Sunday, September 8, 2019

Lao động và tự do

Chúng ta vẫn thường nghe thấy báo chí nói rằng một người lao động ở Singapore hay ở Nhật có năng suất lao động cao gấp mấy chục lần người Việt Nam. Người ta nói rằng năng suất lao động cao hơn thì giàu hơn, dân Việt Nam nghèo là vì năng suất lao động thấp.

Người ta cũng thường lấy ví dụ về những người già ở Nhật hay ở Singapore đến năm 70-80 tuổi vẫn phải đi làm, họ gọi đó là chăm chỉ. Chăm chỉ thì mới giàu, còn lười biếng như dân Việt Nam, 60 tuổi đã nghỉ hưu nên nghèo.

Câu hỏi: 

  1. Nếu năng suất lao động của dân Nhật hay Singapore cao gấp mấy chục lần Việt Nam thì sao mức sống của người lao động bình thường ở đó không gấp mấy chục lần Việt Nam vậy? Thực tế mức sống của một người công nhân ở Nhật hay ở Việt Nam không chênh lệch nhiều. Cái năng suất lao động cao hơn mấy chục lần ấy đã chui vào túi ai?
  2. Nếu một quốc gia thực sự giàu có và an sinh xã hội tốt thì những người già sẽ được nghỉ hưu sớm, nhường chỗ cho những người trẻ khỏe hơn. Thực tế là an sinh xã hội của Nhật hay Singapore đều không đủ tốt, người lao động phải làm việc lâu năm mà lương hưu không vẫn không đủ sống nên họ buộc phải đi làm để kiếm thêm. Tại sao một sự thất bại của xã hội tư bản lại được coi là nguyên nhân thành công của họ?
Xã hội loài người cho tới nay là xã hội có sự phân chia giai cấp: giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột. Lao động của người bị bóc lột bao giờ cũng bị chia làm hai phần: Phần thứ nhất để nuôi sống bản thân. Phần thứ hai là để làm giàu cho kẻ bóc lột, bất kể là dưới dạng thuế khóa nộp cho nhà nước hay lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp.

Cái phần lao động mà nhà nước và giới chủ doanh nghiệp quan tâm tới là phần thứ hai, không phải là phần thứ nhất. Họ muốn phần thứ hai càng nhiều càng tốt và phần thứ nhất càng ít càng tốt. Điều này trả lời cho câu hỏi thứ nhất về năng suất lao động. Năng suất lao động của người Nhật hay người Singapore bình thường quy ra tiền (mặc dù thước đo này rất không chính xác) có cao gấp mấy chục lần người Việt Nam thì mức sống họ cũng không cao hơn đáng kể vì phần lớn thành quả lao động của họ chui vào túi doanh nghiệp và nhà nước. 

Doanh nghiệp luôn tuyên truyền năng suất lao động thấp, đòi kéo dài thời gian làm việc, đòi kéo dài độ tuổi làm việc, đều là để làm đầy túi của họ, chứ không phải để làm đầy túi người lao động. Trái lại, càng làm việc nhiều thì túi người lao động sẽ càng vơi. Nếu như trước kia một người lao động làm việc 20 năm suốt đời mình để nhận được một khoản tiền lương hưu hàng tháng, thì giờ nếu họ phải làm việc 30 năm, theo quy luật thị trường doanh nghiệp sẽ trả lương tháng thấp hơn vì người lao động có thời gian tích lũy lương hưu dài hơn và thời gian hưởng lương hưu ngắn hơn. Ở các nước tư bản, năng suất lao động tỷ lệ nghịch với mức sống của người lao động. Năng suất lao động càng cao thì người lao động sẽ càng nghèo, ngược lại chủ doanh nghiệp và nhà nước sẽ càng giàu.   

Năng suất lao động của người Việt Nam có thực sự thấp người ta như vẫn so sánh? Câu trả lời là không. Bởi vì khác với người lao động ở các nước tư bản đa số người dân Việt Nam chỉ lao động để nuôi sống bản thân mình. Sáu mươi phần trăm người lao động ở Việt Nam là nông dân tự do, họ có mảnh đất canh tác nhỏ để làm ra lương thực nuôi sống bản thân và gia đình, phần này không tính vào năng suất lao động vì không quy ra tiền được. Họ không phải đóng thuế nông nghiệp, thuế đất thì rất thấp. Người lao động rảnh rỗi thì họ làm thêm việc này việc kia để kiếm thêm thu nhập. Chủ doanh nghiệp không có cách nào ép những người lao động tự do đó làm việc với cường độ khủng khiếp như ở các nước tư bản vì họ không buộc phải lao động làm thuê để tồn tại.

Giới chủ doanh nghiệp không quan tâm đến cái phần người ta lao động để nuôi sống bản thân mình, mà chỉ quan tâm đến cái phần họ bóc lột được từ người lao động. Thế nên việc so sánh về năng suất lao động quy ra tiền kia phải hiểu là một người lao động ở Nhật hay ở Singapore bị bóc lột gấp mấy chục lần ở Việt Nam. Điều này trả lời cho câu hỏi thứ hai. Bí mật cho sự giàu có của các nước tư bản là duy trì mức độ bóc lột cao khủng khiếp đối với người lao động. Chủ doanh nghiệp Việt Nam cũng muốn áp dụng cái bí quyết thành công của tư bản cho Việt Nam.

Có một người bạn lại hỏi tôi rằng: Tại sao Việt Nam không có các công trình to lớn hoành tráng như các nước khác? Có phải là do năng suất lao động của Việt Nam thấp? Hay là do Việt Nam chiến tranh nhiều, của cải bị tàn phá hết, không có điều kiện làm mấy thứ đó?

Câu trả lời: Chuyện đó đều không liên quan đến năng suất lao động hay chiến tranh. Của cải đổ vào xây dựng những công trình to lớn kia ở đâu ra? Đều là phần bóc lột được từ người lao động. Ở những nước khác, khi nhà nước hay giai cấp thống trị đủ mạnh thì họ bóc lột được lượng của cải khổng lồ từ người lao động, của cải đó sẽ được dùng để xây dựng các công trình kỳ vĩ. Các công trình ấy đều thuộc về nhà nước hay giai cấp thống trị, đóng vai trò như là biểu tượng cho sự thống trị của họ. Vậy nên những thứ đó là biểu tượng cho sự áp bức, đâu phải là biểu tượng cho sự tự do của người lao động. 

Từ thời xa xưa, Việt Nam đã là một đất nước có tầng lớp nông dân tương đối tự do, mặc dù họ không có quyền công dân trong các xã hội phong kiến song các thiết chế cộng đồng địa phương đại diện cho nông dân đủ mạnh để hạn chế mức độ bóc lột của chính quyền trung ương. Ngay cả những nhà nước phong kiến hùng mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam cũng không có khả năng bóc lột được những khối của cải thặng dư khổng lồ từ nông dân để xây dựng các công trình kỳ vĩ. Vậy nên việc thiếu vắng các công trình kỳ vĩ ở Việt Nam không phải do năng suất lao động thấp mà ngược lại là một biểu tượng cho sự tự do tương đối của nông dân. Giới chủ doanh nghiệp tất nhiên cũng không thích điều này, nên họ tìm mọi cách công kích, hạ nhục người Việt Nam nói chung về việc không có các công trình kỳ vĩ.

Khái niệm tự do bao gồm ba nội dung cụ thể. Thứ nhất, mỗi cá nhân đều làm chủ bản thân mình, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị, họ không phải làm lao động làm giàu cho ai. Thứ hai, cộng đồng công dân của những người tự do ấy không bị ai cai trị. Thứ ba, quốc gia của họ không phải lệ thuộc vào quốc gia khác. Từ trong sâu thẳm tâm hồn của người Việt Nam tự do, ai cũng hiểu rằng sự độc lập tự do của quốc gia là một phần của tự do cá nhân. Nói như các cụ thời xưa là: Nước đã mất thì nhà làm gì còn. Bởi vậy nên người Việt Nam luôn chiến đấu hết mình vì độc lập của quốc gia và khinh bỉ những kẻ làm tay sai cho ngoại bang. Tuy vậy, sự bất khuất cũng không thể giúp người Việt Nam đứng vững nếu năng suất lao động không đủ cao để nuôi sống bản thân và duy trì những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm kéo dài đằng đẵng hàng mấy chục năm. Về mặt chính trị, mưu đồ của những kẻ tuyên truyền năng suất lao động Việt Nam thấp chính là phủ nhận sự độc lập tự cường của Việt Nam. Chúng đều sẽ nói rằng dân Việt Nam có năng suất lao động thấp, ăn còn chả đủ lấy đâu ra của cải mà đánh Pháp đánh Mỹ, đều là nhận viện trợ của nước ngoài để đánh cả và từ đó chúng sẽ kết luận rằng giống loài Việt Nam là một giống loài hạ đẳng chỉ biết đi nhận tiền để đánh thuê cho đế quốc.

Nếu một người lao động Việt Nam tự do có phải nghe mấy câu lải nhải về năng suất lao động thấp, lười biếng hay thấp kém vì không có các công trình hoành tráng thì anh ta có thể ưỡn ngực mỉm cười: Tôi là một người tự do, một kẻ nô lệ cho dù có sống trong lâu đài bằng vàng cũng không bao giờ hiểu được tự do!

(P/s: Bài này được viết theo yêu cầu của Linh bí thư DLV.)

Saturday, July 13, 2019

Bàn về khái niệm dân chủ

Dân chủ là mốt thời thượng của phương Tây, mọi tội vạ đều được đổ cho thiếu dân chủ, mọi sự thần kỳ đều là do có dân chủ. Người Mỹ vẫn ném dân chủ bằng B-52 xuống đầu các dân tộc thấp cổ bé họng và tự hào về điều đó. Đám phát xít mới cũng hò hét tự xưng dân chủ. Vài người Việt Nam loạn trí còn ca ngợi món dân chủ chở bằng máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ và coi đó là ngọn cờ thời đại. Ấy thế mà khi người Việt Nam chân chính nói về sự dân chủ của quốc gia mình thì người ta ngay lập tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ, bịt miệng, tất nhiên là nhân danh dân chủ.

Khái niệm dân chủ cần phải được thay đổi cách tiếp cận, nhằm làm rõ nội hàm của nó, để đập tan những sự lạm dụng của các phe cánh phản dân chủ.

Sơ lược về các xã hội tiền tư bản

Trong các xã hội tiền tư bản thì lực lượng dân cư đông đảo nhất là nông dân, hầu hết là nông dân nhỏ, bị gắn chặt vào ruộng đất, cho dù lãnh chúa có sở hữu đất đai hay không thì nông dân vẫn là người chiếm hữu đất đai và canh tác từ đời này qua đời khác theo tập quán. Điều này có nghĩa là lãnh chúa hay nhà nước chỉ có thể chiếm hữu được lao động thặng dư của nông dân dựa trên sự cưỡng bức, nhờ vào sự thống trị về tư pháp, chính trị và quân sự, điều này có nghĩa là sở hữu của lãnh chúa hay nhà nước không tách rời khỏi địa vị chính trị và quân sự. Hình thức căn bản của sự bóc lột ấy là địa tô và thuế khóa, bao gồm thuế hiện vật và các loại lao dịch cũng như nghĩa vụ cống nạp. 

Song trong các xã hội tiền tư bản, nông dân cũng có tổ chức chính trị của mình, đó chính là các cộng đồng làng. Nhờ vào việc củng cố sức mạnh chính trị của cộng đồng làng, nông dân có thể tự bổ nhiệm các chức sắc làng thay cho viên chức của lãnh chúa hay nhà nước, tự thiết lập các quy định của làng, thông qua đó họ hạn chế được sự bóc lột. Tuy vậy, cho dù cộng đồng làng có mạnh đến đâu thì cũng không thể giúp cho nông dân tự do. Nhà nước là lãnh địa độc quyền của các lãnh chúa, cộng đồng làng không bao giờ có thể tham gia vào bộ máy nhà nước, hay nói cách khác, nông dân không có quyền công dân.

Nền dân chủ Athen

Nền dân chủ Athen là một ngoại lệ của thời tiền tư bản. Sau cuộc cải cách của Cleisthenes, các làng trở thành đơn vị của nhà nước và nông dân trở thành công dân. Từ deme trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là làng và democracy có nghĩa là quyền lực thuộc về làng, không phải là quyền lực thuộc về nhân dân như bị xuyên tạc ngày nay. Sự kết hợp làng vào nhà nước và biến nông dân thành công dân của Athen đã mang lại hai đặc trưng độc đáo cho công dân Athen. Thứ nhất là mọi nông dân-công dân tự do đều trực tiếp tham gia vào công việc nhà nước, bất kể địa vị kinh tế ra sao. Thứ hai, do nông dân, cũng như những người sản xuất nhỏ khác, có quyền lực chính trị nên họ sử dụng quyền đó hạn chế các biện pháp bóc lột của nhà nước cũng như quý tộc đối với nông dân, tức là hạn chế các loại thuế khóa và lao dịch. Người Athen nghèo khổ nhất cũng được coi là tự do, không phải là kẻ tôi tớ của bất kỳ người trần mắt thịt nào, họ không phải nai lưng ra làm giàu cho bất cứ quý tộc hay nhà nước nào, họ chỉ lao động cho bản thân mình.

Tuy vậy, nền dân chủ Athen luôn là ngoại lệ của lịch sử, không lặp lại ở bất cứ đâu. Hơn nữa, nền dân chủ của Athen khi trao quyền công dân cho nông dân thì cũng loại bỏ quyền công dân của đại đa số cư dân Athen, đó là phụ nữ, người ngoại quốc, nô lệ. Về bản chất dân chủ Athen có nghĩa là trao quyền công dân toàn diện cho nông dân đồng thời giới hạn phạm vi những người được trao quyền. Sở dĩ có điều này vì xã hội Athen thoát ra từ xã hội nguyên thủy, khi mà nông dân còn tương đối tự do và độc lập về kinh tế trong khi giới quý tộc thì chưa đủ mạnh để tạo ra nhà nước độc lập với nông dân, do vậy họ buộc phải liên minh với nông dân, chấp nhận sự tự do của nông dân để tạo ra một nhà nước đủ mạnh nhằm duy trì trật tự xã hội có lợi cho giới quý tộc. 

Chủ nghĩa tự do trong xã hội phong kiến Châu Âu

Khác với nông dân Athen, nông dân Châu Âu thời Trung Cổ bị gắn chặt vào đất đai và đối tượng gánh chịu các bóc lột phi kinh tế, họ hoàn toàn bị loại khỏi bộ máy nhà nước. Xã hội Trung Cổ Châu Âu có đặc trưng là quyền lực phân tán, tức là có nhiều lãnh địa nhỏ, mỗi lãnh địa có một lãnh chúa nắm toàn bộ các quyền lực tư pháp, chính trị và quân sự, nông dân trong lãnh địa bất kể là tự do hay không tự do đều lệ thuộc vào lãnh chúa. Bên trên các lãnh chúa có triều đình và nhà vua, nhưng thường là nhà vua cũng có lãnh địa riêng và bị hạn chế can thiệp vào lãnh địa riêng của các lãnh chúa.

Các cộng đồng làng của nông dân vẫn tồn tại, có thể giúp nông dân phần nào hạn chế sự bóc lột của lãnh chúa và triều đình, thậm chí còn có thể đóng vai trò như là công cụ để kiểm soát quyền lực của lãnh chúa, nhưng vấn đề chủ chốt ở đây là nông dân bị loại khỏi nhà nước. Quyết định về các vấn đề chính trị, quân sự, luật pháp, thuế khóa, đều thuộc về lãnh chúa và là công việc của riêng họ với triều đình. Do vậy trong xã hội phong kiến Châu Âu thì khái niệm dân chủ kiểu Athen, hay trao quyền công dân cho nông dân, hoàn toàn là xa lạ. Xã hội phong kiến Châu Âu không có dân chủ. Khái niệm dân chủ của thời Athen đã chấm dứt cùng với xã hội Athen và nó hoàn toàn không còn dấu vết nào trong xã hội phong kiến Châu Âu.

Các lãnh chúa Châu Âu phải đối mặt với một vấn đề hoàn toàn khác với quý tộc Athen. Sự phát triển của chế độ phong kiến dần dần khiến cho triều đình trở nên mạnh hơn, với tư cách là trung tâm quyền lực chính trị và đòi hỏi nhiều hơn sản phẩm thặng dư của toàn thể xã hội. Triều đình với tư cách là chính quyền trung ương dần trở lên độc lập, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cách lãnh chúa và bắt đầu  can thiệp trở lại các lãnh địa, tức là xâm phạm vào quyền lực phong kiến của các lãnh chúa. Đây là lúc khái niệm chủ nghĩa tự do (liberalism) ra đời, lãnh chúa khẳng định về những đặc quyền cá nhân mà nhà nước không được xâm phạm, đồng thời vời điều đó là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và giới hạn quyền lực của bộ máy nhà nước. Chủ nghĩa tự do là một sản phẩm của giai đoạn cuối thời Trung Cổ, khi mà chế độ phong kiến tản quyền đã bắt đầu suy yếu và giới quý tộc đã đánh mất dần các chức năng quân sự, chính trị và tư pháp, chỉ còn bám vào địa vị quý tộc với những đặc quyền được nhà nước bảo vệ. Chủ nghĩa tự do của thời Trung Cổ khác biệt hoàn toàn với cơ chế dân chủ Athen ở chỗ, nếu như cơ chế dân chủ Athen bảo vệ sự tự do của những nông dân sống bằng lao động của bản thân thì chủ nghĩa tự do trung cổ, bắt nguồn từ lordship, lại bảo vệ tự do của những kẻ sống bằng lao động của người khác.

Nước Anh là hình mẫu cổ điển của chủ nghĩa tự do, khi lãnh chúa bị tư sản hóa, tách khỏi các nghĩa vụ phong kiến về quân sự và pháp lý, tồn tại dựa vào quyền sở hữu đất đai thuần túy kiểu tư bản. Họ tạo thành cơ chế quyền lực nhà nước dựa trên nghị viện kết hợp với nhà vua. Điều này hoàn toàn không mang ý nghĩa dân chủ hay trao quyền cho nông dân. Nghị viện Anh chỉ do giới quý tộc bầu ra và đại diện cho dân chúng ngay cả khi dân chúng không có quyền bầu cử. Chủ nghĩa tự do Anh gắn liền với sự nổi loạn không ngừng của nhà vua.

Khái niệm chủ nghĩa tự do hoàn toàn không có liên hệ gì với dân chủ, nó thể hiện vị thế đặc quyền trong xã hội phong kiến và do vậy nó là một thứ thay thế cho dân chủ trong xã hội phong kiến Châu Âu. Nó không bảo vệ những người bị bóc lột và ngược lại bảo vệ đặc quyền của những kẻ bóc lột. 

Dân chủ trong xã hội tư bản

Điểm mấu chốt trong xã hội tư bản là người lao động bị tách khỏi tư liệu sản xuất, buộc phải bán sức lao động cho nhà tư bản để kiếm sống. Do vậy, người lao động phải hoàn toàn tự do, không chỉ tự do về thân thể, mà cũng không còn mối liên hệ với cộng đồng giúp họ tồn tại, giống như trong các xã hội tiền tư bản. Đồng thời với điều đó, nhà tư bản cũng được giải thoát khỏi các chức năng chính trị, họ chỉ chịu sự chi phối của quy luật thị trường khi mua bán tài sản. Điều này có nghĩa là sở hữu của nhà tư bản được tách khỏi các ràng buộc về quân sự, luật pháp và chính trị.

Con người trong xã hội tư bản xuất hiện với tư cách là một cá nhân độc lập chứ không phải là thành viên của một cộng đồng như trong các xã hội tiền tư bản. Do vậy, trong xã hội tư bản thì quyền công dân được trao cho các cá nhân, không giới hạn phạm vi, bởi vì giờ đây mọi cá nhân đều bình đẳng một cách trừu tượng với nhau. Nhưng mặt khác, quyền công dân trong xã hội tư bản lại bị hạn chế về mặt kinh tế. Nếu như trước kia, nông dân Athen có thể sử dụng quyền công dân để chống lại sự bóc lột thì giờ đây kinh tế đã thoát khỏi phạm vi quyền lực nhà nước, trở thành một lĩnh vực độc lập, chỉ tuân theo quy luật thị trường. Hay nói cách khác, quyền công dân không thể tác động đến địa vị kinh tế của người lao động nữa. Khi họ bán sức lao động thì họ trở thành nô lệ của nhà tư bản, họ phải nai lưng ra làm giàu cho nhà tư bản mà quyền lực nhà nước không thể can thiệp vào điều đó. Tóm lại, trong xã hội tư bản thì quyền công dân được trao cho tất cả mọi người, nhưng quyền đó không bảo vệ được họ khỏi bị bóc lột về kinh tế, hay nói cách khác là phạm vi của quyền công dân bị giới hạn trong lĩnh vực chính trị thuần túy.

Trong xã hội tư bản thì quyền công dân không phụ thuộc vào địa vị xã hội hay kinh tế, đồng thời quyền lực chính trị cũng không thể can thiệp vào quyền lực kinh tế. Do vậy, chủ nghĩa tư bản đã cứu thoát chủ nghĩa tự do của thời phong kiến, đem nó vào xã hội hiện đại để kết hợp với dân chủ tư sản, tạo thành khái niệm dân chủ tự do.

Tuy vậy, cần phải nhớ rằng chủ nghĩa tự do bắt nguồn từ xã hội tiền tư bản, nó giả định cá nhân có các đặc quyền bất khả xâm phạm và có đủ khả năng làm chủ các đặc quyền đó, song trong xã hội tư bản thì người lao động là cá nhân trần trụi, không tư liệu sản xuất, không có khả năng làm chủ đời sống của bản thân, cũng như không có bất cứ đặc quyền nào, cũng chẳng thể dựa vào bất cứ đặc quyền nào để chống lại sự bóc lột. Chủ nghĩa tự do không được trang bị để đối mặt với điều ấy. Do đó, khái niệm dân chủ tự do trong xã hội tư bản luôn mang đến những cuộc khủng hoảng xã hội thường trực, những vực sâu pháp lý không có cách nào lấp đầy.

Định nghĩa lại dân chủ theo kiểu Mỹ         

Nước Mỹ sinh ra từ các thuộc địa của đế quốc Anh ở Bắc Mỹ được giải phóng. Một mặt họ chịu ảnh hưởng về mặt tổ chức chính trị của đế quốc Anh, nhà nước tư bản đầu tiên của thế giới, mặt khác cuộc cách mạng giải phóng thuộc địa đã tạo cho những người sản xuất nhỏ một vai trò chính trị tích cực. Hệ quả của hoàn cảnh lịch sử ấy là giới thượng lưu Mỹ không thể tiến hóa thành một tầng lớp quý tộc tư bản kiểu Anh, mặc dù họ rất mong muốn điều đó.

Đối mặt với hoàn cảnh lịch sử đặc biệt ấy, giai cấp thống trị ở Mỹ đã tạo ra một khái niệm đặc biệt là ‘dân chủ đại diện’. Họ diễn giải rằng các thành phần có địa vị thấp trong xã hội có lợi ích thống nhất với các thành phần có địa vị cao hơn, ví dụ thợ thủ công sẽ ủng hộ thương nhân vì thương nhân có khả năng thúc đẩy lợi ích cho thợ thủ công tốt hơn chính bản thân thợ thủ công, hay nói cách khác, thương nhân là đại diện tự nhiên cho lợi ích của thợ thủ công. Từ đó, giai cấp thống trị Mỹ khẳng định rằng dân chủ không phải là việc trực tiếp tham gia công việc nhà nước mà là chuyển giao quyền lực ấy cho người đại diện. Dưới danh nghĩa dân chủ, giai cấp thống trị Mỹ tạo ra một chế độ quý tộc trá hình kết hợp với nền dân chủ tư sản. Một mặt quyền công dân được trao cho dân cư không phân biệt địa vị kinh tế, mặt khác quyền công dân ấy lại chỉ giới hạn trong việc bầu cử, hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lực nhà nước hay có thể thay đổi địa vị kinh tế của công dân.

Cơ chế dân chủ đại diện là một sáng tạo hiện đại của Mỹ, hoàn toàn không có liên hệ gì với cơ chế dân chủ Athen, vì dân chủ Athen có nghĩa là công dân trực tiếp tham gia vào công việc nhà nước, họ không chuyển giao quyền lực của mình cho người đại diện nào hết, đó là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với Athen. Do vậy, theo khái niệm dân chủ Athen thì nền dân chủ đại diện của Mỹ là phản dân chủ.

Cơ chế dân chủ đại diện của Mỹ dẫn đến một nghịch lý, đó là họ phải định nghĩa lại khái niệm ‘nhân dân’. Một mặt họ phải coi ‘nhân dân’ với tư cách là tập hợp toàn thể dân cư là có quyền lực tối cao, để có thể trao quyền lực tối cao đó cho đại diện, mặt khác ‘nhân dân’ lại là một tập hợp trừu tượng, không hoạt động chính trị mà hoàn toàn thụ động đón nhận kết quả từ nhà nước, tức là tước bỏ nội dung chính trị của 'nhân dân'. 

Tóm lại, dân chủ  Athen và dân chủ hiện đại là những khái niệm khác nhau, bắt nguồn từ những chế độ xã hội khác nhau, hoàn toàn không có liên hệ với nhau. Chế độ dân chủ tư sản hiện đại một mặt mở rộng quyền công dân cho người lao động, mặt khác lại hạn chế phạm vi quyền lực chính trị của công dân. Do vậy, chế độ dân chủ tư sản chỉ là dân chủ hình thức, không phải dân chủ thực chất. Điều này hoàn toàn trái ngược với khoa học chính trị chính thống, vốn luôn mô tả dân chủ như là một nguyên lý chính trị tiến hóa liên tục từ Athen đến nhà nước tư bản hiện đại, mang tính xuyên lịch sử và dựa vào đó để cho rằng dân chủ là một di sản phổ quát của phương Tây cần được bảo vệ và duy trì. Thực tiễn cho thấy nền dân chủ hình thức của chế độ tư bản về bản chất là phản dân chủ. Một mặt nó tuyên bố nhân dân có quyền lực tối cao, mặt khác nó tước bỏ khả năng sử dụng cái quyền lực tối cao ấy và buộc nhân dân phải trao quyền lực ấy cho các đại diện của giai cấp tư sản. 

Nhà nước chuyên chế châu Á và dân chủ

Khác với châu Âu, các nhà nước châu Á đã nhanh chóng hoàn thiện hình thái nhà nước trung ương tập quyền. Đặc trưng của nhà nước phong kiến tập quyền châu Á là giai cấp thống trị đồng nhất với nhà nước, tức là không có giới quý tộc độc lập, không phân chia thành các lãnh địa. Nhà nước trung ương được thống nhất với quyền lực tuyệt đối, các quan lại được vua bổ nhiệm cai trị tại các địa phương. Nhà nước chính là bộ máy bóc lột duy nhất trong xã hội, đối tượng của nó là nông dân, giai cấp thống trị đồng nhất với giới quan lại triều đình. 

Trong nhà nước chuyên chế châu Á, nông dân không có quyền chính trị, họ có thể phát triển các cộng đồng làng để hạn chế sự bóc lột của nhà nước, song nhà nước hoàn toàn nằm ngoài phạm vi kiểm soát của họ. Tầng lớp địa chủ hay thương nhân giàu có ở châu Á cũng giống như nông dân, hoàn toàn không có bất cứ quyền chính trị nào đáng kể, thậm chí còn là đối tượng kiểm soát của nhà nước chuyên chế. Vậy nên ở châu Á mới có cái lệ phổ biến là những nhà giàu thường bỏ tiền mua các chức quan nhỏ để tránh phải làm các công việc lao dịch như nông dân.

Khác với châu Âu dựa vào giới quý tộc cha truyền con nối, nhà nước chuyên chế châu Á dựa vào tầng lớp trí thức, tầng lớp này tập trung vào việc học hành, nghiên cứu về nghệ thuật cai trị để trở thành quan lại. Điều này dẫn đến hệ quả là khái niệm dân chủ không sinh ra ở châu Á. Việc tham gia vào chính quyền là của quan lại, hoàn toàn độc lập với nông dân. Giới trí thức học để làm quan, họ hoàn toàn không có nhu cầu kiểm soát hay hạn chế quyền lực nhà nước, mặt khác quyền lực nhà nước hoàn toàn không làm thay đổi địa vị kinh tế của giới trí thức. 

Cách mạng tháng Tám của Việt Nam và nền dân chủ mới  

Việt Nam bước vào thời hiện đại với hai gánh nặng là chế độ phong kiến suy tàn và chế độ thực dân, để cùng một lúc đánh đổ cả hai thứ ấy thì không thể nào dựa vào tầng lớp trí thức phong kiến hay tư sản mại bản. Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là một dấu mốc vĩ đại trong lịch sử châu Á, lần đầu tiên nông dân được giải phóng và trao quyền công dân. Họ không những được trao quyền mà còn được cung cấp các điều kiện để thực thi quyền công dân. Nông dân được chia ruộng đất, để trở thành người sản xuất tự do, thoát khỏi sự bóc lột của chế độ phong kiến và tư bản. Nông dân không những được bỏ phiếu để bầu chính quyền mà trên thực tế còn kiểm soát chính quyền thông qua các đại diện không có đặc quyền đặc lợi trong Đảng Cộng Sản. Điều này là một phát kiến quan trọng sinh ra từ thực tiễn đấu tranh của phong trào cộng sản quốc tế. Đảng viên một mặt là người lao động bình thường, không có đặc quyền đặc lợi gì từ chức vụ đảng, không nắm chức vụ nhà nước, mặt khác họ có quyền kiểm soát bộ máy nhà nước từ việc hoạch định ra đường lối cho đến phê chuẩn ứng cử viên vào chức vụ quan trọng của nhà nước dựa trên lợi ích của người lao động. Điều này tạo ra một cơ chế hữu hiệu kiểm soát nhà nước đồng thời ngăn cản đảng viên cố kết trở thành tầng lớp đặc quyền chính trị.  

Đây là một khái niệm dân chủ hoàn toàn mới, không liên quan đến dân chủ Athen hay dân chủ tư sản. Khái niệm này cũng không bắt nguồn từ kinh nghiệm của nhà nước chuyên chế châu Á, do đó cái luận điệu cho rằng Việt Nam phải thoát Trung hay thoát Á là hoàn toàn bịp bợm. Một mặt khái niệm dân chủ ở Việt Nam có nghĩa là tạo ra địa vị kinh tế tự do cho những người bị áp bức đồng thời trao quyền công dân cho họ, mặt khác là tạo điều kiện cho họ kiểm soát quyền lực nhà nước một cách gián tiếp, thông qua việc tham gia vào một đảng chính trị chuyên chính có quyền lực thực tế. Song điều này cũng tiềm ẩn xung đột chính trị nội tại. Nhà nước bao giờ cũng là thành trì cuối cùng của sự bóc lột. Viên chức nhà nước là một tầng lớp độc lập, sống bằng công việc nhà nước, tham gia vào bộ máy nhà nước thông qua con đường bổ nhiệm và tuyển dụng, lợi ích của họ là mở rộng bộ máy nhà nước và do đó phải tìm cách thoát khỏi những kiềm chế của đảng chính trị thuộc về người lao động. Đảng chính trị thuộc về người lao động sẽ luôn tìm cách hạn chế sự phát triển của nhà nước vì sự phát triển của nhà nước có nghĩa là tăng cường bóc lột người lao động thông qua thuế khóa. Do vậy, vấn đề căn bản của Việt Nam trong thời kỳ quá độ là kiểm soát quyền lực nhà nước, bằng cơ chế dân làm chủ, đảng lãnh đạo và không ngừng mở rộng quyền lực chính trị cho người lao động. 

Sunday, June 9, 2019

Đạo Tin Lành và Sự Phát Triển Của Chủ Nghĩa Tư Bản

Lâu rồi, mình xem blog của bác Giao, thấy bác ấy có đặt vấn đề cho mình về quan hệ giữa đạo Tin Lành và chủ nghĩa tư bản, ngay sau khi nhắc đến trường hợp có nhiều người phát điên vì học tinh thần chủ nghĩa tư bản ở Nhật Bản vào thời kỳ Minh Trị. Nhưng sau đấy mình bị tư bản nó hành, chạy dự án tối tăm mặt mũi, chả thời gian đâu viết lách nên quên bẵng mất vấn đề đó. Hôm nay, nhân dịp đọc lại cuốn "Libery and Property" của Ellen M. Wood, cũng có nhắc đến vấn đề đó, mới chợt nhớ ra câu hỏi của bác Giao, nên viết vài dòng để gửi bác Giao.

Nước Nhật Bản thời Mạc Phủ du nhập đạo Tin Lành nhưng lại cấm Cơ Đốc Giáo, giới quý tộc Nhật Bản lúc đó đều chỉ làm ăn với người Hà Lan theo Tin Lành mà cấm cửa người Tây Ban Nha Thiên Chúa Giáo, cho dù người Tây Ban Nha đến Nhật Bản truyền đạo rất sớm. Sở dĩ vậy nên Fukuzawa ban đầu cũng học tiếng Hà Lan chứ không phải tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha. Sau đó, Mạc Phủ bị các đế quốc đưa tàu chiến đến đe dọa, buộc phải mở cửa cho họ làm buôn bán. Ban đầu giới quý tộc phản đối Mạc Phủ hèn nhát, bán đứng Nhật Bản cho đế quốc, quay sang ủng hộ Nhật Hoàng, đánh bại Mạc Phủ, nhưng sau khi nắm được chính quyền thì Nhật Hoàng và giới quý tộc ngay lập tức áp dụng chính sách của Mạc Phủ, đó là mở cửa cho phương Tây. Đây chính là lúc ông Fukuzawa mang cái vốn tiếng Hà Lan lơ ngơ ra tỉnh thì thấy toàn biển hiệu tiếng Anh, đọc chả hiểu gì, vì thế nên ông ấy mới đi học tiếng Anh để tiếp tục sự nghiệp khai hóa văn minh cho dân Nhật Bản.

Để làm rõ mối quan hệ giữa đạo Tin Lành và chủ nghĩa tư bản thì chúng ta cần phải làm rõ nguồn gốc của đạo Tin Lành và đặc trưng của chủ nghĩa tư bản, từ đó mới có thể trình bày được mối quan hệ của chúng.

1. Nguồn gốc của đạo Tin Lành

Đạo Tin Lành có hai nhánh là Calvin và Luther, nhánh Calvin sau này được du nhập vào Anh trở thành Anh Giáo và Thanh Giáo, còn nhánh Luther chủ yếu phát triển ở các tiểu quốc Đức.

Vào lúc đạo Tin Lành ra đời, các thành thị tự do tồn tại nhờ đặc quyền thương mại ở Đức bắt đầu đi vào giai đoạn suy tàn. Giới quý tộc thành thị không còn tham gia vào các hoạt động thương mại nữa mà sống nhờ vào thuế khóa mà thị dân và thương nhân đóng góp. Giới quý tộc thành thị cũng không trực tiếp tham gia vào các hoạt động nhà nước nữa, công việc này do tầng lớp viên chức dân sự (civil magistrate) đảm nhiệm. Các viên chức dân sự vừa phải làm nhiệm vụ cai quản thành thị, giải quyết xung đột giữa thị dân và quý tộc, vừa phải bảo vệ sự độc lập của thành thị trước sự nhòm ngó của các vua chúa với quân đội trong tay. 

Kẻ thù chủ yếu của giới viên chức dân sự không đến từ công việc của họ, trái lại là nhà thờ. Nhà thờ cũng đang bước vào giai đoạn suy tàn, trở nên tham lam cùng cực, tìm mọi cách bóp nặn dân chúng, điển hình là câu chuyện về ông tổng giám mục ở giáo phận của Luther, nộp tiền cho Giáo Hoàng để được cai quản hai giáo phận và sau đó đem bán sự chuộc tội như bán rau cho giới quý tộc và thường dân để kiếm tiền bù lại. Một mặt sự tham lam của nhà thờ khiến cho dân chúng căm ghét, mặt khác gây ra những tổn thất cho nguồn thu của chính quyền dân sự, mà những người trực tiếp phải gánh chịu là viên chức dân sự. Do vậy, các viên chức dân sự luôn tìm mọi cách loại bỏ quyền lực của Giáo Hội trong địa phận của mình.

Mâu thuẫn giữa Giáo Hội và các vua chúa Đức lên đến đỉnh điểm khi vua Tây Ban Nha Thiên Chúa Giáo trở thành hoàng đế La Mã Thần Thánh không cho phép các tiểu quốc Đức bầu ra vua của họ. Các vua chúa Đức quay sang liên minh với các thành thị tự do để chống lại hoàng đế La Mã Thần Thánh, học thuyết Tin Lành nhanh chóng được áp dụng. Đặc trưng của học thuyết Tin Lành lúc này là:

Thứ nhất, phủ nhận thẩm quyền chuộc tội của Giáo Hội, coi mọi người dân đều là giáo sĩ, đều có quyền đọc kinh thánh và tạo dựng công đức để được Chúa Trời xá tội vào ngày phán xét.

Thứ hai, công nhận quyền lực thế tục của nhà nước, coi viên chức nhà nước là đại diện cho Chúa Trời trên trần thế. Người dân phải tuân lệnh của các viên chức nhà nước để tạo dựng công đức thay vì tuân lệnh Nhà Thờ.

Như vậy, đạo Tin Lành bắt nguồn từ những xung đột của xã hội tiền tư bản chủ nghĩa và phục vụ cho xã hội tiền tư bản. Giới viên chức dân sự sử dụng nó để bảo vệ cho sự độc lập của thành thị tự do và biện minh cho quyền nổi loạn vũ trang chống lại vua chúa. Giới thị dân sử dụng nó để chống lại giới thượng lưu thành thị. Giới thượng lưu thành thị cũng sử dụng nó để củng cố quyền lực chống lại sự đe dọa của thị dân. Vua chúa sử dụng nó để chống lại quyền lực của Nhà Thờ vốn là chỗ dựa của đế quốc La Mã. 

Mặc dù đạo Tin Lành có đề cập tới 'đạo đức lao động' và việc giải phóng thương mại khỏi các kìm hãm của thời phong kiến. Song có hai điều bị bỏ qua trong vấn đề này. Thứ nhất, đạo Tin Lành không bao giờ giải thích được tại sao lao động lại đồng nhất với lợi nhuận. Thứ hai, thương mại thời tiền tư bản dựa trên nguyên lý 'mua rẻ bán đắt' tức là đặc quyền buôn bán giữa các thị trường phân tán, không liên quan gì đến động lực thị trường của chủ nghĩa tư bản, vốn dựa trên cạnh tranh bằng năng suất lao động trên một thị trường thống nhất, nên tinh thần vì lợi nhuận của nó cũng hoàn toàn khác với tinh thần vì lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản, đạo Tin Lành cũng không giải thích được tại sao có sự biến đổi từ thương mại thời phong kiến sang thương mại thời tư bản, khác nhau hoàn toàn về chất.

2. Đặc trưng của chủ nghĩa tư bản

Đặc trưng của chủ nghĩa tư bản là sự cưỡng bức của thị trường đối với nhà tư bản, họ buộc phải mua bán để tìm kiếm lợi nhuận bất kể họ muốn gì và tham lam ra sao, nhưng lợi nhuận này không phải đến từ việc mua rẻ bán đắt, mà ngược lại đến từ sự tiết kiệm lao động thông qua việc không ngừng nâng cao lao suất lao động. Mặt khác, người lao động bị tước hết các tư liệu sản xuất và sinh hoạt, buộc phải bán sức lao động và mua tư liệu sinh hoạt trên thị trường. Đây là những thứ hoàn toàn xa lạ, chưa từng có tiền lệ trong các xã hội trước đó. Các xã hội tiền tư bản luôn dựa trên tiền đề là người lao động bị cột chặt vào tư liệu sản xuất. Giới quý tộc bóc lột người lao động thông qua việc nắm giữ các chức năng nhà nước và được hưởng phần sản phẩm thặng dư mà người lao động đã tạo ra, hay nói cách khác, sự bóc lột kinh tế tiền tư bản gắn liền với chức năng nhà nước.

3. Mối quan hệ giữa đạo Tin Lành và chủ nghĩa tư bản

Các học giả phương Tây nổi tiếng như Max Weber và R. H. Tawney đều cho rằng đạo đức Tin Lành là phù hợp với chủ nghĩa tư bản, do vậy đạo Tin Lành đã thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Điểm mấu chốt trong lập luận của họ là giả định rằng chủ nghĩa tư bản là sự phát triển của thương mại, một hoạt động kinh tế có từ thời tiền sử, và gắn liền với thương mại là sự giải phóng các đô thị tự do. Hay nói cách khác chủ nghĩa tư bản đã luôn tồn tại trong xã hội loài người, nó chỉ bị các cản trở của xã hội kìm hãm và khi được giải phóng, nó nhanh chóng phát triển thành một hình thái kinh tế hoàn chỉnh. Đạo Tin Lành khuyến khích 'đạo đức lao động' và tinh thần tìm kiếm lợi nhuận, xóa bỏ thái độ coi thường của cải của Cơ Đốc Giáo, do vậy phù hợp với chủ nghĩa tư bản và tạo ra động lực giúp chủ nghĩa tư bản phát triển. 

Song thương mại thời tiền tư bản không hề mang tính tư bản chủ nghĩa, trái lại nó mang tính phong kiến và dựa trên các đặc quyền phong kiến. Các đô thị thương mại phát triển nhất thời phong kiến của Châu Âu không bao giờ phát triển thành các đô thị tư bản chủ nghĩa, trái lại chủ nghĩa tư bản lại ra đời ở vùng nông thôn nước Anh. Thời phong kiến hoàn toàn không có những động lực cưỡng bức của chủ nghĩa tư bản và do đó đạo Tin Lành bảo vệ cho những nguyên lý chống lại chủ nghĩa tư bản.

4. Tại sao các học giả lại cho rằng đạo Tin Lành thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản?

Hình ảnh minh họa: Sự thần thánh của một viên chức chính quyền thời đại tư bản. Ông ta đứng trên đầu bốn người dân đại diện cho bốn nhóm thuộc địa của mẫu quốc.
Nguồn: Internet
Sau khi chủ nghĩa tư bản ra đời ở nông thôn nước Anh bằng cách tước đoạt tư liệu sản xuất của nông dân, bắt họ trở thành công nhân làm thuê, thì chủ nghĩa tư bản nhanh chóng lan ra khắp Châu Âu. Đồng thời tư bản Anh cũng phá bỏ luôn điều kiện để các nước khác tư bản hóa, đó là việc tước đoạt tư liệu sản xuất của nông dân. Vào lúc này giai cấp quý tộc đã suy yếu, buộc phải dựa vào nhà nước để tồn tại, việc tước đoạt nông dân sẽ đụng đến cơ sở kinh tế của nhà nước, đồng thời họ lại phải nhanh chóng tư sản hóa trong điều kiện đối mặt với sự canh tranh khốc liệt từ tư bản Anh. Các nước Châu Âu lục địa bước vào thời kỳ hiện đại với một kế sách duy nhất là kết hợp giữa nhà nước chuyên chế và chủ nghĩa tư bản. Các viên chức dân sự trở nên quyền lực hơn bao giờ hết, họ trở thành đại diện cho nhà nước trong mối quan hệ với dân chúng, họ có thẩm quyền quyết định sinh mạng của cả dân thường lẫn các nhà tư bản cá thể, họ đứng trên cả quý tộc lẫn giáo sĩ. Đây chính là lúc đạo Tin Lành phát huy sự thần thánh của bản thân. Vòng hào quang của Chúa Trời rời bỏ các tu sĩ Thiên Chúa Giáo béo múp để đến ngự trị trên đầu của các viên chức dân sự. Sự tuân thủ nhà cầm quyền thế tục đảm bảo cho công tích chuộc tội của con chiên. Nhà nước trở thành giáo hội mà không cần phải truyền giáo. Viên chức nhà nước trở thành giáo sĩ mà không cần phải viện dẫn Kinh Thánh. Tóm lại, không phải sự phát triển của chủ nghĩa tư bản định hình cho đạo Tin Lành hay ngược lại, mà chính là nhà nước chuyên chế đã định hình cho những giá trị của đạo Tin Lành, đem nó vào kết hợp với chủ nghĩa tư bản. Giới học giả bảo vệ cho quan điểm đạo Tin Lành thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thực ra là để biện minh cho vai trò của nhà nước chuyên chế trong việc nâng đỡ chủ nghĩa tư bản.

Sunday, May 19, 2019

Đa đảng là tốt?

Tôi thường nghe thấy người ta nói rằng: Đa đảng là tốt hơn một đảng vì các đảng sẽ phải cạnh tranh nhau trong việc giành phiếu bầu của người dân. Đảng nào lạm quyền sẽ bị các đảng khác tố cáo, người dân sẽ không bỏ phiếu ủng hộ nữa. Như vậy, người dân sẽ giám sát được quyền lực nhà nước, đó mới thực sự là dân chủ.

Mới nghe qua thì thực là có lý. Song hệ thống chính trị đa đảng phái ở phương Tây ra đời nhằm mục đích kiểm soát phổ thông đầu phiếu, hay nói cách khác là vô hiệu hóa quyền lực của lá phiếu bầu, chứ không phải nhằm mục đích giúp lá phiếu bầu kiểm soát quyền lực nhà nước.

Vô hiệu hóa phổ thông đầu phiếu

Khi có rất nhiều đảng phái tham gia tranh cử thì các đảng phái phải làm gì? Họ sẽ phải thu hút càng nhiều phiếu bầu càng tốt, tức là họ phải đưa ra cương lĩnh chính trị rất ôn hòa để thu hút được nhiều cử tri, họ phải tránh đưa ra các nội dung gây xung đột. Ai thích tư bản thì có tư bản, ai thích làm thuê thì có món làm thuê, ai thích trà đá thì có trà đá, nhưng ví dụ như tăng lương giảm giờ làm thì lại là chuyện khác, chuyện này gây xung đột giữa chủ và thợ, tạm gác lại đã. Các đảng phái sẽ đưa ra một tập hợp các vấn đề hết sức chung chung và ít ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp đến các nhóm dân cư trong xã hội. Ngoài cử tri tự do thì đảng phải khi tranh cử cũng phải tính đến việc liên minh với các đảng khác nữa để có đa số phiếu, khi đó họ sẽ càng phải hạn chế các nội dung chính trị có thể gây ra xung đột với các đối tác tiềm năng.

Hệ thống chính trị đa đảng cạnh tranh dẫn đến cái sự ngược đời là thay vì tập trung vào những vấn đề thiết thực đối với đời sống xã hội thì họ sẽ lại tập trung vào những vấn đề nghe thì hay ho nhưng nội dung thì tào lao, chẳng ảnh hưởng đến quyền lợi của ai cả.

Để có ưu thế trong tranh cử thì các đảng phái buộc phải thu hút được một số lượng lớn cử tri, điều này dẫn đến việc họ phải kết nạp tràn lan, khiến cho cử tri thuộc đảng phái mất đi đặc tính chung, trở thành một đám đông lộn xộn, không thể thống nhất về bất cứ điều gì. Ví dụ: Anh ủng hộ đồng tính? Tốt, hãy bỏ phiếu cho tôi! Anh bảo vệ môi trường? Tốt! Hãy bỏ phiếu cho tôi! Anh ủng hộ nhà thời? Tốt, hãy bỏ phiếu cho tôi! Anh ủng hộ công nghiệp nặng? Tốt, hãy bỏ phiếu cho tôi! Mặc dù nhà thời thì phản đối đồng tính, môi trường thì phản đối công nghiệp nặng, nhưng không có vấn đề gì hết, khi nắm quyền chúng tôi sẽ giải quyết tất. Bằng các nào ư? Chúng tôi sẽ phát huy dân chủ. Mọi người sẽ có quyền lên tiếng. Phiếu bầu của mọi người sẽ quyết định vấn đề nào được ưu tiên.

Lợi ích riêng của đảng phái

Việc cạnh tranh thu hút cử tri khiến các đảng phái chính trị phải thiết lập một bộ máy thường trực để vận động quyên góp tài chính, tuyên truyền chính trị, tiếp xúc cử tri và dàn xếp các xung đột. Điều này có nghĩa là họ phải tuyển dụng một bộ máy nhân sự chuyên nghiệp cho những việc đó. Những người chắc chắn không xuất thân từ tầng lớp công nhân lấm lem dầu mỡ, họ phải có hiểu biết nhất định về quản lý, làm công việc phức tạp có tính chuyên môn cao nên thường xuất thân từ các gia đình giàu có và được đào tạo từ các cơ sở đào tạo danh giá về chính trị, quản trị kinh doanh, quản lý công hay truyền thông. Tóm lại, những người quản lý chuyên nghiệp của đảng phái sẽ có xuất thân và nền tảng giáo dục giống như chủ doanh nghiệp và giới thượng lưu chính trị. Lợi ích của giới quản lý chuyên nghiệp trong đảng phái gắn liền với việc không ngừng mở rộng hoạt động và ngân sách của đảng phái. Sự tương đồng về văn hóa và lợi ích giữa bộ máy chóp bu của đảng phái với giới chủ doanh nghiệp tạo ra sự đồng cảm về lợi ích giữa hai nhóm này.

Những người quản lý chuyên nghiệp sẽ vô hiệu hóa vai trò của các thành viên cấp thấp hơn của đảng phái, họ thực hiện mọi công việc và biến các thành viên cấp thấp hơn thành cái máy nói thuần túy. Mặt khác, để đảm bảo đảng có hình ảnh đẹp đẽ trong mắt công chúng thì các xung đột, tranh cãi nội bộ phải bị dẹp bỏ, biến thành các công việc bàn giấy thuần túy. Sự dân chủ được ca ngợi của hệ thống đa đảng tồn tại được là nhờ vô hiệu hóa dân chủ trong nội bộ đảng.

Sự cạnh tranh giữa các đảng phái trong việc nắm chính quyền không nhằm phục vụ cử tri như người ta vẫn tưởng tượng, mà thực tế là phục vụ quyền lợi cho chính đảng phái. Mỗi khi nắm được chính quyền thì đảng phái sẽ mở rộng được hoạt động của mình, thu hút được thêm cử tri, củng cố thêm các mối liên minh về chính trị và kinh tế với các đối tác khác nhờ việc ban phát một cách hào phóng các nguồn lực tài nguyên quốc gia thông qua bộ máy nhà nước.

Hệ thống đa đảng cạnh tranh dẫn đến sự quan liêu hóa của bộ máy quản lý đảng phái, hoạt động vì lợi ích của chính bản thân chứ không phải vì lợi ích của cử tri. Thành viên của đảng phái bị mất giá, ý kiến của họ không mấy ảnh hưởng đến đường lối chính sách của đảng, công việc duy nhất mà họ làm là đi bỏ phiếu khi đến kỳ bầu cử. Bằng cơ chế cạnh tranh, hệ thống đa đảng vô hiệu hóa quyền lực của phổ thông đầu phiếu và làm cho phổ thông đầu phiếu trở nên an toàn với chủ nghĩa tư bản.

Xã hội dân sự đánh thuê

Hệ thống đa đảng phương Tây thành công trong việc vô hiệu hóa phổ thông đầu phiếu, biến cử tri thành cái máy bỏ phiếu đơn thuần, nhưng con người vẫn là con người, họ không nói được bằng cách này thì họ nói bằng cách khác. Từ những năm 1970 của thế kỷ trước, ở phương Tây xuất hiện một loại hình phong trào xã hội mới, có đặc tính là gây xung đột và không đòi quyền chính trị, ví dụ như đồng tính, bảo vệ môi trường, chống hạt nhân... Các phong trào này ban đầu là sự phản ứng đối với thất bại của hệ thống đa đảng,  thu hút được sự chú ý của rất nhiều cử tri, nhưng sau đó nhanh chóng trở thành cánh tay nối dài cho đảng phái. Một mặt họ độc lập với đảng phái trong việc thu hút các thành viên nên không ảnh hướng đến các đảng phái, mặt khác họ lại cần đến các đảng phái để có thể đưa các vấn đề của họ lên chương trình nghị sự của nhà nước. Các phong trào này nhanh chóng tạo ra các tổ chức xã hội dân sự chuyên nghiệp và trở thành một kênh bán phiếu bầu cho các đảng phái. Thông qua các cơ chế tài trợ phức tạp và lắt léo, các tổ chức xã hội dân sự dần dần phụ thuộc vào đảng phái, ngược lại đảng phái sử dụng họ làm vũ khí để cạnh tranh trong bầu cử, phổ biến là gom phiếu bầu và tấn công các đảng đối thủ. Việc các phong trào xã hội dân sự xung đột với đảng phái hay chính quyền là biểu hiện cho thấy sự thống nhất của nó với hệ thống đa đảng.

Đảng tội ác

Những nhóm cử tri nhỏ có các khuynh hướng cực đoan khi thất vọng với các đảng phái lớn thì sẽ tìm đến các đảng nhỏ cực đoan, đặc điểm của các đảng phái cực đoan này là họ hoàn toàn không có cơ hội trong việc tranh cử vì chỉ thu hút được rất ít cử tri. Song với số cử tri thu hút được ấy họ có thể bán phiếu bầu cho các đảng lớn hơn, dùng nó để tham gia liên minh hoặc cản trở các đảng lớn đạt được đa số phiếu cần thiết nhằm đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, nói ngắn gọn là tống tiền các đảng lớn. Chính vì vậy ở các nước đa đảng phương Tây có sự tồn tại của những đảng phát xít, họ công khai tuyên truyền cho các chế độ tội ác một cách hợp pháp.

Các đảng tội ác tồn tại như là một sản phẩm của chế độ đa đảng và chúng hoàn toàn có thể trở thành đảng nắm quyền khi gặp các điều kiện xã hội thích hợp. Do vậy, chế độ đa đảng không loại bỏ mà ngược lại còn dung dưỡng các đảng tội ác, trở thành môi trường màu mỡ cho tội ác được hợp pháp hóa.  

Độc đảng là hệ quả của cơ chế cạnh tranh đa đảng

Hệ thống đa đảng có phải là sự phủ nhận hệ thống độc đảng không? Không, sự cạnh tranh giữa các đảng phái có thể dẫn đến tình trạng một đảng đủ lớn mạnh để áp đảo các đảng phái khác. Hệ thống đa đảng cạnh tranh có thể dẫn đến chế độ độc đảng và độc tài trên thực tế. Đảng Quốc Xã của phát xít Đức lên nắm quyền hoàn toàn hợp pháp thông qua bầu cử và vô hiệu hóa Quốc Hội Đức bằng đạo luật trao quyền lập pháp cho Hitler. Chế độ độc đảng không phủ nhận chế độ đa đảng, ngược lại là sản phẩm của sự cạnh tranh đa đảng. Do vậy, những bệnh tật của hệ thống độc đảng đều là thừa kế từ hệ thống đa đảng.

Việc phán xét một cách chung chung kiểu như đa đảng tốt vì nó giúp người dân kiểm soát quyền lực nhà nước chỉ là câu nói tuyên truyền sáo rỗng.

Saturday, May 18, 2019

Tư duy biện chứng để làm gì?

Dạo nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy trụi, bên cạnh đám me Tây khóc than ầm ĩ cho nước Pháp thực dân thì cũng có một số người nhân dịp ấy mới nói rằng:
- Ngày xưa nước Pháp đi xâm lược thuộc địa, cướp bóc đốt phá không biết bao nhiêu chùa chiền miếu mạo, giờ là quả báo thôi, có gì mà phải than khóc. Pháp cũng đốt bảo nhiêu chùa chiền ở Việt Nam mà có đứa me Tây nào chịu khóc đâu.

Một hôm nọ, có vị giáo sư khoa Triết học mới dạy dỗ quần chúng ngu lâu mãi không chịu hiểu rằng:
- Họ nói vậy là sai, sai vì họ không có tư duy biện chứng. Thứ nhất, cái nhà thờ ấy là tài sản nhân loại, không phải chỉ riêng của người Pháp. Thứ hai, chúng ta có thù với chính quyền thực dân Pháp chứ không phải người dân Pháp. Thế nên khi cái nhà thờ ấy cháy thì ta phải tỏ lòng thương tiếc, không được tỏ thái độ vui mừng như vậy.

Phải tư duy biện chứng theo kiểu như vậy thì khác gì khổ dâm?


Bây giờ cứ thử hỏi vị giáo sư khoa Triết học ấy rằng nếu cái nhà thờ ấy là cái chùa to nhất Việt Nam và vị giáo sư của chúng ta là người Pháp thì đức ngài tôn quý ấy sẽ nói sao?  Chắc chắn đức ngài biện chứng của chúng ta sẽ hét lên sung sướng rằng: Đúng rồi, hãy đốt ra tro đám tà đạo đó đi, hãy dựng lên nhà thờ mới của Đức Chúa Trời Gô Loa! 

Nghe chuyện đến đây chắc hẳn sẽ có người bỉ bôi cái thằng tôi rằng: Thật là loại ếch ngồi đáy giếng, biết gì về 'Hai nguyên lý, ba quy luật và sáu cặp phạm trù mà chê ngài giáo sư triết học?

Đã chót thì phải chét vậy, tôi đành mổ xẻ cái xảo thuật của món Triết học này cho rõ. Vốn là giáo sư của chúng ta khi đả phá quan niệm bị coi là sai trái kia thì ngài ấy không nghiên cứu nó đến nơi đến chốn, tìm hiểu cơ sở xã hội của nó mà dùng phép logic hình thức để phủ nhận. Bởi vì bắt đầu bằng một quan niệm trừu tượng, không gắn liền với cơ sở xã hội đã sinh ra nó nên giáo sư khoa của chúng ta buộc phải sử dụng đến 'bù nhìn rơm', đây là một xảo thuật phổ biến trong tranh biện. 'Bù nhìn rơm' ở đây là 'tài sản nhân loại', bằng từ 'tài sản nhân loại' thì ngài đã gán cho người Pháp, người Việt và đủ các loại người nói chung quyền lợi và trách nhiệm với cái nhà thờ ấy, đáng lẽ ngài phải chứng minh điều này, nhưng chứng minh cái này thì ngài sẽ hớ nặng, vì không có thứ quyền lợi và trách nhiệm nào như vậy tồn tại cả. Nếu có me Tây nào đó ở Việt Nam vì hết lòng với nước mẹ tuyên bố cái nhà thờ là tài sản nhân loại và me Tây sẽ có quyền bán vé kiếm tiền ở đó thì nước mẹ Đại Pháp sẽ vả cho me Tây ấy không còn cái răng nào. Vậy nên câu thứ nhất của giáo sư là vô nghĩa hoàn toàn, đó là lối nói trùng lắp để khẳng định cái mà ngài đã giả định. Câu thứ hai của giáo sư cũng tiếp tục với xảo thuật ấy, nhân dân cũng là một cái bù nhìn rơm, theo truyền thống chính trị học phương tây người ta thường dùng nhân dân để nhét đủ thứ phi lý thậm chí mâu thuẫn nhau vào đó. Ở đây ngài giáo sư của chúng ta giả định là nhân dân Pháp đang đau buồn vì cái nhà thờ đó bị cháy rụi, mặc dù về mặt triết học đó chính là điều mà ngài phải chứng minh. Nhân dân Pháp có bao gồm đám vui sướng hay thờ ơ vì cái nhà thờ đó cháy không? Ngài giáo sư của chúng ta sẽ tuyên bố rằng đám người Pháp đó không phải là nhân dân Pháp. Thế là một mặt ngài giáo sư bắt toàn bộ dân Pháp phải khóc than cho cái nhà thờ bị cháy và mặt kia bắt dân Việt Nam phải khóc than theo vì dân Pháp đang khóc.

Những chuyện tào lao kiểu này giờ đầy rẫy trên mạng xã hội, người ta nói xuôi hay nói ngược cũng được. Ai cũng tỏ ra là mình đúng, mình là chân lý.

Vậy thì tư duy biện chứng hay không là ở cách người ta chỉ ra cái khuôn khổ xã hội đã sinh ra những quan niệm phủ nhận nhau mà chả ảnh hưởng gì đến nhau, chứ không phải ở chỗ dùng quan niệm này bác bỏ quan niệm kia. Sở dĩ những quan niệm phủ nhận nhau cùng tồn tại được trên truyền thông, va chạm nhau chan chát mà không ai bị sứt mẻ tí gì là bởi vì truyền thông đã trở nên độc lập với tương đối với xã hội.

Kinh tế thị trường là sự tách rời giữa chức năng chính trị và chức năng kinh tế. Truyền thông không còn là chính trị nữa, nó hướng vào việc đưa tin và kiếm tiền từ quảng cáo cho doanh nghiệp. Vậy nên nó phải đưa càng nhiều tin càng tốt, thứ hút được càng nhiều người theo dõi càng tốt. Điều đó làm cho truyền thông mất đi sự cấp tiến và đặc tính chính trị, bị tách rời khỏi bộ máy chính trị. Một mặt, nó chỉ đóng vai trò truyền tải tin tức, ai đó sẽ lựa chọn và làm việc cần phải làm. Mặt khác, do kinh tế thị trường dựa trên các cá nhân đơn lẻ tự do cạnh tranh với nhau trong việc mua bán hàng hóa, điều đó phản ánh vào truyền thông thành các quan niệm xung đột, có khuynh hướng phủ nhận lẫn nhau, nhưng truyền thông không thể từ bỏ cái cơ sở kinh tế ấy được, nó buộc phải tạo ra một cơ chế cho các quan niệm phủ nhận lẫn nhau ấy cùng tồn tại. Từ đó, trên truyền thông hình thành một lớp người chuyên đại diện cho các quan niệm xung đột nhau, họ đánh trận giả với nhau, thu hút sự chú ý của công chúng và giải trí cho công chúng bằng cách dùng các xảo thuật để tấn công nhau, không ngừng tạo ra các làn sóng công luận theo hướng này hoặc hướng kia.

Đấy là cách mà truyền thông tạo ra công luận, tạo ra những quan niệm phủ nhận lẫn nhau. Ngài giáo sư của chúng ta là một sản phẩm của hệ thống ấy, ngài tưởng rằng mình đang dạy dỗ công chúng về tư duy biện chứng nhưng thực ra chỉ lải nhải lặp đi lặp lại những gì mà truyền thông muốn. Nếu gặp may, ngài giáo sư sẽ tạo thành một làn sóng công luận, ngài sẽ kiếm được nhiều con nhang, đệ tử, tiền bạc và danh tiếng. Nếu không thì ngài cũng chẳng tốn gì ngoài mớ nước bọt giá rẻ, việc đầu tư cho phép biện chứng của ngài cũng chẳng tốn kém gì nhiều hơn trong khi chờ đợi những đợt sóng công luận khác.

Những người cộng sản hay những cộng đồng có tính cộng sản nguyên thủy xưa kia họ xử lý những sự xung đột này thế nào? Rất đơn giản, họ tập hợp những người đại diện cho những quan điểm phủ nhận nhau lại, mời các quý ngài trình bày, tranh luận thoải mái, cuối cùng tất cả cộng đồng biểu quyết để chốt lại một cái, tất cả sẽ phải tuân thủ theo quan điểm đã được lựa chọn ấy, bất kể trước đó theo quan điểm nào. Ai còn nói khác thì xử phạt nghiêm khắc. Thế nhưng đó lại là điều không bao giờ ngài giáo sư của chúng ta muốn, nhân danh phép biện chứng, triệu lần không, bởi vì đặc quyền tư duy biện chứng của ngài sẽ trở thành món đồ cổ mất giá thảm hại khi đám dân đen ngu dốt thất học được quyền quyết định cái gì là đúng và cái gì là sai.

Sunday, May 5, 2019

Ảo mộng nhà nước phúc lợi

Một dạo ở Việt Nam người ta hết lời ca ngợi mấy nước tư bản ở Bắc Âu (Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch), gọi đó là thiên đường nhân văn vì nhà nước đứng ra chăm lo bao cấp hết các dịch vụ cơ bản cho người dân. Thậm chí cách đây hai năm, khi Phần Lan thử nghiệm việc cấp thẳng tiền trợ cấp cho người thất nghiệp thì một làn sóng dư luận như lên đồng, gọi đó là chủ nghĩa xã hội, mà kỳ thực Phần Lan làm điều đó để giảm thâm hụt ngân sách nhưng không thành công và đã lặng lẽ chấm dứt vào đầu năm 2019, tất nhiên lúc này thì hầu hết người ta đã quên mình nói gì hai năm trước.

Mô hình nhà nước phúc lợi thành công nhất ở Châu Âu không phải là các nước Bắc Âu mà là nước Đức. Đức không chỉ là nước tiên phong trong mô hình nhà nước phúc lợi mà còn thành công hơn hẳn các nước Bắc Âu, trở thành nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Các nước Bắc Âu đều chịu ảnh hưởng và áp dụng mô hình nhà nước phúc lợi kiểu Đức, họ chỉ phát triển mạnh lên vào khoảng 30 năm sau Đại Chiến Thế Giới II, khi nước Đức đã thua trận, nhưng sau đó họ bị cuộc khủng hoảng dầu lửa những năm 1970 đánh gục, nền kinh tế của họ chìm đắm trong trì trệ. Sở dĩ người ta lờ tịt nước Đức đi vì Đức đã cho thấy đỉnh cao của nhà nước phúc lợi là chế độ phát xít. Sau khi bại trận thì sự khôn ngoan, tính kỷ luật vẫn được cả tụng của người Đức không cứu được nước Đức, sự thần kỳ đến từ một tầng lớp nô lệ lao động mới, đó là Gastarbeiter, công nhân nhập cư nhưng không có quyền công dân.

Tôi thường nghe thấy một câu hỏi từ tầng lớp công nhân cổ trắng có thu nhập cao: Tại sao nước ta không áp dụng việc đánh thuế thu nhập thật cao và lấy tiền ấy chi trả cao hơn cho bảo hiểm thất nghiệp, an sinh xã hội như mấy nước Châu Âu? Nói một cách ngắn gọn, tầng lớp công nhân cổ trắng mong muốn mô hình đó, họ sợ phải thất nghiệp, sợ phải sống đời sống bấp bênh khi không có khoản thu nhập cố định.

Mọi việc đơn giản, chỉ cần muốn là làm được liền, chẳng qua là chế độ này toàn lũ tham quan vô lại đốt nát, chỉ muốn ăn không muốn làm nên không chịu làm thôi, nhiều người sẽ nói vậy.

Tốt thôi, chúng ta sẽ bắt tay vào việc. Đầu tiên, anh bị thất nghiệp và muốn có bảo hiểm thất nghiệp, vậy chúng tôi phải chắc chắn là anh thất nghiệp thật sự và không có nguồn thu nhập nào khác để sinh sống. Chúng tôi sẽ tổ chức một bộ máy nhà nước khổng lồ để thu thập và theo dõi thu nhập của anh, của bố mẹ, anh em, cũng như vợ con anh, để đảm bảo rằng anh thực sự không có nguồn thu nhập nào khác. Sau nữa, anh không có thu nhập nhưng vẫn cần chỗ ở, cần được chăm sóc y tế. Chúng tôi đều sẽ chỉ trả cho những thứ đó và để đảm bảo rằng tiền ngân sách không bị lãng phí thì chúng tôi sẽ cần một bộ máy nhà nước khổng lồ khác để thẩm định, đặt hàng và trực tiếp thanh toán luôn, chúng tôi cho rằng nguy cơ không chỉ có anh sẽ phung phí khoản tiền ngân sách ít ỏi mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng sẽ tìm cách moi tiền từ túi anh, vậy tốt hơn hết là chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ tất cả. Còn việc của anh là hãy tuân thủ tốt mọi luật lệ, hãy cho chúng tôi thấy rằng anh là đối tượng phù hợp.

Nhà nước phúc lợi trước hết là một bộ máy hành chính quan liêu khổng lồ, giám sát toàn bộ đời sống của dân chúng. Nếu như ngân sách chi cho người dân một đồng thì sẽ phải chi đến chín đồng cho bộ máy quan liêu ấy. 'Lũ tham quan vô lại đốt nát' của xứ ta hóa ra lại có ích không ngờ, chúng không biết cách làm cho bộ máy hành chính phình ra khủng khiếp để mà kiếm chác.

Tiếp đó, vì anh phải đóng thuế thu nhập cao, nên khi đi làm anh sẽ có xu hướng đòi lương cao, để sau khi trừ thuế thu nhập rồi anh còn cầm tay được một khoản kha khá, mà các anh đâu có làm việc đó một mình, các anh tập hợp nhau thành công đoàn để mặc cả với giới chủ. Nếu để các anh tùy ý hành động thì tiền lương cao sẽ làm giảm lợi nhuận của giới chủ và tư bản sẽ trốn biệt khỏi xứ này. Do vậy, chúng tôi cũng sẽ phải kiểm soát các công đoàn, khống chế mức lương ở mức đảm bảo cho giới chủ có lợi nhuận hấp dẫn.

Nhà nước phúc lợi buộc phải nắm lấy công đoàn, khi đó công đoàn cũng bị quan liêu hóa. Lãnh đạo công đoàn trở thành một phần của giai cấp tư sản, phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản thay vì công nhân.

Tiếp nữa, không một quốc gia nào đủ sức nuôi sống một đạo quân thất nghiệp khổng lồ, do vậy nhà nước cần phải khuyến khích và can thiệp để cho doanh nghiệp làm ăn có lãi cũng như không ngừng mở rộng đầu tư vào những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, nhằm giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp. Tức là doanh nghiệp sẽ được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, các ông chủ doanh nghiệp mặc dù cũng bị đánh thuế thu nhập cá nhân cao như người lao động nhưng điều đó chẳng mảy may đụng chạm đến họ nhiều vì các khoản thu nhập của họ đều nằm dưới dạng phúc lợi do công ty thanh toán, được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp và không bị đánh thuế, hơn nữa các khoản lợi nhuận được đem tái đầu tư cũng hoàn toàn không bị đánh thuế. Một bộ máy nhà nước khổng lồ được dựng lên để phung phí ngân sách, công khai tài trợ cho chủ doanh nghiệp trực tiếp cũng như gián tiếp mà hiệu quả của chúng không bao giờ minh bạch theo những tiêu chuẩn mà giới dân chủ giả cầy vẫn khấn vái mỗi ngày. 'Đám tham nhũng vô lại dốt nát' của xứ ta hóa ra chỉ là học trò so với các quý ngài được giải Nobel Hòa Bình trong nghề chia chác tiền chùa.

Phúc lợi cho nhân dân thực ra nên được hiểu là phúc lợi cho tư bản.

Chưa hết, anh không thể cứ ngồi không ăn trợ cấp thất nghiệp mãi được, anh là một gánh nặng nhà nước cần phải thoát khỏi càng nhanh càng tốt. Do đó, chúng tôi tổ chức một bộ máy đào tạo và môi giới việc làm khổng lồ để giúp anh có việc làm mới. Chúng tôi sẽ kiểm tra sự tích cực trong công cuộc tìm kiếm việc làm của anh, nếu như trường học phàn nàn rằng anh chểnh mảng học nghề, hay chủ doanh nghiệp kêu rằng anh lười biếng trong giai đoạn thử việc, tức là anh làm biếng để tiếp tục ăn trợ cấp thất nghiệp, thì chúng tôi sẽ trừng phạt anh. Vì nhân đạo nên chúng tôi không thể bỏ tù anh, mà việc đó cũng tốn tiền, thế nên chúng tôi sẽ có những trò hành hạ tinh thần khác để giúp anh hăng hái đi kiếm việc làm.

Nhà nước phúc lợi, trên thực tế là một bộ máy hành chính quan liêu phi nhân tính hành hạ tinh thần người lao động hàng ngày dưới cái vỏ phúc lợi. Bạn có biết nước Đức 'văn minh' nghĩ ra trò gì để buộc những người nhận trợ cấp xã hội phải đi kiếm việc làm không? Đó là 1-Euro-Job. Sở Lao Động sẽ bắt người nhận trợ cấp, bất kể trẻ già gái trai, ra công viên quét lá cây đủ 8 tiếng mỗi ngày và nhận 1 Euro cho mỗi giờ làm việc, họ làm nhục con người như vậy và gọi đó là văn minh. Có một gia đình nọ, con cái đi làm thu nhập thấp không đủ nuôi mẹ già nên phải để mẹ già 80 tuổi ăn trợ cấp xã hội, thành thử mỗi ngày anh còn trai đi làm ngang qua công viên đều phải nuốt nước mắt nhìn bà mẹ 80 tuổi đứng phơi nắng nhặt lá cây. Đến một kẻ thù ghét loài người nhất ở Việt Nam cũng sẽ cảm thấy ngượng mồm khi phải đề xuất cái việc hạ nhục con người đó, nhưng ở những xứ 'văn minh' điều đó là bình thường. Bạn đừng hỏi tại sao ở những nước phát triển ấy lắm người phát điên hơn ở xứ ta.

Trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay thì doanh nghiệp dễ dàng chuyển nhà máy sang các nước có nhân công giá rẻ và điều kiện thuận lợi hơn. Bên cạnh cuộc khủng hoảng dầu lửa thì đây chính là yếu tố thứ hai khiến các nhà nước phúc lợi ở Châu Âu suy tàn. Ở đâu có lợi nhuận cao thì đó là tổ quốc của tư bản. Vào những năm 1980, khi các quốc gia Đông Âu và Châu Á mở cửa, các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công ở Tây Âu đã nhanh chóng chuyển cơ sở sản xuất sang thiên đường mới. Các nhà nước phúc lợi Châu Âu phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách lớn, kinh tế trì trệ kéo dài.

Song chưa phải là hết, chế độ an sinh xã hội tốt và trợ cấp thất nghiệp cao ở các nước này đã ngăn cản người lao động làm các công việc lương thấp. Khi một bộ phận lớn tư bản chạy ra nước ngoài, tư bản trong nước bị buộc phải đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng lao động giá rẻ hơn để cạnh tranh thì đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Nhà nước phúc lợi buộc phải nhập khẩu lao động từ các nước khác. Lao động nhập cư thường làm các công việc bẩn thỉu, nặng nhọc và có mức lương thấp, họ không có công đoàn bảo trợ, không có phúc lợi xã hội, không có quyền công dân. Điều này là cần thiết để có tiền tiếp tục nuôi dưỡng các công dân của nhà nước phúc lợi. Để ngăn cản những người nhập cư tổ chức nhau lại và đòi quyền công dân thì các đảng phát xít mới ra đời. Đảng phát xít mới tập hợp đám thanh niên thất nghiệp học đòi thuyết chủng tộc thượng đẳng, bị nhồi sọ là lao động nhập cư cướp công ăn việc làm của người thượng đẳng, hãm hiếp chị em gái của họ, ăn cắp trợ cấp xã hội của họ... Đảng phát xít mới thường xuyên tấn công một cách có tổ chức vào người lao động nhập cư, mặc dù thành viên của chúng sống nhờ vào lao động của công nhân nhập cư. Vụ thảm sát 68 người của gã phát xít mới Breivik ở Na Uy không phải là tình cờ. Người nhập cư phải bị kiểm soát như tội phạm, người nhập cư không được phép có quyền công dân, người nhập cư phải làm các công việc bẩn thỉu, lương thấp, đó là mục đích tối thượng của các đảng phát xít mới. Tất nhiên người nhập cư không thể chịu đựng điều đó mãi nên các đảng phát xít sẽ là ngòi nổ thường trực của nhà nước phúc lợi.

Nhà nước phúc lợi có thành công không? Câu trả lời là: Có, trong một giai đoạn ngắn ngủi của lịch sử. Đó là sự kết hợp giữa nhà nước chuyên chế tiền tư bản với giai cấp tư sản, giai cấp tư sản cần đến điều đó để tránh phải đối đầu trực diện với giai cấp công nhân và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi phải đối mặt với tư bản của các nước đã tư bản hóa trước họ từ lâu. Song sự thần kỳ ấy cũng nhanh chóng chấm dứt khi mô hình ấy đạt đến đỉnh cao của nó, chế độ phát xít. Hiện nay, các nước theo mô hình nhà nước phúc lợi hầu hết đã thất bại và chuyển dần sang một dạng hỗn hợp, kết hợp với thị trường tự do.

Không chỉ có giới công nhân cổ trắng lo sợ trước thảm cảnh thất nghiệp, giới trí thức 'giả cầy' ở nước ta đặc biệt ca ngợi mô hình nhà nước phúc lợi. Thậm chí họ còn công khai tuyên bố đó là con đường thứ ba, không phải chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản, để Việt Nam theo đuổi. Chúng ta đều hiểu rằng mô hình nhà nước phúc lợi không khả thi ở Việt Nam bởi chúng đã lỗi thời và các điều kiện kinh tế hiện nay hoàn toàn không phù hợp. Vậy thì thực chất giới trí thức 'giả cầy' thực sự muốn gì? Họ muốn ở đó hai thứ.

Thứ nhất là sự phình ra của bộ máy hành chính quan liêu. Đó là cái nguồn béo bở để các trí thức 'giả cầy' nuôi dưỡng tầng lớp của họ, tạo công ăn việc làm cho con cháu họ với khẩu hiệu 'chế độ tài năng trị'. Họ không thể nai lưng làm thuê và bị bóc lột như công nhân được. Họ phải làm những công việc cao quý, cần đến đầu óc và tài năng, tốt hơn cả là các công việc nhà nước, mà xã hội trong trí tưởng tượng của đám trí thức này thì lúc nào cũng rối ren và cần đến một bộ máy nhà nước ngày càng lớn hơn.

Thứ hai, khi đối mặt với những xung đột đến từ nhiều hướng của một xã hội đang phát triển như Việt Nam hiện nay, họ bất lực trong việc hiểu những xung đột đó, nên họ hy vọng rằng việc kiểm soát toàn diện đời sống của người lao động, buộc người lao động phải phục tùng nhà nước, dưới sự lãnh đạo 'sáng láng' của giới trí thức, sẽ là giải pháp cho mọi rối ren. Điều này tất nhiên phù hợp với nhu cầu của giai cấp tư sản đang phất lên ở Việt Nam, nhưng công nhân thì không. 

Đấy chính là cách các trí thức 'giả cầy' của chúng ta kiếm phúc lợi cho bản thân dưới danh nghĩa phúc lợi cho nhân dân. Đấy chính là cách họ tạo ra chế độ phát xít dưới danh nghĩa xây dựng chế độ dân chủ.

Saturday, May 4, 2019

Tại sao những thứ bạn tưởng là chính trị nhưng lại không phải là chính trị?

Ở vùng nọ có một cái chợ làng, vốn là của xã quản lý. Một thời gian sau, doanh nghiệp lấy đất quanh xã xây lên một khu đô thị lớn. Người về ở đông như hội lại có thu nhập cao. Cái chợ làng trở nên sầm uất, buôn bán tấp nập. Tiền vào túi xã cả. Vùng đó được nâng cấp lên thành quận, xã trở thành phường. Quận thấy phố xá đẹp rồi mà để cái chợ sập xệ quá không ổn nên mới gọi doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nâng cấp cái chợ cho xứng tầm.

Phường đang quản lý cái chợ, có đồng ra đồng vào vào, giờ có nguy cơ quận bán phéng nó cho doanh nghiệp, nên mới nghĩ mưu giữ chợ. Một anh bày ra kế hiểm như thế này, họ họp dân cư lại, tuyên bố thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, rồi cắt độ dăm lô ở chợ phân cho mấy gia đình thương binh liệt sĩ trong phường. Khi quận định lấy chợ thì họ xúi mấy gia đình thương binh liệt sĩ đó kéo đàn kéo lũ ra biểu tình phản đối.

Báo chí được dịp vớ bẫm, tống tiền cả doanh nghiệp lẫn quận, nào là: "Chính quyền cấu kết với doanh nghiệp cướp đất của dân!", "Công Lý ở đâu cho các gia đình thương binh liệt sĩ?".... Đám dân chủ giả cầy cũng được dịp lảng vảng ăn hôi. Mấy ông nghị gật được dịp chứng tỏ mình đây vì dân vì nước, chém gió xôn xao cả Quốc Hội.

Quận bị chơi một cú đau, mới nghĩ cách ép lại phường. Một anh quân sư quạt mo mới bày kế: Ta nắm trật tự với vệ sinh, cứ hai cái món ấy mà giã thì phường biết tay nhau ngay. Nói là làm, các đoàn kiểm tra vệ sinh với dẹp vỉa hè liên tục xuống quần đảo quanh khu chợ. Vốn cái chợ đã quá bé so với nhu cầu mua bán mà không được xây dựng mở rộng nên bà con tiểu thương tự mở rộng chui, bằng cách tràn ra hè phố với lòng đường buôn bán. Giờ suốt ngày bị dẹp vỉa hè với kiểm tra vệ sinh thì bà con còn làm ăn buôn bán gì được nữa.

Báo chí ngửi thấy mùi tiền, lại đua nhau vào viết bài kiếm view, nào là "Phải trả lại vỉa hè cho người dân!", "Vệ sinh an toàn thực phẩm đường phố là vấn đề đáng lo ngại!", "Cần phải cách chức những người có trách nhiệm!"... "Cách mạng cá chết", hội yêu cây yêu cá các loại, trương phềnh như mớ rô phi phơi bụng trên thớt của bà bán cá bên lề đường. Từ các NGOs về môi trường, y tế, cho đến đám bán thực phẩm chức năng đa cấp được dịp quảng cáo ầm ĩ như đám hát tuồng. Phường bị phen méo mặt, suốt ngày phải lo dọn dẹp đón các đoàn kiểm tra. Tiểu thương không buôn bán được thì kêu ca ầm trời. Báo chí suốt ngày hạch hỏi, phường cũng lại phải đấm mõm cho một mớ mới yên chuyện.

Tất cả chuyện ở trên đây đều là bịa, nhưng những sự kiện tương tự thì người ta quan sát thấy rất nhiều trong xã hội hiện nay.

Công nghệ phát triển giúp cho người ta đi từ quán trà đá đầu ngõ ra mạng xã hội toàn cầu, họ nghe báo chí, mạng xã hội và bức xúc với những thứ đó. Mỗi cái tít báo đều gây ra tranh luận và ủng hộ, có kẻ khen, có người chê. Người ta đưa ra ý kiến của mình và tưởng rằng những tập hợp ý kiến ấy đủ mạnh là có thể thay đổi tất cả, tức là họ đang làm chính trị vậy. Các lãnh tụ mạng chuyên xuôi dòng, cũng như ngược dòng, phán bảo ầm ĩ, con nhang đệ tử vái lấy vái để, Facebook lúc nào cũng sôi sục như có cách mạng hoa cứt lợn đến nơi. Nếu like & share mà là cách mạng thì facebook đã là nhà nước đế quốc toàn cầu từ lâu rồi.

Báo chí có phải chính trị không? Không, từ khi báo chí tách khỏi bộ máy nhà nước và kiếm tiền nhờ quảng cáo thì họ chỉ chạy quanh đăng vô tội vạ những thứ thu hút được người đọc, nên báo chí đánh mất đặc tính chính trị, không còn phản ánh trực tiếp các lợi ích chính trị nữa. Vậy mà có chuyện khôi hài là mấy anh nhà báo vẫn đòi được bảo vệ bằng luật thi hành công vụ, tức là mấy anh kiếm tiền bỏ túi tư, nhưng bị chú dân phòng nào ngứa mắt đá đít cho một cái thì lại kêu váng lên rằng tao đang thi hành công vụ nhé, chống tao là chống người thi hành công vụ đó.

Vậy chính trị nằm ở đâu? Chính trị là lúc phường với quận ngồi họp với nhau, thống nhất cách chia tiền thu được từ cái dự án xây chợ mới. Việc đó nằm ngoài tầm với của báo chí cũng như công chúng. Mọi chuyện tầm phào chấm dứt.