Saturday, July 13, 2019

Bàn về khái niệm dân chủ

Dân chủ là mốt thời thượng của phương Tây, mọi tội vạ đều được đổ cho thiếu dân chủ, mọi sự thần kỳ đều là do có dân chủ. Người Mỹ vẫn ném dân chủ bằng B-52 xuống đầu các dân tộc thấp cổ bé họng và tự hào về điều đó. Đám phát xít mới cũng hò hét tự xưng dân chủ. Vài người Việt Nam loạn trí còn ca ngợi món dân chủ chở bằng máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ và coi đó là ngọn cờ thời đại. Ấy thế mà khi người Việt Nam chân chính nói về sự dân chủ của quốc gia mình thì người ta ngay lập tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ, bịt miệng, tất nhiên là nhân danh dân chủ.

Khái niệm dân chủ cần phải được thay đổi cách tiếp cận, nhằm làm rõ nội hàm của nó, để đập tan những sự lạm dụng của các phe cánh phản dân chủ.

Sơ lược về các xã hội tiền tư bản

Trong các xã hội tiền tư bản thì lực lượng dân cư đông đảo nhất là nông dân, hầu hết là nông dân nhỏ, bị gắn chặt vào ruộng đất, cho dù lãnh chúa có sở hữu đất đai hay không thì nông dân vẫn là người chiếm hữu đất đai và canh tác từ đời này qua đời khác theo tập quán. Điều này có nghĩa là lãnh chúa hay nhà nước chỉ có thể chiếm hữu được lao động thặng dư của nông dân dựa trên sự cưỡng bức, nhờ vào sự thống trị về tư pháp, chính trị và quân sự, điều này có nghĩa là sở hữu của lãnh chúa hay nhà nước không tách rời khỏi địa vị chính trị và quân sự. Hình thức căn bản của sự bóc lột ấy là địa tô và thuế khóa, bao gồm thuế hiện vật và các loại lao dịch cũng như nghĩa vụ cống nạp. 

Song trong các xã hội tiền tư bản, nông dân cũng có tổ chức chính trị của mình, đó chính là các cộng đồng làng. Nhờ vào việc củng cố sức mạnh chính trị của cộng đồng làng, nông dân có thể tự bổ nhiệm các chức sắc làng thay cho viên chức của lãnh chúa hay nhà nước, tự thiết lập các quy định của làng, thông qua đó họ hạn chế được sự bóc lột. Tuy vậy, cho dù cộng đồng làng có mạnh đến đâu thì cũng không thể giúp cho nông dân tự do. Nhà nước là lãnh địa độc quyền của các lãnh chúa, cộng đồng làng không bao giờ có thể tham gia vào bộ máy nhà nước, hay nói cách khác, nông dân không có quyền công dân.

Nền dân chủ Athen

Nền dân chủ Athen là một ngoại lệ của thời tiền tư bản. Sau cuộc cải cách của Cleisthenes, các làng trở thành đơn vị của nhà nước và nông dân trở thành công dân. Từ deme trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là làng và democracy có nghĩa là quyền lực thuộc về làng, không phải là quyền lực thuộc về nhân dân như bị xuyên tạc ngày nay. Sự kết hợp làng vào nhà nước và biến nông dân thành công dân của Athen đã mang lại hai đặc trưng độc đáo cho công dân Athen. Thứ nhất là mọi nông dân-công dân tự do đều trực tiếp tham gia vào công việc nhà nước, bất kể địa vị kinh tế ra sao. Thứ hai, do nông dân, cũng như những người sản xuất nhỏ khác, có quyền lực chính trị nên họ sử dụng quyền đó hạn chế các biện pháp bóc lột của nhà nước cũng như quý tộc đối với nông dân, tức là hạn chế các loại thuế khóa và lao dịch. Người Athen nghèo khổ nhất cũng được coi là tự do, không phải là kẻ tôi tớ của bất kỳ người trần mắt thịt nào, họ không phải nai lưng ra làm giàu cho bất cứ quý tộc hay nhà nước nào, họ chỉ lao động cho bản thân mình.

Tuy vậy, nền dân chủ Athen luôn là ngoại lệ của lịch sử, không lặp lại ở bất cứ đâu. Hơn nữa, nền dân chủ của Athen khi trao quyền công dân cho nông dân thì cũng loại bỏ quyền công dân của đại đa số cư dân Athen, đó là phụ nữ, người ngoại quốc, nô lệ. Về bản chất dân chủ Athen có nghĩa là trao quyền công dân toàn diện cho nông dân đồng thời giới hạn phạm vi những người được trao quyền. Sở dĩ có điều này vì xã hội Athen thoát ra từ xã hội nguyên thủy, khi mà nông dân còn tương đối tự do và độc lập về kinh tế trong khi giới quý tộc thì chưa đủ mạnh để tạo ra nhà nước độc lập với nông dân, do vậy họ buộc phải liên minh với nông dân, chấp nhận sự tự do của nông dân để tạo ra một nhà nước đủ mạnh nhằm duy trì trật tự xã hội có lợi cho giới quý tộc. 

Chủ nghĩa tự do trong xã hội phong kiến Châu Âu

Khác với nông dân Athen, nông dân Châu Âu thời Trung Cổ bị gắn chặt vào đất đai và đối tượng gánh chịu các bóc lột phi kinh tế, họ hoàn toàn bị loại khỏi bộ máy nhà nước. Xã hội Trung Cổ Châu Âu có đặc trưng là quyền lực phân tán, tức là có nhiều lãnh địa nhỏ, mỗi lãnh địa có một lãnh chúa nắm toàn bộ các quyền lực tư pháp, chính trị và quân sự, nông dân trong lãnh địa bất kể là tự do hay không tự do đều lệ thuộc vào lãnh chúa. Bên trên các lãnh chúa có triều đình và nhà vua, nhưng thường là nhà vua cũng có lãnh địa riêng và bị hạn chế can thiệp vào lãnh địa riêng của các lãnh chúa.

Các cộng đồng làng của nông dân vẫn tồn tại, có thể giúp nông dân phần nào hạn chế sự bóc lột của lãnh chúa và triều đình, thậm chí còn có thể đóng vai trò như là công cụ để kiểm soát quyền lực của lãnh chúa, nhưng vấn đề chủ chốt ở đây là nông dân bị loại khỏi nhà nước. Quyết định về các vấn đề chính trị, quân sự, luật pháp, thuế khóa, đều thuộc về lãnh chúa và là công việc của riêng họ với triều đình. Do vậy trong xã hội phong kiến Châu Âu thì khái niệm dân chủ kiểu Athen, hay trao quyền công dân cho nông dân, hoàn toàn là xa lạ. Xã hội phong kiến Châu Âu không có dân chủ. Khái niệm dân chủ của thời Athen đã chấm dứt cùng với xã hội Athen và nó hoàn toàn không còn dấu vết nào trong xã hội phong kiến Châu Âu.

Các lãnh chúa Châu Âu phải đối mặt với một vấn đề hoàn toàn khác với quý tộc Athen. Sự phát triển của chế độ phong kiến dần dần khiến cho triều đình trở nên mạnh hơn, với tư cách là trung tâm quyền lực chính trị và đòi hỏi nhiều hơn sản phẩm thặng dư của toàn thể xã hội. Triều đình với tư cách là chính quyền trung ương dần trở lên độc lập, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cách lãnh chúa và bắt đầu  can thiệp trở lại các lãnh địa, tức là xâm phạm vào quyền lực phong kiến của các lãnh chúa. Đây là lúc khái niệm chủ nghĩa tự do (liberalism) ra đời, lãnh chúa khẳng định về những đặc quyền cá nhân mà nhà nước không được xâm phạm, đồng thời vời điều đó là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và giới hạn quyền lực của bộ máy nhà nước. Chủ nghĩa tự do là một sản phẩm của giai đoạn cuối thời Trung Cổ, khi mà chế độ phong kiến tản quyền đã bắt đầu suy yếu và giới quý tộc đã đánh mất dần các chức năng quân sự, chính trị và tư pháp, chỉ còn bám vào địa vị quý tộc với những đặc quyền được nhà nước bảo vệ. Chủ nghĩa tự do của thời Trung Cổ khác biệt hoàn toàn với cơ chế dân chủ Athen ở chỗ, nếu như cơ chế dân chủ Athen bảo vệ sự tự do của những nông dân sống bằng lao động của bản thân thì chủ nghĩa tự do trung cổ, bắt nguồn từ lordship, lại bảo vệ tự do của những kẻ sống bằng lao động của người khác.

Nước Anh là hình mẫu cổ điển của chủ nghĩa tự do, khi lãnh chúa bị tư sản hóa, tách khỏi các nghĩa vụ phong kiến về quân sự và pháp lý, tồn tại dựa vào quyền sở hữu đất đai thuần túy kiểu tư bản. Họ tạo thành cơ chế quyền lực nhà nước dựa trên nghị viện kết hợp với nhà vua. Điều này hoàn toàn không mang ý nghĩa dân chủ hay trao quyền cho nông dân. Nghị viện Anh chỉ do giới quý tộc bầu ra và đại diện cho dân chúng ngay cả khi dân chúng không có quyền bầu cử. Chủ nghĩa tự do Anh gắn liền với sự nổi loạn không ngừng của nhà vua.

Khái niệm chủ nghĩa tự do hoàn toàn không có liên hệ gì với dân chủ, nó thể hiện vị thế đặc quyền trong xã hội phong kiến và do vậy nó là một thứ thay thế cho dân chủ trong xã hội phong kiến Châu Âu. Nó không bảo vệ những người bị bóc lột và ngược lại bảo vệ đặc quyền của những kẻ bóc lột. 

Dân chủ trong xã hội tư bản

Điểm mấu chốt trong xã hội tư bản là người lao động bị tách khỏi tư liệu sản xuất, buộc phải bán sức lao động cho nhà tư bản để kiếm sống. Do vậy, người lao động phải hoàn toàn tự do, không chỉ tự do về thân thể, mà cũng không còn mối liên hệ với cộng đồng giúp họ tồn tại, giống như trong các xã hội tiền tư bản. Đồng thời với điều đó, nhà tư bản cũng được giải thoát khỏi các chức năng chính trị, họ chỉ chịu sự chi phối của quy luật thị trường khi mua bán tài sản. Điều này có nghĩa là sở hữu của nhà tư bản được tách khỏi các ràng buộc về quân sự, luật pháp và chính trị.

Con người trong xã hội tư bản xuất hiện với tư cách là một cá nhân độc lập chứ không phải là thành viên của một cộng đồng như trong các xã hội tiền tư bản. Do vậy, trong xã hội tư bản thì quyền công dân được trao cho các cá nhân, không giới hạn phạm vi, bởi vì giờ đây mọi cá nhân đều bình đẳng một cách trừu tượng với nhau. Nhưng mặt khác, quyền công dân trong xã hội tư bản lại bị hạn chế về mặt kinh tế. Nếu như trước kia, nông dân Athen có thể sử dụng quyền công dân để chống lại sự bóc lột thì giờ đây kinh tế đã thoát khỏi phạm vi quyền lực nhà nước, trở thành một lĩnh vực độc lập, chỉ tuân theo quy luật thị trường. Hay nói cách khác, quyền công dân không thể tác động đến địa vị kinh tế của người lao động nữa. Khi họ bán sức lao động thì họ trở thành nô lệ của nhà tư bản, họ phải nai lưng ra làm giàu cho nhà tư bản mà quyền lực nhà nước không thể can thiệp vào điều đó. Tóm lại, trong xã hội tư bản thì quyền công dân được trao cho tất cả mọi người, nhưng quyền đó không bảo vệ được họ khỏi bị bóc lột về kinh tế, hay nói cách khác là phạm vi của quyền công dân bị giới hạn trong lĩnh vực chính trị thuần túy.

Trong xã hội tư bản thì quyền công dân không phụ thuộc vào địa vị xã hội hay kinh tế, đồng thời quyền lực chính trị cũng không thể can thiệp vào quyền lực kinh tế. Do vậy, chủ nghĩa tư bản đã cứu thoát chủ nghĩa tự do của thời phong kiến, đem nó vào xã hội hiện đại để kết hợp với dân chủ tư sản, tạo thành khái niệm dân chủ tự do.

Tuy vậy, cần phải nhớ rằng chủ nghĩa tự do bắt nguồn từ xã hội tiền tư bản, nó giả định cá nhân có các đặc quyền bất khả xâm phạm và có đủ khả năng làm chủ các đặc quyền đó, song trong xã hội tư bản thì người lao động là cá nhân trần trụi, không tư liệu sản xuất, không có khả năng làm chủ đời sống của bản thân, cũng như không có bất cứ đặc quyền nào, cũng chẳng thể dựa vào bất cứ đặc quyền nào để chống lại sự bóc lột. Chủ nghĩa tự do không được trang bị để đối mặt với điều ấy. Do đó, khái niệm dân chủ tự do trong xã hội tư bản luôn mang đến những cuộc khủng hoảng xã hội thường trực, những vực sâu pháp lý không có cách nào lấp đầy.

Định nghĩa lại dân chủ theo kiểu Mỹ         

Nước Mỹ sinh ra từ các thuộc địa của đế quốc Anh ở Bắc Mỹ được giải phóng. Một mặt họ chịu ảnh hưởng về mặt tổ chức chính trị của đế quốc Anh, nhà nước tư bản đầu tiên của thế giới, mặt khác cuộc cách mạng giải phóng thuộc địa đã tạo cho những người sản xuất nhỏ một vai trò chính trị tích cực. Hệ quả của hoàn cảnh lịch sử ấy là giới thượng lưu Mỹ không thể tiến hóa thành một tầng lớp quý tộc tư bản kiểu Anh, mặc dù họ rất mong muốn điều đó.

Đối mặt với hoàn cảnh lịch sử đặc biệt ấy, giai cấp thống trị ở Mỹ đã tạo ra một khái niệm đặc biệt là ‘dân chủ đại diện’. Họ diễn giải rằng các thành phần có địa vị thấp trong xã hội có lợi ích thống nhất với các thành phần có địa vị cao hơn, ví dụ thợ thủ công sẽ ủng hộ thương nhân vì thương nhân có khả năng thúc đẩy lợi ích cho thợ thủ công tốt hơn chính bản thân thợ thủ công, hay nói cách khác, thương nhân là đại diện tự nhiên cho lợi ích của thợ thủ công. Từ đó, giai cấp thống trị Mỹ khẳng định rằng dân chủ không phải là việc trực tiếp tham gia công việc nhà nước mà là chuyển giao quyền lực ấy cho người đại diện. Dưới danh nghĩa dân chủ, giai cấp thống trị Mỹ tạo ra một chế độ quý tộc trá hình kết hợp với nền dân chủ tư sản. Một mặt quyền công dân được trao cho dân cư không phân biệt địa vị kinh tế, mặt khác quyền công dân ấy lại chỉ giới hạn trong việc bầu cử, hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lực nhà nước hay có thể thay đổi địa vị kinh tế của công dân.

Cơ chế dân chủ đại diện là một sáng tạo hiện đại của Mỹ, hoàn toàn không có liên hệ gì với cơ chế dân chủ Athen, vì dân chủ Athen có nghĩa là công dân trực tiếp tham gia vào công việc nhà nước, họ không chuyển giao quyền lực của mình cho người đại diện nào hết, đó là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với Athen. Do vậy, theo khái niệm dân chủ Athen thì nền dân chủ đại diện của Mỹ là phản dân chủ.

Cơ chế dân chủ đại diện của Mỹ dẫn đến một nghịch lý, đó là họ phải định nghĩa lại khái niệm ‘nhân dân’. Một mặt họ phải coi ‘nhân dân’ với tư cách là tập hợp toàn thể dân cư là có quyền lực tối cao, để có thể trao quyền lực tối cao đó cho đại diện, mặt khác ‘nhân dân’ lại là một tập hợp trừu tượng, không hoạt động chính trị mà hoàn toàn thụ động đón nhận kết quả từ nhà nước, tức là tước bỏ nội dung chính trị của 'nhân dân'. 

Tóm lại, dân chủ  Athen và dân chủ hiện đại là những khái niệm khác nhau, bắt nguồn từ những chế độ xã hội khác nhau, hoàn toàn không có liên hệ với nhau. Chế độ dân chủ tư sản hiện đại một mặt mở rộng quyền công dân cho người lao động, mặt khác lại hạn chế phạm vi quyền lực chính trị của công dân. Do vậy, chế độ dân chủ tư sản chỉ là dân chủ hình thức, không phải dân chủ thực chất. Điều này hoàn toàn trái ngược với khoa học chính trị chính thống, vốn luôn mô tả dân chủ như là một nguyên lý chính trị tiến hóa liên tục từ Athen đến nhà nước tư bản hiện đại, mang tính xuyên lịch sử và dựa vào đó để cho rằng dân chủ là một di sản phổ quát của phương Tây cần được bảo vệ và duy trì. Thực tiễn cho thấy nền dân chủ hình thức của chế độ tư bản về bản chất là phản dân chủ. Một mặt nó tuyên bố nhân dân có quyền lực tối cao, mặt khác nó tước bỏ khả năng sử dụng cái quyền lực tối cao ấy và buộc nhân dân phải trao quyền lực ấy cho các đại diện của giai cấp tư sản. 

Nhà nước chuyên chế châu Á và dân chủ

Khác với châu Âu, các nhà nước châu Á đã nhanh chóng hoàn thiện hình thái nhà nước trung ương tập quyền. Đặc trưng của nhà nước phong kiến tập quyền châu Á là giai cấp thống trị đồng nhất với nhà nước, tức là không có giới quý tộc độc lập, không phân chia thành các lãnh địa. Nhà nước trung ương được thống nhất với quyền lực tuyệt đối, các quan lại được vua bổ nhiệm cai trị tại các địa phương. Nhà nước chính là bộ máy bóc lột duy nhất trong xã hội, đối tượng của nó là nông dân, giai cấp thống trị đồng nhất với giới quan lại triều đình. 

Trong nhà nước chuyên chế châu Á, nông dân không có quyền chính trị, họ có thể phát triển các cộng đồng làng để hạn chế sự bóc lột của nhà nước, song nhà nước hoàn toàn nằm ngoài phạm vi kiểm soát của họ. Tầng lớp địa chủ hay thương nhân giàu có ở châu Á cũng giống như nông dân, hoàn toàn không có bất cứ quyền chính trị nào đáng kể, thậm chí còn là đối tượng kiểm soát của nhà nước chuyên chế. Vậy nên ở châu Á mới có cái lệ phổ biến là những nhà giàu thường bỏ tiền mua các chức quan nhỏ để tránh phải làm các công việc lao dịch như nông dân.

Khác với châu Âu dựa vào giới quý tộc cha truyền con nối, nhà nước chuyên chế châu Á dựa vào tầng lớp trí thức, tầng lớp này tập trung vào việc học hành, nghiên cứu về nghệ thuật cai trị để trở thành quan lại. Điều này dẫn đến hệ quả là khái niệm dân chủ không sinh ra ở châu Á. Việc tham gia vào chính quyền là của quan lại, hoàn toàn độc lập với nông dân. Giới trí thức học để làm quan, họ hoàn toàn không có nhu cầu kiểm soát hay hạn chế quyền lực nhà nước, mặt khác quyền lực nhà nước hoàn toàn không làm thay đổi địa vị kinh tế của giới trí thức. 

Cách mạng tháng Tám của Việt Nam và nền dân chủ mới  

Việt Nam bước vào thời hiện đại với hai gánh nặng là chế độ phong kiến suy tàn và chế độ thực dân, để cùng một lúc đánh đổ cả hai thứ ấy thì không thể nào dựa vào tầng lớp trí thức phong kiến hay tư sản mại bản. Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là một dấu mốc vĩ đại trong lịch sử châu Á, lần đầu tiên nông dân được giải phóng và trao quyền công dân. Họ không những được trao quyền mà còn được cung cấp các điều kiện để thực thi quyền công dân. Nông dân được chia ruộng đất, để trở thành người sản xuất tự do, thoát khỏi sự bóc lột của chế độ phong kiến và tư bản. Nông dân không những được bỏ phiếu để bầu chính quyền mà trên thực tế còn kiểm soát chính quyền thông qua các đại diện không có đặc quyền đặc lợi trong Đảng Cộng Sản. Điều này là một phát kiến quan trọng sinh ra từ thực tiễn đấu tranh của phong trào cộng sản quốc tế. Đảng viên một mặt là người lao động bình thường, không có đặc quyền đặc lợi gì từ chức vụ đảng, không nắm chức vụ nhà nước, mặt khác họ có quyền kiểm soát bộ máy nhà nước từ việc hoạch định ra đường lối cho đến phê chuẩn ứng cử viên vào chức vụ quan trọng của nhà nước dựa trên lợi ích của người lao động. Điều này tạo ra một cơ chế hữu hiệu kiểm soát nhà nước đồng thời ngăn cản đảng viên cố kết trở thành tầng lớp đặc quyền chính trị.  

Đây là một khái niệm dân chủ hoàn toàn mới, không liên quan đến dân chủ Athen hay dân chủ tư sản. Khái niệm này cũng không bắt nguồn từ kinh nghiệm của nhà nước chuyên chế châu Á, do đó cái luận điệu cho rằng Việt Nam phải thoát Trung hay thoát Á là hoàn toàn bịp bợm. Một mặt khái niệm dân chủ ở Việt Nam có nghĩa là tạo ra địa vị kinh tế tự do cho những người bị áp bức đồng thời trao quyền công dân cho họ, mặt khác là tạo điều kiện cho họ kiểm soát quyền lực nhà nước một cách gián tiếp, thông qua việc tham gia vào một đảng chính trị chuyên chính có quyền lực thực tế. Song điều này cũng tiềm ẩn xung đột chính trị nội tại. Nhà nước bao giờ cũng là thành trì cuối cùng của sự bóc lột. Viên chức nhà nước là một tầng lớp độc lập, sống bằng công việc nhà nước, tham gia vào bộ máy nhà nước thông qua con đường bổ nhiệm và tuyển dụng, lợi ích của họ là mở rộng bộ máy nhà nước và do đó phải tìm cách thoát khỏi những kiềm chế của đảng chính trị thuộc về người lao động. Đảng chính trị thuộc về người lao động sẽ luôn tìm cách hạn chế sự phát triển của nhà nước vì sự phát triển của nhà nước có nghĩa là tăng cường bóc lột người lao động thông qua thuế khóa. Do vậy, vấn đề căn bản của Việt Nam trong thời kỳ quá độ là kiểm soát quyền lực nhà nước, bằng cơ chế dân làm chủ, đảng lãnh đạo và không ngừng mở rộng quyền lực chính trị cho người lao động. 

12 comments:

  1. Định nghĩa và dẫn chứng rất đầy đủ về dân chủ phương tây!
    Phương tây vẫn thường rêu rao về liberian như con đường tự do, nhưng quả đúng liberian không hề sinh ra vì tự do, nó sinh ra để vô hiêu hóa quyền lực của nhà nước trung ương! Cũng giống như Hayek chê liên xô là đường về nô lệ, nhưng ôn ta chưa bao giờ chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, những kẻ chiếm hữu nô lệ lớn nhất thời cận đại và hiện đại!

    ReplyDelete
  2. Anh Nỡm cho em hỏi vấn đề này ạ. Các chức vụ lớn nhất trong chính quyền nhà nước cũng có ghế trong bộ chính trị, tức là về cả chức vụ Đảng lẫn chức vụ nhà nước đều rất lớn. Điều này khiến cho quyền lực của nhà nước trở nên rất mạnh và có phần lấn át quyền lực của những người làm việc trong Đảng. Liệu việc này có phải là điều cho thấy cách tổ chức chính quyền bị lệch khiến cho Đảng không thể lúc nào cũng bảo vệ quyền lợi chính trị cho giai cấp công nhân nói riêng và vô sản nói chung không ạ ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. BCT là cơ quan thường trực, song không phải là bộ máy quyền lực tối cao của Đảng. Quyền lực tối cao thuộc về đại hội Đảng toàn quốc.

      Delete
    2. Lịch sử cho thấy: Nếu không kể thời kỳ bị đàn áp (hoạt động bí mật), vào bất cứ thời điểm nào mà quyền lực rời khỏi tay TW để rơi vào 01 nhóm nhỏ trong BCT, thì hậu quả đều vô cùng khủng khiếp cụ ạ.

      Delete
    3. Do năng lực lãnh đạo của Đảng, cụ thể là các vị trí lãnh đạo trong bộ máy của Đảng nữa bạn ạ

      Delete
  3. Trên thuc tế Bộ CT là cơ quan quyền lực lớn nhất của Đảng, vì nó chỉ đạo những công việc hàng ngày, quyết định công tác cán bộ cũng như triển khai công tác tổ chức

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bô chính trị nằm dưới Ban Chấp Hành Trung Ương nhé. Với lại việc chỉ đạo công tác hay quyết định công tác không có nghĩa nó là cơ quan quyền lực nhất, mà là cơ quan thường trực nắm trong tay một phần quyền lực Đảng và có thể huy động sức mạnh của bộ máy nhà nước. Nó vẫn có khả năng bị phế bởi BCHTW nhé.

      Delete
    2. Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng cao hơn Bộ Chính Trị, điều hành công việc hàng ngày thay Bộ Chính Trị là Ban Bí Thư. Hiện giờ Ban Bí Thư đã trực tiếp nắm nhân sự từ cấp thứ trưởng cho đến phó chủ tịch các tỉnh.

      Có hai quyền cực lớn mà cả Ban Bí Thư lẫn Bộ Chính Trị hay Tổng Bí Thư đều không có:
      1. Chỉ BCH Trung Ương Đảng có quyền triệu tập đại hội toàn quốc và đại hội bất thường.
      2. Chỉ Đại hội Đảng toàn quốc mới có quyền sửa điều lệ Đảng

      Tuy vậy hiện giờ quyền lực Đảng bị chính quyền kiềm chế không phải ở chức vụ mà ở tổ chức.
      1.Tổ chức Đảng được tổ chức tương ứng với cấp chính quyền.
      2.Các tổ chức Đảng ngoài chính quyền nằm trong địa giới hành chính của chính quyền cấp nào thì là cấp dưới của đảng ủy chính quyền cấp đó.

      Lối tổ chức đó khiến cho tổ chức Đảng bị chia thành nhiều cấp không có liên hệ chặt chẽ với nhau, mà tạo thành một thứ giống như quyền lực hành chính với cấp dưới và cấp trên, làm ảnh hưởng tới nguyên tắc dân chủ trong Đảng. Hơn nữa Điều lệ Đảng về phần kết nạp Đảng viên hiện giờ dẫn đến tình trạng là viên chức và thành viên các tổ chức xã hội dễ được kết nạp hơn công nhân, đặc biệt là công nhân trong khối doanh nghiệp tư nhân và FDI.

      Delete
    3. Cãc bạn ko hiểu ý ròi, trên thực tế Bộ CT có quyền lực lớn vì họ là người giới thiệu nhân sự và đưa ra chương trình làm việc để BCH TW thảo luận. Người không đc Bộ CT giới thiệu, gần như không có cơ hội trúng cử - có thể xem Quyết đinh 244 thid hiểu
      Điêu lệ Đảng ai chẳng biết, quan trọng là thi hành trong thực tiễn thế nào.

      Delete
    4. Điều đó chẳng chứng minh được rằng Bộ Chính Trị có quyền lực to hơn BCHTW hay Đại Hội Đảng gì cả. BCT chuẩn bị nội dung họp thì đồng nghĩa với việc bộ chính trị thao túng BCHTW ? Quyền đề cử của BCT chỉ giới hạn trong hội nghị của BCH, tới Đại Hội Đảng thì hoàn toàn không. Đó, quyết định 244 đó. Thi hành trong thực tiễn cũng chưa từng thấy BCT thực hiện thao túng BCH; còn BCH thảo luận lại phần soạn thảo nghị quyết của BCT thì có. Hội nghị TW 1959 đó.

      Delete
  4. Chẳng ai phủ nhận BCT có quyền lực rất lớn cả, vì nó ảnh hưởng về cả Đảng và chính quyền, nhưng bảo nó lớn nhất thì đó chả khác gì tưởng tượng.

    ReplyDelete
  5. Tôi đính chính lại là Bộ CT (ở câc cấp ủy là Ban thường vụ) là cơ quan có vai trò thực tế và ảnh hưởng lớn nhất trong Đảng (nói trên khía cạnh thưc tế). Thế nhé, không tranh luận nữa, bạn đã làm công tác Đảng "trong thuẹc tê" ròi thì sẽ hiểu

    ReplyDelete