Thursday, October 15, 2015

Stephen Hawking và chủ nghĩa tư bản

Mới đây trên trang reddit của mình nhà vật lý học và thiên văn học nổi tiếng thế giới Stephen Hawking đã viết về chủ nghĩa tư bản như sau:
If machines produce everything we need, the outcome will depend on how things are distributed. Everyone can enjoy a life of luxurious leisure if the machine-produced wealth is shared, or most people can end up miserably poor if the machine-owners successfully lobby against wealth redistribution. So far, the trend seems to be toward the second option, with technology driving ever-increasing inequality.
Luận điểm của Stephen Hawking đã được truyền thông Hoa Kỳ và thế giới bàn tán ồn ào và được giới chính khách Hoa Kỳ đang chạy đua cho chiếc ghế tổng thống năm 2016 khai thác triệt để vì ông là một nhà khoa học tự nhiên rất nổi tiếng và có uy tín.

Đoạn văn của ông có thể hiểu theo tiếng Việt như sau:

Nếu như máy móc có thể sản xuất ra mọi thứ mà chúng ta cần, kết quả sẽ phụ thuộc vào việc mọi thứ được phân phối ra sao. Mọi người đều có thể được hưởng đời sống thư thái xa hoa nếu như của cải do máy móc tạo ra được chia sẻ, hoặc đại đa số người dân sẽ nghèo nàn cùng cực nếu như chủ sở hữu máy móc có thể vận động hành lang chống lại sự tái phân phối thành công. Hơn nữa, có vẻ như khuynh hướng đang ngả về phía lựa chọn thứ hai, công nghệ dẫn đến sự bất bình đẳng gia tăng. 

Theo quan điểm Marxist thì luận điểm của Stephen Hawking không có gì mới, vẫn là quan điểm duy tâm về mặt kinh tế chính trị học vay mượn từ các học giả kinh tế chính trị theo quan điểm sản xuất và phân phối có thể tách rời nhau, quan điểm này đã có từ rất lâu đời và sau này đặc biệt được các nhà kinh tế chính trị hợp pháp hay chủ nghĩa xã hội thị trường cổ vũ. F. Engels trong cuốn "Chống Duerinh" đã phê phán quan điểm này rất rõ ràng từ góc độ chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Ngay từ câu đầu tiên Stephen Hawking đã lặp lại sai lầm đó khi giả định rằng máy móc thay thế hoàn toàn người lao động để sản xuất ra hàng hóa. Mặc dù đó là khát vọng của mọi nhà tư bản cá nhân, điều đó giúp họ thu được lợi nhuận siêu ngạch, nhưng phương thức chủ nghĩa tư bản không bao giờ đạt được cái mức đó trên phương diện tổng thể. Khi thay thế hoàn toàn người lao động bằng máy móc thì người lao động không còn tiền để mua hàng hóa, còn chính nhà tư bản thì cũng không còn lợi nhuận nữa do máy móc không tạo ra giá trị và do đó là lợi nhuận. Khi mọi nhà tư bản đều dùng máy móc để sản xuất mà không dùng công nhân thì cũng không còn lợi nhuận siêu ngạch nữa. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sẽ sụp đổ, không còn gì để phân phối nữa. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện thời đã cho thấy cái quy luật tất yếu đó, nó không ngừng tích lũy, sử dụng công nghệ cao để gia tăng lợi nhuận, nhưng khi đạt đến một mức độ nhất định thì tỷ suất lợi nhuận bình quân sụt giảm đột ngột khiến nền kinh tế suy thoái, tư bản bị phá hủy đi để khôi phục những tiền đề ban đầu của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. 

Vế tiếp theo thì Stephen Hawking giả định rằng vẫn còn sự phân phối có nghĩa là sự phân phối ấy độc lập với phương thức sản xuất. Hơn nữa, Stephen Hawking còn cho rằng sự phân phối ấy phụ thuộc vào vận động hành lang, tức là dựa vào khả năng tác động tới quyền lực nhà nước, hay nói ngắn gọn hơn là quyền lực nhà nước. Nhưng quyền lực nhà nước thì trước hết là quyền lực về kinh tế, nếu như phương thức sản xuất chủ nghĩa tư bản sụp đổ thì quyền lực kinh tế của nó cũng chấm dứt. Có thể thấy là Stephen Hawking ngầm giả định rằng quyền lực nhà nước độc lập với xã hội, vẫn có thể tiếp tục tồn tại và can thiệp vào xã hội dựa trên lý tưởng về đạo đức (sự bình đẳng) bất chấp cơ sở xã hội của nó đã sụp đổ.

Cuối cùng khi mà Stephen Hawking nói rằng công nghệ đang gia tăng sự bất bình đẳng xã hội thì cũng có nghĩa là ông ấy tiết lộ phương thuốc điều trị bệnh tật ấy. Nhà nước có can thiệp để phân phối thu nhập bình đẳng hơn. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sẽ không tạo ra sự bất bình đẳng ghê ghớm nếu như nhà nước có thể phân phối lại thu nhập để hạn chế tác động tiêu cực của công nghệ. Ở đây cũng cần phải nói thêm rằng công nghệ không phải là yếu tố khách quan, chủ nghĩa tư bản tạo ra công nghệ kiểu tư bản chủ nghĩa, hướng tới việc thay thế lao động sống bằng máy móc thay vì dùng máy móc để hỗ trợ lao động sống. Khi Stephen Hawking chỉ nhấn mạnh vào vấn đề phân phối mà không đả động đến bản chất của công nghệ thì ông ấy ngầm công nhận nền tảng của chủ nghĩa tư bản là không thể thay đổi.

Stephen Hawking là một trường hợp điển hình của việc bảo vệ chủ nghĩa tư bản bằng cách phê phán nó, thế nên không phải ai phê phán chủ nghĩa tư bản cũng là chống lại nó. Stephen Hawking sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt cả từ phe bảo thủ cũng như phe tự do trong kinh tế học phương Tây.  

12 comments:

  1. Bản thân chuyện nghiên cứu khoa học của Hawking cũng khiến nhiều người băn khoăn. Thuyết vụ nổ lớn (Big Bang) theo như sách vở các nhà duy vật lịch sử viết thì nó không phù hợp với phép biện chứng. Cho nên nếu ông Hawking bảo vệ CNTB thì cũng phù hợp với hoàn cảnh sống của ông ý.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Một số nhà khoa học tư nhiên duy vật bao nhiêu về tự nhiên thì lại duy tâm bấy nhiêu về xã hội. Kinh nghiệm được đúc rút từ thời Marx có lẽ vẫn chưa lỗi thời.

      Delete
  2. Thuyết này vẫn còn khá mới và lạ ở Việt Nam. Nhiều trường đại học hàng đầu còn chưa được tiếp nhận nhiều tới thuyết đó. Nên là khi nhắc tới họ còn thắc mắc

    ReplyDelete
  3. Ngay như học thuyết Big Bang cũng đã mang màu sắc duy tâm rồi. Vì nó coi thế giới có ngày sinh ra đầu tiên, bắt đầu từ điểm kỳ dị. Nhưng trước điểm kỳ dị là gì thì, và tại sao điểm kỳ dị đó lại sinh ra thế giới thì họ hoàn toàn lờ đi. Hiển nhiên câu trả lời ngầm định là chỉ Đấng Tạo hóa Tối cao mới có thể làm được điều đó thôi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. http://www.marxist.com/khung-hoang-trong-vu-tru-hoc.htm Có bài này nói chi tiết về chuyện đó, cả tài liệu trích dẫn cũng hay.

      Delete
  4. Em thấy có một vài người cho rằng cơ cấu lao động sẽ chuyển dịch hết sang dịch vụ khi máy móc hoàn toàn thay thế con người, nên cuối cùng lợi nhuận vẫn sẽ được phân phối bình thường. Cái luận điểm này em nghe được từ tranh luận ở trên lớp, không nó có vấn đề ở chỗ nào không ạ ? Em cảm ơn :D.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dịch vụ là lĩnh vực không tạo ra giá trị cũng như giá trị thặng dư, trừ có lĩnh vực vận tải. Bạn hãy xem lại phần phân tích của Marx về lợi nhuận thương nghiệp. Khi máy móc thay thế hoàn toàn lao động của con người trong sản xuất thì giá trị thặng dư cũng biến mất, không còn gì để phân phối nữa.
      Máy móc sản xuất tạo ra lợi nhuận dựa trên giả định về giá cả cố định và có thặng dư về sản phẩm, ban đầu là phát kiến của Dmitriev, sau này được rất nhiều người sử dụng. Bạn có thể tham khảo bài "Tâm thần học về chủ nghĩa Marx kiểu Walras" của Alan Freeman mà tôi đã dịch và đăng trên blog này.

      Delete
    2. Dạ em cảm ơn anh ạ. Không biết khi đi sâu vào tìm hiểu về vấn đề phân phối lợi nhuận thì ngoài bộ tư bản thì có thể đọc thêm ở đâu nữa ạ ?

      Delete
    3. Trước hết bạn có thể đọc thêm cuốn "Reclaiming Marx's Capital: A Refutation of the Myth of Inconsistency" của Andrew Kliman để hình dung được căn bản về vấn đề chuyển hóa giá trị thành giá cả và sự phân phối giá trị thặng dư ngay trong giá cả. Sau đó hãy phát triển đến chủ đề phân phối "lợi nhuận".

      Chú ý: Kinh tế học không có học thuyết về phân phối "lợi nhuận" hay giá trị thặng dư, chỉ có kinh tế chính trị học Marxist mới chỉ ra rằng lợi nhuận, lãi suất, địa tô, lợi nhuận thương nghiệp... đều là các dạng cụ thể của giá trị thặng dư, do vậy sự phân phối đó được gọi là phân phối giá trị thặng dư. Sự phân phối lợi nhuận là cách gọi không chính xác.

      Delete
  5. Khi nhắc tới việc chuyển dịch từ công nghiệp sang dịch vụ thì em thường cho rằng việc đấy chỉ diễn ra ở các nước phát triển và có công nghệ cao nên làm giảm đi số lượng người lao động thuộc về mảng công nghiệp và chuyển qua dịch vụ, khi đó nhiều doanh nghiệp thuộc các quốc gia phát triển này sẽ chuyển các nhà máy đến các quốc gia kém phát triển hơn để tận dụng nguồn nhân công mới dồi dào này. Như vậy số công nhân dù thế nào vẫn không đổi và phần chuyển dịch cơ cấu kia chỉ thuộc về nhóm nhỏ các quốc gia phát triển. THế nhưng vẫn có vài người bảo rằng đến một lúc nào đó công nghệ sẽ hoàn toàn phát triển và thay hết các nhân công nhà máy, thậm chí ngay tại các nước đang phát triển, còn số công nhân kia lại chuyển hoàn toàn sang lao động dịch vụ và như thế vẫn có lương, vẫn sinh ra giá trị và lợi nhuận vẫn phân phối được như thường. Câu đấy em không biết phải phân tích phản biện thế nào, vì kiến thức em còn hơi kém ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chính quy luật san bằng tỷ suất lợi nhuận bình quân và khủng hoảng chu kỳ giải thích được hiện tượng các quốc gia nghèo có cơ hội trở nên giàu có và các quốc gia giàu bị suy tàn ngay bất chấp mọi nỗ lực kiểm soát tình hình của họ.

      Delete
    2. Lập luận của những người kia giả định rằng tỷ suất lợi nhuận bình quân không ngừng tăng lên, để hiểu về vấn đề này thì bạn cần hiểu rõ quá trình san bằng tỷ suất lợi nhuận bình quân và khủng hoảng chu kỳ. Sự chuyển dịch công nghiệp sang dịch vụ hay nông nghiệp sang công nghiệp là do nhà tư bản cố gắng chiếm đoạt phần thặng dư lớn hơn phần mà họ tạo ra bằng cách đầu tư vào những lĩnh vực có cấu tạo hữu cơ cao hơn. Nhưng điều này ngược lại cũng làm cho các lĩnh vực sản xuất ra nhiều giá trị thặng dư hơn nhưng có cấu tạo hữu cơ thấp hơn bị teo lại, cuối cùng tỷ suất lợi nhuận bình quân tụt xuống đến và khủng hoảng nổ ra.

      Tình hình là một mặt chuyển dịch cơ cấu kinh tế khiến các quốc gia phát triển phồn vinh hơn đẩy gánh nặng sản xuất lạc hậu sang các nước chậm phát triển, nhưng mặt khác nó dẫn đến khủng hoảng nhanh hơn. Mỗi khi khủng hoảng thì các doanh nghiệp ở tất cả các nước đều bị phá sản, vốn trở nên rẻ hơn, các lĩnh vực sản xuất có cấu tạo hữu cơ thấp được hồi sinh và quá trình phát triển được lặp lại. Do vậy, một mặt chủ nghĩa tư bản tạo ra sự chuyển dịch sang cơ cấu kinh tế hiện đại nhưng mặt khác lại không ngừng tái tạo ra các lĩnh vực sản xuất công nghệ thấp sử dụng nhiều nhân công. Chủ nghĩa tư bản không bao giờ đạt được đến mức sử dụng hoàn toàn máy móc thay cho nhân công.

      Vấn đề không phải là số lượng công nhân không đổi như bạn hình dung.

      Vấn đề lĩnh vực dịch vụ có tạo ra giá trị hay không đã được giải thích ở câu trả lời phía trên

      Delete