Saturday, August 18, 2018

Ai lạc hậu? Ai văn minh?

Dân xứ Nam ta vẫn còn mông muội lắm, cứ phải Tây mới văn minh. Hà cớ chi các chú bày ra ba cái trò này để dân xứ Nam được dịp kiêu căng, nhận xằng mình văn minh nhỉ?


Người ta thường đem cái ảnh biển đề cấm ăn cắp hay cấm lấy đồ dư bằng tiếng Việt ở Nhật hay Thái Lan đăng lên để chứng minh dân Việt Nam ý thức kém, không cư xử văn minh. Cái truyền thống tự quản của làng xã từ xa xưa, ví như những quán nước đầu làng chả có ai trông coi, gia chủ bận đi làm đồng, ai vào uống nước hay mua gì thì tự tính tiền rồi để đó, thì không bao giờ được truyền thông ngày nay nhắc tới.

Quay lại cái quán có hình ở trên, tại sao chủ quán lại dám áp dụng mô hình tự quản ở một xứ mà ngày ngày truyền thông rao giảng không biết mệt mỏi về tệ nạn trộm cắp, cư xử kém văn minh?

Thứ nhất là ông chủ quán biết rõ truyền thông báo chí chỉ rặt nói láo, cũng có thể có người lấy nước không tự giác trả tiền, song số đó không đáng kể.

Thứ hai là mô hình kinh doanh của ông chủ quán khiến ông buộc phải làm vậy, ông bán buffet giá rất rẻ, muốn giá rẻ mà có lãi thì tất phải tiết kiệm chi phí phục vụ, có nghĩa là phải để khách hàng tự phục vụ tối đa. Khách vào quán này ăn nhiều tất sẽ quen với cách đó.

Ý thức không phải tự nhiên mà có, nó được sinh ra từ sinh hoạt hàng ngày, mà cái sinh hoạt đó, nhất là việc mua bán lại do mô hình kinh doanh quyết định, tức là do tư bản quyết định.

Ở những xứ tư bản phát triển thì họ áp dụng mô hình tự phục vụ, tự thanh toán nhiều để tiết kiệm chi phí, do vậy dân xứ họ buộc phải quen với những việc đó. Song điều đó không có nghĩa là không có nạn trộm cắp, gian lận.

Việc truyền thông hàng ngày hàng giờ bêu riếu những cái gọi là thói hư tật xấu, cư xử kém văn minh, mặc dù điều đó hoàn toàn là tào lao, không hẳn chỉ là để thu hút sự chú ý hay truyền bá văn minh phương Tây. Ngược lại đó là một sự đe dọa, một hình phạt bằng sự lên án thường trực của công luận để giúp cho các chủ doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng các mô hình tự phục vụ, tự quản,  nhằm tiết kiệm chi phí cho họ. Những khách hàng định gian lận sẽ luôn bị những bảng hiệu lên án trộm cắp bằng tiếng Việt ở Nhật Bản ám ảnh. Đây chính là bản chất của chế độ tư bản, chủ doanh nghiệp từ bỏ các nghĩa vụ và quyền lực công cộng để có quyền lực tuyệt đối trong việc kiếm lợi, ngược lại một bộ phận khác sẽ đảm nhiệm quyền lực công cộng đó để hỗ trợ cho chủ doanh nghiệp.

Người ta thường nói rằng truyền thông Việt Nam càng ngày càng thối nát, đưa tin xàm, nói láo câu view vô tội vạ, nhưng cái mà người ta không hiểu là truyền thông giờ đang chuyển sang phục vụ cho tư bản, lợi nhuận của tư bản mới là lợi ích tối cao mà nó phục vụ. Trên phương diện đó thì truyền thông lại là sức mạnh công cộng đáng kể mà doanh nghiệp nắm được, do vậy đối với chủ tư bản mà nói thì truyền thông không nát chút nào, nó đang làm đúng cái việc cần phải làm.

Bởi vậy mà nói, nếu lấy chế độ tư bản ra làm chuẩn mực cho cái gọi văn minh thì mọi chế độ khác đều sẽ kém văn minh. Hơn nữa, đó là một sự đề cao chế độ tư bản vì đã lấy chế độ tư bản làm giá trị phổ quát, thang đo cho mọi xã hội. Việt Nam đã xây dựng một chế độ xã hội khác, người Việt Nam trước hết phải bỏ qua cái thang đo lạc hậu ấy và tự tạo ra cho mình những chuẩn mực mới.

P/s: Cái ảnh này không phải ở thủ đô thanh lịch lại càng không phải ở đô thành hoài nhớ thời thuộc địa hoa lệ quằn quại dưới gót giày lính lê dương, mà là ở Rạch Giá, Kiên Giang.

3 comments:

  1. Anh có thể ví dụ một chuẩn mực mới của chế độ xã hội chủ nghĩa không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chuẩn mực của xã hội mới chưa xuất hiện, nhưng Marx đã dự báo nó: Xóa bỏ chế độ người bóc lột người, điều đó có nghĩa là mọi người đều có quyền tiếp cận tư liệu sản xuất.
      Khi đó mọi lời càm càm, phàn nàn tiểu tư sản về nạn ăn cắp, thiếu ý thức đều sẽ chấm dứt, thay vò đầu bứt tóc với câu hỏi siêu hình kiểu như "Ý thức tốt khiến xã hội tốt hay xã hội tốt khiến ý thức tốt?" thì người ta đi câu cá và nghe chim hót. :D

      Delete
  2. CNXH với tư cách chế độ xã hội thì chưa tồn tại, nên bàn về chuẩn mực ý là không thể. Nhưng nếu bàn về văn hóa của giai cấp lao động thì cái ý lại đơn giản vì nó sinh ra trong hoạt động lao động của người lao động.

    Ví dụ đơn giản là một người vì mọi người và mọi người vì mọi người, tình tương thân tương ái, làm việc không vụ lợi có trách nhiệm v.v. Chứ không thể tìm được các nét văn hóa công nhân ở trên giấy vở được mà phải là ở trong đời sống của chính công nhân.

    ReplyDelete