Tuesday, January 19, 2016

Hối lộ chính trị ở Nhật Bản - Thời Kỳ Chính Quyền Đảng Phái

Các chương đã được dịch của cuốn sách:




3. Thời Kỳ Chính Quyền Đảng Phái 




7. Kết Luận

Hối Lộ Chính Trị ở Nhật Bản - Chương 3: Thời Kỳ Chính Quyền Đảng Phái

Sự thay đổi từ nội các dưới sự thống trị của các chính khách già hay những người được họ bảo trợ sang nội các do các đảng chính trị lãnh đạo đã không mang lại sự ổn định chính trị hay làm giảm hối lộ chính trị. Trong suốt thời kỳ chính quyền đảng phái, các chính khách tham gia vào một cơn điên loạn dèm pha phỉ bang lẫn nhau, chính khách đối lập muốn phá hoại nội các thường cố gắng hạ uy tín của quan chức nội các cũng như những hạ nghị sĩ ủng hộ nội các bằng cách cáo buộc về những tội không thể truy tố. Sự thái quá trong tinh thần cạnh tranh kiểu thị dân đã củng cố dư luận công chúng cho rằng các đảng phái đều tham nhũng. [1] Một tờ báo đăng, “Ở Nhật Bản, các đảng phái chính trị là những nhóm thù địch nhau và việc đầu tiên họ làm là phá hoại lợi ích của nhau. Họ không quan tâm nhiều đến những chính sách đáng kính trọng vì lợi ích quốc gia mà họ đã công bố….Sự thù địch thường xuyên bị đẩy đến mức cực đoan và đe dọa sự ổn định chung, gây ra sự sợ hãi thực sự cho những người hiểu biết.” [2] Trong số những người chứng kiến các trận chiến chính trị của thời kỳ này có các viên chức bảo thủ, một số người trong bọn họ coi thường các chính khách đảng phái và không ngần ngại hạ uy tín của họ. Các cáo buộc hối lộ là phương pháp được ưa thích để đạt mục đích này.

Với sự hình thành của nội các Hara (12/1918 – 11/1921), lần đầu tiên một thủ tướng có ghế ở Hạ Viện. Đây cũng là lần đầu tiên tất cả các quan chức nội các, ngoại trừ bộ trưởng Bộ Dịch Vụ, đều là thành viên của phe đa số Seiyûkai. Thủ tướng Hara là một bậc thầy về chính trị, biết rõ cách tạo ra ảnh hưởng và điều hành hệ thống chính trị. [3] Như một phần của chiến dịch củng cố và duy trì sự thống trị của Seiyûkai, Hara bắt đầu một chương trình xây dựng đường sắt quy mô lớn cùng với sự mở rộng các dự án công trình công cộng. Các chương trình này được gắn liền với chính sách chi tiêu ngân sách công hào phóng của đảng. Hơn nữa, Hara đã mở ra nhiều chức vụ công cao hơn cho sự bảo trợ và thiết lập sự phân công công việc cho phe chính trị lớn nhất ở Hạ Viện. [4]

Hara đã khai thác tất cả các con đường có thể để mở rộng quyền lực của Seiyûkai. Hệ quả là các cáo buộc tham nhũng chính trị rất phổ biến tại Hạ Viện và trên báo chí. Ví dụ, vào tháng 2/1920, hạ nghị sĩ Inukai Tsuyoshi cáo buộc nội các hối lộ để gia tăng sự ảnh hưởng: “Liệu nội các Sat-Chò trong quá khứ có tham nhũng như nội các này không? Tất nhiên không!” [5] Vào tháng 7, Shimada Saburò lên án nội các, cáo buộc ba bộ trưởng đã sử dụng chức vụ để kiếm lợi trên thị trường chứng khoán. Do thiếu bằng chứng nên vụ việc đã biến mất. [6] Người này chính là Shimada, mũi nhọn trong chiến dịch bài trừ tham nhũng chống lại Hoshi Tòru cũng như yêu cầu Quốc Hội điều tra về vụ hối lộ của các hãng Siemens và Vickers. Khi các cáo buộc về tham nhũng trong một hợp đồng xây dựng ở Tokyo được đưa ra, Bộ Tư Pháp được yêu cầu hủy bỏ vụ án và không bắt giữ ai. [7] Giải thích về sự đúng đắn của những mệnh lệnh này, Hara viết trong nhật ký, 
Dĩ nhiên, chúng khá đúng đắn. Trong trường hợp đó, cũng giống như sự vi phạm trong bầu cử, càng điều tra thì sẽ càng có nhiều tội phạm. Tất nhiên, tội phạm không thể được tha thứ; nhưng từ một góc độ khác, tôi không thể ủng hộ quan điểm cho rằng những vụ việc đó khiến người dân có ấn tượng xấu. Trong vụ việc hiện tại, có lẽ là một số ít người liên kết với Seiyûkai có liên quan….Trong khi việc điều tra vụ án một cách công bằng và đúng đắn là cần thiết, việc mở rộng nó một cách thái quá, trái lại, lại có tác động tiêu cực đến công chúng và gây ra sự phản đối. Đó là lý do khiến những mệnh lệnh như vậy được đưa ra. [8]
Thảo luận về cơn cuồng loạn mua phiếu bầu trong kỳ bầu cử với một người bạn tâm giao, vốn cho rằng giải pháp là tạo ra một hệ thống không đòi hỏi tài chính, Hara trả lời, “Thật là một điều ngớ ngẩn! Mọi người không cần tiền sao? Trước hết hãy tạo ra một xã hội không cần tiền. Sau đó anh sẽ có hệ thống chính trị không cần đến tiền.” [9] 

A. Morgan Young, biên tập viên của tờ Japan Chronicle ở Kobe, đặt tên một chương trong cuốn sách của ông về thời Taisho là “Một vụ thu hoạch các vụ bê bối”. Năm được đặt câu hỏi là năm 1921. Nhiều viên chức chính quyền xuất sắc, cựu viên chức chính quyền và doanh nhân đều liên quan đến các bê bối hối lộ. [10] 

Một trong các vụ bê bối liên quan tới Nakanishi Seiichi, phó chủ tịch của công ty Đường Sắt Nam Mãn Châu Lý. Vụ việc được công khai khi tờ Osaka Mainichi Newspaper đăng một lá thư từ giữa những năm 1920 của Yamada Junji, trưởng Phòng Tổng Hợp, công ty Đường Sắt Mãn Châu Lý, cáo buộc Nakanishi thiếu trình độ về tài chính. Các đảng đối lập trong Quốc Hội đã nắm bắt cơ hội này: Nakanishi bị cáo buộc mua một mỏ than với giá gấp ba lần giá trị thực, mua một con tàu từ Uchida Nobunari với giá quá đắt, trả cho công ty Thương Mại Tanaka 300.000 yen để hủy bỏ hợp đồng và trả giá quá cao cho một công ty sắp phá sản. Khi Nakanishi cũng bị cáo buộc nhận tiền lại quả trong những giao dịch đó và chuyển tiền cho Seiyûkai, vụ án dấy lên sự nghi ngờ đối với Hara và các lãnh đạo hàng đầu khác của đảng. [11] Mặc dù Seiyûkai phủ quyết một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, sự ồn ào đã đẩy vụ án ra tòa. Vào cuối năm 1923, Nakanishi và những người khác được trắng án. Chơi ăn miếng trả miếng, vào tháng 3/1921, Hirooka Uichirò của Seiyûkai cáo buộc Katò Kòmei, chủ tịch của Kenseikai, nhận hối lộ 50.000 yen từ Uchida Nobunari. Katò được cho là đã hứa sẽ phản đối luật phổ thông đầu phiếu; Katò phản bác rằng đó là khoản quyên góp chính trị bình thường và không có lời hứa hẹn nào được đưa ra. [12] 

Vụ bê bối nhạy cảm nhất lại xoay quanh Koga Renzò, lãnh đạo của Cục Thuộc Địa. Do Koga và Hara là bạn từ thời đi học nên vụ bê bối này rất rối rắm. Hơn nữa, Koga là thủ lãnh của một nhóm ủng hộ Seiyûkai ở Thượng Viện. Khi vụ án này được tranh luận trên báo chí và tại Quốc Hội, công chúng được chứng kiến một phạm vi lớn của các hoạt động bị coi là bất hợp pháp ở Mãn Châu Lý: bán thuốc phiện thu giữ được cho người Trung Quốc, trả giá quá cao cho đất đai và nhận hối lộ. Cáo buộc hối lộ trong việc cho phép thành lập Sàn Giao Dịch Chứng Khoán Dairen, mà Koga bị cáo buộc đã nhận được phần thưởng là hàng ngàn cổ phiếu. Do công tố viên cho rằng một phần lợi nhuận từ việc bán thuốc phiện đã chảy vào ngân sách tranh cử của Seiyûkai, họ yêu cầu tòa án gọi thủ tướng ra làm chứng; việc này đã không thành công. Cuối phiên tòa vào tháng 7/1922, tất cả các cáo buộc đối Koga đã bị bác bỏ, ngoại trừ hối lộ; ông ta phải nhận bản án 6 tháng tù, nhưng được hoãn thi hành án. [13] Tổng Chưởng Lý Hiranuma Kiichirò suy tư về việc nhiều người quan trọng vướng vào vụ Koga cũng như các bê bối tham nhũng khác, đã gán nó cho “sự suy đồi của tầng lớp thượng lưu.” [14]

Tác động kết hợp của những vụ tham nhũng đó đã hủy hoại chính trị đảng phái nói chung và Seiyûkai nói riêng. Nổi bật trong số các tấn công vào đảng của Hara là bài phát biểu của đảng viên Nagai Ryûtarò của Kenseikai: “Việc nội các Hara chiều theo lợi ích của thiểu số với sự hi sinh lợi ích của đa số người dân đã trở thành thông lệ. Việc một số ít bộ trưởng kiếm lợi bất chính thông qua sự đồng lõa với thương nhân dưới sự bảo trợ của chính quyền thật sự rất đáng chê trách và hành vi của những bộ trưởng đó sẽ có tác động cực kỳ nghiêm trọng đến lý tưởng quốc gia.” [15] Nagai yêu cầu Hara xin lỗi về việc đã không ngăn chặn tham nhũng. Hara từ chối. [16] Tác động chính xác của bài phát biểu của Nagai đối với công luận chưa được biết rõ, nhưng một số người đã phản ánh rằng đảng viên của Kenseikai cũng tham gia vào cỗ máy tham nhũng chính trị và đảng có những mối liên hệ mạnh mẽ với tầng lớp thượng lưu. [17] Như Nagai, ông ta trở nên nổi tiếng vì sự chính trực và từ chối đưa hối lộ hay “quà tặng” hậu hĩnh để đổi lấy phiếu bầu. Tuy vậy, cũng giống như các chính khách khác, ông ta đưa ra những lời hứa về chính sách chi tiêu hào phóng cho cử tri. [18] Người viết tiểu sử của ông ta đã viết, “Khi sự nghiệp của Nagai tiến triển, ông cũng trở nên thành thạo trong việc kiếm tiền. Ông không thực sự phải nài xin – trái lại những người hâm mộ cung cấp cho ông, giống như các diễn viên hay võ sĩ sumo vẫn nhận được.” [19]

Việc một số người có thái độ nghiêm túc với những bê bối tài chính và các cáo buộc về sự liên hệ giữa các chính khách tham nhũng và doanh nghiệp lớn được thể hiện vào ngày 28/9/1921, vụ sát hại Yasuda Zenjirò, thủ lĩnh của một trong bốn zaibatsu (tập đoàn doanh nghiệp lớn) lớn và là người giàu nhất nước, của Asahi Heigo, một người phản đối sự bất bình đẳng và tham nhũng. [20] Vào ngày 4/11, thủ tướng Hara bị một người bẻ ghi đường sắt tên là Nakaoka Kon’ichi ám sát. Một số những lý do mà Naokaoka dùng để giải thích cho vụ ám sát là Hara đã không tiến hành trừng phạt các viên chức chính quyền liên quan đến các vụ hối lộ. [21] 

Vào ngày 29/5/1925, Quốc Hội phê chuẩn phổ thông đầu phiếu cho nam giới. Đây là một đạo luật đã được chờ đợi từ lâu, thủ tướng Katò Kòmei (6/1924–1/1926) coi đây là đạo luật quan trọng nhất được thông qua trong nhiệm kỳ của ông. Tất cả nam giới trên 25 tuổi sống tại các khu vực bầu cử ít nhất một năm và không nhận cứu tế người nghèo đều có quyền bầu cử. Do vậy, số lượng cử tri tăng từ ba triệu lên 12,5 triệu người. [22]

Bên cạnh phổ thông đầu phiếu, năm 1925 còn có luật bầu cử mới. Những sự bổ sung của năm 1900 và 1919 đã đặt ra một số cấm đoán đối với việc tranh cử. Quy định về bầu của của năm 1900 đã được thay đổi để đáp ứng các lợi ích của ngành chế tạo và thương mại. Hệ thống các khu vực bầu cử nhỏ được thay thế bằng một hệ thống các quận đô thị độc lập (các thành phố có hơn 30.000 dân) và các huyện nông thôn. Hệ thống mới tạo ra sự thuận lợi cho khu vực đô thị khi mà một hạ nghị sĩ chỉ có thể đại diện cho 30.000 người (ở khu vực nông thôn có thể là 130.000 người). [23] Mặc dù ứng cử viên bị cấm tiếp xúc cử tri tại nơi bỏ phiếu nhưng không bị cấm tiếp xúc cử tri ở nơi khác hay bị cấm chi tiêu. Tất nhiên, việc mua phiếu bầu vẫn bị coi là bất hợp pháp như trước kia. Luật Bầu Cử Hạ Viện mới của năm 1925 có các quy định chi tiết: các chi tiêu tranh cử bị cấm, số lượng nhân viên vận động tranh cử bị giới hạn, vận động tranh cử tại nhà bị cấm, việc phân phát các tranh ảnh và tài liệu tranh cử cũng bị cấm, vân vân. Các hình phạt nặng được ban hành: phạt tiền lên đến 2.000 yen (luật cũ chỉ phạt 500 yen) và án tù lên đến ba năm (án tù trong luật cũ chỉ tối đa là một năm). [24] Các cấm đoán chi tiết trong luật bầu cử mới rõ ràng là nhằm ngăn chặn hối lộ chính trị và các hành vi bất hợp pháp khác. Tuy vậy, những quy định rất chặt chẽ này cũng còn có lý do khác: “Nói chung, điều khoản cấm vận động bầu cử cá nhân…[được] những người làm luật coi là phương tiện bí mật chống lại sự tích cực tham gia bầu cử của cử tri tầng lớp dưới, do họ sợ rằng chủ nghĩa xã hội sẽ được hoạt động của công nhân xã hội chủ nghĩa phổ biến và sẽ khiến dân chúng nổi dậy.” [25] 

Theo luật năm 1925 về hệ thống quận nhiều thành viên, mỗi cử tri chỉ bỏ một phiếu; mỗi đảng đều có quyền đề cử nhiều ứng cử viên. Luật mới cho thấy những vấn đề đặc biệt đối với ứng cử viên: “[Một] ứng cử viên được yêu mến có thể thu hút được thừa thãi phiếu bầu, hoặc có thể bị mất phiếu bầu do sự phân tán phiếu bầu cho những ứng cử viên kém được ưa chuộng hơn do ứng cử viên được ưa chuộng được coi là đã đủ phiếu. Một đảng chiếm đa số ở một quận vẫn có khả năng không giành được một ghế nếu như họ đề cử quá nhiều ứng cử viên. Do vậy các ứng cử viên cùng đảng thường nguy hiểm hơn so với đối thủ khác đảng.” [26] Mặc dù điều quan trọng là nhân cách của ứng cử viên phải làm hài lòng cử tri song nhân vật quan trọng trong bầu cử tại cấp quận lại là các ông trùm chính trị. Những người này không bao giờ ngừng chiến dịch tranh cử, mở rộng mạng lưới quan hệ cá nhân mỗi ngày và dựa vào đó để thu hút phiếu bầu trong thời gian bầu cử. [27] 

Một trong những lý do mà những người ủng hộ phổ thông đầu phiếu đưa ra là phổ thông đầu phiếu sẽ làm giảm số lượng tham nhũng bầu cử. Họ cho rằng nếu như tất cả nam giới trưởng thành đều có quyền bỏ phiếu, việc hối lộ cử tri và các vi phạm khác sẽ trở nên quá đắt đỏ. [28] Một nhà cải cách viết, [Các] đảng chính trị được gắn kết với nhau bằng mối quan hệ và các liên kết cá nhân, tình cảm, hay nhân cách….Nếu như quyền bỏ phiếu được phổ biến rộng rãi…nền tảng của hệ thống chính trị đảng phái hiện tại sẽ bị phá hủy…. Tổ chức của mỗi đảng chính trị đều sẽ phải được cải tổ…[và] việc chống lại sự tranh cử bằng các quan hệ, liên kết cá nhân hay hối lộ như trước kia sẽ khả thi.” [29] Một nhà cải cách khác cho rằng luật 1925 sẽ phá hủy hệ thống hối lộ khi chính trị đi vào một giai đoạn mới. [30] Những giấc mơ màu hồng về kỷ nguyên chính trị trong sạch đã bị tan vỡ trong cuộc bầu cử tháng hai năm 1928, cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên theo luật 1925. Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Suzuki Kisaburò giám sát cuộc bầu cử này (nội các Tanaka Giichi, 4/1927–7/1929), các mánh lới bẩn thỉu truyền thống đã được áp dụng để giành đa số cho Seiyûkai. Sau đó, cuộc bầu cử đã bị lên án là tham nhũng nhất kể từ cuộc bầu cử năm 1915 dưới sự giám sát của bộ trưởng Bộ Nội Vụ Òura. Hơn nữa, bất chấp các cải cách bầu cử, các lãnh đạo chính trị vẫn cần tiền để duy trì phe phái, thế nên các kịch bản cũ về sự cấu kết tham nhũng giữa doanh nhân và chính khách vẫn tiếp tục. Khi viết về bầu cử quốc gia được tổ chức từ năm 1928 trở về trước, một nhà nghiên cứu của Bộ Tư Pháp đã kết luận rằng các văn phòng chi nhánh của các chính đảng đã trở thành trụ sở cho hối lộ; các chính đảng trong cuộc đấu tranh dữ dội đã không biết cách tự kiềm chế bản thân. [32] 

Tướng Tanaka Giichi, cựu bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, đã nghỉ hưu vào năm 1925 và tham gia Seiyûkai. Điều qua trọng trong thành công của Tanaka là khả năng gây được quỹ lớn. Kuhara Fusanosuke, một người bạn cũ là doanh nhân giàu có, đã được đưa vào đảng. Sử dụng sự giàu có và các mối quan hệ trong giới kinh doanh, Kuhara trở thành nhà tài trợ chính của đảng. [33] Sau khi Tanaka trở thành chủ tịch của Seiyûkai vào ngày 13/4/1925, Kuhara đã đóng góp 3 triệu yen. Món quà này đã gợi cho công chúng nhớ lại các cáo buộc trước đây cho rằng khi còn làm bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Tanaka đã lạm dụng các quỹ bí mật được sử dụng trong thời kỳ xâm lược Siberia. Hơn nữa, khoản đóng góp cho đảng cũng gợi lên các buộc cho rằng Tanaka nhận tiền để đáp ứng các lợi ích của doanh nhân. Một chính khách Kenseikai đưa vấn đề ra Quốc Hội vào ngày 4/3/1925 và đề nghị điều tra về những cáo buộc này đã được phê chuẩn. Hôm sau, Mihei Toshiharu, cựu viên chức tài chính của Bộ Quốc Phòng, đã yêu cầu công tố viên Tòa Án Quận Tokyo điều tra Tanaka và cấp phó của ông ta, tướng Yamanashi Hanzò, vì tội lạm dụng các quỹ quân sự. Tuy vậy, một thời gian sau, Mihei đã rút lại các cáo buộc. Cuối cùng, mặc dù các tin đồn vẫn xuất hiện trên báo chí, nhưng không có gì ảnh hưởng tới Tanaka. [34]

Cùng lúc đó, một vụ bê bối tham nhũng đặc biệt xấu xa, liên quan đến các chính khách nổi tiếng của ba chính đảng, đã thu hút được công luận. Vụ án này xoay quanh các nhà thổ ở Matsushima tại Osaka và được coi là bê bối nhất trong các vụ án tham nhũng chính trị cuối những năm 1920. [35] Trong số các chính khách bị mất uy tín vì các cáo buộc hối lộ và lừa dối có Minoura Katsundo, Tokonami Takejirò và Wakatsuki Reijirò. Sự liên quan của Minoura trong vụ án nhạy cảm này thu hút được sự chú ý của công luận do ông ta giữ một ghế tại Hạ Viện từ năm 1890 và không có bê bối nào trong hồ sơ cá nhân. [36] Tokonami là lãnh đạo của Seiyûhontò và Wakatsuki là thủ tướng (Kenseikai). Sự liên quan của các quan chức cấp cao đã thu hút sự quan tâm của công chúng tới mức phiên tòa có số lượng khán giả kỷ lục. [37] Bên cạnh sự phẫn nộ của công chúng do vụ bê bối tạo ra, nội các Wakatsuki (30/1 – 20/4/1927) còn bị lên án tại Hạ Viện về việc xử lý vụ Pak Yôl (Boku Retsu), một phần tử vô chính phủ người Triều Tiên có âm mưu sát hại hoàng đế và hoàng tử. Seiyûkai, hăm hở gây khó dễ cho nội các, đã lợi dụng sai lầm nhỏ nhặt của quan tòa trong phiên sơ thẩm (ông ta chụp một bức ảnh Park và người vợ Nhật) để cáo buộc rằng điều này phá hoại sự tin cậy của công chúng đối với tư pháp và là sự sỉ nhục đối với hoàng gia. [38]

Khi các công ty bất động sản ở Osaka biết rằng thành phố có thể di dời các nhà thổ Matsushima, họ giành giật nhau quyền kiểm soát đất đai ở địa điểm mới. Daitò Tochi Kabushikigaisha vào đầu năm 1924 đã yêu cầu sự giúp đỡ của các thành viên Seiyûkai là Yokota Sennosuke và Iwasaki Isao. Một công ty khác, Shibatani Tochi Tatemono Kabushikigaisha, yêu cầu sự giúp đỡ của thành viên Kenseikai là Tomita Kòjirò. Một công ty thứ ba, Toyokuni Tochi Kabushikigaisha, cũng tham gia cuộc đua. Chủ tịch của công ty này, Toyokuni Tochi Kabushikigaisha, bổ nhiệm hai người phụ trách việc thu hoạch món hời tài chính: Kokubo Shintarò và Nakamura Manjirò. Kobuko là chủ tịch của Mansei Shintaku Kabushikigaisha; Nakamura là trợ lý điều hành của ông ta. Vào tháng 11/1924, họ thảo luận với luật sự Hirato Shin, người hứa hẹn sẽ làm trung gian với thành viên Iwasaki Isao của Seiyûkai. Để không bỏ lỡ cơ hội, vào tháng 2/1925, cả hai người này đã sử dụng Andò Tooru làm người trung gian để nhận được sự ủng hộ của thành viên Kenseikai là Minoura Katsundo. Sau đó, những người khác tham gia cùng với nỗ lực của Toyokuni là: doanh nhân Kawahara Giroku và thành viên Takami Koremichi của Seiyûhontò, vốn là chủ tịch của Ủy Ban Thường Trực Đảng (do luật sư Hirato giới thiệu). Vào lúc này, Toyokuni đã liên hệ với cả ba chính đảng lớn. [39]

Quyết định cuối cùng về việc di dời các nhà thổ Matsushima nằm trong tay bộ trưởng Bộ Nội Vụ Wakatsuki Reijirò. Thông thường, bộ trưởng sẽ chấp thuận việc di dời các cơ sở công cộng nếu quận trưởng đề xuất chính thức. Tuy vậy, Minoura, có thành tích lâu năm là hạ nghị sĩ, một thứ trưởng và bộ trưởng, đã đến Tokyo để tìm kiếm các mối quan hệ trong Bộ Nội Vụ, trong khi Takami làm việc với các thành viên của Seiyûhontò và Iwasaki tiếp cận văn phòng quận trưởng Osaka. Vào tháng 10/1925, việc vận động đã tiêu tốn vài trăm ngàn yen. Những hoạt động đó không bị bỏ qua. Vào ngày 11/1/1925, các tờ rơi được phân phát rộng rãi ở Tokyo và Osaka cáo buộc việc kiếm lợi từ kế hoạch di dời các nhà thổ. Òno Masatoshi, một thành viên của Hội Đồng Thành Phố Osaka và là doanh nhân có liên quan tới các nhà thổ, đã kiện lên tòa án quận sau khi tên của ông ta xuất hiện trên các tờ rơi. Công tố viên điều tra vụ việc vì tội phỉ báng và vi phạm Luật Xuất Bản. Một vụ án khác cũng được tiến hành khi một trong các nghi phạm, Sanekawa Tokujirò, thuyết phục được công tố viên rằng họ nên điều tra Tatsuki, người của Toyokuni, và những cá nhân khác vì tội hối lộ. [40]

Từ 25/3 đến 19/6/1926, công tố viên đã truy tố Iwasaki Isao, Hirato Shin, Masuda Iwao, Andò Tooru, Minoura Katsundo, Takami Koremichi và Imakita Harusaku. Mặc dù công chúng đã quen thuộc với các cáo buộc tham nhũng nhưng cũng bị sốc khi báo chí đưa tin Minoura bị bắt giữ và giam tại nhà tù Osaka do ông ta là một chính khách già đáng kính, được coi là tương đối trong sạch. Phiên tòa xử tại Tòa Án Quận Osaka, bắt đầu vào ngày 11/7/1927, trải qua 23 lần xét xử. Những nhân vật cao cấp trước vành móng ngựa và tin đồn về khoản hối lộ 560.000 yen đã khiến nó trở nên rất kịch tính; người dân hăm hở đến chờ từ 4h sáng để có chỗ ngồi, trong suốt bốn phiên xét xử. Cựu bộ trưởng Bộ Nội Vụ Wakatsuki không khai nhưng trong bản cung mà ông kể lại cuộc gặp với Minoura lại khác với lời khai của các bị cáo khác. Wakasutki thề rằng ông ta đã nói sẽ không cho phép di dời các nhà thổ; Minoura thề rằng bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã nói ông ta sẽ chấp thuận sự di dời nếu như quận trưởng Nakawaga Nozomi chính thức yêu cầu. Các bản cung khai của Tokonami Takejirò và quận trưởng Nakagawa cũng khác với lời khai của các bị cáo khác. Ví dụ, Takami khẳng định rằng 30.000 yen đã được giao cho vợ của Tokonami, song bà ta phủ nhận điều này trước tòa. [41] 

Không giống thủ tướng Wakatsuki, thứ trưởng Kawasaki Takukichi (cựu lãnh đạo của Cục Cảnh Sát, Bộ Nội Vụ) đã nộp hai bản cung khai và tham gia phiên tòa. Theo bản cung khai ngày 8/11/1926, Kawasaki đã gặp Minoura và thảo luận về các nhà thổ Matsushima vào tháng 4 năm 1925; một số cuộc gặp khác tiếp diễn sau đó cho đến tháng 11. Kawasaki khẳng định, về căn bản là Minoura nói rằng việc di dời các nhà thổ cần có yêu cầu của quận trưởng và sau đó là điều tra của Bộ Nội Vụ để xác định nhu cầu di dời. Kawasaki cũng khẳng định rằng ông ta không nói với Minoura rằng việc di dời có thể được thực hiện hay thảo luận về việc di dời với cấp trên của ông ta, thứ trưởng. Khi được hỏi rằng ông ta biết gì về quan điểm của quận trưởng Nakagawa đối với việc di dời các nhà thổ, Kawasaki đã nói rằng ông ta nghe thấy quận trường nói nỗ lực di dời các nhà thổ gây ra rắc rối. Hơn nữa, quận trưởng lưu ý rằng thứ trưởng Yuasa Kurahei nói với ông ta rằng nếu nư bộ không cho phép di dời các nhà thổ thì ít nhất họ cũng sẽ không dính dáng vào vụ việc bẩn thỉu. Kawasaki cũng được hỏi có biết rằng quận trưởng Nakagawa đã gửi thông điệp cho Bộ Nội Vụ vào ngày 19/6/1925, hỏi về các xử lý một ủy ban đảm nhiệm việc thảo luận về di dời các nhà thổ và bộ đã trả lời vào ngày 13/8. Về trả lời của lãnh đạo Ban Quy Hoạch Đô Thị, Kawasaki khẳng định không biết gì vào lúc đó. [42] 

Tại trong phiên xét xử tại Tòa Án Quận Osaka, Kawasaki nói với các quan tòa rằng ông ta không nói với Minoura về việc di dời các nhà thổ có thể được được thực hiện. Trên thực tế, ý kiến của mà ông ta cho Minoura biết là việc di dời có thể không được thực hiện. Các quan tòa hỏi việc ông ta đã kiểm tra tại thực địa tại nhà thổ hoặc có ai đó đến chỗ ông ta. Kawasaki trả lời rằng không có cuộc kiểm tra nào hết. Hơn nữa, ngay sau cuộc gặp đầu tiên với Minoura, quận trưởng Nakagawa có mặt tại Tokyo để tham gia một hội nghị. Quận trưởng đã đề cập vấn đề liên quan đến các nhà thổ, nhưng lưu ý rằng việc di dời sẽ không được chấp nhận. [43]

Luật sư Hirato cùng với viên trợ lý Masuda Iwao của ông ta được coi là thủ phạm chính trong vụ án này. Công tố cho rằng Minoura và Takami bị thuyết phục rằng sự vận động cho dự án của Hirato, ngay cả khi Hirato không chắc chắn rằng các nhà thổ sẽ bị di dời. Hơn nữa, mặc dù ông ta không có thỏa thuận chắc chắn với viên chức chính quyền song ông ta vẫn nói với khách hàng rằng ông ta đạt được một sự thỏa thuận với nhà cầm quyền. Do vậy, ông ta đã đánh lừa Kokubo và Kawahara đồng thời moi tiền của họ. Hơn nữa, tiền chi cho những người khác đều đã bị Hirato bỏ túi. Công tố cho rằng đây là sự lừa đảo. Các bản án được đưa ra vào ngày 13/10/1927: Minoura (trắng án); Takami (trắng án); Hirato (8 tháng tù); Imakita (trắng án); Masuda (6 tháng tù); Iwasaki (truy tố bị bãi bỏ do ông ta đã chết); Andò (được ngừng xét xử do bệnh tật). Do vậy, phiên tòa xử vụ hối lộ này đã kết thúc mà không có ai bị buộc tội hối lộ. Tòa Phúc Thẩm Osaka đã giữ nguyên bản án của tòa sơ thẩm. Sau khi khỏi bệnh, Andò ra tòa vào ngày 24/6/1931; ông ta bị tuyên án một năm tù. Vào ngày 26/1/1933, Tòa Phúc Thẩm Osaka phán quyết giữ nguyên bản án nhưng bổ sung thêm việc hoãn thi hành án. [44] 

Mặc dù cả hai bản án của tòa đã làm hài lòng một số bị cáo, bình luận của Chánh Án Maezawa Kojirò vào ngày 31/7/1928, tại phiên tòa phúc thẩm đã khiến họ bị sốc. Maezawa nói rằng bỏ qua vấn đề có tội hay không có tội thì hành vi của họ rất đáng ngạc nhiên, đặc biệt là khi hầu hết các bị cáo xuất thân từ tầng lớp thượng lưu xã hội và một số người là quan trọng về chính trị. Ông ta nói rằng, người dân trông đợi ở họ một sự thể hiện mẫu mực. Không may là hành vi kinh khủng của các bị cáo sẽ tạo ra ảnh hưởng xấu. Viên quan tòa kết luận bằng cách yêu cầu các bị cáo hành động một cách thích hợp. [45]

Vào ngày 2/11/1927, Shiono Suehiko, một trong những cấp dưới trung thành nhất của Hiranuma Kiichirò được bổ nhiệm làm trưởng viện công tố của Tòa Án Quận Tokyo. Một trong những hành động đầu tiên của Shiono là bổ nhiệm Matsuzaka Hiromasa làm cấp phó do ông ta thích tính cách của Matsuzaka và do Matsuzaka, từng làm việc ở Tòa Phúc Thẩm Tokyo, rất hiểu tình hình ở Tokyo. Họ đã cùng nhau tiến hành việc làm trong sạch nội bộ, sa thải 15 viên chức thiếu năng lực và tái tổ chức lại viện công tố. Shiono, một nhà cải cách sáng tạo, đảm nhiệm vị trí mới một cách nghiêm túc vì ông ta tin rằng các hoạt động của cơ quan công tố Tokyo tạo tấm gương cho công tố của cả quốc gia. Tin rằng công tố viên có nhiệm vụ đặc biệt là bảo vệ quốc gia khỏi sự phá hoại, Shiono ra lệnh cho những người dưới quyền phải nỗ lực thúc đẩy seigi (công lý hay sự đúng đắn). Hơn nữa, ông ta còn khuyến khích người dưới quyền theo đuổi từng cuộc điều tra một cách quyết liệt và sẵn sàng từ chức hơn là nhượng bộ trong các truy tố. Trong nhiệm kỳ của Shiono (cho đến 20/9/1930), cơ quan công tố Tokyo đã bắt đầu một nỗ lực truy tố đầy tham vọng trong một số vụ hối lộ quan trọng liên quan đến các viên chức chính quyền cấp cao. 

Một số học giả cho rằng phe Hiranuma-Suzuki chủ yếu thân Seiyûkai. [46] Quan điểm này cũng có đôi phần sự thật. Khi Suzuki rời khỏi Bộ Tư Pháp, ông ta đã tham gia Seiyûkai và trở thành bộ trưởng Bộ Nội Vụ dưới nội các Tanaka, được thành lập sáu tháng trước khi Shiono nhận chức ở cơ quan công tố Tokyo. Hơn nữa, bộ tưởng Bộ Tư Pháp Hara Yoshimichi (nội các Tanaka) là do Hiranuma lựa chọn. Sau này Suzuki trở thành chủ tịch của Seiyûkai. Tuy vậy, tham vọng bài trừ tận gốc tham nhũng của Shiono không được coi là có sự chi phối của chính trị; cơ quan của ông ta theo đuổi chính khách của tất cả các đảng phái, trong đó có Ogawa Heikichi, phó chủ tịch của Seiyûkai và là cựu bộ trưởng Bộ Tư Pháp. Cơ quan của Shiono không chỉ tập trung vào các vụ án tham nhũng mà còn tập trung vào các tội phạm hệ tư tưởng. Sau khi đàn áp Đảng Cộng Sản Nhật Bản đầu tiên vào đầu những năm 1920, nhà nước chuẩn bị một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Đảng Cộng Sản tái lập. Người của Shiono là lưỡi kiếm trong nỗ lực diệt trừ Đảng Cộng Sản. Đòn đánh chí mạng là vào ngày 15/3/1928, 1.600 người bị tình nghi là đảng viên cộng sản trên toàn quốc bị bắt giữ. Sau cuộc bắt giữ quy mô lớn này là những cuộc bắt giữ khác cho đến khi Đảng Cộng Sản bị phá vỡ hoàn toàn vào đầu những năm 1930. [47] Mặc dù nghi phạm của tội phạm hệ tư tưởng được xử lý trong một bộ phận đặc biệt của viện công tố Tokyo song công tố viên xử lý những tội hình sự này cũng vẫn liên hệ với những đồng nghiệp xử lý các vụ án hối lộ. Không có gì ngạc nhiên khi từ sự liên hệ này mà một số công tố viên kết luận rằng sự tham nhũng của các chính khách và doanh nhân có lẽ là có liên quan đến tư tưởng xấu của những nghi phạm cộng sản. 

Trong số các vụ án hối lộ được công tố viên Tokyo xử lý có vụ của tướng Yamanashi Hanzò, ba lần là bộ trưởng Bộ Chiến Tranh và là quan toàn quyền Triều Tiên từ tháng 12/1927, đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Một người nhận được sự bảo trợ của tướng Tanaka Giichi, Yamanashi làm thứ trưởng Bộ Chiến Tranh trong nội các Hara và sau đó là bộ trưởng. Khi Tanaka gia nhập chính giới bằng cách làm chủ tịch Seiyûkai, Yamanashi cũng chuyển sang một vị trí lãnh đạo trong đảng. [48] Việc một số người coi Yamanashi, thành viên của Thượng Viện, là ứng cử viên cho chức thủ tướng đã thu hút thêm sự chú ý của công luận. 

Yamanashi bị cáo buộc đã nhận hối lộ 50.000 yen từ Kawasaki Tokunosuke, một người bán buôn gạo muốn mở rộng việc kinh doanh sang Triều Tiên. Cảnh sát và công tố viên nhanh chóng hành động chống lại Yamanashi ngay sau khi nội các Tanaka sụp đổ (2/7/1929) bằng cách bắt giữ Hida Rikichi, thư ký của viên toàn quyền, vào ngày 29/7. Yamanashi từ chức toàn quyền vào tháng 8 và bị xét xử vào ngày 28/12. [49]

Bằng cách nào đó nhà buôn gạo Kawasaki đã nói chuyện với thư ký Hida. Người bạn của Hida là Gotò Chòei, một chủ mỏ, và một nhà xuất bản, Namitsu Kyûken, đều cũng gặp Kawasaki và cả nhóm lập kế hoạch kinh doanh mạo hiểm ở Triều Tiên. Kawasaki được biết rằng để kinh doanh ở Triều Tiên thì ông ta và những người khác cần đăng ký theo nhóm về gạo, khai mỏ và xuất bản cho quan toàn quyền Yamanashi. Một bản ghi nhớ được soạn thảo và đổi lại Kawasaki đồng ý trả 50.000 yen. Ông ta cũng đưa cho Hida 20.000 yen làm chi phí thực hiện các công việc chi tiết. Kawasaki có một cuộc gặp với thống đốc ở Tokyo: Hida giới ông tà là doanh nhân đang quan tâm tới Triều Tiên. Kawasaki đưa 50.000 yen và giải thích rằng đó là đóng góp chính trị. Sau khi nhận tiền, Yamanashi hỏi ông ta có thể làm điều gì để đáp lại món quà. Tuy vậy, việc kinh doanh mạo hiểm của nhóm không được thảo luận. Kawasaki rời khỏi cuộc gặp với sự chắc chắn là thỏa thuận đã chốt. Một người thứ tư được giới thiệu tại cuộc họp: luật sư Òi Shizuo. [50] 

Tại phiên tòa, điểm chủ yếu liên quan tới thống đốc Yamanashi là ông ta có biết rằng mình nhận hối lộ hay không. Công tố cho biết khi vụ bê bối bị công khai thì tiền đã được trả lại cho Kawasaki với bình luận là quan toàn quyền không biết đó là tiền bẩn. Vào ngày 22/2/1931, Yamanashi được tuyên bố vô tội. Thư ký Hida bị tuyên án 8 tháng tù vì hối lộ và xúi giục; Gotò bị tuyên án 3 tháng tù vì hối lộ và xúi giục; Namitsu bị tuyên án 3 tháng tù vì hối lộ và xúi giục. Òi bị kết án đồng phạm hối lộ và bị phạt 150 yen. Kawasaki bị coi là có tội hối lộ; ông ta bị tuyên án 5 tháng tù và bị phạt 15.000 yen nhưng được hoãn thi hành án hai năm. [51] 

Mùa hè năm 1929 là thời gian bận rộn của công tố viên Tokyo. The sát vụ án của Yamanashi là một vụ án nhạy cảm khác bị phát hiện. Việc bắt giữ trong Vụ Hối Lộ Của Năm Công Ty Đường Sắt Tư Nhân bắt đầu vào cuối tháng 8/1929. Trong số nhiều người có thế lực của chính giới và giới tài chính rơi vào tay công tố viên của Shiono có phó chủ tịch Ogawa Heikichi của Seiyûkai. Ngoài việc là bộ trưởng Bộ Tư Pháp (nội các thứ nhất của Katò), Ogawa còn là bộ trưởng Bộ Đường Sắt trong nội các của Tanaka (từ chức ngày 2/7/1929). Ogawa bị truy tố vào ngày 26/9/. Cùng với những người khác, ông ta bị cáo buộc nhận hối lộ tổng cộng là 600.000 yen. Địa vị cao của Ogawa không bảo vệ ông ta khỏi bị giam giữ ở nhà tù Ichigaya khi bị công tố viên thẩm vấn (ông ta được thả vào ngày 17/1/1929). [52] 

Phiên tòa xét xử Ogawa và các đồng phạm thu hút được sự chú ý của công chúng từ tháng 11/1930 cho đến khi kết thúc vào ngày 16/5/1933. Sau 139 phiên xét xử, kết luận là không có tội; công tố viên khán án và tại phiên tòa thứ hai bản án được đảo ngược. Năm người đưa hối lộ, Ogawa và những người khác nhận hối lộ, đều bị coi là có tội. Sau khi bị tuyên án vào ngày 17/11/1934, Ogawa và những người khác chống án tại Tòa Án Tối Cao vào ngày 28/12/1935. Tòa Án Tối Cao giữ nguyên bản án của tòa cấp dưới. Ogawa bị kết án 2 năm tù và bị phạt 192.220 yen. [53] Nhóm luật sư bảo vệ cho bộ trưởng Ogawa cố gắng cứu thân chủ khỏi bản án tù bất ngờ bằng cách xin hoãn thi hành án khi cân nhắc tới sự phục vụ đất nước lâu năm của Ogawa. [54] Công tố trả lời, “Việc với bộ trưởng Bộ Đường Sắt nhận tiền, hay tham gia vào một thỏa thuận nhận tiền để cấp phép xây dựng một tuyến đường sắt, là một tội nghiêm trọng. Số lượng tiền liên quan cũng lớn chưa từng thấy.” [55] 

Tòa Án Tối Cao giữ nguyên bản án của Ogawa vào ngày 19/9/1936; tháng sau ông ta phải vào tù, ở đó đến 10/6/1937. Ông ta chỉ ngồi tù chưa hết nửa thời gian trong bản án nhờ vào sự ân xá. Sau đó, vào tháng 2/1940, ông ta được khôi phục quyền công dân nhờ một sự ân xá. [56] Ogawa viết trong nhật ký, “Bản án ngày 19/12 thực sự chưa có tiền lệ. Lý do chủ yếu của bản án này là tòa án khuất phục trước sức ép của chính trị và chính quyền bên ngoài. Ogawa không mấy ăn năn về phiên tòa cuối cùng khi ông ta khẳng định rằng mình vô tội và lên án tòa án đã hạ thấp giá trị của quyền lực tư pháp. [58]

Vụ án nghiêm trọng này rất khó truy tố do sức mạnh chính trị của Ogawa và sự thật là ông ta chưa bao giờ trực tiếp chạm đến tiền. Ogawa cố gắng che dấu hối lộ bằng cách dùng những người không được chính quyền trả lương để nhận tiền từ các công ty đường sắt tư nhân; hơn nữa tiền cũng được ngụy trang làm các khoản quyên góp chính trị cho Seiyûkai. Mặc dù việc bảo vệ đã có hiệu quả trong phiên tòa đầu tiên song nó đã không cứu viên bộ trưởng thoát khỏi án tù. [59]

Nội các Tanaka đầy bất lực cũng phải chịu đựng một bê bối hối lộ khác vào cuối mùa hè năm 1929. Vụ án này liên quan đến Cục Nghi Lễ, nhận hối lộ để cấp các huy chương vì thành tích phục vụ. Do những huy chương này được cấp dưới danh nghĩa hoàng đế nên vụ việc đã nhanh chóng bị chính trị hóa. Một sự ồn ào khủng khiếp trên báo chí và sự phẫn nộ của công chúng đã bổ sung thêm vào bức tranh đen tối sẵn của chính trị đảng phái nói chung cũng như nội các Tanaka nói riêng. 

Nghi phạm chính trong vụ án là Amaoka Naoyoshi, được chính phủ Tanaka bổ nhiệm làm trưởng Cục Nghi Lễ. Một đồng phạm là doanh nhân Kamohara Ryòyò. Amaoka, lấy một con gái của thủ tướng Katsura Tarò, là cựu thư ký của nội các. Amaoka cùng với Kamohara đã lập kế hoạch bán huy chương cho những người nhận chịu trả tiền. Ít nhất sáu người đã trả tiền cho các huy chương; 5 doanh nhân và Fujita Ken’ichi, một nhà tài chính và là thành viên Thượng Viện. Quy mô của vụ hối lộ dường như đã cho thấy huy chương được bán với bất cứ giá nào. Ví dụ một doanh nhân trả 27.000 yen nhưng hai người khác chỉ trả 1.000 yen. Fujita trả 5.000 yen. Amaoka bị bắt giữ vào ngày 11/9/1929. Vào ngày 16/5/1933, Tòa Án Quận Tokyo tuyên án Amaoka hai năm tù và bị phạt 17.250 yen; Kamohara nhận án 18 tháng tù và bị phạt 5.250 yen. Các bản án được giữ nguyên tại Tòa Án Phúc Thẩm. Tòa Án Tối Cao từ chối xử lại vụ án. [60] 

Quy mô tham nhũng mở rộng cũng chạm đến nội các mới của Hamaguchi Osachi (7/1929 – 4/1931). Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Kobashi Ichita liên quan đến một vụ bê bối hối lộ với công ty đường sắt Echigo; ông ta từ chức vào ngày 29/11/1929 và bị bắt vào ngày 7/3/1930. Kobashi là một con cá lớn khác mà các công tố viên nghiêm khắc của Shiono giăng lưới được. Trước năm 1920, khi ông ta là thành viên của Seiyûkai trúng cử Hạ Viện, Kobashi là viên chức Bộ Nội Vụ, vươn tới vị trí thứ trưởng vào năm 1918. Dưới thời nội các Kiyoura Keigo (tháng 1 – 6/1924), ông ta là thư ký trưởng của nội các. Kobashi chuyển từ Seiyûkai sang Seiyûhontò và vào năm 1927 ông ta tham gia thành lập Rikken Minseitò, trở thành đảng đối lập chính của Seiyûkai. [61] 

Vụ án này xuất phát từ nỗ lực bán đường sắt cho chính quyền của Kusumi Tòma, chủ tịch của công ty đường sắt Echigo. Vào tháng 2/1927, ông ta yêu cầu sự giúp đỡ của Satake Sango, thứ trưởng bộ Đường Sắt. Sử dụng Satake làm người trung gian, ông ta cũng tiếp cận Kobashi để nhận được sự giúp đỡ của Seiyûhontò. Kusumi đã hứa hẹn một khoản tiền lớn nếu như luật mua công ty được thông qua ở Quốc Hội. Sau khi đường sắt được bán cho chính quyền với giá 12.410.000 yen, vào tháng 5/1927, Kobashi nhận được 10.000 yen từ Satake. Để cho đạo luật này được thông qua ở Quốc Hội, Satake đã chi khoảng 2 triệu yên để hối lộ. Tại Tòa Án Quận Tokyo vào ngày 20/12/1930, Kobashi đã bị kết án 10 tháng tù và bị phạt 10.000 yen; Satake nhận án 8 tháng tù. Cả hai bị cáo đều được hoãn thi hành án hai năm. Kusumi bị phạt hai trăm yen. [62] Kusumi nói với công tố viên điều tra vụ án rằng cựu thủ tướng Wakatsuki cũng đã nhận 100.000 yen. Khi được hỏi về điều này, Wakatsuki trả lời rằng đó chỉ là khoản đóng góp cho chiến dịch tranh cử. [63] 

Vào cuối những năm 1920, các vụ bê bối hối lộ chính trị không chỉ giới hạn ở Tokyo. Một học giả viết, “Có rất nhiều vụ án xảy ra, giống như vào thời điểm hoa nở rộ. Nó diễn ra ở khắp Nhật Bản và liên quan đến cả dân sự cũng như quân sự.” [64]

Vào năm 1930, Hosono Nagamori xuất bản một cuốn sách về sự sa đọa của xã hội. Nguồn chính của công trình đáng chú ý này là các bài báo đã xuất hiện trên 39 tờ báo kể từ cuối năm 1926. Bình luận của Hosono về sự vô đạo đức chính trị và tài chính đã phản ánh nội dung của các bài báo này. Hosono viết, hối lộ và các bê bối tham nhũng khác có ảnh hưởng xấu đến đạo đức của công chúng. Đánh giá hành động viên chức, chính khách và doanh nhân. Hosono thấy rằng họ đều tham nhũng: viên chức cầu khẩn tiền bạc và không có nguyên tắc; chính khách bị lệ thuộc vào tiền bạc và bán mọi thứ có thể cho doanh nhân; doanh nhân sẽ làm bất cứ điều gì với bất cứ giá nào để thực hiện việc kinh doanh. [65] Sự phê phán dữ dội nhất của ông nhằm vào các chính khách: “Họ không có ý chí và không có nguyên tắc. Họ thay đổi như thay áo. Họ chỉ tin vào tiền bạc và lợi ích đến cùng với chức vụ của họ.” [66] Khi chính khách nhận hối lộ và phản bội niềm tin của người dân, hành động của họ có tác động tiêu cực đến suy nghĩ của công chúng. Hosono viết, không may thay, hầu hết sự tham nhũng của chính khách, doanh nhân và viên chức đều thoát khỏi nhà tù. Ông kết luận, ngay cả trong những vụ án bất thường, cá lớn luôn hiếm khi bị sa lưới. [67] Hosono đăng lại một vài hình vẽ của báo chí. Một hình được đăng vào ngày 17/11/1926, trên tờ Kokumin Newspaper, thể hiện Chưởng Lý Koyama Matsukichi, mặc quần áo tư pháp, kiểm tra lưỡi của thủ tướng Wakatsuki. Bức tranh này xuất hiện sau khi Minoura cáo buộc Wakatsuki khai man. Thủ tướng nói, “Tôi tin rằng tôi chỉ có một cái lưỡi”. Koyama đáp lại, “Phải, chỉ có một cái lưỡi”. Wakatsuki nói, “Tốt, hãy nhanh chóng xác nhận điều đó”. Koyama trả lời, “Vâng, thưa ngài! Ngay lập tức. Tôi đang đóng dấu phê chuẩn.” [68] Một hình vẽ rất thô tục, được đăng trên tờ Osaka Mainichi Newspaper vào ngày 8/6/1927, phê phán chính sách vô trách nhiệm và tham nhũng của Seiyûkai. Hai chính khách, mặc quần áo như nhân viên quán sushi, được vẽ đang bỏ người dân vào máy xay thịt (gọi là “máy xay”). Dòng chữ được viết cạnh những người dân đang bị bỏ vào máy xay thịt là “máu của dân chúng”. Một nhân viên quán đang giơ cao một cái khay trên đó có đầu máy hơi nước và một cây cầu mang tên Sumida River. Bức vẽ thô tục này minh họa cho nhiều bê bối đường sắt và khoản lại quả của các công ty xây dựng. [69] 

Viết về những vụ bê bối tham nhũng trong nhiệm kỳ chưởng lý của Tòa Án Quận Tokyo, Shiono nói rằng các đảng phái thối nát, do nhu cầu về tiền bạc kiểm soát người của họ, đã nhận hối hối lộ từ doanh nhân. Do điều tra các vụ án này rất khó khăn và nguy hiểm, người của Shionio cố gắng khiến cho các đảng chống lại nhau bằng các tập trung vào các đảng lớn không nắm quyền. Mô hình này không phải lúc nào cũng có hiệu quả; việc điều tra thường xuyên bị ngăn trở. Ông viết, tuy vậy, hầu hết các vụ án đều thành công, với bản án trong một số ví dụ là cho các bộ trưởng trong nội các. Một điểm quan trọng khác trong những vụ án này là công tố viên chỉ đạo việc điều tra, một sự thay đổi so với cách thức thông thường là Ủy Ban Cảnh Sát Đô Thành tiến hành điều tra. Việc công tố viên chỉ đạo điều tra đã ngăn không cho cảnh sát biết chính xác mỗi vụ án sẽ đi đến đâu, do đó hạn chế được việc tiết lộ thông tin. Theo quan điểm của Shiono, các vụ án hối lộ đã gia tăng uy tín của Bộ Tư Pháp trong lòng công chúng và gia tăng uy tín của viên chức tư pháp. [70]

Imamura Rikisaburò, một luật sư xuất sắc, có quan điểm khác. Ví dụ, ông ta coi việc truy tố và xét xử bộ trưởng Bộ Giáo Dục Kobashi Ichita (nội các Hamaguchi) là một phần của âm mưu phá hủy nội các. Hơn nữa, việc công bố trên báo chí vào tháng 11/1929 một lá thư do Wakatsuki Reijirò viết vào tháng 12/1926 là một phần khác của âm mưu đó, trong đó Wakatsuki đã yêu cầu Kusumi Tòma quyên góp cho đảng; lá thư được tìm thấy tại nhà của Kusumi khi nhà chức trách điều tra vụ án hối lộ của Kobashi. Do tài liệu loại này là bí mật nên Imamura cho rằng có mục đích chính trị đằng sau sự công bố. Imamura cũng cho rằng cho rằng viện công tố của Tòa Án Quận Tokyo là chủ mưu trong âm mưu phá hủy nội các này. Imamura cũng cảm thấy rằng đằng sau Shiono là sự hiện diện của Hiranuma Kiichirò, phó chủ tịch Hội Đồng Cơ Mật. [71]

Thủ tướng Hamaguchi, đối mặt với sự khủng hoảng kinh tế lan rộng cả trong nội địa cũng như quốc tế, đã thúc đẩy một kế hoạch khôi phục kinh tế tinh tế trong đó có việc quay lại bản vị vàng. Điều này được hoàn thành vào ngày 11/1/1930. Nội các Hamaguchi cũng thiết lập Ủy Ban Nghiên Cứu Cải Cách Bầu Cử Hạ Viện. Ý tưởng cải cách này được thực hiện cho cuộc bầu cử quốc gia lần thứ 20 vào tháng 2: dự thảo về hệ thống bầu cử của Minseitò kêu gọi nền chính trị trong sạch và thúc đẩy đạo đức của công chúng. [72] Tuy vậy, thắng lợi bầu của lớn của Minseitò “không chịu ảnh hưởng của việc sử dụng các phương pháp mà đảng đã từng lên án trước đây, như việc bộ trưởng Bộ Nội Vụ Adachi [Kenzò] đã thay thế 28 quận trưởng thân Seiyûkai cũng như 118 sự thuyên chuyển khác”. [73] Trong chiến dịch tranh cử, các ứng cử viên thu hút cử tri bằng cách hối lộ truyền thống: mua phiếu bầu vẫn là chìa khóa để chiến thắng. [74] Một báo cáo mật của Bộ Tư Pháp về cuộc bầu cử năm 1930 đã khẳng định rằng hối lộ phổ biến như trong cuộc bầu cử tai tiếng năm 1928 và tại một số nơi các câu lạc bộ môi giới bầu cử đã được tổ chức. [75]

Một người quan sát viết vào năm 1930, 
để đảm bảo đươc đa số ghế tại Hạ Viện…các quỹ dồi dào rất quan trọng. Các thương nhân giàu có hiểu rất rõ điều này và sẵn sàng cung cấp nguồn “tài lực chiến tranh”, mà họ biết rằng những người nắm quyền có thể đáp lại những khoản ứng trước của các thân hữu tư bản bằng những thứ như trợ cấp, bảo hộ, mua sắm và nhiều dạng nhượng bộ khác….Nhu cầu của chính quyền về việc phải có những bạn bè giàu có và hào phóng, cũng như khả năng đáp lại những người bạn này bằng của cải để họ tiếp tục phục vụ một các rộng rãi, trên thực tế là tạo ra vòng tuần hoàn tội lỗi, cần phải bị phá vỡ nếu như chính trị Nhật Bản có thể thanh tẩy được. [76]
Ikeda Seihin, một lãnh đạo cao cấp của Mitsui, nhớ về những năm sau này khi Mitsui đã lớn đến mức “chúng tôi không cần dựa vào sức mạnh của chính quyền nữa….Binh lính thấy chỉ có zaibatsu đưa tiền nên đã nghĩ rằng zaibatsu phải làm điều gì đó bất chính, nhưng tôi không bao giờ làm điều gì bất chính….Zaibatsu nhỏ có thể cố gắng kiếm tiền theo cách đó, nhưng zaibatsu lớn như Mitsui…không sử dụng những phương pháp kinh doanh bẩn thỉu. Tôi không biết về đầu thời Minh Trị, nhưng khi chúng tôi đã mở rộng thì không cần đến những thứ nhỏ nhặt đó.” [77] Trong một bài phỏng vấn thời hậu chiến, Ikeda nói, “Tuy vậy, đôi khi cũng có rắc rối do bị can thiệp hay bế tắc. Hệ quả là sau khi nội các đảng phái phát triển…[chúng tôi mong muốn] chính quyền đảng phái không nhìn chúng tôi với con mắt thành kiến và điều này trở thành nguồn gốc của cái được gọi là quan hệ bất chính giữa zaibatsu và các chính đảng.” [78] Ikeda, trong một bài phỏng vấn thứ ba thời hậu chiến, khẳng định rằng trước khi ông ta trở thành người đứng đầu của Mitsui Gòmei (9/1933) thì “các quỹ tranh cử nói chung đã được Dan Takuma, Ariga Chòbun và Fukui Kikusaburò xử lý riêng, nhưng họ không bao giờ nói với ông ta về những vấn đề đó và không có hồ sơ được lưu giữ tại công ty.” [79] Lời kể thứ ba của Ikeda về sự đóng góp cho các chính khách đã mâu thuẫn với lời kể trước. Nếu như chúng ta chấp nhận sự phủ nhận về bản chất này và coi những đóng góp của Mitsui là đáng tin cậy, thì Ikeda, ít nhất là trước tháng 9/1933, là nguồn tin không đáng tin cậy do những người khác đã xử lý các khoảng đóng góp chính trị và họ không nói gì với ông ta cả.

Richard Sims, bình luận về mối liên hệ zaibatsu – đảng chính trị, đã khẳng định, “Một tác giả, khi thừa nhận sự quan trọng của các đóng góp tài chính từ zaibatsu lớn, đã khẳng định rằng những khoản này không được đổi lấy các lợi ích đặc biệt (như một số quà tặng từ các doanh nhân riêng lẻ) mà dựa trên mối quan hệ lịch sử; và ông ta so sánh chúng với sự hỗ trợ của người hâm mộ một đội bóng chày. Một sự suy diễn tương tự có thể là sự bảo trợ của diễn viên kabuki, hiếm khi vì mục đích tài trợ tiền bạc cho đảng, nếu có, và thường xuyên không phải cho lãnh đạo đảng, mà là cho các chính khách cụ thể mà các lãnh đạo doanh nghiệp có quan hệ cá nhân.” Do vậy, Sims viết, “[N]hững chính khách đó, cũng giống như các doanh nhân giàu có tham gia trực tiếp vào chính trị, ở vị thế có thể nhận được sự biết ơn của chủ tịch đảng hoặc tạo dựng sự ảnh hưởng của bản thân bằng cách tặng “tiền tiêu vặt” cho những hạ nghị sĩ ít có sự hỗ trợ….[R]õ ràng là việc cung cấp tài chính hào phóng mở ra con đường trở thành thành viên của ban lãnh đạo đảng (kambu) và điều này tạo ra cho zaibatsu sự kiểm soát không trực tiếp đối với đảng chính trị.” [80] 

Vào năm 1931, sự thất bại của chính sách kinh tế của Minseitò đã rõ ràng. Suy thoái kinh tế thế giới làm giảm mạnh xuất khẩu và gia tăng thất nghiệp. Nhiều lãnh đạo tài chính kết luận rằng Nhật Bản sẽ buộc phải xóa bỏ chính sách và bãi bỏ chế độ bản vị vàng, cũng như hạ giá đồng yen khi mua ngoại tệ, đặc biệt là đồng dollar. Đối mặt với suy thoái lan rộng, bộ trưởng Bộ Tài Chính Inoue Junnosuke, vào ngày 6/11/1931, bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào chính sách kinh tế của chính quyền. Trong khi đó, báo chí đăng các bài báo về việc ngân hàng Mitsui và các ngân hàng khác đầu cơ ngoại tệ, do vậy đã thuyết phục được nhiều người dân tin rằng các ngân hàng quan tâm tới bảng cân đối tài sản hơn là phúc lợi quốc gia. Thất bị của chính sách kinh tế cùng với việc quân đội chiếm Mãn Châu Lý vào tháng 9 đã dẫn đến sự sụp đổ của nội các Wakatsuki vào ngày 13/12/1931 (Hamaguchi từ chức vào tháng 4 và chết vào tháng 8 vì một vết thương do bị súng bắn). Inukai Tsuyoshi (Seiyûkai) thành lập nội các mới vào cùng ngày. Trong ngày tiếp theo tự do mua bán vàng bị tạm ngừng. Các nhà đầu cơ vàng kiếm lợi lớn; nhiều người dân cáo buộc Mitsui cấu kết với Seiyûkai gây nguy hiểm cho quốc gia để kiếm lợi. [81] Một lý do khiến công chúng có khuynh hướng tập trung cảm giác chống zaibatsu vào Mitsui hơn các công ty lớn khác là do hình ảnh hoạt động kinh doanh truyền thống của Mitsui đã ăn sâu vào đầu óc người bình thường, vốn cho rằng công ty này thèm khát lợi nhuận bằng mọi giá. [82] 

Cựu bộ trưởng Bộ Tài Chính Inoue (nội các Hamaguchi) bị sát hại vào ngày 9/2 và Dan Takuma (lãnh đạo của Mitsui và là chủ tịch Câu Lạc Bộ Công Nghiệp Nhật Bản) bị giết vào ngày 5/3/1932. Cả hai vụ sát hại đều do các thành viên của Nhóm Hiệp Ước Máu (Ketsumeidan), do một nhà sư Phật giáo tên là Inoue Nisshò lãnh đạo, thực hiện. Vụ bắt giữ Inoue đã khám phá ra âm mưu giết hại một tá các chính khách và doanh nhân nổi tiếng. [83] Tại phiên tòa xét xử các nghi phạm giết người, Inoue khẳng định, “để đề cao hiến pháp và chính quyền đại nghị; điều duy nhất mà tôi chống lại là tình trạng tham nhũng hiện nay của chính quyền đảng phái. Để giải thoát đất nước này khỏi nó, tôi cho rằng cần phải xử lý những người có quyền thống trị nó.” [84]

Một tháng sau khi nhậm chức, thủ tướng Inukai giải tán Hạ Viện để chuẩn bị cho tổng tuyển cử. Không giống như nhiều người đương thời, Inukai được công chúng coi là một chính khách trong sạch, thực tâm mong muốn bài trừ tham nhũng chính trị. Để kiểm soát Seiyûkai, Inukai cấm sử dụng các chiến thuật chính trị bất minh và ra lệnh cho các thành viên phải nỗ lực vì chính trị trong sạch. Cương lĩnh chính trị mà ông ta đề ra cho Seiyûkai có cả nguyên tắc cải cách bầu cử. Trong tổng tuyển cử ngày 20/2/1932, đảng của Inukai đã thắng với tỷ lệ chưa từng có – (303 ghế so với 146 ghế của Minseitò), một đa số còn lớn hơn cả thời kỳ thắng lợi của Hara vào năm 1920. Mặc dù Minseitò tuyên bố rằng Inukai thắng nhờ mua phiếu bầu và can thiệp của chính quyền, nhưng đây là một cuộc bầu cử tương đối trong sạch. [85] Vào ngày 15/5/1932, các viên chức hải quân và sĩ quan quân đội, một số có liên hệ với Nhóm Hiệp Ước Máu, đã sát hại Inukai. Một phần trong động cơ của họ là sự tham nhũng chính trị của tầng lớp thống trị. [86] Đây cũng là dấu chấm hết cho kỷ nguyên của chính quyền đảng phái thời tiền chiến.

Mặc dù các thống kê thường mang đến nhiều diễn giải khác nhau cũng như một số học giả thường coi chúng là phi lý, song chúng mang đến cho chủ đề tham nhũng chính trị một sự định hình rõ nét. Danh sách dưới đây sẽ cho thấy số lượng các vụ án hối lộ bị xét xử vì vi phạm luật bầu cử. [87] 

1908
1.338
1924
13.986
1912
3.329
1928
8.745
1915
7.278
1930
17.124
1917
22.932
1932
6.426
1920
5.266




Công tố viên Hirata Naratarò, thực hiện một nghiên cứu bí mật về hối lộ chính trị, cho rằng của số vụ hối lộ đã giảm đột ngột vào năm 1928, bất chấp sự thật là số cử tri đã tăng gấp bốn lần so với năm 1924, là nhờ việc chính quyền công bố thông tin về các hình phạt nghiêm khắc đối với tội vi phạm Luật Bầu Cử, cùng với việc có thêm rất nhiều cử tri mới, khiến cho hệ thống mua phiếu bầu cũ bị nhiễu loạn. Sự giảm đột ngột là rất đáng quan tâm khi mà cuộc bầu cử năm 1928 thường bị lên án là một trong những cuộc bầu cử bẩn thỉu nhất. [88] Theo Hirata, lý do cho sự suy giảm đột ngột vào năm 1932 có hai phần: sự cố nhạy cảm Thượng Hải đã làm công chúng bị phân tâm và cảnh sát ít gắt gao bắt giữ hơn. [89] 

Bảng 1.  Chức Vụ Của Những Người Bị Truy Tố Vì Hối Lộ Bầu Cử


Ứng cử viên
Quản lý bầu cử
Thành viên ủy ban bầu cử
Nhân viên văn phòng bầu cử
1928
10
16
444
51
1930
19
30
944
41
1932
1
9
363
21


Bảng 1 cho thấy số người bị xét xử vì tội hối lộ bầu cử trong ba cuộc bầu cử cuối của thời kỳ nội các đảng phái. [90] Những con số này đã ủng hộ cho quan điểm của Hirata về việc công chúng bị phân tâm và sự giám sát của cảnh sát lơi lỏng hơn so trong năm 1932. Hơn nữa, sự suy giảm đột ngột trong việc vi phạm tất cả các điều khoản của Luật Bầu Cử từ 18.010 (năm 1930) xuống 9,869 (năm 1932) cũng hỗ trợ cho quan điểm của ông. [91]

Công tố viên Hirata coi sự giảm đột ngột của các vụ án hình sự năm 1932 là sự sai lệch khó có thể lặp lại. Ông cho rằng hối lộ đã ăn sâu vào nền tảng chính trị khiến nó gần như không thể bị bài trừ tận gốc. Giải pháp duy nhất cho vấn đề là xóa bỏ các đảng phái chính trị. [92] 

Chương này đã cho thấy rằng hối lộ chính trị là phổ biến. Chính khách dường như sẵn sàng chấp nhận mua phiếu bầu và các vi phạm luật bầu cử khác là một phần của quy trình chính trị thông thường. Tiền đổi lấy phiếu ủng hộ các đạo luật tại Hạ Viện cũng được những người tham gia coi là một phần của quy trình chính trị bình thường. Khi được hỏi về sự hợp pháp của các khoản tiền nhận được, các chính khách che giấu hối lộ chính trị bằng cách nói rằng đó là tiền quyên góp cho chiến dịch tranh cử. Do vậy, bất chấp các cương lĩnh tranh cử, hối lộ chính trị đã nở rộ trong thời kỳ nội các đảng phái giống như những năm trước đó. Nhà cải cách tự do Yoshino Sakuzò, vào năm 1916 viết đầy lạc quan về tương lai của chính quyền đại nghị, nhưng sau này lại trở thành cực kỳ bi quan

Phổ thông đầu phiếu không tạo ra một hệ thống chính trị tốt hơn như Yoshino đã hy vọng; trái lại nó gia tăng các hoạt động tham nhũng lên mức cao hơn. [93] Yoshino cho rằng các chính khách 
đã bị mắc bẫy…trong “các mối quan hệ về lợi ích” khiến họ hầu như không thể tự phê phán những thể chế mà họ đang trú ẩn trong đó. Khi họ sử dụng sự cưỡng bức kinh tế và chính trị để giành lấy các khu vực ứng cử, họ đã khiến cho hệ thống Hạ Viện duy trì một đa số tham nhũng và sự bất bình đẳng của văn hóa tư sản….Yoshino kết luận rằng các chính khách nói chung không thể kỳ vọng thay đổi hệ thống Hạ Viện từ bên trong do mối quan tâm chính của họ là xây dựng một cơ sở quyền lực có tổ chức và lựa chọn các chính sách tốt nhất tại một thời điểm nhất định, bằng “các thủ đoạn”. [94] 
Mặc dù hối lộ chính trị nở rộ trong thời kỳ này, việc viện công tố Tokyo của Shiono truy tố gắt gao các vụ án hối lộ cũng cho giới chính trị thấy rằng không thể bất chấp luật pháp với sự miễn trừ. Thanh gươm công lý của Shiono đã tấn công cả hai chính đảng lớn: bộ trưởng Kobashi (Minseitò) và bộ trưởng Ogawa (Seiyûkai). Bảng 2 cho thấy kết quả của các vụ án liên quan đến 7 viên chức chính quyền quan trọng đã được trình bày tại chương này. Toàn quyền Yamanashi, cựu bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, được tính là một bộ trưởng.


Bảng 2. Kết Quả Các Vụ Án Liên Quan Tới Viên Chức Chính Quyền


Truy tố chính thức
Bị kết án
Hoãn thi hành án
Trắng án
Ngồi tù
Bộ trưởng
4
2
1
2
1
Thứ trưởng
1
1
1


Cục trưởng
1
1


1
Thư ký
1
1


1
Tổng cộng
7
5
2
2
3


Đáng chú ý nhất trong bảy vụ án này là Ogawa, bộ trưởng duy nhất phải ngồi tù. Bình luận tiếp theo của Harada Kumao, thu thập thông tin tình báo chính trị cho hoàng tử Saionji Kinmochi, cho thấy rằng Ogawa coi việc truy tố và xét xử ông ta vì tội hối lộ là mưu hại chính trị. Harada viết, “Tôi bất ngờ được biết về việc Ogawa mới [11/1930] đến gặp Konoe [Fumimaro] để nói rằng ông ta cảm thấy đáng tiếc là Suzuki [Kisaburò] đã gây ra vụ bắt giữ để ngăn không cho ông ta trở thành chủ tịch của Seiyûkai.” [95]

Rõ ràng là vấn đề pháp lý và thời gian ngồi tù đã ảnh hưởng tới sự nghiệp chính trị của Ogawa, nhưng chúng không khiến ông ta bị lãng quên về mặt chính trị. Trong khi xét xử, ông ta đã tái cử Hạ Viện (1932) và giữ ghế cho đến khi bị đánh bại vào năm 1936. Những người ủng hộ ông ta vẫn trung thành và danh tiếng là chuyên gia về Trung Quốc không bị tổn hại. Sau khi được thả, ông ta trở thành cố vấn thân cận của thủ tướng Konoe Fumimaro. Sau đó, ông ta tới Hong Kong trong một chuyến đi phi chính thức để ngăn chặn chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản. [96] Bản án (nhưng được hoãn thi hành án) của cựu bộ trưởng Kobashi Ichita cũng không chấm dứt sự nghiệp chính trị: vào năm 1937, ông ta trở thành thị trưởng của Tokyo. [97]

Vào cuối những năm 1920, nhiều vụ bê bối liên quan đến hối lộ và can thiệp bầu cử đã tràn ngập trang nhất của báo chí và khiến cho tòa án bận rộn. Những cáo buộc tham nhũng cùng với việc các chính khách cấp cao bị kết án đã hạ uy tín của thành viên hạ viện và làm giảm sức hút của chính quyền đảng phái. Những người phản đối chính quyền đảng phái, vui mừng với viễn cảnh đảng phái tự tan rã, đã nhanh chóng xát thêm muối vào vết thường bằng cách cáo buộc các chính khách có sự lệch lạc hệ tư tưởng. Trong vấn đề này, các chính khách đã có vài năm vô ý hỗ trợ các kẻ thù của họ.

Ishida Takeshi viết, 
Sự gia tăng của số lượng cử tri bắt nguồn từ phổ thông đầu phiếu cho nam giới, cùng với khuynh hướng chung về đô thị hóa, đã buộc các đảng chính trị phải áp dụng chiến thuật tranh cử mới. Không chỉ sự gia tăng về số lượng mà cả sự khác biệt về chất lượng của cử tri mới cũng đều tạo ra sự bất lợi cho các đảng chính trị chỉ dựa trên sự ảnh hưởng truyền thống của các khu vực đáng chú ý…ở các vùng nông thôn. Trái lại, các đảng phải xuất hiện trực tiếp hơn trước cử tri, sử dụng các khẩu hiệu tình cảm, tờ rơi và biểu ngữ hàng loạt….[Theo Ishida, vũ khí có uy lực nhất được sử dụng] trong bầu cử là cáo buộc đảng khác tham nhũng và lệch lạc tư tưởng; một đảng có thể chỉ trích đảng khác bằng cách nói rằng đối thủ của họ không “thực hiện các cử xử phù hợp theo như quy định của hoàng đế.” Kiểu exposé và cáo buộc này đều được các đảng lớn dùng để chống lại nhau, phá hủy niềm tin của người dân vào hệ thống đảng phái nói chung. Do vậy, các đảng đã tự đào mồ chôn mình. [98] 
Một trong những nhóm có ảnh hưởng nhất đã lên án các đảng vì tham nhũng và lệch lạc tư tưởng là Hiệp Hội Quỹ Quốc Gia (Kokuhonsha) mà Hiranuma Kiichirò là chủ tịch. Hiranuma và những người khác thành lập nhóm này để phản ứng lại âm mưu ám sát hoàng tử kế vị của của kẻ tự xưng là cộng sản, Nanba Daisuke, vào năm 1923 (khi Hiranuma là bộ trưởng Bộ Tư Pháp dưới thời nội các Yamamoto Gonnohyòe). Mục đích của tổ chức mới là khai sáng cho công chúng về những hệ tư tưởng nước ngoài nguy hiểm. Bắt đầu từ năm 1924, nhóm này đã kết hợp với một bộ phận lớn các viên chức dân sự và quân sự quan trọng với nhóm viên chức bộ tư pháp đang là lực lượng lãnh đạo. Vào cuối năm 1926, gần một thành viên nửa hiệp hội có liên quan tới Bộ Tư Pháp. Phần nhiều năng lượng của họ đã được dùng để bài trừ tư tưởng cộng sản. Tổ chức được mở rộng trên quy mô quốc gia và có số lượng thành viên lên đến 80.000 người. [99] Khi tổ chức này trưởng thành, thái độ chống chính trị đảng phái của hiệp hội bắt đầu xuất hiện trên ấn phẩm Kokuhon của nó. 

Hiranuma đánh giá chính trị đảng phái với thái độ hỗn hợp. Một mặt, các trận chiến đảng phái và sự tham nhũng doanh nghiệp-đảng của những năm 1920 khiến ông ta phẫn nộ; mặt khác với tư các là một viên chức quyền lực có kế hoạch cải cách chính quyền, đôi khi ông ta cũng phải hợp tác với các đảng phái. Mặc dù phe Hiranuma-Suzuki đôi khi cũng hỗ trợ Kenseikai hay Minseitò song họ thường xuyên ủng hộ Seiyûkai hơn (Suzuki đã tham gia Seiyûkai vào năm 1926). Bất chấp hành động chính trị này, Hiranuma ngày càng không hài lòng với đảng phái. Tuy vậy, Hiranuma có tham vọng chính trị và một số người ủng hộ mong muốn ông ta trở thành thủ tướng. [100] Trong những trận chiến đảng phái cuối thời Taisho và đầu thời Showa, phe Hiranuma-Suzuki đã ủng hộ Tanaka trong việc lật đổ nội các Wakatsuki; cũng chính phe này đã rất tích cực tấn công nội các Minseitò của Hamaguchi về vấn đề phê chuẩn Hiệp Ước Hải Quân London. [101]

Hiranuma và những cây bút khác của Kokuhon đã thường xuyên lên án tham nhũng và sự lệch lạc hệ tư tưởng của các đảng chính trị. Viết trên số Năm Mới 1925, Hiranuma chỉ ra rằng các chính khách chỉ quan tâm tới tranh giành quyền lực và không quan tâm tới lợi ích quốc gia. Vào số tháng 4, Nagai Zenzò khẳng định rằng phổ thông đầu phiếu sẽ không loại trừ được việc Hạ Viện bị bê bối xâu xé. Về Luật Bảo Vệ Hòa Bình năm 1925, nhằm mục đích đàn áp cộng sản, cây bút viết cho tờ Kokuhon đã coi luật đó là hữu ích để ngăn chặn tham nhũng chính trị và giúp cho các đảng chính trị nhanh chóng xuống mộ. Luật sư Takeuchi Kakuji, một thành viên thân cận với Hiranuma, lợi dụng vụ bê bối liên quan đến gã vô chính phủ Pak Yôl (liên quan đến một bức ảnh Pak và vợ do quan tòa chụp), viết rằng bức ảnh này chứng minh rằng nhà tù là cái ổ vô đạo đức và nghi phạm ám sát đã nhận được sự chăm sóc đặc biệt. Dường như những người ủng hộ Kokuhonsha ở Bộ Tư Pháp không chỉ cung cấp những bức ảnh phá hoại mà còn tiết lộ các thông tin liên quan đến vụ bê bối nhà thổ Matsushima, hy vọng rằng sẽ khiến Wakatsuki mất chức. [102] Mitsui Kòshi, trong một bài báo xuất bản tháng 7/1927, đã lên án Minseitò mới được thành lập, khẳng định rằng “minsei” đồng nghĩa với “demokurashii” (dân chủ), “”một cái tên che dấu chế độ chuyên quyền” của đa số nghị viện.” Đây là một khái niệm nước ngoài xấu xa. Do vậy, tên đảng mới trên thực tế là “sự đồng lõa từ bên trong với sự xâm lược bolshevic của chủ nghĩa cộng sản!” [103] Thay vì phụng sự quốc gia, Hiranuma viết vào tháng 1/1930, các chính khác chỉ tạo ra các bê bối xấu xí, khiến cho những tư tưởng nguy hiểm được phổ biến. [104]

Chú thích

1. Norman S. Hastings, “The Seiyûkai and Party Government in Japan, 1924–1932,” 129–130.
2. Quoted in Rikitaro Fujisawa, The Recent Aims and Political Development of Japan, 121.
3. Duus, Party Rivalry, 107; Sims, Political History, 153–154.
4. Tetsuo Najita, Hara Kei, 221; Duus, Party Rivalry, 136.
5. Quoted in Oka, Five Political Leaders, 119.
6. Scalapino, Democracy, 278–279.
7. Oka, Five Political Leaders, 119.
8. Quoted in ibid.
9. Quoted in ibid., 120.
10. Young, Japan in Recent Times, 240–243.
11. Kyoto daigaku bungakubu kokushi kenkyû shitsu, ed., Nihon kindai shi jiten, 573.
12. Ibid., 390; Scalapino, Democracy, 279.
13. Young, Japan in Recent Times, 240–244; Oka, Five Political Leaders, 120; Sanseidò henshûjo, ed., Konsaisu jinmei jiten, 445–446; Kyoto daigaku, Nihon
kindai shi jiten, 14.
14. Young, Japan in Recent Times, 243.
15. Quoted in Scalapino, Democracy, 280.
16. Sharon Minichiello, Retreat from Reform: Patterns of Political Behavior in Interwar Japan, 64.
17. Scalapino, Democracy, 280.
18. Peter Duus, “Nagai Ryûtarò: The Tactical Dilemmas of Reform,” Personality in Japanese History, 413.
19. Minichiello, Retreat from Reform, 134–135 n. 18.
20. Sims, Political History, 143; Hunter, Modern Japanese History, 248.
21. Oka, Five Political Leaders, 121–122; Sims, Political History, 154.
22. Duus, Party Rivalry, 199, 202–203; Sims, Political History, 159.
23. Mitani Taichirò, “The Establishment of Party Cabinets, 1898–1932,” 71; for a complete text of the law, see Fujiike Kinroku, ed., A Guide to the Imperial Japanese Diet, 55–86; for Hara Kei’s views on changes in 1919, see Mitani, “Party Cabinets,” 85.
24. Hayashida Kazuhiro, “Development of Election Law in Japan,” 38–39; Notes to Pages 45–52 169 Harold S. Quigley, Japanese Government and Politics: An Introductory Study, 401–402; Hirata, Senkyo hanzai no kenkyû, 13, 17, 20; for the text of the 1925 law, see Quigley, Japanese Government and Politics, 401–402.
25. Uchida Mitsuru, “Changing Aspects of Spectatorial Democracy in Japan,” 3.
26. Quigley, Japanese Government and Politics, 262.
27. Ibid., 257, 262–264.
28. Duus, Party Rivalry, 129–130.
29. Quoted in ibid., 130.
30. Tsurumi Yûsuke, “Universal Suffrage Seen as the Antidote to Big Money Elections (1924),” 61, 63.
31. Hastings, “Party Government,” 44, 48.
32. Ibid., 78; also see Quigley, Japanese Government and Politics, 268–269.
33. Hastings, “Party Government,” 48.
34. Òshima Tarò, “Kunshò—tetsudò gigoku jiken: Seitò seiji ni okeru oshoku no rotei,” 312; William F. Morton, Tanaka Giichi and Japan’s China Policy, 45, 235 n. 36; Scalapino, Democracy, 286.
35. Koizumi Terusaburò, Sanjûkyûken no shinsò: Hiroku Taisho Showa jidai shi, 156.
36. Òshima Mitsuko, “Matsushima Yûkaku iten jiken: Riken o meguru seitò no fuhai jiken,” 100.
37. Ibid., 106.
38. Richard H. Mitchell, Janus-Faced Justice: Political Criminals in Imperial Japan, 44–45; Duus, Party Rivalry, 227–228.
39. Òshima Mitsuko, “Matsushima Yûkaku,” 97–98.
40. Ibid., 98–100; Sanseidò, Konsaisu jinmei jiten, 1007–1008.
41. Òshima Mitsuko, “Matsushima Yûkaku,” 100, 106, 108; Aritake Shûji, Showa no saishò, 44.
42. Kawasaki Takukichi Denki Hensankai, Kawasaki Takukichi, 330–332.
43. Ibid., 336–337.
44. Òshima Mitsuko, “Matsushima Yûkaku,” 105–106, 109, 111–112.
45. Hosono Nagamori, Shisò akka no moto, 321–322.
46. Shiono Suehiko kaikoroku kankòkai, Shiono Suehiko kaikoroku, 246–249, 439. Itò Takashi, Showa shoki seijishi kenkyû, 366–367.
47. Richard H. Mitchell, Thought Control in Prewar Japan, 82–86, 125.
48. Leonard A. Humphreys, The Way of the Heavenly Sword: The Japanese Army in the 1920s, 63, 198–199 n. 69.
49. Òshima Tarò, “Kunshò,” 312–313.
50. Shiono, Shiono Suehiko kaikoroku, 259–260.
51. Ibid., 260.
52. Òshima Tarò, “Kunshò,” 316.
53. Ibid., 317–318.
54. Japan Weekly Chronicle, July 18, 1935, 81.
55. Ibid.
56. Ogawa Heikichi bunsho kenkyûkai hen, Ogawa Heikichi kankei bunsho 1:91.
57. Quoted in ibid., 316.
170 Notes to Pages 52–59
58. Ibid.
59. Òshima Tarò, “Kunshò,” 320; Sanseidò, Konsaisu jinmei jiten, 248.
60. Ibid., 305–311, 313, 316; Shiono, Shiono Suehiko kaikoroku, 256, 259.
61. Kyoto daigaku, Nihon kindai shi jiten, 45; Sanseidò, Konsaisu jinmei jiten, 464.
62. Shiono, Shiono Suehiko kaikoroku, 261; Kyoto daigaku, Nihon kindai shi jiten, 45.
63. Matsuzaka Hiromasa den kankòkai, Matsuzaka Hiromasa den, 48.
64. Òshima Tarò, “Kunshò,” 311.
65. Hosono, Shisò akka no moto, 316.
66. Ibid.
67. Ibid., 316–317.
68. Quoted in ibid., 321.
69. Ibid., 322.
70. Shiono, Shiono Suehiko kaikoroku, 248–249.
71. Itò Takashi, Showa shoki seijishi kenkyû, 373–374.
72. Scalapino, Democracy, 288; Sims, Political History, 175; Quigley, Japanese Government and Politics, 418; Gordon M. Berger, Parties Out of Power in Japan, 1931–1941, 33.
73. Sims, Political History, 175.
74. Scalapino, Democracy, 237 n. 87; Hastings, “Party Government,” 107.
75. Hirata, Senkyo hanzai no kenkyû, 21.
76. M. D. Kennedy, The Changing Fabric of Japan, 169.
77. Quoted in Tiedemann, “Business and Politics,” 284.
78. Quoted in ibid., 285 n. 26.
79. Ibid.
80. Sims, Political History, 189.
81. Ibid., 178; Scalapino, Democracy, 289; Hunter, Modern Japanese History, 54, 281; William M. Fletcher III, The Search for a New Order: Intellectuals and Fascism in Prewar Japan, 41; idem, The Japanese Business Community and National Trade Policy, 1920–1942, 69–71.
82. Tiedemann, Business and Politics, 289, 292.
83. Sims, Political History, 187; Hane, Modern Japan, 252.
84. Quoted in Japan Weekly Chronicle, July 6, 1933, 22.
85. Hastings, “Party Government,” 93–94, 96, 101–102, 285; Oka, Five Political Leaders, 170; Sims, Political History, 185–186; Hirata, Senkyo hanzai no kenkyû, 681.
86. David A. Sneider, “Action and Oratory: The Trials of the May 15th Incident of 1932,” 6, 9, 34.
87. Hirata, Senkyo hanzai no kenkyû, 81; Ròyama Masamichi, Nihon seiji dòkò ron, 395.
88. Hastings, “Party Government,” 44; also see Sheldon Garon, The State and Labor in Modern Japan, 148.
89. Hirata, Senkyo hanzai no kenkyû, 682.
90. Ibid., 493, 542, 682, 686–687.
91. Ibid., 79, 682.
92. Ibid., 78. Notes to Pages 60–66 171
93. Tetsuo Najita, “Some Reflections on Idealism in the Political Thought of Yoshino Sakuzò,” 56, 58–59.
94. Ibid., 56–57.
95. Quoted in Harada Kumao, Fragile Victory: Prince Saionji and the 1930 London Treaty Issue from the Memoirs of Baron Harada Kumao, 277.
96. Hastings, “Party Government,” 79 n. 83; Sanseidò, Konsaisu jinmei jiten, 248.
97. Ibid., 464.
98. Ishida Takeshi, “Urbanization and Its Impact on Japanese Politics—A Case Study of a Late and Rapidly Developed Country,” 5.
99. Itò Takashi, Showa shoki seijishi kenkyû, 353–356, 358–359. Although most books cite 1924 as the establishment date for the Kokuhonsha, Itò Takashi sees it as part of several earlier groups. At any rate, the first issue of Kokuhon was published on January 1, 1921. Ibid., 355.
100. Ibid., 361–363, 366–367.
101. Itò Takashi, “Conflicts and Coalitions in Japan, 1930: Political Groups [and] the London Naval Disarmament Conference,” 165–166, 168–170, 172–173.
102. Christopher W. A. Szpilman, “The Politics of Cultural Conservatism: The National Foundation Society in the Struggle against Foreign Ideas in Prewar Japan, 1918–1936,” 118, 118 n. 4, 122, 124, 126.
103. Quoted in ibid., 130–131.
104. Ibid., 135.

1 comment:

  1. Các quốc gia muốn phát triển thực sự nhanh chóng, vững mạnh và ổn định tốc độ cần phải tieu diệt được bệnh tham nhũng, hối lộ. Nó chính là bước cản phát triển đất nước

    ReplyDelete