Showing posts with label Nhân quyền. Show all posts
Showing posts with label Nhân quyền. Show all posts

Friday, November 27, 2015

Mô hình kibbutz của Israel sụp đổ từ những năm 80 của thế kỷ trước

Hiện nay ở Việt Nam người ta có khuynh hướng ca tụng mô hình kibbutz của Israel là mô hình của chủ nghĩa cộng sản với những ưu điểm đáng mơ ước. Mặc dù vậy, mô hình kibbutz thường xuyên bị khủng hoảng và phải được chính quyền Israel cứu trợ. Sau một trăm năm tồn tại mô hình kibbutz đã hoàn toàn thay đổi, vào năm 2010 tờ Haaretz của Israel đã đưa tin như sau:  
Chỉ một phần tư số kibbutz là vẫn tiếp tục hoạt động như là hợp tác xã bình đẳng, trong khi phần còn lại đã bắt đầu trả lương cho các thành viên, một nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Về Kibbutz và Hợp Tác Xã của Đại học Haifa đã cho thấy điều đó. Ngay cả Deganya Aleph, kibbutz đầu tiên của Israel hiện giờ cũng hoạt động theo mô hình tư nhân hóa.
Một khảo sát khác trong năm nay đã cho thấy 70% số thành viên của kibbutz nhận lương tháng ít hơn 7.000 NIS, trong khi 11% nhận lương cao hơn 12.000 NIS. 188 kibbutz (72%) đang được vận hành theo mô hình tư nhân hóa “kibbutz mới”, tức là có các mức lương khác nhau cho các thành viên; 65 kibbutz (25%) do cộng đồng điều hành; 9 kibbutz (3%) được điều hành theo kiểu “tích hợp”. 
  
Đây là điều hiếm được nhắc đến ở Việt Nam, do ở Việt Nam người ta chỉ biết đến  mô hình kibbutz cộng đồng kiểu cũ và không biết gì về khủng hoảng cũng như sự thay đổi của mô hình kibbutz từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Cuộc khủng hoảng dẫn đến sự sụp đổ của mô hình kibbutz là vào năm 1985, từ đó đến nay mô hình kibbutz có vẻ như không hồi phục được nữa và bắt đầu đi vào con đường tư bản hóa (tức là thuê lao động). Để hiểu thêm về quá trình sụp đổ của kibbutz xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch chương 6 "Sự sụp đổ năm 1985" trong cuốn sách "The Kibbutz: Awakening From Utopia" (Kibbutz: Thức Dậy Từ Sự Không Tưởng) của Daniel Gavron do nhà xuất bản Rowman&Littlefield phát hành năm 2000. 

Sự sụp đổ năm 1985

Khi Aharon Yadlin, cựu bộ trưởng giáo dục, được kibbutz Hatzerim giải phóng vào tháng 6 năm 1985 để tái hội nhập vào đời sống công cộng trong vai trò tổng thư ký của Liên Minh Kibbutz Thống Nhất (UKM), những người tiền nhiệm cho ông biết rằng đang nắm giữ doanh nghiệp mạnh nhất của nhà nước Israel. UKM là liên minh của kibbutz Meuhab và Ihud, được thành lập vào năm 1980. Với 167 khu định cư, đại diện cho 2/3 số kibbutz của quốc gia. Họ đảm bảo với ông đây là công việc lớn hơn, tốt hơn và ổn định hơn bất cứ công việc nào khác, kể cả so với các ngân hàng.

Mười ngày sau, những người quản lý ngân khố của Liên Minh đến chỗ ông trong hoảng loạn, thốt ra những lời định mệnh “Balas không thể trả lại tiền của chúng ta.” Họ nói tới David Balas, một cố vấn đầu tư, “Quỹ UKM” đã ủy thác cho người này 100 triệu dollar. Đó là thời kỳ lạm phát bùng nổ và những người phụ trách tài chính của UKM cảm thấy có nghĩa vụ phải đảm bảo an toàn cho các quỹ của họ khỏi sự tổn thất giá trị, nhưng họ đã đi quá xa. Một mặt, đó là chuyện bảo vệ tiền trước lạm phát. Mặt khác đó là chuyện tìm kiếm các lợi nhuận phi lý ở những kẻ hở của pháp luật, trong những cái được gọi là “thị trường xám”. Ban đầu các khoản đầu tư chỉ ở quy mô nhỏ, nhưng sau đó khi thu nhập kỳ vọng quay về, quy mô đầu tư được gia tăng. 

Người tiền nhiệm Eli Zamir của ông ở Maagan Michael (một kibbutz liên quan tới Hatzerim mà chúng ta sẽ đề cập tới trong bài này) hồi tưởng lại rất khác.

“Có thể là mười ngày trước khi Aharon biết về Balas,” ông nói.

“Mọi thứ kéo dài sáu tháng và chúng tôi đã kêu đến cảnh sát. Đằng nào cũng vậy, chúng tôi thực tế đã thu hồi được 80% số tiền ủy thác cho Balas.”

Rất đáng phải hỏi rằng tại sao UKM vay một số tiền lớn như vậy. Zamir giải thích rằng vấn đề này liên quan đến việc phe Likud cánh hữu lên nắm quyền vào năm 1977. Sự tiến triển đó là đỉnh điểm trong sự thay đổi đáng chú ý của giá trị và ưu tiên quốc gia, ông tin rằng, mặc dù vậy các lãnh đạo của kibbutz đã không nhận ra vào lúc đó. Họ cho rằng chiến thắng trong bầu cử của Likud là một sự ngẫu nhiên lịch sử và sẽ không kéo dài. Cùng lúc đó, các kibbutz đã lớn lên và phát triển, vì vậy họ cần đến tiền. Quỹ phát triển của UKM đã bắt đầu vay tiền trên quy mô ngoài dự tính. Mặc dù tiền thường được chuyển cho các kibbutz cũng như các hợp tác xã và nhà máy của kibbutz địa phương, đôi khi các khoản vay cũng được đảm bảo, nhưng sự đầu tư thực sự vẫn chưa được cần đến.

Zamir cho biết về việc UKM không biết cách bảo vệ tiền trước lạm phát. Không có ngân hàng nào hữu ích, ngay cả ngân hàng Hapoalim (ngân hàng Công Nhân, lúc đó thuộc về Liên Đoàn Lao Động Histadrut) cũng chỉ cung cấp các biện đảm bảo tiền chống lại lạm phát nhưng không chống lại sự mất giá. Các lãnh đạo UKM viện tới Balas trong sự tuyệt vọng, hy vọng rằng ông ta sẽ là cứu cánh của họ trong cả việc chống lại lạm phát cũng như chống mất giá tiền.

Chỉ hai năm trước khi Liên Minh Kibbutz mất tiền vì khờ dại và đầu cơ vô đạo đức, một số kibbutz và các thiết chế tài chính của họ đã tổn thất lớn khi cổ phiếu tại các ngân hàng chủ chốt của Israel, vốn bị thổi giá, bị mất giá mạnh. Vào lúc đó, chính quyền đã giải cứu họ, cũng như đã cứu thoát hàng ngàn cá nhân người Israel, bằng cách nắm quyền sở hữu các ngân hàng đang gặp rắc rối. 

Vào lúc ấy thì không có nhiều thất bại trong đầu tư bị lên án nhưng sự thật là các kibbutz đều đã đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nguyên nhân bổ sung cho sự quan ngại này là những người quản lý tiền của kibbutz đã tiến hành đầu tư mà không được ủy quyền thích hợp. Giờ đây, với “vụ Balas”, rõ ràng là các viên chức tài chính đã không học được gì mà vẫn tiếp tục hoạt động đáng ngờ của họ.

Mặc dù nhiều thành viên kibbutz bị sốc khi họ biết điều gì xảy ra, vụ Balas và tổn thất cổ phiếu ngân hàng chỉ là phần nổi của tảng băng. Nếu chỉ có tiền tổn thất trong đầu tư thì điều đó có thể xử lý tương đối dễ dàng. Tuy vậy, sự mạo hiểm đó là triệu chứng của thứ gì đó nghiêm trọng hơn: Liên Minh Kibbutz - Kibbutz Artzi cũng như UKM và nhiều kibbutz đơn lẻ khác – đã vay tiền trên quy mô lớn mà không có gì đảm bảo là họ có thể trả lại. 

Ban đầu các khoản vay của kibbutz và sự hợp tác của họ như quỹ UKM không kết nối với nhau và khi tỷ lệ lạm phát gia tăng thì họ dễ dàng trả lại chúng. Mặc dù vậy, thói quen đã trở thành sự nghiện ngập và khi ngay cả các khoản vay gắn với chi phí sinh hoạt thì các kibbutz, quỹ của họ, các nhà máy địa phương và hợp tác xã bắt cũng vay mượn. Không có sai lầm nghiêm trọng trong chuyện vay mượn, nếu họ đầu tư vào các chi nhánh nông nghiệp mới, đó sẽ là hành vi hoàn toàn chấp nhận được. Không may mắn là đa số tiền được đầu tư vào các biện pháp để cải thiện mức sống của các thành viên kibbutz. Vào những năm 1970, nhiều kibbutz đã mang con cái về nhà ngủ, một phần lớn số tiền vay mượn được chi ra để mở rộng các căn hộ cá nhân nhằm đáp ứng sự thay đổi này. Các khoản chi tiêu khác là nhà ăn, bể bơi, phòng tập thể thao, nhà hát, sân bóng đá và thư viện.

Vào đầu những năm 1980, lạm phát ở Israel vượt qua mức 400% và có nguy cơ tăng cao hơn. Vào năm 1985, chính quyền giải quyết lạm phát bằng các biện pháp quyết liệt và đưa nó vào tầm kiểm soát. Điều này đạt được bằng cách áp dụng một lần việc giảm giá 15% đồng tiền của Israel và cố định tiền lương cũng như giá cả, trong khi thả nổi lãi suất rất cao. Mặc dù chiến thuật có hiệu quả và tỷ lệ lạm phát giảm nhanh nhưng hàng trăm doanh nghiệp đã phá sản.

Phản ứng đầu tiên của Liên Minh Kibbutz chứa đựng sai lầm cơ bản: Họ yêu cầu ngân hàng giãn nợ. Yêu cầu này sẽ có ý nghĩa nếu như họ có phương tiện để trả nợ trong thời gian dài hơn, nhưng đa phần là họ không có những phương tiện đó. Hơn nữa, khi lãi suất tăng vọt, khoản nợ của kibbutz cộng đồng nhanh chóng tăng lên 5 và 6 tỷ dollar. Họ không có cách nào trả nợ.

Không chỉ có kibbutz trong tình trạng này. Các làng hợp tác xã moshav và nông dân cá thể cũng đối mặt với vấn đề tương tự, cùng với hàng trăm doanh nghiệp nhỏ khắp đất nước, nhưng kibbutz đặc biệt dễ tổn thương, khi họ lạm dụng vốn và không có tài sản thế chấp. Toàn bộ các doanh nghiệp kibbutz đều dựa trên tín dụng. Nhiều doanh nghiệp tư nhân có thể thoát khỏi khủng hoảng do việc đóng băng tiền lương là biện pháp cắt giảm chi tiêu hiệu quả, nhưng kibbutz không trả lương theo nghĩa thông thường. Sự mất giá của tiền đã gia tăng chi phí sinh hoạt của các thành viên, có nghĩa là mức sống của nhiều kibbutz đã giảm mạnh.

Liên Minh Kibbutz có hai thứ thuận lợi: chính quyền không muốn sự sụp đổ hàng loạt của các kibbutz (hay moshavim và các nông dân cá thể), ngân hàng không thu được gì khi tịch biên các tài sản không sinh lợi. Ngân hàng sẽ làm gì với việc thu hoạch sữa thua lỗ, một nhà ăn đang xây dở, hay một nhà máy đang gặp khó khăn? Hơn nữa, ngân hàng cũng có trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Nếu như các kibbutz đã hành động cực kỳ ngu ngốc thì sự ngu ngốc đó đã được ngân hàng dung túng. Các kibbutz không trả nợ; ngân hàng đã tiếp tục gia hạn cho họ. Do vậy, con đường duy nhất để thoát khỏi sự điên rồ này là thỏa thuận ba bên giữa chính quyền, ngân hàng và kibbutz.

Tiến sĩ Shimon Ravid, hiện nay là giám đốc điều hành hỗn hợp của ngân hàng Hapoalim, ngân hàng lớn nhất của Israel, từng là giám đốc tài chính của Cục Do Thái, chịu trách nhiệm về định cư nông nghiệp ở Israel, khi quy mô của cuộc khủng hoảng kibbutz (cũng như các khu định cư khác) trở nên rõ rệt. Shimon Peres là thủ tướng của Israel, lãnh đạo của chính quyền thống nhất quốc gia, đã áp đặt gói giải pháp kinh tế chống lạm phát, ông ta bổ nhiệm Ravid làm cố vấn đặc biệt về chương trình khôi phục lĩnh vực nông nghiệp.

Vào năm 1986, cuộc khủng hoảng vẫn còn trong trứng nước và chỉ có các hợp tác xã moshav và 36 kibbutz đối mặt với nợ nần không thể thanh toán.

Ravid đưa ra một gói giải pháp kết hợp giữa xóa nợ có cân nhắc và giãn nợ. Theo các điều khoản của “Kế Hoạch Ravid”, chính quyền sẽ cung cấp cho ngân hàng khoản tín dụng cần thiết nhưng không bao hàm một nghĩa vụ tài chính trực tiếp. Vào lúc mà Ravid trình bày đề xuất, một cuộc bầu cử đã diễn ra, Yizhak Shamir của đảng Likud cánh hữu trở thành thủ tướng, nhưng ông ta và bộ trưởng bộ tài chính vẫn ủng hộ kế hoạch. Không may mắn cho các kibbutz là một số lượng lớn đảng viên của Likud thì không. 

Mặc dù chính quyền, ngân hàng và kibbutz cũng như moshav đồng ý với gói giải pháp, một nhóm thành viên Likud của Knesset, quốc hội Israel, đã bác bỏ Kế Hoạch Ravid tại Ủy Ban Tài Chính của Knesset. Bất chấp sự chấp thuận của chính phủ, một số thành viên ủy ban đã nói thẳng với Ravid rằng họ không quan tâm tới việc bảo lãnh cho các khu định cư, họ vốn coi đó là một phần thiết chế của đảng Lao Động. Do vậy, Kế Hoạch Ravid trở thành dĩ vãng, một kế hoạch giải cứu tham vọng hơn vào ba năm sau được đặt ra. Ravid vẫn tiếp tục thuyết phục mọi người rằng kế hoạch của ông ta sẽ có hiệu quả và chi phí vào lúc đó sẽ là tương đối thấp. Ông khẳng định rằng kế hoạch đã bị bác bỏ vì những lý do chính trị nhỏ bé. Khi kế hoạch giải cứu được triển khai, nó khiến đất nước tiêu tốn rất nhiều tiền. 

Tiến sĩ Ariel Halperin, người chịu trách nhiệm chính về kế hoạch khôi phục, Thỏa Thuận Kibbutz 1989, có quan điểm triết lý hơn. Cần phải ghi nhận rằng Thỏa Thuận đã được bổ sung hai lần – vào năm 1996 và năm 1999 – ông cho rằng cuộc khủng hoảng lớn và phức tạp lớn tới mức chính quyền, ngân hàng và kibbutz cần thời gian để hiểu rõ các khuynh hướng của nó. Theo ý kiến của ông ta, đó là vấn đề phải giải quyết theo nhiều bước.

Trong khi đó vấn đề nợ nần của moshav được giải quyết bằng lập pháp, nhưng nợ của kibbutz thì vừa lớn hơn lại vừa phức tạp hơn. Vấn đề này được giải quyết (như Ravid trước đây đã đề xuất) bằng thỏa thuận tự nguyện giữa chính quyền, ngân hàng và các kibbutz. Tuy vậy, cho đến lúc đó vấn đề vẫn quá phức tạp để xử lý. Nợ tập thể đã gia tăng mạnh và nhiều kibbutz bị ảnh hưởng.

Một ủy ban thỏa thuận kibbutz độc lập được chính quyền, ngân hàng và kibbutz thiết lập để giám sát thỏa thuận, được một doanh nghiệp phi lợi nhuận hỗ trợ, với một nhóm các nhà kinh tế, kế toán và luật sư. Đó là nhóm đã tạo ra Thỏa Thuận Kibbutz năm 1989, hiện giờ tất cả các kibbutz của quốc gia đều tham gia – không chỉ 36 kibbutz trước kia. Thỏa Thuận Kibbutz là một khuôn khổ cho hàng trăm thỏa thuận khác. Ủy ban chịu trách nhiệm về các đầu vào kinh tế, nhiều giao dịch tài chính cũng như các chương trình khôi phục riêng lẻ của các kibbutz khác nhau. Ủy ban cũng đóng vai trò là trọng tài khi mâu thuẫn xuất hiện giữa ba bên. 

Cả Ravid và Halperin đều nhấn mạnh rằng sự phức tạp của vấn đề là kết quả của hệ thống đảm bảo qua lại không được định trước, hệ thống chi phối các hoạt động kinh tế của kibbutz. Hệ thống bắt nguồn từ những năm 1920 và 1930, khi kinh tế Do Thái được xây dựng chủ yếu bởi phong trào lao động ở Palestine.

Vào năm 1920, Liên đoàn Lao động Do Thái Histadrut được các nhóm và đảng lao động tồn tại hồi đó thành lập, bao gồm cả các đại diện của kibbutz, để thiết lập một “Cộng Đồng Công Nhân Do Thái” ở Palestine. Ban đầu nó là một tổ chức điều phối của các hội đồng công nhân và công đoàn, sau đó nhanh chóng vươn ra với phong trào thanh niên, câu lạc bộ thể thao, chi nhánh tiếp nhận người nhập cư và trao đổi lao động. Trước khi Histadrut tham gia vào an sinh xã hội rất lâu, họ đã có quỹ ốm đau Kupat Holim, do các công nhân nông nghiệp thành lập, cũng như các quỹ hưu trí, thất nghiệp, tàn tật, góa bụa và mồ côi.

Tại đại hội thứ hai vào năm 1923, Histadrut thiết lập Hevrat Ovdim (Doanh Nghiệp Công Nhân) để tổ chức các hoạt động kinh tế của cộng đồng công nhân dựa trên sự hỗ trợ qua lại và trách nhiệm. Mọi thành viên của Histadrut cũng là thành viên của Hevrat Ovdim, sở hữu toàn bộ các thể chế hợp tác và tài chính của Histadrut.

Trong số các doanh nghiệp của Histadrut có ngân hàng Hapoalim (Ngân Hàng Công Nhân); công ty xây dựng Solely Boneh, thành lập Koor Industries cho các nhà máy của họ; công ty nhà ở Shikun Ovdim; công ty bảo hiểm Sneh; hiệp hội marketing Tnuva; hợp tác xã mua sắm Hamashbir. Vận tải công cộng được các hợp tác xã xe bus Dan, Egged và Mekasher đảm nhiệm.

Tất cả các công nhân nông nghiệp tham gia công đoàn, bao gồm cả các thành viên kibbutz, là thành viên của chi nhánh Hevrat Ovdim, Nir Shitufi, vốn hướng tới mục đích khuyến khích nông nghiệp hợp tác, hiện đại hóa nông nghiệp, đào tạo công nhân mới cũng như mở rộng hỗ trợ tài chính cho nông dân. Trong quá trình phát triển, Nir Shituri trở thành công ty mẹ, đại diện cho kibbutz và moshavim trong việc cho thuê đất và vay nợ, tránh các thỏa thuận đơn lẻ. Trong nhiều năm, Histadrut và các doanh nghiệp của nó đã trở thành sức mạnh kinh tế thống trị ở nhà nước Do Thái đang trỗi dậy. 

Tuy vậy, những cánh tay tài chính của phong trào Zionist – Cục Do Thái cho Palestine, Quỹ Quốc Gia Do Thái, Quỹ Foundation – không phải là một phần của Histadrut, chúng hợp tác với nhau và dần dần được điều hành bởi cùng một đội ngũ nhân sự. Tổng thư ký của Histadrut, David Ben-Gurion, từng được bầu làm chủ tịch của Cục Do Thái và trở thành thủ tướng đầu tiên của Israel. Do vậy, Cục Do Thái và Histadrut là những phôi thai gắn kết chặt chẽ với nhau, mà từ đó nhà nước sinh ra, mặc dù chúng tiếp tục tồn tại sau khi nhà nước được thiết lập. Do vậy, liên minh do đảng Lao Động Mapai của Ben-Gurion lãnh đạo đã điều hành Israel trong suốt ba thập kỷ đầu tiên.

Đất nước Israel bị một nền kinh tế lao động thống trị, với khuynh hướng hợp tác xã mạnh mẽ. Mặc dù các kibbutz luôn chỉ là thiểu số trong xã hội, hầu hết chỉ chiếm 3% dân số, song chúng hoạt động trong môi trường cực kỳ thuận lợi. Vì lý do đó chúng đã thịnh vượng; vì lý do đó chúng được hỗ trợ bất cứ khi nào có vấn đề xuất hiện; vì lý do đó mà cuộc bầu cử năm 1977 là một cú sốc đối với Liên Minh Kibbutz. 

Cũng phải nói một cách công bằng rằng năm 1977 đã trở thành đỉnh cao của một quá trình trong xã hội Israel, xác nhận sự thay đổi các quan niệm và giá trị về kinh tế và xã hội của Israel. Quá trình này được đảng Lao Động khởi đầu vào những năm 1960, khi họ thúc đẩy công nghiệp hóa và khuyến khích đầu tư tư nhân. Khi đảng Lao Động quay lại nắm quyền sau đó, bất kể là dưới dạng liên minh thống nhất quốc gia hay tự bản thân họ, họ là đảng theo đuổi “thị trường tự do” và chỉ sẵn sàng hỗ trợ kibbutz hơn đảng Likud. Từ lâu, hợp tác xã không còn là điều tốt đẹp. Kibbutz không thể kêu gọi tình cảm từ lý tưởng và Ủy Ban Thỏa Thuận Kibbutz xử lý cuộc khủng hoảng đúng theo khái niệm kinh doanh. 

Ưu tiên thứ nhất của ủy ban là đối đầu với hệ thống bảo lãnh qua lại, vốn không thích hợp vào những năm 1980 và theo nhiều cách bắt nguồn từ những năm 1930. Tất các các kibbutz của Liên Minh Kibbutz Thống Nhất đều là thành viên của Quỹ UKM. liên Minh Kibbutz Artzi có quỹ riêng. Bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp kibbutz địa phương, bao gồm các nhà máy, lò mổ, nhà máy đông lạnh, doanh nghiệp chế biến thực phẩm và các kho hàng. Các doanh nghiệp địa phương và quốc gia kết nối với nhau và với từng kibbutz riêng biệt bằng một hệ thống bảo lãnh qua lại, có nghĩa là bên cạnh khoản nọ của bản thân, mọi kibbutz đều có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ tập thể khổng lồ. 

Ủy ban tìm cách chặn “con bạch tuộc” này lại, cho phép mỗi kibbutz tự xử lý vấn đề kinh tế của bản thân. Sau một thời gian, điều đó thành công, rõ ràng là thỏa thuận năm 1989 có thể không được triển khai. 130 kibbutz – hơn một nửa – đã không thể trả các khoản nợ đã được giãn. Vào năm 1996, một Thỏa Thuận Kibbutz bổ sung được đàm phán và vào năm 1999 một điều khoản bổ sung đã được thông qua.

Thỏa thuận sau này đã đặt ra vấn đề về đất đai trong thỏa thuận, khai thác thực tế là 55 kibbutz đang nắm giữ những vùng đất có giá trị ở trung tâm của đất nước. Nó cho phép sự xóa nợ cho các kibbutz nằm ở khu vực hẻo lánh, giãn nợ cho các kibbutz nằm ở khu vực trung tâm để “bán lại” một phần đất đai của họ cho chính quyền, đất đai đó sẽ dùng để bù đắp cho các ngân hàng.

Thỏa thuận về đất đai đã gây ra xung đột đáng kể ở Israel, do hầu hết các kibbutz thuê đất đai quốc gia và thỏa thuận thuê đất của họ quy định rằng nếu họ không cần đất đai cho nông nghiệp hay công nghiệp thì họ phải trả lại đất đai cho quốc gia. 

Nhiều tin tức xuất hiện trên truyền thông về việc “cướp bóc đất đai quốc gia”. Mặc dù vậy, ủy ban phủ nhận rằng đề xuất của họ là quá ưu ái đối với các kibbutz. Ủy ban đã quyết định công nhận quyền của các kibbutz, chiếm hữu đất đai trong thời hạn từ 40 đến 60 năm và đưa ra một nhượng bộ. Đáng chú ý là vấn đề có thể được đưa ra tòa án để xem xét xem việc chiếm hữu của kibbutz có được coi là trao quyền cho họ không, nhưng không có bất cứ người cáo buộc nào thử làm như vậy. Cũng cần phải chỉ ra rằng một số kibbutz và moshav – trong đó có Givat Brenner mà chúng ta đã nhắc tới – mua đất bằng tiền của họ trước khi quốc gia Israel được thành lập và sau đó đã hiến đất cho Quỹ Quốc Gia Do Thái. Số đất đai đó trở thành đất đai của nhà nước. Trong trường hợp của Givat Brenner thì dĩ nhiên là từ cướp bóc trở thành lố bịch. 

Mặc dù còn quá sớm để nói rằng cuộc khủng hoảng nợ của kibbutz đã qua đi, song chúng ta có thể nói rằng sau các thỏa thuận 1989, 1996 và 1999, nó đã được kiểm soát. Một số kibbutz vẫn tiếp tục có vấn đề tài chính nghiêm trọng, nhưng rõ ràng là chúng sẽ được xử lý cùng với thời gian. Tuy vậy, vết thương đã tàn phá lối sống kibbutz trong hơn 15 năm qua có thể không hàn gắn được. Ở nhiều kibbutz, sự tin tưởng giữa kibbutz và các thành viên riêng lẻ hầu như đã đổ vỡ. Ngay cả khi không có cuộc khủng hoảng, kibbutz chắc chắn cũng nằm trong một quá trình thay đổi, nhưng cuộc khủng hoảng đã mang tới một động lực lớn cho quá trình đó, khiến cho kibbutz mất kiểm soát và gây ra những hoài nghi chết chóc về sự sống sót của kibbutz trong vai trò một thể chế.

Ở các kibbutz và quy mô quốc gia, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra. Có nhiều người tin rằng kibbutz là nạn nhân của các vấn đề kinh tế của Israel. Họ lập luận rằng những chính sách khắc nghiệt được áp dụng để kìm hãm lạm phát năm 1980 đã phá vỡ các kibbutz. Có nhiều người coi cuộc khủng hoảng nợ của kibbutz là “giả tưởng” xuất phát từ sự phi điều tiết ngân hàng đối với lãi suất cao bất hợp pháp. Đây là điều không thể chứng minh được và thậm chí những sự cáo buộc đó có chút ít sự thật nào thì kibbutz phải chịu trách nhiệm về việc không nhận thức được tình hình lúc đó. Ít nhất thì họ cũng phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán cẩu thả.

Đối với Aharon Yadlin, cựu chủ nhiệm văn phòng chính phủ và là thành viên của một kibbutz thịnh vượng, câu trả lời rất đơn giản: Người quản lý tiền của kibbutz phải bị lên án vì đã đưa đa số các kibbutz đến bờ vực sụp đổ. Mặc dù Yadlin không có ý định trở thành chuyên gia kinh tế, ông ta đã trích dẫn ví dụ về kibbutz của mình, Hatzerim, vẫn tiếp tục đầy tin tưởng vào các nguyên tắc bình đẳng, không bao giờ vay nợ, không bao giờ thuê lao động từ bên ngoài và mong đợi các thành viên làm việc chăm chỉ. Ông ta khẳng định Hartzerim là bằng chứng tích cực cho thấy hệ thống kibbutz có hiệu quả. 

Một ví dụ cực đoan khác là Israel Oz, quan chức cao cấp của bộ tài chính thời đó, người đã tham gia soạn thảo Thỏa Thuận Kibbutz theo lệnh của chính quyền. Oz coi kibbutz là “một sự hoang tưởng về kinh tế” chỉ có thể sống sót chừng nào còn được hỗ trợ. Ông ta khẳng định, ngay khi kibbutz xuất hiện trong thế giới thực thì 80 đến 90% số chúng không thể chi trả cho lối sống của chúng. Ông ta khinh rẻ những người tin tưởng như Yadlin, những người cho rằng kibbutz truyền thống có thể sống sót và thịnh vượng.

“Có bao nhiêu Hatzerim ở đây?” ông ta hỏi. “Thậm chí không đến một tá!” Hệ thống dựa trên sự phụ thuộc, Oz tuyên bố. Các thành viên của kibbutz hoàn toàn phụ thuộc vào kibbutz. Họ thậm chí không trông nom con cái. Họ không chịu trách nhiệm về đời sống hàng ngày và ra quyết định giống như mọi người khác. Mọi thứ đều được các thể chế của kibbutz làm cho họ. Mặc dù Oz thừa nhận mọi xã hội đều phải trợ cấp cho nông nghiệp song ông ta phân biệt giữa hỗ trợ một nông dân cá thể với “chi trả cho một nhà trẻ em và nhà ăn tập thể, thứ tiêu tốn một khoản tiền khủng khiếp chỉ để sưởi ấm trong mùa đông hay chạy máy điều hòa nhiệt độ vào mùa hè.”

Kibbutz là công cụ hữu hiệu để thử nghiệm, thiết lập biên giới và xây dựng một quốc gia mới, Oz nói, nhưng nó không bao giờ là lối sống khả thi trong các điều kiện bình thường. Ông ta hiện là nhà tư vấn, cố vấn cho các kibbutz về sự thay đổi lớn trong cấu trúc kinh tế của họ, về vấn đề phân bổ tài sản cho các thành viên và cấu trúc tiền lương theo nguyên lý “tặng thưởng cho nỗ lực”.

Thực tế cho thấy cả Yadlin và Oz đều quá trớn. Trong khi chỉ có rất ít kibbutz là giàu có như Hatzerim, khoảng 50 kibbutz thành công cho thấy hệ thống có hiệu quả. Cùng lúc đó, hơn hai trăm kibbutz ở nhiều cấp độ khủng hoảng khác nhau cho thấy có sai lầm nghiêm trọng. Hầu hết các thành viên kibbutz chín chắn đều thừa nhận rằng kibbutz, đã tồn tại trong một thời đại khác, phải thay đổi một cách thích hợp nếu như chúng muốn sống sót trong thế giới hiện đại. 

Chủ ngân hàng Shimon Ravid không chuẩn bị để xóa sổ kibbutz trong vai trò hệ thống tổ chức kinh tế. Ông đồng ý rằng ý tưởng ban đầu của kibbutz Hameuhad vào những năm 1920 về việc tạo ra quốc gia Do Thái mới như là một kibbutz lớn là phi thực tế, do lối sống kibbutz không phù hợp với đa số. Ông cho rằng, điều này không có nghĩa là các đơn vị thiểu số dựa trên nguyên tắc cộng đồng không thể tồn tại. Các kibbutz đã tồn tại suốt hơn một nửa thế kỷ. Đó là khu vực nông nghiệp hiệu quả nhất của Israel và cũng hoạt động hiệu quả hơn trung bình trong công nghiệp.

Theo quan điểm của Ravid, cấu trúc kibbutz rất phù hợp với công nghệ cao, nhưng các liên minh đã không may mắt khi đạt đến đỉnh cao trong “thời đại plastic” vào những năm 1960. Khi thời kỳ công nghệ cao đến vào những năm 1980, hầu hết các kibbutz không còn năng lượng và tài nguyên để chiếm lĩnh công nghệ cao nữa. Cuộc khủng hoảng của những năm 1980s khiến cho các thành viên của kibbutz không hài lòng và phá hủy những thứ cho đến nay trở thành các năng lực đáng giá đối với sự thích nghi. Ravid đồng ý rằng sự thay đổi nghiêm túc trong hệ thống sẽ rất cần thiết, nhưng nếu không có khủng hoảng kinh tế, chúng sẽ được triển khai theo một cách có trật tự hơn.

Trả lời những cáo buộc rằng kibbutz luôn được các tổ chức định cư và chính quyền hỗ trợ, Ravid ghi nhận rằng mọi quốc gia đều phải trợ cấp cho khu vực nông thôn: Hoa Kỳ chi hàng tỷ dollar trợ cấp cho nông nghiệp; Chính quyền Na-uy đổ tiền vào các khu vực miền bắc; Người Đức hỗ trợ cho các vườn nho dọc bên bờ sông Rhein, ngay cả khi chúng không bao giờ trở nên cạnh tranh. 

Ravid nói, “Câu hỏi căn bản là có phải anh muốn chỉ có các thành phố với vùng ngoại vi bị bỏ mặc, hay anh muốn duy trì một vùng nông thôn lành mạnh có thể mang lại cho chúng ta cuộc sống tốt hơn?” Nếu các kibbutz không sống sót dưới một số dạng, điều đó sẽ khiến kho bạc quốc gia tổn thất nhiều hơn trong dài hạn và toàn bộ xã hội Israel cũng sẽ phải gánh chịu thiệt hại. Ravid nói. 

Ariel Halperin đã đắm chìm trong vấn đề kể từ khi ông trở thành chủ tịch của Ủy Ban Thỏa Thuận Kibbutz vào năm 1992. Ban đầu Halperin, người được sinh ra và lớn lên trong một kibbutz, bị thuyết phục rằng với các điều chỉnh tương đối nhỏ và kế hoạch khôi phục kinh tế tinh tế, lối sống kibbutz có thể tồn tại nguyên vẹn. Sau đó ông nhận ra rằng vấn đề nghiêm trọng hơn và cần phải có những sự thay đổi căn bản. 

Halperin chỉ ra một số cách mà theo đó hầu hết các kibbutz đang suy sụp, ngay cả khi vấn đề nợ nần của họ được giải quyết. Về mặt tổng thể, kinh tế của kibbutz đang trì trệ và điều này diễn ra ngay cả trong các thời kỳ mà kinh tế Israel tăng trưởng khá nhanh. Năng suất tính theo đầu người của các thành viên kibbutz thấp hơn trung bình, dẫn đến mức sống thấp. Dân số kibbutz đã giảm theo khía cạnh tuyệt đối kể từ cuối những năm 1980, Trên hết, hệ thống việc làm đã sụp đổ.

Như chúng ta đã thấy, các kibbutz đã sử dụng công nhân bên ngoài trong nhiều năm, nhưng cho đến gần đây thực tế này mới chủ yếu giới hạn trong các nhà máy. Nguyên lý tự lao động chủ yếu được duy trì trong các dịch vụ và nhiều nhánh nông nghiệp. Mặc dù vậy, ngày nay công nhân được thuê có thể thấy ở mọi nhánh của kibbutz, họ thay thế các thành viên thích làm công việc bên ngoài. Người ngoài làm việc ở nhà trẻ em, trường mẫu giáo và trường học, nhà bếp, chuồng bò, chuồng gà, vườn cây và cánh đồng. Đáng chú ý là họ thường xuyên phục vụ như là các quản lý cấp cao trong các nhà máy của kibbutz, đôi khi nhận được phần tiền lương rất lớn. Chúng ta đã thấy ví dụ này ở Givat Brenner, với các giám đốc điều hành được thuê. 

Mặc dù những sự phát triển này có thể khiến cho những người sáng lập kibbutz bật dậy khỏi mộ song chúng không hoàn toàn là gây hại.

Một trong những ý tưởng của kibbutz mà Yehuda Harel đưa ra là làm cho kibbutz trở nên hấp dẫn hơn bằng cách cho phép cách thành viên tự do lựa chọn công việc. Việc buộc các thành viên chịu trách nhiệm về khoản thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của họ có thể gia tăng năng suất lao động, như chúng ta đã thấy trong trường hợp của Hasolelim. Nhưng Halperin cũng thấy rằng hiện nay về tổng thể thì các thành viên làm việc ở ngoài kiếm được ít hơn so với phí tổn mà kibbutz dùng để thay thế họ. Bản kết toán là âm. Các quản lý cấp cao kiếm được khoảng 100.000 dollar mỗi năm từ kibbutz mà họ làm việc; rất ít thành viên kibbutz kiếm được chừng đó tiền.

Halperin tin rằng công việc quan trọng nhất mà các kibbutz phải thực hiện là tìm ra cơ chế khôi phục sự tin cậy giữa các thành viên kibbutz và kibbutz của họ. Sự biến đổi này cần đến một sự thay đổi cấu trúc căn bản bởi vì thành viên ở kibbutz truyền thống không có gì ngoài lời hứa là kibbutz sẽ luôn luôn chăm sóc họ và gia đình. Mặt khác, mặc dù các thành viên được kỳ vọng làm việc ở nơi mà cộng đồng quyết định là họ nên làm việc, nhưng không có cách nào bắt buộc họ làm vậy. Công đồng không có quyền lực thực tế đối với thành viên hay lên án pháp lý đối với họ.

Toàn bộ hệ thống dựa trên sự tin cậy và nó hoạt động bởi vì cả hai phía giữ lời hứa. Với rất ít ngoại lệ, các thành viên thực hiện bất cứ công việc nào kibbutz giao cho họ; kibbutz chăm sóc mọi mặt trong cuộc sống của thành viên từ khi họ sinh ra cho tới khi họ xuống mộ. Kibbutz lại được các Liên Minh Kibbutz hỗ trợ, các Liên Minh Kibbutz nhận được sự hỗ trợ từ Cục Định Cư Do Thái, vốn được chính quyền Israel hỗ trợ, trong một bầu không khí xã hội nhìn chung thuận lợi.

Vì lý do này, trong những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây một số người luôn sẵn sàng thanh toán các khoản nợ. Cuộc khủng hoảng đầu tiền vào những năm 1920. Các cuộc khủng hoảng tiếp theo vào những năm 1930, 1950 và 1960, nhưng phong trào vẫn luôn được “hệ thống” giải cứu bởi vì các khu định cư – cả kibbutz và moshav – được coi là sống còn đối với sự thành công của doanh nghiệp Zionist.

Tại sao lĩnh vực nông nghiệp trong cộng đồng Do Thái thời tiền quốc gia ở Palestine và sau đó là ở quốc gia Israel cần được giải cứu thường xuyên? Một phần của câu trả lời, như Ravid đã chỉ ra, là khu vực nông thôn ở mọi quốc gia đều phải được trợ cấp, nhưng những người khác cũng ghi nhận những thất bại nghiêm trọng trong năng suất của kibbutz. Như tiến sĩ Amir Helman đã ghi nhận, đáng ngạc nhiên là trái ngược với những gì mà các nhà kinh tế chuyên nghiệp dự đoán.

Helman sinh ra tại kibbutz Afikim ở thung lũng Jordan. Ông dạy kinh tế học và quản lý – bao gồm cả “kinh tế học thay thế” – tại trường đại học Ruppin trong 21 năm qua. Ông cũng giảng dạy tại một số trường đại học, tham gia nhiều ủy ban và thực hiện nhiều nghiên cứu ở Israel cũng như quốc tế. Ông ghi nhận rằng vào những năm 1920, các nhà kinh tế học chuyên nghiệp quả quyết rằng nếu không có các phần thưởng vật chất thông thường thì các thành viên kibbutz sẽ sản xuất ít hơn và tiêu dùng nhiều hơn người ở các doanh nghiệp tư nhân. Họ đã sai: các thành viên kibbutz siêng năng và tự nguyện – thậm chí là cạnh tranh – cho những công việc khó khăn nhất mà không có phần thưởng vật chất. Điều này là đúng, như chúng ta đã thấy, vào nững ngày đầu lý tưởng của Degania, khi những người tiên phong thấy thỏa mãn trong việc tạo ra thứ gì đó mới và phục vụ cho các thành viên theo họ, mà không cần có phần thưởng cá nhân. 

Một sự tiến triển đáng chú ý khác, trái ngược với các dự báo của chuyên gia kinh tế, quan ngại về sự đầu tư quá mức, như chúng ta đã thấy trong trường hợp của Givat Brenner, vào đầu những năm 1930. Các nhà kinh tế học cho rằng cấu trúc tập thể sẽ dẫn đến sự thiếu nỗ lực và thiếu sáng kiến. Trên thực tế, mọi thứ ngược lại: kibbutz là xã hội năng suất, trong đó đầu tư rất cao. Các quản lý của kibbutz nói chung rất có tinh thần kinh doanh, bởi vì mục tiêu tổng thể của chủ nghĩa Zion là mở rộng và tăng trưởng và bởi vì hệ thống bảo lãnh qua lại ngăn chặn mọi rủi ro thực tế. Một vấn đề khác là hệ thống quản lý luân phiên dân chủ của kibbutz, có nghĩa là giống như các chính khách hay các quan chức dân cử, họ muốn chứng tỏ bản thân càng nhanh càng tốt. Đồng thời, cấu trúc của kibbutz có nghĩa là người quản lý không phải giải trình trước ban giám đốc. Anh ta thực sự chịu trách nhiệm trước đại hội của kibbutz, nhưng đó không phải là cơ quan chuyên môn và các quản lý không phải chịu trách nhiệm cá nhân khi anh ta thất bại. Vị trí thành viên của anh ta trong kibbutz được đảm bảo, ngay cả khi sự phục vụ của anh ta đối với kibbutz là thất bại. Nếu chúng ta bổ sung thêm thực tế là mọi kibbutz đều được Liên Minh Kibbutz, Cục Do Thái và chính quyền hỗ trợ thì rõ ràng là hệ thống đã thúc đẩy doanh nghiệp đến điểm phi lý.

Cấu trúc của kibbutz có một yếu điểm nội tại, có thể tóm tắt bằng một từ: nhân đôi. Đây là sự thật khó chịu trong lời lên án của Israel Oz về việc nhà ăn tập thể, nhà trẻ em, giặt là và cửa hàng quần áo – chưa nói đến bể bơi, nhà hát và phòng tập thể thao – là hoang phí. Mặc dù nhà ăn tập thể đặc trưng cho lối sống kibbutz, nhưng nó ít có ý nghĩa khi mỗi căn nhà đều có bếp và phòng ăn, các thành viên có thể ăn thỏa thích ở nhà. Nhà trẻ em lớn một cách không cần thiết khi mà trẻ em của kibbutz ngủ ơ nhà. Cũng giống như vậy, giặt là tập thể (trừ khi nó trở thành dịch vụ thương mại) là điều xa xỉ khi mỗi căn nhà đều có máy giặt.

Bên cạnh đó, nhiều thành viên kibbutz tiếp tục tận hưởng mức sống trung lưu trong thi tham gia vào tổ chức của giai cấp lao động. Chính xác về mặt tư tưởng thì điều này không có ý nghĩa về kinh tế. Rất thường xuyên có các thành viên kibbutz sống ở mức đỉnh cao của xã hội Israel, trong khi nhận lương ở mức thấp. Hơn nữa, Helman đã chỉ ra, mức sống ở mọi kibbutz của Israel là tương đồng, bất kể sức khỏe kinh tế thực tế của kibbutz ra sao. Do đó, trong khi các kibbutz giàu có có thể tiết kiệm và đầu tư, các kibbutz nghèo ngày càng lún sâu vào nợ nần. Hệ thống kibbutz có tác dụng đối với một số này nhưng không có tác dụng đối với một số khác.

Tình hình kỳ quái này đã ngự trị cho đến những năm 1980 bởi vì chính quyền, Cục Do Thái và Liên Minh Kibbutz coi kibbutz là sự quan trọng sống còn và cung cấp sự hỗ trợ khi cần thiết, như chúng ta đã thấy. Mặc dù vậy, khi cuộc khủng hoảng năm 1985 nổ ra, hệ thống sụp đổ. Các vòng bảo vệ của chính quyền, Cục Do Thái, Liên Minh Kibbutz và kibbutz riêng lẻ đã sụp đổ đối với các thành viên kibbutz bất hạnh. Vào lúc này, chính quyền không chuẩn bị để bảo lãnh cho các khu định cư; Cục Do Thái không sẵn sàng hỗ trợ họ; Liên Minh Kibbutz từ lâu không còn nguồn lực; kibbutz riêng lẻ nhiều khi không thực hiện được lời hứa. 

Đột nhiên các thành viên của kibbutz khám phá ra rằng trên thực tế họ không có gì mặc dù họ tự coi mình là đối tác của một doanh nghiệp thịnh vượng. Họ không có bảo hiểm hưu trí, không có an sinh xã hội, không có nhà, không có bất cứ tài sản gì, không có quyền trao thừa kế - và hầu như chẳng có gì để lại. Các thành viên kibbutz, vốn cảm thấy là những người được đảm bảo nhất trên hành tinh, đột nhiên thấy mình bị bỏ rơi, trần trụi và bị xô đậy giữa một bộ tộc dã man. Sự tổn thương rất sâu sắc: mất sự tin cậy, méo mó. 

Halperin tin rằng với phương pháp đúng đắn thì tình hình có thể được giải quyết. Ông theo đuổi một sự thay đổi căn bản trong hệ thống để thay thế niềm tin của các thành viên riêng lẻ đối với kibbutz. Kibbutz phải thừa nhận về mặt pháp lý quyền của các thành viên đối với tài nguyên. Các nhà máy của kibbutz và các chi nhánh nông nghiệp phải tài trợ cho bảo hiểm y tế, hưu trí và trợ cấp xã hội của các thành viên. Họ phải trả cho việc giáo dục trẻ em. Các thành viên phải sở hữu căn nhà của họ và được trao quyền di chúc phần của họ trong tài sản của kibbutz cho người kế tục.

Mỗi kibbutz sẽ áp dụng mô hình riêng, Halperin đề xuất, nhưng sự phân bổ tài sản cho các thành viên, được đảm bảo bằng luật pháp, là nền tảng của mọi kế hoạch tái tổ chức. Câu hỏi về các khoản thanh toán khác nhau, phần thưởng cho nỗ lực, thanh toán cho làm việc thêm giờ và tư nhân hóa ngân sách đều là bổ sung. Khi niềm tin căn bản được khôi phục và các thành viên phục hồi cảm giác an toàn, phần còn lại sẽ được triển khai. 

Bất kể là Halperin đúng hay không, chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Như chúng ta đã thấy trong những chương trước, 5 kibbutz đã nỗ lực thích nghi với tình hình mới. Sau này chúng ta sẽ tìm hiểu một nhóm định cư khác cho thấy các lựa chọn thay thế của tương lai, trong đó có các giải pháp phù hợp với những đề xuất của Halperin.

Mặc dù vậy, trước khi đi tiếp, sẽ rất hữu ích khi quay trở lại xem xét toàn bộ hệ thống giáo dục của kibbutz. Chúng ta phải xem xét cả lý do bên ngoài cũng như bên trong của sự sụp đổ kinh tế vào năm 1985. Có thể là không công bằng khi bỏ qua toàn bộ kết án tiêu cực về những người quản lý tiền của kibbutz, giống như nhiều doanh nghiệp thất bại khác, đặc biệt là trong thời gian khủng hoảng kinh tế chung, nhưng thủ quỹ và kế toán của kibbutz không chỉ hành động thiếu thận trọng theo quan điểm kinh doanh; họ cũng hành động không phù hợp với các giá trị của kibbutz.

Tại sao giáo dục của kibbutz không truyền tải được những giá trị đó? Cảm giác chung về trách nhiệm, vốn mạnh mẽ trong thế hệ sáng lập của kibbutz, được truyền tải cho thế hệ thứ hai, nhưng với thế hệ thứ ba và thứ tư của kibbutz, mệnh đề gốc của các nhà kinh tế đã đúng. Nhiều thành viên luôn không đóng góp năng lực tốt nhất của họ; kibbutz cảm thấy không thể thỏa mãn được nhu cầu của các thành viên.

Sự thật là kibbutz đã sống sót qua bảy thập kỷ, nhưng dường như nó là một ảo giác. Ở mức độ vật chất, hệ thống không phải luôn hoạt động, mặc dù thất bại kinh tế của nhiều kibbutz đã được che dấu. Về mặt lý tưởng cũng vậy, tất cả đều có vẻ như vậy: mặc dù thế hệ thứ ba và thứ tư vẫn tuân theo học thuyết, niềm tin của họ bị giới hạn và họ trở nên hoài nghi. Khi hệ thống đối mặt với khủng hoảng thực sự đầu tiên, một sự sụp đổ kinh tế đã khiến nó phải đối mặt với thế giới, nó hầu như đã sụp đổ và sự sống sót của nó là không chắc chắn.

Vào những ngày đầu của Degania, Yosef Bussel viết, trong một đoạn đã được trích dẫn của cuốn sách này: 
Đối con người, để suy nghĩ và cảm thấy rằng họ phải sống hoàn toàn bình đẳng và hoàn toàn hợp tác, họ phải được sinh ra trong điều đó và để điều đó diễn ra thì phải trải qua nhiều thế hệ. Nhiều điều chúng ta không thể đạt được hôm nay thì các đồng chí lớn lên trong môi trường kvutza mới sẽ đạt được. 
Sau Bussel, các nhà tư tưởng và giáo dục kibbutz đã công khai tuyên bố ý định tạo dựng “con người mới”, một con người được giải phóng khỏi các giá trị tư sản của khát vọng cá nhân và chủ nghĩa vật chất. Trong 70 năm, kibbutz là thể chế có ảnh hưởng lớn lao đối với các thành viên. Không có chế độ toàn trị nào từng thực hiện được sự kiểm soát tuyệt đối đối với các công dân như là kibbutz tự do, tự nguyện, dân chủ đã làm được đối với thành viên của nó. Israel Oz đã đúng khi chỉ ra rằng kibbutz tổ chức mọi mặt đời sống của thành viên: ăn ở, công việc, sức khỏe, giải trí, văn hóa, thực phẩm, quần áo, nghỉ ngơi, sở thích và trên hết là giáo dục và nuôi dưỡng con cái.

Bất chấp những điều kiện tối ưu, dự báo của Bussel đã sai. “Các đồng chí lớn lên trong môi trường kvutza mới” không thấm nhuần các giá trị cộng đồng và bình đẳng. Chương tiếp theo chúng ta sẽ cố gắng khám phá lý do của việc đó.

Thursday, November 19, 2015

Chuyện luật sư và nỗi oan hai bao cao su

Một luật sư nọ, sau khi xúi dân oan đi kiện cáo tập thể lung tung khắp nơi để đòi bồi thường đất giá cao, kiếm được kha khá tiền bèn nhậu một bữa linh đình. Chân nam đá chân xiêu, đi loanh quanh thế nào luật sư nọ lạc vào một chỗ có ông Bụt.

Ông Bụt nói: Ngươi gặp được ta là có số may mắn rồi, ta sẽ ban cho ngươi ba điều ước.

Luật sư nọ liền ước: Con muốn trở nên giàu có.

Bụt búng tay một cái. Luật sư thấy mình đang ở trong một phòng ngủ rất sang trọng.

Luật sư nọ ước tiếp: Con muốn nổi tiếng.

Bụt lại búng tay một cái. Màn hình ti vi trong phòng bật lên chiếu cảnh luật sư nọ đang chém gió ào ào trên một show truyền hình danh tiếng.

Luật sư ước tiếp: Con muốn có bạn gái thật xinh đẹp.

Bụt lại búng tay. Một cô gái xinh đẹp hiện ra. Bụt biến mất.

Một lúc sau cô gái nói: Nào giờ thì để em tháo hai cái bao cao su cho anh nhé.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí, nhưng không nhất thiết khác với sự thật)

Monday, November 16, 2015

Phản công ở Hàn Quốc

Gregory Elich trong bài "Fightback in Korea" đã chỉ ra mấu chốt của cuộc biểu tình lớn ở Hàn Quốc. Chính quyền và doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm cách tước bỏ quyền lợi của công nhân bằng kế hoạch cải cách lao động. Hàn Quốc đang đi theo con đường của chủ nghĩa tân tự do, tuy có chậm hơn so với Hoa Kỳ và Châu Âu. Tiền lương và phúc lợi của công nhân sẽ bị cắt giảm để doanh nghiệp có thêm lợi nhuận. Đây là nỗ lực kéo doanh nghiệp trở lại Hàn Quốc đầu tư, sau khi các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã chuyển sang đầu tư ở các nước có nhân công giá rẻ hơn. Hiện tượng phổ biến này cho thấy rõ rằng công nhân không thể đấu tranh đơn lẻ ở một quốc gia mà cần đến một phong trào công nhân quốc tế.

Phản công ở Hàn Quốc

Trong bầu không khí gia tăng đàn áp, chính quyền Park Geun-hye ở Hàn Quốc tiến hành loạt tấn công mới nhất vào người dân lao động. Một kế hoạch cải cách lao động tồi tệ đang được triển khai, nhằm mục đích giảm lương và phá vỡ sự ổn định của công ăn việc làm. Công nhân và nông dân đã tham gia đấu tranh trên đường phố, đây là sự phản kháng rộng rãi và quyết định đối với kế hoạch này.

Cải cách lao động được triển khai với một danh sách các biện pháp đáng mơ ước mà chủ doanh nghiệp theo đuổi, họ hy vọng thấy lợi nhuận tăng vọt. “Từ phía cầu, chúng ta phải cắt giảm gánh nặng của doanh nghiệp có thuê nhân công bằng cách làm cho thị trường linh hoạt hơn,” bộ trưởng bộ tài chính Choi Kyung-hwan khẳng định. (1) “Sự linh hoạt” tưởng tượng, không có gì ngạc nhiên, được coi là chỉ phụ thuộc vào công nhân.

Một trong những mục tiêu chủ chốt của kế hoạch là phổ biến việc sử dụng lao động thời vụ. Trong số các quốc gia của Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế và Phát Triển (OECD), Hàn Quốc đã xếp hạng cao nhất về mức độ sử dụng lao động thời vụ, chiếm 1/5 lực lượng lao động. (2) Công nhân thời vụ đặc trưng nhận được ít hoặc không có phúc lợi, lương của họ chỉ bằng 2/3 lương của lao động cố định. Đối với công nhân bán thời gian, tình hình còn tồi tệ hơn, lương chỉ hơn chút xíu so với một nửa lương của lao động cố định. (3) Vì những lý do rõ ràng, doanh nghiệp muốn áp dụng sự sắp xếp này cho một bộ phận lớn hơn của lực lượng lao động.

Cải cách lao động gia tăng gấp đôi thời gian một công nhân được thuê theo thời vụ, kéo dài tới 4 năm. Phạm vi của cách ngành sử dụng công nhân thời vụ cũng được mở rộng. Khi hợp đồng thuê lao động hết hạn, không có gì ngăn cản doanh nghiệp thuê lại chính công nhân đó trong thời gian 4 năm tiếp theo, cũng với mức lương thấp như cũ.

Một biện pháp sẽ phá hủy sự bảo vệ đối với công ăn việc làm ổn định là cho phép các doanh nghiệp đơn phương sa thải công nhân, dựa trên các yếu tố khách quan. Cải cách lao động cũng tạo cho doanh nghiệp quyền được đơn phương thay đổi quy định về nơi làm việc. Nhóm doanh nghiệp dẫn chứng luật hợp đồng lao động năm 2007 làm hình mẫu, luật này cho phép các doanh nghiệp “điều chỉnh quy định về lao động mà không cần sự đồng thuận của người lao động… nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.” Theo quan điểm của doanh nghiệp, tỷ lệ công đoàn thấp của Hàn Quốc vẫn là quá cao và “việc sử dụng công nhân thay thế phải được phép để đáp lại các yêu cầu vô lý thông qua bãi công của công đoàn.” (4)

Điều gây tranh cãi nhất trong cải cách lao động là việc áp dụng hệ thống lương tối đa, theo đó doanh nghiệp không chỉ được phép mà còn được khuyến khích cắt giảm lương của công nhân khi họ đến tuổi 55. Chính quyền đang bán rao quy định này như là một giải pháp đối với tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên. Lập luận được đưa ra là tiền mà doanh nghiệp tiết kiệm được bằng cách giảm lương của công nhân có kinh nghiệm sẽ giúp họ thuê nhiều lao động trẻ tuổi hơn. Logic này thật kỳ quặc. Một doanh nghiệp thuê số lao động mà nó cảm thấy cần. Cắt giảm lương của một bộ phận nhân công không tự động tạo ra các vị trí mới. Mặt khác, theo quan điểm của doanh nghiệp, lợi thế chủ yếu của việc thuê lao động trẻ tuổi là họ có thể trả mức lương khởi điểm thấp. Nếu cắt giảm thu nhập của công nhân có kinh nghiệm thì doanh nghiệp lại càng có ít động lực để thuê lao động trẻ tuổi. 

Doanh nghiệp bị tiền mặt hấp dẫn nhưng họ lại ngại ngần về chi tiêu. Chính quyền đã giảm thuế doanh nghiệp ba điểm phần trăm, một nỗ lực thất bại để thúc đẩy đầu tư. Trái lại, khuynh hướng của doanh nghiệp là tích lũy tiền mặt. (5) 1.835 doanh nghiệp đăng ký tại Sở Giao Dịch Hàn Quốc sở hữu dự trữ tiền mặt lên tới 845 nghìn tỷ won – tương đương với 730 tỷ dollar. Hiện tượng này đã gia tăng 159% so với năm 2008. (6) Hơn nữa, trong bốn thập kỷ qua, doanh nghiệp Hàn Quốc đã tăng gấp ba lần lượng tiền mặt họ cất giữ trong các tài khoản quốc tế. (7) Không có lý do gì để tin rằng việc quẳng thêm tiền vào núi tiền mặt của doanh nghiệp sẽ khuyến khích doanh nghiệp thuê thêm lao động trẻ. 

Trong khi đó, chính quyền thông báo ý định gia hạn tuổi nhận khoản lương hưu và phúc lợi nghèo nàn lên 70 tuổi. Gần một nửa công dân già sống dưới mức nghèo khổ, con số này sẽ gia tăng với kế hoạch của chính quyền. Những người đủ may mắn để giữ được việc làm sẽ bị buộc phải làm việc với mức lương thấp trong khi những người còn lại phải dựa vào con cái để sinh sống. Với độ tuổi nghỉ hưu mới, công nhân già hơn sẽ giữ việc làm trong thời gian dài hơn, chính quyền được cho là không muốn giải phóng những chỗ làm đó cho công nhân trẻ.

Sự quan tâm giả tạo đối với thanh niên là bình phong che đậy cho những người thực sự hưởng lợi từ cải cách lao động. Doanh nghiệp thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc cắt giảm lương của công nhân lớn tuổi cũng như gia tăng sử dụng lao động thời vụ. Nỗ lực đẩy người trẻ đối đầu với người già là mánh lừa gạt trong cẩm nang tân tự do cũ kỹ, nhằm mục đích đánh lạc hướng công nhân ra khỏi các đầu mối chính trị. Kế hoạch được doanh nghiệp ủng hộ chỉ là tạo thêm công việc thời vụ cho thanh niên và lời hứa hão.

Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của thanh niên, bộ trưởng bộ tài chính Choi có một tầm nhìn cho tương lai của giáo dục. Ông ta thông báo rằng một sự tiến bộ đã được tạo ra cho cải cách lao động, chính quyền dự định tái cấu trúc hệ thống giáo dục. “Đại học phải có khả năng cung cấp các tài năng mà công nghiệp muốn,” ông ta khẳng định. Đây lại là một lập luận khác từ cẩm nang lừa gạt tân tự do cũ kỹ, theo đó khái niệm về giáo dục tạo ra các công dân được có hiểu biết và hoàn thiện được ném qua cửa sổ. Thay vào đó, vai trò cao quý của giáo dục chẳng là gì ngoài việc đào tạo nghề. Trên hết, đâu là sự tốt đẹp của kiến thức không trực tiếp phục vụ cho lợi nhuận của doanh nghiệp? 

Nhiều sinh viên hoài nghi về lập trường của chính quyền. Một nhóm sinh viên có tên là Misfits đã gửi thư cho Choi, nói rằng: “Chúng tôi không bất bình vì những công nhân bình thường được bảo vệ quá mức. Chúng tôi bất bình vì các công nhân thời vụ không được đảm bảo các phúc lợi như công nhân bình thường.” (8)

Doanh nghiệp cần phải cắt giảm lương của công nhân lớn tuổi, chính phủ của Park Geun-hye khẳng định, bởi vì công nhân già có năng suất kém hơn khi cao tuổi. Cũng với lý do tương tự, doanh nghiệp phải được tự do sa thải công nhân khi họ thấy giá trị giảm đi. Đâu là cơ sở của khẳng định này? Không có bằng chứng nào ủng hộ định kiến này, thực sự là những công nhân già nói chung tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong vị trí của họ.

Chính quyền và doanh nghiệp khẳng định rằng năng suất trì trệ là do công nhân được bảo vệ quá mức. Mặc dù vậy, vào thời kỳ 2007-2012, tiền lương thực tế giảm 2,3% trong khi năng suất lao động tăng gần 10%. (9) Ai thiệt hại? Năng suất lao động gia tăng không đi cùng với tăng lương để gia tăng bóc lột công nhân. Mối lo ngại thực tế của lãnh đạo doanh nghiệp là tỷ suất bóc lột không tăng đủ nhanh để thỏa mãn họ.

Cải cách lao động của chính quyền sẽ không được áp dụng đơn lẻ. Chính quyền đã cấm công đoàn giáo viên và nhân viên chính quyền, cũng như đảng Tiến Bộ Thống Nhất dựa trên các bản án vu cáo. Cảnh sát đã thường xuyên đột kích các văn phòng công đoàn, thu giữ hồ sơ và bắt giữ các cán bộ công đoàn. Theo khuynh hướng không khoan nhượng, doanh nghiệp kiện công nhân ra tòa vì “tổn thất lợi nhuận” khi công nhân đình công và tòa án thường xuyên phán xét có lợi cho doanh nghiệp. Trong một vụ kiện mới đây, điển hình cho khuynh hướng này, tòa Thượng Thẩm Seoul đã yêu cầu 139 công nhân trả tổng cộng 2,8 triệu dollar cho công ty Ssangyong Motor vì tổ chức bãi công “bất hợp pháp”. (10) Điều đó có nghĩa là mỗi công nhân phải trả hơn 20.000 dollar.

Những người nắm quyền lực “đã khiến công nhân sợ hãi rằng đấu tranh có thể dẫn đến mất tất cả,” Han Sang-kyun, chủ tịch của Tổng Liên Đoàn Công Đoàn Hàn Quốc (KCTU), giải thích. “Khoản tiền phạt khổng lồ và tịch thu tài sản cho những cái được gọi là thiệt hại, lệnh bắt giam, sa thải, giải tán các công đoàn dân chủ - đó là những hình thức trừng phạt đối với những người dám đấu tranh. Một sân chơi không công bằng, trong đó chính quyền nhất quán đứng về phía tư bản, đã phá hủy nghiêm trọng các quyền của công nhân.”

Han kể về kinh nghiệm của ông, đã bị bỏ tù ba năm vì vai trò trong cuộc đình công ngồi ở nhà máy sản xuất của công ty Ssangyong Motor. Hiện nay, ông không thể đi ra khỏi văn phòng, bị hàng trăm cảnh sát bao vây, chờ để bắt giữ ông ngay khi ông ra khỏi tòa nhà.

Trong một nỗ lực đe dọa KCTU, vào ngày 6 tháng 11, khoảng 200 cảnh sát đã đột kích trụ sở của một thành viên Tổng Liên Đoàn, Công Đoàn Công Nhân Vận Tải và Dịch Vụ Công Cộng. Cảnh sát đã tịch thu hồ sơ và ổ cứng máy tính, sau đó thâm nhập và tìm kiếm các văn phòng chi nhánh của công đoàn. Lệnh bắt giữ mười hai thành viên của công đoàn đã được phát ra.

Công nhân bị đàn áp dữ dội, nhưng vẫn chưa đủ để xoa dịu doanh nghiệp. Doanh nghiệp Hàn Quốc coi cải cách lao động chỉ là một bước trong việc tước đoạt lợi ích của công nhân. Một thông cáo được Tổng Liên Đoàn Lao Động Hàn Quốc, phòng Thương Mại và Công Nghiệp Hàn Quốc, cũng như ba nhóm doanh nghiệp khác ký tên nêu rõ rằng kế hoạch cải cách lao động “không đủ để làm cho thị trường lao động linh hoạt hơn,” và “thậm chí là chưa tiến đến gần với cải cách lao động mà xã hội của chúng ta cần.” Công nhân có thể sẽ phải nhận nhiều cuộc tấn công hơn. “Doanh nghiệp sẽ không ngừng thúc đẩy nỗ lực làm cho thị trường lao động linh hoạt hơn,” bản thông cáo cảnh báo. (11)

Phản kháng đang gia tăng, một cuộc tuần hành quy mô lớn ở Seoul được tổ chức vào ngày 14 tháng 11 nhằm lôi kéo khoảng 100.000 người biểu tình. Năm mươi ba tổ chức đã liên kết để tổ chức hành động, trong đó có KCTU, Liên Minh Nông Dân Hàn Quốc và Liên Minh Phụ Nữ Quốc Gia. Các cuộc tuần hành đơn lẻ cũng được tổ chức tại khắp các nơi ở Seoul, sau đó tất cả các nhóm tập hợp lại thành một cuộc biểu tình lớn ở Gwanghwamun Plaza.

Trong khi động cơ tức thời của cuộc biểu tình là kế hoạch cải cách lao động thì những bất bình đối với chính quyền bảo thủ lại có rất nhiều. Liên minh đã cho thấy phạm vi các yêu cầu trải rộng xung quanh mục tiêu được cuộc biểu tình hướng tới, khung cảnh chung là kêu gọi chấm dứt đàn áp cũng như tiến tới một xã hội hướng tới người dân nhiều hơn. (12)

Nông dân được cho là biểu dương sức mạnh, thể hiện sự bất bình đối với việc ký kết hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà bộ nông nghiệp Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng sẽ “phá vỡ các rào cản thị trường đối với nhà xuất khẩu Hoa Kỳ.” (13) Điều đó sẽ khiến nhiều nông dân Hàn Quốc bị thiệt hại, nhiều người trong số họ có thể sẽ phá sản. Kim Yeong-ho, chủ tịch của Liên Minh Nông Dân Hàn Quốc, lên án chính phủ Park Geun-hye về việc “tạo ra một cấu trúc bóc lột thường xuyên.” Ông nói thêm: “Họ đang cố gắng tước đoạt dân chủ…. Đó là lý do chúng tôi biểu tình vào ngày 14 tháng 11 – cho công nhân, nông dân, thanh niên và sinh viên để thể hiện những gì đang diễn ra và báo động.”

KCTU đã “ném mọi thứ vào cuộc chiến này,” chủ tịch Han Sang-kyun của KCTU nói. Nếu chính quyền tiếp tục triển khai cải cách lao động, “chúng tôi đã chuẩn bị tiến hành tổng bãi công. Lần này sẽ không phải là bãi công một ngày. Chúng tôi nói về việc ngừng sản xuất, xe tải chở hàng hóa ngừng chạy, công nhân đường sắt và tàu điện ngầm bãi công bất hợp pháp, làm tê liệt đất nước đến mức chính quyền sẽ cảm thấy thiếu công nhân. Đấy là điều mà chúng tôi chuẩn bị.” 

Đấu tranh đang trở nên nóng bỏng ở Hàn Quốc, một nước mà truyền thông doanh nghiệp phương Tây chắc chắn là sẽ bỏ qua. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải đi theo con đường lảng tránh của họ. Người dân Hàn Quốc đang mong đợi sự đoàn kết của chúng ta đúng vào lúc mà họ cần tới. 

Notes.

1) “Rethinking Labor Reform,” Korea Times, August 17, 2015

2) Choonsik Yoo, “In South Korea, Park’s Revamp of Rigid Labor Laws Faces Opposition,” Reuters, September 23, 2015.

3) Kim Bok-soon, “Comparison of Wages and Working Conditions by Size of Enterprise,” Issue Paper, Labor News, No. 160, Korea Labor Institute, August 25, 2015.

4) Statement, “Business Stance on the Labor Reform,” The Korea Employers Federation, The Korea Chamber of Commerce and Industry, The Federation of Korean Industries, The Korean Federation of Small and Medium Business, The Korea International Trade Association, August 31, 2015.

5) “S. Korean Firms’ Cash Reserves Hit Record High,” Korea Herald, February 16, 2015.

6) Samsung, Hyundai Motor Groups Pare Cash Reserves in H1,” Yonhap, September 13, 2015.

7) Michael Herh, “Korean Companies’ Offshore Balances Tripled Over Last 4 Years,” Business Korea, October 1, 2015.

8) Kahyun Yang, “With Jobs Scarce, South Korean Students Remain on Campus,” Reuters, January 5, 2015.

9) Wol-san Liem, “Overview of the Korean Labor Movement: the Current Moment,” Korean Public Service and Transport Workers’ Union.

10) “Ssangyong Labor Union Ordered to Pay Compensation for Strikes,” Yonhap, September 16, 2015.

11) Statement, “Business Stance on the Tripartite Agreement,” The Federation of Korean Industries, The Korean Chamber of Commerce and Industry, The Korea Federation of Small and Medium Business, The Korea International Trade Association, the Korea Employers Federation, September 15, 2015.

12) A sampling of demands: Employment and Labor (Stop Retrogressive Labor Market Reform); Agriculture (Stop rice imports, Oppose the TPP); People’s Livelihood/Urban Poor (Abolish the disability ranking system, Stop crackdowns on street vendors); Youth/Students (Open the safes of chaebols to create meaningful jobs for youth); Democracy (Stop state repression, Abolish the National Security Law, Free all prisoners of conscience); Human Rights (Stop government/municipality violation of human rights); Peace and Self-determination (Oppose THAAD deployment om the Korean Peninsula, Improve North-South relations); Sewol (Carry out the salvaging of the Sewol ferry); Environment (Abandon plans for cable car construction in national parks); Public Service (Stop privatization of healthcare, railroad, gas, and water); Chaebol Responsibility (Reclaim chaebol reserve assets to implement a minimum wage of 10,000 won).

13) “Why Trade Promotion Authority is Essential for U.S. Agriculture and the Trans-Pacific Partnership,” U.S. Department of Agriculture, April 2014.

Gregory Elich is on the Board of Directors of the Jasenovac Research Institute and the Advisory Board of the Korea Policy Institute. He is a columnist for Voice of the People, and one of the co-authors of Killing Democracy: CIA and Pentagon Operations in the Post-Soviet Period, published in the Russian language.

Friday, November 13, 2015

Ác mộng ở thiên đường nhân quyền: Những kẻ hiếp dâm mặc cảnh phục

Trong bài "Rapists in Blue: Sexual Assault by Police", tác giả Debra Loevy tiết lộ một góc tối khác của cảnh sát Hoa Kỳ, ngoài việc bắn giết dân thường bừa bãi, cảnh sát Hoa Kỳ còn là những kẻ hiếp dâm không sợ bị trừng phạt. Đề xuất của tác giả về việc kiểm soát chứng chỉ hành nghề để chống lại những kẻ hiếp dâm mặc cảnh phục sẽ không mang lại hiệu quả, cũng giống như các biện pháp đã được áp dụng để chống lại nạn bắn giết thường dân bừa bãi. Những điều đó là hệ quả tất yếu của xã hội tổ chức theo kiểu Hoa Kỳ, chúng không thể khắc phục bằng những cải cách. 

Những kẻ hiếp dâm mặc cảnh phục: Cảnh sát tấn công tình dục

Khi cảnh sát chặn bạn lại, họ có thẩm quyền. Chúng ta được dạy rằng phải tuân lệnh họ. Khi cảnh sát nói hãy cho họ xem bằng lái và giấy đăng ký xe, bạn đưa chúng cho họ. Họ nói hãy đặt tay bạn ở chỗ họ có thể nhìn thấy, bạn đặt tay lên bánh lái. Chúng ta được dạy rằng chúng ta có thể trông cậy cảnh sát giúp đỡ khi chúng ta cần sự trợ giúp – họ là những người mà bạn sẽ phải gọi khi bạn cần sự trợ giúp. Nhưng đôi khi cảnh sát đã lạm dụng nghiêm trọng sự tin cậy và thẩm quyền. Một trong những sự lạm dụng quyền lực cảnh sát là việc cảnh sát tấn công tình dục.

Hãng AP vừa mới đăng một bản tin về việc cảnh sát tấn công tình dục, sau khi nghiên cứu hồ sơ từ 41 bang, trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2014. AP đã xem xét gần 9.000 vụ án, trong đó các viên cảnh sát đã bị tước phù hiệu và phát hiện thấy khoảng 1.000 viên cảnh sát trong số đó bị tước chứng chỉ hành nghề vì: tấn công tình dục, tội ác tình dục như sở hữu khiêu dâm trẻ em, các loại lạm dụng từ gạ gẫm quan hệ với công dân cho tới quan hệ tình dục khi thi hành nhiệm vụ. Mặc dù nghiên cứu của AP chỉ mang tính thông tin, song nó thừa nhận rằng con số thực tế về việc các cảnh sát lạm dụng tình dục khi thi hành nhiệm vụ vượt xa báo cáo. Điều này xảy ra bởi vì nhiều bang đã không theo dõi các cảnh sát bẩn thỉu, trong khi nhiều bang khác lại không có quy trình tước chứng chỉ hành nghề. 

Hãng luật của chúng tôi, Loevy & Loevy, đã đại diện cho nhiều người dân can đảm, những người dám nói lên sự thật về việc các cảnh sát tấn công tình dục. Những vụ án cụ thể sẽ mang đến cho bạn cảm giác về mức độ nghiêm trọng của vấn đề, thế nên tôi sẽ kể với các bạn một số chúng:

* Một phụ nữ đồng ý để hai cảnh sát Chicago đưa về nhà, cả hai mặc đồng phục và đi trên xe cảnh sát. Người phụ nữ miễn cưỡng cho phép các cảnh sát hộ tốn cô vào căn hộ. Một viên cảnh sát cưỡng hiếp cô trong khi người kia chụp ảnh bằng điện thoại di động.

* Một cô gái ở Milwaukee gọi 911 để trình báo về việc ai đó ném gạch vào cửa sổ nhà cô, một trong những cảnh sát đến nơi đã cưỡng hiếp cô. Khi cô chạy ra khỏi nhà và hét lên rằng cô bị cưỡng hiếp, cô đã bị đổ tội tấn công cảnh sát. Mặc dù công tố viên địa phương từ chối truy tố viên cảnh sát, sau khi điều tra ở cấp liên bang, viên cảnh sát bị xét xử và kết án.

* Một cô gái ở Nebraska bị ép buộc phải quan hệ tình dục bằng miệng với viên cảnh sát sau khi anh ta tìm thấy cần sa trong xe của bạn trai cô. Viên cảnh sát đe dọa bắt giam và cáo buộc cô tội hình sự nếu cô không tuân lệnh anh ta. Khi được thẩm vấn về vụ việc, viên cảnh sát nói dối và khẳng định anh ta ở nơi khác, nhưng hệ thống GPS trong xe của anh ta đã tố cáo anh ta nói dối.

* Một cậu bé 14 tuổi bị một cảnh sát cưỡng hiếp đường hậu môn dã man trong khi khám xét ma túy. Bệnh án ủng hộ sự khẳng định của cậu bé, thương tích được tìm thấy cũng phù hợp. 

Việc cảnh sát lạm dụng tình dục là phổ biến, như bản tin của AP đã trình bày. Nhưng cũng giống như các vụ tấn công tình dục khác, những tội ác nghiêm trọng đó thường bị che dấu. Hoa Kỳ không có một hệ thống theo dõ thường xuyên về việc cảnh sát tấn công tình dục, do vậy những gã cảnh sát hiếp dâm đôi khi có thể nhảy việc để tiếp tục lạm dụng quyền lực.

Ở ít nhất một nửa tá bang – trong đó có California, New York, New Jersey và Massachusetts – cảnh sát không bị tước chứng chỉ hành nghề vì tội lạm dụng tình dục. Hay nói cách khác, họ có thể bị sa thải vì cáo buộc lạm dụng tình dục nhưng họ vẫn còn chứng chỉ hành nghề để có thể tìm kiếm công việc cảnh sát ở chỗ khác.

Họ thường xuyên bị sa thải với lý do như “thực hiện sai quy tắc”, do đó sự lạm dụng tình dục của họ không bao giờ được biết hay tính đến. Tại khoảng 20 bang, cảnh sát chỉ bị tước chứng chỉ hành nghề khi bị kết án hình sự, mặc dù rất hiếm khi. Do vậy hầu hết là cảnh sát được phép lặng lẽ từ chức vì tội lạm dụng tình dục và anh ta vẫn giữ được chứng chỉ hành nghề để kiếm công việc cảnh sát ở nơi khác.

Cảnh sát tấn công tình dục là một vấn đề nghiêm trọng đang cần phải có giải pháp. Bắt đầu với điều rõ ràng nhất, cảnh sát phải đáp ứng được các yêu cầu của giấy phép hành nghề và bị tước giấy phép về những vi phạm nhất định, giống các chuyên môn khác trong phạm vi phục vụ công chúng như bác sĩ hoặc giáo viên. Cho tới khi đó, mọi sở cảnh sát đều phải được yêu cầu tham gia vào hệ thống đăng ký chứng chỉ quốc gia để theo dõi các viên cảnh sát được cấp chứng chỉ và lý do bị tước chứng chỉ.

Đây là lúc các sở cảnh sát phải cấm các quy định bất thành văn đồng lõa với sự lạm dụng của cảnh sát. Nhiều sở cảnh sát từ chối làm việc này cho thấy rõ ràng sự lạm dụng quyền lực cảnh sát để lảng tránh yêu cầu tổ cách sở cảnh sát ở mọi cấp bậc.

Debra Loevy graduated cum laude from University of Michigan Law School in 1995. She has extensive experience addressing poverty law issues and criminal defense appeals. She is admitted to practice in the U.S. Supreme Court, the Illinois Supreme Court, and multiple courts of appeal and district courts.

Tuesday, November 10, 2015

Sự thật về Hồ Chí Minh khiến ai phát điên?

Dân chủ viên nói với dư luận viên: Nếu dân Việt Nam biết sự thật về Hồ Chí Minh thì hàng chục triệu người có thể phát điên!

Dư luận viên hỏi: Mày có bị điên không vậy?

Dân chủ viên nói: Mày bị tẩy não thì có.

Đúng lúc đó Bụt hiện ra bảo: Hai đứa mày cãi làm tao nhức đầu quá. Ngừng cãi nhau đi, tao cho tụi mày một điều ước.

Dân chủ viên liền nói: Tôi ước tất cả dân Việt Nam đều biết sự thật về Hồ Chí Minh.

Bụt búng tay một cái: Mọi việc đã xong. Rồi Bụt lại biến mất.

Dân chủ viên liền nhào ra phố hét to: Thế là mọi người đã biết rõ sự thật về Hồ Chí Minh rồi nhé!

Dân chúng đang đi quanh đó liền xúm lại: A, thằng nói láo đây rồi, đánh bỏ mẹ nó đi bà con ơi!

Thế là dân chủ viên bị người ta xúm lại đánh nhừ tử như đánh bọn trộm chó. 

May sao dư luận viên đến can ngăn: Thằng này nó bị bệnh thần kinh đó bà con, đánh nó làm gì cho tội, để tôi đưa nó vào nhà thương điên.

Vậy là từ đó đến giờ dân chủ viên vẫn ở trong nhà thương điên và không ngừng lảm nhảm: Sự thật về Hồ Chí Minh, sự thật về Hồ Chí Minh ....

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí, nhưng không nhất thiết phải khác với sự thật.)

Tuesday, October 27, 2015

Thiên đường của tự do và nhân quyền: Phạt để kiếm tiền

Brian Platt viết về sự tồi tệ của hệ thống cảnh sát Hoa Kỳ trong bài "The Police and Court System: Neoliberal America’s Tax Collectors". Hệ thống cảnh sát và tòa án đã trở thành những kẻ tống tiền và ăn cướp chuyên nghiệp để giúp chính quyền tăng nguồn thu ngân sách. Việc tống tiền và ăn cướp đó chủ yếu nhằm vào giai cấp công nhân, những người không có quyền lực để tự bảo vệ bản thân trong xã hội tư bản. Do ở Hoa Kỳ giai cấp và chủng tộc tương đối ăn khớp với nhau nên nạn nhân của các vụ ăn cướp, tống tiền chủ yếu là người da màu và da nâu. Hệ quả là bộ máy cảnh sát ngày càng trở lên bạo lực, bởi vì nhà nước không còn kiểm soát được quyền lực ấy nữa, ngược lại nhà nước tồn tại nhờ quyền lực ấy.  

Hệ thống cảnh sát và tòa án: Những kẻ thu thuế của Hoa Kỳ tân tự do

Vào tuần trước, Biloxi, bang Mississippi là thành phố mới nhất bị ACLU kiện vì thực hiện “modern-day debtors’ prison” [bắt giam người không thể đóng tiền phạt tư pháp]. Trong hai tháng qua, các vụ kiện tương tự đã được ACLU dùng đề chống lại chính quyền của Jackson, bang Mississippi, hạt Benton, bang Washington, New Orleans, thành phố Alexander, bang Alabama, và hạt Rutherford, bang Tennessee.

Hệ thống tư pháp hình sự đang ngày càng trở thành phương thức được ưa chuộng để tài trợ cho các chính quyền thành phố trong cơn ác mộng tân tự do hiện đại ở Hoa Kỳ. Cảnh sát nhằm vào những vi phạm nhỏ nhặt của người nghèo để phạt. Khi những khoản tiền phạt này không được đóng đúng hạn, tiền phạt bổ sung sẽ được tính thêm và người dân bị quẳng vào tù. Trong nhiều vụ, các nhân viên thu nợ tư nhân được thuê để săn đuổi những người nghèo, nhưng người thường xuyên nợ tiền phạt chồng chất nhưng hiếm khi được xóa nợ. Việc bóp nặn người nghèo để kiếm tiền cho thành phố đã cho phép các chính quyền địa phương cung cấp sự miễn thuế cho cộng đồng doanh nghiệp và người giàu có. Hay nói theo cách khác là những chương trình này tạo ra một cách thức khác để phân phối tiền từ giai cấp công nhân sang giai cấp tư sản.

Trong cuộc điều tra về Ferguson, bang Missouri trước đây vào năm 2015, bộ Tư Pháp đã kết luận: “Hoạt động của lực lượng thi hành pháp luật ở Ferguson đã bị thành phố định hướng vào doanh thu hơn là nhu cầu an toàn công cộng. Sự quan trọng của doanh thu này đã lấn át cả tính chất thể chế của sở cảnh sát Ferguson… và cũng đã định hướng tòa án địa phương.” Trao đổi nội bộ giữa các quan chức thành phố và cảnh sát đã cho thấy họ âm mưu bóp nặn người nghèo để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Tất cả đều nói rằng gần một phần tư doanh thu của Ferguson là từ tiền phạt và Ferguson không phải là kẻ thi hành xuất sắc nhất ở hạt St. Louis.

Một điều tra mới đây của NPR cho thấy rằng thực tiễn dựa vào người nghèo để bù đắp cho chính quyền địa phương – bù đắp việc miễn thuế cho người giàu – không phải là duy nhất ở Ferguson hay Biloxi. Khắp đất nước, tiền phạt được dùng để tạo doanh thu. Một phân tích của NPR cho biết có 41 bang buộc người dân phải trả tiền cho “phòng và giường” khi họ bị giam giữ, 43 bang tính phí sử dụng luật sư công cho người dân, 44 bang tính phí quản thúc, 49 bang tính phí sử dụng vòng theo dõi. Kể từ năm 2010, tất cả các bang, ngoại trừ Alaska và Bắc Dakota đã tăng các khoản phí này để tăng thêm doanh thu. Trong một tuyên bố về vụ kiện chống lại Biloxi, luật sư Nusrat Choudhury của ACLU đã tóm tắt tình hình, “Đây thực sự là tống tiền bằng nhà tù. Các thành phố trên khắp đất nước, giống như Biloxi, đều đang tranh nhau gia tăng doanh thu và họ làm điều đó trên lưng của những người nghèo.”

Do giai cấp và chủng tộc có liên hệ gần gũi với nhau ở Hoa Kỳ nên sự tập trung bóp nặn người nghèo có nghĩa là nhằm vào người da màu và da nâu. Khi xem xét dữ liệu do Bộ Tư Pháp cung cấp, tờ New York Times đã phát ra ở Ferguson, nơi có 67% dân số là da màu, 83% vụ chặn xe và 93% vụ bắt giữ là nhằm vào người da màu. Một báo cáo năm 2011 của Hội Nghị Lãnh Đạo về Dân Quyền và Nhân Quyền đề cập đến sự gia tăng chủng tộc đã tiết lộ thêm về vấn đề phổ biến này. Một nghiên cứu năm 2007 ở Arizona cho thấy số người da màu, Latino, và Mỹ bản địa bị chặn xe vì “vi phạm giao thông” cao hơn rất nhiều so với lái xe da trắng. Ở Tây Virginia, một nghiên cứu năm 2009 cho thấy lái xe da màu bị chặn xe gấp 1,64 lần so với lái xe da trắng. Những nghiên cứu tương tự ở Illinois, Minesota và Texas cũng thu được kết quả tương tự. Thậm chí khi các nhà nghiên cứu tập trung hơn vào các hạt cụ thể - như những nghiên cứu ở hạt Sacramento, bang California và hạt DuPage, bang Illinois – họ cũng thấy rằng người da màu lái xe là nguyên nhân bị chặn xe. 

Đây cũng không phải là hiện tượng mới. Một điều tra của tờ Orlando Sentinel vào năm 1992 cho biết sở cảnh sát của hạt Volusia nhằm vào lái xe da màu và da nâu dọc theo đường I-95 để tống tiền dọc đường, tại đó cảnh sát sử dụng luật tịch thu tài sản dân sự - luật này cho phép cảnh sát tước đoạt tài sản cá nhân – để chiếm đoạt tiền và tài sản. Phân tích của tờ Sentinel với camera theo dõi của cảnh sát cho thấy “gần 70% vụ chặn xe là đối với người da màu hoặc Hispanic, một con số thật sự khác thường bởi vì đại đa số lái xe trên đường liên bang là da trắng.” Sở cảnh sát đã tịch thu gần 8 triệu dollar với sự bất lương đó.

Mới đây, một loạt phóng sự của tờ Washington Post cho thấy từ năm 2001 “có 61.998 vụ tước đoạt tiền mặt trên đường cao tốc và ở những nơi khác mà không có lệnh khám xét hay cáo trạng… tổng cộng là hơn 2,5 tỷ dollar.” Viết dưới bút danh Illinois, phó thống đốc Ron Hain giải thích mục đích của việc cướp bóc đúng theo nghĩa đen trên đường cao tốc là “Tất cả các thành phố quê hương của chúng ta đều đang nằm trên mỏ vàng miễn thuế.” Đàm thoại nội bộ do tờ Post thu thập đã cho thấy rằng cảnh sát và chính quyền thành phố ở Washington DC đã lên kế hoạch gia tăng doanh thu bằng cách tịch thu tài sản dân sự trong các đề án về ngân sách tương lai. 

Để tìm hiểu cách thức tịch thu diễn ra chúng ta có thể xem xét vụ việc của Ron Henderson và Jennifer Boatright, những người bản địa Texas, lái xe cùng với hai con nhỏ của Boatright từ Houston đến Linden. Sau khi dừng tại một cửa hàng tiện lợi ở thị trấn Tenaha, họ bị cảnh sát theo đuôi vài dặm trên con đường cho đến khi họ bị cảnh sát vẫy vào. Viên cảnh sát tuyên bố rằng Henderson, người Latino, đã chạy xe trên làn trái quá lâu, một kiểu biện minh hời hợt cho việc chặn xe phổ biến mang tính phân biệt chủng tộc. Sau khi khám xét xe, viên cảnh sát tịch thu 6.037 dollar, toàn bộ tiền tiết kiệm của cặp vợ chồng, họ phải đưa cho thành phố tiền nếu không họ có thể bị bắt giữ vì tội rửa tiền và gây nguy hiểm cho trẻ em. Nữ cảnh sát tuyên bố rằng sau khi họ bị kết án thì con của Boatright sẽ bị đưa vào trại nuôi dưỡng trẻ em. Trong nước mắt, Boatright đã mua lại tự do cho con của cô từ thị trấn Tehana chỉ với hơn 6.000 dollar.

Đề án tân tự do đòi hỏi tiền phải được tái phân phối từ giai cấp công nhân cho giai cấp tư sản – một trường hợp đảo ngược của Robin Hood. Một cách để làm điều này là chuyển gánh nặng của việc tài trợ cho chính quyền từ người giàu sang người nghèo. Sử dụng nhà nước cảnh sát cảnh sát quy mô lớn được phát triển trong chiến tranh chống ma túy, các chính quyền địa phương đã tìm ra phương thức sáng tạo mới để “đánh thuế” người nghèo bằng các nỗ lực hành pháp có chủ định. Do giai cấp và chủng tộc liên hệ chặt chẽ với nhau ở Hoa Kỳ nên điều này đã ngày càng khiến người da màu và da nâu rơi vào tầm ngắm của cảnh sát. Khi tổ chức cảnh sát là một thể chế bạo lực và phân biệt chủng tộc thì điều đó lại càng tạo cho cảnh sát nhiều cơ hội hơn để giết hại người da màu và da nâu. 

Đây là bi kịch cuối cùng của câu chuyện. Ở Nam Carolina, Walter Scott được vẫy vào vì là lái xe da màu và sau đó bị cảnh sát giết hại. Ở Cincinnati, Samuel Dubose bị vẫy vào vì cái mà công tố viên hạt gọi là một “chicken crap stop” [chặn xe với lý do vớ vẩn] và khi DuBose từ chối ra khỏi xe, viên cảnh sát đã bắn thẳng vào đầu ông ở cự ly gần khiến ông chết ngay lập tức. Sandra Bland bị vẫy vào ở hạt Waller, bang Texas vì tội có quá nhiều melanin trên da, khi cô phản đối sự bất hợp pháp của vụ chặn xe, viên cảnh sát kéo cô ra khỏi xe, đập đầu cô xuống đất và bắt giữ cô. Ba ngày sau cô chết ở trong nhà giam, bị những thủ phạm vô danh hành hình theo kiểu lynch – đáng ngờ nhất là cảnh sát hạt Waller. Hàng sa số các nạn nhân ít được biết đến, ở Portland, Keaton Otis bị cảnh sát vẫy vào bởi vì, theo lời viên cảnh sát bắt giữ, “người này… có bề ngoài giống như một gã côn đồ.” Otis chỉ có một lỗi vi phạm giao thông nhỏ trong hồ sơ khi viên cảnh sát bắn anh ta 23 phát đạn và giết chết anh ta.

Cảnh sát đại diện cho độc quyền bạo lực của nhà nước. Nếu chúng ta chấp nhận rằng dưới chủ nghĩa tư bản, mọi dạng nhà nước, như Marx đã nói, đều là sự chuyên chế của giai cấp tư sản đối với giai cấp công nhân thì cảnh sát là bạo lực có tổ chức của giai cấp tư sản. Chỉ bằng cách nhìn này thì việc hệ thống cảnh sát và tòa án bóp nặn một cách có tổ chức giai cấp công nhân cùng với những hệ quả tất yếu của nó mới có thể được thấu hiểu. Nếu chúng ta chấp nhận tiên đề này thì việc xóa bỏ cảnh sát trở thành một yêu cầu cách mạng. Xóa bỏ cảnh sát đối với chúng ta là một nhiệm vụ lịch sử cũng giống như xóa bỏ chế độ nô lệ đối với công nhân Mỹ vào giữa thế kỷ 19. Cảnh sát không thể cải tổ được, chúng chỉ có thể bị xóa bỏ. 

Brian Platt is an aerospace machinist who lives in Seattle.

Wednesday, October 21, 2015

Các tổ chức phi chính phủ đã phục vụ chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc ra sao?

Hai tác giả Stephanie McMillan và Vincent Kelley đã mô tả cách thức mà NGO phục vụ cho chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc trong bài báo "The Useful Altruists: How NGOs Serve Capitalism and Imperialism". Các NGO không chỉ đánh lạc hướng và phá hoại phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản mà còn tham gia tạo dựng những điều kiện cần thiết để phục vụ cho việc bóc lột của chủ nghĩa tư bản cũng như sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Có một điểm quan trọng mà bài báo này đã chỉ ra là sự liên hệ của NGO với giai cấp tiểu tư sản ở các quốc gia đế quốc cũng như phụ thuộc. 

Những người vị tha hữu ích: NGO đã phục vụ chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc ra sao?

Khoảng 20 năm trước đây, trong cuộc thảo luận với một nhà tổ chức người Bangladesh, chủ đề tổ chức phi chính phủ (NGO), hay phi lợi nhuận như họ thường gọi, nảy ra. Ông ấy nói thẳng thừng: “Tôi ghét NGO.” Sự kịch liệt của ông ấy rất đáng ngạc nhiên. NGO không phải là tổ chức cách mạng, nhưng công việc của họ vẫn có vẻ như là hữu ích hơn so với không có gì cả. Bỏ qua sự khác biệt về chính trị, có vẻ như là giáo điều khi lên án các chương trình chăm sóc y tế miễn phí và chống đói nghèo. Khi thiếu các biện pháp mạnh mẽ hơn, NGO có vẻ thực hiện một chức năng nội tại quan trọng. 

Kể từ cuộc đối thoại đó, NGO đã lan rộng khắp toàn cầu. Ban đầu được triển khai ở những quốc gia phụ thuộc, hiện giờ chúng đã trở thành thành phần chính trong bối cảnh chính trị ở các nước đế quốc. Ngày nay, lý do khiến các nhà tổ chức ghét NGO là rất rõ ràng. NGO là sự phá hoại, cả trong công việc hiện tại của chúng cũng như việc chúng ngăn chặn một tương lai khác thay thế chủ nghĩa tư bản hiện tại.

Đây là bốn lý do:

1) NGO phá hoại, đánh lạc hướng và thay thế sự tự tổ chức của quần chúng.

NGO đã chiếm lấy vai trò trung tâm trong các phong trào xã hội và hoạt động chính trị, ở Hoa Kỳ cũng như bất cứ nơi nào khác – điều mà Arundhati Roy gọi là “NGO hóa sự phản kháng.” Do người dân thường tin rằng chúng sẽ có thể “nhận lương để làm điều tốt”, nhưng đó là một ảo tưởng. Nina Power viết rằng “không còn bất cứ sự tách biệt nào giữa vương quốc cá nhân và ngày làm việc,” có nghĩa là “cá nhân không còn là chính trị nữa, chỉ hoàn toàn là kinh tế.” Trong khi bà ấy không làm rõ hơn, sự nảy nở của NGO “công bằng xã hội” và chính trị là một ví dụ tốt cho thấy sự phân chia ấy bị xói mòn.

Những người chúng ta tham gia tổ chức, hầu hết theo một kịch bản tương đồng: Một vài sự cố xảy ra, đám đông phẫn nộ tràn ra đường phố và tụ tập với nhau, một số người kêu gọi tổ chức mít-tinh để theo dõi và tiếp tục đấu tranh. Trong cuộc mít-tinh này, một số nhà tổ chức có kinh nghiệm sẽ gánh vác công việc. Các nhà hoạt động này khởi sự với ngôn ngữ cực đoan và cung cấp sự huấn luyện cũng như không gian cho mít-tinh thường xuyên. Họ dường như đã có sẵn một kế hoạch hành động, trong khi những người khác hiếm khi có thời gian để nghĩ về bước tiếp theo. Các nhà hoạt động toát ra năng lực, giải thích – với sơ đồ - cách thức phác họa các đồng minh tiềm năng khi họ tạo ra danh sách những chính khách cụ thể làm mục tiêu cho đấu tranh.

Họ tạo ra những “đòi hỏi” đơn giản để “tạo dựng sự tin cậy nhanh chóng” và bất cứ ai đề xuất một cách tiếp cận khác – dĩ nhiên là người đại diện cho tiếng nói của người dân chứ không phải là những lãnh đạo mặc định bí ẩn – bị lặng lẽ bỏ qua. Theo sự hướng dẫn của họ, mọi người vận động để chiếm lấy một số thể chế hoặc văn phòng của chính khách, hoặc tổ chức tuần hành và tụ tập. Sự phản kháng là ồn ào và hấp dẫn, cũng gần giống như quân đội, mặc dù vậy, điều tiếp theo mà anh nhận ra, anh thấy mình đang gõ cửa nhà một người lạ, hồ sơ trên tay, hy vọng thuyết phục họ bỏ phiếu trong kỳ bầu cử tới.

Có nhiều dạng khác nhau trong bối cảnh này, nhưng điểm cốt yếu vẫn y nguyên: NGO tồn tại để phá hoại đấu tranh của quần chúng, đánh lạc hướng họ vào ngõ cụt cải lương và hất cẳng họ. Ví dụ, trong nhiều cuộc biểu tình “Chiến đấu vì 15 dollar” ở Miami, đại đa số người tham gia là các nhà hoạt động được trả lương, nhân viên của các NGO, tổ chức cộng đồng (CBO), và các nhân viên công đoàn đang tìm kiếm thành viên tiềm năng. Tương tự, một số cuộc biểu tình Black Lives Matter ở Miami đã được các nhà hoạt động ăn lương lãnh đạo và khuếch trương, họ cần phải thể hiện rằng họ “đang tổ chức cộng đồng” để tiếp tục được nhận tài trợ.

Tổ chức sinh viên cũng kết nối với hoạt động NGO. Ở Iowa, một NGO “sức mạnh sinh viên” tích cực tác động tới các nhà tổ chức sinh viên, thúc giục họ thống nhất và kết hợp sức mạnh với những thanh niên cực đoan trong bang và khu vực, chỉ để trực tiếp kết nối họ với Đảng Dân Chủ với những thư điện tử như: “Tranh cử Thượng Nghị Sĩ Iowa là một trong những cuộc tranh cử dữ dội và chặt chẽ nhất đất nước hiện nay. PHIẾU BẦU CỦA BẠN LÀ QUAN TRỌNG VÀ CÓ THỂ TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT LỚN!” Sự kết nạp tổ chức sinh viên vào hoạt động cải lương đang rất lan tràn và trực tiếp được các nhà tư bản tài trợ.

Khi các cá nhân “thiếu tổ chức” bị phát hiện trong kiểu hoạt động này, họ sẽ bị vây lấy như miếng thịt tươi giữa bầy linh cẩu, ngay tức thì họ bị các nhà hoạt động ăn lương nuốt chửng, các nhà hoạt động phải đảm bảo hạn ngạch tuyển dụng để giữ công ăn việc làm. Tiếp theo anh sẽ thấy những người mới được tuyển dụng, họ mặc áo phông màu tím, đỏ, cam hoặc vàng chanh hay bất cứ màu đặc trưng nào của thương hiệu mà họ đã bị bán vào đó. 

Đây không phải là kiểu “tổ chức” mà George Jackson của Black Panther nghĩ đến khi ông thúc giục các nhà cách mạng đến với quần chúng để “đóng góp vào việc xây dựng cộng đồng, cơ sở hạ tầng, với bút và giấy tờ trên tay.”

Chủ nghĩa hành động đã bị tư bản hóa và chuyên nghiệp hóa. Thay vì tổ chức quần chúng để đấu tranh cho lợi ích của họ, NGO sử dụng họ cho lợi ích của bản thân. Thay vì xây dựng một phong trào quần chúng, NGO quản lý sự phẫn nộ của công chúng. Thay vì tạo ra sự cực đoan hay các chiến binh cách mạng, họ tạo ra các nhà hoạt động ăn lương thiếu hiệu quả cùng với sự đón nhận hỗ trợ thụ động. 

Các nhà tổ chức được trả lương không bao giờ là điều bình thường. Trước khi đấu tranh bị NGO hóa, những người cực đoan tổ chức đấu tranh theo quan điểm lợi ích của giai cấp công nhân quốc tế, theo lương tâm của chúng ta với khát vọng cháy bỏng đập tan kẻ thù và thay đổi thế giới.

Ngày nay, tổ chức không có sự bù đắp tài chính hầu như là một khái niệm xa lạ. Khi chúng ta đi phát tờ rơi – đúng vậy, chúng ta vẫn phát tờ rơi – người ta thường hỏi: “Tôi có thể kiếm được công việc này bằng cách nào?” Khi chúng ta trả lời rằng không được trả lương thì họ thường sẽ không tin.

Nội tại hóa tinh thần của NGO là phần lớn của lý do khiến sự đấu tranh cánh tả yếu. Giai cấp tư sản, thường xuyên cùng với sự trợ giúp của nhà nước, về mặt lịch sử đã rất thành công trong việc đàn áp cánh tả, đôi khi thông qua gián điệp và bạo lực như Chương trình COINTELPRO của FBI. Nhưng ngày nay sự đàn áp và trục xuất những người bất đồng chính kiến chỉ diễn ra đối với nhà hoạt động có ý đồ tốt với khẩu hiệu và hồ sơ trên tay. Nhà tư bản không cần cài gián điệp vào NGO bởi vì họ tài trợ cho chúng. 

2) NGO là công cụ của chủ nghĩa đế quốc.

Xâm lược quân sự hoặc đe dọa xâm lược vẫn đóng vai trò không thể thay thế trong việc hỗ trợ các nước đế quốc [1] trong việc thao túng và bóc lột tài nguyên cũng như lao động phụ thuộc toàn cầu. Nhưng chiến thuật “những dấu giày trên mặt đất” đang ngày càng trở thành giải pháp cuối cùng trong một chiến lược kiểm soát lớn hơn và phức tạp hơn, cũng như ít tốn kém và xáo trộn xã hội hơn.

NGO, giống như những nhà truyền giáo, thường tập trung vào một khu vực để chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu kinh doanh nông nghiêp, xưởng mồ hôi, khai thác khoáng sản và sân chơi cho du lịch. Trong khi các hoạt động quân sự hiện nay thường được coi là (ít nhất là đối với dân chúng trong nước) can thiệp nhân đạo, tính chất nhân đạo bề ngoài của NGO có vẻ như là đã biện minh cho chúng. Nhưng chúng ta cũng cần phải có một cái nhìn phê phán đối với những can thiệp của NGO, như chúng ta đã làm với các can thiệp quân sự. 

Haiti là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về việc NGO đồng lõa với sự áp bức của đế quốc. Nhiều người Haiti đã giới thiệu đất nước họ là “nước cộng hòa của NGO”, đã từng có 10.000 NGO ở đất nước này trước động đất năm 2010, số lượng NGO theo đầu người nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. 99% cứu trợ động đất được phân phối thông qua các NGO và các tổ chức đại diện khác, những kẻ này đã hành xử như đám kẻ cướp, bỏ túi hầu hết số tiền mà người dân trên khắp thế giới quyên góp với niềm tin ngây thơ rằng điều đó sẽ thực sự trợ giúp những cộng đồng bị thiên tai tàn phá.

Đây không phải là điều mới. Nhiều thập kỷ trước đây, USAID và Ngân Hàng Thế Giới đã áp đặt các chương trình kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu và “điều chỉnh cấu trúc” đồng thời ở Haiti và nhiều nơi khác. Thậm chí 20 năm trước đây, 80% số tiền của USAID đã quay trở lại túi của doanh nghiệp và “chuyên gia” Hoa Kỳ. Khi quá trình đã hoàn tất, NGO đã tiến hóa thành loại tổ chức thích hợp với sự tích lũy dưới dạng ăn bám, tư bản hóa và ăn bám vào sự nghèo khổ được tạo ra bằng “cứu trợ” ở giai đoạn đầu.

Ở nhiều nước lệ thuộc, các giám đốc NGO trở thành một bộ phận của tầng lớp tư sản quan liêu, sử dụng nhà nước như là nguồn tích lũy tư bản nguyên thủy. Trong 20 năm qua ở Haiti, nhiều người sáng lập và lãnh đạo NGO đã chiếm được các vị trí chính trị từ tổng thống tới bộ trưởng, hay nghị sĩ quốc hội, trong đó có Aristide, Préval và Michèle Pierre-Louis.

Chủ nghĩa đế quốc toàn cầu không chỉ tạo ra lý do cho NGO tồn tại, mà còn lôi kéo chúng một cách tích cực vào âm mưu thống trị của đế quốc [2]. Một ví dụ khác, vào năm 2002, các NGO đã sát cánh cùng Nhà Trắng, CIA và AFL-CIO để hậu thuẫn cho thứ mà James Petras gọi là “cuộc đảo chính quần chúng do quân đội, doanh nghiệp, công đoàn, giới quan liêu lãnh đạo” để lật đổ tổng thống dân cử Hugo Chavez ở Venezuela. Sau khi phong trào quốc nội đã khôi phục quyền lực của Chavez thành công, các NGO được Hoa Kỳ tài trợ đã hậu thuẫn cho một cuộc đình công do các giám đốc dầu mỏ tổ chức, cuộc đình công này chỉ bị đánh bại khi công nhân chiếm lấy ngành công nghiệp dầu mỏ. 

3) NGO thay thế những thứ mà nhà nước phải làm.

Các đại diện “cứu trợ” được các tổ chức tư bản/đế quốc tài trợ - doanh nghiệp, quỹ và G8 – đã chiếm lĩnh các chức năng chủ chốt của nhà nước tại các quốc gia lệ thuộc. Nực cười là chính những tổ chức xã hội đế quốc này lại yêu cầu những khoản cứu trợ phát sinh từ điều kiện của các khoản cho vay cắt cổ của đế quốc.

Việc “từ bỏ” chương trình xã hội do nhà nước điều hành ở cả các nước đế quốc cũng như các nước lệ thuộc không có nghĩa là nhà nước trở nên yếu đuối. Điều đó đơn giản có nghĩa là họ có thể dùng nhiều tài nguyên hơn cho sự xâm lược, đàn áp và tích lũy, cũng như ít tài nguyên hơn cho việc vỗ yên dân chúng, ngăn chặn sự bất mãn của quần chúng. 

Ở Banglades, các chương trình tài chính vi mô đã được khuếch trương là một công cụ bề ngoài để xóa bỏ nghèo đói, nhưng chúng có một tác động thảm họa. Khi mà nhà sáng lập của vi tài chính Muhammad Yunus và ngân hàng Grameen của ông ta nhận được giải Nobel cho việc tạo ra “sự phát triển kinh tế và xã hội từ bên dưới” thì thực tế là họ đã mở ra thị trường mới cho các ngân hàng ở khu vực nông thôn nghèo khổ, cùng lúc đó các nạn nhân của việc vay mượn phải bán nội tạng để trả lãi suất. Như nhà sử học Badruddin Umar đã khẳng định, “Mục tiêu chủ chốt của họ [chính quyền và đế quốc] trong chuyện này là duy trì sự nghèo khổ và đánh lạc hướng người nghèo ra khỏi đấu những tranh chính trị nhằm thay đổi các quan hệ cơ bản của sản xuất cũng như các quan hệ xã hội, những thứ tạo ra và duy trì điều kiện của sự nghèo khổ.” Jennifer Ceema Samimi đã viết rằng, ngay cả ở Hoa Kỳ, “Sự thoái hóa của chính quyền liên bang đã thể hiện ở sự phụ thuộc của chính quyền vào các tổ chức vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận để cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ, trong đó có dịch vụ chiến tranh.” Thực tế là 

Dân chúng lệ thuộc ở cả nước đế quốc và phụ thuộc ngày càng phải phụ thuộc vào các thiết chế từ nhà thương làm phúc tới ngân hàng thực phẩm cũng như hàng chục ngàn các tổ chức “xã hội dân sự” khác.

Chăm sóc y tế, thực phẩm, nước, nơi trú ngụ, giáo dục, chăm sóc trẻ em và các lao động có ý nghĩa là những yếu tố cần thiết căn bản của đời sống con người. Chúng phải là quyền, chứ không phải là quà tặng hay dự án được NGO tài trợ.

4) NGO hỗ trợ chủ nghĩa tư bản bằng cách phá hoại sự đấu tranh của giai cấp công nhân.

Một phần của lý do khiến NGO được tái tạo rất nhanh chóng, tại cả nước đế quốc và nước phụ thuộc, là chúng đã trở thành lựa chọn sống còn hàng ngày đối với những người thất nghiệp có bằng cấp với những khuynh hướng tiến bộ đang mò mẫm trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 

Thị trường lao động ngày nay, ngay cả đối với những thanh niên có kỹ năng và giáo dục, thực sự rất khốc liệt. Thực tế này, đi cùng với khủng hoảng gia tăng của chủ nghĩa tư bản về tính hợp pháp trong môi trường đang bùng nổ sự bất bình đẳng và sự áp bức, khiến cho NGO trở thành một triển vọng công việc hấp dẫn. Chúng đem đến một lối thoát, một cơ hội để có một công việc tốt, đặc biệt là cho giai cấp tiểu tư sản [3]. Ví dụ, ở Haiti NGO là nhà tuyển dụng lao động lớn nhất. Khu vực NGO cũng hấp dẫn giai cấp tiểu tư sản Hoa Kỳ như là một lựa chọn cá nhân để thoát khỏi sự bần cùng và đấu tranh giai cấp.

Nhiều người tốt nghiệp đại học, với bằng cấp về khoa học xã hội và nhân văn, đối mặt với các cơ hội tuyển dụng nghèo nàn và có ít sự lựa chọn về những công việc tốt. So với một công việc dịch vụ lương thấp, tuyển dụng của NGO là một viễn cảnh được chào đón. Một nhân viên trẻ của NGO thường nói, làm việc trong khu vực phi lợi nhuận được coi là công việc “đầy ý nghĩa”, làm việc không chỉ giúp tạo ra thu nhập mà còn thay đổi thế giới.

Bồi dưỡng cho thanh niên thành phố cách tư duy của Teach for America (TFA) thì hấp dẫn hơn là làm bánh sandwich ở Subway, nhưng tốt hơn cả là không nên nghĩ về cách thức mà công việc đó khiến cho những giáo viên trẻ đồng lõa với cái mà Glen Ford gọi là “nỗi ô nhục phản giáo dục kiểu doanh nghiệp” của đám phát xít TFA.

Việc đánh lạc hướng sự đấu tranh sang việc chống lại những tác động tiêu cực của chủ nghĩa tư bản thông qua NGO đã che dấu mâu thuẫn chủ chốt của chủ nghĩa tư bản, cụ thể là giữa tư bản và lao động. Tác động khủng khiếp của chủ nghĩa tư bản – áp bức, hủy diệt sinh thái, chiến tranh xâm lược, bóc lột, nghèo đói – không thể xóa sổ mà không xóa sổ nguyên nhân của chúng. Sự tái sản xuất và tích lũy tư bản bắt nguồn từ sản xuất giá trị thặng dư thông qua bóc lột công nhân trong quá trình lao động.

Trái lại, NGO nhấn mạnh nguyện vọng của giai cấp tiểu tư sản, thường bị trả giá thấp trong lưu thông của tư bản hơn là bị bóc lột trong sản xuất (như công nhân), đang bị tư bản thống trị nhưng không nằm trong quan hệ đấu tranh giai cấp căn bản (như công nhân). Do đó, khuynh hướng tự nhiên của tầng lớp tiểu tư sản, nhằm theo đuổi lợi ích giai cấp của họ, không phải là phá hủy chủ nghĩa tư bản mà là đấu tranh cho sự bình đẳng trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản. NGO là biểu hiện của điều đó. Giai cấp tư sản dựa vào họ để đàn áp đấu tranh của giai cấp công nhân và đánh lạc hướng đấu tranh của giai cấp công nhân vào chủ nghĩa cải lương, phá hoại những nỗ lực của công nhân trong việc thiết lập đảng chính trị và các công đoàn mang tính hợp tác.

Trên phương diện lịch sử, bất cứ khi nào giai cấp công nhân kêu gọi cách mạng, quyền lực mềm của giai cấp tiểu tư sản sẽ sẵn sàng bóp chết điều đó. Các nhà tư bản dựa vào giai cấp tiểu tư sản để hành động như là đại diện thừa hành bảo vệ sự thống trị của nhà tư bản đối với giai cấp công nhân. Đấu tranh cho một sự tiến bộ thực sự, những người cực đoan hay chiến sĩ cách mạng vốn là thành viên của tầng lớp tiểu tư sản đều phải thoát khỏi con đường đã bị áp đặt, từ chối một cách có ý thức vai trò đó, cũng như ngăn chặn việc bị lợi dụng – vô tình hoặc không – cho các mục tiêu phản động.

Một lưu ý về nhân viên  của NGO:

Bài báo này không thể hiện mối hoài nghi đối với sự chân thật của những người đang làm việc cho các NGO – nhiều người trong số họ thông minh, có ý định tốt đẹp, thực sự muốn tạo ra sự khác biệt. Công việc là hiếm hoi và thực sự là hấp dẫn khi tin rằng hai sứ mệnh này – phục vụ cho nhân loại đồng thời đảm bảo sự sinh tồn của bản thân – có thể kết hợp thành một, một hành trang đơn giản. 

Kém may mắn thay, đây không phải là câu trả lời. Một bài thơ Haiti nói: “Sự thống nhất của con gà và con gián chỉ diễn ra trong dạ dày của con gà” – anh không thể thay đổi hệ thống từ bên trong.

Nhưng rời bỏ cũng không phải là câu trả lời. Tất cả chúng ta đều bị cầm tù trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và đại đa số chúng ta bị buộc phải làm việc để sống. Chúng ta không thể chỉ đơn giản quyết định rời bỏ theo kiểu cá nhân. Cách duy nhất để thoát khỏi là tổ chức đoàn kết để đánh bại chủ nghĩa tư bản – hoặc là tất cả chúng ta cùng tự do hoặc là không ai cả. 

Mặc dù vậy, vào lúc này, chúng ta cần phải tránh nhầm lẫn hoạt động của NGO với sự tổ chức thật sự.

Chủ nghĩa tư bản sẽ không hỗ trợ chúng ta phá hủy nó – chúng ta thực sự phải trở nên hiệu quả trong việc xây dựng một phong trào quần chúng chống chủ nghĩa tư bản, các nhà tư bản sẽ làm bất cứ điều gì có thể để bôi nhọ, vô hiệu hóa, bỏ tù và thậm chí là giết hại chúng ta. Họ chắc chắn sẽ không trả lương cho chúng ta.

[Ghi chú: Bài báo này ban đầu được tạp chí Jacobin đặt hàng. Phiên bản đầu tiên, của Stephanie McMillan, có thể xem ở đây. Phiên bản hiện tại là của đồng tác giả - Vincent Kelley của đại học Grinnel tham gia dự án để bổ sung quan điểm và giúp chỉnh sửa bài bào theo yêu cầu của biên tập viên của Jacobin. Chúng tôi cố gắng làm điều đó mà không thay đổi nội dung. Yêu cầu của họ bao gồm việc làm cho ngôn từ bớt phi chính thống và “hàn lâm” hơn, đến mức mà cả hai chúng tôi đều nhận thấy rằng đó là nỗ lực nhằm tách giai cấp công nhân khỏi nội dung của bài báo (biên tập viên phản đối). Khi chúng tôi từ chối xóa bỏ những điều mà chúng tôi cho là điểm mấu chốt, Jacobin đã từ chối đăng bài báo này.]

Chú thích

[1] Chúng tôi sử dụng khái niệm chủ nghĩa đế quốc không phải để tạo ra một phân loại về “áp bức quốc gia dân tộc” nhằm biện minh cho chủ nghĩa quốc gia như là một phản ứng chính trị phù hợp với sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Trái lại, chúng tôi hiểu rằng chủ nghĩa đế quốc là một sản phẩm của khuynh hướng tiến tới tập trung và tích tụ tư bản. Căn bản nhất, chủ nghĩa đế quốc ngày nay đặc trưng bằng sự quốc tế hóa tư bản độc quyền, trong đó nước đế quốc – dưới dạng các nhà tư bản đa quốc gia – bóc lột giá trị thặng dư từ công nhân nước phụ thuộc, những người đó không hề kém “năng suất” hơn những công nhân ở nước đế quốc, nhưng, trái lại, sức lao động của họ bị bóc lột thậm tệ hơn so với công nhân ở nước đế quốc. Xâm lược quân sự, sự thống trị văn hóa và những khía cạnh khác của chủ nghĩa tư bản phụ thuộc vào quan hệ thống trị về mức độ bóc lột giá trị thặng dư. Trong các nước bị thống trị, đấu tranh giai cấp nội bộ giữa giai cấp công nhân và các giai cấp thống trị (tư sản quan liêu, các tầng lớp phong kiến) vẫn tiếp tục là mâu thuẫn căn bản, ngay cả khi sự phát triển nội tại của chủ nghĩa tư bản đã chịu nhiều tác động và quy phục chủ nghĩa đế quốc. Những chi tiết sâu hơn về chủ đề xin hãy xem tại http://koleksyon-inip.org/a-brief-definition-of-imperialism/

[2] Bằng thống trị, trong trường hợp này chúng tôi muốn nói rằng tác động của chủ nghĩa đế quốc đối với toàn bộ các nước phụ thuộc. Điều này bao hàm sự thấu hiểu về các tác động của chủ nghĩa đế quốc đối với tất cả các giai cấp bị thống trị ở nước phụ thuộc, bao gồm nhưng không giới hạn trong giai cấp công nhân. Việc lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc đòi hỏi phải có hoạt động quốc tế chống lại nước đế quốc – hiện nay là Hoa Kỳ - ở cả các nước ngoại vi trên toàn cầu cũng như các nước đang nằm dưới sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Phân tích về sự thống trị của đế quốc ở Haiti xin hãy xem tại http://koleksyon-inip.org/haiti-and-imperialist-domination/

[3] Chúng tôi sử dụng khái niệm tiểu tư sản không phải chỉ là sự đề cập đơn giản về “tầng lớp trung lưu”, trái lại là một mô tả chính xác mang tính phân tích về quan hệ độc đáo của giai cấp này đối với sản xuất. Tiểu tư sản không phải là những người tạo ra giá trị thặng dư (giai cấp công nhân) hay những người bóc lột và tích lũy giá trị thặng dư (giai cấp tư sản). Đây là một tầng lớp dao động, không phải là chủ chốt đối với sự tái sản xuất quan hệ sản xuất, buộc phải đứng về phía một trong hai giai cấp độc lập, lao động hoặc tư bản. Nhân viên NGO thường là một trong nhiều ví dụ về thành viên của giai cấp này và phải thừa nhận vị trí của họ như vậy để thúc đẩy đấu tranh của giai cấp công nhân hơn là giai cấp tư sản. Chúng tôi ủng hộ sự lãnh đạo của giai cấp công nhân không phải bởi vì bất cứ đặc quyền đạo đức nào của công nhân, trái lại là bởi vì sự thất bại lịch sử và hiện tại của những người tiểu tư sản cực đoan trong việc thúc đẩy các cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản. Thảo luận chi tiết hơn về chủ đề này xin hãy xem tại http://koleksyon-inip.org/greece/#more-495.