Tuesday, January 19, 2016

Hối lộ chính trị ở Nhật Bản - Nhà Nước Mới

Các chương đã được dịch của cuốn sách:



2. Nhà Nước Mới 





7. Kết Luận

Hối Lộ Chính Trị ở Nhật Bản - Chương 2: Nhà Nước Mới

Nhà nước Minh Trị, thay thế chế độ Mạc Phủ Tokugawa vào năm 1868, khuyên răn quan lại phải nỗ lực vì vinh quang quốc gia; tuy vậy, giống như các triều đại trước đó, chính quyền mới cũng quy định các hình phạt đối với những người nhận hối lộ. Tuy nhiên, bất chấp sự cổ vũ và luật chống hối lộ mới, kịch bản cũ về tham nhũng vẫn tiếp diễn. 

Shinritsu Kòryò (Bản Chất Luật Pháp Mới) của năm 1871, được thi hành cho đến năm 1882, quy định các hình phạt đối với quan lại nhận hối lộ, các cá nhân đưa hối lộ, và các cá nhân hứa hẹn hối lộ. Tùy thuộc vào giá trị của khoản hối lộ và cá nhân liên quan, hình phạt được áp dụng từ đánh đòn cho đến treo cổ. Sự tự thú được coi là yếu tố giảm nhẹ hình phạt. [1]

Vào ngày 1 tháng 1 năm 1882, luật đầu tiên theo kiểu phương Tây, Keihò (Luật Hình Sự) được áp dụng. Từ Điều 284 đến Điều 288, trong phần “Các Tội Tham Nhũng Trong Công Vụ”, mô tả các hình phạt đối với quan lại nhận hối lộ. Các hình phạt có nhiều mức từ một tháng cho tới hai năm tù.

Hệ thống công vụ mới được áp dụng vào năm 1885. Hoàng Đế Minh Trị ra chiếu chỉ vào ngày 23 tháng 12 rằng các quy tắc kỷ luật sẽ được thi hành nghiêm chỉnh. Ba ngày sau, thủ tướng Itò Hirobumi tuyên bố rằng việc các quan chức không tham nhũng là vấn đề sống còn của chính quyền. “Các Quy Định Về Ứng Xử Cá Nhân Của Quan Lại” được ban hành vào ngày 30 tháng 6 năm 1887. Tại Điều 1, quan chức được lệnh tuân thủ mọi quy định và luật lệ. [3] Theo Điều 8, “quan chức không được nhận bất cứ quà tặng nào từ bất cứ ai liên quan đến công vụ của bản thân dưới dạng phí, cho một dịch vụ được hoàn thành, hoặc dưới bất cứ danh nghĩa nào hay trong bất cứ hoàn cảnh nào.” [4] Quan chức cũng bị cấm nhận các chuyến đi lại miễn phí của công ty vận tải và bị cấm nhận các bữa ăn miễn phí. Những người vi phạm các quy định này là đối tượng bị trừng phạt: bãi chức, giảm lương, hoặc khiển trách. [5] 

Mô tả về hệ thống cai trị của Tokugawa vào những năm 1870, Nishi Amane, một học giả và viên chức chính quyền, đã viết rằng chính quyền mới phải chống lại đút lót và theo đuổi một chính quyền trong sạch. [6] Người đã xuất bản cuốn sách về luật phương Tây đầu tiên bằng tiếng Nhật và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tư tưởng pháp lý, Tsuda Mamichi, đã yêu cầu trong một bài báo về chính quyền (tháng 8 năm 1874) rằng các lãnh đạo Minh Trị trao quyền phù hợp cho Cục Thanh Tra mới của Bộ Tài Chính. Ông nhấn mạnh rằng Tokugawa đã sai lầm khi không cấp đủ quyền điều tra cho thanh tra để phát hiện tham nhũng. [7] Ông viết, “Không có gì tốt đẹp hơn việc cho tất cả mọi người trong vương quốc thấy rõ sự thật là khi triều đình chính trực và thanh liêm thì sẽ không có lỗ hổng nào để ngay cả những khoản tiền nhỏ nhất cũng không rơi vào túi cá nhân, như vậy các quan lại cũng đều được danh giá và ngay thẳng.” [8] Quan chức thời Minh Trị, ít nhất là trong các tuyên bố công khai, đều đồng ý với Nishi và Tsuda: viên chức chính quyền không những có nghĩa vụ pháp lý mà còn có nghĩa vụ đạo đức để vượt qua lợi ích của bản thân và làm việc vì lợi ích của quốc gia. [9] Viên chức Yamagata Aritomo, viết sau Nishi và Tsuda một thế hệ, đã cảnh báo rằng chỉ có thể đạt được tiến bộ nếu như các lãnh đạo chính trị là “những người vượt trội không bị suy nghĩ về lợi ích hoặc danh tiếng cá nhân cám dỗ…[và] không nao núng trong việc công.” [10] 

Bất chấp luật chống hối lộ và sự cổ vũ kiềm chế các hành vi tham nhũng, một số đầu sỏ chính trị vẫn coi các vị trí trong chính quyền là nền tảng để gặt hái bổng lộc. Thái độ này chủ yếu là di sản của thời Tokugawa về việc phớt lờ các quy định chống hối lộ cùng với sự dốt nát của nhóm thượng lưu cầm quyền.

Quan hệ của nhà nước mới với các lãnh đạo kinh doanh, được gọi là thương nhân chính trị, trong đó các sáng kiến thường xuất phát từ phía chính quyền, dẫn đến “đặc quyền đặc lợi cho các dịch vụ đặc biệt.” [11] Mặc dù những thỏa thuận này thông thường không bắt nguồn từ sự tham nhũng của chính quyền, nhưng khi mà sự sắp xếp đặc biệt được tạo ra thì tham nhũng luôn luôn chui vào mối quan hệ đó. Một học giả của những thương nhân chính trị đang lên đã viết rằng mặc dù quan hệ gần gũi với chính quyền có lợi về mặt tài chính song “[n]hững hãng này được yêu cầu lại quả cho những đặc quyền đặc lợi mà họ nhận được.” [12]

Trong số các thương nhân chính trị, lâu đời nhất và nổi tiếng nhất là nhà Mitsui, nổi lên từ thế kỷ 17. Vào đầu thời Minh Trị, ngân hàng Mitsui nhận giữ các khoản thu công vụ, sử dụng những khoản tiền gửi không lãi suất này để mở rộng doanh nghiệp. Các lãnh đạo chính trị bảo trợ chính thức cho ngân hàng nhận được các khoản vay. Nhiều trong số các khoản “vay” này thực tế đã được kết toán thành “quà tặng”. Hãng Mitsubisi là một thương nhân chính trị khác. [13] Quan hệ đặc biệt bắt đầu sau khi chính quyền chọn hãng tàu của Iwasaki Yatarò để vận chuyển lực lượng viễn chinh tới Đài Loan vào năm 1874. Các lãnh đạo chủ chốt của chính quyền ấn tượng với việc thực hiện nhiệm vụ của Iwasaki tới mức họ cung cấp cho ông ta các tàu được sử dụng trong viễn chinh, trả cho ông ta một khoản trợ cấp lớn hàng năm và cho ông ta mượn các tàu khác. [14] Trong những năm tiếp theo, hãng Mitsubishi của Iwasaki đã dựa vào hối lộ để duy trì việc gần như độc quyền vận tải ven biển: tiền được đưa cho những người ủng hộ tại các hội đồng quận và các tờ báo quan trọng. Mặc dù không được ghi nhận bằng văn bản nhưng một “số quà tặng” đã đến tay bộ trưởng Bộ Tài Chính Òkuma Shigenobu, trong nhiều năm người này đã bảo vệ cho Iwasaki. [15] Vào giữa những năm 1880, Mitsubishi được cho là có một quỹ đặc biệt trị giá 400.000 yen dùng để hối lộ các viên chức chính quyền. Việc các khoản hối lộ đó vẫn được đưa để gây ảnh hưởng tới quyết định của chính quyền trong hai thập kỷ sau đã được ghi lại trong biên bản cuộc họp của công ty (vào lúc này công ty được gọi là Nippon Yûsen Kabushiki Kaisha), trong cuộc họp đó họ đã đồng ý hối lộ các thành viên chủ chốt của một đảng chính trị. [16]

Trước khi thiết lập Quốc Hội, chính quyền nằm dưới sự thống trị của hanbatsu, một phe các cựu samurai từ miền tây Nhật Bản. Tuy vậy, với việc bầu 300 nghị sĩ Hạ Viện vào tháng 7 năm 1890, cán cân chính trị cũ đã thay đổi. Các quy tắc trong lần bầu cử quốc gia đầu tiên được rút ra từ Luật Bầu Cử ngày 11 tháng 1 năm 1889. Hối lộ là tội hình sự được mô tả trong Điều 91: “Bất kỳ cá nhân nào giành phiếu bầu cho bản thân, hoặc cho phép người khác giành phiếu bầu cho anh ta, hay ngăn cản một cử tri bỏ phiếu cho người khác, bằng cách trực tiếp hay không trực tiếp tặng hoặc hứa hẹn tặng cho cử tri tiền, hàng hóa, tiền giấy, hoặc tuyển dụng người này làm việc cho công sở hay cá nhân, đều bị xử lý theo các mục trong Điều 234 của Luật Hình Sự. Mọi cá nhân bỏ phiếu hoặc không bỏ phiếu do nhận được quà tặng hay sự hứa hẹn đều bị xử lý theo cách tương tự.” [17] Những người vi phạm Điều 91 phải nhận án từ hai tháng đến hai năm tù và bị phạt từ ba đến ba mươi yen. [18] Vào ngày 29 tháng 5 năm 1890, chính quyền ban hành Các Quy Định Hình Sự Bổ Sung Đối Với Bầu Cử Hạ Viện. Những quy định này đã mở rộng định nghĩa về hối lộ sang việc phục vụ đồ uống và thực phẩm cho cử tri gần các trạm bỏ phiếu và các hành động tương tự. [19]

Bất chấp án phạt tù và phạt tiền, hối lộ vẫn phổ biến. Các nhà báo và những người khác đồng ý rằng hối lộ “đã đạt tới đỉnh cao mới của sự tinh vi, khi các ứng cử viên đua nhau mua chuộc cử tri – nhưng không quá mức cần thiết – để kiếm được đủ số phiếu. Nhiều bài hát và bài vè năm câu đã châm biếm chi phí đắt đỏ của chính trị tuyển cử.” [20] Trong một nghiên cứu về kỳ bầu cử đầu tiên, R. H. P. Mason đã kết luận rằng mặc dù hối lộ là phổ biến nhưng được phân chia thành hai loại: hối lộ nhỏ được phân phát không phân biệt và hối lộ lớn nhằm vào một số ít người được lựa chọn. Các khoản hối lộ nhỏ bao gồm một số tiền nhỏ, khăn tay, các túi đường, khăn mặt, cá khô, hộp bánh ngọt và những thứ tương tự. [21] Mason cho rằng những thứ này 
nói chung được các ứng cử viên và cử tri coi là món quà nhất thời thận trọng được ứng cử viên dùng để lấy lòng cử tri và không được coi là nỗ lực có toan tính và chủ ý mua chuộc họ. Việc đưa các món quà nhỏ từ lâu đã thành truyền thống trong quan hệ kinh doanh và xã hội ở Nhật Bản và mặc dù được dựa trên các quy tắc trao đổi qua lại chặt chẽ nhưng cũng đã phát triển thành một phương tiện quảng cáo mà không kéo theo bất cứ nghĩa vụ đặc biệt nào đối với những người nhận chúng. [22]
Các khoản hối lộ lớn hơn, trị giá từ ba đến mười yen, là những nỗ lực nghiêm túc của ứng cử viên để mua chuộc những cử tri đặc biệt. Mặc dù một số ghế hạ nghị sĩ được mua bằng những khoản hối lộ lớn song Mason cho rằng thành phần chung của hạ viện không chủ yếu do hối lộ quyết định. [23]

Việc các chính khách đảng phái không đơn độc trong cơn loạn hối lộ của cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên được minh họa trong một lá thư yêu cầu các quỹ bí mật được Nakai Hiroshi gửi cho Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Thương Mại Inoue Kaoru vào cuối năm 1889, Kaoru vốn là thành viên lâu năm của nhóm thượng lưu thời hậu trung hưng. Nakai viết,
[T]hời gian cho cuộc bầu cử mùa xuân đang đến gần, các đảng chính trị sẽ làm mọi cách, kể cả trả một số tiền lớn, lớn và nhỏ, để thu hút các doanh nhân…và để gia tăng sức mạnh đảng của họ. Đáng mừng là ở Kyoto và vùng phụ cận…[nhiều hiệp hội kinh doanh] vẫn chưa liên kết với bất kỳ đảng chính trị nào. Tuy vậy, nếu như chúng ta không lợi dụng được tình hình này thì mọi thứ có thể trở thành không thể cứu vãn được. Do đó, chúng ta phải có đủ tiền. Ngay cả một số lượng quà tặng nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt rõ ràng trong con đường thăng tiến của thành viên một đảng chính trị nhất định và chúng ta cần phải nỗ lực làm điều này…Chúng ta cần lập kế hoạch chi tiết cho tương lai để quyết định xem những người nào cần được đưa vào Hạ Viện. Nếu không có một số tiền đủ lớn thì điều này là không khả thi, nhưng nếu bằng chứng của việc này bị tiết lộ thì lại có thể dẫn dến những phản ứng thù địch, trong trường hợp đó nó sẽ không có hiệu quả. Do vậy, nghĩa vụ hiện tại của chúng ta là giữ bí mật tuyệt đối mọi chi tiết. [24]
Cuộc bầu cử đầu tiên đã khởi đầu thử nghiệm của Nhật Bản về chính quyền lập hiến. Những người mới được bầu vào Quốc Hội, trong đó phe đối lập áp đảo phe ủng hộ chính quyền, 171 so với 129, đã thống nhất ban hành các yêu cầu về trách nhiệm của nội các đối với Hạ Viện và yêu cầu giảm thuế đất. Chính phủ đang nằm trong tay của các han (hanbatsu), quyết định tiến hành một chương trình tham vọng về phát triển công nghiệp và bành trướng quân sự, đã nhanh chóng bị đặt vào thế đối đầu với “các đảng quần chúng” (mintò). Các hạ nghị sĩ nhanh chóng sử dụng các quyền không bị giới hạn mới để công khai phản đối chính phủ và chống lại các mục tiêu đề xuất của ngân sách. Kết quả là các kỳ họp Quốc Hội đầu tiên đã tràn ngập các phê phán chính sách của chính phủ; kết quả là một thời kỳ cay đắng và thù địch. Tuy vậy, thời gian trôi qua, các đảng quần chúng đã xích lại gần lập trường của chính phủ về việc gia tăng thuế đất và mở rộng quân đội. Hơn nữa, khi mà các đảng quần chúng nhận được sức mạnh, họ đã thiết lập nội các dưới quyền của Òkuma Shigenobu, có Bộ trưởng Bộ Nội Vụ là Itagaki Taisuke (30/6-8/11/1898). [25]

Viết vào năm 1962, George Akita đã trình bày quan điểm truyền thống về sự phát triển của chính quyền nghị viện. Quan điểm này là sau cuộc bầu cử đầu tiên “tầng lớp đầu sỏ, trở nên quyền lực hơn nhờ Hiến Pháp, đã khéo léo thao túng các thể chế đang tồn tại như Hoàng Đế và Hội Đồng Cơ Mật, cũng như khai thác các yếu điểm cố hữu của các chính đảng – chủ nghĩa phe phái và thiếu nguyên tắc. Điều này buộc các chính đảng phải nhượng bộ trong mục tiêu chiến lược của tổ chức đảng và chấp nhận sự phân phát quyền lực công một cách keo kiệt của tầng lớp đầu sỏ.” Quan điểm truyền thống kết luận rằng kết quả của “những điều này là sự thất bại hoàn toàn của chính quyền dân chủ và phong trào đảng phái ở Nhật Bản trước khi kết thúc Chiến Tranh Thái Bình Dương.” [26] Trên thực tế, Akita khẳng định rằng ngay từ ban đầu tầng lớp đầu sỏ đã chấp nhận ý tưởng chia sẻ quyền lực là trung tâm của chính quyền nghị viện, ngay cả khi điều đó có nghĩa là đưa những thành phần mà họ coi là ích kỷ và thiếu trách vào bộ máy nhà nước. Sự nhượng bộ trong xung đột về ngân sách nổi lên trong phiên họp đầu tiên của Hạ Viện đã cho thấy tầng lớp đầu sỏ không hoàn toàn kiểm soát được thử nghiệm về nghị viện. Sự nhượng bộ ban đầu này đã tạo ra tiền lệ cho các kỳ họp Hạ Viện tiếp theo. Akita cho rằng kết quả này sinh ra từ chủ nghĩa phe phái trong cả phe đầu sỏ cũng như hàng ngũ các chính khách. [27]

Những người khác ủng hộ quan điểm sự hòa hợp là biểu tượng của hệ thống nghị viện Minh Trị. R. H. P. Mason viết rằng “một nhóm khá lớn và đáng chú ý trong số các nghị sĩ Tự Do ngay từ đầu đã sốt sắng tìm cách đạt được một thỏa thuận với chính quyền về vấn đề ngân sách; do vậy, câu hỏi về việc họ bị mua chuộc để đảm bảo luật ngân sách được thông qua không mấy quan trọng. Quy trình căn bản là cai trị bằng sự hòa hợp và không cai trị bằng tham nhũng.” [28] Bình luận về thập kỷ 1890, J. A. A. Stockwin viết, “Đó cũng là câu chuyện về sự hòa hợp chính trị, thực dụng và tính toán kỹ lưỡng, trong đó các nhà chính trị phải đối mặt với sức mạnh áp đảo, hiếm khi giữ được lập trường cứng rắn về hệ tư tưởng mà phải xoay buồm theo chiều gió hiện thực, đặt những sự tiếp cận giới hạn với quyền lực chính trị cao hơn các đối đầu về nguyên tắc.” Stockwin viết rằng hanbatsu “đã học được cách khai thác yếu điểm của các chính đảng – và đặc biệt là sự thực dụng (hay nói đúng hơn là sự dễ mua chuộc) – để hoàn toàn vô hiệu hóa vũ khí của họ. [29]

Rõ ràng bối cảnh chính của lịch sử chính trị đảng phái không phải là tham nhũng, nhưng những trang tiếp theo sẽ cho thấy rõ là hối lộ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chính trị. Hối lộ đã bôi trơn các bánh răng của cỗ máy chính trị. 

Kỳ họp bão táp của Hạ Viện thứ nhất bắt đầu vào ngày 29 tháng 11 năm 1890. Thủ tướng Yamagata Aritomo, đối mặt với Hạ Viện thù địch, đã thờ ơ và nghi ngờ các chính đảng. Lời kêu gọi của Yamagata về sự thống nhất ủng hộ chương trình lập pháp của chính phủ đã nhận được sự thù địch và đề xuất ngân sách bị phản đối. Yamagata sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để chia rẽ phe đối lập, trong đó có hối lộ. Một nguồn tin khẳng định rằng “Yamagata dường như đã miễn cưỡng đồng ý với việc những người dưới quyền ông mua phiếu của Hạ Viện, nhưng dư âm tồi tệ của việc này chỉ cho thấy sự ghê tởm của ông đối với chính trị đảng phái.” [30] Một học giả khác viết rằng rõ ràng là các bộ đã công khai hối lộ. Hayashida [Kametarò] viết rằng 28 người thuộc phe Tosa đã tạm thời thay đổi lập trường sau chuyến viếng thăm nhà của bộ trưởng Bộ Tài Chính.” [31] Akira viết về vụ hối lộ này, “Niềm tin được chấp nhận phổ biến là phe Tosa đã bị mua chuộc để ủng hộ chính phủ. Tuy vậy, Oka [Yoshitake] khẳng định rằng: “Cho tới nay, không có tài liệu lịch sử nào cho thấy bằng chứng về tin đồn này.”” [32] Tuy vậy, trong phần chú thích ở chân trang sách, Akira viết thêm, “Có một bằng chứng không trực tiếp cho thấy đôi khi hối lộ đã được sử dụng trong kỳ họp đầu tiên. Trong một lá thư gửi Itò vào ngày 12 tháng 12, có lẽ là vào năm 1891, Mutsu [Munemitsu] nói về “phương pháp hối lộ truyền thống” mà chính quyền hy vọng dụ dỗ được các hạ nghị sĩ, Mutsu lo ngại rằng phương pháp này sẽ có hiệu quả “trong kỳ họp này.”” [33] Không may mắn là Akita muốn hạ thấp vai trò của hối lộ và nhấn mạnh vai trò của tinh thần hòa hợp trong quá trình chính trị, nên đã bỏ qua quan điểm của Hayashida Kametarò. Hối lộ chính trị về bản chất là bí mật, do vậy việc thiếu các tài liệu ghi nhận không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy vậy, ở Hayashida chúng ta được “thấy tận mắt” sự kiện này. Hayashida, tốt nghiệp đại học Hoàng Gia Tokyo, là một viên chức gần gũi với Hội Đồng Cơ Mật và sau này làm việc cho Cục Lập Pháp. Vào năm 1890, ông được bổ nhiệm là thư ký thứ nhất của Hạ Viện. [34] Theo lập trường của Hayashida và bình luận của Mutsu, dường như kịch bản về hối lộ được thấy rõ trong những kỳ họp tiếp theo của Hạ Viện đã bắt đầu từ kỳ họp đầu tiên. 

Sau nhiều nỗ lực chính trị, nội các Yamagata đã thông qua được một ngân sách bị cắt giảm; nội các tiếp theo của Matsukata Masayoshi (6/5/1891–30/7/1892) đã quyết định phá vỡ quyền lực của các đảng quần chúng. Theo khuyến nghị của Yamagata, Matsukata đã bổ nhiệm Shinagawa Yajirò, một môn đệ của những chính khách già, làm bộ trưởng Bộ Nội Vụ. Một người dưới quyền Yamagata khác, Shirane Sen’ichi được bổ nhiệm làm thứ trưởng. Công việc của Hạ Viện thứ hai bị gián đoạn bởi cuộc tranh luận về việc chính quyền ban hành sắc lệnh hoàng gia khẩn cấp để kiềm chế báo chí; cuộc tranh luận gay gắt này đã kéo theo các cuộc tranh cãi về luật ngân sách. Sau khi ngân sách bị phủ quyết, Matsukata ra lệnh giải tán Hạ Viện. Được sự hậu thuẫn của Matsukata, bộ trưởng Bộ Nội Vụ Shinagawa đã trắng trợn can thiệp vào cuộc bầu cử ngày 15 tháng 3 năm 1892, bằng cách bắt giữ các ứng cử viên, cho các băng côn đồ thường quấy rối cử tri, đốt phá tài sản của các chính khách chống chính quyền và đưa hối lộ. Các quận trưởng và cảnh sát trưởng được bí mật ra lệnh giải tán chiến dịch tranh cử của các chính khách chống nội các và hỗ trợ những người ủng hộ chính phủ. Những chiến thuật này đã dẫn đến kỳ bầu cử đẫm máu nhất trong lịch sử Nhật Bản: 25 người bị giết và hơn 300 người bị thương. Bất chấp điều đó, hầu hết những nghị sĩ cũ đều tái cử và chính phủ phải đối mặt với một Hạ Viện đầy giận dữ trong nhiệm kỳ Hạ Viện tiếp theo. Ngay cả các thành viên của Thượng Viện cũng nổi giận và vào tháng 5, một nhóm đa số thượng nghị sĩ đã yêu cầu chính phủ trừng phạt những người phá hoại bầu cử. Sau khi một ngân sách cắt giảm được thông qua và Shinagawa bị buộc phải từ chức vào tháng 3 năm 1892, Matsukata đã giải tán nội các vào tháng 8. [35]

Vào thời nội các thứ hai của Yamagata (8/11/1898–19/10/1900), việc đưa và nhận “quà tặng” cũng như hối lộ là hiện tượng đặc trưng của đời sống chính trị. Tuy vậy, nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của Yamagata là thời kỳ mà chính khách tham nhũng và nhận hối lộ chưa từng thấy trong lịch sử: một khoản tiền cố định được cung cấp cho mỗi phiếu ủng hộ luật của chính phủ. Giá cả của phiếu cho luật thuế cao hơn, ví dụ là từ 500 đến 1.500 yen cho mỗi phiếu. [36] Bất chấp sự ghê tởm đối với chính khách, Yamagata bí mật thỏa thuận với Hoshi Tòru, nhân vật hàng đầu trong Kenseitò. Thông qua Hoshi, Yamagata trả tiền cho phiếu ủng hộ luật thuế của các hạ nghị sĩ. Bộ trưởng Bộ Quân Sự Katsura Tarò là kênh hối lộ các thượng nghị sĩ. Để kiếm được số tiền lớn cho việc mua phiếu, Yamagata đã dựa vào các doanh nhân và Bộ Ngân Khố Hoàng Gia. Theo nhật ký của Hara Kei, Yamagata đã kiếm được tiền để mua chuộc các chính khách Kenseitò từ ngân quỹ riêng của hoàng đế (Yamagata nhận được số tiền khổng lồ là 980.000 yen). Ít nhất 80.000 yen đã được đưa cho Hoshi. Việc Yamagata tung một số tiền lớn ra để mua phiếu đã khiến cho Hara cũng bị sốc, ông là chính khách rất lão luyện và không chấp nhận dùng hối lộ để đạt được các mục tiêu chính trị. Hara cũng viết rằng mặc dù Yamagata thể hiện là người trong sạch nhưng ông ta cũng bỏ túi một số tiền lớn. Cho đến khi chết vào năm 1922, Yamagata vẫn nỗ lực giữ cho dòng tiền chạy bằng cách sắp xếp một người thân cận làm Bộ Trưởng Ngân Khố Hoàng Gia. [37] Ba tháng trước khi nội cách Yamagata từ chức, trong một bài phỏng vấn của phóng viên một tờ báo ở Kobe (được in ngày 18/7/1900), Òkuma Shigenobu tuyên bố rằng “hầu như không có dạng tham nhũng chính trị nào trong toàn bộ lịch sử thế chế nghị viện ở phương tây không xuất hiện ở đây. Tôi không nói tất cả, hay đa số các nghị sĩ và cử tri của chúng ta là tham nhũng, nhưng thiểu số có xu hướng tham nhũng đã đủ lớn để khiến cho mọi thứ trở nên xấu xa và rất đáng lo ngại.” [38] Bình luận tiêu cực về tham nhũng chính trị của Òkuma không phải là bình luận duy nhất xuất hiện trên báo in. Đầu tiên vào tháng giêng năm 1899 và sau đó là tháng 4 năm 1900, nhà phê bình xã hội Toyabe Shuntei đã phản đối cả các chính khách lẫn Yamagata, nói rằng Yamagata đã đạt được mục đích theo hai cách: hối lộ và tặng thưởng. Toyabe chỉ ra rằng Hạ Viện đã trở thành thứ giống như thị trường chứng khoán để mua bán cổ phiếu. Do vậy, việc mua phiếu của Yamagata được phơi bày công khai, nhưng công chúng nói chung cảm thấy khó có thể khám phá được điều đó. Tuy vậy, tầng lớp thượng lưu chính trị biết rõ về nguồn tiền và cách sử dụng tiền của Yamagata, có một số người im lặng nhưng có một số ít người sẵn sàng gọi việc này là tham nhũng; không ai nói ra và gọi việc này là hành động tội phạm. Viết trong nhật ký, Hara Kei nói rằng kể từ đó hầu hết những người giữ các chức vụ công đều công khai nhận hối lộ. Họ cũng thường xuyên thoát khỏi sự trừng phạt. [39]

Vào cuối những năm 1890, Itò Hirobumi cho rằng Hạ Viện có thể được kiểm soát một cách thích hợp nếu ông thành lập một chính đảng. Do vậy, cùng với sự ủng hộ của Kenseitò, Itò đã thành lập Rikken Seiyûkai vào tháng 9 năm 1900. Các chính khách ham muốn quyền lực chính trị tham gia đảng này cũng chính là những người đã được Yamagata mua chuộc bằng hối lộ và chức vụ công. [40] Tại sao nhiều nhóm chống hanbatsu lại gia nhập vào nhóm đứng đầu của hanbatsu? “Có lẽ là đối với các lãnh đạo đảng chính trị, sau những kinh nghiệm cay đắng, đã hiểu rằng với Hiến Pháp Nhật Bản, cách duy nhất tiếp cận quyền lực nhà nước là đặt mình dưới sự bảo trợ của những chính khách già, những người nắm giữ chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới quyền lực chính trị.” [41]

Thư ký thứ nhất của Hạ Viện và trở thành tổng thư ký vào năm 1897, Hayashida được bổ nhiệm làm thư ký cho Seiyûkai. Thư ký khác của đảng là Samejima Takenosuke, trở thành tổng thư ký nội các trong nội các của Itò được thành lập vào tháng kế tiếp. Hayashida viết, “Cần có sức mạnh của vàng để tạo ra các đảng viên.…Cùng với thời gian, điều này trở thành bình thường. Mặc dù Itò không thích điều này song ông cũng nhận ra rằng thứ cần thiết đầu tiên là tiền, thứ hai là tiền và thứ ba cũng là tiền để tham chiến.” [42] Bên cạnh việc lấy tiền từ các quỹ bí mật, Itò cũng kiếm tiền từ Bộ Ngân Khố Hoàng Gia. Tuy vậy, nguồn tiền quan trọng nhất cho việc thành lập đảng là từ doanh nhân Magoshi Kyòhei của nhà Mitsui, người này đã cung cấp 300.000 yen, với lời hứa sẽ đưa nhiều hơn nữa nếu cần. [43] Quyết định kết hợp với các chính khách đảng phái của Itò đã cho thấy bước ngoặt trong sự phát triển của các chính đảng. Trong nhiều năm tiếp theo, số lượng viên chức hành chính tham gia vào các đảng chính trị đã tăng lên. George Akita viết, “Bất chấp sự thật là ông ta không hiểu và không phù hợp với chính trị đảng phái, ông ta đã quyết định sớmthực tế về việc kết hợp với các đảng phái và do vậy giúp định hình đặc tính và phong cách của chính trị Nhật Bản, thứ vẫn còn được duy trì cho tới ngày nay – sự kết hợp giữa viên chức và chính khách.” [44]

Itò thành lập nội các cuối cùng vào 19/10/1900. Hầu như ngay lập tức nội các mới, kết hợp giữa các chính khách đảng phái và viên chức ủng hộ Itò, đã bị những người ủng hộ Yamagata tại Thượng Viện phản đối. Tuy vậy, khi Thượng Viện phủ quyết luật tặng thuế, Itò đã gây sức ép với họ bằng mệnh lệnh của hoàng đế và đạo luật được thông qua. Nỗ lực phủ quyết luật thuế của Itò không phải là chiến thuật duy nhất mà Thượng Viện dùng để hạ uy tín của đảng mới và hạ bệ chính phủ của Itò. Vào ngày 17/11, ngay trước khi kỳ họp Hạ Viện bắt đầu, một đa số ở Thượng Viện đã yêu cầu cách chức bộ trưởng Bộ Truyền Thông Hoshi Tòru, nhân vật hàng đầu của đảng mới kết hợp giữa chính khách và viên chức. Họ yêu cầu bãi chức Hoshi và truy tố ông này về các hành vi tham nhũng khi còn là thành viên của chính quyền thành phố Tokyo. [45] Cuộc tấn công nhằm vào Hoshi thực ra là cách đánh vòng sang Itò. Rõ ràng là nhiều thành viên của Thượng Viện quan ngại sâu sắc về thỏa thuận chính trị giữa Hoshi và các chính khách của thành phố Tokyo. Phương pháp tấn công nội các Itò của Thượng Viện, trong đó vấn đề chính trị thật sự được giấu sau các cáo buộc về tham nhũng, đã trở thành phương pháp đấu đá chính trị phổ biến trong những năm tiếp theo. 

Tuy vậy, các thượng nghị sĩ đã đúng khi họ cáo buộc Hoshi tham nhũng. Hoshi là hiện thân của một chính khách tham nhũng. Hoshi là nhân vật hàng đầu trong Jiyûtò (Đảng Tự Do), được bầu vào Hạ Viện năm 1892 và trở thành người phát ngôn. Vào thời Hạ Viện thứ 5, bắt đầu từ tháng 11 năm 1893 (Itò Hirobumi là thủ tướng), Hoshi đã bị nghi ngờ nhận tiền và quà tặng. Một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có động cơ chính trị rõ ràng, nhằm vào sự hợp tác chính trị của Hoshi với Itò, tuy vậy nhận thức chung là Hoshi có tội tham nhũng. Vài năm sau, Hoshi được cho là đã nói rằng các nghị sĩ Hạ Viện đều nhận hối lộ, những người hiểu biết nhất đều phải thừa nhận tuyên bố đó là chính xác.

Dĩ nhiên Hoshi cần một số tiền lớn để xây dựng và duy trì đạo quân chính trị ở Hạ Viện. Việc mua chuộc chính trị có kết quả tốt và vào năm 1900, phe cánh của ông ta trong Kenseitò (tiền thân của Đảng Tự Do) đã thống trị. Việc tìm kiếm các nguồn tiền đã đẩy Hoshi lại gần với giới doanh nhân và ông ta khuyến khích thuộc cấp tìm kiếm quỹ tranh cử và chi phí sinh hoạt từ các doanh nhân. Hoshi tham gia Hội Đồng Thành Phố Tokyo bởi vì hầu hết các doanh nhân quan trọng tại nhiều doanh nghiệp đều tìm kiếm giấy phép kinh doanh từ cơ quan này. [46]

Vào ngày 15/10.1900, tờ Tokyo Yokohama Mainichi Newspaper đăng một bài báo về việc một công ty chế tạo đường ống dẫn nước hối lộ 3.000 yen cho các viên chức chính quyền thành phố Tokyo. Ba viên chức bị nêu tên đều là thuộc cấp của Hoshi. Đứng sau vụ tấn công của tờ báo là nhà báo-chính khách Shimada Saburò, người thẳng thắn lên án hối lộ chính trị. Shimada, giữ một ghế ở Hạ Viện từ nhiệm kỳ bầu cử thứ nhất, đã thực hiện những gì ông tuyên bố: ông từ chối quà tặng của mọi người ngoại trừ họ hàng và không bao giờ chấp nhận các yêu cầu cá nhân liên quan đến vai trò chính trị của ông. Shimada, là chủ tịch của tờ báo và đối thủ chính trị lâu năm của Hoshi, đã đẩy mạnh sự tấn công của tờ báo, xác định Hoshi là kẻ đầu sỏ trong đám cướp bóc quốc gia và thúc giục cơ quan tư pháp truy tố ông ta. Giữa những cuộc tấn công đó, Hoshi trở thành bộ trưởng Bộ Truyền Thông trong nội các thứ tư của Itò. Vào ngày 19/12, bộ trưởng Bộ Tư Pháp Kaneko Kentarò thông báo trong một cuộc họp toàn thể của Seiyûkai là Hoshi sẽ không bị truy tố. Tuy vậy, Hoshi rút lui khỏi nội các hai ngày sau. [47] Vào ngày 21/6/1901, Hoshi bị Iba Shòtarò đâm chết, người này giải thích lý do của vụ sát hại này là Hoshi khi còn làm chủ tịch Hội Đồng Thành Phố Tokyo đã nhận hối lộ, làm mất thể diện quốc gia. Iba xuất thân từ một gia đình giàu có dạy võ thuật; ông ta là quản lý của ngân hàng Nihon Chochiku và là hiệu trưởng của Trường Nông Nghiệp Tokyo. [48] Mặc dù không thể chứng minh rằng sự tấn công cay độc của tờ báo của Shimada đã châm ngòi cho việc Iba sát hại Hoshi, “ý kiến công chúng” vẫn cho rằng Shimada có trách nhiệm. [49]

Bất chấp những nỗ lực khéo léo của Hirobumi để luật thuế được thông qua, sự đối lập bên ngoài của nội các gia tăng đối với những chi tiêu công của chính phủ đã chia rẽ các thành viên của nội các. Itò từ chức chỉ sau 7 tháng tại nhiệm. Như mọi thứ đã diễn ra, đây là nội các cuối cùng do một thành viên cao cấp của hanbatsu già đời đứng đầu. Nội các tiếp theo do tướng Katsura Tarò đứng đầu, một người được Yamagata trực tiếp bảo trợ. [50]

Thủ tướng mới, có nội các đầu tiên tồn tại từ ngày 2/6/1901 đến 7/1/1906, dày dạn kinh nghiệm chính trị do đã làm bộ trưởng Bộ Chiến Tranh trong nhiều nội các. Mặc dù Katsura đã thành công trong cả chính trị đối nội cũng như đối ngoại, nhiệm kỳ đầu tiên của ông bị vấy bẩn bởi một vụ hối lộ nhạy cảm và nổi tiếng. Vụ bê bối sách giáo khoa thu hút được sự chú ý của công chúng vào ngày 17/12/1902, khi cảnh sát phát hiện ra các vụ hối lộ liên quan đến các nhà xuất bản sách giáo khoa và các ủy ban thẩm tra sách giáo khoa cấp quận. Vào tháng 3 năm 1903, nhiều viên chức giáo dục cấp quận, tại hầu hết các quận, đều đã bị bắt giữ. Sau khi các công tố viên điều tra, 152 nghi phạm đã phải ra tòa sơ thẩm. Trong số 152 nghi phạm có 28 người được tha bổng; phần còn lại được xét xử tại Tòa Án Quận Tokyo. Kết thúc quá trình chống án, 69 viên chức đã bị kết án nhận hối lộ. Trong số các nghi phạm của vụ này có quận trưởng của Chiba, Tochigi, Gunma, Miyagi, Niigata, và Shimane; cựu quận trưởng của Miyazaki và Shimane cũng bị bắt giữ. Tuy vậy, hầu hết những con cá lớn đều lọt lưới pháp luật, khiến cho một số độc giả báo chí ngạc nhiên. Cuộc điều tra quận trưởng Abe Hiroshi (Chiba) là ví dụ điển hình. Abe nói với các điều tra viên rằng khoản tiền lớn mà ông ta nhận được từ chủ tịch của công ty xuất bản sách giáo khoa là khoản vay mượn mà ông ta sẽ trả lại. Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Kiyoura Keigo, có quan hệ gần gũi với Yamagata Aritomo, đã ra lệnh phóng thích Abe; chưởng lý trong vụ án này đã từ chức để phản đối. Abe đã thoát khỏi vụ bê bối và trở thành thị trưởng của Tokyo. [51]

Vụ án này không chỉ cho thấy sự thật là hối lộ đã diễn ra trong nhiều năm mà còn vô hiệu hóa hầu hết các sự phản đối chống lại nỗ lực kiểm soát toàn diện việc lựa chọn sách giáo khoa tiểu học của Bộ Giáo Dục. Cho đến lúc này, bộ chỉ đưa ra “hướng dẫn” cho việc lựa chọn sách giáo khoa, nhưng với vụ án bộ đã kiểm soát hoàn toàn quy trình vào ngày 13/4/1903. 

Vài năm trước đó, hối lộ cũng đã xuất hiện trong các kỳ thi viên chức, đặc biệt là trong các kỳ thi luật sư. Để ngăn chặn việc gian lận, chính quyền đã ban hành hướng dẫn chi tiết cho các kỳ thi và cố gắng giữ đề thi bí mật. Mặc dù cách tiếp cận này dường như có hiệu quả trong các kỳ thi viên chức, nhưng việc tiết lộ đề thi trong các kỳ thi luật sư vẫn tiếp tục. Vụ bê bối lớn nổ ra vào tháng 10 năm 1892 đã thay đổi thái độ tự mãn về vấn đề này của chính quyền và báo chí. Do vụ bê bối này liên quan đến một thư ký của Bộ Tư Pháp, diễn ra ở Tokyo và liên quan đến nhiều thí sinh, nó đã trở thành tin tức quan trọng. Viên thư ký và bảy thí sinh khác đã bị truy tố vì nhận và đưa hối lộ, nhưng Tòa Án Quận Tokyo đã phán quyết không có vi phạm pháp luật. Tuy vậy, viên thư ký vẫn bị trừng phạt, bị sa thải vì tiết lộ bí mật nhà nước. Báo chí, vốn đang thèm khát theo đuổi những tin tức nóng bỏng, đã cáo buộc rằng chính quyền đã nhiều năm bỏ qua các trường hợp tương tự do chúng diễn ra bên ngoài phạm vi Tokyo. [53] Điều mà báo chí cáo buộc có vẻ là đúng; Bộ Tư Pháp vào lúc này đang trong tình trạng hỗn loạn và “nhiều viên chức rất vô trách nhiệm, một số dành phần lớn thời gian cho các nhà chứa geisha ở Yoshiwara, trong khi những người khác hiếm khi có mặt ở bộ trước buổi trưa.” [54]

Như đã viết ở trên, doanh nhân dính líu sâu vào việc mở rộng tham nhũng. Họ sẵn sàng đưa hối lộ để nhận được những hợp đồng của chính quyền và các lợi ích khác. Ví dụ, công ty Mitsui có liên hệ mật thiết với các lãnh đạo chính quyền cấp cao, trong đó có Inoue Kaoru, Yamagata Aritomo, và Gotò Shòjirò. Mitsui cho các lãnh đạo chủ chốt của chính quyền vay tiền và sau đó kết toán thành “quà tặng”. Mitsubishi phục vụ cho Òkuma Shigenobu và Òkubo Toshimichi. [55] Như Robert Scalpino đã chỉ ra, mặc dù các bê bối tham nhũng liên quan đến chính khách làm cho họ có vẻ tham nhũng hơn các lãnh đạo và thuộc cấp thời Trung Hưng Minh Trị, song “các lãnh đạo đầu sỏ nhận được quỹ cá nhân từ giai cấp tư sản; bất kể là dưới dạng khoản hối lộ tiền mặt, cổ phần trong công ty, hay những khoản vay sẽ được xóa nợ, họ đều kiếm được những lợi nhuận đáng kể.” [56] Viết vào cuối thời Minh Trị, Walter McLaren đã lưu ý rằng tầng lớp đầu sỏ “trong hầu hết các vụ án đều xuất thân từ samurai nghèo hoặc con của những người có rất ít tài sản và đã phục vụ nhà nước cả đời với mức lương thấp. Tài sản khổng lồ hiện tại của họ không phải là kết quả của tiết kiệm hay đầu tư khôn ngoan, mà là từ tham ô và hối lộ.” [57] 

Ví dụ, Òkuma Shigenobu, đã sống cực kỳ giàu có và xa hoa, cho rằng những người mà ông ta giúp đạt được thành công cần phải thể hiện sự trân trọng bằng quà tặng. Những quà tặng này bao gồm đất đai ở Tokyo, một biệt thự bờ biển và một biệt thự trên núi. Trong số các thương nhân chính trị, Òkuma có quan hệ mật thiết nhất với Iwasaki của công ty Mitsubishi. [58] Yamagata Aritomo, người cần một khoản tiền lớn cho mạng lưới tay chân trong bộ máy chính quyền và thao túng các chính khách, đã lấy tiền từ Mitsui và quỹ bí mật. Mặc dù Yamagata được cho là dùng tiền thu gom được cho chính trị song bằng cách nào đó ông ta cũng rất giàu có. Tuy những chi tiết về hầu hết khoản tiền mà Yamagata đã chi tiêu đều là bí mật, việc ông ta có nhiều ngôi nhà là dấu hiệu của sự giàu có. Chinzansò ở Tokyo (18.000 tsubo) nổi tiếng vì khu vườn của nó. Ngôi nhà sang trọng này được xây dựng sau cuộc nổi loạn Satsuma (1877). Một ngôi nhà ở Òiso tại quận Kanagawa (5,000 tsubo) được xây dựng trong khi Yamagata là bộ trưởng Bộ Nội Vụ vào những năm 1880. Một ngôi nhà khác ở Koishikawa (Tokyo). Ngôi nhà này cũng có khu vườn nổi tiếng. Vào năm 1891, Yamagata mua một ngôi nhà ở Kyoto và sau đó xây một ngôi nhà mới gần Nanzenji. Căn nhà ở Nanzenji cũng nổi tiếng vì khu vườn của nó. Một ngôi nhà khác (10.000 tsubo) có khu vườn nổi tiếng ở Odawara tại quận Kanagawa. Cuối cùng là Shinchinzansò (700 tsubo) ở Tokyo. Kế bên là căn nhà (2.000 tsubo) do vợ ông ta sử dụng. [59] Inoue Kaoru, bắt đầu trở nên giàu có và quyền lực ở Bộ Tài Chính, trở thành bạn tâm giao và cố vấn của gia đình Mitsui. Inoue tham gia sâu vào các hoạt động tài chính của nhà Mitsui, một học giả đã gọi ông ta là “chỉ huy của nhà Mitsui.” [60] Itò Miyoji, người tuyên bố tài sản sinh ra từ tiết kiệm và đầu tư khôn ngoan, đã quên không nói rằng ông ta nhận được tờ Tokyo Nichinichi Newspaper miễn phí từ Itò Hirobumi và ông ta sử dụng tờ báo để tống tiến các doanh nhân, chính khách và những người khác. Một khoản hối lộ cho Miyoji là tờ báo sẽ ngậm miệng. [61] Không giống như nhiều đầu sỏ chính trị khác, Itò Hirobumi có tiếng là trung thực về tài chính và không bị các tin đồn hối lộ vây quanh. Tuy vậy, trong vai trò một thủ lĩnh chính trị thì ông ta cũng cần một khoản tiền lớn và dường như nhu cầu này được đáp ứng bằng quà tặng từ gia đình hoàng tộc và những người được hưởng lợi khác. [62] 

Tin đồn về hối lộ bằng cách tuyển dụng của các doanh nhân xuất hiện trên mặt báo hết năm này sang năm khác song thỏa thuận của họ với các chính khách thường được giấu kín. Tuy vậy, đôi khi bức màn che cũng bị vén sang một bên cho công chúng thấy chi tiết của giao dịch hối lộ. Đây là điều đã diễn ra trong vụ bê bối công ty Tinh Chế Đường Đại Nhật Bản (Dai Nihon Seitò Kabushikigaisha hay Nittò) năm 1907-1908.

Vụ việc bắt đầu do công ty hoạt động không tốt và hạ nghị sĩ dễ bị hối lộ. Tình hình không phải là bất thường: các công ty dầu và đường sắt cố gắng mua phiếu của nghị sĩ để gây ảnh hưởng tới chính sách của chính phủ. Điều bất thường trong nỗ lực của công ty đường là cả lãnh đạo công ty lẫn các hạ nghị sĩ đều bị truy tố, vụ truy tố quy mô lớn đầu tiên đối với các hạ nghị sĩ vì hối lộ. Một kết quả quan trọng của vụ án này là quyền lực của viên chức tư pháp được mở rộng. [63]

Vào tháng 12 năm 1906, các quan chức công ty vận động cho việc gia hạn một luật giảm thuế nhập khẩu đường, vốn hết hạn vào ngày 31 tháng 3. Công ty muốn đạo luật tạm thời này được gia hạn tới tháng 7 năm 1911, đã thu được đủ sự ủng hộ để đưa luật ra Hạ Viện vào tháng 12 năm 1906; bộ trưởng Bộ Tài Chính cũng ủng hộ đạo luật. Tuy vậy, các công ty đường Đài Loan coi đạo luật là mối đe dọa và dùng một số chính khách của Seiyûkai để phản đối. Nhằm bảo vệ đạo luật, ban lãnh đạo của Nittò đã quyết định hối lộ các nghị sĩ Hạ Viện. Hai lãnh đạo, Isomura Otosuke và Akiyama Kazuhiro, tiếp cận các hạ nghị sĩ; chủ tịch công ty Sakanioi Takiaki đảm nhiệm các thành viên của Thượng Viện. Hơn 120.000 yen đã được đưa cho các hạ nghị sĩ (Seiyûkai khoảng 53.000; Kenseihontò khoảng 25.000; Daidò Kurabu khoảng 35.000; những người khác khoảng 10.000). Đạo luật được thông qua tại Hạ Viện vào ngày 21/2/1907 và tại Thượng Viện vào ngày 19/3. [64]

Không may cho công ty là sự thành công không giúp cho công ty thoát khỏi sự suy sụp về tài chính nên ban lãnh đạo cân nhắc việc bán công ty, họ định thuyết phục chính phủ mua lại công ty. Sau một nỗ lực không thành công để nhận được sự ủng hộ của các viên chức Bộ Tài Chính và Bộ Nông Nhiệp và Thương Mại, ban lãnh đạo của Nittò quay sang làm việc với các chính khách, hy vọng rằng họ có thể thúc ép các viên chức trong việc mua lại công ty. Hoạt động này bắt đầu vào tháng 12 năm 1907, với nỗ lực đặc biệt hướng vào các thành viên của Seiyûkai là Matsuura Gohei và Sawada Mamoru (Isomura đưa cho họ 30.000 yen). Bên cạnh khoản tiền mặt đưa trước này, Seiyûkai cũng được hứa hẹn 300.000 yen nếu luật mua công ty được thông qua; 300.000 yen khác cũng được hứa hẹn cho các nhóm chính khách ở Thượng Viện. Đảng nhỏ hơn là Daidò Kurabu cũng có phần: Yokota Torahiko nhận được 20.000 yen cùng với lời hứa về 100.000 yen. Trong một phần của nỗ lực này, công ty tuyển dụng Shibusawa Eiichi, một doanh nhân nổi tiếng, làm cố vấn và yêu cầu bộ trưởng Bộ Tài Chính cử một viên chức đáng giá tham gia công ty (chủ tịch công ty Sakanioi vốn từng là viên chức của Bộ Nông Nghiệp và Thương Mại). Bất chấp những sức ép mạnh mẽ đó, nội các Saionji Kinmochi (7/1/1906 – 14/7/1908) đã không chấp nhận mua công ty. [65]

Tin đồn về sự cấu kết giữa lãnh đạo của doanh nghiệp và chính khách dẫn đến một cuộc điều tra và truy tố của viên chức Bộ Tư Pháp. Nhân vật chủ chốt trong cuộc điều tra và phiên tòa chưa từng có tiền lệ này là Hiranuma Kiichirò, lãnh đạo của Cục Tội Phạm. Trước đó, các công tố viên ở Tokyo bị bó tay bởi sự thiếu hợp tác của cảnh sát và thiếu ngân sách để thực hiện các điều tra độc lập. Hiranuma giải quyết một phần lớn vấn đề bằng cách kiếm được 70.000 yen cho cuộc điều tra của công tố. Với khoản tiền này, các công tố viên thực hiện một cuộc khám xét chi tiết các văn phòng của công ty đường và nhà của các nghi phạm. Trong cuộc điều tra, nội các Katsura (thứ hai, 14/7/1908 - 30/8/1911) có vẻ chỉ quan sát việc công tố viên truy tố các chính khách của Seiyûkai, nhưng khi vụ bê bối chạm đến những người thân cận nội các, thủ tướng đã đe dọa kết thúc vụ án. [66]

Theo Hiranuma Kiichirò, quyền lực của Bộ Tư Pháp vào lúc này không đủ mạnh để chống lại lệnh ngừng điều tra của thủ tướng. Sau khi nhận được lệnh từ Katsura về việc phải làm gì đó trước khi vụ điều tra gây ra vấn đề cho nội các, Tổng Chưởng Lý Matsumuro Itaru đã quay lại bộ và nói rằng tốt nhất nên dừng cuộc điều tra. Chưởng lý trong vụ án, Kobayashi Yoshirò, đã đe dọa từ chức. Vào lúc này, Hiranuma quyết định đến gặp thủ tướng. Cuộc gặp của họ đưa đến một nhượng bộ: Katsura sẽ không can thiệp vào vụ án và Hiranuma đồng ý không mở rộng phạm vi vụ án. Kobayashi cũng đồng ý với các điều kiện này. [67]

Các nghi phạm trong vụ án được xét xử theo hai nhóm: các lãnh đạo doanh nghiệp đưa hối lộ và các chính khách nhận hối lộ. Tám lãnh đạo của công ty chuẩn bị được đưa ra xét xử nhưng Sakanioi tự sát bằng súng. Vào ngày 6/12/1909, bảy người còn lại bị kết án. Isomura bị tuyên án bốn năm tù, Akiyama ba năm rưỡi, năm người khác nhận được các án tù nhẹ hơn nhưng được hoãn thi hành án. Isomura và Akiyama chống án, sau đó được giảm án xuống ba năm. Tòa Án Tối Cao bác bỏ đơn chống án cuối cùng vào ngày 29/3/1912. Về phía các chính khách, 22 người bị xét xử; 16 người phải nhận các hình phạt. Bảy trong số 16 người bị tuyên án ba năm tù nhưng được hoãn thi hành án. Những người thực sự phải ngồi tù chỉ chịu án từ bốn đến mười tháng. Ví dụ như Matsuura Gohei bị kết án 10 tháng tù và bị phạt 20.150 yen, Sawada Maromu nhận án 8 tháng tù và bị phạt 3.000 yen. [68]

Khi nhắc lại vụ án này nhiều năm sau, Hiranuma nói, “Từ đó trở đi, công chúng bắt đầu e sợ quyền lực tư pháp….Đối với Bộ Tư Pháp, vụ án Nittò là bước ngoặt đánh dấu một thời kỳ mới. Trước lúc đó, văn phòng công tố không có ảnh hưởng đối với [chính] giới.” [69] Ohara Naoshi, công tố viên tại Tòa Án Quận Tokyo, ủng hộ quan điểm này. Trong một bài phỏng vấn thời hậu chiến, ông ta nói rằng trước vụ án Nittò thì cả cảnh sát cũng như công chúng đều không mấy chú ý tới các công tố viên Tokyo và trước vụ án này thì hầu như là không thể bắt giữ các hạ nghị sĩ vì tội tham nhũng. Tất cả đều đã thay đổi nhờ vào hoạt động của ba người: Hiranuma, Matsumuro và Kobayashi. Ông cho rằng, chìa khóa của thành công trong việc truy tố vụ án này là khoản tiền 70.000 yen mà Hiranuma kiếm được. Cũng giống như Hiranuma, Ohara coi vụ án này là bước ngoặt trong sự phát triển quyền lực của các công tố viên thuộc Bộ Tư Pháp. [70] 

Một nghiên cứu chuyên sâu về sự trỗi dậy của phe Hiranuma trong Bộ Tư Pháp đã viết rằng việc truy tố và kết án các chính khách trong vụ án Nittò 
đã khiến Hiranuma trở thành diễn viên quan trọng trên sân khấu chính trị….Chúng ta cần ghi nhận rằng Hiranuma không tiến hành một cuộc thánh chiến đạo đức để bài trừ hoàn toàn sự tha hóa đạo đức trong chính quyền, mà ông đã thỏa hiệp với Katsura…Thỏa thuận với Katsura đảm bảo cho phe công tố một mức độ ảnh hưởng chính trị và tạo ra tiền lệ cho các thỏa thuận chính trị tương lai. Hiranuma…đã luôn luôn hiểu biết rõ mọi lợi ích chính trị tiềm tàng trong các cuộc điều tra của công tố….[Hiranuma có thể hợp lý hóa] các nhượng bộ chiến thuật để đổi lấy quyền lực bằng cách viện dẫn công thức “quyền lực của đức hạnh hoàn hảo.” [71] 
Do Hiranuma tạo ra một ảnh hưởng mạnh đối với lĩnh vực tư pháp và chính giới trong một thời gian rất dài nên cũng cần phải xem xét các động cơ của ông. Những nguyên tắc mà ông xây dựng chính sách của mình được rút ra chủ yếu từ sự đào tạo trước đó về các giá trị samurai và Nho giáo. Ông tin rằng, hệ thống đạo đức truyền thống này vẫn đúng trong một xã hội công nghiệp hóa nhanh chóng. Hiranuma cũng tin rằng các giá trị Nho giáo phải được áp dụng trong phạm vi một cấu trúc luật pháp hiện đại. Có lẽ Hiranuma coi bản thân là một nhà cải cách thúc đẩy đạo đức truyền thống ngay từ khi ông tham gia Bộ Tư Pháp vào năm 1888. Đối mặt với một bộ bị sự uể oải và chủ nghĩa phe phái của viên chức chính quyền làm hư hại, Hiranuma đã ủng hộ thứ trưởng Yokota Kunitomi, người bắt đầu một cuộc cải cách nội bộ vào năm 1898. Hiranuma trở thành người ủng hộ chủ chốt của Yokota trong công việc khó khăn này. Sau khi Yokota trở thành Tổng Chưởng Lý, Hiranuma trở thành tham mưu trưởng của Yokota. Mặc dù một số người coi đạo đức Nho giáo của Hiranuma là lỗi thời, song một số các viên chức tư pháp trẻ thì không và Hiranuma đã sớm có các thuộc cấp trung thành. Ngay từ đầu sự nghiệp, Hiranuma đã tỏ ra căm ghét hanbatsu, sau này ông thêm doanh nghiệp lớn và các chính đảng vào danh sách. Trong sự nghiệp công, nhiệt tâm phát dương sự cao quý của hoàng đế và thúc đẩy trật tự quốc gia (kokutai) của ông có thể so sánh với Yamagata Aritomo. [72] 

Về sự quan trọng của vụ án Nittò, Walter McLaren viết, 
Sự dễ mua chuộc của các nghị sĩ Hạ Viện, khi so sánh với sự tham ô của tầng lớp viên chức, có lẽ là cực kỳ bẩn thỉu. Các khoản hối lộ nhỏ hơn và các giao dịch hầu hết đều diễn ra theo những cách ô nhục trong một môi trường phóng đãng tầm thường.
…Nhưng không thể lên án các chính khách đảng phái nhiều hơn các quan chức nội các. Tất cả đều có cái giá của họ….Cũng có và từng có một số ngoại lệ đáng kể, nhưng chúng chỉ giúp khẳng định sự dễ mua chuộc một cách phổ biến của Nội Các và Hạ Viện. [73] 
Một Luật Hình Sự mới được ban hành vào tháng 10 năm 1908. Chương 24 đề cập đến “Các Tội Tham Nhũng Trong Công Vụ”; Điều 197 và 198 trong đó quy định về hối lộ. Mọi viên chức đòi hỏi hay đồng ý, hoặc nhận hối lộ có thể bị phạt tù đến ba năm. Nếu sau khi nhận hối lộ mà viên chức không thực hiện hành động bắt buộc hay thực hiện một hành động không phù hợp, hình phạt có thể lên đến 10 năm tù. Tiền hối lộ sẽ bị tịch thu (Điều 197). Trong những năm tiếp theo, các phán quyết của Tòa Án Tối Cao liên quan đến các vụ án hối lộ có sự tham gia của viên chức chính quyền đều được dựa theo điều này. Những phán quyết đó đã cho thấy rõ rằng việc nhận hối lộ là nguy hiểm. Ví dụ, một nghị sĩ nhận hối lộ và sau đó không tham gia cuộc họp mà ông ta được yêu cầu bỏ phiếu có thể bị truy tố vì không thực hiện hành động bắt buộc. Điều 198 áp dụng cho những người đưa hoặc hứa hẹn đưa hối lộ cho viên chức chính quyền. Hình phạt là án tù đến 3 năm và án phạt tiền đến 300 yen. Một số vụ án của Tòa Án Tối Cao cũng đã được xét xử theo điều này. Ví dụ, một khoản hối lộ không trực tiếp cho viên chức chính quyền thông qua vợ của ông ta cũng được coi là vi phạm. [74] 

Chúng ta đã thấy rằng việc mua phiếu bầu bằng tiền và quà tặng đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử đầu tiên vào tháng 7 năm 1890. Trong nhiều năm sau, việc sử dụng hối lộ để gây ảnh hưởng tới cử tri đã trở thành hiện tượng thường trực trong đời sống chính trị. Một hiện tượng bình thường khác của bầu cử quốc gia, khi quy mô của cử tri được mở rộng, là sự gia tăng mạnh của số tiền cần cho chiến dịch tranh cử. Các ứng cử viên buộc phải phụ thuộc vào các ông trùm địa phương để thu gom phiếu bầu và bắt đầu vào khoảng năm 1908 sức ép về tiền bạc đã đẩy các ứng cử viên vào vòng tay của cộng đồng doanh nghiệp. [75]

Trong các tiêu chuẩn cử tri của cuộc bầu cử 1890 có việc đóng thuế trực thu quốc gia tối thiểu là 15 yen, tiêu chuẩn này đã tạo ra 450.000 cử tri trong số 40.000.000 dân. Tiêu chuẩn về thuế được giảm xuống 10 yen vào năm 1900; vào năm 1908 số lượng cử tri là khoảng 1.600.000. Trong các cuộc bầu cử ban đầu, quy mô của mỗi khu vực bầu cử rất nhỏ, khoảng từ vài trăm đến vài ngàn cử tri. Do vậy, mỗi ứng cử viên đều có thể gặp riêng từng cử tri vào thời gian bầu cử. Sự tăng vọt của quy mô cử tri vào đầu thế kỷ 20 đã phá vỡ kịch bản tương tác cá nhân và nuôi dưỡng một tầng lớp môi giới bầu cử, họ bán các khối cử tri cho người trả giá cao nhất. Sự thay đổi này không chỉ làm tăng thêm chi phí bầu cử mà còn gây bất ổn cho jiban (khu vực ứng cử) của các chính khách. [76] Ứng cử viên hạ viện phản ứng lại những sự thay đổi bằng cách cố gắng tạo ra “jiban sắt” – sự ủng hộ vững chắc của những lãnh đạo quyền lực, thị trưởng, chủ đất và các nhân vật đáng kính khác ở địa phương. Một chính khách thành công phải bôi trơn cỗ máy jiban trước mỗi kỳ bầu cử và khai thác triệt để chính sách chi tiêu ngân sách quốc gia hào phóng cho địa phương trong nhiệm kỳ ở hạ viện. Rõ ràng là một chính khách thành công cần có một dòng tiền ổn định để chi tiêu. Lạm phát của chi phí bầu cử cũng thúc đẩy sự trỗi dậy của các chính khách đảng phái biết cách kiếm và chi tiêu các khoản tiền lớn. Số lượng các vụ hối lộ được thống kê – 1.338 vào năm 1908; 3.329 vào năm 1912; 7.278 vào năm 1915 – cho thấy sự phổ biến của việc mua phiếu bầu. [77] Một báo cáo bí mật của Bộ Tư Pháp cho biết rằng trong cuộc bầu cử 1915, các nhân vật đáng kính địa phương tham gia tổ chức việc mua bán phiếu bầu quy mô lớn nhận được từ 10.000 đến 15.000 yen từ các ứng cử viên. [78] Dường như một phần lớn khoản tiền này đã tìm thấy đường “vào tay của cử tri, những người hầu như không có ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.” [79]

Hara Kei là ví dụ nổi bật về một chính khách thấu hiểu nền chính trị tiền bạc mới. Hara tham gia đảng Rikken Seiyûkai mới của Hirobumi vào năm 1900, trong vai trò là thành viên ban lãnh đạo vào tổng thư ký. Vận mệnh đã mỉm cười với Hara khi ông thăng tiến nhanh chóng trong chính giới: bộ trưởng Bộ Truyền Thông (1900), bộ trưởng Bộ Nội Vụ (1906, 1911, 1913-1914) và lãnh đạo của Seiyûkai (1914). [80] Thành công của Hara dựa vào các nỗ lực chính trị khéo léo, nhất là dựa vào việc áp dụng một hệ thống bảo trợ phức tạp. Trong vai trò là người bảo trợ, Hara đảm bảo chức vụ cho những người được hứa hẹn; để tạo dựng một khu vực bầu cử vững chắc thì ông thúc đẩy chính sách chi tiêu ngân sách quốc gia hào phóng cho các địa phương được lựa chọn. Điều quan trọng đối với sức mạnh của Seiyûkai là nguồn tiền đều đặn mà Hara chi cho tất cả các phần trong mạng lưới bảo trợ. [81] “Hara chi tiêu một cách đáng kính. Ông sẽ nhẫn nại lắng nghe người thỉnh cầu giải thích về nhu cầu để họ “không bị mất mặt.”” [82] Hara, nhà chính trị thực tế tuyệt đối, hiểu rằng con người được khuyến khích tốt nhất bằng tiền bạc, chức vụ và nhiều lợi ích khác. Dường như một phần lớn số tiền chảy qua tay Hara không dính lại ngón tay của ông. Một nguồn tin cho biết rằng cá nhân ông ta rất thanh bạch và một nguồn tin khác cho rằng tiền thu gom được đã được chi tiêu cho những người khác. [83]

Vào cuối thời Minh Trị và đầu thời Taisho (1912-1926), tin đồn về tham nhũng của các viên chức và chính khách đảng phái cấp cao là phổ biến trên mặt báo, nhưng bằng chứng về các hành động phi pháp này hiếm khi được công bố. Vào năm 1914 và 1915, thông tin về hai vụ bê bối hối lộ nghiêm trọng đã tràn ngập các trang báo và làm rung chuyển chính giới. Vụ bê bối nhạy cảm đầu tiên tập trung vào việc các viên chức hải quân cấp cao bị cáo buộc nhận hối lộ; vụ thứ hai, được gọi là vụ Òura, liên quan đến việc bộ trưởng Bộ Nội Vụ đưa hối lộ và gian lận bầu cử, cùng với nhiều chính khách vừa đưa vừa nhận hối lộ. Hiranuma, giờ đã là Tổng Chưởng Lý, nhanh chóng sử dụng vụ án này để mở rộng quyền lực của công tố.

Vụ bê bối thứ nhất đã rơi xuống nội các của đô đốc Yamamoto Gonnohyòe (thủ tướng từ tháng 3/1913 đến 4/1914) vào ngày 23/1/1914. Các bản tin buổi sáng của báo chí Tokyo đã trích dẫn một bản tin nhanh của hãng Reuters vào ngày 21/1 từ London về phiên tòa ở Berlin xét xử và kết án một người Đức tên là Schuckert, làm việc cho hãng Siemens tại văn phòng công ty ở Tokyo; người này phải nhận án hai năm tù vì tội lấy trộm các tài liệu của Siemens, dùng những tài liệu đó để tống tiền lãnh đạo công ty. Theo hãng Reuters, phiên tòa đã tiết lộ rằng Siemens hối lộ các quan chức hải quân Nhật Bản để nhận được các hợp đồng của hải quân. Phiên tòa cũng ám chỉ hãng Vickers của Anh cũng lại quả cho các quan chức hải quân. Những đối thủ của nội các Yamamoto do Seiyûkai thống trị đã nắm dùng vấn đề nóng bỏng này để làm vũ khí tấn công chính phủ. Thời điểm bản tin nhanh của Reuters được tung ra hoàn toàn bất lợi cho nội các, họ đang thúc giục Hạ Viện thông qua ngân sách với một khoản chi lớn cho việc mở rộng hải quân. [84]

Các công tố viên hải quân bắt đầu điều tra ngay sau khi vụ bê bối hối lộ xuất hiện. Phó đô đốc Matsumoto Kazu bị cáo buộc nhận hối lộ 400.000 yen của Vickers liên quan tới việc đóng chiến hạm Kongò. Tiền được chuyển qua Mitsui Bussan (công ty thương mại Mitsui), công ty này đóng vai trò môi giới. Cả Vickers và Siemens đều có hợp đồng tham gia đóng chiến hạm Kongò. Chuẩn đô đốc Fujii Mitsugorò và cựu đại úy Sawasaki Hirotake cũng bị cáo buộc nhận hối lộ. Khi phạm vi của vụ tham nhũng mở rộng, báo chí đã đăng tải các hình vẽ hoạt hình châm biếm các quan chức hải quân tham lam, yêu cầu “hoa hồng” cho các con tàu đang được đóng. Hơn nữa, tin đồn thường xuyên là bộ trưởng Bộ Hải Quân Saitò Makoto và thủ tướng Yamamoto đều nhận tiền hối lộ hoặc ít nhất cũng biết về sự hối lộ. Vào ngày 30/3, phó đô đốc Matsumoto, người được đồn thổi sẽ là bộ trưởng Bộ Hải Quân kế nhiệm, bị bắt giữ. Matsumo tiết lộ với một viên chức cấp dưới rằng tiền không được dùng cho các mục tiêu cá nhân mà dùng để giúp đỡ hải quân khi ông ta trở thành bộ trưởng. Ông ta cũng nói rằng ông ta chỉ nhận được 1/3 số tiền của Vickers: Mitsui giữ phần còn lại. Tòa án quân sự vào ngày 29/5 tuyên án đô đốc ba năm tù và phải nộp phạt 409.800 yen. Sawasaki nhận án một năm tù và bị phạt 11.500 yen. Chuẩn đô đốc Fujii, bị cáo buộc nhận hối lộ không chỉ trong việc đóng chiến hạm Kongò mà còn trong cả việc đóng chiến hạm Hiei, đã bị tuyên án bốn năm tù và bị phạt 368.000 yen. Tổng Chưởng Lý Hiranuma, theo dõi sát sao các viên chức dân sự liên quan đến vụ án này, biết rằng tòa án quân sự hải quân sẽ không chạm tới các cấp cao hơn, do bộ trưởng Bộ Hải Quân Saitò đã nhận 100.000 yen từ Matsumoto. Ông đã không nói gì về điều đó. Hiranuma cũng biết rằng tin đồn về việc thủ tướng Yamamoto có liên quan là không đúng. Mặc dù đô đốc Saitò thoát khỏi các công tố viên hải quân đầy phẫn nộ nhưng ông ta bị buộc phải nghỉ hưu. [85]

Các thường dân trong vụ bê bối này do các công tố viên từ Tòa Án Quận Tokyo điều tra, chịu trách nhiệm là Ohara Naoshi. Mặc dù các viên chức tư pháp rất thận trọng nhưng Hiranuma vẫn lo ngại rằng hải quân có thể thu hẹp phạm vi và phản đối Bộ Tư Pháp. Ông tới gặp thủ tướng Yanamoto và bộ trưởng Bộ Hải Quân Saitò để chắc chắn về sự hợp tác của họ và hội ý với công tố viên hải quân Uchida Shigenari, người này hứa hẹn sẽ hợp tác toàn diện. Với sự hậu thuẫn đó, Hiranuma và Ohara tới căn cứ hải quân Kure để tìm kiếm các bằng chứng về sự liên quan của các thường dân. Cuộc khám xét dân sự tại một cơ sở quân sự là chưa từng có tiền lệ. Các công tố viên cũng đã khám xét các ngôi nhà của nhân viên của Mitsui và thu giữ một sổ kế toán bị sửa chữa sau khi vụ bê bối nổ ra. Trước các bằng chứng rõ ràng, nhân viên của Mitsui đã nhận tội. Một giám đốc của Mitsui, Yamamoto Jòtarò phản đối thái độ của văn phòng công tố viên. Do mục tiêu duy nhất của Mitsui là kiếm tiền, Yamamoto không thấy có gì sai trong việc nhận “hoa hồng.” [86] Vào ngày 18/7/1914, năm nhân viên của Mitsui bị kết án tù từ hai năm đến ba tháng; hai người được nhận án treo. Cả năm người kháng án và vào ngày 30/4/1915, một bản án bị bác bỏ, một bị cáo nộp phạt 45 yen và ba người còn lại nhận án treo. Đây là những bản án rất nhẹ. Giám đốc Yamamoto bị Mitsui cách chức. [87] Yoshida Shûkichi, thư ký của Siemens trong các giao dịch với hải quân, cũng bị truy tố nhưng không bị đưa ra tòa xét xử: người này bị ai đó bóp cổ chết trong nhà tù vào ngày 17/3/1914. Trong cuộc điều tra thường dân, các công tố viên đã nghe tin đồn về vụ hối lộ của cựu phó đô đốc Yamanouchi Masuji, người này trở thành lãnh đạo hàng đầu của công ty thép Muroran sau khi nghỉ hưu, do vậy họ đã thẩm vấn ông ta. Sau đó cựu phó đô đốc đã tự tử. Do Ohara coi ông ta là một cái xác sống nên không có truy tố. [89] Hiranuma Kiichirò, theo hồi ức của ông, cho biết kết quả của sự cố Mitsui mở ra một chính sách kế toán mới để ngăn chặn sự gia tăng của các quỹ đen. [90] Một học giả, thảo luận về các hoạt động chính trị của Mitsui vào những năm 1930, đã viết rằng công việc chính trị do bộ phận nghiên cứu đảm nhiệm. “Nghiên cứu” trên thực tế là các nỗ lực chính trị với viên chức dân sự, quân sự và chính khách. “Tài chính của bộ phận nghiên cứu được sử dụng tiền mặt để không để lại dấu vết.” [91] Mitsui không bao giờ quên việc Hiranuma thu giữ sổ kế toán của họ.

Khó có thể khẳng định chắc chắn về thái độ của công chúng đối với vụ bê bối hối lộ của hải quân, nhưng sự phản đối của các công dân tham gia chính trị cho thấy một phần của câu trả lời. Vào ngày 5/2/1914, các đảng chính trị đối lập tổ chức một cuộc tuần hành lên án nội các; 15.000 người đã tham gia. Vào ngày 10/2, khoảng 50.000 người đã tràn vào công viên Hibiya và tuần hành quanh tòa nhà Hạ Viện, tại đó họ đã đụng độ với 4.000 cảnh sát. Người biểu tình cũng vây quanh hai tòa nhà của các tờ báo thân chính phủ. [92] Cảnh sát báo cáo về các bài diễn văn ứng khẩu của người biểu tình như sau: Một thương nhân giận dữ nói, “Thủ tướng Yamamoto cũng nhận hoa hồng. Maiyû [một tờ báo] ủng hộ chính phủ, nên họ cũng nhận hoa hồng. Tôi là cựu chiến binh và tất cả chúng ta đều phải vùng dậy vì lợi ích quốc gia. Cảnh sát chỉ là chó săn của đám quan liêu.” [93] Một thợ may hét lên, “Lật đổ chính phủ Yamamoto! Yamamoto…là tên kẻ cắp lớn đã kiếm được hàng triệu nhờ vào “hoa hồng”. Lật đổ Yamamoto! Chúng ta cần phải chặt đầu Gonnohyòe.” [94] Bình luận về vụ bê bối này, một nhà sử học-nhà báo viết rằng mặc dù sự kỳ vọng về đạo đức thương mại của công chúng thấp nhưng hải quân lại được coi trọng, nên sự dễ mua chuộc của viên chức hải quân đã tạo ra một cú sốc lớn. [95] Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Hara Kei phản ứng trước những chỉ trích của công chúng đối với nội các bằng cách cấm các bài báo chỉ trích và đưa quân đội đến kiểm soát đám đông đang yêu cầu Yamamoto từ chức. [96]

Tetsuo Najita đã chỉ ra rằng mặc dù vụ bê bối hối lộ đã gây thiệt hại nặng nề cho nộ các Yamamoto nhưng nguyên nhân thực sự của sự sụp đổ thì phức tạp hơn là việc phát hiện ra các đô đốc tham nhũng. Seiyûkai ngăn chặn thành công một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Hạ Viện vào ngày 10/2, nhưng phái của Yamagata Aritomo ở Thượng Viện, muốn hạ bệ nội các Yamamoto và những người Seiyûkai ủng hộ ông ta, đã phủ quyết luật ngân sách của chính phủ. Nội các từ chức vào ngày 23/3/1914. [97]

Nội các Òkuma Shigenobu (4/1914 – 10/1916) được tạo dựng từ đống đổ nát của chính phủ của đô đốc Yamamoto. Yamagata Aritomo và các chính khách già khác chọn Òkuma do ông không xuất thân từ thái ấp cũ của Satsuma, vốn chống lại sự thống trị của Seiyûkai, được sự ủng hộ của dân chúng, lại chịu trách nhiệm về chương trình tổng thể của Yamagata và ủng hộ các lợi ích của Nhật Bản ở Trung Quốc. [98] Mặc dù Òkuma là đối thủ chính trị lâu dài của nội các do các chính khách xuất thân từ thái ấp cũ của Satsuma và Chòshû thống trị, nhưng ông cũng ghét Seiyûkai và sẵn sàng trở thành phương tiện của Yamagata để bóp nát đảng chính trị đáng khinh bỉ này. [99] Òkuma, nổi tiếng vì lên án tham nhũng của các đảng chính trị, được công chúng ca ngợi là người đứng đầu về sự trung thực của chính thể đại diện. [100]

Tại Hạ Viện thứ 35 (từ 12/1914), nội các trình bày ngân sách bao gồm việc bổ sung thêm hai sư đoàn mới và mở rộng hải quân. Do Seiyûkai chiếm đa số tại Hạ Viện nên chính phủ cố gắng chia rẽ phe đối lập. Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Òura Kanetake, nhân vật hàng đầu trong phe cánh của Yamagata và nắm quyền lực chính trị hùng mạnh trong tay, đã thông qua Hayashida Kametarò, thư ký trưởng của Hạ Viện, để hối lộ các hạ nghị sĩ. Hayashida chuyển 40.000 yen từ Òura cho Shirakawa Tomoichi và Masuda Jòzò, hai người này lại chuyển tiền cho bảy người khác. Ngoài số tiền đó, Òura còn trực tiếp đưa 10.000 yen cho Itakura Chû. Sử dụng số tiền này cũng với khoản bố sung từ Shirakawa và Masuda, Itakura đã hối lộ sáu đồng nghiệp. Bất chấp nỗ lực mua phiếu, hạ viện vẫn bác bỏ hai sư đoàn mới; Hạ Viện bị giải tán, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử. [101] 

Sau khi nhậm chức, Òkuma thông báo cho các quận trưởng rằng chính sách cơ bản của nội các là ngăn chặn các chiến dịch tranh cử bằng cách mua phiếu và các gian lận khác. Ngay trước cuộc bầu cử quốc gia ngày 25/3/1915, Òkuma kêu gọi một cuộc bầu cử công bằng. Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Òura cũng lên án tham nhũng chính trị và mua phiếu bầu. Tuy vậy, chính phủ can thiệp bầu cử theo nhiều cách bất hợp pháp, khiến nó trở thành cuộc bầu cử tham nhũng lớn thứ hai trong lịch sử quốc gia. [102] Òura, chịu trách nhiệm giám sát cuộc bầu cử do đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Nội Vụ hai tháng trước cuộc bầu cử, đã sử dụng tối đa lực lượng cảnh sát: tại một số nơi cảnh sát đến tận từng nhà để gây sức ép với cử tri. Giá cho một phiếu bầu là từ 3 đến 5 yen. [103] Tiền được chính phủ và đồng minh của họ phân phát hào phóng. Quỹ được cho là do các doanh nghiệp lớn và Bộ Ngân Khố Hoàng Gia cung cấp. Một ước lượng cho thấy trong hai ngày trước cuộc bầu cử, khoảng 1.600.000 yen đã được chi cho hối lộ. [104] Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ozaki Yukio đã ra lệnh cho chưởng lý bảo vệ danh dự của hệ thống tư pháp bằng cách trừng phạt nghiêm khắc việc mua phiếu bầu. Kết quả là 10.012 người bị bắt giam vì hối lộ. Một số nghi phạm được thả mà không bị xét xử. [105] Nhưng ngay cả khi nội các thắng lớn trong bầu cử, sự sốt sắng quá mức của Òura đã khiến cho Seiyûkai tức giận vì vấn đề cảnh sát. Nghị sĩ Murano Tsuneemon đã cáo buộc bộ trưởng Bộ Nội Vụ hối lộ và vi phạm Luật Bầu Cử: Seiyûkai thông qua được một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Công tố viên tại Tòa Án Quận Tokyo bắt đầu điều tra Òura vào ngày 25/5. Khi bê bối hối lộ được công khai, hai thành viên nội các đã yêu cầu Òura từ chức để tránh bị bắt giam. Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã trả lời rằng ông ta hành động để hỗ trợ lập pháp của nội các và không vì lợi ích cá nhân. Hơn nữa, ông ta nói, đưa hối lộ không bao giờ bị coi là bất hợp pháp. [106]

Công tố viên bắt giữ các hạ nghị sĩ Shirakawa và Itakura vì gian lận bầu cử vào cuối tháng 6. Vào tháng 7, có thêm nhiều hạ nghị sĩ bị bắt giam. Hayashida, Shirakawa, Itakura và 16 người khác (chỉ có một người không phải là hạ nghị sĩ) phải ra tòa tại Tòa Án Quận Takamatsu. Tất cả đều bị kết án vào ngày 5/6/1916. Hayashida, người đã từ chức ở Hạ Viện, bị phạt 150 yen. Itakura nhận án 6 tháng tù và Shirakawa là 4 tháng. Những người khác nhận án tù từ hai đến ba tháng. Mười một người được hoãn thi hành án ba năm. Tất cả đều được lệnh nộp lại tiền hối lộ cho nhà chức trách. [107]

Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ozaki, lo ngại về sự lan rộng của bê bối hối lộ, đã kêu gọi Chưởng Lý Hiranuma và thứ trưởng Bộ Tư Pháp Suzuki Kisaburò thảo luận về sự liên quan của bộ trưởng Bộ Nội Vụ Òura. Ozaki biết rằng dưới thời Minh Trị, viên chức chính quyền thường xuyên có liên quan đến tội hối lộ và vi phạm Luật Bầu Cử nhưng không có quan chức nào bị truy tố và thậm chí không chịu bất cứ hình phạt hành chính nào. Tuy vậy, Ozaki cảm thấy rằng cần phải làm điều gì đó trong trường hợp này, thế nên ông đã yêu cầu Hiranuam và Suzuki đề xuất một giải pháp. Suzuki, đồng cảm với Òkuma, dùng bữa với thủ tướng và báo cáo tình hình. Òkuma thể hiện sự ngạc nhiên. [108] Giải pháp Hiranuma-Suzuki cho vấn đề của Òura là đình chỉ truy tố (kiso yûyo) cùng với việc rút lui hoàn toàn khỏi đời sống chính trị. Ozaki trình bày đề xuất này với các thành viên nội các, họ không ngạc nhiên mà giận dữ: giải pháp kiểu này không bao giờ xuất hiện trong suy nghĩ của họ. Rõ ràng là tất cả đều cho rằng hành động của Òura chỉ là hoạt động chính trị bình thường. Chắc chắn, Òura tin rằng hành động của ông ta được biện minh bằng tình hình chính trị. Nội các đe dọa từ chức thay vì chấp nhận giải pháp Hiranuma-Suzuki, nhưng khi Ozaki lập luận rằng đây có thể là một sai lầm, họ đã chấp nhận giải pháp được đề xuất. Òura từ chức (28/7/1915), rút lui khỏi Thượng Viện và từ bỏ mọi hoạt động chính trị. Ông ta trao quyền đứng đầu gia đình cho con trai và sống tại Kamakura. [109]

Sau sự xáo trộn của vụ việc đó, Suzuki đã nói với báo chí: “Tôi tin rằng không bao giờ nên để các bộ trưởng của quốc gia ngồi tù. Không chỉ là sự mất thể diện quốc gia trước các nước khác mà xem xét từ quan điểm đạo đức quốc gia thì nó cũng có ảnh hưởng xấu đến người dân. Hơn nữa, Òura đã rời khỏi bộ máy, từ chức và rút khỏi lĩnh vực chính trị. Do vậy, ông ấy đã thể hiện sự sám hối. Có thể kết luận rằng ông ấy đã nhận được sự trừng phạt xã hội.” [110] Độc giả báo chí, vào lúc này đã quá quen thuộc với sự tham nhũng của chính khách và viên chức, coi giải pháp của Bộ Tư Pháp là quá khoan dung và yêu cầu toàn bộ nội các từ chức. [111]

Nội các Òkuma và những người ủng hộ đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào tháng 3 năm 1915, có thêm 62 ghế hạ viện. Vào tháng 7, thủ tướng đề nghị từ chức, nhưng Yamagata và những người khác không đồng ý. Cuối cùng, sau khi thấy chương trình mở rộng quân sự được thông qua ở Hạ Viện, ông ta đã từ chức vào ngày 8/10/1916. [112]

Về vụ bê bối hối lộ nhạy cảm này, người viết tiểu sử của Òkuma viết, “Khó có thể nói rằng Òkuma phải chịu trách nhiệm đạo đức vì những gì Òura đã làm ở Hạ Viện. Òkuma công nhận sự lơi lỏng của bản thân khi thừa nhận đã “giám sát không hoàn hảo”. Ông đã đưa ra đề nghị rút lui khỏi nội các một cách chiếu lệ và không được chấp thuận….Một số nhà báo đã thất vọng về Òkuma…người tuyên bố rằng bầu cử là thiêng liêng và là trụ cột của chính quyền đại nghị, đã không chú ý tới hành vi phi pháp trong nội các của mình.” [113] Một học giả khác cho rằng để thắng cuộc bầu cử “Òkuma đã làm ngơ trước hối lộ và mánh khóe kiện tụng.” [114] Nếu như thủ tướng chấp thuận bổ nhiệm Òura vào Bộ Nội Vụ để giám sát bầu cử và Òura đã quản lý cảnh sát lâu năm, Òkuma phải hiểu rằng điều đó sẽ dẫn đến sự can thiệp vào bầu cử. Ông ta dường như đã kỳ vọng rằng sự can thiệp đó sẽ được thực hiện theo cách “thông thường” và không phải theo quy mô lớn như Òura đã thực hiện. Dường như Seiyûkai cũng dõi theo sự can thiệp bất bình thường theo cách thông thường; họ không lường trước được là bộ trưởng Bộ Nội Vụ sẽ thay đổi luật chơi và “vượt quá giới hạn đúng đắn trong chính trị Nhật Bản.” [115] Về việc hối lộ chính khách Seiyûkai của Òura trước kỳ bầu cử, một học giả viết rằng mánh lới thông thường của nội các không có sự ủng hộ của đa số ở Hạ Viện là đưa tiền hối lộ cho thư ký trưởng của Hạ Viện, người này sẽ chuyển chúng cho các hạ nghị sĩ. Những người nhận tiền không cảm thấy rằng họ phạm tội. [116] Dĩ nhiên Òura không coi việc hối lộ các nghị sĩ của Seiyûkai để chia rẽ phe đối lập và giúp cho các đạo luật được thông qua là phạm tội. [117] Quan điểm của Yamagata Aritomo xuất hiện trong cuộc đối thoại với bộ trưởng Bộ Giáo Dục Ichiki Kitokurò: Điều đó không sai một chút nào bởi vì ông ấy làm vì lợi ích quốc gia.” [118] Nói với Hara Kei, Yamagata biện minh cho việc làm của Òura bằng cách thừa nhận là ông ta và Itò Hirobumi cũng đã làm điều tương tự. [119]

Murano Tsuneemon, người cáo buộc Òura về hối lộ tại Hạ Viện và gửi văn bản đến công tố Tokyo để tố cáo Òura về vi phạm luật bầu cử cũng như hối lộ, đã giải thích hành động của ông ta với các nhà báo (được đăng trên ấn bản ngày 5/6 của tờ Chûò Newspaper). Ông ta tuyên bố, những hành động đó được thực hiện để duy trì nguyên tắc bầu cử trong sạch và bảo vệ công lý. Việc hối lộ của Òura (cả nhận cũng như đưa hối lộ) đặc biệt kinh tởm do cảnh sát của ông ta đã bắt giữ hàng ngàn người vì những vi phạm nhỏ đối với luật bầu cử. Murano viết, tồi tệ hơn thế, một số người đã phải ngồi tù. Murano, tuyên bố rằng không có ác cảm cá nhân với Òura, đã cho biết rằng ông đã rút lui khỏi ban lãnh đạo của Seiyûkai trước khi tiến hành các biện pháp pháp lý. Hơn nữa, ông còn có các luật sư Imamura Rikisaburò và Shiotani Kotarò, những người này không có mối liên hệ với các đảng chính trị, làm đại diện để chuẩn bị các văn bản pháp lý nộp cho công tố viên. [120]

Một số quan điểm của bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ozaki về sự cố Òura được trình bày trong một cuốn tiểu sử. Khi lần đầu tiên ông được nghe về cuộc điều tra hối lộ, ông đã bị sốc, ngay cả khi ông đã dày dạn trong chính trường thì ông cũng biết rằng các viên chức có nguồn gốc từ hanbatsu đều tin rằng vi phạm luật pháp để phục vụ cho các mục tiêu chính trị là chấp nhận được. Hành động của Òura đã phá vỡ hoàn toàn luật lệ và do đó cần phải bị trừng phạt. Ít nhất một người bạn cũng cho Ozaki biết rằng việc các thành viên nội các mua phiếu bầu là một truyền thống lâu đời. Bị giày vò giữa mong muốn giúp đỡ đồng nghiệp và yêu cầu phải trừng phạt, Ozaki đã thảo luận vấn đề với Hiranuma. Ozaki khẳng định rằng trong cuộc gặp đó quyết định không bắt giữ Òura nếu ông ta rút lui khỏi chính trị đã được đưa ra. [121] 

Viết về vụ án này, Hiranuma cho biết rằng nội các Òkuma có một số người chịu ảnh hưởng của Yamagata Aritomo. Khi vụ việc được công khai và cáo buộc hối lộ của Òura là không thể bỏ qua được cũng như khi cuộc điều tra cho thấy có thêm nhiều bằng chứng chống lại Òura. Việc Òura hăm dọa Hiranuma trong quá trình điều tra đã khiến viên chưởng lý này càng muốn loại bỏ Òura khỏi chính trị. Rõ ràng là hoạt động của Òura trong nhiều năm đã khiến Hiranuma tức giận. Ví dụ, ông nhớ lại rằng khi Òura còn lãnh đạo Ủy Ban Cảnh Sát Đô Thành, ông ta đã tùy ý sử dụng lực lượng cảnh sát để chống lại các chính khách cũng như các đối thủ chính trị khác; các tài liệu mà cảnh sát thu giữ được dùng để tống tiền nếu tình hình cho phép. Nói chung, Hiranuma cho rằng người đàn ông có đạo đức chính trị (seiji dòtoku) tồi tệ này cần phải bị loại khỏi chính trường. [122]

Quan điểm của Hitotsumatsu Sadayoshi được thể hiện trong một bài phỏng vấn thời hậu chiến. Hitotsumatsu, vốn là công tố viên của Tòa Án Quận Osaka, khám phá ra bằng chứng về sự liên quan của Òura trong việc hối lộ các chính khách ở Takamatsu, nơi mà Hitotsumatsu được cử đến để điều tra về các vi phạm trong bầu cử. Khi quay trở lại Osaka, ông nói với chưởng lý Kobayashi Yoshirò rằng Òura phải bị truy tố. Ở Tokyo, Kobayashi thảo luận về vụ án với Hiranuma Kiichirò và bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ozaki, họ đồng ý truy tố. Tuy vậy, thủ tướng Ofkuma cho rằng việc truy tố sẽ khiến nội các sụp đổ. Quay trở lại Osaka, chưởng lý giải thích tình hình với Hitotsumatsu, đang chờ để bắt đầu việc truy tố và sau đó từ chức. Những ngày tiếp theo, Hitotsumatsu thông báo rằng ông sẽ không truy tố với hai điều kiện: Òura từ chức và rút lui khỏi chính trị và các công tố viên đang tham gia phiên tòa xét xử vụ án hối lộ tại Tòa Án Quận Takamatsu sẽ được phép đưa cáo trạng Òura phạm tội hối lộ vào phần kết luận. Các nhà chức trách ở Tokyo đồng ý với kế hoạch này. [123] 

Quan điểm của Izawa Takio, vào lúc đó là lãnh đạo của Ủy Ban Cảnh Sát Đô Thành, xuất hiện trong tiểu sử thời hậu chiến. Òura bị Yamagat thúc ép phải hối lộ các chính khách do Yamagata mong muốn đạo luật mở rộng quân đội được thông qua ở Hạ Viện. Izawa cho biết, để làm điều này, Òura đã đi theo lối thông thường: việc hối lộ các hạ nghị sĩ là bình thường. Khi tình hình trở nên nghiêm trọng, Izawa đã nói với bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ozaki, hỏi xem có cách nào để giải quyết vấn đề. Ông cũng cho biết rằng hối lộ là phổ biến, minh họa điều này bằng cách viết rằng Hara Kei (vào lúc đó là lãnh đạo của Seiyûkai) đã đưa hối lộ cho ai đó ở Quận Gifu (người của Izawa đã tìm thấy một lá thư chứng minh điều này khi họ thu giữ các tài liệu tại một ngôi nhà trong cuộc điều tra không liên quan đến Hara). Izawa cho biết những chuyện kiểu này không quan trọng. Ozaki đã trả lời rằng tội lỗi cần phải bị trừng phạt và các công tố viên chống lại việc bỏ qua vụ án. Izawa cho rằng việc thuyên chuyển công tố viên có thể giải quyết được vấn đề. Izawa cũng nói với Òkuma, đề xuất rằng Ozaki có thể bị buộc phải từ chức và thứ trưởng Bộ Tư Pháp Suzuki Kisaburò cần phải được thay thế bằng người khác. Cuối cùng, Izawa viết rằng việc Òura thoát khỏi vụ bê bối này cho thấy rằng ông ta đã không làm gì sai. [124]

Hayashida Kametarò, thư ký và sau này là thư ký trưởng tại Hạ Viện từ năm 1890, là một trong những người bị truy tố và kết án tại Tòa Án Quận Takamatsu. Trong cuốn Lịch Sử Chính Trị Đảng Phái Nhật Bản xuất bản năm 1927, ông viết rằng Seiyûkai đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền khéo léo chống lại Òura và nội các. Báo chí đã thổi bùng vụ bê bối, biến việc nhỏ thành việc lớn. Hệ quả là vụ án trở thành nghiêm trọng trong mắt của công chúng. [125]

Một trong những sự tiến triển đáng chú ý nhất trong vụ bê bối này là sự thỏa hiệp giữa viên chức tư pháp và nội các: Òura sẽ không bị truy tố và phải nghỉ hưu. Các học giả thảo luận về thỏa hiệp này thường xuyên cho rằng nó được Hiranuma và Suzuki tạo ra; một số người gán cho Ozaki. [126] Trên thực tế, có lẽ giải pháp kỳ lạ này do công tố viên Hitotsumatsu Sadayoshi nghĩ ra sau một đêm cân nhắc về việc xử lý vụ án. Một sự hiểu nhầm khác cũng sinh ra từ vụ án này: nhiều người cho rằng Hiranuma và Suzuki có quan hệ với Seiyûkai. [127] Dĩ nhiên, người dân đã rỉ tai nhau về chuyện này kể từ khi kết thúc vụ án Siemens vào năm 1914, khi Hiranuma cố gắng bảo vệ liên minh Satsuma-Seiyûkai trong nội các Yamamoto. [128] Trên thực tế, phe Hiranuma-Suzuki nên được coi là lực lượng chính trị không phe phái, sẵn sàng thỏa hiệp để có thêm quyền lực chính trị. Cuối cùng, việc Òura rút lui khỏi chính trị cũng không hoàn toàn giống như dự tính. Thực sự là ông ta không bao giờ giữ chức vụ công nữa và sau khi nghỉ hưu ở Kamakura ông ta đã trao quyền đứng đầu gia đinh cho con trai. [129] Tuy vậy, ông ta vẫn là tay chơi trên bàn cờ chính trị. Ví dụ, trong vai trò người môi giới quyền lực tranh luận về vấn đề thủ tướng mới vào năm 1918, ý kiến có giá trị của Òura đã được chấp nhận. Theo Matsumoto Gòkichi, đôi khi làm người đưa tin cho những chính khách già và những người môi giới quyền lực khác, vào ngày 8 tháng 8 ông đã hỏi Yamagata Aritomo rằng Hara Kei có được chấp nhận không. Vào ngày 11 tháng 9, Matsumoto đến gặp Hara và nói với ông ta về cuộc thảo luận với Yamagata. Sau đó Matsumoto nhìn thấy Òura, người ủng hộ ý tưởng về nội các Hara. Khi cuộc gặp tiếp theo với Yamagata diễn ra vào ngày 17 tháng 9, Matsumoto cũng giải thích quan điểm của Òura về việc bổ nhiệm. Theo Matsumoto, quan điểm của Òura có ảnh hưởng lớn đến quyết định đề của Hara làm thủ tướng của Yamagata. [130]

Kết quả của các vụ bê bối hối lộ năm 1914 và 1915 là chưa từng có tiền lệ: nội các Yamamoto sụp đổ, thủ tướng Yamamoto và bộ trưởng Bộ Hải Quân nghỉ hưu non, Yamamoto của hãng Mitsui mất quyền giám đốc, các đô đốc bị kết án, bộ trưởng Bộ Nội Vụ Òura bị buộc phải rút lui khỏi chính trị và hình ảnh của Òkuma bị hoen ố. Hơn nữa, các vụ án này rõ ràng cho thấy việc bất chấp luật pháp của các viên chức chính quyền, quân đội, chính khách và doanh nhân: đó là một ví dụ đáng tiếc cho những người nghĩ rằng Nhật Bản là một quốc gia pháp trị. Những người quan trọng vướng vào những vụ bê bối dường như ngạc nhiên khi bị kết án, họ tin rằng đã dùng tiền cho mục đích cao cả. Đô đốc Matsumoto biện minh cho sự tham lam và vi phạm pháp luật bằng cách nói rằng ông ta làm điều đó vì hải quân; sự biện minh của Òura là nhu cầu phải thúc đẩy luật quốc phòng được thông qua ở Hạ Viện; thậm chí Yamamoto của hãng Mitsui – thẳng thừng nói rằng ông ta làm điều đó để kiếm tiền – cũng nói thêm rằng tiền là để cho công ty. Các hình phạt đối với hạ nghị sĩ và nhân viên của hãng Mitsui là rất nhẹ, nhưng các đô đốc phải nhận các bản án nghiêm khắc (án tối đa theo điều 197 của Luật Hình Sự là ba năm tù). Hình phạt đối với Òura vừa nhẹ lại vừa nặng, phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người.

Sự nghiệp của một số người mặc dù bị tổn hại nhưng thoát khỏi những vụ bê bối cũng được thể hiện qua một số ví dụ. Đô đốc Yamamoto thành lập nội các mới vào năm 1923 và Saitò Makoto, cựu bộ trưởng Bộ Hải Quân, trở thành thống đốc của Triều Tiên vào năm 1919 và thủ tướng vào năm 1932. Yamamoto Jòtarò trở nên giàu có nhờ sự bùng nổ kinh tế của Thế Chiến I và được bầu vào Hạ Viện năm 1920. Vài năm sau, ông ta được bổ nhiệm làm chủ tịch công ty Đường Sắt Nam Mãn Châu Lý. Hayashida Kametarò, cựu thư ký trưởng của Hạ Viện, tái cử Hạ Viện vào năm 1920. Trong số những con cá lớn thì chỉ có Òura không quay trở lại nhưng điều đó xảy ra không phải bởi vì ông ta bị mất uy tín vì vụ bê bối mà bởi vì không có đủ thời gian cho sự khôi phục chính trị: ông ta chết vào năm 1918.

Những vụ án hối lộ đầu thế kỷ 20 đã đưa Bộ Tư Pháp, nhất là công tố, tới một vị trí có ảnh hưởng chính trị. Kể từ vụ hối lộ của công ty đường, công tố đã mở rộng quyền lực điều tra của họ và vào thời điểm vụ án của Òura kết thúc họ đã cho thấy sự quan trọng của việc đình chỉ truy tố. [131] Quyền lực tùy ý rộng lớn của công tố có thể đình chỉ bất cứ vụ án nào dựa trên lý do thiếu bằng chứng, không thích hợp hoặc không được ưa thích, đã trở thành vũ khí chính trị sắc bén trong tay của phe Hiranuma, họ có thể truy tố hay không truy tố bất kỳ ai mà họ muốn. [132] Tuy vậy, cũng không nên cho rằng Hiranuma cũng giống như các viên chức yếm thế khác, che dấu khát vọng chính trị dưới bộ mặt đạo đức ngay thẳng; Hiranuma tin vào những điều ông nói về đạo đức công vụ. Trong suốt sự nghiệp lâu năm của mình, ông luôn bảo vệ các giá trị đạo đức truyền thống và bài trừ tham nhũng trong xã hội. Bình luận về Òura, Hiranuma viết rằng bộ trưởng Bộ Nội Vụ không hối lộ vì mục đích cá nhân; tuy vậy sự nghiệp chính trị của ông ta đã bị tha hóa, với nhiều hành vi phi pháp và vô đạo đức. Do đó, ông ta cần phải bị bãi chức. [133]

Các vụ bê bối hối lộ chính trị như những vụ vào năm 1914 và 1915 đã khuyến khích những người theo phái tự do tranh luận về các vấn đề xã hội, trong đó có vấn đề tham nhũng của chính quyền. Nổi bật trong số những người đấu tranh cho đạo đức trong chính trị là giáo sư Yoshino Sakuzò, đại học Hoàng Gia Tokyo, người có cuốn sách “Về Ý Nghĩa Của Chính Phủ Lập Hiến và Phương Pháp Làm Cho Nó Hoàn Hảo” được xuất bản ở Chûò kòron vào tháng 1 năm 1916. [134] Ông viết, để chấm dứt tham nhũng chính trị, cử tri cần phải được dạy dỗ về “đạo đức bầu cử”. Mỗi cử tri đều phải hiểu rằng lá phiếu của anh ta “có tác động lớn lao đến vận mệnh của quốc gia. Nó quá thiêng liêng để bị làm vấy bẩn bởi hối lộ hay sự hăm dọa….Khi các nhà lập pháp thao túng người dân, nạn tham nhũng và sự điều hành tồi sẽ nở rộ….Do đó, việc áp dụng các hình phạt nghiêm khắc cho hành vi tham nhũng là đặc biệt quan trọng....Theo khía cạnh này, một luật bầu cử cực kỳ chặt chẽ đã được áp dụng ở Nhật Bản; Điều duy nhất đáng tiếc là nó không được thực thi một cách đủ nghiêm túc…” Hơn nữa, ông viết, khi bầu cử bị giới hạn, “hành vi tham nhũng sẽ được thực hiện trắng trợn. Khi bầu cử được mở rộng phạm vi tối đa, có thể hoàn toàn không còn việc hối lộ và các vi phạm khác.” Mặt khác, ông cũng cho rằng cần phải cải thiện nhận thức đạo đức của chính khách. “Chúng ta không chỉ dùng luật pháp để trừng phạt nghiêm khắc các chính khách làm vấy bẩn công vụ; chúng ta cũng phải dùng sức mạnh của dư luận quần chúng để khiến họ bị lãng quên về chính trị.” Sau khi viết rằng phục vụ trong chính quyền là một nghề nghiệp cao cả, ông viết rằng ở các nước phương Tây…những người bị hoài nghi về tính cách sẽ không bao giờ được chấp nhận làm chính khách….Hành vi tham nhũng thường xuyên của chính khách dường như là đặc trưng của Nhật Bản.” [135] Nói chung, những người theo phái tự do lên án việc mua phiếu bầu và các dạng hối lộ chính trị khác là tàn tích “phong kiến” và họ khẳng định rằng “sự trung thành mù quáng đã liên kết các lãnh chúa phong kiến với kẻ hầu cận vẫn tiếp tục đầu độc các quan hệ cá nhân trong xã hội, mà tham nhũng là kết quả. Việc mua phiếu bầu và các vi phạm khác xảy ra…bởi vì tàn dư của nhiều thế kỷ phong kiến, sự cai trị chuyên chế vẫn tiếp tục đè nặng lên tâm trí của người dân Nhật Bản, khiến họ không thể hiểu được những nguyên lý căn bản của đạo đức chính trị.” [136]

Một số câu hỏi được đặt ra sau khi xem xét 25 năm của chính quyền đại nghị: Hối lộ chính trị phổ biến thế nào? Cái gì gây ra? Nó tác động thế nào đến sự phát triển chính trị? Về câu hỏi đầu tiên, vụ bê bối Nittò và Òura trong chương này đã cho thấy rằng hối lộ để mua phiếu bầu là phổ biến. Việc các viên chức dân sự và quân sự không miễn nhiễm với hối lộ đã cho được thể hiện trong các vụ bê bối sách giáo khoa và Siemens. Điều rõ ràng trong những vụ án hối lộ này: chúng được ghi lại chi tiết trong hồ sơ của tòa án. Bằng chứng bổ sung của Hayashida Kametarò, Hara Kei, Òkuma Shigenobu, Toyabe Shuntei, Izawa Takio, và Yamagata Aritomo cũng được trình bày trong chương này. Ngoại trừ nhà phê phán xã hội Toyabe, những người khác đều ở bên trong trò chơi chính trị, thế nên quan điểm của họ là kiến thức trực tiếp về hối lộ chính trị. Bằng chứng thuyết phục cho thấy: hối lộ chính trị là việc phổ biến. Kết luận này cần được cân nhắc khi chính trị trong thời kỳ này được coi là một quá trình hòa hợp giữa nhóm đầu sỏ và các thành viên đảng phái. Như đã viết trước đó, George Akita đã đúng; tuy vậy, hối lộ chính trị đóng vài trò quan trọng trong việc bôi trơn con đường cho nhiều sự hòa hợp. Các chính khách dễ mắc vào hối lộ vì nhiều lý do phức tạp, nhưng lý do căn bản trong hầu hết các tình huống là nhu cầu về tiền bạc để theo đuổi sự nghiệp chính trị. Như đã được chỉ ra ở đầu chương, chi phí đã tăng vọt khi quy mô cử tri được mở rộng. Hơn nữa, các ứng cử viên bị buộc phải phụ thuộc vào các ông trùm địa phương để gom phiếu bầu, từ năm 1908, nhu cầu về tiền bạc đã đẩy các chính khách vào vòng tay của doanh nhân. Hai trăm yen là lương cơ bản của hạ nghị sĩ vào năm 1890; số tiền này đã được tăng lên 2.000 yen. Một học giả Nhật Bản xuất bản sách vào năm 1910 viết rằng [m]ột cuộc bầu cử ở Nhật Bản thường khiến một ứng cử viên tiêu tốn khoảng 3.000 yen. Đây là một gánh nặng tài chính lớn, nếu chúng ta xem xét tới nguồn lực của hầu hết các ứng cử viên hạ viện. Trên thực tế, một số người phải bán nhà cửa để gom đủ tiền tham gia tranh cử….Phần tồi tệ nhất của sự đánh đổi là thời gian không xác định của nhiệm kỳ hạ viện, [bởi vì]…Hạ Viện có thể bị giải tán theo sắc lệnh của các chính khách đang nắm quyền hành pháp.” [137] Bên cạnh nhu cầu tài chính của các chính khách tranh cử thì cũng có một lý do rõ ràng khác cho hối lộ chính trị: nhu cầu của nhóm đầu sỏ thống trị nội các về việc thông qua các đạo luật ở hạ viện. Yamagata Aritomo thừa nhận rằng cả ông ta và Itò Hirobumi đều sử dụng hối lộ cho mục đích cấp thiết đó. Tóm lại, tình hình tạo ra một quan hệ đặc trưng: nhu cầu tài chính của các chính khách khớp với nhu cầu của chính phủ về phiếu thuận. Kết quả là kịch bản về hối lộ chính trị đã phổ biến trong 25 năm đầu tiên của hạ viện. Tác động của hối lộ đối với sự phát triển của chính trị là một vấn đề khó có đánh giá, nhưng một số kết quả là rõ ràng. Việc các vụ tham nhũng liên tục xảy ra đã khiến danh tiếng của các chính khách dân cử bị tổn thương. Một nhà báo, thảo luận về vụ bê bối Nittò, đã viết, “Sự cố này đã lặng lẽ gây ra một cú sốc nặng nề trong sự kính trọng của công chúng đối với hạ viện cũng như sự tin cậy của công chúng đối với sự chính trực của doanh nghiệp Nhật Bản….[U]y tín của hạ nghị sĩ đã bị vấy bẩn hoàn toàn và điều này tạo ra sự gia tăng uy tín cho những chính khách bảo thủ, vốn phản đối nội các đảng phái, và tăng uy tín cho thượng viện, họ được coi như những người lính gác không thể bị mua chuộc của lợi ích quốc gia [bỏ in nghiêng].” [138] Như đã thấy ở các vụ bê bối sau này, báo chí tấn công những người tạo ra tham nhũng, nhưng do nhiều tờ báo chủ yếu nhằm vào sự gia tăng số lượng phát hành nên chúng không phải là thước đo tốt về dư luận quần chúng. Chúng ta chỉ có thể đoán rằng việc chính khách và viên chức liên quan đến hối lộ đã khiến công chúng giảm sự kính trọng đối với họ. Chúng ta có thể chắc chắn về một điều: những vụ án tham nhũng đã kích thích sự phát triển quyền lực chính trị của Bộ Tư Pháp, đặc biệt là phe công tố.

Chú thích:

1. Paul Heng-chao Ch’en, The Formation of the Early Meiji Legal Order: The Japanese Code of 1871 and Its Chinese Foundation, 11–16, 95, 159–164.
2. Wagatsuma Sakae, ed., Kyû hòrei shû, 431, 439–440.
3. Sterling Tatsuji Takeuchi, “The Japanese Civil Service,” 515, 517–518.
4. Ibid., 549.
5. Ibid., 549, 551.
6. Thomas R. H. Havens, Nishi Amane and Modern Japanese Thought, 160.
7. William R. Braisted, trans., Meiroku Zasshi: Journal of the Japanese Enlightenment,198.
8. Quoted in ibid.
9. Carol Gluck, Japan’s Modern Myths: Ideology in the Late Meiji Period, 49–60; Ryûsaku Tsunoda et al., Sources of Japanese Tradition, 2:202.
10. Quoted in ibid., 206.
11. Arthur E. Tiedemann, “Big Business and Politics in Prewar Japan,” 268.
12. Morikawa Hidemasa, Zaibatsu: The Rise and Fall of Family Enterprise Groups in Japan, 20.
13. Ibid., 5, 20; Robert A. Scalapino, Democracy and the Party Movement in Prewar Japan: The Failure of the First Attempt, 200 n. 29.
14. Byron K. Marshall, Capitalism and Nationalism in Prewar Japan: The Ideology of the Business Elite, 1868–1941, 29.
15. Andrew Fraser, “The Expulsion of Okuma from the Government in 1881,” 227.
16. William D. Wray, Mitsubishi and the N.Y.K., 1870–1914: Business Strategy in the Japanese Shipping Industry, 197, 473–474.
17. Quoted in Walter W. McLaren, ed., “Government Documents, First Half of the Meiji Era,” 185–186.
18. Wagatsuma, Kyû hòrei shû, 438.
19. R. H. P. Mason, Japan’s First General Election: 1890, 219.
20. Gluck, Modern Myths, 66.
21. Mason, General Election, 167–169.
22. Ibid., 169.
23. Ibid., 170–173.
24. Banno Junji, The Establishment of the Japanese Constitutional System, 20–21.
25. Scalapino, Democracy, 154–155; Banno, Constitutional System, xii–xiii,
200–201; George Akita, Foundations of Constitutional Government in Modern Japan, 1868–1900, 76–77.
26. George Akita, “The Meiji Constitution in Practice: The First Diet,” 31.
27. Ibid., 32, 36–37, 45–46.
28. R. H. P. Mason, “Changing Diet Attitudes to the Peace Preservation Ordinance, 1890–2,” 113.
29. Banno, Constitutional System, xii.
30. Tsunoda, Japanese Tradition, 2:195.
31. Scalapino, Democracy, 157 n. 23. Notes to Pages 15–22 165
32. Akita, “Meiji Constitution in Practice,” 36.
33. Ibid., 36 n. 26.
34. Daniel B. Ramsdell, The Japanese Diet: Stability and Change in the Japanese House of Representatives, 1890–1990. For the bribery incident, see Hayashida Kametarò, Nihon seitò shi 1:311–312.
35. Akita, Foundations, 98, 104–105; Scalapino, Democracy, 160; Richard H. Mitchell, Censorship in Imperial Japan, 114–118; Andrew Fraser, “The House of Peers (1890–1905): Structure, Groups, and Role,” 23–24.
36. Scalapino, Democracy, 176–177, 177 n. 80.
37. Oka Yoshitake, Yamagata Aritomo, 75–77; Nezu Masashi, Nihon gendaishi 1:40; David A. Titus, Palace and Politics in Prewar Japan, 128.
38. Quoted in Scalapino, Democracy, 178.
39. Oka Yoshitake, Yamagata Aritomo, 77–78.
40. Hayashida Kametarò, Nihon seitò shi 2:2–3; Scalapino, Democracy, 178; Akita, Foundations, 147.
41. Scalapino, Democracy, 179.
42. Hayashida, Nihon seitò shi, 2:3.
43. Ibid., 3–4.
44. Akita, Foundations, 158.
45. Scalapino, Democracy, 181; Fraser, “House of Peers,” 29.
46. George Akita, “The Other Ito: A Political Failure,” 353, 355; Tiedemann, “Big Business,” 274–275.
47. Scalapino, Democracy, 167, 264; Wray, 595 n. 6.
48. Scalapino, Democracy, 264–265; Morikawa Tetsurò, Nihon gigoku shi, 113.
49. Yamamoto Taketoshi, Shinbun kisha no tanjò: Nihon no medeia o tsukutta hitobito, 254.
50. Mikiso Hane, Modern Japan: A Historical Survey, 169; Akita, Foundations, 257.
51. Morikawa Tetsurò, Nihon gigoku shi, 128–129, 135; Miyachi Tadashi, “Kyòkasho gigoku jiken: Kyòkasho kokutei e no katei to shite,” 351, 357–358, 362; Chitoshi Yanaga, Japan since Perry, 272.
52. Herbert Passin, Society and Education in Japan, 233–236; Miyachi Tadashi, “Kyòkasho gigoku jiken,” 372.
53. Robert M. Spaulding, Jr., Imperial Japan’s Higher Civil Service Examinations, 86, 294–296.
54. Richard Yasko, “Hiranuma Kiichirò and Conservative Politics in Prewar Japan,” 34.
55. Scalapino, Democracy, 258–260; Morikawa, Zaibatsu, 21, 36; Yokoyama Taiji, Gendai no oshoku, 58–60.
56. Scalapino, Democracy, 265.
57. Walter W. McLaren, A Political History of Japan during the Meiji Era, 1867–1912, 367. For early Meiji political corruption scandals touching Yamagata, Inoue Kaoru, and other important political leaders, see Donald Calman, The Nature and Origins of Japanese Imperialism, 256–267.
58. Oka Yoshitake, Five Political Leaders of Modern Japan, 69–70.
59. Nezu Masashi, Nihon gendai shi, 37–38; Murobushi Tetsurò, Jitsuroku Nihon oshoku shi, 32.
166 Notes to Pages 22–30
60. Nezu Masashi, Nihon gendai shi, 41.
61. Akita, “The Other Ito,” 351–352.
62. Oka, Five Political Leaders, 33, 35.
63. Amemiya Shòichi, “Nittò jiken: Oshoku jiken to kensatsuken no kakudai,” 486–487, 494, 502.
64. Ibid., 489–490.
65. Ibid., 490–492.
66. Ibid., 496; Nomura Masao, ed., Hòsò fûunroku: Anohito konohito hòmonki 1:69; Richard Yasko, “Bribery Cases and the Rise of the Justice Ministry in Late Meiji–Early Taisho Japan,” 62–63.
67. Hiranuma Kiichirò kaikoroku hensan iinkai, Hiranuma Kiichirò kaikoroku, 54.
68. Amemiya Shòichi, “Nittò jiken,” 486, 497, 499–500, 502, 505, 512.
69. Hiranuma, Hiranuma Kiichirò kaikoroku, 55.
70. Nomura Hòsò fûunroku, , 68–69.
71. Yasko, “Bribery Cases,” 64.
72. Hiranuma, Hiranuma Kiichirò kaikoroku, 26, 30, 34, 39–40; Yasko, “Hiranuma Kiichirò,” 29–32, 35–36.
73. Mc Laren, Political History, 369.
74. William J. Sebald, trans., The Criminal Code of Japan, 142–148.
75. Richardson and Flanagan, Politics in Japan, 22–23.
76. Mason, First General Election, 30–31; Tetsuo Najita, Hara Kei in the Politics of Compromise, 1905–1915, 59; Edward G. Griffin, “The Universal Suffrage Issue in Japanese Politics, 1918–1925,” 275.
77. Peter Duus, Party Rivalry and Political Change in Taishò Japan, 19–20.
78. Hirata Naratarò, Senkyo hanzai no kenkyû: Toku ni baishû hanzai ni tsuite, 352.
79. Duus, Party Rivalry, 21.
80. R. L. Sims, A Political History of Modern Japan, 1868–1952, 97–98; Oka, Five Political Leaders of Modern Japan, 91; Janet E. Hunter, comp., Concise Dictionary of Modern Japanese History, 55.
81. Najita, Hara Kei, 15, 61, 77–78.
82. Akita, “The Other Ito,” 354.
83. Ibid., 353–354; Najita, Hara Kei, 21; Oka, Five Political Leaders, 106–108.
84. Scalapino, Democracy, 204; Najita, Hara Kei, 188–189; Òshima Tarò, “Shîmensu-Bikkâsu jiken: Tokaku gen’in to natta gunkaku ni yoru kaigun gigoku,” 56–57; Kòdansha, Illustrated Encyclopedia, 1:1428.
85. Òshima Tarò, “Shîmensu-Bikkâsu jiken,” 56, 59–63; Ohara Naoshi kaikoroku hensankai, Ohara Naoshi kaikoroku, 49; Norman S. Hastings, “The Seiyûkai and Party Government in Japan, 1924–1932,” 76 n. 53; Aritake Shûji, Showa no saishò, 147.
86. Ohara, Ohara Naoshi kaikoroku, 52, 60–61; Hiranuma, Hiranuma Kiichirò kaikoroku, 82–84.
87. Hastings, “Party Government,” 47.
88. Ohara, Ohara Naoshi kaikoroku, 52, 60–61; Hiranuma, Hiranuma Kiichirò kaikoroku, 82–84; Òshima Tarò, “Shîmensu-Bikkâsu jiken,” 58, 65. Notes to Pages 30–36 167
89. Ohara, Ohara Naoshi kaikoroku, 69.
90. Hiranuma, Hiranuma Kiichirò kaikoroku, 82.
91. Quoted in Eleanor M. Hadley, Antitrust in Japan, 42.
92. Òshima Tarò, “Shîmensu-Bikkâsu jiken,” 58.
93. Quoted in Andrew Gordon, Labor and Imperial Democracy in Prewar Japan, 40.
94. Quoted in ibid., 56.
95. A. Morgan Young, Japan in Recent Times, 1912–1926, 48.
96. Michael Lewis, Rioters and Citizens: Mass Protest in Imperial Japan, 5.
97. Najita, Hara Kei, 189–190.
98. Joyce C. Lebra, Òkuma Shigenobu: Statesman of Meiji Japan, 116.
99. Najita, Hara Kei, 191–194.
100. Scalapino, Democracy, 205.
101. Tamiya Hiroshi, “Òura jiken: Seifu no kòkan to kiso yûyo,” 107–109.
102. J. Lebra, Òkuma Shigenobu, 118, 124; Scalapino, Democracy, 206–207. On January 23, Òura ordered Home Ministry personnel to carry out the election in a proper manner based on the law. Taikakai, ed., Naimushò shi 4: 382.
103. Tamiya, “Òura jiken,” 109.
104. Duus, Party Rivalry, 90; Najita, Hara Kei, 200.
105. Hirata, Senkyo hanzai no kenkyû, 351.
106. Tamiya, “Òura jiken,” 110; J. Lebra, Òkuma Shigenobu, 124–125.
107. Tamiya, “Òura jiken,” 110, 114, 126, 133.
108. Ibid., 111; Suzuki Kisaburò sensei denki hensankai, Suzuki Kisaburò, 77–78.
109. Ibid., 77, 79; Tamiya, “Òura jiken,” 110–112.
110. Quoted in Suzuki Kisaburò, 79.
111. Tamiya, “Òura jiken,” 112.
112. J. Lebra, Òkuma Shigenobu, 124, 128; Scalapino, Democracy, 207.
113. J. Lebra, Òkuma Shigenobu, 125.
114. Najita, Hara Kei, 200.
115. J. Lebra, Òkuma Shigenobu, 124.
116. Imai Seiichi, Nihon no rekishi, 23, 75.
117. Suzuki Kisaburò, 77.
118. Quoted in Imai Seiichi, Nihon no rekishi, 76.
119. Nezu, Nihon gendai shi, 209.
120. Murano Ren’ichi and Irokawa Daikichi, Murano Tsuneemon den: Seiyûkai jidai 2:83–86.
121. Ozaki Yukio, Gakudò jiden, 306–308.
122. Hiranuma, Hiranuma Kiichirò kaikoroku, 230–231.
123. Nomura, Hòsò fûunroku, 112–113.
124. Izawa Takio denki hensan iinkai, Izawa Takio, 115–117.
125. Hayashida, Nihon seitò shi, 2: 237.
126. Suzuki Kisaburò, 79; Isa Hideo, Ozaki Yukio, 198.
127. Aritake Shûji, Showa no saishò, 147.
128. Yasko, “Bribery Cases,” 67 no. 37.
129. Suzuki Kisaburò, 79.
168 Notes to Pages 36–45
130. Kinbara Samon, Taishoki no seitò to kokumin, 75–77.
131. Tamiya, “Òura jiken,” 125.
132. Yasko, “Bribery Cases,” 61–62.
133. Hiranuma, Hiranuma Kiichirò kaikoroku, 231.
134. See Tsunoda, Japanese Tradition 2:217–218.
135. Ibid., 232, 235.
136. John D. Vandenbrink, “State and Industrial Society in Modern Japan: The Liberal Critique, 1916–1926,” 81–82.
137. George E. Uyehara, The Political Development of Japan, 1867–1909, 273.
138. Quoted in ibid., 258.

1 comment:

  1. Hẳn là sự hiểu biêt của tác giả là không có điểm dừng. tác giả dùng nhiều hơn tâm huyết của mình để viết ra được một bài phân tích hay

    ReplyDelete