Monday, June 26, 2017

Grab/Uber Bike và xe ôm truyền thống

Mỗi khi ai đó nhắc đến sự bùng nổ của mấy mô hình kinh doanh kiểu Grab Bike hay Uber Bike và sự suy tàn của xe ôm truyền thống, tôi thường được nghe thấy câu kết luận rằng: Xe ôm truyền thống cứ cải thiện chất lượng dịch vụ, hạ giá, làm ăn nghiêm chỉnh minh bạch như Grab/Uber Bike đi, đừng lừa đảo bắt chẹt khách nữa, thì lo gì không có khách.

Câu hỏi ngược lại thường khiến người kết luận im lặng ngay lập tức: Ngay cả khi xe ôm truyền thống làm ăn nghiêm chỉnh minh bạch như Grab Bike hay Uber thì họ có cạnh tranh được về thương hiệu, các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà và hệ thống tiếp cận khách hàng với mấy hãng kia không?

Những người làm xe ôm truyền thống hầu hết là người nghèo, không trình độ, vốn liếng chỉ có chiến xe máy rẻ tiền, họ không bao giờ có hàng triệu dollar để ném vào các chương trình quảng cáo, giảm giá, tặng quà và hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin như Grab hay Uber. Trong cuộc chiến này, họ đã thua chắc chắn.

Thông thường người ta thấy giá một cuốc xe hay tính trên km của xe ôm truyền thống đắt hơn của Uber hay Grab, họ sẽ cho rằng xe ôm truyền thống tính đắt hơn. Song người ta sẽ không khó để hiểu được điều này, xác suất kiếm được khách hàng của xe ôm truyền thống thấp hơn Grab/Uber, ngược lại xác xuất kiếm được khách hàng của Grab/Uber cao hơn rất nhiều do họ kết nối với số lượng lớn khách hàng qua một hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cực kỳ tốn kém. Do vậy, mặc dù xe ôm truyền thống tính phí/km cao hơn nhưng thu nhập một ngày của họ thấp hơn rất nhiều so với người chạy Grab/Uber, ngược chính điều này cho phép  người chạy xe Grab/Uber tính phí/km thấp hơn nhưng vẫn có thu nhập lớn hơn xe ôm truyền thống. 

Hơn nữa, Grab/Uber hiện giờ đang là những doanh nghiệp start-up, tức là họ chưa cần phải tính toán đến lợi nhuận, họ lại nhận được một khoản tiền khổng lồ để mở rộng mạng lưới kinh doanh. Sức cạnh tranh của họ rất khủng khiếp với các chương trình khuyến mại giảm giá, tặng quà và quảng cáo mạnh mẽ. Liệu có xe ôm truyền thống nào có đủ tiền để đối đầu với họ? 

Cơn bão start-up đã cho thấy rõ cách thức mà các start-up phát triển. Nó cần phải thu hút được đủ tiền để làm phá sản các doanh nghiệp hoặc những người kinh doanh nhỏ trên thị trường và sau đó nó sẽ đủ lớn để kiếm lợi. Công nghệ hay tính hữu dụng chỉ là vỏ bọc phù phiếm. Những vụ mua bán start-up trị giá nhiều triệu dollar cũng có nghĩa là nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá hủy.

Một điều chắc chắn là phần lớn những người chạy xe ôm truyền thống hiện nay sẽ thất nghiệp, tạo ra một gánh nặng mới cho xã hội. Đó là cái giá phải trả thứ hai của cơn mê start-up. Khác với doanh nghiệp taxi, vốn đóng thuế nhiều cho nhà nước, có thể lên tiếng đòi nhà nước bảo vệ, tiếng nói của những người chạy xe ôm truyền thống lẻ loi sẽ chẳng có ai lắng nghe.

Nhưng phần còn lại của xe ôm truyền thống sẽ ra sao? Họ sẽ vẫn tồn tại, chỉ có điều theo cách khác. Nếu tiếp tục hoạt động đơn lẻ, họ chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Nếu họ đầu quân cho các doanh nghiệp vận tải kiểu mới với ứng dụng tương tự như Grab hay Uber thì họ sẽ bị chúng nuốt chửng và trở thành người làm thuê.

Cách duy nhất giúp xe ôm truyền thống tiếp tục tồn tại là hợp tác hóa. Điều này đã xuất hiện tại nhiều nơi nhưng ít người để ý. Các lái xe sẽ kết hợp với nhau thành một kiểu hợp tác xã, dùng điện thoại để liên hệ, điều phối xe và đón khách. Việc đó giúp họ có thể tăng xác suất kiếm được khách, hạ giá cước, cũng như thực hiện các chương trình nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều mấu chốt trong cách làm này là họ cần phải thực hiện việc hợp tác hóa và chiếm lấy những thị trường Grab/Uber chưa vươn tới, để khi Grab/Uber bắt đầu vươn sang những thị trường đó thì xe ôm truyền thống đã đứng vững với cách kinh doanh mới rồi.

25 comments:

  1. Ý cuối trong bài của anh có vẻ thú vị đấy :D Em thì nếu có cơ hội thì vẫn hay đi xe ôm truyền thống để hỏi chuyện thử xem. Nói chung là họ sẽ rất vất vả và chưa tìm được hướng nào khác sáng sủa hơn ngoài việc tham gia vào chính Grab/Uber.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn chưa hiểu rõ lối làm ăn của Grab/Uber rồi, họ yêu cầu rất cao về xe cộ, phần lớn cánh xe ôm truyền thống không đủ khả năng đáp ứng đâu. Thông thường họ yêu cầu xe có tuổi đời tương đối mới, khoảng 5 năm đổ lại, và thời gian khai thác xe đó cũng chỉ được chừng ấy thôi. Vì vậy tham gia Grab/Uber thì cũng có nghĩa là phải có xe mới và cố mà chạy để sau khoảng 5 năm thì đổi xe khác.

      Delete
    2. Nếu vậy thì yêu cầu hơi cao. Có hôm em đi sửa xe thì nói chuyện với một anh lái Grab, thì thấy xe anh ý hơi cùi bắp, nên em cũng không rõ quy định của Grab như thế nào. Hay là thi thoảng chạy theo số lượng thì nó cũng chấp nhận mấy loại xe cùi.

      Delete
    3. Cũng có thể như vậy, trường hợp đó thì mình cũng không rõ lắm, vì cánh lái xe ôm truyền thống mua áo Grab để mặc cũng tương đối nhiều.

      Delete
    4. À, xe ôm truyền thống mà mặc áo/mũ Grab thì em đã gặp rồi :)) Có nhiều anh vừa mặc áo alo xe ôm, rồi xe ôm Trường Sa, rồi đội mũ Grab, tính tiền theo km, nhưng không có đồng hồ. Các anh này cũng nhận định là các hãng xe kiểu Alo Xe ôm cũng không thể cự được với Grab.

      Delete
  2. Cháu thì thấy như khu vực nữa . Ví dụ như cháu ở Quốc Oai và ở huyện mình chưa bao giờ xuất hiện một con xe grab hay uber nào cả . Nhưng công việc của các bác lái xe truyền thống vẫn thế nhưng ít đi so với ngày trước ( có thể do nhu cầu đi bằng taxi) . Khi cháu ra Hà Nội choáng ngợp vì ở đâu cũng có Grab và Uber . Cháu thì nghĩ đa phần đi là học sinh sinh viên họ có điều kiện tiếp cận với ứng dụng của grab trên smartphone và sử dụng nó nhiều vù những lí do như ở trên . Còn lại những người dân cháu nghĩ nhiều người dân ở nội thành rồi thì phương tiện xe máy là không thể thiếu . Những người cho nhu cầu đi xe máy thì là người ở nơi khác ghé bằng bus và cần đi bằng xe máy một đoạn nữa thì xe ôm truyền thống có thể là lựa chọn của họ 😄😄😄

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bùi Nhùi gọi chú Nỡm là chú là chuẩn đấy :))))

      Delete
    2. Đúng vậy, vẫn có những thị trường ngách để cánh xe ôm truyền thống tồn tại.

      Delete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  4. Em cũng định viết về cái này mà anh Hà viết trước rồi. Đúng là ý tưởng lớn gặp nhau qua hay.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vậy là mình lại múa rìu qua mắt thợ roài :D

      Delete
    2. Không phải múa rìu qua mắt thợ, người học Marx thì cái nền tảng suy nghĩ thường giống nhau. Em xin phép mượn bài của anh Hà để làm tư liệu viết một bài phân tích rõ ràng và cặn kẽ hơn nhé

      Delete
    3. Vậy mình chờ xem bài của bạn nhé.

      Delete
  5. Gửi bác Hà, em là Minh. Có lần em đã được hầu chuyện bác ở Lê hồng phong. E xin có ý kiến như thế này:
    Cụ phân tích đúng, nhưng e thấy kết luận của cụ có phần hơi gượng ép. Cái ưu thế khiến cho lái xe Grab/Uber có thu nhập cao hơn được ưa chuộng hơn xe ôm truyền thống nó là như thế này:
    (i) lái xe ôm chỉ có một số khách quen, ngồi tại chỗ đón khách "trong tầm mắt nhìn thấy", có nghĩa là R=50m đổ xuống. lái xe Grab đón khách qua ứng dụng di động, "bán kính đón khách" R= 1.000m - 2.000m.
    Như vậy, dù đơn giá tiền/km là rẻ hơn, thì xác suất bắt khách của lái xe Grab là cao hơn, dẫn đến thu nhập cao hơn.
    (ii) Service của Grab tốt hơn. Xe đưa đón tận nhà, lái xe được quản lý chặt bằng cơ chế đánh giá sao điểm và lý lịch tư pháp đầu vào.
    (iii) Về giá tiền, cách tính giá của Grab đã tăng từ 30.000đ/10km (thời gian đầu 3k 1 cây) lên 30.000đ/8km và bây giờ là 30.000đ/7km. 2km đầu tiên = 11.000đ và 5km tiếp theo = 3.800 x 5 = 19.000đ.
    Với 7km đó, lái xe ôm truyền thống Hà Nội sẽ lấy của khách 40-50.000đ. Còn nếu như bị chặt chém thì chẳng kể được bao nhiêu.

    =====
    Em thấy thế này: Kết luận của bác về sự chèn ép của Grab với xe ôm truyền thống chỉ đơn thuần do nhiều tiền đè chết người là chưa thỏa đáng. Theo em, đó là do một phương thức tổ chức làm ăn kiểu mới, khai thác sức lao động nhàn rỗi của công chức - sinh viên, người làm văn phòng ...

    Bản chất vấn đề, vì thế không chỉ đơn thuần là "hợp tác hóa", hay phải chiếm địa bàn đứng chân như bác nói. Chẳng có sự hợp tác hóa nào có thể đọ lại được với máy tính trong việc tìm kiếm khách hàng và bắt khách cả. Các lái xe ôm có thể gọi điện thoại điều khách cho nhau, nhưng mô hình như vậy vẫn là mô hình tổng đài taxi truyền thống, trong khi Grab sử dụng phần mềm máy tính nhanh và tiện lợi hơn.

    Rất mong được bác phân tích kĩ hơn về giải pháp cụ thể này, vì nhà em thấy mình vẫn chưa thực sự hiểu ý bác.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thì mình cũng trình bày đúng như bạn nói đấy thôi, bản chất của Grab/Uber bike là công nghiệp hóa dịch vụ xe ôm, biến lái xe ôm tự do thành người làm thuê cho Grab/Uber. Công nghệ thông tin sẽ giúp mô hình đó chiếm ưu thế nhờ chi phí thấp và khả năng tiếp cận khách hàng nhanh chóng.

      Cái phần kết vốn là chuyện thực tiễn, nhiều nơi người ta làm rồi, bạn đi nhiều sẽ thấy thôi. Mình đi nhiều nên gặp được mấy trường hợp đó.

      Phương thức dùng máy tính điều phối có hiệu quả cao nhưng nó cũng cần một thị trường có quy mô lớn và tập trung để có lợi thế nhờ quy mô, vẫn sẽ có những thị trường nhỏ mà nó không xâm chiếm được. Cánh xe ôm truyền thống vốn không cần đến thị trường lớn, cái mà họ cần là tạo ra một luật chơi chung để đảm bảo được chất lượng dịch vụ và hỗ trợ nhau tối đa, cái đó chỉ cần đến điện thoại là đủ.
      Nói đơn giản thế này, người sản xuất cá thể chỉ có thể đương đầu với tư bản bằng sự hợp tác hóa.

      Delete
    2. Bạn cũng cần nhớ lưu ý thêm là những người lái xe ôn truyền thống là người kinh doanh cá thể, họ độc lập với nhau, nên việc ứng dụng công nghệ cao đối với họ chả có tác dụng gì và cũng không khả thi.

      Delete
    3. Nếu bạn tìm hiểu kỹ về quy định kinh doanh của Uber/Grab thì bạn sẽ thấy nó không phải tận dụng sức lao động nhàn rỗi đâu. Nó có chỉ tiêu về doanh thu, số giờ online, quy định về tuổi đời xe cộ..., những cái đó cho thấy nó kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ chứ không phải là chia sẻ hay tận dụng như quảng cáo đâu.

      Delete
    4. Cảm ơn bác Hà. Như vậy ý bác là công nghệ cao sẽ không phù hợp với quy mô kinh doanh nhỏ. Điểm này em còn hơi lấn cấn (thật ra về mặt lý thuyết công nghệ thì làm ra cái phần mềm như Grab không khó, chỉ khó là khó khâu xây dựng mạng lưới đủ lớn).
      Điều em muốn đề cập chính, đó là sự cạnh tranh của các mô hình hợp tác nhỏ của những người làm ăn cá thể với các tập đoàn lớn như Grab. Thật lòng em thấy nó không cân bằng chút nào.
      Nhìn rộng ra về khía cạnh tư liệu sản xuất, thì ngay cả Đảng ta cũng đang rất cố gắng trong việc triển khai sản xuất lớn trên ruộng đất nông nghiệp. Các HTX bậc cao thời 198x sụp đổ, thì quay trở lại mở rộng tích tụ ruộng đất tư, dồn điền đổi thửa, HTX dịch vụ nông nghiệp ... Quy mô lớn sẽ cho phép hạ giá thành nhờ "sản xuất hàng loạt", điều đó các mô hình hợp tác của các cá thể sẽ khó cạnh tranh về giá bác ạ.

      Delete
    5. Đúng làm phần mềm như Grab/Uber không khó, mình đã tư vấn xây dựng một số hệ thống công nghệ còn phức tạp hơn nhiều. Nhưng công nghệ chỉ là công cụ để phục vụ cho một mô hình kinh doanh nhất định và mô hình kinh doanh lại đòi hỏi một quy mô thị trường nhất định, do vậy những người kinh doanh cá thể thường không thể áp dụng được công nghệ phức tạp. Lý do không phải họ kém cỏi hay không có tài trợ mà là vì quy mô thị trường của họ nhỏ, sử dụng công nghệ không có tác dụng, thậm chí còn gây tốn kém hơn.

      Nhưng như vậy không có nghĩa là họ sẽ chết hết và chết hoàn toàn, thực tế cho thấy vòng đời của mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ tương đối ngắn, nên vấn đề chiến lược ở đây là hộ kinh doanh cá thể cần đoàn kết để sống sót đủ lâu, cho đến khi mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ kia thoái trào.

      Hàng trăm năm nay các hộ kinh doanh cá thể vẫn tồn tại như vậy, họ cứ suy yếu rồi hồi sinh theo chu kỳ phát triển của tư bản. Tư bản thống trị bằng cách không ngừng cách mạng hóa sản xuất, nhưng sự cách mạng ấy lại đòi hỏi một nền tảng kinh doanh và sản xuất cá thể đủ lớn để cung cấp giá trị thặng dư cho tư bản. Đấy chính là giới hạn của tư bản, nó không thể hoàn toàn thoát khỏi sản xuất nhỏ. Cũng giống như trước kia các chủ nô La Mã giàu có không có cách nào thoát khỏi những người bình dân vậy.

      Delete
  6. Ý tưởng của bạn khá hay, tuy nhiên bạn lại quên đi chính cái mệnh đề ban đầu mà mình đưa ra đó là: xe ôm truyền thống thường là những người nghèo, nếu không cũng là những người tương đối lớn tuổi đã về hưu hành nghề xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Vậy ai sẽ là người khởi xướng, khởi đầu đứng ra để kết nói họ? Nếu có ng đứng ra để kết nối, chắc chắn ng đó sẽ phải thu phí (đừng nói câu chuyện tình nguyện viên hay câu chuyện làm từ thiện nhé). Như vậy mô hình nó lại không khác gì câu chuyện của uber/grab nha :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đó là công việc của người vô sản, hiểu rõ vấn đề thực tiễn thì sẽ có cách làm phù hợp. Trong số những người nghèo, hoặc về hưu ấy, không thiếu những người có trình độ, khả năng và hiểu biết để làm công việc tạo dựng tập thể. Thực tế, họ đã và đang làm ở nhiều nơi rồi. Khi người ta nhìn đời bằng con mắt trừu tượng thì sẽ khó thấy được thực tiễn sinh động đến mức nào.

      Delete
  7. Sau bài viết của anh, em mới chịu khó quan sát hơn thì thấy đúng là hầu như những xe Grab hay chạy ngoài đường và ở bến xe Mỹ Đình là mới, biển 5 chữ số. Điều này ngược hẳn với những câu nói xanh rờn của một ông TS kinh tế phái tự do mà có cuộc tranh luận với trên vietnamnet với chủ tịch hiệp hội taxi, là: Grab/Uber giúp giảm số lượng xe cộ lưu thông, tận dụng xe nhàn rỗi, rồi giúp người dân tiết kiệm tiền. Như vậy phải hết sức cẩn thận với các giả định của mấy TS này.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thật ra thì ngược lại, Grab/Uber làm tăng số lượng xe lưu thông lên khủng khiếp. Lý do: Người ta tranh thủ bám lấy giai đoạn đốt tiền nhằm mở rộng mạng lưới của Grab/Uber để kiếm tiền.

      Delete
  8. Buồn cười, hôm nọ em vừa đi xe ôm truyền thống của một bác thì mới biết 1 tình huống khá lạ lẫm. Ở địa bàn bác này (gần Hồ Tây, đường gốm sứ), Grab/Uber không ảnh hưởng gì tới công việc của các bác này. Lý do là các bác này có tính tập thể cao, họ thường ngồi bám địa bàn và đuổi hết tất cả các xe Grab/Uber lảng vảng quanh đó, và dân địa phương, khách quen cũng thường đi xe của các bác này.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tình trạng đó cũng khá phổ biến, nhất là ở những khu vực đông khách, chính vì vậy cánh tài xế Grab/Uber cũng tìm cách lập hội nhóm để đẩy cánh truyền thống ra khỏi địa bàn.

      Delete