Tuesday, February 19, 2019

Đầu năm nói chuyện ăn Tết theo dương lịch

Từ độ hơn chục năm trở lại đây, năm nào cũng như năm nào, cứ mỗi độ xuân về là chúng ta lại phải chứng kiến một bản nhạc cũ mèm được những cái  loa rè của đám trí thức thân phương Tây phát đi phát lại không biết nhàm. Ấy là chuyện Việt Nam ta nên ăn Tết theo Tây lịch để được văn minh, hiệu quả về kinh tế và thoát ảnh hưởng của Trung Quốc.

Lập luận về văn minh là rất nhàm, phương Tây ăn Tết theo dương lịch, phương Đông ăn Tết theo âm lịch, người Hồi giáo hay Do Thái giáo đều nghỉ ngơi theo lịch riêng của họ, đằng nào cũng là văn minh và có bản sắc riêng của cả. Lấy cái chuẩn mực nào để nói cái nào văn minh hơn cái nào, thật là thô thiển hết chỗ nói. Như ông bà ta vẫn nhắn nhủ, ấy là cái đám me Tây nên cứt tây cũng thơm. Phương Tây văn minh hơn hết là tư duy từ thời thuộc địa, các đế quốc phương Tây nhồi vào đầu các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ để dễ bề cai trị. Bây giờ các  nước Châu Á độc lập tự do, kinh tế cũng đã khởi sắc, cớ gì ngu dại tin vào điều đó nữa.

Lập luận về hiệu quả kinh tế mới nghe thì xuôi tai nhưng kỳ thực là bịp bợm. Họ nói rằng ăn Tết theo dương lịch để cho đỡ gián đoạn việc sản xuất, bán hàng cho phương Tây. Điều này là vô nghĩa, thực tiễn công nghiệp hiện đại cho thấy điều đó được xử lý rất dễ dàng về mặt kỹ thuật, tức là sản lượng hụt đi do nghỉ lễ thì sẽ được làm bù trước đó hoặc sau đó. Bên cạnh đó vẫn còn một khía cạnh nữa mà các nhà giả trí thức bịp bợm của chúng ta lờ tịt đi, ấy là chuyện Việt Nam hiện giờ xuất khẩu đi khắp thế giới chứ không phải mỗi phương Tây, trong đó Trung Quốc cũng là một bạn hàng lớn. Nếu bây giờ lấy cái lập luận về hiệu quả kinh tế đó áp vào thì những người bán hàng cho Trung Quốc sẽ đòi phải ăn Tết theo lịch Trung Quốc, những người bán hàng cho Ấn Độ sẽ đòi ăn Tết theo lịch Ấn Độ... vậy thì sẽ phải nghe ai. Nếu nghe một người thì những người khác sẽ hỏi lại rằng tại sao tôi phải hy sinh lợi nhuận của mình cho anh kia, anh ta có chia cho tôi đồng nào không? Thế đấy, những chuyện về kinh tế này chả đi đến đâu hết. Lại còn có một chuyện nữa là người ta kêu ca tết âm với tết dương gần nhau nên người lao động có tâm lý ăn chơi từ tết dương đến tết âm rồi chơi cả tháng giêng làm thiệt hai cho doanh nghiệp, chuyện này cũng vớ vẩn nốt. Thực tế tháng trước Tết âm lịch là tháng làm hàng bù cho kỳ nghỉ Tết, hầu hết các doanh nghiệp trước Tết đều tăng ca, công nhân thì tích cực hơn vì có thêm lương thưởng. Sau Tết thì hoạt động mua sắm tiêu dùng giảm đi,  vì đã chi tiêu trước Tết, do vậy các doanh nghiệp đều có sản lượng thấp sau Tết, người lao động có nhiều thời gian rảnh rang để đi lễ hội hơn. Một ví dụ điển hình ở Việt Nam là ngành lắp ráp ô tô, trước Tết, hầu hết các nhà máy lắp ráp ô tô đều chạy hết công suất, làm việc 3 ca/ngày, sản lượng ô tô bán ra các tháng trước Tết cực lớn. Ngược lại, tháng sau Tết là thảm họa của các đại lý bán xe vì ai mua xe được đã mua từ trước Tết, sau Tết họ chạy xe mới đi chơi lễ hội, không còn mấy ai đi mua xe cả. Các trí giả của chúng ta khi nói về hiệu quả kinh tế cũng lờ tịt đi một khía cạnh khác nữa, họ giả định rằng sự thống trị về thương mại quốc tế thì sẽ thống trị về văn hóa, tức là giờ chúng ta bán hàng cho phương Tây thì phải ăn Tết theo dương lịch cho đúng điệu toàn cầu hóa. Câu hỏi ngược lại: Nếu Trung Quốc thống trị thương mại thế giới thì Việt Nam và cả phương Tây sẽ phải ăn Tết theo lịch Trung Quốc? Đến đây thì các bạn hẳn đã biết câu trả lời, các trí giả của chúng ta sẽ tự vả vào miệng họ mà khăng khăng nói rằng, kinh tế có mạnh nhưng Trung Quốc vẫn kém văn minh, không nên theo Trung Quốc. Thực tế cho thấy các nước phương Tây giờ đây cũng đua nhau tổ chức các hoạt động mừng Tết âm lịch cho cộng đồng người Trung Quốc để mong phát tài.

Cuối cùng, thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc là chuyện hài hước nhất tôi được nghe trong đời mình. Người Việt giờ ra đường đều mặc áo phông, quần jeans, uống cafe kiểu phương Tây, lúc cần lịch sự thì mặc veston, nói tiếng Anh ào ào trong làm ăn, đâu có thứ gì của Trung Quốc mà kêu ảnh hưởng. Việc buôn bán làm ăn với Trung Quốc của Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chuyện buôn bán không phải là ảnh hưởng hay phải thoát ảnh hưởng gì hết. Về mặt chính trị thì Việt Nam đã từng bước ký hiệp định phân chia biên giới rõ ràng với Trung Quốc để khẳng định sự độc lập của mình, chỉ có một phần tranh chấp trên những đảo ngoài khơi, nhưng chuyện tranh chấp đó là bình thường giữa các quốc gia ở gần nhau và Việt Nam không chỉ có tranh chấp duy nhất với Trung Quốc, còn có những nước khác như Malaysia, Đài Loan, Philippines, Brunei. Nếu có đòi lại đảo thì đòi mấy nước kia chắc chắn dễ hơn đòi Trung Quốc, nhưng các trí giả hậm hực của chúng ta thường lờ tịt điều đó đi, họ chỉ chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, tránh phải động tới các đồng minh của Mỹ.

Nhật Bản quá khứ và hiện tại

Người ta thường ca ngợi rằng Nhật Bản bỏ âm lịch theo dương lịch nên sau 100 năm đã trở thành giàu thứ hai thế giới nhưng người ta quên mất rằng Trung Quốc chả cần bỏ cái gì, chỉ cần 40 năm đã thành giàu thứ hai thế giới và đang trên đà trở thành giàu nhất thế giới.

Người Nhật bỏ âm lịch theo dương lịch vào năm 1873, nhưng họ giàu lên là nhờ quá trình tư bản hóa thành công giai đoạn sau Thế Chiến Thứ 2, chứ không phải nhờ vào việc bỏ âm lịch. Giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản mặc dù hùng mạnh nhưng chỉ là một đế quốc nhỏ ở phương Đông. Sau Thế Chiến Thứ 2, khi nước Nhật thua trận và trở thành thị trường của Mỹ và phương Tây thì mới nhanh chóng phất lên, nhưng cái giá phải trả là quá đắt. Việc nói Nhật Bản giàu lên nhờ bỏ âm lịch là tào lao.

Sau hơn một thế kỷ ăn Tết theo dương lịch thì người Nhật Bản cảm thấy rằng họ đã đánh mất bản sắc và lại đang muốn khôi phục lại bản sắc của mình. Họ muốn khôi phục Tết theo âm lịch, tuy vậy chưa thành công.


"Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó. Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện "chúng ta là ai?".
Đây là một vấn đề lớn, thậm chí về khía cạnh an ninh quốc gia. Một quốc gia có thể có trong tay những máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tinh xảo nhất, nhưng nếu những người điều khiển máy bay không có ý chí mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì các máy bay hiện đại ấy chẳng có tác dụng gì.
Bên cạnh đó, con người chỉ có sức mạnh khi họ đoàn kết và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để đoàn kết mọi người. Đây là lý do nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền, với mong muốn giúp làm tăng sức mạnh cộng đồng".
Lý do của Nhật Bản rất rõ ràng, họ muốn tạo ra một bản sắc văn hóa riêng với sức kết nối cộng đồng mạnh mẽ để gia tăng sức cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa.

Hàn Quốc khôi phục Tết âm lịch

Người ta hay nhắc đến Nhật Bản như là hình mẫu bỏ âm lịch để giàu có nhưng lại quên mất nước láng giềng Hàn Quốc đã nỗ lực khôi phục lại Tết âm lịch sau gần 100 năm bị từ bỏ.

Năm 1910, Nhật Bản sáp nhập Triều Tiên vào Nhật Bản và buộc người Triều Tiên phải sử dụng dương lịch như họ, điều này có nghĩa là Triều Tiên cũng phải ăn Tết theo dương lịch. Thế nên đối với người Triều Tiên khi đó, Tết theo dương lịch là biểu tượng của sự ô nhục, của sự mất nước. Suốt thời kỳ bị Nhật Bản cai trị, TriềuTiên cũng không vì ăn Tết theo dương lịch mà giàu lên được.

Sau đó, Triều Tiên bị tách thành hai miền Bắc-Nam, miền Nam được gọi là Hàn Quốc. Nắm chính quyền ở Hàn Quốc là các cựu sĩ quan quân đội đánh thuê cho Nhật,  họ vẫn làm ăn với Nhật Bản và áp dụng dương lịch cho đến tận năm 1985. Khi đó, người Hàn Quốc đấu tranh dữ dội để bỏ Tết theo dương lịch và khôi phục âm lịch, điều này không chỉ là yếu tố văn hóa mà nó còn phản ánh sự trỗi dậy của Hàn Quốc, họ muốn có bản sắc riêng và đoạn tuyệt với cái dấu hiệu ô nhục của thời mất nước. Vào năm 1989, Hàn Quốc chính thức khôi phục Tết âm lịch. Cùng với việc Tết âm lịch được khôi phục, hàng loạt các nghi lễ và phong tục truyền thống được tiếp thêm sức mạnh từ không gian và thời gian truyền thống, điều này đã góp phần tạo ra một Hàn Quốc có bản sắc văn hóa độc đáo và gia tăng các mối liên kết cộng đồng của thời kỳ hiện đại.

Hàn Quốc đã đi ngược dòng, thậm chí với sự giàu có của mình, các nước phương Tây cũng phải nở nụ cười cầu tài, chúc người Hàn Quốc ăn Tết âm lịch vui vẻ hàng năm. Giờ đây có ai dám nói Hàn Quốc lạc điệu với thế giới, âm lịch hay bị Hán hóa không?

Việt Nam trên con đường đi tới

Việc kêu gào đòi bỏ âm lịch để ăn Tết theo dương lịch ở Việt Nam thể hiện rõ một mặt là sự trỗi dậy của tầng lớp tư sản, họ muốn phá vỡ các mối liên kết cộng đồng để thay nó bằng quan hệ tiền-hàng lạnh lùng, bởi vì sự thống trị của họ dựa vào quan hệ đó, mặt khác thể hiện sự yếu thế của họ, họ không có khả năng dựa vào những điều kiện văn hóa xã hội sẵn có của Việt Nam mà phải dựa vào sức mạnh của tư bản quốc tế, thế nên họ muốn tất cả mọi thứ phải dập khuôn theo phương Tây. Mặc dù những lập luận của đám trí giả trong vấn đề này rất tào lao và dễ dàng bị bẻ gãy, họ giống như những con rối mua vui cho đám báo lá cải mỗi độ xuân về, song không vì vậy mà chúng ta quên mất động cơ thật sự ẩn giấu sau việc này.

Với việc chuyển sang dương lịch, âm mưu của họ là xóa bỏ toàn bộ ý niệm về thời gian tuần hoàn của phương Đông, các giá trị văn hóa của phương Đông vốn sinh tồn trong cái ý niệm về thời gian đó. Thay vào đó, họ áp đặt một ý niệm thời gian cơ giới, một chiều, mọi thứ đều trở nên vô định, quá khứ, hiện tại và tương lai không còn là một vòng tuần hoàn nữa mà là sự kết hợp ngẫu nhiên trong đó quá khứ và tương lai chỉ là chức năng của hiện tại. Điều này có nghĩa là xóa bỏ lịch sử, lịch sử Việt Nam chấm dứt, các giá trị văn hóa của Việt Nam cũng sẽ biến mất cùng với ý niệm về thời gian tuần hoàn. Lịch sử sẽ được bắt đầu bằng một cái mốc trống rỗng nào đó theo dương lịch và nó sẽ được lấp đầy bằng sự xét lại, bằng sự du nhập văn hóa tư bản. Không phải ngẫu nhiên mà đám trí giả ca tụng việc bỏ âm lịch là một cuộc cách mạng vĩ đại của Nhật Bản và thúc giục Việt Nam học theo điều đó. Cái giá Việt Nam phải trả sẽ là rất khủng khiếp, nhưng đám trí giả đâu có thèm quan tâm đến sự khủng khiếp đó, đối với họ cuộc cách mạng đó sẽ đưa họ lên địa vị thống trị, với tư cách là những kẻ môi giới của phương Tây. Miệng thì rêu rao rằng muốn Việt Nam trở nên hùng cường nhưng đằng sau những lời dối trá đó là âm mưu bán rẻ Việt Nam cho phương Tây, dìm Việt Nam vào vũng bùn tăm tối mất gốc, trở thành một thứ nô lệ văn hóa, đấy là bản chất của đám trí giả ngày nay.

Nếu ai đó hỏi tôi về việc ăn Tết theo dương lịch thì tôi sẽ trả lời như thế này: Khi nào Việt Nam đủ giàu, cả thế giới sẽ chung vui Tết âm lịch với Việt Nam.

Sunday, October 7, 2018

Thời gian và chủ nghĩa tư bản

Nhân đọc lại cuốn sách của G. Carchedi về chủ nghĩa duy vật lịch sử và nhớ đến câu hỏi của một bạn về nhận thức luận trong cuộc hội thảo hôm trước, bạn đó chưa hiểu rõ vấn đề là ngay ý thức của con người cũng là sản phẩm của một lịch sử cụ thể, nên tôi đã dịch một đoạn nói về đồng hồ và sự hình thành quan niệm về thời gian của con người trong cuốn sách của G. Carchedi, để minh họa cho điều đó.


Dưới đây là ví dụ về một kiến thức vừa mang tính liên thời đại vừa mang tính liên giai cấp: khái niệm thời gian.170 Nhận thức về thời gian của chúng ta bị quy định bởi loại hình xã hội mà chúng sống trong đó. Khái niệm về thời gian của những xã hội trước đây là tuần hoàn – có nghĩa là được gắn liền với các vòng tuần hoàn của tự nhiên, như sự kế tiếp của ngày, mùa và năm – cụ thể và định tính, được gắn liền với công việc cụ thể được gán cho những phần khác nhau trong một ngày. Cho dù được tạo thành từ thợ săn hay thợ cày, các xã hội đó cũng được gắn chặt với các sự kiện cụ thể lặp đi lặp lại. Trong khi các xã hội săn bắn được điều chỉnh bởi các sự kiện sinh thái thì các xã hội nông nghiệp tính toán thời gian dựa vào việc quan sát vị trí của các hành tinh và các ngôi sao. Nếu khái niệm đồng hồ tồn tại thì tự nhiên chính là đồng hồ của họ.171 Trái lại, trong chủ nghĩa tư bản, thời gian trở thành tuyến tính – có nghĩa là đi từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, mà tương lai không phải là sự lặp lại của quá khứ, cứ như thể là đi theo một đường thẳng – và trừu tượng, có nghĩa là định lượng bởi vì các khoảng thời gian không còn gắn liền với những hoạt động cụ thể: mọi hoạt động đều có thể thực hiện trong bất cứ khoảng thời gian nào.172 Do đó, thời gian dần dần được chia thành những đoạn nhỏ. Chỉ trong khái niệm thời gian đó thì khái niệm tiến bộ mới có thể xuất hiện, đó là điều không thể tưởng tượng được trong các tôn giáo truyền thống và thế giới quan tin vào sự lặp lại theo chu kỳ của lịch sử. Tương lai không còn cố định trong sự phát triển và lặp lại của quá khứ, trái lại là bỏ ngỏ.

Dấu hiệu quan trọng trong sự xuất hiện khái niệm mới về thời gian là đồng hồ. Đồng hồ chia thời gian thành giờ, phút và giây. Đồng hồ cơ khí được dòng tu Benedictine áp dụng vào thế kỷ thứ bảy sau Công Nguyên. Dòng tu Benedictine khác với các dòng tu khác ở chỗ họ cầu nguyện và thực hiện các công việc tín ngưỡng suốt ngày. Thời gian là khan hiếm và không thể lãng phí. Thời gian cho việc cầu nguyện, thời gian cho việc ăn uống, thời gian để tắm giặt, thời gian để làm việc và thời gian để ngủ. Dòng tu Benedictine dùng giờ làm đơn vị thời gian (xã hội thời trung cổ hiếm khi sử dụng đơn vị giờ). Mọi hoạt động đều được gắn với một giờ cụ thể. Ví dụ, bốn giờ đầu tiên của ngày là dành cho các hoạt động thiết yếu. Bốn giờ tiếp theo để đọc kinh, và cứ tiếp tục như vậy. Điều này có thể coi như là khái niệm hiện đại về thời gian đã xuất hiện ở dòng tu Benedictine. Nhưng các giờ trong ngày vẫn là thời gian cụ thể: mỗi giờ được sử dụng cho một hoạt động cụ thể. Trong chủ nghĩa tư bản thì điều đó sẽ trở thành phi lý, người ta không thể nào hình dung được các hoạt động gắn với một giờ cụ thể: thời gian trở thành trừu tượng.

Đồng hồ ra đời trong hoàn cảnh đó. Nó mang lại nhịp điệu cơ giới cho đời sống thường nhật, do vậy nó được sử dụng trong chủ nghĩa tư bản sau này, khi nhịp điệu cơ giới bắt đầu định hình công việc và đời sống thường nhật của con người. Khái niệm lao động trừu tượng của Marx, một ý tưởng xuất hiện trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, là sự hao phí năng lượng của con người bất kể là loại lao động nào được thực hiện, tìm thấy chỗ trú ẩn trong khái niệm thời gian trừu tượng. Không phải ngẫu nhiên mà đồng hồ đạt được sự ổn định và tính chính xác chỉ sau khi Galileo phát hiện ra chuyển động con lắc vào năm 1649, Huygens ứng dụng chuyển động con lắc cho đồng hồ vào năm 1656. Phút và giây trở thành cảm nhận thường nhật khi chúng xuất hiện trên mặt đồng hồ. Nội dung xã hội của khái niệm thời gian và đồng hồ, vai trò của chúng đối với tái sản xuất của kinh tế tư bản và xã hội, đã được thể hiện rõ. Giờ đây, các hoạt động thương mại và công nghiệp phức tạp được tổ chức một cách sinh lợi dựa vào việc tái cấu trúc lại ngày theo các đơn vị thời gian trừu tượng, bất kể là hoạt động gì, đều có thể được nhồi nhét vào trong một đơn vị thời gian nhỏ dần, cũng giống như tiền. Thời gian trở thành tiền bạc. Kinh tế cũng trở thành kinh tế về thời gian. Cuộc sống của con người và bắt đầu với cuộc sống của người lao động, bị thống trị bởi nhịp điệu của đồng hồ cơ học và sau đó là máy móc, nhịp điệu của chúng cũng đều đặn như đồng hồ. Các khái niệm sinh thái học và vũ trụ về thời gian bị thay thế bằng tiếng tích tắc trống rỗng của đồng hồ.

Dẫu sao khái niệm thời gian này còn có thể hình dung được. Máy tính đưa ra một đơn vị thời gian mà con người không còn hình dung được nữa, nanosecond, một phần tỷ của một giây. Khái niệm về thời gian đó vượt qua khỏi kinh nghiệm của con người và chỉ có máy móc ‘nhận thức’ và đếm được. Như đã nói ở trên, nội dung xã hội của khái niệm này được thể hiện bằng việc áp dụng ý tưởng mới về sự hoàn hảo, người giống như máy hoặc máy giống như người có khả năng nhận thức thời gian như máy tính. Tất cả những phần còn lại của đời sống con người bị tiêu chuẩn hóa, bần cùng hóa, dễ dàng thao túng bằng kỹ thuật gen và hoàn toàn phục tùng tư bản. Đó là khuynh hướng nội tại của khoa học tự nhiên và kỹ thuật hiện nay. Ngay cả nơi trú ẩn cuối cùng của khái niệm thời gian tuần hoàn, chiếc đống hồ có hai kim và hoàn tất chu kỳ sau mỗi 12h, cũng bị thay thế bằng đồng hồ kỹ thuật số và đồng hồ đeo tay, trên đó thời gian chỉ là con số. Mọi sự liên hệ với quá khứ và tương lai đều bị xóa sạch trong đồng hồ kỹ thuật số. Chỉ có hiện tại là tồn tại. Đồng thời, tiếng tích tắc của đồng hồ cơ khí cũng bị thay thế bằng đồng hồ điện tử. Như Rifkins đã bình luận chính xác, đồng hồ kỹ thuật số là ẩn dụ về một xã hội mà trong đó quá khứ cũng như tương lai đều chỉ là chức năng của hiện tại: quá khứ là một tập hợp thông tin có thể truy xuất lại trong ngân hàng dữ liệu và tương lai chỉ là một trong số các sự kết hợp khả thi của những đơn vị thông tin đó. Tương lai không phải là sự hiện thực hóa của những tiềm năng đang trú ẩn trong thực tại đã diễn ra mà chỉ là sự tái kết hợp những thành phần của thực tại đã diễn ra. Vũ trụ không còn được coi là một chiếc đồng hồ vĩ đại, theo truyền thống Newton, mà được nhiều nhà khoa học coi là một dạng hệ thống thông tin tự hành khổng lồ, một dạng máy tính khổng lồ. Cuộc sống được coi là mã hóa của của hàng tỷ đơn vị thông tin, có thể tái cấu trúc tùy ý cho mục đích tạo ra dạng sống mới. Đó là nguồn gốc văn hóa của kỹ thuật gen.

Do vậy, nhờ vào những mâu thuẫn nội tại của hiện tượng xã hội, khai niệm thời gian có thể được kết hợp vào khái niệm hóa mang tính chức năng cho cả sự thống trị của tư bản cũng như sự phản kháng. Ngay cả trong trường hợp sau thì sự phản kháng cũng phụ thuộc vào khái niệm thời gian mang tính chức năng đối với sự liên tục của sự thống trị. Lao động bị buộc phải sử dụng khái niệm thời gian này để chống lại sự thống trị của tư bản, nhưng đồng thời, nó cũng sử dụng khái niệm do tư bản quy định và có nội dung giai cấp ủng hộ tư bản, do vậy, đồng thời vừa tái sản xuất vừa thay thế sự thống trị của tư bản đối với lao động.

170 Much of what follows on this point has been received from Rifkin 1989.
171 Rifkin 1989, pp. 64–5.
172 It has been argued that the notion of concrete time is abstract too, because it is the result of human abstraction. This is trivially true. But concrete vs. abstract here refers to time to be spent for specific activities versus time which can be spent on any activity.

( Phía trên là bản dịch từ trang 264-267, đoạn trích bàn về khái niệm thời gian của chủ nghĩa tư bản, trong cuốn sách "Behind the Crisis" của G. Carchedi.)

Sản xuất tri thức và sản xuất vật chất

Guigliemo Carchedi có một cuốn sách đáng chú ý về chủ nghĩa duy vật lịch sử tên là Behind The Crisis, trong đó có một chương bàn về vai trò của tri thức trong xã hội tư bản.

Trước hết cần phải hiểu là Carchedi phủ nhận lối phân chia lao động trí óc và lao động chân tay, ông phân chia thành hai loại lao động là lao động tinh thần (mental labour) và lao động vật  chất (objective labour), và cả hai loại lao động này đều cấu thành từ lao động trừu tượng và lao động cụ thể, ông phủ nhận lao động trí óc hay lao động chân tay thuần túy, mà coi mọi loại lao động đều bao gồm cả chân tay và trí óc.

Carchedi đặt vấn đề tri thức là vật chất, dựa trên cơ sở quá trình sản xuất ra tri thức cũng là quá trình vật chất, do có sự hao phí sức lao động của con người. Song không phải mọi loại tri thức đều là vật chất, trong quá trình sản xuất ra tri thức thì người lao động sử dụng tri thức chủ quan (công cụ lao động) để biến đổi tri thức khách quan (đối tượng lao động), đã được vật chất hóa, ví dụ một sáng kiến được lưu trong máy tính, thành tri thức mới. Theo quan điểm của Carchedi thì tri thức khách quan mới là vật chất, hay nói cách khác, tri thức đã được vật chất hóa.

Tại sao điều đó lại cần thiết? Bởi vì nó là cơ sở để giải thích quá trình sản xuất và tích lũy tri thức xã hội, nó bác bỏ quan niệm của giới tri thức về việc đồng nhất tri thức chủ quan với khách quan và dẫn đến quan niệm kiểu workerism.

Trong chương về tri thức, G. Carchedi phê phán quan niệm của phái workerism, phái này dựa vào một đoạn trích dẫn Marx nói về vai trò của tri thức chung, tức là tri thức chung trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Họ lập luận rằng dưới chủ nghĩa tư bản thì tri thức xã hội tăng lên không ngừng, được khuếch tán rộng rãi khiến cho nhà tư bản không còn dựa vào lao động trực tiếp được nữa mà ngày càng phải dựa vào tri thức chung của xã hội để tồn tại, mà tri thức này lại nằm trong tay công nhân. Do đó xã hội tư bản sẽ tự biến đổi thành xã hội của công nhân. G. Carchedi chỉ ra rằng các nhà kinh tế chính trị theo phái workerism đã lảng tránh vấn đề sản xuất tri thức trong chủ nghĩa tư bản. Dựa trên phân tích về sản xuất tri thức theo phương pháp phân tích hàng hóa của Marx, tức là phân tích giá trị sử dụng và giá trị, quá trình sản xuất giá trị đồng thời là sản xuất giá trị thặng dư, G. Carchedi chỉ ra rằng, tri thức xã hội chung là món quà tặng miễn phí mà chủ nghĩa tư bản chiếm được, nó chỉ tạo ra giá trị sử dụng, không tạo ra giá trị, rất nhiều tri thức được tạo ra nhằm phục vụ trực tiếp cho sản xuất hoặc phi sản xuất nhưng không bán được cũng không phải là sản xuất giá trị. Bên cạnh đó, việc sản xuất tri thức để bán, tức là sản xuất giá trị ngày càng phát triển, tức là trái ngược với hình dung của phái workerism, việc sản xuất tri thức lại ngày càng rơi vào sự kiểm soát của tư bản, thay vì công nhân.

G. Carchedi nhấn mạnh vào phần sản xuất tri thức trở thành sản xuất giá trị, tức là để đem bán. Việc sản xuất đó hoàn toàn diễn ra trong các điều kiện của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và không cần đến sự thay thế nó. Phái workerism hình dung rằng việc tri thức xã hội trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội theo tiến trình tự nhiên. Carchedi phê phán quan niệm này và chỉ ra là chủ nghĩa tư bản có khả năng kiểm soát việc sản xuất tri thức.

Tóm lại, trong chủ nghĩa tư bản thì sản xuất tri thức ngày càng trở thành sản xuất giá trị, tức là để đem bán lấy tiền. Các nhà khoa học, kỹ sư vĩ đại ngồi trên ngai vàng lấp lánh của chúng ta luôn mơ đến ngày họ sẽ biến thế giới này thành một cỗ máy do họ điều khiển, thay cho những nhà tư bản béo mập, nhưng thực tại đập vào mặt họ là cần phải bán những tri thức họ tạo ra lấy tiền đã, còn không thì về mặt giá trị xã hội họ còn thua cả anh chàng dọn vệ sinh bẩn thỉu mà họ vẫn thường gọi một cách khinh bỉ là đám lao động chân tay hạ đẳng.

Thursday, September 27, 2018

Bàn về chuyện kinh doanh sách giáo khoa

Đánh giá của ủy ban Quốc Hội 
Hệ thống cung cấp sách giáo khoa bao gồm:

1. 90 nhà in sách ở các tỉnh thầu in sách cho NXB Giáo Dục
2. 3 cấp đại lý: đại lý khu vực, đại lý địa phương, đại lý bán lẻ

Về mặt logistic: Việc đặt in tại 90 nhà in ở các tỉnh cho thấy quy mô của các nhà in là nhỏ so với sản lượng sách giáo khoa. Việc gom sách về kho trung tâm rồi sau đó phân phối cho các cấp đại lý là cách làm bình thường. Đây là mô hình mạng lưới tập trung, theo mô hình này không ai lại đi chuyển trực tiếp từ nhà in tới các cấp đại lý phân phối cả, điều đó sẽ phát sinh chi phí vận chuyển lớn hơn nhiều do sản lượng vận chuyển không được tối ưu ở các tuyến vận chuyển. Muốn chuyển sang mô hình phân tán, tức là sản lượng phát hành tại các địa phương sẽ phải cực nhỏ hoặc cực lớn, song điều đó cũng có nghĩa là phải thay đổi chiến lược sản phẩm để khai thác tối đa thị trường địa phương.

Về mặt chiết khấu cho đại lý: Tỷ lệ chiết khấu 40% trông có vẻ cao, nhưng nếu chia theo 3 cấp đại lý thì không nhiều. Phần chiết khấu cũng không phải là lợi nhuận mà các đại lý được hưởng, chúng dùng để bù đắp chi phí kinh doanh của các đại lý nữa, sau khi trừ chi phí mới là lợi nhuận. Ở đây, doanh thu bán sách giáo khoa lên đến 1.000 tỷ đồng, các đại lý được chiết khấu 250 tỷ đồng, có nghĩa là doanh thu thực của các đại lý chỉ là 250 tỷ. Sau khi trừ đi chi phí kinh doanh thì phần lợi nhuận của họ ít hơn 250 tỷ đồng nhiều.
Kết quả kinh doanh SGK của NXB Giáo Dục

Vấn đề thực sự: Chỉ cần một mô tả đơn giản ở trên và chút ít kiến thức về logistic thì người ta thấy ngay là việc phát hành sách giáo khoa đối với các đại lý là gánh nặng. Vấn đề là sách giáo khoa thuộc độc quyền của bộ Giáo Dục và hệ thống đại lý buộc phải cung cấp, họ không được phép từ chối.

NXB Giáo Dục độc quyền phát hành sách giáo khoa thì họ cũng độc quyền gánh vác nghĩa vụ công ích. Điều này thể hiện ở chỗ hệ thống đại lý của họ sẽ phải cung cấp cho các địa phương ngay cả khi sản lượng thấp, họ cũng phải chấp nhận giá bán thống nhất không được quyền điều chỉnh trên toàn quốc do Bộ Tài Chính quy định cho dù giá này không đủ bù chi phí tại nhiều địa phương. Sản lượng và giá cả ở đây không phụ thuộc vào thị trường mà sẽ phụ thuộc vào nhu cầu phổ cập giáo dục của nhà nước.

Các công ty phát hành sách địa phương đã nhanh chóng tìm cách bù đắp thiệt hại từ việc cung cấp sách giáo khoa bằng cách liên kết với các nhà xuất bản khác và nhà trường để đưa thêm sách tham khảo đủ loại vào bộ sách giáo khoa bán cho học sinh. Như vậy, NXB Giáo Dục trên thực tế không kiểm soát được bộ sách giáo khoa mà họ cung cấp cho học sinh. NXB Giáo Dục biết rõ điều này nhưng họ không thể can thiệp, vì thứ nhất là họ không có quyền và thứ hai là nếu họ có thể can thiệp thì cũng sẽ phải đối đầu với vấn đề chi phí phát hành.

Vậy làm thế nào để các đại lý có lãi?

Câu trả lời: Tư nhân hóa việc cung cấp sách giáo khoa bằng cách cho phép doanh nghiệp tư nhân tự do in nhiều bộ khác nhau để các địa phương tùy ý lựa chọn, các đại lý sẽ được giải phóng khỏi nghĩa vụ buộc phải cung cấp sách giáo khoa theo cấp hành chính. Họ sẽ lựa chọn cung cấp sách giáo khoa ở những khu vực nào có mức sản lượng đủ để mang lại lợi nhuận. Khu vực nào sản lượng thấp, không có đại lý nào muốn cung cấp thì nhà nước sẽ phải dùng ngân sách để bù đắp phần thâm hụt nhằm đảm bảo trẻ em đi học có sách giáo khoa để dùng. Điều này trên thực tế chỉ là một bước hợp thức hóa sự kiểm soát việc cung cấp sách giáo khoa của các đại lý.

Việc tư nhân hóa thị trường sách giáo khoa sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành sách giáo khoa giành được thế độc quyền ở địa phương và phát hành sách theo cách mà họ thu được lợi nhuận. Địa phương chỉ có thể lựa chọn bộ sách mà doanh nghiệp cung cấp.

Ý nghĩa: Tất cả những chuyện ồn ào này chỉ nhằm một mục đích duy nhất: Tách vai trò kinh doanh ra khỏi nghĩa vụ công ích trong việc cung cấp sách giáo khoa. Lợi nhuận để doanh nghiệp hưởng, còn phần lỗ thì nhà nước bù đắp. Đấy là bản chất của kinh tế thị trường. Mọi triết lý cao đẹp về giáo dục đều sẽ phải phục tùng triết lý của tiền bạc.

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khi người ta nói "vì người dân" thì nên hiểu là vì doanh nghiệp và lợi nhuận. Ngay cả đối với NXB Giáo Dục, mặc dù họ độc quyền kinh doanh sách giáo khoa, nhưng khi được giải phóng khỏi những ràng buộc chính trị và chỉ còn phải theo đuổi lợi nhuận thì họ cũng sẽ rất vui mừng.

Mọi thứ có thể đảo ngược không?

Lợi nhuận sẽ quyết định điều đó, hiện giờ lợi nhuận đòi hỏi phải tư nhân hóa việc cung cấp sách giáo khoa, nên điều này không có nghĩa là không thể đảo ngược. Đến một lúc nào đó lợi nhuận từ việc cung cấp sách giáo khoa không đủ hấp dẫn tư nhân kinh doanh nữa thì lĩnh vực này sẽ quay trở lại độc quyền nhà nước. Tất cả những điều đó tất nhiên sẽ luôn được biện minh bằng quyền lợi của người dân.

Vụ ồn ào về sách giáo khoa công nghệ giáo dục:

Có phải ngẫu nhiên mà một bộ sách giáo khoa được sử dụng từ lâu bất ngờ gây tranh cãi bất tận trên truyền thông? Không, nếu người ta biết rằng thành phố Hồ Chí Minh được phép sử dụng bộ sách giáo khoa riêng. Đó là thị trường lớn nhất ở Việt Nam và có điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất nhờ cơ sở hạ tầng phát triển. Doanh nghiệp nào nhanh chân thâu tóm được thị trường sách giáo khoa ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ có lợi nhuận lớn. Vậy nên ông giáo sư công nghệ giáo dục khi đi trả lời phỏng vấn báo chí mới lăm lăm trong tay cuốn "Gạc Ma-Vòng tròn bất tử". Ngay cả ông trưởng ban tuyên giáo cũng không bỏ qua cơ hội cho bàn dân thiên hạ thấy cuốn sách ấy trên tay mình. Đằng sau cuốn sách ấy là một công ty phát hành sách mà kẻ đứng đầu vốn lọc lõi về kinh doanh. Những sự tình cờ nhưng không hề tình cờ, nhất là khi nó đều hướng về thị trường sách giáo khoa ở thành phố Hồ Chí Minh.

Sunday, September 23, 2018

Mại dâm và tư duy tư sản về mại dâm


Thông thường thì các nghiên cứu khoa học thực nghiệm về hành vi của động vật chỉ mang tính gợi mở, đại loại như loài này có hành vi như vậy, nhưng không có nghĩa là khái quát hành vi thành bản năng hay gán cho hành vi một tập tính xã hội.

Song bỏ qua vấn đế xuyên tạc khoa học, điều đáng ghê tởm trong bài báo này là việc ám chỉ bán dâm là bản năng động vật, con người vốn cũng là một động vật nên có bản năng đó, chứ bán dâm không phải là một hành vi xã hội. Kẻ khốn nạn viết bài báo trên đã có một phát kiến khủng khiếp. Thay vì chỉ lo việc hợp pháp hóa bán dâm cho người, người ta có thể nghĩ đến việc mở nhà thổ để người bán dâm cho tinh tinh hoặc ngược lại mở nhà thổ để tinh tinh bán dâm cho người, đằng nào cả hai cũng là động vật cả. Chủ nhà thổ có thể kiếm được cả đống tiền nhờ thị trường chưa từng được khai phá ấy.

Đấy là cái bệnh tật đáng ghê tởm của chủ nghĩa duy lý kiểu tư sản, mỗi khi bàn đến hành vi mua bán hay trao đổi thì nó đều quy con người về động vật, quy hành vi con người thành bản năng thú vật. Tức là để biện minh cho chế độ tư bản, nó sẵn sàng hạ cấp con người thành động vật, nhờ thế không chỉ hạ thấp con người theo cách khốn nạn nhất mà nó còn tuyên bố cái quan hệ mua bán là bản năng tự nhiên tồn tại vĩnh viễn. Hay nói cách khác, con người vĩnh viễn là động vật của tư bản.

Sunday, August 26, 2018

Tin tức về một tay giặc lái

Ảnh: Bia John McCain ở hồ Trúc Bạch
Nguồn: Internet
Mục sư nói với người nhà của thượng nghị sĩ John McCain quá cố:
-Tôi có tin tốt lành cho các vị đây: McCain đang được bay lên thiên đường với đức Chúa Trời.
- Ông ấy đã tới nơi chưa, thưa cha? Một người hỏi.
Mục sư nói tiếp:
- Còn đây là tin xấu: Tụi Việt Cộng đã bắn rơi máy bay của ông ấy.

(Chuyện bịa, nhưng không nhất thiết phải khác với sự thật)

P/s: Nhiều năm nữa người ta sẽ quên John McCain, như đã quên Bill Clinton, nhưng tấm bia hồ Trúc Bạch sẽ luôn còn đó, nhắc nhở người Việt Nam về những gì họ đã phải làm để giành lấy độc lập, tự do và phẩm giá.

Friday, August 24, 2018

Chuyện thành phố được gọi theo tên người

Muôn miệng như nhau đã nói ràng,
Câu đương là chức, lãnh là danh.
Lập làng khó nhọc, công vừa dứt,
Cái chợ trông nom, việc mới thành.
Dân đụng giặc trời cam thọ tử,
Cụ đền nợ nước quyết hy sinh.
Thoát nàn, bá tánh lo thờ phụng,
Miếu đó ngàn thu rạng tiết lành.

Chuyện thành phố được đặt tên theo một nhân vật nào đó, hoặc là trong huyền thoại hoặc là có thật trong lịch sử, chẳng phải là hiếm có trên thế giới. Người ta chỉ cần tra mạng internet thôi cũng đã ra hàng sa số, ví dụ như nước Úc hoặc Hoa Kỳ đều từng là thuộc địa của nước Anh nên phải gánh cái vinh dự có rất nhiều thành phố mang tên mấy ông quý tộc hay chính khách cha căng chú kiết người Anh, những người chả có tí gì công trạng với địa phương và giờ cũng chả còn ai nhớ đến nữa. Những cái tên nổi tiếng như Sydney (một chính khách người Anh), Melbourne (một thủ tướng Anh) ở Australia, hoặc New York (đặt theo tên James of York and Albany, vua James II của Anh, công tước xứ York và Albany), bây giờ chỉ còn là những cái tên văn minh phương Tây, chẳng phải tên người nào hết.

Ở Việt Nam lắm kẻ đòi bỏ tên thành phố Hồ Chí Minh vì lý do phải văn minh như Tây, không nên lấy tên người đặt tên cho thành phố nào hết. Thật là cái gì vừa ý người ta thì người ta lấy Tây ra để dọa, còn Tây làm gì trái ý thì người ta lờ đi. Văn minh như Hoa Kỳ lẽ ra không lấy tên ông tổng thống Washington để đặt tên cho thủ đô.

Lại có đám khác tán nhảm ra rằng sở dĩ Việt Nam đặt tên là thành phố Hồ Chí Minh ấy là học theo Liên Xô, lấy tên lãnh tụ đặt tên cho thành phố này thành phố kia để thỏa cái bệnh sùng bái cá nhân. Điều này cũng nhảm nhí nốt, Liên Xô không phải nước hay đặt tên thành phố theo tên người, các nước theo truyền thống quý tộc phong kiến lâu đời của châu Âu như Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Tây Ban Nha mới làm việc đó, sau này còn có các nước Nam Mỹ chịu ảnh hưởng từ văn hóa của thực dân Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha cũng hay làm vậy. Philippines, cái tên của một quốc gia Đông Nam Á, hẳn là người văn minh đã quên mất là tên của một ông vua Tây Ban Nha. Ở Việt Nam người ta thường hay nhắc đến thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng lại hay quên mất rằng đó không phải là thành phố đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam mang tên một con người. Tấm ảnh và bài thơ ở trên nhắc đến nguồn gốc cái tên của một thành phố ở miền Tây Nam Bộ, đó là thành phố Cao Lãnh, trung tâm của tỉnh Đồng Tháp. Cái tên đó đã có từ hồi đầu thế kỷ 19, vốn ghép từ chức vụ và tên tục của người lập ra chợ vườn quít và sau này trở thành thành phố Cao Lãnh.

Suốt từ thời phong kiến cho đến Pháp thuộc rồi sau này được giải phóng, không ai có ý định hay dám đổi cái tên ấy cả. Trong thành phố Cao Lãnh hiện nay còn có một tấm bia đá ghi rõ sự tích cái tên ấy. Cái tên đó không phải là tâm điểm chính trị để người ta bày tỏ sự thù địch với chế độ cộng sản nên cũng không bị coi là xuất phát từ một truyền thống lạc hậu kém văn minh hay do chế độ cộng sản áp đặt. Điều đáng chú ý nữa là thành phố Cao Lãnh có khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, trong đó có mộ phần của cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã sinh sống ở vùng này sau khi bị bãi chức quan. Vậy là "long mạch" của chế độ cộng sản Việt Nam chẳng phải nằm ở miền Bắc mà lại nằm ở miền Tây Nam Bộ, được bao bọc bởi truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn trọng người biết xả thân vì nước vì dân, đã có từ lâu đời.

P/s: Ngoài Cao Lãnh thì miền Nam còn có Thủ Thiêm ở Bình Dương, cũng là tên người kiểu như Cao Lãnh vậy.