Sunday, January 24, 2016

Hối lộ chính trị ở Nhật Bản - Thời Kỳ Bị Chiếm Đóng

Các chương đã được dịch của cuốn sách:






5. Thời Kỳ Bị Chiếm Đóng 




Hối Lộ Chính Trị ở Nhật Bản - Chương 5: Thời Kỳ Bị Chiếm Đóng


Mục tiêu chủ yếu của Tư Lệnh Tối Cao Lực Lượng Đồng Minh (SCAP, cụ thể là tướng Douglas MacArthur; nhưng ở đây sẽ được dùng để chỉ các nhà chức trách quân đồng minh nói chung) là giải trừ quân bị và dân chủ hóa Nhật Bản. Mặc dù mục tiêu thứ nhất được hoàn thành dễ dàng trong vài tháng, việc thực hiện mục tiêu thứ hai khó khăn và kéo dài hơn nhiều. Cơ quan chiếm đóng thuộc sở chỉ huy của tướng Arthur chịu trách nhiệm định hướng các cải cách chính trị là Đơn Vị Chính Quyền (GS). Đơn vị này nằm dưới quyền thiếu tướng Courtney Whitney (từ tháng 12/1945), với chỉ huy phó là đại tá Charles Kades (từ tháng 9/1946). Các nhà cải cách của GS dự định dân chủ hóa các đảng chính trị và sửa đổi luật bầu cử, song có lẽ là họ không lường trước được sự phổ biến của vấn đề hối lộ chính trị. Một ngoại lệ trong số các nhà cải cách là Harry E. Wiles, có cuốn sách về Nhật Bản thời tiền 1945 trình bày sự quan tâm đặc biệt đến hối lộ và các dạnh tham nhũng chính trị khác. Quyết định khuyến khích tự trị dân chủ, SCAP bắt đầu bài trừ các tổ chức và những người không được mong muốn khỏi đời sống xã hội vào tháng 1/1946. Một hệ quả của hành động táo bạo này là toàn bộ các chính khách của các chính đảng thời tiền chiến đều bị xóa sổ; sự xóa sổ này đã tạo ra một “khoảng trống quyền lực, mở đường cho thế hệ các lãnh đạo chính trị mới. Nổi bật trong số các lãnh đạo mới là những người xuất thân từ các vị trí cao trong bộ máy hành chính quốc gia. Do sự chiếm đóng của Hoa Kỳ là không trực tiếp, thông qua bộ máy chính quyền có sẵn của Nhật Bản nên bộ máy hành chính hầu như không bị đụng chạm đến trong cuộc thanh tẩy.” [1]

SCAP cũng khuyến khích sự tự trị dân chủ bằng cách thúc ép chính quyền tự do hóa các quy định bầu cử quốc gia. Mặc dù việc trao quyền bầu cử cho phụ nữ bị phản đối song có lẽ Nhật Bản cũng sẵn sàng thay đổi luật bầu cử Hạ Viện. Nội các Shidehara Kijûrò (9/10/1945 – 22/5/1946) đã nhanh chóng đưa ra luật cải cách Luật Bầu Cử. Những điểm chính trong sự thay đổi này là quyền bỏ phiếu cho tất cả mọi người trên 20 tuổi và tuổi tối thiểu của ứng cử viên là 25, một hệ thống bỏ phiếu số nhiều giới hạn và các quận bầu cử đông dân, sự xóa bỏ nhiều hạn chế tranh cử. Luật Bầu Cử Hạ Viện (Luật Số 42) được Quốc Hội thông qua vào ngày 15/12 và được ban hành vào ngày 17/12. Luật này phân chia quốc gia thành 54 quận. Ngoại trừ các quận đông dân nhất, mỗi quận tương ứng với một huyện. Từ 4 đến 14 đại ghế ở Hạ Viện được phân bổ cho các quận, phụ thuộc vào dân số của mỗi quận. Tổng cộng là có 466 ghế Hạ Viện. Luật cũng nhằm mục đích ngăn chặn hoạt động tham nhũng bầu cử bằng cách giảm các giới hạn tranh cử và hỗ trợ cho các ứng cử viên. Ví dụ, theo luật này, bất cứ ai cũng có thể hỗ trợ bầu cử, không chỉ quản lý bầu cử và một ủy ban được lựa chọn; các giới hạn về số lượng mít-tinh công khai và diễn giả cũng được bãi bỏ, số lượng các poster quảng cáo cũng vậy. Hơn nữa, luật mới cố gắng trung hòa chi phí bầu cử gia tăng bằng cách mở rộng việc bầu cử với sự hỗ trợ của chính quyền. Mọi ứng cử viên đều được phép sử dụng các cơ sở công cộng; viên chức quận được lệnh cung cấp thông tin cho cử tri về quan điểm chính trị của từng ứng cử viên; các thời gian lên sóng phát thanh tự do được cung cấp cho lãnh đạo đảng phái; hình phạt cũ đối với việc chi tiêu quá mức tối đa của chi phí tranh cử cũng được bãi bỏ. Nhằm xóa bỏ các kịch bản cũ về hối lộ, Điều 12 quy định rằng những người bán hoặc mua phiếu bầu sẽ phải chịu án tới 3 năm tù và bị phạt tới 20.000 yen. [2]

Cuộc bầu cử phổ thông mở rộng đầu tiên được tổ chức vào ngày 10/4/1946. Ba tháng trước đó, GS đã ra lệnh “làm mọi thứ có thể để đảm bảo sự thể hiện ý chí tự do và không bị giới hạn của người dân trong cuộc bầu cử này. Để đạt được mục tiêu này, anh phải công bố hoàn toàn các chế tài của luật và làm mọi cách để đảm bảo chúng được thi hành nghiêm túc.” [3] Năm chính đảng lớn đã đưa ra các ứng cử viên là: Tự Do, Tiến Bộ, Xã Hội Chủ Nghĩa, Hợp Tác và Cộng Sản. Đảng Tự Do giành được 140 ghế, đảng Tiến Bộ được 94 ghế, đảng Hợp Tác được 5 ghế. Một tờ báo tóm tắt cuộc bầu cử như sau: 
[C]ó thể thấy rằng những người liên minh với cánh bảo thủ đã giành được đa số tuyệt đối. Trái lại, sức mạnh của những lực lượng được coi là tiến bộ…không đạt được 100 ghế. Đó là bằng chứng cho thấy, bất chấp lời kêu gọi về một mặt trận dân chủ dã được công luận ủng hộ, các lực lượng bảo thủ vẫn duy trì được một cơ sở vững chắc…và người ta có thể thấy cụ thể rằng jiban được lực lượng Seiyukai và Minseito cũ nuôi dưỡng trong nhiều năm ở khu vực nông thôn đã không bị lay chuyển. [4] 
Viết vào hai năm sau, Kenneth Colton, một nhà phân tích nghiên cứu về thời kỳ chiếm đóng, cho biết rằng đảng Tiến Bộ đã giành được địa bàn ảnh hưởng chính trị địa phương của Minseitò cũ, nhận được sự ủng hộ của nhóm các thị trưởng và trưởng làng. [5] Bất chấp điều này và các dấu hiệu khác cho thấy chính trị đảng phái ít hay nhiều tuân theo kịch bản thời tiền 1945, ở lĩnh vực quan trọng là tài chính cho đảng một nhân tố mới đã xuất hiện. Trước chiến tranh, các đảng phái phụ thuộc vào sự quyên góp của doanh nghiệp lớn và các quỹ bí mật của chính phủ, nhưng sự bại trận đã phá hủy nhũng nguồn truyền thống này và buộc các đảng phái phải tìm tiền ở nơi khác. Các công ty xây dựng là nguồn quan trọng mới; một nguồn khác là các khoản vay công nghiệp do chính phủ kiểm soát. [6] Vài tuần sau cuộc bầu cử, nội các của Shidehara Kijûrò được thay thế bằng nội các của Yoshida Shigeru (22/5/1946 – 23/5/1947), chủ tịch của đảng Tự Do. Thử nghiệm với hệ thống bầu cử quận lớn có vẻ chỉ làm hài lòng một số người ít có quyền lực. Do vậy, vào ngày 31/3/1947, Luật Bầu Cử Hạ Viện Sửa Đổi (Luật số 43) đã tái lập các quận nhiều đông dân cỡ trung và bỏ phiếu đơn gần giống với luật 1925. Hệ thống này tạo ra 117 quận nhiều thành viên. Mỗi cử tri bỏ một phiếu và phụ thuộc vào quy mô của quận, số lượng ứng cử viên thắng cử sẽ là 3, 4 hoặc 5. [7] Đáng chú ý là các hạn chế trong tranh cử lại tăng lên. Ví dụ, các tài liệu tranh cử và poster đã bị hạn chế. Khuynh hướng này tiếp tục trong những năm tiếp theo, với thường xuyên áp dụng lại những kiểm soát thời tiền 1945 đối với các hoạt động tranh cử. [8]

Động cơ của nội các bảo thủ Yoshida trong việc thúc đẩy luật mới bất chấp sự phản đối của phe đối lập là ngăn cản sự phát triển của các đảng nhỏ, đặc biệt là các đảng cánh tả. Hơn nữa, các khu vực bầu cử nhỏ sẽ giúp cho các ông trùm chính trị bảo thủ dễ dàng dùng hối lộ và các biện pháp bất hợp pháp khác để gom phiếu bầu. Mặc dù, GS không hài lòng với diễn biến này song họ có thái độ buông xuôi. Bất chấp hệ thống bầu cử mới, cuộc bầu cử vào ngày 25/4/1947, mang lại thắng lợi đáng ngạc nhiên cho đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Katayama Tetsu, họ đã thành lập nội các liên minh vào ngày 24/5. [9]

Một báo cáo của GS về các vi phạm bầu cử trong cuộc bầu cử năm 1947 đã thống kê được 2.997 vi phạm. Vào ngày 10/6, 1.028 người đã bị phạt, 71 người bị bỏ tù, 1 người được miễn giảm án và 1 người được trắng án. Số còn lại đang đợi xét xử. Đáng chú ý là các khu vực có số lượng người vi phạm nhiều lại không phải là các thành phố lớn mà là những nơi như Mito (208), Sendai (239), Fukushima (307) và Yamagata (337). Hối lộ chính trị (cụ thể là mua hay bán phiếu bầu) là bị cáo buộc trong 2.610 trường hợp. [10] Một tài liệu khác của SCAP cũng cho biết là mặc dù cả 5 cấp chính quyền được bầu trong tổng tuyển cử năm 1947 nhưng chỉ có 2.997 vi phạm. Đây được coi là một kết quả khả quan, bởi vì cuộc bầu cử năm 1946 chỉ có một cấp chính quyền được bầu (cụ thể là Hạ Viện), nhưng có 2.632 cáo trạng. Hơn nữa, báo cáo cũng chỉ ra rằng các quy định bầu cử trong cuộc bầu cử năm 1947 chặt chẽ hơn so với năm 1946. Tài liệu này kết luận rằng đạo đức chính trị nói đã được cải thiện rõ rệt. [11]

Bình luận về số cử tri vi phạm, Russel Brines của hãng thông tấn AP đã viết, “Theo tập quán chính trị của Nhật Bản, điều này là không hợp lý.” [12] Ngoài tập quán, một sự so sánh với vi phạm Luật Bầu Cử thời tiền chiến cũng ủng hộ cho quan điểm của Brines, tổng số vi phạm là không hợp lý: 10.401 vào năm 1928; 18.010 vào năm 1930; 9.869 vào năm 1932 (xem chương 4). Hơn nữa, kết luận của ông cũng hợp lý khi số lượng cử tri thời tiền chiến chỉ khoảng 12.400.000 – 13.100.000 và vào năm 1947 số lượng cử tri là gần 41.000.000. [13] Về phương diện kinh tế trong tranh cử quốc gia, Brines cho biết 75.000 yen là giới hạn chi tiêu tranh cử cho mỗi ứng cử viên. “Không ứng cử viên nào bị báo cáo chính thức là vượt qua giới hạn, vì những lý do rõ ràng. Nhưng các nhóm chính trị đã thoải mái thì thầm với nhau rằng một ứng cử viên triển vọng mà có ít hơn 500.000 yen trong túi thì không có cơ hội thắng cử.” [14]

Từ đầu thời kỳ chiếm đóng, tin đồn về một khoản hỗ trợ lớn của các nguồn quân sự bí mật đã được lan truyền. Các cuộc điều tra thường xuyên của SCAP nhằm khám phá ra của cải được cất giấu bí mật chỉ tìm thấy các kho hàng thông thường của những người buôn bán trên chợ đen. Vào năm 1947, trước khi Katayama Tetsu thành lập nội các, vấn đề cất giấu của cải thu hút được sự chú ý của công chúng khi cựu thứ trưởng Sekò Kòichi (Bộ Nội Vụ, nội các Yoshida), cáo buộc rằng các tài sản quân đội trị giá 100 tỷ yen đã bị các doanh nghiệp lớn bí mật cất dấu. Sự cáo buộc của Sekò đã dẫn đến việc thành lập Ủy Ban Tài Sản Bí Mật (nằm trong Ủy Ban Ổn Định Kinh Tế) để điều tra các cáo buộc, với Sekò làm phó chủ tịch (24/2 – 11/4). Mặc dù người dân không rõ việc Sekò đã khám phá các giao dịch bất hợp pháp tài sản của chính phủ ra sao song ông ta đã thu hút được sự chú ý của công chúng khi ông ta cáo buộc rằng một số bộ trưởng mới của Katayama có liên quan đế hệ thống bất hợp pháp để kiếm lợi từ các tài sản bị cất giấu bí mật. Điều này đủ để châm ngòi cho một sự phản ứng của Hạ Viện, vào ngày 25/7 đã thành lập Ủy Ban Đặc Biệt Điều Tra Về Tài Sản Bị Cất Giấu. Ủy ban này, lần đầu tiên được Hạ Viện thành lập, do đảng viên xã hội chủ nghĩa Katò Kanju đứng đầu. Báo cáo của ủy ban được Hạ Viện công bố vào ngày 20/12/1947. Báo cáo xác nhận rằng nội các Suzuki Kantarò (7/4 -17/8/1945) đã ra lệnh giao tài sản quân đội cho một số cá nhân và công ty nặc danh, không có các khoản thanh toán cho các tài sản đó được chuyển vào ngân khố công. [15] 

Các báo cáo cho biết số tiền lớn thu được từ việc bán các tài sản bị cất giấu đã được sử dụng để hối lộ các chính khách và viên chức, các quỹ bất hợp pháp này cũng được dùng để tài trợ cho các chiến dịch tranh cử vào năm 1946 và 1947 để tạo ra các hành động mau lẹ. GS coi sự mở rộng của tham nhũng là sự đe dọa đối với chương trình cải cách chính trị của SCAP. Do vậy, thiếu tướng Whitney yêu cầu tổng chưởng lý Fukui Seita điều tra về các tài sản bị cất giấu. Hơn nữa, GS cũng thúc ép Bộ Tài Chính gia tăng ngân sách cho Bộ Tư Pháp để có thêm các công tố viên và sự thúc giục này đã dẫn đến việc tuyển dụng các công tố viên mới; nhiều người được giao điều tra về vụ bê bối tài sản bị cất giấu. [16] Vào đầu tháng 2/1948, đại tá Kades phát biểu trong một hội nghị công tố viên quốc gia: 
Liên Hiệp Quốc đang theo dõi xem có phải chỉ bề ngoài của xã hội Nhật Bản thay đổi còn nội dung bên trong thì vẫn như cũ. Thế giới đang theo dõi xem có thật sự là với Hiến Pháp mới, cũng như với Hiến Pháp Minh Trị hay dưới sự cai trị của shogun Tokugawa, phép lịch sự không được mở rộng cho “người thường” và sự trừng phạt không được áp dụng cho “quý tộc”. Do dân chủ bắt nguồn từ sự bình đẳng trước pháp luật nên luật pháp trong dân chủ trở thành đòn bẩy vĩ đại của xã hội. Các công tố viên, có khách hàng duy nhất là nhân dân, có thể phục vụ cho nền dân chủ của Nhật Bản bằng cách truy tố nghiêm khắc và không e ngại tất cả những người coi thường phép tắc xã hội và đạo đức chung, cho dù họ có là các chính khách đặc quyền đặc lợi hay các ông trùm công nghiệp, bằng cách bán các tài sản thừa kế của người dân Nhật để lấy những khoản lợi nhuận bẩn thỉu trên chợ đen. [17]
Sau khi Katò trở thành bộ trưởng Bộ Lao Động trong nội các của Ashida Hitoshi (10/3 – 15/10/1948), ủy ban về tài sản bị cất giấu, đã được đổi tên thành Ủy Ban Điều Tra Các Giao Dịch Tài Sản Bất Hợp Pháp, do Mutò Unjirò, một đảng viên xã hội chủ nghĩa khác đứng đầu. Được vũ trang bằng quyền thẩm tra các nhân chứng theo tuyên thệ, ủy ban của Mutò đã điều tra các cựu ứng cử viên của Quốc Hội và thành viên Quốc Hội về nguồn gốc quỹ tranh cử. Một số nhân chứng đã nhanh chóng mắc tội khai man. Trong báo cáo nội bộ đầu tiên, Mutò đã chỉ ra lời khai mâu thuẫn và đề xuất một luật mới để ngăn chặn các quỹ bí mật bất hợp pháp. Trong thời gian tồn tại của ủy ban Mutò, hàng tá chính khách đã bị công tố viên thẩm vấn và một số đã bị bắt giữ vì hối lộ. Con cá lớn nhất bị mắc lưới là đảng viên xã hội chủ nghĩa Nishio Suehiro, phó thủ tướng của nội các Ashida. Trong khi điều trần về các khoản quyên góp chính trị của nhiều nhà thầu xây dựng, ông ta đã thừa nhận rằng vào tháng 4/1947 ông ta nhận được khoản quyên góp 500.000 yen nhưng không đưa vào báo cáo chi tiêu chính thức của đảng. Nishio cho rằng đây là khoản quyên góp cho cá nhân ông ta và không phải là hối lộ để tác động tới hành động chính trị của ông ta. Các chính khách đối lập trả lời bằng cách lợi dụng cơ hội này để đề xuất một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Họ cho rằng, Nishio đã vi phạm Quyết Định Nội Các số 328, bắt buộc báo cáo mọi khoản tài trợ cho tranh cử. Nishio từ chức vào ngày 6/7 và bị bắt giữ vào ngày hôm sau. Sau khi bị truy tố vì tội khai man và vi phạm quyết định 328, ông ta được xét xử tại Tòa Án Quận Tokyo. [18] 

Quan trọng hơn so với vụ Nishio là việc ủy ban của Mutò đã phát hiện ra vụ tham nhũng liên quan đến Luật Kiểm Soát Mỏ Than Quốc Gia. Mặc dù nội các Katayama là một chính phủ liên hiệp song thủ tướng đã hứa sẽ mở rộng quyền sở hữu nhà nước về kinh doanh, nhất là các lĩnh vực chủ chốt như than, phân bón và ngân hàng. Không may cho Katayama và những người ủng hộ, nhiều người xã hội chủ nghĩa ôn hòa và bảo thủ đều liên kết chống lại kế hoạch này. Theo quan điểm của SCAP, nhu cầu cấp thiết nhất là sự tăng vọt của sản xuất than, vốn cần thiết cho khôi phục kinh tế. Tướng MacAthur đồng ý: Nhật Bản có thể tái tổ chức công nghiệp khai mỏ nếu như sự tái tổ chức đó không mâu thuẫn với chính sách của SCAP và sản xuất tăng lên. [19]

Các thành viên của Hiệp Hội Khai Thác Than Kyushu đã chống lại dự thảo luật quốc hữu hóa với một quỹ vận động chính sách được tạo ra bằng cách thu 10 yen trên mỗi tấn than do các thành viên hiệp hội sản xuất ra. Điều này tạo ra một ngân sách nhiều triệu yen, được sử dụng để hối lộ các thành viên Hạ Viện. Việc kinh doanh nhà hàng sang trọng ở khu vực gần tòa nhà Quốc Hội nở rộ trong khi tin đồn về các khoản hối lộ lớn được lan truyền. [20] Các phương tiện khác cũng được sử dụng cùng với sự chiêu đãi xa hoa và tiền mặt để ngăn chặn dự luật: một đội ám sát 5 người được cử đến từ Kyushu để giết Mizutani Chòzaburò, bộ trưởng Bộ Thương Mại và Công Nghiệp, và Itò Ushirò, chủ tịch ủy ban thẩm định dự luật. Nhận được tin đồn về vụ mưu sát, Ủy Ban Cảnh Sát Đô Thành đã cử một đội vệ sĩ bảo vệ các chính khách. Sau đó, các sát thủ đã đến Tokyo, vào tòa nhà Quốc Hội và cố gắng tiếp cận Mizutani và Itò. May mắn cho các chính khách là các sát thủ đã không thể đến đủ gần để sử dụng dao găm. Cuối cùng, những kẻ mưu sát hết tiền và quay trở lại Kyushu. [21] 

Việc thẩm định dự luật đã biến Quốc Hội trở thành một tổ ong bò vẽ. Những người phản đối dự luật không chỉ sử dụng các phương pháp cản trở tiêu chuẩn mà còn sử dụng cả nắm đấm, các trận ẩu đả liên tiếp xảy ra. Những người quan sát có ký ức đủ lâu lại nhớ đến các kỳ họp Quốc Hội ồn ào vào những năm 1920. Cuối cùng, nội các Katayama thông qua được một phiên bản bị pha loãng của dự luật, được ban hành vào tháng 4/1948. Một người quan sát có hiểu biết đương thời cho biết rằng đạo luật không có hiệu lực thực tế. [22]

Tin đồn về khoản tiền lớn liên quan đến luật về mỏ than đã thu hút sự chú ý của công tố viên Tòa Án Tokyo nhưng họ quá bận rộn và thiếu người để hành động. Một lý do dẫn đến tình hình này là công tố viên đang xử lý một vụ án tham nhũng khác liên quan đến nội các Ashida (xem ở dưới). Vào lúc này, các viên chức SCAP, đọc được trên báo chí rằng các chủ mỏ đã chiếm dụng quỹ xây nhà cho thợ mỏ của chính quyền, đã tham gia vào vụ việc, thúc ép chưởng lý Satò Hiroshi điều tra. Kết quả của sức ép này là tiền, nhân lực và trang thiết bị được cung cấp cho công tố viên Nakamura Nobutoshi cùng với 13 nhân viên. Vào ngày 19/10/1948, họ bắt đầu điều tra vụ án mỏ than. [23]

Một bước đệm cho vụ án này là sự tiết lộ của Okabe Tokuzò (đảng Dân Chủ), đã lỡ lời vào ngày 24/9/1948, khi ông ta điều trần trước ủy ban của Mutò. Sử dụng Tsugokawa Shinzò làm người trung gian, ông ta nói, để đưa 50.000 yen cho Kawasaki Shûji, phó chủ tịch của Ban Thanh Tra Hoạt Động Đảng. Công tố viên coi đây là sự khởi đầu cho dấu vết của tiền. Khi Kawasaki bị ủy ban thẩm vấn, ông ta khẳng định rằng tiền đã được trả lại. Tuy vậy, sau khi so sánh lời khai của nhiều người, ủy ban kết luận rằng Okabe đã phân phát 450.000 yen cho một số thành viên của đảng Dân Chủ. Hơn nữa, Takeuchi Reizò, có vẻ là đảm nhiệm việc vận động để ngăn chặn dự luật (ông ta được các chủ mỏ gửi đi từ Kyushu cho mục đích này), đã đưa 500.000 yen cho Uehara Etsujirò, người đứng đầu Ủy Ban Kế Hoạch Đặc Biệt Về Than của đảng Tự Do. Uehara phủ nhận việc nhận tiền. Ủy ban cho biết, chủ mỏ Azabu Tagakichi đã đưa 1.300.000 yen cho Yoshida Shigeru, người này chuyển 700.000 yen cho đảng Tự Do; một số người tin rằng một phần của khoản tiền đó đã đến tay Shidehara Kijûrò (cựu thủ tướng) và Tanaka Man’itsu (cựu bộ trưởng không bộ trong nội các Yoshida thứ nhất). Cuối cùng, ủy ban khẳng định rằng 2.000.000 yen đã được chuyển cho thành viên Nagao Tatsuo của đảng Dân Chủ, người này lại chuyển chúng cho thư ký trưởng của đảng là Takeda Giichi (Dân Chủ) và Tanaka Man’itsu. Ủy ban coi những quỹ này là tiền hối lộ được dùng để ngăn chặn dự luật về mỏ than. [24] 

Các công tố viên Tokyo không thể khởi tố vụ án này cho đến khi họ khám phá ra các bằng chứng vật chất là các tờ séc bị hủy lên đến vài triệu yen ở các ngân hàng của Kyushu. Sự khám phá này cùng với việc thẩm vấn đã dẫn đến sự truy tố đối với Kiso Shigeyoshi and Haraguchi Hideo vì tội đưa hối lộ. Những người này là nhân vật chủ chốt trong nhóm Kyushu cố gắng ngăn chặn dự luật. Tanaka Man’itsu, Takeda Giichi, Tanaka Kakuei và Fukatsu Tamaichirò là những người bị truy tố vì nhận hối lộ. Trước phiên xét xử của Tòa Án Quận Tokyo, các công tố viên đã hài lòng với cáo trạng; như công tố viên Asami Toshio cho biết, hiếm khi tìm được những bằng chứng chắc chắn như ba tờ séc với mỗi tờ là 1 triệu yen. Vụ truy tố bắt đầu đổ vỡ ngay từ phiên xét xử đầu tiên và tiếp tục vỡ tan vào phiên thứ hai. Tanaka Man’itsu được trắng án; Tanaka Kakuei nhận 6 tháng tù; Fukatsu và Kiso bị kết án nhưng được hoãn thi hành án. Takeda Giichi (cựu bộ trưởng Bộ Phúc Lợi) được xét xử ở một phiên tòa khác và được trắng án. Tại phiên tòa phúc thẩm, bản án của Tanaka Kakuei bị bác bỏ. Do đó, cả hai cựu bộ trưởng đều thoát khỏi sự trừng phạt và chỉ có một chính khách nhận án tù – và điều đó là không xứng đáng. [25]

Một cáo buộc hối lộ rất khó chứng minh, như vụ án này đã cho thấy. Như chúng ta đã biết, công tố viên không chỉ phải chứng minh rằng viên chức nhận tiền và ở vị thế có thể đáp ứng lợi ích của người đưa hối lộ mà còn phải chứng minh rằng viên chức nhận tiền biết đó là khoản hối lộ. Việc xem xét các thẩm phán và luật sư đánh giá các trường hợp của Fukatsu và hai Tanakas sẽ cho thấy một số cái nhìn trực tiếp vào quá trình xác định việc hối lộ. Các thẩm phán xem xét trường hợp của Fukatsu và nói: ông ta nhận tiền trực tiếp từ Kiso và làm một số việc trong đáp lại trong phạm vi quyền hạn của ông ta; họ có thấy không có biện minh nào khác cho việc Fukatsu giữ tiền. Đối với Tanaka Man’itsu, chánh tòa ở phiên xét xử thứ nhất không chấp nhận lập luận của công tố rằng tiền được dùng để đổi lấy việc phủ quyết dự luật. Trái lại, ông ta chấp nhận lập luận rằng cả người đưa (Kiso) lẫn người nhận (Tanaka) đều coi tiền là khoản quyên góp chính trị để thành lập đảng mới. Việc Tanaka rời khỏi đảng Dân Chủ và tham gia nhóm mới đã ảnh hưởng tới quyết định của thẩm phán. Khi được phỏng vấn sau phiên tòa, luật sư của Tanaka, Abiru Ken’ichi, nói rằng mọi người đều đồng ý là Tanaka nhận tiền, nhưng ông ta đã trả lại chúng ngay trước khi bỏ phiếu cho dự luật; việc này cũng đã tác động đến thẩm phán. Hơn nữa, trong lời khai với công tố viên và những người khác, Kiso và Tanaka thường xuyên khẳng định rằng tiền là khoản quyên góp chính trị và không liên quan đến dự luật. [26] Abiru kết luận, “Nói tóm lại, đây là luật kỳ lạ: nếu nghi phạm không coi tiền là hối lộ thì tội hối lộ không được thành lập. Do đó, khi nghi phạm khai báo [cụ thể là với công tố viên và thẩm phán đánh giá sơ bộ], chỉ có những kẻ ngốc mới bị tóm.” [27]

Tanaka Kakuei nói với công tố viên rằng ông ta yêu cầu đảng viên dưới quyền, Nagao Tatsuo, liên hệ để mở rộng việc kinh doanh xây dựng. Nagao giới thiệu ông ta với Kiso, người này giao cho ông ta việc xây dựng khu nhà ở của thợ mỏ. Một triệu yen, Tanaka khẳng định, là tiền ứng trước của dự án xây dựng. Đương nhiên, ông ta khẳng định rằng tiền này không liên quan đến dự luật. Mặc dù Tanaka không thể cung cấp các hợp đồng bằng văn bản cũng như các ghi chép trong sổ kế toán, thẩm phán tòa phúc thẩm vẫn phán quyết rằng hợp đồng tồn tại bởi vì mỗi người là chủ tịch của một công ty. Hai sự việc khác cũng giúp Tanaka, theo luật sư Masaki Tòru: mặc dù Tanaka đã thực hiện một số việc xây dựng ở mỏ của Kiso song Kiso không bao giờ dùng tên gọi “nghị sĩ Quốc Hội” (daigishi) để chỉ Tanaka; trong trường hợp các nghị sĩ khác thì ông ta luôn dùng tên gọi đó. Điều này thuyết phục thẩm phán rằng Kiso chỉ coi Tanaka là một nhà thầu. [28]

Một tuần trước khi nhậm chức, nội các Ashida Hitoshi đã hứa sẽ nâng cao chuẩn mực đạo đức và thông qua luật chống tham nhũng chính trị. [29] Nực cười thay, tin đồn về hối lộ chính trị đã săn đuổi nội các này ngay từ đầu và trong vòng vài tháng nó đã bị sụp đổ bởi bê bối hối lộ lớn nhất thời kỳ bị chiếm đóng. Ngay sau vụ bắt giữ Nishio (xem ở phía trên), vụ bê bối của công ty Showa Electric (Showa Denkò) đã bắt đầu làm tan rã nền tảng chính trị của nội các. [30] Bên cạnh việc lên án Ashida theo các kịch bản truyền thống của phe đối lập đang cố gắng phá hủy nội các, vụ việc này có thêm sự quanh co khi một số sĩ quan của SCAP muốn bảo vệ trong khi những người khác lại lên án Ashida. [31] Bên cạnh đó, những lời khai như được trình bày ở dưới đều bình thường: “Do bị ảnh hưởng của vụ bê bối Showa Denko, ông ta [Ashida] đã buộc phải từ chức.” [32] Điều này là đúng. Trên thực tế, Ashida bị truy tố vì nhận tiền từ các công ty xây dựng; vụ việc này không có liên hệ trực tiếp với vụ bê bối Showa Denkò. Tuy vậy, các công tố viên sắp xếp để gộp cựu thủ tướng vào phiên tòa xét xử vụ Showa Denkò (có ba nhóm bị cáo). [33]

Do đó, chúng ta cần xem qua những điều được xét xử trong vụ án Ashida. Ashida, cũng giống như mọi chủ tịch đảng, vui mừng tiếp nhận các khoản quyên góp chính trị. Thông qua một người môi giới (một chính khách, Kitaura Keitarò), Oka Naoki, chủ tịch của công ty chế tạo ván sàn cho quân đồng minh, đã quyên góp cho Ashida 1 triệu yen. Umebayashi Tokio, chủ tịch của một công ty xây dựng, đưa 1 triệu yen nữa thông qua Ayabe Kentarò. [34] Ashida khẳng định trong phiên tòa rằng 10 ngày trước khi bị bắt giữ một công tố viên đã nói với ông ta rằng cuộc điều tra sẽ bị hủy nếu như Ashida rút khỏi chính trị. Ashida từ chối đề nghị đó, yêu cầu mở một cuộc điều tra. Theo cựu công tố viên Mitsuhiro Hiroshi, người đảm nhiệm vụ án Showa Denkò ở phiên phúc thẩm, vụ truy tố Ashida là cực kỳ yếu, không đủ bằng chứng để truy tố vị thủ tướng. [35] Cựu bộ trưởng Nishio Suehiro, thảo luận về vụ án này trong một cuốn sách xuất bản năm 1968, đã nhận được một lá thư của Nagawa Yasuo, luật sư trưởng của Ashida. Nagawa cho biết là ngay cả khi công chúng coi Ashida và vụ Showa Denkò là tương đương, cũng không có liên hệ nào giữa khoản tiền của các chủ tịch công ty và vụ án khác. Tại sao Ashida bị truy tố? Nếu như nội các đã sụp đổ sau khi các bộ trưởng bị cáo buộc nhận tiền của Showa Denkò, ông ta đã phủ nhận cáo buộc của một số người là Tổng chỉ huy của SCAP (GHQ) đã nhằm vào Ashida để phá hủy nội các. Trên thực tế, Nagawa tin rằng Ashida bị truy tố bởi vì công tố viên lo ngại GHQ sẽ cho rằng họ không cố gắng nếu như họ không truy tố cựu thủ tướng. [36] Nagawa viết, “Vào lúc đó, các công tố viên trẻ tràn đầy năng lượng và quá nghiêm túc. Họ cũng lo lắng tới việc gia tăng danh tiếng của bản thân.” [37] Theo như lời động viên của đại tá Kades dành cho các công tố viên vào tháng 2/1948, kết luận của Nagawa cũng có ý nghĩa. 

Bão tố chính trị bắt đầu bủa vây Ashida hai tháng trước khi thành lập nội các, khi Takahashi Eikichi (đảng Tự Do), một thành viên của Ủy Ban Điều Tra Giao Dịch Tài Sản Bất Hợp Pháp, cáo buộc chủ tịch công ty Showa Electric, Hinohara Setsuzò, đã cấu kết với Ashida và hai người khác để thâu tóm nhiều zaibatsu đã bị SCAP giải tán. Takahashi nói, Hinohara trở thành chủ tịch của Showa là nhờ những hành động bất hợp pháp đó. Mặc dù công chúng chỉ được biết vụ việc này sau phát biểu của Takahashi, song cảnh sát, sau hàng loạt các lá thư nặc danh, đã điều tra Hinohara. Vào ngày 25/5, Ủy Ban Cảnh Sát Đô Thành đã xông vào trụ sở của công ty Showa Electric ở Tokyo, thu giữ tài liệu. Trong số các tài liệu có cuốn sổ ghi chép chứa danh sách các cá nhân nhận “quà tặng”. Hơn nữa, cảnh sát cũng khám phá ra rằng để che dấu “quà tặng” công ty đã làm sổ kép. Do vậy, cảnh sát chắc chắn rằng một số khoản tiền đã được dùng để hối lộ chính trị. [38]

Trong thời gian này, ngân hàng Tài Chính Tái Thiết đã cho một số lĩnh vực vay với sự bảo lãnh của chính phủ để thúc đẩy khôi phục kinh tế. Công ty Showa Electric, một công ty hóa chất phân bón khổng lồ, đã vay vài tỷ yen và đang cố gắng vay thêm. Giá trị của khoản tiền và hàng hóa mà Hinohara phân phát cho các viên chức và chính khách vào khoảng 30 – 100 triệu yen. Bên cạnh việc chiêu đãi những người này tại các nhà hàng đắt tiền, ông ta cũng đưa nhiều cục một trăm ngàn yen được gói bằng giấy báo. [39]

Mặc dù một số phần của vụ bê bối hối lộ này vẫn là điều bí ẩn, nhưng ít nhất mối quan hệ giữa Ashida và Hinohara là rõ ràng. Vào tháng 3/1947, đảng Dân Chủ (dựa trên tàn dư của đảng Tiến Bộ) được thành lập; vào tháng 5, Ashida trở thành chủ tịch đảng. Người ủng hộ chủ chốt của Ashida trong những nỗ lực đưa ông ta lên làm chủ tịch đảng là Sugawara Michinari, anh vợ của Hinohara Setsuzò. Trong một cuộc họp bí mật với Sugawara, Ashida giải thích rằng ông ta không có đủ tiền để trở thành chủ tịch đảng và yêu cầu Sugawara xử lý vấn đề này. Sugawara đồng ý “xử lý mọi vấn đề về tiền bạc, nhưng với một điều kiện, tôi sẽ chỉ đưa tiền cho Chizaki [Usaburò]….[A]nh không được nhận một đồng quyên góp nào của công ty xây dựng.” [40] Số tiền mà Hinohara quyên góp cho chiến dịch giúp Ashida trở thành chủ tịch và sau đó thành lập nội các không được biết rõ, nhưng có tin đồn là 200 triệu yen đã được sang tay vào lúc ông ta được bổ nhiệm là thủ tướng. [41] 

Việc bắt giữ trong vụ án công ty Showa Electric bắt đầu vào năm 1948 và tiếp tục cho đến giữa tháng 12. Trong nhóm đầu tiên bị bắt giữ có thư ký riêng của Hinohara là Sunahara Tokiya; Satò Shûzò, một trợ lý khác của Hinohara; Tsuda Nobuhide, viên chức phụ trách ammonium sulphate tại Cục Hóa Chất của bộ Thương Mại và Công Nghiệp; và Nimiyama Tsutomu, trưởng Ban 1, Cục Hóa Chất, phụ trách phân bón. Cho rằng họ ở thế mạnh, cảnh sát và công tố viên đã lục soát nhà của Hinohara vào ngày 23/6; ông ta và một số nhân viên bị bắt giữ. Tiếp đó, vào ngày 10/9, Shigemasa Seishi, cựu thứ trưởng bộ Nông Lâm Nghiệp và Matsuoka Shòhei, cựu chủ tịch của Phòng Điều Hành, đảng Tự Do, bị bắt giữ. Ba ngày sau, trưởng Cục Ngân Sách Fukuda Takeo (Bộ Tài Chính) bị bắt giữ. Trong các tuần tiếp theo, Òno Banboku (cố vấn đảng Tự Do), Ninomiya Yoshimoto (phó chủ tịch ngân hàng Công Nghiệp), hạ nghị Ozawa Senshichirò (đảng Tự Do), cựu bộ trưởng Bộ Tài Chính và giám đốc của Ủy Ban Kế Hoạch Kinh Tế Kurusu Takeo, và phó thủ tướng Nishio Suehiro đều bị bắt giữ cùng với Mitsuki Tokihiko (thư ký của Kurusu). Thậm chí sau khi nội các Ashida từ chức, việc bắt giữ vẫn tiếp tục: Shimokabe Mitsushi (thư ký và là con rể của Ashida) vào ngày 3/11 và vài ngày sau Suehiro Kòjirò (cựu phó chủ tịch ngân hàng Công Nghiệp). Trong một hành động bất ngờ, công tố viên Tokyo yêu cầu bắt giữ cựu thủ tướng Ashida khi Quốc Hội đang họp. Yêu cầu đã được thông qua với số phiếu 140/120 (đảng Xã Hội Chủ Nghĩa không bỏ phiếu). Ashida bị thẩm vấn vào ngay 7/12 và bị truy tố vào ngày 16/12 vì tội nhận hối lộ và trốn thuế. Bốn mươi bốn trong số 64 người bị bắt giữ đã bị truy tố. [42]

Các công tố viên tin rằng họ có bằng chứng thuyết phục về hối lộ bởi vì Hinohara khẳng định rằng tiền và hàng hóa đã được đưa cho nhiều viên chức và chính khách để đổi lấy thỏa thuận tốt hơn cho công ty của ông ta (tức là khoảng vay lớn hơn). Hơn nữa, ông ta nói rằng do quyên góp chính trị chỉ mang lại các kết quả gián tiếp nên ông ta không bao giờ quyên góp; trái lại, ông ta luôn luôn đưa tiền vì một mục đích cụ thể. Dĩ nhiên các bị cáo khẳng định rằng tiền mà họ đã nhận không đổi lấy một lợi ích cụ thể. Ví dụ, cựu phó thủ tướng Nishio, thừa nhận đã nhận 1 triệu yen, khẳng định rằng đó là tiền quyên góp, ông ta nhận không phải với tư cách chính khách mà với tư cách cá nhân. Trong vụ án này, Hinohara đã nói với công tố viên rằng tiền được dùng để bịt miệng các chỉ trích của đảng Xã Hội Chủ Nghĩa về khoản tín dụng khổng lồ của chính quyền. Ashida, người bị cáo buộc nhận hối lộ 2 triệu yen, khẳng định rằng ông ta không phạm tội nhận hối lộ bởi vì ông ta không kiểm soát quỹ cho vay và do vậy không ở vị thế có thể đáp ứng yêu cầu vay tiền của Hinohara. Òno nói với tòa rằng 200.000 yen không phải là tiền hối lộ mà là “quà tặng” của một người bạn. Matsuoka khẳng định 200.000 yen của ông ta là một “khoản vay”. Phiên tòa xét xử một số người kéo dài cho đến năm 1962 (bao gồm cả phúc thẩm). Chỉ có ba bị cáo bị kết án: Hinohara, Kusuru và Shigemasa. Chủ tịch công ty bị tuyên án 1 năm tù, cựu bộ trưởng bộ tài chính nhận bản án 8 tháng tù và cựu thứ trưởng bộ Nông Nghiệp nhận bản án 1 năm tù. Hai cựu viên chức chính quyền cũng bị phạt. Không người nào phải ngồi tù: tất cả đều được hoãn thi hành án. [43] Justin Williams, trưởng Ban Nghị Viện và Chính Trị của GS (từ tháng 7/1949), bình luận về sự bào chữa của các chính khách như sau: “Mỗi người đều dựa trên tiêu chuẩn và sự bào chữa thành công trước đây trong các vụ bê bối chính trị, tiền được coi là quyên góp cho chính đảng và không được coi là hối lộ để gây ảnh hưởng tới viên chức chính quyền hay bưng bít các tin đồn về tham nhũng trong chính giới.” [44]

Nishio Suehiro, một bị cáo trong vụ án Showa Denkò, cho rằng một trong những khía cạnh quan trọng nhất của vụ án là thâm hụt tiền. Hồ sơ của tòa án chỉ ghi nhận 6 triệu yen nhưng Hinohara đã chi 85 triệu yen. Điều gì đã xảy ra với phần lớn khoản tiền? [45] Mặc dù không có cái tên ngoại quốc nào xuất hiện trong hồ sơ của tòa án song Masumi Junnosuke cho rằng có vẻ như “những người nhận khoản hối lộ cực lớn cũng như sự chiêu đãi xa hoa của Hinohara là thành viên của GS…và nhóm các tùy viên ngoại quốc.” Một số địch thủ của đại tá Kades ở SCAP đã tiết lộ thông tin này cho cảnh sát và nhà báo Nhật Bản và “nó đã được đăng tải trên tờ New York Times…và sau đó được báo giấy ở Nhật Bản đăng lại, điều đó đã khiến chính giới ở Nhật Bản phẫn nộ.” [46] Nishio đồng ý với kết luận: trận chiến kiểm soát chính sách của SCAP đã kéo theo cuộc điều tra Showa Denkò. Đại tá Kades, liên quan trực tiếp đến vụ bê bối, không thể làm gì để bảo vệ nội các Ashida. Trong trận chiến chính trị này, thiếu tướng Charles Willoughby, chỉ huy của G-2, đã chiến thắng. [47]

Nishio cũng kể rõ về cách ông ta nhận 1 triệu yen. Vào khoảng ngày 20/11/1947, Watanabe Toshinosuke, một người bạn cũ trong phong trào lao động thời tiền chiến tranh và là trưởng Cục Lao Động trong nội các Katayama, đã tới thăm văn phòng của Nishio. Watanabe nói rằng hai người bạn, Satò Noboru và Fukuya Shûichi, muốn giới thiệu Nishio với một doanh nhân. Nishio không chỉ biết Fukuya mà người này còn có nghĩa vụ làm người trung gian giúp ông ta nhận quyên góp chính trị 1.000.000 yen từ doanh nhân Okayama. Do vậy, ông ta đồng ý gặp mặt. Vào ngày 23/11, tại nhà của Satò, ông ta được giới với Hinohara và Fujii Takashi. Fuji nói rằng họ muốn bịt miệng các chỉ trích của Inamura Junzò trong Quốc Hội về các khoản vay nhà nước của Showa Denkò. Fuji cho rằng các bình luận gay gắt của Inamura được thúc đẩy bởi sự thật là một công ty ở quận của ông ta không nhận được bất kỳ khoản tiền nào. Do những chỉ trích này, tin đồn được lan truyền và chúng làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của công ty. Nishio trả lời rằng mặc dù ông ta hiểu vấn đề nhưng ông ta không thể bịt miệng Inamura. Do vậy, ông ta không thể chấp nhận yêu cầu của họ. Sau cuộc gặp kéo dài khoảng 10 phút này, Nishio nói với Fukuya rằng ông ta không thể giúp gì được. Hai ngày sau, Fuji xuất hiện ở nhà của Nishio, nói rằng ông ta có một khoản quyên góp chính trị. Nishio khẳng định rằng ông ta nghĩ rằng đó là cách cảm ơn việc ông ta đã tham gia cuộc gặp trước đó của Fuji và do đó đã nhận tiền; nhưng ông ta không nói lại rằng ông ta không thể giúp đỡ họ. Sau đó, ông ta nhận ra rằng nên nói rõ với Fuji là tiền không được coi như khoản đổi lấy lợi ích. [48]

Lời kể của Nishio có vẻ là đúng. Các chính khách quan trọng, đặc biệt là các bộ trưởng, là mục tiêu của những người muốn có lợi ích chính trị. Ví dụ, ngay khi quyết định bổ nhiệm Uchida Nobuya làm bộ trưởng Bộ Đường Sắt được công bố, các doanh nhân đã tới nhà riêng của ông ta để tìm kiếm sự ảnh hưởng cho bản thân hoặc khách hàng. Như vụ của Uchida đã cho thấy, nói không và từ chối tiền vẫn chưa đủ. Tobishima tiết lộ cho những người khác biết các chuyến viếng thăm Uchida và về mức độ thân cận với bộ trưởng. Thực tế là trợ lý thân tín của Uchida nhận tiền từ Tobishima, gây ra vụ bê bối năm 1936 (xem chương 4). 

Nishio đã bình luận thẳng thắn về cảm giác của một nghi phạm trong vụ hối lộ chính trị: [C]ó nhiều cách để đo lường tổn thất chính trị và xã hội của tôi và nhiều vị cáo khác.” Nhớ lại thời kỳ tiền chiến, trong cuộc đấu tranh của lao động với chính phủ áp bức, ông ta đã ngồi tù 45 ngày, ông ta cho biết điều đó không khiến ông ta phiền lòng vì tất cả mọi người biết rằng người lao động tham gia đấu tranh đều bị đàn áp. “Hiện giờ, tôi gần 60 tuổi và có địa vị xã hội. Thế mà tôi phải ngồi tù ở Kosuge vì tình nghi hối lộ!” [49]

Phiên tòa xét xử những người liên quan đến vụ Showa Denkò và vụ bê bối dự luật mỏ than đã cho thấy sự khó khăn lớn mà các công tố viên phải đối mặt khi truy tố tội hối lộ. Luật Hình Sự sửa đổi năm 1947, trong đó các điều luật về hối lộ vẫn giữ nguyên số như trong luật thời tiền chiến (tức là Điều 197 và 198), viết (Điều 197) như sau: “Trong trường hợp viên chức hoặc trọng tài đã nhận, yêu cầu hoặc hứa hẹn nhận hối lộ liên quan đến chức trách của bản thân, anh ta sẽ bị chế tài tối đã là 3 năm tù.” [50] Câu chủ chốt trong việc kết tội hối lộ là “có liên quan đến chức trách của bản thân”. Công tố viên không chỉ phải chứng minh tiền đã được đưa mà còn phải chứng minh viên chức nhận tiền ở vị thế có thể đáp ứng được lợi ích bất hợp pháp. Hơn nữa, quan tòa cũng cần phải được thuyết phục rằng viên chức hiểu khoản tiền đó là hối lộ. Bên cạnh các rào cản pháp lý, công tố viên cũng thường xuyên phải đối mặt với những bị cáo khẳng định rằng khoản tiền mà họ nhận được chỉ là vay nợ, quyên góp chính trị hay quà tặng. Độc giả sẽ nhớ tới các chính khách thời tiền chiến, họ luôn sử dụng những lý do này để biện minh cho các khoản hối lộ bị công chúng phát hiện. 

Một người quan sát đáng chú ý trong vụ Showa Denkò là Tsuji Kan’ichi, một hạ nghị sĩ của quận Aichi từ năm 1946. Tsuji cho rằng bản án và phiên tòa xử kết án các bị cáo là bất công bởi vì vụ án tham nhũng làm tổn hại danh tiếng. Ông ta nhắc tới ví dụ về cự thứ trưởng Shigemasa Seishi. Một nhân chứng tại phiên tòa thứ nhất khai về cuộc đối thoại với bị cáo mà trong đó Shigemasa đã nói, 
Phải, tôi thật sự nói dối về ngài Òno vào lúc đó và khiến ông ấy gặp nhiều rắc rối. Trên thực tế, sự thẩm vấn của công tố viên gay gắt tới mức nếu tôi không thừa nhận rằng mình đã đưa 200.000 yen cho ngài Òno trong việc của Shoden, công tố viên nói rằng họ sẽ truy tố tôi về tội lừa đảo và biển thủ. Tôi đã ốm và lo lắng về sức khỏe của mình. Tôi nghĩ rằng khi chúng tôi ra tòa…tôi sẽ có thể nói sự thật. Tôi cũng cho rằng không ai sẽ tin là ngài Òno sẽ nhận số tiền nhỏ như 200.000 yen. Do vậy, tôi đã nói dối. [51] 
Hãy nghĩ về việc vụ án đã khiến Tsuji “rùng mình ớn lạnh”. Ông ta kết luận, “Anh không biết ai sẽ trở thành nạn nhân bất hạnh.” [52] 

Không thể đo lường chính xác tác động chính trị và xã hội của vụ bê bối này. Điều rõ ràng là chính khách xã hội chủ nghĩa đã mất sự ủng hộ của công chúng sau khi nội các Ashida sụp đổ. Trong cuộc bầu cử ngày 23/1/1949, cử tri trừng phạt cựu liên minh nội các và tặng thưởng cho đảng Dân Chủ Tự Do (Yoshida Shigeru) với đa số tuyệt đối đầu tiên kể từ năm 1890. [83] Công tố viên có thể nhận được nhiều sự yêu quý của công chúng hơn vì dã truy tố nhiều người có địa vị cao, nhưng việc chỉ kết án thành công ba bị cáo trong một loạt các phiên tòa dường như đã làm tổn thương hình ảnh của họ. Đối với ba người bị kết án, Hinohara rút khỏi bề mặt của giới kinh doanh, nhưng ông ta vẫn là chủ tịch của hai công ty. Cựu bộ trưởng Bộ Tài Chính Kurusu trở thành chủ tịch Hiệp Hội Chính Sách Kinh Tế. Shigemasa, cựu thứ trưởng, tiếp tục sự nghiệp nghị sĩ và vào năm 1962 làm bộ trưởng Bộ Nông Lâm Nghiệp trong nội các thứ hai của Ikeda Hayato. Sự nghiệp hậu bê bối của các chính khách quan trọng được trắng án cũng tương tự: dường như không bị ảnh hưởng bởi cáo buộc hối lộ chính trị. Ashida được tái cử vào ngày 23/1/1949 khi đang ở trong tù, được bầu và tiếp tục hoạt động chính trị trong nhiều năm; Nishio tái cử vài lần và vào năm 1960 thành lập đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Dân Chủ. Òno tiếp tục sự nghiệp nghị sĩ và vào năm 1953 ông ta làm bộ trưởng Bộ Ngoại Giao trong nội các thứ năm của Yoshida. Sau khi trở thành bộ trưởng Bộ Tài Chính trong nội các thứ ba của Satò Eisaku và trong nội các thứ hai của Tanaka Kakuei, Fukuda trở thành thủ tướng vào tháng 12/1976. [54]

Phạm vi phổ biến của tham nhũng chính trị mà cuộc điều tra kéo dài của Ủy Ban Điều Tra Giao Dịch Tài Sản Bất Hợp Pháp cũng như vụ bê bối công ty Showa Electric phơi bày đã khiến Quốc Hội thông qua Luật Quản Lý Quỹ Chính Trị (Luật số 94, 29/7/1948). Mục tiêu của luật này là giám sát quỹ liên quan đến chính trị do các chính đảng và tổ chức xã hội thu hút. Các tổ chức này được yêu cầu phải cung cấp báo cáo định kỳ, được đăng tải công khai. Các chế tài của luật này có hình phạt tù lên đến 5 năm và phạt tiền tới 100.000 yen. Trong một số trường hợp, kết quả bầu cử có thể bị hủy bỏ. [55] Hơn nữa, vào ngày 15/4/1950, Quốc Hội thông quan Luật Bầu Cử Chức Vụ Công (Luật số 100). Mục tiêu của luật này là kết hợp tất cả các quy định bầu cử địa phương và quốc gia vào một luật. [56] Một chuyên gia về bầu cử của Nhật Bản khẳng định rằng luật này tương đồng với nhiều hạn chế tranh cử của thời tiền chiến và luật sửa đổi năm 1952 đã quay lại luật 1934 trên góc độ các giới hạn đối với hoạt động tranh cử. Một cử tri hạn viện phải tranh cử trong khuôn khổ pháp lý chật hẹp. Mọi hoạt động tranh cử của ông ta, từ số lượng bài phát biểu cho tới kích thước biểu ngữ mà ông ta treo ngoài cửa văn phòng tranh cử, đều được luật quy định.” [57]

Tác dụng của luật chống tham nhũng có thể được đánh giá bằng cách xem xét cuộc bầu cử Hạ Viện vào ngày 1/10/1952, được tổ chức 5 tháng sau khi thời kỳ chiếm đóng chấm dứt. Trong tháng 9, các đài phát thanh, báo chí và nhà xuất bản đã thúc giục cử tri thực hiện một cuộc bầu cử công bằng: sự phản ứng của công chúng dường như cho thấy đã lĩnh hội được thông điệp này. Tuy vậy, một số ứng cử viên đã vi phạm luật bằng các chi 20 triệu yen để hối lộ cử tri bằng tiền mặt hoặc chiêu đãi (số lượng tiền trung bình được phép sử dụng cho chiến dịch của mỗi ứng cử viên là 380.000 yen). Hơn nữa, một số ứng cử viên đã vi phạm luật bằng cách tranh cử quá sớm. Sau cuộc bầu cử, 5 chính đảng lớn báo cáo khoản quyên góp 272.052.000 yen. Một nhà bình luận chính trị nói rằng con số đó chỉ là bề nổi của tảng băng trôi và tổng số tiền thực tế lên đến 10 tỷ yen. Nhà chức trách bắt giữ hơn 10.000 cộng tác viên vận động tranh cử vì vi phạm nhiều điều khoản của Luật Bầu Cử. Nhiều ứng cử viên thoát khỏi sự bắt giữ bằng cách ẩn nấp sau các quản lý và các nhân viên vận động tranh cử khác. Rõ ràng là phong trào bầu cử công bằng đi cùng với luật chống tham nhũng đã thất bại trong việc ngăn chặn truyền thống sử dụng các quỹ bất hợp pháp và hối lộ để thắng cử. [58] 

SCAP thúc đẩy dân chủ không chỉ bằng cách cải cách cấu trúc luật pháp quốc gia mà còn bằng cách cố gắng thay đổi thái độ và các giá trị chính trị cơ bản. Mặc dù tác động thực sự của những cải cách của SCAP vẫn chưa rõ song dường như họ đã không làm gì nhiều trong những năm chiếm đóng để thay đổi bầu không khí chính trị nuôi dưỡng hối lộ. Cựu sĩ quan GS Harry Wildes (5/1946 – 5/1947) viết vào năm 1954, “Mặc điều này [tham nhũng] cũng là một truyền thống của Nhật Bản song thời kỳ sau khi đầu hàng, được coi là một sự thức tỉnh tinh thần, đã phá mọi kỷ lục về hối lộ và phạm pháp.” [59] 

Herbert Passin, một cựu sĩ quan GS khác, vào năm 1968 cho rằng chương trình cải cách thời chiếm đóng đã đóng góp vào sự gia tăng của mức độ tham nhũng trong chính quyền và làm giảm sự tin cậy của công chúng đối với chính khách. Ông ta viết, “Không may mắn là sự bùng nổ của các chức vụ dân cử, do sự chiếm đóng khuyến khích, đã trở thành tai hại. Nó dẫn đến sự chính trị hóa thái quá, một dạng quá tải của các mạng lưới truyền thông chính trị. Hiện nay, vài trăm ngàn chức vụ dân cử phải được lấp đầy ở Nhật Bản….Nếu chúng ta bổ sung thêm các ủy ban trường học địa phương xấu số thì chúng ta nhận ra rằng các cải cách của người Mỹ mang đến một sự lạm phát bầu cử khổng lồ.” Những cuộc tranh cử không chỉ khiến cử tri bận rộn mà chúng còn tốn tiền. Pasin cho biết, “Do vậy, một số lượng lớn người dân [tham gia] bầu cử, tổ chức các nhóm hỗ trợ và gây quỹ. Cơ hội, ngay cả khi phải miễn cưỡng tham nhũng trở nên rất mạnh….[C]ác giới hạn pháp lý cố định chi tiêu tranh cử chặt chẽ tới mức hầu như mọi ứng cử viên thắng cử đều có thể bị cáo buộc vi phạm luật bầu cử.” Những giới hạn này phi lý tới mức chúng khiến cho công chúng có cảm giác rằng “nếu không phải là tất cả các chính khách đều tham nhũng thì ít nhất chính trị cũng là một việc bẩn thỉu. Thái độ này không dẫn tới nền dân chủ đại nghị ổn định.” Cuối cùng, Passin cho rằng chủ nghĩa bè phái cực đoan đã sống sót qua thời kỳ cải cách. Ông ta cảm thấy rằng “các cải cách chính trị của chúng ta chỉ củng cố chúng và dĩ nhiên là làm cho chúng trở nên tồi tệ hơn. Bằng sự gia tăng lạm phát các vị trí chính trị dân cử và gia tăng mức độ chính trị hóa đất nước nói chung, chúng ta đã khiến vấn đề tài chính trở nên phức tạp và hệ thống bè phái đã trở thành vấn đề sống còn đối với chính khách.” [60]

Chú thích:

1. Gerald L. Curtis, The Japanese Way of Politics, 7.
2. Joseph A. Massey, “The Occupation of Japan and the Sheriff of Nottingham: The Legacy of Election Reform,” 90; Curtis, Election Campaigning, 214; Kiyose Ichiro, “The New Election Law,” 18, 21; Masumi Junnosuke, Postwar Politics in Japan, 1945–1955, 92–93; Hayashida, “Election Law,” 40; Supreme Commander for the Allied Powers [hereafter SCAP], Government Section, Political Reorientation of Japan, September 1945 to September 1948, 2:832–833.
3. SCAP, Political Reorientation, 715.
4. Quoted in Masumi, Postwar Politics, 96–97.
5. Kenneth E. Colton, “Pre-war Political Influences in Post-war Conservative Parties,” 948.
6. Ibid., 955–956.
7. Robert E. Ward, “Reflections on the Allied Occupation and Planned Political Change in Japan,” 513; Curtis, Japanese Way, 10.
8. Hayashida, “Election Law,” 8, 40; Curtis, Election Campaigning, 214.
9. Masumi, Postwar Politics, 138–140; T. A. Bisson, Prospects for Democracy in Japan, 57; Massey, “Occupation of Japan,” 101.
10. SCAP, The Japanese Elections, April 1947, 99–100.
11. SCAP, Political Reorientation, 1:325, 336.
12. Russel Brines, MacArthur’s Japan, 208.
13. Bradley Richardson, “Elections,” 2:189.
14. Brines, MacArthur’s Japan, 208.
15. Theodore Cohen, Remaking Japan: The American Occupation as New Deal, 338–339; William Costello, Democracy vs. Feudalism in Post-war Japan, 158; Bisson, Prospects, 113–114. For this report, see SCAP, Political Reorientation, 2:728–733.
16. SCAP, Political Reorientation, 308–311.
17. Quoted in ibid., 311.
18. T. Cohen, Remaking Japan, 343; SCAP, Political Reorientation, 1:312–313; Costello, Democracy vs. Feudalism, 171, 174; Masumi, Postwar Politics, 158.
19. T. Cohen, Remaking Japan, 315–316, 322.
20. Ibid., 324–325.
21. Itò Ushirò, “Yoyatò no gyakuten.”
22. T. Cohen, Remaking Japan, 325.
23. Murobushi Tetsurò, Sengo gigoku, 87.
24. Ibid., 85–87.
25. Ibid., 90–91, 93–94, 100–101, 104.
176 Notes to Pages 100–107
26. Ibid., 99–100, 103.
27. Quoted in ibid., 103.
28. Ibid., 100–103.
29. SCAP, Political Reorientation, 1:352.
30. A few weeks after renouncing claim to divine status the emperor visited the Showa Electric Company factory in Kawasaki. This was the first of many trips designed to humanize the god-king. A picture of this visit is facing page 216 of Andrew Gordon, ed., Postwar Japan as History.
31. Masumi, Postwar Politics, 158–159.
32. Kòdansha, Japan: An Illustrated Encyclopedia 1:65.
33. Murobushi Tetsurò, Sengo gigoku no kao, 123, 126.
34. Nishio Suehiro, Nishio Suehiro no seiji oboegaki, 265.
35. Murobushi, Sengo gigoku no kao, 124–125.
36. Nishio, Seiji oboegaki, 266–267.
37. Quoted in ibid., 267.
38. Morikawa Tetsurò, Nihon gigoku shi, 229–230.
39. Masumi, Postwar Politics, 159; Aritake Shûji, Seiji to kane to jiken to, 263.
40. Quoted in Masumi, Postwar Politics, 137.
41. Ibid., 158.
42. Morikawa Tetsurò, Nihon gigoku shi, 230–234, 236–238.
43. Aritake, Seiji, 262–263, 267, 270; Harry E. Wildes, Typhoon in Tokyo: The Occupation and Its Aftermath, 127, 164; Justin Williams, Sr., Japan’s Political Revolution under MacArthur: A Participant’s Account, 251, Morikawa Tetsurò,
Nihon gigoku shi, 236, 240; Kòdansha, Illustrated Encyclopedia, 1:1414.
44. Williams, Political Revolution, 251.
45. Nishio, Seiji oboegaki, 264.
46. Masumi, Postwar Politics, 159–160.
47. Nishio, Seiji oboegaki, 298, 302–304.
48. Ibid., 271–277. Although Hinohara told procurators that the million yen was a bribe, Fujii Takashi insisted it was a political contribution. Katò Hideo states that Hinohara lied. Katò Hideo, Fûsetsu no hito Nishio Suehiro, 103.
49. Quoted in Nishio, Seiji oboegaki, 265, 271.
50. Japanese Government, Attorney-General’s Office, trans., The Constitution of Japan and Criminal Laws, 34.
51. Quoted in Tsuji Kan’ichi, Seijika to iu mono, 147.
52. Quoted in ibid.
53. Steven R. Reed, “The People Spoke: The Influence of Elections on Japanese Politics, 1949–1955,” 319.
54. Sanseidò, Konsaisu jinmei jiten, 30, 415, 538, 842, 929; Hunter, Modern Japanese History, 310–317, 320; Theodore McNelly, Contemporary Government of Japan, 131; Edwin M. Reingold, Chrysanthemums and Thorns: The Untold Story of Modern Japan, 247; Morikawa Tetsurò, Nihon gigoku shi, 239.
55. SCAP, Political Reorientation, 2:1198–1206.
56. Hayashida, “Election Law,” 24; Lawrence W. Beer, Freedom of Expression in Japan: A Study in Comparative Law, Politics, and Society, 372–374.
57. Curtis, Election Campaigning, 214. Notes to Pages 107–116 177
58. Ikematsu Fumio, “Political Parties Today and Tomorrow,” 390–391, 402.
59. Wildes, Typhoon in Tokyo, 127.
60. Herbert Passin, The Legacy of the Occupation—Japan, 27–28, 39.

1 comment:

  1. Đúng là sự bất ổn chính trị dẫn tới hệ lụy của cả nhiều điều bất ổn kéo theo. Vì thế mà độc lập tư do mà tất yếu của sự đòi hỏi

    ReplyDelete