Thursday, November 19, 2015

TPP và chính quyền mới của doanh nghiệp toàn cầu

Jack Rasmus trong bài "The TPP and the New Global Corporate Government" đã đặt ra câu hỏi về tính dân chủ của TPP. Ông cho rằng TPP sẽ chôn vùi nền dân chủ vốn có của các quốc gia hiện nay, khi nó tạo ra một thể chế chính trị siêu quốc gia của doanh nghiệp. Song điểm mấu chốt là nền dân chủ mà tác giả nhắc tới là nền dân chủ của giai cấp tư sản, doanh nghiệp trên hết cũng là một thể chế của giai cấp tư sản, không có gì là khó hiểu khi giai cấp tư sản vứt bỏ hình thức tổ chức nhà nước đã lỗi thời để xây dựng một hình thức mới phù hợp với họ. Hy vọng giai cấp tư sản sẽ bảo vệ nền dân chủ cũ để chống lại hệ thống nhà nước toàn cầu mới sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu. 

TPP và chính quyền mới của doanh nghiệp toàn cầu

Hiệp định TPP vừa mới được công bố là một tài liệu bao gồm 5.554 trang. Hiệp định có 30 chương riêng biệt, chưa tính tới các “phụ lục” đặc biệt và các danh mục. Hiệp định còn có một tài liệu “hướng dẫn bí mật”, nhưng vẫn chưa được công bố, thậm chí các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cũng chưa được xem, theo lời thượng nghị sĩ Jeff Sessions của Hoa Kỳ. 

Dĩ nhiên, chính quyền cũng công bố một bản tóm tắt của tài liệu 5.554 trang, do Cục Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ soạn thảo, cũng như các tuyên bố của tổng thống Obama. Nhưng độc giả sẽ không thể tìm thấy bản chất của TPP trong những tài liệu đó, vốn được thiết kế để “bán rao” TPP cho công chúng. Trên thực tế, những lời tâng bốc “dành cho sự tiêu thụ của công chúng” đó được thay thế bằng sự xuyên tạc, thêu dệt và dối trá trắng trợn. 

Mặc dù vậy, một tuyên bố của Obama là chính xác. Ông ta gọi TPP là “một loại hiệp định thương mại mới”. Nó chính xác là một loại mới.

TPP không chỉ đơn giản là một văn kiện về kinh tế, về trao đổi hàng hóa, dịch vụ, tiền của nhà đầu tư hay dòng chảy của vốn. TPP trước hết và trên hết là một văn kiện chính trị. TPP là loạt đạn mới nhất do doanh nghiệp toàn cầu khai hỏa vào chủ quyền quốc gia và nhân dân, cũng như vào nền dân chủ. Mấu chốt để hiểu rằng TPP là kế hoạch thiết lập chính quyền toàn cầu của doanh nghiệp toàn cầu nằm ở chương 27 và 28.

Trong chương 27, TPP cung cấp một cơ quan lập pháp mới, có các quyết định sẽ chiếm đoạt chức năng của chính quyền địa phương và quốc gia, cũng như nền dân chủ đại diện – vốn đã bị tiền và sáng kiến của doanh nghiệp tấn công khốc liệt ở khắp mọi nơi. Trong chương 28, TPP cung cấp một loại hệ thống tòa án doanh nghiệp toàn cầu mới, do các luật sư ủng hộ doanh nghiệp và những người được thuê để điều hành, phán quyết của họ không thể được đánh giá, kháng cáo hay bác bỏ bằng hệ thống tòa án hiện tại của bất cứ quốc gia thành viên TPP nào. “Tòa án” của TPP sẽ đứng trên các hệ thống tòa án quốc gia của Hoa Kỳ và các nước khác, vốn đang bị các thế lực doanh nghiệp tấn công dữ dội để thúc đẩy sự áp đặt như là cách thức để lách qua hệ thống tư pháp truyền thống ở Hòa Kỳ. 

“Ủy ban” TPP đóng vai trò thể chế lập pháp-hành pháp toàn cầu của doanh nghiệp 

Chương 27 thiết lập một ủy ban TPP, tạo thành từ các bộ trưởng hoặc quan chức giám sát việc triển khai TPP cũng như sự tiến hóa trong tương lai của nó. TPP được gọi là một “hiệp định sống”, có nghĩa là nó sẽ thay đổi khi có thành viên mới. Mặc dù vậy, điều chưa được giải thích là nếu như nó được Quốc Hội phê chuẩn, liệu các nghị sĩ sẽ lại “phê chuẩn” mỗi khi nó thay đổi? Hay chỉ một lần ban đầu, sau đó cho phép luật sư của doanh nghiệp, CEO và giới quan liêu sở hữu doanh nghiệp được thay đổi theo cách mà họ muốn? 

Theo TPP, các thành viên ủy ban hoạt động như một dạng “Bộ Chính Trị” của doanh nghiệp toàn cầu, một ủy ban lập pháp của doanh nghiệp đa quốc gia của các nước thành viên TPP, với quyền lực hành pháp kèm theo chưa được xác định. Không có sự phân chia quyền lực ở đây. 

Quan trọng hơn, TPP hoàn toàn im lặng trước câu hỏi về cách thức lựa chọn ủy ban. Nhiệm kỳ của các thành viên là bao nhiêu? Ai chọn họ và chọn bằng cách nào? Họ có thể bị cách chức, khi đó ai sẽ cách chức họ và theo quy trình nào? Họ chịu trách nhiệm với ai? Họ có thể họp bí mật không? Đâu là quy định về việc ra quyết định mà họ phải tuân thủ? TPP im lặng hoàn toàn trước những câu hỏi này. Thật dễ chịu làm sao. Dĩ nhiên một số thứ cho thấy những câu hỏi này tồn tại trong “tài liệu hướng dẫn” huyền bí mà vẫn chưa ai được xem. Nhưng đừng kỳ vọng vào điều đó. 

Quan trọng nhất, có vẻ quyết định của ủy ban là không thể bị Quốc Hội hay bất cứ cơ quan lập pháp nào của chính quyền đánh giá hay đảo ngược. Theo hồ sơ ngày 10 tháng 11 năm 2015 của Quốc Hội Hoa Kỳ, ít nhất một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo rằng “chúng ta đang trao quyền thành lập một loại Quốc Hội mới cho các quốc gia TPP” và ủy ban siêu quốc gia “sẽ không phải giải trình với cử tri ở bất cứ đâu.”

Các tòa án Kangaroo của TPP* 

Nhưng TPP không chỉ vô hiệu hóa nhánh lập pháp và chức năng hành pháp của chính quyền hiện tại. Nó thậm chí còn tấn công trực tiếp và các thể chế và chức năng tư pháp. Chương 28 thiết lập một hệ thống tòa án độc lập, hay tòa án hòa giải, sẽ đưa ra các phán quyết mà hệ thống tư pháp quốc gia hiện tại không thể đánh giá hoặc bác bỏ. Các tòa án này được gọi chính thức là các nhóm ISDS, “Hệ thống tranh chấp nhà đầu tư-nhà nước”, mỗi tòa án được tạo thành từ ba đại diện và chuyên gia “thương mại”. Nhưng một lần nữa, giống như trường hợp của ủy ban nêu trên, đại diện nhà đầu tư-doanh nghiệp được ai lựa chọn? Như thế nào? Nhiệm kỳ bao lâu? Đại diện cho lợi ích của ai? Vân vân.

Hãy gọi chúng là “Tòa án Kangaroo của doanh nghiệp” (KKK), chúng sẽ thực hiện phần lớn công việc trong bí mật. Quy định của TPP cho phép chúng thực hiện các cuộc thẩm vấn công khai trước công chúng, nhưng cũng cho phép chúng lựa chọn việc thẩm vấn bí mật hoàn toàn. Hãy đoán xem chúng sẽ thích điều gì? TPP quy định KKK có thể “xem xét” các yêu cầu của công chúng để cung cấp các biên bản – nhưng xem xét không có nghĩa là “bắt buộc”. Cũng có thể thấy rằng báo cáo chung cuộc sẽ được công khai cho công chúng – nhưng chỉ là sau khi phán quyết chung cuộc đã được đưa ra. Hơn nữa, “báo cáo ban đầu sẽ là bí mật”, trong khi báo cáo chung cuộc cho công chúng thì “mọi thông tin bí mật trong báo cáo được bảo vệ”. Thứ cuối cùng được cung cấp cho công chúng chắc chắn sẽ trông giống như một mớ “bôi đen” đặc trưng theo yêu cầu của Luật Tự Do Thông Tin Hoa Kỳ.

Đây còn một vấn đề khác: Tòa án ISDS-KKK cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư kiện chính quyền quốc gia – cụ thể là các cơ quan lập pháp hay hành pháp – những bên có thể thông qua các đạo luật hay thiết lập các quy định bảo vệ công nhân, môi trường, hay bất cứ thứ gì mà nhà đầu tư và doanh nghiệp coi là cản trở khả năng tạo lợi nhuận của họ theo TPP. Vụ kiện TPP sẽ cáo buộc chính quyền Hoa Kỳ vi phạm hiệp định TPP, ngay cả khi doanh nghiệp-nhà đầu tư có tranh chấp liên quan đến kinh doanh với chính quyền trung ương hay địa phương. 

Điều này về mặt kỹ thuật có nghĩa là một doanh nghiệp sở hữu trang trại ở California có thể kiện chính quyền vì áp đặt khẩu phần nước trong thời kỳ hạn hán. Khẩu phần đó tất nhiên sẽ cản trở việc tạo lợi nhuận theo TPP. Hoặc một người nước ngoài sở hữu chuỗi nhà hàng ở Los Angeles có thể bỏ qua quy định tiền lương tối thiểu 15 dollar/giờ của thành phố? Hơn nữa, theo TPP thì cả bang California lẫn Los Angeles đều sẽ không phải là bên bị đơn trực tiếp trong vụ kiện TPP, do tranh chấp trong TPP chỉ giới hạn giữa doanh nghiệp-nhà đầu tư và chính quyền trung ương. Thế là quá đủ cho dân chủ địa phương theo TPP.

“Quyền lực kép” của doanh nghiệp đối đầu với Dân Chủ 

Tất cả mọi chính quyền thực thi các chức năng lập pháp, tư pháp và hành pháp. Trên hết, TPP được thiết lập theo mệnh lệnh của các tập đoàn toàn cầu. Nhưng TPP tạo ra các chức năng trực tiếp phá hủy các thiết chế chính quyền hiện tại, chủ quyền nhân dân, cũng như ý tưởng về dân chủ đại diện. Ủy ban TPP thiết lập một cơ quan lập pháp toàn cầu cho doanh nghiệp bằng một ủy ban doanh nghiệp với quyền lực thực thi không rõ ràng. KKK của TPP rõ ràng vi phạm điều 3 của Hiến Pháp Hoa Kỳ về việc thiết lập tư pháp độc lập

Việc ký kết hiệp định TPP ở Atlanta, Georgia, vào ngày 4 tháng 10 năm 2015, cho thấy về bản chất là thiết lập “Hiệp Ước Hiến Pháp” của chính quyền doanh nghiệp toàn cầu. Loại Hình Kinh Tế rõ ràng đã “đè bẹp” Các Loại Hình Chính Quyền chính trị, vốn đã cùng tồn tại trong hai thế kỷ qua.

Người ta nói rằng mọi loại hình cách mạng đều diễn ra dựa trên sự trỗi dậy của “quyền lực kép” và các gói thể chế mới cố gắng thay thế gói thể chế cũ. Chương 27 và 28 của TPP đã cho thấy hạt giống của quyền lực kép đang trỗi dậy của doanh nghiệp. Đây có thể là lúc mà một số loại hình “quyền lực kép” mới của nhân dân sẽ ngăn chặn doanh nghiệp.

Jack Rasmus is the author of ‘Systemic Fragility in the Global Economy’, Clarity Press, 2015. He blogs at jackrasmus.com. His website iswww.kyklosproductions.com and twitter handle, @drjackrasmus.

Chú thích của người dịch:

*Chỗ này có lẽ tác giả chơi chữ, dùng 3 chữ K trong cụm từ đó để khi viết tắt sẽ thành KKK, tương tự như tổ chức phân biệt chủng tộc KKK chuyên hoạt động bí mật trước đây của Hoa Kỳ.

5 comments:

  1. Từ xưa tới này phạm trù riêng biệt là kinh tế, chính trị đôi khi không được tách bạch rõ ràng. Chính quyền các nước TPP cũng cần chuẩn bị cho mình khung quản lý với hiệp định mới

    ReplyDelete
  2. Có thể không liên quan một chút, nhưng cho em hỏi là những nhận định trong đây có chính xác không ạ? Em thực sự chưa hiểu lắm vì kiến thức em còn non kém ...
    http://infonet.vn/viet-nam-la-mo-hinh-ky-la-nhat-the-gioi-nuoc-khong-chiu-phat-trien-post171047.info

    ReplyDelete
  3. Hình như cái thể chế của nhà nước doanh nghiệp toàn cầu này là con đẻ của hệ tư tưởng tân tự do anh nhỉ ? Có vẻ như việc gạt cái thỏa thuận về "tòa án doanh nghiệp" đã biến cái TPP trở thành một loại FTA cũ, cũng chính thức bắn phát đạn chí tử vào chủ nghĩa tự do mới của giai cấp tư sản rồi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nếu thể chế là con đẻ của hệ tư tưởng, thì hệ tư tưởng lại là sản phẩm của cơ sở xã hội nhất định nào đó. Nếu là một người marxist thì ta nên tìm hiểu cái cơ sở đó, chứ không nên rơi vào đống hỗn loạn trừu tượng kia làm gì.

      Nếu Bảo thực sự quan tâm tới kinh tế chính trị thì nên dành nhiều thời gian để nghiên cứu mảng đó, nhưng theo mình biết thì chuyên ngành của bạn là Toán. Vì thế bạn nên cân nhắc để cân đối thời gian cho học tập. Vì học cái gì, cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian bồi dưỡng kiến thức cơ bản.

      Mình góp ý với tư cách bạn bè, biết nhau từ forum Toán.

      Delete
    2. Vấn đề không đơn giản vậy, nó cũng là mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản, khi chủ nghĩa tư bản dựa trên sự tách rời của hai quyền lực hỗ trợ nhau là quyền lực chính trị (nhà nước) và quyền lực kinh tế (doanh nghiệp). Mỗi khi cái này đe dọa nuốt chửng cái kia thì cần phải có sự điều chỉnh lại. Nhà nước không thể làm thay chức năng của doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng không thể trở thành nhà nước. Việc TPP, một loại hình hiệp định nhằm hướng đến tự do hóa thị trường vốn, phục vụ cho nhu cầu phát triển của thế lực tư bản tài chính quốc tế phải lui bước trước các nhà nước quốc gia là một sự cân bằng cần thiết để chính chủ nghĩa tư bản không rơi vào sự hỗn loạn trên quy mô thế giới.

      Delete