Wednesday, August 24, 2016

Bàn về bản chất của tham nhũng

Từ khi nhà nước hình thành thì một bộ phận dân cư đã tách ra, chuyên làm công việc hành chính. Những người này ban đầu đều là nô lệ hoặc gia nhân của vua chúa, từ “civil servant” (công chức) bắt nguồn từ hiện thực đó. Trước kia, vua chúa đều dùng nô lệ hoặc gia nhân của họ để thực thi các chức năng hành chính thay cho họ mà không dùng quý tộc hay người tự do vì những người đó độc lập và là đối tượng thường có xung đột quyền lợi với vua chúa.

Do vậy, công chức mang trong mình một mâu thuẫn sâu sắc. Một mặt, họ là nô lệ hay gia nhân, tức là mang địa vị thấp kém hơn thường dân hay quý tộc, nói theo ngôn ngữ hiện đại thì họ là đầy tớ của nhân dân. Mặt khác, họ đảm nhiệm chức năng hành chính, được vua chúa trao quyền lực, do vậy họ có quyền lực rất lớn đối với cả thường dân lẫn quý tộc. Địa vị thấp kém khiến họ không được coi trọng song quyền lực của họ lại bao trùm lợi ích của dân thường, điều này tạo ra thái độ thù ghét công chức của thường dân.

Tuy công chức đảm nhiệm chức năng hành chính nhưng những chức năng này hình thành từ việc được vua chúa trao quyền, do vậy vua chúa cũng đặt ra các cơ chế để kiểm soát quyền lực được trao cho công chức. Công chức chịu trách nhiệm về quyền lực trước vua chúa, người đứng đầu nhà nước, cũng như các nguyên tắc nhà nước đã được xác định chứ không chịu trách nhiệm về quyền lực đó trước dân thường. Dân thường không trực tiếp trao quyền lực cho công chức. Điều đó cũng đúng với nhà nước hiện đại, cho dù là nhiều vị trí công chức cấp cao cũng được bầu cử như chức vụ chính trị thì việc đó cũng không thay đổi nhiều. Điều này tạo ra cho công chức một sự độc lập tương đối trong việc thực thi pháp luật đối với dân thường. Sự độc lập đó là cơ sở cho sự quan liêu cũng như sự thân thiện đối với dân thường của công chức tồn tại. Ví dụ, công chức cần phải tuân thủ một thủ tục hành chính xác định thì họ sẽ phải thực thi đúng như vậy, bất kể là điều đó có khả thi đối với dân thường hay không. Ngược lại, nếu thủ tục hành chính đó chưa bao quát hết các lợi ích của thường dân thì họ cũng có thể lựa chọn những điều có lợi cho thường dân mà không bị coi là vi phạm luật.

Sự độc lập của giới công chức đối với dân thường là cơ sở để duy trì quyền lực nhà nước và do đó cũng tạo ra những khoảng trống để giới công chức làm giàu và có mức sống khá hơn người lao động nói chung. Đây cũng chính là cơ sở để nạn tham nhũng của công chức tồn tại. Phạm vi và nội dung của tham nhũng nói chung rộng hơn khái niệm ăn cắp của công hạn hẹp theo cách nhìn thông thường, nó bao gồm các hành vi như tham ô, hối lộ, hối lộ chính trị, mua bán chức quyền hay bổ nhiệm người thân… và nhìn chung không phải khi nào cũng là ăn cắp của công hoặc làm thiệt hại đến tài sản công nhằm mục đích tư lợi. Trong chế độ tư hữu thì ăn cắp bị coi là hành vi tội ác xấu xa nhưng tội ác xấu xa đó không mâu thuẫn với chế độ tư hữu, ngược lại nó lại đòi hỏi rằng chế độ tư hữu phải tồn tại, hành vi ăn cắp chỉ là thay đổi chủ sở hữu nhưng không phủ nhận hay tạo ra chế độ tư hữu. Quan điểm coi tham nhũng chỉ là hành vi ăn cắp của công đơn thuần chính là thể hiện lập trường tư sản hạn hẹp, thay vì thực sự đặt hành vi tham nhũng vào bối cảnh lịch sử cụ thể và giải quyết nó thì quan điểm tư sản hẹp hòi lại quy kết nó thành một tội lỗi của chế độ tư hữu, thực chất là ngầm thỏa hiệp với hành vi đó. Sự thỏa hiệp đó thể hiện thành quan điểm phổ thông đầy nực cười: Quan chức nào cũng ăn nhưng ở Tây thì quan chức ăn ít hơn ở ta hoặc ở Tây quan chức cũng ăn nhưng làm được việc còn quan chức ở ta ăn nhưng chỉ phá. 

Theo quan điểm nêu trên thì tham nhũng là hành vi ăn cắp của công, hay trấn lột bằng quyền lực và do đó làm nghèo đất nước. Hành vi ăn cắp không làm của cải biến mất hay tăng thêm, nó chỉ làm số của cải đó đổi chủ, số lượng của cải vẫn như vậy. Công chức ăn cắp của công sẽ làm nhà nước nghèo đi nhưng tổng số tài sản quốc gia thì vẫn không thay đổi vì của cải chỉ chuyển từ túi nhà nước sang túi tư nhân. Một phiên bản khác của lập luận này là việc ăn hối lộ (giống như phân phối thu nhập) sẽ cản trở doanh nghiệp phát triển vì làm tăng chi phí hoặc làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Song trong nền kinh tế thị trường thì lợi nhuận là thứ được tạo ra trước và sẽ quyết định mức độ phân phối lợi nhuận, người ta không thể phân phối một thứ chưa được tạo ra. Trên thực tế, tham nhũng giống như một rào cản lợi nhuận khiến cho những doanh nghiệp có lợi nhuận thấp không thể gia nhập thị trường, như vậy là đảm bảo sự độc quyền cho những doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao. Tham nhũng do đó giả định là hoạt động đầu tư tư nhân mang lại lợi nhuận cao và lợi nhuận cao đó nuôi dưỡng tham nhũng. Quan điểm coi tham nhũng là ăn chặn hay trấn lột bằng quyền lực lại vô hình chung khẳng định rằng tham nhũng sẽ nuôi dưỡng những nguồn tạo ra lợi nhuận cao. Từ đó, quan điểm này phải bố sung thêm lập luận về sự không công bằng hoặc thiếu hiệu quả, cho rằng việc tham nhũng trong cấu kết với doanh nghiệp sẽ dẫn đến các dịch vụ công hay cơ sở hạ tầng kém chất lượng hoặc sự bất bình đẳng về thu nhập. Câu chuyện được kể đơn giản là quan chức ăn hối lộ của doanh nghiệp và doanh nghiệp ăn bớt tiền xây dựng công trình công cộng khiến công trình này chóng hư hỏng. Việc này có thể diễn ra một cách đơn lẻ nhưng nếu nó diễn ra phổ biến thì chính công chức nhà nước và doanh nghiệp gặp rắc rối lớn, họ sẽ phải tốn tiền sửa chữa các công trình đó vì chính công trình công cộng là một phần trong quyền lực của giới công chức. 

Nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước không phải là đặc trưng của chế độ đa đảng hay độc đảng, cũng như bất kỳ hình thái chính trị nào, chừng nào mà vẫn còn một bộ phận dân cư chỉ chuyên làm công việc nhà nước. Lập luận tư sản phổ biến cho rằng nếu có nhiều đảng phái giám sát lẫn nhau thì công chức nhà nước sẽ phải cẩn trọng, không dám tham nhũng. Luận điểm này ngầm giả định rằng các đảng phải sẽ cạnh tranh nhau để giành quyền lực do đó sẽ kiểm soát công chức chặt chẽ hơn và sẽ giảm được tham nhũng. Song điều đó không có nghĩa là sự kiểm soát ấy sẽ phù hợp với lợi ích của toàn bộ dân chúng, trên thực tế nó không bao giờ phù hợp vì trong một xã hội có các giai cấp mâu thuẫn nhau thì những điều kiện để hình thành nguyên tắc quản lý nhà nước bao giờ cũng là lợi ích của giai cấp thống trị và do vậy nó luôn trái ngược với lợi ích của giai cấp bị thống trị. Cuối thời kỳ trung cổ, bất chấp những nỗ lực kiểm soát chặt chẽ của giới quý tộc nắm chính quyền, giới công chức đã bị giai cấp tư sản đang lên mua chuộc. Điều này một phần ảnh hưởng trở lại giới quý tộc, khi thất bại trong việc kiểm soát bằng luật pháp hay vũ lực thì họ cũng cố gắng dùng tiền để gây ảnh hưởng với giới công chức. Do vậy vào thời kỳ bình minh của chế độ tư bản, người ta được chứng kiến một thời kỳ mà giới công chức tham nhũng kinh khủng, trong khi các đảng phái mải mê đấu đá tranh giành quyền lực ở nghị viện. Họ thường xuyên lên án nhau về tham nhũng nhưng cũng không hề đỏ mặt khi phải dùng tiền để mua chuộc các công chức cũng như các nghị sĩ đảng phái khác. Chế độ đa nguyên đa đảng đã bắt đầu bằng sự tham nhũng kinh hoàng như vậy, nó chỉ giảm bớt đi khi mà giai cấp quý tộc hoàn toàn thất bại và biến mất khỏi lịch sử. 

Lập luận phổ biến thứ hai về tham nhũng là tiền lương thấp nên công chức buộc phải tham nhũng để sống. Lập luận này giả định rằng nếu có tiền lương đủ cao thì công chức sẽ không có động cơ tham nhũng hoặc nói theo kiểu hiện đại hơn thì tiền lương cao sẽ khiến cho chi phí mất việc của công chức cao hơn lợi ích thu được từ tham nhũng. Lập luận này là một câu chuyện khôi hài khó tin. Bạn ra đường gặp một kẻ trấn lột và trả tiền cho hắn để khỏi bị trấn lột? Tức là đằng nào bạn cũng sẽ bị trấn lột, hoặc là bí mật hoặc là công khai. Lập luận này bắt nguồn từ thực tế là tại một số quốc gia như Pháp và Singapore thì một bộ phận của giai cấp tư sản trực tiếp nắm lấy các vị trí hành chính và chính trị, thu nhập của họ được phân chia thông qua hệ thống lương bổng thay vì dựa vào lợi nhuận từ kinh doanh của bản thân, do vậy các hành vi tham nhũng để tư lợi cá nhân được hạn chế. Song tại chính những quốc gia đó thì nạn mua quan bán chức và bổ nhiệm người thân quen vào các chức vụ béo bở lại không có cách nào giải quyết được. Quan điểm này lảng tránh nguồn gốc của sự tham nhũng là quyền lực độc lập tương đối của công chức, do vậy thực chất quan điểm này bảo vệ cho tầng lớp công chức, gia tăng các đặc quyền đặc lợi của họ. 

Một phiên bản phụ của lập luận tiền lương là lập luận về nạn mua quan bán chức quyền. Quan điểm này cho rằng do nạn mua quan bán chức hoành hành nên những người mua chức quyền phải tham ô hay ăn hối lộ để kiếm tiền bù đắp lại chi phí mua chức quyền. Dưới chế độ phong kiến ở phương Đông, các gia đình thường dân giàu có thường hay mua những chức quan nhỏ để tránh phải làm các công việc phu phen tạp dịch của thường dân. Một ví dụ khác trong thời cận đại là vua Pháp bán các chức quan cho giới tư sản để lấy tiền chi tiêu cho chiến tranh với giới quý tộc. Song điều đó không có nghĩa là những người đó sẽ kiếm được tiền từ chức vụ của mình, ngược lại chức vụ đó chỉ như là sự bảo đảm cho nguồn thu nhập sẵn có của họ. Việc mua bán chức quyền thể hiện rằng những đặc quyền của giới công chức không còn có ích gì để giúp cho cuộc sống của họ khá hơn nhưng những đặc quyền đó lại cần thiết đối với những người giàu có mới nổi và có địa vị xã hội thấp kém. Lập luận này cũng đảo ngược quan hệ nhân quả giữa việc mua bán chức quyền và tham nhũng. Sở dĩ có mua bán chức quyền là vì tham nhũng đã tồn tại và hứa hẹn sẽ đem lại lợi nhuận, tức tham nhũng quyết định việc mua bán chức quyền chứ không phải ngược lại. 

Lập luận phổ biến thứ ba là vô đạo đức dẫn đến tham nhũng. Người ta cho rằng tham nhũng là do công chức vô đạo đức. Đạo đức là một lĩnh vực đầy mâu thuẫn. Một người cha tốt, nuôi dạy con cái chu đáo, chăm lo cha mẹ tử tế, có tình nghĩa với anh em bạn bè không có nghĩa là ông ta không tham nhũng. Một công chức thanh liêm có thể không nhận hối lộ nhưng sẽ lại luôn sẵn sàng đưa hối lộ để làm được việc. Như đã nói ở trên về việc ăn cắp của công, việc ăn cắp là một hành vi vô đạo đức đối với chế độ tư hữu song nó giả định là chế độ tư hữu phải tồn tại, do vậy đạo đức luôn là đạo đức của một chế độ kinh tế nhất định chứ không phải là phổ quát, khi một chế độ kinh tế khác nảy sinh thì tất yếu sẽ nảy sinh những đạo đức phù hợp với nó. Dưới chế độ phong kiến, khi mà quyền lợi của giai cấp quý tộc là duy trì các đảm phụ phong kiến đối nông dân thì đạo đức là phải duy trì những đảm phụ đó một cách ôn hòa, nhưng khi chế độ tư bản xuất hiện, đồng tiền là thước đo của mọi giá trị thì đạo đức của giai cấp quý tộc buộc họ phải tìm mọi cách bóp nặn nông dân đến đồng xu cuối cùng. Sự vô đạo đức không phá hoại chế độ kinh tế sinh ra nó mà ngược lại là một phần của chế độ đó. Sự độc lập tương đối của tầng lớp công chức khiến họ có thể ngả theo những giai cấp mạnh hơn trong xã hội và do đó có thể áp dụng các tiêu chuẩn về đạo đức khác nhau cho cùng một hành vi. Một phiên bản của lập luận về đạo đức là công tác cán bộ. Lập luận này cho rằng tham nhũng là do công tác tuyển chọn công chức yếu kém, tức là để cho những người vô đạo đức lọt vào bộ máy công chức. 

Vấn đề tham nhũng bao giờ cũng được giới công chức quan tâm hàng đầu vì nó gắn liền với sự độc lập của họ. Thông thường dân chúng theo dõi vấn đề này vì mang sẵn thái độ không mấy thiện cảm với giới công chức hơn là về những hệ quả của nó. Nhà nước Việt Nam vốn là nhà nước của giai cấp lao động, giai cấp tư sản không được tham gia nắm quyền chính trị, song giai cấp tư sản đang dần dần mạnh lên về kinh tế. Trước tình hình đó tầng lớp công chức bắt đầu lung lay, một phần đã ngả theo giai cấp tư sản. Sự chia rẽ của tầng lớp công chức đến từ nhiều nguồn khác nhau. Việc bắt tay với giai cấp tư sản để kinh doanh đã giúp một bộ phận công chức, thường là cấp cao, trở nên giàu có và trở thành tư sản. Chế độ thi tuyển công chức cũng mở đường cho con cái của các gia đình giàu có (với đặc quyền tiếp cận giáo dục nhờ vào tiền bạc) trở thành công chức nhà nước. Mâu thuẫn giữa tầng lớp công chức cũ xuất thân từ các tầng lớp lao động và tầng lớp công chức mới dần dần trở nên gay gắt. Một trong những biểu hiện của mâu thuẫn đó chính là vấn đề tham nhũng.

Thành phần cực đoan nhất trong vấn đề tham nhũng thường là tầng lớp công chức bậc trung và thấp có xuất thân tiểu tư sản hoặc trí thức không mấy giàu có. Địa vị xã hội của những người này vốn chủ yếu vào các đặc quyền của giới công chức, song các đặc quyền này dần dần mất giá trị trước sự biến đổi của chế độ kinh tế, họ cũng không thể cạnh tranh được trong việc thăng tiến với tầng lớp công chức mới có xuất thân từ các gia đình giàu có (có mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp và được hưởng giáo dục tốt hơn). Sự giàu có và quyền lực của bộ phận công chức mới cũng như sự suy yếu của bản thân được gán cho tham nhũng và cuộc chiến chống lại tham nhũng trở thành biện pháp cốt yếu để củng cố địa vị công chức của họ. Việc chống tham nhũng của họ không thể không dựa trên đạo đức và các giá trị truyền thống. Ngược lại, đối với bộ phận công chức mới thì các tiêu chuẩn đạo đức của họ hoàn toàn khác, họ chống lại những thứ đặc quyền đặc lợi nhỏ nhặt, những thứ thủ tục phân tán chồng chất cản trở việc kinh doanh và tìm cách mở cửa những vị trí công chức cấp cao cho bản thân.

9 comments:

  1. Anh ơi cho em hỏi là những vấn đề liên quan tới tham nhũng tại các nước tư bản chủ nghĩa thời kỳ đầu thì có thể tham khảo ở đâu ạ ? Em cảm ơn . :D

    ReplyDelete
  2. Ví dụ về tham nhũng trong suốt lịch sử của Nhật Bản thì tôi đã dịch một cuốn sách và đăng trên blog này, còn về những nước tư bản phát triển khác thì bạn có thể đọc ở cuốn "The History of Corruption in Central Government" của Seppo Tiihonen.

    Trong chương 1 ở cuốn của Seppo Tiihonen có nói rằng, trước những năm 90 của thế kỷ trước người ta không mấy quan tâm đến tham nhũng, việc nghiên cứu về tham nhũng cũng không mấy được chú ý, chỉ sau khi các tổ chức quốc tế (như IMF và WB) trở nên mạnh thì vấn đề tham nhũng mới trở thành vấn đề chính trị quốc tế và được nghiên cứu rộng rãi. Do vậy, phần lớn các sách bàn luận về tham nhũng đều được viết sau những năm 1990 và rất ít sách nghiên cứu chi tiết về lịch sử của tham nhũng.

    Một kết luận đáng chú ý trong trường hợp của nước Mỹ là tác giả cho rằng giai đoạn đầu thì nước Mỹ đã hợp pháp hóa tham nhũng khi sự tham gia của dân chúng vào chính quyền và chính trị là lớn, sau này khi tham nhũng giảm đi thì đồng thời sự tham gia của dân chúng cũng suy giảm. Điều này trái ngược với nhận thức phổ thông là tham nhũng làm suy yếu chính quyền, ngược lại là chính quyền nước Mỹ đã được xây dựng dựa trên sự tham nhũng có hệ thống và đã trở nên hùng mạnh, nó không hề bị suy yếu hay sụp đổ. Nó cũng trái ngược lại với lập luận cho rằng tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển kinh tế của một quốc gia, như các học giả sau này thường nói về trường hợp các nước đang phát triển ở Châu Á và Châu Phi.

    ReplyDelete
  3. Tham nhũng sẽ chỉ cản trở sự phát triển của kinh tế quốc gia khi các nước bên ngoài có khả năng tiếp cận thị trường quốc gia, hay nói cách khác là nước đấy bị mở cửa và xung quanh toàn là những nước có tỷ suất lợi nhuận cao.

    Ngược lại, đối với nước Mỹ thời đó, khoảng cách địa lý xa, những tàn tích phong kiến là không tồn tại, cơ chế tham nhũng vô hình chung lại là rào cản bảo vệ nền kinh tế quốc dân của Mỹ. Cho đến ngày nay, điều này vẫn còn được vận dụng, ví dụ khi có đối thủ cạnh tranh là họ có thể lobby giới nghị sĩ để ra luật chống bán phá ra ngay.

    ReplyDelete
  4. Em vẫn chưa hiểu lắm về việc tại sao tham nhũng chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế chỉ khi các nước khác có khả năng tiếp cận thị trường quốc gia ạ ... Anh giải thích giúp em với.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ở trên bạn Noob giải thích rồi còn gì. Hàng hóa nước ngoài tràn vào, có giá cả rẻ hơn và chất lượng tốt hơn do cơ cấu hữu cơ (C/V) của họ cao hơn; như vậy kiểu gì cũng đánh hỏng các ngành công nghiệp tương ứng của nước bản địa.

      Hai là từ đó giai cấp tư sản quốc tế thao túng chính trị bản địa.

      Delete
  5. Em vừa đọc về sự sụp đổ của Liên Xô, trong đó đề cập tới chuyện là trong một khoảng thời gian trước sụp đổ thì có nhắc tới những vấn đề như tham nhũng, nhà ở chất lượng kém, ma túy, nghiện rượu, chênh lệch thu nhập ... xảy ra thường xuyên trong xã hội Liên Xô cũ. Em không chắc những cái này có đúng hay không, vì Liên Xô kiểm soát đời sống và xã hội rất chặt chẽ, vả lại họ không công nhận quyền tư hữu nên em đặc biệt nghi ngờ về vấn đề tham nhũng và ma túy nhưng lại không biết phải nói thế nào... Nên em xin mạn phép hỏi anh về tài liệu nghiên cứu một cách chính thống xoay quanh những vấn đề xã hội của Liên Xô cũ ạ. Em không tin lắm về truyền thông phương Tây, lại sợ bị ngộ độc lá ngón ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn bị lạc hướng do chưa nắm rõ vấn đề đấu tranh giai cấp. Lịch sử cho thấy không có hình thái tổ chức xã hội nào sụp đổ vì những bệnh tật của nó cả, khi nó suy yếu thì tất có nhiều bệnh tật phát sinh. Mặt khác, khi Liên Xô sụp đổ thì những vấn đề xã hội của Liên Xô đều không phải là nghiêm trọng, thập chí chẳng ăn thua gì so với các nước tư bản cùng thời.

      Một hình thái tổ chức xã hội chỉ sụp đổ khi có một lực lượng mới đã phát triển hoàn chỉnh trong bản thân nó và đủ sức tạo dựng một hình thái tổ chức xã hội mới nằm dưới sự kiểm soát của nó. Do vậy, mấu chốt ở đây là bạn phải tìm hiểu xem giai cấp tư sản đã hình thành, phát triển và nắm được quyền thống trị xã hội Liên Bang Xô Viết ra sao.

      Tôi không nghiên cứu về chủ đề này nhiều nên cũng không có tài liệu. Hơn nữa, vấn đề không phải là cái nào chính thống mà là bạn muốn đi đến đâu, cái đích của bạn sẽ quyết định tài liệu mà bạn dùng, hay nói cách khác, bạn phải tự tạo ra sự chính thống cho bản thân mình.

      Delete
    2. @Bảo: dựa vào bình luận của anh Nỡm thì mình nghĩ bài viết Cộng sản Mỹ nghĩ về chủ nghĩa xã hội hiện thực Việt Nam mà mình dịch có tài liệu đấy. Hoặc trên báo nhân dân có 7 kỳ về tại sao Liên Xô sụp đổ. Đọc hết chỗ ý cũng hiểu hơn nhiều.

      Delete