Thursday, December 31, 2015

Phim Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao và cái chết của điện ảnh Hoa Kỳ

Điện ảnh là chính trị, tất nhiên có nhiều người sẽ phản đối điều này. John Wight trong bài "Star Wars and the Death of American Cinema" đã mô tả quá trình thành công của những bộ phim bom tấn ăn khớp với sự tiến triển của bối cảnh chính trị Hoa Kỳ. Những người hoài nghi về thứ điện ảnh phi chính trị có thể hiểu rõ hơn cơ chế phức tạp mà chính trị tác động tới điện ảnh, phức tạp hơn nhiều so với câu chuyện tào lao kiểu như Kim Jong-un của Triều Tiên ra lệnh cho nhà làm phim nào đó sản xuất bộ phim ca ngợi chủ tịch quá cố Kim Jong-il mà những người ủng hộ điện ảnh phi chính trị vẫn bám lấy. 

Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao và cái chết của điện ảnh Hoa Kỳ

“Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao” là câu chuyện đơn giản, kể một các đơn giản, về cái tốt đối đầu với cái xấu, ánh sáng đối đầu với bóng tối, tự do đối đầu với sự bạo ngược. Hay nói một cách khác là câu chuyện về một nước Mỹ cố gắng đấu tranh để bảo vệ dân chủ và văn minh trong một thế giới bị cái xấu và “những kẻ làm điều xấu” bao vây.

Điện ảnh và tuyên truyền chính trị từ lâu đã đồng hành với nhau. Nếu như có bất cứ phương tiện nào phù hợp với tuyên truyền thì đó phải là điện ảnh. Nếu như có ngành công nghiệp nào được coi là đã tạo ra một sự thay thế hiện thực hiệu quả đến mức đã thuyết phục được nhiều thế hệ người Mỹ và các dân tộc khác về một thế giới bị đảo ngược, đen thành trắng, trái thành phải, thì đó phải là Hollywood. 

George Lucas, tác giả kịch bản phim Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao, bao gồm cả phần mới nhất, đã tạo ra bảy bộ phim kể từ phần đầu tiên xuất hiện năm 1977, cùng với Steven Spielberg là con đẻ của sự phản ứng trước phong trào phản văn hóa Mỹ những năm 1960 và đầu những năm 1970. 

Bằng những sản phẩm của cả hai trong những năm 60 – một thập kỷ mà văn hóa và nghệ thuật, nhất là là điện ảnh, là mặt trận kháng chiến chống lại tổ hợp công nghiệp quân sự Hoa Kỳ - Lucas và Spielberg trở nên sáng chói vào giữa những năm 1970 với những bộ phim gán cho chính quyền vai trò kẻ bảo vệ và áp đặt luân lý quốc gia thay vì đả phá hay hoài nghi về nó. Đây là thời kỳ điện ảnh Hoa Kỳ có văn hóa sống động, chói lọi và được chào đón nhất - thời kỳ đã sản sinh ra những bộ phim kinh điển như ‘Bonnie and Clyde’, ‘MASH’, ‘The Last Detail’, ‘The French Connection’, ‘The Wild Bunch’, ‘Taxi Driver’, ‘Apocalypse Now’ – cùng với phim “Jaws” của Spielberg năm 1975, sau đó là phim “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao” của Lucas vào năm 1977. Những bộ phim trước khiến người Mỹ sợ hãi, còn những bộ phim sau lại khiến người Mỹ cảm thấy yên ổn.

Cả hai bộ phim cùng tạo ra khái niệm về phim bom tấn, trong đó khán giả được khuyến khích cảm giác thay vì suy lý, cho phép họ đẩy lùi sự hoài nghi và thoát khỏi thực tại, thay vì chia sẻ kinh nghiệm của sự đối đầu, thông qua những câu chuyện về các nhân vật xa lạ thể hiện sự tức giận, thất vọng, bực bội và sự chống đối mà bản thân họ đã trải qua trong cuộc sống, do vậy tạo ra cảm giác đoàn kết.

Đó là kỷ nguyên của phản anh hùng, những nhân vật chính mà đối với họ là hệ thống và sự tuân phục là kẻ thù, cũng như những ai hành động đơn độc bất chấp hậu quả. Sự hoài nghi về thẩm quyền cũng như sự thật đập vào mắt đã phản ánh về một đất nước có người còn trẻ và không còn trẻ đang khát khao sự thay đổi lớn lao. Chiến tranh ở Việt Nam, Watergate, phong trào đòi quyền công dân của người da màu cũng như phong trào quốc gia đã lay chuyển xã hội Hoa Kỳ và cùng với nó là văn hóa và thẩm quyền văn hóa.

Nhưng vào giữa những năm 1970, cùng với sự kết thúc Chiến Tranh Việt Nam và phản văn hóa đã thoái trào, sự xa lạ, giận dữ cũng như nổi loạn cần phải được đóng lại và huyền thoại về giấc mơ Mỹ cũng như dân chủ cần phải được phép tiếp tục thống trị.

Trong cuốn sách lịch sử vô song về thời kỳ sống động của điện ảnh Hoa Kỳ - “Easy Riders, Raging Bulls” – tác giả và nhà phê bình văn hóa Peter Biskind viết:
“Sau tác động của đối với marketing và thương mại hóa điện ảnh, bộ phim Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao còn có tác động mạnh mẽ đối với văn hóa. Nó được hưởng lợi từ sự kiểm duyệt của chính quyền Carter [tổng thống Jimmy Carter], sự dịch chuyển về trung tâm sau khi kết thúc Chiến Tranh Việt Nam.”
Sự dịch chuyển về trung tâm này trở thành sự dịch chuyển sang cánh hữu dưới thời Reagan, thể hiện ở Hollywood sự trì trệ về văn hóa cũng như nghệ thuật, mà các nhà đạo diễn như Spielberg và Lucas trở nên ít quan tâm tới câu chuyện và tính cách, tập trung hơn vào hình ảnh. Lớn hơn, ồn ào hơn và giàu có hơn là câu thần chú khi mà tính cách hai mặt và cốt truyện cho khả năng hình dung và sức tưởng tượng của đứa nhóc mười tuổi chiếm địa vị thống trị. 

Biskind viết:
“Lucas hiểu rằng thể loại và quy ước điện ảnh phụ thuộc vào sự đồng thuận, tập hợp các giả định được chia sẻ đã kết thúc vào những năm 1960. Ông ta tái tạo và tái khẳng định những giá trị đó, Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao cùng với chủ nghĩa luân lý bảo thủ Manichean của nó, trắng là trắng mà đen là đen, đã khôi phục các giá trị bị bóp nghẹt như chủ nghĩa anh hùng và chủ nghĩa cá nhân.” 
Phần mới nhất của Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao, do J. J. Abrams đạo diễn, Lucas chỉ còn được nhắc đến trong lời cảm ơn sau khi đã bán thương quyền cho hãng Disney vào năm 2012 với giá 4,05 tỷ dollar. Bạn đừng ngạc nhiên; ông ta bán nó với giá 4,05 tỷ dollar. Chừng đó tiền đủ để mua cho bạn cả núi kiếm ánh sáng.

Hãng Disney và Abrams đã kịp thời khi thương quyền đến hạn tái đăng ký, đưa bộ phim quay lại nguyên bản của nó với sự trở lại của Han Solo (Harrison Ford), công chúa Leia (Carrie Fisher), Luke Skywalker (Mark Hamill), cũng như những nhân vật được yêu thích là Chewbacca và R2D2. Trong phần giới thiệu về Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao còn có sự xuất hiện của phi thuyền không gian Millennium Falcon của Han Solo. Nhân vật phản diện trong phim, Darth Vader, được gọi là Kylo Ren, do Vladimir Putin…xin lỗi Adam Driver đóng. Một điểm thú vị nằm trong sự thay đổi của cốt truyện với những nhân vật này. Hãy lưu ý rằng, chúng ta đang nói về sự “đáng chú ý” liên quan đến phần còn lại của cốt truyện. Chúng ta không nói về Roman Polanski và “Chinatown” ở đây.

Bộ phim cũng có những vai chính cho hai người tương đối vô danh, cả hai đều là người Anh: Rey, có đôi mắt biết kể chuyện, do Daisy Ridley đóng, còn Finn do John Boyega đóng.

Sau tất cả những sự cường điệu quanh sự phát hành bộ phim cũng như các đánh giá say sưa mà nó thu nhận được, phần mới nhất của thương quyền Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao kéo dài và không nguyên bản – “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao: The Force Awakens” – rối rắm và rập khuôn khó chịu cho thấy nó không thể phát triển mà không có vấp váp.

Dĩ nhiên, khía cạnh tranh cãi nhất của bộ phim không phải là cuộc chiến giữa cái tốt và cái xấu như nó thể hiện mà là tin tức Harrison Ford được trả cao gấp 76 lần diễn viên mới Daisy Ridley để tham gia vào bộ phim. Gói thù lao của diễn viên 73 tuổi này bao gồm tiền thù lao cho vai chính là 20 triệu dollar cộng với 0,5% của doanh thu trước thuế của phim, vốn được dự báo là khoảng 1,9 tỷ dollar.

Đó là bằng chứng cho thấy câu chuyện về nước Mỹ không phải là cái tốt đối đầu với cái xấu hay ánh sáng đối đầu với bóng tối. Trái lại, đó là câu chuyện về kẻ siêu giàu đối đầu với mọi người còn lại.

John Wight is the author of a politically incorrect and irreverent Hollywood memoir – Dreams That Die – published by Zero Books. He’s also written five novels, which are available as Kindle eBooks. You can follow him on Twitter at @JohnWight1

1 comment:

  1. Mình cũng nghe truyền thông quảng cáo về bộ phim này. Nge các bạn mê phim Mỹ xem và kể lại. Và thấy là nó cũng không đột phá lắm trong các ý tưởng

    ReplyDelete