Thursday, October 11, 2012

Những mâu thuẫn trong chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam

Đất đai là vấn đề nóng bỏng ở Việt Nam, hồ sơ các vụ khiếu kiện về đất đai tràn ngập các ban ngành liên quan. Những vụ chống đối thu hồi đất trở nên thường xuyên hơn, khắp các phương tiện thông tin đại chúng đâu cũng bàn về đất đai, phần lớn đòi bồi thường theo giá thị trường cho nông dân bị thu hồi đất. Tuy vậy chưa từng ở đâu nêu ra được bản chất của hiện tượng xung đột đất đai đó là gì, người ta thường chỉ đổ lỗi cho sự tham lam của một số quan chức chính quyền,  đất đai bị thu hồi từ nông dân với giá rẻ mạt được doanh nghiệp bán với giá cao ngất ngưởng tạo nên những ấn tượng xấu về mặt xã hội.

1) Mô tả quan hệ:

Để hiểu được xung đột về đất đai thì trước hết phải hiểu chế độ sở hữu đất đai của Việt Nam là chế độ sở hữu nhà nước vì nhà nước toàn quyền định đoạt về mặt pháp lý đất đai, nhưng điều đó chỉ bao hàm đất đai trong vai trò là tư liệu sản xuất mà thôi, còn đất đai với trong vai trò là tư liệu sinh hoạt thì trên thực tế hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân. Nông dân được nhà nước giao đất một cách hạn chế về diện tích, thời gian và mục đích sản xuất, có thể mua bán quyền sử dụng đất nhưng không thể chuyển nhượng quyền sở hữu bởi vì quyền sở hữu thuộc về nhà nước. Quan hệ giữa nhà nước và nông dân là quan hệ chủ sở hữu và người thuê đất, do vậy nông dân phải nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước, khoản tiền đó là giá trị hoa lợi thu được từ đất đai chứ không phải là từ giá trị của đất đai.

Khi nhà nước thu hồi đất đai từ nông dân thì theo đúng quan hệ giữa chủ sở hữu và người sử dụng không phải là mua bán đất đai, do vậy không thể đặt vấn đề giá trị mảnh đất là bao nhiêu. Việc bồi thường cho nông dân thực ra chỉ phụ thuộc vào khả năng tài chính của nhà nước mà thôi.

Nhà nước thường thu hồi đất đai của nông dân để làm công trình công cộng và giao cho doanh nghiệp kinh doanh. Đất đai khi được giao cho doanh nghiệp thì nhà nước vẫn là chủ sở hữu, doanh nghiệp cũng chỉ là người thuê đất trong một khoảng thời gian nhất định, chính vì vậy mà doanh nghiệp cũng chỉ đóng tiền thuê đất cho nhà nước mà thôi chứ không phải trả toàn bộ giá trị của đất đai. Vậy là khi nhà nước giao đất cho doanh nghiệp thì bản chất vẫn là cho thuê, khoản tiền thu được không phải là giá trị đất đai mà chỉ là khoản tiền thuê đất của doanh nghiệp.

Quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân là quan hệ giữa những người thuê đất với nhau. Trong trường hợp nông dân trực tiếp cho doanh nghiệp thuê lại đất đai được nhà nước giao thì cái giá cả thị trường cho quyền thuê đất ấy được tính dựa trên thu nhập của nông dân từ đất đai. Giá của quyền sử dụng đất ấy không liên quan gì đến những khoản đầu tư của nông dân cho đất đai, cũng như thu nhập cần thiết để nuôi sống họ. Phần lớn nông dân ở Việt Nam vẫn còn canh tác để nuôi sống gia đình mình, chỉ phần sản phẩm dư thừa mới đem bán trên thị trường. Khi chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thì nông dân cũng mất luôn cái nguồn nuôi sống mình mặc dù họ nhận được khoản tiền bù đắp nhất định, song không ai có thể ăn tiền để sống cả, nông dân đột ngột bị ném vào thị trường hàng hóa. Thực tế cho thấy ở những khu vực mà nông dân giao đất cho doanh nghiệp thì nông dân sẽ có nhiều tiền hơn trước kia song giờ đây họ không thể sản xuất để tự nuôi sống mình nữa mà phải mua những thứ ấy trên thị trường, một lượng cầu hàng hóa tăng đột ngột trong khi cung lại giảm xuống khiến cho giá cả tăng lên nhanh chóng dẫn đến sự mất ổn định trong đời sống của nông dân nhất là khi họ thất nghiệp kéo dài.

Xuyên suốt chuỗi quan hệ giữa nhà nước, nông dân và doanh nghiệp chỉ có những quan hệ thuê đất giữa chủ đất và người đi thuê, đất đai luôn chỉ xuất hiện trong vai trò là tư liệu sản xuất. Giá thuê đất cũng như giá bồi thường cho khoản đầu tư của người thuê đất hoàn toàn khác nhau, hai loại giá ấy cũng không phải là giá trị của đất đai. Người ta không thể tìm thấy giá thị trường của đất đai ở đâu cả.

Sự thay đổi người thuê đất luôn hàm chứa trong đó thay đổi về thu nhập cho chủ đất, nếu như những nông dân đối diện với nhà nước như là những người thuê đất đơn lẻ với những mảnh đất canh tác bị hạn chế đủ thứ thì doanh nghiệp lại thuê của nhà nước diện tích đất lớn và có thể sử dụng cho nhiều mục đích hơn, điều đó có nghĩa là quy mô sản xuất lớn hơn và mục đích sử dụng cũng linh hoạt hơn dẫn đến thu nhập cao hơn cho doanh nghiệp. Do vậy, thông thường thì tổng tiền thuê đất mà nông dân trả cho nhà nước luôn thấp hơn tiền thuê đất mà doanh nghiệp trả cho nhà nước. Khi thu hồi đất từ nông dân và cho doanh nghiệp thuê thì nhà nước đã hành xử như một chủ đất đầy lý trí, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đồng thời tạo ra nguồn thu lớn hơn cho ngân sách. Điều ấy sự phát triển khách quan của kinh tế, năng suất lao động của doanh nghiệp đã vượt qua năng suất lao động của nông dân tự do, một phần đất đai do vậy với tư cách là tư liệu sản xuất phải được chuyển từ nông dân sang cho doanh nghiệp.

Một phần lớn đất đai nông nghiệp giao cho doanh nghiệp được chuyển từ đất canh tác sang đất làm nhà ở. Vấn đề phức tạp nảy sinh chính ở đây, đất đai với tư cách là tư liệu sản xuất thì thuộc sở hữu nhà nước nhưng đất đai với tư cách là tư liệu tiêu dùng thì thuộc sở hữu tư nhân. Khi doanh nghiệp bán mảnh đất làm nhà ở cho người tiêu dùng thì có nghĩa là đất đai được chuyển từ tư liệu sản xuất sang tư liệu tiêu dùng, người mua đất làm nhà ở đó không phải là người thuê đất của nhà nước mà là chủ sở hữu thực sự của mảnh đất đó, cái giá mà họ phải trả không phải là tiền thuê đất mà là giá thị trường của mảnh đất. Thuật luyện vàng đã xuất hiện, đất đai trong các quan hệ trước thì không phải là hàng hóa nhưng khi đối diện với người tiêu dùng thì là hàng hóa, trước kia người ta chỉ thuê nó thì giờ người ta có thể mua bán quyền sở hữu. Đất đai chuyển từ tư liệu sản xuất sang tư liệu sinh hoạt thì khó khăn nhưng chuyển ngược lại từ tư liệu sinh hoạt sang tư liệu sản xuất thì lại rất dễ dàng, người sở hữu không những có thể sử dụng như là đất ở mà còn có thể kinh doanh nữa. Con đường vòng vèo biến đất đai từ sở hữu nhà nước thành tư hữu ấy đã được các chủ doanh nghiệp nắm lấy một cách chắc chắn. Tình trạng doanh nghiệp nhận đất được giao để kinh doanh rồi bán làm đất nhà ở phổ biến đến mức chính quyền phải rất vất vả để duy trì trật tự mà không có mấy hiệu quả. Lợi nhuận của doanh nghiệp là rất lớn khi so sánh sự chênh lệch giữa giá thuê và giá bán.

2) Mô hình hóa với con số cụ thể:

Có thể mô tả mô hình giao dịch đất đai giữa nông dân, nhà nước và doanh nghiệp với một ví dụ như sau:

Giả sử có một mảnh đất có trị giá không đổi là 100 triệu đồng được nhà nước giao cho nông dân sử dụng. Nông dân canh tác thu được 20 triệu đồng mỗi năm và nộp cho nhà nước 1 triệu đồng/năm.

A) Trường hợp chỉ có nhà nước và nông dân:

Nếu sau 1 năm nhà nước quyết định thu hồi đất thì rõ ràng là nhà nước chỉ thu được 1 triệu từ nông dân, vì vậy chỉ có thể đền bù cho nông dân tối đa là 1 triệu đó thôi.

 B) Trường hợp doanh nghiệp thuê lại đất của nhà nước:

Giả định là doanh nghiệp có thể sử dụng đất đai tạo ra giá trị 40 triệu đồng/năm, sẵn sàng nộp cho nhà nước 5 triệu đồng/năm tiền sử dụng đất và ứng trước khoản tiền ấy. Khi nhà nước thu hồi đất của nông dân rồi cho doanh nghiệp thuê thì nhà nước sẽ có ngân sách là 6 triệu để thanh toán đền bù cho nông dân. So với trường hợp không có doanh nghiệp thì tình trạng kinh tế của nông dân rõ ràng được cải thiện hơn so với trước, vì họ có thể nhận được 6 triệu đồng thay vì 1 triệu đồng.

Trong trường hợp này giả định là nhà nước hoàn toàn vô tư, nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp có quan chức nhà nước nảy lòng tham, chỉ trả cho nông dân 1 triệu đồng và đút túi 5 triệu đồng, đấy chính là cái gọi là tham nhũng, nhưng rõ ràng là tham nhũng có được là nhờ có sự chênh lệch ấy và cũng bị giới hạn bởi sự chênh lệch ấy.

C) Trường hợp doanh nghiệp trực tiếp thuê đất của nông dân:

Trong trường hợp này thì nhà nước chỉ nhận tiền thuê đất của doanh nghiệp. Với mảnh đất trị giá 100 triệu đồng thì doanh nghiệp tạo ra được 40-5= 35 triệu đồng/năm, tỷ suất lợi nhuận sẽ là 35%/năm. Còn nông dân tạo ra được 19 triệu đồng/năm, tỷ suất lợi nhuận là 19%/năm. Theo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng thì tỷ suất lợi nhuận cao hơn sẽ được dùng làm cơ sở tính toán giá trị sử dụng đất, do vậy giá trị quyền sử dụng đất của nông dân sẽ là 19/35% = 54,28 triệu đồng. Số tiền này xét về mặt tuyệt đối lớn hơn so với các trường hợp kia.

Song con số lớn ấy không cho thấy thực tế là thu nhập của nông dân đã bị giảm xuống, vì tỷ suất lợi nhuận thực tế của nông dân chỉ là 19% nên có đem 54,28 triệu đồng đi làm vốn sản xuất thì thu nhập của nông dân sẽ là  54,28x19%= 10,31 triệu/năm trong khi đó trước kia họ tạo ra 19 triệu đồng/năm. Lợi nhuận của nông dân giảm đi 8,69 triệu/năm, tức là giảm 45,73%.

Khoản tiền doanh nghiệp phải trả cho nông dân sẽ làm tụt giảm tỷ suất lợi nhuận của họ như sau: 35/(100+54,28)= 22,68%. Lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp sẽ bị giảm là 35-22,68= 12,32 triệu đồng, tức là giảm 35,2%

Việc trực tiếp thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp đem lại số tiền lớn nhất và thiệt hại thu nhập ít nhất cho nông dân về mặt tuyệt đối, song xét về mặt tương đối thì thu nhập của nông dân vẫn giảm mạnh hơn doanh nghiệp, thu nhập của nông dân giảm 45,73% so với mức 35,2% của doanh nghiệp.

Mô hình với các trường hợp A, B, C có thể áp dụng để giải thích tâm lý của nông dân. Ở trường hợp A thì người nông dân thiệt hại lớn nhất vì họ mất hoàn toàn nguồn thu nhập mà chỉ nhận lại được một khoản ít ỏi nhưng họ sẽ không cảm thấy bất mãn vì họ biết rằng điều đó là hệ quả tất yếu từ sức sản xuất của họ. Trong trường hợp B thì người nông dân sẽ cảm thấy bất mãn vì mặc dù khoản đền bù mà họ nhận được lớn hơn trong trường hợp A kia nhưng vẫn không thể thay thế cho thu nhập của họ và hơn nữa thu nhập của doanh nghiệp trên chính mảnh đất ấy lại cao ghê ghớm. Trong trường hợp C thì nông dân sẽ cảm thấy hài lòng hơn vì họ nhận được một khoản tiền lớn so với thu nhập của họ cũng như trong các trường hợp A và B, nhưng tình trạng phổ biến tiếp theo là cảm giác chán nản bế tắc vì mặc dù có nhiều tiền hơn nhưng không sao duy trì được mức thu nhập như cũ. Như vậy là khác với hình dung phổ biến về người nông dân sau khi bán đất thì ăn tiêu phung phí, không chịu làm ăn chăm chỉ và trở thành nghèo khó thì phân tích trường hợp C cho thấy sự tụt giảm trong thu nhập của nông dân sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hoàn toàn khách quan do trình độ sản xuất của nông dân không thể thay đổi ngay lập tức, suy nghĩ một cách tích cực thì những nông dân cố gắng tăng thu nhập của mình bằng cách nâng cao trình độ sản xuất sẽ thầm cảm ơn những người nông dân ăn tiêu phung phí vì những người đó đã tạo ra cơ hội cho sự cải thiện ấy thông qua việc chi tiêu của mình.

Mô hình phân tích cũng cho thấy cơ hội và giới hạn của tham nhũng hoặc cái được gọi là lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai hiện nay. Sự chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất giữa các trường hợp A, B, C là động cơ để nông dân hoặc doanh nghiệp câu kết với quan chức nhà nước nhằm áp dụng cơ chế có lợi cho mình. Ví dụ: nông dân bị thu hồi đất theo trường hợp B có thể mua chuộc quan chức nhà nước để được áp dụng trường hợp C để thay vì nhận 6 triệu đồng sẽ nhận được 54,28 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng có thể cấu kết với quan chức nhà nước để áp dụng thu hồi đất theo trường hợp B thay cho trường hợp C để chỉ tốn 5 triệu đồng thay vì 54,28 triệu đồng. Phần chênh lệch sẽ được doanh nghiệp chia với quan chức hoặc nông dân chia với quan chức. Đây chính là cơ sở để hình thành nên các nhóm lợi ích liên kết giữa quan chức và nông dân hoặc giữa quan chức và doanh nghiệp tạo nhằm điều khiển chính sách có lợi cho họ, quyền lực và sự tham lam của quan chức tưởng như là vô hạn nhưng cuối cùng lại bị giới hạn bởi chính những điều kiện kinh tế tạo ra nó. Lợi ích nhóm hay tham nhũng trong đất đai là hệ quả tất yếu của sự cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế có mức độ phát triển chênh lệch nhau nhưng chưa bên nào chiếm ưu thế. Người ta có ấn tượng kinh khủng về sự nhũng nhiễu không phải bởi vì chỉ có nông dân hay chỉ doanh nghiệp bị quan chức đòi hỏi tiền hối lộ mà là ở chỗ bất cứ bên nào cũng có thể bị đòi tiền hối lộ, ấn tượng kinh khủng không nằm ở chỗ chỉ có nông dân hay chỉ doanh nghiệp có thể hối lộ quan chức mà là ở chỗ ai cũng có thể hối lộ để có lợi, ấn tượng kinh khủng không nằm ở chỗ lợi ích nhóm chỉ thuộc về nông dân hay chỉ thuộc về doanh nghiệp mà là ở chỗ lợi ích nhóm có thể thuộc về bất kỳ ai. Thành ra người ta có ấn tượng đâu cũng có tham nhũng, đâu cũng có lợi ích nhóm nhưng thật ra chúng không ngừng chạy từ bên này sang bên kia, điều đó cũng giải thích tại sao quan chức có thể làm giàu từ tham nhũng một cách nhanh chóng bởi vì các bên luôn phải tìm cách giành quan chức về phe mình bằng cách trả nhiều tiền hơn bên kia.

3) Kết luận:

Tóm lại những xung đột về đất đai có nguyên nhân nằm chính trong mẫu thuẫn nội tại của chế độ sở hữu đất đai, mâu thuẫn giữa đất đai  với tư cách là tư liệu sản xuất và tiêu dùng, mâu thuẫn giữa quan hệ sử dụng và quan hệ sở hữu. Phân tích trên cho thấy những yêu sách như bồi thường giá trị đất đai cho nông dân theo giá thị trường hay tự do thỏa thuận giá đất giữa nông dân và doanh nghiệp hoàn toàn là ảo tưởng. Yêu sách thứ nhất là sự lẫn lộn giữa việc thuê đất và chuyển nhượng quyền sở hữu đất. Yêu sách thứ hai là sự lẫn lộn về chủ sở hữu đất. Những yêu sách đó cho thấy chính sự mâu thuẫn trong bản thân người nông dân, khi nhận đất thì họ muốn là người thuê đất, khi bán đất thì họ lại muốn mình là chủ đất. Cái ảo tưởng đó nếu được áp dụng cùng với chế độ sở hữu nhà nước sẽ gây hỗn loạn hơn hiện nay rất nhiều. Nhà nước chỉ thu tiền thuê đất của nông dân nhưng khi thu hồi đất đai thì lại phải mua đất với giá thị trường, điều đó sẽ làm nhà nước phá sản. Nếu chính quyền được tự do bán đất với giá thị trường thì sẽ càng thúc đẩy sự tham lam vô độ của một số quan chức, nạn lạm dụng quyền lực để thu hồi đất rồi bán sẽ khủng khiếp hơn nhiều. Nông dân thay vì đối diện với chính quyền như là một người thuê đất được bảo vệ thì sẽ đối diện với doanh nghiệp trong một quan hệ mua bán đầy bất lợi xuất phát từ sự bất bình đẳng về địa vị kinh tế của hai bên. Ngay cả khi nông dân tự do thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp thì điều đó giả định rằng doanh nghiệp và nông dân bình đẳng với nhau, song thực tế là họ không bình đẳng. Một mặt nền sản xuất nhỏ của nông dân tạo ra giá trị thu nhập thấp hơn doanh nghiệp, mặt khác doanh nghiệp sẽ đối mặt với những người nông dân tự do để đàm phán về giá cả, chính những người nông dân sẽ phải cạnh tranh với nhau trong việc cho doanh nghiệp thuê lại đất và làm giảm giá chuyển nhượng.

Khi duy trì chế độ sở hữu đất đai thuộc nhà nước thì chính quyền đã bảo vệ nông dân tự do khỏi sự cạnh tranh của giới chủ doanh nghiệp, điều đó thích hợp với tình trạng phát triển thấp của nông dân, thu nhập từ ruộng đồng của họ chỉ cần đủ để nuôi sống họ và trả tiền thuê đất cho nhà nước. Nếu chuyển sang chế độ sở hữu tư nhân, cho dù nhà nước có cấp miễn phí đất cho nông dân, thì nông dân sẽ phải tìm cách tăng thu nhập của mình lên để không chỉ đủ đóng thuế thu nhập, nuôi sống gia đình mà còn phải đủ cao để cạnh trạnh với doanh nghiệp để duy trì sở hữu đất đai nữa, việc ấy đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn rất nhiều và sẽ làm cho phần lớn nông dân phá sản.

Quyền lợi của giới chủ doanh nghiệp là tách nông dân tự do ra khỏi mảnh đất của họ, biến những mảnh đất ấy thành tư liệu sản xuất xã hội đồng thời biến nông dân tự do thành lao động làm thuê. Để kéo nông dân ra khỏi ruộng đất thì giới chủ doanh nghiệp cần phải tách nông dân ra khỏi sự bảo vệ của nhà nước, buộc nông dân cạnh tranh với họ theo nguyên tắc tự do cạnh tranh trên thị trường, sự bình đẳng ấy lại che giấu sự bất bình đẳng về địa vị kinh tế của các bên tham gia. Chủ doanh nghiệp cũng tìm thấy sự ủng hộ của một bộ phận dân cư nhất định, đó là những nông dân đã gia nhập vào thị trường lao động làm thuê không còn canh tác ruộng đất hoặc những nông dân đã trở thành tiểu chủ, những người ấy vẫn còn đất đai và muốn bán nó với tư cách là chủ sở hữu thay vì cứ phải tiếp tục gánh các nghĩa vụ liên quan đến đất đai hoặc trả lại cho nhà nước.

Nhiều người sẽ có thể đặt câu hỏi, phân tích bản chất của mâu thuẫn về chế độ sở hữu đất đai như vậy rồi thì sẽ đi đến giải pháp nào, song trước khi hỏi về giải pháp thì có lẽ người đó nên tự hỏi mình muốn cái gì đã.


Wednesday, October 10, 2012

Bác sĩ Hồ Hải, quyền lực và con lừa

Một con lừa tự do trên đồng cỏ, ăn bất cứ lúc nào nó muốn, ngủ bất cứ khi nào nó thích. Nó chiếm lĩnh đồng cỏ như một chủ sở hữu thực thụ, bất cứ kẻ nào xâm lấn vào đó thì sẽ được đón tiếp bằng cú đá hậu nặng như búa tạ và cặp hàm rắn như thép của nó. Mặc dù là chủ sở hữu đầy quyền lực và tham lam nhưng nó không thể bán đồng cỏ cho ai, chẳng để làm gì và chả để lấy cái gì được.

Một ngày nọ, có ông bác sĩ tên là Hồ Hải, chữ bác sĩ xin chớ có hiểu là thầy thuốc mà xin hãy hiểu theo nguyên gốc tiếng Hán là người học rộng hiểu nhiều, với quyền lực của mình tóm cổ con lừa về buộc nó vào cần cối xay rồi buộc một củ cà rốt trước mặt nó, thế là quanh năm suốt tháng con lừa cứ đi vòng tròn để kéo cối xay. Quyền sở hữu con lừa đã đáp ứng cho sự tham lam của ông bác sĩ, nhưng lòng tham thường thì không có giới hạn. Một ngày kia ông bác sĩ thấy là dùng con lừa thồ hàng ra chợ bán thì có lợi hơn là để nó kéo cối xay. Vậy là ông bác sĩ chất hàng hóa lên lưng con lừa rồi dắt nó đi nhưng con lừa không đi thẳng mà theo thói quen đi vòng tròn thậm chí kéo ngã cả ông bác sĩ, với tất cả mọi quyền lực của mình ông bác sĩ không cách nào làm cho nó đi thẳng được.

Chuyện về con lừa không có thật ở trên chỉ là để nhắc tới cái lý thuyết sáng láng về bản chất tư hữu và quyền lực của con người mà ông bác sĩ Hồ Hải có thật vẫn tuyên truyền bấy lâu nay. Việc tranh luận với tín đồ tôn giáo về tôn giáo của họ thì thật là vô vọng, vì vậy người ta chỉ có thể yêu cầu họ cho biết chúa của họ răn bảo họ những gì.

Bây giờ, xấu là xấu ở đâu? Ở cái chỗ là lòng tham, là giá bất động sản quá sức cầu của dân, là cái nơi xấu về bản chất của vấn đề kinh tế Việt hiện nay. Giải quyết cái chỗ này, thị trường bất động sản sẽ chảy thông suốt, kinh tế sẽ lại lành mạnh. Thế thì, phải làm gì để giải quyết. Có ba giải pháp đồng bộ như sau, thực hiện tốt thì chỉ trong 1 tháng thôi, kinh tế Việt sẽ trở lại bình thường:

1. Giảm giá mỗi mét vuông đất hoặc nhà chung cư xuống bằng giá trị một tháng lương tối thiểu phải đóng thuế của người dân. Vì đất anh không tốn tiền mua, không lý do gì anh lại đẩy giá cao. Anh tự làm giá quá sức dân thì đóng băng là hiển nhiên, không bàn cãi.

2. Bán trả góp với giá như đã giảm cho công nhân, cán bộ nhà nước chưa có nhà ở bằng phương thức trả chậm trừ lương hằng tháng, mà không tính lãi suất của ngân hàng. Vừa được lòng dân, mà vừa giải quyết được kinh tế nước nhà đang thiếu triển, mà lại giúp đồng tiền chạy thông suốt trong nền kinh tế và giải quyết được quỹ lương.

3. Từ bỏ lòng tham và lợi dụng hiến pháp và pháp luật để trục lợi cho nhóm cầm quyền là biện pháp cốt tử để cứu nền kinh tế nước nhà. Vì biện pháp này mà không được thực thi, thì dù có thực hiện 2 biện pháp trên, nó sẽ còn những cái đóng băng khác diễn ra trong tương lai. Muốn từ bỏ lòng tham của nhóm cầm quyền thì buộc phải xóa bỏ cơ chế độc quyền. Bằng cách nào thì ai cũng quá rõ.
Nguồn trích dẫn:  Ở đây

Đầu tiên thì ông bác sĩ cho rằng nợ xấu nằm ở ở thị trường bất động sản, do vậy cần giảm giá bất động sản để thanh toán nợ xấu. Đúng theo phương pháp duy vật biện chứng mà ông bác sĩ hay dùng thì mọi tranh luận về mặt logic thuần túy là vô nghĩa, chỉ có hiện thực mới là tiêu chuẩn của nhận thức, do vậy cần phải nhìn xem hiện thực ra sao.

Thị trường bất động sản ở Việt Nam sau nhiều năm phát triển đã hình thành hai cấp thị trường rất rõ ràng. Ở thị trường cấp một, nhà đầu tư bất động sản sau khi xây dựng xong sẽ bán cho đám lái buôn bất động sản, sau đó đám lái buôn bất động sản sẽ bán lại cho những người mua để sử dụng trên thị trường cấp hai. Giá bất động sản trên thị trường cấp một bao giờ cũng thấp hơn giá trên thị trường cấp hai, cho dù là có được núp dưới những danh từ dễ chịu hơn như giá ngoại giao hay giá ưu đãi hay giá quan hệ thì bất cứ nhà buôn nào cũng mỉm cười  và xoa tay trước nó vì họ biết rằng đó là giá bán buôn. Sở dĩ chủ đầu tư buộc phải bán cho đám lái buôn thì không phải bởi đám lái buôn có thân hình đẹp với ba vòng bốc lửa hay giọng nói ngọt ngào dễ nghe (mặc dù đôi khi họ cũng thích thế) mà bởi vì buôn bán với đám lái buôn giúp họ nhanh chóng bán sạch hàng hóa, thu lại cả tiền vốn lẫn lãi và bắt tay vào làm dự án mới hoặc đi mua sắm ở nước ngoài chẳng hạn.

Trên thị trường bất động sản như vậy là có ba người chơi là chủ đầu tư, lái buôn và người tiêu dùng. Vậy ai đang đang khiến ngân hàng lo lắng về khoản tiền của mình? Chủ đầu tư dự án bất động sản không phải là vấn đề của ngân hàng vì nếu họ có vay nợ ngân hàng thì đó phải là một kế hoạch chắc chắn và được giám sát chặt chẽ, giải ngân theo từng công đoạn. Các chủ ngân hàng khôn ngoan thường không thích cho các chủ đầu tư bất động sản vay nhiều, vì vậy các chủ đầu tư bất động sản láu cá thường xoay vốn theo nhiều cách khác nhau, cách phổ biến nhất là vay của người mua, tức là vay của đám lái buôn, trước đây người ta thấy dự án bất động sản thường được bán xong trước cả khi được khởi công. Tất nhiên cũng sẽ có trường hợp rủi ro gây nợ xấu, nhưng chắc chắn là sẽ không nhiều như trường hợp được tính tiếp theo.

Đám lái buôn luôn nhanh chân gom hết các dự án bất động sản để rồi sau đó bán lại cho người tiêu dùng kiếm lãi, nhưng để có thể gom được bất động sản nhanh chóng với quy mô lớn thì chỉ tiền túi thì không bao giờ đủ cả, cần phải xoay được vốn. Khi đối diện với chủ ngân hàng thì đám lái buôn luôn là những con người khả kính, các khoản vay luôn được đảm bảo bằng tài sản có giá trị chớ không phải là những lời có cánh như đám chủ đầu tư. Thế là đám lái buôn cứ việc thế chấp các tài sản bất động sản để lấy tiền mua vào các bất động sản khác, rồi lại tiếp tục thế chấp và mua. Ngân hàng luôn khôn ngoan trong việc nắm dao đằng chuôi bằng cách đặt hạn mức cho các khoản vay có tài sản đảm bảo, nhưng đó là đối với các cá nhân lẻ tẻ thôi, đối với các khách hàng khả tín có quan hệ tốt và đem lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng thì cần phải được biệt đãi, một số vụ án được phanh phui ra gần đây đã tiết lộ điều đó, để giữ chân đám lái buôn thì ngân hàng đã tạm thời quên cái quy định khôn ngoan kia đi.

Cuối cùng còn lại người tiêu dùng, nếu người tiêu dùng muốn vay tiền để mua nhà thì cần phải có nguồn trả đảm bảo cũng như tài sản thế chấp và tất nhiên sự khôn ngoan của ngân hàng sẽ được thực thi triệt để. Rất hiếm khi có nợ xấu ở phía người tiêu dùng.

Như vậy, trong số ba người chơi trên thị trường bất động sản thì đám lái buôn bất động sản sẽ là mối nguy lớn nhất của ngân hàng nếu thị trường bất động sản bị đóng băng, chính sự cạnh tranh giữa đám lái buôn với nhau đã đẩy việc sử dụng vốn ngân hàng lên tối đa.

Quay lại với ông bác sĩ thông thái với cái chính sách giảm giá bất động sản xuống thật thấp để xóa nợ xấu cho ngân hàng. Khi vừa nghe thấy thế, đám lái buôn bất động sản ngay lập tức reo to: "Chúng tôi tuyên bố phá sản!" Khi giá bất động sản giảm xuống thấp đến mức khiến cho giá trị của bất động sản nhỏ hơn khoản vay mà nó được dùng làm vật đảm bảo thì đám lái buôn sẽ không cần phải xoay sở các khoản tín dụng mới để đảo nợ nữa, cái gì đã thế chấp cho ngân hàng giờ sẽ là của ngân hàng. Đang vất vả nuôi đám nợ xấu để chờ tới lúc những khách hàng khả kính trả nợ thì giờ đây những khách hàng ấy quyết tâm không trả nợ nữa, ngân hàng sẽ bán tài sản thế chấp nhưng giờ đây những tài sản đó có giá trị thấp hơn khoản vay rất nhiều. Vậy là nợ xấu không những giảm đi mà còn tăng lên, thậm chí còn làm cho ngân hàng thua lỗ trầm trọng hơn nữa. Sự khôn ngoan sáng láng của ông bác sĩ thật là tai họa!

Có lẽ ông bác sĩ cũng lờ mờ hiểu được cái tai họa của mình, mặc dù đám lái buôn bất động sản sẽ hoan hô nhiệt tình sáng kiến của ông, cái sáng kiến giúp họ thanh toán nợ nần một cách hợp lý bằng cách đẩy gánh nặng ấy sang vai ngân hàng. Tất nhiên không thể thú nhận sự khôn ngoan của mình như vậy được thế nên ông quay ra vuốt ve giai cấp cần lao, công nhân và nhân viên nhà nước, với hy vọng họ ủng hộ mình. Ông kêu gọi bán nhà với giá thấp cho họ đồng thời cung cấp các khoản vay không lãi suất nữa, thật tốt đẹp làm sao, tất nhiên chỉ là trên các chữ cái mà thôi.

Đại bộ phận công nhân làm thuê rất cần một cái nhà tốt để ở, nhưng mua thì lại là chuyện khác, vì họ làm thuê nên cần phải tìm kiếm công việc ở nơi nào trả lương đủ sống và dễ dàng chuyển đến, mua nhà có nghĩa là buộc chặt họ vào một nơi cố định, điều đó đẩy họ tới cảnh phải chấp nhận bất cứ mức lương nào ở đó, những công nhân khôn ngoan sẽ trả lời ông bác sĩ thông thái rằng cảm ơn ông vì ý định tốt đẹp nhưng tôi tự biết cái gì là tốt cho mình. Nhân viên nhà nước thì thường làm việc ở một nơi cố định hơn, họ ít di chuyển nhưng trước khi ông bác sĩ đề nghị với họ về ưu đãi nhà ở thì các cơ quan mà họ làm việc đã cung cấp cho họ rồi, một phần trong số họ đã có nhà của mình và phần còn lại đang chờ tới lượt. Họ được mua rẻ thì tốt nhưng giảm giá đồng loạt trên thị trường để ai cũng mua được thì lại là chuyện khác vì điều đó có nghĩa là những đặc quyền đặc lợi gắn với vị trí nhân viên nhà nước sẽ bị hủy bỏ. Mức lương thực tế của họ bị giảm xuống theo sự biến mất của đặc quyền đặc lợi, họ phải sẽ đòi tăng thêm lương để đúng với mặt bằng thị trường. Vấn đề quỹ lương mà ông bác sĩ cho là giải quyết được lại đang đâm bổ vào ông để kể lể than khóc.

Sự phá sản thảm hại của ông bác sĩ đã phơi bày rõ ràng trước thực tế, nó chỉ tốt đẹp trong cái ảo tưởng của ông mà thôi. Nếu ông hỏi bất cứ người nông dân tự do nào về sự tham lam của nhóm cầm quyền, về việc lợi dụng hiến pháp và pháp luật thì người ta sẽ nói với ông rằng phần lớn nông dân có được mảnh ruộng canh tác là nhờ chế độ sở hữu ấy (chế độ sở hữu ấy đã cho phép người ta tước đoạt đất đai của địa chủ để chia cho nông dân), cái chế độ sở hữu đất đai được nêu trong hiến pháp ấy đã bảo vệ cho nông dân tránh khỏi cạnh tranh, tránh khỏi bị phá sản, chính chế độ sở hữu ruộng đất ấy đã tạo ra những người lính cường tráng nhất để chiến đấu bảo vệ xứ sở vững vàng trước các cuộc xâm lăng của nhiều đế quốc khác nhau, chính chế độ sở hữu ấy với tham lam của nhóm cầm quyền đã giúp những người nông dân đạt được mức sống mà bất cứ vua chúa giàu có nào trước đây cũng không mơ tới được. Còn nếu ông muốn nói rằng chế độ sở hữu ruộng đất không còn phù hợp với tình hình hiện tại nữa thì đó là chuyện khác, và chuyện ấy không thể phán xét dựa trên lòng tham hay quyền lực được.

Chuyện con lừa của ông bác sĩ đến đây có lẽ cần phải kết thúc, tất nhiên con lừa độc quyền cung cấp sự phục vụ cho ông bác sĩ và vì thế sự độc quyền của nó làm ông khó chịu, có lẽ ông nên kiếm thêm vài con lừa nữa, nhưng điều đó không đảm bảo rằng không có những điều khó chịu khác, thậm chí có thể là khó chịu hơn, ví dụ như lũ lừa hợp sức nhau làm làm cách mạng và bắt ông bác sĩ kéo cối xay hay thồ hàng chẳng hạn.






Dân trí thấp

Có một xứ nọ dân trí vốn thấp nên hay vi phạm luật lệ một cách ngớ ngẩn đại loại như đi xe vượt đèn đỏ, đi vệ sinh không rửa tay hoặc hất thức ăn thừa xuống gầm bàn. Các quan công bộc xứ ấy đặt ra đủ các loại luật lệ hình phạt từ nặng đến nhẹ để răn đe dân chúng rồi lại tuyên truyền ngày đêm nhưng mọi thứ chẳng hề suy suyển. Chiến đấu mãi với dân trí thấp mà không xong, các quan mẫn cán liền họp nhau lại bàn bạc suốt một tháng ròng rồi đưa ra quyết định, từ nay mỗi người dân khi làm bất cứ việc gì cũng sẽ có một quan đi kèm theo giám sát để trực tiếp ngăn ngừa việc vi phạm luật lệ từ gốc.

Sáng sớm hôm ấy vị quan giám sát dân thức dậy hơi muộn, có lẽ là do cái đồng hồ báo thức bị hỏng, ai có thể thức giấc đúng giờ mà không cần đồng hồ cơ chứ. Dân chúng đã đi làm cả, sắp đến giờ uống trà buổi sáng, vị quan giám sát nhẩm tính nếu chạy xe nhanh chút thì vừa kịp giám sát, vậy nên khi đến cái ngã tư vắng tanh có đèn đỏ thì không dừng lại mà tăng ga chút nữa để vượt qua.

Nhưng người tính không bằng trời tính, quan chạy được một đoạn thì gặp ngay cảnh sát giao thông vẫy vào kiểm tra vậy là phải xuất trình giấy tờ rồi, đợi xác nhận xe công vụ được ưu tiên. Cảnh sát giao thông vốn nổi tiếng mẫn cán và coi trọng thủ tục nên hết cả buổi sáng mới xong, đến gần giờ ăn trưa quan mới đến được chỗ dân, bao bực dọc trong người dồn nén đòi xả, quan chạy vội vào nhà vệ sinh. Khi quan đang trút cái bực dọc ấy ra thì chuông reo báo giờ ăn trưa, thế là quan ba chân bốn cẳng chạy ngay đến phòng ăn quên cả rửa tay, không đến kịp thì lại có kẻ hất thức ăn thừa xuống sàn nhà cũng nên.

Cuối cùng giờ ăn trưa cũng đã hết, dân chúng tranh thủ ngủ trưa, lúc ấy vị quan cần mẫn mới được thong thả ngồi ăn, làm quan đi trước thiên hạ ăn sau thiên hạ là vậy đấy. Quan vừa ăn vừa nhủ đúng là làm quan xứ dân trí thấp thật là khổ như trâu như bò vậy mà có ai hiểu cho đâu. Đúng lúc ấy có người vào báo, kẻ được quan giám sát xin phép về nhà sớm, quan liền vội vàng chạy ra, vô tình hất đổ cả đĩa thức ăn ra sàn nhà mà không biết, quan mà không nhanh chân không khéo kẻ kia lại chạy xe vượt đèn đỏ.

Kết thúc đợt triển khai giám sát trực tiếp ấy, các quan công bộc họp nhau lại, họp suốt một tháng, tài liệu cao hàng mét. Tổng kết lại thì thấy tình trạng thiếu ý thức mặc dù có thuyên giảm nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra nên các quan quyết định sẽ tăng gấp đôi số quan giám sát lên, đồng thời để giúp hai quan giám sát phối hợp nhịp nhàng thì đặt thêm một chức quan trưởng giám sát nữa, vậy là từ giờ mỗi người dân làm gì thì đều có ba quan theo dõi.

Có mấy người Sao Hỏa đi du lịch qua xứ ấy, thấy một người làm gì thì cũng có ba người theo dõi, liền hỏi tại sao. Sau khi được người ta giải thích cho, người Sao Hỏa gật gù nói quan xứ này thật biết chăm lo đến dân chúng, chả lười như quan xứ tôi, xứ tôi đến cái loại ngu như bò đi ra đường cũng chả có quan nào theo dõi chứ đừng nói đến người. Người ta lúc ấy mới bảo, các quan xứ ấy cũng đang tính đến chuyện giám sát cả các loại động vật ấy nữa, gì chứ cái đám ý thức kém hay không có ý thức là hay gây chuyện rắc rối lắm.


Wednesday, September 19, 2012

Cái lý của chuyên gia tài chính

Nếu bị kẻ nào đó lấy mất tờ 100 nghìn trong ví thì người ta sẽ la làng, tìm cho ra tên kẻ cắp nện cho một trận hay đưa tới đồn công an để kẻ đó biết thế nào là sự nghiêm minh của công lý.

Khi gửi 1 triệu vào ngân hàng và sau đó chỉ còn lại số tiền tương đương với 900 nghìn, tức là bị ăn cắp mất 100 nghìn thì đám chuyên gia tài chính lại có thể bình thản cho rằng điều đó là bình thường và hoàn toàn hợp pháp, thậm chí còn phải cảm ơn ngân hàng về điều đó. Tức là thay vì trừng phạt thì cần phải cảm ơn tên kẻ cắp vì đã ăn cắp tiền của người gửi.




Tội tổ tông của tiền

"Tiền đầu tư vào ngân hàng phải là đồng tiền sạch 12 đời", tại sao là 12 đời mà không phải 13 đời nhỉ? Nếu 12 đời sạch mà đời trước đó bẩn thì có khác gì với tiền bẩn? Theo đó 13 đời, 14 đời 15 đời cũng chưa đủ, thậm cần phải lần đến tận đời tổ tông của tiền để đảm bảo sự trong sạch.

Tổ tông của tiền cần phải sạch, nhưng nếu nó sạch thì người ta cần phải lo lắng gì về sự bẩn, như vậy rõ ràng là nó có thể bẩn. Khi mỗi đồng tiền ra đời đều đã mang vết bẩn từ tội tổ tông thì chỉ có một cách duy nhất để làm cho nó sạch đó là rửa tội. Thế là cần phải có lễ rửa tội cho tiền!

Giải pháp hợp lý theo đó để tiền luôn giữ được sự trong sạch là lập phòng xưng tội khắp mọi nơi, cắt đặt các cha cố để nghe tiền xưng tội sau đấy nhân danh chúa trời nào đó để xá mọi tội lỗi cho tiền.

Tất nhiên là các phòng xưng tội và cha cố cần phải có tiền để tồn tại, và đối với điều này thì tiền sạch hay tiền bẩn không phải là vấn đề quan trọng.

Tuesday, September 4, 2012

Sếp giỏi

Một doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam làm ăn lần đầu, trước buổi gặp thảo luận hợp đồng với sếp một doanh nghiệp nhà nước ông ta dò hỏi tay trợ lý về khả năng ngoại ngữ của vị sếp đó. Tay trợ lý trả lời: Ông cứ an tâm, sếp của tôi có thể nói từ "tiền lót tay" bằng sáu thứ tiếng khác nhau!

Saturday, September 1, 2012

Nhận thức duy vật biện chứng

Nhận thức duy vật biện chứng đi từ trực quan sinh động tới tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng tới trại cải tạo lao động vô thời hạn.

P/s: Việt Nam cần những cái trại cải tạo lao động như vậy cho giới trí thức nô lệ của chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Đây không phải là câu chuyện châm biếm về Gulag.