Sunday, December 20, 2015

Vi tín dụng: Củng cố sự nghèo khổ

Hai tác giả Alison Higgins và Clare Heath trong bài viết "Microcredit: Making poverty sustainable" đăng trên tạp chí Permanent Revolution số mùa xuân năm 2007, đã bóc trần sự thật về vi tín dụng. Mô hình được các tổ chức quốc tế ca ngợi như phương thuốc thần diệu để xóa đói giảm nghèo trên thực tế chỉ là bánh vẽ. Mục tiêu chủ yếu của nó là giúp các tổ chức tài chính kiếm tiền từ những người nghèo và giúp nhà nước rũ bỏ trách nhiệm xã hội đối với người nghèo khổ.

Vi tín dụng: Củng cố sự nghèo khổ

Vào tháng 10 năm ngoái, Muhammad Yunus đã được trao giải Nobel Hòa Bình cho công việc thiết lập ngân hàng Grameen, đi tiên phong trong lĩnh vực tín dụng vi mô được cho là đã thay đổi cuộc sống của phụ nữ nghèo khắp Bangladesh. Một tháng sau, cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã tung ra sự chứng nhận của mình: “Không có công cụ phát triển nào hiệu quả hơn việc trao quyền cho phụ nữ và các cô gái.” 

Tín dụng vi mô, hay vi tín dụng là việc cung cấp một khoản nhỏ tư bản ứng trước, thông thường là cho phụ nữ ở bán cầu nam, để khởi động con đường thoát khỏi nghèo khổ và tiến tới độc lập kinh tế của họ. Khoản tín dụng này được cấp cho những người không đủ điều kiện để vay tiền từ ngân hàng bình thường. Các các nhân đệ trình một kế hoạch kinh doanh và hứa hẹn sẽ trả lại khoản vay. Khoản vay được sử dụng để tài trợ cho việc tự kinh doanh – ví dụ mua một máy khâu để khởi sự công việc sửa chữa quần áo, hoặc mua hàng hóa để khởi sự việc buôn bán nhỏ. 

Mô hình có một sự thuận tiện đặc biệt ở chỗ chúng cho phép những người nghèo được vay tiền mà không cần cầu cạnh tới những kẻ cho vay nặng lại và chỉ riêng ngân hàng Grameen đã cung cấp hơn 3 tỷ bảng cho 6,6 triệu người. Trên thế giới, Báo Cáo Thượng Đỉnh Vi Tín Dụng khẳng định rằng 3.133 tổ chức Vi Tín Dụng (MFI) có 113 triệu khách hàng và thông qua họ tiếp cận được với 410 triệu thành viên khác trong gia đình. 

Ý tưởng này đã được các tổ chức phát triển, các tổ chức quốc tế và những người hoạt động chống đói nghèo đón nhận nồng nhiệt. Theo Dự Án Phát Triển Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc, “vi tín dụng là một trong những chiến thuật phát triển và cách tiếp cận thực tiễn nên được triển khai và hỗ trợ để theo đuổi khát vọng lớn lao về việc giảm một nửa tỷ lệ nghèo đói của thế giới.” 

Thậm chí còn tốt hơn: “Hòa bình lâu dài không thể đạt được trừ khi một phần lớn các nhóm dân chúng tìm ra cách thoát khỏi nghèo đói. Vi tín dụng là một trong những phương tiện đó. Sự phát triển từ bên dưới cũng phục vụ cho sự tiến bộ của dân chủ và nhân quyền,” nhà tổ chức trao giải Nobel Hòa Bình khẳng định. 

Một ý tưởng cũ 

Ý tưởng về việc cho mọi người vay tiền sẽ giúp họ thoát khỏi nghèo đói không phải là mới. Vào thế kỷ 19, Adam Smith đã viết trong cuốn Sự Giàu Có của Các Quốc Gia: 
“Tiền đẻ ra tiền, một câu ngạn ngữ cổ đã nói vậy. Khi anh đã có một ít thì thường dễ kiếm được thêm. Sự khó khăn lớn nhất là kiếm được một ít đó.” 
Smith tin rằng nếu có cơ hội thì người dân sẽ sử dụng tiền một cách khôn ngoan để hỗ trợ gia đình và cộng đồng của họ. Phong trào vi tín dụng mang thêm một niềm tin nữa: đặc biệt là phụ nữ sẽ sử dụng tiền một cách khôn ngoan. Nhiều mô hình chủ yếu hướng tới phụ nữ vì lý do sau: phụ nữ giống cũng sống trong cảnh cực kỳ nghèo khổ như đàn ông; phụ nữ ít được tiếp cận các dạng khác của tư bản và thu nhập; phụ nữ đầu tư vào gia đình, điều đó trở thành sự cải thiện sức khỏe, giáo dục và cộng đồng; phụ nữ trả nợ đúng hạn. 

Các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới rất háo hức thúc đẩy quyền của phụ nữ như là một phần thiết yếu của sự phát triển kinh tế. Dĩ nhiên, thúc đẩy sự độc lập kinh tế của phụ nữ là một bước tiến tích cực khi mà nó có nghĩa rằng phụ nữ có thể thoát khỏi một số sự áp bức tàn bạo nhất trong gia đình và cộng đồng. Vi tín dụng được coi là một cách đạt tới điều này và do đó nó đóng vai trò trung tâm trong nhiều chương trình phát triển và sáng kiến nữ quyền. Nó cũng được đón nhận nồng nhiệt ở Venezuela dưới chính quyền cánh tả của Chavez, trong một nỗ lực có tính toán nhằm thúc đẩy sự độc lập kinh tế của phụ nữ. 

Nhưng nó có hiệu quả không? Nói chung là không. Trong khi nó có thể đưa một số phụ nữ và gia đình ra khỏi sự nghèo đói tồi tệ thì nó không giải quyết được các nguyên nhân căn bản của sự nghèo đói, cũng như sự bất bình đẳng mang tính hệ thống mà phụ nữ phải gánh chịu. 

Một đánh giá chi tiết của ngân hàng Grameen ở Bangladesh cho thấy hệ thống tín dụng không làm gì để chống lại cấu trúc gia trưởng đang tồn tại, trong đó có mức độ áp bức rất cao đối với phụ nữ trong gia đình. Trái lại, khả năng vay nợ của phụ nữ trong một số trường hợp lại gia tăng căng thẳng và bạo lực trong gia đình, khi phụ nữ được coi là sẽ có vai trò lớn hơn. 

Trong nhiều trường hợp khác, phụ nữ, mặc dù là người vay tiền trên giấy tờ, vẫn không được kiểm soát chúng hay thu nhập từ chúng (chồng hoặc cha của họ sẽ làm). Bên cạnh đó, phụ nữ vay tới 97% các khoản nợ được coi là phải tuân thủ 16 “quyết định” – các quy định xã hội nhằm thúc đẩy tinh thần công dân tốt. Những điều này cũng tạo ra căng thẳng khi phụ nữ không có khả năng thực hiện chúng; ví dụ “Chúng tôi phải kế hoạch hóa gia đình. Chúng tôi phải chăm lo cho sức khỏe.” Tất cả những điều này đều rất tốt, nhưng khi thiếu vắng sự chăm sóc y tế tốt, tránh thai và sự kiểm soát của phụ nữ đối với sinh đẻ thì tất cả đều là ảo tưởng. Làm sao phụ nữ có thể kiểm soát sinh đẻ khi nam giới tiếp tục thống trị - một nghiên cứu mới đây ở Bangladesh cho thấy 37% đàn ông đã kết hôn lạm dụng tình dục hoặc thân thể vợ trong vòng một năm trước. Phụ nữ vay nợ cũng đồng ý phải “tối thiểu hóa chi tiêu”, một trò đùa kệch cỡm khi họ đã thực sự ở mức tận cùng của nghèo khổ. 

Trên thực tế, cách thức mà ngân hàng Grameen được thiết lập đã gây tranh cãi, như đã được giải thích trên tờ Economist: “Theo đồn thổi, Grameen bắt đầu từ khoản tiền 27 dollar mà Ngài Yunus cho một phụ nữ sản xuất đồ gỗ vay, người này có tín dụng nhưng với lãi suất rất cao. Sau đó, Grameen nhanh chóng phát triển, dựa trên một số kỹ thuật vận hành chủ chốt: các khoản vay là cho cá nhân nhưng thông quan một nhóm nhỏ chịu trách nhiệm chung về khoản nợ; khoản vạy là cho kinh doanh, không cho tiêu dùng; thu nợ thường xuyên, thông thường là hàng tuần. Lãi suất được tính đáng kể - tiền không phải là khoản viện trợ và nguyên lý căn bản của Grameen là người nghèo đáng tin về tín dụng – nhưng lãi suất tương đối thấp (hiện nay chỉ dưới 20%).[1] 

Lãi suất tương đương với thẻ mua hàng chịu ở phương Tây – không mặc cả ở đây! Sau khoản vay ban đầu từ túi của Yunus, vốn của ngân hàng đến từ các nhà tài trợ công và tư trong khi cách hàng được vay tiền với lãi suất tương đối thấp và có mức tiết kiệm thấp. Mô hình trách nhiệm theo nhóm bắt đầu suy sụp khi một số thành viên nhóm làm tương đối tốt còn những người khác thì không, xung đột nổ ra và một số thành viên muốn rời khỏi nhóm. 

Nhiều khoản vay được sử dụng để bổ sung cho thu nhập hàng ngày hoặc cho các sự việc khẩn cấp thay vì đầu tư cho kinh doanh. Bangladesh, bất chấp thành tích bất ngờ suốt ba mươi năm của ngân hàng Grameen (cũng như hàng loạt các MFI tương tự hoạt động ở đó), vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới – một nửa trong số 130 triệu người dân vẫn sống ở dưới mức nghèo khổ. 

Không chỉ không xóa bỏ nghèo khổ mà vi tín dụng còn tạo ra nhiều tác động đến sự nghèo khổ nói chung. Ngay cả tờ Economist cũng hoài nghi: “Một câu hỏi sâu hơn là các khoản tín dụng nhỏ này thực sự hữu ích ra sao. Các nghiên cứu điển hình thân thiện đã có nhưng các phân tích chặt chẽ thì hiếm thấy. Một ít nghiên cứu đã hoàn thành cho rằng các khoản tín dụng nhỏ là hữu ích nhưng không thực sự quá nhiều.” 

Một đánh giá ở Pakistan đã phát hiện ra rằng vi tín dụng không giúp được cho các gia đình nghèo thoát khỏi bẫy nghèo đói, mà phục vụ cho những người đã có vị thế tốt hơn, trong đó có những người có gia đình nhỏ hơn và thu nhập cao hơn, cũng như hoàn toàn không giúp đỡ những người cực nghèo, thanh niên cùng khổ. Người cho vay vi mô muốn người vay phải tự chủ kinh tế được ngay trong một khoảng thời gian ngắn – do vậy họ dường như không tập trung vào những người nghèo nhất, đặc biệt là những người ở những cộng đồng nông thôn khó tiếp cận. 

MFI không phải là tổ chức từ thiện và có thể tính lãi suất cao để bù đắp chi phí dài hạn hơn hoặc các rủi ro tín dụng – theo cách này mô hình vi tín dụng thậm chí cũng có thể tạo ra gánh nặng nợ nần. Kinh nghiệm về khách hàng của MFI chung sống với HIV/AIDS rất đáng để trình vày để thấy được bản chất của vi tín dụng trong vai trò là công cụ phát triển; ở Châu Phi cận Sahara, 40% khách hàng thể dự đoán một cái chết trong gia đình trong vòng một năm. Do chi phí mai tang có thể tương đương với thu nhập một năm của người cung cấp vi tín dụng nên MFI cũng bán các mô hình tiết kiệm và bảo hiểm (cụ thể là bảo hiểm y tế với giá 60 dollar) bởi vì, sau Chương Trình Điều Chỉnh Cấu Trúc do Ngân Hàng Thế Giới và IMF đưa ra vào những năm 1990, nhà nước không còn cung cấp bảo hiểm xã hội. Ở nhiều nước Châu Phi, sự lây nhiễm bệnh HIV/AIDS là rất khủng khiếp, MFI vượt qua vấn đề do sức khỏe tồi tệ gây ra, sự gia tăng số lượng người phụ thuộc trong gia đình và tuổi thọ thấp, bằng cách bán dịch vụ bảo lãnh nợ cũng như bảo hiểm y tế cho khách hàng của họ. Kế hoạch kinh doanh mang các chiến lược “kiểm soát tác động của HIV/AIDS và tạo ra sự an toàn lớn hơn cho tổ chức trước các khách hàng bị lây nhiễm.”[2] 

Đối những người đang chung sống với HIV/AIDS, trở thành khách hàng của vi tín dụng là rất cần thiết để có thể trang trải được viện phí, thuốc men và tang lễ. Sự thật là phụ nữ ở các nước đang phát triển phải chịu đau khổ nhiều nhất từ các chính sách tân tự do và tư nhân hóa; các cô gái bị đẩy ra khỏi trường học khi giáo dục bị thu phí, gánh nặng chăm sóc người già, người ốm đau và người chết đổ lên vai phụ nữ khi sự hỗ trợ của nhà nước bị xóa bỏ. 

Vi tín dụng xuất hiện cùng với sự phản cách mạng tân tự do chống lại phúc lợi xã hội do nhà nước cung cấp. Logic của vi tín dụng là tự cấp tự túc – không dựa vào sự cung cấp của nhà nước để, thậm chí ngay cả những tình huống tuyệt vọng nhất. Khi một nhà bình luận đã chỉ ra, “Nhà nước thích vi tín dụng bởi vì chúng cho phép họ rũ bỏ những trách nhiệm cơ bản nhất đối với công dân nghèo. Vi tín dụng biến thị trường thành thượng đế.”[3] 

Vượt qua áp bức xã hội? 

Các tổ chức phi chính phủ của phụ nữ đã thành công trong việc thúc đẩy các chương trình vi tín dụng như là phương tiện để cải thiện địa vị của phụ nữ và giờ đây một dòng thác quỹ phát triển của các tổ chức quốc tế như USAID và WB đang đổ vào vi tín dụng. Nhưng khi họ cố tạo ra cho phụ nữ một mức độ độc lập về kinh tế thì hầu như họ đã thất bại. Một số đánh giá chi tiết về mô hình đã cho thấy họ gia tăng mức độ phụ thuộc của phụ nữ vào kinh tế phi chính thống, vốn không ổn định và thường là tạm thời. 

Bản chất của vi tín dụng đối với phụ nữ, bất kể là cá nhân hay theo nhóm, là tạo dựng công việc kinh doanh nhỏ trong lĩnh vực buôn bán hay chế tạo. Khoản vay cung cấp chi phí ban đầu và sau đó phải trả lại nhanh chóng và theo định kỳ. Mọi sinh viên kinh tế đều hiểu rằng để khoản tiền ban đầu đó muốn lớn lên thì số vốn phải lớn lên và để làm điều đó thì việc kinh doanh phải tăng trưởng. Điều này chỉ có thể diễn ra nếu như thuê mướn và bóc lột người khác, sau đó việc mua bán có thể thực hiện giá trị thặng dư để tái đầu tư hoặc lợi nhuận được dùng để gia tăng thu nhập của chủ sở hữu. Trong công việc kinh doanh nhỏ mà MFI thúc đẩy, những người lao động ban đầu là những thành viên khác trong gia đình, thường là con gái, do đó cũng là người bị bóc lột. Ngay cả khi người buôn bán hay sản xuất nhỏ bắt đầu thành công thì họ sẽ phải cạnh tranh với những doanh nghiệp khác và bị buộc phải giảm chi trí để cạnh tranh. Sự không tưởng của toàn bộ ý tưởng này là giả định các gia đình và cộng đồng có thể thoát khỏi nghèo khổ bằng cách tái đầu tư khoản tư bản nhỏ. Nếu có bất cứ ai thành công thì họ sẽ sớm phải đối mặt hoặc bị các doanh nghiệp tư bản lớn loại khỏi công việc kinh doanh. Dĩ nhiên môt số rất nhỏ công việc kinh doanh sẽ thành công, nhưng đa số khoản nợ chỉ giúp cho một số gia đình sống sót dưới sự dã man của chủ nghĩa tư bản mà không khiến nhà nước tốn một xu nào. 

Cần phải lưu ý rằng một trong những lý do khiến nhiều phụ nữ sống trong cảnh cực kỳ nghèo khổ là chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã tước đoạt đất đai của họ, phá hủy sự tự chủ của họ. Điều mà phụ nữ cần là một công việc tử tế với tiền lương đủ sống, cùng với các cơ sở hạ tầng phúc lợi và xã hội để giúp họ làm việc. Khuyến khích tinh thần kinh doanh để trả lời sự nghèo khổ toàn cầu là một trò đùa quái đản, khi mà tất cả công việc kinh doanh “sinh lợi nhuận” có thể mang lại mức sống tử tế cho chủ của nó đều phụ thuộc vào một thị trường lớn (của những người có tiền), quy mô kinh tế và sự bóc lột hàng loạt. 

Các chương trình vi tín dụng cũng củng cố quan điểm phản động về việc sự đáng kính vốn có của phụ nữ nghèo trái ngược với sự vô trách nhiệm của đàn ông. MFI và NGO đã ca ngợi phụ nữ là khoản đầu tư tốt đối với những món tiền đó. Một nhà văn nữ quyền đã bình luận về sự tấn công mang tính ý thức hệ, ca ngợi phụ nữ là cứu tinh sẽ giúp nhà nhước thoát khỏi trách nhiệm đối với sự nghèo khổ, như sau: 
“Khi mà đàn ông ít khi trả nợ hơn phụ nữ, lại hay chi tiêu thu nhập cho bản thân hơn là cho gia đình, cũng như tham gia vào các tham nhũng vặt như là một cách gây ảnh hưởng chính trị địa phương, những khẳng định này có giá trị thực sự. Mặt khác, cũng giống như những tất cả lý tưởng mạnh mẽ khác, chúng cũng dựa trên bức tranh mang tính một chiều và có những hậu quả không lường trước được trong việc củng cố chương trình tân tự do. Phụ nữ thuộc Thế Giới Thứ Ba được coi là nỗi xấu hổ, không phải là thành phần của sự thống trị tư bản chủ nghĩa, mà là những người bị coi là thiếu can đảm và quyết đoán để đàm phán với thị trường – có nghĩa là người “phụ thuộc” ở các nước nghèo phải dựa vào sự bảo vệ của nhà nước để chống lại sự cạnh tranh trên thị trường.”[4] 
Mặc dù vậy, điều quan trong là phân biệt giữa lý tưởng và thực tiễn. Một bài báo được trình bày tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Vi Tín Dụng vào năm 2006 đã chỉ ra rằng phụ nữ thường không phải là người kinh doanh tốt. [5] Tác giả, Irene Mutalia, lãnh đạo của một MFI ở Zambia, cho rằng phụ nữ thường xuyên mạo hiểm lao vào các thị trường cạnh tranh mà “ít chuẩn bị”, có nghĩa là không được đào tạo về kinh doanh hay có sự nhạy cảm để hỗ trợ cho khát vọng “sẵn sàng làm bất cứ thứ gì hỗ trợ gia đình” vào lúc cần thiết. Chồng của họ có thể ốm đau hoặc mất việc làm và công việc kinh doanh của phụ nữ thường được coi là một việc tạm thời lấp chỗ trống trong trường hợp này. Mutalima đã chỉ ra sự “thiếu khát vọng”, công việc kinh doanh thường được thực hiện kém chu đáo và do vậy các công việc kinh doanh do phụ nữ điều hành có vòng đời ngắn nhất ở Zambia – bốn năm. 

Kinh doanh nhỏ mà lớn 

Nếu có ai nghĩ phong trào này là cách vượt qua chủ nghĩa tư bản và thúc đẩy những giấc mơ không tưởng dựa trên thương nhân nhỏ thì hay nghĩ lại. Vi tín dụng đã trở thành chính thống mà người phát ngôn của phố Wal nhận định rằng là “một tài sản mới rất hấp dẫn đáng để xem xét trong một chiến lược danh mục đầu tư đa dạng.”[6] 

Bài báo vào năm ngoái tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Vi Tín Dụng đã cho thấy cách thức vi tín dụng đang trở thành một lĩnh vực ngân hàng thương mại thông thường, sự trao quyền cho phụ nữ và thậm chí là sự tham gia, được gạt sang một bên. Mutalima cho thấy MFI bắt đầu không còn coi bản thân là “tổ chức tài chính phục vụ cho giới tính” nữa, họ ngày càng xa rời lợi ích của những khách hàng nữ mà họ tuyên bố rằng sẽ thành công.[7] 

Vào lúc đầu, MFI có khuynh hướng “do người quyên góp định hướng”, nếu người quyên góp đó, một NGO nói, quan tâm đến vấn đề phát triển phụ nữ thì điều đó sẽ là ưu tiên hàng đầu của tổ chức. Mặc dù vậy, khi MFI đã vững chắc, những người quyên góp bắt đầu đòi hỏi “sự bền vững”; nói ngắn gọn là không dựa vào các quỹ quyên góp nữa. Tức là MFI phải có lợi nhuận. Họ sẽ phải cắt giảm chi phí, bắt đầu hướng tới các điều tiết và thương mại hóa, ưu tiên cho “các sản phẩm sinh lợi”, vào lúc đó sự chú trọng về giới tính dựa trên cơ sở là các khoản nợ nhỏ mà phụ nữ có thể trả được đã bị loại bỏ. 

Susy Cheston, giống như Mutalima, là thành viên của nhóm MFI Cơ Hội Quốc Tế, cũng đang vật lộn với vấn đề ưu tiên cho phụ nữ và sự phát triển trong MFI. Bà ghi nhận rằng một nghiên cứu của Bản Tin Ngân Hàng Vi Mô đã cho biết rằng tỷ lệ cao nhất của khách hàng nữ tại các MFI “non trẻ” do các NGO hoặc liên minh tín dụng điều hành – có quy mô nhỏ, không vì lợi nhuận và không tự chủ về tài chính, cũng như “khuynh hướng thương mại hóa và vươn ra quy mô lớn có nghĩa là giảm sự ưu tiên cho phụ nữ.”[8] Về các khách hàng của Cơ Hội Quốc Tế, Cheston phát hiện ră rằng quy mô tín dụng trung bình của nam giới lớn hơn của nữ giới, đây là trường hợp của một MFI đặc biệt chú trọng vào phụ nữ và các dự án của phụ nữ. 

Bản thân Cheston cũng là hình ảnh thu nhỏ của khuynh hướng chủ nghĩa nữ quyền tự do, bám chặt lấy ảo tưởng phát triển kinh doanh nhỏ để giúp phụ nữ của thế giới bán thuộc địa thoát khỏi đói nghèo. Bà thừa nhận rằng nếu như không có sự tập trung vào bình đẳng giới tính thì MFI cũng bỏ qua vấn đề phụ nữ thiếu quyền sở hữu khiến họ không thể thể hiện sự sở hữu tài sản bình đẳng trong nhiều trường hợp và do vậy họ sẽ sẽ càng gặp khó khăn khi tiếp cận vi tín dụng. 

Ở Malawi, bà nhắc tới một dự án với tỷ lệ phụ nữ rời bỏ lên đến 58% khi mà phụ nữ tham gia mô hình vi tín dụng vì họ muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình nhưng không đủ lớn để nam giới lấy đi phần đóng góp của họ. Họ muốn kiếm tiền để mua thực phẩm và chi tiêu cá nhân nhưng không làm đảo lộn trật tự tài chính của gia đình. 

Câu trả lời của Cheston đối với sự bất bình đẳng mang tính cấu trúc này là “sự chính thống về giới tính”, thông qua đó bà muốn nói rằng cần có thêm chủ kinh doanh và những người ra quyết định là nữ - một phản ứng kiểu nữ quyền tự do truyền thống, tìm cách biến một ít phụ nữ dưới đáy xã hội thành các lao động chuyên môn trung lưu. Ngay cả khi đó, bà cũng biết rằng giải pháp là không khả thi khi mà “sự chuyên môn hóa” trong các MFI đang hạn chế nó, phụ nữ sẽ không trở thành nhân viên của MFI; trong số 50 sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán ở đại học Kenya vào năm ngoái chỉ có hai người là nữ. Mô hình cũ của MFI với nhân viên tận tụy làm việc nhiều giờ, đi tới các cộng đồng dân cư để phục vụ khách hàng đang trở thành chuyện quá khứ dưới động lực cắt giảm chi phí. 

Ngay cả ngân hàng Grameen được giải thưởng cũng không chống lại được quy luật của tư bản tài chính: 
“Mô hình Grameen truyền thống bắt đầu suy thoái vào những năm 1990 và khủng hoảng năm 1998, khi mà lũ lụt gây ra thiệt hại lớn và người dân bắt đầu vắng mặt tại các buổi họp thanh toán tiền hàng tuần. Ngài Yunus rõ ràng quen thuộc với những sáng kiến vi tài chính ở các quốc gia khác: BRI ở Indonesia đã đi từ đống đổ nát đến thành công to lớn bằng cách khuyến khích tiết kiệm, không vay nợ và các tổ chức khác đã bắt đầu bãi bỏ việc vay nợ theo nhóm. Grameen tái cấu trúc vào năm 2001, khuyến khích tiết kiệm (tiền gửi hiện giờ nhiều hơn tiền vay nợ) và ít dựa vào trách nhiệm nhóm.”[9] 
Mohammed Yunus đã được vinh danh khi mà vi tín dụng trở tham gia vào vào dòng chính thống của cả các chương trình giảm đói nghèo tân tự do cũng như bản tài chính. MFI ngày càng được tổ chức như là các doanh nghiệp thương mại ngay từ đầu, ví dụ ACCIONin của Brazil đã tách dịch vụ tài chính ra khỏi các dịch vụ xã hội ngay từ đầu. Hiệu quả trong 30 năm của phương thức tiếp cận sáng tạo tại ngân hàng Grameen là vi tín dụng được khu vực ngân hàng bình thường cung cấp, đồng thời các nhà lập chính sách theo phái tự do phải chấp nhận để hệ thống mở rộng, để người nghèo tiếp cận được tín dụng, tổ chức phải sinh lợi nhuận và hiệu quả - điều này có nghĩa là “cộng đồng phát triển” đã đồng ý với các tổ chức đa quốc gia rằng kiếm tiền từ những người nghèo nhất trong số những người nghèo của thế giới là bình thường. 

Như MFI mới, không có quỹ quyên góp, khởi đầu với lãi suất lên đến 65%. Không mấy khó khăn để thấy tiềm năng kiếm lợi – như MFI đang sử dụng công nghệ mới (cụ thể là dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động) để mở ra một thị trường mới khổng lồ, ví dụ Pro Credit ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo, nước này có 69 triệu người và chỉ có 50 chi nhánh ngân hàng. Đây có vẻ là một con đường dài để xuất phát từ Ngài Yunus và giải Nobel Hòa Bình, thứ khởi đầu một công cụ phát triển đã trở thành một công việc việc kinh doanh lớn. Như tở Economist viết, “cơ hội sẽ sớm không còn là vi mô nữa”. 

Các chương trình trao quyền vi tín dụng hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề của phụ nữ bằng cách giúp họ đầu tư vào chủ nghĩa tư bản. Nó cho phép một số nhỏ đặc quyền thoát ra khỏi hố sâu của nghèo đói, biến một số ít người này thành các nhà tư bản nhỏ có thể bóc lột người khác. Đại đa số vẫn tiếp tục nghèo khổ, ngày càng phụ thuộc hơn vào bản thân và tư bản tài chính khi nhà nước thoái thác bất kỳ và mọi nghĩa vụ cung cấp dịch vụ cũng như cơ sở hạ tầng giúp cộng đồng tồn tại. 

Sự áp bức phụ nữ không bị phong trào vi tín dụng ngăn chặn một cách đáng kể, theo một nghĩa nào đó còn được củng cố thêm. Vi tín dụng thường được dùng để buộc người nghèo phải thanh toán cho chăm sóc y tế và xã hội, cũng như hoàn toàn được các tổ chức bám víu lấy để thâm nhập vào thị trường mới và buộc ngay cả những những nghèo nhất trong số những người nghèo trở thành khách hàng của họ. 

Ảo tưởng vi tín dụng cho thấy cách thức lý tưởng tự do đã thay đổi trên bề mặt của chủ nghĩa tân tự do: Người nghèo không còn những quyền xã hội (phúc lợi hay trợ cấp) nữa mà có trách nhiệm xã hội về việc tự lo cho bản thân và gia đình bất chấp mọi trở ngại khách quan – đặc biệt là phụ nữ nghèo. Mặc dù vậy, sự cản trở thật sự đối với việc chống lại đói nghèo, như sự thiếu đất mà Kofi Annan đã khẳng định là “nguyên nhân nghiêm trọng duy nhất gây ra sự nghèo khổ ở nông thôn”, hoàn toàn không được phép màu – hay ảo vọng vi tín dụng nhắc đến. 

Endnotes

1. “Macro credit”, The Economist, 19 October 2006 

2. Quoted in a paper by Pauline Achola to the 2006 Microcredit Summit 

3. Alexander Cockburn, “A Nobel Peace Prize for Neoliberalism – the myth of microloans”, Counterpunch, www.counterpunch.org 

4. Johanna Brenner, “Transnational feminism and the Struggle for global justice”, New Politics, vol. 9 no. 2 (new series), Winter 2003 

5. See www.microcreditsummit.org/summit/previous.htm 

6. “From charity to business”, The Economist, 5 March 2005 

7. Irene KBMutalima, “Microfinance and gender equality: are we getting there?”, www.microcreditsummit.org/papers/ Workshops/28_Mutalima.pdf 

8. Suzy Cheston, “Just the facts ma’am: gender stories” from “Unex­pected sources with morals for microfinance”, www.microcredit­summit.org/summit/previous.htm 

9. “Macro credit”, The Economist, 19 October 2006

1 comment:

  1. Vi tín dụng, liệu các quốc gia có làm được điều đó. Nhưng trong môi trường thì tiền tệ không thể lưu thông mà không tạo ra giá trị được

    ReplyDelete