Wednesday, April 16, 2014

Cuộc đàn áp do Hoa Kỳ hậu thuẫn dẫn đến nguy cơ nội chiến ở Ukraina

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "US-backed crackdown threatens civil war in Ukraine" của Johanes Stern đăng trên trang World Socialist. Bài viết đã tổng hợp những sự kiện mới nhất trong cuộc khủng hoảng Ukraina và đưa ra một cái nhìn sâu sắc về tình hình.

Được Washington và Liên Minh Châu Âu (EU) bật đèn xanh, chính phủ Kiev đã tiến hành đàn áp đẫm máu người biểu tình chống chính phủ ở miền đông Ukraina, có nguy cơ kích động một cuộc nội chiến với quy mô lan rộng, có thể biến thành cuộc chiến giữa quyền lực phương Tây và Nga.

Vào thứ ba, quân đội chính phủ đã tấn công và tái chiếm lại sân bay quân sự Kramatorsk, sân bay này vốn bị các nhà hoạt động thân Nga chiếm giữ. Các chiến đấu cơ và trực thăng hỗ trợ quân đội Ukraina đã bay ở tầm thấp để bắn vào người biểu tình. Truyền thông Nga đưa tin ít nhất có bốn người biểu tình đã bị giết trong chiến dịch.

Phía tấn công phải đối mặt với sự kháng cự của cư dân địa phương, phần lớn trong số họ căm phẫn cuộc đảo chính của chính quyền ở Kiev. Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin hàng trăm cư dân đã tiến đến sân bay ở Kramatorsk để bao vây binh lính Ukraina. Theo phóng viên, đa số thường dân mang theo cờ địa phương và cờ Nga. Một phóng viên của hãng Reuters ở Kramatorsk cho biết các cư dân địa phương tham gia dựng rào cản để ngăn không cho quân đội di chuyển đã hô to “Thật xấu hổ! Hãy cút về nhà!”.

Mặc dù vậy, Kiev vẫn gửi xe tăng, chiến xa bọc thép và pháo hạng nặng tới để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào các thành phố miền đông Ukraina vốn bị người biểu tình chống chính phủ chiếm giữ. Các thành phố ấy bao gồm Donetsk, thành phố công nghiệp với gần 1 triệu dân , Mariupol (460,000 dân), Lugansk, Makiyivka, Khartsyzk, Yevakiyeve, Horlivka, Druzhkivka, Kramatorsk và Slovyansk. 

Chính quyền cũng chuyển lực lượng phát xít, từng đóng vai trò mũi nhọn trong cuộc đảo chính ngày 22 tháng 2 lật đổ tổng thống dân cử Victor Yanukovich, tới để đàn áp ngưởi biểu tình chống chính phủ. Vào thứ ba, Andriy Parubiy, người đứng đầu Hội Đồng Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia Ukraina đã tuyên bố quân Vệ Binh Quốc Gia “bao gồm các tình nguyện viên từ lực lượng tự vệ ở Maidan” đã rời Kiev để đến khu vực Donetsk. “Lực lượng tự vệ ở Maidan”, mũi nhọn của cuộc biểu tình do cánh tả thân EU dẫn đầu ở Kiev, vốn do quân đội phát xít Right Sector chỉ huy.

Washington hoàn toàn ủng hộ chiến dịch quân sự dựa vào các gã phát xít, cho dù chiến dịch đó đe dọa mạng sống của hàng ngàn thường dân miền đông Ukraina.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đưa ra tín hiệu cho thấy sự hậu thuẫn của Washington đối với cuộc đàn áp. Sau khi tuyên bố Hoa Kỳ “đồng ý rằng việc sử dụng quân đội không phải là lựa chọn được ưu tiên”, ông ta tiếp tục xác nhận hành vi tấn công bạo lực vào người biểu tình. Ông ta tuyên bố “Cần phải nói rằng, chính phủ Ukraina có trách nhiệm thiết lập luật lệ cũng như trật tự và sự kích động ở miền đông Ukraina tạo ra tình trạng buộc chính phủ phải có phản ứng. Ukraina đã hành xử cẩn trọng, cho tới nay họ đã ân xá, đối thoại, cố gắng giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình”.

Carney cho thấy chiến dịch được lên kế hoạch và được triển khai dưới sự bảo hộ của chính quyền Obama và Cục Tình Báo Trung Ương (CIA), giám đốc CIA John Brennan đã tới Kiev cuối tuần trước.

Khi được hỏi về nội dung trao đổi giữa Brennan và các quan chức Hoa Kỳ với lực lượng an ninh ở Kiev, Carney trả lời thẳng thừng: “Chúng tôi thúc giục chính phủ Ukraina tiến lên, từng bước, có trách nhiệm và cẩn trọng, nếu họ phải xử lý tình huống gây ra bởi quân đội có vũ trang…Nói rõ ràng là: cách thức đảm bảo các nhóm bán quân sự có vũ trang, cũng như những nhóm vũ trang được gọi là những kẻ ly khai thân Nga, không gây ra bạo lực, để giải phóng các tòa nhà và tước vũ khí của họ”.

Lời khen ngợi của Carney về “trách nhiệm” và “sự cẩn trọng” của chính phủ Ukraina, trong khi súng máy từ trực thăng bắn vào dân chúng và xe tăng quần đảo quanh các thành phố chính, là sự dối trá trắn trợn

Tướng Vasily Krutov-Phó tư lệnh thứ nhất của Cơ Quan Tình Báo Ukraina (SBU), người chỉ huy chiến dịch-tổng kết chính sách mà Brennan và các quan chức Hoa Kỳ khác trao đổi với những gã ngốc ở Kiev. Krutov đe dọa sẽ “hủy diệt” những nhà hoạt động chống chính phủ, tuyên bố: “Họ phải bị cảnh báo; nếu họ không buông vũ khí, họ sẽ bị hủy diệt.”

Ông ta buộc tội những người biểu tình là “kẻ xâm lược ngoại quốc” và “do thám của Nga”, nói thêm là thời hạn đối với những người chiếm đóng các tòa nhà của chính quyền là “quá nhân đạo”

Krutov nhấn mạnh rằng chiến dịch có thể dẫn tới thiệt hại lớn về thường dân. Ông ta nói “Đáng tiếc, chúng tôi phải đối mặt với tình huống phức tạp bởi vì những kẻ đó ẩn nấp sau các tấm lá chắn sống. Một số trong số họ chiến đấu vì mục tiêu của họ, nhưng cũng có nhiều người bị ảnh hưởng của tuyên truyền.”

Krutov gợi nhớ tới các vụ thảm sát do tổ chức chính trị tiền thân của đồng minh Right Sector gây ra-Đó là tổ chức phát xít Ukraina đã hợp tác với quân đội phát xít chiếm đóng thời thế chiến thứ hai.

Những đe dọa về một cuộc thảm sát ở miền đông Ukraina cho thấy thói đạo đức giả của các nhà cầm quyền phương Tây. Washington và đồng minh châu Âu của họ đang hỗ trợ và tổ chức chính các hoạt động mà họ cáo buộc Yanukovych vài tuần trước đây-một cuộc đàn áp bằng bạo lực đối với những người biểu tình chống chính phủ.

Vào tháng hai, họ tuyên bố hành động đàn áp người biểu bình của Yanukovych đã đánh mất tính hợp hiến của chính phủ và xứng đáng bị lật đổ. (Họ cũng đánh giá tương tự đối với các cuộc chiến lật đổ chính phủ ở Lybia và cuộc nội chiến ở Syria mà họ nhấn mạnh là phản ứng về “nhân quyền” đối với các cuộc tấn công bạo lực của chính phủ vào người biểu tình.)

Nhưng trong khi Yanukovych giới hạn các phản ứng đối với các cuộc biểu tình chống chính phủ trong phạm vi hoạt động của cảnh sát, thì Hoa Kỳ gửi máy bay trực thăng và xe tăng tới trừng phạt người biểu tình ở miền đông Ukraina.

Hoa Kỳ và Châu Âu hỗ trợ chiến dịch đàn áp cho thấy rõ ràng là sự can thiệp của họ ở Ukraina không xuất phát từ những lo ngại về quyền dân chủ của người Ukraina. Ngay từ đầu mục tiêu của họ là kích động một cuộc nội chiến ở Ukraina và tạo ra sự đối đầu với Nga. Sau khi tổ chức cuộc đảo chính với lực lượng phát xít ở Kiev, thì giờ đây Washington, Berlin và Brussels tuyên bố sự đối đầu tất yếu của những người dân ở miền đông Ukraina là âm mưu của Nga, và sử dụng lời dối trá ấy để mở rộng quy mô bạo lực.

Kiểu khiêu khích đặc trưng của phương Tây được thể hiện qua yêu cầu của ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier về việc Nga phải giữ khoảng cách “với các hoạt động bạo lực và phi pháp của người biểu tình thân Nga.”

Trái ngược với sự thật, tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen kêu gọi đầy kích động rằng Nga phải “thu hẹp quy mô khủng hoảng, rút quân…chấm dứt gây bất ổn tình hình và không được hỗ trợ hoạt động bạo lực của những kẻ ly khai thân Nga.”

Quan chức Hoa Kỳ và Châu Âu đưa ra các cáo buộc mà không có bất cứ bằng chứng nào là Nga điều phối các cuộc biểu tình ở miền đông Ukraina. Khi một phóng viên hỏi về bằng chứng sự can dự của Nga vào miền đông Ukraina, Rasmussen tuyên bố: “Chúng tôi không bao giờ…bình luận về tình báo, nhưng tôi nghĩ rằng từ những gì thấy được, rất rõ ràng là bàn tay của Nga nhúng sâu các sự kiện.”

NATO đã triển khai nhiều tàu chiến cũng như máy bay gần biên giới Nga và các đại diện của NATO thảo luận về các biện pháp tiếp theo để “gia tăng khả năng phòng thủ của các đồng minh phương đông thông qua tập trận cũng như triển khai tạm thời các máy bay và tàu chiến được đồng minh khác gửi tới.”

Trong cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng EU, Rasmussen kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa NATO và EU. Để đối phó với Nga, ông ta đề xuất lực lượng phản ứng nhanh của hai tổ chức sẽ tập trận chung thường xuyên hơn.

Nga lên án chính phủ Ukraina được phương Tây hậu thuẫn và cảnh báo về nguy cơ nội chiến. “Đất nước ấy đang đứng bên bờ vực nội chiến. Điều đó rất đáng tiếc.”, Medevev viết trên trang facebook của mình như vậy. Ông ta cho rằng những người nắm quyền mới phải chịu trách nhiệm về làn sóng bạo lực mà từ lâu họ đã không thể kiểm soát. Ông ta viết “Những kẻ cai trị bất hợp pháp cố gắng vãn hồi trật tự mà họ đã phá vỡ khi tham gia vào vào cuộc nổi loạn có vũ trang.”

Quân đội Nga đang cố gắng cảnh báo quân đội Hoa Kỳ về việc gia tăng hoạt động trong khu vực. Vào thứ hai, Lầu Năm Góc cáo buộc máy bay chiến đấu Nga đã "quấy rối" khu trục hạm của hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đen.

Monday, April 14, 2014

Cảnh sát giết thường dân thì sao?

Chuyện cảnh sát lạm quyền giết người diễn ra không chỉ ở Việt Nam. Ngay cả ở Hoa Kỳ, xứ sở tự xưng là tự do dân chủ và công bằng nhất thế giới cũng vậy. Nếu như ở Việt Nam nạn nhân bị đánh bằng dùi cui thì ở Hoa Kỳ họ bị bắn bằng súng. Tất nhiên ở đâu thì nạn nhân cũng chết còn cảnh sát thì không sao cả, hoặc là chỉ nhận một mức án rất nhẹ.

Tháng trước, cảnh sát ở Albuquerque bang New Mexico đã bắn chết James Boyd, một người vô gia cư cắm trại dưới chân đồi bên ngoài thành phố. Vụ giết người của cảnh sát đã được quay video và đưa lên Youtube. Hơn một triệu người đã xem video đó. Nhiều cảnh sát mặc áo chiến đấu, đội mũ quân sự và mang súng trường tấn công có kính ngắm, bao vây một người vô gia cư đơn độc. Họ bắn lựu đạn gây lóa vào anh chàng khốn khổ đó, xua chó cắn anh ta, sau đó bắn tám phát đạn vào lưng anh ta, tiếp tục nã một phát đạn phá mảnh vào thân hình bất động của anh ta, rồi lại xua chó cắn.

Đó không phải là vụ duy nhất ở thành phố ấy. Từ năm 2010 tới nay chỉ riêng ở Albuquerque đã xảy ra 23 vụ cảnh sát bắn chết người.

Đó cũng không phải là vụ duy nhất ở Hoa Kỳ. Chỉ một ngày sau đó, cảnh sát Albuquerque bắn chết một người đàn ông khác. Alfre Lionel Redwine, 30 tuổi bị bắn chết bên ngoài một khu tổ hợp căn hộ. Ngay hôm sau ngày Redwine bị bắn chết, cảnh sát ở Spokane, Washington bắn chết một người đàn ông 30 tuổi khác tên là Steven C. Cordery khi anh ta rời khỏi nhà theo lệnh của cảnh sát. Ngày 14 tháng 1, cảnh sát bắn vào phía sau Manuel Orosco Longoria lúc anh ta giơ tay lên đầu khi bị chặn xe ở Phoenix, Arizona. Vào ngày 14 tháng 1, cảnh sát đánh chết Luis Rodriguez, 44 tuổi ở Moore, Oklahoma sau khi anh ta bị kêu gọi chịu trách nhiệm về việc đánh vợ và con gái.

Dường như cảnh sát Hoa Kỳ đang ngày càng trở lên bạo lực hơn. Năm 2011, cảnh sát địa phương Los Angeles bắn chết 54 người, nhiều hơn năm 2010 tới 70%. Từ năm 2008 đến 2013, số người bị cảnh sát Massachuset bắn tăng lên hàng năm. Năm 2012, cảnh sát New York bắn chết 16 người. Các đồng nghiệp ở Philadenphia vượt xa New York với việc hạ sát 52 mạng. 

Trong một thập kỷ qua, có tới 5000 người Mỹ bị cảnh sát giết hại, gấp 8 lần số người chết bởi khủng bố. Cảnh sát Hoa Kỳ giết hại nhiều thường dân hơn cả khủng bố, đó có lẽ không phải là chuyện đùa. Các cảnh sát giết người ở Hoa Kỳ hầu như không bị truy tố, những cảnh sát gây ra các vụ giết người hầu hết chỉ bị tạm nghỉ việc có lương để điều tra. Năm ngoái, cảnh sát Los Angeles khi truy đuổi can phạm đã nhầm một chiếc xe đưa báo của hai bà già là mục tiêu, họ đã không kiểm tra mục tiêu mà bắn vào đó hơn 100 viên đạn. Sở cảnh sát Los Angeles phải bồi thường 4,7 triệu USD, nhưng các nhân viên cảnh sát chỉ bị đưa đi đào tạo lại sau đó được tái bổ nhiệm. Vài tháng sau đó, viên cảnh sát Chicago tên là Gilardo Sierra, sau khi gặp vấn đề về nổ súng sáu tháng trước được tiếp tục tuần tra, đã bắn 16 phát đạn vào một người dân không có vũ trang. Cho đến nay Sierra vẫn được tự do. Viên cảnh sát bắn chết một thiếu niên13 tuổi cầm súng đồ chơi ở Santa Rosa chỉ bị tạm nghỉ điều tra hai tháng, sau đó đã quay trở lại làm việc.

Cảnh sát ở nhiều bang của Hoa Kỳ ưa chuộng trò giết người vô gia cư theo kiểu "bắn gà tây". Chính quyền các bang thường lờ chuyện đó đi vì giam giữ và tái hòa nhập cộng đồng những người vô gia cư rất tốn kém. 17,000 sở cảnh sát không hề công bố thông tin về việc sử dụng bạo lực và chính quyền liên bang cũng không quan tâm thu thập thông tin đó một cách nghiêm túc. Mặt khác, chính quyền lại rất sốt sắng thu thập thông tin về bạo lực của công dân, để lấy cớ gia tăng ngân sách cho an ninh.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, các phương pháp trấn áp bằng bạo lực vốn chỉ được sử dụng ở Afghanistan, Iraq, Lybia đã được áp dụng ở Hoa Kỳ. Cảnh sát đang được quân sự hóa, 500 xe bọc thép chiến đấu bị loại khỏi Trung Đông đã được chuyển giao cho cảnh sát. Xe bọc thép được gắn súng máy bắn đạn cỡ 50, súng phóng lựu tự động, đã được trang bị cho các đội SWAT ở các đô thị. Chắc chắn những vũ khí nguy hiểm đó không dùng để làm cảnh.

Cho đến nay nguyên nhân của tình trạng việc cảnh sát bắn chết thường dân ngày một phổ biến ở Hoa Kỳ vẫn chưa được nghiên cứu chi tiết. Song có một số ý kiến đề cập tới các nguyên nhân sau:

- Hàng ngũ cảnh sát thu hút những kẻ đầu gấu, những kẻ có vấn đề về xã hội và tâm lý.

- Cảnh sát không phải chịu trách nhiệm về việc mà họ làm.

- Cảnh sát được chính quyền liên bang quân sự hóa, được trang bị vũ khí quân sự, và được huấn luyện phải coi công chúng là kẻ thù.

- Chính sách chống khủng bố của chính quyền Bush/Cheney/Obama coi mọi người Mỹ là nghi phạm.

- Chính sách phân biệt chủng tộc, tôn giáo của Hoa Kỳ khiến cảnh sát có cơ hội lạm quyền.

- Sự bất lực của các chính quyền địa phương trước nạn nghèo khổ ngày càng gia tăng, dẫn đến bất ổn xã hội, do đó cảnh sát được trao quá nhiều quyền lực mà không bị kiểm soát.

Còn rất nhiều nguyên nhân nữa có thể đề cập, nhưng nói chung là chưa có nguyên nhân nào thật sự thuyết phục. 

Đó là ở Hoa Kỳ, còn ở Việt Nam thì nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng công an đánh chết thường dân? Khó có thể trả lời được. Có một điều chắc chắn là ngành công an hiện nay không phải thu thập và công bố thông tin về tình trạng bạo lực của công an, cũng như không phải đưa ra kế hoạch bất cứ kế hoạch nào để giảm thiểu tình trạng đó. Một số người tự xưng là dân chủ luôn dựa vào những trường hợp cụ thể để lên án ngành công an và đả kích chính quyền, đó không phải là đấu tranh, đó là phá hoại. Muốn thay đổi tình hình thì thay vì tập trung vào những vụ án cụ thể, người dân cần phải yêu cầu chính quyền thu thập, công bố thông tin và đấu tranh cho một chính sách bài trừ bạo lực của công an. Chỉ khi nào người dân biết phải yêu cầu chính sách thay cho một bản án, lúc đó mới có thể hy vọng về một tương lai tốt đẹp.

Saturday, April 12, 2014

Quốc Hội sai thì ai xử?

Mới đây ông chủ tịch Quốc Hội lại có một phát ngôn bất hủ: "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai". Có lẽ trong lúc vội vàng, ông chủ tịch Quốc Hội đã nhầm lẫn, Quốc Hội là cơ quan lập pháp tối cao của nhà nước vốn chỉ đại diện cho nhân dân chứ không phải là nhân dân. 

Đại diện của nhân dân sai thì nhân dân có thể xử lý, ít nhất là bằng lá phiếu bầu, cứ 5 năm một lần nhân dân sẽ phán xét mọi chuyện Quốc Hội làm là đúng sai hay hiệu quả thế nào, và phán xét từng đại biểu một.

Tại nhiều nước trên thế giới người ta có thể giải tán Quốc Hội ngay giữa nhiệm kỳ để bầu cử lại nếu xét thấy Quốc Hội đó không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Việt Nam chưa có cái lệ ấy, nhưng đã có tiền lệ là các đại biểu Quốc Hội có thể bị truất quyền đại biểu ngay trong nhiệm kỳ nếu vi phạm pháp luật, ví dụ như trường hợp của bà đại biểu Quốc Hội Đặng Thị Hoàng Yến. Vì vậy, minh bạch hóa quá quy trình làm luật và thông qua các chủ trương lớn của quốc gia, gắn với trách nhiệm cá nhân điều hoàn toàn có thể làm được.

Có lẽ Việt Nam có một đặc điểm khác với nhiều nước trên thế giới mà ít người để ý, đó là Đảng lãnh đạo. Đa số tuyệt đối đại biểu Quốc Hội là Đảng viên, thế nên nếu Quốc Hội làm sai thì Đảng có thể kỷ luật Đảng viên là đại biểu Quốc Hội và như vậy cũng là một cách kỷ luật Quốc Hội. 

Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đại biểu Quốc Hội hỏi về việc nếu Quốc Hội làm sai thì có kỷ luật ông chủ tịch Quốc Hội không. Câu hỏi ấy có lý của nó. Xét về mặt tổ chức, chủ tịch Quốc Hội không phải là người đứng đầu Quốc Hội, cũng chỉ là một đại biểu Quốc Hội như mọi đại biểu khác. Nhưng xét về mặt Đảng, chủ tịch Quốc Hội là có một ghế trong Bộ Chính Trị, cơ quan lãnh đạo cao cấp của Đảng, tức là có vị trí cao hơn các đại biểu khác rất nhiều. Trên bàn họp Quốc Hội tiếng nói của chủ tịch Quốc Hội với đại biểu cũng là tiếng nói của ủy viên bộ chính trị với các Đảng viên. Đó chính là vấn đề mà câu hỏi vô tình đề cập tới. 

Xét theo lẽ tự nhiên nếu Quốc Hội không làm tròn chức trách của mình thì bất cứ khi nào nhân dân dân cũng có thể giải tán Quốc Hội để bầu Quốc Hội khác. Cho dù có tiền lệ hay không có tiền lệ, thì đó là điều không thể tránh khỏi. Tốt hơn hết là Quốc Hội tự lựa chọn cách kỷ luật thay vì để nhân dân ra tay, bởi vì khi đó chỉ có một hình thức kỷ luật duy nhất.  


Thursday, April 3, 2014

Tham nhũng ở Nhật Bản

Thật buồn cười khi báo chí nước nhà đang nhẩy bổ lên vì chuyện mấy người Nhật hối lộ quan chức ngành đường sắt để trúng thầu dự án nhưng lại không bao giờ chịu tìm hiểu phần chìm của tảng băng trôi là gì. Mặc dù bề ngoài Nhật Bản là một trong những nước có tình trạng tham nhũng thấp nhất thế giới, nhưng những vụ tham nhũng ở Nhật Bản lại cho thấy cái tỷ lệ thấp đó dường như được truyền thống chính trị bóng tối tạo ra chứ không phải là sự thật. Trong chính trị Nhật Bản có một thứ "bộ ba sắt thép" điều khiển tất cả, không phải là tam quyền phân lập như sự tuyên truyền của truyền thông, mà là doanh nghiệp lớn, chính khách của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và tầng lớp tinh hoa chính trị. Có lẽ không thừa khi nhắc tới cánh tay nối dài của hệ thống chính trị ấy, tổ chức mafia yakuza, một ví dụ là doanh nghiệp Nhật Bản đã thông qua yakuza để thuê mướn nhân công giá thấp trong việc dọn dẹp nhà máy điện nguyên tử Fukushima (theo nguồn Reuters).

Các tập đoàn lớn của Nhật Bản có truyền thống kiếm tiền qua vốn ODA của chính phủ Nhật, họ muốn bán máy móc và thầu xây dựng các cơ sở hạ tầng nên chính phủ Nhật Bản cung cấp ODA cho lĩnh vực ấy. Chính sách ODA của Nhật không phản ánh lợi ích của đa số người dân Nhật Bản và lại càng không đáp ứng lợi ích của nhân dân nước nhận ODA. Vì ngày nay các nước đang phát triển nhận ra rằng họ không cần những cơ sở hạ tầng đồ sộ chỉ để cho một nhúm nhỏ dân cư có điều kiện sử dụng mà họ cần chuyển giao kỹ thuật để thoát đói nghèo, cần các hệ thống an sinh xã hội, giáo dục, y tế và văn hóa để nâng cao mức sống của đại đa số người dân. Chính phủ Nhật Bản càng tăng ngân sách OAD bao nhiêu thì chính sách ODA của Nhật Bản lại càng trở lên thừa bấy nhiêu. Trong bối cảnh ấy, hối lộ là phương pháp chủ yếu mà người Nhật dùng để tạo ra và giành lấy các dự án ODA.

Nếu ai đó còn nghi ngờ về truyền thống hối lộ trong các dự án ODA của Nhật Bản thì hãy so sánh mức án chung thân mà ông Huỳnh Ngọc Sỹ phải nhận trong vụ tham nhũng tại dự án đại lộ Đông Tây với mức án nhẹ nhàng đến kỳ lạ của những người đã hối lộ ông ta, có bốn người Nhật bị kết tội và nhận mức án lần lượt là 2,5 năm, 2 năm, 1,5 năm và 20 tháng tù giam.

Hiện nay, bất chấp các cải cách tư pháp của Nhật Bản, nạn gian lận trong các dự án đấu thầu công khai của chính phủ vẫn diễn ra, tiếng Nhật gọi là kanshei dango. Các quan chức chính phủ sẽ dàn xếp để doanh nghiệp được họ ưu ái trúng thầu và quan chức sẽ nhận được tiền mặt, quà tặng có giá trị hoặc kỳ nghỉ hưu ở thiên đường, tiếng Nhật gọi là amakudari, tức là quan chức sau khi về hưu sẽ nhận được vị trí béo bở trong lĩnh vực kinh doanh mà họ quản lý, cụ thể là từ năm 2008 đến 2009 có 68 quan chức nghỉ hưu của Bộ Kinh tế, Thương Mại và Công Nghiệp (METI) đã nhận được các vị trí hàng đầu tại 12 doanh nghiệp cung cấp điện của Nhật, trong năm 2008 có 1757 quan chức về hưu nhận được việc làm tại các doanh nghiệp được chính phủ trợ cấp hay nhận được các hợp đồng của chính phủ. Mọi nỗ lực của chính phủ Nhật chống lại amakudari hầu như không thành công.

Trong suốt 15 năm kể từ khi được ban hành, điều 18 trong luật cạnh tranh của Nhật nhằm trừng phạt việc hối lộ quan chức nước ngoài để được nhận các hợp đồng chỉ được thi hành duy nhất có hai lần. Lần thứ nhất vào năm 2007, hai người Nhật bị buộc tội hối lộ hai quan chức Philippine dưới dạng thẻ sân golf và các quà tặng đắt tiền khác trị giá khoảng 8000 USD để giành được hợp đồng. Lần thứ hai vào năm 2009, bốn người Nhật bị buộc tội hối lộ quan chức Việt Nam số tiền 2,434 triệu USD nhưng tòa án chỉ xét xử 820,000 USD. Với vụ hối lộ quan chức Việt Nam mới diễn ra, Nhật Bản sẽ có vụ thứ ba, người ta sẽ đặt câu hỏi là quan chức Việt Nam thích nhận hối lộ hơn quan chức Philippine và Malaysia? Hay quan chức Việt Nam đòi hỏi hối lộ nhiều hơn quan chức Philippine và Malaysia vì số tiền họ nhận được nhiều hơn? Không có lý do nào rõ ràng về việc đó, nhưng điều rõ ràng là lợi nhuận từ các dự án ODA của Nhật ở Việt Nam cao hơn các nước khác, khiến cho người Nhật sẵn sàng chi nhiều tiền hơn. Đấy chính là điểm cần quan tâm về mặt kinh tế.

Có lẽ cũng cần phải điểm qua danh sách các vụ tham nhũng diễn ra ở Nhật Bản, người ta sẽ ngạc nhiên vì quy mô và sự tinh vi của chúng cũng như mức án nhẹ nhàng mà tòa án đã tuyên:

1. Vụ scandal đóng tàu năm 1954: Vào năm 1954, vụ scandal hối lộ số tiền khổng lồ cho các chính khách và quan chức chính quyền để thông qua một điều luật của năm 1953 cho phép các doanh nghiệp đóng tàu được vay dưới lãi suất thị trường đã góp phần làm sụp đổ nội các Yoshida. Nhưng chỉ duy nhất có một người trong số 71 người bị bắt phải ngồi tù. Một người tham gia vào vụ này là Sato Eisaku sau đó trở thành thủ tướng (1964-1972) và nhận được giải Nobel Hòa Bình.

2. Vụ scandal Lockheed năm 1976: Tại hội nghị thượng đỉnh giữa tổng thống Hoa Kỳ Nixon và thủ tướng Nhật Tanaka năm 1972, một thỏa thuận về nhập khẩu số lượng lớn máy bay Lockheed đã được thông qua. Khi chính phủ Miki lên nắm quyền, cựu thủ tướng Tanaka đã bị bắt vì nhận khoảng 500 triệu Yên từ Lockheed. 460 người trong đó có 17 nghị sĩ đã bị thẩm vấn. Không có ai bị tuyên án nhưng tên của 17 nghị sĩ bị công khai. Tanaka bị tuyên án sau hai phiên xét xử năm 1983 và 1987. Ông ta kháng án, nhưng đã chết năm 1993 khi thủ tục tái xử chưa kết thúc.

3. Vụ scandal của công ty Recruit năm 1988-1989: Vụ này tập trung vào Recruit Cosmos, một chi nhánh của tập đoàn Recruit. Có rất nhiều người tham gia, từ chính khách hàng đầu, công chức, đại diện các hiệp hội và truyền thông. Họ đã mua cổ phiếu của công ty trước khi nó được lên sàn nhằm bán lại để kiếm lợi. Tiền được dùng trong các hoạt động mua bán đó được một công ty tài chính thuộc tập đoàn Recruit cho vay không lãi suất. Đổi lại các công ty con của tập đoàn Recruit nhận được nhiều ưu ái của chính khách và quan chức. Trong vụ scandal này rõ ràng là không có cá nhân quan chức nào nhận tiền, nhưng hầu hết các chính khách quan trọng đã tham gia. Vụ việc đã khiến thủ tướng Takeshita phải từ chức năm 1989, nhưng cựu thủ tướng Nakasone và thành viên trong nội các Fujinami cũng can dự.

4. Vụ Kyowa năm 1991: Vụ việc này liên quan đến Abe Fumio ở Kyowa, một nhà sản xuất dầm thép. Abe là tổng thư ký khu vực Miyazawa của LDP. Abe cũng là người đứng đầu Ủy Ban Phát Triển Hokkaido và Okinawa. Thông qua một chính khách khác, Abe đã sắp xếp cho công ty thương mại Marubeni được xây dựng một sân golf ở Kyowa để nhận tiền hối lộ, việc này diễn ra dưới thời thủ tướng Suzuki. Sau khi bị cáo buộc tham nhũng, Abe từ chức tháng 12 năm 1991, bị bắt tháng 1 năm 1992 và bị kết án 2 năm tù vào tháng 5 năm 1994.

5. Vụ scandal Sagawa Kyubin năm 1991-1993: Công ty chuyển phát bưu kiện Sagawa Kyubin quyên góp một số tiền lớn cho các chính khách của đảng LDP phụ trách về vận tải cũng như các chính khách có ảnh hưởng trong các đảng khác. Sagawa Kyubin tăng trưởng thần tốc và mong muốn nhận được giấy phép cho dịch vụ bưu kiện toàn quốc. Điều đặc biệt trong vụ này là không chỉ các chính khách mà cả tổ chức tội phạm yakuza cũng nhận được tiền. Kanemaru Shin, phó tổng thư ký của LDP dính dáng đến vụ này khi tham gia tranh cử Takeshita Nobu, đã gây thiệt hại lớn cho uy tín của LDP.

6. Scandal trốn thuế năm 1993 liên quan đến Kanemaru Shin: Sau khi can dự vào vụ bê bối tài chính nêu trên, Kanemaru Shin bị khám nhà. Người ta tìm thấy 3,6 triệu Yên mà Kanemaru Shin không giải trình được, nên đã bị kết tội trốn thuế thu nhập.

7. Scandal tham nhũng Genecon năm 1993: Thị trưởng thành phố Sendai bị bắt năm 1993 vì cáo buộc nhận tiền hối lộ của các tổng thầu (genecon), là các doanh nghiệp xây dựng lớn. Vụ bê bối được mở rộng và dẫn đến các quan chức trong hội đồng quận trưởng của Ibaraki và Miyagi. Tháng 11 năm 1997, cựu bộ trưởng bộ xây dựng, Nakamura Kishiro bị tuyên án tham nhũng.

8. Vụ scandal Sokaiya năm 1997: Có bốn hãng môi giới lớn tham gia vào vụ việc là Nomura Shoken, Yamaichi Shoken, Nikko Shoken và Daiwa Shoken. Bốn hãng này bị cáo buộc trả tiền cho kẻ tống tiền ban giám đốc liên quan đến đại hội cổ đông. Sokaiya là kẻ tống tiền tại đại hội cổ đông, các hãng tống tiền thường mua một lượng cổ phiếu nhỏ của các công ty khác để trở thành cổ đông, sau đó cho người gây rối tại đại hội cổ đông để ban giám đốc của công ty kia phải trả tiền cho họ. Kẻ gây rối tại các đại hội cổ đông thông thường không phải là ai xa lạ, chính là các yakuza.

9. Vụ scandal năm 1996-1998 của tầng lớp tinh hoa chính trị: Đó là vụ bộ trưởng bộ Y tế và Trợ cấp Xã hội nhận tiền để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà cho người già. Liên quan vào vụ việc có cả các quan chức cao cấp của Ngân hàng Nhật Bản và các thanh tra của bộ tài chính. Những người này đã tuồn ra ngoài thông tin mật về kế hoạch thanh tra của những điều phối viên được ủy quyền.

Tất nhiên ngoài những vụ bê bối đã nêu còn rất nhiều vụ khác diễn ra gần đây mà người ta có thể dễ dàng tìm ra trên báo chí và mạng internet. Nhưng lịch sử cho thấy Nhật Bản luôn rất nhẹ tay với tội tham nhũng. Vốn ODA của Nhật Bản suy cho cùng là quá đắt, nhưng nó tuyệt vời đối với quan chức và doanh nghiệp Nhật Bản và quan chức ở các nước nhận viện trợ vì họ tiêu tiền, còn đối với nhân dân hai nước chỉ là gánh nặng còng. Hối lộ và tham nhũng là điều tồi tệ, song đằng sau là chính sách ODA không phục vụ cho lợi ích của đại đa số nhân dân, điều đó còn tồi tệ hơn gấp nhiều lần.

Tài liệu tham khảo:

1. Global Legal Inside: "Bribery and Coruption"; First Edition; Daiske Yoshida, Junyeon Park, Latham, Watskin: "Japan".

2. Wener Pascha: "Corruption in Japan-An Economist's Perspective"


4. Henry Laurence: "The Big Bag and Sokaiya"

Tuesday, April 1, 2014

Công nghệ trong một xã hội tự do

Xin được giới thiệu với bạn đọc blog bài phỏng vấn học giả nổi tiếng chuyên về quan hệ quốc tế, được giải Nobel Hòa Bình, giáo sư ngôn ngữ học Noam Chomsky của nhà báo John Malkin với tiêu đề "Technology in a Free Society" về tác động của công nghệ đối với đời sống xã hội. Qua đó cung cấp một góc nhìn tổng quan hơn về sự thay đổi của công nghệ và tác động của chúng đối với xã hội con người. Noam Chomsky cũng cảnh báo về việc trẻ em bị đánh mất thời thơ ấu, nguy cơ các chính quyền sử dụng công nghệ để theo dõi người dân.

John Malkin: Mạng Internet, máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng và truyền thông xã hội đang thay đổi cách chúng ta sống và tạo ra ảnh hưởng tới tư duy, trao đổi thông tin và hợp tác của nhân loại, Mặt khác, Edward Snowden và Wikileaks đã tiết lộ cách thức công nghệ mới được sử dụng để theo dõi và kiểm soát. Công nghệ kỹ thuật số mới có đóng góp vào việc làm cho xã hội dân chủ hay tự do hơn không?

Noam Chomsky: Không. Đó là những ví dụ rất chính xác, nhưng hiệu quả tích cực của công nghệ như đã đề cập là có giới hạn. Ví dụ, khi mùa xuân Arab diễn ra ở Ai Cập năm 2011, chế độ độc tài Mubarak đã ngắt mạng Internet để ngăn cản cái đã được nhắc đến. Nhưng điều đó không có hiệu quả. Mọi người chuyển sang dạng trao đổi thông tin trực tiếp, thứ đó có lẽ là tốt hơn.

Bây giờ là mặt trái. Công nghệ tạo ra cơ hội cho hệ thống quyền lực-nhà nước và các doanh nghiệp-làm cái điều mà lẽ ra họ không nên làm, điều đó rất có hại, như một trong số các tiết lộ của Snowden cho thấy.

Công nghệ cũng có thể sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Tôi sử dụng Internet để nghiên cứu và nó rất đáng giá. Trong trường hợp Internet, đó là công cụ tốt nếu bạn biết bạn tìm kiếm cái gì. Nếu bạn không biết bạn đang tìm kiếm cái gì thì nó chỉ đem đến sự lẫn lộn. Ví dụ, ai đó nói với tôi rằng họ muốn trờ thành nhà sinh học và tôi nói “Hãy đến thư viện sinh học của trường đại học và mọi thứ bạn cần biết đều ở đó”. Điều đó là vô nghĩa, bạn chẳng thể làm bất cứ gì với thông tin bởi vì bạn không biết mình đang tìm kiếm gì.

Internet còn tệ hơn thế, bởi vì phần lớn những thứ trong thư viện sinh học là phù hợp và quan trọng. Khi bạn sử dụng Internet, bạn tìm thấy hàng đống những thứ vớ vẩn, sai lệch, vô giá trị và tuyền truyền. Mọi người giống như ở giữa đại dương mà không có vài hiểu biết cơ bản.

Và để hiểu biết thì cần phải có giáo dục, các hiệp hội và hợp tác với những người khác. Thiếu hiểu biết cần thiết thì Internet chỉ dẫn đến sự mất trí, sùng bái thông tin, tạo ra ảo tưởng rằng bạn biết mọi thứ trong khi thực tế là bạn bị lầm lẫn bởi những chuyện tầm phào hay tuyên truyền. Đó là những mặt tiêu cực. Công nghệ bản thân nó không quan tâm; nó có thể được sử dụng để cải thiện tự do, phẩm giá và hiểu biết. Nó cũng có thể được dùng để ép buộc, kiểm soát và làm sai lệch. 

John Malkin: Giờ đây tôi ngạc nhiên khi nghe thấy mọi người nói “Tôi chưa bao giờ cảm thấy được liên kết gần gũi hơn với những người khác,” và họ ngồi một mình trong phòng nhìn vào màn hình. Ông vừa nói là một người bạn thời thơ ấu giữ một cuốn sách có tên của 200 bạn bè. Ông không thể tin là người ta có tới 200 người bạn. Nó giống như facebook trước khi có facebook. Cảm giác kết nối con người qua máy tính có phải là hão huyền?

Noam Chomsky: Tôi chưa từng thực hiện nghiên cứu nào để có thể kết luận, song ấn tượng của tôi là có rất nhiều điều viển vông. Tệ hơn nữa, nó đẩy con người ra xa khỏi các mối quan hệ bạn bè thật sự vởi vì họ tin rằng họ có bạn, nếu giả dụ họ đăng lên trang facebook “Tôi có kỳ thi chiều nay” và họ nhận được 200 phản hồi, đại loại như “Này, tôi hy vọng bạn làm tốt”, của những người chưa từng biết họ kể từ thời Adam. Nếu đó là những gì mà lũ trẻ tin là tình bạn thì cuối cùng chúng sẽ gặp rắc rối trong cuộc sống. Đó không phải là tình bạn.

John Malkin: Phần lớn những thiết bị mà mọi người đang nhìn, nói và chơi ngày nay được quân đội phát triển và sau đó chuyển sang cho người tiêu dùng. Tôi ngạc nhiên nếu các nghiên cứu và phát triển ban đầu của công nghệ và thiết bị số có chứa đựng và ảnh hưởng nào đó?

Noam Chomsky: Có những công nghệ được phát triển cho các mục tiêu đặc biệt mà các bạn hay tôi có thấy là có hại. Nếu Viện Sức Khỏe Quốc Gia (INH) tài trợ cho nghiên cứu về vũ khí sinh học, có thể một ngày nào đó, một ai đó tìm ra cách sử dụng tốt đối với chúng. Song đó là chuyện hết sức ngẫu nhiên. Chúng vốn dĩ được thiết kế để gây hại và phá hủy. Tôi không nghĩ là INH làm vậy, đó hoàn toàn chỉ là giả thiết.

Nếu các bạn trở lại với trường hợp đã đề cập-máy tính và mạng Internet-chúng được phát triển trong những năm 1950 tại các phòng thí nghiệm và cơ sở được Lầu Năm Góc tài trợ, bao gồm cả nơi tôi làm việc, Phòng Thí Nghiệm Nghiên Cứu Điện Tử tại MIT. Đó là một trong những nơi chính diễn ra quá trình phát triển. Toàn bộ được quân đội tài trợ. Thật sự, lúc đó tôi được quân đội tài trợ 100 phần trăm. Mọi người làm việc trong phòng thí nghiệm đều hiểu rằng mọi thứ rất thuận lợi để phát triển những thứ đó. Rất nhiều động lực phía sau việc phát triển mạng Internet chỉ đơn giản là cải thiện khả năng trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học.

Tiền thân của mạng Internet là mạng ARPAnet của quân đội. Mạng này được thiết kế cho mục tiêu quân sự cũng như các máy tính vậy. Nhưng bạn có thể sử dụng máy tính và mạng Internet cho rất nhiều mục tiêu. Rất nhiều phát triển ban đầu chỉ là cho quân sự, bởi vì chỉ họ mới có thể sử dụng chúng. Ví dụ vào năm 1950, IBM làm cái mà ngày nay chúng ta được biết là thử nghiệm công nghệ quân sự trong việc chế tạo các máy tính số có tốc độ cao. Đó là mục đích của quân đội: họ cố gắng phát triển pha tiếp theo của nền kinh tế công nghệ cao. Vào đầu những năm 1960, IBM cuối cùng cũng tạo ra được chiếc máy tính nhanh nhất thế giới-siêu máy tính Stretch-nhưng nó quá đắt nên doanh nghiệp không thể mua được và người tiêu dùng thì lại càng không. Vậy nên chính quyền mua nó và sử dụng trong các vụ thử vũ khí hạt nhân ở Los Alamos.

Chính quyền có thể chi trả được cho những thứ đắt đỏ ấy. Nếu bạn nhìn vào kết quả, chính quyền đã dùng tiền của người đóng thuế để trợ cấp cho doanh nghiệp tư nhân. Rất nhiều dạng trợ cấp như mua lại các nhà băng, và các vụ mua lại tương tự. Nếu khu vực doanh nghiệp học được từ nghiên cứu của chính quyền cách sản xuất ra cái gì đó và những sản phẩm ban đầu quá đắt đối với thị trường, chính quyền có thể đứng ra mua chúng. Kiểu đặc trưng này là quân đội vì họ có nguồn lực không bị hạn chế và luôn tìm ra cách sử dụng.

Tôi biết nhiều người tham gia vào quá trình phát triển các công nghệ mới như-máy tính và Internet-họ không có động cơ phát triển những thứ đó cho ứng dụng quân sự.

John Malkin: Ông nói rằng tivi làm đần độn tinh thần và ông viết cũng như nghiên cứu rất nhiều về việc sử dụng truyền thông để tuyên truyền và kiểm soát. Ông cũng nói rằng sách dường như đã biến mất và niềm tin phổ biến rằng con người-đặc biệt là trẻ em-không bị ảnh hưởng bởi các chương trình và trò chơi video bạo lực.

Noam Chomsky: Tôi không thể đảm bảo về điều này nhưng tôi được đọc từ những nguồn tin cậy rằng phi công điều khiển máy bay không người lái-những người nhìn vào màn hình và điều khiển máy bay không người lái-được huấn luyện bằng các trò chơi video. Có một số nghiên cứu về tác động của các hình ảnh bạo lực đối với trẻ em mà tôi được đọc đã cho thấy họ không tìm được bất cứ tác động nào của việc xem các trò chơi bạo lực đối với trạng thái tiếp theo hay sử dụng bạo lực. Có thể có một số, nhưng dường như không phải là tất cả.

Tôi muốn lưu ý về trẻ em và máy tính và màn hình video một số điểm khác và diễn ra âm thầm, không cần viện dẫn đến các nghiên cứu. Tôi đã sống năm mươi năm qua ở khu vực ngoại ô. Vợ tôi và tôi chuyển đến đó vì đó là nơi tuyệt vời cho trẻ con. Năm mươi năm trước, con cái của chúng tôi còn bé và có thể chơi đùa trên đường phố; không có nhiều phương tiện giao thông qua lại và rừng thì ở ngay cạnh. Quanh hàng xóm luôn đầy trẻ con, chạy chơi khắp nơi, qua lại nhà nhau. Điều đó tạo lên bầu không khí làng xóm. Bạn cần phải biết người hàng xóm vì con của bạn sẽ ăn trưa ở đó. Điều ấy dẫn tới các mối quan tâm cộng đồng. Đó là năm mươi năm trước.

Giờ đây bạn đi quanh chính cái cộng đồng đó và không thấy bất cứ đứa trẻ nào. Bạn chỉ có thể thấy những người trưởng thành. Nếu là người trưởng thành, họ dường như chỉ dắt chó đi dạo. Trẻ con thì ở trong nhà và chơi các trò chơi video hay làm gì đó hoặc chúng tham gia vào các hoạt động do người trưởng thành tổ chức. Điều này đã được nghiên cứu. Trẻ em đánh mất thời thơ ấu. Chúng đánh mất khả năng chơi đùa, khả năng trở nên độc lập và khả năng sáng tạo.

Một đứa cháu nội của tôi thích thể thao khi nó còn bé. Có một sân thể thao ở gần nhà và tôi hỏi nó: “Sao cháu không ra ngoài đó và chơi với những đứa trẻ khác?” Đó là điều mà tôi làm khi tôi còn bé và là cách mà con cái tôi chơi đùa cho tới khi chúng lớn lên. Cháu nội tôi thậm chí còn không hiểu câu hỏi. Đối với nó thể thao là thứ được người trưởng thành tổ chức, trong cái giải đấu của người trưởng thành, và các giải đấu ấy diễn ra theo cách không dễ chịu. Có rất nhiều điều diễn ra, với cuộc sống của trẻ em và các hoạt động được tổ chức dựa trên ứng dụng máy tính. Điều đó làm giảm sự thích thú, kinh nghiệm và các hoạt đông học hỏi rất quan trọng đối với tương tác và các hoạt động độc lập thời thơ ấu. Tôi không nghĩ rằng chúng được đo lường, nhưng tôi cho rằng chúng sẽ rất nguy hiểm về lâu dài

Tác động đối với việc đọc là rất đáng chú ý. Tôi không biết các bạn thế nào, nhưng thỉnh thoảng tôi đọc báo trên mạng và trải nghiệm hời hợt hơn đọc báo giấy rất nhiều, với báo giấy bạn có thể lật trang hay gạch chân. Đôi khi bạn chỉ lướt qua báo mạng. Tôi ngờ là sự thay đổi này tạo ra những yếu tố hời hợt trong hoạt động trí óc, bất kể là đọc báo hay tiểu thuyết. Tôi đọc trên mạng để cập nhật các thông tin chuyên môn. Nhưng nếu tôi thực sự muốn nghĩ về chúng thì tôi sẽ in chúng ra và đọc lại. Với sách cũng tương tự như vậy. Có thể đó là văn hóa mà tôi đã lớn lên trong đó, nhưng tôi ngờ rằng nó còn sâu sắc hơn thế. 

John Malkin: Tôi chia sẻ cùng mối lo ngại. Tôi cảm thấy rằng sự kiểm soát của người trưởng thành đang tăng lên và trẻ em học được nhiều hơn cũng như vui vẻ hơn khi chúng xây dựng các trải nghiệm của chúng. 

Noam Chomsky: Chính xác, Đó là trò chơi. Các trò chơi đem lại trải nghiệm học hỏi tuyệt vời. Các trò chơi tạo ra tính sáng tạo và tính độc lập. Tôi muốn nói với các bạn một ví dụ: Căn nhà tôi ở suốt 50 năm có rừng ở ngay phía sau. Có một cái cây được mọi đứa trẻ gọi là cây leo trèo. Giờ chúng không biết. Nếu bạn quay lại 30 hay 40 năm trước, cái cây đó là hoạt động chung của mọi đứa trẻ trong xóm. Lũ trẻ trèo lên cây với một mảnh gỗ và cắm nó vào cái cây, những đứa khác lại trèo lên với mảnh gỗ khác. Chuyện đó bắt đầu vào mùa xuân và đến mùa thu thì hoàn tất, một căn nhà gỗ hoàn hảo trên cây cho lũ trẻ chơi đùa. Giờ cái cây trống không. Trẻ em không chơi ở đó. Có thể là bố mẹ chúng không cho phép, những lũ trẻ hiện giờ không muốn ra ngoài và sáng tạo hay hợp tác với những đứa khác trong công việc thiết kế một nơi hoàn hảo nơi chúng có thể chơi các trò chơi thú vị. Tôi nghĩ nhiều thứ đã mất đi như vậy.

John Malkin: Tiểu thuyết khoa học thường mô tả ý tưởng con người tạo ra các cỗ máy có cảm xúc hay trí tuệ. Trong thời đại chúng ta, con người dường như trở nên giống máy móc hơn. Ray Kurzweil đã tiên đoán rằng trong vòng 30 năm nữa máy móc sẽ tự tuyên bố chúng sống và không ai tranh luận về điều đó.

Noam Chomsky: Ngay lập tức các bạn có thể tạo ra một cỗ máy biết nói: “Tôi sống”. Bạn cũng có thể tạo ra một cơ sở dữ liệu đủ hoàn hảo để đánh lừa mọi người rằng nó sống. Nhưng điều đó là vô nghĩa. Phần lớn chúng được tạo ra từ bản thảo của Alan Turing, một nhà toán học vĩ đại và cha đẻ của khoa học máy tính và nền tảng của máy tính. Ông ấy viết trong nghiên cứu của mình năm 1950 về máy móc biết suy nghĩ [“Computing Machinery and Intelligence’]. Bản thảo đó đưa ra nhiều phỏng đoán đoán về công nghiệp. Ông ấy đề xuất một loại kiểm tra mà giờ được gọi là kiểm tra Turing-nếu một cỗ máy vượt qua kiểm tra thì chúng ta có thể nói là nó biết suy nghĩ.

Nhưng khi Turing nói về máy móc, ông ta đề cập tới những chương trình điều khiển máy móc. Các cỗ máy tự nó, ví dụ như máy tính xách tay, không làm gì cả. Nó có thể đóng vai trò như một tập giấy trắng. Nếu có điều gì đó diễn ra thì là do chương trình mà bạn cài vào đó. Nó giống như R2D2 nếu bạn mô tả theo cách ấy. Giờ là câu hỏi “Có thể tạo được một chương trình đánh lừa người quan sát trong thời kỳ kiểm tra rằng máy móc sống?” Theo cách đó, bạn có thể thiết kế chương trình vượt qua được kiểm tra Turing và nhận 100’000 USD.

IBM và những người khác nắm bắt được ý tưởng và IBM thiết kế một chương trình được gọi là Deep Blue, chương trình này có thể đánh bại cả đại kiện tướng cờ vua. Tất cả là vô nghĩa. Thực tế là Turing cũng đã chỉ ra điều đó trong tập bản thảo 8 trang. Ông ta nói rằng câu hỏi máy móc có biết suy nghĩ hay không là quá vô nghĩa để tranh luận. Dĩ nhiên, chúng ta không còn nghĩ rằng tàu ngầm có thể bơi. Nếu chúng ta muốn gọi đó là bơi thì cũng được thôi, nhưng đó chỉ là chuyện thuật ngữ. Bất cứ cái gì con người làm khi họ suy nghĩ thì không phải là cái mà một cơ sở dữ liệu lớn làm. Đó không phải là cái mà Deep Blue làm. Đó hoàn toàn là một hành động khác. Một chương trình máy tính nhanh chóng tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu khổng lồ. Không nghi ngờ gì cả, bạn có thể tạo ra một chương trình và một bộ nhớ cho phép tìm kiếm thần tốc khắp cơ sở dữ liệu khổng lồ và đưa ra kết quả trông bề ngoài giống như trí tuệ. Cũng như bạn tìm thứ gì đó bằng Google và bạn nhận được kết quả ngay lập tức. Bạn có thể đánh lừa bản thân rằng cỗ máy đó thông minh khi có thể tìm kiếm nhanh chóng trong một cơ sở dữ liệu khổng lồ. Nhưng điều đó không có gì liên quan đến con người hay động vật thông minh. Nó có thể rất hữu dụng song không phải là trí tuệ. Tôi dùng Google để tìm kiếm, nhưng chúng ta không bị nó đánh lừa. Tôi nghĩ rằng Kurzweil là một nhà khoa học tốt. Ông ấy có thể bị công nghệ đánh lừa, hay ít nhất, tôi nghĩ là ông ấy đánh lừa người khác.

John Malkin: Julian Assange đã mô tả Internet là công cụ để giám sát của chính quyền. Thông tin được tiết lộ của Chelsea (Bradley) Manning, Julian Assange, và Edward Snowden đã cho thấy việc sử dụng trên quy mô lớn các công nghệ mới vào việc giám sát và kiểm soát. Tất nhiên chính quyền Hoa Kỳ có một lịch sử dài về giám sát, nhưng đối với nhiều người trong chúng ta, quy mô của việc thu thập và lưu trữ rất nhiều dữ liệu số đã gây hoảng hốt.

Noam Chomsky: Về mặt cá nhân, tôi ngạc nhiên vì quy mô của chương trình hiện nay. Những người khác bị sốc. Bạn có thể thấy tổng thống của Brazil, Dilma Rousseff, hủy cuộc viếng thăm cấp quốc gia vì sự sỉ nhục khi biết rằng các cơ sở kinh doanh và chính quyền, thậm chí cả văn phòng của ông ta bị NSA theo dõi. Nếu chúng ta biết rằng Trung Quốc bí mật theo dõi Obama, ông ta sẽ nghĩ rằng đã đến lúc chiến tranh.

Quy mô của sự giám sát là rất đáng kinh ngạc. Nhưng không phải là hiện tượng mới. Lý do là một trong số đã được các bạn đề cập. Nếu các bạn quay lại quá khứ, hệ thống quyền lực-nhà nước và tư nhân-đã cố gắng thực hiện kiểm soát nhiều nhất có thể đối với mục tiêu của họ. Trong trường hợp chính quyền, mục tiêu là dân chúng và các xã hội khác. Họ muốn kiểm soát những thứ ấy. Kiểm soát cần có một số dạng thông tin và một số phương pháp giám sát. Sau khi giám sát là đến những công cụ khác như tuyên truyền, can thiệp, giết hại và tương tự. Tại Hoa Kỳ điều đó đã diễn ra từ lâu và đó là đặc trưng của hệ thống được sáng chế cho mục đích quân sự sau đó nhanh chóng ứng dụng để kiểm soát thường dân. Chính quyền coi thường dân là một dạng kẻ thù. Kẻ thù cần phải bị kiểm soát, chia rẽ, phá hủy, đẩy lùi và giữ trong bóng tối. Hệ thống thương mại cũng làm tương tự.

Có một cuốn sách hay của Alfred McCoy, một nhà sử học nổi tiếng (Policing America’s Empire: The United States, The Philippines, and the Rise of Surveilance State). McCoy nghiên cứu các kỹ thuật và phương pháp mà Hoa Kỳ sử dụng tại Philippine một thế kỷ trước đây, sau khi Hoa Kỳ xâm lược nước này, đó là giết người, cuộc xâm lược đẫm máu giết hại hàng chục nghìn người. Nhưng họ gặp khó khăn trong việc bình định hòn đảo ấy. Họ đã dùng các công nghệ hiện đại nhất để thiết lập các cơ sở dữ liệu phức tạp, tiến hành giám sát quy mô lớn, can thiệp và trấn áp các phong trào, chia rẽ mọi người, bôi nhọ và tương tự. Đó là những kỹ thuật giám sát, kiểm soát và chia rẽ rất hiệu quả, sau đó đã nhanh chóng được áp dụng để chống lại công dân Hòa Kỳ. Những kỹ thuật đó được sử dụng suốt thời kỳ sợ đỏ của Woodrow Wilson và vài năm sau đó nước Anh cũng sử dụng. Danh sách tiếp tục kéo được kéo dài.

Không có gì đáng ngạc nhiên là Washington và các tập đoàn lớn làm những gì mà họ làm được được để giám sát, thống trị và kiểm soát nhằm đảm bảo rằng dân chúng và các quốc gia khác không thể bẻ gẫy các hoạt động của họ. Trong những năm 1960, chương trình tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đã diễn ra. Đó là COINTERPRO, chương trình của lực lượng cảnh sát liên bang, FBI. Mục tiêu của chương trình không chỉ là giám sát, mà là bẻ gẫy, đàn áp và phá hủy trên quy mô lớn các tổ chức. Bắt đầu là Đảng Cộng sản và sau đó là phong trào độc lập Puerto Rico, phong trào người Da Đỏ Mỹ, toàn bộ cánh tả mới, phong trào phụ nữ, phong trào quốc gia của người da màu, và các phong trào khác. Điều đó rất nghiêm trọng và tiến tới các vụ ám sát có tính chính trị. Cuối cùng chương trình bị tòa án bãi bỏ vào giữa những năm 1970. Tôi đoán là nó đã bị bãi bỏ.

Nhưng những cơ chế khác vẫn được phát triển trừ khi chính quyền bị đặt trong vòng kiểm soát. Chính quyền chỉ có thể bị đặt trong vòng kiểm soát bởi những người dân được thông tin, tích cực và có tổ chức do đó những người mà các bạn đã đề cập-Assange, Manning, Snowden-đang làm việc cần thiết. Họ hành động như những công dân đáng kính. Họ cho công chúng biết những người được công chúng chọn làm đại diện đang làm gì với các bạn. Tất nhiên, những người có quyền lực không thích điều đó và chính quyền đưa ra đủ mọi cớ để giám sát, như an ninh hay tương tự. Nhưng chúng ta giữ trong lòng rằng thực chất của những gì đang diễn ra và những hành động đó của công dân là cần thiết cho một xã hội tự do.

Friday, March 21, 2014

Chú Sam: Mối đe dọa hàng đầu đối với trái đất và hòa bình trên trái đất

Xin được giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài báo "Uncle Sam: Top Menace To Peace on/and Earth" của nhà báo, nhà sử học, nhà bình luận chính trị nổi tiếng người Mỹ Paul L. Street. Bài báo cung cấp cái nhìn khái quát về mối nguy hiểm mà siêu cường Mỹ đang tạo ra trên toàn cầu, nhân dịp kết quả khảo sát của WINMR và Gallup International về các đe dọa đối với hòa bình và trái đất được công bố cuối năm 2013. 

Theo kết quả cuộc khảo sát quy mô toàn cầu với sự tham gia của 66.000 người trên 68 quốc gia của Mạng lưới độc lập toàn cầu về Nghiên cứu thị trường và Gallup International cuối năm 2013, cư dân trái đất coi Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình trên hành tinh. Mỹ nhận được nhiều phiếu bầu nhất với khoảng cách khá xa so với các nước khác, 24% tổng số phiếu bầu. Pakistan chiếm vị trí thứ hai ở khá xa với 8%, tiếp theo là Trung Quốc (6%). Afghanistan, Iran, Israel và Bắc Triều Tiên cùng chiếm vị trí thứ tư với 4%. Công chúng tại các nước đồng minh của Mỹ như Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ (mỗi nước 45%), Pakistan (44%) và Mexico (khoảng 37%) tin rằng Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình.
Hệ thống truyền thông chính thống của Mỹ đã lảng tránh bảng xếp hạng nêu trên. Các tờ báo lớn như New York Times, Wall Street Journal, Chicago Tribune hay Los Angeles Times hoàn toàn không nhắc tới. Các hãng truyền hình như NBC, CBS, ABC hay PBS cũng không đưa tin trong các bản tin buổi tối. Bảng xếp hạng chỉ được lướt qua và bị đối xử hết sức phân biệt so với các tin tức và bình luận nghiêm túc. Kiểu phân biệt đặc trưng như tít của tờ International Business Times, đặt ra dấu hỏi về giá trị và/hay sự hợp lý của kết quả. “Trong bảng xếp hạng của Gallup”, tít báo viết, “Mối đe dọa hàng đầu đối với hòa bình thế giới là… Mỹ?”. Bài báo của IBT cho thấy chủ ý rất rõ ràng, ý kiến của thế giới là phi lý (IBT, tháng 1, 2014).
Các biên tập viên cánh tả của New York Post phản hồi một cách mỉa mai rằng quan điểm thế giới chỉ là những người “không thích Mỹ” thậm chí ngay cả sau khi Barack Obama trở thành tổng thống. Cần nhắc lại kết quả bảng xếp hạng năm 2006 của Gallup, công chúng thế giới đã đánh giá “Washington là mối đe dọa đối với hòa bình thế giới lớn hơn Teheran” (bằng chứng cho sự tự tin nực cười của tờ Post), các biên tập viên bình luận rằng, “Vào năm 2008, tổng thống Obama đã chống lại những chính sách làm tổn hại vị trí của Mỹ trên thế giới của Bush, với kỳ vọng rằng thế giới Hồi giáo sẽ được thay đổi một cách đơn giản khi ông ấy được bầu)”. “Mọi việc đã không suôn sẻ, như những con số của Gallup cho thấy. Có lẽ tốt nhất là chúng ta chấp nhận thông điệp thực của những điều tra toàn cầu kiểu này: Rất nhiều người trên thế giới không thích nước Mỹ và coi chúng ta là mối đe dọa bất kể ai là tổng thống” (New York Post, January 5, 2014).
Bất cứ người quan sát nghiêm túc và trung thực nào đã theo dõi chính sách đối ngoại và hoạt động quốc tế của Mỹ ngày nay cũng như nhiều thập kỷ trước đây, sẽ thấy việc nước Mỹ là mối đe dọa hàng đầu thường xuyên và lâu dài đối với hòa bình thế giới không có gì đáng ngạc nhiên. Nước Mỹ, trên hết, tạo ra một nửa chi tiêu quân sự của thế giới. Họ duy trì hơn 1000 căn cứ quân sứ trải rộng trên 100 quốc gia “có chủ quyền” trên khắp các lục địa. Chính quyền Obama đã triển khai lực lượng đặc nhiệm tại 75 tới 100 nước (tăng lên so với 60 nước vào cuối thời tổng thống George W. Bush) và tiến hành thường xuyên các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các mục tiêu được xác định một cách chính thống là khủng bố (tất nhiên một phần lớn là các thường dân vô tội) tại Trung Đông, Tây Nam Á và châu Phi. Họ duy trì một chương trình giám sát toàn cầu nhằm chống lại quyền riêng tư trên trái đất-chương trình đó thậm chí đã do thám cả điện thoại di động của các lãnh đạo châu Âu, trong số đó có thủ tướng Đức Angela Merkel. Tờ báo hàng đầu của Đức Der Spiegel đã ghi nhận vào năm 1997: “Trong lịch sử hiện đại chưa từng có quốc gia nào thống trị thế giới một cách tuyệt đối như Mỹ ngày nay…Nước Mỹ là Schwarzengger của chính trị quốc tế: phô diễn cơ bắp, gây rối, đáng sợ…Người Mỹ không chấp nhận bất cứ giới hạn nào của ai hay cái gì, họ hành động như thể đang sở hữu một tấm séc khống”.
Vụ “nghẽn giao thông đường không” phía trên một vụ “thảm sát một phía” (Iraq, 1991)
Có lẽ các biên tập viên của Der Spiegel nghĩ tới những gì Mỹ đã làm ở Iraq khi họ viết những dòng trên. Họ có thể nhắc tới “xa lộ chết chóc”, khi quân đội Mỹ tàn sát hàng chục ngàn lính Iraq thua trận đang tháo chạy khỏi Kuwait vào ngày 26, 27 tháng 2 năm 1991. Nhà báo Mỹ gốc Lebanon Joyce Chediac khai rằng: “Máy bay Mỹ chặn một đoàn xe bằng cách đánh hỏng những chiếc xe đi đầu và cuối, sau đó ném bom vào đám xe nằm hỗn độn đó suốt nhiều giờ.’Giống như là bắn cá trong thùng’, một phi công Mỹ nói. Trên suốt 60 dặm đường xa lộ dọc bờ biển, các đơn vị lính Iraq chịu trận giữa những chiếc khung xe và xương người bị cháy, đen nhẻm và kinh hoàng dưới ánh nắng mặt trời…suốt 60 dặm đường mọi chiếc xe đều bị phá hủy hay bị ném bom, tất cả các kính chắn gió bị vỡ nát, tất cả các bình xăng bốc cháy, tất cả các xe tải bị xé làm nhiều mảnh. Không thấy có ai sống sót…’ Ngay cả ở Việt Nam tôi cũng chưa từng thấy bất cứ điều gì giống như vậy. Đó là thảm sát’, đại tá tình báo quân đội Bob Nugent nói…Các phi công Mỹ mang bất cứ loại bom nào thấy ở sân bay, từ bom chùm cho đến bom 500 bảng…quân đội Mỹ tiếp tục ném bom vào đoàn xe ngay cả khi tất cả mọi người đã chết. Quá nhiều máy bay bay trên đường bay nội địa khiến cho giao thông trên không bị tắc nghẽn, những nhân viên kiểm soát không lưu của không quân đã lo ngại các máy bay sẽ va chạm với nhau…Các nạn nhân hoàn toàn không chống cự được…đó là vụ thảm sát từ một phía đối với hàng chục nghìn người không có khả năng chống trả hay tự vệ” (Ramsey Clark et al., War Crimes: A Report on United States War Crimes Against Iraq to the Commission of Inquiry for the International War Crimes Tribunal, testimony of Joyce Chediac).
Gần một năm sau khi quân đội gây ra vụ thảm sát không thể tưởng tượng nổi ấy, tổng thống Mỹ George H. W. Bush tuyên bố “Thế giới bị chia làm hai phe vũ trang giờ chỉ còn một cực và đó là sức mạnh ưu việt, nước Mỹ. Và họ không có gì phải sợ hãi. Thế giới có lý khi tin tưởng ở sức mạnh của chúng ta. Họ tin tưởng chúng ta sẽ công bằng và đúng mực. Họ tin tưởng chúng ta sẽ ở phía thích hợp. Họ tin tưởng chúng ta sẽ làm những điều đúng đắn” (Blum, Rogue State)
Không có giới hạn cho sự tàn bạo 
Vụ thảm sát kiểu “bắn gà tây” do quân đội của “phía thích hợp” gây ra năm 1991 chỉ là một phần chuỗi kỷ lục bạo lực man rợ kéo dài của nước Mỹ. Lịch sử trải dài từ hủy diệt đẫm máu những cư dân gốc của quốc gia (diệt chủng người dân bản địa năm 1607-1890) tới giết hại phân biệt chủng tộc hàng chục ngàn người Philippine giữa năm 1899 và năm 1902 (các binh sĩ tham gia vào vụ giết chóc đã viết thư gửi về nhà cho bạn bè và người thân kể rằng được ra lệnh tấn công “cho tới khi tất cả bọn mọi bị giết sạch giống như người da đỏ”), vụ ném bom nguyên tử đầy tội lỗi và không cần thiết xuống Nhật Bản, “cuộc thánh chiến ở Đông Nam Á” của Mỹ (Noam Chomsky cho rằng chính sách của Mỹ đã giết hại hơn 4 triệu người Đông Dương-thường được gọi bằng “mọi” hay các tên có tính phân biệt chủng tộc khác-giữa năm 1962 và năm 1975).
Có lẽ các biên tập viên của Der Spiegel có thể nhắc tới cấm vận kinh tế và bộ trưởng ngoại giao Mỹ Madeline Albright. Năm năm sau “xa lộ chết chóc”, Albright nói với phóng viên đài CBS News Leslie Stahl rằng cái chết của nửa triệu trẻ em Iraq do Mỹ cấm vận về kinh tế là “cái giá…đáng để trả” cho việc thúc đẩy các mục tiêu cao quý của nước Mỹ. Ba năm sau, ngoại trưởng Albright giải thích: “Nước Mỹ là tốt. Chúng tôi luôn cố gắng ở mọi nơi”. Chuyện này cũng không có gì là mới. Noam Chomsky đã viết năm 1992, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Mỹ đã tìm mọi cách bắt người Việt Nam phải chịu đau khổ tối đa bằng cách cấm vận kinh tế và hỗ trợ nhân đạo cho Việt Nam, mặc dù họ đã tàn phá đất nước ấy: “Không có giới hạn nào cho sự tàn bạo của những những kẻ dã man ở Washington. Tầng lớp có học đủ hiểu biết để ngoảnh mặt làm ngơ” (Noam Chomsky, What Uncle Sam Really Wants, 1992)
Các con trai và con gái
Chủ nghĩa đế quốc tàn bạo vẫn tiếp diễn cho đến thiên niên kỷ tiếp theo. Gã “Schwarzenegger” của thế giới từ ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã tiếp tục phá hủy, tàn sát, gây thương tật, xua đuổi hàng triệu người trong thế giới Hồi giáo như là một phần của cuộc chiến chống/của khủng bố toàn cầu (GWOT).Trong phát biểu về chính sách đối ngoại vào đêm trước khi tuyên bố ra tranh cử tổng thống Mỹ mùa thu năm 2006, thượng nghị sĩ Barack Obama đã giải thích tuyên bố của ông ta rằng công dân Mỹ hậu thuẫn cho “thắng lợi” ở Iraq bằng lập luận sau: “Người Mỹ đã giải quyết tình trạng hỗn loạn. Chúng ta đã thấy các con trai và con gái của chúng ta bị thương hay bị giết hại trên các đường phố ở Fallujah” (Barack Obama, “Away Forward in Iraq”, Chicago Council on Global Affairs, November 20, 2006).
Sự tàn bạo của Chú Sam trong thế kỷ 21 có thể thấy rõ ràng nhất chính là ở Fallujah, Iraq vào năm 2004. Thành phố xấu số là nơi diễn ra các tội ác chiến tranh khủng khiếp của Mỹ, giết hại bừa bãi hàng nghìn thường dân, bắn phá các trạm cấp cứu và bệnh viện, và quân đội Mỹ gần như san phẳng thành phố vào tháng 4 và tháng 11. Một nhân chứng nói: “Quân đội Mỹ tiến hành hai cuộc tấn công dữ dội và thành phố vào tháng 4 và tháng 11… sử dụng hỏa lực từ khoảng cách mà quân Mỹ chỉ bị thiệt hại tối thiểu. Vào tháng 4, các chỉ huy quân đội Mỹ báo cáo là đã nhắm vào…lực lượng nổi loạn, nhưng bệnh viện địa phương lại báo cáo rằng rất nhiều hay đa số thiệt hại là thường dân, thường là phụ nữ, trẻ em và người già…[cho thấy] có chủ đích giết hại thường dân…Vào tháng 11…cuộc tấn công bằng không quân của Mỹ đã phá hủy bệnh viện trong khu vực của phe nổi loạn để chắc chắn rằng lần này sẽ không ai có thể báo cáo về thiệt hại thường dân. Sau đó quân đội Mỹ tiến vào phá hủy hoàn toàn thành phố. Fallujah trông giống như thành phố Grozny của Chechnya sau khi bị quân đội của Putin san phẳng (Michael Mann, Incoherent Empire New York, 2005).
Mỹ đã sử dụng các vũ khí có chứa chất phóng xạ (uranium nghèo) ở Fallujah, tạo ra một đại dịch chết và dị dạng ở trẻ sơ sinh, cũng như các bệnh bạch cầu và bệnh ung thư. Nhưng Fallujah chỉ là một trong số hàng loạt các tội ác dẫn đến cái chết của ít nhất một triệu người Iraq và biến Iraq thành “khu vực hoang tàn trong một thảm họa quy mô chưa từng được biết đến” (Tom Engelhardt, Tom Dispatch.com, January 17,2008). Theo nhà báo đáng kính Nir Rosen vào tháng 12 năm 2007, “Iraq đã bị hủy diệt…Cuộc xâm lược của người Mỹ tàn phá khủng khiếp hơn cả những gì người Mông Cổ đã làm ở Bagdad vào thế kỷ 13” (Current History, December 2007).
“Tống họ vào Guantanamo”
Lawrence Wilkerson là cựu sĩ quan quân đội và từng là tham mưu trưởng của ngoại trưởng Colin Powell dưới thời tổng thống Bush. Trả lời nhà báo điều tra Jeremy Scahill, ông mô tả phương pháp hành động của lực lượng đặc nhiệm trong cuộc xâm lược Iraq như sau: “Bạn đi vào và thu thập thông tin…và bạn nói “Ồ, đây thực sự là những thông tin tốt. Đây là ‘Chiến dịch Sấm Sét Xanh. Hãy thực hiện’. Và họ giết 27, 30, 40 người, hay một số nào đó, họ bắt được bảy hay tám người. Sau đó, bạn thấy là thông tin tồi và bạn đã giết nhiều người vô tội cũng như có nhiều người vô tội trong tay, thế là bạn tống họ vào Guantanamo. Không ai biết gì về chuyện đã xảy ra…bạn nói, ‘đánh dấu một trải nghiệm’, và bạn tiếp tục chiến dịch khác” (J. Scahill, Dirty Wars: The World is a Battlefield).
Bất cứ ai nghĩ rằng sự tàn bạo của đế quốc Mỹ có điểm dừng khi Obama bước vào Nhà Trắng thì đều đang nằm mơ. Obama có thể giảm quy mô cuộc chiến trên bộ mà Washington thất bại ở Iraq và Afghanistan, nhưng lại mở rộng một cách quyết liệt quy mô, cường độ cũng như phạm vi hoạt động của các máy bay không người lái cũng như lực lượng đặc nhiệm đang hiện diện trên khắp thế giới. Obama, như nhà báo dũng cảm Allan Nairn sớm nhận ra, đã giữ cho cỗ máy khổng lồ giết chóc của đế quốc Mỹ tiếp tục hoạt động (Democracy Now!, Januray1, 2010).
Câu chuyện đã được sắp đặt ngay từ đầu, khi Obama tuyên bố ngừng sử dụng chiến đấu cơ không người lái ở Pakistan trong ngày làm việc thứ tư tại nhiệm sở. Chiếc thứ nhất đã “giết chết khoảng 7 đến 15 người, hầu như tất cả là thường dân”. Chiếc thứ hai “tấn công ‘nhầm căn nhà’ và giết chết từ 5 đến 8 thường dân”, trong đó có hai trẻ em. Chưa đầy nửa năm sau, một cuộc tấn công của chiến đấu cơ không người lái được Obama “cho phép” đã nhắm vào một đám tang và giết chết “rất nhiều thường dân-ước tính khoảng từ 18 đến 55 người”. Vào tháng 10 năm 2009, báo cáo của Scahill cho biết, “trong tám tháng Obama đã cho phép số lượng các vụ tấn công của máy bay không người lái nhiều bằng tám năm tại nhiệm của tổng thống Bush”. Một nguồn tin quân sự cho Scahill biết về các chiến dịch giết chóc tiêu chuẩn của lực lượng đặc nhiệm dưới thời Obama: “Nếu có một người bị theo dõi và 34 người khác trong tòa nhà thì sẽ có 35 người chết”.
Sự kiện tâm điểm trong cuộc chiến chống/của khủng bố của Mỹ xảy ra trong tuần đầu tiên tháng 5 năm 2009. Cuộc tấn công của không quân Mỹ đã giết chết 140 thường dân ở Bola Boluk, một ngôi làng ở phía tây tỉnh Farah của Afghanistan. 93 xác chết bị xé làm nhiều mảnh là trẻ em. Có 22 người là đàn ông 18 tuổi và lớn hơn. Tờ New York Times tường thuật: “Trong cuộc trao đổi bằng điện thoại qua loa ngoài vào thứ tư…với Quốc hội Afghanistan, tỉnh trưởng Farah, Rohul Amin, nói 130 thường dân đã bị giết, theo nghị sĩ Mohammad Naim Farahi…Tỉnh trưởng nói dân làng đã mang hai đầu máy kéo theo rơ móc chất đầy mảnh xác chết đến văn phòng của ông ấy để làm bằng chứng thiệt hại của vụ tấn công…Tất cả mọi người khóc than…chứng kiến cảnh khủng khiếp ấy’. Ngài Farahi nói tỉnh trưởng đã nói với vài người quen biết là ai phải chịu trách nhiệm về 113 xác chết cần được chôn, trong đó có… nhiều phụ nữ và trẻ em” (NYT, 6 tháng 5, 2009).
Phản ứng đầu tiên của Lầu Năm Góc đối với sự kiện kinh hoàng này-một trong số nhiều vụ không lực Mỹ giết hại thường dân Afghanistan từ đầu mùa thu 2001-là chối cãi rằng các nạn nhân chết do “lựu đạn của Taliban”. Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton bày tỏ “sự thương tiếc” đối với những người vô tội thiệt mạng, nhưng chính quyền từ chối đưa ra lời xin lỗi hay nhận trách nhiệm. Trái lại, Obama đã xin lỗi và sa thải một quan chức Nhà Trắng vì đã dọa người dân New York với bức ảnh chụp chiếc Air Force One bay phía trên cầu Manhattan gợi nhớ đến sự kiện 11.9 (New York Daily News, April 28, 2009; Los Angeles Times, 9 tháng 5, 2009). Sự thiên vị rất rõ ràng: đe dọa người dân New York thì tổng thống phải xin lỗi và sa thải nhân viên của Nhà Trắng. Giết hơn 100 thường dân Afghanistan thì không cần phải xin lỗi. Không ai bị sa thải. Lầu Năm Góc được phép đưa ra những giải thích phi lý về việc thường dân bị giết hại-những giải thích đó được truyền thông chính thống đưa tin một cách nghiêm túc. Tiếp đó Mỹ cho “điều tra” một cách đáng ngờ vụ thảm sát Bola Boluk, đếm các mảnh xác chết và cáo buộc Taliban đã đẩy thường dân vào nơi Mỹ ném bom.
“Giải thưởng hòa bình? Ông ta là kẻ giết người”. Một người Pashtun trẻ tuổi nói với phóng viên bản tiếng Anh của Al Jazeera vào ngày 10 tháng 12 năm 2009-ngày mà Obama nhận được giải Nobel Hòa Bình. “Người đàn ông nói từ làng Armal, nơi một đám đông lớn tụ tập quanh xác 12 người của một gia đình sống trong một căn nhà đơn, tất cả bị giết trong cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ đêm qua”.
Mối đe dọa lớn nhất đối với hệ sinh thái
Nước Mỹ không chỉ là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình trên trái đất, mà còn là mối đe dọa hàng đầu đối quyền riêng tư cá nhân (như đã được làm rõ qua các tiết lộ của Snowden), đối với dân chủ (Mỹ tài trợ và trang bị cho các chính quyền độc tài trên khắp thế giới) và đối với bản thân trái đất-môi trường sống tự nhiên toàn cầu.Washington hào hứng đổ lỗi cho Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu, mối nguy hiểm đang đe dọa sự tồn tại của nhân loại. Mỹ cho rằng Trung Quốc là tác nhân chính dẫn đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu, kể từ khi lượng khí thải carbon của Trung Quốc tăng gấp đôi so với năm 2001 và Trung Quốc đang thải nhiều khí carbon vào khí quyển hơn bất kỳ quốc gia nào. Đó là bức màn khói được tạo ra để che đậy cho vai trò chủ yếu của Mỹ trong việc tàn sát hệ sinh thái bằng chủ nghĩa tư bản dầu mỏ sai trái-nước Mỹ đã lảng tránh các tội lỗi trước đó, tránh phơi bày toàn bộ quá trình hủy diệt mà nó đã tạo ra. Mỹ là nước có lượng khí thải carbon tính trên đầu người lớn nhất thế giới. Mỗi công dân Mỹ tạo ra bình quân 20 tấn khí thải carbon mỗi năm, gần gấp 4 lần so với công dân Trung Quốc. Không có bất cứ quốc gia nào thải vào khí quyển trái đất lượng khí thải carbon tích lũy lớn hơn Mỹ trong kỷ nguyên công nghiệp-thực tế lịch sử cho thấy trung Quốc hay Ấn Độ còn lâu mới có thể bắt kịp. Không có quốc gia nào đầu tư nhiều và mạnh mẽ để khuyến khích về mặt chính trị, tư tưởng và quân sự cũng như bảo vệ cho hệ thống lợi nhuận phụ thuộc vào tăng trưởng và thải khí carbon như Mỹ. Nước Mỹ là sở chỉ huy trong cuộc chiến lobby và tuyên truyền của các tổ hợp công nghiệp thải khí carbon khổng lồ nhằm chống lại các khám phá ngày càng nhiều của khoa học hiện đại về khí hậu-bao gồm cả NASA. Không có chính phủ quốc gia nào thành công trong việc chặn đứng sáu nỗ lực quốc tế nhằm giảm khí thải carbon toàn cầu như Mỹ-kỷ lục được tiếp tục với sự báo thù trong nhiệm kỳ “xanh” của Obama.
Tầng lớp nhà đầu tư Mỹ đang thống trị thế giới trong đầu tư toàn cầu vào công nghiệp năng lượng hóa thạch. Trong khi đa số các nhà máy than mới của thế giới được xây dựng ở Trung Quốc và Ấn Độ, thì phần lớn tài chính tới từ phố Wall. Từ năm 2006, ví dụ, J. P. Morgan Chase đã đầu tư 17 tỷ USD vào xây dựng nhà máy than mới ở nước ngoài. Citibank đầu tư 14 tỷ USD trong cùng kỳ (P. Gaspar, International Socialist Review, tháng 1 năm 2013). Sadie Robinson viết trên tờ báo Anh Socialist Worker, “Chỉ đơn giản xem xét lượng khí thải của Trung Quốc là cách che dấu vai trò của các quốc gia phương Tây trong việc tạo ra chúng. Trung Quốc gia tăng lượng khí thải là do sự mở rộng nhanh chóng của các nhà máy nhiệt điện. Điều này cho thấy sự thật là nhiều công ty phương Tây đã chuyển thành công việc phát khí thải sang Trung Quốc. Họ nhanh chóng mở các nhà máy chế tạo công nghiệp nặng ở Trung Quốc để khai thác lợi thế của chi phí vận hành thấp…Và các nhà máy này được cung cấp phần lớn năng lượng bằng than…Phương Tây đã thúc đẩy sự gia tăng của khí thải ở Trung Quốc bằng cách sử dụng chúng như nguồn hàng hóa giá rẻ” (Socialist Worker UK, November 24, 2009). Báo cáo mới đây của tờ Rolling Stone có tiêu đề “Cách Mỹ xuất khẩu sự nóng lên của toàn cầu”, theo phóng viên của RS Tim Dickinson, “cho dù là quốc gia của chúng ta có chuyển hướng sang các dạng năng lượng thân thiện hơn của tương lai,  thì các tập đoàn dầu và than của nước Mỹ vẫn đang chạy đua đưa quốc gia vào vị trí kẻ buôn bán năng lượng bẩn toàn cầu-cung cấp cho thế giới đang phát triển loại năng lượng giá rẻ, lắm chất thải, phá hủy khí hậu. Cũng giống như các công ty thuốc lá đã làm trong những năm 1990-khi chính sách thuế mới, các luật lệ và nhận thức gia tăng của người tiêu dùng làm giảm nhu cầu nội địa-Các hãng thải Carbon lớn chuyển sang các thị trường mới tại các nền kinh tế đang bùng nổ của châu Á, nơi mà các luật lệ thất bại. Điều tồi tệ là Nhà Trắng đã dễ dàng giành chức quán quân trong việc buôn bán năng lượng bẩn” (RS, February 3, 2014, http://www.rollingstone.com). 
Những điều đó phù hợp với phát hiện trong khảo sát của Pew Global Attitude năm 2007. Tại 34 trong số 37 nước có công chúng được hỏi “nước nào làm tổn hại đến môi trường nhiều nhất?”, đa số hay số nhiều trả lời là Mỹ. Ý kiến đó tất nhiên là không kém phổ biến-và không kém chính xác-dưới thời Obama hơn là dưới thời Bush-Cheney. Chính quyền Obama đã thành công trong việc không ngừng chôn vùi các nỗ lực hợp tác toàn cầu nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. “Chính quyền Obama muốn được coi là lãnh đạo về khí hậu, nhưng không có nguồn năng lượng hóa thạch nào mà không chuẩn bị được khai thác,” giám đốc nghiên cứu về Oil Change Intenational, Lorne Stockman nói. “Than đá, khí gas, các sản phẩm tinh chế-dầu thô là loại cuối cùng trong số chúng. Bạn cần không? Chúng tôi sẽ xuất khẩu”.
Thảm sát sinh thái không phải là tội nhẹ đối với cư dân toàn cầu. Các vấn đề về “xả thải và môi trường” được đa số công chúng các nước bao gồm Canada, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Ukraina, Trung Quốc và Ấn Độ nhận định trong bảng xếp hạng năm 2007 của Pew là “nguy cơ lớn nhất của thế giới” (được xếp trên cả chạy đua vũ khí hạt nhân, AIDS và các đại dịch truyền nhiễm khác, tôn giáo và phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng thu nhập) (2007 Pew Global Attitude Survey).
“Những người nghĩ rằng họ vô tội luôn tự cho mình là đúng đắn”
Các khảo sát như bảng xếp hạng của WINMR-Gallup năm 2013, Gallup năm 2006 và khảo sát của Pew Global Attitudes năm 2007 có thúc đẩy một phong trào hòa bình mới ở Mỹ? Phần lớn thường dân Mỹ đều không mong muốn nước Mỹ bị coi là kẻ đầu gấu và mối đe dọa toàn cầu, hay mối đe dọa thảm sát hàng loạt đối với an ninh, tự do và tồn tại toàn cầu. Họ không phải là những người ủng hộ chiến tranh, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa toàn trị hay thảm sát sinh thái.
Nhưng trong thực tế, ý kiến toàn cầu cho thấy lo ngại phổ biến, dài hạn, hợp lý và thường xuyên là Mỹ đã can thiệp và điều khiển ý kiến của công chúng Mỹ, có hai cản trở cần được vượt qua. Thứ nhất là các nhà quản lý và chủ sở hữu truyền thông chính thống từ chối các báo cáo nghiêm túc trên quan điểm của những người bên ngoài biên giới nước Mỹ-phản ánh sự thống nhất lâu dài của các chính khách Mỹ đối với ý kiến của những người đang thực thi quyền lực bên ngoài nước Mỹ (Không có nghĩa là các chính khách quan tâm nhiều tới ý kiến công chúng trong phạm vi nước Mỹ, see Paul Street, “No Functioning Democracy,” Z Magazine, September 2013).
Rào cản thứ hai là học thuyết có tính vị kỷ quốc gia về bản chất cao quý và cao thượng của nước Mỹ đã ngăn cản nhiều công dân Mỹ sẵn sàng chấp nhận việc Mỹ là mối đe dọa ở bất kỳ dạng nào đối với hòa bình thế giới, mối đe dọa hàng đầu lại càng khó chấp nhận. Theo như phản ánh của cựu phóng viên quốc tế của tờ New York Times Stephen Kinzer về việc Mỹ thôn tính Hawaii và Philippine, chiếm đóng Puerto Rico, lật đổ chính phủ dân cử ở Nicaragua và Honduras suốt những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20: “Tại sao người Mỹ lại ủng hộ các chính sách đem đến đau khổ cho người dân ở các quốc gia khác? Có hai lý do, chúng hàm chứa lẫn nhau. Nguyên nhân bản chất là kiểm soát các miền đất xa lạ được coi là yếu tố sống còn đối với sự thịnh vượng của nước Mỹ. Giải thích này, mặc dù vậy, được bao hàm bên trong một điều khác: Niềm tin trong sâu thẳm của đa số người Mỹ rằng nước Mỹ là quyền lực của cái tốt trên thế giới. Do vậy, nói rộng ra thì ngay cả các nhiệm vụ phá hủy mà nước Mỹ lao vào để thể hiện quyền lực cũng có thể dung thứ”.
“Các thế hệ lãnh đạo chính trị và kinh doanh của nước Mỹ đã trao cho sức mạnh của lý tưởng cao quý một sự ngoại lệ. Khi họ can thiệp quốc tế vì các lý do ích kỷ và không cao quý, họ luôn nhấn mạnh rằng cuối cùng hành động của họ không chỉ đem lại lợi ích cho nước Mỹ mà cả cả công dân tại các quốc gia bị can thiệp, nói rộng ra là tạo dựng hòa bình và công lý trên thế giới” (Kinzer, Overthrow: America’s Century of Regime Change From Hawaii to Iraq, New York, 2006).
Vấn đề của “ngoại lệ Mỹ”-niềm tin có tính tôn giáo rằng các mục tiêu và hành động của nước Mỹ là đạo đức, có ý định tốt, và tốt cho thế giới-đã được duy trì trong thế kỷ tiếp theo. Đó là nguyên nhân chính, cùng với quy mô và hoạt động của đế quốc Mỹ, khiến cho công chúng thế giới nhận định chính xác nước Mỹ là mối đe dọa hàng đầu đối với hòa bình trên trái đất. Không có gì nguy hiểm hơn quyền lực quân sự siêu việt tự đặt bản thân ra ngoài đạo đức, khi các tổng thống và các ứng cử viên tổng thống nói theo kiểu: “Chúng ta lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống lại các ác trước mắt và thúc đẩy điều tốt đẹp tối đa…Nước Mỹ là hy vọng cuối cùng, tốt nhất của trái đất…Mục tiêu lớn hơn của nước Mỹ trên khắp thế giới là thúc đẩy mở rộng tự do. Thời cơ của nước Mỹ chưa qua đi…chúng ta sẽ nắm bắt thời cơ này, và bắt đầu một thế giới mới (U.S. presidential candidate Barack Obama, April 23, 2007). “Sự an toàn của chúng ta bắt nguồn từ sự đúng đắn trong lý do của chúng ta; sức mạnh hình mẫu của chúng ta; phẩm chất được tôi luyện của sự khiêm nhường và thận trọng” (U.S. President Barack Obama, Inaugural Address, January 20, 2009).
Khi đọc những tuyên bố kiểu này (tiêu chuẩn dài hạn trong một bộ phận chính khách Mỹ), tôi nhớ đến quan sát của nhà tâm lý học trị liệu M. Scott Peck là “Ác quỷ của thế giới này được bổ sung bởi sự tự cho là đúng đắn của những người nghĩ rằng họ vô tội vì họ không sẵn sàng chịu đựng sự khó khăn của việc tự phán xét bản thân một cách thích hợp…tội lỗi cơ bản nhất của họ là sự kiêu ngạo-bởi vì mọi tội lỗi đều có thể sửa chữa trừ tội tin rằng mình vô tội. Họ là nhũng con người của sự dối trá” (M. Scott Peck, People of the Lie: The Hope for Healing Human Evil, New York, 1983). Đó là điều hợp lý, nước Mỹ tiếp tục là quốc gia nguy hiểm nhất đối với thế giới sau khi thay đổi từ gã đế quốc công khai và vụng về Bush sang tên đế quốc giấu mặt, được coi là hướng tới hòa bình nhiều hơn Obama. Thế giới rõ ràng là không còn bị lừa bịp khi Obama thay đổi cái thương hiệu “Schwarzenegger của chính trị thế giới”. Họ đã hiểu vấn đề-tổng thống Bush được bầu với cái tên “hy vọng” và “thay đổi" (watchwords of the 1992 Bill Clinton campaign) chỉ đơn giản hóa bộ tranh phục mới mà cũ nhất của đế quốc.
Chi phí nội địa và lợi ích của đế quốc
Đâu là cơ sở của lực lượng chống đế quốc và học thuyết hiểm độc của lời dối trá ngoại lệ Mỹ trong nước Mỹ ngày nay? Các nhà hoạt động và tư tưởng hòa bình Mỹ nên đặc biệt chú ý tới các giai cấp tự nhiên trong đế quốc Mỹ và trả lời câu hỏi ai có lợi nhất và ai phải trả nhiều nhất trong cấu trúc quyền lực nội địa của nước Mỹ bất bình đẳng và tàn bạo. Stephen Kinzer đã quên bổ sung thêm rằng “sự thịnh vượng của nước Mỹ” nói chung chỉ là cách nói trại đi của “lợi nhuận của giai cấp thống trị kinh tế Mỹ”.
Như Chomsky ghi nhận năm 1969, “Chắc chắn là chi phí của đế quốc không đem lại lợi ích cho ai cả: 50.000 người Mỹ chết hoặc bị thương để kinh tế Mỹ mạnh hơn các đối thủ công nghiệp. Chi phí của đế quốc đối với toàn bộ xã hội có thể là đáng kể. Những chi phí ấy, tuy vậy, là chi phí xã hội, ngược lại lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài được đảm bảo bằng các thành công quân sự tập trung hoàn toàn vào các nhóm đặc biệt trong xã hội. Chi phí của đế quốc được phân bổ cho toàn bộ xã hội, trong khi lợi nhuận chỉ chảy túi vào một số ít trong đó. (Chomsky, For Reasons of State, Pantheon, 1972).
Điều mà Chomsky vạch ra giờ đã là sự thực khi sự nghèo khổ tràn lan khắp nước Mỹ mặc dù các nhà đầu tư quân sự hàng đầu đang tận hưởng sự giàu có không thể tưởng tượng trong “Thời đại Bọc Vàng mới”, cái thời đại mà 400 người giàu nhất nước Mỹ chiếm hữu nhiều của cải hơn một nửa dân số Mỹ-150 triệu công dân Mỹ-và 1% giàu có nhất chiếm hữu số của cải bằng 90% còn lại.
Mặc dù vậy, không ai, cho dù là người giàu, có thể thoát khỏi hậu quả khủng khiếp của cái trật tự xã hội thảm sát sinh thái, tăng trưởng, lãng phí và phụ thuộc vào dầu mỏ mà nước Mỹ thề sẽ bảo vệ: chủ nghĩa tư bản quốc tế. Đây là khẩu hiệu của các nhà hoạt động môi trường bên ngoài hội nghị khí hậu toàn cầu vừa qua, nơi Obama buộc phải giả vờ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu: “Không có kinh tế trên hành tinh chết” và “Không có hành tinh B”.

Friday, March 14, 2014

Chomsky: Từ Hiroshima tới Fukushima, Việt Nam tới Fallaujah, quyền lực nhà nước lảng tránh tác hại hàng loạt của nó.

Xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài phát biểu của giáo sư ngôn ngữ học Noam Chomsky, người có những quan điểm độc đáo về chính trị và quan hệ quốc tế, tại lễ tưởng niệm 3 năm thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Tokyo Nhật Bản.

Amy Goodman: Chúng ta kết thúc lễ tưởng niệm 3 năm thảm họa Fukushima với bài phát biểu của nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng thế giới, nhà ngôn ngữ học, tác giả sách, giáo sư đại học MIT Noam Chomsky, người đã đến Tokyo tuần qua. Noam Chomsky đã 85 tuổi. Ông gặp mặt những người sống sót, bao gồm cả các gia đình đã được sơ tán. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi được kênh truyền hình độc lập trực tuyến OurPlanet-TV ghi hình. Đây là phát biểu của giáo sư Chomsky ở Nhật Bản.

Noam Chomsky: Những gì đã diễn ra ở Nhật Bản thật khủng khiếp, với những trải nghiệm kinh khủng và duy nhất mà chúng ta không muốn nhắc tới. Và tất nhiên, cực kỳ khủng khiếp đối với trẻ em, chúng vô tội và không có khả năng tự bảo vệ mình. Đáng tiếc là điều đó luôn xảy ra. Tôi muốn nói rằng, tôi có hai đứa con gái-khi chúng bằng tuổi của con gái các bạn, sau khi ở trường học về đã kể rằng chúng được dạy phải trốn dưới gầm bàn nếu có chiến tranh hạt nhân. Đó là thời điểm ngay sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, thế giới đã đến rất gần một cuộc chiến tranh hạt nhân. Lũ trẻ đã rất bối rối. Tôi muốn nói rằng, lũ trẻ vốn là bạn của những gia đình biết chắc chắn họ không bao giờ sống sót nếu thế giới bị phá hủy bởi chiến tranh hạt nhân. Nhưng nguồn chính thống nói: "Đừng lo ngại, mọi thứ đều được kiểm soát." Sự thật là như vậy đấy-chúng tôi đã ngừng cho con gái uống sữa khi chúng khi đó, do các nhà khoa học lo ngại, khẳng định rằng nồng độ cao của chất strontium-90 trong sữa là do các thử vũ khí hạt nhân ở Mỹ gây ra, rất nhiều vụ thử ngoài trời. Chính phủ đảm bảo với mọi người rằng đó không phải là vấn đề, nhưng chúng tôi-rất nhiều người như chúng tôi, đã ngừng cho trẻ em uống sữa, chỉ cho chúng uống sữa bột, được sản xuất từ trước khi có những vụ thử vũ khí hạt nhân.

Điều đó luôn diễn ra. Ngay như bây giờ, ví dụ Fallujah, một thành phố ở Iraq, bị quân Mỹ tấn công bằng thứ vũ khí mà không ai biết đến, nhưng nó gây ra mức độ phóng xạ cao. Các nghiên cứu của bác sĩ Iraq và Mỹ cho thấy tỷ lệ ung thư rất cao ở trẻ em của thành phố Fallujah, cao hơn rất nhiều so với trước đó. Nhưng chính quyền Mỹ đã phủ nhận. Chính quyền Iraq không đoái hoài tới. Các tổ chức quốc tế từ chối xem xét. Chỉ có các tổ chức độc lập và các nhóm dân sự gánh vác.

Đó là điều diễn ra ở mọi nơi. Tôi muốn nhắc tới, vào năm 1961 Mỹ tiến hành chiến tranh hóa học ở Việt Nam, miền Nam Việt Nam, chiến tranh hóa học đã phá hủy mùa màng và thú nuôi. Việc đó diễn ra suốt bảy năm. Mức độ độc hại-họ đã dùng chất gây ung thư mạnh nhất được biết tới: dioxin. Chuyện đó kéo dài nhiều năm. Hậu quả rất khủng khiếp ở miền Nam Việt Nam. Nhiều trẻ em bị dị dạng, dị dạng kinh hoàng, được sinh ra tại các bệnh viện ở Sài Gòn. Chính quyền từ chối điều tra. Họ chỉ điều tra tác động đối với các lính Mỹ, nhưng không điều tra tác động đối với người Việt Nam ở miền Nam. Hầu như không có nghiên cứu nào ngoài các nghiên cứu của các nhóm dân sự độc lập.

Hết trường hợp này đến trường hợp khác, đó là một câu chuyện kinh khủng, và đặc biệt kinh khủng đối với các bạn vì các bạn phải chịu đựng nó. Nhưng các chính quyền thì hành động theo cách này: Họ bảo vệ mình trước công dân của họ. Các chính quyền tin rằng công dân là kẻ thù chính và họ phải-tự bảo vệ. Do đó mà có những luật về bí mật. Công dân không được biết những gì mà chính quyền làm với họ. Ví dụ cuối cùng, trước khi Edward Snowden tiết lộ bí mật, lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia James Clapper đã khai trước trước Quốc Hội là liên lạc điện thoại của người Mỹ không bị theo dõi. Một lời dối trá ngoài sức tưởng tượng. Nói dối Quốc Hội là tội ác: có thể bị phạt nhiều năm tù. Không chỉ là lời nói. Chính quyền đang nói dối công dân của họ.

Amy Goodman: Tác  giả sách và giáo sư MIT Noam Chomsky, phát biểu trong chuyến đến thăm Tokyo tuần qua. Chân thành cảm ở OurPlanet-TV. Các bạn có thể truy cập website để theo dõi ba ngày tin tức của chúng tôi từ Tokyo, Nhật Bản, tại democracynow.org.