Showing posts with label Bất đồng chính kiến. Show all posts
Showing posts with label Bất đồng chính kiến. Show all posts

Saturday, December 27, 2014

Ai nhặt được tờ 500 nghìn đồng?

Ông già Noel, ông Bụt, một nhà dân chủ yêu nước và một gã ăn mày say rượu cùng đi trên phố. Họ nhìn thấy một tờ 500 nghìn đồng trên mặt đất. Ai nhặt được tờ 500 nghìn đó?

Tất nhiên là gã ăn mày say rượu, vì ba người kia là các nhân vật tưởng tượng, vốn chỉ có trong chuyện cổ tích.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí.)

Friday, December 26, 2014

Lại chuyện cười về đám dân chủ và nhân quyền

Muốn bắt muốn đánh thì tùy

Ở Việt Nam dịch vụ nhà nghỉ thường rất tệ, nhất là nhà nghỉ ở tỉnh xa. Nhiều nhà nghỉ thường thuê mấy đứa thiếu niên làm giúp việc, tụi nhỏ hay nhớ trước quên sau nên có nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra. 

Hôm đó anh dân chủ và chị nhân quyền đi hoạt động ở tỉnh xa, gặp khi trời tối nên cả hai thuê chung một phòng nghỉ cho tiết kiệm. Sau khi cả hai vào phòng được một lúc thì có tiếng gõ cửa, một hồi lục đục rồi thì anh dân chủ ra mở cửa. 

Thằng nhỏ giúp việc gãi đầu gãi tai:
- Anh ơi, em quên đưa anh cái điều khiển ti vi.
Anh dân chủ nói:
- Ờ, được rồi!

Anh dân chủ đóng cửa phòng. Một lúc sau lại có tiếng gõ cửa, anh dân chủ ra mở cửa thì thấy vẫn thằng nhỏ giúp việc đứng đó gãi đầu gãi tai.

Thằng nhỏ nói: 
- Anh ơi, em quên đưa anh cái điều khiển điều hòa nhiệt độ.
Anh dân chủ nói:
- Ờ, được rồi!

Anh dân chủ đóng cửa phòng. Một lúc sau lại có tiếng gõ cửa. Thằng nhỏ giúp việc ngạc nhiên khi thấy anh dân chủ mở cửa rồi chắp tay vái lấy vái để.

Anh dân chủ kêu: Thôi, tôi xin ông, muốn bắt muốn đánh gì tùy ông, chứ bao cao su thì tôi không thể nuốt thêm cái nào nữa.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí, lấy cảm hứng từ vụ án hai bao cao su của anh họ Cù)

Khi đang chỉnh sửa câu chuyện trên thì tình cờ lại nảy ra một chuyện khác.

Sáng kiến bảo vệ người bảo vệ nhân quyền.

Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự tổ chức hội thảo "Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền" rất hoàng tráng, có thảo luận xem giải pháp nào khả thi, nhưng chả ai có giải pháp gì, cuối cùng họ quyết định tổ chức một cuộc thi sáng kiến bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền.

Giải nhất cuộc thi đã được trao cho sáng kiến về bao cao su tự hủy sau khi sử dụng.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)

Thursday, December 25, 2014

Phẫu thuật cho ai dễ nhất?

Bốn nhà phẫu thuật ngồi tán chuyện với nhau về công việc trong giờ nghỉ giải lao.

Người thứ nhất nói: Tôi thấy phẫu thuật cho nhân viên kế toán là dễ nhất. Mọi thứ bên trong đều được đánh số.

Người thứ hai nói: Tôi thấy phẫu thuật cho thủ thư là dễ nhất. Khi anh mổ phanh ra, tất cả nội tạng đều được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.

Người thứ ba nói: Tôi thích phẫu thuật thợ điện hơn. Tất cả nội tạng của họ đều được đánh dấu bằng các màu khác nhau.

Người thứ tư nói: Tôi thấy phẫu thuật cho mấy nhà dân chủ là dễ nhất. Họ không có tim hay gan, không có xương sống, mông và đầu của họ có thể thay thế cho nhau. Đặc biệt nhất là nếu anh có lỡ cắt nhầm cái gì thì cũng không cần phải lo lắng, chúng sẽ tự mọc lại.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí, nhân dịp được nghe những huyền thoại về các nhà dân chủ Việt Nam)

Friday, December 5, 2014

Người dân đảo Jeju của Hàn Quốc: Không căn cứ hải quân

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "Jeju: “Island of Peace” in the Crosshairs of War" của nhà hoạt động hòa bình Mica Cloughley về phong trào của người dân đảo Jeju, Hàn Quốc phản đối việc xây dựng căn cứ hải quân trên đảo. Tiêu đề do người dịch đặt.

Jeju: “Hòn đảo Hòa Bình” trong tầm ngắm của chiến tranh

Một số người có thể ngạc nhiên, làm sao mà một tỉnh nhỏ của Hàn Quốc được gọi là “Hòn đảo Hòa Bình” lại có tỷ lệ tội phạm cao nhất Hàn Quốc? Dân số đảo Jeju vào khoảng 500.000 người, và cho tới nay thì cộng đồng trên đảo vẫn đặc trưng bởi sự bình yên. Seoul, trái lại, có dân số 10 triệu người, lớn hơn 20 lần. Câu trả lời nằm ở định nghĩa về tội phạm. Cuộc đấu tranh kéo dài 8 năm chống lại việc xây dựng căn cứ hải quân khổng lồ đã bị nhà cầm quyền Hàn Quốc đàn áp với sự xâm phạm nhân quyền trắng trợn, trong đó có việc áp dụng bất thường luật lệ dẫn đến hơn 600 người bị bắt giam và hơn 400 người bị buộc tội liên quan đến các hoạt động phi bạo lực ở cửa ngõ đảo Jeju, địa điểm xây dựng căn cứ hải quân Hàn Quốc. Do đó “tội phạm” lên đến mức ấy. Các vi phạm từ đi bộ ẩu tới “cản trở công việc”, loại thứ hai mới đây được áp dụng cho một nữ tu già, Sơ Stella Soh, về việc ngồi trước cửa của căn cứ hải quân, chặn lối vào của xe tải. Điều này có nghĩa là lần đầu tiên trong 200 năm lịch sử Thiên Chúa Giáo Hàn Quốc, một nữ tu bị truy tố về tội hình sự.

Nhưng những cư dân đảo chống chủ nghĩa đế quốc cản trở công việc của ai khi họ từ chối căn cứ hải quân? Căn cứ hải quân trên đảo Jeju có vẻ là dành cho quân đội Hàn Quốc, nhưng có thể hiểu rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ sử dụng căn cứ. Đó là viên ngọc trên vương miện “xoay trục sang Châu Á” của tổng thống Obama, thứ thực sự tạo thành một vòng cung các căn cứ hải quân và quân sự bao quanh Trung Quốc. Căn cứ hải quân trên đảo Jeju cũng là công việc kinh doanh mạo hiểm đầy lợi nhuận đối với Samsung. Quả thực vậy, cũng chính là Samsung sản xuất điện thoại di động, chính họ đang xây dựng căn cứ quân sự lớn nhất khu vực lòng chảo Thái Bình Dương. Trong quá trình xây dựng, Samsung trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế và gây tổn hại cho môi trường dễ tổn thương của hòn đảo, cũng như địa điểm Di Sản Thế Giới của UNESCO. Công ty này đã đánh mìn, đúng theo nghĩa đen, một phần đảo mà người dân bản địa đã tôn kính nhiều thế kỷ. Đó là nơi linh thiêng nhất trên hòn đảo của họ.

Hải quân Hàn Quốc dự tính căn cứ sẽ được hoàn thành vào tháng 12 năm 2015. Bản thiết kế mô tả một căn cứ hải quân rộng 50 ha sẽ chứa 7.000 lính, tối đa 24 tàu chiến, trong đó có hai tàu khu trục hộ vệ, 6 tàu ngầm hạt nhân. Cần biết rằng mỗi tàu khu trục có một động cơ lên đến 100.000 mã lực, khó có thể tưởng tượng rằng căn cứ sẽ an toàn đối với một môi trường nhạy cảm về sinh thái. 7.000 lính thủy sẽ cập bến ở Gangjeong, một ngôi làng với dân số khoảng 2.000 người. Dân làng biết rằng dự án này có nguy cơ xóa sổ toàn bộ cộng đồng của họ.

Nếu họ xây nó, căn cứ hải quân sẽ phá hủy nhiều phần sinh quyển độc đáo của đảo Jeju. Vùng biển quanh đảo được luật pháp quốc tế bảo vệ bởi vì chúng nằm trong phạm vi Bảo Tồn Sinh Quyển của UNESCO. Chỉ còn ít hơn 120 cá heo mũi chai sống trong vùng biển quanh đảo. Rừng san hô mềm lớn nhất thế giới, ngoài khơi của làng Gangejong, đã bắt đầu chết từ khi việc xây dựng được khởi công vào năm 2011. Samsung đã phá vỡ hàng sa số các luật môi trường để cấp tốc xây dựng căn cứ quân sự. 

Do đó, các nhà hoạt động hòa bình của đảo Jeju đã công khai kêu gọi mọi người trên thế giới tự nguyện tới và sống trong làng của họ, trực tiếp chứng kiến cuộc đấu tranh. Tôi đáp ứng lời kêu gọi ấy, đi tới làng Gangjeong, đảo Jeju. Tôi biết rằng mình tới đó để giương cao lá cờ màu vàng trên vỉa hè, kêu lên: “Không căn cứ hải quân!” Do các nhà hoạt động bị chính quyền giám sát thường xuyên và nhiều người ủng hộ quốc tế của cuộc đấu tranh chống căn cứ hải quân đã bị từ chối nhập cảnh vào Hàn Quốc, tôi được dặn là không thông báo với bất cứ ai trong làng khi tôi tới nơi. Lúc tôi ngó vào Trung Tâm Hòa Bình, hy vọng có ai đó sẽ giúp đỡ khi tôi nói mình là tình nguyện viên đến từ tổ chức bất bạo động phi chính phủ Peaceworkers ở San Francisco và dự định sẽ ở lại 6 tuần. 

Một người phụ nữ tên là Silver chỉ cho tôi thấy quanh làng trong buổi tối đầu tiên. Lúc chúng tôi ngồi trong nhà hàng miễn phí cho các nhà hoạt động, một cơn gió mạnh thổi vào phòng, làm cốc chén xoong chảo trên quầy va vào nhau

“Tôi nghe nói đảo Jeju nổi tiếng về gió.” Tôi nói với Silver

“Phải,” Silver cười, “Đảo Jeju nổi tiếng về ba thứ: gió, đá và phụ nữ.”

“Sau khi gió thổi, mọi người nghĩ đó là bão to. Chúng tôi thường có bão hàng năm vào giữa tháng 7 và tháng 10, nhưng năm nay chúng tôi vẫn chưa có bão, nên mọi người đang cầu nguyện nó đến ngay.”

Bối rối, tôi hỏi, “bão không phải nguy hiểm sao? Chị có phải sơ tán không?”

“Có, bão rất tệ đối với nông dân trồng quýt,” Silver trả lời, “Chúng phá hủy hết mùa màng và gây ra rất nhiều thiệt hại. Nhưng cơn bão năm ngoái cũng gây thiệt hại tồi tệ cho căn cứ hải quân, thế nên giờ ngay cả nông dân cũng cầu bão.”

Tôi sẽ sớm được biết những người cầu bão trở thành biểu tượng của phong trào phi quân sự hóa đảo Jeju ra sao. Với cuộc đấu tranh kéo dài hơn 8 năm chống lại việc xây dựng căn cứ hải quân tại vùng biển nguyên thủy của làng Gangjeong, các nhà hoạt động đồng hành cùng với một lực lượng đủ sức mạnh để ngăn chặn sự phá hủy đó. 

Dù cho 94% cử tri làng Gangjeong bỏ phiếu chống lại căn cứ quân sự, chính quyền Hàn Quốc không công nhận cuộc trưng cầu dân ý đó. Khi thảo luận về việc xây dựng một căn cứ hải quân trên đảo Jeju khởi công 12 năm trước đây, hải quân Hàn Quốc đầu tiên đã tiếp cận làng Hwansun, phía đông của Gangjeong. Nhưng khi tuân thủ mọi quy tắc và luật lệ để tổ chức một cuộc bầu chọn hợp pháp, kết quả chống lại dự án. Nhiều sự đóng góp thuộc về Haenyeo, những nữ thợ lặn của đảo Jeju. Những phụ nữ Haenyeo đã lặn nhiều thế kỷ ở vùng biển Đông Trung Hoa quanh đảo, thu gom cá nhỏ và sò. Buôn bán các sản vật của họ tiếp sức cho kinh tế của đảo Jeju. Jeju là đảo mẫu quyền, với Haenyeo là các lãnh đạo cộng đồng nhiệt huyết. Haenyeo là một lực lượng mạnh mẽ được ghi vào luật lệ trong sách của đảo Jeju rằng đàn ông bị cấm nhìn họ khi họ làm việc trên biển.

Thế nên khi Hải Quân Hàn Quốc tiếp cận làng Hwansun vào năm 2002, Haenyeo ngay lập tức thấy thật điên rồ nếu chấp nhận dự án. Điều đó làm ô nhiễm “cánh đồng biển” của họ, nơi họ “thu hoạch mùa màng” là bào ngư và tảo bẹ. Haenyeo thống nhất với những người khác trong làng để phủ quyết dự án của hải quân. Khi tiếp cận làng thứ hai vào năm 2005, Wimi, ở phía tây của Gangjeong, kết quả cũng tương tự: không căn cứ hải quân.

Sau đó hải quân đến Gangjeong, họ tiếp cận theo cách khác, phá vỡ quy định của tất cả các làng để thúc đẩy bằng một cuộc bỏ phiếu phi pháp. Thay vì tổ chức một diễn đàn cho toàn bộ làng, hải quân phỉnh phờ riêng rẽ một nhóm nhỏ các dân làng chủ chốt, trong đó có trưởng làng, chủ tịch Hiệp Hội Ngư Nghiệp Gangjeon, và những nữ thợ lăn Haenyeo có ảnh hưởng nhất. Những người này được cung cấp chuyến đi miễn phí đến Hawaii để thấy căn cứ của Hải Quân Hoa Kỳ đã bất ngờ gia tăng du lịch và tạo ra bùng nổ kinh tế. Thượng lưu Gangjeong được nghe rằng hải quân muốn biến đảo Jeju thành “Hawaii của Hàn Quốc”.

Trong thời gian đó hải quân đã gửi cho Hiệp Hội Ngư Nghiệp Gangjeong 7,8 triệu dollar để “bù đắp thiệt hại”, những Haenyeo được lựa chọn đã chia nhau khoản tiền đó. Tới lúc tổ chức bỏ phiếu, chỉ có 87 người dân tham gia, chiến thuật của chính quyền Hàn Quốc đã có hiệu quả, kết quả bỏ phiếu chấp nhận căn cứ. 1.800 người dân còn lại của làng Gangjeong hoàn toàn không biết gì về điều này cho tới khi bản tin tối thông báo rằng họ nhất trí ủng hộ căn cứ quân sự. Sau khi cú sốc qua đi, một cuộc bỏ phiếu toàn làng hợp pháp được tổ chức, trong đó 94% người dân chống lại căn cứ quân sự, Hải Quân Hàn Quốc đã chuyển giao dự án trị giá 1 tỷ dollar cho Samsung.

Lập luận phổ biến về ưu thế hải quân là căn cứ sẽ cung cấp an ninh sống còn cho Jeju. Nhưng lịch sử lại cho thấy điều khác. Bất cứ khi nào lực lượng quân sự chủ chốt hiện diện trên đảo, chúng dẫn đến chết chóc, di cư, và phá hủy dân cư địa phương. Còn sự thật nào hơn cuộc thảm sát diễn ra sau cuộc nổi dậy nhỏ của nông dân vào ngày 13 tháng 4 năm 1948 chống lại lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ? Ngay sau khi đánh bại lực lượng xâm lược Nhật Bản trên đảo Jeju, Hoa Kỳ khởi động một cuộc bầu cử trên đảo Jeju để chia Triều Tiên thành hai miền Nam và Bắc. Khi các địa phương phản đối một Triều Tiên bị phân chia, họ đã tổ chức một cuộc nổi dậy nhỏ chống lại cuộc bầu cử đó. Hoa Kỳ và chính quyền Hàn Quốc đã nhanh chóng gọi các cư dân đảo Jeju là cộng sản, điều này biện minh cho chiến dịch tàn phá sau đó của họ.

Dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ, chính quyền địa phương trên đảo Jeju tiến hành một cuộc tấn công tàn bạo khiến khoảng từ 30.000 đến 80.000 người chết. (Ước lượng khác nhau do xác chết được chôn trong các ngôi mộ tập thể khắp trên đảo.) Đại đa số người dân bị thảm sát trong thời kỳ 1945-1954 là thường dân trên đảo, không phải cộng sản. Dư chấn của sự kiện đó giải thích tại sao có nhiều hơn những người dân đảo không nổi dậy công khai giờ đây cũng chống lại việc xây dựng căn cứ quân sự. Đại đa số người dân đảo Jeju biết rằng căn cứ này được xây dựng không phải để bảo vệ họ mà là để leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Dĩ nhiên là căn cứ sẽ đảm bảo an ninh đường biển cho các tập đoàn nhiều tài nguyên của Hàn Quốc, trong đó Samsung.

Nhiều tổ chức tôn giáo trên đảo Jeju đã phản đối xây dựng căn cứ hải quân bằng cách tổ chức các buổi lễ trước cửa, chặn đường vào căn cứ của xe tải chở xi măng, thép và các vật liệu khác. Hàng ngày trong hơn 3 năm, các mục sư Thiên Chúa Giáo đã tổ chức đám đông trước cửa căn cứ, theo mệnh lệnh của giám mục đảo Jeju, giám mục Peter Kang U-Il. Tất cả các cuộc biểu tình của Thiên Chúa Giáo diễn ra dưới sự cầu nguyện của ông. Hàng ngày, trừ chủ nhật, các nhà hoạt động khác cúi mình 100 lần đối mặt với cánh cửa, cầu nguyện chấm dứt xây dựng, và thức tỉnh rằng tất cả cuộc sống là phụ thuộc lẫn nhau.

Căn cứ hải quân đã chặn hoàn toàn lối đi chung tới Đá Gureombi, nơi các buổi lễ tôn giáo được tổ chức hàng trăm năm nay. Đá Gureombi là nơi linh thiêng nhất trong làng và người dân Gangjeong tin rằng đá đang sống. Như nhà hoạt động, cựu phê bình điện ảnh, Yang Yoon Mo giải thích điều này: “Đó là nơi duy nhất trên đảo mà đá thân thiện với người dân.”

Yang Yoon Mo đấu tranh cho khu bảo tồn với thân thể của ông, bám vào dưới các xe tải xây dựng và nằm trên đường đi của chúng. Nhà cầm quyền Hàn Quốc đã bỏ tù ông 4 lần, vào năm 2010, 2011, 2012 và mới đây nhất là năm 2013 khi ông phải ngồi tù 18 tháng vì các hành động bất tuân dân sự. Trong ba lần ngồi tù ông đã thực hiện các cuộc tuyệt thực dài. Cuộc tuyệt thực dài nhất vào năm 2011 khi ông gần như đã chết sau cuộc tuyệt thực tổng cộng 74 ngày.

Người dân Gangjeong có nhận thức sâu sắc rằng cuộc sống trên trái đất không được cấu tạo từ các số phận cá biệt, mà tất cả chúng có liên hệ qua lại với nhau. Tình trạng của người này được ràng buộc chặt chẽ với tình trạng của người khác. 

Trong tuần thứ ba ở làng, tôi chứng kiến một mục sư già, Cha Mun, đứng lại sau khi kết thúc buổi lễ hàng ngày và tiếp tục một mình chặn cửa. Viên chức cảnh sát vẫn ra tín hiệu hướng dẫn giao thông cho xe tải đi vào cửa. Một chiếc xe tải kềnh càng với bánh xe cao đến vai tôi tăng tốc đến cửa và Cha Mun, phanh rít lên chỉ một đoạn ngắn trước khi đâm vào ông. Một lúc sau, tôi hỏi Cha Mun rằng ông có cảm thấy sợ khi đứng chặn đường xe tải không. Ông cho tôi thấy một nụ cười vui sướng và nói đơn giản, “không, tôi là Đá Gureombi. Bạn là Đá Gureombi. Nếu tôi để cho hải quân giết Đá Gureombi, họ cũng giết tôi. Họ cũng giết cả bạn.”

Những gì tôi có thể nói là ông ấy không định làm thơ hay diễn ngôn bi kịch. Ông ấy tin một cách chân thành rằng đá linh thiêng là một phần trong thân thể ông ấy, và ông ấy sẽ tiếp tục mạo hiểm cuộc sống để phản đối việc xây dựng trên hòn đảo và văn hóa của ông ấy.

Trong tuần thứ tư ở làng, Jung Sun-Nyeo, người phụ nữ dẫn đầu đoàn cúi mình 100 lần hàng ngày, báo tin cho tôi: “cơn bão đến vào ngày mai.” Bà ngừng lại, tìm kiếm từ tiếng Anh để giải thích thêm. Tôi đoán bà muốn tiếp tục với điều gì đó giống như, “sẽ không có các hoạt động trước cửa ngày mai, hãy ở nhà,” nhưng trái lại bà nói với một nụ cười phấn khởi, “chúng tôi sẽ chào đón cơn bão tối nay với đồ uống. Bạn được chào đón!”

Các nhà hoạt động của đảo Gangjeong hiểu rằng cuộc chiến đấu chống lại dự án căn cứ hải quân lớn nhất ở Đông Á không chỉ là bảo vệ đảo của họ khỏi bị nhấn vào các cuộc xung đột tương lai ở Thái Bình Dương. Như họ hát vào lúc kết thúc buổi lễ hàng ngày: “Gangjeong, bạn là ngôi làng nhỏ nhất/ nhưng hòa bình cho cả thế giới sẽ đến từ bạn.”

Khi chúng ta công nhận mọi nỗ lực chống lại việc xây dựng của họ, chúng ta cũng phải công nhận mọi nỗ lực có tính xây dựng để thúc đẩy hòa bình của họ. Bên cạnh sự nổi tiếng về gió, đá và phụ nữ, đảo Jeju cũng nổi tiếng về ba thứ không: không cánh cửa, không ăn xin, không trộm cắp. Cả ba thứ đó là biểu tượng của truyền thống và di sản cộng đồng của Jeju, nơi mọi người luôn chăm lo cho người khác. Cư dân đảo chia sẻ những gì họ có với người khác nên không có người ăn xin, không cần phải ăn trộm, và không cần cánh cửa. Nhà của họ luôn mở với bất cứ ai cần mái che, và do không có kẻ trộm nên cũng cũng chẳng cần ngăn chặn ai với cánh cửa.

Trong 6 tuần ở Gangjeong, tôi thực sự kinh ngạc về văn hóa hòa bình đang lớn mạnh trong 1.900 người dân làng. Nếu chúng ta cho phép căn cứ hải quân vượt qua làng Gangjeong, nó sẽ không chỉ là 1.900 cuộc sống di cư và một đá núi lửa trên đảo bị nghiền nát để mở đường cho chủ nghĩa quân phiệt Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Mọi người trên trái đất sẽ đánh mất hòn đảo nhỏ của hòa bình, chúng ta không thể để những gì Gangjeong đã dạy chúng ta bị phá hủy. Khi chúng ta cầu bão, hãy để chúng ta chìm trong những con sóng từ khắp nơi của thế giới cùng với nhận thức và hành động của chúng ta. Hãy để hòa bình sống ở Gangjeon và thế giới.

Bạn có thể xem thêm các thông tin về cuộc đấu tranh và các thức tham gia tại SaveJejuNow.org.

Mica Cloughley is the co-founder of Emergency Peace Teams (.org) and Empathy App (.org). She lives in Oakland, CA. Those interested in going to Jeju Island can contact her through the website emergencypeaceteams.org.

Friday, November 14, 2014

Nguyễn Khắc Mai xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản

Lần đầu tiên tôi được biết đến ông Nguyễn Khắc Mai là qua một bài viết có tên là "Minh Triết Các Mác hay những nghịch lý cộng sản". Than ôi, đó là một bài viết đầy những dối trá, bịa đặt và xuyên tạc tư tưởng của Marx. Ông Lữ Phương, một người nghiên cứu chủ nghĩa Marx khác đã phơi bày sự xuyên tạc của ông Nguyễn Khắc Mai trong bài "Minh triết thế này sao?".

Có lẽ ông Lữ Phương khi đó chưa biết là ông Nguyễn Khắc Mai dùng những điều bịa đặt và xuyên tạc tư tưởng của Marx để quảng bá cho cái Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Minh Triết của ông ấy.

Khái niệm minh triết của ông Nguyễn Khắc Mai là một thứ chủ nghĩa duy linh đội lốt khoa học, thế nên nó được học bằng thần hứng (trực cảm, tâm linh). Nói nôm na là người ta có thể sẽ gọi hồn ông Marx lên để học tư tưởng Marx cho nhanh. Đấy là nhổ vào mặt ông Marx chứ nghiên cứu cái gì.

Còn một điểm nữa là ông Nguyễn Khắc Mai bịa đặt hoàn toàn về từ "Kommunismus" [một từ tiếng Đức], nếu tra từ đó bằng tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp hay bất cứ thứ tiếng nào, với bất cứ từ điển nào thì kết quả đều là khái niệm về "chủ nghĩa cộng sản", nhấn mạnh đến yếu tố kinh tế. Khái niệm "chủ nghĩa cộng đồng" mà ông Nguyễn Khắc Mai cho là đúng thì trong tiếng Đức người ta dùng một từ khác để diễn đạt, đó là từ "Kommunalismus". Các ngôn ngữ khác cũng có từ tương tự, "chủ nghĩa cộng đồng" là một khái niệm đề cập đến văn hóa và chủng tộc.

Chả biết minh triết rồi sẽ đi đến đâu, nhưng "ngu" triết thì đã rất rõ ràng.

Tuesday, October 28, 2014

Đế quốc tán thưởng màn kịch bầu cử của chính phủ cực hữu ở Ukraina

Xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài viết "US, EU hail election staged by ultra-right regime in Ukraine" của tác giả Niles Williamson, cập nhật các thông tin mới về tình hình cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Tiêu đề do người dịch đặt.

Hoa Kỳ và Châu Âu tán thưởng màn kịch bầu cử của chính quyền cực hữu ở Ukraina

Vào thứ hai, Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu hoan nghênh các cuộc bầu cử nghị viện của Ukraina, được tổ chức vào chủ nhật, như là “thắng lợi” của dân chủ. Người phát ngôn cho chính quyền Washington và Châu Âu đã lảng tránh cuộc tấn công đẫm máu của chính quyền Kiev vào các thành phố và thị trấn thân Nga ở miền đông Ukraina cũng như không khí khiêu khích và sự đàn áp chống lại các phê phán chính quyền và đồng minh phát xí của họ ở phần còn lại của đất nước.

Số cử tri đi bỏ phiếu khoảng 52%, thấp hơn so với 58% vào năm 2012 và dưới 60% của cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Với 125 ghế, khối Petro Poroshenko, được dẫn dắt bởi Vitali Klitschko, lãnh đạo của đảng cánh hữu quốc gia UDAR và đương kim thị trưởng Kiev, sẽ tạo thành khối nghị sĩ lớn nhất trong Quốc Hội (Rada). Mặt Trận Nhân Dân của Đương kim thủ tướng Arseniy Yatsenyuk sẽ là khối lớn thứ hai với 82 ghế.

Ủy Ban Bầu Cử Trung Ương Ukraina không nỗ lực tổ chức bỏ phiếu tại các khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của người ly khai thân Nga hay Crimea, nơi được sáp nhập vào Nga hồi tháng ba. Do đó, 27 trong số 450 ghế tại Rada vẫn bỏ trống.

Khối Poroschenko, được đặt tên theo nhà tài phiệt tỷ phú và đang là tổng thống Ukraina, đã có cuộc thảo luận khởi đầu với Mặt Trận Nhân Dân về thành lập chính phủ liên hiệp. Nếu hai khối này đạt được thỏa thuận, họ vẫn phải duy trì hợp tác ít nhất với một đảng khác ở Rada để giành được đa số ở nghị viện.

Các cuộc bầu cử diễn ra 8 tháng sau cuộc đảo chính cánh hữu, được dẫn dắt bởi lực lượng phát xít của Right Sector và đảng Svoboda, dựa trên sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và Đức, lật đổ tổng thống được bầu cử dân chủ Victor Yanukovych. Washington và Berlin dàn xếp cuộc đảo chính sau khi Yanukovych quyết định từ chối ký vào Thỏa Thuận Gia Nhập với Liên Minh Châu Âu, ràng buộc với kế hoạch kinh tế của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế mà đặc trưng là các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc khổ và “cải cách” thân thiện với thị trường, thay vào đó lựa chọn hướng sang Nga.

Cuộc bầu cử nghị viện vào chủ nhật diễn ra giữa các cuộc tấn công tiếp diễn của quân đội chính phủ và đồng minh tân phát xít vào người ly khai thân nga ở miền đông, họ là những người phản đối cuộc đảo chính. Cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng của chính phủ đã khiến hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 3.700 người chết.

Trong một tuyên bố chung công bố vào thứ hai, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Herman Van Rompuy và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jose Manuel Barroso đã hoan nghênh kết quả của cuộc bầu cử như là “một thắng lợi của nhân dân Ukraina và của dân chủ”. Rompuy và Barroso kêu gọi chính phủ sắp tới tăng tốc “cách cải cách chính trị và kinh tế cấp thiết”.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraina Geoffrey Pyatt ca ngợi cuộc bầu cử là “một bước tiến khác trong hành trình dân chủ của Ukraina”. Đó là những từ ngữ thật đáng tởm của Pyatt. Đại sứ Hoa Kỳ đã đóng vài trò chủ chốt, cùng với trợ lý ngoại trưởng Victoria Nuland, trong việc giám sát cuộc đảo chính lật đổ Yanukovych và thiết lập chế độ tay sai hiện nay.

Hai tuần trước cuộc đảo chính ngày 22 tháng 3 lật đổ Yanukovych, một cuộc đối thoại bị lộ giữa hai người đó bàn về việc đưa các nhà lãnh đạo đối lập được Hoa Kỳ hậu thuẫn lên nắm quyền đã được tung lên mạng Internet. Sựa lựa chọn của họ, Arseniy Yatsenyuk, xuất hiện hai tuần sau đó trong vai trò người đứng đầu mới của chính phủ.

Tổng thống Obama công khai một tuyên bố rằng Hoa Kỳ “sẵn sàng ủng hộ sự lựa chọn của người dân Ukraina và chính phủ Ukraina mới trong việc ban hành và triển khai các cải tiến cần thiết để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của dân chủ, củng cố luật lệ, và tăng cường ổn định kinh tế và tăng trưởng ở Ukraina”.

Những tuyên bố của quan chức Hoa Kỳ và EU hoàn toàn đạo đức giả và thiếu trung thực. Một báo cáo được công bố vào tuần trước của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền ở New York đã cho thấy chính quyền Ukraina đã sử dụng các đầu đạn chùm bị cấm để tấn công thường dân ở miền đông. Cũng chính cái chính quyền bị tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền tuyên bố là tội phạm chiến tranh chống lại nhân dân của họ, đã được Washington và EU chào đón như là một hình mẫu của dân chủ.

Ukraina tiếp tục bị thống trị bởi các tài phiệt triệu và tỷ phú tha hóa, trong đó có Poroshenko. Chính phủ mới là sản phẩm của việc lật đổ chế độ do Washington và Berlin tạo ra với hai mục đích: thứ nhất, kích động một cuộc xung đột với Nga cũng như tạo cớ để gửi quân đội NATO và Hoa Kỳ tới Ukraina và Đông Âu, biến khu vực này thành bàn đạp cho các cuộc tấn công kinh tế, ngoại giao, và quân sự nhằm đưa Nga trở về tình trạng bán thuộc địa; và thứ hai, thiết lập một chính phủ sẽ đàn áp dã man giai cấp lao động Ukraina đồng thời xóa bỏ mọi hạn chế đối với sự bóc lột tài nguyên quốc gia của đế quốc.

Cuộc bầu cử vào chủ nhật là công cụ để cung cấp một lá bài dân chủ giả hiệu cho sự tăng tốc các chính sách phản động. Trong khi đó các lữ đoàn phát xít được chính quyền Kiev hậu thuẫn, như tiểu đoàn Azov, tiếp tục hoạt động ở khu vực Donbass, khủng bố và giết hại những người nói tiếng Nga đối đầu với chính quyền.

Phát biểu của Obama về việc ủng hộ “sự lựa chọn của nhân dân Ukraina” là cực kỳ ghê tởm. Poroshenko và băng đảng hoàn toàn dựa trên sự tài trợ của chính quyền Hoa Kỳ cũng như tuân theo những chỉ đạo của họ. Các điệp viên CIA cùng với Lực Lượng Đặc Nhiệm Hoa Kỳ đang ở Kiev chỉ đạo cuộc tấn công miền đông Ukraina. Lính đánh thuê của các hãng Academi Hoa Kỳ, trước đây được biết đến dưới tên Blackwater, đang có mặt trên chiến trường miền đông, can dự vào các tội ác chiến tranh ở đó.

Các đảng phái thân Nga đã bị loại khỏi Rada. Đảng Các Khu Vực của Tổng thống bị lật đổ Yanukovych đã hoàn toàn bị giải tán. Vitaly Zhuravsky, một cựu thành viên của Đảng Các Khu Vực, đã bị tấn công ngay bên ngoài Quốc Hội Ukraina và tháng 9 bởi một đám đông, họ ném ông ta vào thùng rác và đánh ông ta với lốp xe.

Các thành viên của Đảng Cộng Sản Ukraina (KPU) được đưa tin là bị tấn công và khiêu khích bởi các côn đồ bóng đá và những người mang mặt nạ mặc quân phục khi họ định cắm trại ở miền đông Ukraina. Poroshenko đã ban hành một đạo luật vào ngày 9 tháng 10 để trục xuất các thành viên của Đảng Các Khu Vực và KPU khỏi các vị trí trong bộ máy hành chính và dịch vụ công ích. Chính quyền Ukraina đang chuẩn bị chính thức đặt KPU ra ngoài vòng pháp luật.

Phản ứng có thể tiên lượng của Washington và EU đối với trò hề dân chủ một lần nữa nhấn mạnh bản chất lừa dối của các nước đế quốc trong việc theo đuổi dân chủ và nhân quyền ở Ukraina và các nước khác. Các chính quyền chuyên chế và áp bức là đồng minh của Hoa Kỳ, như Arabia và Ai Cập, nằm trong cái được gọi là “trại dân chủ”, trong khi các chính phủ có vẻ như gây trở ngại cho khát vọng đế quốc toàn cầu của Hoa Kỳ, như Iran và Nga, bị lên án vi phạm dân chủ và nhân quyền.

Sunday, September 21, 2014

Dân chủ và chuyên chế

Dân chủ là chân lý vĩnh cửu của nhân loại, đó là câu người ta thường được nghe thấy từ những người tự xưng là đấu tranh cho dân chủ. Tất nhiên dân chủ ở đây được hiểu là làm chủ quyền lực nhà nước, tức là mọi quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân, không có giai cấp phe phái gì hết.

Như vậy muốn hiểu được dân chủ là gì thì trước hết phải hiểu được bản chất của quyền lực nhà nước. Nhân dân là một khái niệm trừu tượng chung chung, từ không thể mọc ra các thiết chế như nhà nước được. Những người tự xưng là dân chủ thường lập luận rằng nhà nước sinh ra để bảo vệ lợi ích chung của nhân dân, nhưng trong tập hợp được gọi là nhân dân đó lại tồn tại những mâu thuẫn về lợi ích không thể dung hợp với nhau. Lợi ích của chủ nô không thể dung hòa với lợi ích của nô lệ, lợi ích của lãnh chúa phong kiến không thể dung hòa với lợi ích của nông dân, lợi ích của nhà tư bản không thể không mâu thuẫn với lợi ích của người công nhân làm thuê. Mỗi bộ phận dân cư có lợi ích chung đó hợp thành một giai cấp, và giai cấp này đối lập với giai cấp kia về lợi ích. Chính các nhà triết học tư sản, từ trước Marx rất lâu đã chứng minh rằng mọi xung đột cũng như tiến bộ của xã hội là xoay quanh đấu tranh giai cấp. 

Khi lợi ích của các giai cấp không thể dung hợp với nhau thì tất yếu phải sinh ra một bộ máy đứng trên các giai cấp để thiết lập trật tự, để các giai cấp không xung đột tới mức tiêu diệt luôn cái xã hội ấy. Các nhà triết học tư sản luôn lập luận rằng xung đột giữa các giai cấp là có thể điều hòa được và nhà nước chính là thiết chế để điều hòa cái xung đột ấy, do vậy nó đứng trên mọi giai cấp cũng như cá nhân, nó chỉ phục vụ cho lợi ích chung cả xã hội. Song nếu xung đột giữa các giai cấp có thể điều hòa được thì lại không cần đến nhà nước, bởi vì khi đó chỉ cần các thỏa thuận đơn giản, các thiết chế dân sự và sự tự giác là đủ để xóa bỏ mọi xung đột về lợi ích. Bộ máy đàn áp như quân đội, cảnh sát, nhà tù, tòa án là hoàn toàn không cần thiết và bộ máy hành chính quan liêu ăn lương lại càng thừa. Điểm khác biệt mà Marx đã vạch ra giữa ông và các nhà triết học tư sản trước ông là xung đột giai cấp không thể điều hòa. Đấu tranh giữa các giai cấp tất yếu dẫn đến sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác, nhà nước là công cụ để duy trì cái trật tự thống trị ấy, tức là quyền lực nhà nước luôn nằm trong tay giai cấp thống trị.

Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân do vậy là một câu nói chỉ mang tính khẩu hiệu. Quyền lực nhà nước luôn thuộc về giai cấp thống trị, dân chủ có nghĩa là dân chủ đối với giai cấp thống trị còn giai cấp bị trị không bao giờ có cơ hội nắm được quyền lực ấy trừ khi họ lật đổ trật tự xã hội và thay thế nó bằng một cái khác. Giai cấp chủ nô có khi nào trao quyền lực nhà nước vào tay những người nô lệ? Các lãnh chúa phong kiến có khi nào đặt vương miện lên đầu người nông dân? Nhà tư bản có khi nào để cho người công nhân điều hành xã hội? Không bao giờ có chuyện đó cả. Nếu mâu thuẫn giai cấp thực sự có thể điều hòa thì giai cấp tư sản đã không đưa giai cấp quý tộc phong kiến lên giá treo cổ.

Theo thăng trầm của lịch sử, có những giai đoạn mà nội bộ giai cấp thống trị bị xáo trộn mạnh mẽ khiến họ bị suy yếu, hoặc khi giai cấp bị trị có được sức mạnh nhất định để phản kháng. Khi đó quyền lực nhà nước buộc phải tập trung lại trong tay một nhóm rất nhỏ để đảm bảo trật tự xã hội ấy, bằng bất cứ giá nào, cho dù có phải sử dụng đến các thủ đoạn bạo lực đẫm máu nhất. Đấy chính là các giai đoạn độc tài trong xã hội tư sản. Sức mạnh ấy không những đe dọa xã hội mà còn đe dọa chính những thành viên của giai cấp thống trị nữa, nhưng điều đó là cần thiết để tiếp tục duy trì sự thống trị. Chính vì vậy một mặt giai cấp tư sản tỏ ra thù ghét các chế độ độc tài, nhưng mặt khác lại không cảm thấy có vấn đề về lương tâm hay đạo đức gì khi áp dụng chúng vào lúc cần thiết. Trên hết cho dù là áp dụng chế độ chính trị dân chủ hay độc tài thì giai cấp tư sản luôn áp đặt một chế độ chuyên chế vĩnh viễn đối với giai cấp vô sản. Nếu như dân chủ là chân lý vĩnh viễn của nhân loại, thì cần phải hiểu nhân loại ở đây chỉ bao gồm giai cấp tư sản, cũng như dưới chế độ chiếm hữu nô lệ thì chỉ có chủ nô được coi là người mà thôi.

Các đại biểu của phong trào dân chủ ở Việt Nam phần lớn là xuất thân từ tầng lớp tinh hoa trong xã hội, nhiều người trong số họ vốn từng là những người có địa vị chính trị nhất định trong bộ máy nhà nước. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì dường như sau khi bị hất ra khỏi hệ thống chính trị đương thời, họ trở nên bất mãn và quay ra chống đối nhà nước. Song nếu nhìn sâu hơn vào sự biến đổi kinh tế trong bản thân các giai cấp thì bí mật ấy sẽ hiện ra một cách rõ ràng. Nền kinh tế Việt Nam sau khi mở cửa vào năm 1992 của thế kỷ trước là một nền sản xuất hàng hóa nhỏ, các thị trường địa phương còn tương đối phân tán, liên hệ với nhau một cách lỏng lẻo. Trong tình hình đó giai cấp tư sản cũng phát triển hết sức phân tán theo các thị trường địa phương, chủ yếu là tư sản nhỏ, lợi nhuận kiếm được nhờ vào các đặc quyền đặc lợi mang tính địa phương hay cục bộ. Sau nhiều năm phát triển, tầng lớp tư sản lớn hình thành, tích lũy và tập trung tư bản với quy mô lớn đã giúp cho tầng lớp tư sản lớn hình thành, có được sức cạnh tranh mạnh mẽ đồng thời sự phân tán của các thị trường địa phương cũng đã bị phá vỡ. Tầng lớp tư bản nhỏ dần dần mất hết cơ sở về kinh tế, rơi vào tình trạng bi đát bấp bênh, bất cứ lúc nào cũng có thể bị phá sản và rơi xuống địa vị của giai cấp vô sản. Các đại biểu của phong trào dân chủ vốn đại diện cho lợi ích của tầng lớp tư bản nhỏ. Bề ngoài thì họ bị loại khỏi quyền lực nhà nước vì mang lý tưởng chính trị khác biệt, nhưng thực tế là do tầng lớp mà họ đại diện đã mất hết sức mạnh về mặt kinh tế nên những sách lược chính trị của họ nhằm phục vụ cho lợi ích của tầng lớp ấy không thể nào áp dụng được cho tình hình hiện tại nữa, tức là họ bị phá sản về mặt chính trị.

Sự phá sản về mặt chính trị của tầng lớp tư sản nhỏ tất yếu đẩy họ tới việc tìm cách liên minh với những người tiểu tư sản thành thị và nông dân. Chính vì vậy từ những năm 2007 trở lại đây người ta thấy những đại biểu của tầng lớp tư sản nhỏ đã tích cực liên kết với những người dân chủ cũ, vốn đại diện cho tầng lớp tiểu tư sản thành thị và nông dân. Những ông giáo sư, chuyên gia cố vấn xưa kia từng là người đàn áp phong trào dân chủ tích cực nhất thì nay lại cố gắng lôi kéo các nạn nhân của mình vào dòng người biểu tình chống Tàu và tiện thể kiến nghị dân chủ. Nhưng sự liên kết ấy hết sức lỏng lẻo, bởi vì điều kiện kinh tế của các giai cấp ấy hết sức khác nhau, nên một mặt họ cố sức liên kết với nhau những mặt khác lại luôn tìm cách triệt hạ lẫn nhau để giành quyền lực chính trị. Tất cả những tấn bi hài kịch, mà phần lớn là hài kịch của phong trào dân chủ sinh ra từ đó.

Khi cơ sở kinh tế của tầng lớp tư sản nhỏ đã bị phá vỡ thì tất yếu địa vị chính trị của họ cũng bị mất đi. Các đại biểu của tầng lớp tư sản nhỏ hiểu rất rõ điều này. Họ không có cách nào nắm được quyền lực nhà nước nữa, cho dù có may mắn nắm được thì họ cũng không có cách nào bảo vệ được nó, thế nên tất cả mưu toan của họ là dàn xếp và mua lấy sự bảo trợ chính trị của giai cấp thống trị hoặc thậm chí cả các thế lực ngoại quốc. Tất cả mục tiêu chính trị mà họ có chỉ là hy vọng về một tầng lớp đối lập hợp pháp. Không có gì lạ lùng khi họ luôn phê phán chính quyền nhưng lại sẵn sàng khúm núm kiến nghị đủ thứ, không có gì ngạc nhiên khi họ kêu gào bảo vệ chủ quyền đất nước hay lãnh thổ quốc gia bằng cách bán chính quyền cho đế quốc nước ngoài, không có gì khó hiểu khi họ viện đến cả những thế lực phản động nhất miễn là điều đó đem lại cho họ một chút ít ỏi tiếng nói chính trị.

Chân lý vĩnh cửu của nhân loại cuối cùng chỉ cho thấy sự phá sản của tầng lớp tư sản nhỏ cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Chân lý vĩnh cửu của nhân loại cuối cùng tiết lộ cái chân lý vĩnh cửu của giai cấp tư sản rằng mọi thứ đều có thể mua bán được. Chân lý vĩnh cửu của nhân loại cuối cùng chỉ là một khẩu hiệu bịp bợm nhằm cố cứu vãn những gì không thể cứu vãn được.

Wednesday, September 3, 2014

Bất đồng chính kiến

Cán bộ tuyên giáo nói: Chúng ta đều biết là 2+2=4!

Ngay lập tức một nhà dân chủ gào lên: Nói dối, mị dân, lừa gạt, 2+2=5!

Thế là nhà dân chủ phải đi trại phục hồi nhân phẩm 3 năm.

Ba năm sau, cán bộ tuyên giáo lại nói: Chúng ta đều biết là 2+2=4!

Nhà dân chủ lại gào lên: Nói dối, mị dân, lừa gạt, 2+2=5!

Thế là nhà dân chủ phải đi trại phục hồi nhân phẩm 3 năm nữa.

Ba năm sau, cán bộ tuyên giáo nói: Chúng ta đều biết 2+2=4!

Nhà dân chủ tiếp tục gào lên: Nói dối, mị dân, lừa gạt, 2+2=5!

Cán bộ tuyên giáo ôn tồn: Thôi được, anh hãy chứng minh điều đó đi!

Nhà dân chủ nói: Đó là điều hiển nhiên, chân lý vĩnh cửu không cần phải chứng minh!

Cán bộ tuyên giáo nói: Thôi được, tôi cũng không muốn anh phải đi trại phục hồi nhân phẩm nữa, vậy thì 2+2=5.

Nhà dân chủ lập tức hét lên: Nói dối, mị dân, lừa gạt, 2+2=4!

Cán bộ tuyên giáo ngạc nhiên: Sao lúc nào anh cũng nói ngược lại tôi, bất chấp sự thật vậy?

Nhà dân chủ trả lời: Nếu đồng ý với anh thì sao có thể là bất đồng chính kiến được nữa chứ?

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí.)