Thursday, January 7, 2016

Hối lộ chính trị ở Nhật Bản - Kết Luận

Chương cuối của cuốn sách là phần đáng chú ý khi so sánh Nhật Bản với các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh và Mỹ. Mitchell đã chỉ ra rằng hối lộ và tham nhũng chính trị đều rất phổ biến ở các nước này giống như Nhật Bản, hầu hết các chính quyền đều dung túng cho nạn hối lộ chính trị, cho dù họ có banh hành các luật lệ nghiêm khắc để trừng phạt hối lộ chính trị. Sự suy giảm của hối lộ chính trị là do những thay đổi trong môi trường chính trị hơn là sự nghiêm khắc của luật pháp và tất nhiên sau đó nó lại luôn tái hiện dưới hình thức khác.


Các chương đã được dịch của cuốn sách:








7. Kết Luận

Hối lộ chính trị ở Nhật Bản - Chương 7: Kết luận

Từ cổ xưa, nhà nước Nhật Bản đã ban hành các luật về hối lộ chính trị. Ví dụ như điều 5 của Hiến Chương 17 điều (604) đã yêu cầu quan lại phân xử các vụ kiện không thiên vị và không được nhận hối lộ. Vào năm 645, luật chống hối lộ của chính quyền trung ương đã quy định sẽ trừng phạt những người không tuân thủ. Nội dung của luật về hối lộ chính trị kế thừa nhiều tài liệu pháp lý của Trung Quốc, trong đó có hình luật của nhà Đường, quy định các hình phạt chi tiết đối với người đưa và người nhận hối lộ. Các điều khoản của hình luật nhằm ngăn chặn hối lộ và trừng phạt những người vi phạm đã được các triều đại kế tiếp duy trì; ví dụ triều đình shogun Ashikaga đã nghiêm khắc bãi chức của những quan lại nhận hối lộ nhỏ và các hình phạt thì nằm trong phạm vi từ lưu đày đến tử hình. Chính quyền Minh Trị cũng tuân theo truyền thống này, sau khi dựa trên luật chống hối lộ của Trung Quốc, đã chuyển sang luật hình sự theo kiểu phương Tây, có phần quy định cụ thể về sự tham nhũng của quan chức. Theo luật hình năm 1908, mọi viên chức chính quyền bị buộc tội nhận hối lộ liên quan tới một trách nhiệm nhà nước có thể bị bỏ tù đến 3 năm (Điều 197); mọi cá nhân bị buộc tội hối lộ một viên chức có thể bị bỏ tù đến 3 năm (Điều 198).

Đạo đức chống hối lộ nằm ngoài các ràng buộc của pháp luật cũng tồn tại. Những người theo Nho giáo của Tokugawa coi hối lộ chính trị là một hành vi vô đạo đức. Sự kế tục của đạo đức chống hối lộ trong thời đại của nhà nước hiện đại có thể được minh họa bằng Hiranuma Kiichirò, ông dành cả cuộc đời để bảo vệ cấu trúc luật pháp Minh Trị và khuyến khích đạo đức truyền thống (tức là đạo đức Nho giáo). Khi nhắc đến vụ bê bối của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Òura Kanetake, người đã bị ông cách chức vào năm 1915, Hiranuma đã cho rằng Òura không chỉ vi phạm pháp luật mà “đạo đức chính trị của ông ta cũng rất tồi tệ”. [1] Hòa trộn với đạo đức chống hối lộ của Nho giáo là sự thù ghét tham nhũng của Thiên chúa giáo. Đạo đức Thiên chúa giáo được thể hiện ở Shimada Saburò, một chính khách và nhà báo, ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên ở hạ viện vào năm 1890, đã thẳng thắn lên án hối lộ chính trị. Chính là Shimada nhà cải cách Thiên chúa giáo đã gọi Hoshi Tòru vào năm 1900 là căn bệnh ung thư cần phải được cắt bỏ khỏi cơ thể chính trị. [2] Từ giữa thời kỳ Minh Trị và cho tới thời Taiso, các chính khách và doanh nhân đều cảm nhận được sự gay gắt của Shimada đối với tham nhũng chính trị. Một người khác cũng thúc đẩy đạo đức chống hối lộ là doanh nhân và chính khách Thiên chúa giáo Mutò Sanji. Những thỏa thuận bí mật phi đạo đức giữa doanh nhân và chính khách đã thúc đẩy Mutò sử dụng Jiji shinpò để thanh tẩy thế giới chính trị và kinh doanh. Nỗ lực của ông đã dẫn đến sự kiện Teijin vào giữa những năm 1930.

Những tư tưởng, luật lệ và đạo đức chống hối lộ đã được kết hợp trong Huấn Lệnh của Hoàng Gia về Giáo Dục ban hành ngày 30 tháng 10 năm 1890. Một đoạn thường được trích dẫn trong văn kiện ngắn này có nội dung như sau: “trong trường hợp khẩn cấp, hãy hi sinh cho nhà nước; như vậy sẽ bảo vệ và duy trì sự thịnh vượng của Vương Triều trường tồn cùng với trời và đất.” Tuy vậy, đối với mục tiêu nghiên cứu của chúng ta thì đoạn trước đó quan trọng hơn nhiều: “luôn luôn tôn trọng Hiến Pháp và tuân thủ pháp luật [in nghiêng thêm vào].” [3] Do vậy, nền tảng cho đạo đức của nhà nước hiện đại và được nhiều thế hệ sinh viên ghi nhớ đã được tạo ra trong văn kiện này, việc tuân thủ pháp luật không được sao lãng. Huấn Lệnh đã được hoàng đế ban hành như là thông điệp cá nhân cho người dân (không giống các huấn lệnh khác, nó không được các bộ trưởng đồng ký tên). Do vậy, từ năm 1890 trở về sau, các quan chức liên quan đến hối lộ chính trị không chỉ vi phạm pháp luật, đạo đức mà còn xúc phạm cả hoàng đế.

Theo quan điểm quyền lực của giới đầu sỏ chính trị hanbatsu, những người đã thống trị nhà nước ban đầu, thực thi việc chống hối lộ không phải là chức năng hàng đầu cho tới cuối thời Minh Trị. Tuy vậy, một ngoại lệ đối với luật lệ chung đã khiến cho những người nắm quyền lực chính trị đứng trên pháp luật: Luật Bầu Cử được thực hiện. Rõ ràng là giới đầu sỏ chính trị, vốn rất ngờ vực những đảng chính trị mới xuất hiện, đã vui mừng khi thấy các đối thủ chính trị bị trừng phạt pháp lý và xấu hổ trước công chúng.

Vụ hối lộ nhạy cảm liên quan đến sách giáo khoa quốc gia nổ ra vào cuối năm 1902 đã khiến Yamagata Arimoto bị sốc, ông là người bảo vệ hàng đầu cho sự siêu việt của hành chính hoàng gia; không chỉ có các quan chức hành chính cấp huyện bị mà cả các huyện trưởng do Bộ Nội Vụ bổ nhiệm cũng bị buộc tội. Tuy vậy, đáng tiếc là các con cá lớn đã luôn lọt lưới pháp luật theo một cách được lặp lại nhiều lần trong những thập kỷ tiếp theo. Bộ trưởng tư pháp Kiyoura Keigo, một đồng minh thân cận của Yamagata, đã tạo ra tiền lệ bằng cách can thiệp vào việc truy tố huyện trưởng Abe Hiroshi. Các bộ trưởng tư pháp sau này trong các chính phủ của Hara Kei và Yoshida Shigeru đều hành xử theo tiền lệ đó.

Các công tố viên, như Hiranuma Kiichirò, trở nên nghiêm khắc hơn vào cuối thời kỳ Minh Trị. Vụ bê bối của công ty Tinh Chế Đường Đại Nhật Bản đã cho thấy quyền lực của công tố viên được mở rộng. Tuy vậy, trong vụ án này, ngay cả Hiranuma, người trong sạch về đạo đức và duy nhất được chỉ định chịu trách nhiệm chính thức, cũng đã giới hạn phạm vi điều tra sau khi thủ tướng Katsura Tarò đe dọa can thiệp. Việc truy tố đã dẫn đến cáo buộc không lường trước đối với nhiều doanh nhân và chính khách. Hành động này tạo ra một tiền lệ cho những năm tiếp đó, công tố viên thể hiện sự hăng hái và kiên trì trong việc theo đuổi một số vụ án tham nhũng chính trị có liên quan đến những người có địa vị cao. Một tiền lệ khác cũng được vụ án này tạo ra là việc đình chỉ án tù. Trong những thập kỷ tiếp theo, đa số những người bị kết án hối lộ chính trị theo điều 197 và 198 của luật hình sự đều không bị bỏ tù. Sự nghiêm khắc trong việc truy tố được đánh đổi bằng sự khoan dung kỳ lạ trong kết án. Sự tiếp diễn của tiền lệ kết án này được thể hiện trong một văn kiện được Bộ Tư Pháp công bố năm 1980: “89,9% những người bị kết tội hối lộ [theo luật hình sự] vào năm 1978 đều được hoãn thi hành án, một tỷ lệ rất cao đặc trưng cho loại hình tội phạm này.” [4]

Ý kiến của công chúng về những người vi phạm điều khoản chống hối lộ của Luật Hình Sự và Luật Bầu Cử thường khó có thể xác định. Các nhà phê phán xã hội, học giả, nhà báo cũng như những thành viên khác của tầng lớp công chúng thượng lưu đôi khi phê bình gay gắt những người đưa và những người nhận hối lộ, nhưng trong nhóm này thì thái độ đối với người vi phạm cũng mập mờ. Ví dụ, Yoshino Sakuzò, người chống tham nhũng chính trị kiên cường, cũng hiểu rằng các chính khách của Quốc Hội đang xung đột với giới đầu sỏ cổ hủ. “Yoshino lên án chính sách mua chuộc địa phương của Hara, việc đánh đổi những vị trí quyền lực mà ông ta sử dụng để lôi kéo sự ủng hộ địa phương cho đảng. Mặc dù vậy ông cũng ghi nhận rằng Hara vượt trội hơn tất cả các chính sách khác của đảng trong việc điều khiển các cấu trúc luật pháp đặc biệt chặt chẽ và uốn nắn chúng cho phù hợp với sự phát triển của đảng. Như Yoshino đã nói, “Hara vượt qua các rào cản một cách tinh tế.”” [5] Đối với công chúng nói chung, kể từ lần bầu cử quốc gia đầu tiên cho tới lúc Tanaka Kakuei bị buộc tội hối lộ, cử tri đã khoan dung. Họ vui mừng đón nhận sự hào phóng của chính khách, ngay cả những người bị buộc tội hối lộ và được tái cử. Dường như, hầu hết cử tri đều chấp nhận việc mua phiếu bầu cũng như các hoạt động bất hợp pháp khác, như là một phần của quá trình chính trị thông thường. Một người quan sát đời sống chính trị ở buraku (xóm) vào những năm 1940 đã viết, “Sau khi sống ở buraku một thời gian, tôi nhận thấy suy nghĩ và cảm xúc về tội phạm của nó khác với nhà nước….[N]ếu như sự vi phạm luật pháp quốc gia không gây ra bất cứ tổn hại nào cho buraku thì buraku cũng ít quan tâm tới nó. Ví dụ như buôn lậu, cờ bạc, săn bắn trái phép, mua chuộc trong quá trình bầu cử đều là những hành động phi pháp, nhưng buraku không làm gì để ngăn chặn chúng…và buraku cũng sẽ không hợp tác với cảnh sát để ngăn chặn chúng.” Người viết tiếp thục ghi nhận rằng những người bị cảnh sát bắt giữ vì những tội đó là khi họ trở về nhà, “vẫn được tôn trọng như trước đó. Xã hội của buraku chỉ đơn giản không coi những hành vi đó là tội ác.” [6] Cử tri, nhất là ở khu vực nông thôn, coi sự truy tố và kết án về tội hối lộ là không quan trọng; họ quan tâm chủ yếu tới những gì mà một chính khách cụ thể làm để giúp đỡ họ. Quan điểm này ít thay đổi sau nhiều thập kỷ. Những bình luận sau đây được xuất bản năm 1969: “Làng xóm tạo ra nhu cầu lớn. Người già muốn mua các thiết bị cứu hỏa. Trường học muốn mua đàn piano hoặc organ…Những phong bì dầy được chờ đợi ở mỗi kỳ lễ lạt, đám cưới hay đám ma. Những chủ cửa hiệu mong đợi vòng hoa khi anh ta mở hiệu mới. Ai đó phải trả tiền cho những chuyến dã ngoại của hướng đạo sinh. Khi các bà trong làng định đi tắm suối nước nóng, ai đó phải thuê xe bus. Tất cả những khoản này cũng như các khoản chi khác của nghị sĩ đều được kỳ vọng sẽ hào phóng.” [7] Bình luận về những nhu cầu vô hạn của cử tri, một chính khách nghỉ hưu sau 50 năm trong chính trường đã nói, “Họ buộc các chính khách phải chi tiêu cho họ. Ví dụ như khi có bất cứ điều gì xảy ra vào khi nào đó, họ ngay lập tức yêu cầu gửi một vòng hoa…Khi họ từ tỉnh đến Tokyo, họ yêu cầu có suất ăn trưa…Hơn nữa, họ hành động như thể những yêu cầu đó là quyền tự nhiên. Họ đã dắt mũi các chính khách.” [8] Trong thời kỳ hậu chiến, nhiều nghị sĩ đã củng cố các jiban truyền thống với kòenkai. Những tổ chức này tiêu tốn rất nhiều tiền. [9] Một nguồn năm 1984 đã cho biết rằng “số tiền hay quà tặng cho bất kỳ một cử tri nào cũng thường là rất nhỏ, nhưng tổng quỹ dùng để tài trợ cho những hoạt động này là rất lớn….Ngay cả trong những năm không có bầu cử…từ ngày này qua ngày khác khoản chi tiêu để duy trì số cử tri ủng hộ của một chính khách là khổng lồ.” [10] Tóm lại, chừng nào mà quà tặng cá nhân còn được tiếp tục và các dự án ngân sách của chính quyền vẫn tiếp tục hỗ trợ các cộng đồng lớn thì cử tri sẵn sàng bỏ qua những tội lỗi như hối lộ. Sự sẵn sàng đó được thể hiện trong nhiều ví dụ về các chính khách đã bị truy tố hay buộc tội hối lộ mà vẫn tiếp tục sự nghiệp chính trị. Mặc dù trật tự chính trị dường như đã thay đổi vào những năm 1990, hình ảnh của các khu vực bầu cử, kể từ chính quyền đảng phái đầu tiên cho đến gần đây, là một nhóm “khá thờ ơ, hài lòng một cách căn bản, thiên về vật chất một cách đáng chú ý”. [11]

Công chúng ít dung thứ cho sự tham nhũng của giới hành chính, nhất là là những viên chức dân sự cao cấp trong chính quyền trung ương, hơn là các chính khách. Kỳ vọng cao về năng lực hành chính được dựa trên vị thế trước năm 1945 của giới thượng lưu khi cận thần của hoàng đế và tầng lớp thượng lưu thời hậu chiến được tạo ra một cách có chủ ý từ việc thi đỗ những kỳ thi cạnh tranh cam go. [12] Như đã viết trong sách này, cáo buộc hối lộ đối với cá nhân bộ trưởng Bộ Tài Chính trong vụ bê bối Teijin đã dẫn đến một sự khấy động công chúng lớn. Công chúng tiếp tục mong đợi đạo đức chống hối lộ mạnh mẽ của các viên chức dân sự cao cấp được thể hiện bằng sự kiện là thủ lãnh của một phe phái và một lãnh đạo của phe phái dưới quyền ông ta bị bắt giữ vì cáo buộc nhận hối lộ của một công ty vào tháng 3 năm 1986, câu chuyện đã trở thành chủ đề chính trên trang nhất của tờ Asashi Newspaper. [13] “Tờ báo đưa tin rằng đây là lần đầu tiên sau mười hai năm một quan chức hàng đầu của một bộ hay cơ quan chủ chốt…đã bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng. Đáng chú ý là người phát ngôn hàng đầu của chính phủ đã nhanh chóng xin lỗi công khai.” [14] Nếu đánh giá trên phương diện các vụ án về hối lộ bị khám phá của các viên chức dân sự cao cấp thì giới hành chính thời hậu chiến tương đối ít tham nhũng. [15] Trong thời kỳ hậu chiến, không có trường hợp hối lộ nào được biết đến. Để phát hiện ra tham nhũng của quan tòa và giới hành chính tư pháp, một nhà nghiên cứ phải quay trở lại những năm đầu của thời kỳ Minh Trị, thời kỳ trước khi các cấu trúc cải cách pháp lý diễn ra. Trong nhiều năm gần đây, khi không có truyền thống xét xử độc lập, giới đầu sỏ hanbatsu mới nổi đã trơ tráo giành lấy những gì họ muốn và thường xuyên hành xử như thể họ đứng trên pháp luật. [16] Đối với viên chức ở cấp huyện và thành phố, hối lộ chính trị đã hưng thịnh như thời tiền chiến. Một tác giả viết, “đối với chính quyền địa phương, hối lộ là chuyện thường xuyên trong các thỏa thuận để đảm bảo vị trí như người phát ngôn của huyện hay hội đồng xã hoặc giành được các hợp đồng về công việc công cộng….Trong số 196 vụ tham nhũng có liên quan đến chính quyền bị phát hiện vào năm 1980, 85% liên quan đến các dự án xây dựng.” [17] Một báo cáo năm 1980 của Bộ Tư Pháp cho thấy quan chức chính quyền địa phương thường xuyên có liên quan đến tham nhũng, nhất là các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, khuynh hướng này được thể hiện trong báo cáo này là có nhiều thị trưởng và huyện trưởng bị truy tố vì hối lộ hơn. Theo một bản tin trên tạp chí tháng 2 năm 1992, ít nhất có 36 huyện trưởng, thị trưởng và công ty xây dựng đang bị điều tra về gian lận đấu thầu và hối lộ. Các công tố viên trong những vụ án này tuyên bố rằng họ sẽ không ngần ngại quét sạch hệ thống thỏa thuận bí mật bất hợp pháp giữa các doanh nhân, chính khách và viên chức hành chính. [19] Công tố viên hàng đầu trong chiến dịch này, Yoshinaga Yûsuke, tuyên bố rằng vai trò của công tố là “dọn sạch những rác rưởi.” [20] Trước đó, Yoshinaga cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truy tố Tanaka Kakuei và điều tra vụ bê bối Recruit. 

Khoan dung nhất đối với tham nhũng chính trị là các chính khách và các đồng minh hành chính của họ. Dưới thời Minh Trị, sự coi thường luật lệ của nhà nước có lẽ là do đẳng cấp samurai cũ của nhiều quan chức (họ cảm thấy mình đứng trên pháp luật). Những nhân vật có đẳng cấp cao bị bắt trong các vụ bê bối hối lộ chính trị vào năm 1914 và 1915 rất ngạc nhiên khi bị kết án. Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Òura bị kết án hối lộ đã nói rằng đó là một phần của quá trình chính trị thông thường. Yamagata Aritomo đồng ý: Òura đã hành động vì lợi ích quốc gia và không làm gì sai. Các đồng nghiệp trong chính phủ đều ngạc nhiên về việc Hiranuma và Suzuki muốn áp dụng sự trừng phạt; họ không thấy có gì sai trong những hành động của Òura: hệ thống chính trị đã hoạt động theo cách đó nhiều thập kỷ. [21] Mặc dù các chính khách của đảng trong những năm sau này đã hiểu rõ hơn về luật pháp và các quy tắc đạo đức, nhưng điều đó không ngăn chặn được hành vi tiếp nhận các quỹ bất hợp pháp và đưa hối lộ. Một lý do khiến các hành động phi pháp vẫn được tiếp tục là đa số nghị sĩ của hạ viện thực sự cần tiền: cử tri đi thăm quan Tokyo cần được chăm sóc, các bữa ăn và sự chiêu đãi phải được tổ chức ở khu vực bầu cử, quà tặng phải được đưa đúng lúc. Nhất là vào kỳ bầu cử, quà tặng rất tốn kém. [22] Những khoản chi tiêu lớn này được đáp ứng bằng nguồn quyên góp chính trị, tiền từ các điều phối viên chính trị và bằng hoa hồng. Viết về tình hình này vào giữa những năm 1970, Iga và Auerbach khẳng định, “Khi một nghị sĩ kiếm được hợp đồng thầu của chính phủ hoặc công việc từ một công ty lớn cho cử tri, người hưởng lợi được kỳ vọng là sẽ chi lại ít nhất 10% tổng số giá trị hợp đồng, đôi khi là 20%.” [23] Khẳng định này cũng có thể được áp dụng cho giữa những năm 1920. Như đã viết ở những chương trước, một chính khách, một viên chức hành chính hay doanh nhân có thể đôi khi cũng bị truy tố hối lộ; hay thậm chí là bị kết án; nhưng đa số không bị bỏ tù và không phải chịu những hậu quả chính trị nghiêm trọng. Dĩ nhiên, cũng có một ngoại lệ là Ogawa Heikichi vào thời kỳ trước năm 1945. Ogawa đã không may mắn khi bị phát hiện vào đúng lúc mà các công tố viên ở Tokyo rất nghiêm khắc. Tiền lệ thời hậu chiến với Tanaka Kakuei, cựu thủ tướng đầu tiên bị buộc tội nhận hối lộ, là tương tự. Vấn đề pháp lý của Tanaka xuất phát từ hai yếu tố: sự bóp nặn kinh tế một cách không biết xấu hổ cho các quỹ chính trị và sức ép truy tố do sự tiết lộ về việc hối lộ của Nhật Bản ở Hoa Kỳ. Mặc dù vậy trong những vụ án này thì hình phạt cũng rất nhẹ: Ogawa đã tái cử trong khi xét xử và được thủ tướng Konoe ân xá sau khi ra tù; Tanaka đã chết trước khi Tòa Án Tối Cao công bố bản án chung cuộc, không chỉ được tái cử mà còn gia tăng sức mạnh chính trị của bản thân.

Trong số các viên chức hành chính quốc gia, các công tố viên là những người ít khoan dung nhất với hối lộ chính trị. Các thỏa thuận giữa những người đưa và nhận hối lộ, bản chất của chúng là rất bí mật, không được người khác biết đến trừ khi có ai đó tiết lộ chúng. Như đã viết trong những chương trước, các đối thủ chính trị, nhà báo và những người khác đôi khi khám phá ra những bí mật này và phát hiện ra những hành vi phi pháp. Tuy vậy, các công tố viên có quyền truy tố hoặc không truy tố các vụ án hối lộ. Thực tiễn này tạo cho họ quyền lực chính trị mà họ đã thể hiện từ đầu thế kỷ 20. Tuy vậy sẽ là không chính xác khi coi tất cả các vụ án đã được đề cập trong cuốn sách này là có động cơ chính trị. Như một cựu công tố viên đã nói, “Công chúng rất quan ngại về tham nhũng của các đảng chính trị từ giữa thời Taisho. Việc các công tố viên có khuynh hướng đấu tranh với những sự lạm dụng này là bình thường theo quan điểm duy trì công lý xã hội, điều này trở thành một trong những mục đích của công tố.” [24] Tuy vậy, sự kiềm chế trong nội bộ của Bộ Tư Pháp và sức ép từ thế giới chính trị bên ngoài đôi khi cũng giới hạn tự do hành động của công tố viên. Không may mắn cho cơ quan công tố, vết nhơ hằn sâu do phiên tòa xét xử Teijin vẫn còn đó. Phiên tòa kéo dài và bi kịch, sau khi tất cả những bị cáo tội hối lộ đã được tha bổng, vẫn in dấu trong hồi ức của công chúng như là một ví dụ về việc công tố vi phạm quyền tố tụng của nghi phạm và được trích dẫn như là ví dụ về “chủ nghĩa phát xít của công tố”. Ví dụ, nhà phê bình chính trị Yayama Tarò đã mở đầu bài báo về vụ bê bối Recruit với “Bài học về vụ bê bối Teijin”. Ông viết, “Vụ bê bối Teijin được coi là”, 
một ví dụ hoàn hảo về chủ nghĩa phát xít của công tố, một vụ án được cánh hữu và những nhà cải cách hành chính không hài lòng với chính trị đảng phái dựng lên….Tôi không cho rằng vụ bê bối Recruit là do cơ quan công tố dựng lên nhưng tôi cho rằng tôi có thể thấy nhiều điểm trong cách xử lý vụ việc của họ tương đồng với vụ Teijin….Trong vụ Teijin, cơ quan công tố đã tiết lộ từng chút một thông tin về cái được gọi là “thú tội” cho đến khi họ khiến công chúng có thái độ thù địch đối với giới chính trị, tài chính và hành chính. Nhiều thứ mà cơ quan công tố đang làm hiện nay gợi nhớ đến hành động đó. [25] 
Các nghi phạm trong những vụ án hối lộ gần đây đã không ngần ngại lợi dụng hình ảnh của vụ Teijin, công tố viên đã vi phạm nhân quyền bằng cách cưỡng bức nhận tội. Ví dụ, hầu hết những người bị truy tố trong vị Lockheed, đều nhận tội với công tố viên và sau đó phản cung tại tòa án. Cáo buộc về chủ nghĩa phát xít của công tố cũng xuất hiện trong vụ bê bối của công ty Tokyo Sagawa Expess. [26]

Trong những năm gần đây, khái niệm phổ biến được dùng để giải thích nhiều vụ tham nhũng trong chính quyền là “tham nhũng mang tính cấu trúc” (kòzò oshoku). Khái niệm này có nghĩa “tham nhũng là vốn có trong cấu trúc kinh tế và chính trị của quốc gia, được coi là đặc trưng của người Nhật”. [27] Murobushi Tetsurò, một nhà xã hội học về tội phạm đã tạo ra khái niệm “tham nhũng cấu trúc” vào năm 1968, áp dụng khái niệm này cho những vụ án tham nhũng do vụ án điển hình là có sự tham gia của các nhân vật chính quyền cấp cao và giới tài chính. [28] Những nhà phê bình chính trị khác cũng đi theo sự dẫn dắt của Murobushi nhưng cho rằng tham nhũng cấu trúc bắt nguồn từ những điều kiện kinh tế và chính trị đặc biệt thời chiến tranh và thời kỳ hậu chiến. Ví dụ, một tác giả viết, 
Những năm ngay sau chiến tranh rất hỗn loạn và sự thiếu thốn những thứ cần thiết hàng ngày cũng như nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp cùng với quyền lực nhà nước bị suy yếu đã không chỉ phá vỡ các giới hạn của luật pháp mà còn phá vỡ cả các nghĩa vụ đạo đức. Trong thời chiến, ngành công nghiệp đạn dược đã hối lộ các viên chức quân sự quyền lực để tiếp tục phát đạt trong khi đó các doanh nhân thời chiến không ngại ngần gia tăng cơ hội của họ bằng cách hối lộ các quan chức Nhật Bản….Viên chức dân sự dễ bị ảnh hưởng bởi sự cám dỗ đó do lạm phát đẩy giá cả lên cao trong khi lương không tăng lên kịp để bù đắp sự tổn thất của sức mua. [29]
Hai câu hỏi cần được đặt ra: nếu như tham nhũng cấu trúc là đặc trưng của Nhật Bản và chỉ là hiện tượng thời chiến tranh và hậu chiến? Thứ nhất, hiện tượng “tham nhũng cấu trúc” là tương đồng với tham nhũng chính trị trên khắp thế giới ở nhiều cấp độ khác nhau của các nước phát triển. [30] Một nhà báo Nhật Bản, “bình luận về nhận thức gia tăng của công chúng về sự phổ biến này sau khi Tanaka [Kakuei] bị bắt giữ, đã ghi nhận rằng “ngay cả những nhóm kinh doanh và chính trị cực kỳ tham nhũng, vốn từ lâu được coi là đặc trưng của Nhật Bản, cũng sự tương đồng sâu sắc với các hiện tượng tương tự trên trường quốc tế.”” [31] Thứ hai, độc giả chỉ cần nhớ tới việc vụ án Teijin có liên quan tới hai quan chức chính phủ, một thứ trưởng Bộ Tài Chính, các nhà tài chính quan trọng trong câu lạc bộ Baron Gò và các doanh nhân khác. Do vậy, thực tiễn tham nhũng, cũng giống như hối lộ chính trị, nằm sâu trong cấu trúc chính trị của nhà nước hiện đại. Việc sử dụng hối lộ chính trị phổ biến trong thời kỳ trước năm 1945 là hệ quả của cấu trúc thể chế do các kiến trúc sư chính quyền mới tạo ra vào năm 1890. Itò Hirobumi và các trợ tá của ông muốn tạo ra cơ quan hành pháp mạnh (tức là chính phủ), nhưng Hiến Pháp Minh Trị đã tạo ra điều ngược lại: một kiểu chính quyền hỗn hợp mà “hành pháp có thể được thực hiện và vô hiệu hóa do tất cả các thể chế đều có quyền phủ quyết chính sách của nó.” [32] Trong giai đoạn đầu của thời kỳ nghị viện, sự suy yếu và không ổn định của chính phủ đã được chống đỡ bằng uy tín và sức mạnh của Itò, Yamagata Aritomo và những chính khách già khác, những người đã kiểm soát chính phủ và thống trị chính quyền. Tuy vậy, khi những trung tâm quyền lực khác nổi lên và sự kiểm soát chính quyền của những chính khách già được nới lỏng, xung đột chính trị và sự tắc nghẽn gia tăng. Các mánh khóe để giải quyết xung đột và phá vỡ những tắc nghẽn giữa chính phủ và hạ viện có cả hối lộ và những người dàn xếp siêu đẳng như Hara Kei. Trong thời kỳ được gọi là kỷ nguyên của chính quyền đảng phái (1918-1932), chính phủ, cũng như trước đó, bị buộc phải nhượng bộ với nhiều phần khác trong cấu trúc thể chế hoặc có nguy cơ tắc nghẽn, có thể khiến cho chính phủ sụp đổ. [33] “Vào những năm 1930, lãnh đạo của các thể chế chính quyền Nhật Bản đã thừa nhận rằng “đường lối thông thường của chính phủ lập hiến” khiến nó không thể làm gì hơn là giành lấy chủ quyền trong việc thi hành các chức năng mà họ coi là của riêng mình. Cũng không thể làm gì hơn là giành lấy sự kiểm soát toàn bộ chính phủ. Do đã có kinh nghiệm về việc chung sống với hiến pháp hỗn hợp, họ bảo vệ chức năng và ghế của họ trong chính phủ một cách sốt sắng.” Do vậy, chính phủ thống nhất quốc gia của những năm 1930 “đã không chỉ đơn thuần là kết quả của những lực lượng hợp hiến đã hoạt động từ năm 1890. Chỉ có chính phủ đại diện cho từng thể chế có quyền phủ quyết mới có thể hy vọng duy trì được biện pháp mà họ ủng hộ và chính quyền liên hiệp trở thành cách thức hợp lý để làm cho chính phủ lập hiến “hỗn hợp” hoạt động.” Hơn nữa, bất chấp quan điểm được chấp nhận là quân đội kiểm soát chính quyền, trên thực tế tình hình vào những năm 1930 vẫn tương tự như vậy. “Cả quân đội cũng như Quốc Hội đều dung thứ cho thủ tướng, người đại diện cho những người khác và chỉ có chính quyền “thành công” vào những năm 1930 là được những người trung lập hơn trong Hải Quân, khối Sự Nghiệp, Thượng Viện và Hội Đồng Cơ Mật lãnh đạo…Quyền lực để lập một chính phủ do đó nằm ngoài sự kiểm soát của bất cứ thể chế nào, mặc dù quyền lực phá vỡ chính phủ lại không bị phân chia, do ảnh hưởng chủ yếu từ hai thể chế thường xuyên cũng đủ để phá vỡ một chính phủ.” [34]

Một hệ quả của hệ thống nghị viện đã trình bày ở phía trên là tham nhũng chính trị: “dòng tiền từ thể chế này tới thể chế khác hoặc từ ứng cử viên tới cử tri. Trong sự thiếu vắng các phần thưởng hợp pháp cho sự hài hòa giữa hành pháp và lập pháp, dòng tiền từ người này sang người khác trở thành một dues ex machina để giải quyết những tắc nghẽn.” [35]

Sau chiến tranh, những nhà cải cách Hoa Kỳ, đã nhận thấy sai lầm nghiêm trọng của hệ thống Minh Trị, cố gắng tập trung hóa quyền lực của thủ tướng và tạo ra cho công chúng khả năng lớn nhất về tiếng nói chính trị. Những năm đầu tiên dưới thời hiến pháp mới đã cho thấy sự pha loãng đáng kể của chính trị đảng phái, nhưng một lần nữa “hệ thống 1955” đã bị chặn lại, một đảng đơn nhất thống trị chính trị trong gần bốn thập kỷ. Với bản chất của hiến pháp và sự thống trị của đảng Dân Chủ Tự Do, thủ tướng và đảng của ông ta sẽ thống trị nhà nước. Trên thực tế, như Ozawa Ichirò đã chỉ ra, thủ tướng sử dụng ít quyền lực. Theo một số góc độ của quan hệ quyền lực thời hậu chiến, cấu trúc thể chế rất tương đồng với nhà nước thời trước năm 1945. Một người quan sát dài hạn Nhật Bản đã mô tả nó theo cách này: “Chắc chắn là có đẳng cấp hay một tổ hợp của các đẳng cấp chồng lấn. Những nó không có đỉnh; nó là một kim tự tháp cụt ngọn. Không có thể chế tối cao với quyền hạn tối cao về chính sách.” [36] Ông nói tiếp, “Giới hành chính gắn kết với kinh tế….Chính khách và hầu hết mọi người khác tránh đường họ. Các nghị sĩ…tham gia chủ yếu vào các công việc để được tái cử….Các nhà công nghiệp tiếp tục mở rộng thị phần quốc tế của họ….Họ nhận được sự ủng hộ của những người cùng địa vị; và họ trả tiền cho các chính khách. Không ai là chủ nhưng tất cả mọi người, theo một cách khác hay người khác, có sức mạnh đối với một số người khác, giúp họ đảm bảo công việc trôi chảy”. [37] Hối lộ chính trị trở thành phổ biến trong cấu trúc thể chế mà quyền lực bị khuếch tán, cũng giống như vào thời kỳ tiền 1945.

Do các quy định văn hóa tạo ra hành vi chính trị, sự phản ánh về “tham nhũng cấu trúc” không làm tắc nghẽn các hoạt động xã hội truyền thống. Hai điều đáng chú ý là: quan hệ lãnh đạo-thuộc cấp hay người bảo trợ-người được bảo trợ và phong tục tặng quà thâm căn cố đế.

Quan hệ lãnh đạo-thuộc cấp, tạo ra các phe phái, đã ăn sâu vào hầu hết các tổ chức xã hội của Nhật Bản. Mặc phe phái chính trị đương đại không chỉ đơn giản là bản sao của các tổ chức người bảo trợ-người được bảo trợ truyền thống nhưng chúng tương tự và sự tồn tại của chúng dựa trên nhu cầu của các chính khách về việc duy trì quan hệ cá nhân gần gũi. Bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu tâm lý của các chính khách, thành viên của phe phái cũng tạo ra các lợi ích vật chất. Ví dụ, thủ lãnh của phe phái hành động như là nhà tài trợ và ủng hộ tài chính cho một thành viên để phục vụ cho bầu cử và thường cung cấp các trợ cấp thường xuyên để bổ sung cho lương nghị sĩ. Thành viên của một phe phái được duy trì thông qua sự trao đổi lợi ích và quà tặng. [38] Chủ nghĩa phe phái có nghĩa là 
trung thành với cá nhân cao hơn trung thành với thể chế….Nói tóm lại, phe phái lãnh đạo-thuộc cấp đã biến chính trị quốc gia thành một cuộc chơi quyền lực cá nhân riêng giữa những nhân vật thượng lưu, tiếp đó hạn chế sự tham gia của công chúng vào chính trị….[Hơn nữa,] [t]ác động phá hoại lớn nhất của các quy định cá nhân chủ nghĩa…được thấy trong sự kết hợp của chúng với thực tiễn đáng lo ngại về tham nhũng chính trị. Các quy tắc văn hóa về trao đổi qua lại, trao đổi lợi ích, tặng quà dường như hợp lý hóa tác động của mua chuộc và hối lộ trong tư duy của nhiều người Nhật. Mặc dù truyền thông thường xuyên tích cực chỉ trích nhiều vụ bê bối tham nhũng, các quan chức nói chung không bị mất uy tín trước công chúng vì những hành động phi pháp trong nhiệm kỳ của họ. [39]
Tặng quà trong giới thượng lưu chính trị có nguồn gốc văn hóa sâu xa. Như đã được trình bày trong chương 1, quà tặng trong những dịp nhất định đã được hình thành vào cuối thời Tokugawa và ranh giới giữa xã giao và hối lộ là rất mong manh. Tặng quà từ lâu cũng đã phổ biến trong thường dân. Một sinh viên hiện đại viết về việc tặng quà lẫn nhau,
Một trang đầy quảng cáo về quà tặng giữa năm… do các cửa hàng lớn bán, hàng dãy các hàng quà tặng ở mọi thành phố nghỉ dưỡng, ô cửa trưng bày các quà tăng được đóng gói ở cửa hàng tại các nhà ga đường sắt, có hàng sa số các chỉ số cho thấy mức độ mà người Nhật tặng quà cho nhau….Tặng quà là một thể chế nhỏ…cùng với các quy tắc phức tạp xác định ai phải tặng quà cho ai, vào dịp nào và quà tặng phải được đưa ra sao….Nghĩa vụ đạo đức phải tặng, nhận và tặng lại quà tặng mà Marcel Maus đã nghiên cứu trong luận văn nổi tiếng của ông về quà tặng. [40] 
Phong tục tặng quà trong xã hội nói chung có ảnh hưởng đến chính khách suốt thời hiện đại; bởi vì tặng quà đóng vai trò như chất keo kết dính xã hội, các chính khách cũng được yêu cầu trao đổi quà tặng. Phong tục tặng quà có nghĩa là một nghị sĩ hạ viện điển hình vào năm 1976 phải tặng 93 món quà trong một tháng. Đó là quà tặng cho các nhóm để ăn uống; quyên góp cho các tổ chức chính thống, vòng hoa cho đám cưới, đám tang và các dịp khác; quà tặng bằng tiền cho các dịp lễ lạt hoặc thể hiện sự thân thiện với một gia đình; và nhiều khoản khác. Bên cạnh những quà tặng này, chính khách đó còn phải tặng quà cho cấp trên ít nhất là hai lần mỗi năm và đặc biệt là vào năm bầu cử, tặng quà cho các ông trùm ở địa phương. [41] Mặc dù cử tri và ứng cử viên ở mọi nơi có quan hệ dựa trên nguyên tắc có qua có lại, nhu cầu của “cử tri Nhật Bản” hướng tới các quan hệ cá nhân và/hoặc lợi ích tức thời hơn là cử tri Hoa Kỳ””. [42] Do vậy, các chính khách thành công ở Nhật Bản đều phải tìm cách, cả hợp pháp cũng như bất hợp pháp, tạo ra đủ thu nhập để đáp ứng các khoản chi tiêu đó. Một trong những phương pháp thông dụng để gây quỹ, đã được mô tả chi tiết trong cuốn sách này, là bán sự tiếp cận dựa trên các liên hệ cá nhân cho những người muốn có thứ gì đó từ chính quyền. Những giao dịch này, nếu bị phát hiện và truy tố, đều bị coi là hối lộ, nhưng các chính khách thích gọi chúng là “hoa hồng” hay phí “giới thiệu”.

Như đã được mô tả trong những chương trước, phong tục tặng quà truyền thống cũng ảnh hưởng tới các công tố viên và thẩm phán trong các vụ án hối lộ chính trị. Ví dụ, Ikeda Hayato đã thoát khỏi truy tố bởi vì công tố viên chấp nhận rằng tiền là quà tặng đưa trước chuyến đi tới Hoa Kỳ (vụ bê bối đóng tàu). Công tố viên đồng ý với Òno Banboku là tiền mà ông ta nhận được chỉ là quà tặng thân hữu (vụ bê bối công ty điện Showa). Những ví dụ này cho thấy sự phức tạp mà các công tố viên và thẩm phán phải đối mặt khi phân tách giữa các hành động hợp pháp và phi pháp của quan chức chính quyền. Hami Befu, thực hiện những nghiên cứu thực địa về tặng quà từ cuối những năm 1960, đã viết, 
Trên thực tế, khi tôi càng hiểu nhiều về hối lộ thì tôi càng ít phân biệt được nó với quà tặng nhân dịp lễ và hàng ngày….Thật thú vị khi nghe tranh tụng ở tòa án trong các vụ án hối lộ, công tố viên hỏi chi tiết về cách thức đưa hối lộ. Mỗi chi tiết nhỏ như sử dụng tiền có nếp nhăn, không có phong bì đựng tiền, vân vân, đều là bằng chứng bổ sung cho khẳng định của công tố viên rằng tiền được dùng để hối lộ. Mặc dù quy định rằng việc quan chức tiếp nhận bất cứ quà tặng nào cho việc thực hiện [sic] nghĩa vụ công đều là nhận hối lộ, nhưng trên thực tế tòa án sẽ không coi “quà tặng” theo phong tục là tạo thành tội nhận hối lộ. Tòa án hiểu rằng sự diễn giải chặt chẽ của pháp luật là khó sử dụng và không thể vận dụng được bởi vì nó mâu thuẫn với các quy tắc văn hóa về quà tặng….
[Cốt yếu trong việc phân biệt giữa quà tặng và hối lộ, Befu viết,] là quan hệ quá khứ giữa người đưa và người nhận. Nếu họ có quan hệ bạn bè lâu dài hoặc hợp tác với nhau và có quan hệ tặng quà qua lại, quà tặng trong vụ án hối lộ cũng không khác biệt nhiều với quà tặng thông thường trong quá khứ mà họ đã tặng cho nhau, công tố viên sẽ khó có thể thuyết phục được thẩm phán rằng quà tặng đó là hối lộ. [43]
Tất nhiên, phân biệt giữa hối lộ và quà tặng luôn luôn khó khăn (hãy nhớ đến tỷ lệ kết án thấp trong các vụ án chủ chốt đã được trình bày trong cuốn sách này), nhưng quy tắc ngón tay cái mà công tố viên sử dụng để phát hiện một vụ án hối lộ tiềm tàng là “vượt mức thông thường” như Befu đã trích dẫn. Justine Williams, một quan chức SCAP giám sát điều tra vụ công ty điện Showa, đã hỏi một số người Nhật có hiểu biết về số tiền mà công ty đã phân phát. Họ trả lời rằng công ty đã trả một số tiền lớn cho những lợi ích mà nó nhận được. “Như mọi người Nhật đều biết rõ, nghĩa vụ phải tương xứng về mặt số học với lợi ích được tăng thêm. Nhưng Showa Denko đã thanh toán cho lợi ích hàng ngày bằng khoản hoa hồng bí mật. Tiền thưởng thêm vượt quá phần lợi ích được tạo ra. Do thiếu sự tinh tế nên người của Showa Denko đã ít quan tâm tới việc thực hiện các nghĩa vụ hơn là trả tiền hối lộ cho các khoản tín dụng nhận được.” [44] 

Một phân tích thấu đáo về hối lộ chính trị ở Nhật Bản đòi hỏi phải so sánh với kinh nghiệm quốc tế. Sự so sánh này là khó khăn khi mà áp lực xã hội và chính trị là rất khác nhau, nhưng cũng cần phải được thực hiện để làm rõ những đặc trưng và không đặc trưng trong kinh nghiệm của Nhật Bản. Nhật Bản và Trung Quốc là sự lựa chọn tốt để bắt đầu.

Mặc dù thời gian ra đời của quy định chống hối lộ chính trị sớm nhất của Trung Quốc là không rõ nhưng hình luật đã sớm được sử dụng vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên và vào thời nhà Tần (221-206) các quan lại được lệnh không nhận hối lộ. [45] Nhà Đường (618-907) đã tạo ra Luật Hình hoàn chỉnh thời Đường: Từ điều 135 đến 139 quy định rõ hình phạt đối với những người đưa hối lộ và các quan lại nhận hối lộ. Hình phạt tùy thuộc vào địa vị cá nhân, giá trị của khoản hối lộ và mức độ vi phạm luật lệ của quan lại. [46] 

Hiếm có sách nào về Trung Hoa phong kiến mà không đề cập tới tham nhũng trong chính quyền. Nhà Trung Quốc học kiệt xuất Etienne Balazs đã gọi hối lộ là một trong những “bệnh tật bẩm sinh của giới quan lại”. [47] Theo Balazs, nguồn gốc của vấn đề không khó để thấy: quan lại dành nhiều năm để chuẩn bị cho các kỳ thi và để được bổ nhiệm làm quan thì họ phải có người bảo trợ cũng như gánh chịu nợ nần. Mức độ tham lam phụ thuộc vào gánh nặng nợ nần, số lượng họ hàng thân thích và tính tạm thời của chức vụ. [48] Vào thời cải cách, các nhà cải cách tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách thúc giục tăng lương cho quan lại. Họ cũng xác định nguồn chủ chốt của tham nhũng: tùy phái, thư lại, viên chức trong mỗi bộ phận của chính quyền. [49] Tham nhũng gia tăng dưới thời nhà Minh (1368-1643) do sự mất giá của tiền giấy; lạm phát đã làm giảm sức mua của quan lại địa phương, những người này không có cách nào để tồn tại trừ khi bóp nặn người dân nhiều hơn. [50] Tình cảnh của nhà Thanh (1644-1911) cũng không khá hơn và dĩ nhiên là tệ hơn vào thế kỷ 19. Một quan tri huyện chính trực (cấp quan thấp nhất mà chính quyền trung ương bổ nhiệm) đã nói rằng tham nhũng là kết quản của sự hỗ trợ tài chính không phù hợp: 
Với sự gia tăng của chi phí sinh hoạt và sự quan trọng gia tăng của các hoạt động thư lại đáng tin cậy, chỉ lương của các thư ký riêng cũng đã ngốn hết toàn bộ phụ cấp của quan tri huyện….[Hơn nữa], quan lại cũng phải chăm sóc cha mẹ, vợ và con cái, tiền lương của những người hầu riêng, chi phí đi lại cho việc công, chăm sóc thượng cấp, quà tặng cho bạn bè và quan lại cấp dưới, tiền phí cho quan lại cấp trên để chứng thực các hồ sơ của huyện và xử lý các văn kiện cũng như đăng ký. Tất cả những khoản chi phí này bằng nhiều lần khoản phụ cấp….[Hơn nữa], các quan lại địa phương tiếp tục phải đóng góp nhiều khoản theo phong tục cho quan lại cấp trên.
…[Do vậy,] nếu có cơ hội thì họ sẽ lấy từ người dân. Nếu bị thúc ép thì họ sẽ ăn trộm ngân khố, việc này có rủi ro lớn trong khi lấy từ người dân lại dễ dàng và có sự hấp dẫn khó cưỡng. [51]
Một học giả hiện đại, viết về thời kỳ tương tự, đã khẳng định, “Thực tiễn trả lương không phù hợp cho quan lại chính quyền và cho phép họ tự lo liệu cho bản thân dường như đã buộc họ phải hối lộ và tham nhũng.” [52]

Giống như các triều đại trước đó, nhà Thanh cũng quy định chi tiết các hình phạt cho việc đưa và nhận hối lộ trong luật hình sự. Các quy tắc kỷ luật của quan lại cũng có các hình phạt về việc sử dụng chức vụ để mưu lợi cá nhân. Trong số những vi phạm được liệt kê có việc đưa hối lộ hay quà tặng cho quan lại khác. [53] Tuy vậy, tặng quà cho thượng cấp là thói quen thâm căn cố đế mà chính quyền chẳng thể nào ngăn chặn được. Do đó, vào giữa thời Thanh các quy tắc đã được giảm nhẹ để cho phép việc tặng quà vô tư giữa các quan lại là bạn bè hoặc họ hàng thân thích, hay những người là đồng hương. Việc sử dụng quà tặng để mưu lợi cá nhân vẫn là bất hợp pháp. [54]

Sự sụp đổ của triều đại phong kiến cuối cùng đi kèm với một thời kỳ hỗn loạn khủng khiếp và tham nhũng chính trị tràn lan. [55] Một sức hút lớn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc là họ tấn công vào tham nhũng chính trị. “Thành tích đáng kinh ngạc của những người Cộng Sản là khả năng thổi bùng lên trong lòng các thành viên đảng, những người trên hết là người Trung Quốc, sự căm ghét và đấu tranh dữ dội với hệ thống cũ….Đảng Cộng Sản đã săn đuổi tham nhũng; họ trừng phạt nghiêm khắc các đảng viên nếu những người đó bị phát hiện tham nhũng; họ gia tăng sức ép chống tham nhũng ở mọi cấp chính quyền – đôi khi bổ sung cáo buộc tham nhũng cho tất cả những người mà họ bãi chức với các lý do khác.” [56] Tuy vậy, sau nhiều thập kỷ, cơn sốt chống tham nhũng quyết liệt của cách mạng Mao Trạch Đông đã giảm nhiệt.

Một học giả Hoa Kỳ đã sống nhiều năm ở Trung Quốc vào cuối những năm 1980 đã viết rằng câu chuyện về tham nhũng chính trị của lãnh đạo cấp cao được lặp đi lặp lại và dân thường cũng như trí thức đều tin vào chúng. Những người già Trung Quốc nhớ lại những năm 1940 cho rằng tình hình còn tồi tệ hơn thời kỳ kết thúc của Quốc Dân Đảng. [57] Vào tháng giêng năm 1989, một học giả cao cấp của Trung Quốc nói với người Mỹ, “Tôi cho rằng họ [lãnh đạo cấp cao] muốn điều tốt nhất cho Trung Quốc, cũng giống như tôi. Nhưng nhiều thuộc cấp của họ là đám vô lại và toàn hệ thống đã thối rữa từ trong lõi. Nó không thể cải cách được nữa.” [58] Một học giả cấp cao khác nói, “Ở Trung Quốc, chính trị là gốc rễ của mọi vấn đề, trong đó có tham nhũng. Mọi lãnh đạo đều lừa bịp để củng cố vị thế của bản thân. Hãy nhìn cách họ bôi nhọ phe cánh khác trên báo chí Hong Kong.” [59] Sau khi nghe chuyện này và những bình luận tương tự của những người khác, người Mỹ viết, “Nhận thức phổ biết cho rằng lãnh đạo cấp cao là tham nhũng dường như không chỉ khiến nó tự nhiên mà hầu như còn biện minh cho sự tham nhũng của các cấp thấp hơn.” [60] Một báo cáo do Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc phát hành năm 1993 đã xác nhận những mô tả nêu trên. Theo bản báo cáo, tỷ lệ đảng viên Đảng Cộng Sản liên quan đến các vụ án hối lộ và tham ô đã tăng lên hàng năm. [61] Vào tháng 8 năm 1993, Đảng Cộng Sản Trung Quốc, coi tham nhũng là sự đe dọa đối với sự kiểm soát của đảng, đã tiến hành chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất kể từ năm 1949. [62] Hai năm sau chiến dịch được mở rộng, phát hiện các vụ tham nhũng cấp cao của các quan chức đảng. [63] 

Kết luận khi so sánh giữa Trung Quốc và Nhật Bản là gì? Thứ nhất, trong các xã hội phong kiến thì mặc dù hối lộ là bất hợp pháp nhưng nó vẫn phổ biến. Thứ hai, phong tục cũ về tặng quà có thể gây khó khăn cho nhà cầm quyền khi phân biệt giữ quà tặng hợp pháp và hối lộ bất hợp pháp. Thứ ba, chính quyền phong kiến đôi khi trừng phạt nghiêm khắc các quan lại vi phạm với hình phạt lưu đày hoặc xử tử. [64] Sau khi chế độ phong kiến sụp đổ ở Trung Quốc, hối lộ và các dạng tham nhũng chính trị khác vẫn là thông lệ xã hội cho đến khi người cộng sản giành được chính quyền. Nhật Bản trong những năm tương tự đã trả qua nhiều vụ hối lộ nhạy cảm, nhưng Trung Quốc vẫn bị coi là môi trường chính trị tham nhũng hơn. Cái chết của Mao và việc mở cửa kinh tế Trung Quốc đã hồi sinh sự đồi bại phong kiến: tham nhũng chính trị. Ở Nhật Bản, bất chấp nhiều dạng chính quyền khác nhau, các vụ bê bối tham nhũng lớn vẫn nối tiếp nhau diễn ra. 

Như đã chỉ ra ở đầu chương này là phong tục tặng quà có mối liên hệ gần gũi với hối lộ chính trị, cũng như nhà cầm quyền Nhật Bản khó có thể xác định ranh giới giữa việc tặng quà và hối lộ. Tình hình ở Trung Quốc cũng tương tự. Một đặc trưng quan trọng của hành vi xã hội Trung Quốc là sự căng thẳng về mối quan hệ cá nhân thân cận. “Các quy định xã hội và đạo đức…được tạo ra để duy trì và thực thi các giá trị định hướng theo sự trung thành của Nho giáo như hiếu thảo với cha mẹ, thân thiện, khoan dung, khiêm tốn và trung thành. Do vậy, sự trung thành đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ thường ngày giữa các cá nhân…Kết quả là sự trao đổi thường xuyên quà tặng và lợi ích [sic] được coi không chỉ là ước muốn mà còn là cần thiết, bởi vì đó là cách thức rõ ràng để thể hiện và đồng thời thực thi khuynh hướng trung thành.” [65] Ngay cả khi phong tục tặng quà ăn sâu vào cả hai xã hội có tác động đến quá trình chính trị thì cũng cần phải chú ý một điều. Quy tắc văn hóa về sự khiêm tốn ở Nhật Bản không nhất thiết bắt nguồn từ Nho giáo: Nhật Bản chịu ảnh hưởng của đạo Phật và Thần Đạo cũng có ảnh hưởng. John Hall đã viết, “Bất chấp thắng lợi của tân Nho giáo trong lĩnh vực tư tưởng xã hội và chính trị, các thiết chế Phật giáo vẫn duy trì được ảnh hưởng tôn giáo và một số sự ủng hộ kinh tế của nó.” Thần Đạo đóng vai trò “như là một cỗ xe thể chế để chuyển tải hồi ức sâu thẳm về quê hương cũng như các quan hệ xã hội và chính trị phong kiến.” [66] Hơn nữa, Hall viết, “Điều ấn tượng nhất về thể chế chính trị nền tảng của chế độ Tokugawa là họ ít hay hoàn toàn không thuộc về mô hình Trung Quốc. Nguồn gốc của tổ chức chính trị Tokugawa thể hiện rõ ràng trong hoạt động của triều đình phong kiến độc lập, thứ trở thành các thiết chế daimyo vào thời Tokugawa.” [67]

Kịch bản hối lộ chính trị ở Triều Tiên phong kiến phản ánh những gì diễn ra ở Trung Quốc. Chính quyền nhà Yi (1392-1910) đã sao chép mô hình cai trị của Trung Quốc; đó là quy định pháp luật được sao chép từ nhà Minh. Cũng như ở Trung Quốc, các địa phương nằm dưới sự cai quản của quan huyện do chính quyền trung ương bổ nhiệm, họ được luân chuyển thường xuyên. Để cai quản hiệu quả thì quan huyện bị buộc phải lệ thuộc vào các viên chức và thư lại thường trực ở địa phương. Tuy vậy, những thư lại này không được nhận lương định kỳ; do vậy họ buộc phải sống dựa vào hối lộ, tống tiền và các khoản phí. Thực tế họ là một phần của hệ thống tham nhũng được thể chế hóa của quốc gia. [68] Quan tri huyện Triều Tiên cũng giống như ở Trung Quốc, cũng thấy rằng ngân quỹ của chính quyền trung ương là không đủ. Họ phải bù đắp chi tiêu khi tại nhiệm, kiếm tiền để mua chức tước tốt hơn và tiết kiệm tiền để nghỉ hưu. [69] Tham nhũng chính trị tràn lan, ít nhất là vào những thời kỳ nhất định, tới mức mà nhiều truyện dân gian và văn chương truyền miệng có nội dung chính là về quan huyện tham nhũng và các thư lại tham lam. [70] 

Chúng ta có thể thấy rằng vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên, từ năm 1910 đến 1945, hai thực tế tham nhũng chính trị đã hòa trộn làm một. Dù theo cách nào thì sau năm 1945 sự phát triển kinh tế-chính trị của Triều Tiên cũng theo kịch bản tương tự như Nhật Bản hiện đại. Sau khi thoát khỏi thời thuộc địa, doanh nhân Hàn Quốc nổi lên, họ đã học được nhiều từ các thương nhân chính trị Nhật Bản thời Minh Trị về cách hợp tác với giới chính trị. Rhee Syngman, tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, đã xây dựng một cỗ máy chính trị hùng mạnh bằng cách cho phép các lãnh đạo doanh nghiệp nhận tài trợ và tín dụng ngân hàng nước ngoài để đổi lấy các khoản đóng góp và lại quả chính trị. Việc lật đổ Rhee và thay thế bằng chính quyền quân sự đã dẫn đến một chiến dịch chống tham nhũng.

Mặc dù vậy, các tướng quân đã nhanh chóng chuyển sang con đường khác, cố gắng thỏa hiệp với các doanh nhân: tất cả đều được dung thứ nếu như họ mở công ty mới và chính quyền có cổ phần. [71] Được thừa hưởng di sản của thời Nhật Bản chiếm đóng cũng như thành công kinh tế của Nhật Bản nên không có gì ngạc nhiên khi mà nước láng giềng ở phía đông cũng lựa chọn cùng mô hình kinh tế. Trong những năm vừa qua, các bê bối tham nhũng đã xuất hiện thường xuyên. Ví dụ, có một biên niên sử báo chí về những câu chuyện sau vào tháng 6 năm 1993. Cáo buộc hối lộ được đưa ra đối với Park Tae-joon, cựu quan chức cấp cao của công ty sắt thép Pohang. Kim Chong-in, cựu cố vấn kinh tế của cựu tổng thống Roh Taewo và là thành viên của đảng cầm quyền Dân Chủ Tự Do, bị bắt vì hối lộ. Các công tố viên dự định thẩm vấn cựu bộ trưởng bộ quốc phòng Le Joong-koo và những người khác về hối lộ liên quan đến việc mua vũ khí. Cuối cùng, Ủy Ban Kiểm Toán và Thanh Tra đang điều tra General Dynamics về các khoản thanh toán bất hợp pháp liên quan đến việc mua các chiến đấu cơ phản lực. [72] Để đối đầu với những bê bối này, Kim Young-san, tổng thống dân cử đầu tiên trong vòng 30 năm vào năm 1993, đã tiến hành một chương trình cải cách để bài trừ tham nhũng chính trị. Trong số các cải cách có việc yêu cầu công bố tài sản của các quan chức và sử dụng tên thật trong các giao dịch tài chính. [73] Như vậy, tham nhũng chính trị ở Hàn Quốc, ít nhất là về mặt hình thức, có vẻ cũng tương tự như tham nhũng ở Nhật Bản.

Một sự so sánh đáng giá khác là với nước Anh, nơi có luật của chính quyền trung ương đầu tiên về tham nhũng trong hoạt động bầu cử được ban hành vào năm 1696. Các nghị sĩ Quốc Hội sẽ bị bãi chức nếu họ hoặc các cá nhân làm việc cho họ đưa hoặc hứa hẹn đưa tiền hay bất kỳ phần thưởng nào khác cho cử tri. Luật Hối Lộ năm 1792 nhằm ngăn chặn tham nhũng trong cử tri. Dường như những luật này đều bị phớt lờ. [74] Sau cuộc bầu cử năm 1734, một người quan sát viết, “Bất chấp một số luật được ban hành trong năm 1729 để ngăn chặn hối lộ và tham nhũng trong bầu cử, mặc dù trước đây tiền được đưa công khai hơn nhưng bây giờ thì tiền được đưa nhiều hơn.” [75] Bởi vì luật pháp bị phớt lờ với sự miễn tố của các cử tri và ứng cử viên, “một chính khách của thể kỷ 18 tin rằng không có cách nào chấm dứt điều đó [tham nhũng bầu cử] và than phiền với ngài William Yonge, “Điều xấu xa mà tôi e ngại có lẽ là không thể tránh được.”” [76]

Vào thế kỷ 18, ghế trong Quốc Hội rất đắt đỏ. Một số nghị sĩ giàu có đã tự trang trải cho chiến dịch tranh cử của bản thân; một số khác tiếp nhận sự hỗ trợ của chính phủ và hiểu rằng họ sẽ ủng hộ các đạo luật của chính phủ. Các khoản chi cho bạn hữu của chính phủ được lấy ra từ quỹ bí mật của hoàng đế. Các đảng chính trị cũng thiết lập quỹ bầu cử tập trung; các ứng cử viên cũng có thể gây quỹ bằng các khoản quyên góp do những người ủng hộ vận động. Bất chấp những nguồn quỹ đa dạng, sự gia tăng của chi phí bầu cử đôi khi khiến người ta khó kiếm được ứng cử viên. Sự gia tăng nhanh chóng của chi phí bầu cử bắt nguồn từ 
sự dễ mua chuộc của cử tri và sự sẵn sàng lợi dụng điều đó của ứng cử viên. Sự nhục nhã mà các chính khách đổ xuống đầu các cử tri Anh quốc nằm dưới dạng chi phí hối lộ và chiêu đãi họ là rất quen thuộc….Tuy vậy chúng ta không nên vội vã đưa ra nhận định về…cử tri của thời kỳ tiền cải cách….Trong suốt bốn thế kỷ, một số lượng giới hạn cử tri, một phần nhất định của những người tạo thành thành phần nghèo khổ hơn của dân chúng, đã quen với việc bóc lột của cải bất cứ khi nào có cơ hội, là cơ sở cho phép tầng lớp cao hơn có nhiều tiền bạc và đất đai hơn thống trị nước Anh. [77] 
Mặc dù tham nhũng bầu cử vào thế kỷ 17 cũng bị báo chí tấn công nhưng nó được đa số trong xã hội chấp nhận và thậm chí còn được khuyến khích. Nhiều cử tri tiếp tục coi bầu cử là cơ hội để kiếm tiền và nhận quà tặng. Ở một số khu vực, cử tri không cần biết nền tảng của đảng chính trị mà chỉ bỏ phiếu cho đảng nào trả nhiều tiền nhất. Dường như các cử tri tham nhũng không thấy có gì sai về mặt đạo đức trong việc đưa và nhận hối lộ. Đối với ứng cử viên, tình trạng dễ dãi đối với việc lạm dụng bầu cử của thế kỷ đã sản sinh ra các nghị sĩ không mấy quan tâm đến việc hối lộ để được vào Hạ Viện. [78] Tờ Westminister Review (1862) đã tóm tắt tình hình: “Sự thật đau đớn là một người giàu, được cho là đã hối lộ, hoặc thực sự bị kết án hối lộ, hầu như chẳng khi nào bị đa số trong Hạ Viện coi thường.” [79] 

Tuy vậy, nhận thức về việc tham nhũng bầu cử trắng trợn không chỉ là phi pháp mà còn là phi đạo đức đã tăng lên vào trong thế kỷ 19. Tư tưởng này được thể hiện trong các đạo luật năm 1854 và 1868, định nghĩa một cách cẩn trọng các tội về bầu cử như hối lộ. Theo đạo luật 1868, bất cứ ai được coi là có tội hối lộ đều bị cấm giữ các chức vụ công trong bảy năm. [80]

Luật Cải Cách năm 1867 đã tăng hơn gấp đôi số cử tri. Mặc dù vẫn chưa phải là phổ thông đầu phiếu cho toàn bộ nam giới nhưng nó đã trao quyền bỏ phiếu cho các nam giới chủ hộ gia đình, các hộ gia đình trả tiền thuê nhà và những người thuê lại nhà. Điều kiện là chứng nhận cư trú trong một năm. Việc bổ sung thêm 1 triệu cử tri thuộc giai cấp công nhân khiến những người bảo thủ vốn lo ngại về hối lộ và các dạng tham nhũng bầu cử khác thêm phần lo lắng. Một sự phản ứng là Luật Bỏ Phiếu năm 1872, áp dụng bỏ phiếu kín; người ta hy vọng rằng hệ thống mới sẽ làm giảm sự hăm dọa và tham nhũng hay làm giảm chi phí bầu cử, thứ đang tiếp tục gia tăng nhanh chóng. [81]

Một báo cáo của ủy ban hoàng gia điều tra về thực tế tham nhũng trong cuộc bầu cử năm 1880 đã dẫn đến việc thông qua Luật Về Tham Nhũng và Các Hành Vi Bất Hợp Pháp năm 1883. Luật này kết hợp những phần được chọn lựa của các luật trước đó có liên quan đến chủ đề này. Hối lộ và các hành vi bất hợp pháp khác có thể bị trừng phạt bằng nhiều án phạt và các giới hạn được đặt ra cho chi phí bầu cử. Các ứng cử viên không chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ mà còn phải chịu trách nhiệm về hành vi của các nhân viên của họ. [82] Khoảng 10 năm sau khi luật cải cách này được thông qua, một người quan sát viết rằng, hối lộ và các hành vi bất hợp pháp khác ở hầu hết các khu vực đã biến mất mà ở các khu vực khác đã giảm đi nhiều. Một nguồn khác viết rằng trong một cuộc điều tra vào cuối thế kỷ không có tham nhũng bầu cử lớn nào được phát hiện. [83] Mặc dù luật 1883 đã cải thiện phương pháp phát hiện hối lộ và nhanh chóng trừng phạt những người vi phạm nhưng cũng có lý do khác khiến loại tội phạm này giảm đi: “[K]hông có luật lệ hiệu quả nào mà không tạo ra một cuộc cách mạng trong quan điểm của công chúng – được cho là chịu ảnh hưởng và được khuyến khích bởi cải cách lập pháp – vốn đã biến vai trò của họ trong chính quyền quốc gia từ tương đối thụ động sang chủ động. Trong sự chuyển biến tinh thần này…một sức mạnh lớn lao đã chấm dứt tham nhũng bầu cử và chi phí khổng lồ mà nó gây ra.” [84]

Theo kinh nghiệm của nước Anh với tham nhũng bầu cử, quan điểm của ứng cử viên và cử tri Nhật Bản dường như cũng tuân theo một kịch bản phát triển tương tự. Việc cử tri kỳ vọng và đòi hỏi hối lộ và ứng cử viên vui mừng đáp ứng là đáng chú ý trong những thập kỷ đầu sau cuộc bầu cử đầu tiên năm 1890. Hơn nữa, sau nhiều thập kỷ mà nhà nước Nhật Bản ban hành các quy định chống hối lộ và thực hiện các chiến dịch bầu cử trong sạch, sau ví dụ của Anh (luật bầu cử đầu tiên được ban hành vào năm 1883 của Anh đã gợi cảm hứng cho họ). Tuy vậy, ở Anh vụ tham nhũng bầu cử quy mô lớn cuối cùng nổ ra vào năm 1906 tại khu vực có truyền thống về tham nhũng, tại đó 500 cử tri đã nhận các khoản hối lộ nhỏ. [85] Do vậy, chỉ hơn hai mươi năm sau khi thông qua luật 1883, tham nhũng bầu cử đã không còn quan trọng. Nhưng đó không phải là điều diễn ra ở Nhật Bản. Một số người cho rằng số lượng lớn các vi phạm trong nhiều thập kỷ đã phản ánh sự quá nghiêm khắc của luật pháp hoặc sự mẫn cán thái quá của nhà cầm quyền. Một số khác trả lời rằng sự tiếp diễn kéo dài của hành vi tham nhũng cho thấy xã hội này khoan dung với tham nhũng bầu cử hơn ở các xã hội khác. 

Hoa Kỳ là ví dụ cuối cùng để so sánh. Hối lộ và lừa đảo là hai tội được nhắc tên trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Điều 2, khoản 4 nêu rõ, “Tổng thống, phó tổng thống và tất cả các viên chức dân sự của Hoa Kỳ sẽ bị bãi chức nếu bị buộc tội hoặc bị kết án lừa đảo, hối lộ hoặc các tội hình nghiêm trọng và tội nhẹ khác.” [86] Tuy vậy, điều này không bao hàm các nghị sĩ Quốc Hội và không chủ định áp dụng cho các thẩm phán. Một học giả viết rằng rào cản đối với hối lộ chính trị là rất mỏng manh. “Sự lưỡng phân được chấp nhận. Quận trưởng có thể bị bãi chức vì hối lộ nghị sĩ Quốc Hội hoặc bất cứ ai. Nghị sĩ Quốc Hội không phải là đối tượng của trừng phạt nếu như họ nhận hối lộ.” [87] Vào năm 1789, luật liên bang chống hối lộ đầu tiên được thông qua để trừng phạt các nhân viên hải quan và những người khác liên quan đến việc làm sai lệch hồ sơ; hình phạt là phạt tiền. Năm tiếp theo có một luật khác quy định về tội hối lộ thẩm phán liên bang và thẩm phán nhận hối lộ: hình phạt là miễn chức vụ liên bang. Cuối cùng, vào tháng hai năm 1853 một luật hình sự được bạn hành để trừng phạt việc hối lộ nghị sĩ Quốc Hội. Phạm vi của luật này được mở rộng vào năm 1862; hình phạt là phạt tiền và hai năm tù. Cả luật 1853 và 1862 đều đủ rộng để bao quát mọi dạng hối lộ nghị sĩ Quốc Hội. 

Sự sẵn sàng của Quốc Hội trong việc thực thi luật chống hối lộ mới đã sớm được kiểm nghiệm. Một tạp chí đưa tin vào mùa thu 1872 cáo buộc một nghị sĩ hàng đầu nhận hối lộ, dưới dạng cổ phiếu, đổi lấy lời hứa sẽ không điều tra Crédit Mobilier, một doanh nghiệp được tạo ra để xây dựng mạng Đường Sắt Thái Bình Dương Thống Nhất. Mục tiêu của doanh nghiệp này, theo như tạp chí đưa tin, là chuyển lợi nhuận từ các hợp đồng xây dựng vào túi của những nhà tài trợ cho đường sắt. Nghị sĩ Oakes Ames, người đóng vai trò chủ chốt trong việc dùng cổ phiếu để mua sự ủng hộ của các đồng sự nhằm bảo vệ Crédit Mobilier, là người duy nhất bị khiển trách. [89]

Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tham nhũng chính trị tràn lan ở tất cả các cấp của chính quyền; hiện tượng này gắn liền với sự phát triển của các đảng phái chính trị, vốn cần tiền để mở rộng. “Các khoản lại quả lớn của nhà thầu cho các công trình công cộng và các khoản chi để tránh bị hạn chế tăng trưởng cũng như các cơ quan quản lý…ngày càng trở thành những nguồn quan trọng của quỹ. Vào cuối thế kỷ, khoản đóng góp của các doanh nghiệp lớn đã trở thành nguồn tiền chủ chốt của cho bầu cử bang và quốc gia.” [90] 

Mặc dù Lincoln Steffens và những người chống tham nhũng khác đã hướng sự chú ý của công chúng vào tham nhũng chính trị tại tất cả các cấp chính quyền và mặc dù một số người đưa và nhận tham nhũng tại địa phương và bang bị kết án, song chính quyền liên bang không mấy quan tâm đến vấn đề tham nhũng chính trị. Ngay cả trong vụ án mà một số thẩm phán bị Hạ Viện cáo buộc và Thượng Viện kết án thì sau đó họ cũng không bị truy tố hình sự. [91] Vào năm 1929, tiền lệ về việc không truy tố hình sự đối với các viên chức cấp cao bị phá vỡ, ít nhất là tạm thời, bằng vụ truy tố cựu bộ trưởng bộ nội vụ Albert B. Fall. Hành động tội phạm của Fall liên quan đến việc bán dầu dự trữ của hải quân cho một công ty dầu thuộc sở hữu của Edward L. Doheny và Harry F. Sinclair. Điều tra của Thượng Viện kết luận rằng Doheny đã cho Fall vay 100.000 dollar và Sinclair đã đưa cho ông ta 85.000 dollar tiền mặt, 223.000 dollar trái phiếu, một đàn gia súc. Mặc dù Doheny và Sinclair được trắng án về tội định quịt nợ chính quyền, Fall vẫn bị kết án nhận hối lộ; ông ta bị tuyên án hai năm tù và phải nộp phạt 100.000 dollar. Đơn chống án của ông ta bị bác bỏ và ông ta đi tù vào tháng 7 năm 1931. Trong vụ bê bối này, được gọi là Teapot Dome, lần đầu tiên một thành viên nội các phải vào tù. [92] Việc Fall bất ngờ bị kết án là kết quả của nhiều yếu tố: sự khinh suất khi phô bày sự giàu có mới của ông ta; nói dối ủy ban Thượng Viện; sự dễ tổn thương về chính trị; một phiên tòa và sự chống án khi thị trường chứng khoán sụp đổ; và Đại Suy Thoái. [93] 

Thẩm phán liên bang đầu tiên bị truy tố vì hối lộ là Martin T. Manton, người đảm nhiệm phân xử tại tòa phúc thẩm liên bang ở thành phố New York. Từ năm 1932 đến 1938, Manton đã nhận hàng trăm ngàn dollar từ các nguyên đơn. Sau khi bị kết án hai năm tù, Manton đi tù vào tháng 3 năm 1940. [94]

Các vụ truy tố Fall và Manton là những ngoại lệ hơn là thông lệ. Mặc dù các chính khách và thẩm phán đôi khi từ chức khi đối mặt với cáo buộc hối lộ, họ không phải đối mặt với án tù. “Sự thực thi của nhà nước về luật hình sự đối với hối lộ,” một học giả viết, “không nhất thiết phải khác với các hoạt động liên bang khác.” [95] Mặc dù không có nghị sĩ nào bị truy tố vì hối lộ trước thế kỷ 20 nhưng 10 người đã truy tố vào năm 1970. Bản án trong các vụ án này không nặng nề: hình phạt chủ yếu là sự lãng quên về chính trị. Mặc dù công tố viên liên bang trở nên tích cực hơn trong việc truy tố các nghị sĩ Quốc Hội sau năm 1970, các bản án thường nhẹ nhàng. Vào năm 1978, chính quyền liên bang tiến hành chiến dịch Abscam. Trong vụ “gài bẫy” này, khoản hối lộ trị giá 100.000 dollar được hai người Arab giàu có giả tưởng chi cho các nghị sĩ Quốc Hội để hướng dẫn họ lách qua các cạm bẫy khi đầu tư ở Hoa Kỳ. Sau khi bị ghi hình lại bằng máy quay phim bí mật, tất cả những người bị gài bẫy đều bị truy tố vì hành vi phạm tội, sáu người trong số họ phạm tội nhận hối lộ. Michael Myers, người từ chối từ chức, trở thành hạ nghị sĩ đầu tiên bị bãi chức vì nhận hối lộ. Thượng nghị sĩ Harrison A. Williams, Jr, cũng bị mắc bẫy, đã từ chức ở Thượng Viện. [96]

Các nỗ lực xóa bỏ tham nhũng trong hoạt động bầu cử liên bang dẫn đến Luật Tillman vào năm 1907: doanh nghiệp bị cấm cung cấp tiền cho ứng cử viên chức vụ liên bang. Vào năm 1910, Quốc Hội thông qua Luật Hành Vi Tham Nhũng Liên Bang, yêu cầu báo cáo về quyên góp trong bầu cử quốc gia. Sau nhiều năm, các luật khác được bổ sung để lấp những lỗ hổng trong những luật ban đầu. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn tìm ra nhiều cách để lách luật và điểm chính yếu là việc thi hành những luật lệ này thường không nghiêm và hình phạt thường nhẹ. Vào năm 1946, Luật Điều Chỉnh Vận Động Chính Sách được thông qua. Doanh nghiệp cũng khai thác nhiều lỗ hổng trong luật này. Các luật kiểm soát vi phạm bầu cử thường bị lách trên quy mô lớn và luật chống vận động chính sách bất hợp pháp hầu như bị phớt lờ cho đến khi vụ Watergate vỡ lở vào năm 1972. Do các công tố viên chuyên trách của vụ việc này có thẩm quyền điều tra tài chính của chiến dịch tranh cử, sự chú ý được tập trung vào việc thực thi Luật Tillman. Kết thúc cuộc điều tra này, nhiều doanh nghiệp chủ chốt đã thú nhận quyên góp bất hợp pháp. Như một phần của thỏa thuận với chính quyền, công ty Dầu Vùng Vịnh đã đồng ý cho điều tra khoản quyên góp chính trị của họ. Ủy ban đảm nhiệm việc này đã cung cấp một mô tả chi tiết về các khoản chi chính trị trong đó có các khoản hối lộ quốc tế. Quốc Hội đã phản ứng vào năm 1977 bằng cách thông qua Luật Hành Vi Tham Nhũng Quốc Tế, quy định về việc gây ảnh hưởng tới các luật lệ chính thức bằng cách đưa quà tặng, đề nghị, hoặc trả tiền cho các quan chức nước ngoài hoặc bất cứ cá nhân trung gian nào. [97]

Suốt lịch sử Hoa Kỳ, khuynh hướng đạo đức về hối lộ chịu ảnh hưởng của những răn dạy Thiên Chúa giáo. “Sự noi gương Chúa nằm ở việc ngăn chặn hối lộ….Chúa của Israel phán quyết một cách không thiên vị. Quà tặng của con người không thể che mắt Chúa hay ràng buộc phán quyết của Ngài….Bám vào cơ sở kinh thánh của văn hóa phương Tây là mô hình Người cai trị-Quan tòa, mọi nỗ lực hối lộ đều không thể lay chuyển Ngài. Chúng ta cũng giống như Ngài…Quà tặng hào phóng và hối lộ hèn hạ được phân định vĩnh viễn bằng các ví dụ và hướng dẫn tôn giáo.” [98] Tác động của tư tưởng chống hối lộ đối với Những Cha Lập Quốc được thể hiện trong việc đưa “sự hối lộ” vào các văn kiện pháp luật nền tảng của Hoa Kỳ. Hối lộ đã được hình sự hóa trong luật liên bang trong những năm tiếp theo. Bất chấp sự thực thi chểnh mảng những luật này cho đến thế kỷ 20, đạo đức chống hối lộ vẫn mạnh mẽ trong công chúng. Bình luận về các nỗ lực bài trừ hối lộ ở Quốc Hội vào những năm 1970 trong vụ Abscam, một học giả đã viết, “Điều đó có thể không xảy ra trừ khi ở một xã hội thấm nhuần đạo đức chống hối lộ. Không có nỗ lực chống hối lộ tương ứng nào từng được thực hiện ở bất cứ quốc gia nào để chống lại những kẻ nhận hối lộ trong giới lập pháp.” [99]

Một sự so sánh về hối lộ chính trị ở Hoa Kỳ và Nhật Bản dẫn đến những kết luận sau. Lịch sử về hối lộ chính trị ở Hoa Kỳ cũng cổ xưa như nước Cộng Hòa, các ví dụ về tham nhũng chính trị ở cả cấp quốc gia và địa phương đều giống với những ví dụ ở Nhật Bản. Tuy vậy, điểm khác biệt đáng chú ý là: suốt lịch sử Hoa Kỳ, ngay cả khi luật chống hối lộ bị lơi lỏng, tư tưởng cho rằng hối lộ là sai trái về đạo đức vẫn tồn tại phổ biến và sâu sắc. Đạo đức chống hối lộ mạnh mẽ đã tạo ra một dạng trừng phạt thay cho sự trừng phạt của pháp luật: sự mất mặt trước công chúng của những người đưa hay nhận hối lộ. Trong trường hợp Nhật Bản thì ngược lại, bối cảnh văn hóa đã khiến cho hối lộ chính trị dẫn đến một kết quả khác: một chính khách bị phát hiện nhận hối lộ có thể cảm thấy xấu hổ nhưng không cảm thấy có lỗi về mặt đạo đức. Hơn nữa, sự nghiệp chính trị vẫn phát triển bất chấp sự truy tố vì hối lộ. Cả hai quốc gia đều có các luật hình sự và các quy định về bầu cử đầy đủ, trong đó các điều khoản chống hối lộ cũng được thiết lập cẩn trọng. Việc thực thi cũng theo một kịch bản tương tự, nhiều hoạt động truy tố hơn trong một số thời kỳ so với những thời kỳ khác; chính trị tác động tới quá trình ở cả hai quốc gia. Tuy vậy, việc truy tố ở Nhật Bản khó khăn hơn nhiều, bởi vì ở Hoa Kỳ một khoản chi cho quan chức được coi là hối lộ; công tố viên không cần chứng minh rằng người đưa hối lộ nhận được lợi ích từ quan chức nhận hối lộ. Đó không phải là trường hợp của Nhật Bản, tại đó công tố viên phải chứng minh rằng quan chức nhận hối lộ thỏa mãn lợi ích của người đưa hối lộ và hiểu rằng tiền đó có nghĩa là hối lộ. Ở cả Nhật Bản và Hoa Kỳ, ít nhất là cho đến thời kỳ hậu chiến, địa vị của các cá nhân nhận hối lộ càng cao thì họ càng ít bị truy tố. Ngoại lệ là bộ trưởng Ogawa và bộ trưởng Fall, những người bị truy tố trong cùng một năm (1929) và cùng lĩnh án tù ngắn. Không giống như Hoa Kỳ, đã bỏ tù quan tòa Manton vào năm 1940, Nhật Bản không ghi nhận trường hợp nào về thẩm phán cấp trung ương nhận hối lộ. Tuy vậy, sự khác biệt rất rõ ràng giữa hai quốc gia: hàng loạt các bê bối hối lộ thời hậu chiến ở Nhật Bản, liên quan đến hàng trăm chính khách, viên chức và doanh nhân. Cốt lõi của nững vụ bê bối này là nhu cầu gia tăng của các chính khách về số tiền lớn cho chiến dịch tranh cử và duy trì phe cánh chính trị. Quan điểm khác nhau của người Nhật về nguyên nhân tạo thành tham nhũng chính trị cũng là tâm điểm trong mọi vụ bê bối.

Sự đồng thuận rằng hệ thống chính trị Nhật Bản cần cải cách cũng là phổ biến. Hầu hết các nhà cải cách đồng ý rằng một số thứ cần phải được thực hiện để kiềm chế “chính trị tiền bạc” (tức là sự phụ thuộc vào tài trợ của các doanh nghiệp lớn), để giải thoát các đảng khỏi chủ nghĩa bè phái quá mức và giúp cho công chúng hội nhập hơn vào quá trình chính trị. Trong ba lĩnh vực mà các nhà cải cách hướng tới, khó thay đổi nhất là chủ nghĩa bè phái bởi vì bè phái đòi hỏi một khoản tiền lớn, mối liên hệ giữa doanh nghiệp lớn và các phe cánh sẽ rất khó để chia cắt. Một người có quyền lực trong phe phái (hanbatsu) đã viết, 
Nếu như văn hóa Nhật Bản chú trọng vào các mối quan hệ cá nhân hơn các quan hệ được thể chế hóa, quyền lực mà người khác phải tuân phục và sự trung thành sẽ gắn với một cá nhân hơn là tổ chức. Quyền lực của đảng cũng được thể chế hóa nhưng không phải là không chịu ảnh hưởng của cá nhân. Mặt khác, quyền lực của “oyabun” dựa trên các quan hệ “giri-ninjò” truyền thống. Do vậy, dễ hiểu là những người Nhật bảo thủ, vốn tuân thủ các giá trị truyền thống và tìm kiếm một số dạng quyền lực nhóm để tuân thủ, sẽ phục tùng “hanbatsu” hay cụ thể là ông trùm của “hanbatsu”, hơn là đảng. [100]
Các nhà cải cách đứng sau chương trình của thủ tướng Miki (tháng giêng năm 1977) đã lập luận rằng các phe cánh sẽ suy giảm nếu như đảng cho phép các đảng viên quần chúng được bầu chủ tịch đảng. Mặc dù, đảng viên quần chúng đã hình thành, các phe cánh vẫn tiếp tục đóng vai trò truyền thống bởi vì các đảng viên thống nhất với nghị sĩ địa phương của họ chứ không phải là đảng và ông ta lại thống nhất với thủ lãnh phe cánh của mình (xem chương 6). Bản chất của chính trị và xã hội Nhật Bản là một phần nhưng sẽ là sai lầm nghiêm trọng khi đánh giá thấp quyền lực của phe cánh. Tuy vậy, một số nhà khoa học xã hội theo đuổi quan điểm rằng việc “hiện đại hóa” sẽ xóa bỏ phe cánh khỏi chính trường. Những người khác, với hiểu biết sâu sắc về Nhật Bản, cho rằng phe cánh, vốn phục vụ cho các mục tiêu thực dụng, sẽ thích nghi với kế hoạch của các nhà cải cách và tiếp tục tồn tại. [101] Tất cả đều đưa chúng ta quay trở lại câu hỏi cốt lõi về tiền bạc, thứ mà các phe cánh đều phải có. Các lãnh đạo phe phái sẽ cố gắng duy trì sự liên hệ truyền thống với nguồn tiền từ các doanh nghiệp lớn. Một học giả, viết về cải cách bầu cử vào tháng giêng năm 1994, đã kết luận, “Mặc dù sự kết hợp của hai chính đảng lớn là có khả năng, nhưng nó cũng có khả năng tương đương với việc điều đó sẽ không diễn ra. Tương tự, những khẳng định về sự suy giảm của chính trị tiền bạc, chính trị phe phái và mạng lưới hỗ trợ cá nhân đều đáng hoài nghi.” [102] 

Gunnar Myrdal, trong một nghiên cứu cổ điển về phát triển kinh tế (hay thiếu phát triển kinh tế) ở Đông Á, đã viết về vấn đề tham nhũng. Ông đã chỉ ra rằng tham nhũng chính trị luôn nằm trong tâm trí của mọi người. Các hội đồng lập pháp và báo chí dành nhiều thời gian và công sức cho chủ đề này, các cuộc nói chuyện giữa bạn bè cũng thường xoay quanh chủ đề này. Đôi khi các ủy ban được thiết lập để nghiên cứu vấn đề và các đạo luật được thông qua để chấm dứt tham nhũng. Bất chấp những biện pháp đó và bất chấp sự quan ngại của công chúng về tham nhũng, hầu hết mọi người dường như đều tin rằng tham nhũng đang gia tăng, ông viết, nhất là các quan chức cấp cao. [103] “Các nỗ lực khoa trương để ngăn chặn tham nhũng và những quả quyết về việc tham nhũng đang bị xử lý thích đáng chỉ làm gia tăng sự hoài nghi, nhất là về mức độ đụng chạm đến “giới chóp bu”. [104] Myrdal mô tả điều mà ông thấy khi làm việc ở đây là “chuyện dân gian về tham nhũng”, tức là niềm tin của người dân về tham nhũng và cảm xúc đi kèm theo những niềm tin đó, khi được thể hiện trong các cuộc tranh luận công khai và các chuyện ngồi lê đôi mách.” [105] “Chuyện dân gian” này ảnh hưởng tới phương thức người dân sinh hoạt trong đời sống cá nhân và sắc thái của sự trung thành với xã hội. Do vậy, “chuyện dân gian về tham nhũng” trong một xã hội nhất định, ngay cả khi xã hội đó chỉ ít bị ảnh hưởng bởi virus hối lộ, có thể gây ra một cảm giác phổ biến về việc tham nhũng gia tăng và điều này có thể tạo ra tham nhũng cá nhân nhiều hơn. [106] Nếu như Myrdal đúng thì hết vụ bê bối này đến vụ bê bối khác trên khắp chính trường Nhật Bản cùng với hàng loạt các tuyên bố huyên náo về kế hoạch cải cách hệ thống chính trị cần phải lay chuyển niềm tin của người dân về sự thanh liêm của quan chức. 

Hối lộ chính trị sẽ tiếp tục nở rộ ở Nhật Bản bởi vì việc bầu cử các lãnh đạo chính trị mới và thực hiện luật cải cách bầu cử sẽ không thay đổi văn hóa chính trị cơ bản. Các cải cách tiếp theo chắc chắn sẽ tạo ra một vết rạn nứt trong thực tiễn phi pháp thâm căn cố đế, nhưng cải cách có hiệu lực phải hướng tới thay đổi các giá trị văn hóa. Do vậy, cải cách sẽ là quá trình lâu dài và đau đớn.

Chú thích:

1. Hiranuma, Hiranuma Kiichirò kaikoroku, 231.
2. Kòdansha, Illustrated Encyclopedia, 2:1368–1369; Yamamoto, Shinbunkisha no tanjò, 255.
3. Quoted in Tsunoda, Japanese Tradition, 2:140.
4. Japan, Ministry of Justice, Research and Training Institute, Summary of the White Paper on Crime 1980, 18. Judges are partial to suspended sentences in all criminal cases. See John O. Haley, Authority without Power: Law and the Japanese Paradox, 128–129.
5. Quoted in Najita, “Reflections on Idealism,” 56.
6. Quoted in Haley, Authority without Power, 172–173.
7. Nathaniel B. Thayer, How the Conservatives Rule Japan, 26–27.
8. Quoted in ibid., 27.
9. Kubota, “Genuine Reform?” 109–110.
10. Richardson and Flanagan, Politics in Japan, 186.
11. Gary D. Allinson, “Politics in Contemporary Japan: Pluralist Scholarship in the Conservative Era—A Review Article,” 331.
12. Chalmers Johnson, MITI and the Japanese Miracle: The Growth of Industrial Policy, 1925–1975, 39.
13. B. C. Koh, Japan’s Administrative Elite, 229.
14. Ibid.
15. Ibid., 227–229.
16. Calman, Japanese Imperialism, 252–275.
17. Herzog, Pseudo-Democracy, 154–155.
18. Japan, White Paper, 18.
19. New York Times, February 17, 1994, A8.
20. Quoted in ibid.
21. Tamiya, “Òura jiken,” 112.
22. Mamoru Iga and Morton Auerbach, “Political Corruption and Social Structure in Japan,” 558–560. Notes to Pages 138–146 181
23. Ibid., 560.
24. Quoted in Hattori Takaaki, “The Legal Profession in Japan: Its Historical Development and Present State,” 125 n. 50.
25. Yayama, “The Recruit Scandal,” 93, 95–96.
26. Herzog, Pseudo-Democracy, 164, 269.
27. Karl Dixon, “Japan’s Lockheed Scandal: ‘Structural Corruption,’ ”340.
28. Murobushi, Jitsuroku Nihon, 302, 309.
29. Herzog, Pseudo-Democracy, 152. The entry under “political corruption” in Kòdansha’s Illustrated Encyclopedia, 2:1211, focuses exclusively on postwar corruption.
30. Ben-Dor, “Corruption, Institutionalization, and Political Development,” 63–82; Arnold J. Heidenheimer, ed., Political Corruption: Readings in Comparative Analysis.
31. Quoted in Dixon, “Lockheed Scandal,” 359–360.
32. R. P. G. Steven, “Hybrid Constitutionalism in Prewar Japan,” 100.
33. Ibid., 114–115, 117, 119.
34. Ibid., 123–124.
35. Ibid., 132.
36. van Wolferen, Enigma, 5.
37. Ibid., 41.
38. Richardson and Flanagan, Politics in Japan, 100–105, 182.
39. Ibid., 182.
40. Harumi Befu, “Gift-Giving in a Modernizing Japan,” 445, 450; also see Takie S. Lebra, Japanese Patterns of Behavior, 96–101.
41. Iga and Auerbach, “Political Corruption,” 559–560.
42. Ibid., 563.
43. Harumi Befu, “From ‘Bribery in Japan: When Law Tangles with Culture,’ ” 87, 92.
44. Williams, Political Revolution, 252.
45. Mayfair Mei-hui Yang, Gifts, Favors, and Banquets: The Art of Social Relationships in China, 217; N.H.K., The First Emperor, December 1994. This TV program was about the discovery of more than nineteen hundred bamboo strips in the grave of a Ch’in dynasty official. On these strips are orders from both the emperor and local government heads. Thus, for the first time, there are details about the Ch’in legal code and orders to officials.
46. Wallace Johnson, trans., The T’ang Code, vol. 1: General Principles, 23, 27, 127, 133–135, 206, 238, 278.
47. Etienne Balazs, Chinese Civilization and Bureaucracy: Variations on a Theme, ed. Arthur F. Wright, 12.
48. Ibid., 10.
49. Ibid., 223, 282; James T. C. Liu, Reform in Sung China: Wang An-shih (1021–1086) and His New Policies, 60, 80–85.
50. John R. Watt, The District Magistrate in Late Imperial China, 129–131.
51. Ibid., 209.
52. Kung-ch’uan Hsiao, Rural China: Imperial Control in the Nineteenth Century, 257.
53.Watt, District Magistrate, 171; Thomas A. Metzger, The Internal Organization of Ch’ing Bureaucracy: Legal, Normative, and Communication Aspects, 323 n. 82; George T. Staunton, trans., Ta Tsing Leu Lee . . . Penal Code of China,
379–382, 384–385.
54. Metzger, Ch’ing Bureaucracy, 323 n. 82.
55. O. Edmund Clubb, Twentieth-Century China, 75–77, 274; Gunnar
Myrdal, Asian Drama: An Inquiry into the Poverty of Nations 2:938 n. 1.
56. Ibid.
57. Perry Link, Evening Chats in Beijing: Probing China’s Predicament, 53, 55.
58. Quoted in ibid., 58.
59. Quoted in ibid.
60. Ibid.
61. Lena H. Sun, “High Anxiety: China Is Stressed by the Challenge of
Change,” 17.
62. Lena H. Sun, “Seeds of Revolt Sprouting among China’s Peasants,” 18.
63. New York Times, March 29, 1995, Al; July 15, 1995, A6.
64. For China, see Ichisada Miyazaki, China’s Examination Hell: The Civil Service Examinations of Imperial China, 62–63, 120–121; Ping-ti Ho, The Ladder of Success in Imperial China: Aspects of Social Mobility, 1368–1911, 191–192;
Mary C. Wright, The Last Stand of Chinese Conservatisim: The T’ung-Chih Restoration, 1862–1874, 81, 89–90.
65. Rance P. L. Lee, “The Folklore of Corruption in Hong Kong,” 358.
66. John W. Hall, “The Confucian Teacher in Tokugawa Japan,” 287, 290.
67. Ibid., 292.
68. James B. Palais, Politics and Policy in Traditional Korea, 12–13; Bong-Duck Chun et al., Traditional Korean Legal Attitudes, 25.
69. Pyong-choon Hahm, The Korean Political Tradition and Law: Essays in Korean Law and Legal History, 66–67.
70. Laurel Kendall, “Death and Taxes: A Korean Approach to Hell,” 8.
71. Jung-en Woo, Race to the Swift: State and Finance in Korean Industrialization, 9, 81, 83–84.
72. Korea Focus on Current Topics 1:126–127, 129.
73. Ibid., 2:107.
74. William B. Gwyn, Democracy and the Cost of Politics in Britain, 12.
75. Quoted in ibid.
76. Quoted in ibid., 13.
77. Ibid., 19.
78. Ibid., 68–69, 72.
79. Quoted in ibid., 72.
80. Ibid., 85; R. K. Webb, Modern England: From the Eighteenth Century to the Present, 395.
81. Webb, Modern England, 326–327, 394–396.
82. Ibid. 396; Gwyn, Democracy, 89–91.
83. Gwyn, Democracy, 90.
84. Ibid., 92.
85. Ibid., 90 n. 1.
86. Edward S. Corwin, The Constitution and What It Means Today, 68. Notes to Pages 152–157 183
87. Noonan, Bribes, 433.
88. Ibid., 434, 451, 453–455.
89. John M. Blum et al., The National Experience: A History of the United States to 1877, pt. 1, 405.
90. Morton Keller, “Corruption in America: Continuity and Change,” 12.
91. John M. Blum et al., The National Experience: A History of the United States since 1865, pt. 2, 414; John A. Garraty, A Short History of the American Nation, 390; Noonan, Bribes, 526–534, 564.
92. Blum, National Experience, pt. 2, 627–628; Noonan, Bribes, 566.
93. Noonan, Bribes, 566–567.
94. Ibid., 568–569.
95. Ibid., 575.
96. Ibid., 601–619.
97. Ibid., 625–637, 677–678.
98. Ibid., 705.
99. Ibid., 604.
100. Kyoji Wakata, “Japanese Diet Members: Social Background, General Values, and Role Perception,” 210.
101. J. A. A. Stockwin, “Factionalism in Japanese Political Parties,” 165.
102. Raymond V. Christensen, “Electoral Reform in Japan: How It Was Enacted and Changes It May Bring,” 605.
103. Myrdal, Asian Drama, 2:940.
104. Ibid.
105. Ibid.
106. Ibid., 941.

3 comments: