Showing posts with label Văn hóa. Show all posts
Showing posts with label Văn hóa. Show all posts

Wednesday, March 23, 2016

Văn hóa Nhật Bản dưới một góc nhìn khác

Điều đáng phiền lòng ở Việt Nam hiện nay là hầu hết các bài báo về nước ngoài, ví dụ như các bài báo về Nhật Bản đều mang tính tự ti dân tộc, hoặc chỉ để so bì nhằm nhấn mạnh vào nhược điểm của Việt Nam hoặc ca ngợi và sùng bái nước ngoài một cách thái quá, do vậy làm rối loạn nhận thức của người đọc. Dưới góc nhìn khác, góc nhìn của một nhà nghiên cứu nữ phương Tây về nữ quyền trong cuốn “Womansword: What Japanese words say about woman” của Kittredge Cherry do nhà xuất bản Kodansha International tái bản năm 2002 (xuất bản lần thứ nhất năm 1987) thì người ta lại thấy văn hóa Nhật Bản có nhiều nét gần gũi với Việt Nam. Dưới đây là một số mục từ Nhật Bản được trích trong cuốn sách để minh chứng cho điều ấy.

Amaterasu Omikami: Đại Thiên Quang Mẫu

Vào ngày đầu tiên của năm mới, một số người Nhật Bản sẽ thức giấc sớm để ngắm mặt trời nhô lên khỏi chân trời, nhắc họ nhớ về nguồn gốc. Nữ thần mặt trời, Đại Thiên Quang Mẫu (Amaterasu Omikami), là mẹ tổ tiên của tất cả người Nhật Bản và là vị thần tối cao trong thần thoại Shinto. Shinto là một trong số ít tôn giáo trên thế giới coi mặt trời là nữ giới. Theo thần thoại đầu tiên được ghi nhận vào khoảng 1.300 năm trước đây, Amaterasu đã trao cho cháu trai của bà tấm gương, thanh kiếm và đồ trang sức hình cây đào lộn hột, cho đến nay vẫn được ca tụng là “Ba Bảo Vật Linh Thiêng”, sau đó gửi cậu xuống sinh sống ở “Miền Đất Đồng Bằng Đầy Lau Sậy và Lúa Mới Trổ Bông”, khởi đầu với Nhật Bản. Hoàng đế hiện tại có liên quan phả hệ trực tiếp với nữ thần mặt trời, tạo thành sự kế thừa không ngắt quãng dài nhất thế giới.

Amaterasu và tấm gương linh thiêng của bà được thờ cúng tại thần điện Shinto linh thiêng nhất, Đại Điện Ise. Đại Điện này rất cổ, nguồn gốc của nó vẫn gây ra sự tranh cãi của giới học giả; tờ rơi của Đại Điện khẳng định rằng nó được nữ hoàng Yamato-hime-no-Mikoto xây dựng vào thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên. Không giống với đa số các điện thờ khác, nó được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ xưa nhất của Nhật Bản và có một tu sĩ cao cấp trụ trì. Vị trí đó, theo truyền thống là do một công chúa của triều đình nắm giữ, đã bị bãi bỏ vào năm 1868 và khôi phục vào năm 1946. Mặc dù vị thần tối cao là nữ nhưng hầu như tất cả các tu sĩ Shinto đều là nam. Những nữ tín đồ hỗ trợ họ được gọi là miko.

Trong khi Shinto gợi lại cho một số người Nhật Bản những hồi ức không mấy dễ chịu về chủ nghĩa quân phiệt thì nữ thần mặt trời tối cao mang đến cảm hứng cho phụ nữ Nhật Bản, trong đó có nhà thơ Hiratsuka Raicho. Bà lập ra nhóm văn chương nữ quyền có tên là Hiệp Hội Nữ Học Giả (Seito), một tổ chức tiên phong của phong trào nữ quyền đương thời. Để giới thiệu ấn bản đầu tiên của tờ báo Nữ Học Giả của nhóm vào năm 1911, bà đã nhắc lại truyền thuyết về Amaterasu. Bài thơ của Raicho, có lẽ là tuyên ngôn nữ quyền nổi tiếng nhất của Nhật Bản, mở đầu với câu “Vào thuở ban đầu, phụ nữ là mặt trời. Một con người chân thực.” 

Trích trang 16

[Bình luận: Có gần gũi với chuyện mẹ Âu Cơ của Việt Nam không nhỉ?]

Bijin: Xinh đẹp

Sự xinh đẹp mang tính nữ. “Hôm nay tôi bắt gặp cái đẹp” nói chung có nghĩa là người nói gặp một phụ nữ đẹp. Cũng giống như vậy, người Nhật Bản nói về việc bắt gặp một bijin, theo nghĩa đen là “người đẹp” nhưng thực tế chỉ được dùng cho phụ nữ đẹp. Trái lại, giới tính thường được nhắc đến trong nhiều từ khác nhau chỉ vẻ đẹp của nam giới như “đẹp trai” (binan). 

Khái niệm này có thể thêm vào phía trước hầu hết các tên gọi nghề nghiệp để tạo thành một từ ghép chỉ những hiện tượng Nhật Bản như “phát thanh viên xinh đẹp” (bijin anaunsaa) đọc bản tin truyền hình, “chiêu đãi viên xinh đẹp” (bijin hosutesu) phục vụ đồ uống trong các câu lạc bộ chiêu đãi và thậm chí là “biên tập viên xinh đẹp” (bijin henshusha) đang làm việc với những cuốn sách như cuốn này. Vào thời xưa, khoảng một ngàn năm trước đây, một bijin có nghề nghiệp đặc biệt dành riêng cho cô ấy. Các tài liệu văn bản sớm cho thấy dân làng thường nấu rượu saké bằng một quy trình lên men nguyên thủy, bắt đầu bằng việc nhai nát gạo và bỏ chúng vào các bồn gỗ lớn. Sự tinh khiết của rượu saké được đảm bảo bằng cách chỉ dùng gạo được bijin nhai – trong trường hợp này có nghĩa là những trinh nữ trẻ. Rượu tạo ra được gọi là bijinshu hay “saké xinh đẹp”.

Ngày nay, ngoại hình đẹp vẫn là một tiêu chí quan trọng đối với việc làm của phụ nữ. Sự thể hiện “hình dáng yêu kiều” (yoshi tanrei) vẫn nổi bật trong các quảng cáo tuyển dụng phụ nữ. Phong cách đa dạng và vẻ đẹp là yêu cầu bắt buộc với những vị trí như hướng dẫn viên du lịch, người giới thiệu sản phẩm ở nhà trưng bày, nhân viên lễ tân và là luật bất thành văn trong nhiều công việc dành cho phụ nữ. Từ này cũng có thể được dùng cho một người đàn ông hấp dẫn nhưng cách sử dụng thông thường phủ nhận sự diễn giải đó. Các ông chủ đánh giá đàn ông cao hơn về phẩm chất nội tại của họ và hiếm có quảng cáo về nam giới đẹp trai. Cũng tương tự như vậy, từ để chỉ nam giới ưa nhìn không thể gắn với chức danh nghề nghiệp của họ.

Họ có thể tìm được việc làm tương đối đơn giản nhưng phụ nữ đẹp được coi là dễ chịu bất hạnh hoặc thậm chí là đột tử hơn những chị em bình thường của họ. Một câu ngạn ngữ phổ biến nói rằng “Người đẹp bạc mệnh” (Bijin hakumei). Câu ngạn ngữ cũng hàm ý về sự nhất thời của vẻ đẹp thanh xuân và thực tế là người Nhật Bản có khuynh hướng coi bản thân quá khứ là đẹp. Sự đam mê quốc gia đối với hoa anh đào nở một phần bắt nguồn từ thực tế là chúng tàn rất nhanh. 

Các tiêu chuẩn về vẻ đẹp cũng thay đổi như được thấy qua nghệ thuật Nhật Bản trong vài thế kỷ, đặc biệt là loại hình ukiyo-e hay còn gọi là “tranh đẹp” (bijinga). Vẻ đẹp của thời kỳ này là sự xấu xí của thời kỳ khác. Răng đen, một phần quan trọng của vẻ đẹp cá nhân đối với phụ nữ, lại tạo ra sự khó chịu ngày nay. Thời trang thay đổi qua lại giữa khuôn mặt tròn và khuôn mặt hình oval dài, được gọi là “mặt hình hạt dưa” (urizane-gao). Vào thời Edo, đàn ông viết về sự khát khao của họ đối với một có gái có miệng nhỏ, lông mày giống như mặt trăng lưỡi liềm nhô lên từ mỏm núi xa xa, tóc giống như đôi cánh của một con quạ nước và “trán giống như núi Phú Sĩ” (Fuji-bitai). Khái niệm thời trang truyền thống này được dùng để chỉ lối rẽ tóc mà người nói tiếng Anh gọi là búi tóc bà góa. 

Theo truyền thống, hình ảnh của một phụ nữ Nhật Bản được cho là nằm ở một nơi mà hầu hết các dân tộc khác đều bỏ qua: gáy (unaji). Quan trọng hơn ngực, mông hay chân, gáy thể hiện sự nhạy cảm. Lý do thực sự của quan niệm thẩm mỹ đặc biệt này rất đơn giản. Phần còn lại của cơ thể phụ nữ bị giấu sau áo kimono. Ngay cả gáy của phụ nữ cũng thường được che bằng búi tóc đen, thế nên khi phụ nữ vén tóc lên, nó khiến cho người phương Tây cảm thấy như họ đang nhìn thấy một phụ nữ mặc quần áo ngắn. Sự chú trọng vào gáy đã giảm xuống nhưng vẫn còn đủ mạnh vào giữa những năm 1980 đối với một tạp chí phụ nữ phổ thông để đề cao hình tượng unaji bijin với các bức ảnh ngôi sao phô bày gáy của họ.

Người Nhật khẳng định rằng sự quyến rũ của cái gáy mạnh mẽ hơn sự cố định của bộ ngực, dĩ nhiên gần hơn với sự hấp dẫn của nụ cười thanh tú. Bộ ngực, được gọi thông tục là oppai hay chichi, không bao giờ được coi là mục tiêu tình dục ở Nhật Bản, ở đó các bà mẹ vẫn cho trẻ con bú ở nơi công cộng cho đến ba mươi năm trước đây. Phụ nữ ở các tỉnh vẫn cởi trần đến thắt lưng khi họ làm việc, cho đến khi sự bại trận trong Thế Chiến II đưa những người lính Hoa Kỳ lóng ngóng đến đất nước. Luật pháp vẫn cho phép bộ ngực được phơi bày trên truyền hình với sự đề kháng là di sản của thái độ quá khứ, nhưng tính khêu gợi của nhiều kênh truyền hình là dấu hiệu cho thấy sự sùng bái phương Tây có vẻ như đã chiếm chỗ. Bất chấp những khuynh hướng mới, nhiều đàn ông Nhật Bản giãi bày bí mật rằng bộ ngực lớn đang áp đảo – thậm chí là sợ hãi. 

Phấn bột gạo trang điểm da (mochi hada) là một biểu tượng khác được người Nhật Bản thừa nhận, họ nhanh chóng làm quen với sự mềm mại, mịn màng, màu trắng và sự quyến rũ của bột gạo. Mấu chốt là màu trắng, được phổ biến trong câu ngạn ngữ Nhật Bản, “Màu trắng che đi bẩy khuyết tật” (Iro no shiroi wa shichi nan kakusu), có nghĩa là một làn da trắng bù đắp được cho cái miệng lớn hay cái mũi tẹt hoặc vô số những điều kém hoàn hảo khác.

Phụ nữ Nhật Bản bắt đầu sử dụng phấn trang điểm mặt và thân thể có tên là “màu trắng tự hào” (oshiroi) cùng với các mỹ phẩm khác từ hơn một ngàn năm trước đây để hiện thực hóa ý tưởng này. Loại bột xuất hiện sớm nhất, được làm từ bột gạo và đất, đã bị thay thế bằng phấn có pha chì nhập khẩu từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 7. Tính độc hại của loại phấn này được thừa nhận vào những năm 1870 và các phiên bản không chì đã được phát triển, sau đó lại bị các lớp phấn nền trang điểm theo kiểu phương Tây thay thế. Đàn ông cũng trang điểm mặt để tăng sự hấp dẫn vào thời Heian. Việc trang điểm dần dần trở thành hoạt động của nữ giới, mặc dù vào giữa những năm 1980, các hãng mỹ phẩm hàng đầu của Nhật Bản bắt đầu cung cấp các dòng phấn nền trang điểm, son môi và bút kẻ mắt cho nam giới, cùng với các hướng dẫn sử dụng.

Những gì mà màu trắng không che đậy được thì cách đi đứng thích hợp có thể làm được, theo một cuốn sách bán chạy vào thế kỷ 19 của Nhật Bản bàn về cách làm đẹp. Các chỉ dẫn của cuốn sách bao gồm cả chỉ dẫn cách giúp phụ nữ làm cho đôi mắt trông gần nhau hơn: Nhìn vào một điểm cách chân khoảng 1,82 m khi đứng và thu khoảng cách lại một nửa khi ngồi. Ngày nay, một số phụ nữ dùng những biện pháp mạnh hơn – phẫu thuật thẩm mỹ - để đạt được vẻ đẹp lý tưởng hiện thời. Ba loại phẫu thuật thông thường mà phụ nữ Nhật Bản hay thực hiện được gọi là “Tây hóa” mí mắt trên, nâng mũi và làm đẹp cằm. 

Trích trang 19-22

[Bình luận: Răng đen, mặt tròn phúc hậu, đều là những quan niệm thẩm mỹ của người Việt xưa, hiện giờ bị thay thế bằng các cô gái mặt chữ V với cằm độn nhọn hoắt và mũi cao như người phương Tây.]

Busu: Xấu xí

Phụ đề tiếng Nhật “Busu!” khi diễn viên Dustin Hoffman đánh nhau với bạn gái trong phim Tootsie và thốt ra từ tiếng Anh tục tằn nhất “Fuck you!”. Những từ thô tục này tương đương chỉ trong những tình huống nhất định, bởi vì busu có nghĩa là một phụ nữ với bộ mặt gớm guốc. Đó là một trong những sự xúc phạm ghê ghớm nhất đối với phụ nữ ở Nhật Bản, cho dù đó cũng có thể là sự chòng ghẹo, có thể là đối với bạn trai hoặc thú cưng. Phụ nữ xấu xí được gọi là busu ở Nhật Bản sẽ giống như sự so sánh với “chó” của người nói tiếng Anh. 

Người ta thường liên hệ với động vật trong tiếng Anh nhưng tiếng Nhật thì hiếm khi có sự so sánh đó. Một trong số ít đó là sự so sánh nhẹ nhàng và kiểu cũ đối với phụ nữ có vẻ ngoài thô kệch: “con rùa xun xoe” (okame). Cho đến nay người Nhật Bản vẫn không xếp rùa vào giới động vật. Okame là tên của nhân vật nữ trong cặp đôi phổ biến của mặt nạ hài kịch Kyogen có tại hầu hết các cửa hàng bán đồ lưu niệm Nhật Bản. Vẻ mặt ngốc nghếch của cô ta với khoảng cách lớn giữa mắt và lông mày rất khó quên và người Nhật Bản đã dùng tên của cô ta để chế nhạo. Một số nhà sử học Nhật Bản cho rằng mặt nạ Okame đầu tiên là thời trang trước đây rất lâu, khuôn mặt phúng phính giống như rùa của cô ta được coi là lý tưởng. Một diễn viên Kyogen đương thời có lần đã đưa ra bình luận gây choáng váng là tất cả đàn ông Nhật Bản đều hy vọng cô dâu của họ sẽ trông giống như vậy vào đêm tân hôn.

Bắt nguồn từ truyền thống nông nghiệp lâu đời, văn hóa Nhật Bản rút ra nhiều phép ẩn dụ từ cây cối hơn là từ động vật. Busu có thể là một từ như vậy. Theo một lý thuyết, ý nghĩa gốc của từ busu là chất độc được tạo ra từ rễ cây củ ấu tàu. Khi ăn phải busu, người ta sẽ chết với khuôn mặt méo mó, một cảnh tượng đã trở thành bất tử trong hài kịch Kyogen. Đôi khi, ở một vài nơi, sự liên hệ có thể được tạo thành từ sự nhăn nhó của người ăn phải busu và khuôn mặt xấu xí của phụ nữ. Những từ lóng cùng nghĩa tồn tại ngắn ngủi đã được làm giàu thêm, trong đó có seishin (tâm hồn) busu đối với phụ nữ chỉ có vẻ đẹp bên ngoài và kamaboko (xúc xích cá) busu đối với những phụ nữ phù hợp với định nghĩa của busu, giống như xúc xích cá bám vào tấm ván gỗ khi chúng được chế biến.

Trích trang 22-23

[Bình luận: Sự xấu xí kiểu Thị Nở ở Việt Nam cũng có nhé]

Gokiburi teishu: Ông chồng gián

Thứ gì có thể vô dụng, phiền hà và gây khó chịu hơn một con gián trong bếp? Một ông chồng trong bếp, đa số các phụ nữ Nhật Bản truyền thống đều dùng khái niệm “ông chồng gián” (gokiburi teishu) để mô tả người đàn ông định xâm lấn lãnh địa của họ. Họ cho rằng việc chuẩn bị bữa ăn sẽ lâu hơn với sự “trợ giúp” của một người thiếu kinh nghiệm nấu nướng. Theo truyền thống, nhà bếp là nơi mà phụ nữ Nhật Bản không cảm thấy sức ép của cái tôi nam tính. Nhiều người coi đây là nơi linh thiêng của họ. Cho tới gần đây, đàn ông đã vui vẻ đảm nhiệm việc nấu nướng, nếu cần phải trích dẫn câu ngạn ngữ “Một quý ông sẽ không vào bếp” (Danshi chubo ni irazu)

Hầu hết các bà nội trợ ngày nay đều không phàn nàn về việc đàn ông đi làm ở bên ngoài trong khi phụ nữ làm việc nhà. Một khảo sát năm 1983 của chính quyền cho thấy có 71% phụ nữ Nhật thích sự sắp xếp này, nhiều hơn so với 56% ở Philippines và 34% ở Hoa Kỳ. Số lượng phụ nữ Nhật rời khỏi nhà bếp đã tăng lên, vào năm 1972 có 83% ưa thích sự phân công lao động truyền thống. Thống kê của chính quyền cho thấy ý tưởng thay đổi nhanh chóng hơn thực tế. Một phụ nữ Nhật Bản trung bình dành 3 giờ 25 phút cho việc nhà và chăm sóc con cái vào năm 1981, trong khi đó một nam giới điển hình chỉ dùng có 8 phút.

Tuy vậy, ông chồng gián không chỉ giới hạn trong nhà bếp. Mỗi khi ông chồng làm vợ không hài lòng, người vợ Nhật Bản có thể dùng khái niệm xúc phạm này. Đàn ông không thể chống lại với khái niệm tương đương, bởi vì không có từ “bà vợ gián”. Từ này phổ biến đến mức hiện nay một số người có tư tưởng tự do còn gọi bạn đời là gián vì không giúp làm việc bếp núc. Số lượng cặp vợ chồng chống lại trạng thái ban đầu bằng cách chia sẻ việc nhà nhiều đến mức người Nhật Bản mới đây đã tạo ra một từ nửa bỡn cợt tương đương với từ “ông nội trợ” trong tiếng Anh. Từ shufu cũng giống như từ phổ thông để chỉ bà nội trợ, nhưng thay vì chỉ “phụ nữ chính” như thông thường, chữ này đánh vần thành “nam chính”.

Từ để chỉ bà nội trợ, cũng giống như nhiều từ chỉ các bà vợ nói chung, sử dụng khái niệm thứ bậc. Việc phụ nữ chỉ làm việc nhà là một điều xa xỉ trước thời hiện đại hóa bắt đầu vào năm 1868. Sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, gia đình biến đổi từ trung tâm của sản xuất thành cơ sở tiêu dùng và nuôi dưỡng con cái. Cùng với sự thay đổi này một số từ ngữ mới đã được bổ sung vào công việc giới hạn của thế hệ bà nội trợ mới: kaji (việc nhà), ikuji (chăm sóc con cái) và ryori (nấu nướng). Một tên hiệu cũng được gán cho phần lớn các bà nội trợ mới. Họ được gọi là shufu. Cho đến khi kết thúc Thế Chiến thứ II, khái niệm này chỉ dùng cho phụ nữ đại diện cho hộ gia đình trong khuôn khổ của hệ thống gia đình, nhưng hiện giờ có nghĩa là bà nội trợ nói chung. Khi tạp chí phổ thông của phụ nữ Shufu no Tomo (Sổ Tay Bà Nội Trợ) được thành lập vào đầu thế kỷ 20, tiêu đề của nó cũng sáng tạo như tạp chí Ms. của Hoa Kỳ. 

Một số ít ông nội trợ đã bắt đầu tham dự vào thế giới của bát đĩa. Các bài báo về nấu nướng cho đàn ông được xuất bản với tiêu đề như “Bố làm bếp” trên nhiều tạp chí và báo dành cho đàn ông của Nhật Bản, trong đó có cả tờ Nihon Keizai Shinbun, một tờ báo Nhật Bản nổi tiếng tương đương với tờ Wall Street Journal. Ít nhất thì một hiệu sách lớn ở Tokyo cũng có một khu vực bày “Sách nấu ăn dành cho đàn ông”. Các cậu bé không bị buộc phải tham gia các lớp học nội trợ ở trường học nhưng một số nhóm phụ nữ xôn xao vì sự thay đổi đó. Những người đàn ông cảm thấy việc nấu ăn là vui vẻ đã tập hợp nhau ở Tokyo vào năm 1977 để thành lập “Câu Lạc Bộ Hãy Để Quý Ông Vào Bếp” (danshi chubo ni hairo kai), thu nạp được 500 thành viên chỉ riêng ở Tokyo trong vòng 8 năm sau khi thành lập. Theo triết lý phi giới tính, câu lạc bộ chấp nhận cả hai giới. Nữ thành viên chiếm 20% vào giữa những năm 1980 và tiếp tục gia tăng. Không ít phụ nữ trẻ đã dùng câu lạc bộ để tìm kiếm một ông chồng sẵn sàng và có thể chia sẻ việc bếp núc.

Khuynh hướng này mang lại những lợi ích thực tế đối với đàn ông cũng như phụ nữ, nếu như những câu chuyện đồn thổi trong nhà bếp có chút sự thật nào đó. Các bà nội trợ thích lặp đi lặp lại câu chuyện cổ tích về người đàn ông sống lâu hơn vợ - bị chết đói bởi vì ông ta không biết nấu ăn, dùng cái mở nắp hộp hay thậm chí là tìm nơi chứa thực phẩm. Ít nhất thì những con gián cũng biết đường đi đến nhà bếp.

Trích trang 58-60

[Bình luận: Người Việt Nam thỉnh thoảng cũng cãi nhau như mổ trâu mổ bò vì vụ này. Hồi xưa các bà mẹ cũng không thích chồng vào bếp vì họ làm rối loạn mọi thứ lên hơn là giúp ích. Bây giờ thì nhiều ông chồng vào bếp hơn rồi.]

Meoto-jawan: Tách trà vợ chồng

Quan hệ hôn nhân ở Nhật Bản được củng cố thành một hiện thực có thể nhìn thấy và chạm vào: “tách trà vợ chồng” (meoto-jawan). Hai chiếc tách này giống hệt nhau ngoại trừ kích thước, chiếc tách lớn hơn thuộc về người chồng. Meoto-jawan bắt nguồn từ tầng lớp thương nhân vào cuối thời Edo, sau đó sớm trở thành thời thượng vào thế kỷ này. Một số người cho rằng tách trà của chồng và vợ đầu tiên có kích thước như nhau nhưng chiếc tách của người chồng đã được làm to ra dần dần, cùng với môi trường văn hóa. Tương tự, các quy định xã hội ở quốc gia khác đã buộc người Nhật Bản phải làm bình đẳng một số mẫu meoto-jawan xuất khẩu. Khi phải mua tách trà phương Tây, trong trường hợp không có kiểu châu Á, người Nhật Bản cũng vui vẻ mua thứ mà họ gọi là tách đôi (pea kappu) với kích thước giống nhau.

Một truyền thống về đồ gia dụng khác cũng xuất hiện dưới dạng một đôi có kích thước không cân xứng được thiết kế cho cặp vợ chồng. Chúng bao gồm bát ăn cơm cũng được gọi là meoto-jawan và đũa được gọi là meoto-bashi. Vào thời phong kiến, nhiều người chồng thực sự được ăn thực phẩm tốt hơn và nhiều hơn vợ của họ. Phong tục ăn uống quy định rằng phụ nữ trong nhà trước hết phải dọn phần thức ăn cho người đàn ông đứng đầu gia đình, sau đó tuân theo trật tự. Trẻ em được ăn no bởi vì nhu cầu cho cơ thể đang lớn của chúng được công nhận. Những người phải ăn cuối cùng đôi khi là các cô dâu trẻ. 

Bộ meoto-jawan tiếp tục là món quà phổ biến cho các cặp vợ chồng, nhất là mới cưới. Món quà này không chỉ muốn nói rằng đàn ông nhận được nhiều hơn mà còn nói rằng cặp vợ chồng là một đơn vị đơn nhất vĩnh cữu với cùng khẩu vị. Không ai có thể chia cặp tách chồng và vợ ra để bán hay gộp vào thành cặp khác hoặc dùng đơn lẻ, mặc dù chồng hoặc vợ có thể uống cốc còn lại khi “nửa kia” qua đời. Sự kết hợp không thể tách rời với kích thước khác nhau gợi cảm hứng cho người ta gán cái tên meoto, có nghĩa là “chồng và vợ”, cho nhiều hiện tượng tự nhiên khác nhau. Hai hòn đá cuội nằm cạnh nhau được gọi là “đá vợ chồng” (meoto iwa). Khi người Nhật Bản thấy hai cây thông dựa vào nhau, họ gọi chúng là “cây thông vợ chồng” (meoto matsu). Đôi khi họ cầu xin những cây thông giúp đỡ tác thành một cuộc hôn nhân tốt.

Một đồ vật không xuất hiện trong cặp chồng và vợ là kimono. Hiện nay, quần áo phương Tây là thông dụng, các cặp vợ chồng trẻ Nhật Bản đôi khi xuất hiện trong áo phông đẫm mồ hôi, quần áo chơi tennis và đồ tương tự. Các quan niệm phương Tây về quần áo nam nữ, được thiết kế cho cặp đôi đang hẹn hò cũng như đã kết hôn, đã được nền văn hóa sử dụng các vật meoto trong nhiều thế kỷ nhanh chóng chào đón. 

Trích trang 60-61

[Bình luận: À, cái khoản vợ chồng phải ăn khác nhau trước Việt Nam cũng có đấy]

Meishi! Furo! Neru!: Ăn! Tắm! Ngủ!

Ba từ ngắn này được trao đổi mỗi tối giữa chồng và vợ ở Nhật Bản. Người công nhân làm thuê điển hình ở Tokyo trở về nhà vào khoảng 9-10h tối, kiệt sức sau một giờ chen chúc trên tàu và vẫn còn hơi chếnh choáng do cuộc nhậu bắt buộc sau giờ làm. “Meishi!”, anh ta ra lệnh, sử dụng một từ thô thiển chỉ thức ăn và vợ anh ta nhanh chóng mang đồ ăn tới. Khi đã no bụng, anh ta nói “Furo!”. Cô ấy gật đầu. Cô ấy vốn đã chuẩn bị sẵn nhà tắm. Sau khi ra khỏi nhà tắm bốc khói, anh ta lại nói: “Neru!”. Đấy là lúc cô vợ phải trải tấm đệm ra. Các bà vợ thường xuyên châm biếm một cách buồn bã rằng chồng họ bận đóng góp cho phép màu kinh tế của Nhật Bản đến mức chỉ có ba từ để nói với họ. “Meishi! Furo! Neru!” đã trở thành sáo ngữ đối với rất nhiều công nhân và vợ của họ. 

Mặt khác, người vợ Nhật Bản và chồng không thực sự muốn nghe ba từ ngắn khác mà các cặp đôi phương Tây cho là quan trọng, “Anh yêu em”. Hầu hết các cặp đôi đều không bao giờ thốt ra câu đó. Những người quan sát Nhật Bản và phương Tây đều đưa ra những giải thích khác nhau về sự im lặng này. Họ chỉ ra rằng truyền thống Nhật Bản cho rằng hôn nhân chỉ là sự sắp xếp kinh tế để duy trì dòng tộc và bổ sung thêm tình yêu vào đẳng thức đó chỉ gây ra tổn hại nhiều hơn là sự tốt đẹp. Quan niệm này có thể vẫn ảnh hưởng đến nhiều người và một số cặp đôi không có tình yêu vẫn sống với nhau để chăm lo cho con cái, nhưng hầu hết người Nhật Bản kết hôn ngày nay đều nói với người khác rằng họ làm điều đó vì tình yêu. Tuy vậy, việc nói “Anh yêu em” tạo ra cảm giác bối rối và không cần thiết. Sự bối rối được cho là bắt nguồn từ ý tưởng coi một cặp đôi kết hôn là một thể thống nhất, không phải là hai cá thể. Điều này có thể giải thích lý do khiến cha mẹ Nhật Bản không bày tỏ tình yêu đối với con cái. Khi chồng và vợ cảm thấy gần gũi, biểu lộ tình yêu cũng như khen ngợi người kia là một điều cấm kỵ trong văn hóa Nhật Bản. Các từ ngữ trực tiếp là không cần thiết và có thể giới hạn cũng như làm giảm giá trị của cảm xúc mà họ cố gắng bày tỏ. Ở Nhật Bản, tình yêu được truyền tải bằng hàng sa số các cử chỉ cũng sự sự thổ lộ tinh tế đã được thấm đẫm trong các bài thơ haiku đầy thẩm mỹ. Đôi khi tất cả những điều cần nói chỉ là “Meishi! Furo! Neru!

Trích trang 62-63 

[Bình luận: Cách đây vài năm có cô nhà văn nào đó gọi đàn ông Việt Nam chỉ biết ăn tắm ngủ là lợn thì phải]

Naijo no ko: Của chồng công vợ

Một trong những yếu tố quan trọng của thành tựu kinh tế Nhật Bản bị hầu hết các nhà phân tích phương Tây bỏ qua. Đó là “sự thành công nhờ sự trợ giúp bên trong” (najio no ko). Khi nhiều khái niệm Nhật Bản về kỹ thật quản lý doanh nghiệp được giảng giải chi tiết thì nguồn bị che đậy khiến cho mọi thứ trở nên khả thi này thường bị bỏ sót. Thông thường ở Nhật Bản, sự hữu ích của “tay trong” chính là người vợ. Naijo no ko có nghĩa là thành công của người đàn ông bắt nguồn từ sự trợ giúp và hi sinh của người vợ. 

Thiếu sự trợ giúp của người vợ, người chuẩn bị các bữa ăn, sửa soạn quần ào và vun vén tài chính, ông chồng Nhật Bản sẽ không thể tiếp tục làm việc lâu dài và chăm chỉ như họ đã làm để duy trì sự tăng trưởng kinh tế. (Nhà tập thể của công ty cung cấp nhiều dịch vụ này cho đàn ông độc thân, đôi khi cho cả phụ nữ.) Ngôn ngữ tiếp đó khẳng định rằng người vợ Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của người chồng với từ “vai trò của vợ” (nyobo yaku). Một người đàn ông luôn sẵn sàng hỗ trợ và khuyên bảo bạn bè hay đồng nghiệp, người đáng tin cậy này được gọi “cánh tay phải” trong tiếng Anh, tương đương với từ “vai trò của vợ” ở Nhật Bản. 

Ở cấp quốc gia, phụ nữ Nhật Bản cũng hỗ trợ theo cách tương tự. Hầu hết những người đại diện cho công việc và chính quyền quốc gia bên ngoài Nhật Bản là nam giới, trong khi ở nhà những công việc không mấy vinh quang nhưng quan trọng như công việc văn phòng và kiểm tra chip máy tính đều nằm trên vai phụ nữ “bên trong”. Đây không phải là chính sách mới. Phụ nữ chiếm trung bình 60% của lao động công nghiệp từ năm 1894 đến 1912, một thời kỳ quan trọng trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa của Nhật Bản.

Khi hỏi bất cứ người Nhật Bản nào về naijo no ko, cô ấy hay anh ấy sẽ trả lời với câu chuyện về gia tộc phong kiến nổi tiếng ở Shikoku có tên là Yamanouchi. Sách lịch sử ca ngợi bà Yamanouchi, nói rằng sự lớn mạnh của gia tộc bắt nguồn từ Kazutoyo Yamanouchi (1546-1605) và bà vợ thông minh Kenshoin (1557-1617) của ông. Câu chuyện bắt đầu khi lãnh chúa địa phương lên kế hoạch kiểm tra quân đội của mình. Kazutoyo phát hiện ra nhiều chiến mã vô song bị đem bán – với mức giá rẻ mạt. Ông ta phàn nàn về sự túng thiếu khiến ông ta không mua được chiến mã gây ấn tượng với chủ nhân của ông ta. Khi đó bà vợ rút ra đúng số tiền cần thiết từ chiếc gương của bà và đưa cho ông. Kazutoyo sững sờ. Gia tộc vốn rất tằn tiện nhưng cũng chỉ đủ cho nhu cầu tối thiểu về thực phẩm và quần áo. Bà vợ tằn tiện của ông giải thích rằng cha của bà đã cho bà số tiền ấy khi họ cưới nhau để chi dùng trong trường hợp khẩn cấp, như việc mua ngựa. Từ số tiền ban đầu của vợ, ông ấy đã giành được sự kính trọng của thượng cấp, thắng nhiều trận chiến và thu được nhiều của cải cũng như quyền lực cho toàn thể bộ tộc của mình. 

Trích trang 64-65

[Bình luận: Câu "của chồng công vợ" của người Việt Nam chính là chỉ hiện tượng này còn gì.]

Oshikake nyobo: Vợ đột nhập

Hầu hết phụ nữ Nhật Bản đều chờ có ai đó hỏi họ làm vợ, song có một số phụ nữ cũng có đủ sự can đảm đến mức một khái niệm đặc biệt đã được tạo ra để mô tả họ. Những cô dâu quả cảm này được gọi là “vợ đột nhập” (oshikake nyobo), dựa trên từ thường để chỉ vị khách không được mời (oshikake kyaku). Họ thường là những phụ nữ mạnh mẽ yêu một người đàn ông còn đang lưỡng lự, nhưng lại sẵn sàng yêu thương chăm sóc họ sau khi kết hôn. Ít nhất đối với phụ nữ thì từ này mang ý nghĩa ngạc nhiên hơn là phàn nàn, một người vợ đột nhập cần phải có đủ can đảm để thực hiện chiến thuật của mình.

Thông thường, cô ấy đột nhập vào nhà của người yêu mà không cần được phép và bắt đầu sống ở đó. Cô ấy chăm sóc anh ta bằng cách nấu các bữa tiệc đêm, dọn dẹp sau đó mà không phàn nàn, sắp xếp phòng ở và quần áo ngay ngắn nhất. Anh ta sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào cô và cho đến khi anh ta nhận ra rằng không thể sống thiếu cô. Sau một thời gian, họ cưới nhau. Mặc dù các thiếu nữ can đảm nhất cũng không đột nhập tới mức chung sống, kỹ thuật bắt chồng bằng nấu nướng, dọn dẹp và chăm sóc đã có truyền thống lâu đời ở Nhật Bản.

Việc bà vợ đột nhập buộc đàn ông phải cưới họ không có nghĩa là họ hạ thấp vai trò của việc hỏi vợ. Tuy vậy, một số phụ nữ Nhật Bản cũng đưa ra đề xuất hôn nhân. Một nghiên cứu của chính quyền nhằm vào nhóm các phụ nữ đủ lớn tuổi để làm bà nội/ngoại để đưa ra câu hỏi. Khảo sát đối với phụ nữ vùng nông thôn và ngoại ô Nhật Bản cho thấy rằng khoảng hơn 10% đã hỏi cưới đàn ông vào cuối những năm 1940, nhưng tỷ lệ nữ đề xuất kết hôn đã giảm xuống nhanh chóng còn 3% vào những năm 1960.

Không có khái niệm về “chồng đột nhập” trong tiếng Nhật bởi vì điều đó có nghĩa là đàn ông là người tấn công trong cuộc săn tìm người phối ngẫu. Mặc dù đàn ông nói chung đảm nhận sự dẫn dắt trong việc đề xuất hôn nhân, song họ hiếm khi sử dụng từ mang tính đột nhập để đưa ra câu hỏi. Câu hỏi truyền thống là “Em có theo anh không?” (Boku ni tsuite kite kuremasu ka). Một khảo sát của tạp chí Shukan Post vào giữa những năm 1980 cho thấy hầu hết đàn ông đề xuất chủ đề này với sự thể hiện mập mờ như “Hãy cùng nhau ăn sáng mỗi ngày” hay “Khi nào em định nghỉ việc?”

Trích trang 69-70

[Bình luận: Đàn ông Việt Nam có lẽ hỏi khác đàn ông Nhật một chút, nhưng chuyện Tấm Cám hay Tú Uyên-Giáng Kiều đều phảng phất hình bóng của cô vợ đột nhập nhỉ?]

Otto o shiri ni shiku: Cưỡi đầu cưỡi cổ chồng

Khi một phụ nữ từ chối yêu cầu của chồng về việc nấu món sukiyaki bởi vì cô ấy thích ăn món tempura, người Nhật Bản sẽ nói rằng cô ta “cưỡi đầu cưỡi cổ” chồng. Phiên bản Nhật Bản của người chồng bị bắt nạt là một người đàn ông nằm dưới cặp mông to bự của bà vợ. Người vợ thống trị được gọi là “cưỡi lên” (shiri ni shiku) người chồng, cũng giống như họ sẽ nhún nhảy trên một tấm đệm, trong bối cảnh mà từ ngồi shiku thường được nhắc đến. Người ta thường biến câu này sang thể bị động, hàm nghĩa đồng cảm với người bị áp bức bằng cách nói “người chồng bị cưỡi” (otto ga shiri ni shikareru). Sự liên hệ với người chồng (otto) có thể bỏ đi bởi vì sự thể hiện tiêu cực này luôn luôn lên án người vợ làm chủ. Shiri ni shiku không thể ám chỉ một ông chủ đang áp bức người dưới quyền, hay bà mẹ đang giám sát chặt chẽ đứa con trai. 

Về nghĩa đen, shiri ni shiku có nghĩa là bị dí bẹp dưới mông và hông, vốn được thể hiện bằng từ shiri. Khi vật thể phía dưới là tấm nệm hoặc khăn trải giường, sự liên hệ đến cơ thể nói chung bị bỏ qua. Hình tượng được nói đến cũng bao hàm sự phê phán là mông phụ nữ quá to, nếu không chồng của cô ta có thể lật đổ quyền lực của cô ta. Tuy vậy, bộ mông nhỏ cũng chẳng tốt hơn. Khi nói “bộ mông nhẹ” của ai đó (shiri ga karui) có thể là sự cáo buộc thiếu ổn định, thiếu chu đáo, hoặc – chỉ đối với phụ nữ - thiếu đạo đức. Đây chỉ là một số ít trong hàng sa số ý nghĩa của mông được sử dụng ở Nhật Bản. 

Sự phổ biến của những ông chồng nằm dưới mông còn được gọi là “sự thống trị của bà vợ” (kakaa-denka). Kakaa, một từ thô tục chỉ bà vợ, là một trong số ít các từ được người Nhật Bản tạo ra chứ không sao chép của người Trung Quốc. Nó được kết hợp từ chữ “nữ” và chữ “mũi” để tạo thành khái niệm bốc mùi hôi thối. Thái cực trái ngược là từ teishu kanpaku, với một từ không chính thống chỉ người chồng và theo sau đó là từ chỉ cố vấn trưởng của hoàng đế. Một số phụ nữ Nhật Bản dùng từ teishu kanpaku với nghĩa tương đương như từ “gã chồng gia trưởng” trong tiếng Anh. Tuy vậy, khi người chồng Nhật Bản về mặt truyền thống được kỳ vọng sẽ hành động như vị vua trong lâu đài, sự cai trị của người chồng có thể mang nghĩa tốt, trong khi bị vợ cưỡi thì chắc chắn là mang tính tiêu cực.

Trong số những người cảm thấy sự cai trị của vợ đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát có các viên chức của chính quyền Nhật Bản. Một hướng dẫn cho bố mẹ của trẻ em 3 tuổi vào năm 1985 do bộ Y Tế và Phúc Lợi ban hành đã sử dụng phép ẩn dụ “ngồi lên” để thúc giục các ông bố tích cực hơn trong việc nuôi dạy con cái và cho con cái thấy ý nghĩa của nam tính. Một bức vẽ trong hướng dẫn mô tả một cậy bé đang chứng kiến cảnh ông bố cố gắng thoát khỏi bộ mông to của bà mẹ. Cậu bé nhớ đến lời của bài hát quân sự cổ ca ngợi những binh lính can đảm đã hy sinh của Nhật Bản: “Bố ơi, bố thật mạnh mẽ!”

Trích trang 70-71

[Bình luận: Sư tử Hà Đông đây rồi còn gì!]

Senen teishu: Ông chồng một ngàn yen

Lạm phát cũng tác động đến từ lóng chỉ những ông chồng quỵ lụy. Những gã mà người Nhật Bản thường gọi là “ông chồng một trăm yen” (hyakuen teishu) đã được đổi thành “ông chồng một ngàn yen” (senen teishu) trong vài thập kỷ qua. Tính cách của họ vẫn như cũ. Những người đàn ông này trực tiếp đưa hết tiền lương cho vợ, sau đó được nhận lại một khoản tiền tối thiểu mỗi ngày: một trăm yen vào những năm 1960, một ngàn yen ngày nay. Bất kể theo cách nào, chúng cũng chỉ đủ cho ăn trưa và thuốc lá. Từ này mang tính xúc phạm, không phải bởi vì người chồng để cho vợ kiểm soát tiền bạc mà bởi vì anh ta chấp nhận một số tiền nhỏ.

Không có khái niệm “bà vợ một ngàn yen” ở Nhật Bản. Xử lý chi tiêu gia đình được coi là việc của phụ nữ ở Nhật Bản thời xưa và vẫn được duy trì trong 83% hộ gia đình Nhật Bản, theo một khảo sát năm 1984 của chính quyền. Cũng nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng sự mua sắm càng lớn thì các bà vợ các ít có quyền kiểm soát. Đối với các đồ điện tử chính, 48% cặp vợ chồng cùng đưa ra quyết định, trong khi 30% số ông chồng và 17% số bà vợ ra quyết định một mình. Mức độ đưa ra quyết định chung hầu như tương tự khi mua sắm đất đai và nhà cửa, nhưng tỷ lệ đàn ông tự quyết định việc mua bất động sản (38%) lớn nhiều hơn so với vợ (2%). Phụ nữ chỉ ra rằng nếu như họ quyết định mua tủ lạnh mới hay thậm chí là nhà mới thì điều đó không có nghĩa là họ có thể quyết định sẽ sống cuộc đời của mình ra sao. Ví dụ, họ có thể lưỡng lự chi tiền cho lớp học tennis của bản thân, hoặc bất cứ cách nào khác có thể làm ông chồng, người đưa tiền lương cho họ, không hài lòng. Cho đến nay, phụ nữ Nhật Bản dường như vẫn duy trì sự độc lập tâm lý cho phép họ gọi chồng bằng cái tên mà phụ nữ phương Tây không bao giờ dám mơ tưởng đến, ngay cả trong thời kỳ mà họ phụ thuộc kinh tế lớn nhất. Họ không ngần ngại gọi chồng là “gã chuyển lương” (kyuryu unpannin). 

Có một số trường hợp mà phụ nữ thành công so với ông chồng thất nghiệp. Vào lúc mà nghề làm tóc là công việc tốt nhất cho phụ nữ, mỗi người đàn ông để vợ hỗ trợ về tài chính đều được gọi “chồng của thợ làm tóc” (kamiyui no teishu), một khái niệm vẫn còn được dùng hiện nay.

Do phụ nữ Nhật Bản nắm giữ hầu bao nên các hãng bán sản phẩm tiêu dùng và các cơ hội đầu tư thường xuyên ve vãn họ. Những người chuyên tụ tập ở quầy vay nợ và tiền gửi dài hạn tại các ngân hàng Nhật Bản hầu như đều là những phụ nữ trông cáu kỉnh với mái tóc xám và bộ kimono xám. Các nhà quảng cáo Nhật Bản thừa nhận rằng phụ nữ thuận theo sự ưa thích cá nhân ngay cả khi mua sắm cho cả gia đình, do vậy họ ngày càng hướng tới phụ nữ khi quảng cáo xe hơi và máy tính, cũng như thực phẩm và thời trang. Nhờ vào chiến lược mới của các công ty chứng khoán, một số nữ nhân viên bán hàng tại nhà tươi cười ở Nhật Bản hiện nay đang bán cổ phiếu và trái phiếu thay vì mỹ phẩm.

Trích trang 72-73

[Bình luận: Mấy ông chồng kiểu này ở Việt Nam giờ cũng phổ biến lắm. Ở Việt Nam có lẽ họ sẽ được gọi là ông chồng năm mươi nghìn!]

Wednesday, March 9, 2016

Chuyện tầm phào của một ông bộ trưởng


Mới rồi có ông bộ trưởng liên hệ tới câu chuyện động đất sóng thần xảy ra tại Nhật Bản năm 2011 nói rằng:
Truyền thông quốc tế đưa tin một cháu bé 9 tuổi phải xếp hàng chờ phát bánh mì cứu trợ. Dù được ưu tiên đưa bánh mì trước, thế nhưng cháu bé đã bước lên trả lại và quay trở lại để xếp hàng. Một đất nước như vậy mới mong phát triển được.
Câu chuyện này diễn ra chưa lâu, nhưng sau này hầu hết những người chú ý theo dõi tin tức trên mạng đều biết rằng câu chuyện về cậu bé Nhật Bản đó là sản phẩm hư cấu của một nhà văn Việt Nam thuộc dạng cực hữu, chuyên đả kích chính quyền. Đây là một câu chuyện bịa, chưa từng có ai xác thực được nó và cũng không có truyền thông quốc tế nào đưa tin ngoài mấy trang blog lề trái và đám báo mạng Việt Nam luôn sao chép chụp giật không cần kiểm chứng. Ông bộ trưởng thậm chí còn kể sai cả câu chuyện (bịa) đó, đứa bé đang xếp hàng ấy không được ưu tiên phát đồ cứu trợ (không phải bánh mỳ, một người bình thường cũng biết là người Nhật không ăn bánh mỳ) mà được một người khác cho túi lương khô nhưng lại đem bỏ vào thùng chứa đồ cứu trợ để phát cho mọi người, còn nó thì tiếp tục xếp hàng.

Câu chuyện này được ông bộ trưởng dùng để so sánh với việc cầu lộc cầu tài của quan chức và doanh nghiệp và lý giải lý do Việt Nam thua kém các nước. Đại ý của ông là do dân Việt Nam chỉ thích ăn sẵn, không chịu hy sinh và không cố gắng phấn đấu. Truyền thông Việt Nam ưa thích những câu chuyện kiểu này, đám cực hữu lề trái cũng vậy, thế nên không có gì lạ khi phát biểu cũng như bản thân ông bộ trưởng được coi là hình mẫu của sự 'nói thẳng nói thật', 'thực sự có tâm vì đất nước'. Tất nhiên, sự 'nói thẳng nói thật' có bắt đầu bằng những điều dối trá thì cũng không vấn đề gì, vì ý nghĩa của nó quan trọng hơn nhiều. 

Nhiều năm trở lại đây, người ta được chứng kiến sự xét lại điên cuồng của những kẻ cực hữu và chống chế độ ở Việt Nam đối với câu chuyện được đưa vào sách giáo khoa về một cậu bé anh hùng. Đó là câu chuyện về thiếu niên Lê Văn Tám tự châm lửa lên mình để đốt kho xăng của địch. Cả truyền thông cũng như đám lề trái đều ra sức chứng minh rằng đó là một câu chuyện bịa đặt, được dựng lên để tuyên truyền và đó là bằng chứng cho sự nói láo của chế độ cộng sản. Tất nhiên, một người 'nói thẳng nói thật' như ông bộ trưởng thì có lẽ sẽ không bao giờ lấy hình ảnh tuyên truyền như Lê Văn Tám, cho dù hình ảnh ấy có được đưa vào sách giáo khoa và là của Việt Nam, để ca ngợi tinh thần hy sinh vì đất nước hay minh họa cho phát biểu của ông, bởi vì thật nguy hiểm khi dựa vào một điều mà nhiều người cho là sự bịa đặt.

Hình ảnh Lê Văn Tám về bản chất không khác gì hình ảnh cậu bé Nhật Bản (được bịa ra) kia, họ đều hy sinh vì đất nước, đều vì cái chung mà hy sinh cái riêng. Nếu như đám quan chức và dân đen trong bài phát biểu của ông bộ trưởng cầu xin một thánh thần xa lạ nào đó ban bổng lộc cho họ mà không tự mình chịu gian khổ kiếm lấy, làm cho hình ảnh dân tộc Việt Nam trở nên xấu xí trong mắt quốc tế và cho thấy một não trạng trì trệ khó có thể phát triển, thì việc vay mượn hình ảnh nước ngoài (bịa đặt) để minh họa cho lý tưởng của mình bất chấp hình ảnh tương tự có thật và đã tồn tại lâu dài của xứ sở mình, trên thực tế, cũng tương tự như hành động khấn vái thần thánh của đám quan chức và dân đen mê muội kia. Cả hai đều không tin vào những gì mình đã có, do vậy không tin ở bản thân mình và buộc phải cầu khẩn đến những thứ xa lạ. 

Đám dân đen và quan chức mê muội thì cầu xin của thánh thần, còn những người 'nói thẳng nói thật' 'hết lòng vì dân vì nước' thì cầu khẩn những bóng ma ngoại quốc. Những câu chuyện thật là tầm phào, tất nhiên dưới những hình thức khác nhau.

Lưu ý: Một số báo sau khi đăng bài phát biểu của ông bộ trưởng có lẽ đã nhận ra vấn đề với câu chuyện em bé Nhật Bản nên đã cắt bỏ phần đó, tuy nhiên một số báo khác vẫn đăng đầy đủ.

Tuesday, December 1, 2015

Những giới hạn của giáo dục kibbutz

Giáo dục phục vụ cho một xã hội nhất định nhưng nó không dẫn đến sự thành công hay thất bại của xã hội đó mà ngược lại, xã hội sẽ quyết định sự thành công của giáo dục. Khi một xã hội suy sụp thì giáo dục của nó cũng sẽ thất bại. Tác giả đã cố gắng tìm kiếm câu trả lời cho sự sụp đổ của kibbutz ở sự thất bại của giáo dục nhưng những gì tác giả đã trình bày cho thấy điều ngược lại.

Dưới đây là nội dung bản dịch chương 7 "The Limits of Education" trong cuốn "The Kibbutz: Awakening From Utopia" của Daniel Gavron do nhà xuất bản Rowman&Littlefield phát hành năm 2000. 

Những giới hạn của giáo dục 

Sự kiện các thủ quỹ của kibbutz đầu cơ trên thị trường chứng khoán Tel Aviv đã cho thấy dấu hiệu về sự lêch lạc của hệ thống giáo dục kibbutz. Những người sáng lập không bao giờ nghĩ đến hành vi đó. Ngay cả những người thực dụng nhất cũng không tưởng tưởng được việc kiếm tiền mà không cần phải làm gì. Ngay cả người nhẫn tâm nhất cũng không quyết định tài nguyên của cộng đồng mà không đưa quyết định đó ra đại hội của kibbutz.

Mặc dù một số thành viên kibbutz thuộc thế hệ thứ ba và thứ tư vẫn tuân thủ các quy định đạo đức của lối sống cộng đồng, một số lớn, đặc biệt là ở cấp quản lý, chỉ còn trung thành với kibbutz của họ. Mục tiêu của họ là phát triển và cải thiện kibbutz của họ mà không quan tâm quá nhiều đến các nguyên lý của kibbutz. Nhiều người học kinh tế học và quản lý kinh doanh tại các trường đại học của Israel và nước ngoài, chịu ảnh hưởng của lý tưởng về cạnh tranh và quản trị hiệu quả hơn là lý tưởng về bình đẳng và giúp đỡ lẫn nhau. Ngay cả trường đại học Ruppin của liên minh kibbutz, đào tạo nhiều nhà quản lý tiềm năng của các kibbutz, cũng dạy các phương pháp kinh doanh hiện đại, còn kinh tế học hợp tác chỉ là khóa học tùy chọn. Các nhà quản lý đó quay trở về nhà để điều hành các chi nhánh nông nghiệp, hoặc nhà máy, hoặc toàn thể kibbutz, chịu ảnh hưởng mạnh của khái niệm lợi nhuận, hiệu quả, bảng kết toán, kế toán chi phí và chiến lược marketing.

Có nhiều người phản đối luận điểm này, họ cho rằng các kibbutz không chịu ảnh hưởng của những ý tưởng đó và vẫn tiếp tục tự vận hành một các lạc hậu, theo phương thức cũ kỹ, mang tính cộng đồng và bình đẳng. 

Mặc dù vậy, vụ khủng hoảng cổ phiếu ngân hàng và Balas là bằng chứng cho thấy một phần đáng kể lãnh đạo kinh tế của các liên minh kibbutz đã bỏ qua các lý tưởng và nguyên lý truyền thống. Trong môi trường ngày càng mang tính tư bản hơn thì các kibbutz rõ ràng phải hợp tác với ngân hàng và các thể chế tư bản khác, đó là một con đường dài từ đầu tư với tiền vay mượn bằng cách đầu cơ trái thẩm quyền vào một đối tượng đáng ngờ. 

Nhìn chung giáo dục kibbutz có thể coi là một câu chuyện thành công, chỉ có một số hạn chế nhỏ. Mặc dù tội phạm thiếu niên đã tồn tại trong các kibbutz nhiều năm và vấn đề nghiện ngập của thiếu niên cũng kéo dài hơn ba thập kỷ, song trẻ em kibbutz không phải là toàn bộ vấn đề. Kibbutz cũng có những kẻ sát nhân và những vụ án ngược đãi trẻ em, trong đó có việc cha lạm dụng tình dục con gái, thậm chí là hiếp dâm tập thể, nhưng tỷ lệ tội phạm của kibbutz nằm dưới mức trung bình của quốc gia. Ngay từ ban đầu, kibbutz đã giải quyết các vụ việc của họ hầu như không cần đến sự can thiệp của cảnh sát. Mặc dù các vụ án cần gọi đến cảnh sát nhiều hơn trong những năm gần đây nhưng các kibbutz vẫn rất yên bình và tuân thủ pháp luật.

Không chỉ đáng chú ý về việc không có các hành vi tiêu cực, trẻ em kibbutz hầu hết là thân thiện, hữu ích, xây dựng, chăm chỉ, yêu nước và tương đối lý tưởng. Nhiều trẻ em đã tham gia thêm một năm làm thủ lĩnh thanh niên tại các thị trấn nhỏ và khu dân cư nghèo khắp đất nước trước khi làm nghĩa vụ quân sự. Chúng thường xuất hiện tại các cuộc biểu tình ủng hộ hòa bình với các nước láng giềng của Israel, cắm trại về dân quyền hoặc vận động cho các vấn đề môi trường. Chúng vẫn tình nguyện trở thành sĩ quan quân đội hoặc phi công cũng như phục vụ trong các đơn chiến đấu tinh nhuệ của quân đội Israel với số lượng vượt xa tỷ lệ tương đối của chúng trong xã hội. Trên quy mô tổng thể, giáo dục kibbutz có thể đánh giá là B+.

Tuy vậy, bất chấp nhiều thập kỷ giáo dục – một số người sẽ gọi là truyền giáo – một số ít trẻ em kibbutz hiện nay không mấy tin vào các nguyên lý của kibbutz. Kết quả trái ngược với mục tiêu được đề ra về việc tạo ra một nhân loại mới bằng giáo dục các giá trị cộng đồng, thậm chí giáo dục kibbutz không được coi là đạt yêu cầu. 

Cho đến nay, liên minh kibbutz Artzi cánh tả đã thất bại trong vấn đề này. Nguyên nhân của nó đã được phác thảo trong chương về Givrat Brenner, nhưng năm kibbutz đã được đề cập không phải là tất cả các thành viên của Liên Minh Kibbutz Thống Nhất (UKM). Đây là lý do cho việc này: mặc dù quá trình thay đổi quét qua phong trào kibbutz cũng ảnh hưởng tới kibbutz Artazi, một liên minh kibbutz, hầu như là nửa vời phía sau UKM, có nghĩa là các kibbutz của họ không hình dung được sự chuyển biến hiện tại. Tuy vậy, hiện giờ chúng ta đang xem xét giáo dục kibbutz, kibbutz Artzi đóng vai trò trung tâm, trong vấn đề giáo dục thì liên minh này đứng trên những nơi khác về việc thực hiện giáo dục hướng tới các giá trị bình đẳng và hợp tác. Do vậy, việc xem xét lý do khiến kibbutz Artzi không còn duy trì được cho trẻ em của họ các giá trị cộng đồng và bình đẳng là rất đáng chú ý.

Nguồn gốc của kibbutz Artzi được tìm thấy ở “Cộng Đồng Của Chúng Ta”, các thành viên của phong trào thanh niên Hashomer Hatzair đã sáng lập “trật tự tu viện không có Chúa”. Vào cuối năm 1922, các thành viên của “Cộng Đồng Của Chúng Ta” còn lại trong nhóm chuyển từ đỉnh đồi phía trên hồ Kinneret xuống khu định cư ở Beit Alpha ở đồng bằng Jezreel.

Các thành viên của Degaina, nhưng chúng ta đã thấy, coi kvutza là lối sống không chỉ thích hợp cho mọi người hay đa số. Kibbutz Meuhad, mà Givat Brenner vốn là một phần trước kia, coi bản thân là hạt nhân của một kibbutz khổng lồ sẽ hấp thụ toàn bộ cộng đồng người Do Thái ở Palestine. Kibbutz Artzi coi các kibbutz của họ là những tế bào cách mạng. Trước hết, những tế bào này sẽ hợp tác với các thành phần Zionist [Chủ nghĩa phục quốc Do Thái] khác (trong đó có các nhóm “tư sản”) để tạo ra quốc gia Do Thái, nhưng vào một thời gian nhất định, họ sẽ trở thành mũi nhọn cách mạng để thiết lập một xã hội không giai cấp ở Palestine. Như vậy họ coi bản thân là một bản mẫu của xã hội đang hình thành và nỗ lực tạo ra những lối sống mới, trong đó có các quan hệ kiểu mới giữa nam và nữ cũng như quan niệm mới về gia đình. 

Có nhiều bản tin mâu thuẫn về quan hệ cá nhân giữa các thành viên của kibbutz sơ khai. Một số chuyện kể mô tả bầu không khí áp bức và khắc khổ: một số khác đề cập đến thời kỳ “yêu đương tự do”. Theo bằng chứng của các câu chuyện đương thời, có vẻ như các thành viên của kibbutz đầu tiên không quá lý tưởng. Ví dụ, tại Beit Alpha có một thời gian ngắn khi chưa kịp phân chia lều ở, nhiều số cặp vợ chồng và các thành viên độc thân đã cùng ngủ trong một phòng tập thể, nhưng sự phân chia đã thực hiện chỉ ít tháng sau đó.

Tại các kibbutz của tất cả các liên minh, tập quán “primus” cũng được ghi nhận. Vào thời kỳ mà các thành viên vẫn còn ngủ trong lều, chuyện một cặp vợ chồng ở cùng lều với một đồng chí khác (được gọi là primus) là bình thường, nhưng chuyện này chỉ hoàn toàn mang tính tạm thời, do sự thiếu thốn nơi ở gây ra. Không có bằng chứng nhỏ nào về tình dục tập thể. Có thể là bất chấp sự nổi loạn chống lại thế giới của cha mẹ, những người tiên phong vẫn chịu ảnh hưởng từ truyền thống của cộng đồng Do Thái ở Đông Âu, nơi họ đã trưởng thành, trong đời sống cá nhân.

Tại tất cả các kibbutz, những đứa trẻ đầu tiên xuất hiện ở Beit Alpha xác nhận sự tồn tại của gia đình hạt nhân. Các thành viên của Degania chấp nhận đơn vị gia đình là tự nhiên, mặc dù họ cũng coi kvutza là một gia đình mở rộng. Ở Givat Brenner, Enzo Sereni khẳng định rằng kibbutz lớn sẽ là “một cộng đồng của các gia đình”. Tại Kibbutz Artzi, sự chấp nhận đơn vị gia đình hạt nhân có vẻ như là miễn cưỡng. “Gia đình tư sản” bị phỉ nhổ và có nhiều nỗ lực làm giảm mức độ quan trọng của nó. Ví dụ, tại hầu hết các kibbutz trong những năm đầu thì việc chồng và vợ ngồi cạnh nhau trong nhà ăn tập thể sẽ gây khó chịu, khi gặp một nhóm trẻ em thì bố mẹ phải chào đón con cái của họ cuối cùng. Phương thức tiếp cận cách mạng hơn của kibbutz Artzi là kết quả của mối liên hệ với phong trào thanh niên Hashomer Hatzair. Phong trào thanh niên Zinonist [chủ nghĩa phục quốc Do Thái], bắt nguồn ở Châu Âu từ những năm 1920, mang truyền thống của phong trào thanh niên Đức, đồng thời hướng tới các kibbutz sơ khai ở Palestine. Các thành viên thanh niên cắm trại dưới bầu trời sao, hành quân trên những ngọn đồi và rừng rậm, tham gia vào các cuộc thảo luận thâu đêm, hát các bài dân ca, nhảy các điệu nhày dân gian. Họ tin vào sự đơn giản, bình đẳng, tình đồng đội và tìm cách xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, ngay cả khi phải làm điều đó trên tro tàn của thế giới cũ.

Kibbutz Artzi và Hashomer Hatzair đại diện cho trường hợp lý tưởng kibbutz được đẩy tới cực đoan. Kibbutz và phong trào thanh niên bện chặt lấy nhau và cộng sinh, thế nên khi trẻ em được sinh ra tại kibbutz, hệ thống giáo dục chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào thanh niên. Khi mà kibbutz Artzi có thêm các khu định cư và phong trào lớn lên, sự ảnh hưởng của họ có khuynh hướng đi theo một lối khác, với quyết định thuộc về kibbutz, nhưng các kibbutz không bao giờ quên rằng họ là hiện thân của phong trào thanh niên và giá trị của nó.

Các thành viên kibbutz và đặc biệt là kibbutz Artzi, hướng tới mục tiêu giải phóng phụ nữ khỏi cái mà họ là “bi kịch sinh học”, nghĩa vụ của phụ nữ phải sinh đẻ và nuôi dưỡng trẻ em, khiến cho họ không còn thời gian cho việc khác. Mặc dù kibbutz không thể giải phóng phụ nữ khỏi việc sinh đẻ, họ cố gắng giải phóng phụ nữ khỏi việc nuôi dưỡng trẻ em. Tập thể phải gánh trách nhiệm về việc đó. Họ cũng xóa bỏ sự phụ thuộc về kinh tế của phụ nữ vào người chồng. Phụ nữ là thành viên bình đẳng của kibbutz, không khác gì so với người chồng về tình trạng kinh tế. Cho tới tận bây giờ, một cựu thành viên của kibbutz Artzi vẫn gọi chồng là is hi (người đàn ông của tôi) thay vì ba ‘ali (chồng tôi, có nghĩa là chủ của tôi theo tiếng Do Thái).

Từ khi sinh ra, trẻ em được nuôi dưỡng trong các căn nhà biệt lập với các nhân viên được đào tạo về chăm sóc trẻ em. Mẹ của chúng sẽ tới thăm chúng để cho bú theo các khoảng thời gian định kỳ. Sau khi được cai sữa, trẻ em sẽ được thăm bố mẹ hai giờ vào buổi chiều. Vào buổi tối, trẻ em quay trở lại nhà trẻ em của chúng và được các nhân viên chăm sóc trẻ em cho đi ngủ. Mối liên hệ giữa con cái và bố mẹ được chủ ý hạ thấp. Trẻ em không được coi là của cải riêng của bố mẹ về mặt sinh học; chúng thuộc về toàn bộ cộng đồng. Sự mâu thuẫn chủ yếu đối với mệnh đề này là ý tưởng về việc cha mẹ và con cái có thể tham gia một mối quan hệ tốt hơn trong khuôn khổ cộng đồng. Cha mẹ có thể cho con cái tình yêu, không bị ngăn cản bởi yêu cầu tuân thủ kỷ luật, vốn là nhiệm vụ của các nhân viên chăm sóc trẻ em, bảo mẫu và sau này là các giáo viên. 

Ở liên minh kibbutz Artzi, ý tưởng về việc tạo ra một “Xã Hội Trẻ Em” tác biệt, dưới dạng trường học nội trú được gọi là Mossad Hinuchi, dành cho trẻ em trên 12 tuổi. Mossad đầu tiên được thành lập ở Mishar Haemek tại đồng bằng Jezreel và các trường khác được thành lập sau đó. Mossad luôn luôn phục vụ cho một vài kibbutz, có nghĩa là những trẻ em lớn tuổi hơn phải sống xa cha mẹ chúng. Chương trình giáo dục của Mossad cố gắng kết hợp ý tưởng của John Dewey, Karl Marx và Sigmund Freud, cùng với những ý tưởng của A. D. Gordon, “tiên tri của người lao động” từ Degania và Ber Borochov, một nhà tư tưởng xã hội Zionist người Nga. Mục tiêu chủ yếu của Xã Hội Trẻ Em là phá hủy các “ảnh hưởng có hại” của thế hệ già hơn và đặc biệt là xóa bỏ “vai trò thẩm quyền của người cha”.

Một trong những nhà giáo dục sơ khai của kibbutz Artzi, Shmuel Gollan, đã liệt kê các tính cách của “người kibbutz” mới. Anh ta phải là người công nhân chăm chỉ, có giáo dục, nhạy cảm, có đạo đức, tích cực và trung thành với tập thể. Các nhóm bình đẳng, thay vì các “gia đình sinh học”, là trung tâm của đời sống trẻ em; tập thể trung thành hơn cá nhân. Thành tích trí tuệ bị hạ thấp; các giá trị lý tưởng, xã hội, đạo đức và thẩm mỹ được coi là quan trọng hơn “sự thành thạo kỹ thuật”. Thành tích nhóm được đặt trên thành tích cá nhân; hợp tác là giá trị cao hơn cạnh tranh. Các dự án được viết ra cao hơn các kiểm tra. Giúp đỡ các thành viên yếu đuối trong nhóm quan trọng hơn khuyến khích những người thông minh.

Trên phương diện “thẩm quyền” của giáo viên về kiến thức, kibbutz tìm cách tạo ra một môi trường mà nhà giáo dục là kênh hai chiều giữa trẻ em và cộng đồng. Xã Hội Trẻ Em là tự chủ và trẻ em được tự do cũng như có trách nhiệm; trên thực tế sự ảnh hưởng (bị che dấu) của người lớn đã dẫn đến việc dạy các thành viên tương lai của kibbutz các thức điều hành kibbutz của chúng.

Trong bài viết ở cuốn sách Giáo Dục Tại Kibbutz Đang Thay Đổi (mà ông cũng là người biên tập), Yeheskel Dar đã chỉ ra rằng tái sản xuất và sáng tạo là các mục tiêu mâu thuẫn trong giáo dục. Sự truyền tải định hướng văn hóa và xã hội từ thế hệ già sang thế hệ trẻ mâu thuẫn với khát vọng phát triển tư duy sáng tạo và giá trị. Nguyện vọng tập thể và các thông điệp nhân bản mạnh mẽ tán thành tự do cá nhân và tự biểu lộ cũng có mâu thuẫn. Theo lời của một người có thẩm quyền ở kibbutz Artzi sơ khai, mục tiêu của giáo dục kibbutz là 

phát triển một thế hệ sẽ nhận thức được sự vững chắc của tầm nhìn, sự hoàn thiện và vinh quang của cộng đồng và sẽ được chuẩn bị để hiến dâng cuộc sống cho sự kế tục công việc của những người sáng lập.

“Mục tiêu của chúng ta là gì?” một thành viên của Beit Alpha hỏi. “Con cái của chúng ta phải theo con đường của chúng ta… khi mọi một điều không tưởng khác thất bại và cả điều này cũng sẽ thay đổi, nhưng chúng ta sẽ thành công nếu chúng ta đào tạo cho con cái đi theo con đường của chúng ta.” 

Nhiều tác động khác đã diễn ra ở trường nội trú Mossad ban đầu, vốn mạnh nhất và có ảnh hưởng nhất vào những năm 1940 và 1950: thiếu chủ nghĩa độc đoán và hệ thống dự án từ giáo dục tiến bộ; sự tập trung vào lao động thủ công của Gordon và Borochov; quan niệm rằng tất cả mọi trẻ em đều tương tự như nhau ngoại trừ một số khác biệt do hệ thống tư bản chủ nghĩa gây ra của Marx; tầm quan trọng của việc giải phóng trẻ em khỏi mặc cảm Oedipus của Freud.

Một tài liệu giáo dục đương thời khẳng định: 

Chúng ta đã thành công trong việc chống lại các khuynh hướng sống gia đình, nguy cơ của chúng, theo tâm lý học hiện đại, là rõ ràng. Các khuynh hướng sống độc lập đối với trẻ em là sự đảm bảo về giáo dục giới tính đúng đắn:
1. Trẻ em tránh xa các tác động tổn thương từ giới tính của cha mẹ
2. Mặc cảm Oedipus, nguyên nhân của đa số bệnh thần kinh, được giảm bớt.
3. Cha mẹ có thể cung cấp tình yêu tươi mới theo nhu cầu, xây dựng mối quan hệ hài hoài giữa cha mẹ và con cái. 

Trái lại, sự hợp lý của việc ngủ tập thể ở nhà trẻ em lại hầu như là kỳ cục theo lời của Shmuel Gollan: 

Tình yêu của cha mẹ có thể bị phóng đại. Đó là nhu cầu của cha mẹ hơn là của con cái. Nó có thể dẫn tới tổn thương và mặc cảm Oedipus. Khi chúng ta tách trẻ em ra khỏi các mối quan hệ gần gũi với cha mẹ, chúng ta phải giảm bớt và kiểm soát tình yêu của cha mẹ đối với con cái. Chúng ta không chấp nhận ôm ấp, hôn, âu yếm tự do.

Ngay cả khi những lý thuyết về nuôi dưỡng trẻ em này là đúng – và theo những gì được chấp nhận nói chung hiện nay thì chúng không đúng – thực tiễn thường xuyên cho thấy sự thất bại. Có nhiều lý do dẫn đến sự thay đổi thường xuyên các giáo viên và nhân viên chăm sóc trẻ em. Ốm đau, thai sản, học hành và các công việc thay thế thường xuyên mang các giáo viên, bảo mẫu và nhân viên chăm sóc trẻ em ra khỏi nhóm của họ. Cũng quá thường xuyên là các nhân viên tạm thời không phù hợp được đưa vào nhà trẻ em. Do vậy kết quả giáo dục của kibbutz không phải luôn luôn đạt được được kỳ vọng.

Các nhà giáo dục kibbutz bị nhà nhân học người Mỹ Melford E. Spiro phản đối trong cuốn sách Trẻ Em Của Kibbutz, xuất bản năm 1958, và nhà tâm lý học Bruno Bettelhiem trong cuốn Trẻ Em Trong Mơ (1969) cũng vậy. Mỗi người đều kết luận, theo những cách không mấy khác nhau, rằng kết quả của sự thiếu liên hệ với cha mẹ - đặc biệt là với mẹ - là trẻ em kibbutz thường tuân phục, thiếu tự tin, nông cạn về cảm xúc và cảm thấy khó khăn khi thiết lập các mối quan hệ nghiêm túc khi trưởng thành. “Sự thân mật thật sự không có đất để sinh sôi ở kibbutz,” Bettelheim kết luận.

Ông cũng chỉ ra sự thiếu khát vọng và thành tích cá nhân của trẻ em kibbutz. “Chúng không tự thể hiện bản thân”, ông tuyên bố. “Chúng sẽ không trở thành nhà lãnh đạo hoặc triết gia hay đạt được bất cứ thứ gì trong khoa học cũng như nghệ thuật.”

Mặc dù vậy, trong bài báo mới đây có tiêu đề “Quay Trở Lại Trẻ Em Trong Mơ”, một nhà báo đến thăm Ramat Yohanan đã phát hiện ra rằng lớp học mà Bettelheim nghiên cứu ba thập kỷ trước đây đã có thành tích tốt. Một học sinh đã kể tên từng bạn học, liệt kê một nhà quản lý công nghiệp, một nghệ sĩ và nhà thơ, một nhà soạn nhạc mới được nhận giải thưởng của thủ tướng về nhạc cổ điển, một nhà địa lý, một giáo sư toán học, một nhà vật lý vũ trụ với danh tiếng quốc tế, hai giám đốc bán hàng của doanh nghiệp lớn, quản lý một công ty công nghệ cao, một cựu phi công hiện nay là nhà văn viết cho trẻ em rất thành công, cũng như cựu thư ký, thủ quỹ và quản lý nông trại của kibbutz. “Bettelheim đã hoàn toàn sai”, ông kết luận, với một sự điều chỉnh lớn.

Có vẻ như ngẫu nhiên mà Spiro chọn Beit Alpha để nghiên cứu còn Bettelheim thì đến Ramat Yohanan. Vào năm 1939, hai kibbutz này đã áp dụng việc trao đổi một phần cư dân với nhau, sau một xung đột về thành viên của kibbutz Artzi. Do vậy, cả hai nhà nghiên cứu đã tiếp xúc với hậu duệ của cộng đồng tinh túy đó, Cộng Đồng Của Chúng Ta. Mặc dù cả hai tác giả giấu tên của các kibbutz song không có bí mật nào giữ được lâu ở Israel, danh tính của hai kibbutz đã sớm bị nhận ra.

Bettelheim, người chỉ ở lại kibbutz Ramat Yohanan sáu tuần, đã bị các nhà giáo dục kibbutz phủ nhận vì sự nông cạn, nhưng Spiro, người đã ở lại Beit Alpha gần một năm, với vợ và trợ lý nghiên cứu, sau đó quay trở lại trong nhiều khoảng thời gian ngắn, thì khó có thể phủ nhận. Quan sát của ông được thực hiện nghiêm túc ít nhất là một phần bởi vì ông ấy nói chung là tích cực về kibbutz. Sau chuyến thăm vào năm 1974, ông kết luận, “Với tất cả sự cố chấp, cộng đồng tự nhận là kibbutz. Đây là kết quả của sự vật và ở đây, nếu những người sáng lập có thể thừa nhận điều đó, là kết quả thành công của họ …. Không có gì hoài nghi về sự đóng góp [của trẻ em] vào sự bất diệt của kibbutz.” Phán quyết cuối cùng của ông về các cá nhân được kibbutz nuôi dường là “con người nồng ấm, nhạy cảm, hòa nhã”. 

Bất chấp kết luận nhìn chung là tích cực của Spiro, nhiều thanh niên kibbutz hiện giờ cho rằng giáo dục của kibbutz hướng tới sự tầm thường và các nghiên cứu của Israel, trong đó có nhiều nghiên cứu của các thành viên kibbutz, có khuynh hướng xác nhận những phát hiện ban đầu của hai người Mỹ. Tóm lược bảy mươi năm giáo dục cộng đồng trong một tiểu luận của cuốn Giáo Dục Tại Kibbutz Đang Thay Đổi, Ora Aviezer kết luận rằng kibbutz không chỉ thất bại trong việc tạo ra “con người mới”, mà các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em được kibbutz nuôi dạy rất khác với trẻ em Israel bình thường. Hơn nữa, hệ thống ngủ tập thể đã được chứng minh là một khuôn khổ không thích hợp để nuôi dạy trẻ em, có tác động tiêu cực đối với sự phát triển cảm xúc của trẻ em kibbutz.

Có một chút hoài nghi là việc ngủ tập thể ở nhà trẻ em tác động đến một nửa dân số kibbutz này hơn là một nửa khác. Cả mẹ và con gái, phụ nữ đã bị hệ thống do nam giới thiết kế làm tổn thương. Điều này được minh họa trong Shira! Hadeshe (Khúc Hát Của Bãi Cỏ, 1991) được viết bởi Nurit Leshem, một nhà tâm lý học của kibbutz và là con gái của thế đầu tiên của kibbutz. Cuốn sách là một tập hợp các cuộc phỏng vấn với mười lăm thành viên của thế hệ phụ nữ đầu tiên lớn lên ở kibbutz, hầu hết là từ kibbutz Artzi. Tất cả phụ nữ, chỉ trừ có hai người, đều vẫn là thành viên của kibbutz. Leshem đã thừa nhận rằng sách của bà không phải là nghiên cứu khoa học.

“Tôi yếu về thống kê”, bà thừa nhận. “nhưng tôi nghe tốt các câu chuyện của con người.”

Điều mà cuốn sách của bà thể hiện là kibbutz, một xã hội khát khao tạo ra sự bình đẳng tuyệt đối, đã thất bại về bình đẳng giới tính. Về chủ đề này, kibbutz Artzi trước đó đã tuyên bố: 

Chúng tôi đã tạo ra [cho phụ nữ] các quyền bình đẳng; chúng tôi đã giải phóng phụ nữ khỏi sự phụ thuộc kinh tế; chúng tôi đã giải phóng phụ nữ khỏi gánh nặng chăm sóc con cái; chúng tôi đã giải phóng phụ nữ khỏi cảm giác “phụ thuộc” vào người chồng, người cung cấp và người ra lệnh; chúng tôi đang mang đến cho phụ nữ một xã hội mới; chúng tôi đã bẻ gẫy những xiềng xích trên đôi tay của phụ nữ. 

Những điều này có thể đúng về nghĩa đen, nhưng khi áp đặt cho nữ thành viên kibbutz một sự bình đẳng nhân tạo với chồng của họ, hệ thống kibbutz đã dẫm đạp lên cảm giác về tình mẫu tử, nữ tính và sự thể hiện nữ tính.

Trong lời giới thiệu, Leshem viết: 

Được phép bú bốn giờ một lần, bị bỏ mặc cho la hét đến vỡ phổi, chúng ta lớn lên mà không có sự an toàn căn bản của sự sinh tồn. Ngồi trên cái bô trong một khoảng cách quy định cạnh đứa trẻ khác đang làm điều tương tự, chúng ta được giáo dục để trở thành giống nhau; nhưng chúng ta lại thực sự khác nhau. Chúng ta cố gắng san bằng sự cách biệt và học cách thể hiện giống nhau: quần áo, giày dép, thực phẩm, khát khao, tất cả đều giống nhau. Chúng che dấu nỗi đau sau những bức tường cao.
Vào ban đêm, khi người lớn ra về và tắt tất cả đèn. Anh biết rằng anh sẽ đái dầm ra giường vì sợ phải đi tới phòng vệ sinh….
Trẻ em giấu bộ pajamas, nhân viên chăm sóc trẻ em sẽ tìm thấy chúng tát đứa trẻ…. Người hùng của Đất Nước Israel không được khóc, cô chạy ra sau tòa nhà để khóc ở chỗ không ai có thể nhìn thấy cô.
Từng người phụ nữ mô tả sự tuyệt vọng của mình. Deganit nhớ lại, “Không ôm ấp, hay hôn, hoặc sự nồng ấm về thân thể. 

Ziva nhớ đến quy tắc sắt đá: “Không bao giờ khóc. Giống như một đứa trẻ để lộ sự sợ hãi: Để lộ ra và thế là xong. Không bao giờ yêu cầu giúp đỡ, không bao giờ chống đối…. bất kể là anh làm điều gì – chỉ làm những điều mà “họ” bảo anh làm.”

“Việc bỏ phí thức ăn bị cấm,” Hannah nói. “Nếu anh nôn ọe, anh sẽ phải ăn những gì dã nôn ra. Khi tôi bị bệnh vàng da, tôi đã ốm trong nhà vệ sinh. Bảo mẫu đã tát tôi. Tôi biết rằng bố mẹ tôi sẽ không bao giờ can thiệp.” 

Esty nhớ lại việc cô muốn học đại học và đưa ra yêu cầu tại đại hội của kibbutz chỉ để bị dìm đi. Mẹ cô thậm chí còn không tham dự đại hội.

Ahuva mô tả mẹ cô là “mạnh mẽ và tàn nhẫn, dẫm nát bất cứ ai mà bà muốn, nhưng luôn là vì cộng đồng – không bao giờ vì bản thân hay gia đình”.

Hagit nói, “Ngày nay, khi con cái của tôi rời khỏi nhà, tôi sợ bị bỏ rơi.”

Carmela viết: 

Thời thơ ấu là một sự hành xác liên tục. Không có tình yêu…. Tôi cần tình yêu đến tuyệt vọng, nhưng tôi không được phép có nó. Nữ tính của tôi bị đè nén…. Tôi lớn lên như một đứa trẻ mồ côi. Cha mẹ tôi không bao giờ hôn tôi cho đến khi tôi ba mươi tuổi!
Cha mẹ tôi không phải là hình tượng ước mơ, cũng giống như giáo viên của tôi. Các ngôi sao điện ảnh, bất chấp việc chúng tôi dạy rằng họ là “đồi trụy”, tôi muốn được giống như người Anh và người Mỹ, bất chấp việc giáo viên của tôi khinh miệt họ. 

Đây là chuyện của Efrat: 

Một lần mẹ nghe thấy tôi khóc. Bà đứng cả giờ bên ngoài nhà trẻ, không dám can thiệp. Tôi bị bỏ quên ở ngoài sân. Tôi đã bị mất nước. Mặc dù vậy, họ vẫn nói rằng cha mẹ không đủ trình độ để chăm sóc trẻ như các nhân viên chăm sóc trẻ em được đào tạo.

Efrat cũng nhớ lại lần ba thăm một “gia đình thực” ở moshave. Bà nói với cha mẹ rằng đó “giống như thiên đường.”

Cuối cùng, một đoạn phim: 

Một hôm, khi tất cả trẻ em chơi trên sân, một bé gái vẫn ở trong tòa nhà. Cô đi đến góc chứa búp bê. Cô biết rằng không được lấy búp bê. Chỉ có nhân viên chăm sóc trẻ em được phép lấy búp bê, nhưng cô lấy một con, ôm nó và hôn nó. Cô mở áp và làm bộ cho con búp bê bú trên bộ ngực phẳng của mình, áp nó vào tai nghe tất cả những lời thì thầm mà cô ước được nghe. Cô ôm ấp, âu yếm và yêu mến con búp bê. Cô không nhận ra nhân viên chăm sóc trẻ em, rón rén lại gần và tát vào mặt cô: “Con đĩ, đồ phóng đãng, không bao giờ, không bao giờ được làm điều đó nữa!”

Đó chỉ là một số trích đoạn từ các cuộc phỏng vấn, được dịch từ bản gốc tiếng Do Thái. Sách của Leshem gây ra một sự xúc động mạnh. Tác giả nhận được một núi thư, nhiều thư bổ sung thêm những câu chuyện mà bà đã ghi nhận. Một số thư viết trong “nghẹn ngào nước mắt”. Nhiều người thú nhận rằng họ đã nghĩ rằng họ là trường hợp độc nhất cho đến khi đọc cuốn sách.

Một phiên bản bi kịch của Shira! Hadeshe được trình chiếu năm 1992, lên đến đỉnh điểm với sự kiện cay đắng về con búp bê. Sau đó là thảo luận ở một kibbutz, với sự tham gia của các thành viên ở đó và nhiều kibbutz khác. Một người tham dự, bà là thành viên của kibbutz thế hệ đó, yêu cầu được biết tại sao bà và những người cùng thời đã giữ im lặng lâu đến vậy, tại sao họ giữ tất cả bí mật đó trong lòng. Một số người phủ nhận sự thật trong hình ảnh của Leshem, khẳng định rằng họ đã thảo thuận với các thành viên cùng thế hệ và không có ai nhớ gì về những cay đắng và đau khổ như vậy. Một dấu hiệu đáng chú ý là tất cả những người phát biểu đều là nam giới và không có ai thừa nhận. “Kibbutz được coi là cung cấp một giải pháp cho cả nam giới và phụ nữ, nhưng người chịu đựng chủ yếu là phụ nữ. Thế nên kibbutz đã thất bại về điều đó.”

Các nhà báo sau đó đã chỉ ra rằng những năm 1940 là thời kỳ khó khăn đối với nhiều cộng đồng Do Thái ở Palestine, với các điều kiện khắc nghiệp và sự thiếu thốn hàng hóa vật chất. Đó là sự thật đối với nhiều trẻ em tại thành thị và làng quê của Israel, chứ không chỉ trẻ em của kibbutz. Một nhà văn thừa nhận rằng mặc dù sợ hãi nhưng hồi ức của bà hầu như chỉ là phần hạnh phúc: “Tôi yêu nhà trẻ em, được đi ngủ theo nhóm. Thật là vui khi cùng nhau.”

Một người khác (nam) viết về sự tập hợp nồng ấm đầy hoài niệm của nhóm, cảm giác về tình đồng đội và mục đích, của hành quân, lều trại, ra dấu và nhảy múa, những đêm vui đùa và cười lớn. Một phụ nữ viết rằng sách của Leshem minh họa sự chiến thắng của tinh thân nhân bản trước lý tưởng, chiến thắng của cảm giác nhân bản và tính sáng tạo tự nhiên, mà không có thể chế nào có thể vượt qua: “Vượt lên mọi sự đau khổ, áp bức, cô đơn, anh phải thể hiện trong sách của mình người phụ nữ mạnh mẽ, với sức mạnh nội tại mạnh mẽ, đó là người thể hiện rằng họ sở hữu sức mạnh đó. Đó là người có đặc quyền.” 

Sách của Leshem mô tả một thời kỳ đặc biệt mà sự thất vọng và hy sinh cho công đồng mang đến không chỉ cho các kibbutz mà rõ ràng là toàn bộ cộng đồng người Do Thái ở Palestine. Các thế hệ sau, sống trong những thời gian dễ chịu hơn, có những hồi ức hạnh phúc. Trong nhiều cuộc đối thoại ở Degania, Givat Brenner, Hasolelim, Neve Yam, Hatzerim và một số kibbutz khác mà không cần phải mô tả cụ thể, các thành viên lớn lên với ngủ tập thể khẳng định rằng trải nghiệm nói chung là tích cực. Trong khi đa số những người nặc danh khẳng định rằng họ muốn con cái ở nhà thì những người khác cho rằng họ có một thời thơ ấu tuyệt vời và khi sống ở nhà con cái của họ sẽ không có những trải nghiệm tuyệt vời mà họ đã có. 

Aviva Zamir của kibbutz Maagan Michael cũng thực hiện một nghiên cứu về phụ nữ của kibbutz, Mẹ và Con Gái, xuất bản năm 1986. Các cuộc phỏng vấn của bà, giới hạn trong một kibbutz, tập trung vào chủ đề công việc của phụ nữ và quan niệm về bình đẳng giới trong kibbutz hơn so với các chủ đề khác về tình mẫu tử và ngủ tập thể. Hơn nữa, chúng được thực hiện vào thời gian mà kibbutz đang phải đối mặt với vấn đề chuyển từ ngủ tập thể sang ngủ ở nhà. Do vậy, chúng có khuynh hướng không chú trọng vào các câu hỏi về việc nuôi dạy trẻ em tập thể, song một số câu trả lời lại ủng hộ cho các nội dung trong cuốn sách của Leshem. Sarah, một bà mẹ 56 tuổi của kibbutz, nhớ lại, “Tôi rất muốn con cái ở cùng với mình. Khi tôi không thể chịu đựng điều đó nữa, tôi thường mang chúng tới chỗ mẹ tôi trong thị trấn. Tôi rất thỏa mãn khi được ngủ cùng với con cái trong vài đêm.”

Sau đó, “Khi Orit còn nhỏ, tôi không được phép cho cô con gái nhỏ của mình đi ngủ. Nhân viên chăm sóc trẻ em nói rằng tôi có thể nhìn nó qua cửa sổ.” Yael, một bà mẹ 33 tuổi, kể lại, “Ngủ tập thể là rất bất bình thường, nhưng tôi không phải chịu đựng điều đó khi còn nhỏ. Khi làm mẹ thì tôi rất muốn con mình ngủ ở nhà.”

Mặt khác, Hannah, một cựu thành viên, khẳng định, “Ngủ tập thể là một sự sắp xếp lành mạnh kỳ lạ. Tôi có thể ở riêng với chồng. Tôi có thời gian cho mọi loại hoạt động. Các con gái của tôi không biết chúng đã tham gia vào việc đó vì cái gì!”

Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện ngay sau khi trẻ em trở về nhà, Hagit, một bà mẹ trẻ ở độ tuổi hai mươi, nói rằng, “Hiện giờ chúng tôi thoải mái hơn nhiều khi con cái ngủ ở nhà. Chúng tôi không phải đến nhà trẻ em cả ngày để có được chút ít thời gian với con cái.” Khi tự phỏng vấn ở kibbutz của mình, Zamir đồng ý rằng phụ nữ kibbutz thường xuyên phẫn nộ trong vai trò của bà mẹ. 

Tôi đặc trưng cho thế hệ mà theo đó tôi đẩy vấn đề qua một bên, tôi tin tưởng vào kibbutz về tổng thể, tôi chấp nhận sự lầm lạc này. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ đã chạy nửa dặm đường trong đêm mùa đông để cho con gái ăn, sau đó quay về, “Đây là thế hệ nô lệ cuối cùng!” Tất cả là như vậy. Thế hệ con gái của tôi cởi mở hơn và ít vị tha hơn, chúng đã thay đổi điều đó. 

Sau khi nói chuyện với Yeheskel Dar ở Degania và đọc cuốn Giáo Dục Tại Kibbutz Đang Thay Đổi, tôi tìm ông thể thảo luận tiếp trong văn phòng tại đại học Hebrew ở Jerusalem. Dar, một giáo sư xã hội học về giáo dục, cho biết là nhiều phụ nữ được phỏng vấn ở Shirat Hadeshe đang được điều trị tâm lý.

“Tôi không biết nhiều về hệ thống và cá nhân”, ông nói. “Rõ ràng là có sự tác động qua lại, nhưng tôi không cho rằng giáo dục kibbutz nói chung là có hại. Nó tác động tiêu cực đến một số trẻ em nhạy cảm, nhưng không phải là tổn hại đối với đại đa số.” Tôi hỏi Dar tại sao bốn thế hệ của giáo dục kibbutz không truyền tại được các giá trị cộng đồng theo cách mà Yosef Bussel đã tiên đoán. Ông trả lời rằng hệ thống giáo dục kibbutz – ngay cả của kibbutz Artzi – đều chủ yếu dựa trên các ví dụ.

“Họ cho rằng duy trì nó là đủ”, ông nói. “Họ không thật sự dạy lối sống kibbutz với sách giáo khoa về sự bình đẳng và cộng đồng, theo cách mà các nhà giáo dục tôn giáo duy trì tôn giáo với kinh thánh và sách Talmud. Họ hoàn toàn đánh giá thấp sự ảnh hưởng của cấu trúc xã hội.” Ông cho cũng cho rằng Bussel hoàn toàn đánh giá thấp sự quan trọng của cách mạng cá nhân mà ông và các đồng chí đã thực hiện.

Kinh nghiệm về việc nổi loạn chống lại môi trường xã hội, bị trở thành người ngoài, mặc dù vậy được củng cố bằng một hàng ngũ các nhóm bạn bè có cùng giá trị, là rất mạnh mẽ. Những người sáng lập kibbutz đã chọn cách gia nhập nhóm và tạo ra lối sống dựa trên đạo đức khác biệt với những người mà họ cùng trưởng thành. Những người sinh ra trong kibbutz có mặt một cách ngẫu nhiên. Do vậy,sự thật trái ngược với những điều mà Bussel đã viết: những người có sự lựa chọn cách mạng có thể sống theo lối sống cộng đồng; những người lớn lên như là thành viên cộng đồn lại ít có khả năng sống trong một cộng đồng.

Một lý do quan trọng khác khiến giáo dục kibbutz “thất bại” là sự thay đổi trong môi trường chung. Xã hội không đứng yên, như Dar đã chỉ ra; tập thể mang tính chất chủng tộc của cộng đồng Do Thái ở Palestine ngày càng bị thay thế bằng phương thức tiếp cận cá nhân hơn trong quốc gia Israel. Ông không cho rằng kibbutz sẽ thành công hơn nếu họ đoạn tuyệt với xã hội. Xã hội xung quanh đã mang đến cho kibbutz cảm giác về sự quan trọng. Xã hội cũng đảm bảo cho kibbutz các tài nguyên để duy trì mức sống tương đối cao. Mặc dù ông đồng ý rằng các trường học kibbutz có thể trở thành giống như các trường học khác nhưng ông vẫn hy vọng rằng truyền thống dân chủ và một số thứ của hệ thống dự án vẫn sẽ được duy trì.  
Toàn bộ câu hỏi về giáo dục kibbutz đã soi rọi sự mẫu thuẫn của phong trào kibbutz trong mối quan hệ với xã hội bên ngoài. Như chúng ta đã quan sát, kibbutz từ việc chối rút khỏi xã hội theo phương thức tiếp cận cộng đồng truyền thống, thay vì hướng tới dẫn dắt và thúc đẩy nó. Tuy vậy, trường học kibbutz thuở sơ khai được coi là một chính sách ngoại lệ. Mặc dù chúng tiếp nhận trẻ em bên ngoài kibbutz, kiểm soát giáo dục vẫn do kibbutz thực hiện, cũng như đa số tuyệt đối giáo viên là thành viên của kibbutz. 

Vào những năm 1970, khi khoảng cách xã hội giữa những người Israel kỳ cựu và những người nhập cư mới – đặc biệt là những người đến từ các quốc gia Trung Đông – gia tăng so với những năm 1950, bộ giáo dục đã ban hành một chính sách hội nhập bắt buộc tất cả các trường học phải tiếp nhận trẻ em theo khu vực địa lý mà không xét đến tình trạng xã hội hay kinh tế của chúng. Các kibbutz bảo vệ sự ngoại lệ của họ trước chính sách này với lý do họ chỉ giáo dục các giá trị của kibbutz. Đây là một trong những lý do khiến một bộ phận lớn công chúng Israel oán giận các kibbutz. Các kibbutz có thể coi đó là quyền truyền thụ những giá trị của họ; nhiều người Israel coi đó là chủ nghĩa thượng lưu hợm hĩnh.

Mặc dù vậy, ngày nay, cùng với sự mở cửa của các kibbutz đối với xã hội bên ngoài, các trường học kibbutz rất phổ biến với công chúng nói chung. Đa số các điểm bán hàng của khu dân cư mới là do một số kibbutz xây dựng, như Givat Brenner và Hasolelim, trên phương diện giáo dục cho trẻ em tại một trường học của kibbutz. Tuy kibbutz Artzi duy trì chính sách ngoại lệ lâu hơn các kibbutz khác song hệ thống trường học của họ cũng đã mở cửa cho bên ngoài. Trong ba thập kỷ qua, Shikma Mossad ở miền tây sa mạc Negev đã đón nhận trẻ em hàng ngày từ các thị trấn và moshav trong vùng, cũng như nhiều học sinh hơn từ ba kibbutz và một số nhóm nhập cư trẻ. Nằm tại kibbutz Yad Mordechai, cách thị trấn bờ biển Ashkelon 6 dặm về phía nam, Mossad có khuôn viên riêng ở một góc của kibbutz.

Một trong những lý do khiến Shikma trở thành trường địa phương là tài chính: kibbutz không còn đủ khả năng tài trợ cho trường học chỉ phục vụ các thành viên của họ. Thậm chí là với 100 trong số 260 học sinh hàng ngày, lớp học vẫn tương đối nhỏ, khoảng 22-23 học sinh mỗi lớp. Công dân của Ofakim, Sderot, Netivot, các thị trấn chủ yếu là người nhập cư phương đông vào những năm 1950 đều sẵn lòng gửi con cái tới Shikma và hiện nay trường kibbutz rất vui mừng đón nhận chúng.

Shikma không thật sự là trường học kibbutz nữa, chưa nói là Mossad truyền thống của kibbutz Artzi. Họ dạy theo chương trình của bộ giáo dục, họ tuyển dụng giáo viên cả từ kibbutz và bên ngoài, đa số giảng dạy theo phương pháp đối mặt truyền thống, tất cả trẻ em đều tham gia các kỳ thi xét tuyển đại học quốc gia. Tuy vậy, dấu vết của Xã Hội Trẻ Em vẫn còn được thấy rõ. 

Ronnie Bassin, một người đàn ông trung tuổi thân thiện và hoạt bát, thành viên của Zikkim, một không có trẻ em ở Shikma. Ông dạy văn học và giáo dục công dân ở trường nhưng cũng hướng dẫn học sinh cách thực hiện các dự án nghiên cứu cá nhân – các sử dụng cơ sở dữ liệu máy tính, sách và các tài liệu khác. Dự án nghiên cứu cá nhân theo tinh thần của Mossad cũ, kết hợp hoạt động cá nhân và nhóm bên ngoài cấu trúc lớp học. Giữa học sinh và giáo viên không có mối quan hệ ít chuẩn mực hơn so với trường của thị trấn, ông khẳng định, nhưng ông cũng ghi nhận rằng giáo dục lý tưởng theo kiểu cũ đã kết thúc. Ở Shikma, khuynh hướng níu kéo những học sinh nổi trội không còn, thành tích cá nhân là mục tiêu giống như bất kỳ trường học nào khác.

Cựu giáo viên Hanoch Lekach là từng là thành viên của Kanniya, một kibbutz khác có trẻ em học ở Shikma, khoảng 45 tuổi. Với đôi mắt buồn bã màu xám, tóc xám thưa thớt và lộn xộn, ria mép xám, giọng nói thanh tao và phát ngôn chuẩn mực, Lekach là hình mẫu của cựu thành viên kibbutz. Ông tới Mossad Shikma vào những năm 1960, khi kibbutz Artzi truyền thống – các giá trị Hashomer Hatzair vẫn đang thống trị. “Chúng tôi có một phương thức tiếp cận hữu cơ bản thể”, ông nhớ lại. “Chúng tôi dạy theo chủ đề, xem giáo dục và xã hội là các phần của một tổng thể. 

Một giờ rưỡi làm việc cấp tốc trong một dự án nghiên cứu là phần trung tâm của ngày học. Học sinh trở về nhà vào buổi chiều ở kibbutz để làm công việc nông nghiệp trước khi trở về Mossad vào buổi tối. Học sinh vẫn về nhà bố mẹ vào buổi chiều, nhưng hiện nay chúng chỉ làm việc một tuần một lần. Chương trình học được phòng giáo dục của kibbutz Artzi cung cấp. Phòng vẫn tồn tại, nhưng ít có ảnh hưởng. Hiện nay, việc dạy học được thực hiện theo chương trình của bộ giáo dục.

“Theo ý kiến của tôi”, Lekach nói, “giáo dục lý tưởng của chúng tôi đã bị yếu đi sau Đại Hội thứ 20 của Đảng Cộng Sản Soviet, khi mà Nikita Khruschev lên án Stalin về chế độ khủng bố. Sau đó thì việc giáo viên chứng tỏ rằng họ có tư duy cởi mở trở nên quan trọng.”

Khi nhiều các giáo viên được đào tạo đại học tham gia vào Mossad hơn, họ cũng có các tác động sâu sắc. Mossad trở nên “hàn lâm hóa”. Sự khác biệt với giáo dục tôn giáo là ở chỗ, trong khi kibbutz Artzi thừa nhận sự kiểm soát của bộ giáo cụ, lĩnh vực tôn giáo vẫn duy trình chương trình độc lập của họ.

Lekach thừa nhận rằng ông và đồng nghiệp đã sai về rất nhiều thứ. Họ đã hoàn toàn ngây thơ, mặc dù vậy toàn bộ hệ thống vẫn hoạt động tương đối tốt. Tuy vậy, ông vẫn tin tưởng hoàn toàn vào các giá trị của kibbutz và cố gắng giáo dục học sinh giúp đỡ người khác trong khi phát triển bản thân, ông khẳng định rằng không bao giờ hình dung rằng việc tạo ra “con người mới” là khả thi.

Ở kibbutz của ông, Karrmiya, Xã Hội Trẻ Em vẫn được duy trì cho đến những năm 1970. Đến năm 1974, nhân viên chăm sóc trẻ em và giáo viên cho trẻ em đi ngủ, thậm chí ngay cả sau khi cha mẹ chúng đảm nhiệm vai trò đó, đó là vài năm trước khi trẻ em nhỏ hơn bắt đầu ngủ ở nhà. Trẻ em Mossad, lớn hơn 12 tuổi, thường ngủ ở trường nội trú. Lekach coi sự ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái luôn mạnh hơn của giáo viên hay nhân viên chăm sóc trẻ em. Ngay cả khi hệ thống hoàn toàn là cộng đồng, nhà của cha mẹ vẫn là nguồn ảnh hưởng chủ yếu. 

Giọng nói truyền cảm của ông gợi cho tôi nhớ đến cuộc nói chuyện trước đó với một giáo viên khác, Ruth Dotan, của Ayelet Hashahar ở Galilee Thượng. Ruth đã dành cả cuộc đời của bà cho giáo dục kibbutz, mặc dù không phải ở kibbutz Artzi.

“Ở nhà mà bố mẹ đọc thì con cái cũng đọc,” bà khẳng định. “Truyền hình và máy tính không làm ngừng việc đọc ở một ngôi nhà có nhiều sách. Điều đó cũng giống như giá trị. Bất kể là khuôn khổ tập thể mạnh đến đâu; nếu như cha mẹ không hỗ trợ thì nó sẽ không có tác dụng.” 

Bà quyết liệt phủ nhận cáo buộc về việc trường học kibbutz giáo dục sự tầm thường. Kibbutz đã nhiều năm đứng đầu trong thời của nó về việc công nhận nhu cầu khác nhau của trẻ em có tài năng đặc biệt. Bản thân bà đã quen với việc đưa những đứa trẻ buồn chán ra khỏi lớp và hướng dẫn các dự án tự nghiên cứu trong thư viện.

“Mỗi đứa trẻ đều nhận được sự hỗ trợ tối đa phù hợp với tài năng cá nhân của chúng”, bà khẳng định. 

Tôi luôn làm việc theo nguyên tắc đó. Những đứa trẻ tinh hoa luôn xuất hiện và chúng không thể bị loại bỏ. Câu hỏi là những cá nhân sáng dạ có phục vụ xã hội không, hay chỉ xoay sở cho bản thân mình? Một học sinh của tôi quan tâm đến thực vật học, cây cối lên ra sao, chúng cần bao nhiêu nước. Sau này, cậu ấy trở thành người thành lập công ty nước quốc gia của Israel.

Ruth phủ nhận việc coi giáo dục kibbutz – hay kibbutz nói chúng – là một thất bại. “Hiện giờ chúng đan thất bại một phần”, bà thừa nhận, “nhưng trong gần một trăm năm chúng tôi đã chứng minh rằng con người không cần phải sống theo nguyên lý "ăn thịt lẫn nhau”. Lịch sử là tuần hoàn. Lý tưởng kibbutz sẽ quay trở lại vào một ngày nào đó, mặc dù là có thể dưới một dạng khác.” 

Hanoc Lekach mô tả bản thân như là “ở chốn lưu đày trong giấc mơ của tôi”. Nếu ông có điều gì hối tiếc thì đó là việc ông không nhận ra lý tưởng kibbutz đã thoái trào khi ông trở thành thành viên của kibbutz vào những năm 1950. Khi nhìn lại, ông cảm thấy rằng hệ thống kibbutz đã đổ vỡ từ lâu trước khi có bất cứ ai nhận ra. Bất chấp điều đó, cuộc đời giáo viên đã mang lại cho ông sự hài lòng. Ông thừa nhận rằng nhiều trẻ em lớn lên ở kibbutz đã nói rằng chúng không hạnh phúc trong một khuôn khổ cộng đồng quá lớn khiến chúng không có cơ hội phát triển cá nhân, nhưng ông cũng cho rằng mình đã luôn cố gắng xem xét mỗi đứa trẻ như là một cá nhân và giúp đỡ học sinh theo cách phù hợp.

“Chúng tôi không đạt được những gì đã hy vọng”, ông thừa nhận, “nhưng về tổng thể hệ thống đã tạo ra các kết quả tốt. Tôi vẫn cố gắng truyền tải các giá trị tự do, nhân bản và khoan dung.”

Một nhóm học sinh cấp ba từ Shikma nằm trên bãi cỏ bên ngoài lớp học. Chúng mặc như các thiếu niên ở mọi nơi khác: quần jeans, áo phông, giày đế mềm hoặc chân trần. Hai đứa có khuyên tai, một đứa hút thuốc. Chúng đều đến từ Zikkim, kibbutz nhỏ nhất cách Mossad vài dặm về phía bắc, nhưng chỉ một đứa là trẻ em kibbutz. Hai đứa nhập cư từ Nga, ở cùng với bố mẹ tại một thị trấn phát triển; một đứa từ Tel Aviv. Cả ba học sinh bên ngoài đều được các gia đình ở Zikkim nhận nuôi, chúng tới thăm họ mỗi buổi chiều. Chúng sẽ thăm gia đình thật của mình hai tuần một lần. 

“Cháu có phải là “con người mới” không? Tôi hỏi Jonathan, một cậu bé gầy và cao lêu nghêu đeo kính, con của người nhập cư từ Argentina. “Cháu chỉ là người bình thường,” cậu trả lời với nụ cười, “một người yêu căn nhà và lối sống của mình. Thế thôi.”

“Cậu ta khác với những đứa trẻ thành phố”, Yaron bình luận. Tóc dài và da ngăm đen, cậu là người đến từ Tel Aviv. Ông nội cậu đến Israel từ Iraq.

“Yaron nói đúng”, Marx khẳng định, cậu sinh ra ở Moscow. Cậu có khuôn mặt phẳng, đẹp tự nhiên, đeo khuyên tai và nặng căn hơn nhiều những người khác. “Thêm nữa. Hiện giờ cháu cũng khác. Tụi cháu ít hư hỏng hơn đám trẻ em thành phố. Nếu tụi cháu đi dã ngoại, tất cả những gì tụi cháu cần là túi ngủ và một ít café. Tụi cháu không cần phòng có điều hòa nhiệt độ; tụi cháu thoải mái khi ngủ ngoài trời.”

“Cậu ấy bắt đầu đi chân đất vào mùa hè năm ngoái”, Yaron nói và cười.

“Cậu ấy vẫn chưa là người kibbutz”.

Không có cậu bé nào sẵn sàng trả lời rằng họ chắc chắn sẽ ở lại Zikkim. Max nói rằng cậu thích nơi này những không muốn trở thành thành viên của kibbutz. Nếu Zikkim trở thành một làng bình thường thì cậu sẽ thích ở lại hơn. Cậu muốn học tâm lý học sau khi đi nghĩa vụ quân sự.

Nicolai, người đến từ vùng phụ cận Moscow, cho rằng cậu sẽ có sự nghiệp trong quân đội. Yaron tìm cách học kiến trúc và thích đi du lịch. Max muốn trở về Nga để xem có chuyện gì đã diễn ra.

Tất cả đều hoàn toàn tích cực về Shikma. Yaron công nhận rằng mối quan hệ với giáo viên ít chuẩn mực hơn so với trường học của cậu ở Tel Aviv. Anh có thể chơi bóng đá với một giáo viên và ngồi cạnh giáo viên trong nhà ăn cộng đồng, cậu kể. Nicolai và Max thậm chí còn đi xa hơn nữa, họ thú nhận rằng khi lần đầu tiên tơi Shikma, họ đã bị sốc. Ở Nga, giáo viên có uy quyền tuyệt đối. Học sinh phải giữ im lặng trong lớp học. Nếu chúng muốn nói điều gì thì chúng phải giơ tay và đợi cho đến khi được cho phép. Ở Nga, chúng sợ giáo viên và chúng kinh ngạc trước việc Mossad thiếu kỷ luật chuẩn mực.

Trường học không có giáo dục chính trị, song vào buổi tối thì phong trào thanh niên Hashomer Hatzair có các hoạt động của họ. Lũ trẻ nói rằng phong trào khuyến khích sự hợp tác và chủ nghĩa nhân bản giải phóng nhưng không đặc biệt đào tạo hướng tới đời sống kibbutz. Tất cả chúng đều thể hiện chính trị ôn hòa trước câu hỏi về Palestine. Chúng cho rằng Israel nên rút khỏi nhiều lãnh thổ hơn và đồng ý với việc thiết lập nhà nước Palestine ở Bờ Tây và Gaza. Chúng đều khẳng định rằng có vẻ chịu ảnh hưởng của môi trường ở Shikma, mặc dù Yaron cho rằng cậu chịu ảnh hưởng của gia đình ở Tel Aviv nhiều hơn. Cũng cần phải thấy rằng chúng thể hiện những quan điểm đó trong khi Israel vẫn có một chính quyền cánh hữu, cực lực phản đối nhà nước Palestine.

Jonathan, sinh ra ở Zikkim, rất tin tưởng vào các giá trị bình đẳng và hợp tác nhưng cũng muốn thử các lối sống khác trước khi quyết định định cư ở đâu đó. Cậu có kế hoạch dành “một năm nghĩa vụ” cho vai trò thủ lĩnh thanh niên ở một thị trấn trước khi tham gia quân đội. Cậu khẳng định rằng kibbutz của cậu sẽ thay đổi. Điều đó diễn ra chậm rãi nhưng không còn có cách nào khác. Kibbutz vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng sẽ mang tính tư nhân nhiều hơn, ít tính tập thể đi. Nếu cậu ở lại Zikkim thì đó là bởi vì chất lượng cuộc sống. Cậu không chấp nhận được những thứ cậu đã thấy trong đời sống thành thị. “Tiền, tiền, tiền”, cậu nói một cách khinh miệt. “Tôi không theo đuổi thứ đó”. Mặt khác, cậu cũng nói, “Lý tưởng là vớ vẩn!”. Cậu và Max đồng ý rằng một trong những thứ khó chịu nhất về kibbutz là một số thành viên làm việc rất chăm chỉ trong khi những người khác lại để mặc cho kibbutz phải cáng đáng họ. Cả hai đều tỏ ra rất bất bình về điều đó. Max phản đối thêm rằng “tất cả mọi người đều biết anh ngủ ở đâu và với ai!”

Có thể điều tích cực nhất trong cuộc trao đổi này là bầu không khí thân thiết giữa những cậu bé có nguồn gốc khác nhau. Ít nhất thì trong chuyện này kibbutz vẫn tiếp tục có một đóng góp đáng giá.

Trong một xã hội mà hình mẫu đóng vai trò quan trọng trong giáo dục thì không thể không đề cập tới hai nhóm bên ngoài: Nahal và tình nguyện viên. Hàng ngàn tình nguyện viên nước ngoài đã sống và làm việc tại các kibbutz trên khắp Israel; các đơn vị quân đội Nahal đóng quân tại các kibbutz trong vài tháng của thời gian nghĩa vụ quân sự. 

Mặc dù các khách viếng thăm bị thu hút bởi trải nghiệm về đời sống cộng đồng ngay từ những ngày đầu của kibbutz, song người ngoài chỉ bắt đầu đến với quy mô lớn sau cuộc chiến tranh Sáu Ngày vào năm 1967. Trong nhiều tháng trước chiến tranh, khi quân đội dự bị của Israel được động viên cho một thời gian dài, các tình nguyện viên – chủ yếu là tình nguyện viên Do Thái – đến với số đông để thay thế những người đàn ông bị gọi vào quân ngũ. Đầu tiên thì một số tình nguyện viên ở lại kibbutz; một số khác làm việc tại moshav; một số làm việc ở các bệnh viện hoặc khu khai quật khảo cổ. Điều đó nhanh chóng trở thành bằng chứng cho thấy cấu trúc kibbutz đặc biệt thích hợp để cung cấp cho họ nơi ăn ở. 

Khả năng sống và làm việc tại kibbutz dường như đã được truyền miệng, do ban đầu thì các liên minh kibbutz không làm gì để khuyến khích việc đó. Nhưng dần dần phong trào tình nguyện trở nên có tổ chức, “bàn kibbutz” được mở tại nhiều nước phương Tây. Tuy nhiều tình nguyện viên chỉ ở lại vài tháng song việc thanh niên sống tại kibbutz một năm sau khi tốt nghiệp trung học và trước khi vào đại học trở thành mốt. Vào lúc đó, tỷ lệ tình nguyện viên Do Thái giảm xuống còn 15%. Đại đa số tình nguyện viên đến từ Tây Âu, dưới 10% đến từ Hoa Kỳ và tỷ lệ tương tự đến từ Nam Phi, Australia và Nam Mỹ. Vào thời kỳ đỉnh điểm, phong trào tình nguyện viên thu hút được 50.000 người mỗi năm và trong hai thập kỷ sau năm 1967 có khoảng nửa triệu thanh niên đã thưởng thức trải nghiệm tại kibbutz. Trên thực tế, “thưởng thức” là chính xác, khi hơn 70% thường xuyên trả lời các khảo sát và thể hiện rằng họ hài lòng hoặc rất hài lòng, một tỷ lệ tương tự cũng ca ngợi lối sống kibbutz. Họ sống và làm việc tại kibbutz; nhận được nơi ở, thực phẩm, tiền tiêu vặt khoảng 70 dollar mỗi tháng; nghe giảng và đôi khi tham gia các khóa học kéo dài cả tuần tại trường đại học của kibbutz; du lịch quanh đất nước; nói chung là có một thời gian dễ chịu.

Hầu hết khách muốn làm việc nông nghiệp, ban đầu có một nửa số họ làm, chủ yếu là các công việc thời vụ như thu hoạch trái cây, nhưng nông nghiệp Israel bắt đầu cơ giới hóa hơn, gia tăng số lượng tình nguyện viên làm các công việc dịch vụ, như nhà bếp cộng đồng và nhà ăn. Một số thành viên kibbutz cảm thấy có lỗi khi họ bóc lột các tình nguyện viên. Tuy vậy, như đã đề cập phía trên, đại đa số tình nguyện viên của kibbutz thưởng thức trải nghiệm của họ. Một số ít thậm chí còn cố gắng xây dựng cộng đồng hay hợp tác xã của mình khi họ trở về nhà.

Trên mạng Internet, một cựu tình nguyện viên đã nói:

Anh có thể phân chia một ngày thành ba giai đoạn chính:
Sáng và Trưa, đó là thời gian anh làm việc.
Chiều, khi hầu hết mọi người thư giãn bằng cách bơi hoặc ngủ ngắn. Dĩ nhiên anh có thể đi vào thị trấn để được vẽ tranh, hoặc chỉ ngồi ở ngoài và tán chuyện với những người khác. Anh có thể muốn chơi tennis hoặc thư giãn với một cuốn sách mà anh tìm thấy trong thư viện của kibbutz.
Buổi tối và ai biết được muộn đến mức nào, khi mọi thứ đều vui vẻ. Buổi tối có thể không mấy khi ồn ào cũng như yên tĩnh. Đôi khi có rất nhiều rượu và khiêu vũ, đôi khi là với đàn ghi ta và lửa trại. 

Anh ta nói thêm:

Các tình nguyện viên uống rượu là chuyện chấp nhận được với giới hạn hợp lý. Anh có thể vui vẻ nhưng say sưa quá mức thì sẽ là chiếc vé một chiều đến thị trấn gần nhất. Nếu anh hút cần sa thì hãy thận trọng và quên các ma túy nặng đô đi. Điều đó sẽ là vé một chiều đến sở cảnh sát gần nhất và có thể là bị trục xuất.

Dòng tình nguyện viên bắt đầu giảm xuống vào những năm 1980, khi hình ảnh của Israel bị xấu đi với Intifada, sự nổi dậy của người Palestine. Vào cùng lúc đó, kibbutz cảm thấy ít có nhu cầu về tình nguyện viên, do ít có khả năng chi trả và bắt đầu có cảm giác tiêu cực về họ. Tuy kibbutz luôn là một xã hội mở song các tình nguyện viên đại diện cho thế giới bên ngoài đã xâm nhập ngoài sự mong đợi. Trẻ em kibbutz bị ném vào các tiếp xúc xã hội thân mật với số đông thanh niên tự do, đơn giản, ưa khoái lạc từ các nước phương Tây. Thật là không công bằng khi lên án các tình nguyện viên về tội phạm vị thành niên và vấn đề nghiện ngập của thanh thiếu niên kibbutz, nhưng đoạn trích dẫn Internet ở trên đã cho thấy có một mối liên hệ. Hơn nữa, trẻ em nước ngoài xuất hiện khiến trẻ em kibbutz có mốt đi ra nước ngoài dài ngày sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Có hai lý do cơ bản cho khuynh hướng này: sự thịnh vượng của kibbutz và xã hội Israel nói chung, điều đó cho phép chúng kiếm đủ tiền cho chuyến đi, sự gia tăng của vai trò tích cực mà những người lính trẻ phải thực hiện sau chiến tranh Sáu Ngày. Những trận đánh với quân xâm nhập biên giới, đấu pháo với Jordan và Kênh Suez, dẫn tới chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Sau đó là chiến tranh kéo dài ở Lebanon và Intifada. Nhiều thanh niên Israel, nhất là những người thuộc đơn vị chiến đấu, đã tham gia các cuộc chiến và chiến dịch này. Họ cảm thấy cần phải được giải thoát sau những căng thẳng và kỷ luật của quân đội.

Cựu binh lính thường đi tới Châu Á, Bắc và Nam Mỹ. Tuy hầu hết chỉ ở nước ngoài vài tháng song cũng có nhiều người ở lại lâu hơn. Do vậy, các tình nguyện viên nước ngoài thế chỗ nam nữ thanh niên của kibbutz vẫn còn có ý nghĩa. Họ thay thế người của kibbutz làm nhân viên và trong một xã hội chủ yếu giáo dục bằng hình mẫu, tình nguyện viên trở thành hình mẫu đối với trẻ em kibbutz, vốn có anh chị lớn hơn đã đi ra nước ngoài. 

Dĩ nhiên tình ái và hôn nhân cũng diễn ra giữa hai nhóm. Trong một số trường hợp, tình nguyện viên tham gia kibbutz; trong một số trường hợp khác, thanh niên kibbutz theo tình nguyện viên về nước của họ. Không có gì đáng hoài nghi, kết hôn qua lại gây ra sự lo ngại, đó là một lý do khiến kibbutz ít sẵn sàng tiếp nhận tình nguyện viên hơn, nhưng hiện tượng này chỉ là cá biệt. Quan trọng hơn là sự ảnh hưởng nói chung của tình nguyện viên và bầu không khí mà họ tạo ra. Sự hiện diện của họ tại kibbutz trong hai thập kỷ đã góp phần làm xói mòn các giá trị truyền thống của kibbutz trong lòng thế hệ trẻ.

Về mặt lý thuyết, đơn vị Nahal của quân đội Israel có một ảnh hưởng ngược lại. Nahal (tiếng viết tắt Do Thái có nghĩa là “Thanh Niên Chiến Đấu và Làm Việc”) được thành lập năm 1949, là một bộ phận của quân đội Israel. Đội quân thời tiền nhà nước Israel theo truyền thống của Palmah thường đóng quân tại kibbutz. Ý tưởng là động viên các thành viên của phong trào thanh niên Israel tham gia quân đội theo nhóm, canh gác khu vực biên giới và dành một phần thời gian nghĩa vụ quân sự để làm nông nghiệp.

Trước khi tự thành lập kibbutz của mình, thanh niên được huấn luyện vài tháng ở kibbutz có sẵn. Tuy Nahal là một câu chuyện thành công, thành lập hơn một trăm kibbutz mới, vào những năm 1970 thì phong trào thanh niên suy yếu và lý tưởng dần dần trở nên ít quan trọng trong kibbutz cũng như Israel nói chung. Các nhóm Nahal trở nên nhỏ hơn và chỉ có một thiểu số rất nhỏ thành viên kibbutz ở lại sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vào lúc mà tình nguyện viên xuất hiện, các nhóm Nahal suy yếu không thể chống lại được ảnh hưởng mạnh mẽ của tình nguyện viên. Nếu có bất cứ điều gì thì họ cũng chịu ảnh hưởng văn hóa của tình nguyện viên. 

Mặc dù vậy, ảnh hưởng của tình nguyện viên không phải là điều khiến thế hệ lớn tuổi của kibbutz lo ngại nhất. Họ lo ngại hơn về dòng người đi theo hướng ngược lại, chỉ có liên hệ không đáng để với tình nguyện viên. Một số ít thanh niên kibbutz kết hôn với tình nguyện viên nhưng hàng ngàn người khác đã ở lại nước ngoài sau chuyến đi hậu nghĩa vụ quân sự.

Trong trường hợp Ấn Độ, Thái Lan, Venezuela, thanh niên thường trở về sau vài tháng hoặc nhiều lắm là vài năm, nhưng những người đến Tây Âu và nhất là Bắc Mỹ, thường ở lại vĩnh viễn. Bờ Tây của Hoa Kỳ đặc biệt hấp dẫn. Nhiều thanh niên kibbutz định cư ở Los Angeles đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhà xã hội học Naama Sabar của Tel Aviv, trong cuốn Kibbutz L.A.

Một số lượng nhỏ nhưng quan trọng bởi vì một phần là do sự sụp đổ kinh tế đã được mô tả ở chương trước, nguy cơ chủ yếu mà hiện nay kibbutz phải đối mặt là sự thất bại trong việc giữ chân thế hệ mới nhất. Ngay cả Hatzerim, một kibbutz thành công và thị vượng, cũng chỉ giữ chân được một nửa số thanh niên. Kibbutz L.A., dựa trên các cuộc phỏng vấn người Israel từ độ tuổi ngoài 20 đến giữa 40, đa số họ sống ở thung lũng San Fernando vào cuối những năm 1980, cho chúng ta biết về lý do khiến thanh niên rời khỏi kibbutz cũng như rời khỏi Israel.

Những người di cư đều có câu chuyện riêng, nhưng một số bối cảnh nhất định lặp lại. Cha mẹ của họ lạnh lùng hoặc xa cách, hay quá sát sao. Đời sống cộng đồng quá khắc nghiệt; ít có tính riêng tư và không khuyến khích nỗ lực cá nhân. Nhiều người mới nhận ra sự đau khổ của cha mẹ với cuộc sống kibbutz và nhiều người cảm thấy họ được cha mẹ khuyến khích một cách gián tiếp về việc ra đi. Bản thân họ cũng cảm thấy bị cấu trúc cộng đồng kìm hãm. Không chỉ một người kể về việc trở nên có khả năng hành động quyết đoán và ra quyết định trong thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự, sự thừa thãi của các ủy ban ở kibbutz đã đánh bại họ khi họ trở về nhà.

“Tôi yêu cuộc sống kibbutz”, một người nói, “nhưng tôi đi theo một hướng khác. Tôi có thể thấy trước hai bước và cảm thấy phiền là những người khác không thấy. Tôi phát bực vì sự thờ ơ.”

Định cư ở Los Angeles là tương đối đơn giản đối với nhiều người kibbutz, khi họ được các đồng bào khác ở sân bay, giúp họ kiếm việc làm và nơi ở. Điều kỳ cục là thành công trong việc giáo dục trẻ em về sự chăm chỉ của kibbutz lại giúp chúng dễ dàng hòa nhập vào môi trường mới. Bên ngoài kibbutz, một số người cảm thấy xã hội Israel cũng quá thô bạo, áp đặt, chỉ trích. Hoa Kỳ và nhất là Los Angeles lại tự do, cởi mở và không áp đặt. Không ai soi mói họ. Họ có chỗ để thở

Cần phải khẳng định rằng đây đa số là những thanh niên nổi bật, có tài năng, hoạt bạt và khỏe mạnh. Đối với họ Hoa Kỳ là miền đất của những khả năng vô tận. Không phải sự giàu có mà nhiều người đã đạt được mà là cảm giác được theo đuổi con đường của mình bằng khả năng và sự nỗ lực của bản thân đã khiến họ hài lòng.

“Ở đây có một bầu không khí khác”, một cựu thành viên từng điều hành nông trại của kibbutz nói. “Không có nghĩa vụ. Tôi gặp bất cứ ai mà tôi muốn. Tôi có sự riêng tư, tự do và trên hết là độc lập.”

Một cô gái, rời khỏi kibbutz sau khi ước muốn được học làm huấn luyện viên thể thao của cô bị từ chối, đến Los Angeles vài tháng và cảm thấy đời sống xã hội của cô thật sự thay đổi.

“Tôi xấu hổ và cô đơn ở Israel”, cô nói. “Ở đây điện thoại của tôi không bao giờ ngừng đổ chuông.”

Sau khi đọc cuốn Kibbutz L.A., tôi nói chuyện với Avery Glick trong căn hộ tầng trệt được bao quanh với cây cối và bãi cỏ của ông tại vùng ngoại ô dễ chịu của Los Angeles. Ông làm mát-xa và điều trị bằng phương pháp Feldenkreis mà ông đã học ở Israel và Los Angeles. Người vợ gốc Đức của ông, Moopie, ông đã gặp vợ ở Los Angeles, tham gia một công việc kinh doanh nhỏ với bạn, họ sản xuất chao đèn có trang trí. Khi chúng tôi nói chuyện ở hành lang nhà, Joey, đứa nhỏ mũm mĩm của ông, tám tháng tuổi, bôi đầy nước dãi lên áo sơ mi của ông. Avery thừa nhận rằng ông có thể thực hành liệu pháp Feldenkreis tại kibbutz của ông (họ đã chi tiền cho khóa học ban đầu của ông) nhưng cho rằng đầu óc của ông theo đuổi chuyện khác. Ông muốn tự tạo ra con đường riêng của mình.

“Ở kibbutz, anh phải tuân thủ các luật lệ”, ông giải thích.

“Ở bên ngoài thì anh tự tạo ra luật lệ. Tôi thích việc có thể tự quyết định khi nào đi làm và làm với ai.”

Ông sống ở Tel Aviv sáu tháng nhưng cảm thấy cái năm thi hành nghĩa vụ quân sự là không thể chịu nổi. Tất nhiên điều đó không tốt cho công việc nhưng điều tồi tệ nhất là ông phục vụ tại lãnh thổ bị chiếm đóng trong thời kỳ Intifada của người Palestine. 

“Công việc bình thường của tôi là điều trị cho mọi người”, ông nói. “Trong quân đội thì tôi làm hại mọi người. Họ thực sự khuyến khích chúng tôi đánh đập những người nổi dậy bị chúng tôi bắt được. Tôi không thể chịu được điều đó.”

Avery 37 tuổi. Ông có một em trai và hai chị gái, tất cả đều rời khỏi kibbutz Galilee của họ. Một chị gái ở vài năm ở Ấn Độ trước khi quay lại Israel và tới Judaism. Hiện giờ bà sống trong một cộng đồng chính thống giáo ở Galilee. Avery vẫn liên hệ với gia đình qua thư điện tử, nhận được nguyệt san của kibbutz và nói chung là vẫn cập nhật tình hình. Cha mẹ ông đến Israel từ nước Anh và đã tạo ra một cộng đồng tuyệt vời, ông kể. Mục tiêu của họ là xây dựng một xã hội mới với các giá trị mới và giấc mơ của họ trở thành hiện thực theo nhiều cách. Họ luôn trân trọng nghĩ rằng họ tạo dựng môi trường tốt nhất cho con cái và họ thực sự ngạc nhiên khi thấy con cái của họ quyết định sống ở nơi khác.

“Ông bà của tôi đến nước Anh từ Nga”, Avery nói. Cha mẹ tôi rời nước Anh để đến sống ở Israel. Tôi đến Los Angeles. Joey sẽ sống ở đâu? Tôi không biết.”

Cha mẹ của ông cũng như thế hệ của họ đã ngây thơ và có đôi chút mù quáng, ông nghĩ như vậy. Kibbutz rất phù hợp khi chúng được sáng lập nhưng đã không thích nghi đủ nhanh với sự phát triển chung của xã hội Israel.

“Khi những sự thay đổi xuất hiện ở kibbutz của chúng tôi, thế hệ sáng lập đã ngăn chặn chúng”, ông nhớ lại. “Nếu họ cho phép thay đổi thì rất nhiều thanh niên có thể đã ở lại.”

Avery tin rằng kibbutz phải đi theo hướng tư bản hơn, không chỉ là bởi vì điều đó không thể tránh được mà còn bởi vì điều đó có ý nghĩa. Bình đẳng là ý tưởng tốt đẹp song ông cho rằng điều đó sẽ không bao giờ đạt được.

“Tôi không biết cách cân bằng giữa ý tưởng về bình đẳng và hỗ trợ qua lại với kinh doanh cá nhân và sáng kiến”, ông thừa nhận.

“Đó là điều khó khăn đối với kibbutz, nơi duy nhất thuần túy cộng sản trên thế giới.” Avery và Moopie không có kế hoạch quay trở lại Israel. Moopie nói rằng bà đã chuẩn bị để sống một năm ở kibbutz của Avery song bà không muốn nuôi dưỡng con cái ở đó.

“Chúng tôi không thấy nơi thích hợp để nuôi dưỡng con cái”, bà nói. “Chúng tôi tìm kiếm một cộng đồng nhỏ, nơi mà các hàng xóm dành thời gian cho nhau, nơi mà họ thực sự giúp đỡ lẫn nhau, nơi mà trẻ em có thể đi xe đạp hoặc chạy quanh với chân đất mà không gặp nguy hiểm. Có thể là một thị trấn nhỏ nào đó ở California sẽ phù hợp.”

“Bà có nhận ra là bà đang tìm kiếm kibbutz của mình không?” Tôi hỏi họ.

Avery trả lời không đắn đo.

Dĩ nhiên! Tôi thích được lớn lên ở kibbutz. Đó là môi trường tốt nhất. Tôi muốn thứ gì đó giống như kibbutz nhưng có khuynh hướng về thành tích cá nhân hơn. Ông bà của tôi vẫn sống tại kibbutz và họ yêu nó. Kibbutz là nơi tuyệt vời cho người già và trẻ em. Nhưng với người trưởng thành thì có vấn đề, do nó không tạo ra đủ cơ hội để người ta tìm thấy con đường riêng.

Nir Pearlson là một kiến trúc sư ở Eugene, Oregon, nhưng quay trở lại kibbutz của mình trong sáu tháng. Ông và bà vợ người Mỹ, Mimi, muốn con cái học tiếng Do Thái và tiếp xúc với kibbutz, nhưng họ không muốn sống ở đó.

“Tôi không từ chối hoàn toàn nhưng khi ở đây tôi thấy rõ rằng đây không phải là nơi tôi muốn sống. Bi kịch là ở chỗ xuất hiện tinh thần buông xuôi bởi vì có nhiều điều tốt”, ông nói.

Nir cảm thấy rằng một số thành viên tốt nhất đã gánh vác cả kibbutz trong hai thập kỷ qua, nhưng giờ họ đã kiệt sức và tìm kiếm công việc thú vị bên ngoài kibbutz. Ông cảm thấy sự trì trệ trong kibbutz, một quán tính nhất định. Ở Eugene, ông và Mimi lựa chọn nơi mà họ muốn sống và họ tiếp xúc với người mà họ muốn, trong khi ở kibbutz mọi người ép buộc lẫn nhau.

“Dĩ nhiên vấn đề với kibbutz là cha mẹ không thể truyền tải các giá trị của họ cho con cái giống như gen di truyền”, Nir nói. “Việc truyền tải các giá trị bằng giáo dục không phải lúc nào cũng dễ dàng”.

Đối với Mimi, kibbutz của chồng bà là “nơi được bà yêu thích trên thế giới”, nhưng bà sẽ không sống ở đó lâu dài. Bà cảm thấy có sự cằn cỗi nhất định.

“Nó làm tôi nhớ đến khu bảo tồn thổ dân ở Hoa Kỳ. Đó là một khu “bảo tồn lý tưởng” với tất cả những lý tưởng của quá khứ”, bà nói.

Khi chúng tôi nói về những thất bại tương đối của kibbutz trong việc truyền tải các giá trị cho thế hệ thừa kế, vấn đề các thành viên nữ cũng được nhắc đến. Nhiều thanh niên rời khỏi kibbutz của họ (như chúng ta đã thấy, trong đó có những người ở Los Angeles) đều nhận ra rằng cha mẹ họ không hài lòng với lối sống kibbutz mà đặc biệt là sự bất hạnh của những bà mẹ. Đây là điều đáng chú ý khi chúng ta biết rằng các thành viên nữ như bà mẹ, nhân viên chăm sóc trẻ em, giáo viên, bảo mẫu, đảm nhận gánh nặng của giáo dục kibbutz. Hầu hết nhân viên chăm sóc trẻ em và bảo mẫu là phụ nữ và đa số giáo viên, nhất là giáo viên của trẻ nhỏ, cũng là phụ nữ. Sự thất bại của kibbutz trong việc tạo ra một cuộc sống đáng hài lòng cho havera (thành viên nữ của kibbutz) đã được biết đến và ghi nhận. 

Nghiên cứu đầy đủ nhất là của Lionel Tiger và Joseph Shepher, Phụ Nữ ở Kibbutz. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng kibbutz thành công trong các mục tiêu kinh tế, xã hội, tư tưởng và chính trị - cuốn sách được xuất bản năm 1975 – trừ sự phân công lao động, thất bại là “phổ biến và nổi bật”.

Với tư cách nhà khoa học xã hội, chúng ta đã khẳng định kibbutz là thứ mà các nhà sáng lập và công dân của nó coi là không tưởng: một thí nghiệm xác nhận các khả năng thay đổi cực đoan về loại hình xã hội và sự cam kết của người này đối với người khác. Chúng ta đã thấy rằng phương diện thí nghiệm có liên quan đến sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời của phụ nữ đã ít thành công hơn những phương diện khác.

Nghiên cứu trên phạm vi rộng của họ, bao gồm vài nghìn phụ nữ kibbutz, đã cho thấy rằng ở các kibbutz sơ khai hơn một nửa số phụ nữ làm việc trong lĩnh vực sản xuất với thời gian đáng kể; sau đó là một sự phân hóa chậm rãi nhưng liên tục, cho đến khi chỉ có 20% phụ nữ làm việc trong lĩnh vực sản xuất. Việc phụ nữ làm công việc chăm sóc trẻ em nhưng chăm sóc cho con của phụ nữ khác là một nghịch lý. Phụ nữ làm việc ở nhà bếp cộng đồng và nhà ăn, trong giặt là và cửa hàng quần áo, đảm nhiệm các dịch vụ này cho toàn bộ cộng đồng, tuy vậy họ lại bị tước đoạt vai trò bà nội trợ truyền thống trong gia đình.

Hơn nữa, bất chấp sự bình đẳng hình thức, phụ nữ ít tham gia vào việc điều hành kibbutz. Họ ít tích cực tại các buổi họp toàn thể kibbutz. Trong khi xuất hiện quá đông ở các ủy ban về văn hóa và xã hội thì họ lại quá ít xuất hiện ở các ủy ban về kinh tế, việc làm, an sinh và chính sách chung. Bất chấp sự thật ra nữ thành viên được đi học nhiều năm hơn nam giới chút ít, chỉ có 14% phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo. Các vị trí đó là tình nguyện, như các tác giả đã chỉ ra. Nam giới không có âm mưu ngăn chặn phụ nữ khỏi các công việc hàng đầu – thực ra là ngược lại. Nam giới muốn lựa chọn phụ nữ; phụ nữ thường từ chối ứng cử và thường xuyên từ chức ngay sau khi được chỉ định vào các vị trí lãnh đạo. 

Mặc dù vậy, các tác giả cũng cho biết rằng về mặt lịch sử các thành viên nam giới, vốn thống trị ở kibbutz, có ảnh hưởng mạnh đối với chính sách chăm sóc trẻ em cơ bản. Khi phụ nữ tham gia nhiều hơn, sự tách rời mối liên hệ mẹ-con có thể ít cực đoan hơn, họ phỏng đoán. 

Aviva Zamir đã dùng nhiều năm để nghiên cứu vấn đề bình đẳng giới ở kibbutz. Trong cuốn sách Mẹ và Con Gái, bà đã trích dẫn được sự đồng ý một số luận điểm của Nava, một nữ thành viên kibbutz. Nava cho rằng khái niệm bình đẳng nguyên thủy được thể hiện bằng các công việc đồng nhất – có nghĩa là nữ giới cũng làm công việc như nam giới. Điều đó không kéo dài lâu và đằng nào đó cũng là một khái niệm sai lầm. Theo Nava, sự bình đẳng thực sự là “bình đẳng trong phạm vi sự đa dạng, một quyền bình đẳng để tự thực hiện trong phạm vi khuôn khổ bình đẳng tập thể của kibbutz”. Nava hài lòng rằng giáo dục kibbutz hiện nay được hướng tới “bình đẳng giới tính và tôn trọng lẫn nhau”. Nhưng bà cũng cho rằng “con đường để thay đổi các khái niệm cơ bản vẫn còn dài. Nếu nguyên lý của kibbutz là “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” thì chúng ta sẽ phải tìm ra nhu cầu thật sự là gì – cả nhu cầu tự nhiên cũng như nhu cầu do xã hội sinh ra.

Mặc dù Zamir đã chỉ ra rằng có rất ít các vị trí kinh tế và điều hành trung tâm của kibbutz do phụ nữ nắm giữ, ngay cả cho đến nay, khái niệm của Nava về bình đẳng có thể cho thấy kibbutz đang đến gần hơn với cái mà bà gọi là “sự bình đẳng về giới tính”, nếu không nói là sự bình đẳng.

Tuy vậy, sự đột phá – nếu như đó là sự đột phá – diễn ra quá muộn. Các lãnh đạo nam giới của phong trào kibbutz có thể có ý đồ tốt nhưng họ đi quá xa và quá nhanh, cố gắng đạt quá nhiều mục tiêu. Họ đưa ra tầm nhìn quá cao và không tiếp nhận các cảm giác nhân bản. Trong khi tiến hành cách mạng, họ đã quá vội vã quyết định điều gì đó tốt đối với người khác. Trên hết, họ đã tiếp tục thể hiện sự thiếu nhạy cảm đối với cảm xúc của các nữ đồng chí trong nhiều năm. 

Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà giáo dục (đa số là phụ nữ) hầu như không truyền tải được thông điệp cho thấy cuộc sống cộng đồng vượt trội các lối sống khác. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi khủng hoảng xuất hiện, phụ nữ của kibbutz đã khóc ít hơn nam giới về cuộc khủng hoảng sinh tồn của xã hội, cho thấy những nhu cầu không được đáp ứng của họ. Không chỉ có một người cố vấn cho kibbutz về quá trình thay đổi báo cáo rằng phụ nữ “cởi mở hơn nam giới” đối với sự thay đổi. Phản ứng này cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Do được nuôi dưỡng trong các nhóm bình đẳng, được khuyến khích các hoạt động hợp tác, được thúc giục tuân thủ nhóm và giúp đỡ các thành viên yếu đuối, được dạy cách làm việc và chịu trách nhiệm, trẻ em kibbutz nói chung là các công dân chăm chỉ, có tổ chức, có trách nhiệm và có tính xây dựng. Nhưng chúng không thấm nhuần các lý tưởng của cha mẹ. Ngược lại kinh nghiệm với đời sống nhóm đã khiến chúng quay lưng lại với nhóm và khuyến khích chúng theo đuổi các giá trị cá nhân. Chúng cảm thấy bình đẳng và hợp tác là nhàm chán; chúng thích thú hơn với thành tích cá nhân.

Mặc dù có quan điểm nhân bản về con người song người được kibbutz giáo dục có khuynh hướng hoài nghi về chúng. Trong khi họ không khát khao tạo ra một xã hội chạy đua vật chất thì họ thường xuyên phủ nhận quan niệm mọi thành viên trong xã hội có thể - như họ đã nói – “là một thế giới riêng”. Họ muốn có thêm khuôn khổ cho sáng kiến cá nhân và phần thưởng lớn hơn cho điều đó. Họ khinh bỉ “phức cảm metapelet”, sự phụ thuộc quá mức của một cá nhân vào nhóm hay cộng đồng. Họ cũng rất khó tính đối với “kẻ ăn bám”, những thành viên không chịu cố gắng hết sức.

Rất khó để chỉ ra lý do thất bại trong việc truyền tải các giá trị của kibbutz cho thế hệ trẻ, điều đó không thể chỉ giải thích bằng – hay thậm chí chỉ bằng – sự thiếu sót đã được mô tại chương này. Một sự phụ thuộc thái quá vào lý thuyết, thiếu tính nhân bản, ngạo mạn, biệt lệ, áp bức cá nhân cũng như sự thất bại trong việc mô tả những nhu cầu thực của nữ giới trong kibbutz, tất cả đều đã được ghi nhận và phê phán. Nhưng dường như hệ thống giáo dục kibbutz có thể sẽ thất bại khi so sánh với tham vọng của nó, ngay cả khi không có những sai lầm đã nêu. 

Trên hết, kibbutz quá yếu để chống lại môi trường mà nó tồn tại trong đó. Ảnh hưởng của xã hội bên ngoài kibbutz, tác động tới cuộc sống của kibbutz thông qua các hoạt động kinh tế, tiếp xúc xã hội, sách, báo, radio, truyền hình và điện ảnh là quá mạnh. Một mặt, trẻ em kibbutz đã thực hiện cuộc nổi loạn chống lại cha mẹ; mặt khác, chỉ với một số ngoại lệ ít ỏi, chúng thích nghi với những giá trị tầm thường của xã hội Israel, vốn bị văn hóa và giá trị của Châu Âu và Bắc Mỹ thống trị.

“Giáo dục không phải là phương thuốc bách bệnh như chúng ta vẫn nghĩ”, Aharon Yadlin thừa nhận buồn bã. “Năng lực của nó có giới hạn. Bất kể giáo dục mà chúng nhận được ra sao, mọi thế hệ trẻ đều sẽ nổi loạn theo cách của chúng”. “Con người mới đã không xuất hiện”, Amir Helman nói với nụ cười. “Con người là kẻ ích kỷ. Có lẽ chúng ta cần thêm nhiều triệu năm nữa để tạo ra các gien di truyền mới”.

Chuyến viếng thăm 5 kibbutz của chúng ta, việc mổ xẻ cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra vào năm 1985, cũng như sự đánh giá các phương diện của giáo dục kibbutz cho thấy không phải tất cả công việc nội bộ của kibbutz đều tốt. Đây là một câu hỏi nghiêm túc về kết luận cơ bản và một số sự thay đổi lớn đã diễn ra. Đồng thời, như chúng ta đã thấy, không phải là lần đầu tiên những sự phát triển đó xuất hiện. Kibbutz đã trải qua sự thay đổi trong suốt 9 thập kỷ tồn tại. Liệu sự thay đổi hiện tại trong kibbutz có tương đồng với những sự thích nghi đã diễn ra trong 90 năm qua? Hay chúng ta đang chứng kiến điều gì đó lớn hơn, có nghĩa là sự kết thúc của kibbutz mà chúng ta đã biết?

Để tiếp tục tìm kiếm câu trả lời, chúng ta sẽ tới thăm 5 khu định cư khác và cố gắng phác thảo hình dạng tương lai – hay diện mạo – của từng kibbutz.