Saturday, November 2, 2019

Sức lao động và lao động

Kéo dài thời gian làm thêm đang là vấn đề thời sự nóng bỏng ở Việt Nam. Về bản chất, việc kéo dài thời gian làm thêm chỉ là kéo dài thời gian lao động của công nhân.

Bản chất vấn đề

Người ta không sẽ không thể hiểu rõ được vấn đề này nếu không trả lời câu hỏi: Nhà tư bản mua cái gì của công nhân, lao động hay sức lao động?

Chủ doanh nghiệp thì luôn khẳng định rằng: Họ mua lao động của công nhân. Công nhân làm bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Không ai bóc lột ai cả. Sở dĩ phải kéo dài thời gian làm việc là bởi vì công nhân năng suất thấp, muốn làm nhiều giờ hơn để có thu nhập cao hơn. Lợi nhuận của tư bản là do tư bản sinh ra vậy nên nếu muốn họ có thể dùng máy móc thay thế hoàn toàn công nhân mà vẫn có lợi nhuận.

Công nhân thì trả lời rằng: Họ bán sức lao động, không bán lao động. Lao động là sự kết hợp giữa sức lao động và tư liệu sản xuất mà tư liệu sản xuất nằm trong tay giới chủ. Nếu không bán sức lao động cho giới chủ thì sức lao động của công nhân không có cách nào kết hợp được với tư liệu sản xuất. Nhưng cũng từ đó thì nảy sinh vấn đề, giá trị của sức lao động và giá trị do lao động tạo ra là hai thứ khác nhau. Nhà tư bản có được lợi nhuận là từ việc bóc lột lao động làm thuê. Việc kéo dài thời gian lao động là để gia tăng lợi nhuận cho tư bản chứ không phải làm tăng thu nhập cho công nhân.

Một ví dụ đơn giản cho vấn đề này:  Người công nhân cần 100 đồng mỗi ngày để nuôi sống bản thân, nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi ngày anh ta chỉ làm ra 100 đồng. Nếu nhà tư bản thuê anh ta 100 đồng và anh ta chỉ làm ra đúng 100 đồng thì lợi nhuận ở đâu ra? Nên điều đó có nghĩa là công nhân phải làm ra 200 đồng hoặc nhiều hơn nữa, một phần để bù đắp lại sức lao động của anh ta, một phần trở thành lợi nhuận của nhà tư bản.

Điều này sẽ tiết lộ cái bí mật mà nhà tư bản che giấu. Ngày lao động của công nhân được chia làm hai phần, một phần bù đắp lại sức lao động đã bỏ ra của anh ta và một phần tạo ra lợi nhuận cho nhà tư bản. Cái mà nhà tư bản muốn không phải là lao động của công nhân mà là lợi nhuận nên họ phải tìm cách kéo dài mãi cái phần lao động không công kia ra.

Vào buổi bình minh của chế độ tư bản, chủ doanh nghiệp tăng lợi nhuận bằng cách kéo dài một cách điên cuồng ngày lao động của công nhân. Ví dụ, một ngày lao động có 8 giờ thì người công nhân chỉ cần làm 2h là đủ bù đắp tiền công, còn lại 6 giờ là làm không công tạo ra lợi nhuận. Chủ doanh nghiệp muốn có thêm lợi nhuận thì họ kéo dài ngày lao động thành 10 tiếng, 12 tiếng hay 14 tiếng. Nhưng việc bóc lột công nhân bằng cách kéo dài thời gian lao động không thể duy trì mãi, nó vấp phải giới hạn sinh học của con người, nên sau đó giới chủ doanh nghiệp phải nghĩ ra cách khác, đấy là vẫn trong giới hạn 8 tiếng một ngày thì đẩy cái thời gian lao động cần thiết để bù đắp lại tiền công thấp xuống, từ 2 tiếng xuống còn 1 tiếng, thậm chí 30 phút, điều này được thực hiện nhờ việc sử dụng máy móc và áp dụng công nghệ tự động hóa trên quy mô lớn. Điều này có nghĩa là việc sử dụng máy móc một mặt giảm số lượng công nhân được thuê xuống nhưng lại bắt số công nhân được thuê phải làm việc nhiều hơn với cường độ cao hơn. Tuy vậy, việc giới hạn giờ lao động trên thực tế không ở đâu và không bao giờ do giai cấp tư sản tự nguyện áp dụng, bất chấp mọi lợi ích, mà chỉ được áp dụng một cách phổ biến dưới sự đấu tranh dữ dội của công nhân. Vậy nên có thể nói rằng chính sự đấu tranh của công nhân mới thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của chủ nghĩa tư bản.

Quay lại ví dụ ở trên, nếu mỗi công nhân làm ngày 8 tiếng và nhận được 100 đồng thì tiền lương theo giờ của họ là 12.5 đồng. Giờ lao động được tăng lên 10 tiếng mỗi ngày thì tiền lương theo giờ của công nhân sẽ chỉ còn 10 đồng. Sở dĩ có điều này là vì tiền lương trả cho sức lao động chứ không phải lao động, giá trị của sức lao động là cố định và được tạo ra trước khi ném vào quá trình sản xuất. Theo quy luật kinh tế thị trường, nhà tư bản mua sức lao động đúng với giá trị của nó chứ không mua cao hơn hay thấp hơn cái giá trị đó. Cái lập luận công nhân có năng suất lao động thấp nên cần làm thêm để cải thiện thu nhập của giới chủ thực ra là chỉ để cải thiện cái túi tiền của chính họ mà thôi. Việc giảm tiền lương theo giờ (hoặc theo sản phẩm) của công nhân xuống có ý nghĩa rất quan trọng đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, họ có sẽ có được lợi nhuận cao hơn và cạnh tranh được với các doanh nghiệp sử dụng tự động hóa. Ngược lại đối với công nhân có nghĩa là họ phải làm việc nhiều hơn, mất đi nhiều thời gian của bản thân để kiếm sống.

Lập luận của giới chủ cho rằng cần kéo dài giờ làm giúp giới chủ tích lũy tư bản để ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa sản xuất là hoàn toàn vô nghĩa. Chừng nào họ còn kéo dài được thời gian lao động của công nhân thì không có lý do gì họ phải đưa máy móc vào thay thế công nhân cả, ngay cả khi họ đủ điều kiện để làm việc đó. Ngược lại họ chỉ làm điều đó khi đối mặt với việc giờ lao động của công nhân bị giới hạn một cách cưỡng bức. Ngay cả các nhà kinh tế học tư sản, những nô lệ trung thành nhất của chủ doanh nghiệp, cũng thừa nhận điều này trong cái phân tích hoa mỹ về đánh đổi giữa công nhân và máy móc khi tiền lương thay đổi.

Sự tha hóa của người lao động

Khi công nhân bán sức lao động cho nhà tư bản thì sức lao động của họ trở thành một vật thuộc sở hữu của nhà tư bản. Nhà tư bản sở hữu những thứ mà tư bản mua được. Họ đem chúng kết hợp lại trong quá trình sản xuất mà họ là chủ sở hữu, là chỉ huy tối cao. Vậy nên trong quá trình sản xuất thì công nhân phải từ bỏ lý tính của mình, họ không còn được tư duy nữa, họ chỉ là một cái máy như mọi cái máy khác, hoạt động theo mệnh lệnh của nhà tư bản. Trong quá trình sản xuất thì chỉ có nhà tư bản là con người, là kẻ có tư duy và ra mọi quyết định đối với những thứ thuộc sở hữu của mình. Vậy nên một mặt công nhân với tư cách là con người phải có lý tính, mặt khác họ phải trở thành vật vô tri trong quá trình sản xuất. Do vậy, lý tính của công nhân khi xuất hiện bao giờ cũng thể hiện ra là sự chống lại cái quá trình biến họ thành vật vô tri. Dưới con mắt của nhà tư bản, chỉ huy tối cao của quá trình sản xuất, thì đó là sự ngu dốt, sự nổi loạn, một tội ác không thể tha thứ. Vấn đề này chỉ có thể hiểu được nếu xuất phát từ thực tế là công nhân bán sức lao động, còn nếu giả định là công nhân bán lao động, tức là họ còn tư duy và làm chủ quá trình lao động, thì không bao giờ có thể hiểu được điều này.

Sự ngu dốt của công nhân trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là sản phẩm của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, không thể nào xóa bỏ nó chừng nào không xóa bỏ cái quan hệ sản xuất ấy. Mọi lập luận cho rằng công nhân cần phải học tập nhà tư bản để xóa bỏ quan hệ lao động làm thuê đều dựa trên giả định công nhân bán lao động, tức là lập luận của giới chủ, và do đó phục vụ cho giới chủ doanh nghiệp.


Kết luận


Các lập luận của giới chủ đòi tăng giờ làm thêm của công nhân, một cách nói mỹ miều cho việc kéo dài thời gian lao động, trái với những tô vẽ của họ, đều chỉ nhằm mục đích giảm tiền lương theo giờ hoặc theo sản phẩm của công nhân, để gia tăng lợi nhuận. Mặt khác quá trình này cũng chống lại việc hiện đại hóa và áp dụng máy móc vào sản xuất, bởi vì việc hiện đại hóa bao giờ cũng phải bắt đầu bằng việc hạn chế số giờ lao động hàng ngày của công nhân.

Đối với công nhân việc kéo dài thời gian lao động có nghĩa là kéo lùi mọi tiến bộ xã hội. Họ phải làm việc nhiều giờ hơn để kiếm sống, có nghĩa là ít thời gian hơn để chăm sóc cho bản thân và gia đình. Họ sẽ không có thời gian để học hành, tức là không thể tiến bộ được. Họ sẽ không chăm sóc được cho gia đình, có nghĩa là những cặp đôi chung sống tạm bợ với nhau sẽ tăng lên, gây ra những hậu quả nặng nề về mặt xã hội. Họ sẽ không có thời gian chăm sóc con cái, điều này có nghĩa là họ sẽ không sinh đẻ nữa hoặc con cái của họ sẽ được gửi vào các nhà ngục trẻ em đang mọc lên như nấm quanh các khu công nhân. Sự giàu có của chủ nghĩa tư bản gắn liền với sự bần cùng của giai cấp vô sản, hay nói cách khác sự bần cùng của giai cấp vô sản là cái nguồn tạo ra của cải cho chủ nghĩa tư bản. Đây mới là điều cần phải chấm dứt.

2 comments:

  1. Chuẩn quá anh ạ. Người ta luôn giả định rằng lương sẽ được trả theo giờ nên cứ tăng giờ làm (hoặc làm thêm) thì lương sẽ tăng. Khổ nỗi là lương lại được xác định theo tháng, dựa trên giờ làm việc tiêu chuẩn. Nhưng nếu doanh nghiệp thực hiện đổi ca, như kiểu 3 ca 4 giờ gồm 2 ca chính và 1 ca phụ thành 2 ca chính mỗi ca 5 giờ và 1 ca phụ 2 giờ thì tiền lương vẫn bị ép y như cũ. Hồi ở Việt Nam bị dính một lần mà vẫn cay tới giờ anh ạ. Còn ở chỗ em đang ở thì chúng nó ép làm lại hợp đồng với tiền lương theo giờ thấp hơn, thằng nào ko nghe thì đuổi bớt tuyển mới :v.

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete