Wednesday, September 16, 2015

Rủi ro đạo đức của chủ nghĩa tư bản

Giáo sư xã hội học người Mỹ Michael Schwalbe sử dụng khái niệm rủi ro đạo đức của kinh tế học để mô tả đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Đặc trưng hình thành từ sự bóc lột và trút gánh nặng sang vai người khác đã khiến phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trở thành trò lừa đảo bất tận. Dưới đây là bản dịch nội dung bài báo "The moral hazard of capitalism" của giáo sư Michael Schwalbe.

Hình minh họa: Khủng hoảng nợ cầm cố dưới chuẩn
Nguồn: Internet
Trong lĩnh vực bảo hiểm và tài chính, rủi ro đạo đức được cho là xuất hiện khi một bên tham gia hợp đồng hoặc giao dịch thoát khỏi gánh nặng rủi ro vì bên còn lại sẽ gánh chịu chi phí nếu mọi thứ trở nên tồi tệ. Ví dụ cổ điển được đưa ra là chính sách bảo hiểm chống lại thiệt hại hay tổn thất tài sản và do vậy khiến những người hưởng chính sách mạo hiểm với tài sản, do biết rằng hãng bảo hiểm sẽ trả hoàn toàn chi phí thay thế hay sửa chữa. Tránh rủi ro đạo đức được cho là mục tiêu của khấu trừ và đồng thanh toán. Nếu người được bảo hiểm phải gánh chịu một phần chi phí của hành vi mạo hiểm, họ sẽ ít mạo hiểm hơn và không bóc lột hãng bảo hiểm, logic tiếp tục như vậy.

Ý tưởng về rủi ro đạo đức thu hút được sự chú ý của công luận đương thời khi các phê phán về lĩnh vực ngân hàng sử dụng điều đó để giải thích sự sụp đổ tài chính năm 2008. Họ cho rằng, tự do hóa tạo điều kiện cho rủi ro đạo đức, dẫn đến hành vi mạo hiểm của tất cả những người tham gia đầy quyền lực của hệ thống.

Ngân hàng thương mại có động lực để tạo ra các khoản cho vay thế chấp mạo hiểm do việc dỡ bỏ đạo luật Glass-Steagall cho phép họ giải phóng toàn bộ rủi ro bằng cách bán những khoản cho vay này cho ngân hàng đầu tư. Ngân hàng đầu tư biến những khoản cho vay đó thành chứng khoán mua bán được trên thị trường và trả nhiều tiền cho các cơ sở đánh giá để các cơ sở này định mức rủi ro của chúng thấp, để bán chứng khoán cho các nhà đầu tư cả tin dễ dàng hơn. Nhiều nhà đầu tư xảo quyệt hơn đã mua bảo hiểm cho sự phá sản, khi nhận ra rằng nhiều chứng khoán dựa trên các khoản cho vay cầm cố này chỉ là giấy lộn. Lịch sử cứu trợ của chính quyền liên bang đối với các ngân hàng và hãng bảo hiểm là một lý do khác khiến họ tin rằng họ sẽ không phải gánh chịu khi toàn bộ kế hoạch sụp đổ. 

Tình hình thực sự phổ biến với rủi ro đạo đức. Mọi người chơi có tổ chức đều đặt cược vào kết quả là chi phí tiềm tàng của sự mạo hiểm khinh suất mà họ thực hiện sẽ được thanh toán bằng tiền túi của người khác. Đó thực sự là điều đã diễn ra, người mua nhà và người đóng thuế là những người phải thanh toán hóa đơn. Sự tự do hóa giúp cho điều này xảy ra là rất rõ ràng. Mặc dù vậy, theo một cách khác, sự sụp đổ tài chính không phải là trường hợp đặc biệt. Rủi ro đạo đức là dịch bệnh đặc trưng của chủ nghĩa tư bản; điều tiết chỉ giúp cho hệ thống không sụp đổ thường xuyên hơn.

Điều mà khái niệm rủi ro đạo đức chỉ ra là các thức sự can thiệp chính trị, pháp lý và kinh tế dẫn đến hành vi mạo hiểm, gây ra hay có nguy cơ thực sự, thiệt hại nghiêm trọng cho người khác. Chủ nghĩa tư bản chính là một nhóm sự can thiệp. Một số người mạo hiểm không phải bởi vì họ xấu xa. Hoạt động thông thường của chủ nghĩa tư bản là mời gọi, thúc đẩy, cho phép và thường xuyên ép buộc con người – những người kiểm soát tư liệu sản xuất và tài chính – hàng động theo cách thức sẽ gây ra thiệt hại lớn cho người khác hoặc khiến người khác phải gánh chịu nguy cơ thiệt hại lớn. 

Sự can thiệp chính trị, pháp lý và kinh tế có ý nghĩa quan trọng nhất – sự can thiệp xác định nền kinh tế tư bản chủ nghĩa – là sở hữu tư nhân và kiểm soát tư liệu sản xuất chủ chốt; kiểm soát tư nhân đối với đầu tư; tích lũy của cải bằng cách bóc lột giá trị thặng dư từ lao động của người khác. Những sự can thiệp này cho phép nhà tư bản có khả năng và động lực để hành động theo cách bất chấp đạo đức. Đây không phải giả thuyết tưởng tượng kiểu Marxist mà là điều mà chúng ta thấy diễn ra hàng ngày.

Chúng ta thấy chúng khi nhà tư bản lừa dối công nhân về tiền lương. Chúng ta thấy chúng khi nhà tư bản cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách từ chối trả tiền cho thiết bị an toàn và bảo vệ sức khỏe hay kiểm soát ô nhiễm, do đó mạo hiểm cuộc sống và sức khỏe của những công nhân trong nhà máy cũng như của tất cả ngững người sống ở cuối gió hay cuối dòng nước. Chúng ta thấy chúng khi nhà tư bản khai thác năng lượng hóa thạch ngày càng tăng theo cách liều lĩnh, gây rủi ro hoặc tạo ra các thiệt hại môi trường nghiêm trọng.

Đây không phải là những chiến lược sai lầm trong hệ thống của chủ nghĩa tư bản. Logic của chủ nghĩa tư bản đòi hỏi, đặc biệt là trong các lĩnh vực cạnh tranh của nền kinh tế, không chỉ tối thiểu hóa chi phí mà còn đẩy chi phi càng nhiều càng tốt ra bên ngoài và tập trung vào các doanh thu ngắn hạn. Điều mà logic đòi hỏi, hay nói theo cách khác, là sự lảng tránh trách nhiệm. 

Sự cưỡng bách phải vô đạo đức của chủ nghĩa tư bản cũng được thể hiện mỗi khi nhà tư bản hoặc đám tay chân của họ xuất hiện trước công chúng và nói dối – về hút thuốc lá gây ra ung thư, về tác động của thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cũng như các hóa chất công nghiệp khác đối với sức khỏe; về chất aerosol gây hại cho tầng ozon; về sự biến đổi khí hậu; về tình yêu sâu đậm của họ đối với trái đất. Hành động theo cách có trách nhiệm đạo đức đòi hỏi phải tìm kiếm và chấp nhận sự thật về động cơ và hậu quả hành động của con người. Nhưng sự thật là nhà tư bản không chỉ lảng tránh mà còn phủ nhận dữ dội bất cứ khi nào lợi nhuận và quyền lực của họ bị đe dọa. 

Mọi loại hình kinh tế bóc lột, bao gồm cả chủ nghĩa tư bản, được xây dựng dựa trên điều kiện về rủi ro đạo đức. Điều kiện này xuất hiện ngay khi mà con người bị hạ xuống thành phương tiện để đạt mục tiêu. Con người bị “hạ xuống” theo nghĩa này bởi vì giá trị của họ, trong mắt của kẻ bóc lột, chỉ là số lượng công việc họ có thể làm và giá trị có thể khai thác được từ họ. Thứ mà điều kiện này mời gọi là đối xử với con người như là những vật có thể thao túng được và xài một lần rồi vứt bỏ. Sự đối xử được thừa nhận là vô nhân đạo, nhưng sự thừa nhận về tính vô nhân đạo đó vẫn chưa được bình thường hóa. 

Các lãnh chúa trung cổ, chủ đồn điển và nhà tư bản, về mặt cá nhân, có thể tàn bạo nhiều hơn hoặc ít hơn đối với những người bị họ bóc lột lao động. Nhưng hành vi cá nhân không thay đổi đặc trưng của thể chế. Nếu như lợi nhuận của nhà tư bản sống sót phụ thuộc vào việc giá trị thặng dư bóc lột từ lao động của người khác, thì hắn phải thường xuyên cắt giảm chi phí lao động. Những thứ mà công nhân phải gánh chịu dưới chủ nghĩa tư bản – khó khăn kinh tế, thiếu sự tự chủ và kiểm soát, sự sỉ nhục trong công việc, tăng tốc, suy giảm kỹ năng, thất nghiệp định kỳ hay thường xuyên – bắt nguồn từ nguyên lý vận hành cơ bản đó.

Nhưng không chỉ có “công nhân” theo nghĩa hẹp phải gánh chịu hoặc bị đặt vào rủi ro bởi vì rủi ro đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Tất cả chúng ta đều bị nguy hiểm bởi chiến lược trút bỏ chi phí làm ô nhiễm môi trường hay làm hành tinh nóng lên. Tất cả chúng ta đều bị rủi ro bởi các sản phẩm không an toàn và hư hỏng. Tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương từ những phản ứng đối với nỗ lực bóc lột tài nguyên tự nhiên, lao động và thị trường các nước khác của nhà tư bản. Tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị tổn thương khi cơ sở hạ tầng công cộng suy tàn bởi vì chính quyền thiếu ngân sách do bị các nhà tư bản, những người chỉ tập trung vào làm giàu cho bản thân, sử dụng quyền lực chính trị để cắt giảm hoặc trốn thuế. 

Dĩ nhiên, tất cả những sự dễ tổn thương này không được phân bổ đều; những người dưới đáy của hệ thống giai cấp gánh chịu nguy cơ thiệt hại lớn hơn. Nhận thức được điều này và khát khao tránh khỏi sự tồi tệ bị hệ thống đánh bại là điều thúc đẩy cạnh tranh tiến thẳng đến xã hội tư bản. Điều này tạo ra điều kiện thứ cấp về rủi ro đạo đức: động lực để đối xử với những thành viên dưới quyền thuộc giai cấp bị bóc lột như những kẻ cạnh tranh cần phải đánh bại, hoặc như nguồn lực được sử dụng cho sự thăng tiến của bản thân. Về phần họ, nhà tư bản có động lực để gia tăng cạnh tranh, chỉ có thể thông qua rao giảng tàn nhẫn huyền thoại về sự thăng tiến, bởi vì nó chia rẽ và qua đó làm suy yếu giai cấp lao động. Một lần nữa chủ nghĩa tư bản lại cho thấy sự độc hại của nó đối với đạo đức, trong xu hướng thúc giục chúng ta coi người khác như là phương tiện hay sự cản trở mục tiêu của mình 

Quan điểm đối lập thường được tạo dựng dựa theo ý tưởng của Adam Smith. Trong cuốn sách The Wealth of Nations, Smith lập luận rằng các cá nhân làm việc vì lợi ích của bản thân, với sự dẫn dắt của bàn tay vô hình của thị trường, để gia tăng phúc lợi xã hội. Smith viết, “Không phải từ đạo đức của người hàng thịt, người nấu bia hay người thợ làm bánh mà chúng ta mong đợi bữa tối, mà từ sự quan tâm tới lợi ích riêng của họ”. Những thị dân kinh doanh có khuynh hướng làm giàu không phải là vấn đề quan trọng. Tuy vậy, kết quả là một xã hội thịnh vượng mà con người gắn kết chặt chẽ với nhau trong sự hài hòa, khi khát khao về thịt, bia và bánh mì của họ được đáp ứng đầy đủ. 

Lập luận của Smith có ý nghĩa khi áp dụng cho giao dịch giữa các tiểu thương thành thị và khách hàng của họ. Nhưng triết lý của ông thường sai lầm khi cho rằng lợi ích tiền tài ích kỷ không cần phải kiềm chế bằng những đức hạnh khác. Điều mà Smith hiểu, nhưng nhiều học trò hiện đại của ông không hiểu, là các thương nhân thành đạt phải có khả năng nhìn bằng con mắt của khách hàng và công nhận khát khao của họ không chỉ là thịt bò, bia hay bánh mì mà là sự đoàn kết với những người hàng xóm đáng kính và đáng tin cậy. Smith khẳng định sự đồng cảm với nhau, được củng cố bằng quan hệ cá nhân, đóng vai trò như là sự đánh giá về hành vi vô đạo đức tổng quát hơn. 

Những người ủng hộ trường phái đạo đức tư bản chủ nghĩa tham lam-là-tốt – nổi tiếng nhất là Milton Friedman – sẽ khiến chúng ta tin rằng luận điểm của Smith về tiểu thương thành thị ở năm 1776 cũng đúng với hành vi của các doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư khổng lồ phi nhân tính ở thế kỷ 21. Họ sẽ đánh đồng lợi ích tạo ra cuộc sống của người làm bánh với lợi ích giết chóc của nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm. Dĩ nhiên là khát vọng tốt đẹp về mặt kinh tế có thể thúc đẩy hành vi xây dựng. Nhưng với những điều kiện của rủi ro đạo đức đã thu được hiện nay, khát vọng do các thế lục doanh nghiệp thổi phồng lên ở quy mô mà Smith không bao giờ mơ tới đã biến thành thảm họa. 

Điều tiết chỉ là sự xoa dịu rủi ro đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Luật pháp có thể cấm các hành vi mạo hiểm thái quá đe dọa đến sức khỏe và an ninh kinh tế của người khác. Luật pháp có thể áp đặt các chế tài đủ nghiêm khắc cho những hành vi mạo hiểm khiến cho rủi ro trở nên quá đắt để mạo hiểm. Nhưng sự điều tiết hiệu quả phụ thuộc vào dân chủ; có nghĩa là nó phụ thuộc vào khả năng thường dân sử dụng chính quyền để hạn chế những thiệt hại tiềm tàng, hành vi ích kỷ của những tác nhân kinh tế thế lực. Đó là lý do khiến cùng những tác nhân – những người kinh doanh giàu có hiện nay – phản đối dân chủ kịch liệt ngoại trừ sự ủng hộ ngoài mặt. Nếu coi dân chủ là đức hạnh thì sự suy tàn không thể tránh khỏi của nó là một rủi ro đạo đức khác của chủ nghĩa tư bản khi tư bản tập trung hóa hơn và quyền lực hơn.

Nói ngắn gọn, hiện nay không có kết luận lạc quan nào cả. Điều kiện của rủi ro đạo đức là thành phần nền tảng của chủ nghĩa tư bản và hiện giờ chúng ta mắc kẹt với động lực và sự ép buộc về hành vi vô đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Hơn nữa, cố gắng sử dụng các điều tiết để giải quyết vấn đề buộc chúng ta phải chơi trò ném chuột, bởi vì nhà tư bản, có quyền lực bắt nguồn từ sở hữu và kiểm soát các tư liệu sản sản xuất chủ chốt của xã hội, sẽ luôn luôn tìm ra cách vô hiệu hóa hoặc lẩn tránh mọi kế hoạch và thực thi điều tiết mà chúng ta tạo ra. Mặt khác, nỗ lực hạn chế thiệt hại sẽ là cách thả lỏng cho nhà tư bản thấy rằng đáng để khai thác cơ hội. Trò chơi ném chuột có thể giữ họ khỏi phá nát mọi thứ như họ có thể làm. 

Thừa nhận rằng mức độ rủi ro đạo đức có thể hàm chứa trong sự can thiệp pháp lý, chính trị và kinh tế ít nhất cũng cho phép lạc quan trong dài hạn. Rủi ro đạo đức hàm chứa trong chủ nghĩa tư bản có thể tháo gỡ với một nền kinh tế dân chủ, không bóc lột. Nền kinh tế đó sẽ không đòi hỏi mọi người trở thành các vị thánh chủ nghĩa xã hội, luôn luôn đầy đủ khả năng đồng cảm như Adam Smith vẫn coi là cơ sở của đạo đức. Nó sẽ đòi hỏi, các thủ tục luật pháp, chính sách và ra quyết định trần tục hơn để phá bỏ sự ích kỷ, sự theo đuổi không giới hạn của cải và quyền lực. 

Đôi khi ngay cả những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản cũng công khai thừa nhận rằng nó là một trò chơi lừa đảo. Mặc dù vậy, nhiệm vụ lịch sử không phải là vạch mặt nó, việc đó sẽ không bao giờ kết thúc, mà là tạo ra một trò chơi bình đẳng hơn.

Michael Schwalbe is a professor of sociology at North Carolina State University. He can be reached at MLSchwalbe@nc.rr.com.

7 comments:

  1. Nói tới rủi ro, em lại nghĩ tới mấy cái món rủi ro tài chính mà mấy ông làm Toán tài chính hay nói tới (dù em không biết gì). Em muốn hỏi anh tẹo là mấy người làm Toán tài chính có tiếng ở châu Âu (tiếc là em không nhớ tên, ví dụ cách đây không lâu có một bà người Pháp làm về Toán tài chính ở mấy trường Paris có sang VN đọc bài giảng và nhiều người cũng quan tâm) có thật sự khách quan không ạ? Hay là họ cũng sẽ cố gắng đưa ra các mô hình toán học có lợi cho giới đầu tư đã trả tiền cho họ làm việc?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Quyền lợi là chuyện đương nhiên, không thì làm gì có ai trả tiền để làm. Bạn làm việc trong giới khoa học thì cũng biết là giới khoa học chính thống thật ra cực kỳ bảo thủ và bè phái, nhất là những chỗ lớn và nổi tiếng. Trong giới kinh tế học chuyện này cực rõ luôn, các trường đại học chỉ bổ nhiệm giáo sư kinh tế theo phái mình, mọi công trình nghiên cứu đều phải trích dẫn trước hết các cây đa cây đề của phái ấy, muốn đăng tạp chí khoa học cũng phải lựa báo nào có ban biên tập theo phái đó để gửi bài, sai phát là đi ngay. Thế nên khoa học không chỉ phụ thuộc vào tiền mà còn bị chi phối rất mạnh bởi trật tự hệ thống hiện tại nữa.

      Delete
    2. vâng ạ. Em cám ơn anh :D Nói thật là khi biết những điều này thì em thấy tinh thần thoải mái hơn lúc chưa biết.

      Delete
    3. Marx viết cái này năm 1843, khi thanh toán triệt để với ý thức hệ tư sản thời trẻ: ‘Criticism has torn up the imaginary flowers from the chain not so that man shall wear the unadorned, bleak chain but so that he will shake off the chain and pluck the living flower’.
      Ngày trước mình cũng chỉ hiểu vế đầu, sau một thời gian rất dài mới hiểu được vế cuối.

      Delete
    4. phải chăng nghĩa là : không nên chỉ dừng ở phê phán, mà cần phải hành động triệt để hơn?

      Em thì đọc câu khác của Marx: khoa học không phải là khoái lạc ích kỷ, trong cuốn Tiểu sử Các Mác.

      Delete
    5. Đúng là nhấn mạnh vào hành động đấy, "Sự phê phán đã xé nát những bông hoa tưởng tượng không phải để con người phải đeo mớ xiềng xích trần trụi, mà là để con người dứt đứt xiềng xích rồi hái đóa hoa hiện thực". Cái phần sau chính là cái phân biệt giữa tư tưởng vô sản và tư sản. Khoa học, tư tưởng, kiến thức cho dù có đúng có hay đến đâu chăng nữa mà không được dùng vào việc giải phóng con người khỏi những xiềng xích của xã hội tư sản thì đều là vô nghĩa.

      Delete
  2. Chủ nghĩa tư bản cơ bản đang đứng trên rủi ro, với sự suy thoái của hàng loạt nền kinh tế lớn, nhỏ trên thế giới. Sự rủi do đó cho tới này chưa tìm được lối đi nào thiết thực. Nó kéo theo hệ luy của bao nhiêu vấn đề đi cùng trong đó có đạo đức và văn hóa

    ReplyDelete