Wednesday, October 7, 2015

TPP: Món hời của các ông lớn dược phẩm

Joyce Nelson  trong bài "TPP: Big Pharma’s Big Deal" đã đề cập tới việc TPP giúp các hãng dược phẩm lớn gia tăng lợi nhuận nhờ gia tăng bảo hộ bản quyền, chống lại sự cạnh tranh của thuốc phổ thông. Chi phí thuốc gia tăng sẽ đổ lên đầu người bệnh, ví dụ ở Việt Nam sẽ có 40.000 người không được cung cấp thuốc chữa HIV. Bên cạnh đó, Joyce Nelson cũng mô tả cách thức mà các hãng dược phẩm lớn trốn thuế lợi nhuận. Các quốc gia sẽ bị buộc tôn trọng lợi nhuận của doanh nghiệp thông qua ISDS, trong khi lại không thể thu được thuế từ doanh nghiệp. Đây chính là cái kết cục "dân giàu, nhà nước phá sản" mà Marx đã tiên đoán trong cuốn "Hệ Tư Tưởng Đức" khi nghiên cứu về trường hợp Hà Lan vào thế kỷ 19. 

TPP: Món hời của các ông lớn dược phẩm

Chúng vẫn chưa biết mọi chi tiết của hiệp định thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới được đồng ý sơ bộ vào ngày 5 tháng 10 giữa 12 quốc gia bên bờ Thái Bình Dương, nhưng những phê phán cũng lên án hiệp định gay gắt về nhiều lý do, trong đó có nhượng bộ về công nghiệp dược phẩm.

Tổ chức Thầy Thuốc Không Biên Giới cáo buộc TPP sẽ “đi vào lịch sử như là hiệp định thương mại tồi tệ nhất đối với tiếp cận dược phẩm ở các nước đang phát triển.” [1] Đó là bởi vì TPP sẽ mở rộng bảo hộ bản quyền cho các thuốc men có thương hiệu, qua đó ngăn cản các thuốc men không bản quyền tương tự (có chi phí thấp hơn nhiều) tham gia vào thị trường. Điều này sẽ làm tăng giá thuốc.

Judit Rius Sanjuan, cố vấn pháp lý của tổ chức Thầy Thuốc Không Biên Giới, nói với vox.com rằng TPP tạo ra các nghĩa vụ về bản quyền ở các nước chưa bao giờ từng có nghĩa vụ bản quyền. Người dân ở “Peru, Vietnam, Malaysia và Mexico” sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng, bà nói. “Họ sẽ đối mặt với giá thuốc cao hơn trong thời gian dài hơn.” [2]

Ruth Lopert, giáo sư đại học George Washington, nói với Bloomberg News rằng các điều khoản trong hiệp định TPP sẽ ảnh hưởng tới ngân sách chăm sóc y tế và tiếp cận thuốc men ở tất cả các nước tham gia ký kết, nhưng đặc biệt là các nước nghèo nhất. “Bà nói có khoảng 40.000 người ở Việt Nam, quốc gia nghèo nhất tham gia hiệp định, có thể phải ngừng nhận thuốc chữa HIV bởi vì các điều khoản của hiệp định sẽ làm tăng giá [thuốc] điều trị.”[3]

Các quốc gia khác như Canada cũng sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn. Hội Đồng Người Canada nói rằng nếu TPP được phê chuẩn, “bản quyền thuốc sẽ được mở rộng, trì hoãn phát hành các thuốc phổ biến có giá cả phải chăng hơn và tăng thêm 2 tỷ dollar trong chi phí chăm sóc y tế thường niên của Canada.” [4] Ở Hoa Kỳ, nhiều người dân vốn đã không thể thanh toán được các thuốc men đắt đỏ để cứu mạng sống của họ và cố gắng tiếp cận các thuốc phổ biến có sẵn ở mọi nơi.

Mở rộng bản quyền đối với các thuốc cứu mạng cứu rõ ràng là quà tặng cho các hãng dược lớn. Conor J. Lynch tại opendemocracy.net đã gọi nó là “của bố thi cho doanh nghiệp có thể ảnh hưởng lớn tới tiếp cận quốc tế và chắc chắn gây ra những cái chết không đáng có. Mục tiêu ở đây là gia tăng lợi nhuận của nhành, chân thật và đơn giản. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, đó là những gì công nghiệp tư nhân làm, nhưng cũng có một sự bế tắc đạo đức nghiêm trọng trong đó.” [5] Bế tắc đạo đức đã được làm rõ hơn bằng những phát hiện mới đây.

Trốn thuế 

Một sự trùng hợp nực cười, hiệp định TPP đạt được vào cùng ngày báo cáo về trốn thuế của doanh nghiệp – Offshore Shell Games 2015 – được tổ chức Công Dân Vì Công Bằng Thuế (CTJ) và Quỹ Giáo Dục của Nhóm Nghiên Cứu Lợi Ích Công Cộng Hoa Kỳ (PIRGEF) công bố. Báo cáo tiết lộ mức độ mà các công ty Hoa Kỳ hàng đầu sử dụng các thiên đường thuế như Bermuda, Luxembourg, Cayman Islands và Hà Lan để thiết lập “các chi nhánh thiên đường thuế”, thường chỉ là một hòm thư. 

30 trong số 500 công ty thuộc nhóm Fortune với hầu hết tiền được lưu giữ tại các thiên đường thuế nước ngoài, 9 trong số đó là các công ty dược: Pfizer (74 tỷ dollar ở nước ngoài), Merck (60 tỷ dollar), Johnson&Johnson (53,4 tỷ dollar) Proctor & Gamble (45 tỷ dollar), Amgen (29.3 tỷ dollar), Eli Lilly (25 tỷ dollar), Bristol Myers Squibb ($24 tỷ dollar), AbbeVie Inc. ($23 tỷ dollar) và Abbott Laboratories (23 tỷ dollar). [6]

Về Pfizer, nhà sản xuất thuốc lớn nhất thế giới (lợi nhuận công bố là 22 tỷ dollar vào năm 2013), báo cáo nêu rõ: “Công ty này có hơn 41% doanh số ở thị trường Hoa Kỳ từ năm 2008 đến năm 2014, nhưng dàn xếp để báo cáo không có thu nhập chịu thuế liên bang trong bảy năm liên tục. Pfizer đã sử dụng các kỹ thuật kế toán để chuyển lợi nhuận chịu thuế của họ ra nước ngoài. Ví dụ, công ty có thể chuyển giao bản quyền thuốc cho một chi nhánh ở quốc gia có thuế thấp hoặc không có thuế. Sau đó khi chi nhánh Hoa Kỳ của Pfizer bán thuốc ở Hoa Kỳ, họ sẽ “trả” cho chi nhánh nước ngoài phí bản quyền cao để biến lợi nhuận nội địa thành khoản thua lỗ trên sổ sách và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.”

Trên hết, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 500 doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ giữ hơn 2.1 nghìn tỷ dollar lợi nhuận đã tích lũy ở nước ngoài. “Đối với nhiều doanh nghiệp, gia tăng lợi nhuận được giữ ở nước ngoài không có nghĩa là xây dựng nhà máy ở nước ngoài, bán nhiều sản phẩm hơn cho khách hàng nước ngoài, hay triển khai thêm hoạt động kinh doanh ở các quốc gia khác,” mà chủ đơn giản là lập hòm thư bưu điện.

Một số doanh nghiệp sử dụng tiền được cho là “mắc kẹt” ở nước ngoài như “khoản ký quỹ ngầm định” cho các khoản vay mượn với lãi suất rất thấp để đầu tư vào tài sản ở Hoa Kỳ, thanh toán cổ tức cho cổ đông, hoặc mua lại cổ phiếu.

Dĩ nhiên, như bản báo cáo đã làm rõ, “Quốc Hội, bằng cách không hành động để chấm dứt hoạt động trốn thuế này, đã buộc thường dân Hoa Kỳ phải bù đắp. Mỗi đồng dollar tiền thuế mà doanh nghiệp trốn được bằng cách sử dụng các thiên đường thuế phải được bù đắp bằng thuế cao hơn đối với cá nhân, cắt giảm đầu tư công và dịch vụ công, hay gia tăng nợ liên bang.” 

Bản báo cáo đã phát hiện ra rằng thông qua nhiều biện pháp trốn thuế khác nhau, 500 doanh nghiệp lớn nhất có trụ sở ở Hoa Kỳ đã trốn đóng khoảng 620 tỷ dollar tiền thuế ở Hoa Kỳ. 

Đảo chính của doanh nghiệp 

Hiện giờ TPP – đang được coi là “NAFTA về steroids” – sẽ đem lại cho nhóm các hãng dược phẩm lớn và các doanh nghiệp dược đa quốc gia khác nhiều “quyền” của doanh nghiệp hơn tại nhiều quốc gia hơn, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp nhà đầu tư-nhà nước (ISDS) đầy tranh cãi, thông qua đó họ có thể kiện các chính quyền về các thay đổi pháp luật có ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

Như trang web rabble.ca của Canada ghi nhận: “Chính quyền Canada mới bị Eli Lilly, một hãng dược phẩm Hoa Kỳ, kiện thông qua NAFTA vì vô hiệu hóa việc gia hạn bản quyền của hãng này đối với hai loại thuốc an thần. Tòa Án Liên Bang Canada đã phán quyết vào năm 2010 rằng gia hạn bản quyền không đem lại lợi nhuận hứa hẹn và thị trường của các loại thuốc này cần phải được mở cửa cho sự cạnh tranh của thuốc phổ thông. Thuốc phổ thông chắc chắn sẽ làm giảm chi phí của người sử dụng cuối cùng, nhưng Eli Lilly phản đối và tiến hành thủ tục ISDS chống lại chính quyền, yêu cầu bồi thường 500 triệu dollar cho lợi nhuận bị tổn thất. Vụ việc vẫn đang được xem xét, nhưng bất kể kết quả ra sao, chúng ta có thể thấy rằng TPP cũng sẽ dẫn đến những tranh chấp ISDS tương tự. Các doanh nghiệp dược phẩm đa quốc gia đầy thế lực sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để đảm bảo sự độc quyền thuốc giá cao. Bảo vệ sở hữu trí tuệ lớn hơn trong TPP sẽ tạo ra cơ sở pháp lý mạnh hơn giúp các doanh nghiệp này kiện chính quyền và loại bỏ sự cạnh tranh của [dược phẩm] phổ thông.” [7]

Văn bản chính thức của hiệp định TPP sẽ không được công bố ít nhất trong một tháng tới, có lẽ là nhiều tuần sau cuộc bầu cử liên bang của Canada vào ngày 19 tháng 10. Chi tiết của hiệp định chắc chắn sẽ tiết lộ nhiều nhượng bộ chung đối với các doanh nghiệp đa quốc gia. Các nghị sĩ dân cử tại 12 quốc gia sẽ chấp thuận hoặc phủ quyết TPP. Ở Canada, lãnh đạo NDP Tom Mulcair đã hứa sẽ hủy bỏ hiệp định nếu thắng cử trở thành thủ tướng, giải thích rằng chính phủ của Stephen Harper không bắt buộc phải ký kết trong chiến dịch tranh cử khi họ thực sự là một chính phủ “cẩn trọng”.

Trang web zerohedge của Hoa Kỳ gọi TPP là “con ngựa thành Trojan” và là “cuộc đảo chính của doanh nghiệp đa quốc gia, những người muốn toàn cầu khuất phục nghị trình của họ.” Với những từ ngữ rất rõ ràng, họ tuyên bố thêm: “Người mua hãy cảnh giác. Công dân hãy cảnh giác.” [8] 

Footnotes/Links:


[2] Julia Belluz, “How the Trans-Pacific Partnership could drive up the cost of medicine worldwide,” Vox, October 5, 2015. http://www.vox.com/2015/10/5/9454511/tpp-cost-medicine

[3] “Pacific Deal Rewrites Rules on Trade in Autos, Patented Drugs,” Bloomberg News, October 5, 2015.

[4] Council of Canadians, “Tell party leaders: Reject the TPP,” October 6, 2015.

[5] Conor J. Lynch, “Trans-Pacific Partnership’s Big Pharma giveaway,” Open Democracy, February 14, 2015.


[7] Hadrian Mertins-Kirkwood, “Trans-Pacific Partnership a big win for corporate interests,” Rabble.ca, October 6, 2015.

[8] Tyler Durden, “Trans-Pacific Partnership Deal Struck As ‘Corporate Secrecy’ Wins Again,” Zero Hedge, October 5, 2015. http://www.zerohedge.com

Joyce Nelson is an award-winning Canadian freelance writer/researcher working on her sixth book.

3 comments:

  1. Theo anh thì bài báo này có bi quan quá không về việc VN tham gia TPP? http://www.globalresearch.ca/vietnam-from-national-liberation-to-trans-pacific-ally-1975-2015/5482810

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bài báo đó là một dạng chống cộng tinh vi. Tham gia vào TPP thì Việt Nam sẽ bị ràng buộc nhiều hơn với kinh tế Mỹ, nhưng cũng giống như Việt Nam tham gia vào WTO thôi, không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn trở thành chư hầu của Mỹ, cũng như việc Việt Nam theo CNXH cũng không có nghĩa là Việt Nam trở thành chư hầu của Trung Quốc.

      Ngay trong đoạn đầu của bài báo ấy nó đã vu khống Việt Nam rồi, Việt Nam không có bất cứ hiệp định hay cam kết liên minh nào với Mỹ để bao vây Trung Quốc. Việt Nam cũng chưa từng đàn áp bất cứ cuộc bãi công hay biểu tình nào của công nhân, ngoại trừ việc giải tán mấy vụ ăn vạ phá rối của đám dân chủ. Bạn cũng thấy là cảnh sát Việt Nam rất hạn chế sử dụng vũ lực với người biểu tình hay bãi công, còn phương Tây thì họ có cảnh sát chống bạo động với vòi rồng và hơi cay để thết người biểu tình ngay.

      Delete
    2. Em cám ơn anh nhiều. Em hay đọc trang globalresearch và nghĩ là nó có nhiều bài báo chất lượng. Sau lần này rút kinh nghiệm vậy.

      Về công tác an ninh trật tự của VN thì em biết, chính quyền ta luôn đối thoại để mọi người cùng hiểu, như vậy cũng là biểu hiện vì dân.

      Delete