Tuesday, November 3, 2015

Thị trường tồn tại mãi mãi?

Một trong những lập luận chủ yếu của phái xét lại và phái chủ nghĩa xã hội thị trường trước đây là thị trường là tốt, có thể xóa bỏ chủ nghĩa tư bản mà không cần xóa bỏ thị trường vì thị trường tự do cạnh tranh phân bổ nguồn lực có hiệu quả nhất, cũng như xét về mặt lịch sử thì thị trường có trước chủ nghĩa tư bản rất lâu nên nó có vẻ như độc lập với chủ nghĩa tư bản.

Trước khi chủ nghĩa tư bản thì thị trường đóng vai trò là nơi trao đổi sản phẩm chỉ xuất hiện bên rìa các nền kinh tế tự nhiên lớn, chúng không đóng vai trò chi phối nền kinh tế như dưới chế độ tư bản mà ngược lại chỉ đóng vai trò phụ trợ cho nền kinh tế tự nhiên ấy. Thị trường do vậy bị giới hạn cả về mặt không gian và thời gian.

Mỗi người bán tham gia vào thị trường ấy đều với tư cách là thành viên của một phường hội nhất định. Họ sản xuất độc lập với nhau nhưng phường hội của họ sẽ ấn định số lượng hàng hóa cho cả phường hội và phân bổ đều cho các thành viên, quy định cả cách thức sản xuất để đảm bảo các thành viên của phường hội không loại bỏ lẫn nhau, quy định giá cả chung cho sản phẩm của phường hội. Có nghĩa là mỗi thành viên của phường hội đều sẽ sản xuất một số lượng hàng hóa như nhau với một cách thức giống nhau và bán với giá như nhau. Thị trường trước khi có chủ nghĩa tư bản hoàn toàn không có nhà kinh doanh độc lập và không có tự do cạnh tranh. Tư liệu sản xuất và tư cách thành viên của mỗi thành viên phường hội đều không chuyển nhượng được, nó gắn chặt với thành viên đó và chỉ được chuyển giao qua thừa kế, song phường hội cũng có thể xét kết nạp thêm thành viên mới khi dân số của cộng đồng tăng lên một mức nào đó. Các thành viên của phường hội không sử dụng lao động làm thuê, họ có sử dụng thợ học việc và thợ bạn, nhưng số lượng thợ học việc và thợ bạn cũng như thời gian sử dụng họ đều bị phường hội giới hạn và kiểm soát chặt chẽ. Mục đích của việc sử dụng thợ bạn và thợ học nghề không phải là để bóc lột lao động của những người đó mà chủ yếu là để đào tạo họ thành những thợ cả tương lai. Như vậy, về mặt cấu trúc thì thị trường vốn và lao động đều không tồn tại, chỉ có thị trường hàng hóa là tồn tại. 

Chế độ phường hội khép kín ấy đã tồn tại hàng nghìn năm. Sở dĩ phường hội tồn tại và làm được mọi việc cần thiết đó là bởi vì mỗi phường hội đều là một thành phần trong cộng đồng địa phương nhỏ hẹp nên họ nắm rõ nhu cầu của cộng đồng đó. Cuối thời trung cổ thì đã có các hội buôn hùng mạnh của Venice và Genoa với chiến hạm và lính đánh thuê, để vươn ra thị trường thế giới và bảo vệ những đặc quyền của hội buôn. Nhưng khi vươn ra thị trường thế giới, người bán bắt đầu tách biệt hoàn toàn khỏi người mua, thì chiến hạm và đội quân đánh thuê cũng không đủ sức bảo vệ cho các hội buôn đó nữa. Từ bên trong quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã xé nát các hội buôn và tạo ra các thương nhân độc lập. 

Sau này dưới chế độ tư bản thì tất cả những thiết chế cũ mất đi, thay vào đó là sự hỗn loạn của tự do kinh doanh, sự cạnh tranh bằng chế độ nô lệ làm thuê. Chế độ tư bản chính là nấc thang phát triển cao nhất của thị trường và nó khiến cho thị trường trước kia không thể tiếp tục tồn tại nữa. Mỗi phường hội giờ đây được thay thế bằng một nhà tư bản kinh doanh độc lập với đội quân lao động làm thuê và sự thèm khát lợi nhuận điên cuồng.

Trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời thì không có thị trường tự do cạnh tranh và thị trường cũng không phải là cơ chế phân bổ nguồn lực, ngược lại nguồn lực được các phường hội phân bổ thông qua một cơ chế kế hoạch đơn giản. Thị trường tự do cạnh tranh và phân bổ nguồn lực theo cơ chế trị trường là một sản phẩm của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và nó sẽ mất đi cùng với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. 

8 comments:

  1. Cám ơn anh về bài viết bổ ích. Anh có thể bật mí tẹo là những kiến thức này có thể tìm thấy trong tài liệu nào không ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Những nội dung này đều đã được Marx và Engel phân tích trong các tác phẩm của hai ông. Ví dụ trong phần Engel giải thích về nguồn gốc của quy luật san bằng tỷ suất lợi nhuận bình quân thì ông có mô tả cách thức tổ chức và hoạt động của các hội buôn lớn Venice và Genoa. Trước đây mình đọc cũng ít chú ý đến những đoạn như vậy, sau này khi suy nghĩ những vấn đề cụ thể thì tự nhiên những đoạn đó ăn khớp lại thành một hệ thống rõ ràng hơn.

      Delete
    2. À à, em hiểu rồi. Như vậy anh đã tích lũy được kiến thức lịch sử trong bộ Tư bản (và đương nhiên nhiều cuốn khác).

      Delete
    3. Quá chuẩn! Quy luật san bằng tỷ suất lợi nhuận bình quân chính là đặc trưng mới căn bản của thị trường tư bản khi so với thị trường phong kiến. Việc dòng vốn có thể tự do lưu thông từ ngành này sang ngành khác đã dẫn đến hệ quả tất yếu là san bằng lợi nhuân.

      Tuy nhiên điều này lại mâu thuẫn với quy luật giá trị, bởi vì những ngành khác nhau thì tất yếu tỷ suất lợi nhuận cũng phải khác nhau.

      Thường thì khu vực I sẽ có tỷ suất lợi nhuận tự nhiên thấp hơn khu vực II, do đó dưới thời tư bản chủ nghĩa, luôn có xu hướng dòng vốn chảy từ khu vực I sang khu vực II, khiến cho hàng hóa khu vực I (ví như máy móc công nghệ cao) khan hiếm, còn hàng hóa khu vực II (tiêu dùng) lại luôn thừa. Ở quy mô quốc gia thì chúng ta thấy dòng vốn chảy từ First World sang Third World.

      Như vậy cái thị trường "tự do" tư bản mà các ngài kinh tế học tư sản vẫn ca ngợi đó đã mang trong mình mâu thuẫn rồi. Biện chứng trong kinh tế học chính là đây!

      Delete
    4. Cho nên đây chính là lý do tại sao các nhà kinh tế học tư sản lại cố tình bịt mắt phủ nhận quy luật giá trị, vì nếu công nhận nó thì chả khác gì bảo rằng thị trường "lý tưởng" của họ cũng chứa đựng mâu thuẫn sao...

      Delete
  2. Em có thắc mắc là nếu một nền kinh tế dựa trên kế hoạch thay thế kinh tế thị trường thì họ sẽ giải quyết bài vấn đề về sự đa dạng sản phẩm ra sao. Em thấy nếu kinh tế kế hoạch thay thế cho kinh tế thị trường TBCN như Marx nói thì có lẽ việc sản xuất hàng hóa theo cùng một kiểu cách, mẫu mã, phương thức là điều không thể tránh khỏi, như các phường hội ngày xưa ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thứ nhất là ông Marx chưa bao giờ nói rằng kinh tế kế hoạch sẽ thay cho kinh tế thị trường. Thứ hai là bạn cần phải hiểu sự đa dạng sản phẩm trong kinh tế thị trường là gì, sự đa dạng trong kinh tế thị trường là nhằm mục đích cạnh tranh, tạo sự khác biệt để rút ngắn thời gian và chi phí bán hàng, nó không phải là sự đa dạng để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng. Thứ ba, ngay cả các phường hội thời xưa cũng không bao giờ sản xuất cùng một kiểu cách mẫu mã đơn điệu đâu, bản thân họ cũng luôn sử dụng công nghệ và sản phẩm mới, nhưng khác với thời đại tư bản, mẫu mà và công nghệ của họ không nhằm cạnh tranh để loại bỏ lẫn nhau mà luôn hướng đến việc bảo tồn phường hội. Thứ tư, như Marx đã nói, đặc trưng của sản xuất tư bản chủ nghĩa là tiêu dùng tách khỏi sản xuất, sản xuất chỉ phục vụ cho nhu cầu tích lũy của tư bản chứ không phải là nhu cầu tiêu dùng, do vậy sự đa dạng sản phẩm mà bạn đề cập chính là vấn đề nội tại của nó chứ không phải là vấn đề của các phương thức sản xuất khác.

      Trong phương thức sản xuất kế hoạch hóa tập trung trước kia thì người ta có xu hướng giới hạn số lượng mẫu mã sản phẩm, không phải bởi vì người ta không thể làm được nhiều loại mẫu mã khác nhau, mà bởi vì điều đó giúp họ giảm thiểu chi phí cho việc lập kế hoạch ban đầu. Nhưng ngược lại, bạn thử hình dung những hãng lớn với doanh thu cả ngàn tỷ dollar, tương đương với một quốc gia đang phát triển, họ cũng chỉ làm độc một loại sản phẩm với một kiểu dáng rất ít thay đổi, ví dụ iPhone, và bạn có cho rằng điều đó là tồi tệ?

      Delete