Showing posts with label Luật pháp. Show all posts
Showing posts with label Luật pháp. Show all posts

Sunday, January 24, 2016

Hối lộ chính trị ở Nhật Bản - Thời Kỳ Bị Chiếm Đóng

Các chương đã được dịch của cuốn sách:






5. Thời Kỳ Bị Chiếm Đóng 




Hối Lộ Chính Trị ở Nhật Bản - Chương 5: Thời Kỳ Bị Chiếm Đóng


Mục tiêu chủ yếu của Tư Lệnh Tối Cao Lực Lượng Đồng Minh (SCAP, cụ thể là tướng Douglas MacArthur; nhưng ở đây sẽ được dùng để chỉ các nhà chức trách quân đồng minh nói chung) là giải trừ quân bị và dân chủ hóa Nhật Bản. Mặc dù mục tiêu thứ nhất được hoàn thành dễ dàng trong vài tháng, việc thực hiện mục tiêu thứ hai khó khăn và kéo dài hơn nhiều. Cơ quan chiếm đóng thuộc sở chỉ huy của tướng Arthur chịu trách nhiệm định hướng các cải cách chính trị là Đơn Vị Chính Quyền (GS). Đơn vị này nằm dưới quyền thiếu tướng Courtney Whitney (từ tháng 12/1945), với chỉ huy phó là đại tá Charles Kades (từ tháng 9/1946). Các nhà cải cách của GS dự định dân chủ hóa các đảng chính trị và sửa đổi luật bầu cử, song có lẽ là họ không lường trước được sự phổ biến của vấn đề hối lộ chính trị. Một ngoại lệ trong số các nhà cải cách là Harry E. Wiles, có cuốn sách về Nhật Bản thời tiền 1945 trình bày sự quan tâm đặc biệt đến hối lộ và các dạnh tham nhũng chính trị khác. Quyết định khuyến khích tự trị dân chủ, SCAP bắt đầu bài trừ các tổ chức và những người không được mong muốn khỏi đời sống xã hội vào tháng 1/1946. Một hệ quả của hành động táo bạo này là toàn bộ các chính khách của các chính đảng thời tiền chiến đều bị xóa sổ; sự xóa sổ này đã tạo ra một “khoảng trống quyền lực, mở đường cho thế hệ các lãnh đạo chính trị mới. Nổi bật trong số các lãnh đạo mới là những người xuất thân từ các vị trí cao trong bộ máy hành chính quốc gia. Do sự chiếm đóng của Hoa Kỳ là không trực tiếp, thông qua bộ máy chính quyền có sẵn của Nhật Bản nên bộ máy hành chính hầu như không bị đụng chạm đến trong cuộc thanh tẩy.” [1]

SCAP cũng khuyến khích sự tự trị dân chủ bằng cách thúc ép chính quyền tự do hóa các quy định bầu cử quốc gia. Mặc dù việc trao quyền bầu cử cho phụ nữ bị phản đối song có lẽ Nhật Bản cũng sẵn sàng thay đổi luật bầu cử Hạ Viện. Nội các Shidehara Kijûrò (9/10/1945 – 22/5/1946) đã nhanh chóng đưa ra luật cải cách Luật Bầu Cử. Những điểm chính trong sự thay đổi này là quyền bỏ phiếu cho tất cả mọi người trên 20 tuổi và tuổi tối thiểu của ứng cử viên là 25, một hệ thống bỏ phiếu số nhiều giới hạn và các quận bầu cử đông dân, sự xóa bỏ nhiều hạn chế tranh cử. Luật Bầu Cử Hạ Viện (Luật Số 42) được Quốc Hội thông qua vào ngày 15/12 và được ban hành vào ngày 17/12. Luật này phân chia quốc gia thành 54 quận. Ngoại trừ các quận đông dân nhất, mỗi quận tương ứng với một huyện. Từ 4 đến 14 đại ghế ở Hạ Viện được phân bổ cho các quận, phụ thuộc vào dân số của mỗi quận. Tổng cộng là có 466 ghế Hạ Viện. Luật cũng nhằm mục đích ngăn chặn hoạt động tham nhũng bầu cử bằng cách giảm các giới hạn tranh cử và hỗ trợ cho các ứng cử viên. Ví dụ, theo luật này, bất cứ ai cũng có thể hỗ trợ bầu cử, không chỉ quản lý bầu cử và một ủy ban được lựa chọn; các giới hạn về số lượng mít-tinh công khai và diễn giả cũng được bãi bỏ, số lượng các poster quảng cáo cũng vậy. Hơn nữa, luật mới cố gắng trung hòa chi phí bầu cử gia tăng bằng cách mở rộng việc bầu cử với sự hỗ trợ của chính quyền. Mọi ứng cử viên đều được phép sử dụng các cơ sở công cộng; viên chức quận được lệnh cung cấp thông tin cho cử tri về quan điểm chính trị của từng ứng cử viên; các thời gian lên sóng phát thanh tự do được cung cấp cho lãnh đạo đảng phái; hình phạt cũ đối với việc chi tiêu quá mức tối đa của chi phí tranh cử cũng được bãi bỏ. Nhằm xóa bỏ các kịch bản cũ về hối lộ, Điều 12 quy định rằng những người bán hoặc mua phiếu bầu sẽ phải chịu án tới 3 năm tù và bị phạt tới 20.000 yen. [2]

Cuộc bầu cử phổ thông mở rộng đầu tiên được tổ chức vào ngày 10/4/1946. Ba tháng trước đó, GS đã ra lệnh “làm mọi thứ có thể để đảm bảo sự thể hiện ý chí tự do và không bị giới hạn của người dân trong cuộc bầu cử này. Để đạt được mục tiêu này, anh phải công bố hoàn toàn các chế tài của luật và làm mọi cách để đảm bảo chúng được thi hành nghiêm túc.” [3] Năm chính đảng lớn đã đưa ra các ứng cử viên là: Tự Do, Tiến Bộ, Xã Hội Chủ Nghĩa, Hợp Tác và Cộng Sản. Đảng Tự Do giành được 140 ghế, đảng Tiến Bộ được 94 ghế, đảng Hợp Tác được 5 ghế. Một tờ báo tóm tắt cuộc bầu cử như sau: 
[C]ó thể thấy rằng những người liên minh với cánh bảo thủ đã giành được đa số tuyệt đối. Trái lại, sức mạnh của những lực lượng được coi là tiến bộ…không đạt được 100 ghế. Đó là bằng chứng cho thấy, bất chấp lời kêu gọi về một mặt trận dân chủ dã được công luận ủng hộ, các lực lượng bảo thủ vẫn duy trì được một cơ sở vững chắc…và người ta có thể thấy cụ thể rằng jiban được lực lượng Seiyukai và Minseito cũ nuôi dưỡng trong nhiều năm ở khu vực nông thôn đã không bị lay chuyển. [4] 
Viết vào hai năm sau, Kenneth Colton, một nhà phân tích nghiên cứu về thời kỳ chiếm đóng, cho biết rằng đảng Tiến Bộ đã giành được địa bàn ảnh hưởng chính trị địa phương của Minseitò cũ, nhận được sự ủng hộ của nhóm các thị trưởng và trưởng làng. [5] Bất chấp điều này và các dấu hiệu khác cho thấy chính trị đảng phái ít hay nhiều tuân theo kịch bản thời tiền 1945, ở lĩnh vực quan trọng là tài chính cho đảng một nhân tố mới đã xuất hiện. Trước chiến tranh, các đảng phái phụ thuộc vào sự quyên góp của doanh nghiệp lớn và các quỹ bí mật của chính phủ, nhưng sự bại trận đã phá hủy nhũng nguồn truyền thống này và buộc các đảng phái phải tìm tiền ở nơi khác. Các công ty xây dựng là nguồn quan trọng mới; một nguồn khác là các khoản vay công nghiệp do chính phủ kiểm soát. [6] Vài tuần sau cuộc bầu cử, nội các của Shidehara Kijûrò được thay thế bằng nội các của Yoshida Shigeru (22/5/1946 – 23/5/1947), chủ tịch của đảng Tự Do. Thử nghiệm với hệ thống bầu cử quận lớn có vẻ chỉ làm hài lòng một số người ít có quyền lực. Do vậy, vào ngày 31/3/1947, Luật Bầu Cử Hạ Viện Sửa Đổi (Luật số 43) đã tái lập các quận nhiều đông dân cỡ trung và bỏ phiếu đơn gần giống với luật 1925. Hệ thống này tạo ra 117 quận nhiều thành viên. Mỗi cử tri bỏ một phiếu và phụ thuộc vào quy mô của quận, số lượng ứng cử viên thắng cử sẽ là 3, 4 hoặc 5. [7] Đáng chú ý là các hạn chế trong tranh cử lại tăng lên. Ví dụ, các tài liệu tranh cử và poster đã bị hạn chế. Khuynh hướng này tiếp tục trong những năm tiếp theo, với thường xuyên áp dụng lại những kiểm soát thời tiền 1945 đối với các hoạt động tranh cử. [8]

Động cơ của nội các bảo thủ Yoshida trong việc thúc đẩy luật mới bất chấp sự phản đối của phe đối lập là ngăn cản sự phát triển của các đảng nhỏ, đặc biệt là các đảng cánh tả. Hơn nữa, các khu vực bầu cử nhỏ sẽ giúp cho các ông trùm chính trị bảo thủ dễ dàng dùng hối lộ và các biện pháp bất hợp pháp khác để gom phiếu bầu. Mặc dù, GS không hài lòng với diễn biến này song họ có thái độ buông xuôi. Bất chấp hệ thống bầu cử mới, cuộc bầu cử vào ngày 25/4/1947, mang lại thắng lợi đáng ngạc nhiên cho đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Katayama Tetsu, họ đã thành lập nội các liên minh vào ngày 24/5. [9]

Một báo cáo của GS về các vi phạm bầu cử trong cuộc bầu cử năm 1947 đã thống kê được 2.997 vi phạm. Vào ngày 10/6, 1.028 người đã bị phạt, 71 người bị bỏ tù, 1 người được miễn giảm án và 1 người được trắng án. Số còn lại đang đợi xét xử. Đáng chú ý là các khu vực có số lượng người vi phạm nhiều lại không phải là các thành phố lớn mà là những nơi như Mito (208), Sendai (239), Fukushima (307) và Yamagata (337). Hối lộ chính trị (cụ thể là mua hay bán phiếu bầu) là bị cáo buộc trong 2.610 trường hợp. [10] Một tài liệu khác của SCAP cũng cho biết là mặc dù cả 5 cấp chính quyền được bầu trong tổng tuyển cử năm 1947 nhưng chỉ có 2.997 vi phạm. Đây được coi là một kết quả khả quan, bởi vì cuộc bầu cử năm 1946 chỉ có một cấp chính quyền được bầu (cụ thể là Hạ Viện), nhưng có 2.632 cáo trạng. Hơn nữa, báo cáo cũng chỉ ra rằng các quy định bầu cử trong cuộc bầu cử năm 1947 chặt chẽ hơn so với năm 1946. Tài liệu này kết luận rằng đạo đức chính trị nói đã được cải thiện rõ rệt. [11]

Bình luận về số cử tri vi phạm, Russel Brines của hãng thông tấn AP đã viết, “Theo tập quán chính trị của Nhật Bản, điều này là không hợp lý.” [12] Ngoài tập quán, một sự so sánh với vi phạm Luật Bầu Cử thời tiền chiến cũng ủng hộ cho quan điểm của Brines, tổng số vi phạm là không hợp lý: 10.401 vào năm 1928; 18.010 vào năm 1930; 9.869 vào năm 1932 (xem chương 4). Hơn nữa, kết luận của ông cũng hợp lý khi số lượng cử tri thời tiền chiến chỉ khoảng 12.400.000 – 13.100.000 và vào năm 1947 số lượng cử tri là gần 41.000.000. [13] Về phương diện kinh tế trong tranh cử quốc gia, Brines cho biết 75.000 yen là giới hạn chi tiêu tranh cử cho mỗi ứng cử viên. “Không ứng cử viên nào bị báo cáo chính thức là vượt qua giới hạn, vì những lý do rõ ràng. Nhưng các nhóm chính trị đã thoải mái thì thầm với nhau rằng một ứng cử viên triển vọng mà có ít hơn 500.000 yen trong túi thì không có cơ hội thắng cử.” [14]

Từ đầu thời kỳ chiếm đóng, tin đồn về một khoản hỗ trợ lớn của các nguồn quân sự bí mật đã được lan truyền. Các cuộc điều tra thường xuyên của SCAP nhằm khám phá ra của cải được cất giấu bí mật chỉ tìm thấy các kho hàng thông thường của những người buôn bán trên chợ đen. Vào năm 1947, trước khi Katayama Tetsu thành lập nội các, vấn đề cất giấu của cải thu hút được sự chú ý của công chúng khi cựu thứ trưởng Sekò Kòichi (Bộ Nội Vụ, nội các Yoshida), cáo buộc rằng các tài sản quân đội trị giá 100 tỷ yen đã bị các doanh nghiệp lớn bí mật cất dấu. Sự cáo buộc của Sekò đã dẫn đến việc thành lập Ủy Ban Tài Sản Bí Mật (nằm trong Ủy Ban Ổn Định Kinh Tế) để điều tra các cáo buộc, với Sekò làm phó chủ tịch (24/2 – 11/4). Mặc dù người dân không rõ việc Sekò đã khám phá các giao dịch bất hợp pháp tài sản của chính phủ ra sao song ông ta đã thu hút được sự chú ý của công chúng khi ông ta cáo buộc rằng một số bộ trưởng mới của Katayama có liên quan đế hệ thống bất hợp pháp để kiếm lợi từ các tài sản bị cất giấu bí mật. Điều này đủ để châm ngòi cho một sự phản ứng của Hạ Viện, vào ngày 25/7 đã thành lập Ủy Ban Đặc Biệt Điều Tra Về Tài Sản Bị Cất Giấu. Ủy ban này, lần đầu tiên được Hạ Viện thành lập, do đảng viên xã hội chủ nghĩa Katò Kanju đứng đầu. Báo cáo của ủy ban được Hạ Viện công bố vào ngày 20/12/1947. Báo cáo xác nhận rằng nội các Suzuki Kantarò (7/4 -17/8/1945) đã ra lệnh giao tài sản quân đội cho một số cá nhân và công ty nặc danh, không có các khoản thanh toán cho các tài sản đó được chuyển vào ngân khố công. [15] 

Các báo cáo cho biết số tiền lớn thu được từ việc bán các tài sản bị cất giấu đã được sử dụng để hối lộ các chính khách và viên chức, các quỹ bất hợp pháp này cũng được dùng để tài trợ cho các chiến dịch tranh cử vào năm 1946 và 1947 để tạo ra các hành động mau lẹ. GS coi sự mở rộng của tham nhũng là sự đe dọa đối với chương trình cải cách chính trị của SCAP. Do vậy, thiếu tướng Whitney yêu cầu tổng chưởng lý Fukui Seita điều tra về các tài sản bị cất giấu. Hơn nữa, GS cũng thúc ép Bộ Tài Chính gia tăng ngân sách cho Bộ Tư Pháp để có thêm các công tố viên và sự thúc giục này đã dẫn đến việc tuyển dụng các công tố viên mới; nhiều người được giao điều tra về vụ bê bối tài sản bị cất giấu. [16] Vào đầu tháng 2/1948, đại tá Kades phát biểu trong một hội nghị công tố viên quốc gia: 
Liên Hiệp Quốc đang theo dõi xem có phải chỉ bề ngoài của xã hội Nhật Bản thay đổi còn nội dung bên trong thì vẫn như cũ. Thế giới đang theo dõi xem có thật sự là với Hiến Pháp mới, cũng như với Hiến Pháp Minh Trị hay dưới sự cai trị của shogun Tokugawa, phép lịch sự không được mở rộng cho “người thường” và sự trừng phạt không được áp dụng cho “quý tộc”. Do dân chủ bắt nguồn từ sự bình đẳng trước pháp luật nên luật pháp trong dân chủ trở thành đòn bẩy vĩ đại của xã hội. Các công tố viên, có khách hàng duy nhất là nhân dân, có thể phục vụ cho nền dân chủ của Nhật Bản bằng cách truy tố nghiêm khắc và không e ngại tất cả những người coi thường phép tắc xã hội và đạo đức chung, cho dù họ có là các chính khách đặc quyền đặc lợi hay các ông trùm công nghiệp, bằng cách bán các tài sản thừa kế của người dân Nhật để lấy những khoản lợi nhuận bẩn thỉu trên chợ đen. [17]
Sau khi Katò trở thành bộ trưởng Bộ Lao Động trong nội các của Ashida Hitoshi (10/3 – 15/10/1948), ủy ban về tài sản bị cất giấu, đã được đổi tên thành Ủy Ban Điều Tra Các Giao Dịch Tài Sản Bất Hợp Pháp, do Mutò Unjirò, một đảng viên xã hội chủ nghĩa khác đứng đầu. Được vũ trang bằng quyền thẩm tra các nhân chứng theo tuyên thệ, ủy ban của Mutò đã điều tra các cựu ứng cử viên của Quốc Hội và thành viên Quốc Hội về nguồn gốc quỹ tranh cử. Một số nhân chứng đã nhanh chóng mắc tội khai man. Trong báo cáo nội bộ đầu tiên, Mutò đã chỉ ra lời khai mâu thuẫn và đề xuất một luật mới để ngăn chặn các quỹ bí mật bất hợp pháp. Trong thời gian tồn tại của ủy ban Mutò, hàng tá chính khách đã bị công tố viên thẩm vấn và một số đã bị bắt giữ vì hối lộ. Con cá lớn nhất bị mắc lưới là đảng viên xã hội chủ nghĩa Nishio Suehiro, phó thủ tướng của nội các Ashida. Trong khi điều trần về các khoản quyên góp chính trị của nhiều nhà thầu xây dựng, ông ta đã thừa nhận rằng vào tháng 4/1947 ông ta nhận được khoản quyên góp 500.000 yen nhưng không đưa vào báo cáo chi tiêu chính thức của đảng. Nishio cho rằng đây là khoản quyên góp cho cá nhân ông ta và không phải là hối lộ để tác động tới hành động chính trị của ông ta. Các chính khách đối lập trả lời bằng cách lợi dụng cơ hội này để đề xuất một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Họ cho rằng, Nishio đã vi phạm Quyết Định Nội Các số 328, bắt buộc báo cáo mọi khoản tài trợ cho tranh cử. Nishio từ chức vào ngày 6/7 và bị bắt giữ vào ngày hôm sau. Sau khi bị truy tố vì tội khai man và vi phạm quyết định 328, ông ta được xét xử tại Tòa Án Quận Tokyo. [18] 

Quan trọng hơn so với vụ Nishio là việc ủy ban của Mutò đã phát hiện ra vụ tham nhũng liên quan đến Luật Kiểm Soát Mỏ Than Quốc Gia. Mặc dù nội các Katayama là một chính phủ liên hiệp song thủ tướng đã hứa sẽ mở rộng quyền sở hữu nhà nước về kinh doanh, nhất là các lĩnh vực chủ chốt như than, phân bón và ngân hàng. Không may cho Katayama và những người ủng hộ, nhiều người xã hội chủ nghĩa ôn hòa và bảo thủ đều liên kết chống lại kế hoạch này. Theo quan điểm của SCAP, nhu cầu cấp thiết nhất là sự tăng vọt của sản xuất than, vốn cần thiết cho khôi phục kinh tế. Tướng MacAthur đồng ý: Nhật Bản có thể tái tổ chức công nghiệp khai mỏ nếu như sự tái tổ chức đó không mâu thuẫn với chính sách của SCAP và sản xuất tăng lên. [19]

Các thành viên của Hiệp Hội Khai Thác Than Kyushu đã chống lại dự thảo luật quốc hữu hóa với một quỹ vận động chính sách được tạo ra bằng cách thu 10 yen trên mỗi tấn than do các thành viên hiệp hội sản xuất ra. Điều này tạo ra một ngân sách nhiều triệu yen, được sử dụng để hối lộ các thành viên Hạ Viện. Việc kinh doanh nhà hàng sang trọng ở khu vực gần tòa nhà Quốc Hội nở rộ trong khi tin đồn về các khoản hối lộ lớn được lan truyền. [20] Các phương tiện khác cũng được sử dụng cùng với sự chiêu đãi xa hoa và tiền mặt để ngăn chặn dự luật: một đội ám sát 5 người được cử đến từ Kyushu để giết Mizutani Chòzaburò, bộ trưởng Bộ Thương Mại và Công Nghiệp, và Itò Ushirò, chủ tịch ủy ban thẩm định dự luật. Nhận được tin đồn về vụ mưu sát, Ủy Ban Cảnh Sát Đô Thành đã cử một đội vệ sĩ bảo vệ các chính khách. Sau đó, các sát thủ đã đến Tokyo, vào tòa nhà Quốc Hội và cố gắng tiếp cận Mizutani và Itò. May mắn cho các chính khách là các sát thủ đã không thể đến đủ gần để sử dụng dao găm. Cuối cùng, những kẻ mưu sát hết tiền và quay trở lại Kyushu. [21] 

Việc thẩm định dự luật đã biến Quốc Hội trở thành một tổ ong bò vẽ. Những người phản đối dự luật không chỉ sử dụng các phương pháp cản trở tiêu chuẩn mà còn sử dụng cả nắm đấm, các trận ẩu đả liên tiếp xảy ra. Những người quan sát có ký ức đủ lâu lại nhớ đến các kỳ họp Quốc Hội ồn ào vào những năm 1920. Cuối cùng, nội các Katayama thông qua được một phiên bản bị pha loãng của dự luật, được ban hành vào tháng 4/1948. Một người quan sát có hiểu biết đương thời cho biết rằng đạo luật không có hiệu lực thực tế. [22]

Tin đồn về khoản tiền lớn liên quan đến luật về mỏ than đã thu hút sự chú ý của công tố viên Tòa Án Tokyo nhưng họ quá bận rộn và thiếu người để hành động. Một lý do dẫn đến tình hình này là công tố viên đang xử lý một vụ án tham nhũng khác liên quan đến nội các Ashida (xem ở dưới). Vào lúc này, các viên chức SCAP, đọc được trên báo chí rằng các chủ mỏ đã chiếm dụng quỹ xây nhà cho thợ mỏ của chính quyền, đã tham gia vào vụ việc, thúc ép chưởng lý Satò Hiroshi điều tra. Kết quả của sức ép này là tiền, nhân lực và trang thiết bị được cung cấp cho công tố viên Nakamura Nobutoshi cùng với 13 nhân viên. Vào ngày 19/10/1948, họ bắt đầu điều tra vụ án mỏ than. [23]

Một bước đệm cho vụ án này là sự tiết lộ của Okabe Tokuzò (đảng Dân Chủ), đã lỡ lời vào ngày 24/9/1948, khi ông ta điều trần trước ủy ban của Mutò. Sử dụng Tsugokawa Shinzò làm người trung gian, ông ta nói, để đưa 50.000 yen cho Kawasaki Shûji, phó chủ tịch của Ban Thanh Tra Hoạt Động Đảng. Công tố viên coi đây là sự khởi đầu cho dấu vết của tiền. Khi Kawasaki bị ủy ban thẩm vấn, ông ta khẳng định rằng tiền đã được trả lại. Tuy vậy, sau khi so sánh lời khai của nhiều người, ủy ban kết luận rằng Okabe đã phân phát 450.000 yen cho một số thành viên của đảng Dân Chủ. Hơn nữa, Takeuchi Reizò, có vẻ là đảm nhiệm việc vận động để ngăn chặn dự luật (ông ta được các chủ mỏ gửi đi từ Kyushu cho mục đích này), đã đưa 500.000 yen cho Uehara Etsujirò, người đứng đầu Ủy Ban Kế Hoạch Đặc Biệt Về Than của đảng Tự Do. Uehara phủ nhận việc nhận tiền. Ủy ban cho biết, chủ mỏ Azabu Tagakichi đã đưa 1.300.000 yen cho Yoshida Shigeru, người này chuyển 700.000 yen cho đảng Tự Do; một số người tin rằng một phần của khoản tiền đó đã đến tay Shidehara Kijûrò (cựu thủ tướng) và Tanaka Man’itsu (cựu bộ trưởng không bộ trong nội các Yoshida thứ nhất). Cuối cùng, ủy ban khẳng định rằng 2.000.000 yen đã được chuyển cho thành viên Nagao Tatsuo của đảng Dân Chủ, người này lại chuyển chúng cho thư ký trưởng của đảng là Takeda Giichi (Dân Chủ) và Tanaka Man’itsu. Ủy ban coi những quỹ này là tiền hối lộ được dùng để ngăn chặn dự luật về mỏ than. [24] 

Các công tố viên Tokyo không thể khởi tố vụ án này cho đến khi họ khám phá ra các bằng chứng vật chất là các tờ séc bị hủy lên đến vài triệu yen ở các ngân hàng của Kyushu. Sự khám phá này cùng với việc thẩm vấn đã dẫn đến sự truy tố đối với Kiso Shigeyoshi and Haraguchi Hideo vì tội đưa hối lộ. Những người này là nhân vật chủ chốt trong nhóm Kyushu cố gắng ngăn chặn dự luật. Tanaka Man’itsu, Takeda Giichi, Tanaka Kakuei và Fukatsu Tamaichirò là những người bị truy tố vì nhận hối lộ. Trước phiên xét xử của Tòa Án Quận Tokyo, các công tố viên đã hài lòng với cáo trạng; như công tố viên Asami Toshio cho biết, hiếm khi tìm được những bằng chứng chắc chắn như ba tờ séc với mỗi tờ là 1 triệu yen. Vụ truy tố bắt đầu đổ vỡ ngay từ phiên xét xử đầu tiên và tiếp tục vỡ tan vào phiên thứ hai. Tanaka Man’itsu được trắng án; Tanaka Kakuei nhận 6 tháng tù; Fukatsu và Kiso bị kết án nhưng được hoãn thi hành án. Takeda Giichi (cựu bộ trưởng Bộ Phúc Lợi) được xét xử ở một phiên tòa khác và được trắng án. Tại phiên tòa phúc thẩm, bản án của Tanaka Kakuei bị bác bỏ. Do đó, cả hai cựu bộ trưởng đều thoát khỏi sự trừng phạt và chỉ có một chính khách nhận án tù – và điều đó là không xứng đáng. [25]

Một cáo buộc hối lộ rất khó chứng minh, như vụ án này đã cho thấy. Như chúng ta đã biết, công tố viên không chỉ phải chứng minh rằng viên chức nhận tiền và ở vị thế có thể đáp ứng lợi ích của người đưa hối lộ mà còn phải chứng minh rằng viên chức nhận tiền biết đó là khoản hối lộ. Việc xem xét các thẩm phán và luật sư đánh giá các trường hợp của Fukatsu và hai Tanakas sẽ cho thấy một số cái nhìn trực tiếp vào quá trình xác định việc hối lộ. Các thẩm phán xem xét trường hợp của Fukatsu và nói: ông ta nhận tiền trực tiếp từ Kiso và làm một số việc trong đáp lại trong phạm vi quyền hạn của ông ta; họ có thấy không có biện minh nào khác cho việc Fukatsu giữ tiền. Đối với Tanaka Man’itsu, chánh tòa ở phiên xét xử thứ nhất không chấp nhận lập luận của công tố rằng tiền được dùng để đổi lấy việc phủ quyết dự luật. Trái lại, ông ta chấp nhận lập luận rằng cả người đưa (Kiso) lẫn người nhận (Tanaka) đều coi tiền là khoản quyên góp chính trị để thành lập đảng mới. Việc Tanaka rời khỏi đảng Dân Chủ và tham gia nhóm mới đã ảnh hưởng tới quyết định của thẩm phán. Khi được phỏng vấn sau phiên tòa, luật sư của Tanaka, Abiru Ken’ichi, nói rằng mọi người đều đồng ý là Tanaka nhận tiền, nhưng ông ta đã trả lại chúng ngay trước khi bỏ phiếu cho dự luật; việc này cũng đã tác động đến thẩm phán. Hơn nữa, trong lời khai với công tố viên và những người khác, Kiso và Tanaka thường xuyên khẳng định rằng tiền là khoản quyên góp chính trị và không liên quan đến dự luật. [26] Abiru kết luận, “Nói tóm lại, đây là luật kỳ lạ: nếu nghi phạm không coi tiền là hối lộ thì tội hối lộ không được thành lập. Do đó, khi nghi phạm khai báo [cụ thể là với công tố viên và thẩm phán đánh giá sơ bộ], chỉ có những kẻ ngốc mới bị tóm.” [27]

Tanaka Kakuei nói với công tố viên rằng ông ta yêu cầu đảng viên dưới quyền, Nagao Tatsuo, liên hệ để mở rộng việc kinh doanh xây dựng. Nagao giới thiệu ông ta với Kiso, người này giao cho ông ta việc xây dựng khu nhà ở của thợ mỏ. Một triệu yen, Tanaka khẳng định, là tiền ứng trước của dự án xây dựng. Đương nhiên, ông ta khẳng định rằng tiền này không liên quan đến dự luật. Mặc dù Tanaka không thể cung cấp các hợp đồng bằng văn bản cũng như các ghi chép trong sổ kế toán, thẩm phán tòa phúc thẩm vẫn phán quyết rằng hợp đồng tồn tại bởi vì mỗi người là chủ tịch của một công ty. Hai sự việc khác cũng giúp Tanaka, theo luật sư Masaki Tòru: mặc dù Tanaka đã thực hiện một số việc xây dựng ở mỏ của Kiso song Kiso không bao giờ dùng tên gọi “nghị sĩ Quốc Hội” (daigishi) để chỉ Tanaka; trong trường hợp các nghị sĩ khác thì ông ta luôn dùng tên gọi đó. Điều này thuyết phục thẩm phán rằng Kiso chỉ coi Tanaka là một nhà thầu. [28]

Một tuần trước khi nhậm chức, nội các Ashida Hitoshi đã hứa sẽ nâng cao chuẩn mực đạo đức và thông qua luật chống tham nhũng chính trị. [29] Nực cười thay, tin đồn về hối lộ chính trị đã săn đuổi nội các này ngay từ đầu và trong vòng vài tháng nó đã bị sụp đổ bởi bê bối hối lộ lớn nhất thời kỳ bị chiếm đóng. Ngay sau vụ bắt giữ Nishio (xem ở phía trên), vụ bê bối của công ty Showa Electric (Showa Denkò) đã bắt đầu làm tan rã nền tảng chính trị của nội các. [30] Bên cạnh việc lên án Ashida theo các kịch bản truyền thống của phe đối lập đang cố gắng phá hủy nội các, vụ việc này có thêm sự quanh co khi một số sĩ quan của SCAP muốn bảo vệ trong khi những người khác lại lên án Ashida. [31] Bên cạnh đó, những lời khai như được trình bày ở dưới đều bình thường: “Do bị ảnh hưởng của vụ bê bối Showa Denko, ông ta [Ashida] đã buộc phải từ chức.” [32] Điều này là đúng. Trên thực tế, Ashida bị truy tố vì nhận tiền từ các công ty xây dựng; vụ việc này không có liên hệ trực tiếp với vụ bê bối Showa Denkò. Tuy vậy, các công tố viên sắp xếp để gộp cựu thủ tướng vào phiên tòa xét xử vụ Showa Denkò (có ba nhóm bị cáo). [33]

Do đó, chúng ta cần xem qua những điều được xét xử trong vụ án Ashida. Ashida, cũng giống như mọi chủ tịch đảng, vui mừng tiếp nhận các khoản quyên góp chính trị. Thông qua một người môi giới (một chính khách, Kitaura Keitarò), Oka Naoki, chủ tịch của công ty chế tạo ván sàn cho quân đồng minh, đã quyên góp cho Ashida 1 triệu yen. Umebayashi Tokio, chủ tịch của một công ty xây dựng, đưa 1 triệu yen nữa thông qua Ayabe Kentarò. [34] Ashida khẳng định trong phiên tòa rằng 10 ngày trước khi bị bắt giữ một công tố viên đã nói với ông ta rằng cuộc điều tra sẽ bị hủy nếu như Ashida rút khỏi chính trị. Ashida từ chối đề nghị đó, yêu cầu mở một cuộc điều tra. Theo cựu công tố viên Mitsuhiro Hiroshi, người đảm nhiệm vụ án Showa Denkò ở phiên phúc thẩm, vụ truy tố Ashida là cực kỳ yếu, không đủ bằng chứng để truy tố vị thủ tướng. [35] Cựu bộ trưởng Nishio Suehiro, thảo luận về vụ án này trong một cuốn sách xuất bản năm 1968, đã nhận được một lá thư của Nagawa Yasuo, luật sư trưởng của Ashida. Nagawa cho biết là ngay cả khi công chúng coi Ashida và vụ Showa Denkò là tương đương, cũng không có liên hệ nào giữa khoản tiền của các chủ tịch công ty và vụ án khác. Tại sao Ashida bị truy tố? Nếu như nội các đã sụp đổ sau khi các bộ trưởng bị cáo buộc nhận tiền của Showa Denkò, ông ta đã phủ nhận cáo buộc của một số người là Tổng chỉ huy của SCAP (GHQ) đã nhằm vào Ashida để phá hủy nội các. Trên thực tế, Nagawa tin rằng Ashida bị truy tố bởi vì công tố viên lo ngại GHQ sẽ cho rằng họ không cố gắng nếu như họ không truy tố cựu thủ tướng. [36] Nagawa viết, “Vào lúc đó, các công tố viên trẻ tràn đầy năng lượng và quá nghiêm túc. Họ cũng lo lắng tới việc gia tăng danh tiếng của bản thân.” [37] Theo như lời động viên của đại tá Kades dành cho các công tố viên vào tháng 2/1948, kết luận của Nagawa cũng có ý nghĩa. 

Bão tố chính trị bắt đầu bủa vây Ashida hai tháng trước khi thành lập nội các, khi Takahashi Eikichi (đảng Tự Do), một thành viên của Ủy Ban Điều Tra Giao Dịch Tài Sản Bất Hợp Pháp, cáo buộc chủ tịch công ty Showa Electric, Hinohara Setsuzò, đã cấu kết với Ashida và hai người khác để thâu tóm nhiều zaibatsu đã bị SCAP giải tán. Takahashi nói, Hinohara trở thành chủ tịch của Showa là nhờ những hành động bất hợp pháp đó. Mặc dù công chúng chỉ được biết vụ việc này sau phát biểu của Takahashi, song cảnh sát, sau hàng loạt các lá thư nặc danh, đã điều tra Hinohara. Vào ngày 25/5, Ủy Ban Cảnh Sát Đô Thành đã xông vào trụ sở của công ty Showa Electric ở Tokyo, thu giữ tài liệu. Trong số các tài liệu có cuốn sổ ghi chép chứa danh sách các cá nhân nhận “quà tặng”. Hơn nữa, cảnh sát cũng khám phá ra rằng để che dấu “quà tặng” công ty đã làm sổ kép. Do vậy, cảnh sát chắc chắn rằng một số khoản tiền đã được dùng để hối lộ chính trị. [38]

Trong thời gian này, ngân hàng Tài Chính Tái Thiết đã cho một số lĩnh vực vay với sự bảo lãnh của chính phủ để thúc đẩy khôi phục kinh tế. Công ty Showa Electric, một công ty hóa chất phân bón khổng lồ, đã vay vài tỷ yen và đang cố gắng vay thêm. Giá trị của khoản tiền và hàng hóa mà Hinohara phân phát cho các viên chức và chính khách vào khoảng 30 – 100 triệu yen. Bên cạnh việc chiêu đãi những người này tại các nhà hàng đắt tiền, ông ta cũng đưa nhiều cục một trăm ngàn yen được gói bằng giấy báo. [39]

Mặc dù một số phần của vụ bê bối hối lộ này vẫn là điều bí ẩn, nhưng ít nhất mối quan hệ giữa Ashida và Hinohara là rõ ràng. Vào tháng 3/1947, đảng Dân Chủ (dựa trên tàn dư của đảng Tiến Bộ) được thành lập; vào tháng 5, Ashida trở thành chủ tịch đảng. Người ủng hộ chủ chốt của Ashida trong những nỗ lực đưa ông ta lên làm chủ tịch đảng là Sugawara Michinari, anh vợ của Hinohara Setsuzò. Trong một cuộc họp bí mật với Sugawara, Ashida giải thích rằng ông ta không có đủ tiền để trở thành chủ tịch đảng và yêu cầu Sugawara xử lý vấn đề này. Sugawara đồng ý “xử lý mọi vấn đề về tiền bạc, nhưng với một điều kiện, tôi sẽ chỉ đưa tiền cho Chizaki [Usaburò]….[A]nh không được nhận một đồng quyên góp nào của công ty xây dựng.” [40] Số tiền mà Hinohara quyên góp cho chiến dịch giúp Ashida trở thành chủ tịch và sau đó thành lập nội các không được biết rõ, nhưng có tin đồn là 200 triệu yen đã được sang tay vào lúc ông ta được bổ nhiệm là thủ tướng. [41] 

Việc bắt giữ trong vụ án công ty Showa Electric bắt đầu vào năm 1948 và tiếp tục cho đến giữa tháng 12. Trong nhóm đầu tiên bị bắt giữ có thư ký riêng của Hinohara là Sunahara Tokiya; Satò Shûzò, một trợ lý khác của Hinohara; Tsuda Nobuhide, viên chức phụ trách ammonium sulphate tại Cục Hóa Chất của bộ Thương Mại và Công Nghiệp; và Nimiyama Tsutomu, trưởng Ban 1, Cục Hóa Chất, phụ trách phân bón. Cho rằng họ ở thế mạnh, cảnh sát và công tố viên đã lục soát nhà của Hinohara vào ngày 23/6; ông ta và một số nhân viên bị bắt giữ. Tiếp đó, vào ngày 10/9, Shigemasa Seishi, cựu thứ trưởng bộ Nông Lâm Nghiệp và Matsuoka Shòhei, cựu chủ tịch của Phòng Điều Hành, đảng Tự Do, bị bắt giữ. Ba ngày sau, trưởng Cục Ngân Sách Fukuda Takeo (Bộ Tài Chính) bị bắt giữ. Trong các tuần tiếp theo, Òno Banboku (cố vấn đảng Tự Do), Ninomiya Yoshimoto (phó chủ tịch ngân hàng Công Nghiệp), hạ nghị Ozawa Senshichirò (đảng Tự Do), cựu bộ trưởng Bộ Tài Chính và giám đốc của Ủy Ban Kế Hoạch Kinh Tế Kurusu Takeo, và phó thủ tướng Nishio Suehiro đều bị bắt giữ cùng với Mitsuki Tokihiko (thư ký của Kurusu). Thậm chí sau khi nội các Ashida từ chức, việc bắt giữ vẫn tiếp tục: Shimokabe Mitsushi (thư ký và là con rể của Ashida) vào ngày 3/11 và vài ngày sau Suehiro Kòjirò (cựu phó chủ tịch ngân hàng Công Nghiệp). Trong một hành động bất ngờ, công tố viên Tokyo yêu cầu bắt giữ cựu thủ tướng Ashida khi Quốc Hội đang họp. Yêu cầu đã được thông qua với số phiếu 140/120 (đảng Xã Hội Chủ Nghĩa không bỏ phiếu). Ashida bị thẩm vấn vào ngay 7/12 và bị truy tố vào ngày 16/12 vì tội nhận hối lộ và trốn thuế. Bốn mươi bốn trong số 64 người bị bắt giữ đã bị truy tố. [42]

Các công tố viên tin rằng họ có bằng chứng thuyết phục về hối lộ bởi vì Hinohara khẳng định rằng tiền và hàng hóa đã được đưa cho nhiều viên chức và chính khách để đổi lấy thỏa thuận tốt hơn cho công ty của ông ta (tức là khoảng vay lớn hơn). Hơn nữa, ông ta nói rằng do quyên góp chính trị chỉ mang lại các kết quả gián tiếp nên ông ta không bao giờ quyên góp; trái lại, ông ta luôn luôn đưa tiền vì một mục đích cụ thể. Dĩ nhiên các bị cáo khẳng định rằng tiền mà họ đã nhận không đổi lấy một lợi ích cụ thể. Ví dụ, cựu phó thủ tướng Nishio, thừa nhận đã nhận 1 triệu yen, khẳng định rằng đó là tiền quyên góp, ông ta nhận không phải với tư cách chính khách mà với tư cách cá nhân. Trong vụ án này, Hinohara đã nói với công tố viên rằng tiền được dùng để bịt miệng các chỉ trích của đảng Xã Hội Chủ Nghĩa về khoản tín dụng khổng lồ của chính quyền. Ashida, người bị cáo buộc nhận hối lộ 2 triệu yen, khẳng định rằng ông ta không phạm tội nhận hối lộ bởi vì ông ta không kiểm soát quỹ cho vay và do vậy không ở vị thế có thể đáp ứng yêu cầu vay tiền của Hinohara. Òno nói với tòa rằng 200.000 yen không phải là tiền hối lộ mà là “quà tặng” của một người bạn. Matsuoka khẳng định 200.000 yen của ông ta là một “khoản vay”. Phiên tòa xét xử một số người kéo dài cho đến năm 1962 (bao gồm cả phúc thẩm). Chỉ có ba bị cáo bị kết án: Hinohara, Kusuru và Shigemasa. Chủ tịch công ty bị tuyên án 1 năm tù, cựu bộ trưởng bộ tài chính nhận bản án 8 tháng tù và cựu thứ trưởng bộ Nông Nghiệp nhận bản án 1 năm tù. Hai cựu viên chức chính quyền cũng bị phạt. Không người nào phải ngồi tù: tất cả đều được hoãn thi hành án. [43] Justin Williams, trưởng Ban Nghị Viện và Chính Trị của GS (từ tháng 7/1949), bình luận về sự bào chữa của các chính khách như sau: “Mỗi người đều dựa trên tiêu chuẩn và sự bào chữa thành công trước đây trong các vụ bê bối chính trị, tiền được coi là quyên góp cho chính đảng và không được coi là hối lộ để gây ảnh hưởng tới viên chức chính quyền hay bưng bít các tin đồn về tham nhũng trong chính giới.” [44]

Nishio Suehiro, một bị cáo trong vụ án Showa Denkò, cho rằng một trong những khía cạnh quan trọng nhất của vụ án là thâm hụt tiền. Hồ sơ của tòa án chỉ ghi nhận 6 triệu yen nhưng Hinohara đã chi 85 triệu yen. Điều gì đã xảy ra với phần lớn khoản tiền? [45] Mặc dù không có cái tên ngoại quốc nào xuất hiện trong hồ sơ của tòa án song Masumi Junnosuke cho rằng có vẻ như “những người nhận khoản hối lộ cực lớn cũng như sự chiêu đãi xa hoa của Hinohara là thành viên của GS…và nhóm các tùy viên ngoại quốc.” Một số địch thủ của đại tá Kades ở SCAP đã tiết lộ thông tin này cho cảnh sát và nhà báo Nhật Bản và “nó đã được đăng tải trên tờ New York Times…và sau đó được báo giấy ở Nhật Bản đăng lại, điều đó đã khiến chính giới ở Nhật Bản phẫn nộ.” [46] Nishio đồng ý với kết luận: trận chiến kiểm soát chính sách của SCAP đã kéo theo cuộc điều tra Showa Denkò. Đại tá Kades, liên quan trực tiếp đến vụ bê bối, không thể làm gì để bảo vệ nội các Ashida. Trong trận chiến chính trị này, thiếu tướng Charles Willoughby, chỉ huy của G-2, đã chiến thắng. [47]

Nishio cũng kể rõ về cách ông ta nhận 1 triệu yen. Vào khoảng ngày 20/11/1947, Watanabe Toshinosuke, một người bạn cũ trong phong trào lao động thời tiền chiến tranh và là trưởng Cục Lao Động trong nội các Katayama, đã tới thăm văn phòng của Nishio. Watanabe nói rằng hai người bạn, Satò Noboru và Fukuya Shûichi, muốn giới thiệu Nishio với một doanh nhân. Nishio không chỉ biết Fukuya mà người này còn có nghĩa vụ làm người trung gian giúp ông ta nhận quyên góp chính trị 1.000.000 yen từ doanh nhân Okayama. Do vậy, ông ta đồng ý gặp mặt. Vào ngày 23/11, tại nhà của Satò, ông ta được giới với Hinohara và Fujii Takashi. Fuji nói rằng họ muốn bịt miệng các chỉ trích của Inamura Junzò trong Quốc Hội về các khoản vay nhà nước của Showa Denkò. Fuji cho rằng các bình luận gay gắt của Inamura được thúc đẩy bởi sự thật là một công ty ở quận của ông ta không nhận được bất kỳ khoản tiền nào. Do những chỉ trích này, tin đồn được lan truyền và chúng làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của công ty. Nishio trả lời rằng mặc dù ông ta hiểu vấn đề nhưng ông ta không thể bịt miệng Inamura. Do vậy, ông ta không thể chấp nhận yêu cầu của họ. Sau cuộc gặp kéo dài khoảng 10 phút này, Nishio nói với Fukuya rằng ông ta không thể giúp gì được. Hai ngày sau, Fuji xuất hiện ở nhà của Nishio, nói rằng ông ta có một khoản quyên góp chính trị. Nishio khẳng định rằng ông ta nghĩ rằng đó là cách cảm ơn việc ông ta đã tham gia cuộc gặp trước đó của Fuji và do đó đã nhận tiền; nhưng ông ta không nói lại rằng ông ta không thể giúp đỡ họ. Sau đó, ông ta nhận ra rằng nên nói rõ với Fuji là tiền không được coi như khoản đổi lấy lợi ích. [48]

Lời kể của Nishio có vẻ là đúng. Các chính khách quan trọng, đặc biệt là các bộ trưởng, là mục tiêu của những người muốn có lợi ích chính trị. Ví dụ, ngay khi quyết định bổ nhiệm Uchida Nobuya làm bộ trưởng Bộ Đường Sắt được công bố, các doanh nhân đã tới nhà riêng của ông ta để tìm kiếm sự ảnh hưởng cho bản thân hoặc khách hàng. Như vụ của Uchida đã cho thấy, nói không và từ chối tiền vẫn chưa đủ. Tobishima tiết lộ cho những người khác biết các chuyến viếng thăm Uchida và về mức độ thân cận với bộ trưởng. Thực tế là trợ lý thân tín của Uchida nhận tiền từ Tobishima, gây ra vụ bê bối năm 1936 (xem chương 4). 

Nishio đã bình luận thẳng thắn về cảm giác của một nghi phạm trong vụ hối lộ chính trị: [C]ó nhiều cách để đo lường tổn thất chính trị và xã hội của tôi và nhiều vị cáo khác.” Nhớ lại thời kỳ tiền chiến, trong cuộc đấu tranh của lao động với chính phủ áp bức, ông ta đã ngồi tù 45 ngày, ông ta cho biết điều đó không khiến ông ta phiền lòng vì tất cả mọi người biết rằng người lao động tham gia đấu tranh đều bị đàn áp. “Hiện giờ, tôi gần 60 tuổi và có địa vị xã hội. Thế mà tôi phải ngồi tù ở Kosuge vì tình nghi hối lộ!” [49]

Phiên tòa xét xử những người liên quan đến vụ Showa Denkò và vụ bê bối dự luật mỏ than đã cho thấy sự khó khăn lớn mà các công tố viên phải đối mặt khi truy tố tội hối lộ. Luật Hình Sự sửa đổi năm 1947, trong đó các điều luật về hối lộ vẫn giữ nguyên số như trong luật thời tiền chiến (tức là Điều 197 và 198), viết (Điều 197) như sau: “Trong trường hợp viên chức hoặc trọng tài đã nhận, yêu cầu hoặc hứa hẹn nhận hối lộ liên quan đến chức trách của bản thân, anh ta sẽ bị chế tài tối đã là 3 năm tù.” [50] Câu chủ chốt trong việc kết tội hối lộ là “có liên quan đến chức trách của bản thân”. Công tố viên không chỉ phải chứng minh tiền đã được đưa mà còn phải chứng minh viên chức nhận tiền ở vị thế có thể đáp ứng được lợi ích bất hợp pháp. Hơn nữa, quan tòa cũng cần phải được thuyết phục rằng viên chức hiểu khoản tiền đó là hối lộ. Bên cạnh các rào cản pháp lý, công tố viên cũng thường xuyên phải đối mặt với những bị cáo khẳng định rằng khoản tiền mà họ nhận được chỉ là vay nợ, quyên góp chính trị hay quà tặng. Độc giả sẽ nhớ tới các chính khách thời tiền chiến, họ luôn sử dụng những lý do này để biện minh cho các khoản hối lộ bị công chúng phát hiện. 

Một người quan sát đáng chú ý trong vụ Showa Denkò là Tsuji Kan’ichi, một hạ nghị sĩ của quận Aichi từ năm 1946. Tsuji cho rằng bản án và phiên tòa xử kết án các bị cáo là bất công bởi vì vụ án tham nhũng làm tổn hại danh tiếng. Ông ta nhắc tới ví dụ về cự thứ trưởng Shigemasa Seishi. Một nhân chứng tại phiên tòa thứ nhất khai về cuộc đối thoại với bị cáo mà trong đó Shigemasa đã nói, 
Phải, tôi thật sự nói dối về ngài Òno vào lúc đó và khiến ông ấy gặp nhiều rắc rối. Trên thực tế, sự thẩm vấn của công tố viên gay gắt tới mức nếu tôi không thừa nhận rằng mình đã đưa 200.000 yen cho ngài Òno trong việc của Shoden, công tố viên nói rằng họ sẽ truy tố tôi về tội lừa đảo và biển thủ. Tôi đã ốm và lo lắng về sức khỏe của mình. Tôi nghĩ rằng khi chúng tôi ra tòa…tôi sẽ có thể nói sự thật. Tôi cũng cho rằng không ai sẽ tin là ngài Òno sẽ nhận số tiền nhỏ như 200.000 yen. Do vậy, tôi đã nói dối. [51] 
Hãy nghĩ về việc vụ án đã khiến Tsuji “rùng mình ớn lạnh”. Ông ta kết luận, “Anh không biết ai sẽ trở thành nạn nhân bất hạnh.” [52] 

Không thể đo lường chính xác tác động chính trị và xã hội của vụ bê bối này. Điều rõ ràng là chính khách xã hội chủ nghĩa đã mất sự ủng hộ của công chúng sau khi nội các Ashida sụp đổ. Trong cuộc bầu cử ngày 23/1/1949, cử tri trừng phạt cựu liên minh nội các và tặng thưởng cho đảng Dân Chủ Tự Do (Yoshida Shigeru) với đa số tuyệt đối đầu tiên kể từ năm 1890. [83] Công tố viên có thể nhận được nhiều sự yêu quý của công chúng hơn vì dã truy tố nhiều người có địa vị cao, nhưng việc chỉ kết án thành công ba bị cáo trong một loạt các phiên tòa dường như đã làm tổn thương hình ảnh của họ. Đối với ba người bị kết án, Hinohara rút khỏi bề mặt của giới kinh doanh, nhưng ông ta vẫn là chủ tịch của hai công ty. Cựu bộ trưởng Bộ Tài Chính Kurusu trở thành chủ tịch Hiệp Hội Chính Sách Kinh Tế. Shigemasa, cựu thứ trưởng, tiếp tục sự nghiệp nghị sĩ và vào năm 1962 làm bộ trưởng Bộ Nông Lâm Nghiệp trong nội các thứ hai của Ikeda Hayato. Sự nghiệp hậu bê bối của các chính khách quan trọng được trắng án cũng tương tự: dường như không bị ảnh hưởng bởi cáo buộc hối lộ chính trị. Ashida được tái cử vào ngày 23/1/1949 khi đang ở trong tù, được bầu và tiếp tục hoạt động chính trị trong nhiều năm; Nishio tái cử vài lần và vào năm 1960 thành lập đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Dân Chủ. Òno tiếp tục sự nghiệp nghị sĩ và vào năm 1953 ông ta làm bộ trưởng Bộ Ngoại Giao trong nội các thứ năm của Yoshida. Sau khi trở thành bộ trưởng Bộ Tài Chính trong nội các thứ ba của Satò Eisaku và trong nội các thứ hai của Tanaka Kakuei, Fukuda trở thành thủ tướng vào tháng 12/1976. [54]

Phạm vi phổ biến của tham nhũng chính trị mà cuộc điều tra kéo dài của Ủy Ban Điều Tra Giao Dịch Tài Sản Bất Hợp Pháp cũng như vụ bê bối công ty Showa Electric phơi bày đã khiến Quốc Hội thông qua Luật Quản Lý Quỹ Chính Trị (Luật số 94, 29/7/1948). Mục tiêu của luật này là giám sát quỹ liên quan đến chính trị do các chính đảng và tổ chức xã hội thu hút. Các tổ chức này được yêu cầu phải cung cấp báo cáo định kỳ, được đăng tải công khai. Các chế tài của luật này có hình phạt tù lên đến 5 năm và phạt tiền tới 100.000 yen. Trong một số trường hợp, kết quả bầu cử có thể bị hủy bỏ. [55] Hơn nữa, vào ngày 15/4/1950, Quốc Hội thông quan Luật Bầu Cử Chức Vụ Công (Luật số 100). Mục tiêu của luật này là kết hợp tất cả các quy định bầu cử địa phương và quốc gia vào một luật. [56] Một chuyên gia về bầu cử của Nhật Bản khẳng định rằng luật này tương đồng với nhiều hạn chế tranh cử của thời tiền chiến và luật sửa đổi năm 1952 đã quay lại luật 1934 trên góc độ các giới hạn đối với hoạt động tranh cử. Một cử tri hạn viện phải tranh cử trong khuôn khổ pháp lý chật hẹp. Mọi hoạt động tranh cử của ông ta, từ số lượng bài phát biểu cho tới kích thước biểu ngữ mà ông ta treo ngoài cửa văn phòng tranh cử, đều được luật quy định.” [57]

Tác dụng của luật chống tham nhũng có thể được đánh giá bằng cách xem xét cuộc bầu cử Hạ Viện vào ngày 1/10/1952, được tổ chức 5 tháng sau khi thời kỳ chiếm đóng chấm dứt. Trong tháng 9, các đài phát thanh, báo chí và nhà xuất bản đã thúc giục cử tri thực hiện một cuộc bầu cử công bằng: sự phản ứng của công chúng dường như cho thấy đã lĩnh hội được thông điệp này. Tuy vậy, một số ứng cử viên đã vi phạm luật bằng các chi 20 triệu yen để hối lộ cử tri bằng tiền mặt hoặc chiêu đãi (số lượng tiền trung bình được phép sử dụng cho chiến dịch của mỗi ứng cử viên là 380.000 yen). Hơn nữa, một số ứng cử viên đã vi phạm luật bằng cách tranh cử quá sớm. Sau cuộc bầu cử, 5 chính đảng lớn báo cáo khoản quyên góp 272.052.000 yen. Một nhà bình luận chính trị nói rằng con số đó chỉ là bề nổi của tảng băng trôi và tổng số tiền thực tế lên đến 10 tỷ yen. Nhà chức trách bắt giữ hơn 10.000 cộng tác viên vận động tranh cử vì vi phạm nhiều điều khoản của Luật Bầu Cử. Nhiều ứng cử viên thoát khỏi sự bắt giữ bằng cách ẩn nấp sau các quản lý và các nhân viên vận động tranh cử khác. Rõ ràng là phong trào bầu cử công bằng đi cùng với luật chống tham nhũng đã thất bại trong việc ngăn chặn truyền thống sử dụng các quỹ bất hợp pháp và hối lộ để thắng cử. [58] 

SCAP thúc đẩy dân chủ không chỉ bằng cách cải cách cấu trúc luật pháp quốc gia mà còn bằng cách cố gắng thay đổi thái độ và các giá trị chính trị cơ bản. Mặc dù tác động thực sự của những cải cách của SCAP vẫn chưa rõ song dường như họ đã không làm gì nhiều trong những năm chiếm đóng để thay đổi bầu không khí chính trị nuôi dưỡng hối lộ. Cựu sĩ quan GS Harry Wildes (5/1946 – 5/1947) viết vào năm 1954, “Mặc điều này [tham nhũng] cũng là một truyền thống của Nhật Bản song thời kỳ sau khi đầu hàng, được coi là một sự thức tỉnh tinh thần, đã phá mọi kỷ lục về hối lộ và phạm pháp.” [59] 

Herbert Passin, một cựu sĩ quan GS khác, vào năm 1968 cho rằng chương trình cải cách thời chiếm đóng đã đóng góp vào sự gia tăng của mức độ tham nhũng trong chính quyền và làm giảm sự tin cậy của công chúng đối với chính khách. Ông ta viết, “Không may mắn là sự bùng nổ của các chức vụ dân cử, do sự chiếm đóng khuyến khích, đã trở thành tai hại. Nó dẫn đến sự chính trị hóa thái quá, một dạng quá tải của các mạng lưới truyền thông chính trị. Hiện nay, vài trăm ngàn chức vụ dân cử phải được lấp đầy ở Nhật Bản….Nếu chúng ta bổ sung thêm các ủy ban trường học địa phương xấu số thì chúng ta nhận ra rằng các cải cách của người Mỹ mang đến một sự lạm phát bầu cử khổng lồ.” Những cuộc tranh cử không chỉ khiến cử tri bận rộn mà chúng còn tốn tiền. Pasin cho biết, “Do vậy, một số lượng lớn người dân [tham gia] bầu cử, tổ chức các nhóm hỗ trợ và gây quỹ. Cơ hội, ngay cả khi phải miễn cưỡng tham nhũng trở nên rất mạnh….[C]ác giới hạn pháp lý cố định chi tiêu tranh cử chặt chẽ tới mức hầu như mọi ứng cử viên thắng cử đều có thể bị cáo buộc vi phạm luật bầu cử.” Những giới hạn này phi lý tới mức chúng khiến cho công chúng có cảm giác rằng “nếu không phải là tất cả các chính khách đều tham nhũng thì ít nhất chính trị cũng là một việc bẩn thỉu. Thái độ này không dẫn tới nền dân chủ đại nghị ổn định.” Cuối cùng, Passin cho rằng chủ nghĩa bè phái cực đoan đã sống sót qua thời kỳ cải cách. Ông ta cảm thấy rằng “các cải cách chính trị của chúng ta chỉ củng cố chúng và dĩ nhiên là làm cho chúng trở nên tồi tệ hơn. Bằng sự gia tăng lạm phát các vị trí chính trị dân cử và gia tăng mức độ chính trị hóa đất nước nói chung, chúng ta đã khiến vấn đề tài chính trở nên phức tạp và hệ thống bè phái đã trở thành vấn đề sống còn đối với chính khách.” [60]

Chú thích:

1. Gerald L. Curtis, The Japanese Way of Politics, 7.
2. Joseph A. Massey, “The Occupation of Japan and the Sheriff of Nottingham: The Legacy of Election Reform,” 90; Curtis, Election Campaigning, 214; Kiyose Ichiro, “The New Election Law,” 18, 21; Masumi Junnosuke, Postwar Politics in Japan, 1945–1955, 92–93; Hayashida, “Election Law,” 40; Supreme Commander for the Allied Powers [hereafter SCAP], Government Section, Political Reorientation of Japan, September 1945 to September 1948, 2:832–833.
3. SCAP, Political Reorientation, 715.
4. Quoted in Masumi, Postwar Politics, 96–97.
5. Kenneth E. Colton, “Pre-war Political Influences in Post-war Conservative Parties,” 948.
6. Ibid., 955–956.
7. Robert E. Ward, “Reflections on the Allied Occupation and Planned Political Change in Japan,” 513; Curtis, Japanese Way, 10.
8. Hayashida, “Election Law,” 8, 40; Curtis, Election Campaigning, 214.
9. Masumi, Postwar Politics, 138–140; T. A. Bisson, Prospects for Democracy in Japan, 57; Massey, “Occupation of Japan,” 101.
10. SCAP, The Japanese Elections, April 1947, 99–100.
11. SCAP, Political Reorientation, 1:325, 336.
12. Russel Brines, MacArthur’s Japan, 208.
13. Bradley Richardson, “Elections,” 2:189.
14. Brines, MacArthur’s Japan, 208.
15. Theodore Cohen, Remaking Japan: The American Occupation as New Deal, 338–339; William Costello, Democracy vs. Feudalism in Post-war Japan, 158; Bisson, Prospects, 113–114. For this report, see SCAP, Political Reorientation, 2:728–733.
16. SCAP, Political Reorientation, 308–311.
17. Quoted in ibid., 311.
18. T. Cohen, Remaking Japan, 343; SCAP, Political Reorientation, 1:312–313; Costello, Democracy vs. Feudalism, 171, 174; Masumi, Postwar Politics, 158.
19. T. Cohen, Remaking Japan, 315–316, 322.
20. Ibid., 324–325.
21. Itò Ushirò, “Yoyatò no gyakuten.”
22. T. Cohen, Remaking Japan, 325.
23. Murobushi Tetsurò, Sengo gigoku, 87.
24. Ibid., 85–87.
25. Ibid., 90–91, 93–94, 100–101, 104.
176 Notes to Pages 100–107
26. Ibid., 99–100, 103.
27. Quoted in ibid., 103.
28. Ibid., 100–103.
29. SCAP, Political Reorientation, 1:352.
30. A few weeks after renouncing claim to divine status the emperor visited the Showa Electric Company factory in Kawasaki. This was the first of many trips designed to humanize the god-king. A picture of this visit is facing page 216 of Andrew Gordon, ed., Postwar Japan as History.
31. Masumi, Postwar Politics, 158–159.
32. Kòdansha, Japan: An Illustrated Encyclopedia 1:65.
33. Murobushi Tetsurò, Sengo gigoku no kao, 123, 126.
34. Nishio Suehiro, Nishio Suehiro no seiji oboegaki, 265.
35. Murobushi, Sengo gigoku no kao, 124–125.
36. Nishio, Seiji oboegaki, 266–267.
37. Quoted in ibid., 267.
38. Morikawa Tetsurò, Nihon gigoku shi, 229–230.
39. Masumi, Postwar Politics, 159; Aritake Shûji, Seiji to kane to jiken to, 263.
40. Quoted in Masumi, Postwar Politics, 137.
41. Ibid., 158.
42. Morikawa Tetsurò, Nihon gigoku shi, 230–234, 236–238.
43. Aritake, Seiji, 262–263, 267, 270; Harry E. Wildes, Typhoon in Tokyo: The Occupation and Its Aftermath, 127, 164; Justin Williams, Sr., Japan’s Political Revolution under MacArthur: A Participant’s Account, 251, Morikawa Tetsurò,
Nihon gigoku shi, 236, 240; Kòdansha, Illustrated Encyclopedia, 1:1414.
44. Williams, Political Revolution, 251.
45. Nishio, Seiji oboegaki, 264.
46. Masumi, Postwar Politics, 159–160.
47. Nishio, Seiji oboegaki, 298, 302–304.
48. Ibid., 271–277. Although Hinohara told procurators that the million yen was a bribe, Fujii Takashi insisted it was a political contribution. Katò Hideo states that Hinohara lied. Katò Hideo, Fûsetsu no hito Nishio Suehiro, 103.
49. Quoted in Nishio, Seiji oboegaki, 265, 271.
50. Japanese Government, Attorney-General’s Office, trans., The Constitution of Japan and Criminal Laws, 34.
51. Quoted in Tsuji Kan’ichi, Seijika to iu mono, 147.
52. Quoted in ibid.
53. Steven R. Reed, “The People Spoke: The Influence of Elections on Japanese Politics, 1949–1955,” 319.
54. Sanseidò, Konsaisu jinmei jiten, 30, 415, 538, 842, 929; Hunter, Modern Japanese History, 310–317, 320; Theodore McNelly, Contemporary Government of Japan, 131; Edwin M. Reingold, Chrysanthemums and Thorns: The Untold Story of Modern Japan, 247; Morikawa Tetsurò, Nihon gigoku shi, 239.
55. SCAP, Political Reorientation, 2:1198–1206.
56. Hayashida, “Election Law,” 24; Lawrence W. Beer, Freedom of Expression in Japan: A Study in Comparative Law, Politics, and Society, 372–374.
57. Curtis, Election Campaigning, 214. Notes to Pages 107–116 177
58. Ikematsu Fumio, “Political Parties Today and Tomorrow,” 390–391, 402.
59. Wildes, Typhoon in Tokyo, 127.
60. Herbert Passin, The Legacy of the Occupation—Japan, 27–28, 39.

Thursday, January 21, 2016

Hối lộ chính trị ở Nhật Bản - Các Chính Sách Bài Trừ

Các chương đã được dịch của cuốn sách:





4. Các Chính Sách Bài Trừ 




Hối Lộ Chính Trị ở Nhật Bản - Chương 4: Các Chính Sách Bài Trừ

Sự suy thoái của chính quyền đảng phái sau năm 1932 mở đường cho sự trỗi dậy của “viên chức xét lại”. Những người xét lại bảo vệ cho sự thanh tẩy hệ tư tưởng, nhà nước kiểm soát kinh tế, hoặc sự gia tăng của quân sự quốc gia và sự lành mạnh tinh thần. Viên chức xét lại của Bộ Nội Vụ, muốn phá hủy liên minh giữa các thành viên Hạ Viện và các lãnh đạo địa phương, liền nhằm vào tham nhũng bầu cử, mà công chúng coi là phổ biến và chính khách không thể cưỡng lại. [1] Vào ngày 23/6/1934, Luật Cải Cách Bầu Cử Quốc Hội đã được ban hành, theo luật này các quận trưởng được kiểm soát quá trình bầu cử nhiều hơn. Hình phạt tối đa đối với việc mua phiếu bầu là bốn năm tù và phạt tiền lên đến 3.000 yen; những người môi giới bầu cử là đối tượng bị phạt tù lên đến 5 năm. [2] Luật này cũng cấm các chiến dịch tiền bầu cử, cung cấp cho chính quyền các tài liệu in ấn để tranh cử, mở rộng sự kiểm soát với việc diễn thuyết tại mít-tinh và một giới hạn nghiêm ngặt về chi phí tranh cử. [3] Một học giả viết, “Bằng cách tạo ra mức độ giới hạn cho sự đại diện tỷ lệ và tước bỏ lợi thế của của cải trong các cuộc bầu cử, luật bầu cử sửa đổi đã đảm bảo cho số lượng các thành viên vô sản và độc lập tăng lên trong Quốc Hội.” [4] 

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Gotò Fumio (nội các Okada Keisuke, 7/1934–3/1936), một lãnh đạo của phái xét lại, đã tổ chức phong trào Thanh Tẩy Bầu Cử, được ban hành bằng một sắc lệnh hoàng gia vào tháng 5/1935. Trong tháng tiếp theo, các Ủy Ban Thanh Tẩy Bầu Cử do các quận trưởng đứng đầu và viên chức cảnh sát là thành viên đã được thiết lập ở tất cả các quận. Các ủy ban này có mục đích giáo dục cử tri về thực hành bầu cử đúng đắn. [5] Các trưởng cảnh sát quận trong hội nghị vào tháng 8 tại Tokyo đã nhận được lệnh của Gotò và bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ohara Naoshi về việc phải đảm bảo các cuộc bầu cử cấp quận được thực hiện đúng đắn và công bằng. Các cảnh sát trưởng cũng được chỉ thị bắt giữ tất cả những người mua phiếu bầu và môi giới bầu cử. [6] Có lẽ là cảnh sát đã thực hiện những mệnh lệnh này cùng với sự trả thù. Aikawa Katsuroku, viên chức của Cục Cảnh Sát, Bộ Nội Vụ, đảm nhiệm việc theo dõi bầu cử trong đầu thời kỳ phong trào thanh tẩy, đã khẳng định trong hồi ký rằng cảnh sát đã bắt giữ “không thương tiếc bất cứ ai vi phạm luật bầu cử vì bất kỳ lý do nào và không cần cân nhắc xem đảng nào sẽ trở thành đảng chiếm đa số.” [7]

Sự thi hành luật lệ nghiêm khắc đã giúp cho các cuộc bầu cử cấp quận tương đối trong sạch. [8] Tuy vậy, việc thanh tẩy bầu cử cũng có mặt trái. Vào ngày 16/12/1935, bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ohara chúc mừng các viên chức cảnh sát đã tập hợp ở Tokyo bởi vì có ít phàn nàn về việc vi phạm quyền cá nhân trong các cuộc bầu cử ở quận vừa qua. Bộ trưởng yêu cầu các lãnh đạo cảnh sát đặc biệt chú ý không bắt giữ người dân vì những vi phạm nhỏ nhặt. [9] Điều mà Ohara coi là “vi phạm nhỏ nhặt” được minh họa bằng một bài báo khác trên cùng trang của tờ báo tường thuật bài phát biểu của ông: “Theo Luật Bầu Cử mới, tất cả mọi người, trừ những người có tên được khai báo đầy đủ cho cảnh sát, đều bị cấm cung cấp tất cả các dịch vụ hỗ trợ bầu cử....Khi một xe máy đưa một ứng cử viên nào đó bị sa lầy, những người qua đường cố gắng giúp [nhưng]…cảnh sát can thiệp và ra lệnh cho họ giải tán, cho rằng đây là cung cấp dịch vụ hỗ trợ bầu cử.” Một ví dụ nực cười khác về sự thái quá của cảnh sát liên quan đến một ly nước đặt trên bàn diễn giả, được một khán giả lau sạch. “Điều này cũng bị cảnh sát có mặt coi là hành động bất hợp pháp, cung cấp dịch vụ hỗ trợ bầu cử.” [10]

Sassa Hiroo, một thành viên của Hiệp Hội Nghiên Cứu Showa, bình luận về cuộc bầu cử vào số tháng 10/1935 của tờ Kaizò: “Phong trào thanh tẩy đã tạo ra một tiền đề cho việc làm sạch chính giới và tái cấu trúc lại các đảng chính trị….Nhà nước sẽ là liên minh của người dân chống lại sự tham nhũng của các chính đảng.” [11] Ròyama Masamichi, nhân vật hàng đầu trong Hiệp Hội Nghiên Cứu Showa và là giám đốc đầu tiên của Phong Trào Thanh Tẩy Bầu Cử, là người ủng hộ mạnh mẽ phong trào thanh tẩy, coi nó là hy vọng duy nhất có thể bài trừ tận gốc tham nhũng chính trị trong các cuộc bầu cử. Ròyama hy vọng rằng khi phong trào thanh tẩy được phổ biến khắp quốc gia, ứng cử viên Quốc Hội có thể thoát khỏi nhu cầu cần sự ủng hộ của đảng phái và có thể chỉ dựa vào sự ủng hộ của các nhóm tạm thời. Mục tiêu của ông ta, cũng giống như Sassa, là bài trừ tham nhũng của nền chính trị đảng phái thường trực. [12]

Bài kiểm tra thực sự đầu tiên đối với phong trào thanh tẩy là tổng tuyển cử vào ngày 20/2/1936, các ủy ban thanh tẩy khuyến khích ý tưởng về bầu cử trong sạch bằng các bài giảng, pamphlet, phim và bài diễn thuyết trên sóng phát thanh. [13] Một học giả khẳng định rằng Bộ Nội Vụ coi cuộc bầu cử này là thắng lợi của phong trào thanh tẩy. Các viên chức đã ngạc nhiên bởi số lượng cử tri giảm đi 7,4% (76,7% tham gia bỏ phiếu) so với tổng tuyển cử năm 1932. [14] Bất chấp sự suy giảm này, khoảng 15.000 người đã bị bắt giữ vì vi phạm luật bầu cử (hối lộ và các vi phạm khác), cho thấy một sự bộc phát của các hoạt động bất hợp pháp (cũng có thể cho thấy sự thực thi pháp luật nghiêm chỉnh). [15] Với bất tỷ lệ nào, số lượng vi phạm là 10.401 vào năm 1928; 18.010 vào năm 1930; 9.869 vào năm 1932. [16] Con số ứng cử viên Hạ Viện bị bắt giữ (62) cũng cho thấy sự tăng vọt trong vi phạm (hay sự thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn). Vào giữa tháng 5 của năm tiếp theo, 6 ứng cử viên đã bị kết án; các vụ án khác vẫn đang trong quá trình kháng án. [17] Số liệu của cuộc tổng tuyển cử ngày 20/4/1937 cho thấy phong trào thanh tẩy đã có ảnh hưởng tới hành vi của cử tri và chính khách. Khoảng ba tuần sau cuộc bầu cử, cảnh sát chỉ xử lý 1.950 nghi phạm vi phạm luật bầu cử, trong đó có 221 người liên quan đến việc hối lộ cử tri. Hai mươi ứng cử viên Hạ Viện cũng đang bị điều tra. [18] Viên chức Bộ Tư Pháp thông báo “104 người đã bị truy tố vì vi phạm luật bầu cử….Điều này cho thấy một sự giảm xuống rõ rệt so với cuộc tổng tuyển cử trước đó, 600 người đã bị truy tố trong cùng kỳ.” Mặc dù viên chức Bộ Tư Pháp kỳ vọng có nhiều bản án hơn, song họ cũng hy vọng rằng số lượng các vụ truy tố sẽ thấp hơn một nửa so với kỳ bầu cử trước. [19] 

Cũng cần phải ghi nhận rằng đằng sau bề ngoài của thanh tẩy bầu cử, “các thương nhân chính trị” vẫn tiếp tục chi tiền. Ví dụ, Sakomizu Hisatsune, từng là thư ký của thủ tướng Okada, đóng vai trò là người trung gian chuyển một triệu yên từ zaibatsu Sumitomo cho Minseitò để sử dụng trong tổng tuyển cử năm 1936. [20] Cải cách bầu cử vào đầu những năm 1930 không giải quyết được vấn đề cơ bản: tiền. Cựu bộ trưởng Bộ Nội Vụ Mizuno Rentarò, viết trên tờ nội san Shimin của bộ vào năm 1935, cho biết một ứng cử viên chi từ 20.000 đến 200.000 yen. Một tờ báo đưa tin là chi tiêu của một số chính khách trong tổng tuyển cử năm 1936 khoảng 150.000 yen mỗi người. Rất ít ứng cử viên có đủ tiền để tài trợ cho chiến dịch tranh cử. [21] Tướng Ugaki Kazushige viết trong nhật ký của ông vào tháng 1/1935 rằng chủ tịch của một đảng lớn cần khoảng 100.000 – 150.000 yen mỗi năm; trong số đó 120.000 – 130.000 yen được chi cho đảng. Trong năm có tổng tuyển cử, cần phải có khoảng 2.500.000 yen, để hỗ trợ khoảng 400 ứng cử viên. Trong số đó, chủ tịch sẽ đóng góp 1.000.000 yen và các thành viên đóng góp 1.500.000 yen. [22] 

Vào giữa tháng 4/1935, bài báo cho biết ít nhất cũng có một số viên chức Bộ Nội Vụ lo sợ rằng cảnh sát sẽ thực hiện phong trào thanh tẩy một cách thái quá: “Viên chức Bộ Tư Pháp e ngại rằng khi cảnh sát bắt giữ tất cả những người vi phạm, với sự nhiệt tình của họ trong việc thanh tẩy bầu cử, các phàn nàn về xâm phạm quyền cá nhân sẽ sớm xuất hiện. Do vậy, họ sẽ đưa ra các hướng dẫn cho cảnh sát địa phương để kiềm chế những hành động có thể bị coi là xâm phạm quyền cá nhân.” [23] Một tháng trước tổng tuyển cử tháng 2/1936, bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hayashi Raizaburò nói rằng “[v]i phạm bầu cử là đặc biệt có hại đối với việc duy trì sự thiêng liêng của pháp luật và do vậy phải bị trừng phạt nghiêm khắc.” [24] Do đó, cảnh sát và công tố viên nhận được một thông điệp kết hợp: không vi phạm quyền cá nhân và thực thi luật bầu cử nghiêm khắc. Dường như hầu hết cảnh sát và công tố viên đã thực hiện phần sau của thông điệp này. Một sự phản đối vụ đàn áp của chính quyền đến từ Makino Ryòzò (Seiyûkai) tại cuộc họp của ủy ban ngân sách vào ngày 27/2/1937. Makino lên án sự lạm dụng thẩm quyền của công tố viên và cảnh sát, kêu gọi chú ý tới việc có khoảng 400.000 – 500.000 người bị cảnh sát điều tra trong cuộc tổng tuyển cử năm 1936 do có thư khiếu nại. Con gái và vợ của một số ứng cử viên thậm chí còn bị tra tấn, ông ta khẳng định. Ông ta khẳng định rằng nhà chức trách phải bỏ qua các thư nặc danh. Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Shiono Suehiko bày tỏ sự ân hận của ông và nói rằng các viên chức có lỗi sẽ bị trừng phạt. Một tuần trước đó, Kokubo Ki’ichi (Thượng Viện) đã cáo buộc rằng trong các cuộc bầu cử cấp quận của năm 1935 và tổng tuyển cử năm 1936 có nhiều vụ cảnh sát tra tấn. Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Kawarada Kakichi trả lời rằng những vụ án đó đang được điều tra và một số viên chức vi phạm đang bị xét xử. [25] Vào năm 1937, sau khi kết thúc cuộc tổng tuyển cử, Seiyûkai thành lập một ủy ban để xem xét các vụ án về hành động thái quá của cảnh sát và công tố viên. Một người phát ngôn nói, “[T]hông tin mà trụ sở đảng nhận từ mọi vùng của đất nước cho thấy ở nhiều nơi các viên chức cấp thấp địa phương đã xâm phạm đến các quyền cá nhân. Hành động theo các thông tin sai lệch do những người có lợi ích cung cấp, họ đã bắt giữ các quản lý bầu cử và cử tri. Cũng có những vụ vi phạm nhỏ bị trừng phạt quá nghiêm khắc.” [26] Cũng có những bằng chứng chắc chắn cho cáo buộc về việc cảnh sát tra tấn để buộc những nghi phạm vi phạm Luật Bầu Cử phải thú tội, được chứng minh bằng báo cáo “bí mật” của thẩm phán Kawakami Kan vào tháng 2/1938. Một trường hợp được Kawakami trình bày có liên quan đến Kawaguchi Yoshihisa, một ứng cử viên Hạ Viện của Seiyûkai, trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 20/2/1936, đã bị bắt cùng với những người ủng hộ vì tình nghi hối lộ. Việc thẩm vấn trong vụ án này được cảnh sát quận Kanagawa thực hiện. Người ủng hộ đầu tiên bị tra tấn là Hishinuma Shunkichi, bị cáo buộc đưa tiền cho cử tri. Hishinuma và các nghi phạm khác thường bị tra tấn bằng một hay nhiều kiểu như sau: bị đánh bằng kiếm tre, bị đá vào đầu và thân thể, bị xông khói, bắt quỳ trên đống que gỗ, bị bắt uống nước, bị ném xuống sàn nhà cứng. [27] Thượng nghị sĩ Kokubo Ki’ichi coi những vi phạm của cảnh sát ở Kanagawa là cực kỳ tồi tệ: “Những vụ án này xảy ra ở các quận Kaganawa, Kagoshima, Yamaguchi, Iwate, Okayama và các dạng tra tấn mà cảnh sát Kanagawa đã sử dụng thật kinh hoàng.” [28] Phong trào Thanh Tẩy Bầu Cử dường như đã làm giảm số lượng việc mua phiếu bầu và các vị phạm Luật Bầu Cử khác, nhưng cái giá phải trả quá cao. Cảnh sát, có lịch sử lâu dài về hành động bất hợp pháp và vào những năm 1930 hành động theo các quy tắc riêng của họ, đã trở nên tàn nhẫn hơn trong việc hành hạ các nghi phạm. [29]

Viên chức mới không phải là những người duy nhất mong muốn thanh tẩy chính trị. Vào cuối tháng 9/1930, một nhóm hai tá viên chức quân sự ở Tokyo đã thành lập một hiệp hội mà sau này được gọi là Hiệp Hội Anh Đào. Nhóm này có mục đích tái tổ chức quốc gia, trong đó có việc xóa bỏ các đảng chính trị. [30] Một phần trong tuyên bố mục tiêu của nhóm cải cách chính trị này nêu rõ, “[Chính khách]…thiếu sự can đảm để thực hiện các chính sách nhà nước….[H]ọ hoàn toàn bị ngự trị bởi sự theo đuổi ích kỷ quyền lực chính trị và của cải vật chất….Giờ đây, mũi kiếm tẩm độc của các chính khách đảng phái suy đồi đã chĩa vào quân đội….[C]húng ta, trụ cột của quân đội, phải…tự thức tỉnh và xóa bỏ hoàn toàn các chính khách suy đồi.” [31] Các hoạt động của viên chức quân sự cực đoan dẫn đến âm mưu đảo chính ở Tokyo vào ngày 26/2/1936. Khoảng 400 lính do những sĩ quan cấp thấp lãnh đạo đã giết và làm bị thương một số chính khách cấp cao, viên chức và sĩ quan quân đội. Sự may mắn đã giúp cho thủ tướng Okada thoát chết. Tuyên ngôn của các sĩ quan nổi loạn lên án cả các trùm tài chính, chính khách, viên chức, tất cả những người khiến quốc gia bị tàn phá. Không may cho những người nổi loạn, hoàng đế đã hành động cương quyết để dập tắt vụ nổi loạn. [32]

Công ty Mitsui, trong nhiều thế hệ đã uốn mình như cây tre theo các làn gió chính trị, đã bổ sung thêm vào danh sách hối lộ của họ các phần tử dân sự và quân sự cực đoan. Vào đầu mùa xuân năm 1931, Ariga Nagabumi, giám đốc điều hành của Mitsui, đã quyên góp 200.000 yen cho một đại diện của Hiệp Hội Anh Đào. Vào cuối năm đó, Ariga gặp Kita Ikki, một người cánh hữu nổi tiếng vì kế hoạch tái cấu trúc xã hội cực đoan. Khi yêu cầu của Kita bảo trợ cho Mitsui, Ariga đã hối lộ Kita khoảng 20.000 – 30.000 yen; Ikeda Seihin, sau khi nắm quyền ở Mitsui vào năm 1934, tiếp tục đóng góp cho Kita 10.000 yen vào mỗi tháng 6 và tháng 12 hàng năm. Một phần của khoản tiền đó đã được rót cho các sĩ quan quân đội cực đoan. Khoản tiền bảo trợ này đã đi đúng hướng: Kita loại tên của Ikeda ra khỏi danh sách ám sát do những người tham gia đảo chính, cuộc nổi loạn của quân đội, vào ngày 26/2/1936 lập ra. Sau này, khi tên của Ikeda xuất hiện trên một danh sách khác, ông ta cũng được cảnh báo trước. Bên cạnh việc hối lộ đám khủng bố cánh hữu, Mitsui, theo sự yêu cầu của Ikeda, cũng bắt đầu hối lộ công chúng, cố gắng thay đổi ấn tượng về một công ty tham lam lam, kiếm lợi bằng mọi giá, trong đầu óc của công chúng. Vào giữa năm 1933, công ty quyên góp 3 triệu yen cho trợ cấp thất nghiệp và vào tháng 10/1933, họ thành lập Hiệp Hội Đáp Lại Lòng Tốt Mitsui, một quỹ từ thiện có số vốn 3 triệu yen. Sau ngày 26/2/1936, quân đội nổi loạn, Mitsui thực hiện kế hoạch loại bỏ các lãnh đạo trên 50 tuổi do Ikeda đưa ra. Do vậy, nhóm quản lý già, mà công chúng có ấn tượng xấu, đã bị xóa bỏ. Đối với các đảng chính trị mà Mitsui đã trợ cấp trong nhiều thế hệ, Ikeda quyết định phải cắt bỏ mối quan hệ đó để cải thiện hình ảnh của Mitsui. Kể từ đó, công ty từ chối các yêu cầu tài trợ tranh cử của Minseitò, Seiyûkai và các đảng khác. [33] “Mặc dù ông ta [Ikeda] không hỗ trợ cho bất cứ đảng nào nhưng ông ta lại đưa tiền cho các cá nhân. “…Tôi đã giữ lại một số khoản tiền để hỗ trợ cho một số đảng viên ngay thẳng, bất kể họ thuộc đảng phái nào, có quan hệ đặc biệt với Mitsui….Tôi không thể đột ngột cắt bỏ chúng.”” [34]

Một thương nhân chính trị hàng đầu khác, Kuhara Fusanosuke, cũng hối lộ để được các sĩ quan quân đội cánh hữu chiếu cố. Vào cuối những năm 1920, Kuhara là nguồn tài trợ chính trị quan trọng của Tanaka Giichi. Công ty của Kuhara, Nippon Sangyò (Nissan), vào những năm 1930 đã phát triển thành một zaibatsu mới; nó là hãng lớn đầu tiên chuyển một phần lớn hoạt động sang Mãn Châu Lý. Cũng giống như Mitsui, Kuhara hối lộ cho Kita Ikki và các sĩ quan quân đội cánh hữu. Một lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng cung cấp tài chính cho các sĩ quan quân đội cánh hữu là Ishihara Kòichirò, đứng đầu công ty Công Nghiệp và Vận Tải Biển Ishihara. Ishihara đã đưa 11.500 yen cho trung úy Kurihara Yasuhide, một trong những sĩ quan tham gia vụ nổi loạn của quân đội vào ngày 26/2. Trong thời kỳ từ tháng 10/1933 đến 10/1935, Ishihara đã đưa 260.000 yen cho nhiều tổ chức cánh hữu khác nhau. [35]

Viên chức mới và những người cánh hữu của quân đội cũng không phải là đối tượng duy nhất mong muốn thanh tẩy chính trị. Công tố viên tại Tòa Án Quận Tokyo cũng đang tuyên chiến với sự tham nhũng trong kinh doanh từ cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930. Dưới thời chưởng lý Shiono Suehiko (xem chương 3), viện công tố Tokyo đã hăng hái truy tố một số các vụ án hối lộ quan trọng bất kể là nghi phạm thuộc đảng phái nào.

Vào năm 1934, công tố viên Tokyo điều tra vụ hối lộ quan trọng nhất giữa hai cuộc chiến tranh, được gọi là vụ Teijin. Kuroda Etsurò, công tố viên chỉ đạo giai đoạn điều tra trong vụ án này, nói với một bị cáo vào ngày 2/5/1934 rằng xã hội, trong đó có Bộ Tài Chính, đã thối nát. Do đó, cần phải dựa vào công tố viên để tạo ra một xã hội lý tưởng. [36] Một học giả viết, “Mục tiêu chính của công tố viên có lẽ là khẳng định sự tham nhũng tuyệt đối của giới kinh doanh và các chính đảng. Theo nghĩa nào đó, việc xử lý các vụ án có lẽ được thiết kế để thể hiện vai trò tương tự trong việc trừng phạt giới kinh doanh, giống như vụ án của Minobe [Tatsukichi] đã bịt miệng giới học thuật.” [37]

Teijin là tên gọi tắt của Teikoku Jinzò Kenshi Kabushiki Kaisha (Công Ty Tơ Nhân Tạo Đế Quốc), một chi nhánh của công ty thương mại Suzuki Trading. Sau khi công ty thương mại bị phá sản vào năm 1927, ngân hàng Taiwan mua lại 225.000 cổ phiếu của Teijin. Hầu hết cổ phiếu được đem cầm cố ở ngân hàng Nhật Bản để đổi lấy một khoản vay nhà nước của ngân hàng Taiwan. Do chính quyền bảo lãnh khoản vay của ngân hàng Taiwan, số cổ phiếu đó chỉ được giao dịch với sự cho phép của Bộ Tài Chính. Theo thời gian thì giá trị của cổ phiếu tăng lên và các nhà đầu cơ cố gắng mua chúng. Vào tháng 6/1933, một nhóm tài chính mua 100.000 cổ phiếu. Mặc dù việc mua bán này có vẻ là giao dịch kinh doanh minh bạch song tin đồn về hối lộ và thao túng thị trường chứng khoán đã thu hút được sự chú ý của truyền thông, các địch thủ chính trị của nội các Saitò Makoto (5/1932–7/1934) và công tố viên. Vào mùa xuân năm 1934, các lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng và các viên chức chính quyền quan trọng lần lượt bị cáo buộc lạm quyền và hối lộ. Vụ bắt giữ hai bộ trưởng trong nội các cùng với lời thú tội của thứ trưởng Bộ Tài Chính đã làm sụp đổ nội các Saitò vào ngày 3/7. Sau một cuộc điều tra kéo dài của công tố viên và phiên đánh giá sơ bộ, 16 doanh nhân, viên chức, chính khách và công chúng phải đối mặt với một phiên toà kịch tính với 265 phiên xét xử (22/6/1935 – 5/10/1937). Mặc dù tất cả các bị cáo đều được trắng án vào ngày 16/12, phiên toàn kéo dài đã làm gia tăng hình ảnh tiêu cực của chính khách và doanh nhân, có cùng một hang ổ tham nhũng. Dĩ nhiên, sự kinh khủng nhất là cáo buộc hối lộ của công tố viên đối với các viên chức cấp cao của Bộ Tài Chính. Phiên tòa đã có nhiều bất ngờ, mặc dù 12 bị cáo đã thừa nhận nhiều tội lỗi ở phiên đánh giá sơ bộ, song họ đã bác bỏ hoàn toàn tại phiên tòa chính thức. Trong quá trình phản cung này, công tố trở thành đối tượng chịu sự giận dữ của bị cáo và công chúng với các cáo buộc tra tấn, ép cung, vi phạm quyền cá nhân, tại tòa án, Hạ Viện và trên báo chí. Sự tấn công bất ngờ vào cơ quan tư pháp đã phá hủy sự hài lòng của công chúng và công tố bị gọi là “phát xít”. [38]

Vào đầu năm 1932, Fujita Ken’ichi, chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Tokyo và là thành viên của Thượng Viện, yêu cầu Mori Kaku, một chính khách có ảnh hưởng của Seiyûkai và thư ký trưởng của nội các Inukai, đóng vai trò trung gian trong việc mua cổ phiếu của Teijin. Mori lại giới thiệu ông ta với bá tước Itò Miyoji, một thành viên Hội Đồng Cơ Mật. Thông qua con đường này, Fujita tiếp cận bộ trưởng Bộ Tài Chính Takahashi Korekiyo. Sự tiếp cận này không thành công. Dĩ nhiên tiếng tăm xấu của Fujita đã khiến giao dịch này thất bại. Fujita đã bị xét xử tại Tòa Án Quận Tokyo về tội tham ô và lạm quyền trong vụ án Dệt Len Gòdò (ông ta bị kết án vào ngày 16/5/1933 và nhận án một năm rưỡi tù, nhưng được hoãn thi hành án ba năm). Fujita cũng bị phát hiện mua huy chương trong vụ bê bối Cục Nghi Lễ. Bên cạnh các lý do có thể khiến cho giao dịch thất bại đó, Itò Miyoji cũng bị ghét bởi vì thành tích tống tiền doanh nhân và viên chức chính quyền. Bằng mọi giá, Fujita đã cố gắng một lần nữa, hy vọng vào nam tước Gò Seinosuke, một thượng nghị sĩ và giám đốc của nhiều doanh nghiệp lớn. Sự tiếp cận này cũng thất bại, do Gò nói với Fujita rằng ông ta lấy ít nhất là một phần ba giá mua. [39]

Cố gắng tiếp cận cổ phiếu của Teijin tiếp theo do Nagano Mamoru, trợ lý của Fujita, thực hiện. Đầu tiên, ông ta tiếp cận Shòriki Matsutarò, chủ tịch của tờ Yomiuri Newspaper và là cựu viên chức cảnh sát của Bộ Nội Vụ. Shòriki lại tìm kiếm sự giúp đỡ từ bộ trưởng Bộ Giáo Dục Hatoyama Ichirò, yêu cầu ông này nói chuyện với người của Bộ Tài Chính và ngân hàng Nhật Bản về việc bán cổ phiếu. [40] Các nhà tài chính và doanh nhân khác tham gia vào vụ việc vào cuối năm 1932 hoặc đầu năm 1933 là: Kawai Yoshinari, Kobayashi Ataru, Okazaki Akira và Nagasaki Eizò. Vào tháng 2/1933, Kawai và Kobayashi thảo luận việc mua cổ phiếu của Teijin với Takagi Naomichi, giám đốc của ngân hàng Taiwan. Mặc dù chủ tịch ngân hàng Shimada Shigeru cũng được báo cáo, song Takagi là viên chức ngân hàng chủ chốt liên quan đến những thảo luận này. Vào ngày 6/5, nhóm của Kawai đề nghị giá 117 yen cho mỗi cổ phiếu cộng thêm tiền cổ tức cho 100.000 cổ phiếu đầu tiên và 122 yen cho mỗi cổ phiếu cộng thêm cổ tức nếu việc bán được thực hiện ngay lập tức. Về gói 100.000 cổ phiếu thứ hai, người mua được quyền đợi một tháng để đưa ra quyết định chung cuộc. Người mua, Kawai nói, là các công ty bảo hiểm và nhà buôn bông; mỗi nhóm sẽ mua một nửa số cổ phiếu. Phía công ty bảo hiểm sẵn sàng thanh toán ngay lập tức, còn phía nhà buôn bông sẽ thanh toán trước 30% tiền mặt và phần còn lại được thanh toán trong vòng ba tháng. Kawai cho biết bộ trưởng Bộ Thương Mại và Công Nghiệp Nakajima Kumakichi sẽ quyết định cách phân chia cổ phiếu giữa các công ty bảo hiểm. Giám đốc Takagi trả lời rằng giá quá thấp: công ty Teijin có lợi nhuận tốt và cổ phiếu sẽ có lợi tức cao. Cuối cùng, vào ngày 25/5, thỏa thuận được chốt là người mua sẽ nhận được 100.000 cổ phiếu với giá 125 yen mỗi cổ phiếu. Hợp đồng được ký kết vào ngày 30/5. Các công ty bảo hiểm nhân thọ Tokyo nhận được 60% số cổ phiếu và các nhà buôn bông Osaka nhận được 40%. Tháng sau, ngân hàng Taiwan sử dụng tiền thu được từ giao dịch để thanh toán cho ngân hàng Nhật Bản. Việc mua bán cổ phiếu ít được bình luận vào lúc đó. [41]

Sau giao dịch, nhiều khoản hoa hồng quà tặng đã được trao đổi. Kawai, đóng vai trò chủ chốt, nhận được hoa hồng 1 yen cho mỗi cổ phiếu từ cả người bán và người mua (có nghĩa là ông ta nhận được 200.000 yen). Ngân hàng Taiwan đưa cho Nagano 60.000 yen và Murachi Kyûjirò, một người môi giới chứng khoán ở Osaka, nhận được 40,000 yen cho dịch vụ đã cung cấp. Kawai đã chi tiêu toàn bộ khoản hoa hồng của ông ta: đưa 170.000 yen cho Shòriki (105.000 yen được chuyển cho Fujita và Hatoyama); 15.000 yen cho Nagano; 15.000 cho Murachi. Nagano và bốn người khác cũng “quyên góp chính trị” cho Nakajima tổng cộng 10.000 yen. Bên cạnh những phần thưởng đó, tại đại hội cổ đông của công ty Teijin vào ngày 26/6/1933, Kawai được bầu làm kiểm soát viên và Nagano trở thành giám đốc. Họ có thể sử dụng những vị trí bên trong để kiếm lợi từ viêc bán cổ phiếu của Teijin. Giám đốc ngân hàng Takagi cũng được thưởng xứng đáng: ông ta trở thành chủ tịch của Teijin. [42]

Một năm trước khi bán cổ phiếu của Teijin, Bộ Tài Chính và các công tố Tokyo đã có xung đột về một vụ trốn thuế. Công tố viên không quên sự mất mặt của họ trong vụ xung đột này. Công ty bị tình nghi trốn thuế là Meiji Seitò Datsuzei, chuyên nhập khẩu và tinh chế đường. Cảnh sát đã bắt giam và thẩm vấn lãnh đạo của Meitò, Sòma Hanji, nhưng sau khi Nakajima Teppei, lãnh đạo của Cục Thuế Vụ, ra quyết định là công ty không trốn thuế, Sòma đã được thả vào ngày 11/5/1932. Đây là một kết cục tốt cho chủ tịch công ty nhưng lại khiến cho Nakajima có những giờ phút khó khăn tại Hạ Viện, các nghị sĩ đã tra hỏi ông ta về vụ án. Vụ việc đã nhanh chóng bị lãng quên do vụ sát hại Inukai vào ngày 15/5, sự sụp đổ của nội các Seiyûkai vài ngày sau và sự thành lập nội các thống nhất quốc gia dưới quyền đô đốc Saitò. Không may cho các viên chức Bộ Tài Chính, một luật sư của Meitò đến văn phòng của Nakajima và đề nghị đóng các khoản thuế quá hạn chưa được báo cáo. Tòa Án Quận Tokyo đã phản ứng vào ngày 22/6 bằng cách thảo cử công tố viên Kuroda Etsurò tới thảo luận vụ án với Nakajima. Kudora cho rằng Meitò có thể đang cố gắng thủ tiêu bằng chứng; Nakajima nên đưa các công tố viên vào vụ án bằng cách gửi khiếu nại cho họ. Nakajima, cho rằng việc điều tra thêm là không có cơ sở, đã bỏ qua lời khuyên của Kuroda. Vào ngày 24/6, Kuroda gửi tới Cục Thuế Vụ một đề xuất bằng văn bản. Các số báo buổi tối đều đăng tải câu chuyện quan trọng về việc Bộ Tài Chính cho phép Meitò trốn thuế và sự thông đồng giữa viên chức chính quyền và giới tài chính. Sau đó, công tố viên yêu cầu một khoản phạt nặng lên đến 34.430.000 yen cộng thêm 7.420.000 yen thuế quá hạn. Tuy vậy, Cục Thuế Vụ quyết định áp dụng khoản phạt 600.000 yen và thuế quá hạn là 120.000 yen. Mặc dù, quyết định đó khiến Kuroda và các công tố viên khác không hài lòng song lại được nội các Saitò chấp nhận, họ thông báo thuế và tiền phạt đã được nộp và vụ án được khép lại. [43]

Vào cuối năm 1933, nội các Saitò bị các chính khách của Seiyûkai và Minseitò chỉ trích, họ giận dữ về việc một nội các không đảng phái đang nắm quyền. Báo chí tham gia bằng vào vụ ồn ào, đã khiến cho bộ trưởng Bộ Thương Mại và Công Nghiệp Nakajima Kumakichi mất chức vào tháng 2/1934. Tất cả những ồn ào trên đường phố và trong Quốc Hội đều xoay quanh một bài báo đăng lại về Ashikaga Takauji do Nakajima viết vào năm 1924. [44] Nhà xuất bản báo chí A. Morgan Young đã viết, “Sự ồng ào hiện nay về nam tước Nakashima….Nhiều năm trước khi ông ta viết một luận văn để ca ngợi Ashikaga Takauji, một người vĩ đại vào thời của ông vài thế kỷ trước đây, nhưng cũng là người chọn sai cửa khi có cuộc đua giành ngai vàng. Sự trung thành cấp thiết trở thành vĩ đại nhưng giờ lại là không trung thành để tán tụng những phẩm chất tốt đẹp của nhà độc tài thế kỷ 14 này.” [45] Không may cho nội các Saitò, vài ngày trước khi Nakajima từ chức, bộ trưởng Bộ Giáo Dục Hatoyama Ichirò bị Okamoto Kazumi (Seiyûkai) cáo buộc hối lộ tại Hạ Viện. Mặc dù một ủy ban điều tra đã tuyên bố Hatoyama vô tội song bộ trưởng này cũng đã từ chức. [46] Bình luận về kỳ họp Quốc Hội, tờ Asahi Newspaper viết, “[k]hi kỳ họp đã đi được nửa đường, cuộc thi ném bùn theo thông lệ lại bắt đầu, lên đến cực điểm trong sự từ chức của ngài Hatoyama….Tiếng nói tranh luận đã nhỏ đi so với các kỳ họp trước, uy tín của các chính đảng trong dân chúng đã thấp đi….Họ đã cầu xin cho hiện tại cũng như họ đã làm trước kia.” [47] Cùng với sự tấn công vào Nakajima và Hatoyama là các câu hỏi được đặt ra tại cả hai viện của Quốc Hội về vụ mua bán cổ phiếu của Teijin. [48] 

Sự quan tâm được khôi phục về việc giao dịch cổ phiếu đã diễn ra từ tám tháng trước dẫn đến một loạt các bài báo trên tờ Jiji shinpò về giao dịch tài chính và thao túng chứng khoán bất hợp pháp của Banchò Kai, trong đó có việc mua bán cổ phiếu của Teijin. Sự mổ xẻ kéo dài hai tháng, bắt đầu vào tháng 1/1934, là kế hoạch của Mutò Sanji, chủ tịch tờ báo. Mutò, có danh tiếng kinh doanh trong sạch, hướng tới mục đích thanh tẩy hệ thống tư bản chủ nghĩa bằng các phơi bày những phần thối nát của giới kinh doanh. Một tuyên bố bằng văn bản của Mutò cho biết ông ta sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về các bài báo đã khiến chúng có thêm độ tin cậy. Công chúng, vốn chán ghét vì một hàng dài bất tận các vụ bê bối hối lộ, đã nhanh chóng chấp nhận sự trung thực của các bài báo này. Mutò, cựu chủ tịch của công ty se sợi Kanegafuchi, đã thành lập một đảng chính trị cải cách nhỏ vào năm 1923 và vào 1924 trúng cử Hạ Viện, tại đó ông ta đã mạnh mẽ lên án sự cấu kết của doanh nhân và chính khách. Ông ta rời khỏi chính trị vào năm 1932 để nắm quyền ở tờ Jiji shinpò. [49] Banchò Kai là một nhóm chọn lọc các doanh nhân và chính khách nhưng phi chính thức, họ đã thành lập một câu lạc bộ vào năm 1923, tập trung quanh nam tước Gò Seinosuke, một thành viên Thượng Viện và giám đốc của một số doanh nghiệp lớn. Nhóm này ủng hộ Hatoyama Ichirò và Nakajima Kumakichi với các khoản quyên góp chính trị. [50]

Cùng lúc đó, các công tố viên nhận được đơn tố cáo ở Osaka (một) và ở Tokyo (hai) về việc nhiều người phạm tội liên quan đến việc mua bán cổ phiếu Teijin. Đơn khiếu nại ở Osaka, do một trong những người ủng hộ của Mutò viết, cáo buộc rằng Takagi Naomichi (chủ tịch của Teijin), Nagano, Kawai và những người khác phạm tội lạm dụng quyền hành, tham ô và vi phạm luật kinh doanh. Một trong những đơn khiếu nại ở Tokyo, do Katò Noboru viết, cáo buộc chủ tịch Shimada Shigeru của ngân hàng Taiwan nhận hối lộ, lạm dụng quyền hành và làm giả giấy tờ. Đơn khiếu nại thứ ba, do Hasui Keitarò, một thành viên ban điều hành của Dai Nippon Kikusui Minshû Tò (một nhóm cánh hữu), viết đã nêu tên Shimada, Kawai, Nagano và Shòriki. Chưởng lý Tòa Án Quận Tokyo Miyagi Chògorò nhận được các đơn khiếu nại này vào tháng hai. Công tố viên Kuroda, đã điều tra vụ trốn thuế của Meitò, đương nhiên được chọn làm trưởng nhóm điều tra; thực ra ông ta là sự lựa chọn duy nhất, do những công tố viên khác biết rất ít về thị trường chứng khoán. Công tố viên Biwada Gensuke cũng được bổ nhiệm làm đồng trưởng nhóm. Khi họ xác định rằng hành vi lạm dụng quyền hành đã được thực hiện, ba công tố viên khác đã tham gia. Vào đầu tháng 4, nhóm này đã sẵn sàng cho giai đoạn khám xét và thu giữ trong cuộc điều tra. [51] 

Sự tấn công dữ dội vào Banchò Kai của tờ Jiji shinpò đã tạo ra sự đồng cảm của công chúng và dấy lên cuộc thảo luận ở Quốc Hội; nó cũng báo động các công tố viên ở Tòa Án Quận Tokyo. Giận dữ vì những tấn công đó, một số thành viên của nhóm đã yêu cầu kiện tội phỉ báng nhưng Kawai cho rằng một sự đáp trả bằng báo chí sẽ hiệu quả hơn. Tuyên bố của Kawai, được Gotò Kunihiko (người quản lý câu lạc bộ) ký tên, đã được đăng trên số tháng 3 của tờ Keizai òrai (phát hành trong tháng 2). Kawai giải thích rằng Banchò Kai là một tổ chức xã hội xoay quanh nam tước Gò; họ gặp mặt mỗi tháng một lần để thảo luận về các chủ đề hiện tại; các thỏa thuận kiếm tiền không phải là chủ đề thảo luận. Hơn nữa, việc báo chí đưa tin nam tước Nakajima có mối quan hệ sâu sắc với nhóm là sai hoàn toàn. Tuy vậy, do hai vị nam tước là bạn bè nên họ có gặp nhau tại những sự kiện như tiệc Năm Mới của Banchò Kai. Kawai kết luận, việc báo chí khẳng định rằng ba thành viên của nhóm có liên quan đến vụ Teijin và Kobe Seikòjo (đây là công ty thép) là sai. Vào ngày 9/3, Mutò Sanji bị bắn chết. Tờ Jiji shinpò phản ứng bằng cách đưa ra câu hỏi về việc Banchò Kai, đặc biệt là Kawai Yoshinari, đứng đằng sau vụ sát hại. Trong tình hình xã hội rối loạn vào năm 1935, nhiều người sẽ cũng có liên tưởng sai lầm này. Trên thực tế, vụ sát hại Mutò không có liên quan gì đến Banchò Kai. Người thanh niên mắc bệnh lao giết Mutò chỉ cố cướp tiền. [52] 

Khi các công tố viên mở rộng điều tra vụ giao dịch cổ phiếu Teijin, họ ban hành lệnh cấm báo chí đăng tin về chủ đề vào ngày 25/3/1934. [53] Vài ngày sau, chưởng lý Miyagi được lệnh nhận vị trí mới tại Tòa Phúc Thẩm Nagasaki; vị trí của ông ta được giao cho Iwamura Michiyo, vốn từng làm việc ở Tòa Án Quận Nagoya. Trước khi Miyagi rời đi, ông ta đã chỉ thị cho các công tố viên giới hạn điều tra vụ Teijin, không chạm đến các nhân viên ngân hàng Nhật Bản. Vào ngày 3/4, các công tố viên Biwada và Nagao Takeo, đang trên đường tới Osaka để bắt đầu giai đoạn khám xét, thu giữ và thẩm vấn, tạm dừng ở Nagoya để gặp Iwamura. Sau khi nghe báo cáo về vụ việc, Iwamura nói rằng họ sẽ không kết án thành công nếu lạm dụng quyền hạn là tội duy nhất; họ phải thêm tội hối lộ vào cáo trạng. Hai công tố viên ghi nhớ đề xuất này. [54] 

Vào ngày 5/4, các cuộc điều tra đồng loạt bắt đầu ở Osaka và Tokyo: các viên chức lục soát văn phòng ngân hàng Taiwan, công ty Teijin và nhà ở tư nhân. Tài liệu bị thu giữ tại trụ sở của Teijin ở Osaka nhiều đến mức cần đến một xe tải để chở. Takagi, chủ tịch của Teijin, bị bắt giữ ở Tokyo và đưa về Osaka. Trong những ngày tiếp theo, những người khác cũng bị bắt giữ: Okazaki Akira, một giám đốc của Teijin (11/4); Kawai, Nagano và Nagasaki Eizò (18/4); vân vân. Vào giữa tháng 5, việc bắt giữ đã lan sang cả Bộ Tài Chính: thứ trưởng Kuroda Hideo (May 19); Òno Ryûta, trưởng Ban Ngân Hàng Đặc Biệt; Aida Iwao, thanh tra ngân hàng; Shidomoto Jirò, trợ lý thanh tra ngân hàng (20/5); Òkubo Teiji, lãnh đạo Cục Ngân Hàng (21/5). Ít nhất hai tờ báo lớn, Asahi và Nichinichi, đã vi phạm lệnh cấm báo chí bằng cách phát hành ấn bản đặc biệt về câu chuyện quan trọng này. [55]

Sự kiện chủ chốt trong giai đoạn đầu của vụ án hình sự là lời thú tội của chủ tịch Takagi, đã có ảnh hưởng tới những người khác. Takagi đã thú nhận rằng Nagasaki đưa 1.300 cổ phiếu của Teijin cho các giám đốc của ngân hàng Taiwan và các giám đốc đưa lại cổ phiếu cho thứ trưởng Kuroda, giám đốc Cục Ngân Hàng Òkubo, bộ trưởng Bộ Đường Sắt Mitsuchi Chûzò và bộ trưởng Bộ Thương Mại và Công Nghiệp Nakajima Kumakichi. Một số cổ phiếu đã được chuyển thành tiền mặt và đưa cho nhân viên Bộ Tài Chính là Òno, Aida và Shidomoto. Các giám đốc của ngân hàng Taiwan là Yanagida Naokichi, Koshifuji Tsunekichi, Okazaki, và Takagi bỏ túi phần còn lại. Sự kiện chủ chốt thứ hai trong cuộc điều tra là một đơn kiến nghị của thứ trưởng Kuroda gửi chưởng lý Iwamura giải thích về khoản tiền mà ông ta đã nhận được từ Nagasaki: 10.000 yen cho một bạn chính trị ở Quốc Hội (Òyama Hisamaro), 10.000 yen cho Mitsuchi và 10.000 hay 20.000 yen được quyên góp cho Seiyûkai; phần còn lại được đưa cho Òta Osamu, một nhà tài chính tại Yamaichi Shòken, để đầu tư. Kurroda cũng khai là được nghe một người bạn nói rằng con trai của bộ trưởng Bộ Tài Chính Takahashi cần tiền, ông ta đã cho người này vay 30.000 yen. [56]

Tại một cuộc họp của nội các Saitò vào ngày 29/6, bộ trưởng Bộ Tư Pháp Koyama Matsukichi nói rằng đã đủ bằng chứng để truy tố các nhân viên bộ Tài Chính vì hối lộ. Ông ta nói thêm, không nhắc đến tên, rằng cựu bộ trưởng và đương kim bộ trưởng cũng có liên quan. Báo chí đăng tin tức nhạy cảm này vào ngày 30/6; nội các từ chức vào ngày 3/7/1934. Hôm sau, cựu bộ trưởng Nakajima bị bắt giữ (Shòriki cũng bị bắt giữ). Theo quan điểm của công tố viên, cuộc điều tra đã diễn ra thuận lợi. Bởi vì họ tin rằng cổ phiếu của Teijin đã được bán thấp hơn giá thị trường, người bán có thể bị kết tội lạm dụng quyền hành. Nakajima và các nhân viên Bộ Tài Chính có thể bị kết tội hối lộ liên quan đến giao dịch cổ phiếu. Cuối cùng, họ cho rằng bộ trưởng Mitsuchi, được gọi làm nhân chứng, đã nói dối, thến nên ông ta cũng có thể bị truy tố vì tội khai man. Những quyết định đó được đưa ra từ ngày 28/4 đến 13/9/1934. Trong số 17 nghi phạm thì 12 người đã thú nhận nhiều tội khác nhau trong cuộc điều tra của công tố viên. Việc công tố viên Kuroda bất ngờ chết ở tuổi 43 vào ngày 23/7 đã gây ra cho các công tố viên một sự căng thẳng lớn trong cuộc điều tra. Bước tiếp theo trong việc truy tố là trình bày các bằng chứng tại phiên tòa đánh giá sơ bộ. Không có gì bất ngờ, phiên tòa đánh giá sơ bộ đã chấp nhận quan điểm của công tố về vụ án. Ngoại lệ duy nhất là bác bỏ truy tố nghi phạm Takanashi Hiroji, một thanh tra của ngân hàng Kawasaki Daihyaku. [57]

Công chúng, tuy đã chai sạn trước các tin tức về sự vi phạm pháp luật của chính khách và doanh nhân, song cũng bị sốc nặng nề khi biết 5 viên chức Bộ Tài Chính bị cáo buốc nhận hối lộ. Aoki Kazuo, trưởng Ban Ngoại Tệ của Bộ Tài Chính, cho biết rằng chưa bao giờ có một vụ án hối lộ ở bộ - kể từ đó, sự mất niềm tin của nhân viên bộ và cú sốc của công chúng. [58]

Khai mạc Nghị Viện Đế Quốc vào ngày 31/11/1934, Iwata Chûzò, Thượng Viện, chất vấn chính phủ về việc xử lý các nghi phạm trong vụ Teijin. Ông ta hỏi tại sao các nghi phạm bị giam giữ khi không có nguy cơ bỏ trốn. Có phải việc giam giữ kéo dài được sử dụng để ép cung? Tạo sao một số nghi phạm bị còng tay nhiều ngày mỗi lẫn và do vậy không thể tự đuổi muỗi? Tại sao một số nghi phạm bị giam trong những căn phòng cực nhỏ (tức là chờ thẩm vấn) trong suốt nhiều ngày trước khi được thẩm vấn? Có phải đó là chiến thuật bẻ gãy sự kháng cự của nghi phạm? Hôm sau, bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ohara Naoshi phủ nhận cáo buộc cho rằng các công tố viên đã hành hạ các bị cáo. Lý do của việc sử dụng còng tay, Ohara nói, là lo ngại rằng nghi phạm bị giam sẽ tự tử; sự đối xử với các nghi phạm không nhằm mục đích ép cung. [59] Báo chí ở Osaka và Tokyo đăng những bài báo khó chịu đã phá hoại sự tin tưởng của công chúng đối với việc xử lý vụ án của Bộ Tư Pháp. Ví dụ, một tờ báo ở Osaka cho rằng các thẩm phán đánh giá sơ bộ đã cho rằng bằng chứng của công tố viên rất yếu. Tổng chưởng lý Hayashi Raisaburò cho rằng cần phải bác bỏ cáo buộc này. Một tờ báo ở Tokyo cho biết có tin đồn trên báo chí là các bị cáo đã bị ép nhận những tội không có cơ sở. [60] Vào ngày 23/1, Minobe Tatsukichi (Thượng Viện), giáo sư danh dự của Đại Học Đế Quốc Tokyo, đã hỏi bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ohara về việc vi phạm các quyền cá nhân của nghi phạm. Điều 194 của Luật Hình Sự, Minobe chỉ ra, quy định rằng việc viên chức chính quyền ép cung và các cách hành hạ nghi phạm khác đều là tội hình sự. Cho đến nay, Minobe nói, tin đồn về việc vi phạm quyền cá nhân của nghi phạm là đúng. Ví dụ, việc Okazaki “tự nguyện” có mặt ở Sở Cảnh Sát thành phố Osaka, tại đó ông ta bị giữ trong một phòng giam nhỏ cùng với bảy người khác ngay cả khi bị bệnh. Một tuần sau, ông ta được đưa đến Tokyo, một lần nữa dưới dạng “tự nguyện”. do không có lệnh chính thức nào, Minobe coi đây là sự giam giữ bất hợp pháp. Ai sẽ “tình nguyện” ở một nơi bẩn thỉu như vậy? ông ta hỏi. Minobe cũng yêu cầu bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ohara giải thích về việc sử dụng còng tay. Có phải việc đó được thực hiện để khiến nghi phạm đau đớn về thể xác? Còn phòng giam đầy những rận của Nagano thì sao? Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ohara trả lời rằng các công tố viên đã hành động đúng đắn, nhưng ông sẽ điều tra về trường hợp Okazaki. Mọi cáo buộc về việc “tra tấn” các nghi phạm, bộ trưởng tin rằng, đều là sai lầm. Trả lời cáo buộc của Minobe về việc tài liệu của công ty Teijin đã bị thu giữ bất hợp pháp, Ohara khẳng định rằng các công tố viên chỉ mượn tài liệu của công ty (tức là “thu giữ tạm thời”) và Okazaki đã “tự nguyện” đi cùng các công tố viên. [61] 

Vào ngày 6/2, Iwata (Thượng Viện) lại một lần nữa đưa ra câu hỏi về sự vi phạm quyền cá nhân của nghi phạm. Theo lời khai của các nghi phạm, ông ta nói, công tố viên điều tra họ đã cáo buộc rằng doanh nhân phải chịu trách nhiệm về các chính khách tham nhũng và các hành động của Bộ Tài Chính trong vụ trốn thuế của Meitò là sai. [62] Công tố viên nói như sau: “Chúng tôi giữ anh, bị cáo, chẳng vì lý do gì hết. Có những người cấp cao hơn vẫn còn đang dấu mình, chúng tôi muốn đưa họ ra trước công lý. Mục tiêu của chúng tôi là thực hiện một cuộc đảo chính không đổ máu để thanh tẩy xã hội.” [63] Trong thời gian này, tờ Kobe Newspaper đã đăng một trích đoạn trong lời khai của Nagano. Công tố viên 
không bao giờ cho phép ông ta nói bất cứ điều gì ngoại trừ những từ thừa nhận cáo buộc ông ta đã đưa hối lộ 1.300 cổ phiếu. Ngay khi ông ta cố gắng phủ nhận cáo buộc, họ liền nạt nộ, “Đừng nói chuyện ngớ ngẩn!” Họ xô đẩy ông ta, ra lệnh cho ông ta phải đứng thẳng và…đấm vào mặt ông ta. Ông ta bị đẩy vào tường phía sau, trán và hàm của ông ta bị đẩy khiến cho phía sau gáy bị đập vào tường….[Một công tố viên sau đó nói,] “Một kẻ thấp kém như như mày nên chết đi thì hơn. Nhưng dĩ nhiên là mày không đủ can đảm để tự tử. Nếu mày không biết cách tự tử thì tao sẽ nói cho mày biết. Đập đầu vào tường đi, đó là cách tự tử đấy. Nào làm đi!” [64]
Tờ báo tiếp tục đưa tin, “Sau đó, ông ta bị còng tay (còng tay bằng da). Khi ông ta không cử động tay được….ông ta không thể đuổi muỗi và bọ chét. Ông ta hiếm khi ngủ được ban đêm….Một bạn tù nói với ông ta rằng họ trừng phạt ông ta bằng cách còng tay….Đôi lúc sau đó, một công tố viên, trong khi thẩm tra ông ta, đe dọa rằng nếu ông ta còn ngoan cố thì sẽ tiếp tục bị còng tay.” Do Nagano không nhận tội, ông ta đã được sang một phòng giam khác vào ngày 10/7. Phòng giam này “thực sự là một ổ rận. Khi ông ta ở bên trong, một đám bọ tấn công ông ta…và ông ta phải thức suốt đêm để chống lại chúng. Tình trạng này kéo dài khoảng một tháng.” [65] Tờ Japan Weekly Chronicle đưa tin rằng mặc dù một số cáo buộc về việc hành hạ nghi phạm có thể bị thổi phồng song cáo buộc của các luật sư bào chữa, một số người có ghế ở Quốc Hội, là sự thật: một số nghi phạm đã được xếp loại 3. “Các cáo buộc là khá rõ ràng và theo một mức độ tôn trọng nhất định thì không thể phản đối. Các bị cáo đã bị còng tay liên tục 48 giờ mỗi lần; những người khác đã bị nhốt trong các phòng giam đầy côn trùng và tất cả - cùng một thời gian hoặc khác – đều là đối tượng của các mánh khóe hành hạ tinh vi – chủ ý hay không – được tính toán để bẻ gãy sự kháng cự của họ và tạo ra các thú tội cần thiết, vốn là đặc trưng của thủ tục tố tụng hình sự Nhật Bản.” [66]

Phiên tòa công khai bắt đầu vào ngày 22/6/1935; Fujii Goichirò, từng đảm nhiệm việc xét xử nhóm Hiệp Ước Máu, là chánh tòa trong phiên tòa có ba thẩm phán. Các công tố viên Biwada, Hirata Susumu và một số đồng nghiệp khác đã đối mặt với một trung đội luật sư bào chữa do Imamura Rikisaburò, một luật sự xuất sắc có hơn 25 kinh nghiệm, dẫn đầu. Bốn trong số 16 bị cáo không ký biên bản nhận tội: cựu bộ trưởng Mitsuchi Òno, Aida và Shidomoto (nhân viên Bộ Tài Chính); họ kiên định phủ nhận việc đưa hoặc nhận hối lộ. Shimada, cựu chủ tịch của ngân hàng Taiwan, phản cung với lý do bị cưỡng bức và nói không biết gì về 1.300 cổ phiếu được đưa cho nhiều người. Một bị cáo khác cũng phản cung. Nam tước Nakashima thừa nhận đã nhận 10.000 yen nhưng khẳng định rằng đó là tiền quyên góp chính trị và không liên quan đến Teijin. [67]

Phiên tòa công khai trải qua 265 phiên xét xử ngoại trừ ngày 16/12/1937, ngày tuyên án. [68] Một nhiệm vụ chính của thẩm phán Fuji là xác định xem cổ phiếu của Teijin có được bán đúng giá không. Takagi cho rằng chúng đúng giá và không thể dự báo giá trị tương lai của cổ phiếu. Ông ta nói, cũng là hợp lý khi bán hàng trăm ngàn cổ phiếu cho nhóm kinh doanh bảo hiểm nhân thọ-bông bởi vì khó có ai khác có thể gom được một số tiền lớn như vậy (12.500.000 yen). Hơn nữa, ngân hàng Nhật Bản đã thúc ép ngân hàng Taiwan phải trả nợ. Bởi vì chứng minh sự lạm dụng quyền hành ở phía người bán phụ thuộc vào việc Takagi và các nhân viên ngân hàng khác có thể dự báo được sự tăng vọt của giá cổ phiếu Teijin sau khi bán hay không, thẩm phán Fuji đã tra hỏi Takagi trong một phiên xét hỏi sau những người khác. Khi Fuji chỉ ra rằng Takagi đã thú nhận, Takagi trả lời rằng công tố viên Kuroda đã khủng bố ông ta. Kuroda, bị cáo nói, đã có định kiến là giới tài phiệt cấu kết với chính khách và ngay cả Bộ Tài Chính cũng tham nhũng. Ông ta nói, Kuroda trích dẫn ví dụ về vụ trốn thuế của Meitò. Bên cạnh sự hăm dọa liên tục, Takagi khẳng định rằng ông ta bị còng tay trong ba ngày đêm. Cuối cùng, để thoát khỏi những đau đớn thể xác và tinh thần, ông ta đã đồng ý với bất cứ điều gì Kuroda nói. Con số 1.300 cổ phiếu, ông ta cho biết, là do một công tố viên đưa ra. Fuji hỏi tại sao Takagi không phản cung ở phiên đánh giá sơ bộ. Takagi trả lời rằng thẩm phán đã không nghe. [69]

Suzuki Yoshio, luật sư trưởng của Takagi, nói với tòa án rằng thân chủ của ông đã bị hành hạ tại nhà tù thành phố Osaka. Ví dụ vào sáng ngày 7/4, một lính gác quật ngã ông ta xuống mặt sàn cứng và đá ông ta, công tố viên gọi ông ta là tham nhũng. Cảng sát đối xử với ông ta giống như những kẻ móc túi hay trộm cắp thông thường, giam ông ta trong một phòng giam nhỏ với hơn mười kẻ lang thang đầy chấy rận. Takagi, luật sư nói, không đủ tinh thần để chịu đựng sự đối xử kiểu này. Do các hành hạ tinh thần và thể chất đó, Takagi đã thú nhận bất cứ điều gì mà công tố viên nói. Sự dại dột của Takagi, Suzuki nói, là nghĩ rằng sự hợp tác sẽ giúp ông ta được về nhà. Trái lại, ông ta bị chuyển tới nhà tù ở Tokyo. Suzuki cho biết rằng nững người khác cũng nhận tội, nhưng chỉ ra rằng tất cả đều đã phải ngồi tù từ 100 đến 200 ngày. Khi họ không trả lời đúng, họ bị trừng phạt bằng cách còng tay. [70]

Ngay giai đoạn đầu của phiên tòa, các bị cáo đã lật ngược thế cờ và đẩy công tố viên lên vành móng ngựa. Ví dụ, trong một buổi thẩm vấn, “Takagi đã quay sang công tố viên Biwada và hét lên rằng ông ta sẽ không bao giờ quên sự hành hạ đối với đôi tay của mình ở Osaka. Khi ông ta tiếp tục la hét, tòa án đã cảnh cáo bị cáo….Ngài Takagi nói với tòa rằng trong đời mình ông chưa từng trải qua bất thứ gì giống như sự hành hạ của công tố viên.” Takagi khẳng định rằng họ buộc ông phải nói “những điều ông biết là sai”. Trong một phiên xét xử khác, Shimada đã lên án các công tố viên đầy khinh miệt. Khi được hỏi tại sao ông lại dùng những từ ngữ lỗ mãng như vậy, Shimada trả lời rằng các công tố viên đã nhục mạ ông ta trong khi thẩm vấn bằng cách la hét, đập bàn, dậm chân xuống sàn và gọi ông ta là quân phản bội. [71]

Suốt phiên tòa, Shimada đã ủng hộ sự đấu tranh của Takagi rằng giá cổ phiếu là phù hợp và không thể dự báo về sự biến động tương lai của giá cổ phiếu. Hơn nữa, ông ta chỉ ra rằng ngay vào năm 1931 chính phủ đã thúc ép ngân hàng Taiwan bán cổ phiếu. [72]

Phiên tòa đầy bê bối đã trôi đi như vậy, lần lượt từng bị cáo phản cung và tố cáo sự hành hạ của các công tố viên. Các sự lên án đầy khinh miệt đối với công tố cũng đến từ Quốc Hội. Ví dụ, Makino Ryòzò (Seiyûkai) đã cáo buộc công tố viên nói chung “lạm dụng quyền lực công…Thời gian giam giữ quá dài….Hiện nay, hầu hết các trường hợp là 100 đến 200 ngày. Khi mà các nghi phạm là nhân vật của công chúng thì thời gian giam giữ có khuynh hướng kéo dài.” [73] Makino tiếp tục chỉ ra rằng các nghi phạm bị giam giữ lâu sẽ trả lời theo yêu cầu của công tố viên. Ông chỉ ra các báo cáo về viên chức cấp cao của Bộ Đường Sắt, bị bắt giữ năm trước, vẫn tiếp tục bị thẩm vấn vì không chịu nhận tội. [74] Tờ Japan Weekly Chronicle, được khuyến khích bởi chất vấn của Makino, đã đưa tin như sau: “Ở đây, ngài Makino đã nhắc đến sự lạm dụng phổ biến nhất…. Khi bị bắt giữ, một nghi phạm không có cơ hội được tự do cho đến khi cả cảnh sát và công tố viên hài lòng với việc điều tra, lấy được từ anh ta mọi thứ anh ta biết về tội lỗi….Vụ bê bối Teijin…cho thấy một ví dụ nổi bật.” Nghi phạm trong vụ án này, tờ báo viết, “bị giam giữ ở nhà giam của cảnh sát, không được phép gặp luật sư, trong thời gian dài…Cuối cùng họ được tại ngoại sau khi đã ký các bản cung khai.” Tại tòa, các bị cáo giải thích rằng “chỉ có ký đơn nhận tội thì họ mới được nghỉ ngơi trong cuộc điều tra sẽ hủy hoại sức khỏe của họ.” [75] 

Điều kỳ lạ nhất trong phiên tòa này là sự xuất hiện của thẩm phán phiên đánh giá sơ bộ Morozumi Seiei với tư cách nhân chứng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sự Nhật Bản một thẩm phán đánh giá sơ bộ phải tuyên thệ làm nhân chứng. Chánh tòa Fuji gọi Morozumi ra tòa để giải đáp câu hỏi về một văn bản được trao đổi giữa Nakajima và Nagano. Đây là một yếu tố pháp lý quan trọng, do sự trao đổi thông tin giữa hai nghi phạm trong phiên đánh giá sơ bộ là bất hợp pháp. Thẩm phán Fuji hỏi, “Vào ngày 22/7/1934, khi ông phụ trách vụ án này, ông có nhận được yêu cầu của công tố viên cho về việc cho phép trao đổi văn bản giữa hai bị cáo, có nghĩa là trao một lá thư do nam tước Nakashima viết cho Nagano, thúc giục Nagano xác nhận với công tố viên rằng ông ta nhận 200 cổ phiếu của Teijin (như là quà tặng của ngân hàng) từ Nagano?” [76] Morozumi trả lời tốt hơn cả là ông ta sẽ nộp câu trả lời bằng văn bản. Những câu hỏi được thẩm phán Fuji lặp lại đều không nhận được câu trả lời của Morozumi. Kịch bản này được lặp lại ở phiên xét sử thứ hai, Morozumi khẳng định rằng ông ta không được phép đưa ra các bằng chứng. Để giải quyết vấn đề này, thẩm phán Fuji yêu cầu và nhận được từ Tòa án Hình Sự Tokyo hồ sơ đánh giá sơ bộ của Morozumi. Fuji đọc báo cáo này để lưu vào hồ sơ phiên tòa. Theo bản báo cáo, Morozumi khẳng định rằng ông ta đã bác bỏ yêu cầu của công tố viên Kuroda về việc đưa một văn bản do một bị cáo viết cho một bị cáo khác. Kuroda không thể bị thẩm vấn do ông ta đã chết, nhưng các công tố viên Biwada và Hirata khẳng định rằng Morozumi đã cho phép, nói thêm rằng dĩ nhiên ông ta đã quên. Cuối cùng, Morozumi xuất hiện tại tòa án lần thứ ba; một lần nữa ông ta phủ nhận việc đã cho phép trao đổi văn bản. Cuộc nội chiến giữa các viên chức tư pháp đã khiến Bộ Tư Pháp bối rối và là một thuận lợi rõ ràng cho nhóm bào chữa. [77] Một tờ báo đưa tin, “Xung đột hiện nay là một trong những câu hỏi pháp lý nghiêm trọng nhất trong lịch sử Tòa Án của đất nước này. Cho rằng nhân chứng có thái độ chống lại các điều khoản của Luật Tố Tụng Hình Sự, các luật sự biện hộ cho bị cáo đã yêu cầu Tòa Án có các hành động quyết liệt đối với ông ta.” [78] Hiệp Hội Luật Sư Đế Quốc cũng ủng hộ nhóm biện hộ, đã gửi một nghị quyết lên án cho bộ trưởng Bộ Tư Pháp Shiono. [79]

Vào giai đoạn sau của phiên tòa, công tố viên Hirata tuyên bố rằng cáo buộc về tra tấn “hoàn toàn không có cơ sở. Việc các bị cáo phủ nhận sự truy tố không phải là bất thường…nhưng việc tất cả các bị cáo đều chỉ trích và lăng nhục các công tố viên trong suốt các phiên thẩm vấn là chưa từng được thấy. Song tất cả các cáo buộc này đều không có cơ sở và các công tố viên không hề bức cung.” [80]

Trong phiên thẩm vấn cuối cùng, công tố viên yêu cầu những bản án như sau: Mitsuchi, khai man, 6 tháng tù; Nakajima, nhận hối lộ, 1 năm tù; Kuroda, nhận hối lộ, 2 năm tù; Òkubo, nhận hối lộ, 10 tháng tù; Òno, nhận hối lộ, 8 tháng tù; Aida, nhận hối lộ, 8 tháng tù; Shidomodo, nhận hối lộ, 6 tháng tù; Shimada, lạm quyền và hối lộ, 2 năm; Takagi, lạm quyền và hối lộ, 2 năm tù; Nagano, lạm quyền và hối lộ, 2 năm tù; Yanagida, lạm quyền và hối lộ, 1 năm tù; Nagasaki, lạm quyền và hối lộ, 10 tháng tù; Koshifuji, lạm quyền và hối lộ, 6 tháng tù; Ozaki, lạm quyền và hối lộ, 6 tháng tù; Kobayashi, lạm quyền và hối lộ, 6 tháng tù; Kawai, lạm quyền, 14 tháng tù. [81]


Phiên tòa Teijin trải qua 265 phiên xét xử (công thêm phiên cuối cùng để tuyên án) đã trở thành kỷ lục của tòa án. [82] Thẩm phán Fuji đọc lời tuyên án, giống như một cú tát mạnh vào mặt các công tố viên, vào ngày 16/12/1937. Fuji chỉ trích các bằng chứng của họ giống như “một nỗ lực vớt trăng dưới đáy nước.” [83] Hầu hết những người có mặt tại phòng xử án đều hiểu rằng thẩm phán muốn nhắc tới bức tranh vẽ cảnh một con khỉ bám trên một cành cây đang cố múc lấy hình ảnh mặt trăng phản chiếu trên mặt nước. [84] Tại một cuộc họp báo, thẩm phán Fuji tuyên bố rằng phán quyết là trắng án, bởi vì “không có hành vi phạm tội nào tồn tại” (hanzai no jijitsu ga sonzai shinai). Ông ta nói, “Đặc biệt, tôi hy vọng rằng các vị sẽ không nhầm lẫn về điều này.” [85]

Theo hồi ký của Matsuzaka Hiromasa (trưởng Cục Tội Phạm), bản án của tòa là một đòn nặng đối với công tố và các công tố viên muốn kháng án. Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Shiono Suehiko (2/1937 – 8/1939) ra lệnh cho Matsuzaka nghiên cứu kỹ lưỡng về vụ án và đưa ra khuyến nghị vào ngày 23/12, ngày cuối cùng trong thời hạn kháng án. Vào ngày 22/12, Shiono nói với Matsuzaka rằng ông ta sẽ không kháng án bởi vì ông ta cảm thấy rằng không thể thắng vụ án này. Công việc tiếp theo của Matsuzaka là trấn an các công tố viên của Tòa Án Quận Tokyo. Ngày hôm sau, Shiono họp với Tokunaga Eikichi (chưởng lý của Tòa Án Quận Tokyo), tổng chưởng lý Motoji Shinkuma và một số người khác cũng có mặt. Một viên chức nói rằng tất cả các công tố viên đều cho rằng các bị cáo có tội và cần phải kháng án. Tokunaga, rất tức giận vì bản án (dĩ nhiên ông ta cho rằng các công tố viên bị so sánh với khỉ!), đã yêu cầu kháng án. Motoji cho rằng bỏ đi những yếu điểm của cáo trạng và củng cố các điểm khác sẽ giúp kháng án thành công. Không ai trong phòng họp có thể chắc chắn về thắng lợi. Shiono quyết định không kháng án. [86]

Cựu bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ohara (trong nội các của Okada Keisuke, 7/1934 – 3/1936) viết trong hồi ký là vụ án Teijin đã cho thấy xung đột giữa các viên chức tư pháp. Một mặt, ông ta thừa nhận rằng các công tố viên có nhiều sai lầm trong điều tra; mặt khác, ông ta lại cho rằng tòa án đã phán quyết sai. Không may là tòa án chịu ảnh hưởng quá nhiều từ lời khai của bị cáo và tin tức báo chí. Ohara viết, vụ án nên được kháng án. [87] Thêm vào đó, Ohara viết, “Khi nghĩ lại về hành động của ngài Mitsuchi, tôi ngạc nhiên là không có cách nào xử lý vấn đề tốt hơn.” [88] Trên thực tế, Ohara ở vị thế có thể làm điều gì đó về vấn đề Mitsuchi. Trước khi mở phiên tòa, thủ tướng Okada đã cố gắng giải quyết vấn đề về Mitsuchi bằng cách hỏi Ohara xem có thể làm gì với cáo trạng của Mitsuchi. Ohara hiểu rằng thủ tướng đã suy nghĩ từ lâu về việc hủy bỏ cáo trạng (cách đã được dùng để giảm nhẹ sự hạ nhục đối với bộ trưởng Bộ Nội Vụ Òura Kanetake vào năm 1915), nhưng Ohara không có khả năng hủy bỏ việc truy tố cũng như không muốn làm việc đó. [89] Dĩ nhiên Ohara không có bụng dạ nào để chống lại các công tố viên hung hãn và những người ủng hộ họ ở các vị trí cao trong Bộ Tư Pháp. 

Biên tập viên hồi ký của Ohara (có lẽ là Kaji Kòichi, một nhà báo đảm nhiệm việc đưa tin về vụ Teijin) viết rằng các công tố viên vào lúc đó ít hiểu biết về cổ phiếu và trái phiếu và do vậy họ đã mắc sai lầm. Tuy vậy, bằng chứng cho thấy tiền được trao đổi liên quan đến vụ Teijin cũng có đủ. Ông ta chỉ ra rằng, Nakajima đã nhận tội trước khi bị bắt giữ. Điều đó thật khó tin, Kaji viết, một doanh nhân và chính khách lọc lõi như Nakajima sẽ không nhận tội trừ khi cáo buộc có bằng chứng thực sự. Hơn nữa, công tố viên phải tập trung vào cáo buộc lạm quyền thay vì cáo buộc tham nhũng. Kaji kết luận rằng hành động của cả công tố viên cũng như các bị cáo đều làm vấy bẩn sự thật. [90] 

Hồi ký của bộ trưởng Bộ Tư Pháp Shiono về vụ án Teijin bắt đầu bằng bình luận là mặc dù ông ta hoàn toàn đứng ngoài cuộc, song bốn ngày xem lại tài liệu của vụ án đã cho ông ta thấy rằng việc bắt giữ và cáo trạng đối với các bị cáo là chính xác. Tuy vậy, “giác quan thứ sáu” của Shiono mách bảo với ông ta rằng cáo cáo buộc có một nửa là sự thật và một nửa là tưởng tượng. Khi quyết định không kháng án, Shiono đã cân nhắc đến cuộc chiến tranh với Trung Quốc (từ tháng 7/1937) và thiệt hại đối với uy tín của công tố viên. Do vậy, ông ta cho rằng tốt nhất đối với Bộ Tư Pháp và quốc gia là bỏ qua vụ việc phức tạp này. Vào ngàu 23/12, Shiono thông báo vụ án Teijin đã kết thúc. [91] 

Trong một bài phỏng vấn thời hậu chiến, thẩm phán Fuji được hỏi về những sai lầm của viên chức tư pháp. Ông ta trả lời rằng các công tố viên đã không chuẩn bị chu đáo và thiếu sự thống nhất trong mục tiêu. Các thẩm phán đánh giá sơ bộ cũng vậy, đã gia tăng thêm sự hỗn loạn bằng những sai lầm. Trong một số trường hợp, bằng chứng về việc các nghi phạm gặp nhau là không chính xác. Trên hết, Fuji cho rằng rất nhiều vấn đề phát sinh từ sự điều tra không hợp lý. Hơn nữa, rõ ràng là công tố viên không hiểu vấn đề chủ chốt của phiên tòa: việc bán cổ phiếu. Hai quan tòa đồng sự, Fuji cho biết, hoàn toàn đồng ý rằng bằng chứng không ủng hộ cho công tố viên. Do vậy, việc tuyên trắng án là dễ hiểu. Khi được hỏi về tuyên bố nổi tiếng về con khỉ và mặt trăng, Fuji nói rằng điều đó được thẩm phán Ishida Kazuto viết. Do ba quan tòa chia nhau viết bản án nên tuyên bố ấy có tạo ra một chút ngạc nhiên, nhưng các quan tòa quyết định không xóa bỏ nó, mặc dù họ biết rằng các công tố viên sẽ cảm thấy bị xúc phạm. [92] 

Chánh tòa đánh giá sơ bộ Morozumi, được phỏng vấn sau chiến tranh, đã lặp lại lời khai trước tòa: Ông ta không được phép trả lời câu hỏi của thẩm phán Fuji. Do vậy, Fuji nên đọc báo cáo. Khi được hỏi về yêu cầu của công tố viên Kuroda về việc cho phép trao đổi văn bản giữa hai bị cáo, Morozumi trả lời rằng ông ta không đồng ý. Ông ta kết luận rằng mình đã hành động đúng. [93]

Imamura Rikisaburò, luật sư cao cấp của phiên tòa, đã chỉ ra trong một văn bản có tại trụ sở của Minseitò vào năm 1937 rằng công tố viên ngày càng thống trị các vụ án chính trị và chèn ép quan tòa. Khuynh hướng này bắt đầu từ vụ High Treason (1910 – 1911) và được thể hiện đầy đủ trong vụ Teijin. Imamura đặc biệt chú ý tới công tố viên của Tòa Án Quận Tokyo, nói rằng từ khoảng năm 1929, họ đã có ý định phá hủy nội các bằng quyền lực công tố. Vụ án Teijin là kết quả của chiến dịch. Ông ta cho rằn vấn đề này có thể giải quyết được bằng cách khôi phục quyền lực của thẩm phán và thúc giục các thẩm phán, công tố viên và cảnh sát không chỉ chú ý tới luật pháp mà còn phải chú ý tới trách nhiệm về đạo đức. [94] Trong cuốn Thảo Luận về Vụ Án Teijin (Teijin jiken benron), được Imamura xuất bản tư nhân vào tháng 12/1937, ông ta tiếp tục lên án công tố viên Tokyo. Ngoài việc đề cập tới lá thư mà Wakatsuki gửi cho Kusumi yêu cầu quyên góp, do ai đó tiết lộ ra ngoài, ông ta cũng cáo buộc rằng trong vụ án của Kobashi các công tố viên đã ép bị cáo Kusumi thay đổi ngày tháng trong lời khai để lôi kéo Kobashi vào. Hơn nữa, ông ta nhắc lại việc các bị cáo trong vụ Teijin nghe thấy công tố viên nói rằng doanh nhân và chính khách đều tham nhũng và nhiệm vụ của các công tố viên không thể bị mua chuộc là xóa sổ những kẻ tham nhũng khỏi xã hội. [95]

Bị cáo Kawai Yoshinari viết trong hồi ký của ông ta là công tố viên đã ép cung Takagi và Kuroda. Takagi ký vào bản cung khai để thoát khỏi điều kiện giam giữ tồi tệ và các cuộc thẩm vấn bất tận. Tất cả những gì ông ta nghĩ tới là được trở về nhà. Phải nằm viện vì những vết lở loét là dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng của Takagi. Cũng như đối với Kuroda, Kawai cho rằng một người nghiện rượu nặng như thứ trưởng, một tháng không được uống rượu cùng với điều kiện giam giữ tồi tệ và các cuộc thẩm vấn đã buộc ông ta phải nhận tội bừa. [96]

Nhà báo Nonaka Moritaka, theo sát toàn bộ phiên tòa, lên án các công tố viên về việc tạo ra một vụ án chính trị nghiêm trọng gây xáo trộn xã hội. Ông ta viết, chính quyền nên điều tra vụ án này đề cho công chúng biết ai phải chịu trách nhiệm. [97]

Tờ Japan Weekly Chronicle bình luận, “Sự quan trọng thật sự của phiên tòa đối với chúng ta không phải là một nhóm luật sư bào chữa xuất sắc…có mặt tại tòa…mà là việc tòa án tin vào lời khai trực tiếp của các bị cáo, trái ngược với các bản cung khai đã được ký tên….Tòa án không tin vào các bằng chứng của việc đánh giá sơ bộ…cuối cùng đã cho thấy một điều rất đặc biệt.” Tờ báo tiếp tục, “Có một số ví dụ cho thấy Tòa Án Quận đã lưỡng lự khi chấp nhận các quan điểm của công tố, nhưng không bao giờ quả quyết và công khai như trong vụ án Teijin. Sự phản đối cho rằng các cáo buộc sai được đưa ra do một số viên chức nhất định không chịu nghe lời khai khác và bởi vì các bị cáo bị hành hạ trong tù…đã được điều tra….” Tuy vậy, tờ báo viết, thẩm phán Fuji không nhắc hay ám chỉ tới các cáo buộc bị hành hạ trong tù của các bị cáo.” [98] Trái lại, Fuji tập trung vào sự thiếu bằng chứng đối với tội lạm quyền và hối lộ.” 

Sự kết thúc của phiên tòa không chấm dứt sự chỉ trích đối với Bộ Tư Pháp. Các chính khách ở cả hai đảng lớn đều lên án công tố viên vi phạm quyền cá nhân của bị cáo trong vụ Teijin cũng như các vụ án khác. Chính phủ cần phải làm gì để thay đổi tình trạng này? Ai phải chịu trách nhiệm về những sai lầm trong vụ Teijin? Họ cũng hỏi tại sao chưởng lý Iwamura lại được thăng cấp làm thứ trưởng thay vì bị buộc phải từ chức. [99] Tại cuộc họp của ủy ban ngân sách của Quốc Hội vào ngày 2/2/1938, Shiono đã bị lên án vì phát biểu sau phiên tòa (trong một cuộc họp báo chi) rằng ông ta hy vọng rằng các bị cáo đã học được một bài học và sẽ cư xử tốt hơn trong tương lai. [100] Shiono trả lời rằng ông ta “luôn luôn cho rằng bản án được tuyên…là đúng đắn. Vào lúc đó, các công tố viên liên quan sốt sắng muốn kháng án, nhưng ông ta đã khiến họ đổi ý. Bộ trưởng tuyên bố rằng ông ta tin tưởng sự thật đã được thể hiện trong bản án. Ông ta phủ nhận khi một bản tin báo chí chưa được tìm thấy mô tả ông ta thể hiện sự bất bình với bản án.” [101] Mặc dù tuyên bố này đã làm hạ nhiệt của Bộ Tư Pháp song nó chỉ là một nửa sự thật. Như hồi ký của Shiono đã cho thấy, ông ta không chấp nhận tất cả “sự thật” trong bản án của Fuji; Shiono cho rằng một số bị cáo có tội. Vào ngày 1/3/1938, Seiyûkai và Minseitò đưa ra một kiến nghị chung yêu cầu chính phủ cải cách hệ thống truy tố hình sự. Trong cuộc tranh luận về kiến nghị, được áp dụng với đa số lớn, nó đã chỉ ra rằng không có viên chức tư pháp nào phải chịu trách nhiệm về vụ án Teijin và từ chức. [102] Yêu cầu cải cách tư pháp đã thúc đẩy Bộ Tư Pháp và một số hiệp hội luật sư thành lập các ủy ban điều tra, nhưng sự mở rộng của chiến tranh với Trung Quốc đã thu hút sự chú ý sang hướng khác và không có sự thay đổi nào trong hệ thống tư pháp. [103]

Khó có thể đánh giá được mức độ tổn hại của vụ Teijin đối với các bị cáo và viên chức tư pháp, song rõ ràng là một số người có tình hình tốt hơn những người khác. Nam tước Nakajima và cựu thứ trưởng Kuroda được bổ nhiệm làm thượng nghị sĩ. Mặc dù Nakajima tránh chính trị và tài chính sau khi va chạm với pháp luật song ông ta cũng trở thành chủ tịch của Hiệp Hội Thương Mại Quốc Tế Nhật Bản. Vào ngày 29/1/1938, Mitsuchi được nhận huân chương Mặt Trời Mọc hạng nhất. Huân chương cao quý này được trao vào ngày 29/4/1935, nhưng bị thu lại cho đến khi vụ án kết thúc. Mitsuchi là bộ trưởng không bộ trong nội các đầu tiên của Konoe Funimaro (6/1937 – 1/1939) và vào năm 1940 ông ta tham gia Hội Đồng Cơ Mật. Sau chiến tranh, ông ta giữ hai chức bộ trưởng dưới thời nội các Shidehara Kijûrò (10/1945 – 5/1946). Cựu viên chức công ty Teijin Kawai Yoshinari và Nagano Mamoru cũng giữ chức trong nội các thời hậu chiến. Trong thời hậu chiến, Kobayashi trở thành chủ tịch đầu tiên của ngân hàng Phát Triển Nhật Bản và là một nhân vật quyền lực trong giới thống trị cả chính quyền lẫn kinh doanh. Nagano trở thành một người môi giới nổi tiếng của thế giới chính trị ngầm. Shòriki giữ chức bộ trưởng trong nội các đầu tiên của Kishi Nobusuke (2/1957 – 6/1958). Tình hình của các viên chức cấp thấp trong Bộ Tài Chính không tốt. Ví dụ, Òno và Aida được tái bổ nhiệm, Aida là thanh tra ngân hàng và Òno là đặc phái viên tài chính về Trung Quốc. Vị trí đặc phái viên đã bị bỏ trống nhiều năm, có lẽ Òno bị thuyên chuyển sang một công việc không có tương lai. Về phía viên chức Bộ Tư Pháp, cựu bộ trưởng Ohara được bổ nhiệm vào Thượng Viện vào ngày 2/9/1936. Ohara không nhận được huân chương Mặt Trời Mọc hạng nhất, cho đến gần ba mươi năm sau khi nghỉ hưu; dĩ nhiên vinh dự này bị trì hoãn do vụ truy tố Teijin. Ông ta làm bộ trưởng trong một thời gian ngắn vào năm 1954 (nội các thứ năm của Yoshida Shigeru). Sự nghiệp của cựu chưởng lý Iwamura Michiyo không bị ảnh hưởng: ông ta trở thành bộ trưởng Bộ Tư Pháp của nội các Tòjò Hideki (10/1941 – 7/1944). Trong thời gian đó, ông ta nhận được huân chương Bảo Vật Thiêng Liêng hạng nhất. Sau khi ông ta chết vào năm 1965, huân chương Mặt Trời Mọc được trao cho gia đình. Tình hình của cựu bộ trưởng Bộ Tư Pháp thì cũng không tốt, chỉ nhận được huân chương Bảo Vật Thiêng Liêng hạng hai, vào tháng 3/1937. [104] 

Hơn một năm sau khi bản án của vụ Teijin được đưa ra, độc giả báo chí được biết đến một vụ án hối lộ chính trị quan trọng khác, vụ này liên quan đến cựu bộ trưởng Đường Sắt Uchida Nobuya. Uchida, được bầu vào Hạ Viện trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 1924, là một doanh nhân nổi tiếng. Chính trị là sự nghiệp thứ hai; sau khi ông ta trở nên giàu có trong công nghiệp đóng tàu, Hara Kei đã kết nạp ông ta vào Seiyûkai sau thế chiến thứ I. [105] Uchida giữ chức bộ trưởng trong nội các Okada, đã có nhiều nỗ lực lớn để thanh tẩy bầu cử và làm trong sạch chính trị nói chung. 

Từ lâu trước khi Uchida trở thành bộ trưởng, “hội ý tham nhũng” (dangò oshoku) đã tồn tại trong các công ty xây dựng nộp hồ sơ đấu thầu các dự án của Bộ Đường Sắt. Nực cười là nỗ lực bài trừ tham nhũng ở bộ lại dẫn đến cáo trạng hối lộ của ông ta. Ngay sau khi nhậm chức, ông ta đã thanh lọc các nhân viên bị nghi là tham gia vào hoạt động tham nhũng và cố gắng mở cửa quy trình đấu thầu cho nhiều doanh nghiệp hơn. Trong số những người bị thiệt hại do cải cách này có Maeda Eijirò, người đứng đầu Dobokugyò, một hiệp hội của các nhà thầu được cấp phép. Khi bị cắt đứt khỏi nguồn thông tin ở Cục Xây Dựng của bộ, Maeda tìm kiếm sự hợp tác của Uchida. [106] 

Đảm nhận công việc lấy cảm tình của Uchida là Tobishima Bunkichi, chủ tịch của tập đoàn Tobishima và là cựu thượng nghị sĩ. Tobishima là một trong số các doanh nhân tìm kiếm cảm tình của Uchida ngay sau khi quyết định bổ nhiệm Uchida được công bố. Trong các cuộc viếng thăm của Tobishima tại nhà riêng của Uchida, các cuộc thảo luận đều là về các chủ đề chung; không có gì về đấu thầu xây dựng hay hợp đồng. Sau khi Tobishima biết rằng Uchida có kế hoạch thành lập một chính đảng mới, ông ta gom 50.000 yen từ Maeda và những người khác với kế hoạch quyên góp chính trị cho Uchida thông qua Nanba Kiyohito, một hạ nghị sĩ và là cánh tay phải của Uchida. Bên cạnh khoản đóng góp này cho Uchida, các nhà thầu cũng đóng góp vài trăm ngàn yen cho các ứng cử viên bầu cử cấp quận và tổng tuyển cử. [107] 

Các công tố viên cáo buộc rằng Tobishima đưa tiền cho Nanba tại một quán trà ở Asakusa, yêu cầu Nanba thúc giục Uchida đáp ứng lợi ích của nhóm Maeda. Hơn nữa, công tố viên nói, sau khi Uchida nhận được tiền, các lệnh cấm đối với nhóm Maeda đã bị bãi bỏ. Điểm chủ chốt trong phiên tòa, bắt đầu vào ngày 5/4/1938 và kéo dài đến khi tuyên án vào ngày 25/7/1939, là Uchida có thực sự nhận được tiền không. Ba thẩm phán được chọn tin vào lời khai của Nanba, ông ta đã đưa tiền cho Uchida. Do đó, cựu bộ trưởng bị tuyên án 8 tháng tù và bị phạt 50.000 yen. Nanba nhận án bốn tháng tù. Cả hai người đều được hoãn thi hành án một năm. Uchida, quyết liệt phản đối cáo trạng suốt phiên đánh giá sơ bộ và phiên tòa công khai, đã kháng án. [108] 

Các thẩm phán tòa phúc thẩm đã bác bỏ bản án sơ thẩm. Trong bản án được tuyên vào ngày 26/10/1940, họ viết rằng bị cáo có sự nghiệp chính trị lâu dài và chưa bao giờ liên quan đến tham nhũng và ông ta cũng được coi là một viên chức không thể bị mua chuộc khi thực hiện các quy định của chính quyền. Hơn nữa, khi giao dịch với các doanh nhân, ông ta không thảo luận về công việc của bộ; gia đình ông ta được lệnh không nhận quà tặng. Tòa án kết luận rằng việc cựu bộ trưởng nhận hối lộ là không thể tin được. [109] 

Uchida trình bày quan điểm về những sự kiện đó trong một cuốn sách thời hậu chiến. Tobishima đưa tiền và Uchida khẳng định rằng ông ta không nhận. Sau đó Tobishima bàn bạc với Nanba, người này nhận tiền. Một phần của khoản tiền đó được đưa cho các viên chức quận và một phần được sử dụng để thanh toán cho các hóa đơn của Nanba ở nhiều khách sạn của Akasaka. Trong cuộc điều tra của cảnh sát, viên chức khẳng định rằng Nanba phải chuyển khoản tiền đó, cho biết rằng nếu ông ta không chuyển tiền thì sẽ bị buộc tội lừa đảo. Viên chức cảnh sát nhấn mạnh là tội lừa đảo phải nhận hình phạt nặng hơn tội trợ giúp hối lộ. Dưới sức ép đó, Nanba đã thay đổi lời khai. Như Uchida viết trong cuốn sách này, một vụ án hối lộ thời hậu chiến là trung tâm sự chú ý của báo chí. Công tố viên Baba Yoshitsugu, thảo luận vụ án với các nhà báo, đã so sánh vụ án với một vụ hối lộ chính trị thời tiền chiến. Trong vụ án kia tiền không được chuyển, nhưng trong vụ án này thì tiền đã được chuyển. Uchida cũng nhắc đến Baba, trưởng nhóm công tố. [110] Bình luận của công tố viên trong một bản tóm tắt đã giải thích lý do các quan tòa phúc thẩm bác bỏ bản án sơ thẩm: công tố viên không chứng minh được Uchida đã nhận tiền.

Nỗ lực thanh tẩy các chiến dịch bầu cử của chính phủ, bắt đầu dưới thời nội các Saitò và Okada, đã không được kiểm tra trong 5 năm tại cấp bầu cử quốc gia sau năm 1937. Sau đó, vào năm 1942, cuộc bầu cử Hạ Viện duy nhất trong thời chiến được tổ chức. Nhân viên chính phủ tuyên truyền về một cuộc bầu cử trong sạch và đặc biệt nỗ lực bài trừ các vi phạm bầu cử. [111] Đây là một cuộc bầu cử kỳ lạ, các ứng cử viên tranh cử mà không có liên kết đảng phái; đó là chính trị không có đảng phái! Dưới sức ép thời chiến và lời kêu gọi đoàn kết quốc gia, tất cả các đảng phái đã bị giải tán vào giữa năm 1940. Vào ngày 12/10/1940, Hiệp Hội Hỗ Trợ Cai Trị Đế Quốc (IRAA) được chính phủ thành lập thay cho các tổ chức chính trị cũ. Bố già của siêu tổ chức có nhiệm vụ hoàn thiện thống nhất quốc gia này là Konoe Fumimaro. Mặc dù hầu hết các lãnh đạo đảng phái cũ đều tham gia IRAA song Hạ Viện vẫn tiếp tục hoạt động. Cuối cùng IRAA đã không trở thành một tổ chức chính trị quần chúng; các đảng chính trị bị xóa bỏ vẫn cho thấy sức sống đáng kể và các kịch bản chính trị cũ vẫn diễn ra. [112] Các lãnh đạo ở Hạ Viện vẫn giữ đặc quyền “đóng vai trò là phương tiện riêng để đại diện chính trị cho dân chúng. Với vai trò người môi giới chính của Hạ Viện trong cuộc tranh luận với chính phủ về lập pháp và đề xuất ngân sách, họ vẫn tiếp tục sử dụng thành công các đòn bẩy chính trị để giành được những nhượng bộ của nội các.” [113] Sự ít thay đổi trong bản chất của chính trị cũng được thể hiện vào ngày 30/4/1942, bầu cử Hạ Viện, được gọi là bầu cử Tòjò. 

Tòjò cùng với các sĩ quan quân đội khác hy vọng sẽ chôn vùi các chính khách dòng cũ trong cuộc bầu cử năm 1942. Cử tri được yêu cầu chỉ ủng hộ các ứng cử viên nhận được sự đề cử của chính phủ. Mặc dù số lượng các khuôn mặt mới trúng cử cao hơn các cuộc bầu cử trước song chỉ có một chính khách lớn mất ghế. Do vậy, ngay giữa những cấp bách của thời chiến, nỗ lực bẻ gẫy sự liên hệ giữa chính khách với sự ủng hộ địa phương của họ cũng như quét sạch sự thống trị chính trị cũ đã thất bại. [114] Có vẻ như việc mua phiếu bầu và các dạng tham nhũng khác đã giảm, nhưng theo khía cạnh nào đó thì cuộc bầu cử này là điển hình. Ví dụ, chính phủ sử dụng cảnh sát đề gây sức ép với cử tri (sức ép của cảnh sát là không đồng nhất do phụ thuộc vào thái độ của các viên chức quận); tiền phi pháp cũng có vai trò (một quỹ bí mật của quân đội lên đến 10 triệu yen được sử dụng để trợ cấp cho các ứng cử viên được chính phủ đề cử); và sự ủng hộ vững chắc của jiban luôn luôn tác động đến bầu cử. [115]

Kết quả của phong trào chống tham nhũng của những năm 1930 là gì? Hối lộ chính trị giảm đi hay tăng lên? Các kịch bản chính trị cũ có bị phá vỡ bởi thời kỳ xáo trộn của những năm 1930 và những năm chiến tranh sau năm 1937? Do các nhà khoa học xã hội hiện đại dựa nhiều vào những con số được trích dẫn nên việc xử lý chủ đề hối lộ chính trị theo định lượng sẽ là một sự hấp dẫn lớn. Các học giả sử dụng thông tin về số lượng nghi phạm bị bắt giữ và bị truy tố để có thể tạo thành chỉ số tham nhũng. Cách tiếp cận này có nhiều hạn chế. Ví dụ, số nghi phạm hối lộ bị bắt giữ hàng năm phụ thuộc mức độ theo đuổi các vụ án hối lộ của cảnh sát. Điều tương tự áp dụng cho công tố viên và tỷ lệ truy tố. Nhật Bản vào cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930 vướng vào cuộc chiến chính trị chống lại những người cộng sản trong nước. Cảnh sát và công tố viên, với số lượng hạn chế trước cuộc chiến chống cộng sản, chịu sức ép cao độ khi đàn áp các đảng bất hợp pháp. Cảm giác chung cho thấy rằng các viên chức hành pháp lo ngại về “Hiểm Họa Đỏ” hơn các vụ án hối lộ chính trị. Dĩ nhiên đó là sự thật, Cảnh Sát Đặc Nhiệm (đơn vị tinh nhuệ được thành lập để xử lý tội phạm hệ tư tưởng) không xử lý các vụ án hối lộ, nhưng trong chiến dịch chống cộng sản thì tất cả các đơn vị cảnh sát, kể cả Cảnh Sát Đặc Nhiệm, chủ yếu xử lý các vụ vi phạm bầu cử, đều được tung ra để hỗ trợ đơn vị tinh nhuệ. Vì những lý do đó, chắc chắn là số lượng các vụ án hối lộ chính trị đã bị báo cáo thấp. Với sự bảo lưu ý kiến đó, các chỉ số dưới đây được trình bày. Con số cho thấy số lượng viên chức công bị bắt giữ vì hối lộ theo Luật Hình Sự (bị bắt giữ theo Luật Bầu Cử bị loại trừ), [116] trong đó có các viên chức dân sự ở mọi cấp chính quyền.

1933
1.664
1940
2.128
1934
3.885
1941
2.722
1935
3.089
1942
3.299
1936
4.471
1943
6.166
1937
2.469
1944
3.272
1938
2.365
1945
2.343
1939
1774




Quan trọng hơn thống kê hàng năm về số lượng viên chức chính quyền bị bắt giữ về hối lộ là sự thừa nhận rằng theo khía cạnh nào đó thì thời kỳ 1933 – 1945 có sự liên tục với những năm trước đó. Số vụ hối lộ bầu cử trong các cuộc bầu cử giảm xuống trong những năm này dường như là chính xác. Tuy vậy, các chính khách kiểu cũ đã thoát khỏi thời kỳ đầy căng thẳng và những thương nhân chính trị ủng hộ họ từ lâu thậm chí còn phát triển. Trên thực tế, chính khách và zaibatsu đã sống lâu hơn viên chức mới, những người cải cách quân sự cực đoan và những người cố gắng bài trừ tham nhũng chính trị khỏi xã hội. Các phong tục kinh doanh và chính trị cũ còn được sắp đặt để đạt được một thắng lợi ngoạn mục trước tầng lớp công tố thượng lưu trong vụ án Teijin. Cũng cần phải lưu ý rằng công ty Mitsui từ năm 1941 đã tiếp tục sử dụng “bộ phận nghiên cứu” cho “các vận động chính trị - với các bộ trưởng nội các, viên chức quân đội và hải quân, viên chức, nghị sĩ Quốc Hội.” Không có số liệu nào cho thấy hối lộ được đưa bởi vì không có hồ sơ nào được lưu giữ. [117] 

Vào những năm 1930, vụ Teijin và phiên tòa xét xử cựu bộ trưởng Uchida đã rọi sáng mặt tối của chính trị đảng phái: nỗ lực bất tận tìm kiếm tiền. Mặc dù không phải là lý do chính khiến đảng phái suy sụp song những vụ án tham nhũng này cũng đóng góp vào việc đó do sự thật mà các phiên tòa đã cho thấy là dường như các chính khách ích kỷ rất ít quan tâm tới lợi ích quốc gia. Hơn nữa, vụ Teijin cho công chúng thấy một bức tranh xấu xí về mối quan hệ giữa chính khách, doanh nhân và viên chức. Ở một phạm vi hẹp hơn, phiên tòa của Uchida cho thấy cùng một sự tồi tệ về đạo đức. Nhiều độc giả báo chí, như họ đã nói về những phiên tòa này, đã cho rằng các lực lượng chống lại chính trị đảng phái sẽ tạo ra các lãnh đạo quốc gia siêu việt.

Chú thích:

1. Robert M. Spaulding, Jr., “The Bureaucracy as a Political Force, 1920–1945,” 61–63; Berger, Parties Out of Power, 72.
2. Hirata, Senkyo hanzai no kenkyû, 23–24.
3. Hayashida, “Election Law,” 7, 39; Gerald L. Curtis, Election Campaigning Japanese Style, 213–214; Charles B. Fahs, Government in Japan: Recent Trends in Its Scope and Operation, 74.
4. Ibid.
5. Susan B. Weiner, “Bureaucracy and Politics in the 1930s: The Career of Gotò Fumio,” 135–137.
6. Japan Weekly Chronicle, August 22, 1935, 243; Obinata Sumio, Tennòsei keisatsu to minshû, 231.
7. Quoted in Weiner, “Bureaucracy and Politics,” 138.
8. Ibid., 146–147.
9. Japan Weekly Chronicle, December 26, 1935, 806.
10. Ibid.
11. Quoted in Fletcher, Search for a New Order, 99.
12. Ibid., 80, 98.
13. Berger, Parties Out of Power, 73.
14. Weiner, “Bureaucracy and Politics,” 148.
15. Japan Weekly Chronicle, May 14, 1936, 600.
16. Hirata, Senkyo hanzai no kenkyû, 79, 492, 682.
17. Japan Weekly Chronicle, May 13, 1937, 583.
172 Notes to Pages 66–73
18. Ibid.
19. Ibid.
20. Berger, Parties Out of Power, 74.
21. R. L. Sims, “National Elections and Electioneering in Akita Ken, 1930–1942,” 99, 104, 274 n. 30.
22. Itò Takashi, Showa shi o saguru, 1:148.
23. Japan Weekly Chronicle, August 15, 1935, 211.
24. Ibid., March 26, 1936, 382.
25. Ibid., February 25, 1937, 237; Kazaba Gunzò, head of the Police Bureau, was grilled in the lower house about torture and other violations of human rights during and after the 1936 general election. Obinata, Tennòsei keisatsu, 232.
26. Japan Weekly Chronicle, May 13, 1937, 583.
27. Kawakami Kan, Iwayuru jinken jûrin mondai ni tsuite, 71–82.
28. Japan Weekly Chronicle, February 25, 1937, 237.
29. Mitchell, Janus-Faced Justice, 136.
30. Richard Storry, The Double Patriots: A Study of Japanese Nationalism, 54.
31. Quoted in Hane, Modern Japan, 248.
32. Storry, Double Patriots, 185–188; Ben-Ami Shillony, Revolt in Japan: The Young Officers and the February 26, 1936, Incident, 172–173; Stephen S. Large, Emperor Hirohito and Showa Japan: A Political Biography, 68–70.
33. Shillony, Revolt, 83–85; Tiedemann, “Business and Politics,” 291–292, 296 n. 44, 300 n. 54.
34. Quoted in Tiedemann, “Business and Politics,” 296 n. 44.
35. Hastings, “Party Government,” 59, 79 n. 59; Shillony, Revolt, 89–92.
36. Òshima Tarò, “Teijin jiken: Shòkanshû o mamotta ishoku no hanketsu,” 60.
37. Tiedemann, “Business and Politics,” 295; for information about the attack on Minobe, see Frank O. Miller, Minobe Tatsukichi: Interpreter of Constitutionalism in Japan, 196–253.
38. For details about the intimate relationship between the Bank of Taiwan and the Suzuki Trading Company, see Morikawa, Zaibatsu, 175–177; for information on the financial panic of 1927, the failure of the Bank of Taiwan, the collapse of the Wakatsuki cabinet, and relief measures by the Diet to resuscitate the Bank of Taiwan, see Chò Yukio, “Exposing the Incompetence of the Bourgeoisie: The Financial Panic of 1927,” 497–499.
39. Japan Weekly Chronicle, August 12, 1937, 231; Shiono, Shiono Suehiko kaikoroku, 259; Òshima, “Teijin jiken,” 310, 316; Akita, “The Other Ito,” 352– 353.
40. Japan Weekly Chronicle, January 3, 1935, 14.
41. Òshima, “Teijin jiken,” 55–56.
42. Ibid., 56–57; Japan Weekly Chronicle, January 3, 1935, 15; December 23, 1937, 835; Showa Òkurashò gaishi kankòkai, Showa Òkurashò gaishi, 571 (cited hereafter as SOG).
43. SOG, 482, 486–488, 492; Kyoto daigaku, Nihon kindai shi jiten, 592. As Notes to Pages 73–82 173 late as February 1933, a lower house representative was interpellating Justice Minister Koyama Matsukichi on the Meitò tax settlement. Japan Weekly Chronicle, February 9, 1933, 188.
44. SOG, 498–499.
45. A. Morgan Young, Imperial Japan, 1926–1938, 187.
46. SOG, 517.
47. Japan Weekly Chronicle, April 15, 1934, 445.
48. SOG, 517.
49. Òshima, “Teijin jiken,” 57–59; Kawai Yoshinari, Teijin jiken Sanjûnenme no shògen, 21–22; Vandenbrink, “State and Industrial Society,” 147; Kòdansha, Illustrated Encyclopedia, 2:1025.
50. Chitoshi Yanaga, Big Business in Japanese Politics, 57; Japan Weekly Chronicle, August 19, 1937, 270; Takenobu Y., ed., The Japan Year Book, 1928, appendix A, 17.
51. SOG, 523–524.
52. Ibid., 519, 521–522; Òshima, “Teijin jiken,” 58, Kawai, 51; Òuchi Tsutomu, Nihon no rekishi 24, 374.
53. Japan Weekly Chronicle, January 3, 1935, 15; Òshima, “Teijin jiken,” 59.
54. SOG, 525.
55. Ibid., 573; Òshima, “Teijin jiken,” 59; Japan Weekly Chronicle, January 3, 1935, 15.
56. SOG, 526, 594–595.
57. Ibid., 535, 537; Òshima, “Teijin jiken,” 60.
58. Ibid., SOG, 531, 535, 537.
59. Japan Weekly Chronicle, December 6, 1934, 771; January 31, 1935, 125.
60. Ibid., January 10, 1935, 31.
61. Ibid., 126; Iwamura Michiyo den kankòkai, Iwamura Michiyo den, 88.
62. Japan Weekly Chronicle, February 7, 1935, 161.
63. Quoted in ibid.
64. Quoted in ibid., January 31, 1935, 134.
65. Ibid.
66. Ibid., 118.
67. SOG, 536–537, 563, 565, 567, 573, 575; Òshima, “Teijin jiken,” 67; Suzuki Yoshio denki kankòkai, Suzuki Yoshio, 101–102; Japan Weekly Chronicle, January 17, 1935, 76; June 27, 1935, 837.
68. Òshima, “Teijin jiken,” 52; SOG, 621.
69. Japan Weekly Chronicle, July 11, 1935, 48; August 15, 1935, 213.
70 Suzuki Yoshio, 406–407, 410, 412.
71. Japan Weekly Chronicle, August 15, 1935, 213; September 5, 1935, 310.
72. Ibid., September 12, 1935, 342; September 19, 1935, 374.
73. Quoted in ibid., February 25, 1937, 237.
74. Ibid.
75. Ibid., March 4, 1937, 251.
76. Ibid., May 27, 1937, 656.
77. Ibid., June 17, 1937, 750–751. 174 Notes to Pages 82–90
78. Ibid., 750.
79. Ibid.
80. Ibid., August 12, 1937, 231.
81. Ibid., August 19, 1937, 270.
82. Ibid., April 22, 1937, 494.
83. Quoted in SOG, 622.
84. Ibid.
85. Quoted in ibid., 621.
86. Matsuzaka, Matsuzaka Hiromasa den, 156–158.
87. Ohara, Ohara Naoshi kaikoroku, 256.
88. Quoted in ibid., 250.
89. SOG, 582.
90. Ohara, Ohara Naoshi kaikoroku, 257.
91. Shiono, Shiono Suehiko kaikoroku, 278–280.
92. Nomura, Hòsò fûunroku, 2:71.
93. Ibid., 291–293.
94. Morishita Sumio, “Imamura Rikisaburò,” 135.
95. Imamura Rikisaburò, Teijin jiken benron, 9–10, 117–129, 132–133.
96. Kawai, Teijin jiken, 184, 186, 285.
97. Nonaka Moritaka, Teijin o sabaku, 11–12.
98. Japan Weekly Chronicle, December 23, 1937, 818.
99. Ibid., December 30, 1937, 873; February 3, 1938, 133.
100. Ibid., February 10, 1938, 170.
101. Ibid., February 3, 1938, 142.
102. Ibid., February 24, 1938, 238.
103. Ibid., January 19, 1939, 76.
104. Sanseidò, Konsaisu jinmei jiten, 801, 1073; Japan Weekly Chronicle, December 30, 1937, 873; Ohara, Ohara Naoshi kaikoroku, 474, 491; SOG, 584; Hunter, Modern Japanese History, 288, 299, 304; Iwamura, Iwamura Michiyo
den, 563–569; Shiono, Shiono Suehiko kaikoroku, 902; Yanaga, Big Business, 56, 60, 93.
105. Ramsdell, The Japanese Diet, 47.
106. Murobushi Tetsurò, Jitsuroku Nihon oshoku shi, 244; Japan Weekly Chronicle, November 12, 1936, 637; March 2, 1939, 256.
107. Ibid.
108. Murobushi, Jitsuroku Nihon, 245; Japan Weekly Chronicle, August 3, 1939, 144.
109. Murobushi, Jitsuroku Nihon, 246–247.
110. Uchida Nobuya, Fûsetsu gojûnen, 235–236, 239, 246.
111. Edward J. Drea, “The Japanese General Election of 1942: A Study of Political Institutions in Wartime,” 252–253.
112. Scalapino, Democracy, 388–389; Harold S. Quigley and John E. Turner, The New Japan: Government and Politics, 70–72; Hunter, 67.
113. Berger, Parties out of Power, 347.
114. Ibid., 348–349. Notes to Pages 90–99 175
115. Drea, “General Election of 1942,” 231, 238, 280, 282, 288, 296–298, 302–303, 305; Sims, “National Elections,” 106; Ben–Ami Shillony, Politics and Culture in Wartime Japan, 23–25.
116. Japan, Prime Minister’s Office, Statistics Bureau, ed., Japan Statistical Yearbook, 1950, 470.
117. Hadley, Antitrust, 42.