa mà chúng mua. Điều đó được thay thế bằng giả định, được tuyên bố rõ ràng trong Quyển I nhưng bị đặt ra một bên để thảo luận về sản xuất, rằng C và V là đại lượng bằng với giá trị của tiền được sử dụng để mua các hàng hóa này. “Hai đẳng thức” vu khống là bằng chứng tự thân của sự thật. Chúng áp dụng với bất cứ nhóm giá cả thị trường nào bất kể là có hay không lợi nhuận được làm cho bằng nhau, được duy trì cụ thể cho trường hợp giả định đặc biệt khi giá cả thị trường bằng với giá cả sản xuất, tại đó các nhà kinh tế học thế kỷ 20th đã lãng phí quá nhiều sự quan tâm và chú ý.

Tuần hoàn của tư bản và sự khác biệt giá cả-giá trị

Các độc giả hiện đại phản ứng với phần trên có thể tuyên bố, có lẽ là, như sau; nếu giá trị được phân phối cho đầu vào bằng với giá cả của chúng, cái gì được chuyển hóa từ giá trị vào giá cả? Có phải là quan hệ sản xuất đang được thể hiện dưới dạng giá cả và giá trị không phải là khái niệm thừa sao?

Như chúng tôi sẽ cố gắng trình bày sau đây, quan điểm này bắt nguồn từ tư tưởng thâm căn cố đế hiện thời là giá cả của đầu vào và đầu ra được quy định đồng thời, một tư tưởng xa lạ với Marx và thực sự là với toàn bộ các nhà kinh tế học trước thời Walras. Quan điểm này là một trong những lý do chính khiến các trình bày chính xác trước đây của Wolff, Roberts và Callari (1982) không được chấp nhận rộng rãi. Một trong số chúng là thừa nhận rằng giá cả và giá trị tại bất cứ chu kỳ nào cũng bị quy định bởi giá cả và giá trị trong chu kỳ trước đó, vấn đề trở nên rất phức tạp. Như đã được Marx trình bày, nó như sau: vào đầu chu kỳ sản xuất, nhà tư bản ứng trước tư bản được đại diện bởi số tiền họ chi tiêu, thêm vào đó là số tiền đã chi vào tư bản cố định từ trước đó. Sức lao động chuyển giá trị này vào sản phẩm và thêm vào sự đóng góp của bản thân, giá trị của sản phẩm. Sản phẩm xuất hiện với giá trị mới, khác với chu kỳ trước. Trung bình cho toàn bộ hàng hóa đầu ra, giá trị mới này là thời gian lao động xã hội cần thiết cần phải có để sản xuất dưới các điều kiện lịch sử cho trước. Giá trị mới, không phải là giá trị cân bằng vĩnh cửu, được tái phân phối trong tuần hoàn để tạo thành giá trị trường của đầu ra.

Giá cả và giá trị luôn là tách biệt về cả khái niệm và định lượng. Quan hệ của chúng tuân theo hai đẳng thức nổi tiếng của Marx trong từng chu kỳ, được quy định độc nhất bởi giá cả và giá trị của chu kỳ trước đó.

1.9   Tỷ suất lợi nhuận của Marx

Hậu quả logic tất yếu của phương pháp mà chúng ta đã thảo luận là đo lường K, vốn tư bản, bằng tiền trả cho chúng. Tất nhiên đây là cái mà nhà tư bản làm. Nếu tôi trả £2000 cho một máy tính thì tư bản ứng trước của tôi là £2000, bất kể là giá trị nguyên gốc hay thứ phát của chiếc máy tính. Đó là giá trị của tiền, không phải là của máy móc, quy định tỷ suất lợi nhuận của tôi. Tại sao Marx phải suy ngẫm điều khác? Mục tiêu nghiên cứu của ông là sự tự mở rộng của tư bản dưới dạng tiền. Phương pháp của ông là sâu sắc nhưng không ngoan cố. Điều này chiếu một ánh sáng khác vào “sai lầm” của ông với tỷ suất lợi nhuận suy giảm. Đầu tiên và chưa phải là hết (luôn luôn giả định giá trị của tiền cố định), tỷ suất lợi nhuận của ông bằng với tỷ suất lợi nhuận quan sát được. Ông thảo luận về thực tại, không phải là phản ánh một cách kỳ quặc về thực tại.

Nhưng hơn nữa. Theo như cáo buộc được lặp lại không ngừng: vốn tư bản có thể giảm giá trị nếu các thành phần của nó rẻ hơn, khôi phục tỷ suất lợi nhuận. Xin lỗi: giả định rằng chiếc máy tính của tôi tốn £2000 giờ chỉ giá trị £500. Làm sao điều đó khiến cho tư bản đã đầu tư của tôi bằng £500? Tôi thanh toán £2000. Đó là điều mà quản lý ngân hàng của tôi muốn. Đó là cách mà người cho vay của tôi tính doanh thu của họ. Thật sự là bất hạnh khi máy tính của tôi giảm giá vì nó buộc tôi phải tìm cách bù đắp khoản lỗ £1500 từ đâu đó, nhưng tôi phải tìm ra hoặc phá sản. Về tỷ suất lợi nhuận của tôi, nó là một tỷ lệ tính trên tư bản ứng trước của tôi, thứ mà tôi đã thanh toán trong quá khứ, chứ không phải là giá trị hiện tại của khoản đầu tư của tôi.

Nhưng điều này đã khiến cho giải thích ngây thơ ở phần 4 có sức mạnh. Chỉ có thể vô hiệu hóa tỷ suất lợi nhuận giảm xuống thường xuyên bằng cách rút vốn đầu tư; bằng cách sử dụng hết giá trị đã được đầu tư vào sản xuất, hoặc, một trong những dạng ít hữu dụng xã hội nhất của điều tương tự, giảm giá nó bất thình lình thông qua phá sản, xóa sổ nó. Như Marx đã trình bày, đây là chức năng khách quan không thể tránh khỏi của suy thoái và khủng hoảng trong một nền kinh tế thị trường.

1.10          Khái niệm quy định của Marx

Những độc giả hiểu đúng lời của Marx sẽ không thấy những mâu thuẫn mà bốn thế hệ đã đã tranh luận sốt sắng trong 400 bài báo. Do vậy, câu hỏi thực tế là tại sao rất đông các chuyên gia đã bỏ qua giải pháp của Marx? Tại sao sự hiểu biết về giá trị, ngay cả các học giả Marxist đáng kính, xa cách với Marx đến mức mà họ thậm chí không thể đọc được điều mà ông nói? Chúng ta đang mô tả những độc giả sành điệu, những người dường như không thể vươn tới điểm mấu chốt. Các mục phản đối chủ yếu mà chúng ta đưa ra là:

·      Sự khác biệt căn bản giữa giá trị và giá cả không còn tồn tại. Giá trị có nguồn gốc trong sản xuất và giá cả là trong lưu thông. Anh có thể quy giá trị thành giá cả, nhầm lẫn hai khái niệm khác nhau.

·      Anh nhầm lẫn một cách vô vọng giá trị sử dụng với giá trị trao đổi, tiền và giờ, trong một sự hỗn độn vô hướng. Tại sao có thể thêm một số tiền vào giá trị?

·      Kết quả là không có bất cứ mô tả nào về sự quy định. Nếu giá trị không được quy định độc lập với giá cả thì anh cũng không thể nói cái gì quy định giá cả.

Chúng ta thấy rằng những phản đối này là kết quả của cái nhìn lệch lạc do Cân Bằng Tổng Quát tạo ra, thứ này khiến cho tư duy không thể nắm bắt được những khái niệm đòi hỏi sự thấu hiểu bản chất của thị trường. Điều này thể hiện sự thấu hiểu về giá trị, được tiếp nhận không phê phán từ Bortkiewicz, đã tạo ra hệ thống khái niệm kinh tế mà ngay cả những người Marxist cũng không thể hiểu được Marx.

Đích đến là của chúng ta là một bình luận rất đáng chú ý của Bortkiewicz:

Alfred Marshall có lần nói về Ricardo: “Ông ấy không tuyên bố rõ ràng và trong một số trường hợp ông ấy hoàn toàn không hiểu được tại sao trong vấn đề giá trị danh nghĩa, các yếu tố khác nhau quy định qua lại lẫn nhau, không phải là liên tiếp nhau, trong một chuỗi dài nhân quả”. Định nghĩa này áp dụng ngay cả cho Marx … [người] giữ một cách chắc chắn quan điểm rằng các yếu tố liên quan phải được coi là một dạng chuỗi nhân quả, trong đó mỗi mối liên hệ được quy định, trong cấu tạo và khối lượng của nó, chỉ bởi những liên hệ trước đó … Kinh tế học hiện đại bắt đầu giải phóng bản thân khỏi định kiến về sự liên tiếp, công lao chủ yếu nhờ trường phái toán học của Leon Walras.9

Đây là một tuyên bố trung thực về ý định của Bortkiewicz và của phương pháp tiếp cận của Marx. Ngay sau đoạn về sự chuyển đổi đã được trích dẫn từ Các học thuyết về giá trị thặng dư Marx viết:

Mỗi hàng hóa tham gia vào một hàng hóa khác trong vai trò tư bản bất biến, bản thân chúng xuất hiện như là kết quả, sản phẩm, của một quá trình sản xuất khác. Do vậy, hàng hóa xuất hiện như là tiền đề cho sản xuất của hàng hóa khác và là kết quả của quá trình mà trong đó sự tồn tại của các hàng hóa khác là tiền đề cho sự sản xuất ra bản thân chúng. (Marx 1972:167)

Quan niệm này thực sự là một sự quy định kế tiếp nhau, định vị theo thời gian lịch sử thực, được biểu hiện trong mô tả nổi tiếng của Marx về tuần hoàn của tư bản

M – C – P … C’ – M’

Sự tuần hoàn thể hiện các đoạn thời gian. Mỗi sự kiện kế tiếp theo sự kiện đã diễn ra trước đó. Trong Quyển II, điều này được làm rõ hơn trong đoạn luận chiến trực tiếp chống lại sự quy định đồng thời:

“giá trị” Bailey nói, … “là quan hệ giữa hàng hóa hiện thời, bởi vì chỉ được thừa nhận thông qua trao đổi với nhau.” … Điều này rút ra từ sự hiểu nhầm nói chung của ông ta, theo đó giá trị trao đổi bằng với giá trị, bề ngoài của giá trị là bản thân giá trị; giá trị hàng hóa tạm ngừng so sánh khi chúng không hoạt động như là các giá trị trao đổi và không thể thực sự được trao đổi lấy nhau. Do đó, ông ta không mảy may hoài nghi rằng giá trị chỉ hoạt động như là tư bản chừng nào mà nó còn tương đồng với bản thân và được so sánh với bản thân trong các giai đoạn khác nhau của tuần hoàn, điều đó không bao giờ là “hiện thời” mà là diễn ra kế tiếp nhau. (1978:186)

Nguyên nhân dẫn đến học thuyết của Bortkiewicz và học thuyết Cân Bằng là tính đồng thời. Nhân quả trong Marx là kế tiếp nhau. Nhưng phạm trù của Marx là phương pháp thông thường của tất cả các ngành khoa học.10 Như tôi được biết, Cân Bằng Tổng Quát là lý thuyết duy nhất đề xuất phạm trù nhân quả độc lập với thời gian. Nó mâu thuẫn và phản ánh bản chất hệ tư tưởng và phi khoa học trong hành động của những nhà thực chứng, mặc dù gắn bó một cách bản năng với Kahn và coi ông là người bảo vệ triết học của phương pháp khoa học nhưng không hề chú ý tới quan điểm của ông về điều này:

Nguyên lý của mối quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng bị giới hạn trong các công thức của chúng ta về sự kế tiếp theo chuỗi của chúng, trong khi điều này cũng áp dụng với sự cộng sinh của chúng, khi nguyên nhân và hậu quả là đồng thời.Ví dụ, căn phòng ấm khi không khí ngoài trời lạnh. Tôi nhìn quanh để tìm nguyên nhân và thấy lò sưởi. Giờ thì cái lò, là nguyên nhân, là đồng thời với kết quả của nó, hơi ấm của căn phòng … Giờ chúng ta không nên không ghi nhận rằng đó là theo trật tự thời gian chứ không phải khoảng thời gian, với điều đó chúng ta phải tính toán; quan hệ vẫn tồn tại ngay cả khi không có thời gian trôi qua. Thời gian giữa nguyên nhân của nguyên nhân và hậu quả tức thời của nó có thể [a] phá hủy [số lượng], chúng có thể là đồng thời; nhưng quan hệ giữa một cái này với cái kia vẫn luôn tồn tại một cách xác định trong thời gian. Nếu tôi coi nguyên nhân là một quả bóng đang tạo thành một vết lõm trên cái đệm nhồi bông, một nguyên nhân là đồng thời với kết quả. Nhưng tôi vẫn phân biệt được cả hai thông qua quan hệ thời gian của mối liên hệ động lực của chúng. Nếu tôi đặt bóng lên đệm, một vết lõm theo đó sẽ xuất hiện trên mặt phẳng trước đây; nhưng nếu (vì bất cứ lý do gì) có một vết lõm đã tồn tại trên mặt đệm thì không có một quả bóng nặng nề tiếp theo ở phía trên nó. Trật tự theo thời gian cho chúng ta tiêu chuẩn kinh nghiệm duy nhất về tác động trong quan hệ nhân quả với nguyên nhân đã diễn ra trước đó. (Kant 1933:288, nhấn mạnh kết luận bổ sung) 

C’ được quy định bởi những gì diễn ra trước nó – M và C – bởi vì chúng tồn tại trước nó. Có thể nói một cách tự nhiên và giảm thiểu thay thế rằng C và do vậy C’ được điều chỉnh nếu, trong tuần hoàn trước, M và do đó khác với giá trị của C’ trước đây mà chúng được thanh toán khi làm đầu vào. Chúng là hai sự quy định chưa được liên kết. Ngày nay giá cả có thể vượt qua giá trị tới £10 và ngày mai có thể tụt xuống dưới giá trị tới £20. Cái gì nào?

Bản thân lưu thông (C-M-C) là một sự kế tiếp khi hành động bán một sản phẩm tách biệt khỏi hành động mua đầu vào cho bước sản xuất kế tiếp. Giá cả và giá trị là cùng một thứ trong các giai đoạn tồn tại khác nhau của tư bản11 và lần lượt quy định lẫn nhau, giống như tất cả những thứ khác liên quan như là nguyên nhân của mọi thứ khác. Trong một giai đoạn tồn tại của nó, lưu thông, mọi tư bản trong sự vượt qua hoàn toàn một giai đoạn với vai trò tiền và trong dạng này (M-C) quy định giá trị của tư bản, sau đó đưa đến sự gia tăng trong sản xuất (C-P … C’). Giá trị này tới lượt nó lại tác động qua lại với xã hội thông qua quy luật cung và cầu (C’-M’) để quy định giá mà chúng được bán.

Sự khác biệt giá trị-giá cả là về lượng, sự kế tiếp và được xác định rõ; giữa khối lượng C’ tại lúc này và khối lượng M’ tại thời điểm kế tiếp. Điều đó là không thừa: nó tạo ra một sự gia tăng lợi nhuận siêu ngạch, động lực cho sự vận động của tư bản và qua đó là toàn bộ nền kinh tế. Vai trò của sản xuất và lưu thông là khác biệt một cách bình đẳng; sản xuất quyết định giá trị mà sẽ được phân phối bởi lưu thông. Giá trị C’ có trước giá cả M’ về mặt trình tự và do đó là về mặt logic.

Cuối cùng phải ghi nhận một quyết định quan trọng mà chúng ta sẽ trở lại, do nó là một sự sửa chữa mang tính quyết định cấu trúc của Marx mà  chủ nghĩa Marx kiểu Walras phải chịu trách nhiệm. Hàng hóa theo Marx là vật chủ của giá trị không phải cố hữu với chúng. Giá trị là một quan hệ xã hội, không phải là thuộc tính của sự vật và không có mâu thuẫn khi hàng hóa C chuyển nhiều hơn hay ít hơn giá trị của bản thân chúng vào sản phẩm.

1.11 Khai sinh của sự cố định: Giả thiết về sự quy định đồng thời

Khái niệm về quy định của Bortkiewicz, ông ta công khai thừa nhận, được trực tiếp rút ra từ Walras, người mà ông ta rất thán phục và ông ta đã trao đổi thông tin tích cực từ khi mới 19 tuổi. Ông ta muốn khối lượng M, C, C’ và M’ phải được quy định đồng thời thay vì kế tiếp nhau để M’ có thể làm điều kiện không chỉ cho C xuất hiện sau, mà cả C xuất hiện trước. Ý tưởng này, được các nhà Marxist kiểu Walras tiếp nhận cho bản thân, là bằng chứng 100% của Cân Bằng Tổng Quát. Tận cùng của con đường chông gai là đống đổ nát. Hãy xem xét định đề căn bản của Walras/Tugan/Bortkiewicz:

Mọi hàng hóa được mua tại mức giá mà chúng được bán

Dạng trần trụi rất đáng tin cậy, thiếu liên hệ “rõ ràng” trong công trình của Marx. Hãy xem chúng đi tới đâu. Tham gia vào quá trình sản xuất, hãy cho là, ngày thứ hai. Máy móc ở vị trí, vật liệu đã được mua, công nhân đã được ký hợp đồng theo thỏa thuận. K, C và V do vậy đã được quy định. Giờ tiến lên phía trước, hãy cho là, ngày thứ sáu. Sản phẩm ra đời và đi ra thị trường. Giờ M’ được quy định. Chúng ta có thể áp dụng định đề.

Nhưng định đề nói rằng đầu vào của ngày thứ hai phải được mua ở mức giá của ngày thứ sáu. Thật xấu hổ là chúng ta không biết điều đó vào ngày thứ hai. Đó là vấn đề với các nhà kinh tế học, không bao giờ biết họ đang đến hay đi. Tại sao chúng ta trả thuế tôi không biết. Xin lỗi Joe, không thể giúp được, chỉ cần đưa những thứ quỷ tha ma bắt này quay trở lại một lần nữa.

Điều này thật nực cười. Đầu vào của ngày thứ hai được mua trong quá khứ, tuần trước. Tại sao chúng phải được bán với mức giá của tuần này? Định đề có nghĩa hoàn toàn khác với điều mà nó nói. Nó thực sự yêu cầu rằng giá bán của một hàng hóa tại một thời điểm phải quy định giá mua của hàng hóa đó tại một thời điểm trước đó, nói lại như sau:

Hàng hóa được mua với mức giá mà chúng sẽ được bán

Cách duy nhất để khiến cho điều này có ý nghĩa, mà không viện đến khả năng tiên đoán hay sự xuất thần, là gỡ nó khỏi vỏ bọc giả Marxist của nó và hiểu rằng vì cái gì mà nó mang tính toán học, cụ thể là một sự kiềm chế đối với giá đầu ra. Nếu thời gian chuyển động về phía trước, định đề là sự đảo ngược sự trình bày thông thường của nó. Thực tế, định đề của Bortkiewicz, cùng với Cân Bằng Tổng Quát, có giả định sau đây:

Hàng hóa được bán với giá mà chúng được mua

Đây là bí mật, dạng lý tưởng của định đề cơ bản về Cân Bằng, có tác động sâu sắc tới cấu trúc logic nội tại trong mọi biến thể của nó.

Vấn đề tiếp theo là thông qua sự cưỡng bức giá đầu ra và đầu vào bằng nhau không giải quyết được vấn đề giá cả thực sự là gì. Do vậy, trong tất cả các hệ thống Cân Bằng Tổng Quát giá cả thực tế được quyết định bởi một định đề tiếp theo. Trong hệ thống tân cổ điển “cổ điển”, đây là yêu cầu về doanh thu biên tương ứng với lợi ích biên mà nó chiếm đoạt. Nhưng công trình đại số được hoàn thành bởi định đề mọi tỷ suất lợi nhuận bằng nhau. Bất kể sự khác biệt bề ngoài giữa hai hệ thống ra sao, chừng nào mà toán học còn được quan tâm – và do đó chừng nào mà các nội dung nội tại thực còn được quan tâm – đây cũng là định đề của chủ nghĩa Marx kiểu Walras, thứ đã biến một kết quả của Quyển III thành một điều hiển nhiên, mà không có nó thì giá cá không xác định: 

Mọi tỷ suất lợi nhuận là bằng nhau

Vấn đề hiện là như sau: nếu giá cả đã được xác định bởi yêu cầu các tỷ suất lợi nhuận bằng nhau, làm sao chúng có thể bằng nhau? Với Marx, như trong thế giới thực, tỷ suất lợi nhuận được san bằng thông qua sự vận động của giá cả.12 Nhưng trong bệnh viện của Walras dành cho các nhà Marxist bệnh tật thì giá cả đã được gây mê. Trên hết, đâu là sự đặc biệt trong chu kỳ một tuần? Giá cả đầu ra của bất kỳ thời gian tương lai tùy ý nào cũng phải giống nhau. Giá cả không bao giờ thay đổi. “Phương pháp cứu chữa” là thuốc kinh tế mới:

Mọi giá cả đều cố định

Nuốt nó đi và nó sẽ đưa anh đến một nơi khác xa trái đất: một miền đất thần kỳ không có thời gian mà ở đó cuộc sống lặp đi lặp lại không ngừng và không thay đổi; thế giới của con chuột sóc và con thỏ trắng: thế giới của Cân Bằng Tổng Quát. Đây không phải là bệnh viện mà là nhà thương điên: Chủ nghĩa Marx đã bị cầm tù; nó bay qua tổ chim cúc cu.

Anh có thể cho là một chuyến viếng thăm ngắn ngủi nhưng anh bị cầm tù ở đó mãi mãi. Sự đơn giản hóa không thể vứt bỏ dễ dàng trong những ngày tiếp theo. Nó không phải là một phần giả định về với tỷ suất lợi nhuận bình quân bằng nhau. Không có điều đó thì n phương trình gắn với 2n giá cả và n tỷ suất lợi nhuận chưa biết. Trong đó, n được bỏ đi bằng cách cố định giá đầu ra bằng với giá đầu vào. Còn n-1 tiếp theo được loại bỏ bằng giả định tỷ suất lợi nhuận bằng nhau, sau đó hệ thống được quyết định trong phạm vi một tỷ lệ, “đơn vị tính toán” nổi tiếng. Không giá cả cố định, không lời giải. Đó là vũ hội hóa trang hiển nhiên khi đơn giản hóa.

Sự chữa trị sinh ra bệnh tật. Nó loại bỏ toàn bộ các bất định bằng cách giả định loại bỏ toàn bộ các sự quy định bên ngoài của giá cả. Làm sao, trong phạm vi một hệ thống, chúng ta có thể quan niệm giá cả, thậm chí trong một giai đoạn chệch ra khỏi độ lớn được Bortkiewicz chỉ định? Tất cả các phương trình trong đó giá cả được hình thành sẽ bị vi phạm và toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ. Thế giới thực phải được phẫu thuật. Các nhà Marxist không còn hiểu Marx bởi vì các phương trình của họ đã bị cắt bỏ cơ quan điều khiển trí tưởng tượng.

Nhu cầu, Cung và Quy Luật Say của chủ nghĩa Marx

Đây mới chỉ là bắt đầu. Cái gì khiến các điều kiện cung cầu có thể phản ứng với hệ thống đã nêu? Giả định mọi hàng hóa tạm thời có cung lớn hơn cầu. Mọi nhà kinh tế đồng ý rằng điều này tạo ra sự tăng lên hay giảm xuống của một hay nhiều giá khác, kích thích tư bản di chuyển sang để điều chỉnh cho cung bằng cầu. Nhưng trong nhà thương điên kiểu Walras, giá cả bị mặc áo trói tay. Chúng không thể vận động. Cách thức duy nhất để một nhóm giá cả có thể tồn tại là nếu cung tự động và mọi lúc điều chỉnh một cách hoàn hảo bằng với cầu. Chủ nghĩa Marx kiểu Walras là một hệ thống thị trường bù trừ. Trong phiên bản của Sraffa, điều này được làm rõ thành một định đề, song luôn không rõ ràng trong các phương trình.

Định đề giá cả cố định do đó có thể thay thế cho nhau với, và tương đương về mặt logic với một định đề khác, nguyên lý nền tảng được thừa nhận của Cân Bằng Tổng Quát13, cụ thể là

Cung của mọi đầu ra đúng bằng với cầu được tạo ra bởi sản xuất mọi đầu vào

Định đề đã nêu được biết rộng rãi trong kinh tế học là quy luật của Say, đối lập với những gì Keynes đã xây dựng lên hệ thống của ông ta. Nó tương đương với một điều kiện ban đầu rằng phân bố hợp lý các nguồn lực bởi thị trường đã thực sự đạt được, như là một điều kiện tiên quyết và thực sự là xuất phát điểm của việc xác định giá cả, giá trị và tỷ suất lợi nhuận (đơn nhất). Đây không phải là logic mà là lý tưởng, lý tưởng toán học thuần túy.14  

1.12 Từ sự cố định tới chứng loạn thần kinh: Khái niệm kiểu Walras về giá cả

Các phương trình thể hiện mối quan hệ giữa các biến số mà bản thân chúng đại diện cho các khái niệm. Sự thể hiện mạnh mẽ của tinh thần nhân loại, chúng không thể đồng thời tồn tại trong tư duy với những khái niệm không phù hợp với quan hệ chúng biểu hiện. Kết quả là các khái niệm đang được chủ nghĩa Marx kiểu Walras sử dụng hoàn toàn xa lạ với Marx.

Do một khái niệm lành mạnh về giá trị là có trước về mặt logic so với khái niệm lành mạnh về giá cả, chúng ta đối đầu với một hệ thống bệnh dịch. Một phê phán đối với hệ thống này phải bắt đầu từ khái niệm giá cả ban đầu có tính lý tưởng. Sự phân tích giá trị kiểu Walras phát sinh từ phân tích tâm lý học về hệ thống giá cả kiểu Walras, đó là chứng loạn thần kinh.

Xuất phát điểm của chúng ta là đặc trưng nổi tiếng của các hệ thống Căn Bằng Tổng Quát, sự xoay chuyển của Keynes phản ứng lại chúng: trong chúng tiền không tồn tại. Đây là biểu hiện của ý kiến cho rằng “tiền là một tấm màn che”. Mặc dù nhiều công trình giải thích tiền như là sự tiện dụng, một phát minh làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, nói ngắn gọn là một thứ được giải thích là ngoại lai do nó không có ở trong các phương trình. Vương quốc của lý thuyết tân cổ điển bắt đầu bằng việc sát hại tiền; cái giá phải trả của hành động Oedipe này là phải tự làm mù mắt.

Giá cả kiểu Walras được rút ra từ một hành động kinh tế kỳ quặc: trao đổi. Giải pháp cho một hệ thống đồng thời là một nhóm tỷ lệ giá cả, các tỷ lệ mà tại đó hàng hóa có thể trao đổi với nhau. Do đó, các tỷ lệ giá cả được quy định bởi điều kiện hàng hóa trao đổi với nhau để sản xuất hay tái sản xuất ra một tập hợp hàng hóa nhất định.

Trong đời sống thực, hàng hóa trao đổi với tiền, một hàng hóa đặc biệt, và nói chung không thể trao đổi cho nhau mà không chấm dứt chủ nghĩa tư bản. Trong thực tế, tôi không thể giải thích trao đổi lao động của tôi hay hàng hóa của tôi lấy các điều kiện trực tiếp của tôi – tôi sẽ làm việc cho anh nếu tôi được ăn, tôi sẽ làm nhà cho anh nếu tôi nhận được một chiếc xe hơi và cứ như vậy – trừ khi tôi tái tổ chức toàn bộ xã hội cho mục đích này, trong trường hợp mà chúng ta có một xã hội khác.

Do đó, tiền thật không chỉ là đơn vị đo lường mà là phương tiện liên kết con người với nhau, trong thực tế là phương tiện duy nhất dưới chủ nghĩa tư bản. Điều đó không mấy dễ chịu nhưng sự cần thiết. Trên hết, cái gì là dễ chịu khi đến một ngân hàng? Theo đó, như Marx nói nhiều lần, mua và bán cần phải là những hành vi tách rời. Do vậy, không có sự đảm bảo nào cho việc tổng cầu của xã hội bằng với tổng cung của nó, và nói chung là nó sẽ không cân bằng. Tại bất cứ thời điểm nào xã hội có thể trao đổi với giá cả mà tại đó nhiều hàng hóa không được bán và thông thường là như vậy.

Theo đó phương pháp đồng thời cho phép tiền vào hệ thống của anh hay cô ta không với vai trò gì khác ngoài là đơn vị tính toán, anh/cô ta đối mặt với một vấn đề không thể vượt qua. Nếu một đại diện được cho phép tích lũy tiền trong trao đổi thì mọi nhóm tỷ lệ giá cả sẽ không ăn khớp với mọi sự phân bổ sản phẩm được yêu cầu. Nếu tôi có kẹo và anh có bích quy và chúng ta muốn trao đổi, với sự trao đổi thì chúng ta chỉ có thể trao đổi ở tỷ lệ 1 kẹo lấy 1 bích quy. Nhưng nếu tiền tham gia vào trao đổi, anh có thể bán bích quy cho tôi lấy £2, mua kẹo với £1, và cuối cùng có thêm £1 nhiều hơn. Đó là tất cả những gì diễn ra. Sự quy định của một hệ thống đồng thời bị phá vỡ bởi tính toán đơn giản này. Do đó, nếu chúng ta đòi hỏi giá cả phải được quy định bởi nhóm trao đổi cần thiết mà chúng tác động, chúng ta không thể cho phép tiền, như là vật dự trữ giá trị, đóng bất cứ vai trò hoạt động nào. Sự vắng mặt của tiền, giống như sự cân bằng của cung và cầu, là giả định giấu mặt của phương pháp này. Tiền là nạn nhân đầu tiên của thị trường bù trừ; giá cả bằng tiền là nạn nhân thứ hai.

Điều này thể hiện rõ ràng trong luận chiến của Marx với Jean-Baptiste Say, chống lại họ là Keynes, người đóng vai Tiresias trong bi kịch sai lầm này, cũng xây dựng hệ thống của ông ta. Say áp đặt thị trường bù trừ trong một lập luận đặc biệt đần độn, không chỉ gắn liền tên ông ta với một quy luật vô hiệu lực mà còn gây ra sự phản ứng dữ dội của Marx.15 Các nhà kinh tế học thường không mấy khó khăn phủ nhận lập luận của Say nhưng logic của nó hiện diện trong mọi hệ thống mang tính đồng thời. Trong trao đổi, nó vận hành, một phía luôn là người bán và phía kia là người mua; do đó mọi việc bán cần phải được mua và tổng số bán phải bằng tổng số mua. Do vậy cầu phải luôn bằng cung.

Lập luận này phá hủy hầu hết các hiện tượng quan trọng của kinh tế thị trường, thực sự phân biệt nó với một xã hội được tổ chức có ý thức: Con người bán hàng hóa lấy tiền và bám riết lấy tiền. Keynes, người thấu hiểu và quan sát được điều đó, đưa ra một cấu trúc tâm lý quan trọng – một ưa thích – để giải thích nó. Đối với Marx, đây là vấn đề logic. Trong trao đổi bằng tiền thì điều đặc biệt là có ba bên, chứ không phải hai. Nếu tôi có kẹo và cần bích quy, tôi bán cho người thích kẹo, khác với người bán bích quy. Sau đó tôi mua bánh bích quy. Chừng nào mà bánh quy còn được quan tâm, nó được mua khi nó được bán. Đối với tôi, đầu tiên tôi bán và sau đó mua.16

Đây là tất cả những gì về bái vật giáo hàng hóa. Logic hoàn hảo của Say, thay vì hỏi xem điều gì diễn ra với tư bản, tập trung trong hàng hóa tạo thành nó. Giá cả của chúng được tạo ra bởi các điều kiện được xác định trước rằng tổng hàng hóa trong xã hội phải được trao đổi theo một tỷ lệ cho trước. Do vậy, giá cả phát sinh từ các quan hệ trao đổi, từ các quan hệ cá nhân giữa những con người tham gia vào đó. Hàng hóa không còn là vật được mua bởi con người mà là vật được mua bởi vật khác. Quy luật của Say là chứng loạn thần kinh của quan hệ giữa con người với con người thể hiện bản thân như là quan hệ giữa các vật. Kinh tế chính trị học nghiên cứu con người; lý thuyết tân cổ điển nghiên cứu bánh bích quy.

Hệ thống các phương trình cân bằng là dạng bệnh lý của chứng loạn thần kinh: Chúng thậm chí không thể xác định bánh bích quy. Điều gì thực sự diễn ra khi một người bán không mua? Rõ ràng, nửa kia của nó là một việc bán không được đáp lại. Những chiếc bánh quy bị từ chối nằm lại chờ người mua. Từ một phía, chúng được biến thành vốn và tạm ngừng đóng vai trò giá trị sử dụng. Chúng trở thành sự giàu có không được mong muốn của xã hội, lao động ngủ yên chờ nụ hôn vàng của Tiền. Đây là hiện tượng bề ngoài của một khủng hoảng, một sự dư thừa nói chung, trong đó mọi thứ nằm yên như đang ngủ mơ trong khi Vua Tiền kết hôn với Nữ Hoàng Tư Bản.

Các nhà tư bản phải hạ sát Vua Tiền để cưới Nữ Hoàng Tư Bản. Hệ thống của họ là một sự lý tưởng hóa trong đó cung luôn bằng cầu và thị trường luôn vận động. Khủng hoảng không thể tồn tại bởi vì nó không thể xuất hiện trong các phương trình. Nếu thậm chí điều đó chỉ là dự tính, nó phải là một sự phá vỡ các phương trình, một bí ẩn bên ngoài, một “cú sốc ngoại sinh”. Nhưng cái giá của sự lý tưởng hóa này là hệ thống trong đó bản thân tiền không tồn tại. Vốn được sùng bái, tỷ suất lợi nhuận bị đóng đinh, giá cả bị gây mê; khủng hoảng là không thể tưởng tượng và tích lũy là không thể hiểu được. Bortkiewicz của năm 1906 đã đưa kinh tế học Marxist vào mùa đông khắc nghiệt này.

1.13 Từ chứng loạn thần kinh đến sự lầm lạc: Khái niệm kiểu Bortkiewicz về giá trị

Chủ nghĩa tân Ricardo, một biến thể về mặt tâm lý học của chủ nghĩa Marx kiểu Walras, đã theo đuổi logic phi lý của hệ thống này tới tận cùng cay đắng của nó và giết chết giá trị. Nó đã rút ra kết luận tối cao chính xác từ hệ thống này: trong đó, giá trị không có vai trò gì hết. Mặc dù vậy, đời sống lịch sử của khái niệm giá trị cho đến khi nó chết yểu có một lợi ích trị liệu vĩ đại. Điều mà chúng ta muốn cố gắng và nói không phải là trực tiếp chống lại những nỗ lực của nhiều người cao quý và trung thực đang cố gắng đấu tranh chống lại sự rút tỉa lặt vặt các kết luận xã hội và chính trị của Marx từ hệ thống ảo tưởng này. Trái lại là một chiến dịch giải cứu. Điều mà chúng ta muốn giải thích là tại sao logic nội tại của hệ thống cần thiết phải tạo ra một sự xuyên tạc giá trị; khi điều này được thấu hiểu, bản chất thật sự của giá trị sẽ nằm trong tầm tay.

Bất cứ ai đánh vật với một hệ thống các phương trình mang tính đồng thời với mục tiêu bóc tách từ chúng một khái niệm về giá trị sẽ thấy bản thân, bất kể là họ muốn hay không, đi qua một chuỗi các lý do nằm trong những mối liên hệ dưới đây:

0)     Tất cả hàng hóa có một giá đơn nhất. Để đơn giản hóa thì giả định chúng cố định.

1)     Chúng ta cần phải cho thấy giá trị quy định độ lớn cố định đơn nhất này.

2)     Marx cho thấy cách quy định giá cả của bất cứ hàng hóa nào nếu đầu vào của chúng được mua bằng giá trị

3)     Mặc dù vậy đầu vào không thực sự được mua bằng giá trị.

4)     Nếu đầu vào không được mua bằng giá trị, dĩ nhiên chúng ta vẫn có thể tính toán giá cả đầu ra từ giá cả đầu vào

5)     Nhưng sau đó chúng ta không tính giá cả từ một giá cả khác và không từ giá trị. Do vậy, theo phương pháp của Marx thì giá cả là không xác định.

6)     Giá trị cần thiết để giải thích xã hội giai cấp. Do đó, ngay cả khi nó không quyết định giá cả, hãy quy định chúng độc lập từ dữ liệu tương tự.

7)     Cuối cùng, chúng ta đã có thể hiểu vấn đề thực sự mà Marx đang vật lộn: đâu là quan hệ giữa giá trị mà chúng ta vừa tính toán và giá cả mà chúng ta vừa tính toán?

Bước đầu tiên trong cái chết của tiền là sự tách biệt của nó thành hai hệ thống quyết định hoàn toàn khác biệt, hệ thống giá cả và hệ thống giá trị, được rút ra từ hai nền kinh tế khác nhau. Hãy từng bước xem những giả định này tạo ra khung cảnh lý thuyết mà chúng ta nghiên cứu ngày nay.

Sai lầm đầu tiên nằm ở bước 0: vấn đề không phải là làm sao quy định một giá cả cố định (hay một giá trị cố định). Nếu giá cả và giá trị được cho trước tại một thời điểm, vấn đề là quy định giá cả và giá trị tại thời điểm tiếp theo. Câu hỏi được đặt ra hoàn toàn không có câu trả lời. Nó giống như hỏi “Tại sao mặt trăng ở đó”. “Sự đơn giản hóa” giá cả cố định khiến cho mọi thứ trở nên cực kỳ phức tạp, bởi vì nó đòi hỏi giá cả của mỗi hàng hóa tại mọi thời điểm thay vì chỉ một thời điểm. Nó thay thế một câu hỏi cụ thể có thể kiểm soát bằng một câu hỏi phổ quát hoàn toàn cứng đầu cứng cổ, giống như tính quỹ đạo mặt trăng bằng cách giả định khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng là cố định. Đây là hệ thống Ptolemic [địa tâm] về giá cả. Công việc của nó là duy trì hệ tư tưởng.

Giá cả giờ trở thành quan hệ giữa các vật: bởi vì mỗi hàng hóa “chiếm hữu” một giá đơn nhất, nó tạm ngừng trở thành quan hệ giữa hàng hóa và người mua nó. Nó trở thành một thuộc tính đặc biệt, bất bình đẳng, giống như trọng lượng, được quy định chỉ bởi vai trò của hàng hóa trong việc tái sản xuất ra toàn bộ hàng hóa khác. Bàn tay vô hình của Adam Smith trở thành bàn tay chết của Jean-Baptiste Say.

Giả thuyết giá cả cố định xâm chiếm khái niệm giá trị, phải được định nghĩa lại như là một giá cả đặc biệt để có thể tái sản xuất ra một xã hội tưởng tượng mà trong đó lợi nhuận thậm chí không cố gắng san bằng – cực đối lập của hệ thống giá cả trong đó chúng được san bằng một cách hoàn hảo. Hàng hóa đạt được “các thuộc tính” của giá cả cố định và giá trị của chúng, thứ đi theo chúng bất cứ đâu như con cừu của Mary.17 Marx đã không ngừng nhắc nhở rằng giá trị là một quan hệ xã hội mà hàng hóa tham gia tại một thời điểm xác định đã bị lãng quên. Chúng ta đã tạo ra một sự chuyển tiếp bái vật giáo dẫn tới cái chết của tiền; trong đoạn về vật từ người tới người, chúng ta theo đuổi vật chứ không phải con người.18

Sự quy định tiếp theo được quy thành quan hệ giữa các thuộc tính ở bên trong của vật: một hiện tượng mới hoàn toàn nổi lên bề mặt; cụ thể là làm sao để “quy định” các “thuộc tính” của vật khác nhau. Chúng ta phải quy định giá cả của hàng hóa  từ giá trị của hàng hóa, độc lập với những gì diễn ra với chúng. Điều này giống như cố tìm xem ai là bà nội từ sự thật rằng cả hai cùng là bà dì. Giá trị không còn được gán cho hàng hóa bởi quá trình tái sản xuất mà nằm ở bên trong nó; do đó xuất phát điểm của mọi sự quy định phải là thuộc tính bên trong của hàng hóa, không phải là quan hệ xã hội mà từ đó chúng nhận được các thuộc tính này.

Nhưng trên thực tế giá cả và giá trị của đầu ra được quy định bởi giá trị của tư bản đã sản xuất ra chúng: mối liên hệ với tuần hoàn của tư bản với chức năng đặc biệt của hàng hóa là đóng vai trò đo lường tức thời, do vậy đã bị phá vỡ. Không thể tưởng tượng nổi cách quyết định giá cả hay giá trị từ dạng tiền của tư bản bởi vì hàng hóa được sản xuất bởi vật chứ không phải tư bản. Không giống như con cừu của Mary, hàng hóa bổ sung cho các thuộc tính của chủ nhân. Chúng ta có được những kết luận nực cười: ví dụ, thay đổi kỹ thuật là tức thời và miễn phí. Tiền được chi cho công nghệ cũ – phản ánh, chúng ta có thể nhắc lại, các nỗ lực xã hội thật đã sản xuất ra công nghệ này vào lúc đó – là một điều phi lý cũng như tư bản phá sản được tái sinh ra mỗi ngày trong Đại Cân Bằng trên Bầu Trời.

1.14 Sự phân tách của giá cả và giá trị

Hệ thống đang tan rã. Tư bản tách thành hai cá thể riêng biệt là Giá trị và Giá cả. Theo đó hai trường phái tư tưởng xuất hiện.

Biến thể a của Bước 7: Hệ Thống Giá Cả có trước.

Thật sự là khó khăn khi giá cả, dường như, được quy định bởi bản thân chúng. Lý do dường như lặp lại. Mặc dù vậy, nó chỉ biến thành (nhờ có Peron-Frobenius) một nhóm tỷ lệ giá cả sẽ thể hiện trong tái sản xuất, có nghĩa là sẽ cho phép nhà sản xuất có thể mua đầu vào của họ với “doanh thu” của đầu ra và nhận được lợi nhuận bằng nhau. Do đó, khi chúng ta biết rằng trên thực tế xã hội tái sản xuất, các giá cả này được quy định, ít nhất là tỷ lệ của chúng, thế là đủ đối với chúng ta.

Điều này tạo ra một vấn đề: giờ thì dường như “hai đẳng thức” của Marx không còn được thỏa mãn bởi hai nhóm điều kiện hạn chế (cấu tạo hữu cơ bằng nhau, nhiều các “giả định số lượng cố định” đặc biệt, và tương tự). Do đó, Marx đã sai khi khẳng định hai đẳng thức này: “Vấn Đề Chuyển Hóa” ra đời.

Điều này dẫn đến hai khả năng phát triển tiếp theo.

Biến thể 7a.I: Nhà kinh tế học bỉ ổi

Giá cả có nghĩa là một số nhân xác định của giá trị, vốn cố định theo thời gian. Giá trị là “cơ sở” của giá cả, do giá cả là số nhân đơn giản của giá trị. Mặc dù vậy, trên thực tế đây là con dao hai lưỡi. Nếu giá cả chỉ là số nhân của giá trị thì giá trị cũng là số nhân của giá cả. Thế thì tại sao không nói giá cả quyết định giá trị? Nhưng trong trường hợp này, giá trị là thừa và có thể loại bỏ. Theo lời của Wilde, nhà kinh tế học là người biết giá cả của mọi thứ và chẳng biết giá trị của thứ gì cả.

Biến thể 7a.II: Hàng hóa là quái vật Dalek (trong phim Dr. Who)

Do giá trị là số nhân của giá trị sử dụng, trên thực tế mọi thứ được quy định bởi giá trị sử dụng. Từ đây có thể dễ dàng nói rằng “mọi thứ thực tế được quy định bởi giá trị sử dụng và tỷ lệ của chúng, do đó giá trị là hoàn toàn thừa”. Những nhà triết học đó đã lảng tránh rằng giá cả cũng là thừa tương tự. Định mệnh của hệ thống này là một thế giới tự sản xuất ra giá trị sử dụng, robot sản xuất ra robot. Tại sao phải trả tiền cho chúng? 

Khái niệm “giá ma” không phải là một mô tả mà là một tấm bia mộ: Tiền Nằm Đây.

Biến thể b của bước 7: Hệ Thống Giá Trị là có trước

Chúng ta biết rằng giá trị là có trước nhờ vào các lập luận định tính của Marx về bản chất của trao đổi, bởi vì các bằng chứng kinh nghiệm dồi dào, bởi vì nhiều lập luận triết học cũng như xã hội-chính trị khác về vai trò của lao động. Do đó, chúng ta hãy giả định rằng giá trị có trước. Chúng ta hãy giả định điều đó, bất chấp các bằng chứng rõ ràng của văn bản. Marx đã khẳng định vô điều kiện rằng giá trị của mọi hàng hóa được quyết định không thông qua sự trung gian của tiền.

Điều này dẫn đến khu vườn mê cung. Chúng ta có thể phân biệt được những biến thể sau đây.

Biến thể 7b.I: Triết học-thần bí

Quá trình giá trị quy định giá cả diễn ra sau lưng chúng ta. Đó là một phần của công việc bên trong của hệ thống tư bản, chúng rất bí ẩn, chỉ có thể hiểu được bằng cách trích dẫn Tư Bản sáu lần trước bữa sáng và tham gia vào nhóm của tôi. Không có vấn đề chuyển hóa như đã nói và không có vấn đề gì khi các con số không ăn khớp với nhau, nhưng anh sẽ không hiểu bởi vì anh là một tên tư sản theo chủ nghĩa xét lại.

Biến thể 7b.II: Biện chứng giả mạo

Sự quy định giá cả diễn ra như các học giả phái Sraffa đã mô tả và sự quy định giá trị diễn ra như Marx đã mô tả. Điều này chỉ có thể hiểu được bằng cách trích dẫn Tư Bản mười hai lần trước bữa sáng và tham gia vào nhóm nghiên cứu của tôi. Đúng là các con số không ăn khớp, nhưng đó là bởi vì tư bản đã chứa đựng mâu thuẫn, anh phải học cách sống chung với nó. Anh không thể hiểu được điều đó bởi vì anh chưa đọc Hegel.

Biến thể 7b.III: Duy vật giả mạo

Như Marx đã giải thích, các lực lượng sản xuất quyết định mọi thứ.19 Điều này được Plekhanov giải thích là cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Những gì Marx nói về thời gian lao động quy định giá trị có nghĩa là giá trị do công nghệ quy định20 như anh sẽ thấy nếu anh đọc Sraffa và mua tạp chí của tôi. Các con số ăn khớp với nhau. 21 Anh không hiểu điều này bởi vì anh không phải là công nhân.22

Điều đáng khen ngợi của tất cả các vị trí này là khi đối mặt với sự phức tạp của định lượng thì họ bảo vệ định đề khoa học về thời gian lao động là đại lượng của giá trị. Nhưng cũng giống như những người hậu Ricardo, họ đã rút lui vào việc cắt nhỏ logic như là công cụng để tránh mối quan hệ về mặt lượng giữa giá cả và giá trị.

1.15 Chủ nghĩa Marx, tiền và chứng mất trí của kinh tế học hiện đại

Tiền giống như con ma của Banquo quay trở lại ám ảnh những kẻ tội lỗi trong công việc bình thường của họ. Chủ nghĩa Keynes, biến thể thực hành đầu tiên của kinh tế học tân cổ điển, nỗ lực hồi sinh Vua Tiền đã chết thành Hoàng Tử Ưa Thích Thanh Khoản. Kinh tế học tân cổ điển chuyển hóa nó thành sự xuyên tạc về hai trật tự tiền tệ tách biệt, giả định sự tách biệt của thị trường hàng hóa và thị trường tiền tệ. Tổ Hợp Tân Cổ Điển dựa trên ý tưởng về một thị trường “thực” cho hàng hóa và một thị trường “danh nghĩa” cho tiền. Phía sau điều này là một sự chuyển hướng hệ thống để cách ly tiền khỏi thế giới thực. Các đại diện tìm kiếm cân bằng trong một thị trường lý tưởng, không chịu ảnh hưởng của tiền tệ - thị trường hàng hóa – và tiền tham gia với vai trò là yếu tố bên ngoài, một căn bệnh cần được chăm sóc bằng sự can thiệp của chính quyền. Sự phân tách là bảo thủ và thần bí. Như những người hậu Keynes khẳng định một cách chính xác, không ai đàm phán về lương “thực tế”. Công việc của kinh tế chính trị là tích hợp tiền vào mọi cấp độ của hoạt động kinh tế, vì lý do đơn giản rằng tiền là sự hòa giải của mọi quan hệ xã hội thực tế trong nền kinh tế thị trường.

Đây là đóng góp đặc biệt của chủ nghĩa Marx. Sự “vô nghĩa” của giá trị là một thể hiện lý tưởng của việc coi tiền là thừa. Trong bất cứ hệ thống nào mà tiền đóng một vai trò thực tế đối lập với vai trò tưởng tượng, câu hỏi được đặt ra là “tiền mua gì”? câu trả lời duy nhất là “giá trị”, có nghĩa là giá cả được tạo thành từ thứ gì đó khác. Mọi hệ thống kinh tế đều phải đưa ra câu trả lời này, ngay cả khi nó không tôn trọng lý thuyết giá trị lao động. Điều đầu tiên mà một sinh viên đại học học được trong mọi cuộc đọ sức thực hành với thống kê kinh tế là điều khiển các chỉ số giá cả để đo lường “thực tế” nhằm so sánh với giá cả “danh nghĩa”. Định lý căn bản nhất về tiền tệ - Học thuyết Số Lượng Tiền Tệ - tham gia vào một biến số P, “mức độ giá chung”. Nhưng để có một mức độ giá cả, có nghĩa là giá cả là số nhân của một cái gì đó khác, người ta phải có một khái niệm về cái được nhân lên đó. “Cái gì đó khác” chính là giá trị, bất kể là có bao nhiêu chuyên luận lý thuyết chống lại giá trị. Trong chủ nghĩa Marx kiểu Walras, giá trị là bóng ma của tiền.

Do đó, bước chưa hoàn thành của kinh tế học phi Walras là sự phơi bày mang tính hệ thống của quy luật chi phối sự vận động của giá trị “thực” đã nêu phía trên; khởi đầu như Marx đã làm từ một định nghĩa hiển nhiên đúng về giá trị được rút ra từ quan hệ trao đổi cá nhân, để rút ra khuôn khổ phân tích trong đó không chỉ quá trình tổng quát của sản xuất, lưu thông và tích lũy có thể thể hiện dưới khái niệm giá trị, mà trong đó không áp đặt các tiên đề liên quan đến cung cầu hay sự vận động của giá cả.

Điều này dẫn tôi đến một kết luận, nhưng cũng là một điểm thực tiễn của nghiên cứu này: sự phát triển thực sự của kinh tế học có thể đi theo hướng nào? Có hai bước quan trọng. Bước thứ nhất là tích hợp và phát triển một cách đúng đắn khái niệm về tiền. Tôi sẽ chắc chắn không phải là người đầu tiên thử làm điều này; mặc dù vậy, quan điểm riêng của tôi được phát triển trong chương cuối của cuốn sách này là tiền chỉ có thể được tích hợp một cách đúng đắn trong một khuôn khổ có tính kế tiếp nhau. Mọi giả định “đơn giản hóa” – trên thực tế là phủ nhận – mà kinh tế học kiểu Walras đã cấy ghép vào thân Marxist phải để mặc cho chúng tàn lụi theo cách chúng đã lựa chọn. Kinh tế học phải được đặt trong thời gian thực và thế giới thực. Giả định về tỷ suất lợi nhuận và tỷ suất giá trị thặng dư đồng nhất, sản xuất không cần máy móc, tư bản không cần có tiền và sự quy định không cần thời gian: tất cả chúng là hành lý mang lậu của vị khách không mời từ một nơi phi tự nhiên. Họ không thuộc về khoa học chính trị, đã đến lúc đóng gói hành lý và ra đi.

Chú thích:

1 Ví dụ xem vấn đề chuyển đổi của Wolff, Robert và Callari 1984a, Carchedi 1984, Roberts 1987, Kliman và McGlone 1988, Freeman 1991, Ramos 1991, Ramos và Rodriguez 1993, Giussani 1991 và về khuynh hướng tỷ suất lợi nhuận suy giảm của Kliman 1988, Freeman 1993b.

2 Tổng giá trị do toàn bộ công nhân trong xã hội thêm vào được đo bằng số giờ lao động; giá trị được công nhân thêm vào trong một quá trình lao động cụ thể cũng được đo lường bằng thời gian lao động của họ, nhưng có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn thời gian này (có nghĩa là một phần lớn hơn hoặc nhỏ hơn của tổng thời gian lao động) nếu công nhân có lành nghề nhiều hoặc ít hơn, hay làm việc với cường độ cao hơn hoặc thấp hơn, so với mức độ trung bình.

3 Chủ đề này được trình bày kỹ hơn trong chương cuối của cuốn sách này.

4 Điều này có hệ quả khác mà Marx đã đề cập, nhưng chúng ta không thể làm rõ ở đây mà chỉ có thể thừa nhận là một phần của sự tích lũy. Giả định là thông qua sự sáng tạo, nhà tư bản có thể tái khởi động sản xuất với cùng quy mô nhưng chi phí thấp hơn: Ví dụ với chi phí £50 cho nguyên liệu. Tư bản lưu thông (doanh thu của sản phẩm C’) là £300, chỉ cần £100 để tái sản xuất trên cùng quy mô. Thêm vào đó là giá trị thặng dư S=£100, do vậy £100 dư ra để mở rộng sản xuất. Do vậy, sự thay đổi trong năng suất lao động ảnh hưởng trực tiếp đến sự tích lũy cũng như gián tiếp thông qua tỷ suất giá trị thặng dư. Xem Marx (1994:219).

5 Điều này được thể hiện rất tao nhã trong chương sách thảo luận về định lý N. Okishio của Kliman, định lý này khẳng định rằng tỷ suất lợi nhuận phải tăng liên tục do nhà tư bản cá biệt luôn đầu tư vào công nghệ tiết kiệm chi phí. Lợi nhuận chỉ có thể giảm do sự tăng lên của lương.

6 Trong cuốn Các Học Thuyết Về Giá trị Thặng Dư, Marx sử dụng khái niệm “giá thành” thay cho “giá cả sản xuất”.

7  Mặc dù một số tác giả đã trình bày một cách độc lập và dẫn chiếu đoạn này nhưng theo hiểu biết của tôi thì lần đầu tiên nó thu hút được sự chú ý của công chúng là nhờ Wolff, Roberts và Callari (1984a).

8 Ghi nhận một lần nữa rằng sự trao đổi ở điểm giá cả khác với giá trị trong Quyển I, khi Marx bị cáo buộc là không thừa nhận sự chuyển đổi của giá trị vào giá cả. Cũng cần phải ghi nhận rằng tiền là đo lường của giá trị và cuối cùng, tỷ lệ trao đổi không liên quan gì đến sản xuất mà là hiện tượng trao đổi thuần túy.

9 Bortkiewicz (1952:23-24), tôi biết ơn sự chỉ dẫn của Michele Naples về đoạn này.

10 Chỉ có kinh tế học tân cổ điển thuyết phục thành công về tính ưu việt của nó để chống lại những quy luật thông thường về thời gian.

11 “Giá cả, trên hết là giá trị của hàng hóa được phân biệt với giá trị sử dụng (đây cũng chính là trường hợp với giá cả thị trường, được phân biệt với giá trị không chỉ về mặt chất mà cả mặt lượng, dựa trên đại lượng giá trị)” (Marx 1981:476); “Giá cả, theo khái niệm chung của nó, chỉ đơn giản là giá trị dưới dạng tiền” (Marx 1981:295).

12 Marx nhận ra điều này rất sớm: “Không phải là việc bán một sản phẩm cụ thể ở mức giá thành tạo thành “quan hệ tỷ lệ” của cung đối với cầu, hay tỷ lệ của sản phẩm so với toàn bộ sản xuất; những sự biến động của cung và cầu cho nhà sản xuất thấy số lượng hàng hóa cụ thể mà anh ta phải sản xuất để nhận được trong trao đổi ít nhất là giá thành. Khi những sự biến động này liên tục diễn ra thì có một sự vận động liên tục của việc rút vốn và đầu tư vào những nhánh khác nhau của ngành … Nếu ông M. Proudhon thừa nhận rằng giá trị của sản phẩm được thời gian lao động quy định thì ông ấy phải thừa nhận luôn rằng chỉ riêng sự vận động thất thường đã khiến lao động trở thành thước đo của giá trị. Không có “quan hệ tỷ lệ” nào được hình thành sẵn mà chỉ có sự vận động liên tục” (Marx 1976:56). Engels đã viết trong phần lời dẫn của cùng tác phẩm rằng “sự dao động liên tục của giá cả hàng hóa so với giá trị là điều kiện cần thiết mà chỉ theo và thông qua đó giá trị hàng hóa có thể tồn tại”. Điều tương tự áp dụng mutatis mutandis với giá cả sản xuất. Marx và Engels, những người bị coi là không hiểu được vai trò của cung và cầu, thừa nhận rằng cung và cầu chỉ có thể hoạt động như là sức mạnh trong thế giới hiện thực thông qua những dao động của giá cả thị trường và giá cả sản xuất. Kinh tế học tân cổ điển và chủ nghĩa Marx kiểu Walras đòi hỏi rằng những sự dao động này phải bị loại bỏ trước khi giá cả có thể tồn tại.

13 “Ainsi, le moment est venu de fermer, pour ainsi dire, le cercle de la production en  introdusiant la condition, conforme à la réalité, que les produits s’eschangent contre les même quantités de service qui entrent dans leur confection” (Walras 1984:585).

14 Mặc dù cả Walras và Sraffa đã cho thấy rất rõ rằng giá cả và các điều kiện về lượng (giá cả đầu vào bằng với giá cả đầu ra, nhu cầu đầu vào bằng với cung đầu ra) là có thể thay thế cho nhau và đồng thời giả định lẫn nhau, quan hệ logic cần thiết này được che đậy bằng một số trình bày sau này. Công thức đầu vào – đầu ra của Leontieff (1953, xem Pasinetti 1977 và Cameron 1952) bị đóng khung trong khái niệm tỷ lệ của đầu vào hơn là đại lượng. Những hệ thống bất đẳng thức tuyến tính bắt đầu với von Neumann (1973) và được Morishima (1974) phát triển giả định rằng sự quy định giá cả và số lượng là độc lập nhau. Ảo tưởng bị sụp đổ ngay khi người ta hỏi điều gì xảy ra với sản phẩm thừa khi mà cung không ăn khớp với cầu. Fajoun (1984) lập luận rằng hệ thống giá cả và số lượng bị phân tách bằng mẹo kỹ thuật, coi mọi sản phẩm thừa là phế thải có giá bằng 0. Đây là sự vi phạm giả định về giá cả do hàng hóa giờ đây có hai giá, “giá bình thường” và “giá phế thải”. Người ta chỉ cần hỏi điều gì diễn ra khi con người thực sự được quyền mua mọi sản phẩm thừa chẳng vì lý do gì cả để thấy rằng đây là một cấu trúc nhân tạo.

15 “Khái niệm (thực tế là của James Mill), được Ricardo thừa hưởng từ Say tẻ nhạt (cũng như người mà chúng ta có thể nhắc đến khi chúng ta thảo luận về cá nhân khốn khổ), về sản xuất thừa không diễn ra hay ít nhất là thị trường thường không bị dư thừa nói chung, là dựa trên định đề sản phẩm được trao đổi với sản phẩm, hay như Mill đã trình bày, dựa trên “cân bằng siêu hình giữa người bán và người mua”, điều này dẫn đến kết luận là cầu chỉ do sản xuất quy định, hoặc cầu và cung là đồng nhất” (Marx 1969b:493).

16 “Tiền không chỉ là “trung gian để thực hiện trao đổi” mà đồng thời là trung gian để phân chia việc trao đổi sản phẩm với sản phẩm thành hai hành vi, độc lập với nhau, tách biệt nhau về thời gian và không gian. Mặc dù vậy, với Ricardo khái niệm sai lầm về tiền phát sinh dựa trên sự thật là ông ấy chỉ tập trung vào sự quy định về lượng của giá trị trao đổi, cụ thể là sự bằng nhau về số lượng thời gian lao động xác định, mặt khác bỏ qua đặc điểm định tính, tức là lao động cá biệt phải thể hiện bản thân như là lao động trừu tượng, xã hội nói chung thông qua sự chuyển nhượng của nó” (Marx 1969b:504).

17 Dành cho các độc giả chưa được giáo dục mầm non ở Anh quốc:

Mary có một con cừu nhỏ / Với bộ lông trắng như tuyết
Mary đi bất cứ đâu / Cừu cũng đi theo đó
Một ngày cừu theo Mary đến trường / Chuyện ấy là sai luật
Tất cả trẻ em đều cười và giỡn / Khi thấy cừu ở trường học

18 “Một khi mọi sự vật có thể bị chiếm đoạt (có nghĩa là tất cả những sự vật khan hiếm và không gì khác) đã bị chiếm đoạt, chúng đứng trong một quan hệ cụ thể với nhau, một quan hệ bắt nguồn tự sự thật là mỗi thứ khan hiếm, bên cạnh tính hữu dụng đặc biệt của chính, đòi hỏi một tính chất đặc biệt, cụ thể là có thể trao đổi với bất cứ sự vật khan hiếm nào khác và theo một tỷ lệ quy định” (Walras 1984:67) “Trong vai trò giá trị, hàng hóa là đại lượng xã hội, có nghĩa là một thứ gì đó hoàn toàn khác với “những tính chất” như là “sự vật”. Trong vai trò giá trị, chúng tạo thành quan hệ duy nhất của những con người trong hoạt động sản xuất. Giá trị thực sự “bao hàm sự trao đổi”, nhưng trao đổi là trao đổi sự vật giữa những con người, trao đổi không có cách nào tác động đến sự vật như vậy” (Marx 1972:129).

19 Trong phân tích cuối

20 Trong phân tích cuối

21 Trong phân tích cuối

22 Trong phân tích cuối