Thursday, September 27, 2018

Bàn về chuyện kinh doanh sách giáo khoa

Đánh giá của ủy ban Quốc Hội 
Hệ thống cung cấp sách giáo khoa bao gồm:

1. 90 nhà in sách ở các tỉnh thầu in sách cho NXB Giáo Dục
2. 3 cấp đại lý: đại lý khu vực, đại lý địa phương, đại lý bán lẻ

Về mặt logistic: Việc đặt in tại 90 nhà in ở các tỉnh cho thấy quy mô của các nhà in là nhỏ so với sản lượng sách giáo khoa. Việc gom sách về kho trung tâm rồi sau đó phân phối cho các cấp đại lý là cách làm bình thường. Đây là mô hình mạng lưới tập trung, theo mô hình này không ai lại đi chuyển trực tiếp từ nhà in tới các cấp đại lý phân phối cả, điều đó sẽ phát sinh chi phí vận chuyển lớn hơn nhiều do sản lượng vận chuyển không được tối ưu ở các tuyến vận chuyển. Muốn chuyển sang mô hình phân tán, tức là sản lượng phát hành tại các địa phương sẽ phải cực nhỏ hoặc cực lớn, song điều đó cũng có nghĩa là phải thay đổi chiến lược sản phẩm để khai thác tối đa thị trường địa phương.

Về mặt chiết khấu cho đại lý: Tỷ lệ chiết khấu 40% trông có vẻ cao, nhưng nếu chia theo 3 cấp đại lý thì không nhiều. Phần chiết khấu cũng không phải là lợi nhuận mà các đại lý được hưởng, chúng dùng để bù đắp chi phí kinh doanh của các đại lý nữa, sau khi trừ chi phí mới là lợi nhuận. Ở đây, doanh thu bán sách giáo khoa lên đến 1.000 tỷ đồng, các đại lý được chiết khấu 250 tỷ đồng, có nghĩa là doanh thu thực của các đại lý chỉ là 250 tỷ. Sau khi trừ đi chi phí kinh doanh thì phần lợi nhuận của họ ít hơn 250 tỷ đồng nhiều.
Kết quả kinh doanh SGK của NXB Giáo Dục

Vấn đề thực sự: Chỉ cần một mô tả đơn giản ở trên và chút ít kiến thức về logistic thì người ta thấy ngay là việc phát hành sách giáo khoa đối với các đại lý là gánh nặng. Vấn đề là sách giáo khoa thuộc độc quyền của bộ Giáo Dục và hệ thống đại lý buộc phải cung cấp, họ không được phép từ chối.

NXB Giáo Dục độc quyền phát hành sách giáo khoa thì họ cũng độc quyền gánh vác nghĩa vụ công ích. Điều này thể hiện ở chỗ hệ thống đại lý của họ sẽ phải cung cấp cho các địa phương ngay cả khi sản lượng thấp, họ cũng phải chấp nhận giá bán thống nhất không được quyền điều chỉnh trên toàn quốc do Bộ Tài Chính quy định cho dù giá này không đủ bù chi phí tại nhiều địa phương. Sản lượng và giá cả ở đây không phụ thuộc vào thị trường mà sẽ phụ thuộc vào nhu cầu phổ cập giáo dục của nhà nước.

Các công ty phát hành sách địa phương đã nhanh chóng tìm cách bù đắp thiệt hại từ việc cung cấp sách giáo khoa bằng cách liên kết với các nhà xuất bản khác và nhà trường để đưa thêm sách tham khảo đủ loại vào bộ sách giáo khoa bán cho học sinh. Như vậy, NXB Giáo Dục trên thực tế không kiểm soát được bộ sách giáo khoa mà họ cung cấp cho học sinh. NXB Giáo Dục biết rõ điều này nhưng họ không thể can thiệp, vì thứ nhất là họ không có quyền và thứ hai là nếu họ có thể can thiệp thì cũng sẽ phải đối đầu với vấn đề chi phí phát hành.

Vậy làm thế nào để các đại lý có lãi?

Câu trả lời: Tư nhân hóa việc cung cấp sách giáo khoa bằng cách cho phép doanh nghiệp tư nhân tự do in nhiều bộ khác nhau để các địa phương tùy ý lựa chọn, các đại lý sẽ được giải phóng khỏi nghĩa vụ buộc phải cung cấp sách giáo khoa theo cấp hành chính. Họ sẽ lựa chọn cung cấp sách giáo khoa ở những khu vực nào có mức sản lượng đủ để mang lại lợi nhuận. Khu vực nào sản lượng thấp, không có đại lý nào muốn cung cấp thì nhà nước sẽ phải dùng ngân sách để bù đắp phần thâm hụt nhằm đảm bảo trẻ em đi học có sách giáo khoa để dùng. Điều này trên thực tế chỉ là một bước hợp thức hóa sự kiểm soát việc cung cấp sách giáo khoa của các đại lý.

Việc tư nhân hóa thị trường sách giáo khoa sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành sách giáo khoa giành được thế độc quyền ở địa phương và phát hành sách theo cách mà họ thu được lợi nhuận. Địa phương chỉ có thể lựa chọn bộ sách mà doanh nghiệp cung cấp.

Ý nghĩa: Tất cả những chuyện ồn ào này chỉ nhằm một mục đích duy nhất: Tách vai trò kinh doanh ra khỏi nghĩa vụ công ích trong việc cung cấp sách giáo khoa. Lợi nhuận để doanh nghiệp hưởng, còn phần lỗ thì nhà nước bù đắp. Đấy là bản chất của kinh tế thị trường. Mọi triết lý cao đẹp về giáo dục đều sẽ phải phục tùng triết lý của tiền bạc.

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khi người ta nói "vì người dân" thì nên hiểu là vì doanh nghiệp và lợi nhuận. Ngay cả đối với NXB Giáo Dục, mặc dù họ độc quyền kinh doanh sách giáo khoa, nhưng khi được giải phóng khỏi những ràng buộc chính trị và chỉ còn phải theo đuổi lợi nhuận thì họ cũng sẽ rất vui mừng.

Mọi thứ có thể đảo ngược không?

Lợi nhuận sẽ quyết định điều đó, hiện giờ lợi nhuận đòi hỏi phải tư nhân hóa việc cung cấp sách giáo khoa, nên điều này không có nghĩa là không thể đảo ngược. Đến một lúc nào đó lợi nhuận từ việc cung cấp sách giáo khoa không đủ hấp dẫn tư nhân kinh doanh nữa thì lĩnh vực này sẽ quay trở lại độc quyền nhà nước. Tất cả những điều đó tất nhiên sẽ luôn được biện minh bằng quyền lợi của người dân.

Vụ ồn ào về sách giáo khoa công nghệ giáo dục:

Có phải ngẫu nhiên mà một bộ sách giáo khoa được sử dụng từ lâu bất ngờ gây tranh cãi bất tận trên truyền thông? Không, nếu người ta biết rằng thành phố Hồ Chí Minh được phép sử dụng bộ sách giáo khoa riêng. Đó là thị trường lớn nhất ở Việt Nam và có điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất nhờ cơ sở hạ tầng phát triển. Doanh nghiệp nào nhanh chân thâu tóm được thị trường sách giáo khoa ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ có lợi nhuận lớn. Vậy nên ông giáo sư công nghệ giáo dục khi đi trả lời phỏng vấn báo chí mới lăm lăm trong tay cuốn "Gạc Ma-Vòng tròn bất tử". Ngay cả ông trưởng ban tuyên giáo cũng không bỏ qua cơ hội cho bàn dân thiên hạ thấy cuốn sách ấy trên tay mình. Đằng sau cuốn sách ấy là một công ty phát hành sách mà kẻ đứng đầu vốn lọc lõi về kinh doanh. Những sự tình cờ nhưng không hề tình cờ, nhất là khi nó đều hướng về thị trường sách giáo khoa ở thành phố Hồ Chí Minh.

4 comments:

  1. Nếu Nhà nước chấp nhận từ bỏ bản quyền sách giáo khoa, cho phép học sinh sử dụng sách giáo khoa bản mềm, sách tự in ấn theo tiêu chuẩn, song song với việc tư nhân hóa việc in sách giáo khoa thì có tạo ra điều gì khác biệt không bác?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không,vấn đề ở đây là kinh tế,không phải chính trị. Sẽ chẳng có ai rỗi hơi đi in mấy cuốn sách giáo khoa để dùng, họ sẽ đều mua của doanh nghiệp cả. Hiện giờ việc in ấn vẫn tư nhân hóa, chỉ có phát hành là độc quyền của NXB GD thôi nhé. Việc mở cửa tự do như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp lớn bóp chết sạch các doanh nghiệp nhỏ để thâu tóm thị trường sách giáo khoa vào tay họ, độc quyền nhà nước sẽ rơi vào tay tư nhân. Đấy chính là các doanh nghiệp lớn muốn khi vận động cho việc tư nhân hóa phát hành sách giáo khoa.Cái chính ở đây mọi người vẫn chỉ nghĩ tới sách giáo khoa nhưng vấn đề là thị trường sách giáo khoa.Thị trường sách giáo khoa mới là cái mọi người mù mờ, nhưng doanh nghiệp lại nắm rõ nhất, ai đang kiếm lợi, kiểm soát thị phần bao nhiêu, bán sản phẩm kiểu gì. Đó lại chính là những thứ báo chí không bao giờ nói tới.Việt Nam đã từng có hai bài học về tình trạng này là thị trường viễn thông và thị trường bưu chính.

      Delete
    2. Thị trường viễn thông và bưu chính hiện nay, theo cá nhân e là kết quả của sự tư nhân hóa không triệt để. Nhà nước đặt ra nhiều rào cản (điển hình là chính sách hạn chế khuyến mại) khiến cho chỉ có 3 ông lớn Vina/Mobi/Viettel là cầm trịch được thị trường.

      Vụ SGK này e thấy cũng đang có nguy cơ như vậy. Nhà nước giao cho 5 nhà xuất bản trực thuộc 5 trường đại học được quyền phát hành SGK. Nhưng 5 NXB này chỉ có mạng lưới ở các đô thị lớn nơi các trường đại học đóng trụ sở.
      Họ không bao giờ có được mạng lưới các công ty sách - thiết bị giáo dục trực thuộc các sở GD-ĐT địa phương như NXB GDVN.

      Em có cảm giác, đấy là phá thế độc quyền trên hình thức. Thị trường có nhiều đơn vị tham gia, nhưng lại nhất nguyên.

      Delete
    3. Ngay cả khi được phép đầu tư thì cũng không có doanh nghiệp tư nhân nào lao vào đầu tư mạng lưới phát hành phủ khắp cả nước vì phí tổn lớn mà không đem lại lợi nhuận, điều đó tạo ra thế độc quyền tự nhiên của NXB Giáo Dục, luật ko thay đổi được điều đó. Thị phần được chia ở những nơi dễ kiếm tiền như các thành phố lớn là điều dễ hiểu. Ngược lại, một thị trường mới lại mở ra cho nhóm biên soạn SGK, vốn là tầng lớp thượng lưu trong ngành giáo dục, thay vì chỉ biên soạn một bộ SGK duy nhất thì họ sẽ thả cửa kiếm tiền từ việc thầu nhiều bộ SGK khác nhau, hiện tại tư nhân chưa đủ sức soạn SGK. Bạn nhìn vào tiêu chuẩn về SGK của BGD thì sẽ biết ai đang nắm thị phần đó và hiểu câu chuyện tiếp diễn ra sao.

      Delete