Thursday, March 10, 2016

Bóc mẽ các huyền thoại chống phúc lợi xã hội

Bài A Citizen’s Guide to Combating Election Propaganda: Debunking Anti-Welfare Myths của Anthony DiMaggio có hai khía cạnh đáng chú ý, thứ nhất là ngay cả khi nhận trợ cấp xã hội thì người nghèo vẫn cứ nghèo, thứ hai là người nghèo thực sự không lười biếng và nghiện ngập như truyền thông vẫn rêu rao. Điểm sau có thể liên hệ với Việt Nam, khi mà phong trào bôi nhọ người nghèo là lười biếng, ngu dốt, nghiện ngập đang ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí còn trở thành mốt để câu view trên mạng xã hội của một số người. 

Một hướng dẫn chống lại tuyên truyền bầu cử cho công dân: Bóc mẽ các huyền thoại chống phúc lợi xã hội 

Sự thành công của giới thượng lưu kinh tế và chính trị trong việc tạo ra sự ngu dốt phổ biến trở thành thứ cản trở lớn nhất đối với sự trao quyền dân chủ hiện nay. Xúi giục sự sợ hãi và khinh bỉ đối với “người khác” – bao gồm cả người thiểu số và người nghèo, là chiến thuật phổ biến được áp dụng trong bầu cử để thu được sự ủng hộ của cử tri. Đó là mục đích của việc xúi giục sự ngạo mạn – như được thấy trong việc bôi nhọ người nghèo và trong sự tán dương những người ‘làm việc’ trái ngược với những người (được cho là) “không làm việc”. Không may thay, hàng sa số người Mỹ trở thành nạn nhân của kỹ thuật chia rẽ và chinh phục mà giới thượng lưu sử dụng. Mục đích trước mắt phải là tạo ra các công dân có tư duy phê phán, để quần chúng không dễ dàng “chấp nhận những gì họ nghe thấy” mỗi bốn năm từ những bộ mặt xinh đẹp đang tranh cử. Những điều viết dưới đây là một chỉ dẫn cho độc giả để giúp họ đối thoại với bạn bè, hàng xóm, người quen và gia đình, để chống sự tuyên truyền phát xít, phân biệt thường xuyên được áp dụng chống lại các nhóm bất lợi ở Hoa Kỳ.

Ở đây, tôi tập trung vào các mẫu rập khuôn chống phúc lợi được các ứng cử viên chủ chốt của năm nay sử dụng. Donald Trump và Tech Cruz, bên cạnh đó là Hillary Clinton, dựa vào các mẫu rập khuôn cũ kỹ, bôi nhọ người nghèo nhằm cắt giảm chi tiêu phúc lợi xã hội. Hình mẫu của Clinton bắt nguồn từ những năm 1990, khi bà ta và chồng thành công với Luật Điều Hòa Trách Nhiệm Cá Nhân và Cơ Hội Nghề Nghiệp (PRWORA), xóa bỏ chương trình trợ cấp của chính quyền quốc gia cho các gia đình có trẻ em phụ thuộc (một sáng kiến chống nghèo khổ thành công bắt nguồn từ Đại Khủng Hoảng). Sự ủng hộ của Clinton đối với PRWORA được biện minh bằng giả định là người nghèo tìm cách hưởng lợi miễn phí từ hệ thống phúc lợi và từ chối làm việc, so với hầu hết người Mỹ đang kiếm sống bằng cách làm việc chăm chỉ và hy sinh.

Cruz và Trump tiếp tục sự đả kích của Clinton đối với người nghèo. Cruz đả kích chương trình phiếu thực phẩm (Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung,hay SNAP) cho “hàng triệu người mắc kẹt trong sự phụ thuộc dài hạn”, đồng thời Trump lên án các chương trình phúc lợi tạo ra “phần thưởng” cho bộ phận người nghèo “không làm việc”. Trump nhắc lại phát biểu cũ của Romney trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2012, cho rằng “chúng ta có một xã hội ăn không ngồi rồi. 50% không thể cáng đáng, và thật bất công đối với họ, nhưng không thể cáng đáng cả 50% còn lại.”

Từ lâu tôi đã thất vọng về “kiến thức phổ thông” liên quan tới các chương trình phúc lợi của Hoa Kỳ. Nhiều người bảo thủ mà tôi biết chấp nhận “kiến thức” này chỉ bởi vì họ nghe được từ bố mẹ, bạn bè và giới thượng lưu chính trị, mà không hề xem xét các bằng chứng thực tế. Sự rối loạn nhận thức là vấn đề chủ chốt, công dân ngày càng bám chặt lấy niềm tin của họ khi đối mặt với các bằng chứng hiển nhiên phủ nhận những định kiến có sẵn của họ. 

Về mặt lịch sử thì Hoa Kỳ là nước ít giảm thuế và chi tiêu cho tất cả các loại chương trình xã hội nhất trong số các quốc gia giàu có, mặc dù người ta sẽ khó có thể biết được điều này khi xem truyền thông đại chúng và bình luận chính trị. Thế còn bao nhiêu khẳng định chống phúc lợi được đưa ra trong các bài diễn văn ở Hoa Kỳ thì sao? Tôi sẽ liệt kê chúng ở dưới, giúp các bạn thấy rằng hầu hết những gì mà giới thượng lưu chính trị nói với bạn về người hưởng phúc lợi đều sai.

Huyền thoại “người hưởng phúc lợi lái xe Cadillac và ăn tôm hùm” 

Những khẳng định này phổ biến từ thời Reagan. Chúng ta được nghe rằng, những người hưởng phúc lợi đã khéo léo thao túng hệ thống và có nhiều tiền tới mức họ có thể đi xe Cadillac Escalades cũng như mua bít tết và tôm hùm, trong khi người lao động Mỹ bình thường phải nỗ lực và tránh những chi tiêu xa hoa. 

Trên thực tế, hầu hết người nghèo Mỹ đều nỗ lực để được ăn tốt hơn và có được phương tiện đi lại cơ bản. Liên quan đến tiêu thụ thực phẩm, mối liên hệ mạnh giữa nghèo khổ và béo phì ở Hoa Kỳ đã được biết rõ, người nghèo Mỹ không đủ khả năng mua các thức phẩm lành mạnh như trái cây và rau cỏ. Để so sánh, thực phẩm chế biến sẵn, thường xuyên là các sản phẩm làm từ ngô được trợ cấp của chính quyền, rất rẻ và được người nghèo tiêu thụ nhiều. Theo dữ liệu gần đây của American Journal of Clinical Nutrition, 1 dollar có thể mua 1.200 calorie của khoai tây chiên hoặc 875 calorie của soda, nhưng chỉ mua được 250 calorie của rau cỏ hoặc 170 calorie của hoa quả tươi. Cũng cần phải thấy là những bang nghèo nhất của Hoa Kỳ là những bang có nhiều người béo phì nhất. Theo bản tin của CNN, “5 bang nghèo nhất cũng nằm trong số 10 bang có nhiều người béo nhất, 8 trong số 10 bang nghèo nhất cũng nằm trong số 10 bang có tuổi thọ thấp nhất.” Ở Hoa Kỳ, số người trung bình trong một gia đình thuộc nhóm 20% nghèo nhất theo phân phối thu nhập chỉ nhận được 3,33 dollar một ngày từ chương trình SNAP để chi trả cho thực phẩm. Sự trợ cấp nghèo nàn này có nghĩa là người nghèo Mỹ bị buộc phải “co kéo chi tiêu”, thường xuyên sử dụng thực phẩm giá rẻ, nhiều muối và chất béo.

Về phương tiện đi lại, người hưởng phúc lợi hiếm khi phù hợp với định nghĩa giàu có của giới thượng lưu đi xe Cadillac. Người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy người hưởng phúc lợi xã hội vẫn tiếp tục lái chiếc xe trông có vẻ đắt đỏ còn lại từ trước khi họ mất việc. Nhiều người Mỹ đã rớt nhanh từ sự giàu có xuống thất nghiệp sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Nhìn chung, người hưởng phúc lợi ít sở hữu xe hơi hơn những người không hưởng phúc lợi. Trong khi chỉ có 3% số hộ gia đình không hưởng phúc lợi không có xe hơi thì số lượng những người hưởng phúc lợi không có xe hơi chiếm gần một phần tư. Hộ gia đình trung bình hưởng phúc lợi xã hội có một xe hơi trong khi hộ gia đình trung bình không hưởng phúc lợi xã hội sở hữu hai chiếc. 

Các nghiên cứu trước đây cho biết đi lại là vấn đề của người hưởng phúc lợi xã hội. Ví dụ, một nghiên cứu của Minnesota cho biết 85% số người hưởng phúc lợi xã hội của bang coi đi lại là “vấn đề lớn” hoặc “một dạng vấn đề” khi muốn giữ việc làm. Các nghiên cứu ở Illinois và New Jersey cho biết khoảng ¼ số cư dân của bang nói vấn đề đi lại cản trở khả năng làm việc của họ. Số lượng còn cao hơn trong các nghiên cứu của Missouri và Utah, 57% và 55% số người nói rằng đi là “rào cản đối với việc làm”. Thực trạng của việc làm ở Hoa Kỳ là chúng ta có nền văn hóa lấy xe hơi làm trung tâm. Để nắm lấy một cơ hội việc làm, người ta cần có tiền cho việc đi lại. Nhiều người nghèo Mỹ đã cảm thấy sự khó khăn trong nền văn hóa xe hơi này, hoặc là không thể mua một chiếc xe hơi, hoặc là khó giữ được một chiếc xe hơi cũ kỹ. 

Huyền thoại “họ không muốn làm việc và chưa bao giờ có việc làm” 

Nhiều bạn bè, gia đình và sinh viên nói chuyện với tôi đã mặc định trong nhiều năm là phúc lợi xã hội hào phóng tới mức những người hưởng chúng không cần phải làm việc. Sự mặc định đó có thể phủ nhận bằng nhiều lý do. Thứ nhất, nếu người ta xem xét những người hưởng phúc lợi từ chương trình phúc lợi chính của nhà nước ở Hoa Kỳ - Hỗ Trợ Tạm Thời Cho Các Gia Đình Khẩn Cấp (TANF) – điều kiện về việc làm là ít nhất 30 giờ mỗi tuần cho mỗi người, hoặc 50 giờ làm việc mỗi tuần cho cả đôi, để được nhận phúc lợi. Hơn nữa, những phúc lợi này chỉ giới hạn trong 5 năm (ít hơn ở một số bang). Nói tóm lại, những người hưởng TANF không có cách nào tránh làm việc bởi tính chất cực kỳ ngắn hạn của chương trình này, cùng với các điều kiện về việc làm gắn liền trong đó. Người hưởng TANF trung bình của gia đình 3 người trong số 20% nghèo nhất Hoa Kỳ nhận được phúc lợi trung bình 42 dollar/tháng, khó có thể đủ để không phải làm việc. Sự cáo buộc rằng người nghèo được hưởng phúc lợi dồi dào tới mức họ không cần làm việc là luận điệu tuyên truyền ngớ ngẩn, ngây thơ và không có bằng chứng. Hai phần ba số người hưởng TANF tham gia chương trình ít hơn 1 năm và thời gian trung bình tham gia chương trình của người nhận phiếu thực phẩm và Mediaid là từ 1 đến 3 năm.

Huyền thoại “phúc lợi khiến người nghèo trở nên lười biếng” 

Các thống kê mới đây về người hưởng phúc lợi xã hội cho thấy đại đa số người được chia theo các nhóm nhân khẩu học cần sự trợ giúp của liên bang hay bang vì nhiều lý do rõ ràng. Đại đa số người hưởng phúc lợi không phải là những người có thể từ chối làm việc. Hơn 90% số người hưởng phúc lợi xã hội nằm trong ba nhóm sau đây. Họ là A. đang làm việc và thu nhập thấp đến mức được xếp vào nhóm “người nghèo có việc làm” và đủ điều kiện nhận trợ cấp xã hội; B. tàn phế và không có khả năng thực hiện các hoạt động nghề nghiệp như những người khỏe mạnh; hoặc C. người già và có thu nhập cố định từ lương hưu dựa trên phúc lợi 401K, An Sinh Xã Hội và các phúc lợi khác. Đại đa số những người thuộc nhóm thứ ba đã làm việc suốt thời trẻ, thế nên khẳng định về sự lười biếng là không đúng. 

Huyền thoại “họ muốn có nhiều con cái để hưởng thêm phúc lợi” 

Một trong những huyền thoại thô tục nhất chống lại những người hưởng phúc lợi xã hội là họ có nhiều con cái, để gia tăng phúc lợi và không phải làm việc. Tôi biết rất nhiều người hưởng phúc lợi (và bản thân cũng từng hưởng phúc lợi), tôi chưa từng gặp bất kỳ ai trong suốt cuộc đời mình giống như định nghĩa đó. Tuy vậy, những người phản đối phúc lợi xã hội mà tôi biết gần như là thường xuyên lặp đi lặp lại khẳng định này. Khi xem xét kỹ lưỡng về quy mô gia đình theo thu nhập, người ta có thể thấy là có ít bằng chứng về việc người nghèo Mỹ có gia đình lớn hơn. Quy mô hộ gia đình trung vị ở Hoa Kỳ là 2,54 người. 

Dữ liệu cho thấy quy mô hộ gia đình lớn hơn phổ biến nhất trong nhóm gia đình có thu nhập cao hơn, ba nhóm với tỷ lệ lớn nhất của gia đình có nhiều hơn ba người thuộc về phần có thu nhập cao nhất. Những người kiếm được ít hơn 10.000 dollar/năm là nhóm lớn thứ tư có gia đình nhiều hơn ba người, nhưng ba nhóm có số gia đình nhiều hơn ba người nhỏ nhất nằm dưới gia đình có thu nhập trung vị quốc gia 50.000 dollar. Nói tóm lại, bằng chứng ở đây cho thấy hầu hết các cá nhân với thu nhập thấp thực sự có gia đình nhỏ hơn những người có thu nhập cao và các gia đình hưởng phúc lợi xã hội không lớn hơn gia đình không hưởng phúc lợi xã hội trung bình.

Huyền thoại “phúc lợi xã hội hào phóng nên người nghèo đã trở nên giàu có” 

Huyền thoại này quá ngớ ngẩn để thảo luận, hãy xem xét khoảng cách giữa hình tượng nữ hoàng hưởng phúc lợi lái xe Cadillac và hiện thực của người hưởng phúc lợi xã hội đang sống trong nghèo khổ. Tuy vậy, những người ủng hộ các giá trị chính trị phản động rất hay lặp lại điều này. Để điều chỉnh lại sự lệch lạc này, cần phải xem xét các thống kê sau đây. 1. Đại đa số gia đình hưởng phúc lợi – 75% - là người thuê nhà, không phải là chủ nhà. Trái lại, hơn 75% số gia đình không hưởng phúc lợi sở hữu nhà. 2. Thu nhập trung bình của những người thuộc nhóm 20% dưới cùng theo thu nhập – những người hầu như phải nhận phúc lợi – là khá thấp. Thu nhập của họ một phần thuộc về người nghèo có việc làm chỉ là 11.490 dollar/năm vào năm 2012, theo Cục Thống Kê Hoa Kỳ. Thu nhập ít ỏi của họ được bổ sung bằng phúc lợi xã hội, mặc dù những phúc lợi này cũng ít ỏi. Theo Cục Thống Kê, gia đình ba người trong nhóm 20% nghèo nhất theo thu nhập, hưởng phúc lợi từ 10 chương trình phúc lợi lớn nhất, bao gồm Medicaid, Phụ Nữ và Trẻ Em Sơ Sinh, trợ cấp nhà ở công cộng, phiếu thực phẩm, TANF, bảo hiểm y tế trẻ em nhà nước, tín dụng Thuế Thu Nhập Nhận Được, tín dụng thuế trẻ em, trợ cấp bảo hiểm y tế “Obamacare” và khấu trừ thuế phụ thuộc, trung bình chỉ là 9.000 dollar/năm, hay 3.000 dollar mỗi người. Đối với hộ gia đình ba người trong nhóm 20% thu nhập thấp nhất, tổng cộng thu nhập và phúc lợi tạo ra thu nhập bình quân chỉ là 20.490 dollar/năm. Đây là một thắng lợi vang dội của tuyền truyền về việc hộ gia đình ba người với thu nhập thấp nhờ vào phúc lợi xã hội có thể trở thành một phần của giới thượng lưu Hoa Kỳ.

Huyền thoại “người hưởng phúc lợi nghiện ngập hơn là làm việc” 

Huyền thoại này cần phải bác bỏ vĩnh viễn dựa trên dữ liệu hiện thời về việc sử dụng chất gây nghiện của người hưởng phúc lợi. Khi Tennessee bắt buộc người hưởng phúc lợi xã hội phải kiểm tra chất gây nghiện, nhiều người cho rằng điều đó là một bước tiến lớn trong trách nhiệm của chính quyền. Trái lại, việc kiểm tra cho thấy sự sử dụng chất gây nghiện của người hưởng phúc lợi xã hội là không tồn tại, theo số liệu thống kê. Chỉ có 800 người hưởng phúc lợi xã hội có kết quả dương tính đối với chất gây nghiện, hoặc 1% tổng số người hưởng phúc lợi. Các bang khác, trong đó có Arizona, Kansas, Missouri, Mississippi, Oklahoma, và Utah cũng áp dụng việc kiểm tra chất gây nghiện. Việc kiểm tra ở các bang này cho biết tỷ lệ dương tính đối với chất gây nghiện trung bình là từ 2 đến 8,4% số người hưởng phúc lợi xã hội, trái ngược với các khảo sát cho thấy tỷ lệ sử dụng chất gây nghiện của quốc gia là 9,4%. Các quan chức bảo thủ khẳng định rằng kiểm tra chất gây nghiện sẽ tiết kiệm cho quốc gia hàng đống tiền nhờ tống cổ hàng sa số những kẻ nghiện ngập ra khỏi chương trình phúc lợi. Nhưng việc bôi nhọ người hưởng phúc lợi xã hội như là những kẻ nghiện ngập là hoàn toàn dối trá.

Nhiều người Mỹ sẽ từ chối xem xét lại sự thù ghét người nghèo bắt nguồn từ sự tiếp nhận thông tin sai lệch của họ. Điều đó đã ăn quá sâu vào tâm lý và cá tính của họ để có thể loại bỏ. Nhưng với tư cách những người tiến bộ, chúng ta có trách nhiệm lật tẩy những điều đó trong kỳ bầu cử này bất cứ khi nào chúng ta có thể, bất kể là từ nguồn nào. Đối với những người dựa vào trợ cấp của chính quyền bị giới thượng lưu chính trị bôi nhọ để theo đuổi nghị trình giai cấp thượng lưu hẹp hòi, sự rủi ro là rất lớn.

Đối với các độc giả quan tâm, dữ liệu trong bài báo này được trích dẫn từ các nguồn sau

Arloc Sherman, Robert Greenstein, and Kathy Ruffing, “Contrary to ‘Entitlement Society’ Rhetoric, Over Nine-Tenths of Entitlement Benefits Go to Elderly, Disabled, or Working Households,” Center on Budget and Policy Priorities, February 11, 2012, 

Bryce Covert, “Your Assumptions About Welfare Recipients are Wrong,” Think Progress, December 18, 2013, http://thinkprogress.org/economy/2013/12/18/3081791/welfare-recipient-spending/

Tax Policy Center, “Household Income Quintiles, 2000-2012,” June 25, 2014,

LZ Granderson, “Poor and Fat: The Real Class War,” com, June 8, 2012,

Glenn Kessler, “A Misleading Chart on Welfare Spending,”Washington Post, February 21, 2013,

Pew Research Center, “January 2014 Political Survey,” January 15, 2014, 

Bryce Covert and Josh Israel, “What 7 States Discovered After Spending More Than $1 Million Drug Testing Welfare Recipients,”Think Progress, February 26, 2015,

Heidi Goldberg, “State and County Supported Car Ownership Programs Can Help Low-Income Families Secure and Keep Jobs,”Center on Budget and Policy Priorities, November 28, 2001, http://www.cbpp.org/archives/11-8-01wel.htm

Darlena Cunha, “Why Drug Testing Welfare Recipients is a Waste of Taxpayer Money,” Time Magazine, August 15, 2014,

Arthur Delaney, “How Long Do People Stay on Public Benefits?” Huffington Post, May 29, 2015,

Anthony DiMaggio là tiến sĩ khoa học chính trị của trường đại học Illinois, Chicago. Ông giảng dạy ở nhiều trường cao đẳng và đại học, cũng như viết nhiều sách, trong đó có các cuốn Mass Media, Mass Propaganda (2009), When Media Goes to War (2010), Crashing the Tea Party (2011), và The Rise of the Tea Party (2011). Có thể liên hệ với ông qua thư điện tử: anthonydimaggio612@gmail.com

No comments:

Post a Comment