Monday, December 26, 2016

Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam

Các phe phái chống cộng đều có một lập luận chung rằng: Chủ nghĩa xã hội là một ảo tưởng chỉ có chủ nghĩa tư bản là hiện thực vì vậy Việt Nam cần phải từ bỏ ảo tưởng và đi theo hiện thực. Hoặc tinh vi hơn thì sẽ sử dụng hình mẫu các nước Bắc Âu để nói rằng có một con đường thứ ba, kết hợp giữa chủ nghĩa tư bản và dân chủ hay nhân quyền, tạo ra hạnh phúc ấm no. Tóm lại, tất cả những gì cần thiết là đi theo chủ nghĩa tư bản dưới hình thức này hay hình thức khác.

Đối với các vị tư sản thì trước kia có lịch sử nhưng khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện thì lịch sử chấm hết. Loài người mãi mãi dừng lại chủ nghĩa tư bản. Hãy thử tưởng tượng, bạn quay về đế quốc La Mã và nói với họ rằng xã hội chiếm hữu nô lệ trên đỉnh cao văn minh nhân loại của họ sẽ bị các bộ tộc German dã man đánh bại và thay thế nó bằng một chế độ khác. Những người La Mã văn minh ấy sẽ trả lời bạn hệt như các vị tư sản ngày nay. Hoặc gần hơn nữa, hãy nhớ lại lập luận của các vị tư sản khi họ treo cổ đám vua chúa phong kiến lên, mặc dù đám vua chúa và quý tộc phong kiến ấy giàu sang và có học hơn họ nhiều. Lúc đó nếu ai dám nói với họ rằng chế độ tư bản chỉ là ảo tưởng, chỉ có các triều đình phong kiến là hiện thực thì chỗ của người đó sẽ là trên giá treo cổ, bên cạnh vua chúa và quý tộc các loại.

Trước hết, chủ nghĩa xã hội không phải là ý tưởng kỳ quái từ đâu đó sinh ra, đó là quy luật của xã hội loài người, đó là quy luật của lịch sử, nó sinh ra khi chủ nghĩa tư bản đạt đến mức độ phát triển nhất định, ngay chính trong lòng xã hội tư bản với tư cách là sự thay thế chế độ tư bản. Quy luật ấy sẽ phải được thể hiện bằng sự lựa chọn của một số quốc gia nhất định bởi vì chủ nghĩa tư bản đã củng cố và tạo ra các biên giới quốc gia thống nhất thay cho các lãnh địa phong kiến tản mạn xưa kia.

Tại sao người Việt Nam lựa chọn chủ nghĩa xã hội mà không chọn chủ nghĩa tư bản?

Chủ nghĩa tư bản phát triển đến mức độ nhất định tại một số quốc gia thì nó sẽ phá hoại những điều kiện phát triển bình thường tại một số quốc gia khác khiến cho những quốc gia bị phá hoại không thể phát triển lên chủ nghĩa tư bản được nữa. Nếu các ngài tư sản có nói với bạn rằng hãy chọn con đường tư bản để được giàu có và hạnh phúc thì bạn hãy chỉ cho các ngài ấy thấy ngoài Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, chủ nghĩa tư bản chưa từng thành công ở bất cứ đâu, đa phần các nước khác hoặc là chìm trong đói nghèo lạc hậu của một xã hội đứng ở ngưỡng cửa của chủ nghĩa tư bản hoặc phải sử dụng một phiên bản không hoàn thiện của chủ nghĩa tư bản. Việt Nam là một nạn nhân của chủ nghĩa tư bản thời đại đế quốc, bom đạn, văn minh, dân chủ, nhân quyền phương Tây đã gần như đưa xứ sở của chúng ta về thời đồ đá, rất tiếc là họ không được như ý vì chúng ta đã tiến vào thời đại đồ nhôm. Con đường chủ nghĩa tư bản đã khép lại từ lâu và không hứa hẹn đem lại bất cứ thứ gì tốt đẹp cho Việt Nam. Lịch sử đã không cho chúng ta chọn chủ nghĩa tư bản.

Kể từ khai sinh cho đến nay, chủ nghĩa tư bản đã đạt đến độ chín của nó. Hãy nhớ rằng khi La Mã bị người German dã man đánh bại thì La Mã phát triển hơn German rất nhiều, sở dĩ có điều đó là bởi vì chế độ chiếm hữu nô lệ của La Mã đã mất hết động lực phát triển và trở thành gánh nặng. Chủ nghĩa tư bản ngày nay cũng vậy, các nước tư bản vẫn giàu có hùng mạnh và có thể hùng hổ bắt nạt cả thế giới, nhưng trong căn nguyên của chủ nghĩa tư bản thì cái quan hệ sản xuất của nó đã lạc hậu và mất hết động lực phát triển. Xưa kia khi quan lại phong kiến cố gắng bám lấy chế độ phong kiến trước sự đe dọa của chủ nghĩa tư bản bằng những lý lẽ nào thì giờ các vị tư sản lại bám lấy chế độ tư bản bằng những lý lẽ y hệt. Lý trí sáng suốt nào lại cho phép chúng ta bám lấy những gì đang suy tàn mà từ bỏ cái mới tốt đẹp hơn đang hình thành. Không, chính lý trí đã giúp người Việt có được sự lựa chọn sáng suốt. Cũng cần phải nói thêm rằng nếu không có cái lý trí sáng suốt ấy thì người Việt Nam cũng như nước Việt Nam thậm chí còn không tồn tại. Nỗi nhục nước bị xóa tên trên bản đồ, người Việt phải nói tiếng Pháp thay cho tiếng mẹ đẻ chẳng phải là mới ngày hôm qua thôi sao?

Chủ nghĩa tư bản phát triển dựa trên quan hệ giữa các cá nhân độc lập với tư cách chủ sở hữu hàng hóa, quan hệ giữa họ là mua bán. Những phương thức sản xuất khác thì không dựa trên việc mua bán hàng hóa nên buộc phải dựa vào các mối quan hệ gia tộc, huyết thống và sự mở rộng nhất định của các thiết chế mang tính tập thể. Khi các chủ nghĩa tư bản phát triển thì Việt Nam mới ở vào giai đoạn tan rã của chế độ phong kiến vì vậy các quan hệ xã hội và thiết chế mang tính tập thể của người Việt Nam vẫn còn rất mạnh. Chính yếu tố đó khi được trui rèn trong lò lửa của cách mạng vô sản và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc suốt nửa sau thế kỷ 20 đã nuôi dưỡng trong lòng xã hội Việt Nam cái hạt nhân mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội. Lý trí của người Việt bắt nguồn từ hiện thực của người Việt chứ không phải là một ảo tưởng sùng bái vĩ nhân hay học thuyết ngoại lai nào đó. 

Nói tóm lại, lịch sử đã chọn con đường xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam vì trong lòng xã hội Việt Nam đã mang sẵn những mầm mống của nó, cho dù nước Việt Nam vẫn còn chưa được giàu mạnh. Hãy nhìn lại lịch sử! Chẳng phải các bộ tộc người German dã man đã đánh bại La Mã thần thánh đó sao? Chẳng phải thương nhân Hà Lan đã đánh bại cả triều đình Habsburg lẫn đế quốc Tây Ban Nha hùng mạnh để giành độc lập sau 80 năm kháng chiến gian khổ ngay giữa lúc chế độ phong kiến châu Âu đạt tới đỉnh cao đó sao? Cần phải nói thêm rằng cũng chính người Hà Lan đã đưa William Orange lên ngai vàng nước Anh (để làm đồng minh chống lại Tây Ban Nha), mở đường cho nước Anh rệu rã sau này trở thành đế quốc của thời đại tư bản.

Để hình thành xã hội tư sản thì giai cấp tư sản của nó phải đủ mạnh, nhưng chính bản thân giai cấp tư sản ở Việt Nam lại chưa bao giờ đủ mạnh và độc lập. Giai cấp tư sản Việt Nam hình thành nhờ vào vai trò trung gian giữa đế quốc và người bản địa, thế nên dưới chế độ thuộc địa thì giai cấp tư sản hoàn toàn lệ thuộc vào đế quốc. Khi chế độ thuộc địa bị đập tan thì giai cấp tư sản cũng nhanh chóng tan rã, những mảnh còn lại của nó buộc phải bám lấy giới tiểu thương thành thị, nông dân giàu và trí thức. Sau này, khi kinh tế thị trường được phát triển trở lại ở Việt Nam, giai cấp tư sản bắt đầu hồi phục, nhưng vì không có truyền thống thống trị độc lập nên hệ tư tưởng của giai cấp này cũng không độc lập, nó phân tán và chịu đủ sự chi phối từ các tầng lớp khác, khi phải đối mặt với sự tổ chức và tính kỷ luật đã được rèn rũa bằng cách mạng của giai cấp vô sản thì nó hoàn toàn bất lực. Chính hoàn cảnh lịch sử này đã phản ánh vào tâm thức của một bộ phận tầng lớp trí thức ở Việt Nam. Trên thực tế họ là cái loa của giai cấp tư sản do đã bị tư sản hóa, do những mảnh của giai cấp tư sản ẩn náu trong họ. Sự yếu đuối bế tắc, không có tư tưởng độc lập của giai cấp tư sản được thể hiện thành những luận điệu lải nhải về sự ngu dốt thấp kém của người Việt nói chung, mặc dù đó thực ra là của giai cấp tư sản Việt Nam.

Chính người lao động Việt Nam đã chứng minh được trí tuệ và bản lĩnh của họ trong suốt nửa thế kỷ qua, những người nông dân chân lấm tay bùn, những người thợ nhem nhuốc dầu mỡ, những anh giáo làng nhút nhát đã bằng chính đôi tay của mình quật ngã những đế quốc sừng sỏ nhất của thế kỷ 20, ngay giữa thời đại phát triển thịnh vượng nhất của họ. Đó chẳng phải bản lĩnh và trí tuệ đó sao? Để làm được điều đó thì chẳng phải cần đến sự tổ chức cũng như kỷ luật sắt đá đó sao? Hãy nhớ rằng đó là kỷ luật của máu, còn cao hơn kỷ luật của ngọn roi cá đuối thời đại chiếm hữu nô lệ và kỷ luật của cái đói trong chế độ tư bản! Thật nực cười khi nói rằng người Việt Nam không biết tổ chức cũng như không có kỷ luật. Hãy nhớ rằng khi những kẻ giàu có đu càng máy bay trực thăng chạy trốn thì chính những người lao động lầm than đã xây dựng lại đất nước Việt Nam từ đống tro tàn trong cảnh bị đe dọa, bao vây, cấm vận và vẫn phải cầm khẩu súng chiến đấu. Giai cấp vô sản Việt Nam hình thành chậm hơn và thiếu sự phát triển hơn so với giai cấp vô sản ở các nước tư bản phát triển nhưng họ mang trong mình hạt nhân cách mạng mà ít có giai cấp vô sản ở các quốc gia khác có được, đó là lý do khiến nước Việt Nam vẫn còn đứng vững đến nay, ngay cả khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ.

Hoàn cảnh lịch sử ấy cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin đã đẩy xã hội Việt Nam vào một giai đoạn đặc biệt đáng chú ý trong lịch sử, có thể gọi nôm là "đánh võ mồm" hay "bàn phím chiến".

Sợ hãi trước trí tuệ và bản lĩnh của người lao động Việt Nam, giai cấp tư sản cũng như những kẻ tay sai của họ không ngừng tìm cách bôi nhọ người Việt Nam (nực cười thay, khi đó họ không xem bản thân là người Việt, hệt như Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại). Họ không ngừng lôi ra những cái gọi là thói hư tật xấu của người Việt Nam và so sánh với những gì gọi là văn minh, tốt đẹp của phương Tây (theo chủ nghĩa tư bản). Chuyện này đã khiến rất nhiều người bị nhầm lẫn. Nhưng hãy hình dung bằng một ví dụ đơn giản, một đứa bé đang tuổi ăn tuổi lớn, bố mẹ nó không khá giả lắm thì sẽ mua cho nó bộ quần áo rộng một chút để nó có thể mặc được lâu. Đứa bé mặc bộ quần áo rộng thùng thình thì trông sẽ rất xấu xí, không thể so sánh với những đứa bé con nhà giàu mặc bộ quần áo vừa vặn được. Nhưng những người hiểu biết liệu có chê bai chế nhạo đứa bé kia về bộ quần áo rộng và bộ dạng chả mấy đẹp đẽ của nó không? Chắc chắn không có người hiểu biết nào lại làm cái điều ngớ ngẩn đó. Xã hội Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nó tạo ra hàng sa số những xung đột giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội, hàng sa số những vấn đề mà hiện tại không có cách nào giải quyết được, nhất là khi các điều kiện cần thiết để giải quyết chúng chưa xuất hiện. Những hiện tượng đó cho thấy xã hội Việt Nam đang chuyển mình nhanh chóng. Tranh luận và cãi cọ về những thứ đó chỉ tốn thời gian và chẳng đem lại lợi ích gì. Thậm chí chính tư duy của cái bộ phận dân cư không ngừng nguyền rủa và hạ nhục người Việt nói chung kia cũng là sản phẩm của hoàn cảnh ấy, nó thể hiện sự bất lực và thiếu hiểu biết của họ trước những xung đột xã hội và nó cũng sẽ tan biến khi những xung đột ấy chấm dứt. Ở đây lý trí của người vô sản bình thường sẽ mách bảo cho bạn biết rằng những gì bạn cần làm lúc này là chọn xem vấn đề nào giải quyết được và giải quyết vấn đề đó chứ không phải đứng đó gào thét và chửi bới cái mớ hỗn độn quanh bạn. 

Cần phải trả lời cái luận điệu "Phương Tây là văn minh và tốt đẹp, hãy học họ để văn minh và tốt đẹp chứ đừng biện minh cho bản thân bằng những vấn đề của họ" ra sao? Rất đơn giản, luận điểm đó dựa trên hai giả định, thứ nhất là phương Tây văn minh tốt đẹp hơn Việt Nam, thứ hai là những cái văn minh và tốt đẹp ấy không gắn liền với các vấn đề của họ. Điều thứ nhất bạn có thể chứng minh rằng đó là tâm thức của những kẻ nô lệ, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy phương Tây văn minh tốt đẹp hơn và phải "Thoát Á" hay "Thoát Trung", đó là điều nhảm nhí. Cái tâm thức ấy rất điển hình của giai cấp tư sản và một bộ phận trí thức Việt Nam, họ làm trung gian giữa các đế quốc phương Tây và người Việt thế nên sự siêu việt của văn minh phương Tây đảm bảo cho địa vị đặc quyền của họ và do đó họ sẽ phủ nhận mọi sự tốt đẹp của người Việt (vì điều đó đe dọa địa vị của họ). Phần thứ hai cũng có thể chứng minh đơn giản, các vấn đề của phương Tây gắn liền với những cái gọi là văn minh và tốt đẹp của phương Tây, đi theo con đường của phương Tây (hay chủ nghĩa tư bản) là chấp nhận những thứ đó. Hãy vạch mặt giai cấp tư sản và tay sai của giai cấp tư sản bằng cách ấy. Hãy hiểu rằng cái mà giai cấp tư sản Việt Nam muốn là chủ nghĩa tư bản phương Tây, còn tất cả những gì tệ hại như thất nghiệp, bần cùng, tội phạm, tàn phá môi trường, khủng hoảng kinh tế, sự tha hóa của nhân cách thì giai cấp vô sản sẽ phải gánh chịu, thế nên chúng sẽ luôn phớt lờ những mặt trái của xã hội phương Tây để ca ngợi những thứ phù hợp với lợi ích của chúng. Hãy luôn nhớ rằng giai cấp công nhân và nông dân sẽ phải gánh chịu toàn bộ những thảm họa đó, nếu giai cấp tư sản thành công trong việc thay đổi hướng đi của đất nước này.

30 comments:

  1. Thầy TTC đưa em đến đây. Mặc dù em mới đang là sinh viên năm II, còn rất mơ hồ về chính trị xã hội, chưa có kiến thức gì về tư sản, vô sản, giai cấp,... nhưng qua những bài viết như này, hay những status của thầy TTC, em nghĩ mình muốn trở thành một người vô sản trong tương lai. Hiện tại em hiểu một người vô sản là người đấu tranh cho giai cấp vô sản, mong muốn hướng đến một xã hội dân chủ công bằng, tất cả mọi người đều được hưởng những quyền lợi như giáo dục, y tế, ... làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, ... Mong được đọc nhiều hơn những bài viết của Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cái câu "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" hóa ra không phải của Marx đâu nhé :D Cái này tôi đọc FB của LQT mới biết đấy.

      Delete
    2. Xin được chào mừng bạn, hồi còn học đại học tôi cũng từng có ước muốn như bạn. Giai cấp vô sản đấu tranh là để xóa bỏ chính bản thân mình (tức là xây dựng một xã hội không có giai cấp), hay nói theo kiểu kinh Phật là "Gặp Phật thì giết Phật" (câu này là công án của Thiền phái) :D

      Delete
    3. trước muốn người dân tin vào cái chủ nghĩa xã hội vô sản thì những người thấm nhuần cái tư tưởng ó hãy làm gương đi ,cán bộ ,lãnh đạo nhà nước hãy trở thành vo sản hết đi . Trong khi những con người thấm nhuần nhất cái chủ nghĩa vô sản ấy lại là những kẻ tư sản số một ,một kiểu tư sản gần như là từ thời chiếm hữu nô lệ tham nhũng của dân thì tất cả những thứ gọi là tiến lên chủ nghĩa xã hội chỉ là mị dân lừa bịp .

      Delete
    4. nhà nước có thể sử dụng những người có tài tổ chức nhất và những chuyên gia giỏi nhất bằng hai cách: hoặc là theo phương thức cũ, phương thức tư sản (nghĩa là trả lương cao) hoặc theo phương thức mới, phương thức vô sản (nghĩa là thiết lập những điều kiện kiểm kê và kiểm soát do toàn dân thực hiện từ dưới lên, những điều kiện này tự nó nhất định sẽ giúp chúng ta thu phục được các chuyên gia, lôi kéo họ về với chúng ta).
      " Những nhiện vụ trước mặt của chính quyền Xô-viết " của lênin

      Delete
  2. Nhân tiện anh nói về mô hình Bắc Âu, nhưng đây là mảng thông tin mà có lẽ ít người biết, trong đó có em. Vì thường mọi người luôn quan tâm tới các nước phát triển nhất như Hoa Kỳ. Em cũng không rõ vì sao các nước Bắc Âu lại giàu và có phúc lợi cao? Một số bạn bè thì nói là do bán vũ khí, nhưng cũng ít ai chỉ ra tài liệu cụ thể. Nếu anh có tài liệu hoặc bài viết nào đó thì tốt quá :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đợt trước khi Bernie Sanders ra tranh cử tổng thống Mỹ, ông ta có ca ngợi mô hình XHCN kiểu Bắc Âu, thế là báo chí Mỹ đua nhau bóc mẽ mô hình Bắc Âu, thông tin nhiều nhan nhản.

      Vấn đề đơn giản nhất là người ta chỉ cần nhìn vào quy mô của nền kinh tế và chính sách của các nước Bắc Âu. Ví dụ Thụy Điển vào những năm 1960-70 của thế kỷ trước từng xếp thứ 4 thế giới về GDP nhưng giờ họ còn không vào nổi top 20. Từ những năm 1970 đến nay các nước Bắc Âu tăng trưởng rất chậm và đối mặt với nhiều vấn đề xã hội khiến họ phải cắt giảm dần các chính sách phúc lợi và thực hiện các cải cách kiểu tân tự do (có nghĩa là chính các nước Bắc Âu cũng đang từ bỏ mô hình của họ). Đó là điều những người ca ngợi mô hình Bắc Âu luôn tránh nói đến.

      Lý do các nước Bắc Âu lựa chọn mô hình nhà nước phúc lợi (Welfare State) là do đặc điểm về giai cấp của họ khi hình thành quốc gia. Ở các nước này giai cấp tư sản buộc phải dựa vào tầng lớp công nhân cổ trắng để duy trì sự thống trị, do đó các chính sách phúc lợi được lựa chọn và có thể phát huy hiệu quả. Bạn có thể tham khảo cuốn "Transition from Capitalism to Socialism" của John D. Stephens (có trên gen.lib.rus) để hiểu thêm quá trình phát triển của các nước Bắc Âu.

      Huyền thoại về mô hình Bắc Âu cũng giống hệt như huyền thoại về Nhật Bản, người ta luôn kêu gào là Việt Nam phải học Nhật Bản, nhưng người ta cũng luôn lảng tránh sự thật là Nhật Bản đã trì trệ suốt hơn 20 năm nay, thậm chí nhiều năm còn tăng trưởng âm. Nếu Bắc Âu cũng như Nhật Bản thật sự vĩ đại thì họ đã không phải hấp hối lâu đến thế.

      Delete
    2. Ra là vậy. Cám ơn anh về thông tin bổ ích.

      Delete
  3. ÔNG NGỒI TRÊN LƯNG CON LỪA VIẾT THÌ NHANH LÀM SAO KỊP.NGỒI CHỖ KHÁC VIẾT ĐI.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Viết là suy ngẫm, viết chậm thì nghĩ được sâu. Viết là rèn luyện bản thân, muốn tiến xa thì phải đi từ từ.

      Delete
  4. HSCL cho em hỏi giai cấp vô sản ở Việt Nam hiện nay có phải là giai cấp công nhân không, và đặc trưng nhiệm vụ của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời đại hiện nay là gì ạ? (Đây là một trong hai câu trong đề thi Nguyên lí Mác-Lênin của trường ĐHSP HN thi vào ngày 8/1)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi không làm công việc giảng dạy. Ở đây tôi cũng không giải đáp các vấn đề thuộc giáo trình và thi cử, các vấn đề đó xin bạn vui lòng xem lại giáo trình.

      Delete
    2. This comment has been removed by the author.

      Delete
    3. Giai cấp công nhân là một bộ phận của giai cấp vô sản, đặc trưng của giai cấp công nhân VN nói riêng hay công nhân toàn thế giới nói chung là không có tư liệu sản xuất,không có tài sản gì đáng giá, nhiệm vụ của họ là phải hoàn thành công việc được giao.

      Delete
  5. Cứ hễ Tết đến là các tri thức cấp tiến đòi gộp Tết Tây và Tết Ta, anh nghĩ thế nào về vấn đề này ạ ? Em cho rằng những người này chia làm 2 bộ phận, một là bị đầu độc, 2 là cố tình đầu độc để hưởng lợi, những người hưởng lợi ở đây đa số là mấy chuyên gia kinh tế hay chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ có liên doanh với tập đoàn ngoại quốc vốn chưa quen với thị trường Việt Nam, họ luôn muốn những gì thuận lợi nhất cho họ nên hay kêu gào gộp Tết, bằng những lập luận cực kì mang tính "nô lệ" (có lẽ họ biết, nhưng vẫn cố tình nói thế). Điều này cũng cho thấy đấu tranh giai cấp ở nước ta khá quyết liệt, phỉa không ạ ? :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. https://cunom.blogspot.com/2014/01/ban-ve-viec-nghi-le.html Bác Nỡm bàn 1 lần rồi. Chắc bạn muốn nghe thêm điều gì khác chăng? :v

      Delete
    2. Em muốn tìm hiểu thêm về cấu trúc của giai cấp tư sản Việt thôi ạ. Có lẽ khi bàn về nghỉ Tết thì nó sẽ lộ rõ tính giai cấp ra nhất. :D

      Delete
    3. Dường như điều đó có vẻ không quan trọng lắm. Còn trong tầm mắt cá nhân thì mình thấy giai cấp tư sản hình thành từ một bộ phận công chức/viên chức, thương nhân. Có lẽ 2 bài viết này của anh Nỡm là đủ để hiểu toàn cảnh vấn đề rồi.

      1) https://cunom.blogspot.com/2013/10/ban-chat-cua-phong-trao-dan-chu.html

      2) https://cunom.blogspot.com/2014/09/dan-chu-va-chuyen-che.html

      Delete
  6. ÔNG không những cưỡi lừa ,mà có cả một bộ óc con lừa, bài viết ma mị, có thể nói là nhố nhăng lừa bịp ,cái chủ nghĩa của ông đã phát triển ở LIÊN XÔ và cả đông âu nó sụp đổ từ lâu rồi nếu nó tốt đẹp thế giới văn minh đã không loại bỏ nó, và ở ta có người đã nói hết thế kỉ này không chắc đã nhìn thấy nó,và nó giẫy chết thì sao các quan toàn cho con họ đi học ở nước của bọn giẫy chết,và người lao động chỉ mong sao được vào nước họ để họ bóc lột, thực tế năm nay đẫ mang về 11 tỷ DÔLA. Nghĩ sao đây hỡi bộ óc con LỪA.khi gõ phím nhớ nhìn trước ngó sau nhớ.

    ReplyDelete
  7. Chả bao giờ viết về giai cấp dlv như mình cả. Mốt vào cho say mới được

    ReplyDelete
  8. Sau khi đọc "tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản" chương 2 thì em thấy Việt Nam ta cũng như Trung Quốc đang thực hiện những đường lối khá tương tự với đề xuất của Mác. Nhưng có một vấn đề là tại sao đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước lại ngày càng thấp so với đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân ạ ? Mặc dù thực tế cho thấy giai cấp tư sản ở cả 2 quốc gia này không thể lật đổ nổi chính quyền vô sản, thậm chí một số muốn tồn tại thì phải sống bám vào chính quyền đấy, nhưng quyền lực kinh tế của giai cấp tư sản lại mạnh hơn một đoạn, đặc biệt là ở Trung Quốc giờ đây đã xuất hiện các siêu tập đoàn tư nhân. Có phải là do sự sản xuất hàng hóa của những doanh nghiệp quốc doanh chưa tạo nên sự tham gia đầy vào các công việc quyết định sản xuất hàng hóa của những người vô sản,đáng lẽ ra phải là thế mạnh của nó so với các doanh nghiệp tư nhân chỉ dựa một phần vào nhu cầu xã hội trong nền kinh tế thị trường, nên những người vô sản mới đành để cho kinh tế tư nhân hoạt động trong tầm kiểm soát của họ để đảm bảo cho tính xã hội của sự sản xuất hàng hóa ạ ? Cũng như tạo tiền đề cho sự tích lũy tư liệu sản xuất để xóa sổ toàn bộ ptsx tbcn ? Em có mấy thắc mắc và mấy ý kiến như thế, mong anh chỉ giáo thêm ạ, em cảm ơn anh :D.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Câu hỏi của bạn dựa trên giả định cho rằng sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước là đặc trưng của CNXH, nhưng giả định đó chính là mô hình CNXH kiểu Liên Xô đã sụp đổ. Doanh nghiệp là một thiết chế, nó là hệ quả của QHSX chứ không phải ngược lại, do vậy ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng tồn tại dựa trên quan hệ mua bán hàng hóa và sức lao động, tức là vẫn tạo ra sự cạnh tranh, bóc lột, lãng phí, cũng như sự tích lũy tư bản. Sự thăng trầm của nó là tất yếu trong cái khuôn khổ đã tạo ra nó. Trong giai đoạn quá độ lên CNXH, Việt Nam đã học được một bài học rất lớn từ sự sụp đổ của Liên Xô, đó là doanh nghiệp nhà nước không phải là CNXH, cũng như sự lớn lên của doanh nghiệp tư nhân sẽ là thảm họa nếu như giai cấp vô sản không kiểm soát chúng bằng cách áp dụng các quy luật chi phối chúng.

      Delete
    2. Hay quá ! Em cảm ơn anh.

      Delete
  9. bài này có rất nhiều điểm ko hợp lý:

    _ chiến thắng của nhân dân Việt Nam (tôi nhấn mạnh là toàn bộ nhân dân Việt Nam, ko riêng của 1 giai cấp nào) trước đế quốc Mỹ là sự chiến thắng của chiến tranh tự vệ chính nghĩa trước chiến tranh xâm lược phi nghĩa. Tác giả là dùng làm minh chứng cho sự chiến thắng của 1 CNXH trước CNTB. Như vậy phải nói như thế nào về thất bại của Liên Xô ở Afganistan?

    _ dẫn chứng về Thuỵ Điển và Nhật Bản là ko thuyết phục, kinh tế Nhật Bản "trì trệ suốt 20 năm qua" ? CNTB "hấp hối" ? hoàn toàn là những luận điệu sặc mùi tuyên truyền.

    _ Marx là 1 nhà triết học, nhà kinh tế, ko phải vị thánh, những gì ông ta nói (ví dụ về giá trị thặng dư và sự bóc lột) đúng trong thời điểm ông ta sống, ko có nghĩa là bây giờ nó vẫn đúng. Giai cấp vô sản ở VN lúc này gồm những ai???? thế nào là "tầng lớp thống trị" ? Trong khi CNTB từ thời Marx đã có những thay đổi rất lớn, thậm chí là học hỏi rất nhiều từ CNXH để tự hoàn thiện, thì các vị vẫn cứ ôm những cái tư tưởng CNXH của Marx từ thế kỉ 19 và phán chuyện thế kỉ 21.

    _ đánh giá rằng "dân tộc VN có mầm mống của CNXH" là hoàn toàn cảm tính. mô hình hợp tác xã hoạt động tốt kể cả ở Mỹ, Israel, Bắc Âu... thì đã hoàn toàn thất bại ở VN, người nông dân VN vẫn mang tâm tính của những người sống dưới chế độ phong kiến.

    _ cũng như nhiều giọng điệu rất cũ trong các sách tuyên truyền chính trị, luôn đả kích những mặt xấu của CNTB , vậy CNXH có mặt xấu của nó hay ko? giọng điệu "cái gì ra sau là tiến bộ hơn cái trước" vậy chế độ phát xít của Hitler có tiến bộ hơn CNXH ko? Tôi hoàn toàn ko thấy được sự logic trong kiểu lập luận sau: A là phương án rất xấu, B là phương án tiếp theo, suy ra B tốt đẹp hơn A.

    Dựa vào cái gì mà tác giả dám chắc chắn quan hệ sản xuất TBCN đã lạc hậu và ko thể phát triển? Dựa vào cái gì mà tác giả dám nói nền sx dựa vào các cá nhân đã hết thời? Trong khi đó ở thế kỉ 21 mới chỉ là sự khởi đầu cho "shared-economy" là điều kiện tạo ra sự bùng nổ của những cá nhân thay vì những tập thể lớn.

    _ kiểu tuyên truyền "CNXH là tương lai, là tốt đẹp bla bla" chẳng khác gì các loại tôn giáo lừa bịp về 1 thứ "kiếp sau" gì đó ko biết bao giờ mới tới.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn bạn. Nhờ những bình luận này mà tôi biết được có một loại hóa thạch đặc biệt ở Việt Nam, đó là những "bộ óc hóa thạch". Trong khi những người vô sản luôn sống với thực tại của thế kỷ 21, thì những bộ óc hóa thạch kia lại muốn kéo dân tộc VN về thời xa lắc :v

      Delete
    2. Tôi nghĩ bình luận của bạn có rất nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề là kiến thức, tôi xin chỉ ra vài điều như sau:

      1. Trong bất kì cuộc chiến tranh nào, dù chính nghĩa hay phi nghĩa thì ẩn đằng sau nó đều mang tính giai cấp, tức là phải có giai cấp lãnh đạo cho cuộc chiến đó, chống lại giai cấp định áp đặt ách thống trị lên họ. Trong chiến tranh Việt Nam thì giai cấp lãnh đạo rõ ràng là giai cấp vô sản mà nòng cốt là công nhân và nông dân, họ đứng dậy liên kết và cùng nhau chống lại chính quyền tư sản Mỹ và chính quyền tư sản tay sai do những kẻ này dựng lên. Rõ ràng nếu tất cả các giai cấp trong xã hội đều một lòng chống lại giặc ngoại xâm thì Mỹ chẳng có cơ hội nào để thiết lập một chính quyền ủng hộ nó, để nó duy trì sự thống trị gián tiếp cả. Và cũng bằng lập luận của bạn thì tôi cũng có quyền nói rằng "Đế Quốc Mỹ" bao gồm cả những người dân tội nghiệp của Mỹ không ủng hộ chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam :D. Còn chiến tranh Afganistan thì tôi chưa rõ ràng lắm, bạn có thể đưa lên đây để mọi người cùng bàn luận ?

      2. Dẫn chứng về Thụy Điển và Nhật Bản của tác giả là để đánh đổ những lập luận về sự "thần kì" của 2 quốc gia này, chứ không dùng để cho rằng cntb đang "hấp hối". Thực tế đã cho thấy rằng cả 2 quốc gia này đều tăng trưởng rất chậm trong 2 thập kỉ qua, thập chí có năm tăng trưởng âm, điều này cho thấy phương thức sản xuất của họ có vấn đề, nếu nó thực sự thần kì thì họ phải liên tiếp đi lên chứ không dậm chân tại chỗ lâu đến như thế.

      3. Karl Marx đúng là một nhà triết học, kinh tế chính trị học, ông không phải là thánh, nhưng ông kế thừa những người đi trước để chỉ ra quy luật mang tính căn bản nhất của phương thức sản xuất TBCN, cũng như là trình bày một cách rõ ràng về tính giai cấp của xã hội tư sản. Vì thế mà dù là ở thế kỉ 19, hay 21, thì những cái căn bản đó chưa hề thay đổi, ptsx tbcn vẫn dựa trên sự tư hữu tư liệu sản xuất, lao động làm thuê, các quan hệ mua bán trên thị trường,... và như thế mà sự vận động của nó vẫn luôn mang tính quy luật nhất định, dù cho đó là thế kỉ 21, hay là thời đại của Adam Smith. Nói về giai cấp thống trị thì rõ ràng giai cấp thống trị xã hội Việt Nam là giai cấp vô sản với bộ máy chính quyền được xây dựng dựa trên những người lao động, sau này khi kinh tế thị trường được khôi phục thì dĩ nhiên sẽ có một số đại biểu của giai cấp tư sản thành công tiến vào bộ máy nhà nước, nhưng điều đó không đáng kể mấy. Còn chuyện CNTB đã "hấp thụ" tinh hoa của CNXH, hay chính các phong trào công nhân, phong trào đấu tranh của những tầng lớp dưới đáy xã hội đã ép CNTB phải nhượng bộ, thì tôi xin để bạn trả lời.

      4. Tác giả đã nói rõ ràng, Việt Nam vừa mới thoát ra xã hội phong kiến chưa bao lâu nên các thiết chế tập thể vẫn còn rất mạnh, nên nó rất phù hợp cho một chế độ xã hội chủ nghĩa dựa trên quan hệ hiệp tác, bình đẳng. Và tôi nghĩ rằng việc bạn đưa ra một ví dụ về "hợp tác xã" như vậy là rất mơ hồ. Hợp tác xã trên thế giới là một mô hình sản xuất kinh doanh, ra đời dựa trên sự hợp tác giữa các cá thể kinh doanh sản xuất nông nghiệp nhỏ và phân tán vốn không có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, vì thế hoạt động sản xuất, phân phối, phân chia lợi nhuận cũng như tín dụng trong hợp tác xã cũng phải dựa trên các nguyên lí hoạt động của thị trường, nó xuất hiện các cơ chế phân công lao động giữa các khu vực sản xuất với nhau và sản phẩm đầu ra là của chung của htx và đưa ra phân phối trên thị trường, tiền bán được phân phối trở lại cho các thành viên và họ trích những khoản tiền đó góp vào quy htx, tức là ở đây cơ chế sản xuất, quản lí htx chả khác gì các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa hiện đại, khác hẳn với cơ chế quản lí kiểu cũ của Việt Nam, vốn dựa trên hoạt động chung trên các mảnh đất của htx mà không có sự phân công rõ ràng, vì thế sản xuất trên htx hỗn loạn và thất bại, tức là ở đây các hoạt động của htx cũng bị chi phối bởi các quan hệ xã hội, chứ chẳng liên quan gì tới tính cộng đồng lẫn thiết chế xã hội của người Việt cả.

      Delete
    3. 5. Bạn lại tiếp tục bảo vệ luận điểm của bạn bằng việc lập lờ đi các yêu tố vận động trong xã hội và qui hết nó về mặt logic hình thức. Thứ nhất, hình thái xã hội không phải là các "phương án" nhìn như ngang bằng nhau, nó phải dựa trên sự phát triển của PTSX và quan hệ xã hội. Khi CNTB đi đến độ chín và cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất, mà biểu hiện là khủng hoảng kinh tế, bần cùng hóa, chiến tranh, ... thì chính CNXH sẽ là sự thay thế hợp lí cho nó, và sự xuất hiện của CNXH dựa trên chính các quy luật vận động của CNTB, xóa sổ đi hoàn toàn phương thức sản xuất cũ, qua đó xóa sổ luôn các loại bệnh tật của xã hội cũ. Nếu muốn hỏi về sự tốt đẹp của CNXH thì tôi nghĩ chúng ta nên nhìn về Liên Xô cũ, nơi mà các chế độ chăm sóc con người được đưa tới đỉnh cao và gắn liền với sự phát triển của nó, các vấn đề xã hội khác của nó cũng hoàn toàn chưa là gì so với các nước tư bản phương Tây, mặc dù CNXH ở LX vẫn chưa thực sự hoàn thiện và luôn bị chống phá một cách quyết liệt từ các quốc gia tư bản phát triển phương Tây. Còn về cái ví dụ của bạn thì tôi cho rằng là nó rất vớ vẩn, chủ nghĩa phát xít vẫn dựa trên phương thức sản xuất tư bản, chỉ khác là nó can thiệp vào hoạt động của nền kinh tế để điều chỉnh thị trường về thế cân bằng, nó chẳng những chẳng xóa bỏ đi ptsx cũ mà còn củng cố lại nó bằng quyền lực nhà nước, vì thế mà chủ nghĩa phát xít chẳng thế nào tiến bộ hơn cnxh được. Các nhà nước tư bản sau này cũng áp dụng phương thức tương tự để thoát khỏi khủng hoảng, điều này có khác gì tự nói rằng cntb không thể so được với cnpx không bạn ?
      6. Quan hệ sản xuất TBCN vốn dựa trên những thương nhân độc lập, sự sở hữu một lượng lớn tư liệu sản xuất, tư bản ứng trước và một lượng đủ lớn lao động làm thuê để đầu tư cho hoạt động kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên ptsx tbcn bị giới hạn bởi chính tư bản, tức là nó luôn bị hạn chế bởi ý chí của những người quyết định việc sản xuất hàng hóa. Hàng hóa sản xuất được phải luôn đảm bảo cho túi tiền của nhà tư bản, vì thế mà tính xã hội của hàng hóa không triệt để. Ngoài ra để đảm bảo sự độc quyền trong việc cải tiến sản phẩm thì nó tạo đủ các hàng rào tiêu chuẩn, kĩ thuật, sở hữu trí tuệ để ngăn không cho các lực lượng sản xuất khác được phép phát triển những sản phẩm đó cho xã hội và như thế sự tiến bộ trong việc sản xuất chỉ đến từ cạnh tranh, tức là họ phải luôn hủy bỏ các tư liệu sản xuất, các sản phẩm cũ để tìm cách duy trì vị thế của mình trên thị trường, càng ngày thì ptsx đó gây nên sự phá hoại lớn cho xã hội, mà biểu hiện là khủng hoảng, dư thừa của cải, thất nghiệp, …. Đó là lí do tại sao nó sẽ phải dừng lại và nhường đường cho ptsx mới. Từ cuối thế kỉ 20 cho đến đầu thế kỉ 21, các quốc gia tư bản lớn nhất đã tăng trưởng chậm chạp và lien tục rơi vào khủng hoảng, họ không còn duy trì vị thế thống trị kinh tế nữa, bên cạnh đó là hàng loạt các vấn đề xã hội khác như khủng bố, ma túy, nhập cư bất hợp pháp, … Tất cả đều chỉ biểu hiện cho sự thất bại của chủ nghĩa tư bản thôi. Cái ví dụ cũng cho thấy bạn không hiểu gì về chủ nghĩa tư bản cả. Kinh tế chia sẻ (sharing economy) chỉ gồm các hoạt động kinh tế dịch vụ mà ở đó người ta cho phép các cá thể nhỏ được chia sẻ quyền sử dụng tạm thời một số tài sản có sẵn, hoặc phân phối sản phẩm dư thừa với giá cả rẻ mạt, nó không đại diện cho hoạt động sản xuất hàng hóa xã hội mà tôi đã đề cập ở trên.
      7. Cũng như đã nói ở trên, người ta đã tìm ra những quy luật và cơ sở để cho xã hội thế này phát triển bằng những phương pháp luận mang tính khoa học, thậm chí những nhà nước có dấu vết của CNXH cũng từng xuất hiện thì không thể nói nó là tôn giáo được.

      Delete
  10. Mình đồng ý với bạn bảo cách phản bác thật hay, bạn rất giỏi phản bác.
    Nhưng mình có câu hỏi .
    Tại sao khi mở cửa thị trường, ở việt nam, trung quốc lại xuất hiện nhiều nhà tư sản đến vậy, sự phát triển các công ty tư nhân nhanh hơn nhà nước, dần chở thành tập đoàn, siêu tập đoàn...giờ nhà nước buộc phải giảm bảo hộ cho doanh nghiệp nhà nước. Cnxh, cncs là giấc mơ con người sẽ hướng đến, nhưng con đường đang đi không phải là con đường hướng đến nó. Mình đang thấy không tin vào cách mà những nước lấy danh xhcn hiện nay đang hướng đến cncs nữa.

    ReplyDelete
  11. nói thật mình thấy Việt nam chưa từng nằm trong tay của giai cấp công nhân. Người ta đã thay chuyên chính của giai cấp công nhân thành chuyên chính của bộ máy quan liêu.

    ReplyDelete