Thursday, September 15, 2016

Tiền lương và phong trào công nhân

Khi bàn về vấn đề tiền lương, người ta thường hay được nghe thấy lập luận như sau: Tiền lương tăng sẽ dẫn đến chi phí sản xuất tăng, do vậy giá cả hàng hóa sẽ tăng. Nền kinh tế sẽ mất ổn định, đời sống sẽ khó khăn. Như vậy, công nhân không nên đòi tăng lương vì tăng lương là căn nguyên của mọi tai vạ về kinh tế.

Câu hỏi mấu chốt: Tại sao chi phí sản xuất tăng thì giá cả hàng hóa lại tăng?

Câu trả lời: Để duy trì tỷ suất lợi nhuận cũ cho nhà tư bản.

Vấn đề: Công nhân không được đòi tăng lương ngay cả khi chết đói còn nhà tư bản đương nhiên được tăng giá hàng hóa khi chi phí sản xuất tăng.

Chuyện này có gì mới không? Chả có gì mới, Marx đã viết từ lâu trong cuốn "Triết học của sự khốn cùng" khi phê phán lập luận của Prouhdon về tiền lương. 

Trong cuốn "Triết học của sự khốn cùng", Marx đã chỉ ra rằng khi tiền lương tăng lên thì giá cả hàng hóa thậm chí còn có thể giảm xuống. Lý do là bởi vì trong nền kinh tế các doanh nghiệp có mức độ sử dụng nhân công khác nhau. Doanh nghiệp nào sử dụng nhiều lao động và ít máy móc thì sẽ chịu ảnh hưởng lớn của việc tăng lương, tức là tỷ suất lợi nhuận của họ sẽ giảm mạnh hơn so với những doanh nghiệp sử dụng ít lao động và nhiều máy móc. Các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao hơn, tức là sử dụng nhiều máy móc hơn lao động, sẽ nhận thấy rằng họ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp hơn. Lúc ấy, họ sẽ hạ giá hàng hóa xuống để chiếm lấy thị trường của những doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp. Lợi nhuận của họ sẽ lớn hơn cho dù tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp lúc này đồng thời phải đối mặt với hai áp lực: tỷ suất lợi nhuận sụt giảm và giá hàng hóa trên thị trường giảm đi. Nhiều doanh nghiệp thuộc loại này sẽ bị phá sản để nhường chỗ cho những doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao hơn. 

Tiền lương tăng lên là thảm họa của những doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công song là cơ hội để những doanh nghiệp sử dụng ít nhân công thâu tóm thị trường. Điều này có thể thấy rất rõ thông qua những biến động kinh tế trong thực tiễn.

Đó là chính là lý do mà các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao, sử dụng nhiều máy móc và ít nhân công, thường hay tìm các thúc đẩy việc gia tăng tiền lương phổ biến ở mức độ nhất định trong thời kỳ mà họ tìm cách thâu tóm thị trường. Để làm được điều đó, họ sẵn sàng chấp nhận cho công đoàn của công nhân hoạt động trong phạm vi được kiểm soát. Công đoàn là tổ chức bảo vệ cho quyền lợi của người công nhân, chống lại giới chủ, nhưng để tồn tại trong xã hội tư bản thì nó cũng phải thích nghi với việc bị nhà tư bản lợi dụng để cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, công đoàn không phải là thứ triệt để cách mạng và rất dễ lung lay. 

Nếu ai đó hỏi một người vô sản rằng: Tại sao công đoàn không phát động đình công đòi tăng lương, gia tăng quyền lợi cho công nhân? 

Người vô sản sẽ trả lời: Công đoàn sẽ phát động đình công khi nào người công nhân muốn chứ không phải là khi ông chủ doanh nghiệp muốn.   

Nhiều người cho rằng khi Việt Nam hội nhập quốc tế thì công đoàn cũng cần phải được tự do hoạt động để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Khi tự do, không có đảng Cộng Sản, tức là đảng của những người vô sản, dẫn dắt thì công đoàn sẽ trở thành vô chính phủ, nó sẽ dễ dàng bán mình cho doanh nghiệp và trở thành kẻ đánh thuê cho doanh nghiệp. Thay vì bảo vệ quyền lợi của công nhân thì lúc ấy công đoàn sẽ bảo vệ quyền lợi của giới chủ doanh nghiệp. Công đoàn lúc ấy sẽ trở thành công cụ trong tay các nhà tư bản quốc tế để đè bẹp các doanh nghiệp Việt Nam và thâu tóm thị trường Việt Nam cho họ. Quyền lợi của một bộ phận công nhân này sẽ phải đánh đổi bằng sự thất nghiệp, đói nghèo của một bộ phận công nhân khác. Cuối cùng, toàn bộ giai cấp vô sản sẽ phải trả giá cho điều đó.

Chủ nghĩa tư bản luôn luôn muốn tự do cạnh tranh, người vô sản chỉ có một vũ khí duy nhất để chống lại chủ nghĩa tư bản, đó là sự đoàn kết. Sự đoàn kết ấy không chỉ là lý trí mà nó còn bắt nguồn từ quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản.

11 comments:

  1. Hồi em mới lò dò đọc tài liệu, thì thấy câu: Công đoàn là trường học của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng sau này thì lại thấy nhiều người chỉ trích cái gọi là "trade unionism", không biết nên dịch thế nào, và em cũng không rõ nghĩa là như thế nào? Phải chăng từ đó muốn nói tới hoạt động của công nhân chỉ đấu tranh cho cái trước mắt như tăng lương, giảm giờ v.v. mà không đặt vấn đề lật đổ CNTB, thiết lập CNXH?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vào giai đoạn ban đầu khi chưa có Đảng Cộng Sản thì công đoàn là tổ chức của công nhân để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng sau này khi chủ nghĩa tư bản cũng như phong trào công nhân đã phát triển, Marx và Lenin đã chỉ ra rằng công đoàn cũng có thể thích nghi với chủ nghĩa tư bản. Nó từ bỏ tính cách mạng, không đặt vấn đề lật đổ chủ nghĩa tư bản nữa mà chỉ chú trọng đến việc đấu tranh cho lợi ích trước mắt nhờ vào mâu thuẫn phát sinh trong việc cạnh tranh giữa tư bản lớn và nhỏ. Khi từ bỏ mục tiêu cách mạng thì công đoàn sẽ trở thành sự cản trở đối với phong trào công nhân, ở một số nơi công đoàn cấu kết chặt chẽ với giới chủ để kiểm soát công nhân.

      Do vậy, công đoàn mà không đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản thì sẽ có khuynh hướng thỏa hiệp với giới chủ doanh nghiệp, thậm chí có thể ngả theo cánh hữu và phản bội công nhân. Trường hợp điển hình là Công Đoàn Đoàn Kết của Ba Lan.

      Từ "trade unionism" hay syndicalism dịch ra tiếng Việt là "chủ nghĩa công liên". Những người vô sản không bao giờ áp dụng khái niệm một cách trừu tượng chung chung mà luôn bắt nguồn từ hoàn cảnh lịch sử cụ thể để xem xét khái niệm đó.

      Delete
    2. Vâng ạ, cám ơn anh đã nhắc nhở đoạn cuối.

      Em cũng nghi ngờ là nếu thiếu một Đảng Marx-Lenin (tức là phải thông qua nguyên tắc tập trung dân chủ), thì khó có phong trào công nhân nào bền vững được và chống lại phần tử cơ hội.

      Delete
  2. Em thấy trong cả 2 trường hợp tăng lương và không tăng lương thì người lao động đều là người chịu thiệt. Chính mau thuẫn nội tại của CNTB khiến cho ta phải đánh đổ nó :( .

    ReplyDelete
  3. vậy bác HSCL cho mình hỏi, khi công đoàn hỗ trợ cho công nhân tăng lương, mang lại lợi ích cho chủ doanh nghiệp có tính hữu cơ cao. Thì bản thân người công nhân thấy được lợi ích và luôn nghe theo Công Đoàn từ đó. Thế thì đấu tranh giai cấp sẽ còn tồn tại được hay không? Khi mà công nhân đã thỏa mãn với những gì họ nhận được? Ở Vn, khi mà công nhận được thỏa mãn rồi, khuyến khích họ đứng lên làm CM chắc khó...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Một bộ phận công nhân có lợi thôi, các nhà tư bản sử dụng cấu tạo hữu cơ thấp sẽ bị phá sản, công nhân của họ bị thất nghiệp. Thu nhập tăng lên của bộ phận công nhân kia sẽ bị đánh thuế cao lên để lấy tiền trợ cấp cho những người thất nghiệp. Hơn nữa những người thất nghiệp sẽ sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn để kiếm việc làm, do vậy tạo sức ép lên những người đang làm việc, điều này khiến lương lại có khuynh hướng giảm xuống.

      Đấu tranh giai cấp sẽ luôn tồn tại và nó tồn tại với tư cách là sự đối kháng giữa hai giai cấp, do vậy khi phải đối mặt với toàn bộ giai cấp tư sản thì người vô sản chỉ có cách duy nhất là tập hợp thành một hệ thống. Khi đã thành một hệ thống và hệ thống đó là cách duy nhất để chống lại giai cấp tư sản thì người công nhân sẽ sẵn sàng hy sinh những quyền lợi cá biệt vì hệ thống ấy, ví dụ vấn đề lương.

      Nếu bạn tham gia hay được chứng kiến các phong trào công nhân lớn thì sẽ hiểu rõ quá trình ấy, mọi thứ đều bắt đầu bằng quyền lợi cá nhân, đi đến quyền lợi tập thể và cuối cùng là lợi ích giai cấp.

      Ở Việt Nam thì công nhân đang nắm chính quyền, họ không cần phải làm cách mạng để giành chính quyền mà họ cần làm cuộc cách mạng trong quan hệ sản xuất để xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất như Marx đã nói. Chính quyền chỉ là công cụ để thực hiện điều đó. Giai cấp tư sản đang trỗi dậy, muốn nắm lấy chính quyền để thiết lập chế độ tư bản, do vậy các đại biểu tư sản một mặt sẽ thỏa hiệp với công nhân về lợi ích, mặt khác lại xúi giục công nhân chống lại chính quyền, đó chính là lý do họ đòi công đoàn độc lập. Công đoàn độc lập có nghĩa là độc lập với chính quyền nhưng phụ thuộc vào túi tiền của các nhà tư bản.

      Những người vô sản không ngây thơ, cuộc sống thực tiễn luôn dạy cho họ những bài học đắt giá bằng cái đói, sắt và cả máu. Tính cách mạng nằm trong quy luật chi phối đời sống của họ. Ý thức của giai cấp công nhân không hình thành từ ý thức của các cá nhân đơn lẻ mà hình thành từ sự đấu tranh có tổ chức mang tính giai cấp.

      Delete
    2. Cảm ơn bác rất nhiều ạ. :) Khai sáng được nhiều thứ quá. hihi

      Delete
    3. Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa, hay quá!

      Delete
    4. Anh ơi, nhưng nếu trong thực tiễn, Công đoàn có sự điều hành của Đảng viên mà vẫn thông đồng với giới chủ, không bảo vệ quyền lợi công nhân thì người công nhân họ sẽ hiểu rằng đến Đảng Cộng sản còn không bảo vệ họ thì họ sẽ tìm đến những tổ chức khác đúng không anh?

      Delete
    5. Không, trên thực tế thì công nhân họ sẽ tìm cách thay những lãnh đạo công đoàn đó bằng người của họ. Nếu mâu thuẫn tiếp tục sâu sắc thì họ sẽ ly khai và tạo ra tổ chức lãnh đạo của mình. Khi giai cấp công nhân đã trưởng thành thì họ hiểu rõ rằng không có tổ chức nào khác có thể bảo vệ quyền lợi cho họ hết. Nhưng bạn phải hiểu rằng khi mâu thuẫn đạt đến mức đó thì không phải là vấn đề lợi ích đơn thuần mà là một vấn đề chính trị lớn hơn nhiều và công nhân nhận thấy rằng có thể giải quyết vấn đề theo cách đó.

      Delete
  4. Doan nghiệp sử dụng ít nhân công nhất, tỷ suất hữu cơ cao nhất là FED.

    ReplyDelete