Friday, December 11, 2015

Du học sinh nên về hay ở lại?

Học xong về hay ở?

Câu hỏi này hầu như du học sinh nào cũng phải đối mặt. Có nhiều người bi quan lấy cớ rằng xã hội Việt Nam kém phát triển, hay chính quyền thối nát không trọng dụng nhân tài nên dù có làm cu li ở nước ngoài cũng không về, tất nhiên là họ làm cu li ở mấy nước giàu có chứ không làm cu li ở mấy nước nghèo hơn Việt Nam. 

Tôi cũng từng học nước ngoài nhiều năm. Thời còn nông nổi cũng có cái suy nghĩ là nước Việt Nam nghèo rồi chính quyền kém cỏi, không trọng dụng người tài, về rồi cũng chả có chỗ đứng. 

Vào mùa hè, tôi thường đi làm ở các nhà máy để kiếm tiền học. Ở những nhà máy ấy tôi quen nhiều người vùng Đông Âu, mỗi năm họ chỉ được phép đến đó làm việc vài ba tháng. Họ thường là nông dân ở các vùng hẻo lánh và rất nghèo, cố gắng làm vài ba tháng để kiếm thêm một khoản tiền chăm lo cho gia đình. Tôi hỏi nhiều người rằng họ có muốn ở lại đây để sống cuộc đời sung sướng hơn không. Nhưng hầu như không có ai muốn ở lại, họ đều muốn trở về căn nhà trong rừng mà họ đã tự tay xây lên, họ muốn được cùng với trẻ con vào rừng hái dâu làm mứt, họ muốn chăm sóc cho người thân hay được vui vẻ bên những bạn bè từ thời thơ ấu, họ muốn uống thứ rượu vang chua loét tự nấu và khi say thì cùng nhau hát những bài dân ca bằng thứ thổ ngữ lạ lẫm nhưng êm dịu của họ. Dường như thiếu những thứ ấy thì họ không còn là con người nữa mà chỉ là những cỗ máy làm việc vô hồn.

Thế rồi cùng với thời gian câu hỏi về hay ở tự nhiên biến mất lúc nào không hay, trong lòng tôi chỉ còn khao khát sự trở về. 

Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến cuốn sách Sinuhe-Anh chàng Ai Cập của Mika Waltari, một nhà văn nổi tiếng Phần Lan, tôi thường đọc cuốn sách này bằng tiếng Đức vì không có bản tiếng Anh, trong cuốn sách ấy có đoạn Sinuhe tâm sự từ chốn lưu đày như thế này:
Wer einmal das Wasser des Nils getrunken, der sehnt sich zurück zum Nil. Kein anderes Wasser auf Erden kann seinen Durst mehr löschen.
Wer einst in Theben geboren wurde, der sehnt sich nach Theben zurück, denn auf Erden gibt es keine zweite Stadt gleich Theben. Wer an der Gasse geboren wurde, der sehnt sich zurück zur Gasse. Aus dem Zedernholzpalast sehnt er sich zurück in die Lehmhütte. Von den Düften der Myrrhe und der edlen Salben sehnt er sich zurück zu dem Rauchgeruch der Mistfeuer und der in Öl gebratenen Fische.
Meinen goldenen Becher würde ich gegen den Lehmkrug eines Armen tauschen, wenn mein Fuß noch einmal die weiche Erde des Landes Kêmet betreten dürfte. Meine Leinengewänder würde ich gegen die sonnverbrannte Haut eines Sklaven vertauschen, wenn ich nochmals das Rauschen des Schilfrohrs im Frühlingswind hören dürfte.
(Ai đã từng một lần uống nước sông Nil thì người đó sẽ khát khao được về với sông Nil. Không có con sông nào trên trái đất còn có thể làm anh ta hết khát.

Ai sinh ra ở Theben thì người đó sẽ khát khao được trở về Theben, bởi vì trên trái đất này không có bất cứ thành phố nào giống Theben. Ai sinh ra trong hẻm thì sẽ khát khao được trở về hẻm. Có sống trong lâu đài bằng gỗ quý thì anh ta cũng khát khao được quay lại túp lều đắp bằng đất. Mùi thơm của nước hoa và sáp thơm chỉ khiến anh ta khát khao được ngửi thấy mùi khói của ngọn lửa đốt bằng phân gia súc khô và mùi cá rán bằng dầu ăn.

Tôi sẽ đổi chiếc cốc bằng vàng của mình lấy chiếc cốc sành của người nghèo khổ nếu như tôi được một lần nữa đặt chân lên đất Kêmet. Tôi sẽ đổi tấm áo choàng lụa của mình lấy làn da cháy nắng của người nô lệ, nếu như tôi một lần nữa được nghe tiếng lau sậy rì rào trong gió xuân.

Quãng đời xa xứ cuối cùng cũng dạy cho tôi hiểu rằng tiếng gọi của trái tim sẽ giúp ta vượt qua mọi định kiến và suy nghĩ nông nổi.

12 comments:

  1. Em thì du học ở Pháp 1 năm theo học bổng 322 và có thể ở lại làm TS. Nhưng sau đó có nhiều việc liên quan tới người thân khiến em suy nghĩ cũng nhiều và muốn là mình nên làm gì đó, hơn là chỉ biết vun vén mỗi cho bản thân và để mọi người tự xoay xở. Ban đầu cũng có khó khăn khi về, nhưng dần dần mọi thứ cũng ổn. Điều thú vị là bản thân được góp phần vào những công việc chung cùng với mọi người. Vì thế mà tinh thần tốt hơn.

    Điều quan trọng nhất là phải biết mình muốn điều gì. Và cũng do trở về, mà có cơ hội đọc sách vở của anh Tùng, Thiếu Long rồi blog anh Nỡm :)) Và đã tự chọn cho mình một con đường phù hợp :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mình thấy câu hỏi đi hay ở hiện nay được nhiều người phân tích và trả lời rất đặc trưng theo kiểu homo economicus, nhưng cũng có một số ít thoát khỏi lối tư duy ấy.

      Delete
    2. Tức là giải quyết theo hướng đi hay ở phụ thuộc vào việc điều đó có lợi hay không cho nghề nghiệp đã được đào tạo khi du học của du học sinh?

      Delete
    3. Không, theo một khuôn khổ rộng hơn, tức là người ta tư duy theo kiểu tính toán lợi ích và chi phí cá nhân. Cái mà người ta không hiểu được là chính con người và tư duy ấy cũng là sản phẩm của những quan hệ xã hội nhất định. Do vậy phần lớn không thể thoát ra khỏi những định kiến có sẵn và tìm cách biện minh bằng hoàn cảnh hay một yếu tố ngẫu nhiên nào đó.

      Delete
  2. Con người ta không thể quên đi cái gốc của mình được! Lời anh Hiệp sĩ cưỡi lừa nói chuẩn thật. Không quan trọng là điều kiện sống như thế nào, nhưng kẻ quên gốc thì không bao giờ tiến xa được.

    ReplyDelete
  3. Mất gốc, muốn vinh gia phì thân lại đi đỗ cho người khác, kiểu của bọn họ khi quyền đến tay thì cũng tham nhũng, lợi ích bản thân thôi. Ôi, cái đám...

    ReplyDelete
  4. À, nhân tiện cảm ơn anh vì các bài viết của anh luôn :D, em đọc bài viết của anh qua RSS nên không tiện comment, nay gởi lời cảm ơn sâu sắc đến anh nhé :)

    ReplyDelete
  5. Tư duy về mặt lợi ích kinh tế đang bao trùm lên mọi vấn đề anh lừa nhỉ, phần lớn không ai muốn cống hiến mà chỉ muốn đuợc huởng ngay tức thì. Đi nguợc lại là điên là hâm, đôi khi chính bản thân mình cũng nhận định như vậy

    ReplyDelete
  6. muốn về VN làm việc thì phải kiếm đủ tiền để chạy cái đã.

    ReplyDelete
  7. Mình nghĩ là mình đã đầu tư đi học, thì ngoài vốn kiến thức đã thu thập được. Phải đi làm để có kinh nghiệm, kiếm lại số vốn mà mình đã bỏ ra. Sau đó là về thôi :) Nhưng chỉ sợ nhiều người không đủ quyết tâm buông bỏ sau khi đã kiếm đủ vốn :))

    ReplyDelete
  8. Em đã qua cái thời còn mơ mộng và lãng mạn rồi, nhưng đọc bài này của anh Nỡm vẫn thấy xúc động. Tình cảm quê hương đúng là nơi đâu cũng có. Người Nga xa xứ cũng có bài hát "Hãy bay theo những cánh gió" (Улетай на крыльях ветра):

    Hãy bay theo những cánh gió,
    Về với quê nhà đi, hỡi khúc dân ca của chúng ta,
    Nơi mà chúng ta tự do hát ngươi [bài hát],
    Nơi chỉ có chúng ta với ngươi, tự do.

    Những cảm xúc thế này cho thấy con người thực ra không tồn tại độc lập, họ là một bộ phận của cái môi trường tự nhiên - xã hội nơi họ sinh ra và lớn lên. Cái con người "xê dịch chủ nghĩa" của thời hiện đại chỉ là sản phẩm thứ cấp của ý thức xã hội tư bản chủ nghĩa nơi mà gia đình và cộng đồng đang tan rã, ở Việt Nam thì chủ nghĩa xê dịch sẽ không bao giờ trở thành xu hướng chính chừng nào nền tảng gia đình và cộng đồng vẫn còn được giữ vững.

    ReplyDelete