Sunday, September 8, 2019

Lao động và tự do

Chúng ta vẫn thường nghe thấy báo chí nói rằng một người lao động ở Singapore hay ở Nhật có năng suất lao động cao gấp mấy chục lần người Việt Nam. Người ta nói rằng năng suất lao động cao hơn thì giàu hơn, dân Việt Nam nghèo là vì năng suất lao động thấp.

Người ta cũng thường lấy ví dụ về những người già ở Nhật hay ở Singapore đến năm 70-80 tuổi vẫn phải đi làm, họ gọi đó là chăm chỉ. Chăm chỉ thì mới giàu, còn lười biếng như dân Việt Nam, 60 tuổi đã nghỉ hưu nên nghèo.

Câu hỏi: 

  1. Nếu năng suất lao động của dân Nhật hay Singapore cao gấp mấy chục lần Việt Nam thì sao mức sống của người lao động bình thường ở đó không gấp mấy chục lần Việt Nam vậy? Thực tế mức sống của một người công nhân ở Nhật hay ở Việt Nam không chênh lệch nhiều. Cái năng suất lao động cao hơn mấy chục lần ấy đã chui vào túi ai?
  2. Nếu một quốc gia thực sự giàu có và an sinh xã hội tốt thì những người già sẽ được nghỉ hưu sớm, nhường chỗ cho những người trẻ khỏe hơn. Thực tế là an sinh xã hội của Nhật hay Singapore đều không đủ tốt, người lao động phải làm việc lâu năm mà lương hưu không vẫn không đủ sống nên họ buộc phải đi làm để kiếm thêm. Tại sao một sự thất bại của xã hội tư bản lại được coi là nguyên nhân thành công của họ?
Xã hội loài người cho tới nay là xã hội có sự phân chia giai cấp: giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột. Lao động của người bị bóc lột bao giờ cũng bị chia làm hai phần: Phần thứ nhất để nuôi sống bản thân. Phần thứ hai là để làm giàu cho kẻ bóc lột, bất kể là dưới dạng thuế khóa nộp cho nhà nước hay lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp.

Cái phần lao động mà nhà nước và giới chủ doanh nghiệp quan tâm tới là phần thứ hai, không phải là phần thứ nhất. Họ muốn phần thứ hai càng nhiều càng tốt và phần thứ nhất càng ít càng tốt. Điều này trả lời cho câu hỏi thứ nhất về năng suất lao động. Năng suất lao động của người Nhật hay người Singapore bình thường quy ra tiền (mặc dù thước đo này rất không chính xác) có cao gấp mấy chục lần người Việt Nam thì mức sống họ cũng không cao hơn đáng kể vì phần lớn thành quả lao động của họ chui vào túi doanh nghiệp và nhà nước. 

Doanh nghiệp luôn tuyên truyền năng suất lao động thấp, đòi kéo dài thời gian làm việc, đòi kéo dài độ tuổi làm việc, đều là để làm đầy túi của họ, chứ không phải để làm đầy túi người lao động. Trái lại, càng làm việc nhiều thì túi người lao động sẽ càng vơi. Nếu như trước kia một người lao động làm việc 20 năm suốt đời mình để nhận được một khoản tiền lương hưu hàng tháng, thì giờ nếu họ phải làm việc 30 năm, theo quy luật thị trường doanh nghiệp sẽ trả lương tháng thấp hơn vì người lao động có thời gian tích lũy lương hưu dài hơn và thời gian hưởng lương hưu ngắn hơn. Ở các nước tư bản, năng suất lao động tỷ lệ nghịch với mức sống của người lao động. Năng suất lao động càng cao thì người lao động sẽ càng nghèo, ngược lại chủ doanh nghiệp và nhà nước sẽ càng giàu.   

Năng suất lao động của người Việt Nam có thực sự thấp người ta như vẫn so sánh? Câu trả lời là không. Bởi vì khác với người lao động ở các nước tư bản đa số người dân Việt Nam chỉ lao động để nuôi sống bản thân mình. Sáu mươi phần trăm người lao động ở Việt Nam là nông dân tự do, họ có mảnh đất canh tác nhỏ để làm ra lương thực nuôi sống bản thân và gia đình, phần này không tính vào năng suất lao động vì không quy ra tiền được. Họ không phải đóng thuế nông nghiệp, thuế đất thì rất thấp. Người lao động rảnh rỗi thì họ làm thêm việc này việc kia để kiếm thêm thu nhập. Chủ doanh nghiệp không có cách nào ép những người lao động tự do đó làm việc với cường độ khủng khiếp như ở các nước tư bản vì họ không buộc phải lao động làm thuê để tồn tại.

Giới chủ doanh nghiệp không quan tâm đến cái phần người ta lao động để nuôi sống bản thân mình, mà chỉ quan tâm đến cái phần họ bóc lột được từ người lao động. Thế nên việc so sánh về năng suất lao động quy ra tiền kia phải hiểu là một người lao động ở Nhật hay ở Singapore bị bóc lột gấp mấy chục lần ở Việt Nam. Điều này trả lời cho câu hỏi thứ hai. Bí mật cho sự giàu có của các nước tư bản là duy trì mức độ bóc lột cao khủng khiếp đối với người lao động. Chủ doanh nghiệp Việt Nam cũng muốn áp dụng cái bí quyết thành công của tư bản cho Việt Nam.

Có một người bạn lại hỏi tôi rằng: Tại sao Việt Nam không có các công trình to lớn hoành tráng như các nước khác? Có phải là do năng suất lao động của Việt Nam thấp? Hay là do Việt Nam chiến tranh nhiều, của cải bị tàn phá hết, không có điều kiện làm mấy thứ đó?

Câu trả lời: Chuyện đó đều không liên quan đến năng suất lao động hay chiến tranh. Của cải đổ vào xây dựng những công trình to lớn kia ở đâu ra? Đều là phần bóc lột được từ người lao động. Ở những nước khác, khi nhà nước hay giai cấp thống trị đủ mạnh thì họ bóc lột được lượng của cải khổng lồ từ người lao động, của cải đó sẽ được dùng để xây dựng các công trình kỳ vĩ. Các công trình ấy đều thuộc về nhà nước hay giai cấp thống trị, đóng vai trò như là biểu tượng cho sự thống trị của họ. Vậy nên những thứ đó là biểu tượng cho sự áp bức, đâu phải là biểu tượng cho sự tự do của người lao động. 

Từ thời xa xưa, Việt Nam đã là một đất nước có tầng lớp nông dân tương đối tự do, mặc dù họ không có quyền công dân trong các xã hội phong kiến song các thiết chế cộng đồng địa phương đại diện cho nông dân đủ mạnh để hạn chế mức độ bóc lột của chính quyền trung ương. Ngay cả những nhà nước phong kiến hùng mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam cũng không có khả năng bóc lột được những khối của cải thặng dư khổng lồ từ nông dân để xây dựng các công trình kỳ vĩ. Vậy nên việc thiếu vắng các công trình kỳ vĩ ở Việt Nam không phải do năng suất lao động thấp mà ngược lại là một biểu tượng cho sự tự do tương đối của nông dân. Giới chủ doanh nghiệp tất nhiên cũng không thích điều này, nên họ tìm mọi cách công kích, hạ nhục người Việt Nam nói chung về việc không có các công trình kỳ vĩ.

Khái niệm tự do bao gồm ba nội dung cụ thể. Thứ nhất, mỗi cá nhân đều làm chủ bản thân mình, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị, họ không phải làm lao động làm giàu cho ai. Thứ hai, cộng đồng công dân của những người tự do ấy không bị ai cai trị. Thứ ba, quốc gia của họ không phải lệ thuộc vào quốc gia khác. Từ trong sâu thẳm tâm hồn của người Việt Nam tự do, ai cũng hiểu rằng sự độc lập tự do của quốc gia là một phần của tự do cá nhân. Nói như các cụ thời xưa là: Nước đã mất thì nhà làm gì còn. Bởi vậy nên người Việt Nam luôn chiến đấu hết mình vì độc lập của quốc gia và khinh bỉ những kẻ làm tay sai cho ngoại bang. Tuy vậy, sự bất khuất cũng không thể giúp người Việt Nam đứng vững nếu năng suất lao động không đủ cao để nuôi sống bản thân và duy trì những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm kéo dài đằng đẵng hàng mấy chục năm. Về mặt chính trị, mưu đồ của những kẻ tuyên truyền năng suất lao động Việt Nam thấp chính là phủ nhận sự độc lập tự cường của Việt Nam. Chúng đều sẽ nói rằng dân Việt Nam có năng suất lao động thấp, ăn còn chả đủ lấy đâu ra của cải mà đánh Pháp đánh Mỹ, đều là nhận viện trợ của nước ngoài để đánh cả và từ đó chúng sẽ kết luận rằng giống loài Việt Nam là một giống loài hạ đẳng chỉ biết đi nhận tiền để đánh thuê cho đế quốc.

Nếu một người lao động Việt Nam tự do có phải nghe mấy câu lải nhải về năng suất lao động thấp, lười biếng hay thấp kém vì không có các công trình hoành tráng thì anh ta có thể ưỡn ngực mỉm cười: Tôi là một người tự do, một kẻ nô lệ cho dù có sống trong lâu đài bằng vàng cũng không bao giờ hiểu được tự do!

(P/s: Bài này được viết theo yêu cầu của Linh bí thư DLV.)

5 comments:

  1. Bài này rất hay.
    Xin phép bác chủ nhà cho bọn em ... cướp nha!
    Và cũng xin phép cho bọn em sửa cái tít.
    Sửa thế nào thì bọn em sẽ bàn sau.

    ReplyDelete
  2. Nhân bảo như thần bảo, sau 1 tháng bác Nỡm viết bài, thì bà Quyết Tâm khóc, cãi nhau như mổ bò với ông Vũ Tiến Lộc VCCI về vấn đề này :D

    Còn quan điểm của cá nhân em là như thế này:
    Việc tuyên truyền về "năng suất lao động VN thấp" là sản phẩm của báo chí dở hơi. Nhưng khi nhìn dưới góc độ nhà nước, thì em thấy thế này:
    Năng suất lao động (tính trên giá trị) vẫn thấp, không hẳn là do người lao động VN lười, mà là vì công nghệ không hiện đại, các thủ tục hành chính phức tạp, chi phí tuân thủ pháp luật nặng nề v.v... Nó cho thấy những tồn tại của VN, với tư cách là 1 thị trường đang khát vốn đầu tư.

    Và cũng vì thế, e ko thấy có giải pháp khả dĩ nào, ngoài việc chấp nhận đánh đổi (trade off), theo đúng cái cách mà TQ đã đánh đổi để vươn lên đứng đầu thế giới về công nghiệp. Chỉ có điều, là phải đặt ra giới hạn cho việc đánh đổi thôi.
    Giới hạn đó là 200 giờ, hay 400 giờ, ko được quyết định dựa trên luật, mà dựa trên mức sống thực của người lao động :((

    Vài lời như vậy, rất mong lần tới bia bọt thịt chó với bác.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Năng suất lao động có nhiều cách tính, một trong nhưng cách phổ biến nhất là của WB là tính GDP dựa trên đầu người lao động. Do Việt Nam có dân số ở trong độ tuổi lao động rất cao nhưng GDP lại không cao hơn nhiều nước khác nên mô hình chung đẩy Năng suất lao động xuống thấp, cái này đã được tính toán ở trên số liệu của WB. Còn nguyên nhân vì sao thấp bởi vì VIệt Nam có tỷ lệ nông nghiệp rất cao, mà giá trị sản xuất trong nông nghiệp thấp, thời gian nông nhàn rất nhiều, chính vì vậy làm cho GDP của Việt Nam thấp, chưa kể GDP còn tính dựa trên việc đầu tư, nó phụ thuộc vào dòng vốn được đầu tư trong 1 năm, trong khi đó Việt Nam là một thị trường mới, dòng vốn đầu tư chưa cao, khu vực dịch vụ vẫn tạo ra giá trị thấp. Chính vì vậy so với các nước trong khu vực thì GDP thấp là đương nhiên. Tuy nhiên nếu so sánh theo từng ngành, cụ thể như công nghiệp thì NSLĐ không hề thấp tý nào, chính vì vậy nên cách tính của NSLĐ theo GDP thì WB chỉ bảo mang tính tham khảo, không mang tính phổ quát hay đại diện. Tuy nhiên báo chí nó chỉ nói theo những số liệu mà WB công bố chứ nó không hiểu bản chất.
      Nói chung là nếu đã học luật thì lo mà học luật cho sõi đi, dấn thân sang mảng kinh tế không biết chỉ đi chém gió mạng thì đúng là vô dụng, cái cmt trên cho thấy kiến thức thống kê kinh tế chỉ là con số 0 tròn trĩnh chẳng biết gì cả!

      Delete
    2. Mấy em trẻ dại này từ bé đã được nhồi vào đầu cái quan điểm tư sản rằng GDP cao là tốt, là làm cho quốc gia dân tộc rạng rỡ rồi. Đến khổ các bác ạ, sánh vai với các cường quốc năm châu nó nằm ở sự phát triển con người chứ đâu phải là ở vài con số thống kê mang tính hư vinh.
      Người Nhật họ cũng bị vắt kiệt vì cái hư vinh "quốc gia dân tộc" đó, kết quả là kinh tế Nhật vươn lên nhóm đầu nhưng người dân thì kiệt quệ, tha hoá, bệnh tật, xã hội già hoá, ăn bám lao động nhập cư. Nước Nga ngày nay dù chưa vươn lên nổi như Nhật thì dân Nga cũng rơi vào cái thảm cảnh tương tự, họ tự hào về những thành tựu siêu việt của 1 bộ phận nhỏ trong xã hội, nhưng cái giá phải trả là phần đông xã hội sống trong tăm tối, lệ thuộc, ăn bám dân nhập cư từ các nước xung quanh.
      Ai cũng cho là mình có thể đi đúng cái con đường hư vinh ấy mà không lặp lại các khuyết tật cố hữu của nó. Mọi thứ nó đâu có đơn giản như mấy anh trẻ dại nghĩ!

      Delete