Wednesday, October 21, 2015

Các tổ chức phi chính phủ đã phục vụ chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc ra sao?

Hai tác giả Stephanie McMillan và Vincent Kelley đã mô tả cách thức mà NGO phục vụ cho chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc trong bài báo "The Useful Altruists: How NGOs Serve Capitalism and Imperialism". Các NGO không chỉ đánh lạc hướng và phá hoại phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản mà còn tham gia tạo dựng những điều kiện cần thiết để phục vụ cho việc bóc lột của chủ nghĩa tư bản cũng như sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Có một điểm quan trọng mà bài báo này đã chỉ ra là sự liên hệ của NGO với giai cấp tiểu tư sản ở các quốc gia đế quốc cũng như phụ thuộc. 

Những người vị tha hữu ích: NGO đã phục vụ chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc ra sao?

Khoảng 20 năm trước đây, trong cuộc thảo luận với một nhà tổ chức người Bangladesh, chủ đề tổ chức phi chính phủ (NGO), hay phi lợi nhuận như họ thường gọi, nảy ra. Ông ấy nói thẳng thừng: “Tôi ghét NGO.” Sự kịch liệt của ông ấy rất đáng ngạc nhiên. NGO không phải là tổ chức cách mạng, nhưng công việc của họ vẫn có vẻ như là hữu ích hơn so với không có gì cả. Bỏ qua sự khác biệt về chính trị, có vẻ như là giáo điều khi lên án các chương trình chăm sóc y tế miễn phí và chống đói nghèo. Khi thiếu các biện pháp mạnh mẽ hơn, NGO có vẻ thực hiện một chức năng nội tại quan trọng. 

Kể từ cuộc đối thoại đó, NGO đã lan rộng khắp toàn cầu. Ban đầu được triển khai ở những quốc gia phụ thuộc, hiện giờ chúng đã trở thành thành phần chính trong bối cảnh chính trị ở các nước đế quốc. Ngày nay, lý do khiến các nhà tổ chức ghét NGO là rất rõ ràng. NGO là sự phá hoại, cả trong công việc hiện tại của chúng cũng như việc chúng ngăn chặn một tương lai khác thay thế chủ nghĩa tư bản hiện tại.

Đây là bốn lý do:

1) NGO phá hoại, đánh lạc hướng và thay thế sự tự tổ chức của quần chúng.

NGO đã chiếm lấy vai trò trung tâm trong các phong trào xã hội và hoạt động chính trị, ở Hoa Kỳ cũng như bất cứ nơi nào khác – điều mà Arundhati Roy gọi là “NGO hóa sự phản kháng.” Do người dân thường tin rằng chúng sẽ có thể “nhận lương để làm điều tốt”, nhưng đó là một ảo tưởng. Nina Power viết rằng “không còn bất cứ sự tách biệt nào giữa vương quốc cá nhân và ngày làm việc,” có nghĩa là “cá nhân không còn là chính trị nữa, chỉ hoàn toàn là kinh tế.” Trong khi bà ấy không làm rõ hơn, sự nảy nở của NGO “công bằng xã hội” và chính trị là một ví dụ tốt cho thấy sự phân chia ấy bị xói mòn.

Những người chúng ta tham gia tổ chức, hầu hết theo một kịch bản tương đồng: Một vài sự cố xảy ra, đám đông phẫn nộ tràn ra đường phố và tụ tập với nhau, một số người kêu gọi tổ chức mít-tinh để theo dõi và tiếp tục đấu tranh. Trong cuộc mít-tinh này, một số nhà tổ chức có kinh nghiệm sẽ gánh vác công việc. Các nhà hoạt động này khởi sự với ngôn ngữ cực đoan và cung cấp sự huấn luyện cũng như không gian cho mít-tinh thường xuyên. Họ dường như đã có sẵn một kế hoạch hành động, trong khi những người khác hiếm khi có thời gian để nghĩ về bước tiếp theo. Các nhà hoạt động toát ra năng lực, giải thích – với sơ đồ - cách thức phác họa các đồng minh tiềm năng khi họ tạo ra danh sách những chính khách cụ thể làm mục tiêu cho đấu tranh.

Họ tạo ra những “đòi hỏi” đơn giản để “tạo dựng sự tin cậy nhanh chóng” và bất cứ ai đề xuất một cách tiếp cận khác – dĩ nhiên là người đại diện cho tiếng nói của người dân chứ không phải là những lãnh đạo mặc định bí ẩn – bị lặng lẽ bỏ qua. Theo sự hướng dẫn của họ, mọi người vận động để chiếm lấy một số thể chế hoặc văn phòng của chính khách, hoặc tổ chức tuần hành và tụ tập. Sự phản kháng là ồn ào và hấp dẫn, cũng gần giống như quân đội, mặc dù vậy, điều tiếp theo mà anh nhận ra, anh thấy mình đang gõ cửa nhà một người lạ, hồ sơ trên tay, hy vọng thuyết phục họ bỏ phiếu trong kỳ bầu cử tới.

Có nhiều dạng khác nhau trong bối cảnh này, nhưng điểm cốt yếu vẫn y nguyên: NGO tồn tại để phá hoại đấu tranh của quần chúng, đánh lạc hướng họ vào ngõ cụt cải lương và hất cẳng họ. Ví dụ, trong nhiều cuộc biểu tình “Chiến đấu vì 15 dollar” ở Miami, đại đa số người tham gia là các nhà hoạt động được trả lương, nhân viên của các NGO, tổ chức cộng đồng (CBO), và các nhân viên công đoàn đang tìm kiếm thành viên tiềm năng. Tương tự, một số cuộc biểu tình Black Lives Matter ở Miami đã được các nhà hoạt động ăn lương lãnh đạo và khuếch trương, họ cần phải thể hiện rằng họ “đang tổ chức cộng đồng” để tiếp tục được nhận tài trợ.

Tổ chức sinh viên cũng kết nối với hoạt động NGO. Ở Iowa, một NGO “sức mạnh sinh viên” tích cực tác động tới các nhà tổ chức sinh viên, thúc giục họ thống nhất và kết hợp sức mạnh với những thanh niên cực đoan trong bang và khu vực, chỉ để trực tiếp kết nối họ với Đảng Dân Chủ với những thư điện tử như: “Tranh cử Thượng Nghị Sĩ Iowa là một trong những cuộc tranh cử dữ dội và chặt chẽ nhất đất nước hiện nay. PHIẾU BẦU CỦA BẠN LÀ QUAN TRỌNG VÀ CÓ THỂ TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT LỚN!” Sự kết nạp tổ chức sinh viên vào hoạt động cải lương đang rất lan tràn và trực tiếp được các nhà tư bản tài trợ.

Khi các cá nhân “thiếu tổ chức” bị phát hiện trong kiểu hoạt động này, họ sẽ bị vây lấy như miếng thịt tươi giữa bầy linh cẩu, ngay tức thì họ bị các nhà hoạt động ăn lương nuốt chửng, các nhà hoạt động phải đảm bảo hạn ngạch tuyển dụng để giữ công ăn việc làm. Tiếp theo anh sẽ thấy những người mới được tuyển dụng, họ mặc áo phông màu tím, đỏ, cam hoặc vàng chanh hay bất cứ màu đặc trưng nào của thương hiệu mà họ đã bị bán vào đó. 

Đây không phải là kiểu “tổ chức” mà George Jackson của Black Panther nghĩ đến khi ông thúc giục các nhà cách mạng đến với quần chúng để “đóng góp vào việc xây dựng cộng đồng, cơ sở hạ tầng, với bút và giấy tờ trên tay.”

Chủ nghĩa hành động đã bị tư bản hóa và chuyên nghiệp hóa. Thay vì tổ chức quần chúng để đấu tranh cho lợi ích của họ, NGO sử dụng họ cho lợi ích của bản thân. Thay vì xây dựng một phong trào quần chúng, NGO quản lý sự phẫn nộ của công chúng. Thay vì tạo ra sự cực đoan hay các chiến binh cách mạng, họ tạo ra các nhà hoạt động ăn lương thiếu hiệu quả cùng với sự đón nhận hỗ trợ thụ động. 

Các nhà tổ chức được trả lương không bao giờ là điều bình thường. Trước khi đấu tranh bị NGO hóa, những người cực đoan tổ chức đấu tranh theo quan điểm lợi ích của giai cấp công nhân quốc tế, theo lương tâm của chúng ta với khát vọng cháy bỏng đập tan kẻ thù và thay đổi thế giới.

Ngày nay, tổ chức không có sự bù đắp tài chính hầu như là một khái niệm xa lạ. Khi chúng ta đi phát tờ rơi – đúng vậy, chúng ta vẫn phát tờ rơi – người ta thường hỏi: “Tôi có thể kiếm được công việc này bằng cách nào?” Khi chúng ta trả lời rằng không được trả lương thì họ thường sẽ không tin.

Nội tại hóa tinh thần của NGO là phần lớn của lý do khiến sự đấu tranh cánh tả yếu. Giai cấp tư sản, thường xuyên cùng với sự trợ giúp của nhà nước, về mặt lịch sử đã rất thành công trong việc đàn áp cánh tả, đôi khi thông qua gián điệp và bạo lực như Chương trình COINTELPRO của FBI. Nhưng ngày nay sự đàn áp và trục xuất những người bất đồng chính kiến chỉ diễn ra đối với nhà hoạt động có ý đồ tốt với khẩu hiệu và hồ sơ trên tay. Nhà tư bản không cần cài gián điệp vào NGO bởi vì họ tài trợ cho chúng. 

2) NGO là công cụ của chủ nghĩa đế quốc.

Xâm lược quân sự hoặc đe dọa xâm lược vẫn đóng vai trò không thể thay thế trong việc hỗ trợ các nước đế quốc [1] trong việc thao túng và bóc lột tài nguyên cũng như lao động phụ thuộc toàn cầu. Nhưng chiến thuật “những dấu giày trên mặt đất” đang ngày càng trở thành giải pháp cuối cùng trong một chiến lược kiểm soát lớn hơn và phức tạp hơn, cũng như ít tốn kém và xáo trộn xã hội hơn.

NGO, giống như những nhà truyền giáo, thường tập trung vào một khu vực để chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu kinh doanh nông nghiêp, xưởng mồ hôi, khai thác khoáng sản và sân chơi cho du lịch. Trong khi các hoạt động quân sự hiện nay thường được coi là (ít nhất là đối với dân chúng trong nước) can thiệp nhân đạo, tính chất nhân đạo bề ngoài của NGO có vẻ như là đã biện minh cho chúng. Nhưng chúng ta cũng cần phải có một cái nhìn phê phán đối với những can thiệp của NGO, như chúng ta đã làm với các can thiệp quân sự. 

Haiti là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về việc NGO đồng lõa với sự áp bức của đế quốc. Nhiều người Haiti đã giới thiệu đất nước họ là “nước cộng hòa của NGO”, đã từng có 10.000 NGO ở đất nước này trước động đất năm 2010, số lượng NGO theo đầu người nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. 99% cứu trợ động đất được phân phối thông qua các NGO và các tổ chức đại diện khác, những kẻ này đã hành xử như đám kẻ cướp, bỏ túi hầu hết số tiền mà người dân trên khắp thế giới quyên góp với niềm tin ngây thơ rằng điều đó sẽ thực sự trợ giúp những cộng đồng bị thiên tai tàn phá.

Đây không phải là điều mới. Nhiều thập kỷ trước đây, USAID và Ngân Hàng Thế Giới đã áp đặt các chương trình kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu và “điều chỉnh cấu trúc” đồng thời ở Haiti và nhiều nơi khác. Thậm chí 20 năm trước đây, 80% số tiền của USAID đã quay trở lại túi của doanh nghiệp và “chuyên gia” Hoa Kỳ. Khi quá trình đã hoàn tất, NGO đã tiến hóa thành loại tổ chức thích hợp với sự tích lũy dưới dạng ăn bám, tư bản hóa và ăn bám vào sự nghèo khổ được tạo ra bằng “cứu trợ” ở giai đoạn đầu.

Ở nhiều nước lệ thuộc, các giám đốc NGO trở thành một bộ phận của tầng lớp tư sản quan liêu, sử dụng nhà nước như là nguồn tích lũy tư bản nguyên thủy. Trong 20 năm qua ở Haiti, nhiều người sáng lập và lãnh đạo NGO đã chiếm được các vị trí chính trị từ tổng thống tới bộ trưởng, hay nghị sĩ quốc hội, trong đó có Aristide, Préval và Michèle Pierre-Louis.

Chủ nghĩa đế quốc toàn cầu không chỉ tạo ra lý do cho NGO tồn tại, mà còn lôi kéo chúng một cách tích cực vào âm mưu thống trị của đế quốc [2]. Một ví dụ khác, vào năm 2002, các NGO đã sát cánh cùng Nhà Trắng, CIA và AFL-CIO để hậu thuẫn cho thứ mà James Petras gọi là “cuộc đảo chính quần chúng do quân đội, doanh nghiệp, công đoàn, giới quan liêu lãnh đạo” để lật đổ tổng thống dân cử Hugo Chavez ở Venezuela. Sau khi phong trào quốc nội đã khôi phục quyền lực của Chavez thành công, các NGO được Hoa Kỳ tài trợ đã hậu thuẫn cho một cuộc đình công do các giám đốc dầu mỏ tổ chức, cuộc đình công này chỉ bị đánh bại khi công nhân chiếm lấy ngành công nghiệp dầu mỏ. 

3) NGO thay thế những thứ mà nhà nước phải làm.

Các đại diện “cứu trợ” được các tổ chức tư bản/đế quốc tài trợ - doanh nghiệp, quỹ và G8 – đã chiếm lĩnh các chức năng chủ chốt của nhà nước tại các quốc gia lệ thuộc. Nực cười là chính những tổ chức xã hội đế quốc này lại yêu cầu những khoản cứu trợ phát sinh từ điều kiện của các khoản cho vay cắt cổ của đế quốc.

Việc “từ bỏ” chương trình xã hội do nhà nước điều hành ở cả các nước đế quốc cũng như các nước lệ thuộc không có nghĩa là nhà nước trở nên yếu đuối. Điều đó đơn giản có nghĩa là họ có thể dùng nhiều tài nguyên hơn cho sự xâm lược, đàn áp và tích lũy, cũng như ít tài nguyên hơn cho việc vỗ yên dân chúng, ngăn chặn sự bất mãn của quần chúng. 

Ở Banglades, các chương trình tài chính vi mô đã được khuếch trương là một công cụ bề ngoài để xóa bỏ nghèo đói, nhưng chúng có một tác động thảm họa. Khi mà nhà sáng lập của vi tài chính Muhammad Yunus và ngân hàng Grameen của ông ta nhận được giải Nobel cho việc tạo ra “sự phát triển kinh tế và xã hội từ bên dưới” thì thực tế là họ đã mở ra thị trường mới cho các ngân hàng ở khu vực nông thôn nghèo khổ, cùng lúc đó các nạn nhân của việc vay mượn phải bán nội tạng để trả lãi suất. Như nhà sử học Badruddin Umar đã khẳng định, “Mục tiêu chủ chốt của họ [chính quyền và đế quốc] trong chuyện này là duy trì sự nghèo khổ và đánh lạc hướng người nghèo ra khỏi đấu những tranh chính trị nhằm thay đổi các quan hệ cơ bản của sản xuất cũng như các quan hệ xã hội, những thứ tạo ra và duy trì điều kiện của sự nghèo khổ.” Jennifer Ceema Samimi đã viết rằng, ngay cả ở Hoa Kỳ, “Sự thoái hóa của chính quyền liên bang đã thể hiện ở sự phụ thuộc của chính quyền vào các tổ chức vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận để cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ, trong đó có dịch vụ chiến tranh.” Thực tế là 

Dân chúng lệ thuộc ở cả nước đế quốc và phụ thuộc ngày càng phải phụ thuộc vào các thiết chế từ nhà thương làm phúc tới ngân hàng thực phẩm cũng như hàng chục ngàn các tổ chức “xã hội dân sự” khác.

Chăm sóc y tế, thực phẩm, nước, nơi trú ngụ, giáo dục, chăm sóc trẻ em và các lao động có ý nghĩa là những yếu tố cần thiết căn bản của đời sống con người. Chúng phải là quyền, chứ không phải là quà tặng hay dự án được NGO tài trợ.

4) NGO hỗ trợ chủ nghĩa tư bản bằng cách phá hoại sự đấu tranh của giai cấp công nhân.

Một phần của lý do khiến NGO được tái tạo rất nhanh chóng, tại cả nước đế quốc và nước phụ thuộc, là chúng đã trở thành lựa chọn sống còn hàng ngày đối với những người thất nghiệp có bằng cấp với những khuynh hướng tiến bộ đang mò mẫm trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 

Thị trường lao động ngày nay, ngay cả đối với những thanh niên có kỹ năng và giáo dục, thực sự rất khốc liệt. Thực tế này, đi cùng với khủng hoảng gia tăng của chủ nghĩa tư bản về tính hợp pháp trong môi trường đang bùng nổ sự bất bình đẳng và sự áp bức, khiến cho NGO trở thành một triển vọng công việc hấp dẫn. Chúng đem đến một lối thoát, một cơ hội để có một công việc tốt, đặc biệt là cho giai cấp tiểu tư sản [3]. Ví dụ, ở Haiti NGO là nhà tuyển dụng lao động lớn nhất. Khu vực NGO cũng hấp dẫn giai cấp tiểu tư sản Hoa Kỳ như là một lựa chọn cá nhân để thoát khỏi sự bần cùng và đấu tranh giai cấp.

Nhiều người tốt nghiệp đại học, với bằng cấp về khoa học xã hội và nhân văn, đối mặt với các cơ hội tuyển dụng nghèo nàn và có ít sự lựa chọn về những công việc tốt. So với một công việc dịch vụ lương thấp, tuyển dụng của NGO là một viễn cảnh được chào đón. Một nhân viên trẻ của NGO thường nói, làm việc trong khu vực phi lợi nhuận được coi là công việc “đầy ý nghĩa”, làm việc không chỉ giúp tạo ra thu nhập mà còn thay đổi thế giới.

Bồi dưỡng cho thanh niên thành phố cách tư duy của Teach for America (TFA) thì hấp dẫn hơn là làm bánh sandwich ở Subway, nhưng tốt hơn cả là không nên nghĩ về cách thức mà công việc đó khiến cho những giáo viên trẻ đồng lõa với cái mà Glen Ford gọi là “nỗi ô nhục phản giáo dục kiểu doanh nghiệp” của đám phát xít TFA.

Việc đánh lạc hướng sự đấu tranh sang việc chống lại những tác động tiêu cực của chủ nghĩa tư bản thông qua NGO đã che dấu mâu thuẫn chủ chốt của chủ nghĩa tư bản, cụ thể là giữa tư bản và lao động. Tác động khủng khiếp của chủ nghĩa tư bản – áp bức, hủy diệt sinh thái, chiến tranh xâm lược, bóc lột, nghèo đói – không thể xóa sổ mà không xóa sổ nguyên nhân của chúng. Sự tái sản xuất và tích lũy tư bản bắt nguồn từ sản xuất giá trị thặng dư thông qua bóc lột công nhân trong quá trình lao động.

Trái lại, NGO nhấn mạnh nguyện vọng của giai cấp tiểu tư sản, thường bị trả giá thấp trong lưu thông của tư bản hơn là bị bóc lột trong sản xuất (như công nhân), đang bị tư bản thống trị nhưng không nằm trong quan hệ đấu tranh giai cấp căn bản (như công nhân). Do đó, khuynh hướng tự nhiên của tầng lớp tiểu tư sản, nhằm theo đuổi lợi ích giai cấp của họ, không phải là phá hủy chủ nghĩa tư bản mà là đấu tranh cho sự bình đẳng trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản. NGO là biểu hiện của điều đó. Giai cấp tư sản dựa vào họ để đàn áp đấu tranh của giai cấp công nhân và đánh lạc hướng đấu tranh của giai cấp công nhân vào chủ nghĩa cải lương, phá hoại những nỗ lực của công nhân trong việc thiết lập đảng chính trị và các công đoàn mang tính hợp tác.

Trên phương diện lịch sử, bất cứ khi nào giai cấp công nhân kêu gọi cách mạng, quyền lực mềm của giai cấp tiểu tư sản sẽ sẵn sàng bóp chết điều đó. Các nhà tư bản dựa vào giai cấp tiểu tư sản để hành động như là đại diện thừa hành bảo vệ sự thống trị của nhà tư bản đối với giai cấp công nhân. Đấu tranh cho một sự tiến bộ thực sự, những người cực đoan hay chiến sĩ cách mạng vốn là thành viên của tầng lớp tiểu tư sản đều phải thoát khỏi con đường đã bị áp đặt, từ chối một cách có ý thức vai trò đó, cũng như ngăn chặn việc bị lợi dụng – vô tình hoặc không – cho các mục tiêu phản động.

Một lưu ý về nhân viên  của NGO:

Bài báo này không thể hiện mối hoài nghi đối với sự chân thật của những người đang làm việc cho các NGO – nhiều người trong số họ thông minh, có ý định tốt đẹp, thực sự muốn tạo ra sự khác biệt. Công việc là hiếm hoi và thực sự là hấp dẫn khi tin rằng hai sứ mệnh này – phục vụ cho nhân loại đồng thời đảm bảo sự sinh tồn của bản thân – có thể kết hợp thành một, một hành trang đơn giản. 

Kém may mắn thay, đây không phải là câu trả lời. Một bài thơ Haiti nói: “Sự thống nhất của con gà và con gián chỉ diễn ra trong dạ dày của con gà” – anh không thể thay đổi hệ thống từ bên trong.

Nhưng rời bỏ cũng không phải là câu trả lời. Tất cả chúng ta đều bị cầm tù trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và đại đa số chúng ta bị buộc phải làm việc để sống. Chúng ta không thể chỉ đơn giản quyết định rời bỏ theo kiểu cá nhân. Cách duy nhất để thoát khỏi là tổ chức đoàn kết để đánh bại chủ nghĩa tư bản – hoặc là tất cả chúng ta cùng tự do hoặc là không ai cả. 

Mặc dù vậy, vào lúc này, chúng ta cần phải tránh nhầm lẫn hoạt động của NGO với sự tổ chức thật sự.

Chủ nghĩa tư bản sẽ không hỗ trợ chúng ta phá hủy nó – chúng ta thực sự phải trở nên hiệu quả trong việc xây dựng một phong trào quần chúng chống chủ nghĩa tư bản, các nhà tư bản sẽ làm bất cứ điều gì có thể để bôi nhọ, vô hiệu hóa, bỏ tù và thậm chí là giết hại chúng ta. Họ chắc chắn sẽ không trả lương cho chúng ta.

[Ghi chú: Bài báo này ban đầu được tạp chí Jacobin đặt hàng. Phiên bản đầu tiên, của Stephanie McMillan, có thể xem ở đây. Phiên bản hiện tại là của đồng tác giả - Vincent Kelley của đại học Grinnel tham gia dự án để bổ sung quan điểm và giúp chỉnh sửa bài bào theo yêu cầu của biên tập viên của Jacobin. Chúng tôi cố gắng làm điều đó mà không thay đổi nội dung. Yêu cầu của họ bao gồm việc làm cho ngôn từ bớt phi chính thống và “hàn lâm” hơn, đến mức mà cả hai chúng tôi đều nhận thấy rằng đó là nỗ lực nhằm tách giai cấp công nhân khỏi nội dung của bài báo (biên tập viên phản đối). Khi chúng tôi từ chối xóa bỏ những điều mà chúng tôi cho là điểm mấu chốt, Jacobin đã từ chối đăng bài báo này.]

Chú thích

[1] Chúng tôi sử dụng khái niệm chủ nghĩa đế quốc không phải để tạo ra một phân loại về “áp bức quốc gia dân tộc” nhằm biện minh cho chủ nghĩa quốc gia như là một phản ứng chính trị phù hợp với sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Trái lại, chúng tôi hiểu rằng chủ nghĩa đế quốc là một sản phẩm của khuynh hướng tiến tới tập trung và tích tụ tư bản. Căn bản nhất, chủ nghĩa đế quốc ngày nay đặc trưng bằng sự quốc tế hóa tư bản độc quyền, trong đó nước đế quốc – dưới dạng các nhà tư bản đa quốc gia – bóc lột giá trị thặng dư từ công nhân nước phụ thuộc, những người đó không hề kém “năng suất” hơn những công nhân ở nước đế quốc, nhưng, trái lại, sức lao động của họ bị bóc lột thậm tệ hơn so với công nhân ở nước đế quốc. Xâm lược quân sự, sự thống trị văn hóa và những khía cạnh khác của chủ nghĩa tư bản phụ thuộc vào quan hệ thống trị về mức độ bóc lột giá trị thặng dư. Trong các nước bị thống trị, đấu tranh giai cấp nội bộ giữa giai cấp công nhân và các giai cấp thống trị (tư sản quan liêu, các tầng lớp phong kiến) vẫn tiếp tục là mâu thuẫn căn bản, ngay cả khi sự phát triển nội tại của chủ nghĩa tư bản đã chịu nhiều tác động và quy phục chủ nghĩa đế quốc. Những chi tiết sâu hơn về chủ đề xin hãy xem tại http://koleksyon-inip.org/a-brief-definition-of-imperialism/

[2] Bằng thống trị, trong trường hợp này chúng tôi muốn nói rằng tác động của chủ nghĩa đế quốc đối với toàn bộ các nước phụ thuộc. Điều này bao hàm sự thấu hiểu về các tác động của chủ nghĩa đế quốc đối với tất cả các giai cấp bị thống trị ở nước phụ thuộc, bao gồm nhưng không giới hạn trong giai cấp công nhân. Việc lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc đòi hỏi phải có hoạt động quốc tế chống lại nước đế quốc – hiện nay là Hoa Kỳ - ở cả các nước ngoại vi trên toàn cầu cũng như các nước đang nằm dưới sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Phân tích về sự thống trị của đế quốc ở Haiti xin hãy xem tại http://koleksyon-inip.org/haiti-and-imperialist-domination/

[3] Chúng tôi sử dụng khái niệm tiểu tư sản không phải chỉ là sự đề cập đơn giản về “tầng lớp trung lưu”, trái lại là một mô tả chính xác mang tính phân tích về quan hệ độc đáo của giai cấp này đối với sản xuất. Tiểu tư sản không phải là những người tạo ra giá trị thặng dư (giai cấp công nhân) hay những người bóc lột và tích lũy giá trị thặng dư (giai cấp tư sản). Đây là một tầng lớp dao động, không phải là chủ chốt đối với sự tái sản xuất quan hệ sản xuất, buộc phải đứng về phía một trong hai giai cấp độc lập, lao động hoặc tư bản. Nhân viên NGO thường là một trong nhiều ví dụ về thành viên của giai cấp này và phải thừa nhận vị trí của họ như vậy để thúc đẩy đấu tranh của giai cấp công nhân hơn là giai cấp tư sản. Chúng tôi ủng hộ sự lãnh đạo của giai cấp công nhân không phải bởi vì bất cứ đặc quyền đạo đức nào của công nhân, trái lại là bởi vì sự thất bại lịch sử và hiện tại của những người tiểu tư sản cực đoan trong việc thúc đẩy các cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản. Thảo luận chi tiết hơn về chủ đề này xin hãy xem tại http://koleksyon-inip.org/greece/#more-495.

4 comments:

  1. Ở VN bây giờ có nhiều tổ chức từ thiện, rồi cơm 2 nghìn đồng v.v. những tổ chức như vậy cũng làm suy yếu tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Các tổ chức từ thiện ban đầu bao giờ cũng xuất phát sự thân ái với người nghèo khổ, bất hạnh, nhưng để hoạt động lâu dài thì chúng phải có nguồn tài trợ. Dưới sự ảnh hưởng của nguồn tài trợ chúng sẽ dần đi vào con đường phục vụ cho lợi ích của nhà tài trợ, người nghèo bị biến thành món hàng để kinh doanh. Mức độ sâu hơn nữa thì tổ chức từ thiện bị biến thành công cụ để kiểm soát người nghèo khổ. Quá trình này diễn ra chậm rãi và rõ ràng, bạn có thể quan sát thấy.

      Ví dụ nếu có doanh nghiệp nào làm ăn gian dối, người ta sẽ nói doanh nghiệp mỗi năm làm từ thiện cho người nghèo cả chục tỷ đồng, nên xử lý họ nhẹ tay không thì người nghèo mất nhờ. Hoặc khi ai đó đề xuất một chính sách không rõ ràng, người ta có thể nói rằng anh này làm từ thiện nhiều lắm, rất tốt với người nghèo, chính sách của anh ấy chắc chắn sẽ phục vụ cho người nghèo, hãy ủng hộ anh ấy.

      Một ví dụ về cách người nghèo khổ, bất hạnh bị biến thành món hàng kinh doanh là bạn có thể tìm theo từ khóa "charity tourism".

      Cơm 2000 hay cơm có thịt đều là do những tay sừng sỏ và có quan hệ rộng trong giới truyền thông tạo ra. Nếu bạn tìm hiểu sâu hơn về họ, bạn sẽ quan sát được con đường mà họ đi.

      Delete
    2. Vâng ạ, em cám ơn anh. Em hình dung thêm được mức độ cản trở tiến bộ của các tổ chức này rồi.

      Delete
    3. Neu hieu theo cach bac HSCL noi, thi to chuc tu thien cua vo chong Bill Gates thi the nao ah? Chau doc tu nhieu nguon, ho cung khong thich to chuc nay lam.

      Delete