Monday, May 27, 2013

Chế độ sở hữu đất đai tư nhân chưa từng tồn tại ở Việt Nam

Hàng ngàn năm trong các xã hội phong kiến, mọi đất đai đều thuộc về nhà vua.  Nông dân chưa bao giờ sở hữu đất đai và phổ biến là một nền nông nghiệp gia trưởng dựa trên lao động của gia đình. Việc canh tác cũng chỉ để nuôi sống gia đình chứ không phải để sản xuất hàng hóa. Do vậy, những cộng đồng nhỏ như làng trở thành phần vững chãi nhất của xã hội. Các triều đại có thể thay đổi, những kẻ xâm lược đến rồi đi, nhưng cái làng vẫn sẽ luôn tồn tại như nó đã tồn tại.

Khi người Pháp xâm lược Việt Nam thì họ chỉ thiết lập nên chế độ tư hữu ruộng đất hiện đại ở một phần rất nhỏ của thuộc địa, chủ yếu để phục vụ cho các nhà tư bản kinh doanh các loại nguyên vật liệu thô để cung cấp cho thị trường mẫu quốc. Phần lớn đất đai còn lại vẫn tiếp tục thuộc về nhà vua như cũ. Gần nửa thế kỷ sau mặc dù không còn tồn tại trên giấy tờ thì chế độ sở hữu phong kiến vẫn còn in đậm trong tập quán của người dân. Vào năm 1903, khi chính quyền thành phố Hà Nội quyết định thu hồi đất thuộc sở hữu tập thể, các phố trưởng đã xác thực giấy chứng nhận sở hữu các khu đất đó cho các chủ tư nhân khiến chính quyền không thể thu hồi được (1). Theo tập quán thì các phố trưởng xác nhận việc sử dụng chứ không phải việc sở hữu bởi vì không có ai sở hữu đất đai cả, nhưng chính quyền Pháp thường mặc nhiên coi đó là giấy chứng nhận sở hữu để dễ dàng trong giao dịch và các phố trưởng đã lợi dụng chính điều đó để chống lại họ.

Các nhà tư bản Pháp tới thuộc địa dễ dàng chiếm được những mảnh đất lớn nhưng họ không thể nào kiếm được đủ lao động làm thuê vì phần lớn nông dân bám chặt lấy mảnh đất canh tác nhỏ của gia đình. Chính quyền thuộc địa dưới sức ép phải đảm bảo quyền lợi cho các nhà tư bản Pháp đã thi hành hai chính sách nhằm tách người nông dân ra khỏi đất đai. Một mặt chính quyền thuộc địa đánh thuế rất cao đối với nông dân, một thống kê so sánh thuế giữa chế độ phong kiến với chế độ thực dân cuối năm 1874 cho thấy: thuế quan điền đã tăng hơn 2 lần trong khi diện tích đất canh tác không tăng, thuế thân tăng gấp 14 lần (2). Tất cả các khoản thuế này đều thu bằng tiền trong khi nông dân canh tác để nuôi sống gia đình mình chứ không bán nông sản lấy tiền. Thuế khóa nặng nề khiến cho phần lớn nông dân rơi vào tay đám cho vay nặng lãi và cuối cùng bị phá sản hoàn toàn. Mặt khác chính quyền thực dân dung túng cho các địa chủ cướp đất của nông dân một cách có hệ thống thông qua những nhập nhằng trong hệ thống pháp lý. Vụ án đồng Nọc Nạn nổi tiếng chính là kết quả của chính sách ấy, nực cười thay nó lại được dùng để ca ngợi tinh thần công minh của các quan tòa Pháp và cổ vũ cho chủ trương "Pháp-Việt đề huề" của tầng lớp tư sản bản địa. Chính sách của người Pháp đã tạo cơ hội cho những địa chủ rất lớn ở Nam Kỳ xuất hiện, như ông bố của công tử Bạc Liêu có tới 100 ngàn ha ruộng lúa và 50 ngàn ha ruộng muối. Tuy vậy, chưa bao giờ các địa chủ lớn lại phổ biến ở Việt Nam và lối kinh doanh của họ cũng không phải là lối kinh doanh dựa trên lao động làm thuê như ở nước Pháp. Tất cả các địa chủ đều giao đất cho tá điền canh tác và thu tô dưới dạng hiện vật.

Mặc dù người Pháp nỗ lực tìm cách khai thác thuộc địa nhưng trên thực tế không đem lại nhiều kết quả vì hai lý do chủ yếu. Thứ nhất là tập quán sản xuất tự cấp tự túc vẫn còn mạnh mẽ và năng suất lao động thấp nên người dân không mấy gắn bó với chế độ làm thuê, chỉ cần có dịp thuận tiện là họ lại bỏ về làng làm ruộng. Thứ hai là công nghiệp Pháp không cạnh tranh được với công nghiệp Đức nên thị trường xuất khẩu nguyên vật liệu thô của thuộc địa bị thu hẹp lại. Dần dần, người Pháp từ bỏ việc kinh doanh không đem lại nhiều lợi nhuận và trở thành một tầng lớp ăn bám, lợi dụng những quan hệ sản xuất phong kiến để trút cái gánh nặng tài chính cho cuộc sống xa hoa của mình lên người dân thuộc địa. Thay vì trở thành những người khai hóa văn minh cho thuộc địa thì chính họ lại bị phong kiến hóa và tụt xuống trạng thái xã hội trung cổ ngay trên những tiện nghi và quan hệ sản xuất hiện đại mà họ mang theo từ mẫu quốc.

Sau khi người Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc được giải phóng và chế độ công hữu về đất đai được thiết lập từng bước để đảm bảo nó phù hợp với tình hình thời chiến. Miền Nam rơi vào tay người Mỹ, chính quyền do người Mỹ dựng lên cố gắng tư hữu hóa đất đai theo hướng có lợi cho địa chủ và bắt nông dân phải gánh toàn bộ phí tổn. Chính quyền ấy xóa bỏ vương triều phong kiến song lại thực thi quy chế tá điền của thời phong kiến. Điều đó đã khiến nông dân chống lại họ, chính sách tư hữu hóa đất đai bị thất bại. Cuối cùng, người Mỹ thua trận và Việt Nam trở thành một quốc gia thống nhất, chế độ sở hữu đất đai ở miền Bắc được đem ra áp dụng cho toàn quốc cho tới nay.

Như vậy, do những quanh co của lịch sử mà chế độ sở hữu đất đai tư nhân hiện đại, tức là dựa trên lao động làm thuê, chưa bao giờ tồn tại ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

(1) Philippe Papin-Lịch sử Hà Nội; NXB Mỹ Thuật 2010; trang 255

(2) Trương Bá Cần-Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại  Nam Kỳ (1862-1874); NXB Thế Giới 2011; trang 447

Saturday, May 25, 2013

Nhân sĩ chống Tàu

Hai nhân sĩ chống Tàu gặp nhau trong nhà giam, tay bắt mặt mừng cùng nhau hô vang dân chủ tự do với yêu nước thương dân rồi quay qua tâm sự về chiến tích. 

Nhân sĩ thứ nhất hỏi:
- Sao mày phải vào đây vậy?

Nhân sĩ thứ hai trả lời:
- Vì tao dán khẩu hiệu "Tàu khựa cút đi" lên tường đại sứ quán Tàu. Còn mày thì sao?

- À, tao thì vì tội dán cái khẩu hiệu "Tàu khựa vào đây".

- Sao kỳ vậy? Nhân sĩ thứ hai tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Ừ, nhưng tau dán khẩu hiệu đó lên tường nhà Quốc Hội. Nhân sĩ thứ nhất nói tiếp.

(Chuyện bịa, chỉ có tính chất giải trí!)

Thursday, May 16, 2013

Hạ lãi suất cho vay không có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế

Thông thường lập luận được đưa ra như sau: Ngân hàng hạ lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp vay thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thêm GDP cho nền kinh tế. 

Lập luận này dựa trên giả định cho rằng doanh nghiệp họat động vì lợi nhuận nên khi có cơ vội vay vốn với chi phí thấp hơn thì doanh nghiệp sẽ vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm tăng thêm lợi nhuận. Nhưng vấn đề là doanh nghiệp quyết định về đầu tư dựa trên tỷ suất lợi nhuận chứ không phải dựa trên lợi nhuận. 

1. Phân tích: 

Cần phải xem xét lập luận đó trong hai trường hợp cụ thể hơn.

1. Toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế vay vốn để đầu tư:

Khi lãi suất cho vay giảm xuống thì doanh nghiệp phải trả lãi ít hơn, phần dôi ra trở thành lợi nhuận mà không cần thay đổi chi phí cũng như doanh thu, tỷ suất lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp đều tăng lên, có nghĩa là tỷ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế cũng tăng lên đúng như vậy. Không doanh nghiệp nào có tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân để có thể quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh. Hạ lãi suất cho vay làm tăng lợi nhuận  của doanh nghiệp nhưng sẽ không có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế.

2. Một phần doanh nghiệp vay vốn, phần còn lại sử dụng vốn tự có: 

Tỷ suất lợi nhuận của những doanh nghiệp vay vốn sẽ tăng lên trong khi tỷ suất lợi nhuận của những doanh nghiệp sử dụng vốn tự có giữ nguyên. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận bình quân tăng lên song các doanh nghiệp vay vốn sẽ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân trong khi các doanh nghiệp sử dụng vốn tự có thì lại có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân. Các doanh nghiệp vay vốn sẽ vay thêm vốn để mở rông sản xuất kinh doanh trong khi các doanh nghiệp sử dụng vốn tự có sẽ thu hẹp sản xuất kinh doanh để chuyển sang các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vay vốn đi cùng với sự thu hẹp sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp sử dụng vốn tự có. Như vậy, hạ lãi suất cho vay không mang lại kích thích tăng trưởng kinh tế.

2. Vai trò của ngân hàng: 

Hai trường hợp được phân tích ở trên đều không nhắc tới vai trò của ngân hàng. Nếu có đưa ngân hàng vào phân tích cũng không có gì thay đổi nhiều. Ở trường hợp thứ nhất hạ lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động của ngân hàng không thay đổi thì tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng sẽ thấp đi trong khi tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên. Điều này sẽ dẫn đến vốn bị rút ra khỏi các ngân hàng và đầu tư vào các doanh nghiệp, tức là lãi suất cho vay sẽ lại bị kéo lên. Ở trường hợp thứ hai thì các ngân hàng sẽ trở thành kênh dẫn vốn từ các doanh nghiệp sử dụng vốn tự có sang các doanh nghiệp vay vốn.

3. Tác động thực của việc hạ lãi suất cho vay:

Tất cả những phân tích ở trên đều dựa trên giả định rằng tất cả các doanh nghiệp đều có cùng một cấu tạo hữu cơ của tư bản (Giá trị vốn cố định và nguyên vật liệu/ tiền lương), song trên thực tế các nhóm doanh nghiệp thường có cấu tạo hữu cơ của tư bản khác nhau. 

Trong trường hợp thứ nhất thì không có gì thay đổi. Trong trường hợp thứ hai thì vốn được phân bổ từ các doanh nghiệp sử dụng vốn tự có về các doanh nghiệp vốn vay. Tùy thuộc sự khác biệt về cấu tạo hữu cơ của hai loại doanh nghiệp này mà phân bổ nguồn lực qua vốn vay sẽ dẫn đến sự phân bổ lại nhu cầu về máy móc và nguyên vật liệu hay lao động. Ví dụ: Giả sử doanh nghiệp vay vốn có cấu tạo hữu cơ là 6/4 trong khi doanh nghiệp kinh doanh bằng vốn tự có có cấu tạo hữu có là 4/6. Nếu rút ra 10 đồng vốn từ doanh nghiệp thứ hai để chuyển sang doanh nghiệp thứ nhất thì nhu cầu về lao động sẽ giảm đi trong khi nhu cầu về máy móc và nguyên vật liệu tăng lên. Ngược lại nếu doanh nghiệp vay vốn có cấu tạo hữu cơ là 4/6 và doanh nghiệp sử dụng vốn tự có có cấu tạo hữu cơ là 6/4 thì sự phân bổ lại nguồn vốn sẽ làm tăng nhu cầu về lao động trong khi nhu cầu về máy móc và nguyên liệu giảm đi.

 4. Ý nghĩa của phân tích:

Xét trên phương diện kinh tế vĩ mô, tác động đến lãi suất cho vay của ngân hàng không đem lại tăng trưởng kinh tế song có thể thay đổi nhu cầu của nền kinh tế về vốn vật chất và nhân lực. Tức là hoàn toàn có thể dựa vào đó để thúc đẩy tạo công ăn việc mới làm hoặc gia tăng tiêu thụ máy móc và nguyên vật liệu, song hai yếu tố này mang tính đánh đổi có nghĩa là giải quyết công ăn việc làm sẽ dẫn tới giảm nhu cầu về máy móc và nguyên vật liệu hay ngược lại.

Tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ sử dụng vốn tự có với cấu tạo hữu cơ rất thấp (có nghĩa là sử dụng nhiều lao động hơn vốn) trong khi chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn sử dụng vốn vay với cấu tạo hữu cơ cao hơn. Việc hạ lãi suất cho vay sẽ chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp lớn và dẫn đến gia tăng nhu cầu về máy móc và nguyên liệu, phần lớn những thứ này Việt Nam phải nhập khẩu, tức là sẽ thúc đẩy nhập khẩu máy móc và nguyên liệu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tìm cách thu hồi vốn và đầu tư vào những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, do đó tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng. Song phần lớn các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn lại có nhiều rào cản, không dễ dàng gì có thể ngay lập tức đầu tư vào đó vì vậy các chủ doanh nghiệp nhỏ sẽ phải chờ đợi thời cơ bằng cách tạm gửi tiền của mình vào ngân hàng hoặc mua các tài sản có giá như vàng hoặc ngoại tệ, hạ lãi suất cho vay chắc chắn sẽ làm tăng giá ngoại tệ và vàng. 

Friday, May 10, 2013

Tham nhũng có làm tăng giá bất động sản?

Bất động sản là một loại hàng hóa, vì vậy câu hỏi đúng sẽ là: Tham nhũng có làm tăng giá hàng hóa? Trước hết cần phải hiểu tăng giá là gì, ví dụ m2 đất có giá 10 triệu đồng sau đó tăng lên gấp 3 lần là 30 triệu đồng nhưng tiền vẫn phải giữ nguyên giá thì mới có thể coi là đất tăng giá, nếu đất tăng giá gấp 3 lần mà tiền mất giá 3 lần thì chả có nghĩa lý gì,tức là 30 triệu cũng chỉ có giá trị như 10 triệu trước kia. 

Thông thường người ta suy diễn như sau: Doanh nghiệp hối lộ quan chức một khoản tiền để được quyền lợi nhất định, sau đó mua các yếu tố đầu vào đem sản xuất rồi bán hàng hóa ra với giá thị trường cộng thêm khoản hối lộ. Do vậy, giá hàng hóa bán ra trong trường hợp có tham nhũng cao hơn trong trường hợp không có tham nhũng.

Nếu như doanh nghiệp có quyền tăng giá như vậy thì chủ doanh nghiệp có thể cộng vào giá bán hàng hóa không chỉ khoản hối lộ quan chức mà còn có thể cộng vào đó tiền đi du lịch, tiền mua xe siêu sang, tiền nuôi bồ nhí, tiền nuôi người giúp việc, tiền nuôi thú cảnh, tiền mua sắm đồ trang sức của vợ nữa. Không có bất cứ lý do nào để chủ doanh nghiệp không làm vậy cả, ngược lại chủ doanh nghiệp sẽ rất thích thú làm điều đó. Khi chủ doanh nghiệp làm vậy thì giá cả hàng hóa có thể tăng vô tội vạ, không có bất cứ giới hạn nào hết. 

Doanh nghiệp khi là người bán thì có quyền tăng giá vô tội vạ, nhưng doanh nghiệp không thể bán mà không mua. Doanh nghiệp buộc phải mua các yếu tố đầu vào như đất đai, máy móc và lao động trên thị trường. Khi doanh nghiệp đóng vai trò là người mua thì những người bán khác lại có cái quyền tăng giá. Người bán đất, bán máy móc hay bán sức lao động đều có thể cộng thêm vào giá bán không giới hạn những gì họ muốn. Suy luận theo kiểu tăng giá như vậy sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu hết.

Mỗi nền kinh tế là một vòng tuần hoàn khép kín. Doanh nghiệp mua hàng hóa đầu vào đem sản xuất rồi bán ra thị trường, những người khác trên thị trường bán cho doanh nghiệp hàng hóa đầu vào rồi lại mua hàng hóa đầu ra của doanh nghiệp. Tức là mỗi người bán đều là người mua, nếu khi bán họ tăng giá lên thì khi mua họ phải trả lại cái phần tăng thêm đó. Nếu giả định rằng doanh nghiệp nhờ vào quan chức tham nhũng mà có đặc quyền bán hàng hóa cao hơn hoặc mua hàng hóa thấp hơn giá thị trường thì cái mà doanh nghiệp được chính là cái mà những người khác trên thị trường mất, tức là giá trị hàng hóa thực tế cũng không tăng lên chút nào mà chỉ là phân bổ lại thu nhập giữa doanh nghiệp và những người khác, điều đó kéo dài sẽ dẫn việc những người khác phá sản hoàn toàn và doanh nghiệp chẳng thể bán được hàng hóa cho ai nữa. Nếu chỉ cần phân phối lại thu nhập thì doanh nghiệp và quan chức nhà nước cứ việc đè người khác ra mà thu thuế chứ chả cần phải nhọc công sản xuất rồi buôn bán làm gì.

Tham nhũng do vậy chỉ chia phần thu nhập với doanh nghiệp chứ không thể làm tăng giá hàng hóa được. Điều đó có nghĩa là tham nhũng chỉ chia phần lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chứ không làm tăng giá bất động sản. 

Tại sao cái điều nhầm lẫn đó không ngừng được lặp đi lặp lại trong giới chuyên gia kinh tế? Nếu tư duy một cách hợp lý thì người ta có thể thấy ngay rằng cái mưu toan đó chỉ để bảo vệ lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chứ chẳng liên quan gì đến giá bất động sản cả. Nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ! Các dự án bất động sản ở Việt Nam thường phải trải qua các thủ tục hành chính rất phức tạp và tốn thời gian, dựa vào các quan chức tham nhũng là cách duy nhất để có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án. Khi nạn tham nhũng bị xử lý thì cũng có nghĩa là các thủ tục hành chính sẽ diễn ra đúng theo trật tự của nó, như vậy sẽ hạn chế các số lượng các dự án bất động sản được cấp phép mới. Đây mới là điểm mấu chốt của vấn đề, hạn chế sự gia tăng nguồn cung dự án bất động sản sẽ giúp các dự án bất động sản hiện tại dễ bán hơn.

Thursday, May 9, 2013

Một phân tích về giá cả đất đai dựa trên học thuyết giá trị thặng dư

Dưới đây là một thử nghiệm ứng dụng học thuyết giá trị thặng dư để phân tích bản chất giá cả đất đai trong nền kinh tế thị trường.

1. Mô hình lý thuyết:

Đất đai không có giá trị mà chỉ có giá cả, giá cả của đất đai là do địa tô quy định. Mô hình phân tích sử dụng học thuyết giá trị thặng dư áp dụng cho trường hợp một nền kinh tế chỉ có tư bản sản xuất và đất đai, không tính đến các lĩnh vực phi sản xuất và lợi tức cho vay vì điều đó sẽ làm mô hình phân tích trở nên quá phức tạp mà lại không thể hiện rõ được mối quan hệ giữa tư bản sản xuất và giá đất.

Một nền kinh tế chỉ bao gồm tư bản sản xuất sẽ có tư bản ứng trước là c+v, với c là tư bản bất biến và v là tư bản khả biến. Nền sản xuất này tạo ra khoản giá trị thặng dư là m, tổng giá trị sản phẩm xã hội khi đó sẽ là Y=c+v+m.

Tư bản sản xuất cần phải thuê đất để hoạt động, do đó phải trả cho chủ đất khoản địa tô là r và giữ lại lợi nhuận là i, tức là m=r+i.

Theo quy luật san bằng tỷ suất lợi nhuận thì tỷ suất lợi nhuận thu được từ việc cho thuê đất phải bằng với tỷ suất lợi nhuận của tư bản sản xuất. Gọi giá của toàn bộ đất đai là L thì: r/L = i/(c+v). (3). Từ đó suy ra giá đất L = (c+v).r/i, ở trên đã giả định là m = r+i tức là i = m-r. Như vậy, giá cả của toàn bộ đất đai: L = (c+v).r/(m-r)

Kết quả cho thấy giá của toàn bộ đất đai trong một nền kinh tế là một hàm số tỷ lệ thuận với quy mô tư bản ứng trước (c+v), tỷ lệ thuận với tiền thuê đất r và tỷ lệ nghịch với giá trị thặng dư m.

2. Ứng dụng mô hình để giải thích một số trường hợp thực tế:

Trường hợp thứ nhất là giá đất rất cao trong khi tiền thuê đất lại thấp. Sử dụng công thức L = (c+v).r/(m-r) thì có thể giải thích rằng giá đất ở rất cao trong khi địa tô và lợi nhuận tăng không nhiều là do nền kinh tế thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài đổ vào sản xuất, tức là tư bản ứng trước c+v tăng đột biến. Đây có lẽ là trường hợp điển hình của các quốc gia có mức phát triển thấp mở cửa nền kinh tế đón nhận đầu tư nước ngoài. Các nhà kinh tế thường bất lực trong việc phân tích trường hợp giá đất tăng do quy mô tư bản ứng trước tăng lên, thông thường họ đổ tại đó là do đầu cơ đất đai và nhìn nhận trường hợp này là một trường hợp tăng trưởng thiếu bền vững.

Trường hợp thứ hai giá đất thấp trong khi quy mô tư bản ứng trước lớn và tiền thuê đất cao. Dựa vào công thức đã nêu thì có thể thấy rằng sản xuất đồng thời cũng tạo ra một khối lượng giá trị thặng dư rất lớn để kéo tụt giá đất xuống. Đây là trường hợp điển hình của các nền kinh tế phát triển. Trường hợp này thường được tán dương như là sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Trường hợp thứ ba là ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất khiến giá đất cao. Vẫn sử dụng công thức L = (c+v).r/(m-r) nhưng chia cả tử số và mẫu số vế bên phải công thức cho v, kết quả sẽ là L = (1+c/v).r/(m/v - r/v). Phần c/v chính là kết quả của việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hay nói cụ thể hơn là công nghệ được phát triển để làm gia tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản. Giá đất tỷ lệ thuận với c/v, do vậy c/v càng cao thì giá đất càng cao.

Ngoài ra, hoàn toàn có thể sử dụng công thức này để phân tích các giai đoạn biến đổi lớn của giá cả đất đai trong một nền kinh tế. Các giai đoạn đó chắc chắn là kết quả của nhau, do những sự biến đổi nội tại của sản xuất.





Thursday, April 25, 2013

Tại sao vàng miếng là vàng nhưng lại không phải là vàng?

Cách đây hơn hai trăm năm, các nhà kinh tế học đã phải nghĩ nát óc để giải thích tại sao tiền vàng là vàng nhưng giá trị của nó lại chả liên quan gì đến vàng. Đủ các loại học thuyết đã được đưa ra rồi bị quên lãng. Giờ đây, Việt Nam lại đang đối mặt với câu hỏi đó.

1. Vàng miếng là vàng

Về mặt chất liệu thì vàng miếng cũng là vàng, khi mua bán thì người ta cũng coi nó là vàng không khác với gì vàng được dùng làm đồ trang sức hay đồ dùng. Vàng miếng vì vậy mang giá trị của vàng. Song có một vấn đề trong thực tế là vàng miếng mặc dù cũng là vàng nhưng lại không được sử dụng làm đồ trang sức hay chế tác đồ trang sức, tức là không được sử dụng như vàng, mà thường chỉ dùng để thanh toán hoặc tích trữ thay cho tiền mặt.

2. Vàng miếng không phải là vàng

Vàng miếng khi được sử dụng để thanh toán hay tích trữ thay cho tiền mặt thì nó không còn là vàng nữa mà đóng vai trò như tiền tệ. Nếu đem vàng miếng ra khỏi phạm vi Việt Nam thì nó lại trở lại thành vàng. Khi được sử dụng như là tiền tệ thì vàng miếng không còn mang giá trị của vàng nữa mà mang giá trị của tiền tệ, giá của vàng miếng lúc này chịu sự chi phối của cung cầu về tiền tệ. Tại sao vàng miếng trở thành tiền tệ thì đó là một câu chuyện dài về lịch sử kinh tế. Vàng miếng trong vai trò là tiền tệ không thích hợp với giao dịch của người dân bình thường, không ai mang vàng miếng đi chợ mua rau cả, nhưng lại rất thích hợp với giao dịch của những tổ chức tài chính lớn ví dụ như ngân hàng. Do vậy, muốn hiểu được tại sao vàng miếng có vai trò tiền tệ thì cần phải nghiên cứu lịch sử việc sử dụng vàng miếng trong ngân hàng, song những tài liệu về vấn đề đó có lẽ là không có sẵn hoặc nếu có sẵn thì cũng khó có thể tiếp cận được. 

3. Vàng miếng trở thành tiền tệ như thế nào? 

Thoạt nhìn thì quá trình biến đổi vàng thành vàng miếng rất đơn giản, doanh nghiệp mua vàng nguyên liệu về, đem dập thành vàng miếng có trọng lượng 1 cây, đóng gói rồi đem bán trên thị trường. Ẩn giấu sau đó là những quy luật kinh tế hoàn toàn khác nhau chi phối mà người ta không thể hiểu được nếu không tách biệt giá trị sử dụng của vàng và vàng miếng. Khi doanh nghiệp mua vàng về dập thành vàng miếng thì vàng miếng đó vẫn chỉ là vàng, chỉ khi nó được trao vào tay người mua thì mới trở thành phương tiện giao dịch. Trong tay doanh nghiệp thì vàng miếng có giá trị của vàng nhưng khi được bán cho người mua thì nó bị biến thành tiền tệ, tức là có giá trị của tiền tệ. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể dập vàng thành vàng miếng, song chỉ có vàng miếng của một số doanh nghiệp nhất định mới có thể lưu thông trên thị trường như là vàng miếng, điều đó phụ thuộc vào tiềm lực tài chính của doanh nghiệp.

4. Tại sao Ngân Hàng Nhà Nước lại độc quyền kinh doanh vàng miếng?

Khi hầu hết các chủ doanh nghiệp và ngân hàng có tiềm lực tài chính lớn đổ xô vào kinh doanh vàng miếng, tức là kinh doanh tiền tệ thì điều đó ảnh hưởng tới lợi ích của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN). Một trong những hệ quả thấy rõ là việc nhập khẩu vàng nguyên liệu tạo sức ép lên tỷ giá hối đoái mà NHNN muốn duy trì ổn định, tình trạng nhập khẩu vàng kéo dài sẽ làm cạn kiệt dự trữ ngoại tệ. Quyền lực của NHNN là phát hành tiền, khi có một loại tiền tệ khác xuất hiện cạnh tranh với tiền của NHNN thì NHNN phải tìm cách loại bỏ loại tiền tệ ấy. Ban đầu, NHNN tìm cách loại bỏ vai trò tiền tệ của vàng miếng song nỗ lực ấy không mấy hiệu quả nên đã nắm độc quyền kinh doanh vàng miếng, tức là độc quyền phát hành vàng miếng với tư cách là tiền tệ. Ở đây cần chú ý, vàng miếng là tiền tệ nhưng lại không phải lại ngoại tệ bởi vàng miếng chỉ có giá trị là vàng miếng trong phạm vi quốc gia khi ra khỏi phạm vi đó thì vàng miếng cũng chỉ là vàng nguyên liệu, ngược lại vàng nguyên liệu không phải là tiền tệ trong nước nhưng lại là tiền tệ quốc tế vì có thể dùng để trao đổi giữa các quốc gia với nhau.

5. Hệ quả của vàng miếng trong vai trò tiền tệ

Khi NHNN độc quyền kinh doanh vàng miếng thì vai trò tiền tệ của vàng miếng càng trở nên vững chắc, giá cả vàng miếng giờ đây sẽ phụ thuộc vào cung cầu vàng miếng với vai trò là tiền tệ chứ không chịu sự chi phối của thị trường vàng nguyên liệu. Vì vậy vàng miếng sẽ có giá hoàn toàn khác so với vàng nguyên liệu cho dù là trên thị trường vàng nguyên liệu trong nước hay thị trường thế giới. Mọi nỗ lực của NHNN sẽ tập trung vào việc kiểm soát giá cả vàng miếng với vai trò là tiền tệ chứ không phải là vàng miếng với vai trò là vàng. 

Bán lẻ vàng miếng là hoàn toàn không khả thi, do vậy NHNN buộc phải bán buôn cho các tổ chức có năng lực tài chính. Sau đó, các tổ chức này sẽ bán lẻ lại cho người mua khác. Điều này có nghĩa là giá vàng miếng do NHNN bán ra trên thị trường bán buôn sẽ phải thấp hơn giá giao dịch trên thị trường bán lẻ. Khoản chênh lệch giữa giá bán buôn với giá bán lẻ vàng miếng sẽ tạo ra lợi nhuận cho tổ chức kinh doanh, phần lớn các tổ chức kinh doanh lại là các ngân hàng nên nảy sinh ra một hệ quả khác đối với nền kinh tế. Nếu lợi nhuận từ mua bán vàng miếng lớn hơn lợi nhuận thu được từ việc cho vay thì các ngân hàng giảm cho vay và tăng cường mua bán vàng miếng, ngược lại nếu lợi nhuận thu được từ việc cho vay cao hơn từ việc mua bán vàng miếng thì ngân hàng sẽ giảm mua bán vàng miếng và tăng cường cho vay. Điều này có nghĩa là giá mua vào cũng như bán ra của vàng miếng mà các tổ chức tham gia đấu thầu đặt ra sẽ phụ thuộc vào sự biến động của tình hình sản xuất và kinh doanh trong nước.

Dập vàng miếng là công việc tốn thời gian nên NHNN sẽ phải dự trữ một khối lượng lớn vàng miếng để luôn kịp thời cung cấp cho thị trường. Hiện nay, giá vàng miếng trong nước cao hơn rất nhiều so với giá vàng nguyên liệu trên thị trường thế giới. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì nhiều người sẽ nghĩ NHNN lãi lớn trong việc kinh doanh vàng miếng, vì chỉ việc mua vàng nguyên liệu trên thị trường thế giới rồi về dập thành vàng miếng đem bán để hưởng chênh lệch. Song sự thực không phải như vậy, NHNN luôn phải dự trữ một khối lượng lớn vàng miếng nhưng vàng miếng trong kho của NHNN thì chưa phải là vàng miếng với tư cách tiền tệ mà nó vẫn chỉ là vàng nên chịu sự chi phối của giá vàng nguyên liệu, tức là khi giá vàng thế giới giảm thì giá của nó cũng giảm còn khi giá vàng thế giới tăng thì giá của nó cũng tăng. Khoản tiền chênh lệch giữa giá vàng miếng đã bán và vàng nguyên liệu phải bù đắp cho sự biến động về giá trị của số vàng trong kho dự trữ. Trong trường hợp NHNN mua vào vàng miếng, nếu thoạt nhìn thì NHNN sẽ phải mua giá cao hơn giá trên thị trường bán lẻ, tức là có cảm giác lỗ, song khoản chênh lệch đó lại được bù đắp bởi giá trị tăng lên của số vàng dự trữ. Giá mua tối đa và giá bán vàng miếng tối thiểu của NHNN hoàn toàn có thể tính được dựa trên các tham số như: số lượng vàng miếng dự định mua vào hay bán ra, khối lượng vàng dự trữ và sự biến động của giá vàng trên thị trường thế giới. Doanh thu thực của NHNN có thể ước tính dựa trên chênh lệch giữa giá đề xuất của NHNN và giá trúng thầu mua bán vàng miếng. Lợi nhuận mà NHNN thu được chắc chắn là nhỏ hơn rất nhiều so với khoản chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu và giá vàng miếng (như đã nói ở trên, phần lớn khoản chênh lệch phải được trích lập quỹ dự phòng giảm giá vàng). 

Khi giá vàng trên thị trường thế giới có xu hướng giảm thì giá trị của kho vàng miếng dự trữ trong tay NHNN cũng giảm xuống, do vậy NHNN sẽ chịu áp lực phải bán ra. Ngược lại, khi giá vàng thế giới có xu hướng tăng thì giá trị kho vàng dự trữ trong tay NHNN cũng tăng lên do vậy NHNN sẽ phải mua vào. Trong ngắn hạn thì NHNN có thể mua vàng nguyên liệu trên thị trường thế giới rồi dập thành vàng miếng nhưng trong dài hạn thì không thể làm như vậy vì hai lý do chính: thứ nhất là việc dập vàng miếng bị giới hạn bởi công suất hoạt động của doanh nghiệp nên có thể sẽ không kịp thời và thứ hai là việc mua vàng trên thị trường thế giới cần có ngoại tệ, tức là sẽ làm ảnh hưởng tới dự trữ ngoại tệ của quốc gia. Như vậy, trong dài hạn khi thị trường vàng miếng đạt tới quy mô nhất định thì NHNN sẽ phải mua vàng miếng chủ yếu từ thị trường trong nước còn nguồn vàng nguyên liệu từ thị trường thế giới sẽ chỉ đóng vai trò bổ sung.

Trên thị trường vàng miếng, NHNN cũng sẽ phải cân nhắc các quyết định mua bán để giữ giá vàng miếng ổn định. Khi giá vàng miếng có xu hướng giảm thì NHNN phải mua vào và ngược lại khi giá vàng miếng có xu hướng tăng thì NHNN phải bán ra. Mọi vấn đề sẽ là đơn giản trong hai trường hợp: giá vàng thế giới có xu hướng giảm đồng thời giá vàng miếng trong nước có xu hướng tăng và giá vàng thế giới có xu hướng tăng đồng thời giá vàng miếng trong nước có xu hướng giảm. Song rõ ràng là thị trường không phải lúc nào cũng thuận lợi như vậy, rất có thể xảy ra trường hợp khác như: giá vàng thế giới có xu hướng giảm đồng thời giá vàng miếng trong nước cũng có xu hướng giảm và giá vàng thế giới có xu hướng tăng đồng thời giá vàng miếng trong nước có xu hướng tăng, khi đó NHNN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành thị trường vàng miếng cũng như duy trì quỹ dự trữ vàng.  

Kết luận

Quy luật kinh tế đã khiến cho vàng miếng là vàng nhưng lại không còn là vàng khi được ném vào lưu thông, đã khiến cho thị trường vàng trong nước chịu ảnh hưởng của thị trường vàng thế giới nhưng lại tách thị trường vàng miếng khỏi thị trường vàng. Nếu không hiểu được quá trình đó thì sẽ không thể hiểu được sự biến động khác nhau giữa giá vàng miếng và giá vàng thế giới. 





Monday, April 15, 2013

Đã dốt toán thì đừng bàn chuyện chính trị

Hôm nay, tình cờ thấy trang Bô Shit lại tiếp tục bôi nhọ giới trí thức Việt Nam với bài "Trung lập: Quyền lợi dân tộc hay quyền lợi giai cấp" của một người tự xưng là Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu. Không biết người này là tiến sĩ thiệt hay dỏm nhưng với những gì người này đã viết thì rõ ràng rất đáng ngờ về thực chất của cái danh hiệu TS.

Về mặt phương pháp thì vị TS này đã mắc sai lầm cơ bản khi sử dụng logic hình thức vốn chỉ phù hợp với đại số để khảo sát quan hệ của biến số. Sức mạnh của một quốc gia không phải là một đại lượng độc lập với chiến lược quan hệ quốc tế. Một quốc gia khi lựa chọn một chiến lược quan hệ quốc tế thì chiến lược ấy sẽ có tác động ngược trở lại làm gia tăng hoặc suy yếu sức mạnh của quốc gia đó. Vị TS này định làm toán nhưng đến phương pháp cơ bản của toán học cũng không nắm được thì thật là khó mà tưởng tượng. 

1. Quốc gia mạnh mới có thể lựa chọn trung lập?

Vị TS này viết rằng: "Trên bàn cờ quốc tế chỉ có các cường quốc lớn mới đủ năng lực để tự cho mình quyền trung lập, tức là quyền độc lập với các nước khác, quyền tự mình đứng riêng hay dẫn đầu một phe. Các nước nhỏ không đủ năng lực để tự bảo vệ mình trong tư cách của một quốc gia trung lập và sớm hay muộn sẽ bị phụ thuộc nhiều hơn vào một cường quốc lớn. Trò chơi trung lập là trò chơi của các cường quốc lớn, không phải là trò chơi của nước nhỏ." Điều này hoàn toàn sai. Một quốc gia lựa chọn chiến lược quan hệ quốc tế thế nào hoàn toàn không phụ thuộc vào việc nó mạnh hay yếu mà phụ thuộc vào chiến lược mà các quốc gia khác trong tập hợp đó lựa chọn, các sự lựa chọn dựa trên tính toán về lợi ích của mỗi quốc gia sẽ tác động qua lại lẫn nhau để dẫn đến một thế cân bằng, tại thế cân bằng đó thì mỗi quốc gia sẽ có một chiến lược xác định. Sự tương quan này thường rất phức tạp và mô tả sẽ rất dài dòng bằng lý thuyết trò chơi, chỉ có thể lấy một ví dụ minh họa thế này, một tập hợp ba quốc gia mà có hai quốc gia mạnh ngang nhau đang đối đầu và một quốc gia khác yếu hơn thì rõ ràng mọi nỗ lực của hai quốc gia mạnh sẽ là trung lập hóa quốc gia yếu hơn vì lôi kéo làm đồng minh sẽ không khả thi. Bất cứ quốc gia mạnh nào định tấn công quốc gia yếu hơn sẽ có nguy cơ bị quốc gia mạnh còn lại thừa cơ tấn công tức là đẩy mình vào thế chống lại hai kẻ thù cùng lúc, nguy cơ bị tiêu diệt là chắc chắn. Bản thân quốc gia yếu hơn chắc chắn sẽ lựa chọn trung lập thay vì ngả theo một trong hai phía để phía còn lại bị tiêu diệt và chính mình sẽ là nạn nhân kế tiếp. 

Hồi Thế Chiến II đã có một ví dụ điển hình về trường hợp nêu trên, hai nước đế quốc Đức và Pháp hùng mạnh đã cố gắng trung lập hóa Thụy Sĩ yếu hơn. Sau đó, Thụy Sĩ đã khéo léo tiếp tục duy trì được tình trạng trung lập của mình ngay cả khi Đức chiếm đóng hầu như toàn bộ châu Âu cho đến khi kết thúc chiến tranh. Nếu theo đúng lập luận của vị TS này, Thụy Sĩ phải bị xóa khỏi bản đồ châu Âu từ lâu rồi.

Vị TS khi bắt đầu giải bài toán thì đã ngay lập tức đánh tráo điều kiện của bài toán nên không chỉ sai hoàn toàn mà còn bất chấp cả thực tế. Tất cả cái trò xảo trá ấy chỉ để ngụy biện rằng nước yếu thì không thể trung lập, để sau đó lén lút đưa cái việc bị một nước lớn đe dọa vào nhằm cổ vũ cho việc liên minh với một nước lớn khác.  

2. Mối đe dọa từ Trung Quốc hay mối đe dọa từ Mỹ lớn hơn?

Người Việt Nam ai cũng biết tâm địa của Trung Quốc với Việt Nam ra sao và ai cũng biết Mỹ đã làm gì với Việt Nam trong một cuộc chiến kéo dài suốt hơn hai mươi năm. Hiện giờ tâm địa của Mỹ đối với Việt Nam ra sao? Vị TS này chỉ nêu ra vế thứ nhất mà giấu biệt đi vế thứ hai, không so sánh được các nguy cơ từ phía Mỹ và từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam, gian trá lấy luôn cái cần chứng minh ra để khẳng định, tức là khẳng định luôn Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất.

Thậm chí nửa quan trọng nhất trong việc phân tích mối quan hệ tay ba Mỹ-Trung Quốc-Việt Nam cũng đã bị lờ đi đó là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ quan hệ với Việt Nam ra sao rõ ràng phải tính đến phản ứng chiến lược của Trung Quốc và ngược lại Trung Quốc định làm gì với Việt Nam cũng phải tính đến phản ứng chiến lược của Mỹ. Bởi vì các lựa chọn đó có thể phát sinh những chi phí và lợi ích chiến lược khác nhau đối với Mỹ cũng như Trung Quốc, nhưng vị TS này có vẻ không biết đến những điều điều đơn giản như vậy. Trên thực tế, đây là một cân bằng động rất phức tạp, nhiều quốc gia thường phải sử dụng một đội ngũ chuyên gia hùng hậu về lý thuyết trò chơi lập nên các mô hình tính toán để xác định được chiến lược cân bằng. Có thể minh họa rõ hơn một chút thế này: Nếu Trung Quốc định lôi kéo Việt Nam về phía mình thì Trung Quốc phải tính được Mỹ phản ứng thế nào về điều đó, không phải lập luận vớ vẩn kiểu Việt Nam không chơi với Mỹ thì Mỹ không cần quan tâm mà Mỹ sẽ hành động ra sao để bảo vệ lợi ích của mình. Về mặt địa thế, Việt Nam nằm tiếp giáp với Trung Quốc và giống như cái sân bay tự nhiên kiểm soát toàn bộ khu vực Đông Nam Á, nơi có rất nhiều các nước đồng minh của Mỹ và con đường biển quan trọng hàng đầu thế giới đi qua. Nếu Trung Quốc lôi kéo Việt Nam thành công thì Mỹ sẽ bị mất toàn bộ ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á vào tay Trung Quốc, vậy là Mỹ phải tìm cách chống lại điều đó. Ngược lại nếu Mỹ muốn lôi kéo Việt Nam về phía mình thì phải tính đến việc Trung Quốc sẽ tìm mọi cách ngăn cản Mỹ vì nếu có được liên minh với Việt Nam thì Mỹ có thể khóa chặt con đường biển quan trọng nhất của Trung Quốc và mở rộng tầm ảnh hưởng tới các khu vực tự trị miền núi nằm sâu trong lục địa của Trung Quốc. Cả hai trường hợp đều dẫn đến sự thay đổi chiến lược trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc và đó là cái mà hai nước này cần phải tính toán. Rõ ràng là vị TS toán này thậm chí còn không hiểu mình đang nói về cái gì, lập luận hoàn toàn trẻ con.

3. Liên minh với Mỹ đòi hỏi phải có dân chủ và nhân quyền?

Không chỉ có dốt về toán học, vị TS này còn diễn món tập làm văn đầy những gian lận kiểu học trò với các vấn đề chính trị. Tại sao Việt Nam không liên minh với Mỹ? Vì sợ Mỹ đòi cải cách dân chủ và nhân quyền dẫn đến đa đảng? Lập luận của vị TS này thật nực cười! Giáo sư ngôn ngữ học người Mỹ nổi tiếng Noam Chomsky đã viết trong cuốn sách "What the Uncle Sam really want" như thế này: while the US pays lip service to democracy, the real commitment is to "private, capitalist enterprise."  When the rights of investors are threatened, democracy has to go; if these rights are safeguarded, killers and torturers will do just fine. hay cụ thể hơn là to install governments that favor private investment of domestic and foreign capital, production for export and the right to bring profits out of the country. Mục tiêu Mỹ đối với các quốc gia độc lập là thiết lập lên các chính phủ phục vụ lợi ích của nhà đầu tư Mỹ, nếu chính phủ nào chấp nhận bán rẻ nhân dân của mình theo cách đó thì Mỹ sẽ để chính phủ đó được tự do tồn tại còn không sẽ là phá hoại và lật đổ. Đối với Mỹ tự do, nhân quyền, dân chủ, độc đảng hay đa đảng, hoàn toàn không phải là vấn đề đáng được quan tâm. Ai cũng biết điều đó chỉ là trò bịp bợm để kiếm chác, tại sao vị TS này lại  ngây ngô đến mức cho rằng điều đó đe dọa được Đảng cầm quyền ở Việt Nam nhỉ?

4. Có thể bảo vệ quyền lợi dân tộc dựa vào liên minh với Mỹ? 

Hãy nhìn lại lịch sử thế giới gần đây, nước Mỹ chẳng đã tài trợ cho những chế độ độc tài tàn bạo nhất trong lịch sử đó sao? Những cái tên quốc gia như Guatemala, Nicaragua, Honduras, Panama, El Salvado, Haiti, có gợi lên cho vị TS này điều gì không nhỉ? Những quốc gia ấy nhờ vào sự bảo trợ dân chủ và tự do của Mỹ đã đắm chìm trong nghèo nàn, lạc hậu, nội chiến, đã gần như biến mất khỏi bản đồ thế giới. Ở những quốc gia ấy, một bộ phận giàu có đã dựa vào sức mạnh của   nước Mỹ để đàn áp và cướp bóc nhân dân một cách kinh khủng chưa từng thấy, đó là bảo vệ quyền lợi dân tộc hay giai cấp? Vị TS này mong muốn Mỹ sẽ làm điều tương tự với dân tộc Việt Nam chăng?

Kết luận:

Lập luận của vị TS này hoàn toàn là vớ vẩn và gian lận chỉ nhằm kêu gào Việt Nam phải trở thành sân sau Mỹ để chống lại Trung Quốc, tức là đẩy Việt Nam vào thế đối đầu khốc liệt hơn với Trung Quốc. Lúc đó Mỹ sẽ giúp Việt Nam ư? Nước Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh của mình bằng cách một lần nữa đưa quân đội vào Việt Nam chăng? Thực ra thì mục đích chính của tác giả bài viết tầm bậy trên trang boxit là muốn nhân danh quyền lợi dân tộc để đòi đa nguyên đa đảng, chỉ có điều quá ngây ngô và ngớ ngẩn, chẳng thể thuyết phục được ai, ngược lại còn làm người ta phải hoài nghi trình độ của những người tự nhận mình là trí thức.